CHỦ ĐỀ: việt nam 1919- 1930 Lớp: 12 Chuẩn kiến thức, kĩ năng, thái độ theo ctgdpt hiện hành: a. Kiến thức



tải về 82.26 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích82.26 Kb.
#12750
CHỦ ĐỀ: VIỆT NAM 1919- 1930

Lớp: 12

1. Chuẩn kiến thức, kĩ năng, thái độ theo CTGDPT hiện hành:

a. Kiến thức:

- Trình bày được những nét chính của tình hình thế giới sau chiến tranh thế giới thứ nhất ảnh hưởng tới Việt Nam: các nước tư bản Châu Âu gặp khó khăn, phong trào công nhân và cộng sản thế giới có bước phát triển.

- Trình bày được chính sách khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp ở Việt Nam. Thấy được sự tiến bộ về kinh tế đã tác động đến xã hội từ đó rút ra mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội Việt Nam.

- Trình bày các hoạt động tiêu biểu của tiểu tư sản và tư sản, đấu tranh của công nhân. Nêu được tính chất và đặc điểm của các phong trào này.

- Nêu được các hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trong giai đoạn 1919-1930, qua đó phân tích được vai trò của Người đối với cách mạng Việt Nam.

- Nêu được sự xuất hiện ba tổ chức cộng sản năm 1929. Từ đó thấy được sự lớn mạnh của xu hướng cứu nước theo con đường cách mạng vô sản.

- Trình bày được hoàn cảnh ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam, hội nghị thành lập Đảng, phân tích nội dung và tính sáng tạo của Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng. Phân tích vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong việc thành lập Đảng



b. Kĩ năng: Rèn luyện kĩ năng phân tích, tổng hợp kiến thức .

c. Thái độ: Bồi dưỡng lòng yêu nước và ý thức đấu tranh bảo vệ dân tộc theo tư tưởng CMVS.

2. Bảng mô tả:

Nội

dung

Nhận biết

(Mô tả mức độ cần đạt)



Thông hiểu

(Mô tả mức độ cần đạt)



Vận dụng thấp

(Mô tả mức độ cần đạt)



Vận dụng

cao

(Mô tả mức độ cần đạt)



Phong trào DTDC 1919- 1925


- Trình bày được bối cảnh, mục đích, nội dung các chính sách khai thác của TD Pháp (NN, CN, TN, GTVT)

- Biết được tác động của chính sách khai thác đến tình hình KT và XH VN

- Trình bày được PT yêu nước của các giai cấp: TS, TTS, CN.

- Trình bày được những hoạt động chính của NAQ (1919- 1925)



- Giải thích được vì sao Pháp tăng cường khai thác thuộc địa ở VN.

- Lí giải được nguyên nhân TD Pháp chỉ khai thác một số ngành kinh tế chủ yếu ở VN.

- Giải thích được vì sao giai cấp công nhân có khả năng nắm lấy ngọn cờ lãnh đạo trong cuộc cách mạng ở Việt Nam

- Giải thích được các hoạt động của NAQ đã có tác động đến PT yêu nước trong những năm 1919- 1925



- Phân tích được các mâu thuẫn chủ yếu trong XH VN

- Phân tích được bước phát triển mới của PT công nhân.

- Chứng minh được PT DTDC 1919- 1925 diễn ra với nhiều hình thức phong phú, thu hút nhiều tầng lớp tham gia.

- Phân tích được vai trò của NAQ trong giai đoạn 1919- 1925



- Đánh giá được tác động của chính sách khai thác đối với XH VN

- Đánh giá được công lao to lớn của NAQ đối với CMVN (1919- 1925)



Phong trào DTDC 1925- 1930


Trình bày được:

- Sự thành lập, hoạt động, vai trò của Hội VN Cách mạng thanh niên và Việt Nam Quốc dân đảng.

- Sự ra đời, hoạt động của 3 tổ chức cộng sản năm 1929.

- Nội dung cơ bản của Cương lĩnh chính trị đầu tiên.

- Hoàn cảnh, nội dung, ý nghĩa HN thành lập ĐCSVN.

- Ý nghĩa sự ra đời của ĐCS VN.



- Giải thích được vì sao các phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản vào những năm 1919 – 1930 đều thất bại

- Hiểu được sự lựa chọn hai con đường cứu nước vô sản và tư sản trong những năm 1919 đến năm 1929 ở Việt Nam. Giải thích được tại sao khuynh hướng vô sản lại thắng thế.

- Giải thích được vì sao NAQ thành lập Hội VNCMTN.

- Hiểu được vì sao năm 1929, ở Việt Nam lại có sự ra đời của ba tổ chức Cộng sản, sự ra đời và hoạt động của ba tổ chức này đã gây bất lợi như thế nào đối với tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ.

- Giải thích được vì sao Đảng Cộng Sản VN ra đời là bước ngoặt vĩ đại cho CMVN.

- Hiểu được vai trò của Hội VNCMTN đối với CMVN.

- Giải thích được Đảng ra đời là 1 tất yếu Lịch sử.


- Phân biệt được hai khuynh hướng chính trị trong PTYN ở VN (1919-1930)

- Phân tích được tính đúng đắn và sáng tạo của Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng

- Chứng minh được Đảng ra đời là sự chuẩn bị tất yếu đầu tiên có tính quyết định cho thắng lợi của CMVN.

- Chứng minh được Đảng ra đời là sản phẩm của sự kết hợp giữa CN Mác Lenin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước trong những năm 20 TK XX.

- Chứng minh được ĐCS VN ra đời đã chấm dứt thời kì khủng hoảng về giai cấp và đường lối lãnh đạo trong PTCM VN.
- Phân tích được vai trò của NAQ đối với CMVN trong giai đoạn 1925-1930.


Đánh giá được công lao to lớn của NAQ đối với CMVN trong giai đoạn 1919-1930.

Định hướng năng lực được hình thành

- Năng lực chung: Năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, năng lực hợp tác, năng lực sử dụng ngôn ngữ.

- Năng lực chuyên biệt: Tái tạo kiến thức, xác định mối quan hệ giữa các sự kiện lịch sử, hiện tượng lịch sử, nhận xét, đánh giá.


II. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

A. Câu hỏi nhận biết

1. Sau CTTG I, TDP đã thi hành ở VN những chính sách gì? Nêu mục đích của việc thi hành các chính sách đó?

2. Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của Pháp đã tác động như thế nào đến tình hình KT và XH VN?

3. XH VN sau CTTG I đã phân hóa như thế nào? Nêu thái độ chính trị và khả năng CM của các giai cấp đó.

4. Trình bày PT yêu nước của các giai cấp: TS, TTS, CN VN trong những năm 1919- 1925.

5. Sự kiện nào đánh dấu phong trào công nhân Việt Nam chuyển hoàn toàn từ tự phát sang tự giác ?

6. Trình bày những hoạt động chính của NAQ (1919- 1925)

7. Trình bày sự thành lập, hoạt động, vai trò của Hội VN Cách mạng thanh niên và Việt Nam Quốc dân đảng.

8. Nêu nội dung cơ bản của Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.

9. Nêu hoàn cảnh, nội dung, ý nghĩa của HN thành lập ĐCSVN.

10. Nêu ý nghĩa sự ra đời của ĐCS VN.

B. Câu hỏi thông hiểu

1. Vì sao giai cấp công nhân có khả năng nắm lấy ngọn cờ lãnh đạo trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và giai cấp ở Việt Nam ?

2. Tại sao các phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản vào những năm 1919 – 1930 đều thất bại?

3. Trình bày những điều kiện để dẫn đến thành lập và những non yếu của Việt Nam Quốc dân đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và phương thức hoạt động. Vì sao có những non yếu đó ?

4. Hãy khái quát về sự lựa chọn hai con đường cứu nước vô sản và tư sản trong những năm 1919 đến năm 1929 ở Việt Nam? Giải thích tại sao khuynh hướng vô sản lại thắng thế ?

5. Tại sao vào năm 1929, ở Việt Nam lại có sự ra đời của ba tổ chức Cộng sản, sự ra đời và hoạt động của ba tổ chức này đã gây bất lợi như thế nào đối với tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ?

6. Tại sao nói “Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời mở ra một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử Việt Nam” ?

7. Tại sao lại nói Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là là một tất yếu lịch sử ?



C. Câu hỏi vận dụng thấp

1. Bằng các sự kiện và số liệu cụ thể, hãy phân tích và chứng minh phong trào công nhân Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1919 đến năm 1929 đã phát triển chuyển biến từ “tự phát” sang “tự giác”.

2. Chứng minh phong trào dân tộc dân chủ công khai ở Việt Nam trong những năm 1919 – 1925 phát triển mạnh mẽ với nhiều hình thức đấu tranh phong phú, thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia.

3. Thông qua những hoạt động cứu nước của NAQ, hãy phân tích vai trò của Người đối với CMVN trong giai đoạn 1919- 1930

4. Trình bày và phân tích một số điểm chủ yếu trong nội dung Cương lĩnh đầu tiên của Đảng để khẳng định đó là đường lối giải phóng dân tộc đúng đắn và sáng tạo.

5. Bằng những dẫn chứng cụ thể, hãy chứng minh rằng Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930 là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh dân tộc và giai cấp ở Việt Nam trong thời đại mới, là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước trong những năm 20 của thế kỉ XX

6. Bằng những sự kiện lịch sử cụ thể, hãy làm rõ vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

D. Câu hỏi vận dụng cao

1. Thông qua hoạt động của Việt Nam Quốc dân Đảng và cuộc khởi nghĩa Yên Bái, hãy đánh giá vai trò của giai cấp tư sản Việt Nam trong cuộc vận động giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX.

2. Từ sự chuyển hóa của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, sự phân hóa của Tân Việt, sự thất bại của Việt Nam Quốc dân đảng, hãy tìm ra nguyên nhân chung dẫn đến quá trình đó.

3. Nêu các khuynh hướng chính trị và những biểu hiện của nó trong phong trào yêu nước chống Pháp từ sau CTTG I đến đầu năm 1930. Từ kết cục của mỗi khuynh hướng hãy rút ra kết luận về con đường GPDT VN.

4. Đánh giá công lao của NAQ đối với PT GPDT VN trong những năm 1919- 1930.

III. GỢI Ý MỘT SỐ ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM

* Câu hỏi thông hiểu

1. Tại sao các phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản vào những năm 1919 – 1930 đều thất bại?

Hướng dẫn làm bài

- Các phong trào theo khuynh hướng dân chủ tư sản tiêu biểu là hoạt động của Việt Nam Quốc dân đảng, đã phát triển mạnh từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đều lần lượt đi đến thất bại do :



  • Giai cấp tư sản dân tộc Việt Nam non kém về kinh tế, què quặt về chính trị.

  • Khuynh hướng chính chính trị theo con đường dân chủ tư sản dân tộc Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu khách quan của sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân ta.

  • Tổ chức non kém, không đủ sức để chống đỡ trước mọi thủ đoạn khủng bố của kẻ thù để tồn tại và phát triển.

- Sự thất bại của phong trào dân tộc theo khuynh hướng dân chủ tư san bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa và cơ sở kinh tế và giai cấp xã hội Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ nhất.

- Khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 như một ngọn đèn tàn trong phong trào đấu tranh của tư sản dân tộc. Trước khi tắt, nó bùng cháy một lần cuối đề rồi không bao giờ cháy nữa. → Đây là một sự kiện đánh dấu sự chấm dứt các phong trào yêu nước đi theo khuynh hướng dân chủ tư sản để nhường chỗ cho phong trào yêu nước theo con đường Cách mạng vô sản ở Việt Nam.



* Câu hỏi vận dụng thấp

1. Chứng minh phong trào dân tộc dân chủ công khai ở Việt Nam trong những năm 1919 – 1926 phát triển mạnh mẽ với nhiều hình thức đấu tranh phong phú, thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia.

Hướng dẫn làm bài

- Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ với sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân dưới nhiều hình thức đấu tranh phong phú, sôi nổi do giai cấp tư sản dân tộc và tầng lớp tiểu tư sản trí thức lãnh đạo.

- Với mục tiêu chủ yếu là đòi quyền lợi về kinh tế, muốn vươn lên vị trí khá hơn trong nền kinh tế Việt Nam, giai cấp tư sản dân tộc đã phát động phong trào chấn hưng nội hóa, bài trừ ngoại hóa (1919), chống độc quyền cảng Sài Gòn và độc quyền xuất cảng lúa gạo ở Nam Kỳ của tư bản Pháp (1923), sử dụng báo chí để bênh vực quyền lợi của mình. Trong phong trào một số tư sản và địa chủ lớn ở miền Nam đã thành lập ra Đảng Lập hiến để tập hợp lực lượng, đề ra một số khẩu hiệu đòi tự do dân chủ nhằm lôi kéo quần chúng làm áp lực với Pháp. Các cuộc đấu tranh do tư sản dân tộc phát động đã thu hút các tầng lớp nhân dân ở thành thị tham gia.

- Các tầng lớp tiểu tư sản trí thức cũng tiến hành đấu tranh mạnh mẽ bằng nhiều hình thức đấu tranh phong phú như lập ra các tổ chức chính trị như Tâm Tâm xã, Việt Nam Nghĩa Đoàn, Hội Phục Việt, Đảng Thanh Niên để tập hợp lực lượng, lãnh đạo đấu tranh. Mặt khác, họ còn sử dụng sách báo để tuyên truyền vận động yêu nước như xuất bản các tờ báo tiến bộ: Chuông rè, An Nam trẻ, Người nhà quê; lập ra các nhà xuất bản tiến bộ như Cường học thư xã, Nam Đồng thư xã; gây tiếng vang để cổ vũ thúc đẩy phong trào yêu nước như tiếng bom Sa Diện của Phạm Hồng Thái (6/1924).

- Hai cuộc đấu tranh tiêu biểu nhất, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân (tiểu tư sản, tư sản dân tộc, địa chủ, công nhân, nông dân) tham gia, đó là cuộc đấu tranh đòi thả Phan Bội châu (1925) và phong trào để tang Phan Châu Trinh (1926) diễn ra trong cả nước.

- Phong trào dân tộc dân chủ công khai có ý nghĩa lịch sử lớn: thức tỉnh tinh thần dân tộc, ý thức dân chủ cho nhân dân Việt Nam; tạo ra điều kiện thuận lợi để truyền bá các tư tưởng cách mạng như chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng cách mạng dân chủ tư sản vào các tầng lớp nhân yêu nước.

→ Tuy vậy, phong trào còn có mặt hạn chế như phong trào dân tộc dân chủ do giai cấp tư sản lãnh đạo còn bộc lộ tính chất cải lương, sẵn sàng thỏa hiệp với Pháp khi được thõa mãn quyền lợi. Phong trào đấu tranh của tầng lớp tiểu tư sản còn bồng bột, xốc nổi, chưa có sự lãnh đạo thống nhất.

2. Trình bày và phân tích một số điểm chủ yếu trong nội dung Cương lĩnh đầu tiên của Đảng để khẳng định đó là đường lối giải phóng dân tộc đúng đắn và sáng tạo.

Hướng dẫn làm bài

Những điểm chủ yếu của Cương lĩnh chính trị đầu tiên:

+ Thấu suốt sự phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam là con đường kết hợp và giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội…

+ Nhiệm vụ của cách mạng tư sản dân quyền ở nước ta là đánh đổ bọn đế quốc Pháp, phong kiến tay sai và giai cấp tư sản phản cách mạng… nổi bật lên là nhiệm vụ chống đế quốc, phong kiến, giành độc lập cho toàn thể dân tộc.

+ Lực lượng cách mạng là công nông, đồng thời “phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông… để kéo họ đi về phe vô sản giai cấp. Còn đối với phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư sản Việt Nam mà chưa lộ rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít ra cũng làm cho họ trung lập”.

+ Cách mạng Việt Nam là bộ phận của cách mạng thế giới…

+ Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng…

3. Bằng những dẫn chứng cụ thể, hãy chứng minh rằng Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930 là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh dân tộc và giai cấp ở Việt Nam trong thời đại mới, là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước trong những năm 20 của thế kỉ XX

Hướng dẫn làm bài

a. Bối cảnh xã hội Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ nhất:

- Hai mâu thuẫn cơ bản: dân tộc và giai cấp…

- Khủng hoảng đường lối và lãnh đạo…

- Biến chuyển kinh tế và xã hội tạo cơ sở cho phong trào yêu nước và phong trào công nhân phát triển.



b. Kết quả tất yếu và sản phẩm của sự kết hợp…:

- Sự phát triển của phong trào yêu nước ...; Phong trào yêu nước đòi hỏi có đường lối mới và lãnh đạo mới.

- Sự phát triển của phong trào công nhân ...; Đặc điểm của giai cấp công nhân Việt Nam …

- Sự truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam… Vai trò của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên: Thúc đẩy quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam, đào tạo cán bộ…

- Sự kết hợp 3 nhân tố ở Nguyễn Ái Quốc : Từ người yêu nước, Nguyễn ái Quốc trở thành người công nhân rồi trở thành người cộng sản năm 1920.

- Sự kết hợp 3 nhân tố thể hiện ở sự ra đời của 3 tổ chức cộng sản…

- Yêu cầu sớm hình thành một tổ chức cộng sản duy nhất : Sự chia rẽ làm suy yếu phong trào; Hội nghị hợp nhất : Đầu 1930 tại Hương Cảng ; Chính cương, Sách lược vắn tắt…

- Đảng ra đời là tất yếu: Đáp ứng yêu cầu khách quan của lịch sử; Chấm dứt khủng hoảng đường lối và lãnh đạo, bước ngoặt lịch sử, cách mạng Việt Nam là bộ phận của cách mạng thế giới.



4. Bằng những sự kiện lịch sử cụ thể, hãy làm rõ vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hướng dẫn làm bài

Vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được thể hiện qua các sự kiện sau :



  • Tìm được con đường cứu nước:

- Tháng 7 năm 1920, đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin...

- Tháng 12 năm 1920, tham gia Đại hội Tua, bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản và thành lập Đảng Cộng sản Pháp.



  • Truyền bá chủ nghĩa Mác Lênin vào Việt Nam: Viết sách báo...

  • Đào tạo cán bộ:

- Năm 1925 thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Báo Thanh niên và sách Đường Kách mệnh đã trang bị lí luận giải phóng dân tộc cho cán bộ của Hội.

- Năm 1928, nhiều cán bộ của Hội tham gia phong trào ”vô sản hóa” tham gia tuyên truyền và vận động cách mạng.



  • Đầu năm 1930, chủ trì Hội nghị hợp nhất Đảng tại Cửu Long...

  • Soạn thảo Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng: Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt,...

* Câu hỏi vận dụng cao

1. Thông qua hoạt động của Việt Nam Quốc dân Đảng và cuộc khởi nghĩa Yên Bái, hãy đánh giá vai trò của giai cấp tư sản Việt Nam trong cuộc vận động giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX?

Hướng dẫn làm bài

Trước chiến tranh thế giới nhất , tư sản Việt Nam chưa phải là một giai cấp nên chưa có những hoạt động rõ nét, sau chiến tranh tư sản Việt Nam bắt đầu bước lên vũ đài chính trị và có những hoạt động mang đặc điểm giai cấp rõ nét.

+ Năm 1919 có phong trào chấn hưng nội hoá, bài trừ ngoại hoá

+ Năm 1923 phong trào chống độc quyền thương cảng Sài Gòn.

+ Thành lập Đảng lập hiến của Bùi Quang Chiêu (1923)

+ Phong trào báo chí đòi quyền tự do...

Tuy nhiên những phong trào này chủ yếu nhằm thoả mãn yêu cầu về quyền tự do dân chủ, quyền bình đẳng trong kinh tế với tư bản Pháp.

- Ngày 25/12/1927 do ảnh hưởng phong trào dân tộc dân chủ ở trong nước và tư tưởng tam dân của Tôn Trung Sơn ở Trung Quốc, Việt Nam Quốc dân đảng thành lập.

+ Cơ sở hạt nhân là Nam đồng thư xã, một nhà xuất bản tiến bộ.

+ Người lãnh đạo : Phạm Tuấn Tài và Nguyễn Thái Học.

+ Địa bàn hoạt động chủ yếu ở Bắc kỳ.

+ Mục đích: “Trước làm dân tộc Cách mạng, sau làm thế giới Cách mạng”, đường lối chính trị chưa rõ ràng, còn chung chung.

+ Thành phần phức tạp, kết nạp đảng viên bừa bãi, không chọn lọc, tổ chức lỏng lẻo, tạo điều kiện cho Pháp phá hoại.

+ Hoạt động chủ yếu nghiêng về ám sát cá nhân, manh động, biểu hiện cụ thể qua cuộc khởi nghĩa Yên Bái.

- Cuộc khởi nghĩa Yên Bái :

+ Sau vụ ám sát tên trùm mộ phu Badanh (9/2/1929), Pháp ra sức lùng bắt và phá hoại tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng. Trong khi lực lượng bị tổn thất, cơ sở cách mạng bị phá vỡ chưa kịp củng cố, những người lãnh đạo Việt Nam Quốc dân đảng quyết định khởi nghĩa vũ tranh với quan niệm “không thành công cũng thành nhân”.

+ Cuộc khởi nghĩa bùng nổ 9/2/1930 với quy mô khá lớn (Phú Thọ, Hải Dương, Thái Bình, Hà nội có ném bom phối hợp. Song chỉ duy trì được 1 tuần lễ thì bị Pháp đàn áp và thất bại (14/2/1930).

+ Mặc dù thất bại nhưng khởi nghĩa Yên Bái thể hiện tinh thần đấu tranh bất khuất của dân tộc ta nói chung và nghĩa quân Yên Bái nói riêng. Từ đó thấy rõ mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc ta với thực dân Pháp vô cùng gay gắt.

Tuy nhiên, sự thất bại của cuộc khởi nghĩa Yên Bái cũng chứng tỏ sự hăng hái, bồng bột nhất thời của tầng lớp tiểu tư sản và cũng là sự thất bại của giai cấp tư sản dân tộc trong cuộc vận động giải phóng dân

tộc đầu thế kỷ XX.

Giai cấp tư sản Việt Nam sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh một nước thuộc địa, luôn bị chèn ép, số lượng ít, nhỏ bé về kinh tế, non kém về chính trị, nên không thể là giai cấp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam.

2. Từ sự chuyển hóa của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, sự phân hóa của Tân Việt, sự thất bại của Việt Nam Quốc dân đảng, hãy hãy tìm ra nguyên nhân chung dẫn đến quá trình đó ?

Hướng dẫn làm bài

Từ nửa sau những năm 20 của thế kỷ XX ở Việt Nam diễn ra một thực tế lịch sử:

+ Quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và những quan điểm của Nguyễn Ái Quốc về đường lối cách mạng trên lập trường vô sản ở Việt Nam do Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tiến hành. Nhưng chính sự phát triển đó lại vượt quá tầm lãnh đạo của Hội. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn cách mạng Việt Nam lúc này, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã chuyển hóa thành hai tổ chức Cộng sản: Đông Dương Cộng sản đảng (6/1929) và An Nam Cộng sản đảng (7/1929).

+ Cũng chịu ảnh hưởng ngày càng sâu sắc của con đường cách mạng vô sản, nên Tân Việt cách

mạng đảng cũng có sự phân hóa: Một bộ phận tiên tiến của Tân Việt cách mạng đảng đã gia nhập vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên; một bộ phận còn lại sau này tiến đến thành lập Đông Dương cộng sản liên đoàn.

+ Tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng theo xu hướng cách mạng dân chủ tư sản. Đường lối cách mạng không đáp ứng yêu cầu của dân tộc, do vậy Việt Nam quốc dân đảng không xây dựng được cơ sở của mình trong các giai cấp cơ bản, không được quần chúng ủng hộ. Đó là nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của khởi nghĩa Yên Bái do Việt Nam Quốc dân đảng khởi xướng và lãnh đạo. Khởi nghĩa Yên Bái thất bại kéo theo sự tan rã của Việt Nam Quốc dân đảng.



→ Từ thực tế đó, ta có thể rút ra nguyên nhân chung dẫn đến sự chuyển hóa của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, sự phân hóa của Tân Việt và sự thất bại rồi tan rã của Việt Nam quốc dân đảng là: Quá trình truyền bá của chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, cũng là quá trình tuyên truyền những quan điểm của Nguyễn Ái Quốc về con đường giải phóng dân tộc trên lập trường vô sản ở Việt Nam. Con đường cách mạng trên lập trường vô sản đáp ứng được yêu cầu cơ bản của dân tộc và của nhân dân Việt Nam. Vì vậy, con đường cách mạng vô sản, các tổ chức cách mạng trên lập trường vô sản được quần chúng nhân dân hậu thuẫn ngày càng chiếm ưu thế và đã giữ vai trò chủ đạo trong phong trào cách mạng Việt Nam.

tải về 82.26 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương