CÁc tội phạm chiến tranh và TỘI Ác chống nhân loạI, bao gồm tội diệt chủNG



tải về 2.09 Mb.
trang7/19
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích2.09 Mb.
#28495
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   19

PHẦN X: THI HÀNH

Điều 103. Vai trò của Quốc gia trong việc thi hành án phạt tù

1. a. Án phạt tù sẽ được thi hành tại quốc gia do Tòa án chỉ định trong số các quốc gia đã bày tỏ với Tòa án về việc quốc gia đó sẵn sàng tiếp nhận người bị kết án.

b. Tại thời điểm bày tỏ việc sẵn sàng tiếp nhận người bị kết án, một quốc gia có thể nêu kèm theo các điều kiện tiếp nhận theo thỏa thuận với Tòa án và phù hợp với quy định tại Phần này.

c. Quốc gia được chỉ định trong một trường hợp cụ thể phải lập tức thông báo với Tòa án về việc quốc gia đó có chấp thuận chỉ định của Tòa án hay không.

2. a. Quốc gia thi hành án phải thông báo cho Tòa án về bất kỳ tình huống nào, kể cả việc thực hiện bất kỳ điều kiện nào đã được thỏa thuận theo quy định tại khoản 1, có thể ảnh hưởng đáng kể tới điều kiện hoặc thời hạn giam giữ. Tòa án phải nhận được thông báo trước ít nhất 45 ngày về bất kỳ tình huống nào biết được hoặc có thể thấy trước đó. Trong thời gian này, quốc gia thi hành án không được có hành động nào có thể ảnh hưởng tới nghĩa vụ của mình theo Điều 110.

b. Nếu Tòa án không chấp nhận các tình huống được đề cập tại khoản (a), Tòa án sẽ thông báo cho quốc gia thi hành án và thực hiện quy định tại Điều 104 khoản 1.



3. Khi thực hiện quyền chỉ định quốc gia thi hành án theo khoản 1, Tòa án phải cân nhắc:

  1. Nguyên tắc các Quốc gia thành viên phải chia sẻ trách nhiệm thi hành án phạt tù, theo các nguyên tắc phân bổ công bằng quy định trong Quy tắc về Thủ tục và Chứng cứ;

  2. Việc áp dụng những chuẩn mực đối xử với tù nhân trong các điều ước quốc tế được công nhận rộng rãi;

  3. Quan điểm của người bị kết án;

  4. Quốc tịch của người bị kết án;

  5. Các yếu tố khác liên quan tới hoàn cảnh của tội phạm hoặc của người bị kết án hay việc thi hành án hiệu quả, mà có thể thích hợp trong việc chỉ định quốc gia thi hành án.

4. Nếu không có quốc gia nào được chỉ định theo khoản 1, án phạt tù sẽ được thi hành tại nhà tù sẵn có của Nước chủ nhà theo các điều kiện đã được quy định trong thỏa thuận về trụ sở chính tại Điều 3, khoản 2. Trong trường hợp đó, các chi phí phát sinh từ việc thi hành án phạt tù sẽ do Tòa án chi trả.

Điều 104. Thay đổi trong việc chỉ định quốc gia thi hành án

  1. Tòa án, tại bất kỳ thời điểm nào, có thể quyết định chuyển người bị kết án sang nhà tù của một quốc gia khác.

  2. Người bị kết án, tại bất kỳ thời điểm nào, có thể đệ đơn lên Tòa án xin được chuyển khỏi quốc gia thi hành án.

Điều 105. Thi hành án

  1. Theo các điều kiện mà một quốc gia đã đưa ra theo Điều 103, khoản 1(b), án phạt tù sẽ có hiệu lực ràng buộc đối với các Quốc gia thành viên mà trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được sửa đổi bản án.

  2. Chỉ Tòa án mới có quyền quyết định việc kháng cáo và xét lại bản án. Quốc gia thi hành án không được cản trở người bị kết án nộp đơn kháng cáo.

Điều 106. Giám sát thi hành án và các điều kiện giam giữ

  1. Việc thi hành án phạt tù phải được đặt dưới sự giám sát của Tòa án và phải phù hợp với những chuẩn mực đối xử với tù nhân trong các điều ước quốc tế được công nhận rộng rãi.

  2. Điều kiện giam giữ do pháp luật của quốc gia thi hành án điều chỉnh và phải phù hợp với những chuẩn mực đối xử với tù nhân trong các điều ước quốc tế được công nhận rộng rãi; trong bất cứ hoàn cảnh nào, những điều kiện này cũng không được thuận lợi hoặc bất lợi hơn những điều kiện áp dụng đối với các tù nhân khác bị kết án về cùng một tội phạm tại quốc gia thi hành án.

  3. Việc liên lạc giữa người bị kết án và Tòa án không bị cản trở và được giữ bí mật.

Điều 107. Chuyển người đã thi hành xong bản án

  1. Sau khi thi hành xong bản án, một người không phải công dân quốc gia thi hành án, theo luật của quốc gia thi hành án, có thể được chuyển tới quốc gia có nghĩa vụ tiếp nhận người đó hay tới một quốc gia khác đồng ý tiếp nhận họ có tính đến bất kỳ nguyện vọng nào của họ về việc chuyển tới quốc gia đó, trừ phi quốc gia thi hành án cho phép người đó ở lại trên lãnh thổ của mình.

  2. Nếu không có quốc gia nào chi trả các chi phí phát sinh từ việc chuyển người đó đến một quốc gia khác theo khoản 1, Tòa án sẽ trả các chi phí này.

  3. Theo các quy định của Điều 108 và pháp luật quốc gia, quốc gia thi hành án cũng có thể dẫn độ hay chuyển giao người đó cho quốc gia yêu cầu dẫn độ hay chuyển giao người đó để xét xử hay thi hành án.

Điều 108. Hạn chế đối với việc truy tố hoặc trừng phạt vì tội phạm khác

  1. Người bị kết án đang bị giam giữ tại quốc gia thi hành án sẽ không bị truy tố hay trừng phạt hoặc bị dẫn độ tới một quốc gia thứ ba vì bất kỳ hành vi nào thực hiện trước khi người đó được chuyển tới quốc gia thi hành án, trừ phi việc truy tố, trừng phạt hay dẫn độ đó được Tòa án thông qua theo đề nghị của quốc gia thi hành án.

  2. Tòa án sẽ quyết định vấn đề sau khi nghe ý kiến của người bị kết án.

  3. Khoản 1 trên đây sẽ ngừng áp dụng nếu người bị kết án tự nguyện ở lại trên lãnh thổ quốc gia thi hành án hơn 30 ngày sau khi đã thi hành xong bản án của Tòa án hay quay trở lại quốc gia đó sau khi đã rời đi.

Điều 109. Thi hành hình phạt tiền và các biện pháp tịch thu

  1. Các Quốc gia thành viên phải thi hành hình phạt tiền và tịch thu tài sản theo lệnh của Tòa tại Phần 7 mà không làm phương hại đến các quyền của bên thứ ba ngay tình và theo các thủ tục pháp luật của quốc gia đó.

  2. Nếu một Quốc gia thành viên không thể thi hành lệnh tịch thu tài sản, quốc gia này sẽ phải áp dụng các biện pháp khôi phục giá trị của tiền, tài sản đã có lệnh tịch thu của Tòa án mà không làm phương hại đến các quyền của bên thứ ba ngay tình.

  3. Tài sản, hay tiền có được từ việc bán bất động sản hay các tài sản khác tùy trường hợp mà một Quốc gia thành viên thu được do việc thi hành phán quyết của Tòa án phải được chuyển cho Tòa án.

Điều 110. Tòa án xem xét giảm án

  1. Quốc gia thi hành án không được thả người bị kết án trước khi hết thời hạn phạt tù được Tòa án tuyên bố.

  2. Chỉ Tòa án mới có quyền quyết định việc giảm án và ra quyết định về vấn đề này sau khi nghe ý kiến của người đó.

  3. Khi người đó đã chấp hành được 2/3 thời hạn phạt tù hay 25 năm trong trường hợp tù chung thân, Tòa án sẽ xem xét lại bản án để quyết định việc giảm án. Việc xem xét lại không được tiến hành trước thời hạn kể trên.

  4. Khi xem xét lại bản án theo khoản 3, Tòa án có thể giảm án nếu có một hoặc nhiều yếu tố sau:

  1. Người đó sớm và liên tục tự nguyện hợp tác với Tòa án trong việc điều tra và truy tố;

  2. Người đó tự nguyện hỗ trợ trong việc giúp thi hành các phán quyết và lệnh của Tòa án trong các vụ án khác, và cụ thể là hỗ trợ trong việc tìm ra nơi có tài sản đã bị ra lệnh phạt tiền, tịch thu hay bồi thường mà có thể được sử dụng vì lợi ích của các nạn nhân; hay

  3. Các yếu tố khác tạo nên sự thay đổi rõ ràng và quan trọng của hoàn cảnh đủ để làm căn cứ cho việc giảm án được quy định trong Quy tắc về Thủ tục và Chứng cứ.

  1. Nếu Tòa án quyết định trong lần xem xét đầu tiên theo khoản 3 rằng chưa đủ điều kiện để giảm án, Tòa án sau đó sẽ xem xét lại việc giảm án theo định kỳ và áp dụng các tiêu chí được quy định trong Quy tắc về Thủ tục và Chứng cứ.

Điều 111. Bỏ trốn

Nếu người bị kết tội bỏ trốn khỏi nơi giam giữ và trốn khỏi quốc gia thi hành án, quốc gia đó, sau khi trao đổi với Tòa án, có thể yêu cầu quốc gia nơi người đó được xác định là có mặt chuyển giao người đó theo các thỏa thuận song phương hay đa phương đã có, hoặc có thể yêu cầu Tòa án yêu cầu chuyển giao theo Phần 9. Tòa án có thể chỉ thị đưa người đó trở lại quốc gia thi hành án hoặc tới một quốc gia khác được Tòa án chỉ định.



PHẦN XI: HỘI ĐỒNG QUỐC GIA THÀNH VIÊN

Điều 112. Hội đồng Quốc gia thành viên

  1. Hội đồng Quốc gia thành viên của Quy chế này được thành lập. Mỗi Quốc gia thành viên có một đại diện tại Hội đồng kèm theo người dự khuyết và cố vấn. Các quốc gia khác đã ký kết Quy chế hay Văn kiện Cuối cùng có thể là quan sát viên trong Hội đồng.

  2. Hội đồng sẽ:

    1. Xem xét và thông qua, nếu thích hợp, các khuyến nghị của Ủy ban Trù bị;

    2. Quản lý giám sát Ban Chánh án, Trưởng Công tố và Chánh Lục sự liên quan đến việc điều hành Tòa án;

    3. Xem xét các báo cáo và hoạt động của Văn phòng được thành lập theo khoản 3 và có hành động thích hợp;

    4. Xem xét và quyết định ngân sách của Tòa án;

    5. Quyết định việc thay đổi số lượng thẩm phán theo điều 36;

    6. Xem xét, theo Điều 87 khoản 5 và 7, bất kỳ vấn đề nào liên quan đến việc bất hợp tác;

    7. Thực hiện bất kỳ chức năng nào khác phù hợp với Quy chế này hoặc Quy tắc về Thủ tục và Chứng cứ.

3. a. Hội đồng thành lập một Văn phòng gồm có Chủ tịch, hai Phó Chủ tịch và 18 thành viên do Hội đồng bầu ra với nhiệm kỳ 3 năm.

b. Văn phòng có tính chất đại diện, có tính đến sự phân bổ công bằng về địa lý và đại diện tương xứng của các hệ thống pháp luật cơ bản trên thế giới.

c. Văn phòng sẽ nhóm họp thường xuyên khi cần, nhưng ít nhất mỗi năm một lần. Văn phòng phải hỗ trợ Hội đồng thực hiện các nhiệm vụ của mình.


  1. Hội đồng có thể thành lập các cơ quan phụ trợ nếu cần thiết; bao gồm một cơ chế giám sát độc lập để thanh tra, đánh giá và điều tra Tòa án nhằm tăng cường tính hiệu quả và kinh tế.

  2. Chánh án Tòa án, Trưởng Công tố và Chánh Lục sự hay đại diện của họ có thể tham dự các cuộc họp của Hội đồng và của Văn phòng khi thích hợp.

  3. Hội đồng họp tại trụ sở của Tòa án hoặc Trụ sở của Liên Hợp Quốc mỗi năm một lần và, khi hoàn cảnh yêu cầu, tổ chức các phiên họp đặc biệt. Trừ trường hợp Quy chế này quy định khác, các phiên họp đặc biệt sẽ do Văn phòng chủ động triệu tập hoặc triệu tập theo yêu cầu của 1/3 số Quốc gia thành viên.

  4. Mỗi Quốc gia thành viên có một lá phiếu. Các quyết định sẽ được cố gắng thông qua bằng đồng thuận trong Hội đồng và Văn phòng. Nếu không đạt được sự đồng thuận thì, trừ khi Quy chế này có quy định khác:

  1. Những quyết định về các vấn đề thực chất phải được thông qua với đa số 2/3 đại biểu có mặt biểu quyết với điều kiện đa số tuyệt đối các Quốc gia thành viên là số đại biểu cần thiết để biểu quyết;

  2. Những quyết định về các vấn đề thủ tục phải được thông qua bằng đa số thường các Quốc gia thành viên có mặt biểu quyết.

  1. Quốc gia thành viên chưa nộp phần đóng góp tài chính cho các chi phí của Tòa án không được biểu quyết tại Hội đồng và Văn phòng nếu số tiền nợ bằng hay vượt quá phần đóng góp của 2 năm trước đó. Tuy nhiên, Hội đồng vẫn có thể cho phép Quốc gia thành viên đó biểu quyết tại Hội đồng và Văn phòng nếu thấy rằng việc chậm trả tiền đóng góp là do những điều kiện nằm ngoài sự kiểm soát của Quốc gia thành viên đó.

  2. Hội đồng sẽ thông qua các quy định về thủ tục của mình.

  3. Ngôn ngữ chính thức và ngôn ngữ làm việc của Hội đồng là các ngôn ngữ của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc.

PHẦN XII: TÀI CHÍNH

Điều 113. Quy tắc tài chính

Trừ trường hợp được quy định cụ thể khác, mọi vấn đề tài chính liên quan tới Tòa án và các cuộc họp của Hội đồng Quốc gia thành viên, kể cả các cuộc họp của Văn phòng và các cơ quan phụ trợ của Hội đồng, sẽ được điều chỉnh bởi Quy chế này và Quy tắc và Quy định Tài chính do Hội đồng Quốc gia thành viên thông qua.



Điều 114. Thanh toán chi phí

Các chi phí của Tòa án và Hội đồng Quốc gia thành viên, kể cả Văn phòng và các cơ quan phụ trợ của Hội đồng, sẽ được chi trả từ Quỹ của Tòa án.



Điều 115. Quỹ của Tòa án và của Hội đồng Quốc gia thành viên

Các chi phí của Tòa án và Hội đồng Quốc gia thành viên, kể cả Văn phòng và các cơ quan phụ trợ của Hội đồng được cấp theo ngân sách do Hội đồng Quốc gia thành viên quyết định, sẽ được lấy từ các nguồn sau:



  1. Đóng góp theo định mức của các Quốc gia thành viên;

  2. Quỹ do Liên Hợp Quốc tài trợ với sự thông qua của Đại Hội đồng, cụ thể là liên quan tới các chi phí phát sinh từ các thông báo vụ việc của Hội đồng Bảo an.

Điều 116. Đóng góp tự nguyện

Không ảnh hưởng tới quy định của Điều 15, Tòa án có thể nhận và sử dụng như quỹ bổ sung những đóng góp tự nguyện của các chính phủ, các tổ chức quốc tế, các cá nhân, các công ty và các thực thể khác trên cơ sở các tiêu chí phù hợp do Hội đồng Quốc gia thành viên thông qua.



Điều 117. Định mức đóng góp

Việc đóng góp của các Quốc gia thành viên sẽ được ấn định theo thang định mức đã thỏa thuận dựa trên thang định mức đóng góp cho ngân sách thường xuyên đã được thông qua của Liên Hợp Quốc và được điều chỉnh phù hợp với những nguyên tắc làm cơ sở cho thang định mức đó.



Điều 118. Kiểm toán thường niên

Các hồ sơ, sổ sách và tài khoản của Tòa án, kể cả các báo cáo tài chính hàng năm, phải được cơ quan kiểm toán độc lập kiểm toán mỗi năm.



PHẦN XIII: ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 119. Giải quyết tranh chấp

  1. Mọi tranh chấp liên quan tới chức năng tư pháp của Tòa án sẽ được giải quyết bằng quyết định của Tòa án.

  2. Bất kỳ tranh chấp nào giữa hai hay nhiều Quốc gia thành viên liên quan tới việc giải thích hay áp dụng Quy chế này mà không thể giải quyết thông qua hòa giải trong vòng 3 tháng kể từ thời điểm nảy sinh tranh chấp sẽ được trình lên Hội đồng Quốc gia thành viên. Hội đồng có thể tự mình giải quyết tranh chấp hay đưa ra các khuyến nghị về các biện pháp giải quyết tranh chấp khác, kể cả việc đưa tranh chấp ra Tòa án Quốc tế phù hợp với Quy chế của Tòa án đó.

Điều 120. Bảo lưu

Không áp dụng bảo lưu đối với Quy chế này.



Điều 121. Sửa đổi

1. Sau khi kết thúc thời hạn 7 năm kể từ khi Quy chế này có hiệu lực, bất kỳ Quốc gia thành viên nào cũng có thể đề xuất sửa đổi. Văn bản của bất kỳ sửa đổi được đề xuất nào sẽ được trình lên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc để chuyển ngay tới tất cả các Quốc gia thành viên.



2. Sau 3 tháng kể từ ngày được thông báo, Hội đồng Quốc gia thành viên, tại phiên họp tiếp theo, quyết định về việc chấp nhận hay không chấp nhận đề nghị sửa đổi với đa số Quốc gia thành viên có mặt biểu quyết. Hội đồng có thể trực tiếp xử lý đề nghị sửa đổi hoặc triệu tập Hội nghị Tái xét nếu cần thiết.

  1. Việc thông qua sửa đổi tại cuộc họp của Hội đồng Quốc gia thành viên hoặc tại Hội nghị Tái xét, nếu không đạt được bằng đồng thuận thì phải được đa số 2/3 các Quốc gia thành viên tán thành.

  2. Trừ trường hợp quy định tại khoản 5, việc sửa đổi sẽ có hiệu lực đối với tất cả các Quốc gia thành viên 1 năm sau khi văn kiện phê chuẩn hoặc chấp thuận được 7/8 Quốc gia thành viên gửi lưu chiểu tới Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.

  3. Bất kỳ sửa đổi nào đối với các Điều 5, 6, 7, và 8 của Quy chế này sẽ có hiệu lực đối với những Quốc gia thành viên đã chấp nhận sửa đổi đó 1 năm sau khi văn kiện phê chuẩn hoặc chấp thuận được gửi lưu chiểu. Đối với Quốc gia thành viên không chấp nhận sửa đổi, Tòa án sẽ không thực hiện quyền tài phán đối với tội phạm đã được sửa đổi nếu tội phạm được thực hiện bởi công dân hoặc trên lãnh thổ của quốc gia đó.

  4. Nếu sửa đổi được 7/8 Quốc gia thành viên chấp thuận như quy định tại khoản 4, bất kỳ Quốc gia thành viên nào không chấp nhận sửa đổi cũng có thể rút khỏi Quy chế này ngay lập tức bằng cách gửi thông báo trong thời hạn 1 năm kể từ khi sửa đổi có hiệu lực, bất kể quy định của Điều 127 khoản 1 nhưng phải phù hợp với quy định của Điều 127 khoản 2.

  5. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc sẽ thông báo tới tất cả các Quốc gia thành viên về bất kỳ sửa đổi nào đã được thông qua tại phiên họp của Hội đồng Quốc gia thành viên hay Hội nghị Tái xét

Điều 122. Sửa đổi các quy định về thể chế

  1. Những sửa đổi đối với các quy định của Quy chế này về thể chế, cụ thể là các Điều 35, Điều 36 khoản 8 và 9, Điều 37, Điều 38, Điều 39 khoản 1 (hai câu đầu tiên), 2 và 4, Điều 42 từ khoản 4 đến khoản 9, Điều 43 khoản 2 và 3, và các Điều 44, 46, 47, 49, có thể được bất kỳ Quốc gia thành viên nào đề xuất vào bất kỳ thời điểm nào, không phụ thuộc vào quy định tại Điều 121 khoản 1. Văn bản của bất kỳ sửa đổi được đề xuất nào sẽ được trình lên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc hay một người khác được Hội đồng các Quốc gia thành viên chỉ định để thông báo ngay cho tất cả các Quốc gia thành viên và các quốc gia khác tham gia Hội đồng.

  2. Những sửa đổi theo điều này, nếu không được Hội đồng Quốc gia thành viên hoặc Hội nghị Tái xét thông qua bằng đồng thuận thì phải được thông qua với đa số 2/3 các Quốc gia thành viên tán thành. Những sửa đổi đó sẽ có hiệu lực đối với tất cả các Quốc gia thành viên sau 6 tháng kể từ khi được Hội đồng, hay có thể là Hội nghị thông qua.

Điều 123. Xem xét lại Quy chế

  1. Sau 7 năm kể từ khi Quy chế này có hiệu lực, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc sẽ triệu tập Hội nghị Tái xét để xem xét bất kỳ sửa đổi nào đối với Quy chế. Việc xem xét có thể bao gồm, nhưng không giới hạn, danh mục các tội phạm được quy định tại Điều 5. Hội nghị sẽ mở cho những Quốc gia tham gia Hội đồng Quốc gia thành viên theo cùng điều kiện.

  2. Tại bất kỳ thời điểm nào sau đó, theo đề nghị của một Quốc gia thành viên và vì mục đích nêu tại khoản 1, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc sẽ triệu tập Hội nghị Tái xét với sự thông qua của đa số các Quốc gia thành viên.

  3. Các quy định tại Điều 121 khoản 3 và 7 sẽ được áp dụng đối với việc thông qua và có hiệu lực của bất kỳ sửa đổi nào đối với Quy chế được xem xét tại Hội nghị Tái xét.

Điều 124. Điều khoản chuyển tiếp

Không phụ thuộc vào quy định tại Điều 12 khoản 1 và 2, một quốc gia khi trở thành thành viên của Quy chế này, có thể tuyên bố rằng trong thời hạn 7 năm kể từ khi Quy chế này có hiệu lực đối với quốc gia đó, quốc gia đó không chấp nhận quyền tài phán của Tòa án đối với các loại tội phạm nêu tại điều 8 khi tội phạm đó được thực hiện bởi công dân hay trên lãnh thổ của quốc gia đó. Tuyên bố theo điều này có thể được rút lại vào bất kỳ lúc nào. Các quy định của điều này sẽ được xem xét lại tại Hội nghị Tái xét được triệu tập điều 123 khoản 1.



Điều 125. Ký, phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hoặc gia nhập

  1. Quy chế này sẽ được để ngỏ cho tất cả các quốc gia ký tại Rome, tại trụ sở của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc kể từ 17-7-1998. Sau đó Quy chế tiếp tục được để ngỏ để ký tại trụ sở của Bộ Ngoại giao Italy tại Rome đến ngày 17-10-1998. Sau thời hạn kể trên, Quy chế sẽ tiếp tục được để ngỏ để ký tại Trụ sở của Liên Hợp Quốc cho đến ngày 31-12-2000.

  2. Quy chế này phải được phê chuẩn, chấp thuận hay phê duyệt bởi các quốc gia ký Quy chế. Văn kiện phê chuẩn, chấp thuận hay phê duyệt sẽ được nộp lưu chiểu cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.

  3. Quy chế này sẽ được để ngỏ cho tất cả các quốc gia gia nhập. Văn kiện gia nhập sẽ được nộp lưu chiểu cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.

Điều 126. Hiệu lực

  1. Quy chế này sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng tiếp theo ngày thứ 60 kể từ ngày văn kiện phê chuẩn, chấp nhận, thông qua hoặc gia nhập thứ 60 được nộp lưu chiểu cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.

  2. Đối với các quốc gia phê chuẩn, chấp nhận, thông qua hay gia nhập Quy chế này sau khi văn kiện phê chuẩn, chấp nhận, thông qua hay gia nhập thứ 60 được nộp lưu chiểu, Quy chế sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng tiếp theo ngày thứ 60 kể từ ngày nộp lưu chiểu văn kiện phê chuẩn, chấp nhận, thông qua hay gia nhập của quốc gia đó.

Điều 127. Rút khỏi Quy chế

Một Quốc gia thành viên có thể rút khỏi Quy chế này bằng một thông báo bằng văn bản gửi cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc. Việc rút khỏi Quy chế sẽ có hiệu lực sau 1 năm kể từ ngày Tổng Thư ký nhận được thông báo, trừ trường hợp thông báo có ghi rõ thời hạn muộn hơn.

Một quốc gia sẽ không được miễn, với lý do rút khỏi Quy chế, những nghĩa vụ phát sinh từ Quy chế này trong thời gian là thành viên của Quy chế, kể cả nghĩa vụ tài chính có thể đã dồn lại. Việc rút khỏi Quy chế không ảnh hưởng tới bất kỳ sự hợp tác nào với Tòa án trong việc điều tra tội phạm và hoạt động tố tụng mà quốc gia rút khỏi Quy chế có nghĩa vụ phải hợp tác và đã bắt đầu trước thời điểm việc rút khỏi Quy chế của quốc gia đó có hiệu lực cũng như không cản trở theo bất kỳ cách nào tới việc tiếp tục giải quyết bất kỳ vấn đề nào đã được Tòa án xem xét trước thời điểm việc rút khỏi Quy chế có hiệu lực.

Điều 128. Văn bản xác thực

Bản gốc của Quy chế này được làm bằng tiếng Ả-rập, tiếng Trung Quốc, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha, các văn bản có giá trị như nhau và sẽ được nộp lưu chiểu cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, nơi gửi các bản sao được chứng thực tới tất cả các quốc gia.

Để làm bằng, những người ký dưới đây, được các Chính phủ ủy quyền hợp lệ đã ký Quy chế này.

Làm tại Rome, ngày 17/7/1998.

CHƯƠNG 20

LUẬT NHÂN ĐẠO







Ảnh: 1. Một người tỵ nạn vác đồ đạc chạy khỏi khu vực chiến tranh trên tuyến đường từ Kumhae đến Masan (Hàn Quốc, tháng 9/1950);

2. Những phụ nữ và trẻ em ở Mỹ Lai ngay trước khi bị bắn trong cuộc thảm sát ngày 6/3/1968, ảnh do Ronald L. Haeberle chụp (Quảng Ngãi, Việt Nam);

3. Lối vào Bảo tàng Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế ở Geneva;

4. Poster kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người với hình ảnh quân đội bắn thường dân.



GIỚI THIỆU

Có thể hiểu khái quát luật nhân đạo quốc tế là hệ thống các quy tắc, chuẩn mực được thiết lập bởi các điều ước và tập quán quốc tế nhằm điều chỉnh các mối quan hệ giữa các bên tham chiến trong các cuộc xung đột vũ trang (mang tính chất quốc tế và không mang tính chất quốc tế) để bảo vệ những nạn nhân chiến tranh (bao gồm dân thường và những chiến binh bị thương, bị ốm, bị đắm tàu, bị bắt làm tù binh). Xung đột vũ trang mang tính chất quốc tế là xung đột giữa lực lượng quân đội của ít nhất là hai quốc gia, bao gồm các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Còn xung đột vũ trang không mang tính chất quốc tế là xung đột xảy ra trong phạm vi một quốc gia, giữa một bên là quân đội chính quy với bên kia là những phe nhóm xác định và có trang bị vũ trang, hoặc xung đột giữa các phe nhóm có trang bị vũ trang với nhau.

Khởi nguồn cho sự hình thành luật nhân đạo quốc tế là cuộc chiến khốc liệt giữa quân đội hai nước Áo và Pháp diễn ra tại Solferio (miền Bắc nước Ý) vào tháng 6/1859. Những người đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành ngành luật này là hai ông Henry Dunant và Guillaume-Henri Dufour. Sau khi chứng kiến cảnh hàng vạn người lính của hai bên tham chiến bị chết và bị thương nằm la liệt trên chiến trường mà không được ai chăm sóc trong trận chiến Solferio, Henry Dunant đã khởi xướng ý tưởng thành lập một Ủy ban quốc tế giúp đỡ thương binh trong cuốn sách Kỷ niệm về trận Solferino xuất bản vào năm 1862. Năm 1864, Chính phủ Thụy Sĩ, bị thuyết phục bởi năm thành viên sáng lập Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, đã triệu tập Hội nghị Ngoại giao quốc tế với sự tham dự của đại diện 12 nước tại Geneva. Hội nghị này đã thông qua Công ước Geneva (I) về cải thiện tình trạng của thương binh trên chiến trường. Công ước này đã khai sinh ra một ngành luật mới - luật nhân đạo quốc tế, đánh dấu một bước ngoặt trong quá trình pháp điển hóa những tập quán nhân đạo trong chiến tranh vào pháp luật quốc tế. Công ước quy định nghĩa vụ của các bên tham chiến trong việc chăm sóc mọi thương, bệnh binh mà không phân biệt đối xử, cũng như trong việc tôn trọng các nhân viên, phương tiện vận chuyển và thiết bị y tế có mang biểu tượng Chữ thập đỏ trên nền trắng.

Kể từ Công ước Geneva (I) năm 1864, Luật nhân đạo quốc tế đã phát triển thành một hệ thống hàng trăm văn kiện điều chỉnh ngày càng nhiều vấn đề cụ thể trong hoạt động cứu trợ nhân đạo cho những nạn nhân chiến tranh và hạn chế việc phát triển và sử dụng các loại vũ khí, phương tiện và biện pháp tiến hành chiến tranh. Trụ cột của luật nhân đạo quốc tế hiện nay là bốn Công ước Geneva năm 1949 về luật nhân đạo quốc tế (Công ước Geneva (I) về cải thiện tình trạng của thương binh và bệnh binh thuộc lực lượng vũ trang chiến đấu trên bộ; Công ước Geneva (II) về cải thiện tình trạng của thương binh, bệnh binh và những người đắm tàu thuộc lực lượng vũ trang trên biển; Công ước Geneva (III) về đối xử với tù binh chiến tranh; Công ước Geneva (IV) về bảo vệ thường dân trong thời gian chiến tranh và hai Nghị định thư năm 1977 bổ sung các công ước này. Bên cạnh các điều ước về luật nhân đạo quốc tế mà chỉ có hiệu lực ràng buộc các Quốc gia thành viên, tất cả các bên tham chiến trong một các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới còn chịu sự ràng buộc bởi luật tập quán quốc tế (international customary law). Việt Nam từ rất sớm đã tham gia vào các Công ước về luật nhân đạo quốc tế.




tải về 2.09 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương