CƠ SỞ phối hợp chống pháp của các tỉnh nam trung kỳ những năm cuối thế KỈ XIX



tải về 33.24 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích33.24 Kb.
#12332
CƠ SỞ PHỐI HỢP CHỐNG PHÁP CỦA CÁC TỈNH NAM TRUNG KỲ NHỮNG NĂM CUỐI THẾ KỈ XIX

Thạc sĩ: Hồ Đắc Hòa

Trường THPT Chuyên Lương Văn Chánh

Tiến sĩ: Nguyễn Văn Thưởng

Đại học Phú Yên

Bài viết đăng trên Tạp chí Trí thức Phú Yên-Diễn đàn của Liên hiệp các

Hội Khoa học và Kĩ thuật tỉnh Phú Yên

Từ sau Hiệp ước 1883, trên cơ sở của công cuộc chuẩn bị trên hai phương diện về vật chất và tinh thần, phong trào chống Pháp được phát động từ phe chủ chiến trong triều đình. Cuộc tấn công của phe chủ chiến vào Tòa Khâm sứ và Đồn Mang Cá vào đêm ngày 4 rạng sáng ngày 5-7-1885 (tức ngày 22-5 năm Ất Dậu), Tôn Thất Thuyết đã hộ giá vua Hàm Nghi ra sơn phòng Tân Sở (Quảng Trị) để tiếp tục kháng Pháp. Dưới danh nghĩa Cần vương đã nhanh chóng thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước của nhân dân ta trên phạm vi cả nước, mạnh mẽ nhất từ Phan Thiết trở ra Bắc. Trên vùng đất Nam Trung Kỳ, dưới sự lãnh đạo của các văn thân, sĩ phu yêu nước, ngọn lửa đấu tranh chống Pháp bùng lên mạnh mẽ từ đầu tháng 7-1885, để phong trào tồn tại, đại bàn không ngừng mở rộng, chống lại âm mưu sát nhập vào Nam Kỳ trực trị và chống lại sự cản trở của triều đình tay sai Đồng Khánh trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào, thủ lĩnh phong trào Cần vương các tỉnh đã chủ trương tiến hành phối hợp với nhau để chiến đấu.

Đã có một số bài nghiên cứu về phong trào Cần vương, ở bài viết này, chúng tôi muốn cùng trao đổi vài nét về cơ sở của sự phối hợp chiến đấu của phong trào yêu nước chống Pháp ở các tỉnh Nam Trung Kỳ những năm 1885-1887.

Ngoài việc kêu gọi các tỉnh Nam Trung Kỳ nổi dậy chống Pháp, phò vua cứu nước, “các văn thân, sĩ phu Bình Định, Phú Yên còn đưa những đội quân vũ trang vào Khánh Hòa và Bình Thuận hỗ trợ cho phong trào ở đây” (1).

Tháng 9 năm 1885, Đào Doãn Địch mất, Mai Xuân Thưởng được giao quyền tổ chức lãnh đạo kháng chiến ở Bình Định. Tại Bình Định, lực lượng nghĩa quân phát triển mạnh, các căn cứ và phòng tuyến xây dựng khắp cả tỉnh. Còn ở Phú Yên, dưới sự lãnh đạo của Lê Thành Phương, nghĩa quân đã tấn công chiếm thành An Thổ (xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên ngày nay) và làm chủ hoàn toàn phạm vi cả tỉnh. Sự lớn mạnh của phong trào Cần vương Bình Định, Phú Yên đã tiếp thêm sức mạnh cho nghĩa quân Khánh Hòa cũng như Bình Thuận.

Thực dân Pháp đã thực sự quan ngại vì sự hoạt động của nghĩa quân Phú Yên trên đất Khánh Hòa và Bình Thuận trong bản báo cáo của Tomquin gửi cho Thống đốc Nam Kỳ ngày 28-2-1886 với nội dung như sau: “Tôi hân hạnh báo cáo cho quí Ngài về hoạt động của tên phiến loạn Bùi Giảng ở Phú Yên. Cho đến hôm nay vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động phản loạn, tôi đang tập trung lực lượng để đẩy lùi bọn chúng” (2). Tháng 3-1886, nghĩa quân Phú Yên dưới sự lãnh đạo của Bùi Giảng kéo vào phối hợp với nghĩa quân Khánh Hòa đánh đồn binh Pháp ở Hòn Khói.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào Cần vương chống Pháp ở Khánh Hòa cũng như các tỉnh Nam Trung Kỳ, thực dân Pháp và lực lượng tay sai triều Nguyễn hốt hoảng và ra sức đối phó.

Có thể nói, trong chặng đường đấu tranh chống thực dân Pháp và tay sai, lực lượng Cần vương ở Bình Định, Phú Yên không chỉ thực hiện nhiệm vụ tại chỗ mà còn phối hợp với lực lượng Cần vương Khánh Hòa, Bình Thuận tạo điều kiện cho lực lượng Cần vương Bình Thuận vươn lên giành quyền kiểm soát trên phạm vi cả tỉnh từ cuối tháng 4/1886 đến đầu tháng 7/1886, Khánh Hòa từ giữa tháng 5/1886 đến giữa tháng 8/1886.

Sự liên kết chiến đấu của lực lượng Cần vương Bình Định, Phú Yên với Khánh Hòa và Bình Thuận đã chứng tỏ phong trào Cần vương ở các địa phương Nam Trung Kỳ vượt qua phạm vi giới hạn một tỉnh. Phong trào từ chỗ bùng nổ riêng rẽ đã bước đầu liên hệ và phối hợp với nhau trở thành một phong trào chung có tổ chức và lãnh đạo để chống lại sự đàn áp của thực dân Pháp và tay sai. Chính sự phối hợp chiến đấu giữa các tỉnh Nam Trung Kỳ đã làm cho phong trào chống Pháp của khu vực này được duy trì, địa bàn hoạt động ngày càng mở rộng, khiến cho thực dân Pháp và tay sai gặp không ít khó khăn trong quá trình đối phó với nghĩa quân, sự liên kết này có cơ sở của nó.

Cơ sở của sự phối hợp chiến đấu

Về quá trình tổ chức, chuẩn bị lực lượng; có thể nói, mối quan hệ giữa lực lượng yêu nước ở Phú Yên với lực lượng yêu nước ở Khánh Hòa, Bình Thuận đã có từ trước năm 1885. Điều này thể hiện rõ trong quá trình chuẩn bị lực lượng cho phong trào chống Pháp. Trước khi cuộc kháng chiến bùng nổ, Tụ Hiền Trang ở vùng núi La Hiên (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên ngày nay) là nơi diễn ra các hoạt động giao lưu võ nghệ, gặp gỡ của những chí sĩ yêu nước, những thủ lĩnh của phong trào Cần vương các địa phương như Nguyễn Hào Sự, Võ Thiệp ở Phú Yên, Trịnh Hữu Hiên, Trịnh Hữu Thể, Trịnh Phong ở Khánh Hòa, hay Võ Thiệp (Bá Thiệp) một trong những thủ lĩnh của phong trào Cần vương ở Phú Yên quê ở Bình Định…

Ngay sau khi vua Hàm Nghi ban Dụ Cần vương, các văn thân, sĩ phu Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Bình Thuận đã dựng cờ chiến đấu đáp lời kêu gọi của phe chủ chiến, đồng thời hưởng ứng hịch khởi nghĩa của văn thân, sĩ phu Bình Định ngày 15-7-1885. Từ đây, mối quan hệ giữa phong trào Cần vương các tỉnh Nam Trung Kỳ nói chung, Phú Yên với Khánh Hòa và Bình Thuận nói riêng càng thêm chặt chẽ.



Về mặt địa thế, đây là một vùng lãnh thổ liên hoàn có ba vùng bổ sung cho nhau: vùng thấp nhìn ra biển Đông, vùng giữa nối với sông ngòi chằng chịt tưới cho các đồng ruộng, vùng cao có núi rừng hiểm yếu tựa lưng vào dãy nam Trường Sơn chạy dài lên phía tây, có đường xuyên sơn thông nhau. Địa thế này qui định tính thống nhất về mặt quân sự, là địa bàn chiến lược thống nhất liên hoàn. Điều kiện cụ thể đó qui định xu thế có tính chất tất yếu đối với phong trào Cần vương các tỉnh Nam Trung Kỳ phải liên kết lại nếu muốn tồn tại trước một kẻ thù có tiềm lực lớn mạnh.

Cùng với sự hình thành vùng đất, sự thành lập làng, xã và các chính sách di dân được tiến hành, nhất là sau cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627-1672). Nguồn dân di cư đến Khánh Hòa và Bình Thuận vào thời điểm này ngoài dân vùng Ngũ Quảng là chủ yếu, có cả từ Phú Yên, Bình Định. Chính quá trình này đã tạo nên sợi dây tình cảm huyết thống, cố kết cộng đồng giữa nhân dân các tỉnh Nam Trung Kỳ nói chung, ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa nói riêng, cùng ra sức khai phá, phát triển trên vùng đất mới, vì thế, trong dân gian còn lưu truyền những câu ca nói lên mối quan hệ đó:

Ai về Bình Định thăm Cha

Phú Yên thăm Mẹ, Khánh Hòa thăm Em”

Nhân dân các tỉnh Nam Trung Kỳ cùng tồn tại và phát triển dưới thời các Chúa Nguyễn, cùng sống trên dãi đất có truyền thống đấu tranh quật cường của người anh hùng Nguyễn Huệ. Giờ đây, đứng trước sự xâm lược, đàn áp của thực dân Pháp, tinh thần bảo vệ giống nòi, huyết thống, quê hương lại trổi dậy, tình cảm giữa nhân dân các tỉnh càng thắt chặt hơn. Họ liên kết chiến đấu dưới ngọn cờ Cần vương để giành lại độc lập dân tộc và bảo vệ gia đình, quê hương của những con người có chung cội nguồn.



Về mặt hành chính - xã hội, vùng đất Nam Trung Kỳ vốn là đất Thừa tuyên Quảng Nam dưới thời các Chúa Nguyễn. Dưới triều Nguyễn là đất “tả trực kỳ” của Kinh đô Huế. Tuy Khánh Hòa có mối quan hệ gắn liền với Bình Thuận, nhưng cũng có quan hệ nhất định với Phú Yên trong các chính sách nội trị và ngoại thương của triều Nguyễn. Vấn đề này được thể hiện khá rõ qua một số qui định về thuế khóa, như thuế đinh và thuế ruộng đất. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Gia Định chịu chung một biểu thế. Cụ thể: “Thuế thân thì các xã, thôn, phường từ Quảng Bình đến Gia Định, tráng hạng, chính hộ tiền thân dung 1 quan 6 tiền, khách hộ 1 quan 4 tiền. Quân hạng, chính hộ 1 quan 4 tiền, khách hộ 1 quan 2 tiền. Dân hạng, chính hộ 1 quan 2 tiền, khách hộ 1 quan, tiền dầu đèn và chuỗi mây đều 1 tiền. Hạng dân đinh và lão tật, chính hộ 8 tiền, khách hộ 7 tiền, tiền dầu đèn và chuỗi mây đều 30 đồng…(3). Như vậy, ở chừng mực nào đó, người dân Khánh-Thuận cũng như người dân Bình-Phú, thậm chí cả Nam-Ngãi đều chịu chính sách thuế khóa, bóc lột như nhau. Có lẽ vì thế mà trong tình cảm người dân mỗi tỉnh “tự” có mối quan hệ gần gũi, đoàn kết giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, cũng như trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Về mặt văn hóa - tinh thần, nhân dân các tỉnh sống trên dãi đất Nam Trung Kỳ có nhiều điểm giống nhau về mặt văn hóa, tín ngưỡng - tâm linh, “các tết nguyên đán, đoan dương, tam nguyên…, cũng giống như Bình Định. Lễ tiên tổ hoặc kỳ phúc hay bày hát xướng; cũng có làm chay, nhưng phần nhiều không chuộng xa hoa. Các việc đám cưới, đám ma hay giúp đỡ lẫn nhau” (4). Đặc biệt là các hoạt động lễ hội, trò chơi dân gian như: lễ hội cầu ngư, đua ghe, lắc thúng, hát bài chòi, chọi gà…Sự gần gũi nhau về mặt văn hóa, tinh thần tạo cho con người có ý thức cố kết cộng đồng trong việc gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống mà cha ông họ đã tạo lập, một khi bị đe dọa. Mặt khác, sĩ tử của tầng lớp văn thân, sĩ phu cũng có mối quan hệ trên con đường học vấn và khoa cử, họ đã từng cùng nhau ứng thi ở trường thi Bình Định. “Nguồn gốc của sự việc có thể là do các sĩ phu đã được tập hợp lại nhân dịp có kỳ thi hàng tỉnh, khi người ta được tin Kinh thành thất thủ và nhà vua xuất bôn, tất cả các sĩ tử đang có mặt ở trường thi đã vội vàng vứt bỏ nghiên bút và từ bỏ trường thi, trở về quê hương của mình, tập hợp dân chúng để chống lại người Pháp”(5) .

Điều quan trọng hơn, nhân dân các tỉnh đều có một điểm chung đó là tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, cùng chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược đó là thực dân Pháp và tay sai, giải phóng quê hương, giành lại độc lập dân tộc. Chính tinh thần độc lập dân tộc là động cơ lớn nhất của phong trào Cần vương, như Giáo sư sử học Pháp Charles Fourniau đã nhận xét: “Toàn bộ lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam chống ách thống trị thực dân cũng như tính chất liên tục của lịch sử Việt Nam chỉ có thể hiểu được nếu chúng ta nhìn thấy rõ tính chất cơ bản của phong trào Cần vương là phong trào dân tộc” (6).

Tóm lại, trong quá trình kháng chiến chống Pháp và tay sai, cũng như các tỉnh Bắc Trung Kỳ, phong trào Cần vương Bình Định, Phú Yên có sự liên kết chiến đấu với nghĩa quân Cần vương các tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận. Chính sự liên kết này đã góp phần xây dựng cơ sở cho sự phát triển mạnh mẽ của phong trào chống Pháp trong tỉnh và trong cả nước, tạo nên đỉnh cao của phong trào chống Pháp cứu nước trong nửa sau thế kỷ XIX. Sự liên kết này có tính tất yếu bắt nguồn những cơ sở lịch sử xã hội - tự nhiên, từ yêu cầu của phong trào Cần vương trong cả nước, khu vực và ngay cả tự thân của phong trào Cần vương Bình Định Phú Yên.

Chú thích:

1.C. Fourniau (1982), “Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định - Phú Yên (1885-1887)”, Ngô Văn Hòa dịch, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 6 (207), tr. 38.

2 Général X*** Prudhomme (1910), L’Annam du 5 Juillet 1885 au 4 Avril 1886, Librarie militaire R. Chapelot Pari, tr.176.

3. Nguyễn Thế Anh (2008), Kinh tế và xã hội Việt Nam dưới các vua Nguyễn, Nxb Văn học, Sài Gòn, 13-14.

4. Quốc sử quán triều Nguyễn (1974), Đại Nam thực lục chính biên, tập 27, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 93.

5. C. Fourniau (1982), “Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định - Phú Yên (1885-1887)”, Ngô Văn Hòa dịch, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 6 (207), tr. 34.



6. Charles Fourniau (1983), Les contacts Franco - Vietnamiens en Annam et au Tonkin de1885 à 1896, Thèse de Doctorat d’Etat Université de Provence - Institut d’Histoire des Pays d’Outre – Mer, tr. 2512.






tải về 33.24 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương