CƠ SỞ DỮ liệu về viện trợ phát triểN (DAD việt nam) Kết quả hiện tại và Chặng đường tương lai



tải về 0.59 Mb.
trang1/5
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích0.59 Mb.
#15283
  1   2   3   4   5



CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ

VIỆN TRỢ PHÁT TRIỂN

(DAD VIỆT NAM)
Kết quả hiện tại và

Chặng đường tương lai

Hội nghị giữa kỳ Nhóm Tư vấn các nhà tài trợ
Nha Trang, 9-10 tháng 6, 2006

Lời tựa

Kể từ khi khai trương vào tháng 10 năm 2005, Cơ sở Dữ liệu Viện trợ Phát triển Việt Nam – DAD Việt Nam – đã bước những bước chập chững đầu tiên hướng đến mục tiêu trở thành một cơ sở dữ liệu trực tuyến toàn diện để theo dõi nguồn vốn viện trợ ODA ở Việt Nam.

Xét trên nhiều khía cạnh, đây là một quá trình đầy thử thách song cũng đạt được nhiều tiến bộ đáng kể. Một mặt, Chính phủ với sự hỗ trợ của UNDP đã quyết tâm triển khai các giải pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo sự ổn định của hệ thống và khắc phục những khó khăn về kết nối trong thời gian đầu. Mặt khác, Chính phủ cũng đã chỉ đạo thành công quá trình cập nhật số liệu, mà cho tới nay đã thu hút được 49 tổ chức tài trợ và 157 cá nhân làm đầu mối cập nhật thông tin từ các tổ chức này.

Chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với mọi thành viên đã đóng góp tích cực cho sự hình thành và phát triển của hệ thống DAD. Nhờ có họ mà DAD Việt Nam đã đạt được những thành tựu khả quan bước đầu, và điều này rõ ràng đã thể hiện sự quan tâm cũng như những cam kết mạnh mẽ của tất cả các bên trong việc hướng đến một hệ thống điều phối và quản lý viện trợ hiệu quả hơn.

Thách thức đặt ra trong những tháng tới đây sẽ bao gồm việc củng cố chất lượng cũng như độ tin cậy của hệ thống thông qua hoạt động kiểm định lại giá trị số liệu, đồng thời nâng cao sự hiểu biết và mức độ sử dụng DAD cho các đối tượng khác nhau, bao gồm cả các cơ quan quản lý ODA tổng hợp của Chính phủ.

Chúng tôi tin tưởng rằng, với mức độ cam kết mà chúng ta đã được chứng kiến cho đến nay, các thách thức này sẽ sớm được giải quyết sau Hội nghị CG giữa kỳ 2006. Trên tinh thần đó, chúng tôi rất vui mừng được giới thiệu ra Hội nghị lần này báo cáo về DAD Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng ấn phẩm này sẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn về ứng dụng DAD cũng như những tiềm năng của nó với tư cách là một công cụ góp phần nâng cao năng lực của Chính phủ trong việc báo cáo về các hoạt động thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA ở Việt Nam, ủng hộ những nỗ lực của Chính phủ trong quá trình hiện đại hóa nền hành chính cũng như giúp triển khai thực hiện chương trình nghị sự về nâng cao hiệu quả viện trợ ở Việt Nam.



Một lần nữa, nhân dịp này chúng tôi cũng xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với sự hỗ trợ và cam kết của tất cả mọi cá nhân và tổ chức trong nước cũng như các nhà tài trợ đã hỗ trợ cho DAD Việt Nam. Nếu không có sự hợp tác quý báu của họ từ trước đến nay cũng như trong tương lai, hẳn sản phẩm của mối quan hệ đối tác này đã không thể trở thành hiện thực.







TS. Cao Viết Sinh

Thứ trưởng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Mr. Subinay Nandy

Quyền Đại diện Thường trú

Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc


MỤC LỤC



Tóm tắt Tổng quan 1

Chương 1. Lời giới thiệu 2

Chương 2. Thông tin chung 2

2.1. Từ DCAS đến DAD: Tích hợp các Hệ thống Báo cáo ODA ở Việt Nam 2

2.2. Vì sao cần có DAD? Nhu cầu về một công nghệ tốt hơn trong thời đại Thông tin 3

Chương 3. DAD – Từ Khái niệm đến thực tế 3

3.1. DAD Việt Nam là một công cụ hữu ích để theo dõi nguồn vốn ODA 3

3.2. Cải thiện tính minh bạch và việc tiếp cận với thông tin về ODA 3

3.3. Nâng cao năng lực phân tích về nguồn vốn ODA 4

3.4. Nâng cao hiệu quả quản lý ODA 4

Chương 4. Đưa DAD vào hoạt động 4

4.1. Cài đặt Kỹ thuật cho DAD: Những điểm tiến bộ và hạn chế 4

4.2. Bộ phận hỗ trợ DAD: Hỗ trợ và đào tạo sử dụng DAD 5

Chương 5. Các nhà tài trợ và DAD: Quan hệ đối tác và cam kết của họ đóng vai trò then chốt 5

Chương 6. Quản lý dữ liệu trong DAD Việt Nam 6

6.1. Thông tin về các bên liên quan 7

6.2. Thông tin tài chính 7

6.3. Thông tin ODA phân loại theo ngành, lĩnh vực và phân bố địa lý 10

6.4. Thông tin về sản phẩm đầu ra 10

Chương 7. Chất lượng và giá trị của số liệu 11

7.1. Kiểm định và rà soát các dữ liệu hiện có trong DAD 11

7.2 Một số nhà tài trợ vẫn chưa cập nhật số liệu 11

Chương 8. Tương lai của DAD: Thách thức và Cơ hội 12

8.1 Đẩy mạnh vai trò làm chủ của cả Chính phủ cũng như các nhà tài trợ đối với hệ thống DAD 12

8.2 DAD phục vụ mục tiêu Chính phủ điện tử 12

8.3 DAD và Chương trình nghị sự Nâng cao Hiệu quả Việt trợ 13


Biểu, Bản đồ và Phụ lục
Biểu:

Biểu 1: 10 Nhà tài trợ vốn ODA đứng đầu tính theo mức giải ngân ODA giai đoạn 2004-2005

Biểu 2: 10 cơ quan hưởng lợi đứng đầu tính theo mức giải ngân ODA giai đoạn 2004-2005

Biểu 3: Tổng mức vốn ODA ký kết giai đoạn 1993-2005

Biểu 4: Tổng mức vốn ODA giải ngân giai đoạn 1993-2005

Biểu 5: Tổng mức vốn ODA ký kết và giải ngân giai đoạn 1993-2005

Biểu 6: Tổng mức vốn ODA giải ngân phân theo tính chất nguồn vốn giai đoạn 1993-2005

Biểu 7: 10 ngành có mức giải ngân ODA đứng đầu giai đoạn 2004-2005

Biểu 8: Số lượng các dự án phân theo Kết quả đối chiếu với VDG, 2004-2005
Bản đồ:

Bản đồ 1: Số lượng dự án phân theo vùng lãnh thổ giai đoạn 1993-2005


Phụ lục:

Phụ lục 1: Tình hình cập nhật và kiểm tra thông tin của các nhà tài trợ vào DAD tính đến 30 tháng 5 năm 2006

Phụ lục 2: Mức ký kết và giải ngân ODA phân theo nguồn vốn tài trợ, giai đoạn từ 2004 đến tháng 5 năm 2006

Phụ lục 3: Số dự án và số liệu giải ngân phân theo loại hình cơ quan tài trợ và loại cơ quan đối tác Việt Nam giai đoạn từ 2004 đến tháng 5 năm 2006

Phụ lục 4: Ký kết và Giải ngân ODA phân theo loại hình viện trợ và tính chất nguồn vốn - 5 tháng đầu năm 2006
Phụ lục 5: 5 dự án đang thực hiện đứng đầu về tổng vốn đầu tư, 5 tháng đầu năm 2006

Phụ lục 6: Ký kết và Giải ngân ODA theo ngành, giai đoạn 2004 đến tháng 5 năm 2006



Phụ lục 7: Đóng góp của các nhà tài trợ vào các chương trình mục tiêu của Chính phủ giai đoạn 2004 đến tháng 5 năm 2006

Danh mục từ viết tắt

ADB

Ngân hàng Phát triển Châu Á

AECI

Cơ quan Hợp tác Quốc tế của Tây Ban Nha

AFD

Cơ quan Phát triển của Pháp

AUSAID

Cơ quan Phát triển Quốc tế của Úc

Bộ KH& ĐT

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

CG

Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam

CIDA

Cơ quan Phát triển Quốc tế Canada

DAC

Ủy ban Viện trợ Phát triển của OECD

DAD

Cơ sở dữ liệu về Viện trợ phát triển

DANIDA

Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch

DCAS

Hệ thống Phân tích Hợp tác Phát triển

DCR

Báo cáo Hợp tác Phát triển

DfID

Bộ Phát triển Quốc tế Anh

EC

Ủy ban châu Âu

FAO

Tổ chức Nông Lương thế giới

GEF

Hỗ trợ môi trường toàn cầu

GTZ

Cơ quan Hợp tác kỹ thuật của Đức

HCS

Cam kết Hà Nội

IAEA

Công ty Năng lượng Nguyên tử Quốc tế

IDM

Công nghệ Quản lý dữ liệu thông minh

ILO

Tổ chức Lao động quốc tế

IOM

Tổ chức Di cư quốc tế

ISP

Nhà cung cấp dịch vụ Internet

IT

Công nghệ thông tin

JBIC

Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản

JICA

Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản

KfW

Ngân hàng Tái thiết Đức

KOICA

Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc

KTĐN

Vụ Kinh tế Đối ngoại

MOF

Bộ Tài chính

NORAD

Cơ quan Hợp tác Phát triển Na Uy

NZAID

Cơ quan Phát triển Quốc tế Niu Di Lân

ODA

Hỗ trợ Phát triển Chính thức

OECD

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế

PGAE

Nhóm Quan hệ đối tác về Hiệu quả viện trợ

PMU

Ban Quản lý Dự án

SDC

Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thuỵ Sĩ

SECO

Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sĩ

SIDA

Cơ quan Hợp tác Phát triển quốc tế Thuỵ Điển

UNAIDS

Chương trình Liên Hợp quốc về HIV/AIDS

UNDP

Chương trình Phát triển Liên hợp Quốc

UNESCO

Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc

UNFPA

Quỹ dân số Liên hợp quốc

UNHCR

Cao Uỷ Liên hợp quốc về người tị nạn

UNICEF

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc

UNIDO

Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc

UNODC

Cơ quan Phòng chống Ma tuý và Tội phạm Liên hợp quốc

UNV

Tình nguyện viên Liên hợp quốc

USAID

Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ

USD

Đô-la Mỹ

V-HAP

Kế hoạch Hành động về Hài hòa thủ tục của Việt Nam

WB/IDA

Ngân hàng Thế giới / Hiệp hội Phát triển Quốc tế

WHO

Tổ chức Y tế Thế giới






Tóm tắt Tổng quan

Cơ sở dữ liệu về Viện trợ Phát triển Việt Nam – DAD Viet Nam – là một ứng dụng mạng nhằm thu thập các thông tin trực tuyến cập nhật nhất về nguồn vốn Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) và cung cấp những công cụ phân tích toàn diện về dữ liệu ODA.

Cơ sở dữ liệu DAD đã được đưa lên mạng và có thể truy cập một cách dễ dàng bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt tại địa chỉ trang web http://dad.mpi.gov.vn.

DAD Việt Nam là một sáng kiến chung của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) ở Việt Nam. Hệ thống này hỗ trợ những nỗ lực của Chính phủ nhằm hiện đại hóa nền hành chính quốc gia, góp phần tăng cường năng lực phân tích và báo cáo về ODA, nâng cao chất lượng công tác quản lý viện trợ và giúp cả hai phía Chính phủ và nhà tài trợ thực hiện những cam kết được nêu trong Tuyên bố Paris và Cam kết Hà Nội về Hiệu quả viện trợ.

DAD Việt Nam do Vụ Kinh tế Đối ngoại (KTĐN) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) quản lý. Hệ thống này được xây dựng trên cơ sở những nỗ lực từ trước tới nay của Chính phủ trong hoạt động quản lý viện trợ và từ kết quả của hoạt động báo cáo của UNDP về tình hình thu hút và sử dụng ODA tại Việt Nam trong hơn 10 năm vừa qua được thể hiện tại Hệ thống Phân tích Hợp tác Phát triển (DCAS) và đưa vào Báo cáo Hợp tác Phát triển (DCR) mà UNDP vẫn xuất bản hàng năm.

Hệ thống này cũng được xây dựng trên cơ sở kinh nghiệm của công ty Synergy International Systems Inc. trong lĩnh vực phát triển và hỗ trợ tin học cho DAD tại 20 quốc gia có hợp tác với UNDP về ứng dụng phần mềm này.

Hiện nay có khoảng 49 tổ chức tài trợ đang hợp tác với DAD Việt Nam. Các tổ chức này đã và đang cập nhật thông tin vào DAD thông qua 157 đầu mối thông tin của họ.

Những đầu mối này có trách nhiệm thay mặt cho tổ chức của mình cập nhật thường xuyên các thông tin về các dự án ODA do tổ chức mình tài trợ tại Việt Nam lên mạng DAD. Một khi các số liệu này được cập nhật, chúng lập tức sẽ xuất hiện ngay trên trang Web DAD.

Để triển khai việc cung cấp cho DAD các thông tin cập nhật mới nhất và có được bộ số liệu cập nhật đầu tiên cho hội nghị CG giữa kỳ năm 2006 cũng như các cuộc họp khác có liên quan đến nội dung hiệu quả viện trợ, Chính phủ đã xúc tiến hoạt động yêu cầu các nhà tài trợ tiến hành nhập liệu “cấp tốc” trong vài tháng gần đây.

Sau những nỗ lực ban đầu này, việc cập nhật định kỳ cho DAD Việt Nam cần phải trở thành một công việc thường nhật đối với các nhà tài trợ.

Cho đến nay, có ít nhất 38 cơ quan tài trợ đã tích cực tham gia cập nhật các dự án ODA của mình vào DAD Việt Nam. Một số kết quả ban đầu từ hoạt động nói trên đã được nêu trong bản báo cáo này, mặc dù các số liệu có tính chất tạm thời và minh hoạ là chủ yếu do cơ sở dữ liệu DAD cũng chỉ mới được bắt đầu đưa vào sử dụng.

Ngoài phạm vi bản thân số liệu, những thông tin ban đầu được tập hợp trong DAD Việt Nam rõ ràng cho thấy sự cam kết mạnh mẽ của cả Chính phủ và cộng đồng các nhà tài trợ trong việc tiến tới một hệ thống báo cáo ODA đợc điều phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả cao hơn.

Ở giác độ này, tiềm năng của DAD với tư cách là một công cụ quản lý viện trợ tích hợp có thể hỗ trợ việc theo dõi thực hiện các khía cạnh khác nhau của hoạt động nâng cao hiệu quả viện trợ đã được công nhận rộng rãi và cần phải được tiếp tục triển khai nhiều hơn nữa trong tương lai.

Chương 1. Lời giới thiệu

Cơ sở dữ liệu về viện trợ phát triển - DAD Việt Nam – bắt đầu được triển khai từ tháng 10 năm 2005, khi dự án DAD chính thức ra đời.

Kể từ thời điểm này, DAD đã vượt qua được một số khó khăn kỹ thuật ban đầu về tốc độ kết nối để trở thành một công cụ hữu ích và được công nhận cho việc theo dõi trực tuyến các số liệu về ODA. DAD cũng đã thành công trong việc thu hút các nhà tài trợ tham gia cập nhật số liệu. Tới thời điểm này, những thông tin đã được đưa vào DAD rất phong phú và hứa hẹn nhiều tiềm năng có thể sử dụng cho các mục đích khác nhau trong tương lai gần.

Báo cáo này được xây dựng với mục tiêu không chỉ là trình bày quá trình phát triển của hệ thống DAD, nêu rõ những thành tựu đạt được mà còn để giải thích các vấn đề vướng mắc và thách thức trong giai đoạn này.

Báo cáo cũng đưa ra giải thích và một số ví dụ cụ thể về những kết quả thu được từ quá trình nhập số liệu được tiến hành từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2006.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng khi xem xét báo cáo vào thời điểm này nên chú trọng đến việc thể hiện các khả năng hiện thời của hệ thống chứ thay vì bản thân các số liệu, vì quá trình xác minh các số liệu này hiện vẫn đang tiếp diễn. Một khi việc xác minh số liệu hoàn tất và khi các bên liên quan cảm thấy yên tâm hơn với chất lượng của số liệu thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xây dựng một báo cáo toàn diện hơn về nguồn vốn ODA.

Chương 2. Thông tin chung

2.1. Từ DCAS đến DAD: Tích hợp các Hệ thống Báo cáo ODA ở Việt Nam

Việc sử dụng cơ sở dữ liệu để theo dõi các thông tin cơ bản về ODA ở Việt Nam đã được khởi xướng ngay từ Hội nghị tài trợ cho Việt Nam đầu tiên được tổ chức tại Paris năm 1993.

Vào thời điểm đó, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đã được giao nhiệm vụ thu thập thông tin ODA từ các nhà tài trợ và xây dựng báo cáo hàng năm về nguồn vốn viện trợ phát triển cho Việt Nam.

Để triển khai công việc nói trên, UNDP tại Việt Nam đã xây dựng Hệ thống Phân tích Hợp tác Phát triển (DCAS) để thu thập và phân tích các dữ liệu ODA. Thông tin này được công bố hàng năm trong Báo cáo Hợp tác Phát triển (DCR), trong đó có các số liệu thống kê cơ bản về Việt Nam, tổng quan về nguồn vốn ODA và một danh mục các dự án ODA đang được thực hiện và được đề xuất. Báo cáo thường được công bố vào Hội nghị CG giữa kỳ vào tháng 6, cung cấp cho cộng đồng các nhà tài trợ và Chính phủ nhiều thông tin có giá trị về việc thực hiện ODA ở Việt Nam.

Hạn chế căn bản của hệ thống DCAS này là thời gian kéo dài hơn 1 năm kể từ thời điểm cung cấp dữ liệu báo cáo đến thời điểm thông tin được xuất bản.

Song song với hệ thống của UNDP, Chính phủ cũng duy trì việc theo dõi ODA thông qua một hệ thống báo cáo riêng. Phòng Tổng hợp thuộc Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ KH&ĐT) đã xây dựng và đang tiếp tục duy trì một cơ sở dữ liệu về thông tin ODA dựa trên phần mềm Excel.

Hệ thống này tập hợp thông tin về tình hình thực hiện các dự án ODA cơ bản từ các tài liệu chính thức của các cơ quan chủ quản và Ban Quản lý Dự án (PMU). Mặc dù hệ thống nói trên có thể theo dõi được số liệu ODA ký kết từ trước đến nay, song nó lại thường thiếu các số liệu đáng tin cậy được cập nhật về tình hình thực hiện và giải ngân dự án.

Bên cạnh những hạn chế riêng của mỗi một hệ thống, hai bộ số liệu riêng biệt do hai hệ thống này tạo ra cũng dẫn đến sự trùng lặp trong báo cáo đồng thời tạo ra những hiểu nhầm trong trường hợp nảy sinh những khác biệt về tổng số vốn ODA được báo cáo.

Trong năm 2005, sự ra đời của Tuyên bố Paris và phiên bản được nội địa hóa của Tuyên bố này, vẫn được biết đến dưới tên gọi Cam kết Hà Nội về Nâng cao Hiệu quả Viện trợ (HCS) đã tuyên bố một cách công khai và chính thức cam kết của các nhà tài trợ trong việc cung cấp thông tin về ODA cho Chính phủ. Đồng thời, những văn bản này đã giúp tạo ra một khuôn khổ để thực hiện mục tiêu dài hạn mà Chính phủ đặt ra là hoàn toàn chịu trách nhiệm về hoạt động báo cáo về nguồn vốn ODA sử dụng cho Việt Nam.

Nhằm hỗ trợ cho những nỗ lực của Chính phủ trong lĩnh vực này, UNDP đã tiếp cận với Vụ KTĐN vào tháng 4/2005 để trình bày về DAD, một công cụ theo dõi ODA đã được triển khai thành công tại nhiều nước với sự hỗ trợ của các Văn phòng Quốc gia UNDP trong những năm qua. Tháng 5/2005, Vụ KTĐN đã khẳng định về sự quan tâm của Chính phủ với hệ thống này và cả hai cơ quan sau đó đã hợp tác xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện Cơ sở dữ liệu DAD.

Ngày 3/10/2005, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh đã chủ trì lễ khai trương DAD Việt Nam. Buổi lễ cũng đã đánh dấu việc bàn giao cơ sở dữ liệu DCAS, các tài liệu có liên quan được UNDP lưu trữ từ trước đến nay, đồng thời chuyển giao chính thức trách nhiệm báo cáo về nguồn vốn ODA từ UNDP sang cho Chính phủ Việt Nam.

2.2. Vì sao cần có DAD? Nhu cầu về một công nghệ tốt hơn trong thời đại Thông tin

Khi xem xét các vấn đề kỹ thuật mà DCAS gặp phải trong năm 2004 và những hạn chế về kỹ thuật của cả hai cơ sở dữ liệu của UNDP và Vụ KTĐN, cả UNDP và Chính phủ đều nhận thức được nhu cầu cần phải tích hợp được giữa cơ sở dữ liệu cập nhật và công nghệ Internet vào hệ thống mới này.

Trên cơ sở đó, ứng dụng DAD đã được xây dựng để đáp ứng yêu cầu này. Nó cũng cho thấy một bước tiến đáng kể về mặt công nghệ so với các hệ thống dữ liệu về ODA trước đây.



Trước hết, đây là một ứng dụng cơ sở dữ liệu trên mạng Internet có tính năng rất mạnh. Thứ hai, nó cho phép các nhà tài trợ nhập và kiểm tra độ chính xác của thông tin được nhập ngay tại chỗ và ngay lập tức. Cuối cùng, DAD Việt Nam cung cấp những công cụ báo cáo linh hoạt để giúp truy cập và phổ biến thông tin tức thời.

Với những tính năng này, hệ thống DAD Việt Nam cho phép người sử dụng và công chúng nói chung có thể truy cập nhanh chóng và không hạn chế các thông tin chi tiết về việc sử dụng nguồn vốn ODA.

Chương 3. DAD – Từ Khái niệm đến thực tế

Được phát triển bởi Công ty Synergy International Systems Inc. và dựa trên Công nghệ nguồn có tên gọi Quản lý Số liệu Thông minh (IDM), DAD được xây dựng thành một hệ thống quản lý và điều phối viện trợ hiện nay đang được áp dụng với sự hỗ trợ của UNDP ở trên 20 quốc gia đang phát triển và trong giai đoạn chuyển đổi.

Những nước sử dụng DAD gần đây nhất là bốn nước bị ảnh hưởng bởi sóng thần (Indonesia, Maldives, Sri Lanka, Thái Lan), cùng với Ấn Độ và Pakistan.

Ở một số nước này, DAD không chỉ có vai trò là một công cụ điều phối viện trợ, mà còn đảm nhiệm những chức năng theo dõi thực hiện và báo cáo kết quả dự án. Ở một số nước khác, DAD còn được sử dụng để giám sát hệ thống chi tiêu công. Ngoài ra, ở Pakistan, DAD còn được xây dựng để trở thành công cụ giám sát thực hiện các chỉ số được nêu trong Tuyên bố Paris.

3.1. DAD Việt Nam là một công cụ hữu ích để theo dõi nguồn vốn ODA

Ở Việt Nam, dựa trên cấu trúc và yêu cầu thông tin của các hệ thống số liệu ODA hiện có, cụ thể là của DCAS và cơ sở dữ liệu của Vụ KTĐN - Bộ KH&ĐT, từ ứng dụng chuẩn DAD, DAD Việt Nam đã được cải biến nhằm cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách và các bên quan tâm khác các thông tin cập nhật và báo cáo toàn diện về nguồn vốn ODA thông qua các khía cạnh phân tích đa dạng, góp phần nâng cao chất lượng của công tác quản lý ODA, thúc đẩy hài hòa thủ tục và giúp nhà tài trợ tuân thủ theo chiến lược và kế hoạch phát triển của Chính phủ.

DAD Việt Nam rõ ràng giúp cải thiện tính minh bạch trong việc tiếp cận với thông tin về ODA, giúp Chính phủ và các nhà tài trợ nâng cao khả năng phân tích hoạt động thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA, cũng như tăng cường hiệu quả quản lý nguồn lực này.

3.2. Cải thiện tính minh bạch và việc tiếp cận với thông tin về ODA

Tuyên bố Paris và Cam kết Hà Nội đã đưa ra một khuôn khổ rõ ràng trong đó cả nhà tài trợ và các nước tiếp nhận viện trợ đều có trách nhiệm cung cấp và chia sẻ những thông tin cập nhật về nguồn vốn ODA.

DAD Việt Nam cung cấp cho Chính phủ một công cụ để thực hiện được cam kết của mình trong việc nâng cao khả năng tiếp cận của công chúng đối với thông tin ODA và giải quyết những mối quan ngại có thể nảy sinh liên quan đến tính minh bạch.

Ngoài ra, hệ thống cũng thể hiện một bước đi cụ thể nhằm hỗ trợ cho các nỗ lực của Chính phủ trong quá trình hiện đại hoá nền hành chính công, và các nỗ lực vươn tới một Chính phủ điện tử.

Là một chương trình ứng dụng trên mạng mà về cơ bản bao quát được toàn bộ hoạt động viện trợ ở Việt Nam, DAD cho phép truy cập trực tiếp và công khai đối với những thông tin cập nhật nhất về ODA, đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng về việc nâng cao trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực này.

DAD cũng giải quyết được vấn đề thiếu thông tin chi tiết, chính xác và cập nhật về tình hình ký kết và giải ngân ODA, bên cạnh các thông tin khác.

3.3. Nâng cao năng lực phân tích về nguồn vốn ODA

DAD Việt Nam giúp Chính phủ và các đối tác phát triển nắm được những dữ liệu quan trọng nhất về việc phân bổ ODA theo từng nhà tài trợ và theo từng dự án cụ thể.

Những loại thông tin được thu thập và cập nhật vào DAD rất giống với những loại thông tin đã có trong những hệ thống dữ liệu ODA trước kia, nhưng ở một mức độ toàn diện hơn. Chi tiết cụ thể về vấn đề này được nêu trong Chương 61.

Không chỉ dừng lại ở việc thu thập số liệu đơn thuần, DAD Việt Nam còn giúp cho hoạt động theo dõi và phân tích số liệu phục vụ mục tiêu lập kế hoạch và đánh giá tình hình thực hiện ODA thông qua nhiều công cụ phân tích, như truy vấn, báo cáo, bảng biểu và thông tin phân theo các vùng địa lý. Người sử dụng còn có thể lọc, nhóm hay phân loại dự án theo từng tiêu chí hoặc một nhóm các tiêu chí tùy theo yêu cầu và lựa chọn của mình.

Tất cả những chức năng này đều giúp cho việc quản lý số liệu phục vụ hoạt động báo cáo và phân tích ODA, qua đó giúp người sử dụng DAD phân tích tốt hơn những thông tin hiện có về ODA, từ đó nâng cao chất lượng báo cáo và giúp cho quá trình ra quyết định dựa trên cơ sở chất lượng thông tin tốt hơn.

3.4. Nâng cao hiệu quả quản lý ODA

Với tư cách là một hệ thống báo cáo về hoạt động quản lý viện trợ, DAD Việt Nam được thiết kế đặc biệt để hỗ trợ quá trình hài hòa thủ tục và tuân thủ trong khuôn khổ các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả viện trợ.

Trên thực tế, DAD Việt Nam chính là một công cụ rất thiết thực để giúp biến những cam kết cơ bản của Tuyên bố Paris và Cam kết Hà Nội (HCS) về Hiệu quả viện trợ cũng như Kế hoạch Hành động về Hài hòa Thủ tục của Việt Nam (V-HAP) trở thành hiện thực.

Có thể coi DAD là bước hành động thực tế đầu tiên tiến tới thực hiện cam kết đối tác số 24 của HCS về việc xây dựng các biện pháp thiết thực nhằm khuyến khích hài hòa, sự tuân thủ và quản lý dựa trên kết quả.

DAD Việt Nam còn đóng góp trực tiếp cho việc thực hiện cam kết đối tác số 28 của HCS về trách nhiệm giải trình chung trong hoạt động báo cáo.

“Nhà tài trợ cung cấp các thông tin kịp thời, minh bạch và toàn diện về nguồn vốn viện trợ và các chương trình dự kiến để giúp cho Chính phủ Việt Nam trình bày được các báo cáo ngân sách toàn diện cho Quốc hội và người dân, đồng thời điều phối công tác viện trợ một cách hiệu quả hơn”

Cam kết Hà Nội

Về lâu dài, DAD Việt Nam được mong đợi sẽ góp phần làm giảm chi phí giao dịch trong việc thu thập các số liệu cần thiết phục vụ hoạt động báo cáo về các nguồn vốn ODA cho Việt Nam.

Đồng thời, DAD cũng sẽ giúp triển khai việc thực hiện cam kết số 16 của HCS về nâng cao khả năng dự đoán trước được của viện trợ trong tương lai.

Nhìn chung, việc có được những thông tin cập nhật về ODA sẽ giúp nâng cao hiệu quả và tính đúng đắn của các quyết định có liên quan đến việc phân bổ các nguồn lực ODA khan hiếm đến đúng những nơi thực sự cần đến những nguồn lực này.

Chương 4. Đưa DAD vào hoạt động

4.1. Cài đặt Kỹ thuật cho DAD: Những điểm tiến bộ và hạn chế

Trên cơ sở những khuyến nghị từ công tác đánh giá nhu cầu ban đầu tiến hành vào tháng 7/2005, ứng dụng DAD tiêu chuẩn đã được điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực tế của Việt Nam và sau đó đến tháng 9 được cài đặt vào hai máy chủ đặt tại Trung tâm tin học của Bộ KH&ĐT.

Tháng 11 năm 2005, DAD Việt Nam bắt đầu gặp phải một số trục trặc kỹ thuật do đường truyền kết nối Internet bị hạn chế về tốc độ. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động thường xuyên của hệ thống và khiến quá trình nhập số liệu phải bị gián đoạn.

Những vấn đề kỹ thuật đầu tiên được giải quyết xong vào đầu năm 2006, khi các máy chủ DAD được chuyển sang một Nhà cung cấp Dịch vụ Internet (ISP) ở bên ngoài. Việc chuyển dịch này cũng đã giúp cải thiện được chất lượng của dịch vụ kết nối và đảm bảo cho hệ thống hoạt động bình thường.

Kết quả là DAD sau đó đã hoạt động ổn định với tốc độ kết nối tốt và đảm bảo được hoạt động hệ thống bình thường.

Hiện tại, vân cần phải giải quyết một số thách thức về hạn chế tốc độ mà một số nhà tài trợ và các cơ quan Chính phủ gặp phải do những cài đặt Internet của bản thân các tổ chức này. Để khắc phục vấn đề nêu trên, DAD đã xây dựng và đưa lên mạng một cẩm nang hướng dẫn kỹ thuật về cài đặt hệ thống cho các đối tượng sử dụng. Tuy vậy, vấn đề này vẫn cần tiếp tục được xem xét và giải quyết trong những tháng tới đây.

Đi đôi với quá trình này, Bộ KH&ĐT đã sơ bộ rà soát lại và phân loại các dữ liệu cũ của DCAS với mục tiêu làm cho cơ sở dữ liệu DAD dễ quản lý và dễ sử dụng hơn. Theo kế hoạch thì công việc này sẽ tiếp tục trong thời gian tới để củng cố những tiến bộ đạt được cho đến thời điểm này.

4.2. Bộ phận hỗ trợ DAD: Hỗ trợ và đào tạo sử dụng DAD

Bộ phận hỗ trợ DAD cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho nhiều tổ chức tài trợ và cơ quan Chính phủ khác nhau trong quá trình làm việc với DAD, cũng như trợ giúp cho công chúng nói chung có quan tâm đến việc sử dụng ứng dụng này.

Trong thời gian vừa qua, nhóm nhân viên hỗ trợ DAD đã hoạt động rất tích cực để thu thập và trả lời các ý kiến phản hồi từ các tổ chức tài trợ tham gia vào hoạt động cập nhật DAD. Nhóm cũng làm việc rất tích cực để đáp ứng những yêu cầu khác nhau liên quan đến việc cải tiến giao diện của DAD.

Dưới sự giám sát của Nhóm Quản trị DAD, bộ phận hỗ trợ DAD đã tiến hành cấp quyền cập nhật dữ liệu cho các cán bộ đầu mối thông tin của các tổ chức tài trợ đã đăng ký sử dụng DAD cũng như giải quyết các yêu cầu từ các tổ chức tài trợ chưa đăng ký song lại muốn cung cấp thông tin cho DAD.

Ngoài ra, bộ phận hỗ trợ DAD còn tiến hành hàng loạt hoạt động đào tạo nhằm nâng cao năng lực hiểu biết cũng như kỹ năng sử dụng và cập nhật DAD.

Cho đến nay, Bộ KH&ĐT đã tổ chức một số khóa đào tạo khác nhau, trong đó có một khóa cho các đối tượng thuộc Vụ KTĐN của Bộ KH&ĐT, một khóa cho nhóm Quản trị trang web DAD và một khoá cho các đầu mối thông tin của các nhà tài trợ. Tất cả các khóa này đều được tổ chức vào tháng 10/2005. Mục tiêu của các khóa học nói trên là tiến hành đào tạo cơ bản về ứng dụng DAD nhằm đảm bảo cho người học có những hiểu biết cơ bản về logic và cách thức hoạt động của hệ thống DAD, đồng thời giới thiệu một số thủ thuật liên quan đến việc cập nhật các dự án đồng tài trợ.

Sau khi DAD được khai trương trở lại vào cuối tháng 3/2006, một phiên giải đáp kỹ thuật dành cho các Đầu mối cung cấp thông tin của các nhà tài trợ cũng đã được tổ chức để giải đáp các thắc mắc liên quan đến DAD, chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động của DAD và đồng thời xác định các vấn đề có thể nảy sinh trong quá trình cập nhật dữ liệu.

Đồng thời, cùng với Synergy, bộ phận hỗ trợ DAD cũng đã xây dựng một bộ tài liệu hướng dẫn cho người sử dụng trong đó có giải thích chi tiết về các thuật ngữ được sử dụng trong DAD, quy trình nhập dữ liệu, cài đặt máy tính cũng như các câu hỏi thường gặp hữu ích khác.

Quá trình này đi đôi với các hoạt động đào tạo riêng lẻ khác cho các nhà tài trợ liên quan đến DAD Việt Nam. Hoạt động hỗ trợ này được cung cấp theo yêu cầu và diễn ra vào bất kỳ thời điểm nào theo yêu cầu của các cơ quan tài trợ.

Một khi quá trình hỗ trợ ban đầu cho các nhà tài trợ hòan tất, bộ phận hỗ trợ DAD dự kiến sẽ triển khai tập huấn cho các cơ quan Chính phủ khác nhau, trong đó có các cơ quan đầu mối quản lý viện trợ như Bộ KH&ĐT hay Bộ Tài chính.



Các bên muốn đăng ký tham gia DAD hoặc nhận được bất kỳ dịch vụ nào đã nói tới ở trên, đề nghị liên lạc với bộ phận hỗ trợ DAD.


tải về 0.59 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương