CHÍnh phủ Số: 70



tải về 52.48 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích52.48 Kb.
#24844

CHÍNH PHỦ

_____

Số: 70/NQ-CP



CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_______________________________________

Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 2012



NGHỊ QUYẾT

Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ

thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01 tháng 6 năm 2012

của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI

một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020

__________
CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01 tháng 6 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,


QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01 tháng 6 năm 2012 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020.

Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này./.


Nơi nhận:

- Như Điều 3;



- Ban Bí thư Trung ương Đảng;

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;

- Văn phòng Trung ương Đảng,

Ban Tuyên giáo Trung ương;

- Văn phòng Tổng Bí thư;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;

- Văn phòng Quốc hội;

- Tòa án nhân dân tối cao;

- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

- Kiểm toán nhà nước;

- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Cơ quan TW của các đoàn thể;

- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP;

Cổng TTĐT, các Vụ, Cục;

- Lưu: Văn thư, KGVX (3b).XH 170


TM. CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG
(Đã ký)
Nguyễn Tấn Dũng

CHÍNH PHỦ

_______


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

____________________________________



CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ

Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01 tháng 6 năm 2012

của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI

một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020

(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 70/NQ-CP

ngày 01 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ)

____________
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01 tháng 6 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 15), Chính phủ ban hành Chương trình hành động (sau đây gọi tắt là Chương trình) với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Chương trình xác định các nhiệm vụ chủ yếu để các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân thực hiện thành công mục tiêu của Nghị quyết 15 đã đề ra nhằm không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng và bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước từng thời kỳ.

2. Chương trình là căn cứ để các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động theo chức năng nhiệm vụ của mình để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 15.

II. NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Nhiệm vụ chung

a) Rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về người có công với cách mạng và an sinh xã hội, tăng cường hiệu quả và hiệu lực của hệ thống pháp luật.

b) Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý và thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và an sinh xã hội; trong đó chú trọng chính sách đặc thù đối với đồng bào dân tộc thiểu số và vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; hướng dẫn, đôn đốc thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chính sách người có công với cách mạng và an sinh xã hội.

c) Bố trí kinh phí, nhân lực; tăng cường cơ sở vật chất, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa huy động nguồn lực để thực hiện thành công các mục tiêu của Nghị quyết 15. Tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh, ưu tiên hỗ trợ các đối tượng yếu thế.

d) Thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, tổ chức và cá nhân về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và an sinh xã hội.

2. Nhiệm vụ cụ thể

a) Về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng:

- Xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công;

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, chỉnh hình - phục hồi chức năng đáp ứng yêu cầu điều trị, phục hồi sức khỏe cho người có công với cách mạng; đầu tư xây dựng, sửa chữa, tôn tạo và nâng cấp các công trình tưởng niệm liệt sỹ bảo đảm ổn định lâu dài, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ;

- Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và Đề án xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin;

- Đẩy mạnh thực hiện phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”, “xã phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công”, huy động nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng và gia đình họ.

b) Về bảo đảm an sinh xã hội

- Tiếp tục hoàn thiện Luật việc làm trình Quốc hội; rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, phát triển thị trường lao động; triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề. Nghiên cứu thí điểm và tiến tới nhân rộng đề án chương trình việc làm công. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật dạy nghề; cơ chế, chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội;

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020; Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ đối với hộ cận nghèo;

- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật bảo hiểm xã hội theo hướng đa dạng hóa các hình thức bảo hiểm xã hội, mở rộng đối tượng tham gia các loại hình bảo hiểm xã hội, khuyến khích nông dân và người lao động trong khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội; tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật về bảo hiểm xã hội; hoàn thiện cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả và bền vững của quỹ bảo hiểm xã hội;

- Xây dựng mức sống tối thiểu, mức sống trung bình, chuẩn nghèo, cận nghèo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ làm cơ sở xác định các đối tượng và mức chuẩn của các chính sách an sinh xã hội;

- Tổ chức thực hiện tốt Luật người cao tuổi, Luật người khuyết tật, Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)... các văn bản quy phạm pháp luật và các chương trình, đề án, dự án có liên quan đến chính sách an sinh xã hội. Nghiên cứu sửa đổi Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đổi mới công tác trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất. Củng cố, nâng cấp hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội. Phát triển các mô hình chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội dựa vào cộng đồng. Phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội;

- Tiếp tục hoàn thiện các chính sách về giáo dục. Triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án về giáo dục; chú trọng đối tượng là người nghèo, người cận nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số; nghiên cứu, xây dựng và triển khai Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới năm tuổi;

- Củng cố và tăng cường mạng lưới y tế cơ sở, ưu tiên các huyện nghèo, xã nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới và hải đảo bảo đảm mọi người dân tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, nhất là đối với bà mẹ và trẻ em dưới 6 tuổi. Tiếp tục triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, nhất là tiêm chủng mở rộng; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; phòng, chống lao và HIV/AIDS. Sửa đổi, bổ sung Luật bảo hiểm y tế theo hướng khuyến khích người cận nghèo và người có thu nhập dưới mức trung bình tham gia bảo hiểm y tế; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế;

- Triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia đến 2020 tầm nhìn 2030, chú trọng hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp ở đô thị, người lao động tại các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên;

- Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn bảo đảm mức tối thiểu về nước sạch cho người dân;

- Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; củng cố và phát triển mạng lưới thông tin cơ sở, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo;

- Xây dựng mã số an sinh xã hội để phát triển hệ thống thông tin về chính sách an sinh xã hội; xây dựng bộ chỉ số an sinh xã hội quốc gia và bộ cơ sở dữ liệu hộ gia đình để phát triển hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách an sinh xã hội; định kỳ hàng năm xây dựng báo cáo quốc gia về an sinh xã hội và báo cáo đối với các nhóm đặc thù, nhất là dân tộc thiểu số và giới;

- Đẩy mạnh xã hội hóa huy động nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội; khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào cung cấp các dịch vụ an sinh xã hội;

- Tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm trong xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội.



III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ nhiệm vụ được phân công, các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch để chỉ đạo, triển khai thực hiện kịp thời và hiệu quả những nội dung của Chương trình (Phụ lục kèm theo).

2. Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình do một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm Phó Trưởng ban Thường trực.

3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành, tổ chức thực hiện các chính sách, chương trình, dự án về ưu đãi người có công với cách mạng, dạy nghề, việc làm, thu nhập, giảm nghèo, bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nhằm bảo đảm giáo dục tối thiểu.

5. Bộ Y tế xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nhằm bảo đảm y tế tối thiểu.

6. Bộ Xây dựng xây dựng, thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng và cải thiện điều kiện nhà ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp ở đô thị, từng bước giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên.

7. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo đảm nước sạch.

8. Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm thông tin; chỉ đạo các cơ quan truyền thông tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung Nghị quyết 15.

9. Ủy ban Dân tộc chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, thực hiện và kiểm tra, đánh giá, giám sát việc thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

10. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề án huy động nguồn lực trong và ngoài nước thực hiện chính sách an sinh xã hội. Bộ Tài chính bố trí ngân sách để thực hiện chính sách người có công với cách mạng và an sinh xã hội, nghiên cứu thí điểm mô hình Quỹ trợ giúp đột xuất tại cộng đồng.

11. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố làm Trưởng ban; thực hiện việc tuyên truyền và đánh giá, định kỳ hằng năm báo cáo kết quả thực hiện Chương trình.

12. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia phổ biến, thực hiện, vận động các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia và giám sát việc thực hiện Chương trình.

13. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Nghị quyết này, định kỳ hàng năm báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo tình hình thực hiện, đồng thời gửi báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để theo dõi, tổng hợp báo cáo Chính phủ.



14. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn được giao, theo dõi đôn đốc các Bộ ngành, địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết này, định kỳ hằng năm báo cáo, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm Chương trình được thực hiện hiệu quả và đồng bộ./.






TM. CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG

(Đã ký)
Nguyễn Tấn Dũng


tải về 52.48 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương