CHƯƠng sáu quảng bình dưỚi thời tây sơN



tải về 32.21 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích32.21 Kb.
#29739
CHƯƠNG SÁU

QUẢNG BÌNH DƯỚI THỜI TÂY SƠN

I

CUỘC KHỞI NGHĨA TÂY SƠN


Cuối thời các chúa Nguyễn, do chế độ hà khắc, sưu cao thuế nặng, nhân dân bất mãn, oán giận, phong trào đấu tranh của nhân dân Đàng Trong bùng nổ mạnh mẽ khắp mọi nơi. Những cuộc bạo động của nông dân, các dân tộc thiểu số, thương nhân diễn ra giữa thế kỷ XVIII là bước chuẩn bị cho sự bùng nổ của nhân dân Đàng Trong đánh vào chế độ phong kiến họ Nguyễn

Mùa xuân năm 1771, nổ ra cuộc khởi nghĩa Tây Sơn (thuộc phủ Quy Nhơn) do ba anh em họ Nguyễn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ tổ chức và lãnh đạo. Ngay từ ngày đầu, với khẩu hiệu: “lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo” anh em Tây Sơn đã nêu cao như ngọn cờ hiệu triệu, tập hợp quần chúng, cổ vũ nông dân nghèo và các tầng lớp bị áp bức vùng lên đấu tranh giành quyền sống.

Bầy giờ dưới thời chúa Duệ Tông- Nguyễn Phúc Thuần quyền lực tập trung vào tay Quốc phó Trương Phúc Loan, “một người tham lam, tàn nhẫn, giết chóc rất nhiều”. Trong nhà Loan “ vàng bạc, châu ngọc, vật báu gấm vóc, vườn ruộng, nhà cửa, tôi tớ, ngựa trâu không biết bao nhiêu mà kể”1. Để tập trung mũi nhọn vào tập đoàn Trương Phúc Loan, Hịch Tây Sơn nêu rõ: “ Giận Quốc phó ra lòng bội bạc nên Tây sơn xướng nghĩa cần vương/. Trước là ngăn cột đá giữa dòng, kẻo đảng nghịch đặt mưu ngấp nghé/ Sau là tưới mưa dầm khi hạn, kéo cùng dân ra khỏi chốn lầm than”.

Mùa thu năm 1773, nghĩa quân Tây Sơn hạ thành Quy Nhơn rồi tiến ra chiếm Quảng Ngãi, tiến vào giải phóng Phú Yên. Cuối năm 1773, vùng giải phóng của Tây Sơn được mở rộng từ Quảng Nam đến Bình Thuận. Phạm vi thống trị của chúa Nguyễn bị chia làm hai vùng không liên lạc được với nhau

Cuối năm 1774, lợi dụng sự suy yếu của họ Nguyễn, phía Bắc quân Trịnh tiến công vào xứ Đàng Trong. Ba vạn quân Trịnh vượt sông Gianh đánh vào các đồn lũy của quân Nguyễn ở Quảng Bình rồi tiến vào chiếm đóng thành Phú Xuân. Triều đình cúa Nguyễn phải lui vào Quảng Nam rồi vượt biển trốn vào Gia Định. Đầu năm 1775, quân Trịnh bắt đầu tiến vào khu vực kiểm soát của Tây Sơn. Ở phía nam, quân Nguyễn cũng tập hợp lực lượng, phản công chiếm lại vùng từ Bình Thuận đến Phú Yên. Trước tình thế bất lợi, Tây Sơn điều đình với quân Trịnh tạm để yên phía bắc, mở cuộc tấn công quân Nguyễn ở mặt trận phía nam. Từ năm 1776 đến 1783, quân Tây Sơn tiến công vào Gia Định, giải phóng hầu hết xứ Đàng Trong, tiêu diệt lực lượng cát cứ của họ Nguyễn.

Trước tình hình đó, Nguyễn Ánh đã cầu cứu vua Xiêm. Tháng 7 năm 1784, thủy quân Xiêm đổ bộ lên Gia Định, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Quân Tây Sơn ở Gia Định được nhân dân ủng hộ đã chiến đấu anh dũng, vừa chặn đánh vừa rút lui để bảo toàn lực lượng. Đầu năm 1785, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy vượt biển tiến vào Mỹ Tho. Đêm 18 rạng ngày 19 tháng giêng năm 1785 quân Nguyễn Huệ tổ chức tấn công đánh tan đội quân Xiêm tại Rạch Gầm- Xoài Mút, gải phóng vùng miền tây Gia Định. Độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững.


II. QUẢNG BÌNH THỜI TÂY SƠN

Sau khi tiêu diệt quân Xiêm, tháng 6 năm 1786 quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy tiến công ra Thuận Hóa đánh tan quân Trịnh, tiếp tục tiến quân ra Bắc Hà lật đổ chế độ họ Trịnh, lập lại nền thống nhất đất nước.

Về cuộc tiến quân ra Thuận Hóa, sách Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim cho biết: “ Vua Tây Sơn biết đấy Thuận Hóa không phòng bị, bèn sai em là Nguyễn Huệ làm tiết chế, rể là Vũ văn Nhậm làm tả quân đô đốc, Nguyễn Hữu Chỉnh làm Hữu quân đô đốc đem quân thủy bộ ra đánh Thuậ Hóa...”2. Nguyễn Huệ chia quan làm ba đạo:


  • Đạo quân bộ binh chủ lực do Nguyễn Huệ chỉ huy, đánh chiếm đèo Hải Vân rồi tiến về Phú Xuân.

  • Đạo thủy binh do Vũ Văn Nhậm chỉ huy đánh vào cửa Tư Hiền và Thuận An, tiến lên phối hợp với bộ binh đánh chiếm Phú Xuân.

Khi quân Tây Sơn lấy được đồn Hải Vân, tướng giữ đồn là Hoàng Ngĩa Hồ tử trận tì cũng là lúc thủy binh Tây Sơn vào cửa biển Thuân An. Cả bộ binh và thủy binh Tây Sơn đều kéo vào Phú Xuân. Trước khí thế của quân Tây Sơn, tướng giữ thành là Phạm Ngô Cầu kéo cờ trắng, mở cửa thành xin hàng.

- Một đạo quân thủy khác do Nguyễn Lữ chỉ huy tiến thẳng ra sông Gianh, vừa chặn đường rút, vừa ngăn viện binh Trịnh từ phía bắc vào. Đội quân của Nguyễn Lữ chia ra nhiều mũi. Một mũi đánh chiếm Bắc Bố Chính, án ngữ sông Gianh đề phòng viện binh của quân Trịnh từ phía bắc vào cứu viện. Một mũi đánh vào nam Bố Chính, chốt tại Dinh Ngói đón bắt tàn binh Trịnh từ Phú Xuân ra. Một mũi đánh chiếm đồn Động Hải và cửa biển Nhật Lệ.

Về cuộc tiến binh từ Phú Xuân ra Quảng Bình của quân Tây Sơn được thuật lại như sau. Trong một lá thư đề ngày 23 tháng 6 năm 1786 gửi về Pháp, Barbett một người ngoại quốc có mặt tại Dinh Cát có viết: “ Quân đàng ngoài thường ngày vẫn chế nhạo giặc (chỉ quân Tây Sơn) nhưng chưa một ngày nào gặp thảm hại đến thế… Trong 5 ngày từ Phú Xuân đến sông Gianh, mọi nơi đều có quân giặc đến. Người ta đoán rằng quân ở Đằng Ngoài chỉ có một số ít trốn được thôi… Chỉ 5 ngày mà đồn Phú Xuân bị chiếm, còn đồn Dinh Cát tôi ở, thì chỉ nội một ngày hôm qua…Người ta đoán rằng Lũy Thầy cũng mất hôm kia…”

Một người ngoại quốc khác có tên là Doussam viết : “ Bọn lính chạy dọc đường thì bị dân chúng chặn lại muốn bắt. Lính ở đồn Lèo Heo dường như cũng trốn cả nhưng đến giữa Bố Chính thì bị dân bắt lại nộp cho quan”3



Trong mấy ngày mà đất Thuận Hóa đến Linh Giang đều thuộc về Tây Sơn cả4

Sau khi chiếm được vùng Bố Chính, Quảng Bình, Nguyễn Huệ cho sửa sang đồn Động Hải và định giữ địa giới cũ là sông Gianh, nhưng trước khí thế của quân sĩ, và thời cơ tiêu diệt quân Trịnh đã đến, Nguyễn Huệ cho quân nhanh chóng tiến ra bắc. Ngày 26 tháng 6 năm 1786, Nguyễn Huệ vào Thăng Long lật đổ chúa Trịnh nhưng vẫn duy trì triều vua Lê Hiển Tông, nhanh chóng lập lại trật tự ở Bắc Hà.

Được tin Nguyễn Huệ chiếm được Thăng Long, Nguyễn Nhạc vội ra buộc Nguyễn Huệ phải về lại Đàng Trong bỏ mặc Đàng Ngoài cho vua quan bất lực nhà Lê. Tại Quy Nhơn, Bình Định Vương Nguyễn Nhạc xưng Hoàng đế. Nguyễn Huệ được phong Bắc Bình Vương cai quản vùng đất từ Quảng Nam ra đến Nghệ An. Nguyễn Lữ được phong Đông Định Vương cai quản đất Gia Định.

Lê Hiển Tông mất, cháu là Lê Chiêu Thống lên nối ngôi, con cháu họ Trịnh nổi dậy đòi lập lại ngôi chúa và đặt vua Lê vào vị trí bù nhìn như trước. Giữa năm 1788, Nguyễn Huệ đưa quân ra Bắc trừng trị các thế lực nổi dậy, lập lại trật tự ở Bắc Hà. Vua bù nhìn là Lê Chiêu Thống bán nước cầu vinh, cho người sang cầu cứu triều đình Mãn Thanh. Cuối năm 1788, Vua Càn Long nhà Thanh cho Tôn Sĩ Nghị làm Thống soái đưa 20 vạn quân Lưỡng Quảng lấy cớ giúp nhà Lê nhưng thực chất là tiến hành mưu đồ xâm lược nước ta. Ngày 22 tháng 11 âm lịch năm 1789, Tôn Sĩ Nghị vào Thăng Long làm lễ tấn phong Lê Chiêu Thống làm An Nam Quốc Vương.

Được tin cấp báo, ở Phú Xuân Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế, đặt niên hiệu Quảng Trung tự mình thống lĩnh quân sĩ lên đường ra Bắc đại phá quân Thanh. Đại quân của Nguyễn Huệ đi đến đâu cũng được dân chúng ủng hộ. Ngày 27 tháng 11 năm 1788 quân Nguyễn Huệ qua đất Quảng Bình. Trong cuộc tiến binh đó, nhân dân ở nhiều địa phương ở Quảng Bình đã đóng góp sức người sức của cho đội quân Tây Sơn. Long- giê, một người Pháp ở Dinh Cót viết “người già, đàn bà, con gái thì sửa chữa cầu đường”5, trai tráng tình nguyện tòng quân vào quân đội Nguyễn Huệ. Phạm tộc phả ký ở Cảnh Dương cho biết, nhân dân ở đây đã đóng góp 5 chiếc ghe Tràng Đà, mỗi chiếc 10 thủy thủ, cộng là 50 người vận tải quân lương cho nghĩa quân Tây Sơn.6

Đại quân Nguyễn Huệ thần tốc ra Bắc, dừng lại 10 ngày ở Nghệ An bổ sung quân lương. Trong lời dụ tướng sĩ tại Thanh Hóa trước đó, Nguyễn Huệ đã nêu quyết tâm bảo vệ nền độc lập và chủ quyền của dân tộc:

Đánh cho để dài tóc,

Đánh cho để đen răng,

Đánh cho nó chích luân bất phản,

Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn,

Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ

Trong vòng 5 ngày đêm của mùa xuân Kỷ Dậu (1789) vua Quang Trung đã đánh tan 20 vạn quân xâm lược Mãn Thanh, giải phóng kinh thành Thăng Long, bảo vệ nền độc lập của đất nước.

Từ năm 1789, khi cuộc kháng chiến vừa kết thúc Quang Trung đã ban hành một số chủ trương kiến thiết đất nước. Vua ban Chiếu khuyến nông nhằm “phục hồi dân phiêu tán, khai khẩn ruộng đất bỏ hoang”. Triều đình Quang Trung cũng đã có nhiều cố gắng để phát triển công thương nghiệp, bãi bỏ các thứ thuế nặng nề trước đây, đẩy mạnh giao lưu buôn bán giữa các vùng trong nước và giao lưu buôn bán với các nước khác qua thuyền buôn của nước ngoài tại các thương cảng. Về văn hóa xã hội, Quang Trung coi trọng tiếng nói dân tộc, muốn đưa chữ nôm lên làm chữ viết chính thức của quốc gia.

Đối với Quảng Bình, ngoài những chủ trương chung, Quang Trung quyết định nhập hai châu Bắc Bố Chính và Nam Bố Chính lại làm một và đặt tên là châu Thuận Chính. Việc làm của Quang Trung thể hiện ý chí thống nhất đất nước ngay trên vùng đất bị chia cắt thành Đàng Trong, Đàng Ngoài dưới thời Trịnh- Nguyễn.

Quang Trung Nguyễn Huệ mất sớm là một tổn thất cho phong trào Tây Sơn và dân tộc ta ở cuối thế kỷ XVIII. Sau khi Quảng Trung mất, con là Quang Toản lên ngôi, Quang Toản còn ít tuổi, chưa đủ năng lực, uy tín tiếp tục sự nghiệp của cha. Trong khi đó, nội bộ triều Tây Sơn lại mâu thuẫn dẫn đến suy yếu và nhanh chóng bị nhà Nguyễn với sự giúp đỡ của các thế lực ngoại bang đánh bại.

Triều đình Quang Trung Nguyễn Huệ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng đã để lại trong lòng nhân dân và đất nước một trang sử hào hùng về người anh hùng “áo vải cờ đào, giúp dân dựng nước xiết bao công trình” như Công chúa Ngọc Hân (vợ vua Quang Trung) đã viết.

Đối với nhân dân Quảng Bình, sự nghiệp của Tây Sơn để lại trên đất này ít được sử sách nói đến nhưng tình cảm của nhân dân đối với Quang Trung còn lưu mãi trong lòng ngưỡng vọng của nhân dân. Năm Cảnh Thịnh thứ 9 (1801), tất cả quan viên, dân binh xã Cảnh Dương đã đóng góp tiền của đúc quả chuông “Hồng Chung Cảnh Viện”.

Bài văn được khắc trên quả chuông có lời thỉnh nguyện của nhân dân mong sao Quang Trung- Nguyễn Huệ: “ Ngôi vua vững bền/ Đạo vua xương thịnh/ Nhật nhật tăng huy/ Pháp luân thường chuyển/ Thiên hạ Thái Bình/ Nạn tai tiêu diệt…”7.



Đó chính là tấm lòng của nhân dân Quảng Bình đối với sự nghiệp của Tây Sơn nói chung và đối với Quang Trung- Nguyễn Huệ nói riêng.


1 Lê Quý Đôn: PBTL. Sđd. Tr88

2 Trần Trọng Kim:VNSL. Sđd. Tr116

3 Theo Lương Duy Tâm: Địa lý, lịch sử Quảng Bình. Bảo tàng Tổng hợp QB. 1998. Tr188

4 Trần Trọng Kim VNSL. Sđd.. Tr116

5 Lương Duy Tâm. Sđd. Tr189

6 Trần Đình Vĩnh: Cảnh Dương chí lược. UBND xã Cảnh Dương, Sở Văn hóa thông tin QB xuất bản. 1993. Tr32

7 Cảnh Dương chí lược. Sđd. Tr 167


tải về 32.21 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương