Chuẩn mực kiểm toán nhà NƯỚc số 1550 (cmktnn 1550) CÁc bên liên quan trong kiểm toán tài chính quy đỊnh chung



tải về 88.2 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích88.2 Kb.
#8948
CHUẨN MỰC KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC SỐ 1550 (CMKTNN 1550)

CÁC BÊN LIÊN QUAN TRONG KIỂM TOÁN TÀI CHÍNH
QUY ĐỊNH CHUNG

Cơ sở xây dựng

  1. Chuẩn mực này được xây dựng và phát triển dựa trên cơ sở CMKTNN 100 - Các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, CMKTNN 200 - Các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán tài chính và ISSAI 1550 của INTOSAI - Các bên liên quan.

Mục đích và phạm vi áp dụng

  1. Chuẩn mực này quy định và hướng dẫn trách nhiệm của kiểm toán viên nhà nước liên quan tới các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan trong một cuộc kiểm toán tài chính. Chuẩn mực này hướng dẫn cụ thể về rủi ro có sai sót trọng yếu gắn với các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan và thiết kế thủ tục kiểm toán để xử lý các rủi ro đã được đánh giá nhằm giúp kiểm toán viên nhà nước nhận biết các yếu tố dẫn đến rủi ro có gian lận (nếu có) phát sinh từ các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan và thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để đưa ra kết luận về việc liệu báo cáo tài chính đã đạt được sự phản ánh trung thực và hợp lý hoặc không đưa ra thông tin sai lệch.

03. Kiểm toán viên nhà nước phải tuân thủ các quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực này trong quá trình thực hiện kiểm toán. Đơn vị được kiểm toán và các bên sử dụng kết quả kiểm toán phải có những hiểu biết cần thiết về các quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực này để phối hợp công việc với kiểm toán viên nhà nước giải quyết các mối quan hệ trong quá trình kiểm toán.

Giải thích thuật ngữ

04. Các thuật ngữ trong chuẩn mực này được hiểu như sau:

(i) Bên liên quan: Là các đối tượng gồm:


  • Bên liên quan theo định nghĩa trong khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng; hoặc

  • Nếu khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng có rất ít hoặc không có quy định nào về bên liên quan thì bên liên quan là: Một người hoặc đơn vị khác có quyền kiểm soát đối với đơn vị được kiểm toán hoặc có ảnh hưởng đáng kể đối với đơn vị được kiểm toán, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua một hoặc nhiều bên trung gian; một đơn vị khác mà đơn vị được kiểm toán có quyền kiểm soát hoặc ảnh hưởng đáng kể, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua một hoặc nhiều bên trung gian; hoặc một đơn vị khác chịu sự kiểm soát chung với đơn vị được kiểm toán thông qua việc có: Sở hữu kiểm soát chung; Chủ sở hữu là các thành viên gia đình mật thiết; hoặc có chung nhà quản lý chủ chốt.

Tuy nhiên, các đơn vị chịu sự quản lý chung của Nhà nước (như Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố) không được coi là có liên quan, trừ khi các đơn vị đó tham gia vào các giao dịch quan trọng hoặc chia sẻ các nguồn lực ở một mức độ đáng kể với một đơn vị khác.

(ii) Kiểm soát: Là quyền chi phối các chính sách tài chính và hoạt động của một đơn vị nhằm thu được lợi ích kinh tế từ các hoạt động của đơn vị đó;

(iii) Ảnh hưởng đáng kể (có thể đạt được thông qua hình thức sở hữu cổ phần, quy chế hoặc thoả thuận): Là quyền tham gia vào việc đưa ra quyết định về chính sách tài chính và hoạt động của một đơn vị, nhưng không kiểm soát các chính sách đó.

(iv) Giao dịch ngang giá (giao dịch giữa các bên không liên quan): Là một giao dịch được thực hiện dựa trên các điều khoản và điều kiện như giữa một bên sẵn sàng mua và một bên sẵn sàng bán, hai bên này không phải là các bên liên quan và hoạt động một cách độc lập và đều theo đuổi những lợi ích tốt nhất của mình;

Các thuật ngữ khác sử dụng trong Chuẩn mực này được định nghĩa như trong các chuẩn mực kiểm toán do Kiểm toán nhà nước ban hành.

NỘI DUNG CHUẨN MỰC

Thủ tục đánh giá rủi ro và các hoạt động liên quan

05. Khi thực hiện thủ tục đánh giá rủi ro và các hoạt động liên quan trong quá trình kiểm toán, kiểm toán viên nhà nước phải thực hiện các thủ tục kiểm toán và các hoạt động liên quan được nêu trong các đoạn 06 - 14 Chuẩn mực này để thu thập thông tin có liên quan tới việc xác định rủi ro có sai sót trọng yếu gắn với các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan. Trách nhiệm của kiểm toán viên nhà nước là phải xác định rủi ro có sai sót trọng yếu gắn với các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan và xác định các rủi ro không tuân thủ các yêu cầu cụ thể trong việc thực hiện các hoạt động với các bên liên quan, do pháp luật, các quy định và cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền đặt ra.



Tìm hiểu về các mối quan hệ và giao dịch của đơn vị được kiểm toán với các bên liên quan

06. Kiểm toán viên nhà nước phải lưu ý đến khả năng báo cáo tài chính có thể có sai sót trọng yếu do gian lận hoặc sai sót bắt nguồn từ các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan của đơn vị được kiểm toán. Khi tìm hiểu về các mối quan hệ và giao dịch của đơn vị được kiểm toán với các bên liên quan, kiểm toán viên nhà nước phải lưu ý các vấn đề sau:

(i) Bản chất và phạm vi các mối quan hệ và giao dịch của đơn vị được kiểm toán với các bên liên quan; 

(ii) Duy trì thái độ hoài nghi nghề nghiệp trong suốt quá trình kiểm toán đối với khả năng xảy ra sai sót trọng yếu gắn với các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan;

(iii) Những tình huống hoặc điều kiện của đơn vị được kiểm toán có thể cho thấy sự tồn tại của các mối quan hệ hoặc giao dịch với các bên liên quan mà đơn vị chưa xác định hoặc chưa thông báo cho kiểm toán viên nhà nước (ví dụ, một cơ cấu tổ chức phức tạp, sử dụng các đơn vị có mục đích đặc biệt cho các giao dịch ngoài bảng cân đối kế toán, hoặc một hệ thống thông tin không phù hợp);

(iv) Các mối quan hệ hoặc giao dịch với các bên liên quan có thể thể hiện trên các sổ kế toán hoặc tài liệu có liên quan;

(v) Rủi ro trong việc lãnh đạo đơn vị được kiểm toán khống chế các kiểm soát liên quan.

07. Ngoài ra, kiểm toán viên nhà nước cần đặc biệt lưu ý về cách thức mà các bên liên quan có thể dính líu tới hành vi gian lận, như:

(i) Cách thức mà các đơn vị chịu sự kiểm soát của lãnh đạo đơn vị được kiểm toán có thể được sử dụng để tạo điều kiện cho việc thay đổi kết quả hoạt động;

(ii) Cách thức mà các giao dịch giữa đơn vị được kiểm toán với một đối tác của một thành viên chủ chốt của lãnh đạo đơn vị được kiểm toán được dàn xếp để dễ dàng biển thủ tài sản của đơn vị.



Xác định các bên liên quan của đơn vị

08. Khi khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng có quy định về các bên liên quan, kiểm toán viên nhà nước phải tìm hiểu về: Việc xác định các bên liên quan của đơn vị có đúng quy định không, kể cả các thay đổi từ kỳ trước; Bản chất các mối quan hệ giữa đơn vị và các bên liên quan này; Các giao dịch với các bên liên quan này phát sinh trong kỳ và hình thức, mục đích các giao dịch đó có phù hợp với quy định trong lập và trình bày báo cáo tài chính về các bên liên quan không.

09. Nếu khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng không có quy định về các bên liên quan, kiểm toán viên nhà nước phải thực hiện phỏng vấn lãnh đạo và những cá nhân khác (nhân viên có trách nhiệm tạo lập, xử lý, hoặc ghi chép các giao dịch quan trọng của đơn vị và những người giám sát hoặc theo dõi nhân viên đó; kiểm toán viên nội bộ; nhân viên bộ phận tư vấn pháp lý của đơn vị) trong đơn vị được kiểm toán về: Việc xác định các bên liên quan của đơn vị, kể cả các thay đổi từ kỳ trước; Bản chất các mối quan hệ giữa đơn vị và các bên liên quan này; Các giao dịch với các bên liên quan này phát sinh trong kỳ và hình thức, mục đích các giao dịch đó.

10. Kiểm toán viên nhà nước phải tìm hiểu về các kiểm soát đã được lãnh đạo đơn vị được kiểm toán thiết lập để: Xác định, hạch toán và thuyết minh các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng; Cho phép và phê duyệt những giao dịch và thỏa thuận quan trọng với các bên liên quan; Cho phép và phê duyệt những giao dịch và thỏa thuận quan trọng  ngoài hoạt động thông thường của đơn vị.

11. Trong một số đơn vị, có thể có khiếm khuyết trong các kiểm soát hoặc không có kiểm soát nào đối với các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan. Trong trường hợp này, kiểm toán viên nhà nước có thể không thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan. Kiểm toán viên nhà nước phải xem xét các ảnh hưởng có thể có đối với cuộc kiểm toán, kể cả ảnh hưởng đối với ý kiến kiểm toán. 

Duy trì sự cảnh giác đối với thông tin về các bên liên quan khi soát xét sổ kế toán,tài liệu

12.  Trong quá trình kiểm toán, khi kiểm tra sổ kế toán và tài liệu, kiểm toán viên nhà nước phải duy trì sự cảnh giác đối với các thỏa thuận hoặc thông tin khác có thể cho thấy sự tồn tại của các mối quan hệ hoặc giao dịch với các bên liên quan mà lãnh đạo đơn vị được kiểm toán chưa xác định hoặc thông báo cho kiểm toán viên trước đó. Đặc biệt, kiểm toán viên nhà nước phải kiểm tra các tài liệu sau đây để tìm ra dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của các mối quan hệ hoặc giao dịch với các bên liên quan mà lãnh đạo đơn vị được kiểm toán chưa xác định hoặc thông báo cho kiểm toán viên nhà nước trước đó: Các xác nhận của ngân hàng hoặc xác nhận có giá trị pháp lý thu được từ kết quả của các thủ tục kiểm toán; Biên bản các cuộc họp cổ đông và biên bản họp Ban lãnh đạo đơn vị; Các sổ kế toán hoặc tài liệu khác mà kiểm toán viên nhà nước cho là cần thiết trong từng trường hợp cụ thể của đơn vị được kiểm toán.

13.  Khi thực hiện các thủ tục kiểm toán theo quy định tại đoạn 12 Chuẩn mực này hoặc thông qua các thủ tục kiểm toán khác, nếu phát hiện ra các giao dịch quan trọng ngoài hoạt động thông thường của đơn vị thì kiểm toán viên nhà nước phải tìm hiểu về:  Bản chất của các giao dịch này; Việc tham gia của các bên liên quan vào các giao dịch này. Việc thu thập thêm thông tin về các giao dịch quan trọng ngoài hoạt động thông thường của đơn vị cho phép kiểm toán viên nhà nước đánh giá xem liệu có yếu tố dẫn đến rủi ro có gian lận hay không và xác định rủi ro có sai sót trọng yếu. Các giao dịch ngoài hoạt động thông thường của đơn vị có thể bao gồm: Giao dịch phức tạp về vốn chủ sở hữu (như cơ cấu lại hoặc sáp nhập doanh nghiệp); Giao dịch cho thuê tài sản hoặc cung cấp dịch vụ quản lý cho bên khác mà không thu phí; Giao dịch bán hàng với mức chiết khấu hoặc lợi nhuận lớn bất thường; Giao dịch với thoả thuận quay vòng như giao dịch bán hàng với cam kết mua lại; Giao dịch theo hợp đồng, trong đó có các điều khoản được thay đổi trước khi hết hạn.

14. Tìm hiểu về bản chất của các giao dịch quan trọng ngoài hoạt động thông thường của đơn vị là việc tìm hiểu tính hợp lý của các giao dịch và các điều khoản, điều kiện để thực hiện các giao dịch đó. Một bên liên quan có thể tham gia vào một giao dịch quan trọng ngoài hoạt động thông thường của đơn vị được kiểm toán không chỉ bằng cách gây ảnh hưởng trực tiếp đối với các giao dịch thông qua việc trở thành một bên tham gia giao dịch, mà còn bằng cách gây ảnh hưởng gián tiếp lên giao dịch thông qua một bên trung gian. Ảnh hưởng đó có thể cho thấy sự tồn tại của yếu tố dẫn đến rủi ro có gian lận.



Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu gắn với các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan

15.  Kiểm toán viên nhà nước phải xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu gắn với các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan. Để xác định được điều này, kiểm toán viên nhà nước phải coi các giao dịch quan trọng với các bên liên quan đã được xác định ngoài hoạt động thông thường của đơn vị là các giao dịch làm phát sinh rủi ro đáng kể.  Khi thực hiện thủ tục đánh giá rủi ro và các hoạt động liên quan gắn với các bên liên quan, nếu xác định được yếu tố dẫn đến rủi ro có gian lận (kể cả trường hợp tồn tại một bên liên quan có ảnh hưởng chi phối) thì kiểm toán viên nhà nước phải xem xét thông tin đó khi xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận.



Các yếu tố dẫn đến rủi ro có gian lận gắn với một bên liên quan có ảnh hưởng chi phối 

16. Sự tập trung quyền quản lý vào một cá nhân hoặc một nhóm người mà không có các kiểm soát để làm giảm ảnh hưởng chi phối đó chính là một yếu tố dẫn đến rủi ro có gian lận. Các dấu hiệu về ảnh hưởng chi phối của một bên liên quan bao gồm:

(i)  Bên liên quan đã bác bỏ các quyết định quan trọng mà lãnh đạo đơn vị được kiểm toán đưa ra;

(ii) Các giao dịch quan trọng được trình cho bên liên quan phê duyệt lần cuối;

(iii) Có rất ít hoặc không có sự tranh luận nào giữa các thành viên trong Ban lãnh đạo đơn vị được kiểm toán về các đề xuất của bên liên quan;

(iv) Các giao dịch có sự tham gia của bên liên quan (hoặc một thành viên gia đình mật thiết của bên liên quan) ít khi được rà soát và chấp thuận một cách độc lập.

Ảnh hưởng chi phối cũng có thể tồn tại trong một số trường hợp nếu bên liên quan đã giữ vai trò chính trong việc thành lập đơn vị và tiếp tục đóng vai trò chính trong việc quản lý đơn vị.

17. Sự tồn tại của một bên liên quan có ảnh hưởng chi phối có thể cho thấy những rủi ro đáng kể có sai sót trọng yếu do gian lận, như:

(i) Mức độ thay đổi nhiều bất thường của các thành viên Ban lãnh đạo đơn vị được kiểm toán hoặc các chuyên gia tư vấn có thể cho thấy hành vi không đúng đắn hoặc gian lận để phục vụ mục đích của các bên liên quan;

(ii) Việc sử dụng các cơ sở kinh doanh trung gian để thực hiện các giao dịch quan trọng không có căn cứ rõ ràng có thể cho thấy các bên liên quan có lợi ích trong các giao dịch đó thông qua việc kiểm soát các cơ sở kinh doanh trung gian đó vì mục đích gian lận;

(iii) Bằng chứng về sự tham gia quá mức, hoặc gây ảnh hưởng của các bên liên quan vào việc lựa chọn chính sách kế toán hoặc quyết định các ước tính quan trọng có thể cho thấy khả năng báo cáo tài chính bị gian lận.

Biện pháp xử lý đối với rủi ro có sai sót trọng yếu gắn với các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan 

18. Để xử lý các rủi ro đã được đánh giá, kiểm toán viên nhà nước phải thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm toán tiếp theo để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về rủi ro có sai sót trọng yếu đã được đánh giá gắn với các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan. Nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán tiếp theo mà kiểm toán viên nhà nước có thể lựa chọn để xử lý rủi ro có sai sót trọng yếu đã đánh giá gắn với các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan phụ thuộc vào bản chất của rủi ro đó và hoàn cảnh của đơn vị.

19. Khi kiểm toán viên nhà nước đánh giá có rủi ro đáng kể là đơn vị được kiểm toán đã không hạch toán hoặc thuyết minh hợp lý về các giao dịch cụ thể với các bên liên quan theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng (cho dù do nhầm lẫn hay gian lận), thì kiểm toán viên nhà nước có thể thực hiện các thủ tục kiểm toán cơ bản như sau:

(i) Xác nhận hoặc thảo luận về các khía cạnh cụ thể của các giao dịch với các bên trung gian như ngân hàng, công ty luật, tổ chức bảo lãnh, hoặc đại lý, nếu được và không bị pháp luật, các quy định hoặc các quy tắc đạo đức ngăn cấm;

(ii) Xác nhận về mục đích, điều khoản hoặc giá trị cụ thể của các giao dịch với các bên liên quan (thủ tục kiểm toán này có thể kém hiệu quả nếu kiểm toán viên nhà nước đánh giá rằng đơn vị có thể gây ảnh hưởng tới các bên liên quan để đối phó với kiểm toán viên nhà nước);

(iii) Xem xét báo cáo tài chính hoặc các thông tin tài chính khác của các bên liên quan, khi có thể, để tìm bằng chứng về việc hạch toán các giao dịch trong sổ kế toán của các bên liên quan.

20. Nếu kiểm toán viên nhà nước đánh giá một rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận là kết quả của sự tồn tại của bên liên quan có ảnh hưởng chi phối, kiểm toán viên nhà nước có thể tiến hành các thủ tục kiểm toán sau để hiểu được các mối quan hệ mà bên liên quan đó có thể đã thiết lập trực tiếp hoặc gián tiếp với đơn vị và để quyết định tiến hành thêm các thủ tục kiểm toán cơ bản thích hợp:

(i) Phỏng vấn và thảo luận với lãnh đạo đơn vị được kiểm toán;

(ii) Phỏng vấn bên liên quan;

(iii) Kiểm tra các giao dịch, thỏa thuận quan trọng với bên liên quan;

(iv) Tìm hiểu thông tin thích hợp, như thông qua Internet hoặc các cơ sở dữ liệu thông tin bên ngoài;

(v) Soát xét các báo cáo của nhân viên cung cấp thông tin sai phạm, nếu có.

21. Tuỳ thuộc vào kết quả của các thủ tục đánh giá rủi ro, kiểm toán viên nhà nước có thể cân nhắc chỉ cần thu thập bằng chứng kiểm toán mà không phải kiểm tra các kiểm soát của đơn vị đối với các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, kiểm toán viên nhà nước có thể không thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp nếu chỉ thực hiện các thủ tục kiểm toán cơ bản liên quan tới rủi ro có sai sót trọng yếu gắn với các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan. Trong trường hợp đó, kiểm toán viên nhà nước cần kiểm tra các kiểm soát của đơn vị đối với tính đầy đủ và độ chính xác của việc ghi chép các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan. 

Xác định các bên liên quan hoặc các giao dịch quan trọng với các bên liên quan chưa được đơn vị được kiểm toán xác định hay thông báo trước đó

22. Nếu phát hiện ra các bên liên quan hoặc các giao dịch quan trọng với bên liên quan mà trước đó đơn vị được kiểm toán chưa xác định hoặc thông báo cho kiểm toán viên nhà nước, kiểm toán viên nhà nước phải:

(i)    Trao đổi kịp thời thông tin có liên quan với các thành viên khác trong tổ kiểm toán;

(ii)   Nếu khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng có quy định về các bên liên quan thì kiểm toán viên nhà nước phải:



  • Yêu cầu đơn vị được kiểm toán xác định toàn bộ các giao dịch với các bên liên quan mới được phát hiện để kiểm toán viên nhà nước thực hiện đánh giá thêm;   

  • Tìm hiểu về lý do mà các kiểm soát của đơn vị đối với các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan lại không thể phát hiện hoặc thông báo về các mối quan hệ hoặc giao dịch đó;

(iii)  Thực hiện các thủ tục kiểm toán cơ bản thích hợp đối với các bên liên quan hoặc các giao dịch quan trọng với các bên liên quan mới được xác định, bao gồm:

  • Tìm hiểu về bản chất của các mối quan hệ của đơn vị với các bên liên quan mới được xác định thông qua việc phỏng vấn các bên không thuộc đơn vị, những người được cho là có hiểu biết đáng kể về đơn vị và môi trường hoạt động của đơn vị, như chuyên gia tư vấn pháp luật và các chuyên gia tư vấn khác, các đại lý giao dịch chính, các đại diện chính, đơn vị bảo lãnh, hoặc các đối tác thân thiết;

  • Tiến hành phân tích các ghi chép kế toán về các giao dịch với các bên liên quan mới được xác định; 

  • Xác minh các điều khoản và điều kiện của các giao dịch với các bên liên quan mới được xác định, và đánh giá xem các giao dịch có được hạch toán và thuyết minh hợp lý theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng hay không.

(iv)  Xem xét lại rủi ro có thể tồn tại các bên liên quan khác hoặc các giao dịch quan trọng khác với các bên liên quan, mà trước đó đơn vị được kiểm toán chưa xác định hoặc chưa thông báo cho kiểm toán viên nhà nước, và thực hiện thêm các thủ tục kiểm toán bổ sung khi cần thiết;

(v) Nếu việc không thông báo của đơn vị được kiểm toán được xác định là cố ý (và do đó cho thấy dấu hiệu của rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận) thì kiểm toán viên nhà nước phải đánh giá các ảnh hưởng tiềm tàng đối với cuộc kiểm toán.



Các giao dịch quan trọng với bên liên quan được xác định ngoài hoạt động thông thường của đơn vị

23.  Đối với các giao dịch quan trọng với các bên liên quan đã được xác định ngoài hoạt động thông thường của đơn vị, kiểm toán viên nhà nước phải:

(i)  Kiểm tra các hợp đồng hoặc thỏa thuận chính (nếu có) và đánh giá liệu: Bản chất của các giao dịch cho thấy các giao dịch này có được dàn xếp cho mục đích gian lận khi lập báo cáo tài chính hoặc che dấu hành vi biển thủ tài sản hay không; Các điều khoản của các giao dịch có nhất quán với giải trình của đơn vị được kiểm toán hay không; Các giao dịch có được hạch toán và thuyết minh phù hợp theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng hay không.

(ii)   Thu thập bằng chứng kiểm toán cho thấy các giao dịch đã được cho phép và phê duyệt phù hợp.

Xác nhận về việc các giao dịch với các bên liên quan được thực hiện theo các điều khoản tương đương với điều khoản áp dụng trong giao dịch ngang giá

24.  Nếu lãnh đạo đơn vị được kiểm toán đã xác nhận trong báo cáo tài chính rằng một giao dịch với bên liên quan được thực hiện theo các điều khoản tương đương với điều khoản áp dụng trong một giao dịch ngang giá, kiểm toán viên nhà nước phải thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về sự xác nhận này.



Cơ sở dẫn liệu cho các giao dịch với các bên liên quan được thực hiện theo các điều khoản tương đương với điều khoản áp dụng trong một giao dịch ngang giá 

25. Kiểm toán viên nhà nước phải xem xét rủi ro sai sót trọng yếu khi lãnh đạo đơn vị được kiểm toán khẳng định rằng một giao dịch với bên liên quan được thực hiện theo các điều khoản tương đương với điều khoản áp dụng trong một giao dịch ngang giá. Mặc dù có thể xác nhận rằng một giao dịch với bên liên quan đã được thực hiện theo giá thị trường nhưng kiểm toán viên nhà nước có thể không xác định được liệu các điều khoản và điều kiện khác của giao dịch (như các điều khoản tín dụng, các khoản tiềm tàng và chi phí cụ thể) có tương đương với các điều khoản và điều kiện thường được thỏa thuận giữa các bên độc lập hay không.

26. Việc lập báo cáo tài chính yêu cầu đơn vị được kiểm toán chứng minh cho cơ sở dẫn liệu là một giao dịch với bên liên quan được thực hiện theo các điều khoản tương đương với điều khoản áp dụng trong một giao dịch ngang giá. Chứng minh của đơn vị được kiểm toán cho cơ sở dẫn liệu này có thể bao gồm:

(i) So sánh các điều khoản của giao dịch với bên liên quan với các điều khoản của một giao dịch giống hoặc tương tự với một hoặc nhiều bên không liên quan;

(ii) Thuê một chuyên gia bên ngoài để xác định giá thị trường và xác nhận các điều khoản và điều kiện thị trường cho giao dịch;

(iii) So sánh các điều khoản của giao dịch với các điều khoản thị trường đã biết cho các giao dịch tương tự trên thị trường tự do.

27. Để đánh giá việc chứng minh của đơn vị được kiểm toán cho cơ sở dẫn liệu tại đoạn 28 Chuẩn mực này, kiểm toán viên nhà nước có thể thực hiện một hoặc nhiều thủ tục sau đây:

(i) Xem xét sự hợp lý trong quá trình chứng minh cơ sở dẫn liệu của đơn vị được kiểm toán;

(ii) Xác minh nguồn dữ liệu nội bộ hoặc bên ngoài chứng minh cho cơ sở dẫn liệu và kiểm tra dữ liệu để xác định tính chính xác, đầy đủ và phù hợp của nguồn dữ liệu đó;

(iii) Đánh giá tính hợp lý của các giả định quan trọng cho cơ sở dẫn liệu.



Đánh giá việc hạch toán và thuyết minh các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan đã xác định

28.  Kiểm toán viên nhà nước phải đánh giá:

(i) Các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan đã được xác định có được hạch toán và thuyết minh phù hợp theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng hay không;

(ii) Ảnh hưởng của các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan có làm cho báo cáo tài chính không được phản ánh trung thực và hợp lý; hoặc làm cho báo cáo tài chính bị sai lệch.



Lưu ý về tính trọng yếu khi đánh giá sai sót 

29. Kiểm toán viên nhà nước phải xem xét quy mô và bản chất của một sai sót và các trường hợp cụ thể mà sai sót xảy ra, khi đánh giá xem sai sót có trọng yếu hay không. Tầm quan trọng của một giao dịch đối với người sử dụng báo cáo tài chính có thể không chỉ phụ thuộc vào giá trị của giao dịch mà còn phụ thuộc vào các yếu tố có liên quan khác như bản chất của mối quan hệ với bên liên quan.



Đánh giá các thuyết minh về bên liên quan 

30. Khi khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính áp dụng có quy định phải thuyết minh về các bên liên quan, việc đánh giá các thuyết minh về bên liên quan có nghĩa là xem xét các trường hợp, tình huống thực tế của các quan hệ và giao dịch với các bên liên quan của đơn vị được kiểm toán có được tóm tắt và trình bày một cách phù hợp, dễ hiểu đối với người sử dụng hay không. Thuyết minh về các giao dịch với các bên liên quan có thể không dễ hiểu nếu:

(i) Tính hợp lý về mặt kinh tế và những ảnh hưởng của các giao dịch đối với báo cáo tài chính là không rõ ràng hoặc bị trình bày sai lệch; hoặc

(ii) Các điều khoản, điều kiện, hoặc các yếu tố quan trọng khác của các giao dịch mà người sử dụng cần biết lại không được thuyết minh phù hợp.



Giải trình bằng văn bản 

31.  Nếu khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng có quy định về các bên liên quan, kiểm toán viên nhà nước phải thu thập giải trình bằng văn bản của lãnh đạo đơn vị được kiểm toán (trong phạm vi phù hợp), trong đó khẳng định:

(i)    Đơn vị được kiểm toán (trong phạm vi phù hợp) đã thông báo cho kiểm toán viên nhà nước biết về việc xác định các bên liên quan của đơn vị và tất cả các mối quan hệ và giao dịch với các bên liên quan mà họ biết;

(ii)    Đơn vị được kiểm toán (trong phạm vi phù hợp) đã hạch toán và thuyết minh các mối quan hệ và giao dịch này phù hợp theo quy định của khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng.

32. Các trường hợp kiểm toán viên nhà nước có thể cần thu thập giải trình bằng văn bản của lãnh đạo đơn vị được kiểm toán, bao gồm:

(i) Khi lãnh đạo đơn vị đã phê duyệt các giao dịch với các bên liên quan cụ thể mà các giao dịch đó ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính;

(ii) Khi lãnh đạo đơn vị đã giải trình bằng lời cho kiểm toán viên nhà nước về chi tiết các giao dịch với các bên liên quan;

(iii) Khi lãnh đạo đơn vị có các lợi ích tài chính hoặc các lợi ích khác trong các bên liên quan hoặc trong các giao dịch với các bên liên quan.



Trao đổi với lãnh đạo đơn vị được kiểm toán

33. Kiểm toán viên nhà nước phải trao đổi với lãnh đạo đơn vị được kiểm toán những vấn đề quan trọng phát sinh trong quá trình kiểm toán về các bên liên quan của đơn vị.



Tài liệu, hồ sơ kiểm toán

34.  Kiểm toán viên nhà nước phải lưu trong tài liệu, hồ sơ kiểm toán tên của các bên liên quan đã được xác định và bản chất của các mối quan hệ với các bên liên quan.





Каталог: Data -> thuynm -> File
Data -> Qcvn 81: 2014/bgtvt
Data -> Trung taâm tin hoïC Ñhsp ñEÀ thi hoïc phaàn access
Data -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
Data -> Công ty cổ phần Xây dựng Điện vneco3
Data -> Nghiên cứu một số đặc điểm
Data -> NHỮng đÓng góp mới của luậN Án tiến sĩ CẤP ĐẠi học huế Họ và tên ncs : Nguyễn Văn Tuấn
Data -> Mẫu 01/hc-sn-dn (Ban hành kèm theo Thông tư số 83/2007/tt-btc ngày 16/7/2007 của Bộ Tài chính) TỜ khai hiện trạng sử DỤng nhà, ĐẤt thuộc sở HỮu nhà NƯỚc và ĐỀ xuất phưƠng án xử LÝ
File -> C dự thảo huẩn mực kiểm toán nhà NƯỚc số 3000 (cmktnn 3000) HƯỚng dẫn kiểm toán hoạT ĐỘng quy đỊnh chung
File -> Chuẩn mực kiểm toán nhà NƯỚc số 4000 (cmktnn 4000)

tải về 88.2 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương