ChuyểN ĐỔi thế giới của chúng ta: chưƠng trình nghị SỰ 2030 VÌ SỰ phát triển bền vững mở đầu



tải về 287.04 Kb.
trang1/4
Chuyển đổi dữ liệu06.08.2016
Kích287.04 Kb.
#14403
  1   2   3   4


CHUYỂN ĐỔI THẾ GIỚI CỦA CHÚNG TA:

CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ 2030 VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Mở đầu

Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững là một kế hoạch hành động vì con người, vì hành tinh và sự thịnh vượng nhằm hướng tới việc củng cố hoà bình thế giới, trong đó con người được giải phóng và tự do hơn. Chúng tôi nhận thức rằng xoá nghèo trên mọi phương diện, kể cả đói nghèo cùng cực, là thách thức toàn cầu lớn nhất và là yêu cầu không thể thiếu của phát triển bền vững.

Tất cả các nước và các bên liên quan, trên tinh thần quan hệ đối tác hợp tác, sẽ thực hiện kế hoạch này. Chúng tôi quyết tâm giải phóng nhân loại khỏi sự thống trị của đói nghèo và thiếu thốn, hàn gắn và bảo vệ hành tinh của chúng ta. Chúng tôi quyết tâm thực hiện những thay đổi mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu cấp bách hướng thế giới theo con đường phát triển bền vững và có sức chống chịu cao. Cùng tiến bước trong hành trình này, chúng tôi cam kết rằng sẽ không có một ai bị bỏ lại phía sau.

17 Mục tiêu Phát triển Bền vững và 169 chỉ tiêu mà chúng tôi công bố ngày hôm nay thể hiện quy mô và tham vọng của Chương trình nghị sự toàn cầu này. Các Mục tiêu, chỉ tiêu sẽ phát huy thành quả của các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và hoàn thành nốt những gì còn dang dở: hiện thực hoá các quyền con người cho mọi người và đạt được bình đẳng giới, trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái. Các Mục tiêu, chỉ tiêu này mang tính tích hợp, không thể tách rời và có sự cân bằng giữa 3 khía cạnh của phát triển bền vững: kinh tế, xã hội và môi trường.

Các Mục tiêu, chỉ tiêu sẽ kích thích hành động trong các lĩnh vực có tầm quan trọng cốt lõi đối với nhân loại và hành tinh trong vòng 15 năm tới:

Con người

Chúng tôi quyết tâm chấm dứt nghèo đói trên mọi phương diện và bảo đảm rằng mọi người đều có thể phát huy hết các tiềm năng của mình trong phẩm giá, bình đẳng và một môi trường lành mạnh.



Hành tinh

Chúng tôi quyết tâm bảo vệ hành tinh khỏi sự suy thoái, kể cả thông qua các hoạt động tiêu thụ và sản xuất bền vững, quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên và khẩn trương hành động để ứng phó biến đổi khí hậu, để hành tinh có thể tiếp tục phục vụ các nhu cầu của các thế hệ ngày nay và tương lai.



Thịnh vượng

Chúng tôi quyết tâm bảo đảm sao cho mọi người có thể thụ hưởng cuộc sống đầy đủ và thịnh vượng, đồng thời những tiến bộ xã hội và kĩ thuật sẽ hài hòa với thiên nhiên.



Hòa bình

Chúng tôi quyết tâm thúc đẩy xây dựng những xã hội hòa bình, công bằng và hòa nhập,không có bạo lực hay sự sợ hãi. Sẽ không thể có phát triển bền vững nếu không có hòa bình và không thể có hoà bình nếu không có phát triển bền vững.



Quan hệ đối tác

Chúng tôi quyết tâm huy động các phương tiện cần thiết để thực hiện Chương trình nghị sự này thông qua việc làm sống động lại Quan hệ Đối tác Toàn cầu vì Phát triển bền vững, trên tinh thần tăng cường đoàn kết toàn cầu, tập trung đặc biệt vào nhu cầu của những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, có sự tham gia của tất cả các nước, tất cả các bên liên quan và tất cả mọi người.

Các Mục tiêu Phát triển bền vững được lồng ghép và đan xen lẫn nhau. Điều đó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện mục đích của Chương trình nghị sự mới. Nếu chúng tôi thực hiện được những tham vọng của mình, thể hiện trong toàn bộ Chương trình nghị sự này, cuộc sống của tất cả mọi người sẽ được cải thiện một cách sâu sắc và thế giới của chúng ta sẽ được chuyển đổi theo hướng tích cực hơn.

TUYÊN BỐ

1. Chúng tôi, những người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ và Đại diện cấp cao, nhóm họp tại Trụ sở Liên hợp quốc tại Niu Oóc từ ngày 25 đến ngày 27 tháng 9 năm 2015 vào dịp Liên hợp quốc tổ chức kỷ niệm bảy mươi năm ngày thành lập, nay quyết định thông qua các Mục tiêu Phát triển bền vững toàn cầu mới.

2. Thay mặt những người dân mà chúng tôi phục vụ, chúng tôi đã thông qua một quyết định lịch sử về một bộ Mục tiêu, chỉ tiêu mới có tính toàn diện, sâu rộng, lấy con người làm trung tâm và có tính thay đổi lớn. Chúng tôi cam kết sẽ phấn đấu không mệt mỏi để thực hiện đầy đủ Chương trình nghị sự này vào năm 2030. Chúng tôi nhận thức rằng xóa nghèo trên mọi phương diện, bao gồm cả đói nghèo cùng cực, là thách thức toàn cầu lớn nhất và là yêu cầu không thể thiếu đối với sự phát triển bền vững. Chúng tôi cam kết đạt được sự phát triển bền vững trên cả ba khía cạnh - kinh tế, xã hội và môi trường - một cách cân bằng và tổng thể. Chúng tôi cũng sẽ phát huy thành quả của các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và giải quyết những vấn đề còn tồn đọng.

3. Chúng tôi quyết tâm, từ nay đến năm 2030, chấm dứt đói nghèo ở khắp mọi nơi; đấu tranh chống sự bất bình đẳng trong từng nước và giữa các nước khác nhau; xây dựng các xã hội hòa bình, công bằng và hòa nhập; bảo vệ quyền con người, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái; và bảo đảm có sự bảo vệ lâu dài cho hành tinh chúng ta và các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Chúng tôi cũng quyết tâm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, sự thịnh vượng chung và việc làm tử tế cho mọi người một cách bền vững, toàn diện và lâu dài, có tính đến trình độ phát triển và năng lực khác nhau của các quốc gia.

4. Cùng đồng hành trên hành trình lớn lao này, chúng tôi cam kết sẽ không có ai bị bỏ lại phía sau. Nhận thức rằng nhân phẩm của từng con người là điều cơ bản, chúng tôi mong muốn sẽ đạt được các Mục tiêu, chỉ tiêu tại tất cả các quốc gia, dân tộc và các tầng lớp xã hội. Chúng tôi sẽ nỗ lực dành ưu tiên cho những đối tượng đang đi sau cùng.

5. Đây là Chương trình nghị sự có ý nghĩa và phạm vi lớn chưa từng có. Nó được tất cả các nước chấp nhận và được áp dụng cho tất cả các nước, có tính đến sự khác nhau về thực tiễn, năng lực và trình độ phát triển ở cấp quốc gia, đồng thời tôn trọng các chính sách và những ưu tiên của các quốc gia. Đây là những Mục tiêu, chỉ tiêu phổ quát liên quan đến toàn bộ thế giới, cả các nước phát triển và đang phát triển. Các mục tiêu được tích hợp, không thể tách rời và cân bằng cả ba trụ cột của khái niệm phát triển bền vững.

6. Các Mục tiêu, chỉ tiêu là kết quả của hơn hai năm tham vấn công khai và tham khảo ý kiến với xã hội dân sự và các bên liên quan khác trên thế giới, trong đó đặc biệt chú ý đến tiếng nói của những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất. Hoạt động tham vấn này có sự đóng góp quý giá của Nhóm Làm việc mở của Đại hội đồng Liên hợp quốc về Các Mục tiêu Phát triển Bền vững và của chính Liên Hợp Quốc, cụ thể là báo cáo tổng hợp mà Ngài Tổng thư ký Liên hợp quốc đã công bố vào tháng 12 năm 2014.

Tầm nhìn của chúng tôi

7. Trong các Mục tiêu và chỉ tiêu, chúng tôi đang đặt ra một tầm nhìn rất tham vọng và có tính thay đổi lớn. Chúng tôi nhắm tới một thế giới không có đói nghèo, bệnh tật, thiếu thốn, nơi mà tất cả sự sống có thể sinh sôi nảy nở. Chúng tôi nhắm tới một thế giới không có sự sợ hãi và bạo lực. Một thế giới không có nạn mù chữ. Một thế giới mà mọi người được tiếp cận một cách công bằng và phổ cập đến một hệ thống giáo dục có chất lượng ở mọi cấp, các hệ thống chăm sóc sức khỏe và bảo trợ xã hội, đời sống vật chất, tinh thần và phúc lợi xã hội được bảo đảm. Một thế giới nơi chúng ta tái khẳng định cam kết về quyền có nước uống an toàn và xử lí chất thải; nơi mà vệ sinh nói chung được cải thiện; và nơi có thức ăn đầy đủ, an toàn, giá phải chăng và đủ chất dinh dưỡng. Một thế giới nơi mà môi trường sống của con người được đảm bảo an toàn, bền vững và nơi mà mọi người đều được tiếp cận năng lượng ổn định và bền vững với giá phải chăng.

8. Chúng tôi nhắm tới một thế giới có sự tôn trọng phổ cập đối với các quyền và phẩm giá con người, có pháp quyền, công lí, sự bình đẳng và không phân biệt đối xử; có sự đa dạng về chủng tộc, sắc tộc và văn hóa được tôn trọng; có cơ hội bình đẳng tạo điều kiện để hiện thực hóa đầy đủ tiềm năng con người và đóng góp vào sự thịnh vượng chung. Một thế giới biết đầu tư vào trẻ em mà ở đó, mỗi đứa trẻ lớn lên được giải phỏng khỏi bạo lực và bóc lột. Một thế giới mà trong đó mỗi người phụ nữ và bé gái được hưởng bình đẳng giới một cách đầy đủ và tất cả các rào cản về mặt pháp lý, xã hội và kinh tế đối với việc trao quyền cho họ đều bị loại bỏ. Một thế giới công bằng, có công lí, khoan dung, cởi mở, hòa nhập về mặt xã hội mà ở đó nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất đều được đáp ứng.

9. Chúng tôi nhắm tới một thế giới trong đó mỗi nước đều có được sự tăng trưởng kinh tế bền lâu, hòa nhập và bền vững, mọi người dân đều có việc làm tử tế. Một thế giới mà các phương thức tiêu thụ và sản xuất, cũng như việc sử dụng tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên - từ không khí đến đất đai, từ sông, hồ và nguồn nước ngầm đến biển và đại dương - đều bền vững. Một thế giới mà ở đó dân chủ, quản trị tốt và pháp quyền, đi đôi với môi trường thuận lợi ở cấp quốc gia và quốc tế, là điều kiện cần thiết cho phát triển bền vững, bao gồm tăng trưởng bền vững và hòa nhập về kinh tế, phát triển xã hội, bảo vệ môi trường và xoá đói nghèo. Một thế giới mà ở đó sự phát triển và ứng dụng công nghệ có tính nhạy cảm về khí hậu, tôn trọng sự đa dạng sinh học và có sức chống chịu tốt. Một thế giới mà ở đó nhân loại sống hài hoà với thiên nhiên và nơi mà động vật hoang dã và các loài sinh vật khác được bảo vệ.



Các nguyên tắc và cam kết chung của chúng ta

10. Chương trình nghị sự mới này lấy kim chỉ nam là các mục đích và nguyên tắc hoạt động của Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó có tôn trọng đầy đủ luật pháp quốc tế. Nó được xây dựng dựa trên Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, các điều ước quốc tế về quyền con người, Tuyên bố Thiên niên kỷ và Văn kiện Hội nghị Thượng đỉnh năm 2005. Các văn bản khác như Tuyên bố về quyền phát triển cũng được tham khảo.

11. Chúng tôi tái khẳng định kết quả của các hội nghị và hội nghị thượng đỉnh lớn của Liên hợp quốc đã đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững và đã giúp định hình Chương trình nghị sự mới này. Những kết quả này bao gồm Tuyên bố Rio về Môi trường và Phát triển; Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu về Phát triển bền vững; Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển xã hội; Chương trình Hành động của Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển, Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh; và Hội nghị Liên hợp quốc về Phát triển Bền vững ("Rio + 20"). Chúng tôi cũng tái khẳng định các hoạt động tiếp nối các hội nghị này, trong đó có kết quả của Hội nghị Quốc tế lần thứ tư về các nước kém phát triển nhất, Hội nghị quốc tế lần thứ ba về các quốc đảo nhỏ đang phát triển; Hội nghị lần thứ hai của Liên hợp quốc về các nước đang phát triển không có biển; và Hội nghị Quốc tế lần thứ ba của Liên hợp quốc về giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

12. Chúng tôi tái khẳng định tất cả các nguyên tắc của Tuyên bố Rio về Môi trường và Phát triển, trong đó bên cạnh nhiều nguyên tắc khác, có nguyên tắc số 7 quy định về trách nhiệm chung nhưng có phân biệt.

13. Những thách thức và cam kết được nêu ra tại các hội nghị và hội nghị thượng đỉnh lớn đều đan xen lẫn nhau và đòi hỏi cần có các giải pháp tích hợp. Để giải quyết chúng một cách hiệu quả, chúng ta cần một cách tiếp cận mới. Khái niệm phát triển bền vững thừa nhận rằng xóa nghèo dưới mọi hình thức, đấu tranh chống bất bình đẳng trong và giữa các nước, bảo vệ hành tinh của chúng ta, tạo sự tăng trưởng kinh tế bền bỉ, hòa nhập và bền vững, thúc đẩy hòa nhập xã hội đều có liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau.

Thế giới của chúng ta hôm nay

14. Chúng tôi đang nhóm họp vào thời điểm thế giới đang đối mặt với những những thách thức to lớn để phát triển bền vững. Hàng tỉ công dân của chúng tôi đang tiếp tục sống trong nghèo đói và bị khước từ một cuộc sống có phẩm giá. Sự bất bình đẳng trong và giữa các nước ngày càng gia tăng. Khác biệt về cơ hội, tài sản và quyền lực là rất lớn. Bất bình đẳng giới vẫn còn là một thách thức chủ chốt. Nạn thất nghiệp, đặc biệt là trong giới trẻ, là một mối quan ngại lớn. Những hiểm họa y tế toàn cầu, thiên tai ở tần suất và cường độ ngày càng lớn, vòng xoáy xung đột, chủ nghĩa cực đoan bạo lực, khủng bố với hệ quả là các cuộc khủng hoảng nhân đạo và di dân ép buộc đang đe dọa những tiến bộ phát triển trong vài thập kỷ gần đây. Sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và các tác động tiêu cực từ suy thái môi trường, bao gồm sa mạc hóa, hạn hán, suy thoái đất, khan hiếm nước ngọt và mất đa dạng sinh học làm trầm trọng thêm các thách thức mà loài người phải đối mặt. Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất trong thời đại chúng ta và các tác động tiêu cực của nó làm giảm khả năng phát triển bền vững của các quốc gia. Sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, nước biển dâng, a-xít hóa đại dương và những tác động khác của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới các vùng duyên hải và các quốc gia ven biển có độ cao trung bình thấp, bao gồm nhiều nước kém phát triển nhất và các quốc đảo nhỏ đang phát triển. Sự sinh tồn của nhiều xã hội và các hệ sinh học trái đất đang bị đe doạ.

15. Tuy nhiên, đây cũng là một thời điểm có nhiều cơ hội to lớn. Chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ lớn trong việc đối mặt với các thách thức phát triển. Chỉ trong một thế hệ vừa qua, hàng trăm triệu người đã thoát ra khỏi nghèo đói cùng cực. Tỉ lệ tiếp cận giáo dục đã tăng lên nhiều đối với cả trẻ em trai và trẻ em gái. Sự lan truyền của công nghệ thông tin và truyền thông và sự liên kết toàn cầu là tiềm năng lớn để đẩy nhanh sự tiến bộ của con người, rút ngắn khoảng cách số và phát triển xã hội tri thức, cũng như để áp dụng trong phát minh khoa học và công nghệ trên nhiều lĩnh vực như y học và năng lượng.

16. Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đã được thông qua gần 15 năm trước. Các Mục tiêu này đã giúp tạo ra một khuôn khổ quan trọng cho phát triển và nhiều thành tựu đã đạt được trên một số lĩnh vực. Nhưng sự tiến bộ này không đồng đều, đặc biệt là ở châu Phi, các nước kém phát triển nhất, các nước đang phát triển không có biển, và các quốc đảo nhỏ đang phát triển, và một số các Mục tiêu Thiên niên kỷ vẫn còn chưa đạt được theo đúng tiến độ, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến sức khoẻ bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ em và sức khỏe sinh sản. Chúng tôi một lần nữa cam kết sẽ hoàn thành đầy đủ các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, bao gồm cả các Mục tiêu chưa đạt được, đặc biệt hỗ trợ tập trung các nước kém phát triển nhất và các nước có hoàn cảnh đặc biệt, phù hợp với các chương trình hỗ trợ có liên quan. Chương trình nghị sự mới được xây dựng dựa trên các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và hướng tới hoàn thành những mục tiêu chưa đạt được, đặc biệt là đối với những nhóm dễ bị tổn thương nhất.

17. Tuy nhiên, phạm vi bao phủ của các Mục tiêu chúng tôi giới thiệu hôm nay vượt xa các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Cùng với việc tiếp tục ưu tiên thực hiện các mục tiêu về xóa nghèo, y tế, giáo dục, an ninh lương thực và dinh dưỡng, Chương trình nghị sự mới cũng đặt ra các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường đa dạng. Nó cũng hứa hẹn xây dựng các xã hội hòa bình và hòa nhập hơn. Quan trọng hơn, nó chỉ rõ các phương thức thực hiện. Chương trình nghị sự mới cũng phản ánh cách tiếp cận tổng thể mà chúng tôi áp dụng, các mục tiêu, chỉ tiêu mới có sự phụ thuộc sâu sắc, xuyên suốt.

Chương trình nghị sự mới

18. Ngày hôm nay, chúng tôi công bố 17 Mục tiêu phát triển bền vững với 169 chỉ tiêu được tích hợp và không thể bị chia cắt. Các nhà lãnh đạo thế giới chưa bao giờ cam kết hành động chung và nỗ lực hướng tới một Chương trình nghị sự có độ bao phủ về chính sách rộng lớn và phổ quát như vậy. Chúng tôi đang cùng đồng hành đi tới sự phát triển bền vững, cùng nỗ lực theo đuổi phát triển toàn cầu và hợp tác cùng có lợi, điều đó có thể mang lại lợi ích lớn lao cho tất cả các nước và vùng miền trên thế giới. Chúng tôi tái khẳng định rằng tất cả các nước có và được tự do thực thi chủ quyền vĩnh viễn đối với các tài sản, tài nguyên thiên nhiên và hoạt động kinh tế của mình. Chúng tôi sẽ thực hiện Chương trình nghị sự này vì lợi ích đầy đủ của mọi người, cho thế hệ hôm nay và mai sau. Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình nghị sự, chúng tôi tái khẳng định cam kết của mình đối với luật pháp quốc tế và nhấn mạnh rằng Chương trình nghị sự sẽ được thực hiện nhất quán với các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia theo luật pháp quốc tế.

19. Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, cũng như các công cụ quốc tế khác liên quan tới quyền con người và luật pháp quốc tế. Chúng tôi nhấn mạnh trách nhiệm của tất cả các nước, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, phải tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người và các quyền tự do cơ bản cho mọi người dân, mà không có bất kỳ sự phân biệt nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tài sản, sinh trưởng, khuyết tật hoặc địa vị khác.

20. Nhận thức rằng bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái sẽ góp phần quan trọng để đạt được tiến bộ ở tất cả các mục tiêu. Các thành tựu về khả năng của con người và phát triển bền vững sẽ không đạt được nếu phụ nữ và trẻ em gái vẫn tiếp tục bị từ chối quyền con người. Phụ nữ và trẻ em gái phải được bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục có chất lượng, nguồn lực kinh tế và tham gia chính trị cũng như các cơ hội việc làm, lãnh đạo và quá trình ra quyết định ở tất cả các cấp. Chúng tôi sẽ nỗ lực để tăng đáng kể các khoản đầu tư nhằm thu hẹp khoảng cách giới và tăng cường hỗ trợ cho các tổ chức liên quan đến bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ ở các cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia. Tất cả các hình thức phân biệt đối xử và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái sẽ được xóa bỏ, kể cả thông qua sự tham gia của nam giới và trẻ em trai. Việc lồng ghép có hệ thống quan điểm về giới trong việc thực hiện Chương trình nghị sự này có vai trò quyết định.

21. Các mục tiêu và chỉ tiêu mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2016 và sẽ định hướng cho các quyết định của chúng ta cho mười lăm năm tới. Tất cả chúng ta sẽ cùng làm việc để thực hiện Chương trình nghị sự này trong phạm vi quốc gia và ở cấp khu vực và toàn cầu, có tính đến tình hình thực tiễn, năng lực và trình độ phát triển của mỗi quốc gia, và tôn trọng các chính sách và ưu tiên quốc gia. Chúng tôi sẽ tôn trọng không gian chính sách quốc gia để duy trì tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững, đặc biệt cho các quốc gia đang phát triển, trong khi vẫn phù hợp với các quy định và cam kết quốc tế có liên quan. Chúng tôi cũng thừa nhận vai trò quan trọng của khu vực và tiểu khu vực, hội nhập kinh tế khu vực và sự kết nối trong phát triển bền vững. Các khuôn khổ khu vực và tiểu khu vực có thể tạo thuận lợi việc hiện thực hóa các chính sách phát triển bền vững thành các hành động cụ thể ở cấp quốc gia một cách hiệu quả.

22. Mỗi quốc gia phải đối mặt với những thách thức cụ thể trong quá trình theo đuổi sự phát triển bền vững. Các quốc gia dễ bị tổn thương nhất, và cụ thể là các nước châu Phi, các nước kém phát triển nhất, các nước đang phát triển không có biển và các nước đảo nhỏ đang phát triển cần được chú ý đặc biệt, cũng như các nước có xung đột và hậu xung đột. Ngoài ra, các nước có thu nhập trung bình cũng có nhiều những thách thức nghiêm trọng.

23. Những người dễ bị tổn thương phải được trao quyền. Chương trình nghị sự này phản ánh nhu cầu của tất cả trẻ em, thanh thiếu niên, người khuyết tật (trong đó hơn 80% sống trong nghèo đói), những người sống chung với HIV/AIDS, người cao tuổi, người bản địa, những người tị nạn, bị buộc phải rời khỏi nơi cư trú và người di cư. Chúng tôi quyết tâm có các biện pháp và hành động hiệu quả hơn, phù hợp với luật pháp quốc tế, để loại bỏ những trở ngại và hạn chế, tăng cường hỗ trợ và đáp ứng các nhu cầu đặc biệt của những người sống trong khu vực bị ảnh hưởng bởi tình trạng khẩn cấp nhân đạo phức tạp và ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi khủng bố.

24. Chúng tôi cam kết đến năm 2030 sẽ xóa bỏ mọi hình thức và quy mô đói nghèo, bao gồm cả đói nghèo cùng cực. Tất cả mọi người đều phải được hưởng thụ các tiêu chuẩn cuộc sống cơ bản, kể cả thông qua các hệ thống bảo trợ xã hội. Chúng tôi cũng quyết tâm ưu tiên chấm dứt nạn đói và đạt được an ninh lương thực và xóa bỏ tất cả các hình thức suy dinh dưỡng. Chúng tôi tái khẳng định vai trò quan trọng và tính chất toàn diện của Ủy ban An ninh lương thực thế giới và hoan nghênh Tuyên bố và Khuôn khổ hành động Roma về Dinh dưỡng. Chúng tôi sẽ dành nhiều nguồn lực để phát triển các khu vực nông thôn và nông nghiệp bền vững và ngư nghiệp, hỗ trợ nông dân sản xuất nhỏ, đặc biệt là phụ nữ, người chăn nuôi và ngư dân ở các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước kém phát triển nhất.

25. Chúng tôi cam kết cung cấp giáo dục chất lượng đồng đều và cho tất cả mọi người, ở tất cả các cấp độ - tuổi mầm non, tiểu học, đào tạo trung học, đại học, kỹ thuật và dạy nghề. Tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, tuổi tác, chủng tộc, sắc tộc, và người khuyết tật, người di cư, người bản địa, trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt là những người ở tình trạng dễ bị tổn thương, sẽ có quyền tiếp cận các cơ hội học tập suốt đời để có được những kiến thức và kỹ năng cần thiết để khai thác cơ hội và tham gia đầy đủ vào các hoạt động của xã hội. Chúng tôi sẽ cố gắng tạo môi trường thuận lợi để trẻ em và thanh thiếu niên có thể thực hiện đầy đủ các quyền và phát huy khả năng của mình, giúp các quốc gia tăng cường lợi tức nhân khẩu học bao gồm thông qua trường học an toàn và gắn kết cộng đồng và gia đình.

26. Để tăng cường sức khỏe thể chất, tinh thần và hạnh phúc, và để kéo dài tuổi thọ cho tất cả mọi người, chúng ta phải hoàn thành bảo hiểm y tế phổ cập và tiếp cận chăm sóc sức khỏe chất lượng cho toàn dân. Không ai bị bỏ lại phía sau. Chúng tôi cam kết đẩy nhanh tiến độ thực hiện giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh, trẻ em và bà mẹ trước năm 2030. Chúng tôi cam kết đảm bảo tiếp cận phổ cập các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản, bao gồm cả kế hoạch hóa gia đình, thông tin và giáo dục. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh tốc độ tiến bộ đạt được trong cuộc chiến chống bệnh sốt rét, HIV/AIDS, bệnh lao, viêm gan, Ebola và các bệnh truyền nhiễm khác, dịch bệnh, trong đó có giải quyết vi khuẩn kháng thuốc và các vấn đề của các bệnh không được chữa trị đang ảnh hưởng đến các nước đang phát triển. Chúng tôi cam kết phòng chống và điều trị các bệnh không truyền nhiễm, bao gồm cả căn bệnh rối loạn hành vi, phát triển và thần kinh, đang tạo thành một thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững.

27. Chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc cho tất cả các nước. Tăng trưởng kinh tế ổn định, toàn diện và bền vững là điều cần thiết cho sự thịnh vượng. Điều này sẽ chỉ có thể đạt được nếu sự giàu có được chia sẻ và bất bình đẳng thu nhập được giải quyết. Chúng tôi sẽ làm việc để xây dựng các nền kinh tế năng động, bền vững, sáng tạo, lấy con người làm trung tâm, thúc đẩy việc làm cho thanh niên, đặc biệt trao quyền kinh tế cho phụ nữ, và việc làm bền vững cho tất cả. Chúng tôi sẽ xóa bỏ lao động cưỡng bức và buôn bán người và chấm dứt mọi hình thức lao động trẻ em. Tất cả các quốc gia đều được hưởng lợi từ việc có được lực lượng lao động lành mạnh, đào tạo bài bản với những kiến ​​thức và kỹ năng cần thiết để thực hiện sản xuất hiệu quả và tham gia đầy đủ vào các hoạt động của xã hội. Chúng tôi sẽ tăng cường năng lực sản xuất của các nước kém phát triển nhất trong tất cả các lĩnh vực, kể cả thông qua chuyển đổi cơ cấu. Chúng tôi sẽ có chính sách để tăng năng lực sản xuất, năng suất và hiệu quả công việc; tiếp cận tài chính; nông nghiệp bền vững, phát triển chăn nuôi và thuỷ sản; phát triển công nghiệp bền vững; tiếp cận phổ cập các dịch vụ năng lượng giá cả phải chăng, đáng tin cậy, bền vững và hiện đại; hệ thống giao thông bền vững; cơ sở hạ tầng có chất lượng và có khả năng chống chịu tốt.

28. Chúng tôi cam kết thực hiện những thay đổi cơ bản trong cách thức sản xuất và tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ của xã hội. Chính phủ, các tổ chức quốc tế, khu vực doanh nghiệp, các tổ chức phi nhà nước và cá nhân phải góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng và sản xuất không bền vững, bao gồm thông qua việc huy động hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ tất cả các nguồn để tăng cường năng lực của các nước đang phát triển về khoa học, công nghệ và sáng tạo, để hướng tới mô hình tiêu thụ và sản xuất bền vững hơn. Chúng tôi khuyến khích việc thực hiện Chương trình khung 10 năm về tiêu thụ và sản xuất bền vững. Tất cả các nước phải hành động, trong đó các nước phát triển phải đi đầu, có tính đến trình độ phát triển và khả năng của các nước đang phát triển.

29. Chúng tôi công nhận sự đóng góp tích cực của những người di cư đối với tăng trưởng toàn diện và phát triển bền vững. Chúng tôi cũng nhận ra rằng di cư quốc tế là một thực tế đa chiều có tác động lớn tới sự phát triển của các quốc gia xuất xứ, trung chuyển và tiếp nhận, và đòi hỏi phải có biện pháp xử lý nhất quán và toàn diện. Chúng tôi sẽ hợp tác để đảm bảo việc di cư diễn ra an toàn, trật tự và hợp pháp tôn trọng nhân quyền và đối xử nhân đạo của người di cư, bất kể tình trạng di cư, người tị nạn và người bị buộc phải rời khỏi nơi cư trú. Sự hợp tác này cũng cần phải tăng cường khả năng phục hồi của các cộng đồng có người tị nạn cư trú, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Chúng tôi nhấn mạnh quyền của người di cư được trở về quê hương, và lưu ý rằng các quốc gia phải đảm bảo rằng các công dân trở về phải được tiếp nhận hợp lệ.

30. Mạnh mẽ kêu gọi các quốc gia hạn chế ban hành và áp dụng các biện pháp kinh tế, tài chính, thương mại đơn phương không phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc cản trở sự phát triển kinh tế và xã hội, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

31. Chúng tôi công nhận UNFCCC là diễn đàn quốc tế, liên chính phủ chính cho việc đàm phán các biện pháp toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu. Chúng tôi quyết tâm giải quyết dứt điểm các mối đe dọa của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường. Các tính chất toàn cầu của biến đổi khí hậu đòi hỏi sự hợp tác quốc tế sâu rộng nhất nhằm đẩy nhanh việc giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu và thích ứng với những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu. Chúng tôi cũng quan ngại về khoảng cách đáng kể giữa tác động tổng hợp của các cam kết của các bên tham gia Công ước về giảm nhẹ lượng khí thải nhà kính toàn cầu hàng năm vào năm 2020 và lộ trình giảm khí thải để có thể giữ sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 2°C hoặc 1,5°C so với mức tiền công nghiệp.

32. Hướng tới Hội nghị COP21 tại Paris vào Tháng mười hai, chúng tôi nhấn mạnh sự cam kết của tất cả các quốc gia nỗ lực cho một thỏa thuận khí hậu đầy tham vọng và phổ quát. Chúng tôi khẳng định rằng Nghị định thư này, một công cụ pháp lý hoặc văn kiện được nhất trí có hiệu lực pháp luật theo Công ước và áp dụng cho tất cả các bên sẽ giải quyết một cách cân bằng, ngoài những điều khác, các vấn đề về giảm thiểu, thích ứng, tài chính, phát triển và chuyển giao công nghệ, xây dựng năng lực và minh bạch trong các hành động và hỗ trợ.

33. Chúng tôi nhận ra sự phát triển kinh tế và xã hội phụ thuộc vào việc quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên của hành tinh chúng ta. Vì thế chúng tôi quyết tâm bảo tồn và sử dụng bền vững biển và đại dương, các nguồn nước ngọt, cũng như rừng, núi và vùng đất khô hạn và để bảo vệ đa dạng sinh học, hệ sinh thái và động vật hoang dã. Chúng tôi cũng quyết định thúc đẩy du lịch bền vững, giải quyết tình trạng khan hiếm nước và ô nhiễm nguồn nước, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực sa mạc hóa, các cơn bão bụi, thoái hóa đất và hạn hán, và thúc đẩy khả năng phục hồi và giảm rủi ro thiên tai. Về vấn đề này, chúng tôi mong đợi đến COP13 của Công ước về Đa dạng sinh học được tổ chức ở Mexico vào năm 2016.

34. Chúng tôi nhận ra sự phát triển và quản lý đô thị bền vững rất quan trọng đối với chất lượng cuộc sống của người dân. Chúng tôi sẽ làm việc với chính quyền địa phương và cộng đồng để quy hoạch lại các thành phố và các khu định cư để thúc đẩy sự gắn kết cộng đồng và an ninh cá nhân, kích thích sự sáng tạo và tạo việc làm. Chúng tôi sẽ làm giảm các tác động tiêu cực của các hoạt động đô thị và các hóa chất gây hại cho sức khỏe con người và môi trường, trong đó có việc thông qua việc quản lý thân thiện với môi trường và sử dụng an toàn hóa chất, giảm và tái chế chất thải và sử dụng nước và năng lượng hiệu quả hơn. Chúng tôi sẽ nỗ lực để giảm thiểu tác động của các thành phố đối với khí hậu toàn cầu. Chúng tôi cũng sẽ cân nhắc đến xu hướng và dự báo dân số trong các chiến lược, chính sách phát triển ở cấp độ quốc gia, nông thôn và đô thị. Chúng tôi mong đợi đến Hội nghị quốc tế sắp tới về Nhà ở và Phát triển đô thị bền vững ở Quito, Ecuador.

35. Phát triển bền vững không thể thực hiện mà không có hòa bình và an ninh; hòa bình và an ninh sẽ bị đe dọa nếu không có phát triển bền vững. Chương trình nghị sự mới công nhận sự cần thiết phải xây dựng các xã hội hòa bình, công bằng và toàn diện, bình đẳng trong tiếp cận công lý và được dựa trên sự tôn trọng các quyền con người (bao gồm cả quyền phát triển), nhà nước pháp quyền và quản trị tốt ở tất cả các cấp và các thể chế minh bạch, hiệu quả, có trách nhiệm. Những yếu tố làm gia tăng bạo lực, bất an và bất công, như sự bất bình đẳng, tham nhũng, quản trị kém, các nguồn tài chính và vũ khí bất hợp pháp, đều được đề cập trong Chương trình nghị sự. Chúng ta phải nỗ lực gấp đôi để giải quyết hoặc ngăn ngừa xung đột và hỗ trợ các nước sau xung đột, trong đó có việc đảm bảo vai trò của phụ nữ trong xây dựng hòa bình và xây dựng nhà nước. Chúng tôi nhắc lại cam kết triển khai các biện pháp và hành động hiệu quả hơn nữa, phù hợp với luật pháp quốc tế, để loại bỏ các trở ngại đối với việc thực hiện đầy đủ quyền tự quyết của các dân tộc sống trong chế độ thuộc địa và chiếm đóng của nước ngoài, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế và xã hội cũng như môi trường của họ.

36. Chúng tôi cam kết sẽ thúc đẩy sự hiểu biết liên văn hóa, khoan dung, tôn trọng lẫn nhau và một nền đạo đức của công dân toàn cầu và chia sẻ trách nhiệm. Chúng tôi thừa nhận sự đa dạng tự nhiên và văn hóa của thế giới và công nhận tất cả các nền văn hóa và văn minh là yếu tố đóng góp và thúc đẩy quan trọng cho phát triển bền vững.

37. Thể thao cũng là một yếu tố thúc đẩy quan trọng cho phát triển bền vững. Chúng tôi thừa nhận sự đóng góp ngày càng lớn của thể thao đối với phát triển và hòa bình trong việc thúc đẩy sự khoan dung và tôn trọng; sự đóng góp của nó đối với việc trao quyền cho phụ nữ và thanh niên, cá nhân và cộng đồng cũng như đối với sức khỏe, giáo dục và các mục tiêu hòa nhập xã hội.

38. Chúng tôi khẳng định sự cần thiết phải tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của các quốc gia, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc.



Каталог: userfiles -> files -> VanBanTaiLieuQH -> KY%20HOP%20THU%2010
KY%20HOP%20THU%2010 -> PHỤ LỤC 1 danh mục văn bản chỉ ĐẠo về CẤp giấy chứng nhận quyền sử DỤng đẤT
KY%20HOP%20THU%2010 -> Ủy ban tư pháp số: 2938/bc-ubtp13 CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
KY%20HOP%20THU%2010 -> QUỐc hội khóa XIII ủy ban văn hóA, giáo dụC
KY%20HOP%20THU%2010 -> BẢng tổng hợP Ý kiến góP Ý CỦa doanh nghiệP
KY%20HOP%20THU%2010 -> CHÍnh phủ CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc Số: 603/bc- cp hà Nội, ngày 04 tháng 11 năm 2015 BÁo cáO
KY%20HOP%20THU%2010 -> Phụ lục TỔng hợp tình hình tiếp nhận và trả LỜi chất vấn củA ĐẠi biểu quốc hộI
KY%20HOP%20THU%2010 -> BÁo cáo tổng kếT 10 NĂm thi hành luật dưỢC

tải về 287.04 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương