Có Và Không ht như Điển o0o Nguồn


Phẩm hai mươi lăm : Quán về Niết Bàn



tải về 1.14 Mb.
trang20/22
Chuyển đổi dữ liệu06.06.2018
Kích1.14 Mb.
#39414
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   22

Phẩm hai mươi lăm : Quán về Niết Bàn

Nếu các pháp đều không; không sanh cũng không mất

Đoạn gì và mất gì; nên gọi là Niết Bàn

Nếu các pháp không không; tức không sanh không diệt

Dứt gì và mất gì; nên gọi là Niết Bàn

Không được cũng chẳng đến; không mất cũng chẳng còn

Không sanh cũng chẳng mất; nên tên gọi Niết Bàn

Niết Bàn không tên gọi; tức có tướng già chết

Cuối cùng không pháp có; lìa cả tướng già chết

Nếu Niết Bàn có thật; tức Niết Bàn hữu vi

Cuối cùng có một pháp; nên phải có vô vi

Nếu Niết Bàn có thật; sao có tên không thọ

Không có chẳng từ thọ; nên có tên là pháp

Trên không có Niết Bàn; làm sao có nơi chốn

Niết Bàn chẳng có không; nơi nào nói có không

Nếu không là Niết Bàn; sao gọi tên chẳng thọ

Sau đó không có thọ; nên có tên không pháp

Thọ các nhơn duyên rồi; luân chuyển trong sanh tử

Không thọ các nhơn duyên; có tên là Niết Bàn

Như trong kinh Phật nói; đoạn có đoạn không có

Có thể hiểu Niết Bàn; không có cũng chẳng không

Nếu nghĩa về có không; tạo nên Niết Bàn vậy

Có không tức giải thoát; việc nầy không phải vậy

Nếu nghĩa là có không; tạo thành Niết Bàn vậy

Niết Bàn chẳng không thọ; cả hai từ thọ sanh

Có không chung hợp thành; sao gọi tên Niết Bàn

Niết Bàn tên vô vi; có không là hữu vi

Có không chung hai việc; sao gọi là Niết Bàn

Cả hai không cùng nơi; như sáng tối không đủ

Nếu không có chẳng không; tên gọi là Niết Bàn

Này chẳng có chẳng không; cho nên sinh phân biệt

Phân biệt chẳng có không; như vậy tên Niết Bàn

Nếu do có không thành; chẳng có chẳng không thành

Sau khi Như Lai diệt; không gọi có hoặc không

Lại chẳng nói có không; không có và chẳng không

Như Lai bây giờ đây; không nói có hay không

Lại chẳng nói có không; không có và chẳng không

Niết Bàn và thế gian; không có ít phân biệt

Thế gian và Niết Bàn; lại không ít phân biệt

Niết Bàn là thật tế; và cùng với thế gian

Như vậy cả hai là; không thể phân biệt được

Tịch rồi có không nầy; hữu biên và thường hằng

Các thấy nương Niết Bàn; tương lai và quá khứ

Tất cả các pháp không; sao có biên vô biên

Lại biên lại vô biên; chẳng có chẳng không biên

Làm sao có sai khác; sao có thường không thường

Lại có lại chẳng có; không thường chẳng vô thường

Các pháp không thể được; lìa tất cả hí luận

Không người lại chẳng nơi; Phật lại không nói gì.

Khi Đức Phật còn tại thế thật ra Ngài nói rất ít về Niết Bàn và Ngài cũng rất hiếm khi trả lời cho các đệ tử về Niết Bàn. Ngài luôn nói rằng: Trạng thái ấy như củi hết lửa tắt vậy thôi. Có nơi nói là không sanh diệt; nhưng nếu đã dùng đến ngôn ngữ, tức có đối đãi. Do vậy mà Đức Phật rất ít nói.

Niết Bàn chẳng hữu vi mà cũng chẳng vô vi. Niết Bàn cũng chẳng phải chẳng có, mà cũng chẳng phải chẳng không. Tất cả đều như như bất động. Không nên phân biệt có hoặc không nơi trạng thái của Niết Bàn. Vì Niết Bàn lìa ngôn ngữ và sự đối đãi nầy. Nhiều người đi tìm Niết Bàn; nhưng Niết Bàn không phải là một nơi chốn nên không thể tìm được. Nếu cứ nhìn từ sự đối đãi để đánh giá một trạng thái không còn sanh diệt nữa thì mãi mãi vẫn còn xa xôi lắm đối với Niết Bàn vậy.

Tóm lại chúng ta có thể hiểu rằng: Niết Bàn là một trạng thái chứng đạo, lìa nói năng và sự đối đãi thường tình của thế gian.


---o0o---

Phẩm hai mươi sáu : Quán về nhân duyên

Chúng sanh si chấp chặt; sau đó sinh ra ba

Từ điểm nầy mà đi; trôi vào trong sáu nẻo

Các hành làm nhơn duyên; thân tâm trong lục đạo

Từ thức mà sinh ra; danh sắc tăng trưởng mãi

Danh sắc tăng trưởng tồi; làm nhơn sinh lục nhập

Tình trần thức hòa hợp; sanh ra sự va chạm

Nhơn từ sự chạm nầy; tức sanh ra ba thọ

Từ đây ba thọ nầy; sẽ sinh ra ái dục

Từ ái có bốn thủ; nhơn thủ sinh ra hữu

Nếu thủ mà không thủ; tức giải thoát không hữu

Từ hữu sinh ra sanh; từ sanh có già chết

Từ già chết lại có; ưu bi và khổ não

Như vậy các việc nầy; đều từ sanh đến hữu

Nên gọi là nhơn duyên; huân tập thành thân khổ

Nghĩa là phải sanh tử; các hành là căn bản

Vô minh từ đây ra; người trí không làm vậy

Việc nầy mất đi thôi; việc ấy không sanh nữa

Nên gọi các khổ ấm; sanh diệt không chỗ đứng.

Đây là 12 nhân duyên trong giáo lý căn bản của Đạo Phật. Đứng từ chỗ căn bản mà nhìn thì tất cả các hành đều do vô minh và ái dục xui khiến mà mới sanh ra những nhân duyên khác. Nhưng nếu là người trí thì không phải thế. Vì người trí biết kết quả trước khi gây ra nhân, do vậy mà nhân không có, tức quả không có nơi nào để mà nương tựa. Cho nên đối với bậc giác ngộ các nghiệp về thân, khẩu, ý không còn nữa. Khi những nghiệp căn bản nầy không còn nữa thì tâm thức trong suốt như hư không, không có gì dính mắc và ràng buộc nữa; nên gọi là giải thoát vậy.

Giải thoát tức cởi bỏ mọi sự ràng buộc của thế gian, của 6 loài chúng sanh phải trôi lăn trong 6 đường sanh tử. Khi vô minh mất thì hành mất, khi hành mất thì thức mất. Hoặc nói ngược lại khi lão tử không còn thì sự sanh cũng không thể hiện hữu mà sự sanh không có thì không thể nào có hữu nữa. Như vậy cái nầy mất thì cái kia không còn khả năng và điều kiện nữa để tồn tại. Theo tinh thần Trung Quán của Ngài Long Thọ chủ trương thì mọi vật mọi việc đều do nhân duyên hòa hợp và do hành điều khiển cũng như vô minh buộc ràng; nên từ đó mới sinh ra những nhân quả chồng chéo với nhau. Nếu dứt hẳn ái và vô minh thì nhân duyên sẽ không có cơ hội mà tồn tại nữa.
---o0o---

Phẩm hai mươi bảy : Quán sát về tà kiến

Cái ta từ quá khứ; có không hay không có

Thế gian thấy có thường; đều nương vào quá khứ

Vị lai nương ngã nầy; làm chẳng làm mà ra

Thấy biết có giới hạn; đều nương vào vị lai

Nếu quá khứ có ngã; việc nầy khó thể được

Cái ngã của quá khứ; không tạo ngã đời nầy

Nếu mà thật có ngã; tức thân có tướng khác

Nếu mà lìa khỏi thân; nơi nao ngã nương tựa

Lìa có không nơi thân; việc nầy ắt khó thành

Nếu thân tức là ngã; cả hai đều không phải

Thân nầy chẳng phải ngã; vì tướng thân sanh diệt

Làm sao giữ lại được; tạo thành sự cảm thọ

Nếu lìa thân có ngã; việc nầy cũng chẳng được

Không thọ mà có ngã; lại cũng chẳng cảm nhận

Không phải thọ chẳng thọ; điều nầy phải có nghi

Quá khứ ngã chẳng làm; việc nầy cũng không phải

Quá khứ ấy có ngã; khác nay cũng không phải

Nếu nghĩa là khác ngã; lìa xưa mà có nay

Ngã ở trong quá khứ; nay sanh ngã đời nầy

Như vậy tức đoạn diệt; không còn nghiệp quả báo

Kia tạo nay nầy thọ; như thế mà trôi qua

Trước không mà nay có; trong nầy lại cũng qua

Ngã là do tác pháp; lại cũng chẳng có nhơn

Nếu như trong quá khứ; thấy có không về ngã

Cùng với hay không cùng; việc nầy cũng chẳng phải

Ngã trong đời vị lai; làm hay lại chẳng làm

Như vậy đều có thấy; cũng giống đời quá khứ

Là trời cũng là người; tức rơi vào chấp thường

Trời tức là vô sanh; pháp thường không sanh ra

Nếu trời khác loài người; tức chính là không thường

Nếu trời lại khác người; như vậy không liên tục

Nếu nửa trời nửa người; tức rơi vào nhị biên

Thường và cả vô thường; việc nầy cũng chẳng được

Nếu thường và vô thường; cả hai đều cùng nên

Như vậy mà thành tựu; không thường chẳng vô thường

Pháp nếu định có trước; hoặc định có rồi đi

Sanh tử tức không đầu; điều nầy có không một

Nay nói không có thường; sao gọi có vô thường

Cả thường lẫn vô thường; không thường chẳng phải thường

Nếu thế gian hữu biên; sao gọi có đời sau

Nếu thế gian không cùng; sao lại có đời sau

Ngũ ấm hay liên tục; giống như ánh sáng đèn

Như vậy thế gian này; không có biên vô biên

Nếu ngũ ấm mất trước; không nhơn là ngũ ấm

Sao sanh ngũ ấm sau; thế gian tức có hạn

Nếu ấm trước không hoại; lại không nhơn là ấm

Mà sanh ngũ ấm sau; thế gian tức không cùng

Pháp đúng và người nói; người nghe khó hiểu được

Từ đây mà sanh tử; không có biên vô biên

Nếu chỉ nửa hữu biên; thế gian nửa vô biên

Điều nầy lại có hạn; lại vô biên chẳng phải

Người bị thân ngũ ấm; sao lại một phần mất

Một phần khó thể mất; việc nầy cũng chẳng được

Thọ cũng lại như vậy; làm sao một phá ra

Một phần khó phân ly; việc nầy cũng khó được

Nếu lại hữu vô biên; cả hai đều thành tựu

Không hữu không vô biên; việc nầy cũng thành tựu

Tất cả pháp đều không; thế gian thường thấy vậy

Nơi nào hoặc lúc nào; ai khởi ra tà kiến

Đức Đại Thánh đã nói; lân mẫn nói pháp nầy

Tức lìa những điều thấy; con nay cúi đầu lạy.

Đến phẩm thứ 27 nầy tức chấm dứt 446 câu kệ của Ngài Long Thọ chủ trương Trung Quán luận và chương chót nầy chúng ta cũng thấy được rằng Đức Cồ Đàm vì sự chấp trước của chúng sanh mà hiển bày ra các pháp để dạy dỗ cho chúng sanh nương theo đó mà tu học; cho nên chúng ta phải cung kính mà thọ trì. Tuy nhiên vì chúng sanh thấy nghe, chấp trước còn nặng nề về ngã, về vô thường, về có không, sanh diệt v.v... nên Phật và Tổ đã phá chấp để chúng sanh từ đó mà giác ngộ về bản thể của vũ trụ vạn hữu.

Ví dụ về cái ngã. Có người chấp nó ở trong thân, có người chấp ngã ở ngoài thân; có người chấp ngã nầy là sự liên tục của ngã trước và ngã nầy chính là cái nhân của vị lai v.v... Tất cả đều sai. Vì lẽ chúng sanh đứng từ bờ sanh tử bên nầy để nhìn sự giải thoát ở bờ bên kia là không thể được. Lấy cái giới hạn để kết luận cho cái vô hạn là không nên. Từ đó mới sinh ra tính ước đoán tỷ lệ của sự việc. Từ sự chấp trước nầy mà sinh ra những điên đảo vọng tưởng, tà kiến chấp chặt vào sự thấy nghe và quan niệm của mỗi cá nhân, để từ đó dẫn đi từ sự mê lầm nầy đến sự mê lầm khác.

Qua 27 phẩm trong Trung Quán luận nếu người nào thành tâm thiện ý và cố dốc hết tâm lực ngày đêm quán chiếu tự tâm của chính mình theo phép nầy thì chắc chắn hành giả sẽ nắm rõ được Phật lý Trung Đạo, để từ đó con đường đi vào tánh không của Phật Giáo lại thênh thang rộng mở. Nếu người nào vẫn còn chấp chặt về sự thấy nghe, còn mất, thường vô thường, biên vô biên v.v... tức chỉ mới đứng ở ngoài cửa ngõ của Đạo Phật, chưa bước vào thềm của cây thang Phật Pháp vốn cao vòi vọi như thế ấy.

Phật thị hiện ra đời nhằm soi rọi mọi khổ đau cho nhân thế tỏ tường. Chư Tổ tiếp nối những hành hoạt ấy mà phổ độ chúng sanh; nhưng những chúng sanh như chúng ta ngày nay, nếu cứ mãi ham vui nơi ngũ dục nầy thì chắc chắn rằng con đường Trung Đạo vẫn còn xa vời trong vô tận, khó nắm bắt được. Nhưng đường ấy cũng không xa, quay đầu tức thấy bến vậy.


---o0o---


tải về 1.14 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương