CHÍnh phủ Số: 299/bc-cp cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam



tải về 92.65 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu13.08.2016
Kích92.65 Kb.
#17772

CHÍNH PHỦ



Số: 299/BC-CP



CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc




Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2012

BÁO CÁO

Tổng kết thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo

Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội

Kính gửi: Quốc hội

Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định: “Nghiên cứu thực hiện và phát triển các loại hình dịch vụ từ phía nhà nước để tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình... từng bước thực hiện việc xã hội hóa và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án dân sự”; “Nghiên cứu chế định Thừa phát lại (thừa hành viên); trước mắt có thể tổ chức thí điểm tại một số địa phương, sau vài năm, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn sẽ có bước đi tiếp theo”.

Thể chế hóa chủ trương của Đảng, ngày 14/11/2008 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2008/QH12 về thi hành Luật Thi hành án dân sự, trong đó quy định: “Để triển khai thực hiện chủ trương xã hội hoá một số công việc có liên quan đến thi hành án dân sự, giao Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (Thừa hành viên) tại một số địa phương. Việc thí điểm được thực hiện từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành (01/7/2009) đến ngày 01 tháng 7 năm 2012. Chính phủ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định”

Thực hiện Nghị quyết số 24/2008/QH12 về thi hành Luật Thi hành án dân sự, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp phối hợp với Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và các Bộ, Ngành có liên quan triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố. Sau thời gian thực hiện thí điểm, Chính phủ đã chỉ đạo tổng kết theo quy định. Tại phiên họp tháng 8 năm 2012, Chính phủ đã xem xét và nhất trí thông qua Báo cáo tổng kết để trình Quốc hội với những nội dung cụ thể như sau:

I. VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI

1. Công tác xây dựng thể chế về thí điểm chế định Thừa phát lại

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và một số cơ quan liên quan xây dựng Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh”. Đề án được xây dựng dựa trên việc nghiên cứu tiếp thu các yếu tố hợp lý của chế định Thừa phát lại đã từng tồn tại ở Việt Nam thời kỳ trước năm 1950 và tiếp tục ở Miền Nam cho đến năm 1975, đồng thời có sự điều chỉnh, bổ sung các nội dung mới phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính hiện nay ở nước ta.

Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 19/02/2009, theo đó, Thừa phát lại là người có đủ các tiêu chuẩn do pháp luật quy định, được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự (bao gồm: xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp thi hành bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự); tống đạt giấy tờ của Toà án và của Cơ quan thi hành án dân sự cho đương sự; lập vi bằng (ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác) và làm các công việc khác theo quy định của pháp luật có liên quan. Thừa phát lại hành nghề thông qua hình thức Văn phòng Thừa phát lại.

Với việc giao cho Thừa phát lại thực hiện 3 nhiệm vụ chính mang tính truyền thống của Thừa phát lại như trên, mô hình Thừa phát lại sẽ là một thiết chế nghề nghiệp độc lập vừa làm nhiệm vụ hỗ trợ tư pháp (hỗ trợ Tòa án trong việc tống đạt giấy tờ, lập vi bằng có giá trị chứng cứ trước tòa) vừa thực hiện các công việc về thi hành án dân sự theo nhu cầu của cá nhân, tổ chức đúng theo tinh thần đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp, thi hành án của Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược Cải cách tư pháp.

Đề án cũng xác định việc thí điểm chế định Thừa phát lại được thực hiện trước tiên tại thành phố Hồ Chí Minh (là địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội tương đối thuận lợi cho việc phát triển các loại hình dịch vụ, trong đó có dịch vụ pháp lý như Thừa phát lại, đồng thời cũng là địa phương có số lượng việc và tiền phải thi hành cao nhất cả nước1, hàng năm mỗi Chấp hành viên phải thi hành gần 600 việc, gấp 3 lần mức bình quân của cả nước) nhằm mục tiêu “xác định sự cần thiết và tính hiệu quả của Thừa phát lại trong hoạt động tư pháp nói chung và Thi hành án dân sự nói riêng, xác định khả năng áp dụng mô hình này trong toàn quốc, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa một số hoạt động hành chính, tư pháp”.

Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội và Đề án đã được phê duyệt, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh. Nghị định quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức, trình tự, thủ tục thực hiện công việc của Thừa phát lại đồng thời xác định các quy định của Nghị định này cũng được áp dụng khi thực hiện thí điểm Thừa phát lại tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.

Cụ thể hóa các quy định của Nghị định, các Bộ, Ngành có liên quan đã ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, như: Thông tư số 03/2009/TT-BTP ngày 30/9/2009 của Bộ Tư pháp; Thông tư liên tịch số 12/2010/TTLT-BTP-TANDTC-BTC ngày 24/6/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Tài chính; Thông tư liên tịch số 13/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 07/07/2010 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Chỉ thị số 22/2011/CT-UBND ngày 11/6/2011 về tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp và hỗ trợ cho hoạt động Thừa phát lại.

Như vậy, trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo các Bộ, Ngành và thành phố Hồ Chí Minh phối hợp ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ sở pháp lý cơ bản đầy đủ cho việc thí điểm tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.

2. Quán triệt và tuyên truyền nâng cao nhận thức về Thừa phát lại

Nhằm thực hiện thí điểm có hiệu quả, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tổ chức quán triệt chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và các quy định của Chính phủ về việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.

Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch liên tịch số 3450/KH-BTP-UBND ngày 30/9/2009 nhằm phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Thành phố tổ chức Hội nghị quán triệt việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn thành phố với sự tham dự của Lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố; đại điện Lãnh đạo các Sở, ban, ngành và cấp ủy, chính quyền các quận huyện trên địa bàn. Bên cạnh đó, Thành ủy đã ban hành Văn bản số 582-CV/TU ngày 13/10/2009 để quán triệt trong đảng viên, cán bộ và nhân dân về việc thực hiện thí điểm Thừa phát lại, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan trên địa bàn phối hợp, hỗ trợ Thừa phát lại trong hoạt động.

Cùng với việc quán triệt triển khai thực hiện các chủ trương, quy định về Thừa phát lại, Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã mở nhiều đợt tuyên truyền về Thừa phát lại với nhiều hình thức khác nhau. Đồng thời, các đơn vị chức năng tại thành phố Hồ Chí Minh đã trực tiếp quảng bá, hướng dẫn cho công dân, tổ chức hiểu, tiếp cận với các văn phòng Thừa phát lại.

Nhờ các hoạt động quán triệt sâu trong các cơ quan nhà nước và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong xã hội nên đã tạo được sự đồng thuận, quyết tâm cao của các cơ quan có trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện thí điểm, cũng như nâng cao nhận thức của người dân, của xã hội đối với chế định Thừa phát lại.

3. Công tác đào tạo, bổ nhiệm Thừa phát lại, thành lập, cấp phép hoạt động các văn phòng Thừa phát lại

Trên cơ sở Kế hoạch số 3450/KH-BTP-UBND ngày 30/9/2009, Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức một số khóa đào tạo cho những người có nhu cầu làm Thừa phát lại. Bên cạnh đó, các đơn vị có trách nhiệm thực hiện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội nghị chuyên đề, biên soạn, phát hành các ấn phẩm, tài liệu hướng dẫn về Thừa phát lại. Nhờ đó đã từng bước hình thành đội ngũ những người có kỹ năng, nghiệp vụ để hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực Thừa phát lại. Đến nay, Bộ Tư pháp đã bổ nhiệm 53 trường hợp làm Thừa phát lại; Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập, cấp phép hoạt động cho 08 văn phòng Thừa phát lại với 33 Thừa phát lại, 68 Thư ký Thừa phát lại và 33 nhân viên khác đang làm việc tại các văn phòng này.

Tổ chức bộ máy, nhân sự của các văn phòng Thừa phát lại đã được thực hiện đúng quy định của pháp luật, bao gồm: Trưởng Văn phòng Thừa phát lại; các Thừa phát lại là thành viên sáng lập (đối với văn phòng Thừa phát lại tổ chức theo hình thức công ty hợp danh); Thừa phát lại làm theo hợp đồng; Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại; nhân viên kế toán và nhân viên hành chính khác. Về cơ sở vật chất, các văn phòng Thừa phát lại đã thực hiện đúng yêu cầu về trụ sở, phương tiện hoạt động theo quy định.

4. Kiểm tra, giám sát hoạt động Thừa phát lại

Trong quá trình thực hiện thí điểm, Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của mình thường xuyên nắm bắt tình hình, kiểm tra để phát hiện và kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc lớn liên quan đến hoạt động của Thừa phát lại trong quá trình thực hiện như hướng dẫn về phạm vi lập vi bằng, về phạm vi, chi phí tống đạt giấy tờ, về phối hợp cưỡng chế thi hành án... Định kỳ hàng tháng các cơ quan tư pháp Thành phố đều tổ chức giao ban với sự tham gia của các văn phòng Thừa phát lại nhằm nắm bắt tình hình. Đến nay các đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra hoạt động của tất cả các văn phòng Thừa phát lại, kịp thời chấn chỉnh những sai sót trong tổ chức và hoạt động.

Các cơ quan chức năng cũng đã thực hiện tốt việc giám sát, kiểm sát hoạt động Thừa phát lại theo quy định của pháp luật. Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức giám sát việc thực hiện thí điểm Thừa phát lại trên địa bàn. Báo cáo giám sát kết quả tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh đã đánh giá "quá trình triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả rất khả quan, đặt nền tảng và niềm tin vào khả năng nhân rộng mô hình này trong phạm vu cả nước trong thời gian tới" (Xin gửi kèm theo). Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tích cực thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Thừa phát lại trong hoạt động thi hành án và hoạt động tống đạt giấy tờ.

5. Công tác sơ kết, tổng kết hoạt động Thừa phát lại

Trong thời gian thực hiện thí điểm, các cơ quan có trách nhiệm đã tổ chức sơ kết, tổng kết theo kế hoạch và quy định của Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ. Trong đó, Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề nhằm đánh giá tình hình, kết quả việc thực hiện, đưa ra các chủ trương, giải pháp giải quyết kịp thời những vướng mắc, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện thí điểm chế định này, bảo đảm thực hiện có hiệu quả.

Tháng 6/2011, Bộ Tư pháp cùng với Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với các Bộ, Ngành có liên quan tổ chức sơ kết hơn 01 năm thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ về thí điểm chế định Thừa phát lại; trên cơ sở đó đã đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn việc thí điểm chế định này.

Hết thời gian thí điểm theo Nghị quyết của Quốc hội, theo chỉ đạo của Chính phủ, ngày 03/8/2012 Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố với sự tham dự của Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương... để đánh giá một cách toàn diện việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, Ngành và Thành phố xây dựng Báo cáo tổng kết trình Chính phủ xem xét, thông qua để trình Quốc hội.



II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM CHẾ ĐỊNH THỪA PHÁT LẠI

1. Kết quả hoạt động cụ thể của các Văn phòng Thừa phát lại

Mặc dù thời gian thí điểm chưa dài (thực tế triển khai mới được khoảng 02 năm), nhưng qua tổng kết cho thấy, hoạt động của các văn phòng Thừa phát lại đã thu được kết quả khả quan, được xã hội, người dân đón nhận tích cực. Kết quả hoạt động của 05 văn phòng Thừa phát lại từ 21/5/2010 đến 30/6/2012 trên 3 phương diện chính như sau:



Về tống đạt giấy tờ: Đã thực hiện tống đạt 103.218 văn bản với tổng chi phí thu được bước đầu là 6.568.605.000 đồng. Về cơ bản, các văn phòng Thừa phát lại đã thực hiện tốt, đúng pháp luật việc tống đạt các văn bản, giấy tờ cho Tòa án và các cơ quan Thi hành án dân sự.

Về lập vi bằng: Tổng số vi bằng đã lập và đăng ký tại Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh là 5.020 vi bằng, tổng doanh thu là 9.556.248.000 đồng.

Về xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án theo yêu cầu của đương sự: Các văn phòng Thừa phát lại đã thực hiện được 147 vụ việc xác minh điều kiện thi hành án với tổng số phí thu được là 682.550.000 đồng; trực tiếp tổ chức thi hành xong 26 vụ việc với giá trị thi hành là 7.318.317.993 đồng với chi phí thu được là 359.966.280 đồng.

Đối với 03 văn phòng Thừa phát lại mới được thành lập, Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đang chỉ đạo các đơn vị chức năng hỗ trợ, hướng dẫn, hiện các Văn phòng này đã ổn định về mặt tổ chức và bắt đầu đi vào hoạt động.



2. Những tác động tích cực của việc thí điểm chế định Thừa phát lại

Việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ với những kết quả đạt được về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại trong thời gian qua đã bước đầu khẳng định việc thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh là thành công, mô hình Thừa phát lại phù hợp, cần thiết cho xã hội và cho hoạt động tư pháp, được người dân ủng hộ. Cụ thể:



Đối với người dân, xã hội, việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại đã góp phần nâng cao nhận thức không những đối với cơ quan nhà nước mà còn đối với người dân về một chủ trương mới của Đảng, Nhà nước. Chế định Thừa phát lại đã tạo cơ chế tăng cường tính chủ động, tích cực của công dân trong các quan hệ dân sự, tố tụng dân sự. Trong đó, việc lập vi bằng của Thừa phát lại đã được người dân đón nhận hết sức tích cực vì đã tạo thêm một công cụ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong thực hiện các giao dịch dân sự và trong các quá trình tố tụng tư pháp. Bên cạnh đó, sự hiện diện của các Văn phòng Thừa phát lại bên cạnh các cơ quan Thi hành án của Nhà nước đã tạo điều kiện để người dân có thêm sự lựa chọn phù hợp với năng lực, điều kiện của cá nhân khi yêu cầu thi hành án dân sự.

Ngoài ra, dưới góc độ xã hội, hoạt động Thừa phát lại bước đầu đã tạo lập một nghề mới trong thị trường cung cấp dịch vụ pháp lý và là bước đầu tiên xã hội hóa hoạt động thi hành án, tạo thêm công ăn việc làm cho xã hội.



Đối với hoạt động tư pháp và liên quan, hoạt động Thừa phát lại đã bước đầu hỗ trợ tích cực cho các hoạt động tư pháp được nhanh hơn, hiệu quả hơn, góp phần giảm tải công việc của các cơ quan tư pháp, trước hết là của Tòa án và Cơ quan Thi hành án dân sự. Đối với Tòa án, việc tống đạt văn bản của Thừa phát lại đã giúp Tòa án tập trung vào việc xét xử, việc lập vi bằng giúp tạo lập nguồn chứng cứ góp phần bảo đảm cho việc xét xử khách quan, kịp thời và chính xác. Đối với Cơ quan Thi hành án dân sự, việc thực hiện các công việc về tống đạt văn bản thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, trực tiếp tổ chức thi hành án của Thừa phát lại đã nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan thi hành án dân sự, tạo cơ chế vừa phối hợp, hỗ trợ vừa cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực thi hành án, bước đầu góp phần hạn chế một số tiêu cực trong hoạt động thi hành án.

Từ vai trò, tác động của việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trong thời gian qua tại thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, mô hình này là cần thiết cho người dân, xã hội nói chung, cho hoạt động tư pháp nói riêng. Hiệu quả hoạt động Thừa phát lại bước đầu đã cho thấy đây là một hướng đi đúng về xã hội hóa hoạt động tư pháp, hoạt động thi hành án dân sự mà chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. Mặc dù do thời gian ngắn, việc thí điểm chỉ mới được triển khai ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng tính thuyết phục về hiệu quả xã hội của hoạt động Thừa phát lại đã lan tỏa ra ngoài phạm vi Thành phố. Với những kết quả đã đạt được qua việc thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh như đã báo cáo ở trên, nhiều địa phương, trong đó có thành phố Đà Nẵng, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương đã có văn bản đề xuất và chủ động xây dựng đề án thực hiện thí điểm mô hình này tại địa phương mình (Xin gửi kèm theo).



III. NHỮNG VƯỚNG MẮC, BẤT CẬP CỦA VIỆC THÍ ĐIỂM CHẾ ĐỊNH THỪA PHÁT LẠI VÀ NGUYÊN NHÂN

Bên cạnh kết quả tích cực đã đạt được, việc thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết của Quốc hội cũng đã gặp một số vướng mắc, bộc lộ một số bất cập. Cụ thể:



- Vướng mắc, bất cập về nhận thức:

Từ phía xã hội, mặc dù đã tồn tại ở nước ta nhiều năm dưới chế độ cũ, song nhìn chung hiện nay chế định Thừa phát lại vẫn còn xa lạ đối với nhiều người dân. Hầu hết các công việc Thừa phát lại được làm đều đang do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện vì vậy, người dân chưa quen nhìn nhận và sử dụng Thừa phát lại như một dịch vụ trong lĩnh vực tư pháp để hỗ trợ cho việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức mình.

Từ phía cơ quan nhà nước, nhận thức của các cơ quan hữu quan về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của Thừa phát lại cũng chưa thật rõ ràng, đầy đủ và còn thiếu sự thống nhất dẫn đến việc triển khai một số công việc để thực hiện thí điểm chế định này chưa được thông suốt, đồng bộ, công tác phối hợp giữa các cơ quan Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự và các cơ quan khác có liên quan với các Văn phòng Thừa phát lại chưa thật chặt chẽ, có những lúc, những việc còn chậm chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

- Vướng mắc, bất cập về thể chế:

Chế định Thừa phát lại đang được thực hiện thí điểm, nên các quy định pháp luật về Thừa phát lại còn chưa đầy đủ, hiệu lực chưa cao, chưa đồng bộ và có những điểm thiếu cụ thể.

Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Quốc hội chậm so với tiến độ, mặc dù việc thí điểm có hiệu lực từ 01/7/2009 nhưng đến giữa năm 2010 các thông tư liên tịch hướng dẫn về nghiệp vụ, về chế độ tài chính đối với hoạt động Thừa phát lại mới hoàn tất để tạo môi trường pháp lý tương đối đủ, an toàn cho Thừa phát lại hoạt động.

Nghị quyết của Quốc hội chỉ quy định về nguyên tắc việc thực điểm thí điểm chế định Thừa phát lại, do đó, văn bản có hiệu lực cao nhất về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại chỉ mới là Nghị định của Chính phủ, điều đó dẫn đến vướng mắc về áp dụng pháp luật khi có mâu thuẫn, xung đột nội dung giữa nghị định với các luật, pháp lệnh có liên quan, làm hạn chế hiệu lực hoạt động của Thừa phát lại.

Vấn đề bảo đảm hiệu lực pháp lý của chế định Thừa phát lại trong thời gian từ khi kết thúc thí điểm (01/7/2012) cho đến khi Quốc hội ban hành văn bản pháp luật mới về Thừa phát lại chưa được dự liệu, tính toán cụ thể trong Nghị quyết số 24/2008/QH12, do đó, dẫn đến lúng túng trong hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước trong thời kỳ chuyển tiếp và phần nào gây nên tâm trạng lo lắng, thiếu tin tưởng của chính các Thừa phát lại cũng như của những cá nhân, tổ chức đã hoặc đang sử dụng dịch vụ Thừa phát lại.

- Vướng mắc, bất cập về tổ chức, nguồn nhân lực và kết quả hoạt động của các văn phòng Thừa phát lại:

Về tổ chức, do thời gian hoạt động chưa dài và đang trong giai đoạn thí điểm, nên các Văn phòng Thừa phát lại vẫn còn đang trong quá trình vừa làm vừa ổn định, củng cố và phát triển tổ chức, hình thành từng bước cơ chế quản lý điều hành nội bộ văn phòng, tháo gỡ dần những khó khăn, hạn chế về nguồn nhân lực. Cho đến nay, đội ngũ Thừa phát lại, thư ký và nhân viên giúp việc tại các Văn phòng vẫn còn thiếu về số lượng, chất lượng không đồng đều, còn những trường hợp thiếu kỹ năng, kinh nghiệm trong giải quyết công việc, có trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực công tác.

Trong hoạt động, sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức với Thừa phát lại chưa thật sự hiệu quả. Một thời gian không ngắn, việc triển khai hoạt động giao cho Thừa phát lại tống đạt văn bản của Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự, nhất là ở cấp huyện còn khá cầm chừng, thiếu bài bản, chưa theo quy trình, thủ tục chặt chẽ. Sự phối hợp, hỗ trợ của một số cơ quan chính quyền cơ sở, tổ chức tài chính chưa chặt chẽ, hiệu quả trong quá trình Thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án hoặc tống đạt giấy tờ đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả hoạt động của các văn phòng Thừa phát lại.

Nhìn tổng thể, kết quả thực hiện các loại công việc của Thừa phát lại chưa đồng đều, trong đó, các việc xác minh điều kiện thi hành án, trực tiếp tổ chức thi hành án kết quả đạt được còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của mô hình và năng lực của các văn phòng Thừa phát lại.



- Hạn chế về quy mô thí điểm:

Việc triển khai thí điểm mới được thực hiện tại thành phố Hồ Chí Minh, chưa được nhân rộng đến các địa phương khác như Nghị quyết của Quốc hội đã xác định. Điều đó làm hạn chế việc đánh giá một cách toàn diện mô hình này.

Các vướng mắc, bất cập trên do những nguyên nhân chủ yếu sau:

Một là, thời gian 03 năm là quá ngắn để có thể triển khai và đánh giá toàn diện kết quả thí điểm một chế định liên quan đến nhiều hoạt động trong lĩnh vực tư pháp như chế định Thừa phát lại. Việc thí điểm chế định này bắt buộc phải theo trình tự từ xây dựng thể chế đến quán triệt nhằm thống nhất cho các cơ quan, tổ chức trong nhận thức và hành động; tuyên truyền sâu rộng cho người dân, xã hội biết và sử dụng các dịch vụ của Thừa phát lại; hình thành nhận thức và niềm tin của cơ quan nhà nước, của xã hội đối với một loại hình dịch vụ pháp lý mới; từ đào tạo nguồn nhân lực để bổ nhiệm Thừa phát lại và các nhân viên phục vụ đến việc đến việc thành lập và đi vào hoạt động trên thực tế của những văn phòng Thừa phát lại đầu tiên.

Hai là, việc thí điểm cần được triển khai thận trọng theo lộ trình mở rộng trên cơ sở rút kinh nghiệm từ địa bàn thí điểm đầu tiên nhưng cũng do thời gian thí điểm theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 quá ngắn nên việc mở rộng thí điểm chưa thực hiện được. Mặc dù từ tháng 6/2011, trên cơ sở sơ kết thí điểm Thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai mở rộng địa bàn thí điểm chế định này tại một số địa phương ngoài thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ, một số địa phương cũng đã có đề án thí điểm chế định Thừa phát lại như Đồng Nai, Bình Dương và Đà Nẵng nhưng việc mở rộng thí điểm tại các địa phương này vẫn chưa thực hiện được do e ngại hiệu lực pháp lý của các văn bản về Thừa phát lại sau ngày 01/7/2012.

Ba là, tâm lý e ngại, chưa thật tin tưởng của người dân đối với một số việc do Thừa phát lại thực hiện. Do Thừa phát lại mới được thí điểm với thời gian ngắn nên người dân chưa biết nhiều, chưa quen với loại hình dịch vụ này dẫn đến có sự khác biệt trong việc sử dụng các hoạt động của Thừa phát lại, cụ thể là người dân mạnh dạn sử dụng dịch vụ lập vi bằng do chưa có cơ quan, tổ chức nào khác thực hiện trong khi nhu cầu xã hội rất lớn nhưng họ lại dè dặt, hạn chế yêu cầu các văn phòng Thừa phát lại thực hiện công việc mang tính quyền lực như thi hành án, đặc biệt là đối với các vụ việc cần áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án. Các cơ quan nhà nước có liên quan, kể cả cơ quan Thi hành án dân sự, Tòa án… cũng chưa thật thống nhất trong nhận thức và hành động thực tế để phối hợp theo chức năng với Thừa phát lại trong hoạt động thi hành án nhưng lại khá cởi mở và tin cậy trong việc chuyển giao hoạt động tống đạt giấy tờ. Điều đó dẫn đến có sự khác biệt khá lớn giữa số lượng và kết quả thực hiện các hoạt động khác nhau của Thừa phát lại.

IV. KIẾN NGHỊ

Từ kết quả tổng kết thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, Chính phủ thấy rằng, trong thời gian tới cần hoàn thiện thể chế để tiếp tục kéo dài thời gian thí điểm và mở rộng quy mô thí điểm chế định này, nhằm mục tiêu xã hội hóa mạnh mẽ hơn nữa hoạt động tư pháp nói chung và thi hành án dân sự nói riêng, đảm bảo việc thực hiện Thừa phát lại có hiệu quả, phục vụ người dân và hỗ trợ các cơ quan nhà nước tốt hơn. Trên cơ sở đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo hướng kéo dài thời gian thí điểm thêm 03 năm (đến hết ngày 31/12/2015) và mở rộng việc thí điểm ở các địa phương trong cả nước để có thể đánh giá đầy đủ, toàn diện về mô hình Thừa phát lại như một thiết chế độc lập.

Trên đây là kết quả tổng kết thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội, Chính phủ trân trọng báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

(Xin gửi kèm các tài liệu: (1) Tờ trình và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại; (2) Quyết số 224/2009/QĐ-TTg ngày 24/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh (3) Báo cáo ngày 14/5/2012 của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh về kết quả giám sát việc thực hiện thí điểm về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố)./.



Nơi nhận:

- Như trên;

- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);

- Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (để b/c);

- TANDTC;

- VKSNDTC;

- Văn phòng TW Đảng;

- Ủy ban Tư pháp Quốc hội;

- Văn phòng Chính phủ;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Ban chỉ đạo CCTP TW;

- Bộ Tư pháp (2);

- Thành ủy, HĐND,UBND Tp.HCM;

- Lưu VT, Vụ PL (5)



TM.CHÍNH PHỦ

TUQ.THỦ TƯỚNG

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Hà Hùng Cường




1 Các cơ quan Thi hành án dân sự của thành phố Hồ Chí Minh trung bình mỗi năm phải thi hành số việc chiếm 12% và số tiền chiếm 36% của cả nước.




Каталог: Hnh%20nh%20bn%20tin -> 2012-12
Hnh%20nh%20bn%20tin -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam ðộc lập Tự do Hạnh phúc
Hnh%20nh%20bn%20tin -> Mẫu số 01. Đơn xin giao đất/cho thuê đất/cho phép chuyển mục đích sử dụng đất
Hnh%20nh%20bn%20tin -> Biểu số: 22a/btp/cn-tn
Hnh%20nh%20bn%20tin -> Ủy ban nhân dân thành phố HỒ chí minh cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Hnh%20nh%20bn%20tin -> Biểu số: 11a/btp/pbgdpl/hgcs
Hnh%20nh%20bn%20tin -> Biểu số: 09a/btp/pbgdpl
2012-12 -> Ủy ban nhân dâN
2012-12 -> THÔng tư Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp
2012-12 -> Căn cứ Quyết định số 446/QĐ-ubnd ngày 04/8/2011 của Ủy ban nhân dân quận về việc kiện toàn Ban biên tập Website Quận 7
2012-12 -> Ủy ban nhân dân quậN 7

tải về 92.65 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương