Chương 1 khái quáT ĐẶC ĐIỂM ĐỊa lý TỰ nhiên vị trí địa lý



tải về 3.14 Mb.
trang1/15
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích3.14 Mb.
#96
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15
Chương 1

KHÁI QUÁT ĐẶC ĐIỂM ĐỊA LÝ TỰ NHIÊN

1.1. Vị trí địa lý

Quảng Bình là tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ, Việt Nam với diện tích tự nhiên 8.065,27km2­­, dân số năm 2009 là 858.802 người, có vị trí địa lý được giới hạn bởi các tọa độ địa lý ở phần đất liền là:

Điểm cực Bắc: 18005'12'' vĩ độ Bắc

Điểm cực Nam: 17005'02'' vĩ độ Bắc

Điểm cực Đông: 106059'37'' kinh độ Đông

Điểm cực Tây: 105036'55' kinh độ Đông

Tỉnh Quảng Bình có bờ biển dài 116,04km ở phía Đông, có vịnh và cảng Hòn La, cảng Gianh, cảng Nhật Lệ; có chung biên giới với nước CHDCND Lào 201,87km ở phía Tây; phía Bắc tiếp giáp tỉnh Hà Tĩnh với chiều dài địa giới 136,5km; phía Nam giáp tỉnh Quảng Trị với địa giới 78,8km.

Trên địa bàn Quảng Bình có quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc Nam. Các đường quốc lộ 12A, đường xuyên Á và tỉnh lộ TL10, TL11, TL16 và TL20 chạy từ Đông sang Tây gián tiếp hoặc trực tiếp qua cửa khẩu Quốc tế Cha Lo và một số cửa khẩu phụ khác nối liền với nước CHDCND Lào.



1.2. Dân số và lao động

Dân số Quảng Bình năm 2009 là 858.802 người. Phần lớn cư dân địa phương là người Kinh. Dân tộc ít người thuộc hai nhóm chính là Chứt và Bru-Vân Kiều gồm những tộc người chính là: Khùa, Mã Liềng, Rục, Sách, Vân Kiều, Mày, Arem,... sống tập trung ở hai huyện miền núi Tuyên Hoá và Minh Hoá và một số xã miền Tây Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thuỷ. Dân cư phân bố không đều, 85,5% sống ở vùng nông thôn và 14,5% sống ở thành thị.



1.3. Địa hình, địa mạo

Địa hình Quảng Bình nhìn chung khá phức tạp, hẹp và thấp dần từ phía Tây sang phía Đông. Phía Tây là sườn Đông của dãy Trường Sơn hùng vĩ được nâng cao qua các thời kỳ vận động kiến tạo tạo núi, tạo ra hàng loạt các đỉnh núi cao trên 1.000m. Càng về phía Đông, địa hình thấp dần, nhưng do hẹp chiều ngang nên độ dốc tương đối lớn. Vùng đồi mở rộng với nhiều nhánh núi tiến ra sát biển đã làm thu hẹp một phần đáng kể diện tích của đồng bằng duyên hải.

Về mặt cấu trúc có thể chia Quảng Bình thành 4 khu vực có địa hình khác nhau:

1.3.1. Vùng núi

Vùng núi có độ cao từ 250 - 2.000m, với tổng diện tích khoảng 5.236,16km2 chiếm 65% diện tích tự nhiên, thấp dần từ Tây sang Đông và từ Bắc vào Nam. Địa hình núi này thuộc sườn Đông của dãy Trường Sơn có độ cao dao động từ 250 - 1.500m, trong đó diện tích núi có độ cao chủ yếu là 500 - 600m chiếm phần lớn được cấu tạo bởi các loại đá phiến, đá biến chất, đá cát bột kết có hình thái đường chia nước mềm mại, sườn tương đối thoải. Ngược lại các núi trung bình có độ cao trên 1.000m thường được cấu tạo bởi đá xâm nhập tạo nên các đỉnh Cotarun (1.624m), Ba Rền (1.137m), U Bò (1.009m)… Các núi này có bề mặt đường chia nước phức tạp, đỉnh nhọn, sườn dốc. Nhìn chung, độ dốc bình quân của vùng núi là 250 và mức độ chia cắt sâu trung bình 250 - 500m. Một trong những nét tiêu biểu của vùng núi Quảng Bình là sự phân bố rộng rãi địa hình Karst với khối đá vôi Kẻ Bàng và Khe Ngang đồ sộ nằm sát biên giới Việt - Lào có hệ thống sông ngầm rất phát triển. Địa hình Karst Quảng Bình ẩn giấu trong mình nhiều hang động dài nhất, đẹp nhất nước ta và có giá trị đặc biệt đối với du lịch như Động Phong Nha là động đẹp nhất Việt Nam, có chiều dài 7.729m, ở độ sâu trung bình 83m. Ngoài ra còn có hàng loạt các hang động khác như: hang Tối (dài 5.258m), hang Vòm (5.050m), hang Thung (3.351m), hang Tiên Ông (2.500m)…

Vùng núi được chia thành 3 loại: vùng núi cao trung bình, vùng núi trung bình thấp và vùng núi thấp.

- Vùng núi cao trung bình:

Là vùng núi có độ cao từ 1.500 đến hơn 2.000m, chiếm 1,05% diện tích lãnh thổ, phân bố chủ yếu ở phần Tây Bắc thuộc huyện Minh Hoá, Bố Trạch, được cấu tạo bởi đá trầm tích thô và mịn, bị chia cắt sâu trên 700m, đường sống núi sắc, nhọn, sườn dốc lớn 20 - 300, hiểm trở, khó qua lại, cao nhất là đỉnh Phucopi 2.017m, chỉ có đèo Mụ Giạ là cửa ngõ thuận lợi nhất thông thương sang Lào.

- Vùng núi trung bình thấp (từ 800 - 1.500m) chiếm 19,4% diện tích lãnh thổ, phân bố ở các huyện Tuyên Hoá, Minh Hoá, Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thuỷ, được hình thành trên macma axit biến chất, trầm tích hạt thô và cacbonát, sống núi dạng răng cưa lượn sóng, độ chia cắt sâu (500 - 250m), sườn khá dốc (20 - 250), thường xảy ra hiện tượng sụt lở.

- Vùng núi thấp (250 - 800m) chiếm 33% diện tích lãnh thổ, khá phổ biến ở các địa phương trong tỉnh, được cấu tạo từ đá macma axit, đá trầm tích hạt thô, hạt mịn. Sườn núi có độ dốc 250 có khả năng qua lại thuận lợi.

- Đặc biệt trong khu vực địa hình núi Quảng Bình có hệ Karst Phong Nha - Kẻ Bàng chiếm phần lớn diện tích rừng hai huyện Bố Trạch và Minh Hoá với tổng diện tích trên 2.000km2. Khu vực Karst này chứa đựng nhiều hệ thống hang động kỳ thú được các nhà khoa học thuộc các tổ chức quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN), tổ chức Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp quốc (UNESCO), Hội Địa lý Hoàng gia Anh, Quỹ quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), đánh giá có giá trị toàn cầu.



1.3.2. Vùng gò đồi trung du

Vùng gò đồi có độ cao từ 50 - 250m, độ dốc trung bình từ 30 trở lên, có diện tích 1.677,95km2, chiếm 19,7% tổng diện tích đất tự nhiên.

Vùng gò đồi Quảng Bình nằm trong địa giới 87 xã kéo dài theo chiều dọc của tỉnh. Địa hình vùng gò đồi hẹp và dốc, dòng chảy các sông đều chạy theo hướng cắt ngang địa hình, nhiều dãy núi vươn ra tận bờ biển nên địa hình vùng gò đồi phức tạp và bị chia cắt tương đối mạnh. Do dặc điểm bị chia cắt nên vùng gò đồi Quảng Bình tuy có kết dải nhưng không thuần nhất. Trong từng tiểu vùng đồng thời tồn tại cả khu vực bồi tích và bào mòn. Các tính chất hoá lý của đất chênh lệch nhau rất xa.

Dưới tác động của kiến tạo địa chất và quá trình phong hoá, vùng gò đồi Quảng Bình có thể chia làm 3 khu vực:

- Khu vực Lệ Thuỷ, Quảng Ninh có đặc trưng vùng bazan thoái hoá, địa hình chia cắt mạnh, tầng đất mỏng và không đều. Sự chênh lệch giữa đồi và núi thấp không đáng kể nhưng sự chênh lệch giữa đồi và đồng bằng khá xa.

- Khu vực Bố Trạch giới hạn từ phía Tây sông Long Đại đến phía Nam sông Gianh bao gồm một phần đất Quảng Ninh, Đồng Hới, Tuyên Hoá, trung tâm là huyện Bố Trạch. Khu vực này có địa hình liền dải, rộng, tầng đất dày, ít chia cắt.

- Khu vực Bắc sông Gianh bao gồm địa hình Quảng Trạch và một phần huyện Tuyên Hoá. Khu vực này có 2 tiểu vùng: tiểu vùng Tuyên Hoá đất gò đồi xen núi thấp, tầng dày, tiểu vùng Quảng Trạch đất liền dải nhưng phong hoá mạnh.

1.3.3. Vùng đồng bằng

Vùng đồng bằng có độ cao từ 50m trở xuống với diện tích khoảng 866,90km2, chiếm 10,95% diện tích đất tự nhiên. Đây là các đồng bằng có nguồn gốc mài mòn, bồi tụ phân bố chủ yếu ở các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Đồng Hới, Bố Trạch, Quảng Trạch, là địa bàn tập trung đông dân cư của tỉnh và thuận lợi cho phát triển cây lương thực, nhất là cây lúa.

Nhìn chung dải đồng bằng Quảng Bình hẹp, nơi rộng nhất 26km bề ngang, nơi hẹp nhất khoảng 10km. Các đồng bằng liền dải chủ yếu là: đồng bằng Lệ Thuỷ, Quảng Ninh 248km2, đồng bằng Quảng Trạch 161km2.

- Đồng bằng đồi có độ cao 25 - 50m chiếm 4% diện tích lãnh thổ, được hình thành trong quá trình san bằng các đá trầm tích hạt thô, bị phong hoá mạnh bởi quá trình ngoại sinh.

- Đồng bằng ở độ cao dưới 25m tương đối bằng phẳng, chiếm 8% diện tích lãnh thổ được tạo thành bởi bồi tích sông và trầm tích biển, thường gặp ở các huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Đồng Hới, Quảng Trạch. Trong đó, vùng đồng bằng ven biển có độ cao dưới 10m phân bố chủ yếu ở hạ lưu các con sông lớn trong tỉnh, tạo thành những bình nguyên và bồn trũng thuộc các huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, có tổng diện tích 54.000ha chiếm 6% diện tích toàn tỉnh. Vùng này bao gồm 2 tiểu vùng:

+ Tiểu vùng đồng bằng phù sa có diện tích khoảng 44.000ha chiếm gần 80% diện tích dải đồng bằng ven biển, phân bố chủ yếu ở lưu vực trung lưu và hạ lưu các nhánh sông Kiến Giang, Long Đại, sông Gianh tạo nên 2 đồng bằng chính là Quảng Ninh, Lệ Thủy và Nam Quảng Trạch.

+ Tiểu vùng đất nhiễm mặn và phèn nằm ở các cửa sông giáp với biển, có khoảng 10.000ha chiếm 20% diện tích dải đồng bằng ven biển, một phần diện tích bị nhiễm mặn do thuỷ triều, một phần diện tích nhiễm phèn do vật liệu sinh phèn phát triển trong môi trường yếm khí và mặn mạch, có nhiều ở các vùng thuộc hạ lưu sông Nhật Lệ, sông Gianh và sông Roòn.

1.3.4. Vùng ven biển

Chủ yếu là dải cát nội đồng hình lưỡi liềm hay hình rẽ quạt có tổng diện tích 358,40km2 chiếm 4% tổng diện tích đất tự nhiên, phân phối suốt chiều dài bờ biển từ chân Đèo Ngang (Quảng Trạch) đến Mũi Lạy (Lệ Thủy) trên chiều dài 116,04km, trong đó tập trung nhiều nhất tại 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Diện tích dải cát khoảng 32.140ha chiếm 4% diện tích tự nhiên tỉnh. Dải cồn cát này có độ cao thay đổi từ 2 - 3m đến 30 - 40m, nơi rộng nhất đạt 7km, độ dốc lớn, chịu tác động mạnh bởi quá trình hoạt động của gió và nước dẫn đến hiện tượng cát bay, cát lấp vào đồng ruộng, đường giao thông gây khó khăn cho sản xuất và đi lại. Đây cũng là vùng cần có đầu tư trồng rừng chắn cát và phát triển mô hình kinh tế vùng cát vốn được coi là khắc nghiệt nhưng lại đầy tiềm năng kinh tế của tỉnh. Địa hình bờ biển Quảng Bình chủ yếu là kiểu bờ biển hở, thuộc loại mài mòn, bồi tụ xen kẽ với nhau. Phía xa ngoài khơi còn có 5 đảo nhỏ: Hòn La, Hòn Gió, Hòn Nấm, Hòn Cọ và Hòn Chùa.

Vùng ven biển có chiều rộng và chiều cao tăng dần từ Bắc vào Nam, ở phía Bắc dải cát hẹp và thấp, có chiều rộng từ 300 - 400m độ cao từ +5 đến +10m, càng về phía Nam dải cát càng mở rộng (từ 1 - 6km), có độ cao 17 - 20m, có đỉnh đạt đến độ cao 50m. Địa hình mặt dải cát rất phức tạp. Có thể phân chia thành 4 vùng chính:

- Vùng phía Bắc tỉnh, giới hạn từ Mũi Dốc đến sông Gianh, là vùng kém phát triển, bề rộng dải cát từ 600 - 1.500m, độ cao phổ biến 5m. Địa hình đơn giản, hình sống trâu, dốc về 2 phía.

- Vùng từ sông Gianh đến Lý Hòa. Bề rộng dải cát khoảng từ 600 - 1.000m, độ cao phổ biến +10, địa hình dạng sống trâu. Độ dốc có nơi 30 - 400.

- Vùng từ cửa Lý Hoà đến Nhật Lệ. Độ rộng tăng dần từ 1.000 - 1.800m, độ cao phổ biến tăng từ 10 - 20m. Địa hình, địa mạo khá phức tạp. Có nhiều đồi cát cao và dài, mái dốc 50 - 600, có nhiều bậc lở về phía biển.

- Vùng từ cửa Nhật Lệ đến giáp Vĩnh Linh, bề rộng 4 - 6km, độ cao 30 - 40m có đỉnh cao 50m, nhiều dải cát dài nối liền nhau xen lẫn nhiều khối cát cao và bồn trũng. Địa hình phức tạp và thường xuyên biến động do tác động ngoại lực của thời tiết khí hậu.

Sự xuất hiện hệ thống cồn cát ven biển là yếu tố địa hình bất lợi nhiều mặt. Dưới tác động của gió, hiện tượng cát bay, cát chảy đã làm cho các cồn cát tiến dần về phía lục địa, thu hẹp đồng bằng ven biển vốn dĩ đã nhỏ bé lại càng nhỏ bé hơn, làm tăng tình trạng úng lụt vùng cửa sông, nhất là cửa sông Nhật Lệ.



1.4. Khí hậu

Quảng Bình nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa và luôn bị tác động bởi khí hậu của phía Bắc và phía Nam và được chia làm hai mùa rõ rệt.

Mùa mưa từ tháng IX đến tháng III năm sau. Lượng mưa trung bình từ 1.600 - 2.800 mm/năm, thời gian mưa tập trung vào các tháng IX, X, XI. Mùa khô từ tháng IV đến tháng VIII với nhiệt độ trung bình 24 - 250C, ba tháng có nhiệt độ cao nhất là các tháng VI, VII, VIII. Nhiệt độ cao nhất tuyệt đối lên đến 41,60C (trạm Tuyên Hóa, V/1992); 40,60C (trạm Ba Đồn, VII/1998); 40,70C (trạm Đồng Hới, IV/1980). Nhiệt độ thấp nhất tuyệt đối là 5,00C (trạm Tuyên Hóa, XII/1999), 7,60C (trạm Ba Đồn, XII/1975) và 7,80C (trạm Đồng Hới, XII/1975).

Nhiệt độ trung bình năm của Quảng Bình tăng dần từ Bắc vào Nam, từ Tây sang Đông. Cân bằng bức xạ đạt 70 - 80 kcal/cm2. Số giờ nắng bình quân năm khoảng 1.700 - 2.000 giờ.

Dưới đây là một số đặc trưng khí hậu chính của tỉnh Quảng Bình.

1.4.1. Khí áp

Khí áp trung bình hàng năm của Quảng Bình khoảng 1.010,2mb, tăng dần từ mùa hè (giá trị trung bình thấp nhất 1.003,5mb vào tháng VII và tháng VIII) sang mùa đông (giá trị trung bình lớn nhất 1.017,6mb vào tháng XII).

Khí áp cao nhất xuất hiện khi có không khí lạnh mạnh xâm nhập sâu xuống phía Nam, khí áp cao nhất tuyệt đối đạt giá trị 1.031mb vào ngày 05 tháng III năm 2005. Khí áp thấp nhất xuất hiện khi có bão ảnh hưởng trực tiếp vào Quảng Bình, khí áp thấp nhất tuyệt đối đo được tại Quảng Bình là 987mb (ngày 29 tháng VIII năm 1990 và 29/VIII/1990).

Ở Quảng Bình khí áp mặt biển trung bình năm ở vùng đồng bằng dao động trong khoảng từ 1.004 - 1.019mb. Khí áp mặt biển có giá trị lớn nhất vào tháng XII và tháng I, nhỏ nhất vào tháng VII và tháng VIII, chênh lệch tháng cao nhất và tháng thấp nhất khoảng 14mb.



Bảng 1.1: Các đặc trưng khí áp tại trạm Đồng Hới
(1956-2005)


Tháng

Các đặc trưng khí áp (mb )

Ptb

Pmax

Ngày xuất hiện

Pmin

Ngày xuất hiện

I

1.016

1.029

22/1/1983

1.004

29/1/1980

II

1.015

1.027

22/2/1977

1.002

08/2/1985

III

1.012

1.030

05/3/2005

1.001

18/3/1999

IV

1.009

1.022

02/4/1991

1.000

21/4/1999

V

1.006

1.018

02/5/1977

997

22/5/1987

VI

1.004

1.011

02/6/1980

996

20/6/1984

VII

1.003

1.011

20/7/1977

995

30/7/1984

VIII

1.003

1.011

31/8/1993

987

16/8/1987

IX

1.007

1.015

28/9/1997

996

10/9/2000

X

1.012

1.021

25/10/1977

996

13/10/1989

XI

1.015

1.025

30/11/1989

1.003

06/11/1999

XII

1.017

1.028

10/12/1987

1.008

20/12/2002

Năm

1.011

1.028

10/12/1987

987

16/8/1987

Ghi chú: P là ký hiệu viết tắt của khí áp.

Bảng 1.2: Các đặc trưng khí áp tại trạm Ba Đồn
(từ 1961-2005)


Tháng

Các đặc trưng khí áp (mb )

Ptb

Pmax

Ngày xuất hiện

Pmin

Ngày xuất hiện

I

1.017

1.029

22/1/1983

1.003

27/1/1980

II

1.015

1.028

22/2/1977

1.001

08/2/1985

III

1.013

1.031

05/3/2005

1.002

19/3/1999

IV

1.009

1.023

02/4/1991

1.001

21/4/1999

V

1.007

1.016

04/5/1981

999

28/5/2003

VI

1.004

1.011

02/6/1980

997

20/6/1984

VII

1.004

1.011

14/7/2005

995

31/7/1982

VIII

1.004

1.011

27/8/1996

987

29/8/1990

IX

1.008

1.016

28/9/1997

997

19/9/1990

X

1.012

1.022

31/10/1993

996

13/10/1989

XI

1.016

1.026

30/11/1989

1.005

13/11/1996

XII

1.018

1.028

22/12/1999

1.009

20/12/2002

Năm

1.010

1.031

05/3/2005

987

29/8/1990

Ghi chú: P là ký hiệu viết tắt của khí áp.

Bảng 1.3: Khí áp trung bình mực biển
(= giá trị trong bảng + 1000mb)


Tháng

I

II

III

IV

V

VI

VII

VIII

IX

X

XI

XII

Năm

Ba Đồn

018

015

013

009

007

005

004

004

008

013

016

019

011

Đồng Hới

017

016

013

010

007

004

004

004

008

012

016

018

011

Ngoài biến thiên năm, khí áp cũng có sự biến thiên ngày. Thông thường biến thiên ngày có dạng hình sin với hai cực đại và hai cực tiểu. Cực đại thứ nhất xảy ra vào lúc 10 giờ, cực đại thứ hai vào lúc 22 giờ hàng ngày. Cực tiểu thứ nhất xảy ra lúc 4 giờ sáng, cực tiểu thứ hai xảy ra lúc 16 giờ hàng ngày. Hiệu số giữa cực đại thứ nhất với cực tiểu thứ hai gọi là biên độ ngày, giữa cực đại thứ hai với cực tiểu thứ nhất gọi là biên độ đêm. Thường thì biên độ ngày lớn hơn biên độ đêm. Trong những ngày có thời tiết đặc biệt xảy ra như gió mùa Đông Bắc mạnh, bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ... thì biến thiên theo ngày của khí áp sẽ không theo quy luật.

1.4.2. Chế độ gió

Chế độ gió của mỗi vùng lãnh thổ phụ thuộc rất nhiều vào chế độ hoàn lưu của khu vực và điều kiện địa hình địa phương.

Quảng Bình nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa nên có hai mùa gió chính là: gió mùa mùa đông và gió mùa mùa hè. Do địa hình chi phối nên hướng gió không phản ánh đúng cơ chế của hoàn lưu. Tuy nhiên, hướng gió thịnh hành vẫn biến đổi theo mùa rõ rệt.

1.4.2.1. Hướng gió

Do ảnh hưởng của địa hình, ở Quảng Bình hướng gió thịnh hành không đồng nhất trên lãnh thổ và phụ thuộc vào điều kiện địa hình địa phương.

Trong mùa đông (từ tháng XI đến tháng IV năm sau), thời kỳ hoạt động của hoàn lưu gió mùa Đông Bắc, trên đại bộ phận lãnh thổ của tỉnh các hướng gió thịnh hành là Tây Bắc với tần suất dao động trong khoảng 20 - 53%; sau đó tuỳ nơi là Bắc hoặc Tây với tần suất đạt khoảng 12 - 20%. Riêng khu vực vùng thấp nằm khuất ở phía Nam dãy Hoành Sơn có hướng gió thịnh hành là Tây (22 - 30%), sau đó là Tây Bắc và Đông Bắc với tần suất mỗi hướng dao động trong khoảng 10 - 22%.

Trên đất liền: Gió mùa đông nói chung thường bắt nguồn từ các khối không khí lạnh cực đới có bản chất lạnh, khô khi tới Việt Nam có hướng từ Bắc tới Đông Bắc nhưng tại Quảng Bình do điều kiện địa hình chi phối nên hướng thịnh hành chủ yếu là hướng Tây Bắc, trừ vùng Ba Đồn thịnh hành hướng Tây do ảnh hưởng của các dãy núi chắn gió ở phía Bắc và thung lũng của hạ lưu sông Gianh, gió thổi hướng Tây Bắc theo thung lũng đến đây đổi thành hướng Tây.

Trên biển: Do ít chịu sự chi phối của địa hình nên gió trên biển thường giữ nguyên hướng ban đầu (Bắc tới Đông Bắc) và tốc độ cũng ít thay đổi.

Trong cơ chế gió mùa đông, ngay những tháng giữa mùa thỉnh thoảng cũng xuất hiện các hướng gió trái mùa như hướng gió Nam hoặc hướng Tây Nam.

Xen kẻ giữa hai đợt gió mùa Đông Bắc là những ngày gió Đông hoặc Đông Nam.

Vào mùa hè (từ tháng V đến tháng X), các hướng gió thịnh hành là Tây Nam hoặc Đông và Đông Nam với tần suất đạt khoảng 14 - 35%; sau đó là các hướng Nam, Tây với tần suất mỗi hướng dao động trong khoảng 12 - 22%.

Gió trong mùa hè bắt đầu từ tháng V khi lục địa châu Á bị đốt nóng, cao hơn nhiều so với nhiệt độ trên Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Trong thời gian này, nhiệt độ nước biển dao động quanh giá trị 27˚C thì nhiệt độ lục địa có thể lên đến 34 - 35˚C, thậm chí còn cao hơn. Do đó, trên lục địa hình thành những vùng khí áp thấp, gió từ Ấn Độ Dương thổi mạnh vào lục địa. Gió này nguyên là tín phong Đông Nam ở Nam bán cầu vượt qua xích đạo lên Bắc bán cầu, dưới tác dụng của lực Coriolis gió này đổi hướng thành gió Tây Nam và thổi vào lục địa châu Á. Gió này xét về bản chất là khối không khí nóng ẩm khi vượt qua dải Trường Sơn gây mưa ở sườn Tây nên khi tới Quảng Bình lớp dưới thấp của khối không khí này đã mất hẳn tính chất ban đầu của nó và trở thành luồng gió khô nóng hay còn gọi là hiệu ứng phơn.

Tần suất lặng gió ở Quảng Bình nhìn chung không lớn và phân bố khá đồng đều trong năm, dao động trong khoảng 16 - 36%.



Tần suất xuất hiện các hướng gió chính theo tháng được tính toán cho một số nơi thể hiện trong bảng 1.4 đến 1.6.


tải về 3.14 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương