Các khái niệm về hệ quản trị csdl



tải về 1.1 Mb.
trang1/15
Chuyển đổi dữ liệu17.08.2016
Kích1.1 Mb.
#20914
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15




MỤC LỤC

Chương 1

Các khái niệm về hệ quản trị CSDL

1

Chương 2

Mô hình quan hệ thực thể và chuẩn hóa dữ liệu

28

Chương 3

Tổng quan về SQL Server 2005

54

Chương 4

Tổng quan về SQL Server 2005 (Thực hành)

79

Chương 5

Ngôn ngữ Transaction SQL

95

Chương 6

Ngôn ngữ Transaction SQL (Thực hành)

129

Chương 7

Tạo và quản lý CSDL

153

Chương 8

Tạo và quản lý CSDL (Thực hành)

175

Chương 9

Truy xuất dữ liệu từ CSDL

185

Chương 10

Truy xuất dữ liệu từ CSDL (Thực hành)

207

Chương 11

Tạo bảng và sử dụng các kiểu dữ liệu

218

Chương 12

Tạo bảng và sử dụng các kiểu dữ liệu (Thực hành)

245

Phụ lục A

Cài đặt SQL Server 2005

258

Phụ lục B

Các qui tắc của Codd

278

Phụ lục C

Các thủ tục lưu trữ và các hàm dựng sẵn

281

Glossary

Danh mục các thuật ngữ

284

DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

Từ viết tắt

Diễn giải

CSDL

CSDL

DBMS (DataBase Management System)

Hệ quản trị CSDL

RDBMS (Relational DataBase Management System)

Hệ quản trị CSDL quan hệ

XML (eXtensible Markup Language)

Ngôn ngữ đánh dấu mở rộng có thể dùng để biểu diễn dữ liệu


CHƯƠNG 1

CÁC KHÁI NIỆM VỀ HỆ QUẢN TRỊ CSDL

Mục tiêu :


Kết thúc chương này, các bạn sẽ có thể:

  • Giải thích khái niệm về dữ liệu và CSDL.

  • Mô tả xu hướng để quản trị dữ liệu

  • Định nghĩa một hệ thống quản trị CSDL và liệt kê những lợi ích của chúng

  • Phân biệt các mô hình CSDL

  • Định nghĩa và giải thích về hệ quản trị CSDL quan hệ (RDBMS)

  • Mô tả các thực thể và các bảng và liệt kê các thuộc tính của bảng

  • Liệt kê sự khác nhau giữa Hệ quản trị CSDL và Hệ CSDL quan hệ



    1. Giới thiệu:

Các công ty thường phải quản lý một lượng lớn dữ liệu, những dữ liệu này được tạo ra trong quá trình tác nghiệp hàng ngày. Một CSDL là một dạng tổ chức của những dữ liệu đó. Nó có thể chứa một hay nhiều phần tử dữ liệu có liên quan với nhau được gọi là bản ghi. Có thể xem CSDL như là một tập dữ liệu được sử dụng để trả lời cho các câu hỏi khác nhau. Ví dụ: “Hãy cho biết địa chỉ và số điện thoại của năm bưu điện gần nhất?” hay “Có cuốn sách nào trong thư viện nói về thực phẩm bổ dưỡng không? Nếu có thì nó nằm ở giá sách nào? hay “Hãy cho tôi biết thông tin cá nhân và biểu đồ bán hàng của năm người bán hàng tốt nhất trong quí, nhưng không hiển thị địa chỉ chi tiết của họ”.

Trong chương này trình bày những khái niệm liên quan đến CSDL và Hệ quản trị CSDL, làm rõ những mô hình CSDL khác nhau và giới thiệu khái niệm về Hệ quản trị CSDL quan hệ.



    1. Dữ liệu và CSDL

Dữ liệu có nghĩa là thông tin và nó là thành phần quan trọng trong bất kỳ lĩnh vực, công việc nào. Trong những công việc thường nhật bao gồm cả việc sử dụng dữ liệu đã có và tạo ra những dữ liệu mới. Khi những dữ liệu được tạo ra và được phân tích thì chúng trở thành thông tin. Chúng có thể trở thành nhiều loại thông tin như thông tin về xe hơi, thể thao, máy bay .v.v…Ví dụ một nhà báo thể thao (người hâm mộ môn bóng đá) thu thập điểm của 10 trận đấu mà đội tuyển Đức tham dự ở cúp bóng đá thế giới. Những điểm số này trở thành dữ liệu. Khi dữ liệu này được đem so sánh với dữ liệu thu được trong 10 trận ở cúp bóng đá thế giới của đội tuyển Brazil, nhà báo này có được thông tin đội tuyển bóng đá nào thi đấu hay hơn.

Thông tin giúp chúng ta tiên liệu và hoạch định được các sự kiện. Thông tin là sự thấu hiểu của dữ liệu. Trong kinh doanh, từ thông tin có thể dự báo và hoạch định trước sự xảy ra của một sự kiện giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Xét ví dụ, một công ty sản xuất xe hơi hoạch định chi hàng năm cho những thành phần của xe mà công ty không sản xuất được. Nếu chi phí cho những phần này trong 5 năm qua đã có, công ty mẹ có thể tập hợp những thông tin về những phần đã nhập khẩu. Dựa vào kết quả tìm được, một kế hoạch sản xuất sẽ được chuẩn bị. Do đó, thông tin là nhân tố then chốt trong hoạch định chiến lược.

Một CSDL là một tập hợp dữ liệu. Có thể hiểu rằng CSDL là một cơ chế tổ chức có khả năng lưu trữ thông tin. Người dùng có thể truy xuất được thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả từ CSDL.

Một cuốn danh bạ điện thoại là một CSDL. Dữ liệu chứa trong những mục như tên, địa chỉ và số điện thoại. Những dữ liệu này được liệt kê, sắp xếp và chỉ mục theo thứ tự a,b,c..(alphabet). Nó cho phép người sử dụng tham chiếu đến nơi cư trú một cách dễ dàng. Sau đó, dữ liệu này sẽ được lưu vào CSDL trên máy tính. Một người di chuyển đến một thành phố hay một tiểu bang khác, những mục dữ liệu tương ứng sẽ được thêm vào hay bỏ đi khỏi danh bạ. Tương tự, những mục thông tin đó có thể được sửa đổi khi có người thay tên, đổi địa chỉ hay số điện thoại v.v… Hình1.1 minh họa một CSDL đơn giản.





Hình 1. 1. CSDL

Vậy, CSDL là một tập hợp dữ liệu được tổ chức sao cho nội dung của nó có thể dễ dàng truy cập, quản lý và cập nhật.



1.3 Quản trị dữ liệu

Quản trị dữ liệu chỉ việc quản lý lượng lớn thông tin, bao gồm cả việc lưu trữ thông tin và cơ chế thao tác thông tin trên các thông tin đó. Ngoài ra, hệ thống phải đảm bảo tính an toàn thông tin được lưu trữ trong nhiều tình huống khác nhau, như nhiều người truy cập v.v…

Có hai phương pháp quản trị dữ liệu khác nhau là hệ thống dựa trên tập tin và hệ thống CSDL.

1.3.1 Hệ thống dựa trên tập tin

Lưu trữ một lượng lớn thông tin luôn luôn là mối quan tâm lớn. Trong những năm trước, các hệ thống quản lý theo tập tin được sử dụng, các hệ thống này lưu trữ dữ liệu trong những tập tin riêng biệt. Trong hệ thống này, một nhóm tập tin được lưu trên một máy tính và được truy cập bằng các thao tác máy tính. Tập tin lưu trữ dữ liệu được gọi là bảng bởi vì nó trông giống các bảng được lưu trữ trong các hồ sơ truyền thống. Các dòng trong bảng được gọi là các bản ghi và các cột được gọi là các trường.

Thông thường, trước khi hệ thống CSDL được phát triển, dữ liệu trong hệ thống phần mềm được lưu trữ trên các tập tin.

Một ví dụ về hệ thống quản lý theo file mô tả trong bảng 1.1



Fist Name

(Tên)

Last Name

(Họ)

Address

(Địa chỉ)

Phone

(Số điện thoại)

Eric

David

ericd@eff.org

213-456-0987

Selena

Sol

selena@eff.org

987-756-4321

Jordan

Lim

nadroj@otherdomain.com

222-3456-123

Bảng 1. 1. Hệ thống quản lý theo tập tin

Nhược điểm của hệ thống quản lý theo tập tin

Trong hệ thống quản lý theo file, những chương trình khác nhau trong cùng một ứng dụng có tương tác với những file dữ liệu khác nhau. Nó khôn tồn tại bất kỳ một hệ thống nào ép buộc theo một chuẩn nào đó trong việc lưu trữ và cấu trúc những file dữ liệu.



  • Dư thừa và mâu thuẫn dữ liệu

Khi dữ liệu được lưu trữ trong những file riêng biệt nhau nó sẽ phát sinh ra dư thừa và mâu thuẫn dữ liệu. Ví dụ, một khách hàng có một tài khoản tiết kiệm. Thông tin chi tiết của khách hàng có thể bị lặp lại khi những chương trình cho hai chức năng lưu trữ thông tin liên quan đến khách hàng trên hai file khác nhau. Điều này tạo ra sự dư thừa dữ liệu khách hàng. Trong khi đó, cùng dữ liệu lưu trên hai file riêng biệt sẽ tạo ra sự mâu thuẫn nếu ta thay đổi dữ liệu trên một file và file kia không được cập nhật tương ứng.

  • Truy vấn bất ngờ

Trong một hệ thống quản lý theo file thì việc quản lý những truy vấn bất ngờ rất khó khăn, khi đó nó yêu cầu thay đổi trong các chương trình đã tồn tại. Ví dụ, nhân viên ngân hàng cần tạo ra một danh sách tất cả các khách hàng có tài khoản từ $20000 trở lên. Nhân viên ngân hàng có hai tùy chọn: hoặc lấy danh sách tất cả các khách hàng với các thông tin cần thiết sau đó chọn thủ công hoặc thuê một lập trình viên thiết kế ứng dụng cần thiết. Rõ ràng cả hai phương án trên điều không tốt. Giải sử chương trình đã được viết và trể một vài ngày, lúc đó nhân viên ngân hàng yêu cầu chỉ cần những khách hàng đã mở tài khoản cách đây một năm mà thôi. Như vậy, chương trình để tạo ra danh sách đó vẫn chưa có, điều này rất khó khăn trong việc truy xuất dữ liệu.

  • Cô lập dữ liệu

Dữ liệu được lưu trữ phân tán trên nhiều file khác nhau và các file này có thể ở những dạng định dạng khác nhau. Mặc dù dữ liệu được sử dụng bởi các chương trình khác nhau trong một ứng dụng có thể được liên kết với nhau nhưng chúng vẫn được lưu trên những file riêng lẻ.

  • Xử lý các truy cập đồng thời bất thường

Trong các hệ thống lớn, một file hay một bản ghi có thể được truy cập đồng thời bởi nhiều người sử dụng. Hệ thống quản lý dựa theo file rất khó đáp ứng được yêu cầu này.

  • Vấn đề về bảo mật

Trong các ứng dụng tập trung dữ liệu thì bảo mật dữ liệu là mối quan tâm chính. Những người dùng chỉ có thể truy cập những dữ liệu cần thiết chứ không phải toàn bộ CSDL. Ví dụ, trong một hệ thống ngân hàng, hệ thống tiền lương chỉ cần xem một phần về nhân viên ngân hàng mà thôi. Họ không cần truy cập thông tin về tài khoản của khách hàng. Trong khi đó những chương trình ứng dụng được thêm vào hệ thống trong những trường hợp đặc biệt rất khó có thể đảm bảo được các qui tắc bảo mật đã có.

Trong một hệ thống quản lý dựa theo file, vấn đề bảo mật chỉ có thể kiểm soát được bằng cách thêm các chương trình vào từng ứng dụng.



  • Vấn đề về toàn vẹn

Trong bất kỳ ứng dụng nào, luôn luôn tồn tại những qui tắc đảm bảo toàn vẹn dữ liệu. Những qui tắc này có thể tồn tại ở dạng các điều kiện hoặc các ràng buộc trên những thành phần của bản ghi dữ liệu. Trong ứng dụng về ngân hàng, có thể có một qui tắc về toàn vẹn có thể là “Mã khách hàng không được trùng nhau và không được rỗng”. Có thể có nhiều qui tắc toàn vẹn trong một ứng dụng. Trong hệ thống quản lý theo file tất cả các qui tắc này cần phải được lập trình trong chương trình ứng dụng.

Duyệt qua tất cả các vấn đề cơ bản của bất kỳ ứng dụng tập trung dữ liệu nào, ta thấy mỗi ứng dụng đều phải kiểm soát tất cả những vấn đề trên. Như vậy, người lập trình ứng dụng không chỉ phải cài đặt những nghiệp vụ của ứng dụng mà còn phải cài đặt cả những vấn đề cơ bản ở trên.



1.3.2 Các hệ thống CSDL

Các hệ thống CSDL được phát triển vào những năm cuối thập niên 60 của thế kỹ trước để giải quyết những vấn đề cơ bản trong những ứng dụng có lượng dữ liệu lớn và tập trung nhằm khắc phục một số nhược điểm của các hệ thống quản lý theo file.

CSDL được sử dụng để lưu trữ dữ liệu có hệ thống và có tổ chức. CSDL sẽ giúp quản lý dữ liệu một cách nhanh chóng và dễ dàng. Ví dụ, một công ty có thể quản lý thông tin chi tiết của các nhân viên trong một CSDL. Tại bất kỳ thời điểm nào, cũng có thể truy xuất dữ liệu từ CSDL, dữ liệu mới có thể được thêm vào CSDL và dữ liệu có thể được tìm kiếm dựa vào một vài điều kiện trong CSDL.

Dữ liệu lưu trữ cũng có thể truy xuất được ngay cả khi lưu trên những file đơn giản. Ví dụ, một trường đại học phải lưu giữ những thông tin về giáo viên, sinh viên, môn học và các kỳ thi. Chi tiết các giáo viên có thể được lưu trong sổ nhân viên, chi tiết các sinh viên có thể được lưu trong sổ sinh viên và tương tự. Tuy nhiên, dữ liệu được lưu trữ theo dạng này không bền vững. Những bản ghi được lưu theo dạng này có thể chỉ được giữ trong vài tháng hoặc vài năm. Những sổ hay file là rất kềnh càng, chiếm nhiều không gian và không thể giữ trong nhiều năm.

Nếu dữ liệu trên được lưu giữ trong hệ thống CSDL thì chúng có thể được lưu giữ lâu hơn.

Ưu điểm của các hệ thống CSDL

Thông tin hay dữ liệu có thể được lưu vĩnh cửu trong CSDL trên máy tính. Hệ thống CSDL có nhiều ưu điểm bởi vì nó quản lý dữ liệu tập trung. Một vài lợi ích của việc sử dụng hệ thống CSDL tập trung như sau:



  • Giảm dư thừa dữ liệu

Trong một công ty, một số phòng ban thường lưu chung dữ liệu. Sử dụng CSDL tập trung giúp các dữ liệu dùng chung được truy cập bởi nhiều phòng ban khác nhau. Vì vậy, dữ liệu trùng hay dữ liệu dư thừa sẽ giảm.

  • Giảm mâu thuẫn dữ liệu

Khi dữ liệu được lưu trùng qua nhiều phòng ban thì bất kỳ sự thay đổi nào của dữ liệu cũng phải thay đổi trên tất cả các phòng ban. Nếu có phòng ban không được thay đổi sẽ dẫn đến mâu thuẫn dữ liệu.

Khi sử dụng CSDL tập trung, nó có thể cho phép người dùng cập nhật dữ liệu riêng biệt. Giả sử rằng, Mr. Larry Finner là nhân viên của một công ty và được đề bạt lên quản lý thì chỉ cần thay đổi một nơi trên CSDL mà thôi. Kết quả sự mâu thuẫn dữ liệu sẽ giảm.



  • Dữ liệu được lưu trữ có thể được chia sẻ

Một CSDL tập trung có thể được đặt trên một Server và có thể được chia sẻ cho nhiều người sử dụng. Bằng cách này tất cả những người dùng có thể truy xuất hoặc cập nhật thông tin bất cứ lúc nào.

  • Các chuẩn có thể được thiết lập và duy trì

Một trung tâm điều khiển đảm bảo các chuẩn trong việc đặc tả dữ liệu có thể được thiết lập và duy trì. Ví dụ, tên một người có thể được thể hiện như “Mr Larry Linner”. Tên này có thể được chia nhỏ thành các thành phần dưới đây:

      • Định danh (Mr)

      • Tên (Larry)

      • Họ (Finner)

Nó đảm bảo rằng tất cả các tên được lưu trong CSDL sẽ có cùng định dạng như trên nếu như chuẩn này được thiết lập.

  • Toàn vẹn dữ liệu được duy trì

Toàn vẹn dữ liệu đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong CSDL. Ví dụ, khi một nhân viên nghỉ việc, phòng kế toán cập nhật CSDL và phòng nhân sự không cập nhật các bản ghi. Dẫn đến dữ liệu trong các bản ghi của công ty sẽ không đúng.

Điều khiển tập trung của CSDL sẽ giúp tránh được các lỗi trên. Nó đảm bảo rằng nếu một bản ghi bị xóa trên bảng này thì những bản ghi liên kết tương ứng trên các bảng khác cũng bị xóa theo.



  • Bảo mật dữ liệu có thể được cài đặt

Trong hệ thống CSDL tập trung, quyền sửa đổi trên CSDL không cung cấp cho tất cả mọi người. Quyền chỉ được cung cấp cho một người có đầy đủ quyền trên CSDL. Người này được gọi là người quản trị CSDL hay DBA. DBA có thể thiết lập bảo mật bằng cách đặt các giới hạn trên dữ liệu. Dựa vào các quyền được gán, người dùng có thể thêm, sửa hay truy vấn dữ liệu.

1.4 Hệ quản trị CSDL (DBMS)

Một hệ quản trị CSDL có thể được định nghĩa như một tập các bản ghi có liên quan với nhau và tập hợp các chương trình cho phép cập nhật và thao tác trên các bản ghi đó. Hệ quản trị CSDL cho phép người dùng nhập, lưu trữ và quản lý dữ liệu. Vấn đề chính đối với các hệ quản trị CSDL trước đây là dữ liệu được lưu trong các file phẳng. Vì vậy, thông tin về các đối tượng khác nhau được duy trì trong các file vật lý riêng biệt. Do vậy, các mối quan hệ giữa các đối tượng nếu có cũng được duy trì trên các file vật lý riêng biệt. Mỗi gói sẽ chứa rất nhiều file và cần nhiều chức năng để tích hợp chúng thành một hệ thống.

Giải pháp cho những vấn đề trên đã có trong hệ quản trị CSDL tập trung. Trong hệ quản trị CSDL tập trung, CSDL được lưu trữ tập trung tại một nơi. Mọi người có thể truy cập đến CSDL tập trung từ máy tính của họ. Ví dụ, một hệ quản trị CSDL tập trung lớn sẽ chứa tất cả dữ liệu liên quan đến các nhân viên. Phòng kế toán và phòng nhân sự sẽ sử dụng các chương trình phù hợp để truy cập các dữ liệu cần thiết. Những chương trình này hay ứng dụng sẽ được chạy trên một máy tính bất kỳ.

CSDL là tập hợp các dữ liệu có liên quan với nhau và hệ quản trị CSDL là một tập hợp các chương trình được sử dụng để thêm vào hoặc sửa đổi dữ liệu đó. Vì vậy, hệ quản trị CSDL là một phần mềm cho phép định nghĩa, xây dựng và bảo trì CSDL.

Hệ quản trị CSDL cung cấp một môi trường thuận tiện và hiệu quả để khi có một lượng lớn dữ liệu và giao dịch được xử lý. Các loại hệ quản trị CSDL khác nhau được sử dụng từ hệ thống nhỏ chạy trên máy tính cá nhân cho đến các hệ thống lớn chạy trên các máy chủ lớn. Ví dụ một số ứng dụng CSDL như:


    • Hệ thống thư viện điện tử

    • Máy rút tiền tự động

    • Hệ thống đặt vé máy bay

    • Hệ thống tồn kho được máy tính hóa

Đứng ở góc nhìn kỹ thuật, hệ quản trị CSDL có nhiều khía cạnh khác nhau. Các hệ quản trị CSDL khác nhau hỗ trợ các ngôn ngữ truy vấn khác nhau, mặc dù có một ngôn ngữ truy vấn chuẩn được gọi là ngôn ngữ vấn tin có cấu trúc (SQL). Những ngôn ngữ tốt nhất để quản lý các hệ thống CSDL hiện nay được gọi là ngôn ngữ thế hệ thứ tư (4GLs).

Thông tin từ CSDL có thể được thể hiện ở nhiều định dạng khác nhau. Hầu hết các CSDL bao gồm các chương trình báo cáo cho phép người dùng lấy dữ liệu ra ở dạng một báo cáo. Nhiều hệ quản trị CSDL bao gồm cả các thành phần đồ họa cho phép người dùng lấy thông tin ở dạng đồ họa và biểu đồ.

Không cần phải sử dụng hệ quản trị CSDL phổ biến để thiết lập một CSDL. Người dùng có thể tự viết các chương trình để tạo ra và quản lý CSDL của họ, nó sẽ hiệu quả nếu họ tạo ra phần mềm quản lý CSDL theo mục đích riêng. CSDL và phần mềm gộp lại được gọi là hệ quản trị CSDL. Người dùng đầu cuối truy cập hệ thống CSDL thông qua các chương trình ứng dụng và vấn tin. Phần mềm hệ quản trị CSDL cho phép người dùng xử lý các chương trình và truy vấn theo yêu cầu của họ. Phần mềm truy cập dữ liệu từ CSDL. Hình 1.2 mô tả một hệ thống CSDL.



Hình 1. 2. Môi trường hệ thống CSDL đơn giản

1.4.1 Lợi ích của hệ quản trị CSDL

Về cơ bản hệ quản trị CSDL chịu trách nhiệm xử lý dữ liệu và chuyển đổi chúng thành thông tin. Với mục đích này, CSDL sẽ được xử lý, chúng bao gồm cả việc truy vấn CSDL, truy xuất các dữ liệu cụ thể, cập nhật dữ liệu và tạo ra các báo cáo. Các báo cáo là nguồn gốc của thông tin, chúng là các dữ liệu đã được xử lý. Ngoài ra, hệ quản trị CSDL còn chịu trách nhiệm về bảo mật và toàn vẹn dữ liệu. Lợi ích của hệ quản trị CSDL có thể được mô tả như sau:



  • Lưu trữ dữ liệu

Các chương trình thực hiện việc lưu trữ dữ liệu vật lý được kiểm soát bởi hệ quản trị CSDL, chúng tạo ra một cấu trúc dữ liệu phức tạp và xử lý được gọi là quản trị dữ liệu.

  • Định nghĩa dữ liệu

Hệ quản trị CSDL cung cấp những chức năng định nghĩa cấu trúc của dữ liệu cho các ứng dụng. Chúng bao gồm định nghĩa và sửa đổi cấu trúc các bản ghi, kiểu và kích thước của các trường và những điều kiện, ràng buộc khác nhau để thỏa mãn dữ liệu trên các trường.

  • Thao tác trên dữ liệu

Khi cấu trúc dữ liệu đã được định nghĩa, dữ liệu được chèn, sửa đổi hay xóa. Các chức năng thực hiện các thao tác này là một phần của hệ quản trị CSDL. Các chức năng này có thể kiểm soát việc hoạch định hoặc không hoạch định nhu cầu thao tác dữ liệu. Các truy vấn được hoạch định là một phần của ứng dụng. Các truy vấn không hoạch định là các truy vấn đặc biệt, nó được thực hiện dựa theo yêu cầu.

  • Bảo mật và toàn vẹn dữ liệu

Bảo mật dữ liệu là một vấn đề vô cùng quan trọng khi có nhiều người truy cập dữ liệu. Nó đảm bảo cho dữ liệu được truy cập đúng người dùng. Các qui tắc bảo mật chỉ định việc truy cập CSDL, thành phần dữ liệu nào người dùng có quyền truy cập, thao tác dữ liệu nào người dùng có quyền thực hiện.

Dữ liệu trong CSDL có thể chứa lỗi, để tránh các lỗi hệ quản trị CSDL sẽ thực hiện việc kiểm tra. Ví dụ, mã số nhân viên khi được thêm vào phải không được rỗng hay số điện thoại phải chỉ chứa các số.

Vì vậy, hệ quản trị CSDL chứa những chức năng kiểm soát bảo mật và toàn vẹn dữ liệu trong ứng dụng. Các công việc trên có thể dễ dàng được kiểm soát bởi ứng dụng và người lập trình ứng dụng không cần viết mã cho những chức năng này.


  • Truy cập đồng thời và phục hồi dữ liệu

Phục hồi dữ liệu sau khi hệ thống bị lỗi và truy cập đồng thời bởi nhiều người sử dụng cũng được hệ quản trị CSDL kiểm soát.

  • Hiệu năng

Tối ưu hóa quá trình thực hiện các câu truy vấn là một trong những chức năng quan trọng của hệ quản trị CSDL. Vì vậy, hệ quản trị CSDL chứa một tập hợp các chương trình ở dạng tối ưu hóa các câu truy vấn, các chương trình này đánh giá các phương án khác nhau để thực hiện các câu truy vấn và chọn ra phương án tốt nhất.

  • Điều khiển đa truy cập

Tại một thời điểm có thể có nhiều người truy cập cùng một dữ liệu. Hệ quản trị CSDL theo dõi việc chia sẻ dữ liệu cho nhiều người dùng và duy trì toàn vẹn dữ liệu.

  • Ngôn ngữ truy xuất CSDL và giao diện lập trình ứng dụng (API)

Ngôn ngữ vấn tin của hệ quản trị CSDL thực hiện việc truy xuất dữ liệu. SQL là ngôn ngữ vấn tin được sử dụng rộng rãi nhất. Ngôn ngữ vấn tin là ngôn ngữ phi thủ tục, nó cho phép người dùng đưa ra những yêu cầu mà không cần biết phải làm nó như thế nào. Một vài ngôn ngữ thủ tục như C, Visual Basic, Pascal.v.v.. cho phép người lập trình truy cập CSDL.

1.5 Các mô hình CSDL

Các CSDL có thể khác nhau dựa vào các chức năng và mô hình dữ liệu. Một mô hình dữ liệu mô tả kho chứa dữ liệu và xử lý việc lưu trữ và truy xuất dữ liệu từ kho đó. Người phân tích và thiết kế các mô hình dữ liệu phải dựa vào quá trình phát triển của các CSDL. Mỗi mô hình được phát triển dựa vào các mô hình trước đó.

Các mô hình CSDL được mô tả một cách ngắn gọn trong phần dưới đây.

1.5.1 Mô hình dữ liệu file phẳng

Trong mô hình này CSDL chứa chỉ một bảng hay một file. Mô hình này được sử dụng cho những CSDL đơn giản. Ví dụ để lưu trữ mã số, tên, môn học, điểm số của một nhóm sinh viên. Mô hình này không thể quản lý lượng lớn dữ liệu. Nó có thể tạo ra sự dư thừa khi dữ liệu được mô tả nhiều lần. Bảng 1.2 mô tả cấu trúc của một CSDL file phẳng.



Roll No

FName

LName

Subject

Marks

45

Jones

Bill

Maths

84

45

Jones

Bill

Science

75

50

Mary

Mathew

Science

80

Bảng 2.1 Cấu trúc của mô hình dữ liệu file phẳng

1.5.2 Mô hình phân cấp (Hierarchical)

Trong mô hình phân cấp, các bản ghi liên kết với nhau thông qua các cấp bậc giống như cấu trúc cây. Trong mô hình này, các quan hệ được gọi là quan hệ cha – con. Một bản ghi cha có thể có một vài bản ghi con nhưng một bản ghi con chỉ có một và chỉ một bản ghi cha. Để tìm dữ liệu được lưu trữ theo mô hình này, người dùng cần phải biết cấu trúc của cây. Ví dụ của mô hình dữ liệu phân cấp là hệ quản trị thư mục của Windows mà chúng ta có thể nhìn thấy thông qua Windows Explorer và hệ quản trị thông tin của IBM.

Hình 1.3 mô tả một sơ đồ đơn giản cho một sơ đồ có phân cấp.





Hình 1. 3. Sơ đồ phân cấp

Qua sơ đồ trên, Phòng được xem là phần cha trong quan hệ. Các Dự án và Nhân viên được xem như là phần con. Một đường dẫn bắt đầu từ phần tử bên trái đầu tiên sẽ định nghĩa được cây. Thứ tự của các phần tử chỉ ra theo cấu trúc phân cấp được gọi là đường dẫn phân cấp. Từ hình vẽ chúng ta thấy rõ mỗi phòng có thể có nhiều nhân viên và dự án.



  • Ưu điểm của mô hình phân cấp

Ưu điểm của mô hình phân cấp như sau:

  • Dữ liệu được lưu giữ trên CSDL, vì vậy dữ liệu được chia sẻ một cách dễ dàng và được bảo mật bởi hệ quản trị CSDL.

  • Độc lập dữ liệu được hệ quản trị CSDL giúp giảm được chi phí bảo trì chương trình.

Mô hình này rất hiệu quả khi CSDL chứa một lượng lớn dữ liệu. Ví dụ, một hệ thống tài khoản khách hàng của ngân hàng rất phù hợp với mô hình phân cấp, bởi vì mỗi tài khoản khách hàng là chủ thể cho các giao dịch.

1.5.3 Mô hình mạng

Mô hình này tương tự như mô hình phân cấp. Mô hình phân cấp thực ra là tập con của mô hình mạng. Tuy nhiên, thay vì sử dụng cây phân cấp nút cha đơn, mô hình mạng sử dụng lý thuyết tập để tạo ra một cây phân cấp mà trong đó mỗi nút con có thể có nhiều hơn một nút cha.

Trong mô hình mạng, dữ liệu được lưu trên các tập thay vì định dạng theo cây phân cấp. Điều này giải quyết được vấn đề dư thừa dữ liệu. Lý thuyết của mô hình mạng không sử dụng cây phân cấp đơn nút cha. Nó cho phép một con có nhiều hơn một cha. Vì vậy, các bản ghi vật lý liên kết với nhau thông qua một danh sách liên kết.

Mô hình mạng kết hợp với mô hình phân cấp là mô hình dữ liệu cơ sở để cài đặt nhiều hệ thống CSDL thương mại. Ngôn ngữ và cấu trúc của mô hình mạng được định nghĩa bởi hội thảo về ngôn ngữ các hệ thống dữ liệu (CODASYL).

Đối với mọi CSDL, tên CSDL, kiểu bản ghi và các thành phần tạo nên bản ghi đều được lưu trữ. Những thành phần này được gọi là sơ đồ mạng. Một phần của CSDL được nhìn thấy bởi các chương trình ứng dụng, các chương trình này lấy các thông tin cần thiết từ dữ liệu được lưu trong CSDL được gọi là sơ đồ con. Nó cho phép các chương trình ứng dụng truy cập những ứng dụng cần thiết từ CSDL.



Hình 1. 4. Mô hình mạng

Mô hình mạng được mô tả ở trên là một dãy các quan hệ một nhiều.



  1. Một người bán hàng có thể viết nhiều hóa đơn nhưng mỗi hóa đơn thì được viết bởi một người bán hàng duy nhất (Salesrep).

  2. Một khách hàng có thể trả cho nhiều nhu cầu khác nhau. Một khách hàng có thể có nhiều hóa đơn những mỗi hóa đơn chỉ được viết cho một khách hàng duy nhất.

  3. Mỗi hóa đơn có thể chứa nhiều dòng mua hàng, nhưng mỗi dòng mua hàng chỉ được tìm thấy trong một hóa đơn duy nhất (Invline).

  4. Một sản phẩm có thể xuất hiện trên nhiều dòng khác nhau trên hóa đơn những mỗi dòng hóa đơn chỉ chứa một sản phẩm.

Những thành phần của ngôn ngữ được sử dụng trong mô hình mạng là:

  1. Ngôn ngữ định nghĩa dữ liệu (DDL) được sử dụng để tạo, xóa CSDL và các đối tượng CSDL. Nó cho phép người quản trị CSDL định nghĩa các thành phần của sơ đồ dữ liệu.

  2. Một sơ đồ con của DDL cho phép người quản trị CSDL định nghĩa các thành phần dữ liệu.

  3. Ngôn ngữ thao tác dữ liệu (DML) được sử dụng để thêm, sửa, xoá thông tin trên CSDL. Những người dùng CSDL sử dụng các câu lệnh để thao tác trên CSDL.

  4. Ngôn ngữ điều khiển dữ liệu (DCL) được sử dụng để quản trị các quyền trên CSDL và đối tượng CSDL.

    • Ưu điểm của mô hình mạng

Một số ưu điểm của mô hình mạng như sau:

  • Các quan hệ dễ dàng được thiết lập trên mô hình mạng hơn so với mô hình phân cấp.

  • Mô hình này đảm bảo sự toàn vẹn dữ liệu.

  • Mô hình này đạt được sự độc lập dữ liệu cần thiết.

    • Nhược điểm của mô hình mạng

Một số nhược điểm của mô hình mạng như sau:

  • Khó thiết kế CSDL theo mô hình này.

  • Người lập trình phải nắm rõ cấu trúc bên trong CSDL để truy cập CSDL.

  • Mô hình này cung cấp môi trường truy cập dữ liệu nên để di chuyển từ A đến E theo thứ tự A-B-C-D-E, người sử dụng phải di chuyển qua B,C và D để đến E.

Mô hình này rất khó cài đặt và bảo trì.

1.5.3 Mô hình quan hệ

Cũng như thông tin, CSDL ngày càng lớn và càng phức tạp, do vậy ứng dụng, thiết kế, quản trị và sử dụng CSDL ngày trở nên quá phức tạp. Sự thiếu linh hoạt của các câu truy vấn đã làm mất nhiều thời gian của người lập trình để tạo ra các báo cáo dù đó là các báo cáo đơn giản nhất. Đây là các tiền đề để phát triển mô hình CSDL quan hệ.

Thuật ngữ “quan hệ “ được dẫn xuất từ lý thuyết tập hợp của toán học. Trong mô hình quan hệ, không giống mô hình mạng và mô hình phân cấp, nó không có các liên kết vật lý. Tất cả dữ liệu được chứa trong các bảng, các bảng chứa các dòng và các cột. Dữ liệu trên hai bảng được quan hệ với nhau thông qua các cột thay cho liên kết vật lý. Những phép toán được cung cấp để thực hiện trên các dòng của bảng dữ liệu. Các hệ quản trị CSDL quan hệ phổ biến như Oracle, Sybase, DB2, Ingres, Informix, MS-SQL Server v.v..

Mô hình này mô tả CSDL là một tập hợp các quan hệ. Trong thuật ngữ mô hình, một dòng được gọi là Tuple, một cột được gọi là thuộc tính và bảng được gọi là quan hệ. Danh sách các giá trị có thể có của một trường được gọi là miền. Có thể có một vài thuộc tính có chung miền. Số thuộc tính của một quan hệ được gọi là bậc của quan hệ. Số tuple xác định số phần tử trong quan hệ.

Để hiểu về mô hình quan hệ hãy xem xét bảng 1.3 và 1.4 dưới đây:


Mã sinh viên

Tên sinh viên

1

Sam

2

John

3

Jenny

4

Lisa

5

Penny

6

Peter

7

Joe

Bảng 1.3: Bảng sinh viên

Mã sinh viên

Điểm số

1

34

2

87

3

45

4

90

5

36

6

65

7

89

Bảng 1.4: Bảng điểm

Bảng sinh viên hiển thị mã sinh viên và tên sinh viên, bảng điểm hiển thị mã sinh viên và điểm của các sinh viên. Bây giờ chúng ta sẽ thực hiện hai bước cần thiết để lấy ra những sinh viên có số điểm trên 50. Bước đầu tiên xác định mã sinh viên của những sinh viên có số điểm trên 50 từ bảng điểm. Tiếp theo lấy tên của những sinh viên từ bảng sinh viên có mã số sinh viên khớp với nhau. Kết quả được hiển thị như hình 1.5



Mã sinh viên

Tên sinh viên

Điểm

2

John

87

4

Lisa

90

6

Peter

65

7

Joe

89

Bảng 1.5: Hiển thị tên sinh viên và điểm

Sở dĩ có được các thông tin trên bởi vì có hai yếu tố: thứ nhất, có một cột chung trên cả hai bảng – Mã sinh viên. Thứ hai, dựa vào cột chung này các bản ghi trên hai bảng được khớp với nhau và chúng ta có được thông tin yêu cầu.

Trong mô hình quan hệ, dữ liệu được lưu trên các bảng. Bảng trong CSDL có tên không được trùng nhau trong một CSDL. Mỗi bảng được định nghĩa bởi các dòng và các cột.


    • Ưu điểm của mô hình quan hệ

Mô hình CSDL quan hệ cho phép lập trình viên tập trung vào góc nhìn logic hơn là tập trung vào góc nhìn vật lý. Một trong những nguyên nhân là cho CSDL quan hệ phổ biến là nó hỗ trợ linh hoạt các truy vấn. Hầu hết các CSDL quan hệ sử dụng ngôn ngữ truy vấn có cấu trúc (SQL). Hệ quản trị CSDL quan hệ sử dụng SQL để chuyển những truy vấn của người dùng thành các mã kỹ thuật để lấy dữ liệu theo yêu cầu. Mô hình quan hệ rất dễ sử dụng, ngay cả những người chưa được đào tạo cũng có thể dễ dàng tạo ra các báo cáo và các câu truy vấn, không quá khó để thiết kế một CSDL hợp lý.

    • Nhược điểm của mô hình quan hệ

Mặc dù mô hình này ẩn đi tất cả những phức tạp của hệ thống, nó hầu như vẫn thực thi chậm hơn so với các mô hình CSDL khác.

So sánh tất cả các mô hình, mô hình quan hệ phổ biến nhất và được sử dụng rộng rãi hiện nay.



1.6 Hệ quản Trị CSDL

Mô hình quan hệ là một nỗ lực nhằm đơn giản cấu trúc CSDL. Nó biểu diễn tất cả dữ liệu trong CSDL theo dạng bảng bao gồm các hàng và các cột. Hệ Quản trị CSDL Quan hệ (RDBMS) là hệ quản trị CSDL mà tất cả dữ liệu được nhìn thấy bởi người dùng được tổ chức hoàn toàn bằng các bảng dữ liệu và tất cả các thao tác CSDL làm việc trên các bảng.

Một CSDL Quan hệ là một CSDL được chia thành các đơn vị logic gọi là bảng (table), và các bảng có quan hệ với nhau. Một CSDL quan hệ cho phép dữ liệu được chia thành những đơn vị logic nhỏ hơn và dễ quản lý, cho phép duy trì dễ dàng hơn và cung cấp khả năng thực thi CSDL tối ưu hơn tùy theo mức độ tổ chức. Hình 1.5 biểu diễn hai bảng có quan hệ với nhau thông qua khóa chung (Giá trị dữ liệu) trong CSDL Quan hệ.



Hình 1.5: Mối quan hệ giữa các bảng trong CSDL

Hơn nữa, các bảng có quan hệ với nhau trong một CSDL quan hệ, cho phép dữ liệu thích hợp được truy xuất trong một truy vấn đơn (mặc dù, dữ liệu mong muốn có thể tồn tại trên nhiều hơn một bảng). Bằng cách sử dụng các khóa hoặc các trường chung giữa các bảng trong CSDL Quan hệ, dữ liệu từ nhiều bảng có thể được liên kết để tạo thành một tập kết quả lớn hơn.

Do đó, CSDL Quan hệ là một CSDL được cấu trúc dựa trên mô hình quan hệ. Các đặc tính cơ bản của mô hình quan hệ là:


  • Trong mô hình quan hệ, dữ liệu được lưu trong các quan hệ (relation). Để hiểu được các quan hệ, xét ví dụ sau đây:

Bảng Capitals (Thủ đô) trong bảng 1.6 hiển thị danh sách các nước và thủ đô, và bảng Currency (Tiền tệ) trong bảng 1.7 hiển thị danh sách các nước và tiền tệ hiện đang lưu hành ở nước đó.



Bảng 1.6: Capitals (Thủ đô)



Bảng 1.7: Currency (Tiền tệ)

Cả hai bảng có một cột chung đó là cột Country. Giờ, nếu người dùng muốn hiển thị thông tin về loại tiền đang được sử dụng tại Rome, đầu tiên tìm tên của nước có thủ đô là Rome. Thông tin này có thể được trích xuất từ bảng 1.6. Kế tiếp, tìm nước đó trong bảng 1.7 để tìm ra loại tiền đang lưu hành.

Người dùng có thể lấy được thông tin về loại tiền nhờ quan hệ được thiết lập giữa hai bảng thông qua cột chung gọi là ‘Country’

1.6.2 Các thuật ngữ liên quan đến Hệ quản trị CCSDL quan hệ (RDBMS)

Các thuật ngữ này chủ yếu được sử dụng trong hệ quản trị CSDL quan hệ. Giờ chúng trở nên phổ biến, có lẽ phần lớn nhờ mô hình dữ liệu đơn giản:



  • Dữ liệu (data) được trình bày như tập hợp các quan hệ

  • Mỗi quan hệ được biểu diễn bằng một bảng

  • Cột là các thuộc tính

  • Các hàng (bộ “tuple”) biểu diễn các thực thể.

  • Mọi bảng có tập các thuộc tính gọi là “Key” (Khóa) (Nói chính xác, gọi là “superkey” – siêu khóa) định danh duy nhất mỗi thực thể.

Ví dụ, một công ty có thể có một bảng Employee(nhân viên) mỗi hàng mô tả cho một nhân viên. Các thuộc tính nào đang được quan tâm? Điều này, tất nhiên phụ thuộc vào ứng dụng và việc sử dụng dữ liệu được chỉ ra vào lúc thiết kế CSDL.

Bây giờ, xét tập các bảng trong bảng 1.8, bảng 1.9, bảng 1.10 và bảng 1.11. Các bảng này minh họa các thuộc tính và các bộ dưới dạng các hàng và cột. Các thuật ngữ khác nhau liên quan đến các bảng được mô tả trong bảng 1.12.





Bảng 1.8: Customer (Khách hàng)



Bảng 1.9: Items (Mục hàng)



Bảng 1.10: Order_Details (Chi tiết đơn hàng)



Bảng 1.11: Order_August (Đơn hàng trong tháng 8)

Thuật ngữ

Nghĩa

Ví dụ từ các bảng trên

Quan hệ (Relation)

Một bảng

Order_August, Order_Details, Customer và Items

Bộ (Tuple)

Một hàng hoặc một bản ghi trong một quan hệ

Một hàng trong quan hệ Customer là một bộ Customer

Thuộc tính

Một trường hoặc một cột trong một quan hệ

Ord_Date, Item_No, Cust_Name và …

Thành viên của một quan hệ

Số bộ trong một quan hệ

Thành viên của quan hệ Order_Details là 7

Bậc của quan hệ

Số thuộc tính trong một quan hệ

Bậc của quan hệ Customer là 3

Miền thuộc tính

Tập tất cả các giá trị có thể được thiết lập cho thuộc tính

Miền giá trị của Qty trong Order_Details là tập tất cả các giá trị có thể mô tả số lượng của một mặt hàng được đặt.

Khóa chính

Một thuộc tính hoặc sự kết hợp các thuộc tính định rõ mỗi bộ trong một quan hệ

Khóa chính của quan hệ Customer là Cust_No

Khóa ngoại

Một thuộc tính hoặc kết hợp của các thuộc tính trong một quan hệ R1 chỉ rõ mối quan hệ của R1 với quan hệ khác R2

Các thuộc tính khóa ngoại trong R1 phải chứa các giá trị phù hợp với các giá trị của các thuộc tính trong R2



Cust_No trong quan hệ Order_August là khóa ngoại tạo tham chiếu từ Order_August với Customer. Điều này cần chỉ ra một quan hệ giữa đơn hàng trong Order_August và Customer (Khách hàng)

Bảng 1.12: Các thuật ngữ liên quan tới các bảng được cho ở trên

1.6.2 Người dùng của Hệ quản trị CSDL:

Mục đích chính của hệ thống CSDL là cung cấp môi trường truy xuất thông tin và lưu trữ thông tin.

Với CSDL cá nhân có kích thước nhỏ, một người thường định nghĩa các cấu trúc và thao tác CSDL. Tuy nhiên, nhiều người tham gia vào thiết kế, sử dụng và duy trì một CSDL lớn với hàng trăm người dùng.


  • Quản trị viên CSDL (DBA)

DBA là người thu thập thông tin sẽ được lưu trong CSDL. Một CSDL được thiết kế cung cấp thông tin chính xác đúng lúc cho đúng người. Quản lý các nguồn tài nguyên là nhiệm vụ của Quản trị viên CSDL. DBA chịu trách nhiệm cấp phép truy nhập đến CSDL, phối hợp và giám sát quá trình sử dụng, đảm bảo của các nguồn tài nguyên phần cứng và phần mềm yêu cầu khi cần. DBA còn chịu trách nhiệm giải thích các vấn đề như vi phạm nguyên tắc bảo mật và thời gian phản hồi hệ thống chậm.

  • Thiết kế viên CSDL

Các thiết kế viên CSDL có trách nhiệm xác định dữ liệu được lưu vào CSDL và chọn các cấu trúc phù hợp để thể hiện và lưu dữ liệu. Thiết kế viên CSDL còn giao tiếp với tất cả người dùng CSDL tương lai để nắm bắt và cập nhật các thiết kế để đáp ứng được các yêu cầu.

  • Chuyên viên phân tích hệ thống và lập trình viên ứng dụng

Các chuyên viên phân tích hệ thống chỉ ra các yêu cầu của người dùng cuối và phát triển các đặc tả cho các giao dịch định trước nhằm thỏa mãn các yêu cầu đó. Lập trình viên ứng dụng cài đặt các đặc tả thành các chương trình; sau đó, họ kiểm tra, gỡ lỗi, viết tài liệu và duy trì các giao dịch đã có trước đó.

Ngoài những người thiết kế, sử dụng và quản trị CSDL, còn có các người khác cộng tác vào quá trình thiết kế, phát triển và vận hành phần mềm hệ quản trị CSDL và môi trường hệ thống.



  • Chuyên viên cài đặt và Thiết kế viên hệ quản trị CSDL

Đây là những người thiết kế và cài đặt các mô đun và giao diện của hệ quản trị CSDL như là một gói phần mềm. Một hệ quản trị CSDL là một hệ thống phần mềm phức tạp bao gồm nhiều thành phần như mô đun cài đặt bảng danh mục, ngôn ngữ truy vấn, các bộ xử lý giao diện, truy cập dữ liệu và bảo mật. Hệ quản trị CSDL phải giao tiếp được với các phần mềm hệ thống khác như hệ điều hành và các trình biên dịch của các ngôn ngữ lập trình khác nhau.

  • Người dùng cuối (End User)

Người dùng cuối kích hoạt một ứng dụng tương tác với hệ thống, hoặc viết một truy vấn để truy xuất, sửa đổi hoặc xóa dữ liệu trong CSDL.

1.7. Thực thể và bảng

Các thành phần của hệ quản trị CSDL quan hệ là các thực thể và bảng, chúng sẽ được giải thích trong phần này.



1.7.1 Thực thể

Một thực thể là một người, một vị trí, một vật, một đối tượng, một sự kiện hoặc thậm chí một lý thuyết được nhận biết rõ ràng. Ví dụ, các thực thể trong một trường đại học là các sinh viên, các giáo viên và các khóa học.

Mỗi thực thể có các đặc tính và được gọi là thuộc tính. Ví dụ, thực thể sinh viên có thể gồm các thuộc tính như: mã số sinh viên, tên và điểm số. Mỗi thuộc tính phải được đặt tên phù hợp. Nhóm các thực thể có liên quan trở thành tập thực thể. Mỗi tập thực thể được đặt một tên. Tên của tập thực thể phản ánh nội dung thể hiện của tập thực thể. Do đó, các thuộc tính của tất cả các sinh viên của trường đại học sẽ được lưu trữ trong tập thực thể gọi là SINHVIEN.

1.7.2. Bảng và các đặc tính của bảng

Việc truy cập và thao tác dữ liệu sẽ dễ dàng hơn bằng việc tạo các mối quan hệ dữ liệu dựa trên một cấu trúc bảng. Một bảng chứa một nhóm các thực thể có liên quan với nhau hay gọi là một tập thực thể. Thuật ngữ tập thực thể và bảng thường được dùng thay thế nhau. Một bảng còn được gọi là một quan hệ. Các dòng (rows) được gọi là các bộ (tuples). Các cột (columns) được gọi là các thuộc tính. Minh họa sau làm rõ các đặc tính của bảng.





Hình 1.6: Các đặc tính của bảng

Các đặc tính của bảng là:



  • Cấu trúc hai chiều bao hàm các cột và hàng được nhận thấy như một bảng

  • Mỗi bộ thể hiện một thực thể đơn trong tập thực thể

  • Mỗi cột có một tên duy nhất

  • Giao giữa hàng và cột thể hiện một giá trị dữ liệu đơn

  • Mỗi bảng phải có một khóa gọi là khóa chính giúp xác định duy nhất mỗi hàng.

  • Tất cả giá trị trong một cột phải tuân theo cùng định dạng dữ liệu. Ví dụ, nếu thuộc tính được gán có định dạng dữ liệu số, tất cả giá trị trong cột thể hiện thuộc tính phải là số.

  • Mỗi cột có một phạm vi giá trị xác định gọi là miền thuộc tính.

  • Mỗi hàng mang thông tin mô tả một thực thể

  • Thứ tự của các hàng và cột không quan trong trong hệ quản trị CSDL.

1.8 Phân biệt giữa hệ quản trị CSDL và hệ quản trị CSDL quan hệ

Sự khác nhau giữa hệ quản trị CSDL(DBMS) và hệ quản trị csdl quan hệ(RDBMS) được liệt kê trong bảng 1.13:



DBMS

RDBMS

Không cần có dữ liệu theo cấu trúc dạng bảng và không ép buộc các mối quan hệ dạng bảng giữa các mục dữ liệu

Trong RDBMS, cấu trúc dạng bảng là bắt buộc và các mối quan hệ bảng được đảm bảo bởi hệ thống. Các mối quan hệ này cho phép người dùng thiết lập và quản lý các quy tắc nghiệp vụ, giúp giảm thiểu viết mã.

Lượng nhỏ dữ liệu được lưu trữ và truy xuất.

RDBMS có thể lưu và truy xuất lượng lớn dữ liệu

DBMS bảo mật kém hơn so với RDBMS

RDBMS bảo mật mạnh hơn so với DBMS

Là hệ thống đơn người dùng

Là hệ thống đa người dùng

Hầu hết các hệ thống DBMS không hỗ trợ kiến trúc client/server (khách/chủ)

Hỗ trợ kiến thúc client/server

Bảng 1.13: Sự khác nhau giữa DBMS và RDBMS

Trong hệ quản trị CSDL quan hệ, quan hệ quan trọng nhất. Do đó, người dùng có thể thiết lập nhiều ràng buộc toàn vẹn cho các bảng để dữ liệu sau cùng được sử dụng bởi người dùng vẫn giữ đúng đắn. Trong trường hợp của hệ quản trị CSDL, các thực thể là quan trọng hơn và không có quan hệ được thiết lập giữa các thực thể này.



TÓM TẮT BÀI HỌC

  • CSDL là tập hợp dữ liệu có liên quan được lưu trữ dưới dạng các bảng.

  • Hạn chế của hệ thống tập tin phẳng (flat file system) là tiêu tốn nhiều thời gian, dư thừa dữ liệu, xử lý dữ liệu kém và không thể thao tác dữ liệu dễ dàng.

  • Hệ thống quản trị CSDL có thể được định nghĩa như tập hợp của các bản ghi có liên quan và tập các chương trình truy cập và thao tác trên các bản ghi.

  • Mô hình dữ liệu mô tả một bộ chứa (container) dùng lưu trữ dữ liệu và quá trình lưu trữ và truy xuất thông tin từ bộ chứa đó.

  • DBMS là tập hợp các chương trình cho phép người dùng lưu trữ, sửa đổi và trích xuất thông tin từ CSDL.

  • Hệ quản trị CSDL quan hệ (RDBMS) là một bộ chương trình phần mềm cho phép tạo, duy trì, sửa đổi và thao tác một CSDL quan hệ.

KIỂM TRA SỰ TIẾN BỘ CỦA HỌC VIÊN

  1. Mô hình dữ liệu ____ cho phép một nút con có nhiều hơn một nút cha.

    1. Flat-file

    2. Phân cấp (Hierarchical)

    3. Mạng (Network)

  2. Một CSDL quan hệ là một CSDL được xây dựng dựa trên mô hình _____

    1. Mạng (Network)

    2. Quan hệ (Relational)

    3. Phân cấp (Hierarchical)

    4. Flat-file

  3. ____ được sử dụng để quản trị các quyền trong các CSDL và các đối tượng CSDL.

    1. Ngôn ngữ Định nghĩa Dữ liệu (DDL)

    2. Ngôn ngữ Thao tác Dữ liệu (DML)

    3. Lược đồ con (sub-schema)

    4. Ngôn ngữ Điều khiển Dữ liệu (DCL)

  4. Trong thuật ngữ mô hình quan hệ, một hàng (row) được gọi là _____, một hàng (column) được gọi là ______ và một bảng (table) được gọi là ______.

    1. Thuộc tính, bộ (tuple), quan hệ (relation)

    2. Bộ, thuộc tính, quan hệ

    3. Thuộc tính, quan hệ, bộ

    4. Hàng, cột, bộ



  1. _____ có thể được định nghĩa như tập các bản ghi có liên quan và tập hợp các chương trình truy cập và thao tác các bản ghi.

    1. Hệ quản trị CSDL

    2. Hệ Quản trị CSDL Quan hệ

    3. Quản trị Dữ liệu (Data Management)

    4. Mô hình Mạng (Network model)

  2. Mô hình dữ liệu mô tả một bộ chứa (container) dùng lưu trữ dữ liệu và quá trình lưu trữ và truy xuất thông tin từ bộ chứa đó

    1. Mô hình Mạng (Network model)

    2. Mô hình Dữ liệu (Data model)

    3. Mô hình Tập tin phẳng (Flat-file model)

    4. Mô hình Quan hệ (Relational model)



Каталог: files
files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 1.1 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương