Chương Sinh thái học sản lượng



tải về 219.44 Kb.
trang1/2
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích219.44 Kb.
#31112
  1   2

Chương 2. Sinh thái học sản lượng

Chương 2
SINH THÁI HỌC SẢN LƯỢNG

(Sự vận chuyển và tích lũy năng lượng trong hệ sinh thái)

2.1. MỞ ĐẦU


Tất cả các sinh vật đều cần có năng lượng; chúng là những bộ máy tích lũy năng lượng. Để tái sản xuất, sinh vật đòi hỏi sự tăng trưởng, để tăng trưởng sinh vật cần phải có năng lượng mới; để có năng lượng mới, chúng phải hoạt động; muốn hoạt động được chúng phải có năng lượng. Việc nghiên cứu những mối liên hệ năng lượng (thu nhận, tích lũy, truyền và mất mát) của các hệ sinh thái được gọi là sinh thái học sản lượng(1).

Cuộc đấu tranh giữa các sinh vật là cuộc đấu tranh giành năng lượng để tồn tại, duy trì và tái sản xuất sự sống. Mật độ, năng suất, sự phân bố của sinh vật (ba chủ đề trung tâm của sinh thái học quần thể và quần xã) đều được ấn định bởi khả năng cung cấp năng lượng, mặc dù những khả năng này còn bị kiểm soát bởi nhiều nhân tố khác. Vì thế, khả năng cung cấp năng lượng thường không phải là nhân tố quyết định, và trong sinh thái học, chúng ta phải nghiên cứu ảnh hưởng của nhiều nhân tố khác.

Năng lượng là một lực lượng điều khiển các hệ sinh thái. Các đặc tính sinh lý, hình thái, trạng trái, mật độ, sự phân bố và vai trò sinh thái của sinh vật... đều do khả năng thỏa mãn năng lượng quyết định. Muốn hiểu rõ hệ sinh thái đòi hỏi chúng ta phải nhận thức được: (1) những con đường tích lũy và truyền năng lượng, (2) các nhân tố ấn định các qúa trình tích lũy và truyền năng lượng, (3) động thái năng lượng bên trong hệ sinh thái và giữa các hệ sinh thái. Chương 2 chỉ trình bày qúa trình tích lũy và truyền năng lượng, những vấn đề còn lại sẽ được giới thiệu ở chương 3-11.
2.2. CHU TRÌNH TRAO ĐỔI NĂNG LƯỢNG TRONG HỆ SINH THÁI
2.2.1. Các nguồn năng lượng cung cấp cho sinh vật
Theo quan niệm của sinh thái học hiện đại, năng lượng đi qua hệ sinh thái cũng hoạt động theo các quy luật nhiệt động học của vật lý. Quy luật thứ nhất của nhiệt động học phát biểu rằng “Năng lượng không tự sinh ra hoặc tự mất đi mà chỉ có thể chuyển từ dạng này sang dạng khác”. Ví dụ: năng lượng ánh sáng mặt trời có thể chuyển thành hóa năng trong quang hợp của thực vật. Định luật thứ hai của nhiệt động học phát biểu rằng “Khi năng lượng được chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác thì không được bảo toàn 100% mà thường bị hao hụt đi một lượng nhiệt nhất định”. Chẳng hạn, khi động vật ăn cỏ sử dụng năng lượng chứa trong chất hữu cơ của cây cỏ thì một phần năng lượng nhiệt sẽ bị hao hụt (chứa trong phân và nước tiểu).

Chúng ta có thể phân biệt sự đa dạng của các loài thực vật, động vật và vi sinh vật dựa theo nguồn năng lượng cung cấp cho chúng. Chính sự khác biệt về cách thức thu nhận năng lượng của các loài sinh vật này là cơ sở để phân loại chức năng của chúng. Ranh giới cơ bản của sự phân chia là giữa các sinh vật sử dụng năng lượng vô cơ (sinh vật tự dưỡng1) và các sinh vật sử dụng năng lượng hữu cơ (sinh vật dị dưỡng2).

Sinh vật tự dưỡng sử dụng nguồn năng lượng độc lập với các sinh vật khác. Người ta còn gọi sinh vật tự dưỡng là sinh vật sản xuất sơ cấp3, bởi vì chúng hấp thụ năng lượng bức xạ mặt trời hoặc năng lượng từ các chất vô cơ và biến đổi thành hóa năng có ích dưới dạng các hợp chất hữu cơ cao phân tử (ATP - Adenozintriphosphat) phục vụ cho qúa trình tổng hợp các hợp chất các bon. Các phân tử hữu cơ cao năng lượng này là nguồn cung cấp năng lượng cho các sinh vật dị dưỡng. Sinh vật tự dưỡng gồm có hai loại: sinh vật quang dưỡng4 và sinh vật hóa dưỡng5. Sinh vật quang dưỡng sử dụng một phần nhỏ năng lượng điện từ của ánh sáng mặt trời trong qúa trình quang hợp; qúa trình này phụ thuộc vào diệp lục tố. Diệp lục hấp thụ các bước sóng của bức xạ mặt trời cùng với H2O từ đất và CO2 từ không khí và biến đổi chúng thành đường glucoza. Thực vật màu xanh là các sinh vật quang dưỡng. Khác với sinh vật quang dưỡng, sinh vật hóa dưỡng hấp thụ năng lượng từ các chất vô cơ đơn giản. Ví dụ: sinh vật hóa dưỡng hấp thụ năng lượng bằng cách ôxy hóa SO2 thành lưu huỳnh tự do, hoặc ôxy hóa lưu huỳnh thành iôn sunphát (SO42-), ôxy hóa các iôn NH4+ thành N2 hoặc nitrit, hoặc ôxy hóa NO2 thành NO3-. Mỗi qúa trình ôxy hóa kèm theo sự giải phóng năng lượng. Mặc dù các sinh vật hóa dưỡng đóng góp một phần rất nhỏ vào nguồn năng lượng tổng số của hệ sinh thái rừng, nhưng chúng có vai trò sinh thái rất to lớn. Ví dụ: các vi sinh vật ôxy hóa lưu huỳnh chứa trong các chất thải công nghiệp có thể tạo ra axít sunfuric và gây chua cho môi trường đất và nước, đồng thời giải phóng một số kim loại nặng độc hại khác; hay thông qua việc chuyển đổi các iôn amôni thành nitrat có thể làm tăng nồng độ nitơ trong các nguồn nước, kết quả gây hại cho sức khoẻ con người, nhất là trẻ em.

Sinh vật dị dưỡng không thể sử dụng trực tiếp năng lượng mặt trời hoặc năng lượng hóa học của các chất vô cơ. Chúng phụ thuộc vào nguồn năng lượng lấy từ việc ôxy hóa các phân tử hữu cơ cao năng lượng. Ví dụ: Các sinh vật dị dưỡng đồng hóa các bon hydrat, các chất béo, protein. Các sinh vật dị dưỡng được gọi là sinh vật tiêu thụ1; chúng luôn phụ thuộc vào sinh vật tự dưỡng. Sinh vật dị dưỡng bao gồm 4 loại:




  1. Động vật ăn thực vật (hay sinh vật tiêu thụ bậc một) sử dụng năng lượng chứa trong các chất hữu cơ của thực vật.

  2. Động vật ăn thịt (hay sinh vật tiêu thụ bậc hai, bậc ba...) sử dụng năng lượng chứa trong các chất hữu cơ của động vật. Động vật ăn thịt đầu tiên đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình bằng cách ăn thịt động vật ăn cỏ, động vật ăn thịt bậc hai (sinh vật tiêu thụ bậc ba) ăn động vật của các bậc trên...

  3. Động vật ăn tạp2 sử dụng năng lượng chứa trong các chất hữu cơ của thực vật và động vật. Ví dụ: chó, heo, cá là các động vật ăn tạp...

  4. Sinh vật phân hủy3 sử dụng năng lượng chứa trong các chất hữu cơ đã chết của thực vật và động vật (xác của thực vật, động vật hoặc chất bài tiết của động vật).



2.2.2. Sự trao đổi năng lượng trong các hệ sinh thái
Các hệ sinh thái rừng nhận năng lượng chủ yếu từ mặt trời. Năng lượng ấy có hai dạng: năng lượng bức xạ mặt trời (trực xạ và tán xạ) và sự phát xạ nhiệt sóng dài của các vật thể hấp thụ ánh sáng. Hai loại bức xạ này đã tạo nên chế độ khí hậu địa phương ấn định điều kiện tồn tại của các hệ sinh thái. Số lượng năng lượng thu nhận vào hệ sinh thái rất nhỏ so với nguồn năng lượng tổng số của trái đất. Tổng năng lượng liên kết trong qúa trình quang hợp của thực vật (sinh vật sản xuất) chỉ bằng 0,1% năng lượng bức xạ mặt trời tới được mặt đất. Song nhờ nguồn năng lượng này mà thực vật có thể tổng hợp được một vài ngàn gram chất hữu cơ/m2/năm. Hơn 50% năng lượng liên kết trong quang hợp được thực vật dùng để hô hấp, phần còn lại để cấu tạo cơ thể và có thể trở thành thức ăn cho các sinh vật (sinh vật tiêu thụ) trong hệ sinh thái. Các vật sống này không trực tiếp ăn chất khoáng mà phải ăn chất hữu cơ được cây xanh chế biến sẵn. Chúng gồm có các loài động vật ăn cỏ, sau đó các loài ăn cỏ trở thành thức ăn cho các loài ăn thịt khác. Một bộ phận năng lượng từ thực vật truyền qua một loạt sinh vật khác lập thành các chuỗi thức ăn (chuỗi dinh dưỡng, chuỗi thực phẩm) của hệ sinh thái. Như vậy, mỗi chuỗi thức ăn gồm có nhiều loài sinh vật; mỗi loài là một “mắt xích thức ăn“ hay bậc dinh dưỡng. Các chuỗi thức ăn được hình thành như là kết quả của mối quan hệ qua lại phức tạp về dinh dưỡng giữa thực vật và động vật. Các chuỗi thức ăn liên kết lại một cách trực tiếp hoặc gián tiếp một nhóm lớn các sinh vật trong một tổ chức thống nhất. Mỗi chuỗi thức ăn thường chỉ bao gồm một vài mắt xích (bậc); trong đó các sinh vật sản xuất hình thành bậc đầu tiên. Bậc hai (mắt xích thứ hai) là các sinh vật tiêu thụ (sinh vật dị dưỡng) - đó là sinh vật ăn thực vật. Người ta phân biệt sinh vật dị dưỡng thành một số bậc: bậc một là động vật ăn cỏ; bậc hai - động vật ăn thịt ăn động vật ăn cỏ; bậc ba - động vật ăn thịt ăn các động vật khác. Việc phân loại các bậc dinh dưỡng như trên là dựa vào chức năng của sinh vật mà không phải theo thành phần loài động vật và thực vật.

Trong chuỗi của dòng năng lượng truyền qua các bậc dinh dưỡng, ở mỗi bậc bị hao hụt khoảng 80-90% năng lượng, hay chỉ có 10-20% năng lượng được truyền cho bậc sau. Nếu bắt đầu từ mắt xích các sinh vật sản xuất, chúng ta có thể nhận thấy hai con đường cơ bản sử dụng năng lượng. Thứ nhất, năng lượng có thể được các động vật ăn cỏ sử dụng trực tiếp các tổ chức sống của thực vật. Thứ hai, các sinh vật hoại sinh sử dụng năng lượng ở dạng những tổ chức đã chết (ví dụ, các vật rụng và xác cây chết). Tương ứng với hai con đường ấy, người ta phân biệt hai dạng chuỗi thức ăn: chuỗi chăn nuôi và chuỗi phế thải (hình 2.1). Chuỗi chăn nuôi bắt đầu từ cây cỏ đến các động vật ăn cỏ rồi đến các động vật ăn thịt. Chuỗi phế thải bắt đầu từ những xác chết của động vật và thực vật đến các sinh vật hoại sinh (nấm, vi sinh vật…). Trong các hệ sinh thái, các chuỗi chăn nuôi và chuỗi phế thải đan kết chặt chẽ với nhau. Sự liên kết của các chuỗi thức ăn trong hệ sinh thái hợp thành lưới thức ăn.


Năng lượng có thể được giữ lại một thời gian dài trong các chuỗi dinh dưỡng (cả chuỗi chăn nuôi và chuỗi phế thải), nhưng tương quan giữa các dòng năng lượng thu nhận vào các chuỗi này ở các hệ sinh thái khác nhau là không giống nhau. Trong các hệ sinh thái trên cạn, năng lượng được cố định trong chuỗi chăn nuôi rất nhỏ bé (không lớn hơn 10%), còn phần lớn (hơn 90%) được chi dùng trong chuỗi phân hủy. Ngược lại, ở các hệ sinh thái dưới nước, 50% năng lượng được thực vật trôi nổi cố định có thể chuyển vào chuỗi chăn nuôi.

Cần nhận thấy rằng, trong các hệ sinh thái, chuỗi dinh dưỡng phế liệu không kém quan trọng hơn chuỗi chăn nuôi. Trên lục địa, các chuỗi phế liệu bắt đầu từ chất hữu cơ đã chết (lá cây, vỏ cây, cành và nhánh, hoa và qủa...), còn ở nước - từ xác chết của thực vật trôi nổi, các khối phân và tàn tích hữu cơ khác của các sinh vật biển. Những tàn tích hữu cơ này có thể được các vi sinh vật, nấm và các sinh vật hoại sinh sử dụng hoàn toàn; nhờ đó CO2, chất khoáng và nhiệt được giải phóng.

Khi truyền năng lượng từ mức sinh vật tự dưỡng đến sinh vật khác, thì phần lớn năng lượng chuyển thành nhiệt tương ứng với định luật thứ hai của nhiệt động học. Chuỗi dinh dưỡng càng ngắn, hoặc sinh vật nào càng gần điểm khởi đầu của chuỗi dinh dưỡng, thì năng lượng dinh dưỡng thu nhận được càng lớn. Khi nghiên cứu chuỗi thức ăn và lưới thức ăn trong hệ sinh thái, chúng ta có thể thấy một số đặc điểm sau:



  1. Trong lưới thức ăn, nếu có nhiều chuỗi thức ăn liên hệ qua lại chặt chẽ thì quần xã sinh vật phong phú về loài, trong đó có nhiều loài đa thực.

  2. Nếu thay thế mắt xích thức ăn này bằng mắt xích thức ăn khác có họ hàng gần nhau thì cấu trúc của chuỗi thức ăn sẽ không hoặc ít thay đổi.

  3. Các chuỗi thức ăn thường không ổn định mà thay đổi tùy thuộc vào nhu cầu thức ăn của các loài ở các giai đoạn sống khác nhau.

  4. Sự phong phú của các loài đa thực có thể là nguyên nhân dẫn đến sự phân bố lại các mắt xích trong các chuỗi và lưới thức ăn.

  5. Sự dao động và sự biến đổi theo mùa, theo các năm khác nhau của một số loài có thể ảnh hưởng đến cấu trúc quần xã.

  6. Độ dài của chuỗi thức ăn ít khi lớn hơn 5-6 mắt xích.

Nếu sắp xếp số lượng cá thể (hay sinh khối hoặc năng lượng) theo các bậc dinh dưỡng từ thấp đến cao thì bao giờ chúng cũng sắp xếp theo dạng hình tháp. Hình tháp đó được gọi là hình tháp sinh thái học. Hình tháp sinh thái học thường được biểu thị bằng các hình chữ nhật chồng lên nhau; trong đó độ dài của chúng tỷ lệ thuận với dòng năng lượng của mỗi bậc, còn chiều cao của các hình chữ nhật đều bằng nhau (hình 2.2).


2.3. NHỮNG THUẬT NGỮ DÙNG TRONG SINH THÁI HỌC SẢN LƯỢNG


Trước khi nghiên cứu qúa trình truyền và tích lũy năng lượng ở các bậc dinh dưỡng khác nhau trong các hệ sinh thái, chúng ta cần phải hiểu ý nghĩa của các thuật ngữ dùng trong sinh thái học sản lượng.

(1) Sản lượng thu hoạch1. Chỉ tiêu này biểu thị tổng khối lượng hoặc trọng lượng vật chất có thể thu được từ một diện tích nào đó sau một thời gian nào đó. Ví dụ: Tổng khối lượng gỗ thân cây Keo lá tràm thu hoạch được từ một hécta rừng trong chu kỳ 10 năm là 100 m3/ha.

Cần nhận thấy rằng, quy mô của sản lượng thu hoạch chỉ biểu thị phần vật chất được đưa ra khỏi hệ sinh thái, do đó, nó phụ thuộc vào bộ phận của cây được thu hoạch hoặc tỷ lệ thu hoạch (hệ số thu hoạch). Nếu hệ số thu hoạch lớn (bao gồm cả thân cây, cành cây, lá cây...) thì sản lượng thu hoạch sẽ lớn; ngược lại, quy mô thu hoạch chỉ bao gồm phần thân cây có giá trị hàng hóa thì sản lượng thu hoạch sẽ nhỏ.



2. Sản lượng hiện còn2. Sản lượng hiện còn (còn được gọi là sản lượng cây đứng, cây còn sống) biểu thị toàn bộ trọng lượng hoặc khối lượng vật chất hữu cơ của cơ thể sống có thể thu được bằng một phương pháp hay kỹ thuật nào đó trong một khoảng thời gian nào đó. Sản lượng thu hoạch và sản lượng hiện còn giống nhau về thời gian thu hoạch; nhưng khác với sản lượng thu hoạch, quy mô của sản lượng hiện còn (phần chưa được thu hoạch) phụ thuộc vào phương pháp thu hoạch. Ví dụ: sản lượng hiện còn trên 1 ha rừng Keo lá tràm sau 10 năm là 110 m3 gỗ thân cây, nhưng sản lượng thu hoạch có thể chỉ là 100m3/ha, phần còn lại 10 m3 không được thu hoạch bao gồm gỗ ngọn, cành và vỏ cây bỏ lại rừng. Nếu phương pháp và kỹ thuật thu hoạch thay đổi thì quy mô của sản lượng hiện còn và sản lượng thu hoạch cũng thay đổi. Thật vậy, sản lượng hiện còn (là toàn bộ cơ thể sống của rừng Keo lá tràm 10 tuổi) không chỉ bao gồm 110 m3gỗ thân cây/ha mà còn bao gồm một lượng rất lớn khác là lá, cành, hoa quả, rễ cây nằm dưới đất (ước tính khoảng 30-40% khối lượng thân cây đứng). Vì thế, nếu thu hoạch cả phần cành, ngọn, rễ, lá... thì sản lượng thu hoạch của khoảnh rừng này sẽ tăng lên.

3. Năng suất thu hoạch3. Đó là tốc độ tích lũy trung bình vật chất hữu cơ thu hoạch được. Nó được tính bằng cách chia sản lượng thu hoạch cho thời gian tạo ra sản lượng thu hoạch. Vì thời gian cần thiết để tạo ra sản lượng thu hoạch của các loài cây có khác nhau, nên đôi khi chúng ta không thể dễ dàng so sánh giữa các số liệu sản lượng. Vấn đề này được các nhà lâm nghiệp khắc phục bằng cách tính năng suất sau một năm, còn các nhà nông học đôi khi tính năng suất sau một tháng trong mùa sinh trưởng để khắc phục độ dài của mùa sinh trưởng. Trong nông lâm nghiệp, năng suất cây trồng và rừng là một yếu tố được nhà nông - lâm học rất quan tâm, bởi vì nó ấn định chu kỳ đầu tư.

Cần nhận thấy rằng, các thuật ngữ sản lượng thu hoạch, sản lượng hiện còn và năng suất thu hoạch được sử dụng khá rộng rãi trong kinh doanh rừng và cây nông nghiệp. Tuy vậy, vì đã bỏ qua nhiều phần vật chất không được tính đến nên chúng ít có giá trị về mặt sinh thái. Ví dụ: trong lâm nghiệp, các nhà kinh doanh rừng đôi khi chỉ tính sản lượng thu hoạch và năng suất thu hoạch trên phần thân cây. Ngoài ra, các đại lượng này còn thay đổi theo sự thay đổi về trình độ kỹ thuật và kinh tế. Để đánh giá chính xác hiệu quả sinh thái của hệ sinh thái, các nhà sinh thái học thường dùng ba thuật ngữ sau đây:



1. Sản lượng1. Chỉ tiêu này biểu thị tổng trọng lượng (tổng sinh khối) hoặc số lượng vật chất hữu cơ mà quần xã sinh vật sản xuất ra trên một diện tích nhất định và sau một thời gian nào đó. Chỉ tiêu này có thể dùng để phản ánh số lượng vật chất hữu cơ của một quần thể, hoặc một mức dinh dưỡng nhất định, nhưng cũng có thể dùng cho quần xã và hệ sinh thái. Nó không chỉ bao gồm số lượng vật chất hữu cơ hiện còn trên diện tích này ở cuối kỳ, mà còn bao gồm cả số lượng vật chất hữu cơ đã được tạo ra và sau đó bị mất mát trong suốt thời gian này. Như vậy, sản lượng = (sản lượng thu hoạch + vật chất hữu cơ không được thu hoạch (cành, lá, gốc, rễ...) + vật chất hữu cơ hao hụt không thu hoạch được do bị mất mát trong thời kỳ này (sản lượng hay sinh khối chuyển thành thức ăn cho động vật, hoặc rơi vãi...)).

Sản lượng có thể được phân thành một số mức sau đây:



a. Tổng sản lượng2. Đó là tổng số chất hữu cơ được sinh vật tạo ra trong một thời gian nhất định. Tổng sản lượng bao gồm số lượng chất hữu cơ được sinh vật sản xuất ra cộng với phần vật chất hữu cơ đã chi dùng cho hô hấp trong suốt thời gian nghiên cứu.

b. Sản lượng thuần3. Sản lượng thuần hay sản lượng hiện còn là số lượng chất hữu cơ được sinh vật sản xuất ra trong một thời gian nhất định sau khi đã chi dùng cho hô hấp.

c. Sản lượng sơ cấp4. Đó là số lượng chất hữu cơ được thực vật tự dưỡng sản xuất ra. Ở đây cũng có thể phân ra tổng sản lượng sơ cấp (GPP)5 - tổng lượng quang hợp của thực vật trên một đơn vị diện tích trong một thời gian nhất định; và sản lượng sơ cấp thuần (NPP)6 - tổng lượng quang hợp của thực vật trừ đi phần hô hấp của thực vật (R7) trên một đơn vị diện tích trong một thời gian nhất định, nghĩa là NPP = GPP - R.

d. Sản lượng thứ cấp8 - đó là số lượng chất hữu cơ do sinh vật dị dưỡng sản suất ra.

2. Sinh khối9. Đó là tổng khối lượng sinh vật còn sống trên đơn vị diện tích mặt đất (hoặc nước), và thường được biểu thị bằng đơn vị năng lượng (J/m2) hoặc trọng lượng chất hữu cơ khô (kg/ha, tấn/ha, g/m2). Sinh khối của hệ sinh thái là tất cả sinh khối của các nhóm sinh vật tự dưỡng và dị dưỡng hợp thành. Đối với quần xã thực vật, thuật ngữ sinh khối còn được gọi là thực vật khối10. Thực vật khối bao gồm tất cả các cơ quan còn sống và cơ quan đã chết nhưng vẫn giữ được mối liên hệ với cây (lá, hoa, quả, cành, rễ, vỏ cây và gỗ lõi đã chết nhưng chưa tách khỏi cây). Trong lâm nghiệp, các nhà lâm học quy ước gọi các bộ phận đã chết của thực vật (như lá, hoa, quả, vỏ, cành, nhánh... rơi rụng hàng năm trên bề mặt đất) là vật rụng, còn toàn bộ phần thân cây chết được gọi là xác chết. Khi che phủ trên sàn rừng, vật rụng và xác chết của thực vật hình thành một tầng đặc biệt - tầng đệm. Lượng thực vật khối và sinh khối trên một đơn vị diện tích có ý nghĩa to lớn để đặc trưng cho cấu trúc của quần xã sinh vật, hoặc thực vật. Sinh khối của quần xã chủ yếu do thực vật sản sinh ra (chúng ta nói sinh khối chủ yếu do thực vật sản sinh ra là vì ngoài thực vật, các vi khuẩn (Bacteria) và sinh vật hóa dưỡng cũng tạo ra sinh khối nhưng rất nhỏ).

Tóm lại, sinh khối = (sản lượng thu hoạch + phần vật chất hữu cơ không được thu hoạch (phần bỏ lại sau thu hoạch) + phần vật chất hữu cơ mất mát trong thu hoạch). Các nhà sinh thái học sử dụng chỉ tiêu sinh khối để biểu thị khối lượng các thành phần sinh vật trong khi lập các hình tháp sinh thái.



3. Năng suất1. Năng suất của quần xã sinh vật (hoặc quần xã thực vật rừng) là tốc độ chất hữu cơ được quần xã tạo ra trên một đơn vị diện tích và trong một đơn vị thời gian. Nó cũng được tính bằng trị số trung bình của sản lượng trên một đơn vị diện tích và trong một đơn vị thời gian.

Khối lượng vật chất hữu cơ có thể tính bằng đơn vị trọng lượng (gram, kilôgram, tấn), đơn vị thể tích (m3), đơn vị năng lượng (Cal, Kcal, j)2; thời gian tính bằng ngày, tháng, mùa sinh trưởng và năm; diện tích tính bằng m2 hoặc ha. Từ đó năng suất chất khô tuyệt đối hoặc khô không khí được biểu thị bằng g/m2/ngày, kg/ha/ngày, tấn/ha/mùa hoặc năm, kcal/ha/năm, KJ/ha/năm.

Năng suất của sinh vật cũng có thể được phân chia thành một số loại khác nhau:


  1. Năng suất sinh học3 - đó là tổng lượng tăng trưởng hàng ngày của tổng sinh khối trong suốt thời gian sinh trưởng.

  2. Năng suất kinh tế - bộ phận của năng suất sinh học có giá trị sử dụng (gỗ thân cây, cành, lá, quả...). Năng suất kinh tế và năng suất sinh học có quan hệ với nhau theo phương trình: Ykt = Ysh * Kkt; trong đó Ykt - năng suất kinh tế, Ysh - năng suất sinh học, Kkt - hệ số kinh tế.

  3. Năng suất tiềm năng của sinh vật (rừng) - đó là khả năng của sinh vật (rừng) cho năng suất cao nhất nhờ lợi dụng đầy đủ tiềm năng khí hậu và đất.

  4. Năng suất sinh thái. Năng suất sinh thái của rừng biểu thị vai trò tạo lập môi trường, các chức năng bảo vệ, khả năng tải được sự phát triển của các ngành công nghiệp gây ra ô nhiễm môi trường... Năng suất sinh thái có liên hệ chặt chẽ với năng suất sinh học. Ví dụ: khi năng suất sinh học càng cao thì lượng CO2 được rừng hấp thụ và lượng ôxy được rừng thải ra càng cao, rừng càng nhiều vật rụng...

2.4. SINH THÁI HỌC SẢN LƯỢNG Ở MỨC SINH VẬT SƠ CẤP


2.4.1. Cơ sở của sinh thái học sản lượng
Trên hình 2.3 tóm tắt sự chuyển đổi bức xạ mặt trời thành sinh khối thu hoạch (sản lượng hoặc năng suất kinh tế) và những nhân tố chủ yếu của qúa trình này. Trước hết, chúng ta mô tả toàn bộ qúa trình, tiếp theo sẽ phân tích các yếu tố riêng rẽ kiểm soát qúa trình này. Phân tích hình 2.3 cho thấy:

(1) Phần ánh sáng có hoạt tính quang hợp (PAR)1 được thực vật hấp thụ trong qúa trình quanh hợp. Tỷ lệ ánh sáng quang hợp được phụ thuộc vào các nhân tố sau:



a. Chỉ số diện tích bề mặt lá (LAI)1. LAI được định nghĩa là tỷ lệ diện tích hình chiếu nằm ngang của các lá cây trên diện tích mặt đất, đơn vị tính là m2 lá/m2 bề mặt đất.

b. Hiệu suất quang hợp. Chỉ tiêu này biểu thị hiệu quả mà các lá biến đổi bức xạ hoạt tính quang hợp thành các phân tử hữu cơ cao năng lượng.

Chỉ số diện tích lá, hiệu suất quang hợp và sự phân phối các bon đều phụ thuộc vào điều kiện lập địa (nước, ánh sáng, chất khoáng). LAI còn chịu ảnh hưởng bởi cách thức sắp xếp lá trên cây và cách thức phân phối NPP. Khả năng phân phối NPP cho tăng trưởng của thân, lá, rễ phụ thuộc vào nguồn dinh dưỡng của lập địa. Trong nhiều trường hợp, LAI có tầm quan trọng hơn hiệu suất quang hợp của lá, mặc dù cả hai đều có vai trò hết sức quan trọng. Khi quần thể thực vật có LAI nhỏ thì hiệu quả quang hợp thấp.


(2) Tổng sản lượng quang hợp (GPP) trừ đi phần hô hấp của thực vật [R] bằng năng suất sơ cấp thuần (NPP), nghĩa là NPP = GPP - R. Một bộ phận sản phẩm quang hợp được phân phối đến các mô và các cơ quan sắp bị đào thải. Chúng là những kẻ ăn bám và có thể chết chỉ sau một thời gian ngắn. Sự phân phối sản phẩm quang hợp đến các cơ quan khác nhau của thực vật phụ thuộc vào điều kiện môi trường. Một số cây chết là do ảnh hưởng của sự cạnh tranh với những cá thể khác. Một phần NPP có thể bị mất đi do các sinh vật dị dưỡng sử dụng làm thức ăn (côn trùng và động vật ăn lá, hoa quả). Sự mất mát NPP do ảnh hưởng của côn trùng là có thể dự báo được.

(3) Sau khi những cây gỗ riêng lẻ, quần thể và quần xã có sự mất mát sản phẩm NPP do sinh vật dị dưỡng sử dụng làm thức ăn, hoăc do rơi rụng và đào thải, phần còn lại là sản lượng thuần (sinh khối thuần hay phần hiện còn). Tùy thuộc vào nhu cầu của xã hội về sinh khối thực vật và khả năng công nghệ chế biến lâm sản, chúng ta chỉ có thể thu hoạch được một bộ phận sinh khối thuần. Tỷ lệ giữa sinh khối thu hoạch và sinh khối thuần được gọi là chỉ số thu hoạch. Chỉ số thu hoạch phụ thuộc vào chiến lược phân phối sản phẩm quang hợp hay NPP của thực vật. Phần sinh khối không thu hoạch sẽ bỏ lại rừng. Đây chính là nguồn dự trữ chất dinh dưỡng (nguồn thức ăn) cung cấp cho động vật bậc thấp và vi sinh vật rừng.


Qua phần thảo luận trên đây, nhà lâm học cần phải nhận thấy tầm quan trọng của sự phân phối các bon ở thực vật. Phân phối các bon phụ thuộc rất lớn vào điều kiện lập địa (khả năng cung cấp ánh sáng, nước, dinh dưỡng). Nhà lâm học có khả năng làm thỏa mãn những nhu cầu này của thực vật bằng các phương thức lâm sinh thông qua chặt nuôi dưỡng rừng, giải phóng sự cạnh tranh của thực vật sống kèm với cây gỗ, hoặc bón phân, tưới nước...Trong lâm nghiệp, nước là một yếu tố rất khó giải quyết; nó phụ thuộc rất lớn vào điều kiện khí hậu và đất (địa hình, loại đất, thành phần cơ giới...). Nước cần cho thực vật rừng chỉ được giải quyết trong trường hợp kinh doanh rừng cường độ cao. Vì thế, khi xử lý lâm sinh ở những vùng thiếu ẩm, hoặc vào mùa khô hạn, nhà lâm học phải đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ và nuôi dưỡng nguồn nước cho rừng.

Tóm lại, những yếu tố quyết định nền tảng của sinh thái học sản lượng ở mức sinh vật sơ cấp phải được xem xét một cách toàn diện, và chúng có thể được nhà lâm học điều chỉnh.




2.4.2. Hiệu quả sinh thái của thảm thực vật rừng
Dưới đây chúng ta nghiên cứu phần nhập năng lượng và phần mất mát sản lượng rừng được biểu thị ở hình 2.3.

1. Phần nhập: Quang hợp
Như đã giới thiệu ở mục 2.2, trừ sinh vật hóa dưỡng, các hệ sinh thái được tổ chức và điều khiển bởi phần nhập năng lượng mặt trời cho sinh vật tự dưỡng quang hợp (thực vật). Tốc độ sản xuất vật chất của thực vật là mối quan tâm lớn nhất của các nhà nông - lâm học và sinh thái học. Hiệu suất chuyển đổi năng lượng mặt trời và hiệu suất sử dụng năng lượng mặt trời đi vào hệ sinh thái được phản ánh bằng hiệu quả quang hợp (biểu thị bằng %). Các chỉ tiêu này được tính theo công thức:

- Hiệu suất chuyển đổi năng lượng (K):


K = (2.1)


  • Hiệu suất sử dụng năng lượng (K+):

K+ = (2.2)


Trong các công thức 2.1 và 2.2, i là tỷ suất hút năng lượng của thảm thực vật (trung bình i = 0,5), t là nhiệt đốt 1 gram chất khô (nó không thay đổi trong suốt thời gian sinh trưởng), M là lượng tăng trưởng thực vật khối (sản lượng) ở trạng thái khô tuyệt đối (g/m2), t.M là sản lượng tính theo đơn vị nhiệt lượng (Kcal, J), Q là lượng bức xạ mặt trời (cal/cm2/ngày) đi tới bề mặt đất, iQ - năng lượng bức xạ cố định được của thảm thực vật. Khả năng tỏa nhiệt của thực vật khối khô tuyệt đối trung bình là 5000 kcal/kg.

Cần lưu ý rằng, hiệu suất quang hợp có thể được tính theo hiệu suất quang hợp tổng số hoặc hiệu suất quang hợp thuần. Hiệu suất quang hợp tổng số được tính bằng cách chia tổng sản lượng cho năng lượng bức xạ cố định được sau một thời gian nhất định. Hiệu suất quang hợp thuần được tính bằng cách chia sản lượng thuần cho năng lượng bức xạ cố định được sau một thời gian nhất định. Từ công thức 2.1 và 2.2 cho thấy, hiệu suất quang hợp tổng số và hiệu suất quang hợp thuần có thể có trị số thay đổi tùy theo người ta sử dụng năng lượng bức xạ đi tới mặt đất là tổng xạ (Q), bức xạ nhìn thấy hoặc năng lượng của các bước sóng có hoạt tính quang hợp (iQ). Nói chung, người ta thường tính hiệu suất quang hợp thuần bằng cách lấy sản lượng thuần chia cho năng lượng bức xạ trong dãy bước sóng từ 0,4-0,7m (ánh sáng nhìn thấy) đạt tới bề mặt thảm thực vật. Nhưng hiệu suất quang hợp thuần cũng có thể thay đổi tùy theo người ta lấy bức xạ cả năm hay bức xạ trong mùa sinh trưởng. Nói chung, năng lượng trung bình của các bước sóng có hoạt tính quang hợp bằng 25% tổng xạ (Gates, 1971).

Hiệu suất quang hợp có trị số rất nhỏ (1 - 5%) và ít thay đổi giữa các hệ sinh thái trên cạn (Philipson, 1966). Ngay từ năm 1940, người ta đã tìm được các hiệu suất quang hợp của thảm thực vật (dựa vào tổng bức xạ cố định được) thường lớn hơn 3%, trung bình là 1%. Nếu tính theo bức xạ nhìn thấy thì các hệ số trên là 6 và 2% (Kormondy, 1969). Hiệu suất quang hợp phụ thuộc vào cách sắp đặt lá và LAI. Lá mọc ở nơi sáng có hiệu suất quang hợp nhỏ hơn lá mọc ở nơi thiếu ánh sáng. Các lâm phần và từng loài cây chỉ cho năng suất cao khi đủ ánh sáng. Một lâm phần với mật độ dày có chỉ số diện tích lá từ 3-5 m2/m2, thậm chí cả chục m2/m2; và trong điều kiện như vậy, nhiều lá cây không nhận đủ ánh sáng cho quang hợp bình thường. Qua thực nghiệm người ta thấy, khi LAI  2 thì cấu trúc của quần thể ít ảnh hưởng đến hiệu suất quang hợp; ngược lại, khi LAI  3 thì cấu trúc của quần thể ảnh hưởng rõ rệt đến hiệu suất quang hợp. Qua nghiên cứu cho thấy, khi LAI = 6 thì quần thụ hấp thu hết 95% bức xạ thuần có hoạt tính quang hợp. Để nhận đủ ánh sáng, lá cây phải có vị trí sắp đặt theo hướng và góc nhận ánh sáng khác nhau. Do điều kiện ánh sáng xâm nhập vào tán rừng khác nhau, nên trên một cây hình thành 3 kiểu lá: lá ưa sáng, lá chịu bóng và lá trung tính (lá có đặc tính trung gian giữa lá ưa sáng và lá chịu bóng). Những cây thuộc cấp sinh trưởng IV theo phân cấp của Kraft (1884) có rất ít lá ưa sáng, cây cấp V thì hầu hết là lá chịu bóng. Khi điều kiện chiếu sáng được cải thiện, các lá chịu bóng không thể khôi phục thành lá ưa sáng, chúng bị loại bỏ dần. Những lá ưa sáng sẽ thay thế dần lá chịu bóng, và vì thế sinh trưởng của cây rừng và lâm phần tăng nhanh. Hiệu suất quang hợp còn thay đổi theo thời gian cây được phơi ra ánh sáng dài hay ngắn. Những cây nhận được thời gian chiếu sáng lâu dài có hiệu suất quang hợp nhỏ hơn cây được chiếu sáng ít. Điều này xảy ra là vì mỗi loài cây chỉ có thời gian sinh trưởng nhất định, sau thời gian đó nhiều ánh sáng rơi trên các cơ quan không quang hợp. Mặt khác, điều kiện tối ưu cho quang hợp chỉ diễn ra trong thời gian ngắn của năm. Theo Gates (1971), hiệu suất quang hợp thuần trong điều kiện tối ưu cho sinh trưởng của cây trồng ở ngoài trời cũng chỉ đạt được khoảng 5% tổng bức xạ mặt trời đạt tới mặt đất và khoảng 12% bức xạ ánh sáng nhìn thấy.
2. Phần hao hụt
a. Hô hấp. Theo định luật thứ II của nhiệt động học thì một phần năng lượng được thực vật sử dụng để tăng trưởng và duy trì các hoạt động sống, phần năng lượng còn lại được chi dùng cho hô hấp (phần mất mát). Trong các quần xã thực vật, tùy thuộc vào vị trí địa lý của chúng trên trái đất, phần năng lượng mất mát qua hô hấp chiếm từ 15-90% so với tổng sản lượng (bảng 2.1).
Bảng 2.1. Sự tiêu hao tổng sản lượng sơ cấp (GPP)

cho hô hấp của một số hệ sinh thái trên cạn




Hệ sinh thái

Tiêu hao

GPP, %


Hệ số sản lượng,%

Tác giả

(1)

(2)

(3)

(4)

  • Cánh đồng hoang

  • Quần thể thông Scotch (Anh)

  • Rừng mưa nhiệt đới (Puerto - Rico)

  • Rừng Douglas - fir, Ore (Mỹ)

15

39

71



93

85

61

29



7

Golley,1960

Odum,1971

Odum, 1970

Grier ,1977



Ghi chú: Cột 3 = (sản lượng thuần/ tổng sản lượng)*100

Trên hình 2.4 cho thấy sản lượng (năng suất) thuần ở mức quần xã cây gỗ (quần thụ) tăng dần từ tuổi non và đạt lớn nhất ở tuổi trung niên, sau đó giảm dần và đạt ổn định cho đến tuổi già. Ngược lại, vì kích thước quần thụ tăng dần theo thời gian (tuổi) nên sự mất mát năng lượng cho hô hấp cũng luôn tăng dần. Kết quả là sản lượng thuần tăng lên từ tuổi non đến tuổi trung niên, sau đó giảm dần đến tuổi già.

Điều kiện nhiệt độ của môi trường (đặc biệt về ban đêm), khối lượng và tốc độ tăng trưởng của thực vật, điều kiện sinh lý của thực vật...đều có ảnh hưởng rất lớn đến sự hô hấp của thực vật.

Tốc độ tăng trưởng và sự tích lũy sinh khối phụ thuộc vào năng lượng chi dùng cho qúa trình hô hấp. Ở rừng nhiệt đới, sự hô hấp của hệ sinh thái làm hao hụt khoảng 71% tổng sản lượng sơ cấp, do đó, sản lượng thuần chỉ còn lại 29%. Chi phí năng lượng cho hô hấp ở rừng nhiệt đới cao hơn rất nhiều so với rừng ôn đới. Ví dụ: rừng Sồi của Đan Mạch có năng suất tổng số là 19,6 tấn/ha/năm (100%); trong đó chi phí cho hô hấp 8,8 tấn/ha/năm (45%), đào thải 3,9 tấn/ha/năm (20%), hình thành lượng tăng trưởng mới 6,9 tấn/ha/năm (35%). Ngược lại, rừng nhiệt đới ở Thái Lan có các chỉ tiêu tương ứng là: 127,5 (100%); 98,9 (78%); 25,5 (20%); 3,13 (2%) (Larcher, 1976 ).



b. Tiêu thụ bởi sinh vật dị dưỡng. Lượng thực vật khối (sản lượng) chuyển thành thức ăn cho sinh vật dị dưỡng biến động rất lớn giữa các hệ sinh thái (bảng 2.2). Ở các hệ sinh thái đồng cỏ, phần lớn sinh khối trên mặt đất và NPP là thức ăn cho động vật. Ngược lại, ở các hệ sinh thái rừng, sinh khối lá bị tiêu thụ ít hơn các mô gỗ. Theo Brey (1964), ở đồng cỏ khoảng 28-60% NPP thuộc phần lá trở thành thức ăn cho sinh vật tiêu thụ, trong khi đó ở hệ sinh thái rừng là 5-10%. Ở các hệ sinh thái thủy vực, khoảng 60-99% NPP của thực vật thủy sinh trở thành thức ăn cho sinh vật tiêu thụ. Ở rừng ngập mặn ven biển Cà Mau, lượng lá bị sâu ăn là 0,016 – 0,02 g/m2/ngày (Nguyễn Hoàng Trí, 1986).
Bảng 2.2. Mức tiêu thụ NPP của sinh vật tiêu thụ

trong một số hệ sinh thái khác nhau



(Theo Odum, 1962; Kozlovsky, 1968; Wiegert và Owen, 1971; Ricklefs, 1973)


TT

Kiểu hệ sinh thái

Tiêu thụ NPP của sinh vật dị dưỡng, %

1

2

3



4

5

6



7

8


Đồng cỏ bỏ hoang 30 năm

Rừng rụng lá trưởng thành

Cây bụi hoang mạc

Rừng trồng cây lá kim

Đồng ruộng bỏ hoang 7 năm

Đồng cỏ châu Phi

Cửa sông

Đại dương



1,1

1,5-2,5


5,5

12,0


8,0

28-60


75

60-90

Tầm quan trọng của sinh vật tiêu thụ trong động thái năng lượng của hệ sinh thái được chứng minh qua sự tiêu thụ NPP và chuyển thành CH4, CO2 và H2. Theo Zimmerman và các tác giả khác (1982), hàng năm các loài côn trùng của rừng nhiệt đới và á nhiệt đới đã tiêu thụ khoảng 37% NPP của thảm thực vật; và sản phẩm cuối cùng sinh ra do tiêu thụ NPP là152 triệu tấn CH4, 50 triệu tấn CO2 và 200 triệu tấn H2. Sau khi sinh vật dị dưỡng chết đi thì vật chất lại được trả lại rừng. Những sản phẩm này sẽ tham gia vào qúa trình điều chỉnh thành phần không khí và gây ra nhiều hiệu ứng không có lợi về môi trường.

Trong nông-lâm nghiệp, chúng ta thường quan tâm nhiều đến sản phẩm NPP có thể sử dụng được (gỗ, lá, hoa quả), hoặc NPP chuyển thành thịt trong vật nuôi. Để hạn chế sự chuyển đổi NPP thành thức ăn cho côn trùng, các nhà lâm học và nông học thường dùng thuốc trừ dịch hại. Trong chăn nuôi, chúng ta lại phải tìm kiếm các biện pháp có lợi để chuyển NPP thành thịt trong vật nuôi.



c. Vật rụng trên và dưới mặt đất. Ngoài một bộ phận sinh khối của thực vật rừng bị sinh vật dị dưỡng tiêu thụ, hàng năm còn có một lượng rất đáng kể NPP chuyển sang dạng các vật rụng và xác chết của thực vật (lá, hoa, quả, cành nhánh, cây non và cây già bị chết). Những sản phẩm rơi rụng và xác chết này trở thành thức ăn cho sinh vật đất, và nhờ qúa trình khoáng hóa vật rụng mà hàng năm sàn rừng (đất rừng) lại nhận được các chất khoáng cần thiết. Ví dụ: trong các hệ sinh thái rừng tự nhiên, người ta ước tính tổng lượng rơi rụng và đào thải trong cả qúa trình đời sống của quần thụ là 90-99% tổng lượng tăng trưởng của chúng, trong đó lớn nhất là lá cây (đào thải 100%), kế đến là cành và rễ, cuối cùng là thân cây. So với nhu cầu trong toàn bộ chu kỳ sống của quần thụ, tổng lượng đạm và các chất tro trả về đất tương ứng là 85-90 và 80-90%. Lượng vật rụng trên sàn rừng cũng thay đổi tùy thuộc vào vị trí địa lý của hệ sinh thái. Nói chung, phần sinh khối chứa trong thành phần vật rụng của rừng ôn đới lớn hơn rừng nhiệt đới. Ví dụ: lượng vật rụng ở rừng lá kim ôn đới khoảng từ 1 đến 500 tấn/ha; rừng khô rụng lá là 0-50 tấn/ha; rừng nhiệt đới khoảng 5-100 tấn/ha. Lượng vật rụng nhiều hay ít còn phụ thuộc vào cấu trúc của rừng (mật độ, thành phần cây, tuổi thọ của cây và các bộ phận...), điều kiện khí hậu trong năm và độ phì đất... Ở rừng ngập măn Cà Mau, lượng vật rụng hàng năm là 2,673 g/m2/ngày (hay 9,75 tấn/ha/năm, 100%), trong đó lá 2,13 (79,7%), cành 0,230 (8,01%), hoa quả 0,184 (6,89%), chồi lá kèm 0,118 (4,45%) (Nguyễn Hoàng Trí, 1986). Lượng vật rụng dưới điều kiện rừng trồng ở nước ta khoảng 5-8 tấn/ha/năm.

Vật rụng thay đổi mạnh theo mùa. Ở nhiệt đới, do thời gian sinh trưởng hầu như quanh năm nên lá cây thường xanh, lá rụng trải đều trong năm. Ngược lại, ở vùng ôn đới và các vĩ độ cao, thời gian sinh trưởng ngắn, lá cây thường rụng vào mùa không khí lạnh (thu - đông). Lượng vật rụng dưới mặt đất cũng rất lớn, bởi vì phần rễ cây có thể chiếm 30% sinh khối của cây. Tuy vậy, lượng vật rụng này rất khó đo đạc. Theo Kimmins (1998), lượng vật rụng dưới mặt đất ước tính khoảng 13,7 tấn/ha (lập địa tốt) đến 7,3 tấn/ha (lập địa nghèo).



3. Năng suất thuần và sinh khối
Trong kinh doanh rừng, nhà lâm nghiệp đặc biệt quan tâm đến sự tích lũy NPP có thể thu hoạch được - đó là sản lượng hiện còn trên cây đứng. Tuy vậy, mối quan tâm này sẽ thay đổi dần theo trình độ kỹ thuật khai thác, chế biến lâm sản và nhu cầu sản phẩm của thị trường. Năng suất được biểu thị bằng đơn vị trọng lượng (kg hoặc tấn/ha/năm), khối lượng (m3/ha/năm), năng lượng chứa trong NPP (kcal hoặc J/ha/năm).

Trị số năng suất thuần (NPP) của thảm thực vật phụ thuộc vào nhiều yếu tố: (1) vị trí địa lý (hay độ dài của thời gian sinh trưởng) và khí hậu (bảng 2.3), (2) đất đai và trình độ canh tác, (3) loài cây trồng...Ví dụ: ở vĩ độ 65-700, năng lượng bức xạ là 1,5.109 kcal/ha/năm, thời gian sinh trưởng từ 2-3 tháng, năng suất thuần là 10-15 t/ha/năm; trong khi đó ở nhiệt đới, năng lượng bức xạ là 10.109 kcal/ha/năm, thời gian sinh trưởng từ 10-12 tháng, năng suất thuần là 100-120 t/ha/năm.

Ở một vài hệ sinh thái rừng ôn đới có sinh khối là 350 tấn/ha và LAI khoảng 6 m2/m2, năng suất chất khô của phần gỗ là 8 tấn/ha; cành, lá, hoa quả và rễ tổng cộng là 7 tấn/ha; lượng mùn đạt 1 tấn/ha/năm; hiệu suất sử dụng ánh sáng có hoạt tính sinh lý là 2,3%. Ngược lại, hệ sinh thái lúa mì ôn đới với LAI là 4m2/m2, năng suất chất khô thuần là 9 t/ha, hiệu suất quang hợp là 1.8%. Vì rừng có chỉ số diện tích lá lớn hơn, thời gian sinh trưởng dài hơn, nên năng suất của hệ sinh thái rừng cao hơn hệ sinh thái nông nghiệp. Nói chung, năng suất thuần của thảm thực vật tăng dần từ các rừng phương bắc đến rừng nhiệt đới, trong một vùng khí hậu thì thay đổi theo mức đảm bảo độ ẩm của đất.
Bảng 2.3. Năng suất sơ cấp và sinh khối của một số hệ sinh thái trên thế giới

(Theo Whittaker và Likens, 1971)


Hệ sinh thái

Năng suất chất khô thuần (g/m2/năm)

Sinh khối chất khô

(kg/m2)



Giới hạn

Bình quân

Giới hạn

Bình quân

- Rừng nhiệt đới

- Đầm lầy

- Rừng ôn đới

- Đồng cỏ nhiệt đới

- Ruộng cây trồng

- Đồng cỏ ôn đới

- Đài nguyên

- Nửa hoang mạc

- Hoang mạc


1000 - 5000

800 - 4000

600 - 3000

200 - 2000

100 - 4000

150 - 1500

10 - 400

10 - 250


0 - 10

2000

2000


1300

700


650

500


140

70

3



6 - 80

3 - 50


6 - 200

0,2 - 15


0,4 - 1

0,2 - 5


0,1 - 3

0,1 - 2


0,0 - 0,2

45

12

30



4

1

1,5



0,6

0,7


0,02

Năng suất cũng giảm dần từ thực vật chứa nhiều nước đến thực vật chứa ít nước trong cơ thể. Năng suất của thảm thực vật rừng ngập mặn ven biển thường cao hơn rừng trên đất khô. Chẳng hạn, kết quả nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Trí (1986) ở rừng ngập mặn Cà Mau cho thấy: GPP và NPP tương ứng là 6,5 và 3,9 g/m2/ngày; sinh khối của rừng Đước trưởng thành tại Cà Mau là 246,6 tấn/ha, trong đó: thân cây – 158,0 tấn (64,1%), cành nhánh – 4,0 tấn (1,6%), rễ chống trên mặt đất - 34,2 tấn (13,9%), lá - 9,3 tấn (3,8%), vỏ thân cây - 9,0 tấn (3,6%), rễ dưới mặt đất - 19,7 tấn (8,0%), sinh khối chồi búp, hoa và quả là 12,4 tấn (5,0%).



/*/ Tính trung bình toàn thế giới, hiệu suất sử dụng ánh sáng của các hệ sinh thái tổng cộng là: rừng - 1,2%, đồng ruộng - 0,66%, đồng cỏ - 0,66%, đài nguyên - 0,13%, hoang mạc - 0,66, toàn lục địa - 0,3%, đại dương - 0,12%, toàn sinh quyển - 0,15% - 0,18% (Duvigneaud, 1980).

2.5. SINH THÁI HỌC SẢN LƯỢNG Ở MỨC SINH VẬT TIÊU THỤ


2.5.1. Động vật ăn cỏ
Nghiên cứu dòng năng lượng trên mức sinh vật tiêu thụ có ý nghĩa lớn về sinh thái học. Tuy vậy, do những khó khăn của đối nghiên cứu, nên các số liệu về bậc dinh dưỡng này còn rất hạn chế. Hình 2.5 dẫn sơ đồ tóm tắt qúa trình truyền năng lượng từ bậc dinh dưỡng này đến bậc dinh dưỡng khác trong chuỗi dinh dưỡng.

Để đánh giá hiệu quả sinh thái của qúa trình truyền năng lượng qua các bậc dinh dưỡng khác nhau, người ta sử dụng những hệ số sau đây:



1. Hệ số sử dụng (CE)1:

CE = 100 (2.3)

Hệ số sử dụng (hay hệ số hấp thụ) được tính bằng cách chia năng lượng (sản lượng) thức ăn hấp thụ được (In) ở bậc dinh dưỡng n cho năng lượng thuần (sản lượng thuần) (Pn-1) ở bậc dinh dưỡng n-1. Do đó, CE là phần trăm năng suất tổng số ở bậc dinh dưỡng n -1 có thể là thức ăn cho bậc dinh dưỡng n. Đối với hệ chăn nuôi, CE là phần trăm jun mà cây xanh tạo ra trong một đơn vị thời gian để có thể là thức ăn cho động vật ăn cỏ. Trong trường hợp sinh vật tiêu thụ thứ cấp, CE là phần trăm năng suất của động vật ăn cỏ (hay động vật ăn thịt) mà có thể dùng làm thức ăn cho động vật ăn thịt khác.



2. Hệ số đồng hóa (AE)1:

AE = 100 (2.4)

Hệ số đồng hóa được tính bằng cách lấy năng lượng thức ăn đồng hóa được (An) ở bậc dinh dưỡng n chia cho năng lượng hấp thụ (In) ở bậc dinh dưỡng n. Hệ số đồng hóa biểu thị phần trăm thức ăn hấp thụ vào bậc dinh dưỡng đã được đồng hóa và tạo ra tăng trưởng, hoặc dùng cho sinh hoạt sống.
3. Hệ số sản lượng thuần (PE)2:

PE = 100 (2.5)


Hệ số sản lượng thuần hay hệ số tăng trưởng của mô (PE) được tính bằng cách lấy sản lượng thuần của bậc dinh dưỡng n (Pn) chia cho năng lượng thức ăn đồng hóa được ở bậc dinh dưỡng n (An). Hệ số sản lượng thuần cho biết phần trăm năng suất sinh khối (hay sản lượng thuần) được tạo ra, so với năng lượng đồng hóa được.

4. Hệ số tổng sản lượng (GE)3:

GE = 100 (2.6)

Hệ số tổng sản lượng (GE) hay hệ số tăng trưởng sinh thái được tính bằng cách lấy sản lượng thuần của bậc dinh dưỡng n (Pn) chia cho năng lượng thức ăn hấp thụ được ở bậc dinh dưỡng n (In), hoặc tính bằng cách nhân hệ số đồng hóa với hệ số tăng trưởng mô. Hệ số tổng sản lượng biểu thị có bao nhiêu phần trăm năng lượng hấp thụ vào bậc dinh dưỡng n được chuyển thành sản lượng thuần (hay năng suất sinh khối) của nó. Lưu ý rằng, hệ số tổng sản lượng bao giờ cũng có trị số nhỏ hơn hệ số đồng hóa, bởi vì Pn = (An - hô hấp).

5. Hệ số dinh dưỡng (TE)4:

TE = 100 (2.7)

Hệ số dinh dưỡng (hay hệ số sinh thái) được tính bằng cách lấy sản lượng thuần của bậc dinh dưỡng n (Pn) chia cho sản lượng thuần của bậc dinh dưỡng n-1 (Pn-1). Nó cũng có thể được tính bằng cách nhân ba hệ số là hệ số sử dụng, hệ số đồng hóa và hệ số tăng trưởng mô (sản lượng thuần), hoặc nhân hệ số hấp thụ với hệ số tăng trưởng sinh thái. Hệ số dinh dưỡng TE cho biết có bao nhiêu phần trăm sản lượng (năng suất) sinh khối thuần ở bậc dinh dưỡng n được tạo ra, so với sản lượng (năng suất) sinh khối thuần của bậc dinh dưỡng n-1. Sự khác nhau giữa hệ số dinh dưỡng và hệ số hấp thụ được giải thích bởi những hao phí năng lượng dùng cho hô hấp và bài tiết: Pn = In - (hô hấp + bài tiết).

Trong hệ sinh thái chăn nuôi và hệ sinh thái nông nghiệp, năng suất của sinh vật sản xuất sơ cấp được sinh vật tiêu thụ sử dụng là khá cao, còn ở hệ sinh thái rừng thì rất thấp. Sản lượng thực vật được sinh vật dị dưỡng tiêu thụ nhiều hay ít phụ thuộc vào chất lượng khoáng, khả năng cung cấp năng lượng chứa trong thực vật và mật độ sinh vật tiêu thụ. Khi mức tiêu thụ sản phẩm sơ cấp tăng lên thì năng suất hàng năm của thảm thực vật giảm xuống.

Tỷ lệ giữa sản lượng thuần với sinh khối của thực vật (P/B)1 là thước đo khả năng của thực vật sản xuất ra thực vật khối có thể là thức ăn cho động vật, bởi vì chỉ tiêu này phản ánh sự phân phối sản lượng giữa các mô hóa gỗ và không hóa gỗ. Bảng 2.4 ghi lại làm ví dụ về tỷ lệ giữa sản lượng thuần và sinh khối của một số hệ sinh thái. So sánh số liệu P/B (cột 3 của bảng 2.4) với khối lượng sản lượng thuần được sinh vật tiêu thụ ở một số hệ sinh thái (bảng 2.2) sẽ thấy rằng, nơi nào có P/B cao thì sản lượng thuần bị tiêu thụ cũng cao.
Bảng 2.4. Tỷ lệ sản lượng thuần/sinh khối của một số hệ sinh thái

(Whitaker và Woodwell, 1971; Grier và Logan, 1977)


TT

Hệ sinh thái

Tỷ lệ: (NP/sinh khối)

(1)

(2)

(3)

1

2

3



4

5

6



7

8

9



10

11

12



13

Đại dương

Vực nước ven biển

Các hồ và suối

Đất nông nghiệp

Đồng cỏ ôn đới

Đài nguyên và núi cao

Savanna

Đầm lầy và đất ngập nước



Rừng thưa - cây bụi

Rừng ôn đới

Rừng nhiệt đới

Rừng khô nghèo

Rừng lá kim ôn đới thành thục ở tây-bắc Hoa kỳ


42

35

25



0,65

0,33


0,23

0,18


0,17

0,10


0,04

0,04


0,04

0,01



tải về 219.44 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương