Cười là tiếng khóc !!!



tải về 89.98 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu13.10.2017
Kích89.98 Kb.
#33500
"Cười là tiếng khóc...!!!"



Bảo Huân

Nhớ xưa, năm 1960, nhà ở Bưu điện Rạch Giá. Hàng xóm, xéo bên kia đường, là nhà ông Trưởng ty Thủy sản. Đó là một gia đình trẻ vì có một đám 'xây lố cố', sàn sàn tuổi của tụi tui, 9,10 tuổi gì đó. Nhà có máy chiếu phim, tối hay rủ qua coi. Đông mới vui!

Lần đầu được coi phiếu phim 'chùa', không phải lội bộ đến rạp Châu Văn mua vé, đỡ tốn tiền mà vui hết biết luôn. Vì phim chiếu ngày xưa thơ ấu đó là phim của Charles Chaplin mà bà con mình thường gọi là Vua hề Sạc Lô.

Tắt đèn, máy chiếu phim chạy rè rè, hình ảnh hiện trên vách. Gần cả tiếng đồng hồ, tui cười 'ha ha, he he, hi hi, hắc hắc'... đến nỗi đứa em gái, cùng đi xem ké, phải đưa tay bịt mồm tui lại, để giữ phép lịch sự... dẫu gì cũng là nhà của người ta... He he!

Hồi xa xưa đó chẳng biết tên phim nầy là gì, sau nầy lớn lên mới biết đó là phim Modern Times (Thời Hiện đại).

Sạc Lô đóng vai một công nhân cầm cái mỏ lết vặn ốc trong một dây chuyền sản xuất máy móc. Cứ thấy ốc là đút mỏ lết vô vặn. Vặn riết nên bị ám ảnh! Ra đường thấy người đẹp nào mặc jupe, sau mông, hay trước ngực có đính vài ba cái nút to tổ bố, theo quán tính, ông xách mỏ lết rượt theo mà vặn...

Rồi để tiết kiệm thời giờ ăn trưa của công nhân, tăng năng suất lao động, (chủ hãng tư bản bóc lột mà), cho thử nghiệm cái máy đưa thức ăn ngay tới tận miệng, công nhân chỉ hả họng, thức ăn từ đĩa sẽ nghiêng, đổ vào miệng cho mình nhai, nuốt. Nào ngờ cái máy trục trặc giữa chừng! Thay vì nó ụp thức ăn vào miệng, nó nhô cao hơn, ụp thức ăn vào hai cái lỗ mũi.

Rồi tới món 'lai sét' (dessert), cái mô tơ quay tròn một trái bắp. Mới đầu máy tốt, quay chầm chậm, công nhân cứ hả miệng ra mà cạp. Sau chạm điện, máy quay vù vù đưa miệng vô cạp, hột bắp văng tứ lung tung...

Hết tuồng, bật đèn lên, mới hay phim trợt ra ngoài, rối nùi, muốn xem lại lần nữa.... nội cái phải ngồi cẩn thận cuốn lại, kẻo đứt là lần sau hết coi, mất chắc cũng cả tiếng đồng hồ nên đành tan hàng ai về nhà nấy... ngủ!

Sau nầy lớn lên, theo vận nước nổi trôi, đời lên voi xuống chó, lúc buồn quá, tui lại lôi trong ký ức hình ảnh vui thời thơ dại với Sạc Lô mà tiếp tục sống... vui!

Thưa đời Vua hề Sạc Lô thì trái ngược với đời tui 180 độ nha. Thuở nhỏ tui sướng, cưới vợ về... mới biết mùi tân khổ; còn Sạc Lô là từ nhỏ là ổng đã khổ, khổ miết, khổ hết biết như cái phim: A Dog's Life (Khổ như chó! 1918) .

Sạc Lô sinh ra trong nghèo khó ở London, thủ đô nước Anh năm 1889. Cha bỏ mặc gia đình, để mẹ ông chật vật kiếm tiền nuôi con! Không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập bấp bênh nên có lúc mấy mẹ con phải sống vất vưởng trên hè phố. Nghèo không đủ ăn đến nỗi ông đã hai lần bị gửi vào Trại Tế bần trước khi lên 9. Năm Sạc Lô 14 tuổi, mẹ ông phải vào Trại Tâm thần.

Sau nầy ông thuật lại người thầy đầu tiên dạy ông về diễn xuất là chính người Mẹ bất hạnh của mình!

"Khi còn bé, Mẹ thường làm trò cho con xem bằng cách ngồi bên cửa sổ và bắt chước cử chỉ người qua đường. Chính nhờ quan sát cách diễn xuất của Mẹ mà tôi học được không chỉ cách thể hiện cảm xúc bằng tay và nét mặt, mà nghiên cứu cả tính cách của con người!"

Sạc Lô, khi lên 5 tuổi, đã bắt đầu đi diễn những vở kịch vui khắp nơi để kiếm sống. Tháng 7 năm 1907, chàng trai 18 tuổi nầy đã trở thành một nghệ sĩ hài tài năng thực thụ.

Năm 1914, trong vai một người say rượu, ông mặc chiếc quần rộng thùng thình, áo chật, mũ nhỏ và giày to... thêm một bộ ria ở môi trên, nhỏ như mép cái bàn chải, làm tăng thêm tuổi mà không cần phải mắc công hóa trang thêm... cho già.

Chiếc mũ quả dưa, luôn đội, thể hiện lòng tự trọng, dù nghèo khó, vất vả, nhưng mình là người có văn hóa ứng xử; bộ ria thể hiện sự phù phiếm, muốn theo đuổi một chút lịch lãm của những người đàn ông thuốc giai cấp thượng lưu; cây gậy hướng đến sự đỏm dáng khi xuất hiện trước mặt người phụ nữ.

Nhân vật Tramp (Gã lang thang), ăn mặc đối chọi nhau như thế là một thương hiệu đặc thù của Sạc Lô, mà sau nầy có nhiều anh Hề khác bắt chước 'ăn theo'!

Tramp sống trong cảnh nghèo nàn, không nhà cửa và thường xuyên bị đối xử tệ bạc, những vẫn luôn tử tế và lạc quan đi về phía mặt trời lặn... để tiếp tục cuộc hành trình của mình.

(Tramp lịch sự đến nỗi khi vấp vào cái cây, anh lễ phép nhấc cái mũ ra để xin lỗi cái cây.)

Năm 1910, chàng thanh niên Sạc Lô cùng đoàn kịch lần đầu tiên lưu diễn sang Mỹ. Từ sân khấu kịch, ông bước qua lãnh vực điện ảnh! Phim câm, không lời thoại, chỉ có nhạc nền!

Chỉ cần mười năm sau, năm 1918, Sạc Lô đã nổi danh toàn thế giới.

Phim The Kid (Thằng nhóc) năm 1919, với sự diễn xuất của cậu bé 4 tuổi, Jackie Coogan, mang dấu ấn tuổi thơ, tái hiện lại thời niên thiếu vất vả của chính ông. Là sự pha trộn tuyệt vời giữa hài kịch và chính kịch.

City Lights, 1931 (Ánh đèn đô thị) đầy tính nhân văn, kể về tình yêu của Tramp dành cho một cô gái mù bán hoa (do Virginia Cherrill thủ vai) và nỗ lực của Tramp để kiếm tiền phẫu thuật mắt cho cô gái.

"Tôi quyết tâm tiếp tục làm phim câm... Tôi là một diễn viên phim câm và trong môi trường đó tôi là độc nhất và, nói không hề khiêm tốn giả tạo: tôi là bậc thầy!"

Dẫu tuyên bố như vậy, nhưng Sạc Lô cũng làm phim The Great Dictator, năm 1940 (Nhà Độc tài vĩ đại) có lời thoại, để chế nhạo Adolf Hitler, công kích chủ nghĩa phát xít đang hồi cực thịnh...

Chaplin và Adolf Hitler: ra đời cách nhau có 4 ngày, cả hai vươn lên từ nghèo khổ trở thành nổi tiếng thế giới! Nhà độc tài người Đức có kiểu ria mép bàn chải giống nhân vật Tramp.

Sạc Lô đã từng nói: “Khi lần đầu nhìn thấy Hitler, tôi nghĩ ông ta đã 'chôm' bộ râu mép bàn chải, hình ảnh của tôi, lợi dụng sự thành công của tôi”.

Danh vọng và giàu có nhưng đường tình duyên của Gã lang thang nầy cũng đầy trắc trở. Mãi tới 54 tuổi, 1943, cưới vợ lần thứ 4, ông mới tìm được một người bạn đời chung thủy và hào phóng tặng cho ông tới 8 đứa con.

Năm 1972, Sạc Lô được trao giải Oscar danh dự, thiên hạ đứng dậy, vỗ tay 12 phút liên tục, đó là tràng pháo tay lâu nhất trong lịch sử giải Oscar.

Sạc Lô nhận bằng danh dự Tiến sĩ Văn chương từ các trường Đại học Oxford và Durham; được Nữ hoàng Elizabeth II ban tước hiệp sĩ.

Sáng sớm ngày 25 tháng Chạp (lễ Giáng Sinh) năm 1977, ông mất tại nhà, sau khi mắc cơn đột quỵ trong lúc ngủ, thọ 88 tuổi.

Tới giờ, Sạc Lô vẫn được coi là 'kỳ quan của điện ảnh' không có ai thay thế nổi. Danh hài Bob Hope của Mỹ tán dương nồng nhiệt rằng: "Chúng ta may mắn được sống trong thời đại của ông.

Thưa ông bà mình thường nói: "Nhứt nghệ tinh nhứt thân vinh!" Quả không sai!

Nhưng đằng sau hào quang, danh vọng, tiền bạc như nước đó lại là cảnh ngộ trái ngang. Mới tréo cẳng ngỗng chớ!

Cười trên sân khấu, trong phim ảnh nhưng đời lại đầy nước mắt. Diễn viên hài lại là người buồn bã nhất(?!). Như ông Hề, Jerry Lewis, Mỹ, đã bị trầm cảm nặng đến nỗi nếu không phải vì hai đứa con thì ông đã tự kết liễu đời mình rồi.

Vui hết biết trên sân khấu nhưng đời thường bị ám ảnh bởi tuổi thơ là chuỗi ngày đau đớn. (Chính vì vậy mà Sạc Lô đối xử với những diễn viên nhí trong phim của ông rất là nhân hậu).

Họ pha trò để mua vui cho khán giả cũng là cách để thoát khỏi thực tại khổ đau, 'cười' vào số phận bi thương của chính mình.

Các nhà tâm lý học cho rằng: diễn viên hài giống với người bị bệnh tâm thần (lúc vui, lúc buồn khó đoán). Họ mang hai bộ mặt: trên sân khấu rất vui nhưng khi một mình lại buồn thôi hết biết.



Thưa quý độc giả thân mến, viết chuyện vui, đôi khi lòng tự hỏi lòng tui: hỏng biết mình có bị tâm thần nữa hay không?

Có độc giả nói: "Tui khoái người biết 'pha trò', khiến tui cười hí hí. Đi nhậu, dẫu tốn tới bao nhiêu tiền, đều là chuyện nhỏ, tui xin rất vui lòng móc xỉa ra, chu tất!" (Thưa xin cho tui số điện thoại nhe huynh!)

Vì cười rất cần cho cuộc sống; bởi nó giúp da mặt bớt nhăn, khỏi cần đi thẩm mỹ viện; mặt không phải lúc nào cũng đằng đằng sát khí, (Eo ơi sợ ơi là sợ!); cảm thấy thoải mái và yêu đời, sống lâu hơn để cười chớ phải hông?!

Do đó bà con mình xin cũng đừng ngạc nhiên khi thấy một thằng cha mặt mày xấu hoắc như tui chẳng hạn mà 'vớt' được một con thiên nga chớ không phải là vịt đẹt, đẹp như tiên.

Hỏi tại sao lại hi sinh đời em 'ưng' một đứa mà quỷ sứ thấy cũng phải giựt mình, lăn ra chết giấc... thì em cười 'he he' mà rằng: "Chẳng qua ảnh có óc hài hước, có duyên! Bữa nào hết tiền, hết gạo, hỏng có gì ăn, nghe ảnh 'tếu' là em cười hoài... quên luôn cơn đói! Phần ông bà mình cũng nói: "Một nụ cười mười thang thuốc bổ"; nên lấy ảnh, em hỏng phải tốn tiền mua vitamin! Nhưng quan trọng nhứt là cười làm mình sống dai vì em sợ chết sớm lắm bà con ơi!"

Thưa chính vì xã hội kim tiền, nhiều áp lực, căng thẳng cơm áo gạo tiền quá xá nên tụi mình cần nhiều chú Hề trong những vở kịch câm, trong công viên, trên đường phố, trong rạp xiếc để mang niềm vui lại cho đời!

Nhưng có cái nầy nhe! Xin quý anh chị Hề, nhứt là của Việt Nam mình, làm siêng chút đi, trau giồi nghề nghiệp, viết kịch bản cho hay, để mang lại cho nụ cười thâm thúy... Chớ đừng vô tình 'diễu dở' mang cho tui tiếng khóc nhe 'chư vị'!

Ôi lại nhớ xưa, có tuồng hát đem những người tàn tật ra mà 'diễu dở'.

Chàng rể không chân đứng, tưởng rằng không có vốn mần ăn sẽ nhờ bên vợ chăm chước giúp đỡ dùm; ai dè ảnh lại bị cụt chân...

Còn cô dâu không môi miếng, tưởng rằng em là người ít nói ai dè em bị sứt môi...

Rồi, lưng gù như Võ Đại Lang, đi bán bánh bao nuôi Võ Tòng khôn lớn, hay con Bảy tay cán vá...

Cười trên khuyết tật của người khác quả là 'tội ác' !

Rồi giả gái, (trời sanh em là con gái; buồn như lá cây thì có gì đâu mà cười chớ? Đừng có phân biệt giới tính nhe!).

Rồi đóng vai 'pê đê', những người đồng tính. Họ do trời sanh ra như vậy mà! Trong một hạt nhân nguyên tử có âm điện tử (electron), dương điện tử (proton) thì cũng có trung hòa tử (neutron) thế thôi!

Thì nỡ lòng nào đem họ ra mà nhạo báng, bêu rếu trong những cuộc tấu hài rẻ tiền... nhan nhản trong nước... lẫn lan ra tới hải ngoại.

Xin đừng 'đè' tui xuống mà thọc lét kiểu đó! Dơ lắm!

Thưa Vua hề Sác Lô! Tui xin cám ơn ông đã mang lại cho đời những nụ cười thâm thúy, pha trộn giữa bi kịch và hài kịch...



Ngàn lần cám ơn ông! Thank you! Mate! (Cám ơn Bồ tèo nhiều lắm đó nhe!)
đoàn xuân thu.

(242)

melbourne

tải về 89.98 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương