Căn cứ Luật kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12 ngày 29/3/2011



tải về 334.46 Kb.
trang1/4
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích334.46 Kb.
#9126
  1   2   3   4

BỘ TÀI CHÍNH




CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM







Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 157/2014/TT-BTC













Hà Nội, ngày 23  tháng 10 năm 2014

THÔNG TƯ

Quy định về kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán



Căn cứ Luật kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12 ngày 29/3/2011;

Căn cứ Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 ngày 29/6/2006 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán số 62/2010/QH12 ngày 24/11/2010;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 17/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật kiểm toán độc lập;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc tổ chức và thực hiện kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán, dịch vụ soát xét báo cáo tài chính, thông tin tài chính và dịch vụ đảm bảo khác theo quy định tại Khoản 1 Điều 40 Luật kiểm toán độc lập (sau đây gọi tắt là dịch vụ kiểm toán) của kiểm toán viên hành nghề và doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam.



Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Doanh nghiệp kiểm toán đang hoạt động tại Việt Nam, chi nhánh của doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp kiểm toán).

2. Kiểm toán viên hành nghề.

3. Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán.

4. Tổ chức, cá nhân thực hiện việc kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán.

5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.



Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Pháp luật và các quy định là những văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền ban hành; các văn bản do tổ chức nghề nghiệp, doanh nghiệp và tổ chức khác quy định không trái với pháp luật mà đối tượng được kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán phải tuân thủ.

2. Chuẩn mực nghề nghiệp bao gồm các chuẩn mực kiểm toán, chuẩn mực về dịch vụ soát xét, chuẩn mực về dịch vụ đảm bảo khác, chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp có liên quan.

3. Kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán là việc kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán và giám sát hoạt động kiểm toán của doanh nghiệp kiểm toán và kiểm toán viên hành nghề trên cơ sở các quy định và thủ tục do cơ quan có thẩm quyền xây dựng và ban hành nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp, pháp luật và các quy định có liên quan trong quá trình hoạt động.

4. Kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán là việc thực hiện các thủ tục để đánh giá về hệ thống kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán của doanh nghiệp kiểm toán và đánh giá chất lượng của các hợp đồng dịch vụ kiểm toán đã hoàn thành của doanh nghiệp kiểm toán và kiểm toán viên hành nghề.

5. Giám sát hoạt động kiểm toán là quy trình quản lý, xem xét và đánh giá thường xuyên việc tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp, pháp luật và các quy định có liên quan của doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1

KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ KIỂM TOÁN

Điều 4. Mục đích kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán

1. Đánh giá việc xây dựng, phổ biến và tổ chức thực hiện các chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng nội bộ của doanh nghiệp kiểm toán.

2. Đánh giá tình hình tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp, pháp luật và các quy định có liên quan trong việc cung cấp dịch vụ kiểm toán của doanh nghiệp kiểm toán và kiểm toán viên hành nghề.

3. Phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời những sai phạm được phát hiện qua công tác kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán.

4. Góp phần sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về kiểm toán độc lập đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán.

Điều 5. Nội dung kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán

1. Kiểm tra việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng nội bộ của doanh nghiệp kiểm toán.

2. Kiểm tra việc thực hiện các hợp đồng dịch vụ kiểm toán đã hoàn thành của doanh nghiệp kiểm toán và kiểm toán viên hành nghề.

3. Kiểm tra tính tuân thủ các quy định khác của pháp luật về kiểm toán độc lập và pháp luật có liên quan, bao gồm:

a) Việc đăng ký và duy trì điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán của doanh nghiệp kiểm toán;

b) Việc đăng ký và duy trì điều kiện hành nghề kiểm toán của kiểm toán viên hành nghề;

c) Việc thực hiện kiểm toán độc lập đối với đơn vị có lợi ích công chúng;

d) Việc thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề và các nội dung khác có liên quan.

4. Giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập và pháp luật có liên quan theo quy định tại Khoản 3 Điều này.

Điều 6. Hình thức kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán

1. Giám sát chất lượng dịch vụ kiểm toán và tình hình tuân thủ quy định pháp luật về kiểm toán độc lập

a) Đánh giá Báo cáo kết quả tự kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán hàng năm do doanh nghiệp kiểm toán gửi Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;

b) Đánh giá chất lượng báo cáo kiểm toán của doanh nghiệp kiểm toán thông qua báo cáo tài chính của các đối tượng bắt buộc phải kiểm toán gửi cho Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và cơ quan liên quan theo quy định;

c) Đánh giá việc tuân thủ các quy định về đăng ký và duy trì điều kiện hành nghề kiểm toán của kiểm toán viên hành nghề và điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán của doanh nghiệp kiểm toán;

d) Giám sát thông qua các báo cáo mà doanh nghiệp kiểm toán hàng năm gửi cho Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định và các thông tin khác thu thập được trong quá trình quản lý.

2. Kiểm tra trực tiếp chất lượng dịch vụ kiểm toán

a) Cơ quan có thẩm quyền (Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) thành lập Đoàn kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất tại các doanh nghiệp kiểm toán;

b) Kiểm tra dấu hiệu sai phạm về chất lượng dịch vụ kiểm toán đối với các doanh nghiệp kiểm toán và kiểm toán viên hành nghề;

c) Kiểm tra xác minh đơn thư, khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động kiểm toán độc lập.



Điều 7. Đối tượng được kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán

Đối tượng được kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán bao gồm:

1. Doanh nghiệp kiểm toán.

2. Kiểm toán viên hành nghề.



Điều 8. Phân công, phối hợp trong việc kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán

1. Doanh nghiệp kiểm toán và kiểm toán viên hành nghề chịu trách nhiệm tự kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán do mình cung cấp.

2. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm quản lý và tổ chức thực hiện kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán.

3. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán đối với các doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán.

4. Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức thực hiện việc kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán.

Điều 9. Trách nhiệm của các đơn vị trong việc kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán

1. Trách nhiệm của doanh nghiệp kiểm toán

a) Xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán để đảm bảo các hợp đồng dịch vụ kiểm toán đều được tiến hành phù hợp với chuẩn mực nghề nghiệp, pháp luật và các quy định có liên quan;

b) Hàng năm, doanh nghiệp kiểm toán căn cứ vào quy trình kiểm tra trực tiếp chất lượng dịch vụ kiểm toán quy định tại Điều 19 Thông tư này, chuẩn mực nghề nghiệp, pháp luật và các quy định có liên quan để vận dụng vào việc tổ chức tự kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán, có kế hoạch và biện pháp sửa chữa, khắc phục các tồn tại, sai sót phát hiện qua kiểm tra. Khi kết thúc công việc tự kiểm tra, doanh nghiệp kiểm toán lập Báo cáo kết quả tự kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán theo mẫu quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Chậm nhất là ngày 31/5 hàng năm, các doanh nghiệp kiểm toán phải gửi Báo cáo kết quả tự kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán cho Bộ Tài chính. Trường hợp doanh nghiệp kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán thì Báo cáo kết quả tự kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán phải được gửi đồng thời cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;

d) Ngoài việc gửi Báo cáo kết quả tự kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán nêu trên, các doanh nghiệp kiểm toán có trách nhiệm báo cáo khi có yêu cầu của Bộ Tài chính hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (sau đây gọi chung là cơ quan kiểm tra) về hoạt động kiểm toán độc lập.

2. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

a) Xem xét, đánh giá Báo cáo kết quả tự kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán để giám sát việc tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp, pháp luật và các quy định có liên quan của doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề;

b) Thông báo danh sách doanh nghiệp kiểm toán được kiểm tra trực tiếp chất lượng dịch vụ kiểm toán hàng năm cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán;

c) Huy động kiểm toán viên hành nghề và các chuyên gia có kinh nghiệm, chuyên môn phù hợp tham gia Đoàn kiểm tra và thành lập Đoàn kiểm tra tại các doanh nghiệp kiểm toán thuộc đối tượng kiểm tra của Bộ Tài chính;

d) Xây dựng, ban hành và cập nhật các tài liệu hướng dẫn kiểm tra để phục vụ cho việc kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán tại các doanh nghiệp kiểm toán thuộc đối tượng kiểm tra của Bộ Tài chính. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ kiểm tra cho các thành viên tham gia Đoàn kiểm tra do Bộ Tài chính huy động;

đ) Ra quyết định kiểm tra và tổ chức thực hiện việc kiểm tra trực tiếp tại các doanh nghiệp kiểm toán, ngoại trừ các doanh nghiệp kiểm toán đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực tiếp kiểm tra;

e) Lập Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra và Báo cáo tổng hợp các sai phạm phát hiện qua kiểm tra đối với các cuộc kiểm tra trực tiếp định kỳ tại các doanh nghiệp kiểm toán thuộc đối tượng kiểm tra của Bộ Tài chính;

g) Xử lý sai phạm qua kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật;

h) Theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các kiến nghị sau kiểm tra của doanh nghiệp kiểm toán và kiểm toán viên hành nghề thuộc đối tượng kiểm tra của Bộ Tài chính;

i) Tổ chức trao đổi, phổ biến, rút kinh nghiệm qua kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán hàng năm cho kiểm toán viên hành nghề và doanh nghiệp kiểm toán thuộc đối tượng kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán của Bộ Tài chính.

3. Trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

a) Xem xét, đánh giá Báo cáo kết quả tự kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán để giám sát việc tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp, pháp luật và các quy định có liên quan của doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán;

b) Đề xuất danh sách các doanh nghiệp kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán được kiểm tra trực tiếp chất lượng dịch vụ kiểm toán gửi Bộ Tài chính phê duyệt;

c) Huy động kiểm toán viên hành nghề và các chuyên gia có kinh nghiệm và chuyên môn phù hợp để tham gia Đoàn kiểm tra và thành lập Đoàn kiểm tra tại các doanh nghiệp kiểm toán thuộc đối tượng kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

d) Xây dựng, cập nhật các tài liệu hướng dẫn kiểm tra để phục vụ cho việc kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán tại các doanh nghiệp kiểm toán thuộc đối tượng kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ kiểm tra cho các thành viên tham gia Đoàn kiểm tra do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước huy động;

đ) Ra quyết định kiểm tra và tổ chức thực hiện việc kiểm tra trực tiếp tại các doanh nghiệp kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán trên cơ sở danh sách doanh nghiệp kiểm toán được kiểm tra đã được Bộ Tài chính phê duyệt;

e) Lập Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra và Báo cáo tổng hợp các sai phạm phát hiện qua kiểm tra đối với các cuộc kiểm tra trực tiếp định kỳ tại các doanh nghiệp kiểm toán thuộc đối tượng kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và gửi các báo cáo này cho Bộ Tài chính chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày kết thúc hoạt động kiểm tra trực tiếp tại các doanh nghiệp kiểm toán;

g) Xử lý các sai phạm phát hiện qua kiểm tra theo thẩm quyền quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Trường hợp vượt thẩm quyền phải báo cáo Bộ Tài chính để xử lý;

h) Theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các kiến nghị sau kiểm tra của các doanh nghiệp kiểm toán thuộc đối tượng kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;

i) Tổ chức trao đổi, phổ biến, rút kinh nghiệm qua kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán hàng năm cho kiểm toán viên hành nghề và doanh nghiệp kiểm toán thuộc đối tượng kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

4. Trách nhiệm của Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán

a) Cử cán bộ có kinh nghiệm và chuyên môn phù hợp tham gia Đoàn kiểm tra khi có yêu cầu của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;

b) Phối hợp với cơ quan kiểm tra xây dựng, cập nhật các tài liệu hướng dẫn kiểm tra trực tiếp chất lượng dịch vụ kiểm toán;

c) Phối hợp với cơ quan kiểm tra tổ chức tập huấn nghiệp vụ kiểm tra cho các thành viên tham gia Đoàn kiểm tra;

d) Phối hợp với cơ quan kiểm tra tổ chức trao đổi, phổ biến, rút kinh nghiệm qua kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán hàng năm cho kiểm toán viên hành nghề và doanh nghiệp kiểm toán;

đ) Thực hiện kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán đối với các hội viên của mình theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán;

e) Chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các kiến nghị sau kiểm tra của các đối tượng được kiểm tra là hội viên của Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán.

Điều 10. Chi phí kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán

1. Chi phí kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán do ngân sách nhà nước đảm bảo theo chế độ quy định.

2. Nội dung các khoản chi phí liên quan đến hoạt động kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán, bao gồm:

a) Các khoản chi công tác phí cho cá nhân tham gia Đoàn kiểm tra là cán bộ, công chức của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được thực hiện theo chế độ quy định.

Đối với các khoản chi cho thành viên Đoàn kiểm tra là cán bộ huy động từ Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề huy động từ doanh nghiệp kiểm toán và các đối tượng khác do Bộ Tài chính (hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) chi trả và áp dụng như chế độ quy định đối với cán bộ, công chức Nhà nước;

b) Các khoản chi phí có liên quan cho thành viên hội đồng chuyên môn để tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Tài chính trong việc xử lý các kiến nghị về báo cáo kiểm toán và chất lượng kiểm toán, về kết quả kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán;

c) Các khoản chi khác thực tế phát sinh có liên quan đến hoạt động kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo chế độ quy định.

3. Việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán các khoản chi cho hoạt động kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán được thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và văn bản hướng dẫn Luật ngân sách nhà nước.



Mục 2

KIỂM TRA TRỰC TIẾP CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ KIỂM TOÁN

Điều 11. Phạm vi, yêu cầu kiểm tra trực tiếp

1. Phạm vi kiểm tra trực tiếp định kỳ chất lượng dịch vụ kiểm toán:

a) Bao quát được các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ kiểm toán và các yếu tố cấu thành hệ thống kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán theo quy định của Chuẩn mực kiểm soát chất lượng số 1 (VSQC1);

b) Bao quát được các dịch vụ kiểm toán mà doanh nghiệp kiểm toán cung cấp;

c) Các hợp đồng dịch vụ kiểm toán được lựa chọn để kiểm tra phải là các hồ sơ kiểm toán đã phát hành báo cáo kiểm toán trong khoảng thời gian tính từ khi thành lập doanh nghiệp kiểm toán (đối với doanh nghiệp kiểm toán kiểm tra lần đầu) hoặc từ lần kiểm tra gần nhất đến thời điểm kiểm tra đồng thời có thể đánh giá được chất lượng dịch vụ kiểm toán của doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề;

d) Tài liệu kiểm tra bao gồm các tài liệu liên quan đến việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán của doanh nghiệp kiểm toán; tài liệu, hồ sơ kiểm toán; tài liệu kế toán; các chính sách liên quan đến nhân sự, Biên bản họp Hội đồng thành viên, kế hoạch của Ban Giám đốc doanh nghiệp kiểm toán và các tài liệu, hồ sơ khác có liên quan;

đ) Phạm vi kiểm tra không bao gồm các vấn đề không liên quan đến chất lượng dịch vụ kiểm toán và tính tuân thủ pháp luật về kiểm toán độc lập, pháp luật về chứng khoán của doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề.

2. Yêu cầu của quá trình kiểm tra trực tiếp chất lượng dịch vụ kiểm toán:

a) Tuân thủ các quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập, pháp luật về chứng khoán;

b) Đảm bảo tính độc lập về quyền và lợi ích giữa các thành viên Đoàn kiểm tra và Trưởng Đoàn kiểm tra với các đối tượng được kiểm tra;

c) Đảm bảo tính khách quan từ việc tổ chức thực hiện các nghiệp vụ kiểm tra đến việc đưa ra kết luận về kết quả kiểm tra;

d) Được tiến hành trên cơ sở tuân thủ các yêu cầu về bảo mật theo quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập, chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp có liên quan;

đ) Sau mỗi cuộc kiểm tra trực tiếp tại từng doanh nghiệp kiểm toán, Đoàn kiểm tra phải lập Báo cáo kết quả kiểm tra. Các nội dung đánh giá, kết luận về kết quả kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán phải trên cơ sở xem xét, đánh giá và xét đoán chuyên môn của các thành viên tham gia Đoàn kiểm tra và phải được nêu rõ ràng trong Báo cáo kết quả kiểm tra. Kết luận kiểm tra về hạn chế, sai sót của đối tượng được kiểm tra phải có đầy đủ bằng chứng thích hợp chứng minh.

Điều 12. Quyền và nghĩa vụ của đối tượng được kiểm tra trực tiếp

1. Quyền của đối tượng được kiểm tra

a) Thông báo bằng văn bản với cơ quan kiểm tra, Trưởng Đoàn kiểm tra khi có căn cứ cho rằng Trưởng Đoàn kiểm tra hoặc thành viên Đoàn kiểm tra vi phạm tính độc lập;

b) Giải trình, kiến nghị với cơ quan kiểm tra về những nội dung còn có ý kiến khác nhau trong kết luận kiểm tra của Đoàn kiểm tra.

2. Nghĩa vụ của đối tượng được kiểm tra

a) Phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho Đoàn kiểm tra thực hiện công việc kiểm tra;

b) Cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác, trung thực các tài liệu, thông tin cần thiết có liên quan đến nội dung kiểm tra theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 11 Thông tư này;

c) Bố trí kiểm toán viên hành nghề và những người có trách nhiệm liên quan làm việc với Đoàn kiểm tra;

d) Trao đổi với Đoàn kiểm tra về tình hình doanh nghiệp và giải trình, cung cấp thông tin về các vấn đề Đoàn kiểm tra yêu cầu;

đ) Ký báo cáo kết quả kiểm tra ngay khi kết thúc cuộc kiểm tra;

e) Thực hiện kết luận của Đoàn kiểm tra, thực hiện biện pháp khắc phục các sai sót, tồn tại được phát hiện trong quá trình kiểm tra.

Điều 13. Thời hạn kiểm tra trực tiếp

1. Kiểm tra định kỳ:

a) Kiểm tra ít nhất 3 năm một lần đối với doanh nghiệp kiểm toán thuộc đối tượng được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán;

b) Kiểm tra ít nhất 4 năm một lần đối với doanh nghiệp kiểm toán thuộc đối tượng được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng khác (không bao gồm các doanh nghiệp kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán);

c) Kiểm tra ít nhất 5 năm một lần đối với các doanh nghiệp kiểm toán không thuộc đối tượng quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này;

d) Trường hợp kết quả kiểm tra trực tiếp định kỳ chất lượng dịch vụ kiểm toán của doanh nghiệp kiểm toán có ý kiến kết luận chất lượng dịch vụ kiểm toán xếp loại 3 “Chất lượng dịch vụ kiểm toán không đạt yêu cầu” hoặc xếp loại 4 “Chất lượng dịch vụ kiểm toán yếu kém, có sai sót nghiêm trọng” thì doanh nghiệp kiểm toán đó sẽ được kiểm tra lại ngay từ 1 đến 2 năm sau đó.

2. Kiểm tra đột xuất:

Doanh nghiệp kiểm toán có thể được kiểm tra đột xuất khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có dấu hiệu sai phạm về kết quả dịch vụ kiểm toán hoặc có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực nghề nghiệp, pháp luật và các quy định có liên quan trong quá trình hoạt động và cung cấp dịch vụ kiểm toán;

b) Cung cấp hợp đồng dịch vụ kiểm toán có khả năng dẫn đến rủi ro kiểm toán lớn, thay thế cho hợp đồng dịch vụ kiểm toán do một doanh nghiệp kiểm toán khác cung cấp cho cùng một khách hàng mà không có lý do chính đáng;

c) Có tranh chấp lớn giữa các thành viên góp vốn hoặc biến động lớn về kiểm toán viên hành nghề của doanh nghiệp kiểm toán dẫn đến có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng dịch vụ kiểm toán của doanh nghiệp kiểm toán;

d) Có thông tin phản ánh, tố giác về hành vi cạnh tranh không lành mạnh để thu hút khách hàng hoặc làm tổn hại đến lợi ích của các doanh nghiệp kiểm toán khác.

3. Doanh nghiệp kiểm toán đã được kiểm tra đột xuất thì có thể không được tiếp tục kiểm tra định kỳ ngay trong năm đó hoặc kiểm tra định kỳ có thể kết hợp với kiểm tra đột xuất để xác minh những vấn đề nêu tại Khoản 2 Điều này.

Điều 14. Thời gian kiểm tra trực tiếp

1. Việc kiểm tra trực tiếp định kỳ chất lượng dịch vụ kiểm toán tại các doanh nghiệp kiểm toán được thực hiện vào quý III hoặc quý IV hàng năm. Trường hợp có sự thay đổi so với thời gian trên, Bộ Tài chính có thông báo cụ thể.

2. Thời gian cho một cuộc kiểm tra trực tiếp chất lượng dịch vụ kiểm toán tối đa là 07 ngày làm việc. Khi cần kéo dài thời gian cho một cuộc kiểm tra do vấn đề phức tạp, Trưởng Đoàn kiểm tra báo cáo với cơ quan ra quyết định kiểm tra xem xét, quyết định.

Điều 15. Tổ chức Đoàn kiểm tra

1. Cơ quan kiểm tra phải thành lập Đoàn kiểm tra cho từng cuộc kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp kiểm toán thuộc đối tượng kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán của đơn vị mình.

2. Thành phần Đoàn kiểm tra bao gồm Trưởng Đoàn kiểm tra và các thành viên. Số lượng thành viên tham gia Đoàn kiểm tra tùy thuộc vào quy mô của cuộc kiểm tra. Thành viên Đoàn kiểm tra được huy động từ Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán và các doanh nghiệp kiểm toán.

3. Thành viên Đoàn kiểm tra và Trưởng Đoàn kiểm tra phải có trình độ và kinh nghiệm theo quy định tại Điều 16 Thông tư này.

4. Thành viên Đoàn kiểm tra và Trưởng Đoàn kiểm tra không được tham gia kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp kiểm toán khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Là thành viên sáng lập hoặc góp vốn vào doanh nghiệp kiểm toán được kiểm tra;

b) Là thành viên trong Ban Giám đốc của doanh nghiệp kiểm toán được kiểm tra;

c) Có mối quan hệ lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp đáng kể với đối tượng được kiểm tra;

d) Có bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột (của mình hoặc của vợ hoặc chồng) có mối quan hệ lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp đáng kể với đối tượng được kiểm tra hoặc là thành viên Ban Giám đốc của doanh nghiệp kiểm toán được kiểm tra;

đ) Đã từng làm việc tại doanh nghiệp kiểm toán được kiểm tra và đã thôi việc tại doanh nghiệp đó mà thời gian tính từ thời điểm thôi việc đến thời điểm ra quyết định thành lập Đoàn kiểm tra chưa đủ tròn 24 tháng.



Каталог: upload -> lawdata
lawdata -> Điều Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 124/2008/NĐ-cp ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp như sau
lawdata -> Căn cứ Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2007 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2012
lawdata -> Công văn số 14635 tc-cđkt ngµy 13/12/2004
lawdata -> Của Chính phủ số 133/2005/NĐ-cp ngày 31 tháng 10 năm 2005 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2004/NĐ-cp ngày 30 tháng 3 năm 2004 về Kiểm toán độc lập
lawdata -> BỘ TÀi chính số: 143/2001/QĐ-btc cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
lawdata -> QuyếT ĐỊnh của thủ TƯỚng chính phủ SỐ 155/2004/QĐ-ttg ngàY 24 tháng 8 NĂM 2004 VỀ ban hành tiêu chí, danh mục phân loại công ty nhà NƯỚc và CÔng ty thành viên hạch toáN ĐỘc lập thuộc tổng công ty nhà NƯỚC
lawdata -> Căn cứ Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 ngày 14 tháng 11 năm 2008
lawdata -> QUỐc hội cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
lawdata -> BỘ TÀi chính số: 219/2013/tt- btc cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
lawdata -> BỘ TÀi chính số: 210/2009/tt-btc cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 334.46 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương