Chương 1 khái quáT ĐẶC ĐIỂM ĐỊa lý TỰ nhiên vị trí địa lý


Điều kiện địa chất thuỷ văn



tải về 3.14 Mb.
trang15/15
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích3.14 Mb.
#96
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   15

1.7. Điều kiện địa chất thuỷ văn

Theo các tài liệu hiện có, đặc điểm địa chất thuỷ văn Quảng Bình có một số đặc điểm địa chất thủy văn chủ yếu sau:



1.7.1. Các tầng chứa nước lỗ hổng

Nước tồn tại trong các lỗ hổng của các trầm tích bở rời Neogen và Đệ Tứ phân bố hạn chế trong vùng nghiên cứu. Nước tồn tại và vận động trong các lỗ hổng của đất đá bở rời như cát, cuội, tảng. Tầng chứa nước lỗ hổng phân bố rất hạn chế, chủ yếu ở các bãi bồi, các thềm kéo dài theo dòng chảy của sông. Bề dày tầng chứa nước nhỏ. Nước ở đây có quan hệ chặt chẽ với nước các sông. Nước nhạt có thành phần chủ yếu là bicacbonat natri - canxi. Do phân bố hẹp, bề dày mỏng, mùa khô thường bị cạn nên nước lỗ hổng chỉ đáp ứng cấp nước nhỏ, qui mô gia đình hoặc cụm gia đình. Thành phần vật chất chủ yếu là cát, cát bột, cát sét, cát lẫn sạn sỏi, sét... xen kẽ, phân bố phức tạp. Độ chứa nước trong các tầng phụ thuộc vào đặc điểm này, giàu nước trong các tập hạt thô, nghèo nước trong các tập hạt mịn. Nhìn chung, các trầm tích Neogen và Đệ Tứ trong vùng thuộc loại giàu nước nhưng chiều dày chứa nước không lớn, thường 3 - 6m đến 15 - 25m. Các tầng chứa nước lỗ hổng thường có áp lực giảm dần từ đất liền ra phía biển, độ dốc thuỷ lực thấp (0,005 - 0,05), đôi chỗ mặt thuỷ áp nghiêng cục bộ ra sông. Độ sâu mực nước ở trung tâm lưu vực chỉ vào khoảng 0,5 - 2m, ở vùng chân núi có thể đạt 4 - 5m. Về chất lượng, nước trong các tầng chứa nước lỗ hổng trong khu vực có thể từ siêu nhạt đến nhạt. Nhìn chung, nước sạch đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho sinh hoạt và sản xuất. Tuy nhiên, do nước dưới đất nằm nông, phần trên cùng của tầng chứa chủ yếu có thành phần hạt thô, tính thấm cao, nên dễ bị ô nhiễm từ các nguồn nước, rác thải trên mặt đất.

Nguồn bổ cập cho các tầng chứa nước là nước mưa và nước của các dòng chảy mặt. Dù lượng mưa trung bình năm khá lớn (hơn 2.000mm), nhưng do địa hình đồi núi ít có điều kiện tụ thủy nên mặc dù tính thấm của lớp phủ cao nhưng các tầng chứa nước lỗ hổng có trữ lượng tự nhiên thấp.

Miền thoát nước của các tầng chứa nước lỗ hổng trùng với các thung lũng sông lớn. Ngoài ra, những đứt gãy lớn nằm trong tầng phủ tạo điều kiện dễ dàng cho nước từ các tầng lỗ hổng thấm xuống cung cấp cho các tầng lỗ hổng ở dưới.

Có thể phân biệt những tầng chứa nước lỗ hổng sau:

- Tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Đệ Tứ không phân chia (q).

- Tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Holocen (qh): bao gồm 2 lớp chứa nước:

+ Lớp chứa nước trầm tích biển - gió (qh1-3 mv), chủ yếu phân bố ở một số vùng cát ven biển (Quảng Phú, Bảo Ninh...). Tầng này có độ chứa nước cao, lưu lượng 1,60 - 6,56 l/s, chất lượng tốt. Độ tổng khoáng hóa 0,15 - 0,355 g/l.

+ Lớp chứa nước trầm tích sông - biển (qh1-3 am), phân bố chủ yếu ở vùng trũng trung tâm đồng bằng và ven các suối ở phía Tây thuộc vùng đồi núi tỉnh Quảng Bình. Tầng nước này thường có độ khoáng hóa khoảng 0,25 - 1,11 g/l.

- Tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Pleistocen (qp): Phân bố rộng trên toàn bộ đồng bằng ven biển và một phần phía Tây của tỉnh. Thành phần đất đá chứa nước chủ yếu là cát, cát lẫn bột... Độ chứa nước của tầng này nghèo, lưu lượng nhỏ. Độ tổng khoáng hóa 0,050 - 0,202 g/l. Tầng này ít có ý nghĩa khai thác sử dụng.

- Tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Neogen (n): có độ chứa nước tương đối giàu, lưu lượng 1,0 - 1,76 l/s, có nơi đến 2,4 l/s. Tầng nước này có ý nghĩa khai thác sử dụng.

1.7.2. Các tầng chứa nước khe nứt

- Nước khe nứt trong đá gốc có tuổi khác nhau: Nước tồn tại và vận động trong các khe nứt của các đá cứng nứt nẻ. Trên địa bàn vùng đồi núi phía Tây Quảng Bình, nước chủ yếu chứa trong các khe nứt của các đá trầm tích biến chất có tuổi từ Paleozoi đến Mesozoi. Thành phần thạch học bao gồm cát kết dạng quarzit, đá phiến thạch anh - sericit, đá phiến thạch anh - felspat, đá phiến silic, đá phiến giàu vật chất than, đá phiến biotit, thạch anh biotit, đá phiến thạch anh 2 mica, cát kết tuf, bột kết tuf, riolit... Các thành tạo này kém nứt nẻ, bị biến chất ép nén mạnh, nên mức độ chứa nước rất hạn chế. Chỉ dọc theo các đới huỷ hoại của các đứt gãy kiến tạo, hoặc trục các nếp uốn đất đá nứt nẻ mạnh hơn có mức độ chứa nước cao hơn. Nghiên cứu một số giếng và lỗ khoan cho thấy lưu lượng nước trong tầng này khá nhỏ từ 0,15 - 0,24 l/s, pH từ 6,5 - 7,0. Nguồn cung cấp chính là nước mưa và nước ở dưới sâu đưa lên.

Các tầng chứa nước không liên tục mà thường nằm trong những hệ thuỷ lực (những bồn hay các khối đá nứt nẻ) cách biệt nhau bởi những đới nguyên khối cứng chắc (gần như không nứt nẻ). Độ sâu mực nước ngầm thường biến đổi rất đột ngột tuỳ vào độ dốc địa hình và đặc điểm nứt nẻ, phong hóa. Vùng sườn dốc, đỉnh đồi, núi, mực nước ngầm nằm rất sâu 5 - 10m hoặc hơn. Vùng đồng bằng phía Đông vùng nghiên cứu, độ sâu mực nước của tầng chứa nước khe nứt xấp xỉ với tầng chứa nước lỗ hổng, 2 - 5m ở vùng thềm sông và 2m ở các bồn trũng, lòng sông... Độ chứa nước trong các tầng này biến đổi phức tạp, tuỳ thuộc mức độ phong hóa, bề dày đới nứt nẻ và đặc điểm thạch học của đá gốc, nhưng thông thường, trừ các trầm tích carbonat, đều thuộc loại nghèo.

Mặt gương nước ngầm có dạng bậc thang, độ sâu mực nước thay đổi từ 2 - 5m đến 5 - 10m hay sâu hơn nữa, đôi khi hình thành những tầng chứa nước có áp lực cục bộ bị chắn bên trên bởi những lớp vỏ phong hoá sét bột dày. Về chất lượng, nước khe nứt nói chung thuộc loại nhạt (M < 0,5 g/l). Nguồn bổ sung của nước khe nứt chủ yếu là nước mưa rơi trên diện lộ và nước thấm từ các tầng chứa nước lỗ hổng nằm trên. Miền thoát nước trùng với các hệ thống sông suối trong vùng.

- Nước khe nứt - karst trong trầm tích Carbon - Permi: các trầm tích Carbon - Permi có thành phần chính là đá vôi phân lớp dày, bị karst hoá, nứt nẻ ở những mức độ khác nhau, có chứa những hang hốc karst, đôi khi hình thành những hang động lớn. Lưu lượng các mạch lộ, suối ngầm karst thay đổi từ 0,5 - 0,75 l/s. Nước thuộc loại nhạt - siêu nhạt với M = 0,17 - 0,5 g/l, có nơi đến 1,0 l/s. Tầng nước này phân bố rộng rãi ở các vùng Phong Nha - Kẻ Bàng, Quảng Ninh, Quy Đạt.

- Nước khe nứt trong các đới đứt gãy, dập vỡ: trong các hệ thống đứt gãy lớn như đứt gãy Rào Nậy, đứt gãy Long Đại, Kiến Giang, đứt gãy Tây Bắc - Đông Nam, đứt gãy Đường 15, Đường 12A, Đường 20...



1.8. Tài nguyên đất

Tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh là 806.527ha (8.065,27km2). Trong đó đất nông nghiệp 71.529ha, đất lâm nghiệp 623.378ha, đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản 2.645ha, đất ở 5.047ha, đất chuyên dùng 24.292ha, đất phi nông nghiệp khác 20.937ha và đất chưa sử dụng 58.699ha.

Quảng Bình có 2 hệ đất chính là hệ phù sa ở đồng bằng và hệ feralit ở vùng đồi núi với 15 loại đất thuộc 5 nhóm khác nhau.

- Nhóm đất cát có hơn 47.000ha, chiếm khoảng 5,83% diện tích, bao gồm các cồn cát phân bố dọc biển từ Quảng Trạch đến Lệ Thủy và đất cát biển phân bố chủ yếu ở Lệ Thủy, Quảng Ninh, Quảng Trạch. Nhìn chung, đất xấu, ít dinh dưỡng, thành phần cơ giới rời rạc. Ở các cồn cát xuất hiện cát di động, cát bay, cát chảy với lượng cát di chuyển trung bình năm khoảng 3,2 triệu m3, làm mất đi 20 - 30ha đất canh tác. Vùng đất cát ven biển hiện chủ yếu được sử dụng vào mục đích lâm nghiệp.

- Nhóm đất mặn với hơn 9.300ha, phân bố chủ yếu ở các cửa sông Gianh, Dinh, Nhật Lệ. Diện tích đất mặn đang có chiều hướng gia tăng do nước biển tràn sâu vào đất liền dưới tác động của bão hoặc triều cường.

- Nhóm đất phù sa với diện tích khoảng 23.000ha, chiếm khoảng 2,66% diện tích, phân bố ở dải đồng bằng và các thung lũng sông. Nhóm đất này bao gồm chủ yếu là các loại đất được bồi hàng năm (ngoài đê), không được bồi hàng năm ( trong đê) và đất phù sa glây. Đây là nhóm đất chính để trồng cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày.

- Nhóm đất lầy thụt và đất than bùn phân bố ở vùng trũng thuộc các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Quảng Trạch.

- Nhóm đất đỏ vàng chiếm hơn 80% tổng diện tích cả tỉnh, tập trung chủ yếu ở địa hình đồi núi phía Tây, độ cao từ 25 - 1.000m thuộc các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, và phần phía Tây các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy.

Nhìn chung, đất Quảng Bình nghèo dinh dưỡng, tầng đất mỏng và chua. Diện tích đất phù sa ít. Diện tích đất cát và đất lầy thụt và đất than bùn chiếm tỷ lệ khá cao. Tuy nhiên, khả năng sử dụng đất còn lớn, đặc biệt là đất vùng đồi có thể tập trung đầu tư phát triển cây công nghiệp lâu năm, cây lâm nghiệp theo hướng nông - lâm kết hợp.

1.9. Tài nguyên động thực vật

Quảng Bình nằm trong khu vực đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn, nơi có khu hệ thực vật, động vật đa dạng, độc đáo với nhiều nguồn gen quý hiếm. Đặc trưng cho đa dạng sinh học ở Quảng Bình là vùng Karst Phong Nha - Kẻ Bàng.

Về động vật có 493 loài, trong đó 67 loài thú, 48 loài bò sát, 297 loài chim, 61 loài cá... có nhiều loài quý hiếm như Voọc Hà Tĩnh, Gấu, Hổ, Sao La, Mang Lớn, Gà Lôi lam đuôi trắng, Gà Lôi lam mào đen, Trĩ...

Về thực vật, với diện tích rừng 486.688ha, trong đó rừng tự nhiên 447.837ha, rừng trồng 38.851ha, trong đó có 17.397ha rừng thông, diện tích không có rừng 146.386ha. Thực vật ở Quảng Bình đa dạng về giống loài: có 138 họ, 401 chi, 640 loài khác nhau. Rừng Quảng Bình có nhiều loại gỗ quý như lim, gụ, mun, huỵnh, thông và nhiều loại mây tre, lâm sản quý khác. Quảng Bình là một trong những tỉnh có trữ lượng gỗ cao trong toàn quốc. Hiện nay trữ lượng gỗ là 31triệu m3.



1.10. Tài nguyên biển và ven biển

Quảng Bình có 5 cửa sông, trong đó có hai cửa sông lớn (sông Gianh và sông Nhật Lệ), có cảng Nhật Lệ, cảng Gianh, cảng Hòn La, Vịnh Hòn La có diện tích mặt nước 4km2, có độ sâu trên 15m và xung quanh có các đảo che chắn: Hòn La, Hòn Cọ, Hòn Chùa có thể cho phép tàu 3-5 vạn tấn vào cảng mà không cần nạo vét. Trên đất liền có diện tích khá rộng (trên 400ha) thuận lợi cho việc xây dựng khu công nghiệp gắn với cảng biển nước sâu.

Bờ biển có nhiều thắng cảnh đẹp, cùng với thềm lục địa rộng gấp 2,6 lần diện tích đất liền tạo cho Quảng Bình có một ngư trường rộng lớn với trữ lượng khoảng 10 vạn tấn và phong phú về loài (1.650 loài), trong đó có những loại quý hiếm như tôm hùm, tôm sú, mực ống, mực nang, san hô. Phía Bắc Quảng Bình có bãi san hô trắng với diện tích hàng chục ha, đó là nguồn nguyên liệu quý cho sản xuất hàng mỹ nghệ và tạo ra vùng sinh thái của hệ san hô. Điều đó cho phép phát triển nền kinh tế tổng hợp vùng ven biển.

Mặt nước nuôi trồng thuỷ sản gồm 5 cửa sông, Quảng Bình có vùng mặt nước có khả năng nuôi trồng thuỷ sản khá lớn. Tổng diện tích 15.000ha. Độ mặn ở vùng mặt nước từ cửa sông vào sâu khoảng 10 - 15km giao động từ 8 - 30%o và độ pH từ 6,5 - 8 rất thuận lợi cho nuôi tôm cua xuất khẩu. Chế độ bán nhật triều vùng ven biển thuận lợi cho việc cấp thoát nước cho các ao nuôi tôm cua.



1.11. Tài nguyên khoáng sản

Quảng Bình có nhiều loại khoáng sản khác nhau, với trên 273 mỏ - điểm quặng đã được phát hiện, mô tả và nghiên cứu ở mức độ chi tiết khác nhau. Có thể nói Quảng Bình là một khu vực có tiềm năng về khoáng sản ở mức trung bình nếu so với các tỉnh trong cả nước. Tuy nhiên, mức độ nghiên cứu chưa nhiều và các số liệu chỉ dừng về cơ bản ở mức dự báo.

Các tài liệu hiện có cho thấy trên phạm vi tỉnh Quảng Bình có các loại khoáng sản chính sau đây:

- Khoáng sản sắt và hợp kim, gồm có sắt, wolfram và mangan, cụ thể:



Sắt: Có 11 điểm quặng và điểm khoáng hoá, chủ yếu dưới dạng sắt nâu và mũ sắt nguồn gốc thấm đọng. Một điểm duy nhất có nguồn gốc nhiệt dịch.

Khoáng sản sắt phân bố rộng khắp, nhưng chất lượng thấp, quy mô nhỏ tản mạn, không có khả năng khai thác sản xuất thép theo quy mô lớn với những công nghệ hiện tại. Trước mắt chúng có thể sử dụng cho phụ gia của công nghiệp sản xuất xi măng.



Mangan: Có 3 điểm quy mô nhỏ, nguồn gốc trầm tích và thấm đọng. Quy mô nhỏ, ít có giá trị và về cơ bản không có triển vọng công nghiệp.

Wolfram: Duy nhất có 1 điểm khoáng hoá, rất ít có triển vọng.

- Kim loại cơ bản bao gồm chì kẽm và thiếc, bao gồm:



Chì kẽm: Có mặt 4 điểm quặng và 1 mỏ quy mô nhỏ, ít có triển vọng.

Thiếc: Có biểu hiện dưới dạng vành phân tán trọng sa casiterit và sheelit.

- Kim loại nhẹ có mặt 6 điểm quặng inmenit sa khoáng vùng ven biển với quy mô không lớn, đủ để khai thác nhỏ, tạo ra các việc làm cho người lao động và tăng thêm nguồn thu ngân sách.

- Kim loại quý vàng - bạc:

Vàng là một trong những khoáng sản kim loại quý hiếm có tiềm năng lớn nhất của Quảng Bình tập trung ở 3 vùng Lệ Thuỷ, Tuyên Hoá và phía Tây Quảng Ninh - Bố Trạch, có thể triển khai nhiều dự án thăm dò khai thác vàng quy mô công nghiệp. Các tài liệu tổng hợp cho thấy có 19 điểm - mỏ vàng nguồn gốc nhiệt dịch quy mô từ điểm quặng đến mỏ nhỏ và nhiều vành phân tán trọng sa.

- Nhiên liệu đá phiến cháy: Có mặt 01 điểm đá phiến cháy duy nhất quy mô nhỏ, trên thực tế không có giá trị công nghiệp.

- Nhóm khoáng chất công nghiệp hoá chất và phân bón chủ yếu là photphorit, than bùn và pyrit, trong đó:



Photphorit: Có tất cả 20 điểm photphorit quy mô nhỏ. Phần lớn có nguồn gốc phong hoá thấm đọng trong các hang động Karst đá vôi.

Pyrit: Đã tổng hợp và thống kê được 7 điểm quặng và điểm khoáng hoá. Các điểm quặng pyrit có nguồn gốc nhiệt dịch, quy mô nhỏ.

Than bùn: Có hai điểm - mỏ quy mô nhỏ nằm trong các trầm tích hệ Đệ Tứ vùng đồng bằng ven biển.

- Nhóm khoáng chất công nghiệp gốm sứ: Hiện diện chủ yếu là dolomit, felspat, kaolin, thạch anh dạng khối và cát thuỷ tinh, bao gồm:



Dolomit: Có 10 điểm - mỏ dolomit quy mô từ nhỏ đến lớn. Đây là một trong các loại khoáng sản có quy mô phân bố rộng rãi.

Felspat: Đã thống kê có 4 điểm quặng felspat, tuy nhiên quy mô nhỏ, chất lượng kém, ít có giá trị thương phẩm.

Kaolin: Ngoài mỏ kaolin Đồng Hới đang được khai thác còn 3 điểm sét kaolin khác quy mô nhỏ ít có triển vọng công nghiệp.

Các khoáng sản phi kim loại nhất là kaolin Đồng Hới có quy mô lớn, đang được đầu tư khai thác phục vụ cho công nghiệp sứ gốm và những nhu cầu của địa phương và xuất khẩu.



Cát thuỷ tinh: Có 4 điểm cát thủy tinh phân bố ở vùng ven biển. Tuy nhiên, chúng chưa được điều tra thăm dò và đánh giá trữ lượng. Điểm cát Ba Đồn có giá trị hơn cả, tài nguyên dự báo khoảng 10 triệu tấn.

Thạch anh khối: Đã đăng ký 4 điểm thạch anh khối quy mô nhỏ, ít có giá trị sử dụng.

- Nhóm khoáng sản công nghiệp vật liệu xây dựng: Đây là một trong các loại khoáng sản có tiềm năng lớn trong tỉnh Quảng Bình, bao gồm các loại khoáng chất sau:



Sét gạch ngói: Đã đăng ký 22 điểm - mỏ sét gạch ngói, trong đó có 4 mỏ đã được thăm dò đánh giá trữ lượng.

Sét xi măng: Đã đăng ký 6 mỏ điểm sét xi măng, trong đó có 1 mỏ đã được thăm dò đánh giá trữ lượng. Đây là một trong các nguồn nguyên liệu phong phú có khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Puzolan phụ gia: Liên quan với các trầm tích silicit và bazan. Trên bản đồ đã đăng ký 2 điểm silicit phụ gia liên quan với hệ tầng La Khê. Đây là một trong các nguồn nguyên liệu có tiềm năng lớn, có giá trị được sử dụng trong công nghệ sản xuất xi măng.

Cát cuội sỏi xây dựng: Đăng ký 7 điểm - mỏ cát cuội sỏi xây dựng phân bố trong các bãi bồi và thềm sông.

Đá vôi xi măng: Có tiềm năng lớn, phân bố ở nhiều diện tích trong tỉnh. Đã đăng ký 21 điểm mỏ trong đó có 4 mỏ đã được thăm dò đánh giá trữ lượng.

Đá xây dựng và ốp lát: Liên quan với các tầng đá vôi và dolomit, các khối granit và các loại cát kết tuổi Devon. Trong số đó, đáng chú ý có 2 điểm đá ốp lát liên quan với các tầng đá vôi hoa văn đẹp có giá trị.

Vật liệu xây dựng là loại khoáng sản có sự phân bố rộng và nhiều. Các đá carbonat xây dựng có trữ lượng lớn. Loại đá vôi chất lượng tốt dùng để sản xuất xi măng có trữ lượng đủ lớn, đáp ứng đủ cho việc xây dựng các nhà máy xi măng công suất lớn, chất lượng cao. Ngoài ra, có thể sử dụng các đá carbonat cao calci và cao magiê cho sự phát triển các ngành công nghiệp gạch chịu lửa và công nghiệp hóa chất khác.

Các đá cát, sét, cuội sỏi quy mô không lớn nhưng phân bố khá đều, đủ để cung cấp cho nhu cầu xây dựng của địa phương.

- Nhóm nguyên liệu kỹ thuật: Có hai điểm thạch anh tinh thể quy mô nhỏ, chưa được nghiên cứu đầy đủ.

- Nhóm nước khoáng - nước nóng: Đã tổng hợp và đăng ký 5 điểm nước khoáng và nước nóng, trong đó đáng chú ý nhất là điểm nước khoáng nóng Bang rất có giá trị sử dụng.

Nói chung, khoáng sản nội sinh nhiệt dịch khu vực Quảng Bình chủ yếu được thành tạo trong Paleozoi muộn và Mesozoi. Có thể nhận thấy rõ hai giai đoạn tạo khoáng liên quan với các chế độ magma - kiến tạo khác biệt nhưng cùng chồng chéo lên nhau trên các diện tích không lớn. Đó là giai đoạn tạo khoáng Paleozoi muộn - Mesozoi sớm và giai đoạn Mesozoi muộn. Vai trò tạo khoáng của hai giai đoạn có khác nhau nhưng đều đóng vai trò quan trọng trong việc xác lập tiềm năng khoáng sản trong phạm vi khu vực Bắc Trung Bộ nói chung và Quảng Bình nói riêng.



Các khoáng sản ngoại sinh khá phong phú, được thành tạo trong các giai đoạn khác nhau, nhưng quan trọng nhất là giai đoạn Paleozoi giữa, liên quan với các nguồn nguyên liệu carbonat calci và magie...

tải về 3.14 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương