Chuyên ngành: Luật Kinh tế Mã số



tải về 263.13 Kb.
trang1/4
Chuyển đổi dữ liệu20.05.2018
Kích263.13 Kb.
#38864
  1   2   3   4
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

KHOA LUẬT
NGUYỄN NGỌC CƯỜNG

PH¸P LUËT VÒ QU¶N TRÞ NG¢N HµNG TH¦¥NG M¹I



ë VIÖT NAM

Chuyên ngành: Luật Kinh tế

Mã số: 62 38 50 01
TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC

HÀ NỘI - 2017
Công trình được hoàn thành tại:

Khoa Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. LÊ THỊ THU THUỶ
Phản biện 1:

Phản biện 2:

Phản biện 3
Luận án được bảo vệ tại Hội đồng chấm luận án cấp Đại học

Quốc gia tại Khoa Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội
Vào hồi………… giờ…..… ngày…… tháng……. năm 2017


Có thể tìm hiểu luận án tại:

- Thư viện Quốc gia Việt Nam

- Trung tâm Thông tin - Thư viện Đại học Quốc Gia Hà Nội

MỞ ĐẦU


1. Lý do chọn đề tài

Hệ thống các ngân hàng thương mại là trung tâm và là trụ cột của nền kinh tế quốc gia, thúc đẩy sự phát triển của tất cả các chủ thể khác trong nền kinh tế qua đó thúc đẩy sự phát triển của cả nền kinh tế. Mọi nền kinh tế muốn đạt được sự tăng trưởng bền vững đều phải dựa vào sự ổn định của toàn bộ hệ thống ngân hàng thương mại. Do đặc thù của ngành ngân hàng, sự ổn định của cả hệ thống ngân hàng phụ thuộc sâu sắc vào sự ổn định của từng ngân hàng thương mại đơn lẻ. Sự ổn định của mỗi ngân hàng thương mại đạt được khi ngân hàng đó được quản trị hiệu quả. Do vậy, quản trị ngân hàng thương mại đóng vai trò quan trọng đối với mọi nền kinh tế trong công cuộc tăng trưởng bền vững.

Nền kinh tế Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc sâu sắc vào hiệu quả quản trị ngân hàng thương mại. Nhận thức rõ được quy luật đó, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành đề án “cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dung giai đoạn 2011-2015”. Trong đó, đề án bao gồm 3 bước. Bước thứ ba là tái cấu trúc cơ cấu quản trị công ty ở các ngân hàng thương mại Việt nam. Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này, hàng loạt vụ việc bê bối trong lĩnh vực quản trị ngân hàng đã xảy ra. Ví dụ như vụ việc của Huỳnh Thị Huyền Như tại ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam [125], vụ việc của ông Phạm Công Danh tại Ngân hàng TMCP Xây Dựng[116], hay vụ việc của ông Hà Văn Thắm tại Ngân hàng TMCP Đại Dương. Các vụ việc nói trên không chỉ gây thiệt hại số tiền khổng lồ của xã hội, của người nộp thuế mà còn gieo rắc sự mất niềm tin vào hệ thống ngân hàng thương mại trong xã hội Việt Nam qua đó đe doạ đến sự ổn định của nền kinh tế và xã hội Việt Nam. Để xảy ra những vụ việc gây thiệt hại nghiêm trọng này có một phần trách nhiệm rất lớn ở những hạn chế của pháp luật về quản trị ngân hàng thương mại. Do vậy, cần phải có những nghiên cứu khoa học đánh giá pháp luật về quản trị ngân hàng thương mại ở Việt Nam hiện nay ra sao, đã phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam hay chưa, còn những điểm nào chưa hoàn thiện, phương hướng hoàn thiện, biện pháp hoàn thiện ra sao.

Hơn nữa, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu những năm 2007 đến 2009, thế giới đã có những cái nhìn mới về quản trị ngân hàng thương mại cũng như pháp luật về quản trị ngân hàng thương mại. Trên thế giới những năm gần đây đã xuất hiện rất nhiều những công trình khoa học nghiên cứu pháp luật về quản trị ngân hàng thương mại. Các công trình khoa học này chỉ ra những nội dung, yêu cầu mới đối với pháp luật quản trị ngân hàng thương mại. Có thể nói, pháp luật quốc tế về quản trị ngân hàng thương mại trong những năm gần đây đã có những phát triển, đột phá mới.

Vậy thì, trong bối cảnh toàn cầu hóa, pháp luật Việt Nam về quản trị ngân hàng thương mại phải thích nghi ra sao với sự thay đổi của pháp luật quốc tế về quản trị ngân hàng thương mại? Ở Việt Nam chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu một cách có hệ thống về pháp luật Việt Nam về quản trị ngân hàng thương mại đặt trong mối tương quan với sự phát triển của pháp luật quốc tế về quản trị ngân hàng thương mại trong những năm gần đây.

Do vậy, trên cơ sở nghiên cứu, học hỏi những kinh nghiệm của pháp luật quốc tế về quản trị ngân hàng thương mại, hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống lý luận về pháp luật quản trị ngân hàng thương mại, đánh giá thực trạng pháp luật về quản trị ngân hàng thương mại Việt Nam, đưa ra những định hướng, giải pháp góp phần hoàn thiện pháp luật về quản trị ngân hàng thương mại Việt Nam, nâng cao hiệu quả điều chỉnh pháp luật về quản trị ngân hàng thương mại, nhằm góp phần bảo vệ sự ổn định của nền kinh tế, xã hội nước nhà, nghiên cứu sinh đã chọn đề tài nghiên cứu có tên gọi “Pháp luật về quản trị ngân hàng thương mại ở Việt Nam”.

2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

Mục đích nghiên cứu của đề tài là: dựa trên cơ sở làm rõ những vấn đề lý luận về quản trị ngân hàng thương mại, pháp luật về quản trị ngân hàng thương mại và phân tích thực trạng pháp luật hiện hành của Việt Nam về quản trị ngân hàng thương mại, đề tài đề xuất phương hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về quản trị ngân hàng thương mại ở Việt Nam.

Để đạt được mục đích nêu trên, đề tài có nhiệm vụ cụ thể sau đây:

- Làm rõ những vấn đề lý luận về quản trị ngân hàng thương mại như: khái niệm, đặc điểm, các mô hình quản trị ngân hàng thương mại; vai trò của quản trị ngân hàng thương mại; chỉ rõ những điểm khác biệt của quản trị ngân hàng thương mại so với quản trị công ty nói chung.

- Làm rõ khái niệm, đặc điểm và nội dung của pháp luật về quản trị ngân hàng thương mại; những yếu tố ảnh hưởng đến pháp luật quản trị ngân hàng thương mại.

- Phân tích thực trạng pháp luật Việt Nam về quản trị ngân hàng thương mại, đặc biệt là nêu ra những ưu điểm và bất cập trong các quy định của pháp luật hiện hành về quản trị ngân hàng thương mại;

- Phân tích thực trạng áp dụng pháp luật về quản trị ngân hàng thương mại ở Việt Nam trong thời gian qua;

- Xác định phương hướng và đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về quản trị ngân hàng thương mại.



3. Đối tượng, phạm vi và phương pháp nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu chính của đề tài là pháp luật về quản trị ngân hàng thương mại ở Việt Nam. Ngoài ra, phục vụ cho việc nghiên cứu đối tượng chính nói trên luận án cũng hướng tới các đối tượng khác như: lý luận chung về quản trị công ty, quản trị ngân hàng thương mại và pháp luật về quản trị ngân hàng thương mại; pháp luật quốc tế về quản trị ngân hàng thương mại, pháp luật về quản trị ngân hàng thương mại tại một số quốc gia trên thế giới.



3.2. Phạm vi nghiên cứu.

Luận án xác định phạm vi nghiên cứu của đề tài như sau:

Thứ nhất, Luận án sẽ xác định thuật ngữ “quản trị” trong tên gọi của đề tài. Bởi vì thuật ngữ “quản trị” trong tiếng Việt được dùng trong nhiều ngành nghề lĩnh vực nên có nhiều cách hiểu khác nhau và gây khó khăn cho việc nghiên cứu, học tập. Ví dụ: thuật ngữ “quản trị” trong các cụm từ sau không mang cùng một ý nghĩa: “quản trị Nhà nước”, “quản trị doanh nghiệp”, “quản trị mạng máy tính”, “quản trị nguồn nhân lực”, “quản trị nguồn vốn” v.v… Do vậy, Luận án xác định thuật ngữ “quản trị” trong tên của đề tài được hiểu là “quản trị công ty”. Thuật ngữ này được gọi là “corporate gorvenance” trong tiếng Anh, và được gọi là “gouvernement d’entreprise’’ trong tiếng Pháp.

Thuật ngữ này cần được được hiểu như một thuật ngữ hoàn toàn khác với “quản lý công ty” mặc dù ranh giới giữa hai phạm trù này đôi khi không rõ ràng. Theo IFC Quản trị công ty tập trung vào các cơ cấu và các quy trình của công ty nhằm đảm bảo sự công bằng, tính minh bạch, tính trách nhiệm và tính giải trình. Trong khi đó, quản lý công ty tập trung vào các công cụ cần thiết để điều hành doanh nghiệp. Quản trị công ty được đặt ở một tầm cao hơn nhằm đảm bảo rằng công ty sẽ được quản lý theo một cách sao cho nó phục vụ lợi ích của các cổ đông.[60,15].

Thứ hai, đối với thuật ngữ “ngân hàng thương mại” trong tên gọi của đề tài, có một thực tế rằng “ngân hàng thương mại” tồn tại dưới nhiều hình thức pháp lý khác nhau như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên V.v… Tuy nhiên, pháp luật tại đa số các quốc gia trên thế giới đều quy định ngân hàng thương mại phải mang hình thức pháp lý là công ty cổ phần. Thực tế cho thấy số lượng ngân hàng thương mại mang hình thức công ty cổ phần áp đảo các ngân hàng thương mại mang hình thức pháp lý khác. Ngoài ra, về mặt lý thuyết, hình thức công ty cổ phần được xem là hình thức phù hợp nhất đối với các ngân hàng thương mại ngày nay và cả trong tương lai. Vì vậy, Luận án chỉ tập trung nghiên cứu các ngân hàng thương mại dưới hình thức công ty cổ phần hay còn gọi là các ngân hàng thương mại cổ phần.

Thứ ba, liên quan đến pháp luật Việt Nam về quản trị ngân hàng thương mại, các ngân hàng thương mại đầu tiên được thành lập vào năm 1988. Do vậy, Luận án sẽ lấy năm 1988 làm điểm khởi đầu cho quá trình nghiên cứu pháp luật Việt nam về quản trị ngân hàng thương mại. Các quy phạm pháp luật trước đó có liên quan đến ngân hàng thương mại không nằm trong phạm vi nghiên cứu.



4. Kết quả nghiên cứu và những điểm mới của luận án

4.1. Kết quả nghiên cứu

Luận án đã đạt được những kết quả nghiên cứu như sau:

Thứ nhất, luận án đã hệ thống hoá các kết quả nghiên cứu lý luận về quản trị ngân hàng thương mại và pháp luật về quản trị ngân hàng thương mại, trong đó nêu ra những vấn đề có liên quan đến hướng nghiên cứu của đề tài luận án mà các nhà khoa học đi trước đã giải quyết và chỉ ra những vấn đề chưa được giải quyết.

Thứ hai, luận án đã làm rõ thêm những vấn đề lý luận về quản trị ngân hàng thương mại và pháp luật về quản trị ngân hàng thương mại như: khái niệm, đặc điểm; vai trò của quản trị ngân hàng thương mại; các đặc trưng của quản trị ngân hàng thương mại so với quản trị công ty; các mô hình quản trị ngân hàng thương mại; khái niệm và nguyên tắc của pháp luật về quản trị ngân hàng thương mại; nội dung pháp luật về quản trị ngân hàng thương mại; những yếu tố chi phối đến pháp luật về quản trị ngân hàng thương mại.

Thứ ba, luận án đã phân tích thực trạng pháp luật về quản trị ngân hàng thương mại ở Việt Nam dưới cả hai phương diện: thực trạng quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật.

Thứ tư, luận án đưa ra những định hướng và đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về quản trị ngân hàng thương mại trong thời gian tới.



4.2. Những điểm mới của luận án

Luận án có những điểm mới như sau:



Thứ nhất, Luận án xây dựng, hoàn thiện hệ thống lý luận về quản trị ngân hàng thương mại và pháp luật về quản trị ngân hàng. Cụ thể như sau:

+ Xây dựng khái niệm quản trị ngân hàng, các đặc điểm,vai trò, nội dung của quản trị ngân hàng; Làm rõ vai trò của quản trị ngân hàng đối với tất cả các bên lên quan trong đời sống xã hội; Xác định các đặc trưng cơ bản của quản trị ngân hàng so với quản trị công ty.

+ Hoàn thiện lý luận pháp luật về quản trị ngân hàng thông qua việc làm rõ khái niệm đặc điểm của pháp luật về quản trị ngân hàng, xác định nội dung của pháp luật về quản trị ngân hàng thương mại; Làm rõ những yếu tố chi phối pháp luật quản trị ngân hàng thương mại; phân tích kỹ những đặc trưng của pháp luật quản trị ngân hàng thương mại so với pháp luật quản trị công ty.

Thứ hai, Luận án phân tích đánh giá thực trạng các quy định về quản trị ngân hàng hàng ở Việt Nam:

+ Phân tích thực trạng của các bộ phận chính trong nội dung pháp luật về quản trị ngân hàng trong đó tập trung vào những bất cập trong các quy định của pháp luật và trong thực tiễn áp dụng pháp luật ở Việt Nam. Trong quá trình phân tích, đánh giá có sự so sánh với pháp luật nước ngoài và các quy tắc quốc tế để có được nhận định khách quan và khoa học.



Thứ ba, Luận án đề xuất các giải pháp có căn cứ khoa học đề hoàn thiện pháp luật về quản trị ngân hàng ở Việt Nam:

+ Xác định rõ các yêu cầu đặt ra khi hoàn thiện pháp luật về quản trị ngân hàng đó là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội và hệ thống ngân hàng; đáp ứng được các tiêu chí hoàn thiện pháp luật đảm bảo tính đồng bộ, tình toàn diện,tính thống nhất, tính phù hợp, tính khả thi của hệ thống pháp luật.

+ Đề xuất các giải pháp cụ thể trên cơ sở giải quyết được những bất cập được phát hiện tại phần nghiên cứu thực trạng pháp luật. Đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiện quả thực hiện pháp luật.

5. Ý nghĩa khoa học và tính thực tiễn của đề tài

Luận án là công trình nghiên cứu chuyên sâu góp phần xây dựng hệ thống lý luận về quản trị ngân hàng thương mại và pháp luật về quản trị ngân hàng thương mại cũng như đánh giá tương đối toàn diện thực trạng pháp luật về quản trị ngân hàng thương mại ở Việt Nam hiện nay. Kết quả nghiên cứu của luận án có ý nghĩa khoa học và tính ứng dụng trong thực tiễn như sau: Một là, Luận án là cơ sở khoa học cho việc tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện lý luận về quản trị ngân hàng thương mại và pháp luật về quản trị ngân hàng thương mại theo hướng đi sâu phân tích từng nội dung của pháp luật quản trị ngân hàng thương mại. Hai là, Luận án là tài liệu tham khảo hữu ích để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu trong việc xây dựng, sửa đổi pháp luật hiện hành ở Việt Nam về quản trị ngân hàng thương mại. Ba là, Luận án là tài liệu nghiên cứu cung cấp kiến thức pháp lý về quản trị ngân hàng thương mại và pháp luật về quản trị ngân hàng thương mại phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học pháp lý ở Việt Nam. Bốn là, Luận án là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích đối với các Ngân hàng thương mại trong việc nâng cao hiệu quả quản trị ngân hàng thương mại, hạn chế tình trạng phá sản ngân hàng và khủng hoảng tài chính.




tải về 263.13 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương