Chuyện nước Pháp: Phát tiền gây ra cảnh náo loạn (Từ Nguyên)



tải về 74.91 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu13.05.2018
Kích74.91 Kb.
#38265

Chuyện nước Pháp: Phát tiền gây ra cảnh náo loạn (Từ Nguyên)












Từ Nguyên


Phát tiền gây ra cảnh náo loạn

Thanh niên xuống đường, biểu tình chống đối chính phủ? Không phải! Ðây là hậu quả của một vụ... hứa hẹn phát tiền trong phong bao để quảng cáo. Chuyện tưởng là “hấp dẫn, nóng sốt nhất của năm 2009” trở thành một vụ xáo trộn, đụng độ với Cảnh sát Dã chiến, phá hoại trong khu vực và tiếp theo là nhiều người bị bắt. Công ty phân phát tiền cho dù đã ra thông cáo đình hoãn... rồi đây sẽ bị ra tòa vì một chuyện... chưa làm mà đã gây ra cảnh xáo trộn trên công lộ.

Internet Mailorama, công ty của Pháp mua bán qua Internet, hoạt động đã lâu muốn có thêm khách hàng, hứa hẹn một chuyện hấp dẫn: phát 5,000 phong bao... cho khách qua đường, trong đó có chứa giấy bạc từ 5 Euro đến 500 Euro, tổng cộng là 40,000 Euro. Thay vì trả tiền cho các công ty quảng cáo, làm vậy cũng là một lối quảng cáo... thần sầu. Trước khi chiếc xe buýt hai tầng chạy tới khu vực ấn định với những người đẹp ngồi ở trong liệng những bao tiền qua cửa sổ, Cảnh sát Ðô thành đã ra lệnh ngưng. Chuyện quá nguy hiểm với sự tưởng tượng của các nhân viên công lực!

Vậy mà, từ sáu giờ sáng ngày 14 Tháng Mười Một, khu vực từ Ecole Militaire tới Champ de Mars, chỉ hai bước là tới chân Tháp Eiffeil, đã đông nghẹt người. Nhiều người tới từ ngoại ô xa xôi, tới từ đêm hôm trước, chờ đợi chiếc xe buýt hai tầng đi ngang. Họ tới đây vì không được biết có lệnh hoãn, hay không tin rằng chuyện này sẽ hủy bỏ. “Một diệu kế để giảm bớt người chờ đợi, bớt người chen chúc nhau chăng,” nhiều người nghĩ vậy.

“Chúng tôi là nạn nhân của sự thành công,” lời của người phụ trách chương trình quảng cáo này. Số tiền 100,000 Euro, thay vì phát ra nhiều đợt, sẽ gởi tặng hội từ thiện Secours populaires giúp người nghèo khó. Hơn 7,000 người đã chờ đợi cảm thấy như mình bị lường gạt. Họ bất bình và... anh hùng bèn nổi giận! Không muốn về tay không, nhiều người đã tấn công các cửa hàng chung quanh khu phố, đánh nhau với cảnh sát, đập phá những gì có thể đập phá được quanh khu vực. Nạn nhân là những chiếc xe hơi đậu hai bên đường!

Các chủ hiệu trong khu phố vội vàng quây store xuống, đóng cửa, dẹp hàng trong khi cảnh sát tăng cường để đối phó với tình hình. Bộ Nội Vụ, tòa đô chính cũng như Quận VII Paris loan báo trên đài phát thanh sẵn sàng đưa công ty quảng cáo ra tòa, đồng thời lặp lại rằng... ở nước Pháp, đem tiền phân phát là một hành vi... bất hợp pháp! Cảnh sát tòa Ðô chính đang nghiên cứu phương cách để đưa ra tòa theo hình sự hay dân sự. Những người xướng xuất không có gì phải lo sợ. “Việc làm này đã được phép, không có chi là bí mật còn được phép của tòa Ðô chính ngày 10 Tháng Mười Một. Công ty đứng ra tổ chức không có lỗi gì cả,” lời của luật sư của công ty Mailorama! (Le Parisien)



Ra đầu thú, tiền giấu ở đâu?

Chuyện xảy ra tuần trước và diễn tiến có vẻ bất ngờ! Toni Musulin, người lấy đi hơn 2 triệu trong số 11.6 triệu Euro của Banque de France trong xe của công ty Loomis khi chở về Lyon, đã ra đầu thú tại Monaco. Lúc đó là 12 giờ 15 sáng Thứ Hai, 16 Tháng Mười Một. Trong bộ áo quần màu đen nhàu nát, Musulin, cả tuần chưa cạo râu, đẩy cửa bót cảnh sát Monaco và nói với nhân viên công lực:

- Tôi là Toni Musulin đang bị cảnh sát lùng kiếm. Muốn ra đầu thú. Vừa nói vừa đưa thông hành.

Cảnh sát Monaco kể lại với nhà báo:

- Chúng tôi mời anh ta ngồi và thấy anh có vẻ... đói nên đem thức ăn nước uống cho anh ta. Chúng tôi coi giấy tờ và vui vẻ nói với anh ta rằng: Chúng tôi không có điều gì phiền trách, anh có thể tự do ra đi. Ðây là chuyện của anh là chuyện với nước Pháp. Muốn bắt anh, chúng tôi phải có án lệnh dẫn độ của nước Pháp gởi tới Monaco. Không phải việc của chúng tôi.

Toni Musulin tỏ vẻ lúng túng và như muốn giải quyết vấn đề một lần cho xong. Bèn yêu cầu cảnh sát Monaco đưa qua... biên giới để có thể trình diện với cảnh sát Pháp. Chuyện đó, cảnh sát Monaco sẵn sàng làm, giúp Musulin... trút được gánh nặng. Cảnh sát Pháp cũng đang chờ đợi.

Cuộc đời của Toni Musulin ngoài mặt không có chi là ly kỳ. Gốc người Serbe, 39 tuổi cao 1.80 thước, 100 kí lô, tóc cắt ngắn, mắt xanh lương tháng 2,000 Euro, thường lái moto tới phòng tập thể dục. Mặt trái của cuộc đời: lái xe Ferrari trị giá gần 100,000 Euro có mười trương mục ngân hàng, chuyện ít ai biết đến, cho tới ngày được cảnh sát điều tra. Anh khai là chiếc Ferrari bị mất cắp nhưng cảnh sát điều tra biết rằng anh ta đã đem về Ðông Âu khi trở qua bằng xe khác.

Không ai biết anh ta tới Monaco từ lúc nào nhưng chiếc xe moto hiệu BMW 800ST để lại bên vệ đường. Bạn bè cầu mong anh cao chạy xa bay với gói bạc, và nay anh phải đang ở trong khách sạn hạng sang hay trên bờ biển của một đảo hoang vắng nào đó. Anh lại ra đầu thú. Hay anh ta tính kỹ hơn: sau ba năm tù ở, có thể vì ngoan ngoãn sẽ được giảm, và khi ra có tiền mà tiêu?

Tiền để đâu, cho tới giờ này chưa ai biết vì anh ta không chịu khai. Cảnh sát cũng phải là tay vừa, đâu có dễ gì vào bẫy của anh ta giương ra! Vậy thì câu chuyện mới chỉ là bắt đầu...

Liên Hiệp Âu Châu

Herman Van Rompuy, tân chủ tịch

Dáng dấp giáo sư đại học, tóc trắng và kiếng trắng, người Bỉ tên là Herman Van Rompuy (đọc là “rommpeuil”) ít ai biết đến vừa được bầu chủ tịch Liên Hiệp Âu Châu, (Président du Conseil Européen). 62 tuổi được ca ngợi khôn ngoan và khéo léo trong việc giải quyết các tranh chấp. Khi nhậm chức thủ tướng sáu tháng trước đây, người Flamands và Wallons họp lại thành nước Bỉ đã thề không đội trời chung. Ông đã hóa giải cuộc tranh chấp, nước Bỉ lập được chính phủ sau bao nhiêu tháng bế tắc. Lần này lại mất ông này, nước Bỉ chưa biết tính sao đây.

Trong buổi dạ tiệc ngày 19 Tháng Mười Một tại Bruxelles, nguyên thủ hay thủ tướng 26 nước bầu ông vì biết rằng danh tiếng của ông không đến nỗi lấn lướt đại diện của các nước nhỏ cũng như các nước lớn trong Liên Hiệp Âu Châu. Ông có nhiệm kỳ 2 năm rưỡi (30 tháng) thay thế chủ tịch luân phiên sáu tháng một lần giữa 27 nước trước đây để thúc đẩy công việc của LHAC cũng như đại diện cho 27 nước trên trường quốc tế.

Cùng một lúc, bà bá tước Catherine Ashton người Anh được LHAC bầu vào chức Cao Ủy Trưởng Ngoại Giao (hay ngoại trưởng), với nhiệm kỳ 5 năm. Bà đang là ủy viên thương mãi của LHAC, từng là chủ tịch Viện Quý Tộc của Quốc Hội Anh. Từ nay bà sẽ là người phối hợp hoạt động ngoại giao của 27 nước Âu Châu, (dưới tay bà có chừng 5,000 nhà ngoại giao của 27 nước), đồng thời là phó chủ tịch của Ủy Hội Âu Châu, là cơ quan hành pháp của LHAC.

Các chức vụ mới này là do Thỏa ước Lisbonne, như là hiến pháp của LHAC, đặt ra thay thế quy chế trước đây trù liệu cách điều hành của thế kỷ trước, không còn thích hợp với số thành viên đông đảo như hiện nay (27 nước).

Cơ cấu của Liên Hiệp Âu Châu: Hội đồng Âu Châu (Conseil Européen) gồm nguyên thủ hay thủ tướng 27 nước đề cử Chủ tịch hội đồng (nhiệm kỳ 30 tháng) và Ngoại trưởng nhiệm kỳ 5 năm. Ủy Hội Âu Châu (Commission Européenne) gồm 27 ủy viên trong đó gồm cả một chủ tịch và một phó chủ tịch (phó chủ tịch là Ngoại trưởng vừa được đề cử) tất cả với nhiệm kỳ 5 năm. Nghị Viện Âu Châu (Parlement Européen) gồm 736 dân biểu bầu theo lối phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 5 năm sẽ phê chuẩn các quyết đinh bổ nhiệm trên đây.

Người Pháp quyền thế nhất thế giới: Jean-Claude Trichet, chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu, theo Tạp chí Forbes của Hoa kỳ. Ông ta được xếp hạng thứ 25 trong một danh sách gồm có 67 nhân vật thế giới biết đến. Tổng Giám Ðốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (FMI) Dominique Strauss-Kahn xếp hạng thứ 47, chủ tịch tổ hợp LVMH Bernard Arnault được xếp hạng thứ 52. Tổng thống Cộng Hòa Pháp, Nicolas Sarkozy được xếp hạng thứ 56. Ðứng đầu danh sách là Tổng Thống Hoa kỳ Barack Obama, chủ tịch Trung Hoa Hồ Cẩm Ðào và thủ tướng Nga, Vladimir Poutine xếp theo thứ tự: nhất, nhì và ba.

Nước Pháp năm 2009

Tuần trước Viện Thống Kê công bố một vài con số cho biết vài điểm đặc biệt của nước Pháp trong năm 2009. Ðại khái, dân chúng ít đi lại, người giàu, giàu hơn, người già làm nhiều mà lương ít, một số nghề vẫn dành cho các ông.

Mỗi ngày trung bình một giờ đi lại: Dân Pháp di chuyển hằng ngày trong khu vực khoảng 80 cây số trở lại và để ra mỗi ngày một giờ dành cho việc di chuyển. Số người dùng xe hơi không tăng nhưng người có xe hơi đi nhiều hơn, ngay cả những người đã về hưu cũng đi xe nhiều hơn mấy năm trước.

Lương cao ở Pháp: 215,600 Euro một năm. Ðó là lương của 133,000 người, vào khoảng 1% của số người đi làm tại Pháp. 87% là của các ông. Trong khi số trung bình lương của người Pháp tăng vào khoảng 0.65%, số lương của những người này tăng 3% mỗi năm. Vì vậy mà người lương cao càng được thêm nhiều hơn.

32% gia đình nước Pháp được coi là nghèo. Số người được xếp hạng “nghèo” giảm từ 11.9% xuống 11.5% nhờ biện pháp trợ cấp mới của chính phủ (RSA). 10% gia đình nghèo nhất trung bình gia đình lãnh được 1,360 Euro.

Lứa tuổi 18 đến 25 của năm nay học ít giờ hơn cùng lứa tuổi 10 năm trước: Nếu trước đây học 19 năm thì nay 18.6 năm, không giảm nhiều. Số người trong một lứa tuổi có bằng tú tài giống nhau: 63.8% nhưng nay 50% số người có tú tài có một trong hai người cha hay mẹ không có bằng tú tài.

62% học sinh lớp sáu, 49% học sinh tú tài, 24% đỗ tú tài có hạng và 15% học sinh lớp chuẩn bị vào trường cao đẳng có cả cha lẫn mẹ không có bằng tú tài.

Số người nhập tịch năm 2008: Quốc tịch gốc Maroc 13,674 người, Algérie 12,439 Tunisie 4,436, Thổ Nhĩ Kỳ 3,333, Bồ Ðào Nha 2,669, Nga 2,188, Serbie 1,937, Congo 1,633, Sénégal 1,278 Haiti 1,121, Côte d'Ivoire 1,094, Cameroun 1,052, Sri Lanka 904, Congo (Cộng Hòa Dân Chủ) 895 và Liban 789 người. Tuổi trung bình của người mới nhập tịch: 39.8, 59.8% có việc làm, số còn lại: 9.8 sinh viên, 7.6 thất nghiệp, 3.7% hưu trí.

Nước Pháp chấp nhận cho di dân nhập tịch nhiều nhất trong số các nước Âu Châu. Trong số 4.5 triệu dân di trú trên đất Pháp, 41% đã được cấp phát quốc tịch, con số tương đương với Hoa Kỳ, theo lời của chuyên viên trong Viện Thống Kê.

Thêm một vài con số: tuổi thọ của các bà 84.3 năm. Lương trung bình trong lãnh vực tư. 24,016 Euro một năm, 14% là số người làm việc ngày Chủ Nhật so với tập thể đi làm. 598.1 tỷ: số tiền nhà nước trợ cấp cho dân chúng. 7.810 Euro, phí tổn giáo dục cho một em học sinh. Từ 15 đến 64 tuổi số người làm việc chiếm 70%. Các gia đình tiết kiệm 15.3% lợi tức của mình.

Số các bà hành nghề luật: 50% (không gì phải thắc mắc). Trong ngành thuốc hay y tế nói chung, chỉ có 48%, kỹ sư và các ngành kỹ nghệ chỉ có 19%.

67,000 số tối thiểu xí nghiệp phá sản, ngưng hoạt động từ đầu năm cho tới nay, so với năm cao nhất là 64,500 (năm 1993) theo tài liệu của Euler Hermes SFAC. Năm tới, dự đoán 68,600 công ty sẽ bị lâm vào cảnh này.

Ðiện lực của Pháp giảm: Bình thường, Pháp là nước xuất cảng điện trong Tháng Mười. Lần đầu tiên từ Mùa Ðông 1982-1983, Pháp thiếu điện, theo Réseau de transport d'électricité, chi nhánh của Ðiện lực Pháp EDF.

Trong cuộc sống

Trừng phạt trẻ em

“Thương cho roi, cho vọt!” Câu tục ngôn này từ lâu không còn được áp dụng, đặc biệt tại hải ngoại. Một bà dân biểu Pháp vừa đệ nạp một dự luật cấm bạo hành với trẻ em, cho dù một cái tát tai hay đét đít vì đứa nhỏ... không nghe lời hay hỗn láo. Phạt bằng phương cách đó sẽ bị cấm nếu như bản văn này biến thành luật và có thể bị phạt nếu có người thưa cảnh sát.

Thật sự cho tới nay luật của Pháp không cấm... roi, vọt hay tát tai, đét đít để sửa trị con nhỏ. Nhà làm luật gọi đó là quyền sửa trị của cha mẹ (droit de correction) đối với con cái. Từ năm 1994, luật Pháp cấm những bạo hành gây thương tích cho trẻ em. Trong lớp học, theo thông cáo của Bộ Giáo Dục, nhà nước cấm các cô, thầy không được đánh học trò.

Ở Âu Châu 18 nước đã có luật cấm tát tai con nít, Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha là hai nước mới đây nhất vừa có luật cấm. Thụy Ðiển là nước có luật này đầu tiên, năm 1979. Tuy nhiên, trong 30 năm chỉ có một người cha bị tòa kết án và bị phạt 100 Euro.

Người Pháp thấy cần giữ lại quyền của cha mẹ. 87% cho biết từng tát tai con nhỏ và 53% chống lại sự cấm đoán hành vi này (theo cuộc điều tra từ năm 2007).

Sức khỏe

14 Tháng Mười Một: Ngày của bệnh Diabete

Ngày 14 Tháng Mười Một mỗi năm, thế giới vận động chống lại bệnh diabète. Nhân dịp này nhiều cuộc diễn thuyết triển lãm đã tổ chức tại một số các bệnh viện. CNP tiếc rằng không biết trước để giới thiệu cùng bạn đọc tham dự để hiểu thêm về bệnh này, mà số người mắc phải ngày càng tăng.

Sau đây, xin trích dịch một bài viết trên tuần báo Femina.

Tại sao có bệnh diabète? Có phải vì ăn nhiều đường, hay thận yếu? Không, vì lá lách không còn làm việc bình thường nữa.

Người bị diabète là vì lượng đường trong máu cao hơn bình thường (hyperglycémie) nhưng không phải vì ăn đường nhiều mà sinh ra bệnh này. Người ta thường nghĩ rằng do từ thận yếu, nhưng thật sự bệnh này làm cho thận yếu, vậy thận yếu là hậu quả của bệnh diabète chứ không phải nguyên nhân gây ra bệnh.

Nguyên nhân là vì lá lách không tiết ra đủ kích thích tố (hormone) gọi là insuline để đưa đường (glucose) vào các tế bào của cơ thể. Nếu không đủ insuline, đường tụ lại trong cơ thể làm hại tới một số bộ phận khác đặc biệt là thận, gan và mắt.

Có bao nhiêu thứ diabète? Có hai thứ, loại 1 và loại 2. 10% của số bệnh diabète là loại 1, nguy hại đến hệ thống miễn dịch trong người, thường là mắc bệnh thuở thiếu thời. Do đó lá lách bị hư hỏng. Những người này phải chích insuline mỗi ngày. Loại 2 là một bệnh, bệnh kinh niên (maladie chronique). Bệnh loại này lại không lệ thuộc vào chất insuline, vì không nhất thiết phải chích insuline như trường hợp các bệnh nhân loại 1.

Loại 2 thường xảy ra sau tuổi 50 và biết tới khi đã có biến chứng. Vì vậy nên thử máu hằng năm để biết lượng đường trong máu. Nếu hai lần thử máu, thấy kết quả cao hơn 1.26 g/l: bị bệnh diabète. Những người trẻ vẫn có thể bị bệnh này, vì di truyền hay vì một lý do nào khác.

Những triệu chứng báo trước: thấy khát nước thường trực, đi tiểu nhiều lần, mệt mỏi, sút cân cho dù ăn nhiều hay thường bị nhiễm độc. Nước Pháp có chừng 2 triệu người bị bệnh loại 2 này và chừng 600,000 người bị bệnh mà chưa biết (theo Wikipedia).

Cuộc sống đưa tới bệnh diabète: Trong mười người, chín người bị bệnh này là do từ cách sống của người đó. Ăn nhiều, vận động ít thành ra mập. Các tế bào không mở ra để nhận lượng glucose trong người nên tích tụ trong máu. Phản ứng tự nhiên là lá lách tiết thêm nhiều insuline tới độ hết và chất insuline loãng đi. Lá lách không còn ngăn được gan tiết ra đường.

Thiếu ngủ làm cho lá lách giảm sản xuất lượng insuline: những người ít ngủ có rủi ro bị diabète gấp đôi người ngủ bình thường.

Nguy hại của bệnh: Bệnh diabète có thể làm đứt gân máu, làm suy thận và khiếm thị. Bệnh diabète làm hại các mạch máu, đầu tiên là các mạch máu li ti (mao quản) hay giây thần kinh bị tê liệt, đặc biệt là thận bị hư, võng mô của mắt bị hư. Hơn 30% người bị dibète phải ghép hay thay thận. Ðến khi các mạch máu lớn bị ảnh hưởng, có thể gây ra trường hợp đứt mạch máu não hay chân: 70% bệnh nhân qua đời vì bệnh tim, mạch.

Hoạt động thể dục, thể thao thật là cần thiết đối với bệnh nhân. Hoạt động thân thể làm cho glucose vào trong các tế bào khỏi cần tới chất insuline. Vì vậy người bệnh được khuyên nên hoạt động đều đặn. Có cầu thủ xe đạp bị bệnh diabète không hề chích insuline suốt hành trình cuộc đua mà vẫn khỏe mạnh. Một tháng sau cuộc đua lại phải chích insuline.

Ðể đối phó với bệnh: Thay đổi chế độ ăn uống, tăng thêm hoạt động thể dục, thể thao (đi bộ là hoạt động đơn giản, dễ dàng mà hiệu quả), và giảm cân hay đừng cho lên cân... là chuyện cần thiết. Cần thuốc để tăng chất insuline và cho gan giảm sản xuất đường. Bệnh diabète loại 2 này thường tăng tiến: theo với thời gian cần uống thêm thuốc để giữ bệnh ở mức chịu được. Cuối cùng người bệnh phải chích insuline. (Theo Femina)



Chích ngừa cúm A (tiếp theo)

Cho tới nay, trên toàn nước Pháp có 250,000 người đã chích ngừa, nếu chúng ta tin lời của bà Bachelot, bộ trưởng Y tế, trong số đó có cả bà bộ trưởng. Bà cho biết diễn tiến của việc làm này lúc đầu chậm nhưng nay, sau mươi ngày, số người chịu chích đã tăng lên nhiều.

“Chúng ta đã quá số 200,000: 120,000 trong nhà thương và 80,000 trong những trung tâm chích ngừa. Ðó là con số ngày 17, qua ngày 18 Tháng Mười Một lên tới 250,000. Cho dù có vài chuyện trục trặc nhưng diễn tiến khả quan. Từ 12,000 lên đến 17,000 rồi 24,000 ngày 17 Tháng Mười Một, những ngày tiếp theo có thể lên 30,000...”

Trong khi đó, hơn 400,000 người đã tới khám phòng mạch tuần trước, nghĩa là 15% nhiều hơn tuần trước nữa. Viện Bảo Vệ Y Khoa (INVS) loan báo có thêm 16 người chết, đưa số người chết vì bệnh cúm lên tới 48 người. 168 lớp học trong 116 trường đã bị đóng cửa: con số này cho thấy bệnh cúm đã tăng lên. “Tương lai sẽ nhờ đến các y sĩ điều trị lo luôn chuyện chích ngừa cúm này,” lời của bà bộ trưởng. Từ ngày 25 Tháng Mười Một, tới lượt các học sinh sẽ chích ngừa với giấy đồng ý chấp thuận của phụ huynh. Người lớn đang có một bệnh khác có thể vì vậy mà không chống nỗi bệnh cúm có thể chích ngừa từ nay đến cuối năm.

Chuyện phí phạm: Thuốc chích ngừa được giao hàng cho nước Pháp thành từng 10 liều. Khi lấy ra khỏi tủ lạnh, thuốc không để được lâu, phải chích cho 10 người, nhưng thường chỉ có hai hay ba người tới, số còn lại phải vứt bỏ. “Thật là phí phạm,” lời B.S. Bernard Debré, dân biểu UMP.

Thể thao

Les Bleus có mặt ở Nam Phi?

Ðội cầu Pháp, les Bleus, tối 18 Tháng Mười Một đã đá huề với đội Ái Nhĩ Lan (1-1), và nhờ tuần trước thắng Ái Nhĩ Lan 1-0 nên được cùng 32 nước tranh Giải Túc Cầu Quốc Tế tại Cộng Hòa Nam Phi Tháng Sáu năm tới. Cho dù trái banh của Gallas vào phút 104 trước khi vào lưới đối phương đã đụng vào tay của Thierry Henry nhưng trọng tài Hansson không thấy nên vẫn là một bàn thắng của Pháp.

Thierry Henry, dẫn đầu đội banh Pháp thành thật công nhận và xác nhận với báo chí là “có đụng tay” nhưng lắc đầu, nói thêm: “Tôi đâu phải là trọng tài!”

Vì bị loại, đội banh, những người ủng hộ cũng như báo chí Ái Nhĩ Lan lên tiếng chỉ trích Pháp một cách nặng nề. Bộ trưởng tư pháp Ái Nhĩ Lan đề nghị hai đội banh tái đấu sau khi Thierry Henry thú nhận là có đụng trái banh. Ông này cho biết đã can thiệp với Tổng Cuộc Túc Cầu Quốc Tế để có quyết định dứt khoát. Theo tiền lệ: trọng tài không thấy, coi như xong.

Chính Thierry Henry đề nghị đấu lại. “Ðó là các giải quyết tốt đẹp nhất,” lời của Henry.

Cùng một tối, Algérie đá bại Ai Cập. Cuộc náo loạn trên đại lộ Champs Elysées là do những người ủng hộ đội banh Algérie chứ không phải dân Pháp trong trận đấu với Ái Nhĩ Lan!



Túc cầu thế giới 2010

Túc cầu thế giới tại Nam Phi bắt đầu từ ngày 11 Tháng Sáu 2010 tại Soccer City của thành phố Johannesburg và chấm dứt ngày 11 Tháng Bảy 2010 cũng cùng sân vận động này. 32 đội banh, trong tám toán, mỗi toán 4 đội, sẽ đá vòng loại rồi tiếp tục cho tới chung kết. Bắt thăm ngày 4 Tháng Mười Hai 2009. Chia ra vùng, 32 đội đó là như sau:

Nước tổ chức: Cộng hòa Nam Phi. Phi Châu: Algérie, Côte d'Ivoire, Nigéria, Cameroun, Ghana.

Á, Úc Châu: Úc Ðại Lợi, Nam Hàn, Bắc Hàn, Nhật Bản, Tân Tây Lan. Âu Châu: Pháp, Ðức, Ðan Mạch, Ý, Bồ Ðào Nha, Slovaquie, Thụy Sĩ, Anh, Tây Ban Nha, Hay Lạp, Hòa Lan, Serbie và Slovene.

Mỹ và Nam Mỹ: Hoa Kỳ, Mễ Tây Cơ, Honduras, Á Căn Ðình, Chí Lợi, Uruguay, Ba Tây, Paraguay.

Pháp đã giữ khách sạn Pezula Resort Hotel and Spa ở Knysna, 78 phòng rộng thênh thang, hai hồ bơi, cạnh bờ biển Ấn Ðộ Dương. Ðây là khu vực vừa là của du khách vừa là rừng hoang dã phía Nam Cộng Hòa Nam Phi, giữa Le Cap và Port Elizabeth.

Từ đầu năm, những người hâm mộ thể thao đã đặt mua vé tham dự các trận tranh tài giữa các đội banh, lúc đó họ chỉ hy vọng có đội banh của Pháp, trước khi tham quan nước này. Lẽ dĩ nhiên là tất cả các hãng du lịch và khách sạn nổi tiếng trên thế giới tổ chức những chương trình đặc biệt cho khách mộ điệu. “Pass for Sport”, một chương trình đặt bán với điều kiện là đội banh Pháp có mặt tranh tài ở đây, giá 1,570 Euro cho một người: gồm máy bay, khách sạn ba sao trong một tuần lễ và vé vào cửa coi trận đấu của đội banh Pháp.

Hãng du lịch khác đề nghị chương trình Groupe Couleur: 1,890 Euro gồm máy bay, khách sạn ba sao, xe chở đi và vé vào cửa một số trận đấu. Giá tiền thay đổi tùy thời gian là 5 đêm 7 ngày hay là 8 đêm 10 ngày... (Theo Le Parisien)



Những ngày sắp tới

25 Tháng Mười Một: Ngày Quốc Tế Chống Bạo Hành Nữ Giới

Như ở nhiều nước trên thế giới, Pháp loan báo sẽ tăng cường các biện pháp chống lại bạo hành đối với nữ giới. Trước ngày 25 Tháng Mười Một, ngày thế giới giành để vận động bảo vệ phụ nữ chống lại những bạo hành nhất là đối với người phối ngẫu, bà Nadine Morano, thứ trưởng đặc trách Gia đình cho biết nhiều biện pháp phòng ngừa sẽ được áp dụng để ngăn chặn và bảo vệ các nạn nhân hữu hiệu hơn.

Ðó là việc áp dụng máy móc điện tử mà nhiều nước đang áp dụng trong số đó có Tây Ban Nha. Bà Morano vừa từ Madrid trở về sau khi tới thăm một trung tâm phòng ngừa gần thủ đô. “Ở đây, người đàn bà bị bạo hành đã được bảo vệ rất là hữu hiệu,” lời của bà thứ trưởng.

Người đàn ông bị tố cáo đã có hành vi bạo hành gây thương tích, sẽ bị đeo vòng điện tử ở tay hay ở mắt cá chân trong khi bà vợ có một máy GPS báo động. Mỗi khi người đeo vòng điện tử vào khu vực bị cấm, máy báo động cho trung tâm theo dõi biết ngay... Trường hợp này, người vợ cũng có thể bấm máy để báo động với trung tâm. Nếu người này vẫn còn trong khu vực bị cấm, cảnh sát sẽ can thiệp.

Cho đến nay theo lời bà Morano, Pháp đã dành riêng một số điện thoại và những cuộc vận động, thông tin nhưng như vậy cũng chưa đủ. Bà cho biết sẽ đề nghị thành lập thêm những trung tâm và đặt những vòng đeo điện tử như trường hợp Tây Ban Nha.

Tại Pháp, cứ hai ngày, một người đàn bà tử nạn... vì bị chồng đánh đập, một chuyện lạ trong một nước các ông nổi tiếng là hào hoa, lịch sự với nữ giới. 330,000 bà cho biết đang sống với người chồng từng tát tai hoặc dùng gậy đánh đập. Pháp đã có những kế hoạch ba năm (2005-2007, 2008-2010) lập ra những trung tâm tiếp cư, săn sóc những nạn nhân bị bạo hành. Số điện thoại 39 19 hoạt động ngày đêm. Theo một nghiên cứu của một văn phòng tại Lille, những vụ bạo hành trong gia đình khiến cho nhà nước tốn phí một tỷ Euro một năm.



Mùa lễ năm nay

27 Tháng Mười Một: Vùng Alsace bắt đầu lễ Noel

Mười bảy giờ chiều 27 Tháng Mười Một, chuông nhà thờ trong thành phố Alsace, vùng Ðông Bắc Pháp ngân vang, báo hiệu giờ bắt đầu... mùa lễ Noel. Mọi người trong vùng cầm cốc rượu hay miếng chocolat, đánh dấu thời điểm này. Mùa lễ cuối năm kéo dài cho tới ngày 6 Tháng Giêng, lễ Ba vua Epiphanie.

Ngày hôm sau, 28 Tháng Mười Một, chợ Noel khai trương tại các thành phố lớn trong vùng như Strasbourg, Colmar hay Mulhouse để tiếp đón dân chúng trong vùng và du khách. 2 triệu người tới đây mỗi năm để ghé tới 35 chợ Noel, trong số có hơn một triệu người tới từ nơi xa. 16% là du khách ngoại quốc gồm 2% người Ðức.

Các cửa hiệu, khách sạn trong vùng hứa hẹn giảm giá để tiếp đón du khách. Dù vậy, mỗi năm số thu được từ 300 đến 400 triệu Euro trong thời gian cuối năm trong số đó riêng Strasbourg đã thu được 160 triệu Euro. 80% TGV chạy tới vùng này đều gấp đôi toa tàu chở từ 380 tới 760 người mỗi chuyến.



Mùa lễ cuối năm trên Champs Elysées

Chợ Noel trên đại lộ lớn nhất thế giới mọc lên thêm nhiều gian hàng nhỏ dọc theo hai bên đường. Từ ngày Thứ Sáu, 170 gian hàng nhỏ hay tiểu công nghệ mà còn một vòng cưỡi ngựa gỗ (carroussel) mở cửa trở thành một quán rượu champagne, một tòa lâu đài trưng bầy những tác phẩm điêu khắc trên nước đá (Ice Magic) do 16 nghệ sĩ thực hiện.

Trẻ em cũng có cầu tuộc (tobogan) để chơi khi người lớn đi mua hàng. Nhưng phải chờ đến ngày 18 Tháng Mười Hai tòa lâu đài Grand Palais mới mở cửa cho kỳ lễ năm nay: 50 manèges và những thứ hấp dẫn khác, trong đó có trục quay trên cao 30 thước.

Drugstore, Version Pop

Cửa hiệu Publicisdrugstore đầu đại lộ Champs Elysées từ này 20 Tháng Mười Một tới ngày 20 Tháng Giêng 2010 có một mặt tiền mới do Jean-Charles de Castelbajac trình bày, biến cửa kính thành một lối trưng bày màu sắc “pop”. Bên trong cũng có nhiều phòng được trang hoàng lại và tầng dưới là cửa hiệu bán đủ thứ: T-shirts, văn phòng phẩm, đồng hồ, chén bát...

Pop your X-Mas au Drugstore publicis, từ 20 Tháng Mười Một đến 20 Tháng Giêng, 133 avenue Champs Elysées, VIII, Paris.

Et Fauchon Créa L'eclair B.B.

Từ ngày 9 Tháng Mười Một, huyền thoại Brigitte Bardot được tượng hình bằng cái bánh éclair - mùi hạnh nhân do hai tay đầu bếp nổi tiếng làm ra cho nhà hàng Fauchon bán cho khách. Khó lòng mà không cắn vào miếng bánh có hình của Sam Levin chụp người đẹp thời năm 1959. Như cuộc triển lãm về cuộc đời ái tình và sự nghiệp của B.B. ở Boulogne-Billancourt, bánh éclair được Figaroscope khen là ngon lành! Hiệu Fauchon, 26 place de la Madeleine, VII Paris. Eclair B.B.: 6 Euro.



Marché Noel ở Vesinet

Người nước Na Uy tới trưng bày hàng Noel tại Vesinet. Bên cạnh những vật dụng tiểu công nghệ trang hoàng trong ngày lễ là thức ăn đặc biệt của xứ này.Thứ Bảy 21, Chủ Nhật 22 Tháng Mười Một từ 12 giờ đến 18 giờ, Eglise et Centre culturel norvégiens, 74 route de Montesson, 78110 Le Vesinet.



Máy bay trễ: Hành khách được thường tiền theo quyết định của Tòa án Âu Châu. Trễ quá ba giờ, được thường tiền từ 250 Euro đến 600 Euro. Làm sao được? Trước hết, đòi công ty với bằng chứng là thẻ lên tàu. Không được, gởi thư tới Mission du Droit des passagers 50 rue Henry Farman 75720 PARIS Cedex 15.

tải về 74.91 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương