Chủ đề 5 ngôn ngữ VÀ trí nhớ



tải về 45.31 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu15.08.2016
Kích45.31 Kb.
#20345

Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM Tâm lý học đại cương


Chủ đề 5

NGÔN NGỮ VÀ TRÍ NHỚ
Trong cuộc sống nói chung và trong hoạt động nhận thức nói riêng, con người sử dụng ngôn ngữ làm phương tiện để tư duy, dùng trí nhớ để lưu lại tất cả những vật, hiện tượng đã diễn ra. Vì thế, nghiên cứu tâm lý người cũng cần phải tìm hiểu ngôn ngữ và trí nhớ.

    1. Ngôn ngữ

      1. Khái niệm ngôn ngữ

Ngôn ngữ là hệ thống kí hiệu đặc biệt dùng làm phương tiện giao tiếp và làm công cụ để tư duy.

      1. Chức năng của ngôn ngữ

        1. Chức năng chỉ nghĩa:

Ngôn ngữ được sử dùng để chỉ sự vật, hiện tượng đồng thời thay thế cho sự vật hiện tượng. Ví dụ: Chúng ta nói “cái tủ quần áo” không cần có sự hiện diện của cái tủ, người nghe vẫn hiểu và hình dung được sự vật được đề cập.

        1. Chức năng truyền thông:

Con người dùng ngôn ngữ để giao tiếp với người khác, truyền tin, thông báo cho nhau nội dung công việc, nhu cầu, cảm xúc, tình cảm…Trong quá trình truyền thông, ngôn ngữ đóng vai trò chính.



        1. Chức năng khái quát hoá

Ngôn ngữ không những có thể chỉ một sự vật, hiện tượng riêng lẻ mà còn có thể chỉ một nhóm các sự vật, hiện tượng có chung những thuộc tính bản chất. Vì thế, ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động nhận thức và giao tiếp.

      1. Phân loại ngôn ngữ

Ngôn ngữ có thể phân thành: ngôn ngữ bên ngoài và ngôn ngữ bên trong. Ngôn ngữ bên ngoài bao gồm: ngôn ngữ có lời và ngôn ngữ không lời. Ngôn ngữ có lời bao gồm: ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết. Ngôn ngữ nói tồn tại dưới có 2 dạng: đối thoại và độc thoại. Ngôn ngữ không lời: cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt, nụ cười…Ngôn ngữ bên trong là ngôn ngữ dành cho chính chủ thể chứ không dùng để giao tiếp với người khác.

NGÔN

NGỮ

Ngôn ngữ bên ngoài

Ngôn ngữ có lời


Ngôn ngữ nói

Đối thoại

Độc thoại

Ngôn ngữ viết




Ngôn ngữ không lời




Ngôn ngữ bên trong




Bảng tóm tắt phân loại ngôn ngữ

      1. Vai trò của ngôn ngữ

Ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người, liên quan mật thiết đến tất cả các hiện tượng tâm lý.

Với hoạt động nhận thức cảm tính: ngôn ngữ làm cho cảm giác và tri giác diễn ra nhanh chóng và thuận lợi hơn.

Với trí nhớ: Ngôn ngữ là phương tiện để ghi nhớ. Nếu không có ngôn ngữ, con người không thể thực hiện việc ghi nhớ có chủ định.

Với tư duy: Tư duy dùng ngôn ngữ làm công cụ, phương tiện, để tư duy. Tuy nhiên ngôn ngữ không phải là tư duy và ngược lại tư duy cũng không phải là ngôn ngữ.

Với tưởng tượng: Ngôn ngữ là phương tiện để hình thành, biểu đạt và duy trì hình ảnh mới của tưởng tượng.


    1. Trí nhớ

      1. Khái niệm trí nhớ

Trí nhớ là quá trình ghi nhớ, giữ gìn và tái hiện lại những gì đã xảy ra trong quá khứ.

      1. Vai trò của trí nhớ trong hoạt động của con người

  • Trí nhớ là quá trình tâm lý có mối quan hệ chặt chẽ với tất cả các hiện tượng tâm lý khác của con người.

  • Trí nhớ là một trong những điều kiện cần thiết để con người có đời sống tâm lý ổn định, cân bằng.

  • Trí nhớ là điều kiện quan trọng để con người có thể phát triển các chức năng tâm lý cấp cao.

  • Trí nhớ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động nhận thức. Trí nhớ lưu lại tất cả các thông tin, dữ liệu từ quá trình cảm giác, tri giác nhằm cung cấp cho quá trình tư duy, tưởng tượng của con người những thông tin cần thiết.

      1. Cơ sở sinh lý của trí nhớ

Trí nhớ có cơ sở sinh lý là phản xạ có điều kiện mà bản chất là quá trình hình thành đường mòn liên hệ thần kinh tạm thời.

      1. Các giai đoạn của trí nhớ

Quá trình hình thành trí nhớ có thể được chia thành 4 giai đoạn: ghi nhớ, giữ gìn, tái hiện (nhớ lại) và quên.

        1. Ghi nhớ

Ghi nhớ là quá trình đưa tài liệu vào ý thức hay nói cách khác ghi nhớ là quá trình nhập dữ liệu, thông tin vào bộ nhớ. Mức độ hiệu quả của quá trình ghi nhớ không những phụ thuộc vào nội dung, tính chất của tài liệu cần ghi nhớ mà còn phụ thuộc vào động cơ, mục đích và phương pháp ghi nhớ của cá nhân.

Ghi nhớ có thể được chia thành 2 loại: ghi nhớ có chủ định và ghi nhớ không chủ định. Ghi nhớ có chủ định là quá trình cá nhân đặt ra mục đích từ trước, dùng ý chí và phương pháp ghi nhớ thích hợp để đạt được mục đích ghi nhớ. Ghi nhớ có chủ định có 2 cách: ghi nhớ máy móc và ghi nhớ ý nghĩa. Ghi nhớ máy móc là loại ghi nhớ được lặp đi lặp lại nhiều lần, không cần hiểu rõ nội dung tài liệu. Cách ghi nhớ máy móc tốn nhiều thời gian, nhanh quên, khó tái hiện nội dung tài liệu khi cần thiết nếu tài liệu đó quá dài. Ghi nhớ ý nghĩa là cách mà cá nhân hiểu rõ nội dung, bản chất của nội dung cần ghi nhớ. Cá nhân phải sử dụng các thao tác của quá trình tư duy và tưởng tượng khi ghi nhớ ý nghĩa của tài liệu.Ghi nhớ ý nghĩa tiêu hao năng lượng nhiều hơn so với ghi nhớ máy móc.

Ghi nhớ không chủ định là quá trình ghi nhớ diễn ra một cách tự nhiên, cá nhân không có mục đích từ trước, không cần sự nỗ lực và phương pháp ghi nhớ. Khối lượng thông tin ghi nhớ phụ thuộc vào mức độ hấp dẫn của tài liệu.


        1. Giữ gìn

Sau khi tài liệu được ghi nhớ cần phải giữ gìn và bảo quản để sử dụng khi cần thiết. Giữ gìn tài liệu có 2 cách: giữ gìn tích cực và giữ gìn tiêu cực. Giữ gìn tích cực là quá trình tái hiện tài liệu đã ghi nhớ bằng ngôn ngữ bên trong. Giữ gìn tiêu cực là quá trình lặp đi lặp lại nội dung tài liệu cần ghi nhớ thông qua các mối liên hệ bên ngoài giữa các phần của tài liệu.

        1. Tái hiện

Tái hiện là quá trình trí nhớ làm sống lại những nội dung đã ghi nhớ và lưu trữ trước đó.

Quá trình tái hiện có thể diễn ra theo 3 hình thức: nhận lại, nhớ lại và hồi tưởng.

Nhận lại là quá trình mà chủ thể lặp lại sự tri giác với đối tượng. Ví dụ: Chúng ta đi dự tiệc và gặp một người cảm thấy quen lắm, nhưng không nhớ rõ người đó ta quen ở đâu, tên gì.

Nhớ lại là quá trình mà chủ thể không cần lặp lại sự tri giác với đối tượng. Ví dụ: Hôm qua, chúng ta đi dự tiệc, chúng ta gặp cô A, dự tiệc về chúng ta kể chuyện lại cho người nhà nghe là chúng ta gặp cô A. Người nhà nhớ ra ngay cô A là ai, ở đâu làm gì mà không cần phải có sự hiện diện của cô A tại thời điểm khi nhớ lại. Nhớ lại có 2 loại: nhớ lại có chủ định hoặc nhớ lại không chủ định.

Hồi tưởng là quá trình chủ thể nỗ lực nhằm khắc phục một số khó khăn để nhớ lại những thông tin đã ghi nhớ. Sản phẩm của quá trình hồi tưởng có thể diễn ra không theo một trật tự nhất định của sự việc mà trước đây chúng ta đã ghi nhớ.


        1. Quên

Quên là quá trình mà chủ thể không thể tái hiện được những nội dung đã ghi nhớ trước đó khi cần thiết.

Quên cũng có nhiều mức độ khác nhau: quên hoàn toàn (không nhớ lại và cũng không nhận lại được); quên cục bộ (không nhớ lại nhưng có thể nhận lại được); quên tạm thời (tại thời điểm cần nhớ lại thì không nhớ được nhưng lúc khác lại nhớ được nên còn được gọi là “sực nhớ”).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng quên: dồn nén phải nhớ khối lượng tài liệu tương đối lớn trong một khoảng thời gian ngắn, không tập trung chú ý cao độ khi ghi nhớ, không củng cố trí nhớ (lặp đi lặp lại), biện pháp ghi nhớ không phù hợp, không có nhu cầu, hứng thú để nhớ, tai nạn làm tổn thương vùng não…

Mặc dầu đã quên nhưng những dấu vết của trí nhớ về sự vật hiện tượng đã ghi nhớ vẫn còn lưu lại trên võ não, nhưng chúng ta không thể làm cho những dấu vết ấy sống lại tại thời điểm cần thiết.



      1. Phân loại trí nhớ

Trí nhớ có thể phân thành nhiều loại khác nhau. Tuỳ thuộc vào nội dung, tính chất, mục đích, thời gian tồn tại chúng ta có thể chia trí nhớ thành những loại sau:

        1. Căn cứ vào nội dung phản ánh

  1. Trí nhớ vận động

Trí nhớ vận động phản ánh những cử động của chủ thể. Chủ thể nhớ lại những vận động, những hành động mà mình đã thực hiện trước đây. Chủ thể có thể không hành động nhưng vẫn có biểu tượng về hành động, vận động đó. Ví dụ: Học sinh có thể nhớ và thực hiện tốt các động tác của bài thể dục buổi sáng hoặc học sinh không cần thực hiện những động tác nhưng vẫn nhớ và hình dung các động tác của nó một cách chính xác. Trí nhớ vận động đóng vai trò quan trọng trong lao động, sản xuất và hình thành kỹ xảo của cá nhân.

  1. Trí nhớ cảm xúc

Trí nhớ cảm xúc phản ánh những rung cảm, tình cảm đã diễn ra tại một thời điểm nhất định trong quá khứ. Ví dụ: 2 người đã “anh đường anh, em đường em” nhưng mỗi lần đi lại trên con đường mà ngày xưa khi yêu nhau hai người đã tay trong tay, cũng cái mùi hoa sữa ấy… thì những kỷ niệm một thời đã qua cứ ùa về. Cảm xúc và tình cảm đã giúp chủ thể ghi nhớ sự vật, hiện tượng trong quá khứ và bây giờ chỉ cần nhớ lại hay gặp lại sự vật hiện tượng đó chủ thể có thể quay lại với cảm xúc, tình cảm đã có trước đây hoặc khi chủ thể có cảm xúc, tình cảm giống như trước đây đã từng có thì chủ thể có thể liên tưởng ngay đến sự vật, hiện tượng đã xảy ra trước đây. Chính cảm xúc, tình cảm là cầu nối giúp con người ghi nhớ sự vật, hiện tượng cần ghi nhớ.

  1. Trí nhớ hình ảnh

Trí nhớ hình ảnh là loại trí nhớ phản ánh những hình ảnh, biểu tượng của các sự vật, hiện tượng đã tác động vào các giác quan của chủ thể trong quá khứ. Ví dụ: người hoạ sĩ gặp người đẹp, hoạ sĩ đó có thể vẽ lại người đẹp ấy hay chúng ta chỉ cần ngửi mùi thức ăn có thể biết được thức ăn đó mặn hay nhạt…Trí nhớ hình ảnh đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật.

  1. Trí nhớ từ ngữ-logic

Ý nghĩ, tư tưởng được trình bày và diễn đạt bằng ngôn ngữ. Trí nhớ từ ngữ-logic phản ánh những ý nghĩ và tư tưởng của con người nên được gọi là trí nhớ từ ngữ-logic. Trí nhớ từ ngữ-logic đóng vai trò quan trọng trong hoạt động nhận thức của con người nói chung mà đặc biệt là đối với học sinh.

        1. Căn cứ vào tính mục đích

  1. Trí nhớ có chủ định

Trí nhớ có chủ định là loại trí nhớ mà chủ thể có nhu cầu, mục đích, kế hoạch từ trước đồng thời sử dụng các phương pháp, kỹ thuật ghi nhớ. Trong quá trình ghi nhớ,giữ gìn và tái hiện chủ thể dùng ý chí để khắc phục mọi khó khăn để đạt được mục đích ghi nhớ. Trí nhớ có chủ định được sử dụng nhiều trong quá trình học tập và lao động của con người.

  1. Trí nhớ không chủ định

Trí nhớ không chủ định là loại trí nhớ mà chủ thể không có nhu cầu, mục đích, kế hoạch từ trước đồng thời cũng không cần phải sử dụng các phương pháp, kỹ thuật cũng như sự nỗ lực ý chí của bản thân. Hay nói theo một cách khác, trí nhớ không chủ định là trí nhớ mang tính tự nhiên. Trí nhớ không chủ định thường có điểm xuất phát là những kích thích, tác động từ môi trường bên ngoài.

        1. Căn cứ vào thời gian tồn tại

  1. Trí nhớ cảm giác (SM-Sensory Memory)

Trí nhớ cảm giác (SM) là loại trí nhớ được hình thành kèm theo quá trình cảm giác, tồn tại với mục đích lưu giữ những cảm giác khi kích thích từ môi trường tác động vào các giác quan. Trí nhớ cảm giác kéo dài khoảng 0,5-1 giây đối với thị giác và từ 3-4 giây đối với thính giác, sau đó nếu không củng cố và chuyển sang trí nhớ ngắn hạn (STM) thì sẽ mất đi. Khả năng dung chứa của trí nhớ cảm giác là rất lớn. Thời gian tồn tại của trí nhớ cảm giác là rất ngắn nhưng mức độ chính xác rất cao. Trí nhớ cảm giác có khả năng lưu trữ một bản sao chính xác của từng kích thích tiếp nhận được. Thời gian tồn tại quá ngắn là nguyên nhân chính dẫn đến các nhà nghiên cứu không tìm thấy sự hiện diện của nó. Năm 1960, Geogle Sperling tổ chức một loạt các nghiên cứu tỉ mỉ mới phát hiện ra sự tồn tại của trí nhớ cảm giác.

  1. Trí nhớ ngắn hạn (STM-Short Term Memory)

Trí nhớ ngắn hạn (STM) là loại trí nhớ tồn tại ngay sau giai đoạn vừa ghi nhớ, tồn tại với mục đích lưu giữ những điều mà chúng ta tri giác được, trí nhớ ngắn hạn tồn tại khoảng 30 giây, sau đó nếu không được củng cố thì sẽ mất đi. Trí nhớ ngắn hạn có khả năng chứa khoảng 5-9 đơn vị nội dung tại thời điểm ghi nhớ.

  1. Trí nhớ dài hạn (LTM-Long Term Memory)

Trí nhớ dài hạn (LTM) là loại trí nhớ chứa đựng mối liên hệ giữa các thành phần của nội dung ghi nhớ. Trí nhớ dài hạn là sản phẩm của quá trình củng cố, lặp đi lặp lại nhiều lần và sự tập trung chú ý của chủ thể. Thời gian ghi nhớ dài hạn là vĩnh viễn và khả năng dung chứa không có giới hạn.

      1. Làm thế nào để có trí nhớ tốt?

Để có trí nhớ tốt, chúng ta cần phải, có nhu cầu, mục đích, kế hoạch ghi nhớ từ trước đồng thời phải có phương pháp, kỹ thuật ghi nhớ phù hợp và tập trung chú ý khi ghi nhớ. Ngoài ra, chúng ta cần phải thường xuyên củng cố trí nhớ.

Theo Tony Buzan, chúng ta quên kiến thức nhanh chóng vì chúng ta nhớ từ ngữ, trong khí trí nhớ của chúng ta làm việc theo hình ảnh. Khi ghi nhớ, chúng ta chuyển từ ngữ thành hình ảnh, khi nhớ lại thì chuyển hình ảnh thành từ ngữ. Xuất phát từ quan điểm trên, Tony Buzan đã xây dựng phương pháp ghi nhớ có hệ thống, kích thích cả 2 bán cầu não hoạt động trong quá trình ghi nhớ để có trí nhớ tốt nhất.




ThS.Ngô Minh Duy (Tổng hợp và biên soạn) Tài liệu lưu hành nội bộ


tải về 45.31 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương