CÁc tiêu chí ĐỂ ĐÁnh giá VỀ TỘI (PĀPA) I. Khái niệM



tải về 88.62 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu23.08.2016
Kích88.62 Kb.
#26974
CÁC TIÊU CHÍ ĐỂ ĐÁNH GIÁ VỀ TỘI (PĀPA)

I. KHÁI NIỆM

Tội trong tiếng Pali là “Pāpa” (sin, offence), nghĩa là một lầm lỡ, một sai sót đối với tự thân, tha nhân hoặc đối với cộng đồng.

Phật giáo không nhấn mạnh đến khái niệm này như các tôn giáo: Cơ Đốc, Tin Lành. Trong hệ thống tôn giáo dựa vào Cựu Ước Tân Ước đều cho rằng con người sinh ra đã phạm tội tổ tông (original sin) và cần phải làm phép rửa tội. Trong khi đó, Phật giáo cho rằng con người sinh ra là mang theo cả nghiệp thiện và ác trong quá khứ, có cả phước đức và tội lỗi do chính con người đó tạo ra. Dù có làm phép rửa tội hay không, thì người đó vẫn phải chịu quả khổ do người đó đã gieo tạo.

Một hành động được gọi là tội bởi vì hành động (hành vi, lời nói, cử chỉ, thái độ) đó tạo ra điều bất thiện, không xứng hợp với tư cách mà vị đó đang có, có khuynh hướng đưa con người ấy xuống cảnh giới thấp hơn.



II. PHÂN LOẠI ĐỐI TƯỢNG

Cùng một hành động, đối với trường hợp người này thì phạm, nhưng đối với người kia thì không. Điều đó tuỳ thuộc vào địa vị, chức năng, hoàn cảnh, môi trường người ta đang sống. Do đó, chúng ta không thể vội vàng đánh giá một con người là đúng sai, tốt xấu khi chưa có thông tin đầy đủ về con người đó: trình độ văn hóa, bối cảnh gia đình, văn hóa, tôn giáo... và các yếu tố khác. Nói tóm lại, tùy theo chức năng, tư cách của mỗi người mà xác định người ấy có vi phạm hay không.



1. Tại gia và xuất gia:Đời sống của người cư sĩ tại gia khác xa với người xuất gia. Lý tưởng của người cư sĩ tại gia là sống làm sao cho an bình, hạnh phúc; trong khi đó lý tưởng của người xuất gia không những là mong muốn tạo dựng một đời sống an vui, hạnh phúc, Tịnh độ nhân gian mà còn mục đích tối hậu là đoạn trừ những cấu uế trong tâm, chứng đắc Niết-bàn. Do đó, tiêu chuẩn đạo đức của người xuất gia cao hơn. Cho nên, cũng một hành động đó, đối với người tại gia được xem là chuyện bình thường, nhưng đối với người xuất gia thì bị xem như là một hành động sơ thất, hoen ố. Ví dụ, người tại gia chỉ cần tuân thủ 5 giới và không có một thể chế hình phạt cụ thể nào, trong khi đó người xuất gia, tùy theo tầng bậc thọ giới lạp mà có những hình phạt nặng nhẹ khác nhau.

2. Sa-di và Tỳ-khưu: Đối với hàng Sa-di, số lượng giới phải thọ trì ít hơn so với giới của hàng Tỳ-kheo. Sa-di chỉ cần thọ 10 giới, trong khi đó Tỳ-khưu phải tuân thủ 227 giới (Nam tông) giới hay 250 giới (Bắc tông). Người càng tu lâu càng phải thể hiện các oai nghi tế hạnh một cách chỉnh chu, uy nghi phải vững vàng hơn. Những vị lớn luôn là những tấm gương sáng cho thế hệ sau soi và tu theo.

Có một điều mà chúng ta cần khảo sát kỹ lưỡng là đối với Tỳ-kheo chỉ có 4 đại giới trục xuất, còn đối với Sa-di theo Nam truyền có tới 10 giới bị trục xuất và trật tự các giới giữa Nam truyền và Bắc truyền cũng không đồng nhất. Xem Luật nghi Sa-dicủa TT. Giác Giới.Một vấn đề khác cũng cần quan tâm, đó là cùng một vấn đề mà Sa-di tội nhẹ và có thể đi xuất gia lại, trong khi đó Tỳ-kheo thì không được phép.



3.Thức-xoa-ma-na và Tỳ-khưu-ni:Cũng tương tự như bên Tăng, Ni lưu cũng có những giới điều khác biệt giữa Thức-xoa-ma-na và Tỳ-kheo-ni. Thức-xoa-ma-na ngoài việc phải tuân thủ 10 giới Sa-di, còn phải tuân thủ 6 học giới một cách nghiêm cẩn. Nếu lỡ phạm một trong 6 học giới thì phải làm lại từ đầu. Còn đối với một vị Tỳ-khưu-ni phải thọ 311 giới (Nam truyền) và 348 giới (Bắc truyền).

4. Theo giới tính: Giới bổn của Tỳ-kheo-ni nhiều hơn giới của Tỳ-kheo (sáu trường phái Luật tạng đều như vậy). Điều đó không phải là Phật giáo áp đặt nhiều buộc ràng cho chư Ni và theo chế độ gia trưởng phụ hệ của các chế độ thị tộc hay một số nước bây giờ. Điều đó nhằm thể hiện chức năng của giới là bảo hộ, làm thanh lương cho người giữ giới. Ví dụ, 4 giới sau của Tỳ-kheo-ni trong Pārajikā (triệt khai/ tẩn xuất/ trục xuất) chỉ là các giới trong 13 Tăng tàn (Sanghadisesa) của bên Tăng. Vì đối với chư Tăng, nếu có những hành vi tương tự như bốn cấm giới sau của chư Ni còn có thể cứu chữa được, còn đối với chư Ni, nếu vi phạm các hành vi đó chắc chắn để lại tác hại tâm lý nặng nề cho đời sống tu hành.

II. CÁCH ĐÁNH GIÁ HÀNH VI/ LỜI NÓI

1. Căn cứ Kinh tạng

Người thực hiện một hành động, lời nói và ý niệmtương ứng với mười bất thiện gọi là có tội. “Kinh Khởi thế nhân bổn”(số 27) trong Trường Bộ Kinh ghi: “Này Vàsettha, có người Sát-đế-lỵ sát sanh, lấy của không cho, có tà hạnh, nói láo, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói lời phù phiếm, có tâm tham, có tâm sân, có tà kiến. Này Vàsettha, những pháp ấy là bất thiện và được gọi là bất thiện; những pháp ấy là có tội và được gọi là có tội; những pháp ấy không nên hành trì và được gọi là các pháp không nên hành trì; những pháp ấy không xứng Thánh pháp và được gọi là không xứng Thánh pháp; những pháp ấy là hắc pháp và hắc báo; những pháp ấy bị người có trí quở trách”.



Kinh Tăng Chi, chương 2,phẩm Hình Phạt, Đức Phật nói có hai loại tội: Một là tội có kết quả ngay trong hiện tại, và tội có kết quả trong đời sau.”1 Nghĩa là, làm một hành động sái quấy phải bị hình phạt của chế độ đương thời; hai là chịu sự chi phối nhân quả thọ báo kiếp sau.

2. Căn cứ Luật tạng

- Một vị Tỳ-kheo/Tỳ-kheo-ni vi phạm một trong các giới điều đã quy định (Giới Bổn Tăng / Giới Bổn Ni) tùy theo mức độ mà luận tội là nặng hay nhẹ. Luật tạng trong 6 truyền thống đều thống nhất về các quy định hành vi, lời nóiđể từ đó xác định tội trạng. Mỗi bộ luật tuy có khác nhau về số giới, nhưng căn bản đều giống nhau về thể loại và cách xử trị. Có tất cả 7 nhóm tùy theo mức độ ảnh hưởng đến người thực hiện hay xã hội, mà 7 hình luật được đặt ra để giúp người phạm phải điều chỉnh.Nói tóm lại, có 7 nhóm tội, tương ưng với thất tụ tịnh giới.2

Bảy nhóm tội theo Giới bổn Tăng của luật Tứ phần như sau: Ba-la-di (4 đại giới, triệt khai, trục xuất), Tăng tàn(13 giới tổn hại Tăng, hành 6 đêm Ma-na-đỏa/ ý hỷ), 2 giới bất định (Thâu-lan-giá, tùy trường hợp phạt trục xuất hoặc 6 đêm Ma-na-đỏa)3, Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề (30 giới phá sự thanh bần, xả vật), Ba-dật-đề (đơn đọa, 90 giới, sám hối4), Đề-xá-ni (4 pháp hối quá), Đột cát-la(100 pháp Sám hối/ Ưng học pháp)5.

Trong việc định tội này, Luật sư phải là người tinh thông giới luật, xử có tình có lý. Nếu không tinh tường, rất dễ rơi vào trường hợp xử lý bất minh, không đúng với tội trạng và không giúp người sửa sai, mà có thể đẩy người đến tự tử quyên sinh. Tham khảoGiới luật thiết yếu hội tập của TT. Nhựt Chiếu (Q. 7) từtrang 467– 477 sẽ rõ.



- Ngũ nghịch tội: (Pañcānantarya): Năm tội lớn, nếu có ai phạm một trong năm tội này thì sau khi thân hoại mạng chung sẽ bị đọa vào địa ngục A-tỳ (vô gián). Dẫu có sám hối đi chăng nữa, cũng phải bị đọa vào địa ngục, và kiếp này không thể chứng đắc các Thánh quả. Năm tội ngũ nghịch là: 1. Làm thân Phật ra máu (như Devadatta) ôm lòng hại Phật, nấp trên đỉnh núi Linh Thứu lăn đá để giết Phật, nhưng do oai thần công đức của Phật, nên mảnh đá chỉ làm chân Phật bị thương chảy máu.2. Giết A-la-hán (là một vị đã thành tựu được giới đức, tâm đức và tuệ đức một cách viên mãn). 3. Giết mẹ; 4.Giết cha (là những bậc có ơn lớn đối với mình); 5. Phá hòa hợp Tăng6 (như Devadatta tìm cách chia rẽ Tăng đoàn, vận động các Tỳ-kheo theo ông). Những người ấy sau khi thân hoại mạng chungsẽ bị đọa vào địa ngục A-tỳ (Avīci Nairaka). Liên hệ thực tế, những người vu khống Tăng sư, chia rẽ khối đại đoàn kết của chư Tăng, làm cho chư Tăng mất đi sự hòa hợp vốn có, vị ấy bị xem như đã phạm tội trọng, đọa vào địa ngục.

- Thất nghịch tội:七逆罪 cũng gọi Thất già tội hay Thất già, gọi tắt là“Thất nghịch”, chỉ cho 7 trọngtội, là những hành vi không thuận đạo lý. Một khi lỡ phạm rồi, vĩnh viễn không được thọ giới (già tội), vĩnh viễn không dự vào hàng xuất gia. Bảy tội là: 1. Làm thân Phật chảy máu. 2. Giết hại cha. 3. Giết hại mẹ. 4. Giết Hòa thượng. 5. Giết A-xà-lê. 6. Phá yết-ma chuyển pháp luân Tăng. 7. Giết hại bậc Thánh. Trong kinh điển Đại thừa mới nói đến thất nghịch này.

- Trọng tội và khinh tội.Trọng tội là vi phạm các giới Ba-la-di, Tăng tàn đối với Thanh Văn giới. Đối với giới Bồ-tát Đại thừa thì phạm vào các giới trọng, có khuynh hướng bản chất và tác hại rộng khắp xã hội. Số lượng giới Bồ-tát theo truyền thống Đại thừa ở Việt Nam/ Trung Hoa có khác với giới Bồ-tát theo truyền thống Kim Cang thừa. Các giới này các giới tử chỉ phát nguyện thọ trì, không có bắt buộc, do đó không có hình phạt cụ thể khi phạm vào các tội này.

Theo bài “Ý nghĩa thọ Thập thiện và Bồ tát giới tại gia” của Thích Đức Trí đăng trên Giác Ngộ online7: Nội dung của Bồ-tát giới dựa vào các kinh “Anh Lạc kinh”, “Phạm Võng Bồ Tát Kinh”, “Địa Trì Kinh”, “Du-già Sư địa luận”, “Bồ Tát Giới Kinh”. Các vị Tổ sư đã trích thành văn mà kết thành Bồ-tát giới bổn”. Đối với Phật tử thì có 6 giới trọng và 28 giới khinh. Ai phạm vào 6 giới trọng, gọi là phạm trọng tội; ai phạm vào giới nhỏ, gọi là phạm khinh cấu tội. Đối với Tăng Ni thọ Bồ-tát giới, gồm 10 giới trọng và 48 giới khinh. Vị nào phạm vào nhóm 10 giới trọng, gọi là “trọng tội”; vị nào phạm vào nhóm 48 giới, gọi là “phạm khinh cấu tội”.

Phật giáo Kim Cang thừa rất đề cao Bồ-tát giới. Theo bản dịch Bồ-tát giới do Snow Lotus Foundation ấn hành (nội bộ), Bồ-tát giới gồm 18 giới trọng và 46 giới khinh. Nội dung bản luật hoàn toàn khác biệt với giới Bồ-tát của truyền thống Trung Quốc và Việt Nam.

- “Phá pháp” hay là “Phá pháp luân Tăng”:Luận Đại Trí Độ8 ghi rằng: “Ví có người nghe nói thâm nghĩa Bát Nhã Ba La Mật, chẳng có tin, mà lại còn hủy báng, cho rằng Bát Nhã Ba La Mật là phi pháp, chẳng phải là thiện pháp, chẳng phải là lời Phật dạy; tự mình chẳng học, và dạy người khác chẳng nên học. Như vậy là đã tự hủy báng Bát Nhã Ba La Mật, và dạy người khác hủy báng Bát Nhã Ba La Mật; tự mình phá hoại thân tâm mình, và khiến người khác phá hoại thân thâm họ; tự mình chẳng tin, chẳng biết Bát Nhã Ba La Mật, và khiến người khác chẳng tin chẳng biết thâm nghĩa Bát Nhã Ba La Mật; chẳng khác gì tự mình dùng thuốc độc để tự giết mình, và cũng đầu độc người khác.

Này xá Lợi Phất! Đối với hạng người này như vậy, ta chẳng muốn nghe nói đến tên, huống nữa là nhìn thấy họ hay muốn ở chung với họ. Vì sao? Vì hạng người này làm ô uế chánh pháp, sa đọa vào chốn tối tăm, mê muội. Ai nghe theo lời hạng người này, tin dùng họ, cũng phải thọ vô lượng khổ đau.

Này Xá Lợi Phất ! Hạng người phá Bát Nhã Ba La Mật như vậy cũng gọi là hạng người phá pháp.”9

- Một số giới của Bồ-tát giới Đại thừa cần lưu ý:

+ Tội hủy báng (kinh điển) Đại thừa: Tội này chỉ có ghi trongkinh điển Đại thừa. Các kinh điển Nguyên thủy (Nikaya) chưa có khái niệm Đại thừa, nên không có luận tội này. Rõ ràng việc tự tán hủy tha (khen mình chê người) là điều không nên. Trong kinh điển Nam truyền nhiều lần Đức Phật nhắc bảo lỗi này, nhưng tuyệt đối không có chỗ nào ghi lại lỗi liên hệ đến kinh điển Đại thừacả.

+ Tội “Coi khinh Thinh Văn thừa, làm cho người khác sinh quan kiến sai lầm do nói rằng sự hành trì giáo lý Tiểu thừa không dẫn đến Niết-bàn” (Giới này là giới 14 trong 18 giới trọng của Bồ-tát giới của phái ngài Dalai Latma). Như vậy, bản giới này so với các điều ghi trong một số luận phẩm của Đại thừa tích cực hơn nhiều, giải quyết một vấn nạn của Phật giáo bộ phái và Đại thừa hưng khởi.



3. Căn cứ Luận tạng (dựa vào cảm thọ, tri kiến và các yếu tố hỗ trợ)

Trong 12 tâm bất thiện, tạo các ác nghiệp sẽ cho quả nặng nhẹ như sau:

Tâm Thọ Hỷ có quả nặng hơn tâm Thọ Xả.
Tâm Hợp Tà có quả nặng hơn tâm Ly Tà.
Tâm Vô Trợ có quả nặng hơn tâm Hữu Trợ.


Vì nghiệp (Kamma) hay hành động tạo quả, phần chủ yếu là sự chủ tâm, cố ý (hay sở hữu Tư - “Cetanā”). Phật ngôn: “Cetanānaṃ Bhikkhavekammaṃ vadāmi  (Này các Tỳ-khưu, Nghiệp là Sở hữu Tư). Do đó, nếu sự cố ý mạnh sẽ cho quả nặng và ngược lại. Những tâm làm ác với sự thỏa thích (Thọ hỷ), đương nhiên sẽ có sự cố ý mạnh hơn những tâm hành sự với cảm thọ bình thường (Thọ xả); hay những tâm mang kiến chấp sai lầm (Hợp tà), có sự chủ tâm mãnh liệt hơn những tâm không cố chấp (Ly tà); những tâm phát khởi mau lẹ (Vô trợ) sẽ có chủ ý, có tâm mạnh hơn những tâm sanh khởi nhờ sự trợ giúp nhiều lần (Hữu trợ) vì cần có động cơ thúc đẩy, tâm hữu trợ thường sinh lên với tính cách gượng gạo nên sự chủ tâm trong tâm này rất yếu.

4. Căn cứ theo các kinh ra đời muộn và sớ giải

* Kinh Na-tiên Tỳ-kheo (Minlindapañha), một bản kinh ra đời vào đầu thế kỷ thứ nhất Tây lịch đặt vấn đề: Kẻ trí làm điều dữ ít hay nhiều tai vạ hơn người ngu?(bản dịch của Cao Hữu Đính).10 Kẻ nhận thức / biết có tội hay kẻ không biết có tội, ai nặng hơn ? Ngài Nagasena (Mi- tiên) trả lời là kẻ không biết hành động đó là sai nên tội nặng hơn (xét theo khía cạnh nghiệp báo), vì không biết đó đang tạo tội (hợp tà), nên có thể làm thêm. Còn trong trường hợp biết luật mà vẫn phạm luật là một trường hợp khác, đó là xét theo khía cạnh cetanā (động cơ). Động cơ lớn hơn thì nghiệp nặng hơn, nghiệp nặng hơn thì tội lớn hơn.

Xét trường hợp người có trí phạm tội, họ dễ phát sanh tâm ăn năn, hối lỗi và rất có thể lần sau họ không làm nữa. Còn người ngu, họ không biết đó là lỗi nên tiếp tục làm nữa, nên dễ lún sâu vào tội lỗi mà không hay. Nhưng nếu họ đã là người hiểu pháp luật mà do nghị lực yếu hèn, đã biết đó là lỗi mà tiếp tục làm mãi, thì tội cũng nặng như người ngu. Và xét về mặt răn đe hình phạt, quả thật họ xứng đáng nhận lãnh hình phạt nặng hơn, nhưng đối với luật nhân quả, hễ có hành vi đi kèm với động cơ thì dù là người ngu hay kẻ trí thì lỗi cũng như nhau.



* Sớ giảicủa ngài Buddhaghosa (Phật Âm/ Phật Minh) sống vào đầu thế kỷ thứ năm Tây lịch.

Để đánh giá một hành động, một lời nói là có tội hay không, Ngài Buddhaghosa – một trong những đại luận sư11 nổi tiếng nhất của Phật giáo Nam truyền, đã đưa ra 5 yếu tố: Chủ thể, đối tượng, động cơ, nỗ lực và kết quả. Năm yếu tố này có thể áp dụng cho mọi hành vi, động thái, ngôn ngữ... trong cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên, 4 giới trọng Ba-la-di (triệt khai) thường được các luận sư vận dụngcác nguyên tắc trên để xem xét và kết luận là phạm tội nặng hay nhẹ như sau.



4.1. Giới thứ nhất: Tà dâm / tà hạnh trong các dục12

a) Chủ thể: Ý thức có mặt, không bị khùng điên hoặc tâm thần. Tùy theo giới phẩm (Tỳ-kheo, Sa-di, tập sự), giới tính (Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni), trình độ (có giáo dục hay không có giáo dục), tuổi tác (vị thành niên hay là đã trưởng thành, lão niên).

- Sa-di hành dâm với một nữ nhân, bị trục xuất khỏi phẩm mạo Sa-di, nhưng nếu tha thiết tu hành thì sau đó có thể được xuất gia lại và thọ giới Tỳ-khưu. Nhưng nếu hành dâm với một Tỳ-khưu-ni thì vĩnh viễn không được xuất gia trong giáo pháp (vì Tỳ-khưu-ni là nữ nhân được giáo pháp bảo hộ).

- Nếu là Tỳ-khưu, dù hành dâm với bất cứ đối tượng nào: nam, nữ, thú cái, nữ ngạ quỷ… đều bị triệt khai, hoặc nếu quyết tâm phát lồ sám hối, thì thọSa-di trọn đời.

b) Đối tượng: Con người (vợ/ chồng, người yêu, nữ nhân/ nam nhân, nữ bán hương/trai bán dục, Tỳ-khưu-ni, nữ đạo sĩ, nữ cư sĩ, nữ dạ-xoa, súc sanh).

- Nếu là Tỳ-kheo xúc chạm phụ nữ chỉ phạm Tăng tàn, còn xúc chạm Tỳ-kheo-ni thì phạm tội triệt khai.

Trong trường hợp, một Tỳ-kheo vuốt ve một con vật (đực hoặc cái), mặc dù cũng xuất phát những tâm niệm ái nhiễm vi tế, nên trong Luật tạng không cho phép Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nuôi chó, mèo... mặc dù không ảnh hưởng đến đời sống phạm hạnh, tuy không bị phạt nặng nề, nhưng căn bản cũng không được.

c) Động cơ: (1) Để duy trì nòi giống, (2) thoả mãn tham dục, (3) để duy trì nòi giống và thỏa mãn tình dục, (4) để giúp đỡ người khác.

- Trường hợp Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc bị thanh niên Nanda cưỡng bức, cô không bị xem là phạm giới, vì cô không có động cơ sái quấy và không có khởi lên tâm lạc13. Nhưng đối với chàng thanh niên này bị quả báo đất nứt, rơi đọa vào địa ngục vô gián.

- Trường hợp một vị tu sĩ Tây Tạng hành dâm với một cư sĩ với tâm từ bi để người cư sĩ không bị đọa vào súc sanh. Xem Huyền thuật và đạo sĩ Tây Tạng của Alexandra David Neel (1929), Nguyên Phong chuyển ngữ, trang 37-38).14

d) Nỗ lực: Tiến hành các bước, nỗ lực để thực hiện.

- Trường hợp thanh niên Nanda đã lén trốn vào thảo am của TKN. Liên Hoa Sắc chờ đợi và cưỡng ép.



e) Thời điểm (theo quan điểm của người soạn)

- Chưa có cưới hỏi mà quan hệ tình dục trước.

- Hành dâm với vợ ở những nơi tôn nghiêm như nơi thờ tự, đền miếu, tháp chùa,…cũng được xem như là tà dâm.

- Quan hệ với vợ trong thời kỳ không thể giao hợp như bị bệnh, đang có thai nhi gần thời kỳ sinh nở, đang bị nguyệt kỳ, cũng được xem như là tà dâm.

Theo Luật nghi Sa-di của TT. Giác Giới (đăng tải trên mạng Buddhasasana), để định tội hành dâm đối với một vị Sa-di phải do hội đủ 4 chi (aṅga) là:

a. Bhedanavatthu, có lỗ khiếu để hành dâm, một trong 30 khiếu.


b. Sevanacittam, có tâm muốn hành lạc.
c. Tajjo vāyāmo, cố gắng hành động.
d. Maggena maggappaṭipādanaṃ, đã để khiếu của mình vào khiếu khác.

4.2. Giới thứ 2 - Trộm cắp

(i)Vật có chủ gìn giữ (parapariggahitaṃ) / Đối tượng (vật có giá trị hay không có giá trị)

Vật cá nhân: tội nhẹ; vật tập thể: tội nặng.

Vật cá nhân có 2: vật của người tại gia: tội nhẹ; vật của người xuất gia: tội nặng.

Vật cá nhân có thể phân tích thành 5 đối tượng: phàm nhân, Dự Lưu, Nhứt Lai, Bất Lai, Vô Sanh. Bậc Thánh càng cao tội càng nặng.

Vật có giá trị cao: tội nặng; vật có giá trị thấp: tội nhẹ. Lấy vật của người có giới đức: tội nặng; người kém giới đức: tội nhẹ.

Vật của tập thể: Vật của nhóm Tăng (từ 2-3 vị Sa-di hoặc Tỳ-kheo), vật của Tăng (từ 4 vị Tỳ-kheo trở lên).



(ii)Biết vật có chủ gìn giữ (parapariggahitaññitā) / Ý thức có mặt

Là biết rõ chủ của vật ấy là ai, đồng thời hiểu rõ người chủ đang gìn giữ vật ấy.

Trong trường hợp nhặt vật đánh rơi, không biết của ai thì không phạm giới, nhưng nếu biết rõ chủ vật ấy mà cố lấy thì phạm giới.

(iii)Có ý lấy (theyya cittaṃ) / Có tác ý (lên kế hoạch)

Tích truyện Pháp Cú số 409 có ghi câu chuyện vị Tỳ-kheo A-la-hán nhặt tấm vải đang phơi trên hàng rào, được đưa lên Đức Phật và xác nhận là vô tội.

(iv)Cố gắng lấy (cepakkamo) / Nỗ lực:Thực hiện các thao tác đã lên kế hoạch.

(v)Lấy được do sự cố gắng ấy (jena haranaṃ).

Gồm 2 trường hợp: (1) Lấy mang đi, (2) Làm xê dịch vị trí ban đầu.

Câu chuyện vị Tỳ-kheo đã xê dịch tấm vải với động cơ sẽ lấy. Phật dạy vị ấy phạm tội triệt khai, tẩn xuất ra khỏi Tăng đoàn.

Như trong Tạng-luật (Bhikkhu Vibhaṅga) có ghi: Vị Tỷ-kheo tháo nước từ ruộng này sang ruộng kia, phạm vào pārājika (triệt khai) về tội adinnādāna (lấy của không cho).

Theo Luật nghi Sa-di của TT. Giác Giới, một hành động trộm cắp, gọi là phạm tội phải hội đủ 5 chi (aṅga):

(i) Parapariggahitam, vật có chủ gìn giữ.


(ii) Parapariggahitasaññita, biết là vật có chủ gìn giữ.
(iii) Theyyacittam, có tâm muốn lấy trộm.
(iv) Upakkamo, cố sức lấy.
(v) Tena haranaṃ, vật đã bị mang đi khỏi chỗ do sự rán sức ấy.

Hội đủ năm chi như thế gọi là đã phạm điều học giới.

Sa-di phạm điều giới trộm cắp bị tội trục xuất (Nāsanaṅga).

4.3. Sát sanh

(1)Chủ thể: Người giết có ý thức (biết chúng sanh có mạng sống = Pāṇo).Người có ý thức tùy theo phẩm mạo giới đã thọ. Nói cách khác, tùy theo cương vị của mỗi người mà tội nặng hay nhẹ.

(2)Đối tượng: Chúng sanh có mạng sống (pāṇāsaññitā): chư thiên, con người (đạo đức hay phi đạo đức, ...), phi nhơn, súc sanh (động vật có tâm thức cao hay là động vật có tâm thức thấp,v.v...).

(3) Động cơ(Cetanā): Có ý giết (vaddhakacittaṁ).

(4)Nỗ lực: Rán sức giết (upakkamo).

(5)Kết quả: Chúng sanh ấy chết do sự cố gắng (tena maranaṁ).

Theo Luật nghi Sa-di của TT. Giác Giới, gọi là "sự sát sanh" tức là làm chết hay cắt đứt mạng sống của một sinh vật. Sự cố ý sát sanh hội đủ 5 chi (aṅga) là :

a. Pāṇo, sinh vật tức là vật có thức tánh.
b. Pāṇasaññitā, biết rõ đó là sinh vật.
c. Vadhakacittaṃ, có tâm muốn sát hại.
d. Upakkamo, cố sức giết bằng mọi cách.
e. Tena maranaṃ, sinh vật đã chết do sự cố sát ấy.

Hội đủ năm chi này mới gọi là đứt giới, phạm điều học; nếu chỉ hành động thiếu một hai chi thì gọi là giới lủng rách, giới bất tịnh thôi.



4.4. Giới thứ 4 – Nói dối

(1) Chủ thể: Người tại gia hay xuất gia, lớn hay nhỏ.

Ví dụ, Tỳ-kheo nói dối tôi đã chứng Thánh quả A-la-hán mà chưa chứng đắc liền bị tội triệt khai, trục xuất ra khỏi Tăng đoàn. Còn trong trường hợp cư sĩ nói như thế thì không có luật nào để trị tội người đó, nhưng sẽ bị quả báo.



(2) Đối tượng:Đức Phật hay A-la-hán, thường nhân hay người xuất gia, thầy hay bạn. Trường hợp bà Ciñcā vu khống Đức Phật nên cô ta bị đất rút. Trường hợp Rahula còn nhỏ tuổi thích nói dối để vui đùa, bị Đức Phật quở trách.

(3) Động cơ:Vì sợ người khác biết lỗi, sợ bị phạt hay là vì vui đùa, làm tổn hại người khác hay là vì lợi dưỡng, tình yêu….

Ví dụ: Như một Tỳ-khưu phạm giới, nói lên điều vi phạm của vị ấy với mục đích làm mất lợi ích của người kia thì rơi vào bất thiện, còn tâm muốn vị ấy không rơi vào tội lỗi thì đó là thiện.



(4) Nỗ lực:Vô tình, thuận miệng hay là rắp tâm, lên kế hoạch….

(5) Kết quả:Người khác hiểu sai về sự thật, đối tượng bị nhìn lệch lạc, bị thành kiến,….

Tuy nhiên, trong 4 chi pháp liên hệ đến tà ngữ, mỗi chi pháp có thể có tiêu chí riêng để đánh giá.

Theo Luật nghi Sa-di của TT. Giác Giới “Gọi là "nói dối", tức là nói điều không thật có bằng tâm cố ý gạt gẫm người khác, nói cho người khác tin điều không đúng, thậm chí là nói dối để đùa”.

Sự nói dối phạm giới khi hội đủ 4 chi (aṅga) :

a. Atathaṃvatthu, chuyện không đúng sự thật.
b. Visaṃvādanacittam, có tâm muốn nói cho sai sự thật.
c. Tajjo vāyāmo, cố gắng nói sai.
d. Parassa tadatthavijānānaṃ, đã khiến người khác hiểu tin như thế.

Hội đủ 4 chi như vậy thì gọi là đã phạm điều học giới.

Sa-di phạm điều nói dối bị tội trục xuất (nāsanaṅga).

5. Theo học giả Nandasena Ratnapala

Trong số các học giả nghiên cứu vấn đề này, ông Nandasena Ratnapala,15 trong cuốn Crime and Punishment in the Buddhist Tradition (Tội lỗi và hình phạt trong truyền thống Phật giáo), p. 60 liệt kê 7 yếu tố để đánh giá tội và không tội:

1. Cố ý

2. Lên kế hoạch / hoạch định chương trình

3. Các giai đoạn tiến hành để hoàn tất mục tiêu

4. Các phương tiện sử dụng

5. Phẩm chất của nạn nhân

6. Kết quả cuối cùng

7. Thái độ của người tạo tội sau đó.

_____________________________



1 Xem phụ lục.

2Xem So sánh tóm tắt các bộ luật Tỳ-kheo (Bình An Sơn) đăng trên trang nhà Budhasasana.

3 Đối với Tỳ-kheo-ni bị định tội này thì phải hành pháp ý hỷ nửa tháng và với thời gian giấu tội. Khi xuất tội phải hội đủ 20 vị Tỳ-kheo và 20 vị Tỳ-kheo-ni.

4 Trong truyền thống Khất sĩ thì trị bằng cách quỳ hương.

5 Sám hối với một vị Tăng hay tự trách tâm.

6 Trong Bồ-tát giới của Kim Cương thừa (giới thứ 8), phá hòa hợp Tăng còn ghi rõ hơn là do ủng hộ, xiển dương tư tưởng bộ phái, cũng thuộc Trọng tội.

7 Cập nhật ngày 5/10/2015.

8 Bồ-tát Long Thọ tạo, Hán dịch: Pháp sư Cưu-ma-la-thập, Việt dịch: Tỳ-kheo-ni Thích Nữ Diệu Không (tập IV), tr. 87-88.

9 Đoạn tiếp theo: “Ngài Xá Lợi Phật bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Người phạm trọng tội phá pháp như vậy, phải thọ thân lớn hay nhỏ? Phật dạy: Này Xá Lợi Phất! Chẳng nên nói thân lớn hay nhỏ. Vì sao? Vì người phá pháp phải thọ vô lượng khổ đau, chẳng có phân biệt thân lớn hay thân nhỏ? Hạng người này, khi nghe mình tội lỗi như vậy, chịu khổ báo như vậy, hoặc bị nhồi máu mà chết; hoặc sợ hãi, lo lắng, đau buốt như bị mũi tên đâm vào tim, mà khô héo dần dần cho đến chết. Ngài Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Cúi xin Thế Tôn răn dạy, để người đời sau biết rõ rằng tội hủy báng Bát Nhã Ba La Mật là trọng tội. Phật dạy: Này Xá Lợi Phất! Người phạm trọng tội hủy báng Bát Nhã Ba La Mật phải thọ vô lượng khổ báo trong các đại địa ngục chẳng sao kể xiết được. Ngài Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bởi vậy nên những thiện nam, thiện nữ tâm tánh thanh tịnh, khi nghe được thâm nghĩa Bát Nhã Ba La Mật, là liền lấy đó là chỗ y chỉ; thà phải mất mạng, chẳng hề dám hủy báng chánh pháp. Vì sao? Vì họ tự nghĩ rằng nếu hủy báng Bát Nhã Ba La Mật, thì sẽ phải chuốc lấy vô lượng khổ báo”.

10 Xem phụ lục 1.

11 Nagasena, Buddhaghosa, Dhammapāla, ...

12 Giới Sa-di của Theravada, giới đầu tiên vẫn là sát sanh, trong khi đó, giới của Dharmaguptaka (mà Đại thừa thọ trì) thì đưa giới dâm lên hàng đầu.

13 Chú giải Luật Thiện Kiến (Tỳ-kheo Tâm Hạnh dịch, tr. 283) chú giải rằng Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc cảm nhận thân hình của kẻ đàn ông kia như cây sắt nung đỏ.

14Xem phụ lục 3.

15 Tác giả này còn viết một cuốn sách khác, Sociology in Buddhism (Xã hội học Phật giáo) được Đại đức Trí Quảng dịch sang Việt văn.




tải về 88.62 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương