Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 12/3/2008 – Bài Giáo Lý 69 trong loạt bài về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền liên quan tới các vị Giáo Phụ Boethius và Cassiodorus



tải về 25.53 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu26.04.2018
Kích25.53 Kb.
#37178

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 12/3/2008 – Bài Giáo Lý 69 trong loạt bài về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền liên quan tới các vị Giáo Phụ Boethius và Cassiodorus

Anh Chị Em thân mến,
Hôm nay, tôi muốn nói về hai tác giả của hội thánh là Boethius và Cassiodorus, những vị đã sống vào những năm giao động nhất ở Kitô giáo Tây phương và đặc biệt là ở bán đảo Ý quốc. Odoacer là Vua của người Rugian, một giòng giống Đức quốc, đã nổi loạn, chấm dứt Đế Quốc Rôma bên Tây phương (476 AD), thế nhưng trước đó không lâu ông đã bị sát hại bởi những người Ostrogoths của Theodoric là thành phần đã cai trị Bán Đảo Ý quốc mấy thập niên. Boethius, được vào đời ở Rôma vào khoảng năm 480 từ giòng dõi quí phái Anicius, tham gia vào hoạt động chính trị khi còn trẻ và vào năm 25 tuổi đã trở thành một nghị viên.
Trung thành với truyền thống của gia đình, ngài đã dấn thân hoạt động chính trị, tin tưởng rằng có thể hòa trộn cái cấu trúc nền tảng của xã hội Rôma với những giá trị của các dân tộc mới. Và trong thời điểm mới cho cuộc gặp gỡ về văn hóa này ngài đã cảm thấy vai trò của ngài trong việc hòa giải và làm cho hai thứ văn hóa này hợp lại với nhau, văn hóa Rôma cổ và văn hóa Ostrogoth mới xuất hiện. Bởi thế, ngài cũng tỏ ra chủ động về chính trị dưới thời Theodoric, nhân vật từ đầu đã coi trọng ngài. Cho dù có hoạt động chính trị, Boethius vẫn không lơ là với việc học hành của mình và dấn thân đặc biệt vào việc chiếm đạt một kiến thức sâu xa về những chủ đề triết học và tôn giáo. Tuy nhiên, ngài cũng đã viết những cuốn cẩm nang về đại số, hình học, nhạc lý và thiên văn, tất cả với ý định truyền đạt nền văn hóa lớn lao Hy La cho các thế hệ mới, cho các thời đại mới. Theo chiều hướng ấy, bằng việc dấn thân duy trì cuộc gặp gỡ của các nền văn hóa, ngài đã sử dụng các thứ triết lý Hy Lạp để trình bày đức tin Kitô giáo, cũng để tìm cách tổng hợp giữa gia sản Hy La với sứ điệp Phúc Âm. Chính vì thế Boethius được coi là nhân vật tiêu biểu cuối cùng của nền văn hóa cổ Rôma và là người đầu tiên trong giới trí thức Thời Trung Cổ.
Tác phẩm danh tiếng nhất của ngài thực sự là cuốn De Consolatione Philosophiae, được ngài viết trong tù để giúp vào việc giải thích cho việc bị giam cầm bất công của ngài. Thật vậy, ngài đã bị tố cáo là âm mưu chống lại Vua Theodoric khi vào hùa với người bạn Thượng Nghị Sĩ Albinus trong một vụ án. Thế nhưng đó chỉ là cái lý vậy thôi. Thực ra Vua Theodoric, một người thuộc bè rối Ario và là một người thô bạo, đã nghi ngờ là Boethius đang có cảm tình với Hoàng Đế Byzantine là Justinian. Boethius đã bị xử và lãnh án tử. Ngài đã bị hành quyết ngày 23/10/524, khi mới được 44 tuổi. Chính vì việc kết liễu thảm thương của mình mà ngài đã có thể cảm thấu nói về kinh nghiệm của ngài với con người đương thời, nhất là với đông đảo những ai đang trải qua cùng một số phận bởi cái bất công đầy giẫy nơi “công lý của con người”. Qua tác phẩm này, De Consolatione Philosophiae, ngài đã tìm kiếm niềm an ủi, ánh sáng soi và đức khôn ngoan trong ngục tù. Và ngài nói rằng chính ở trong tình trạng như thế mà ngài đã biết phân biệt giữa những sự thiện bề ngoài, những sự thiện biến mất trong ngục tù, với những sự thiện thực sự như tình thân hữu đích thực là những gì vẫn tồn tại dù trong tù ngục. Sự thiện cao quí nhất là Thiên Chúa: Boethius – và ngài dạy cho chúng ta điều này – đã biết làm sao để không bị chìm vào một thứ định mệnh thuyết làm dập tắt niềm hy vọng. Ngài dạy chúng ta rằng không phải là biến cố mà là Sự Quan Phòng mới chủ trị và Sự Quan Phòng này có một dung nhan. Có thể nói chuyện với Sự Quan Phòng, vì Sự Quan Phòng này là Thiên Chúa. Bởi vậy, ngay trong tù, ngài đã được cơ hội nguyện cầu, đối thoại với Đấng cứu độ chúng ta. Đồng thời, ngay cả ở trong tình trạng ấy, ngài đã giữ được cảm quan của ngài về vẻ đẹp của văn hóa và nhớ giáo huấn của các đại triết gia Hy La cổ, như Plato, Aristotle – ngài đã bắt đầu chuyển dịch những triết gia Hy Lạp này sang tiếng La Tinh – Cicero, Seneca, và những thi sĩ như Tibullus và Virgil.
Boethius chủ trương rằng triết lý, theo nghĩa tìm cầu sự khôn ngoan đích thực, thực sự là phương dược của linh hồn (Bk I). Ngoài ra, con người chỉ có thể cảm nghiệm thấy hạnh phúc đích thực trong nội tâm của mình mà thôi (Bk II). Boethius bởi thế tiến tục tìm kiếm ý nghĩa bằng việc nghĩ về thảm cảnh của mình theo chiều hướng của một bản văn khôn ngoan trong Cựu Ước (Wis 7:30-8:1) như được ngài trích dẫn: “Phản lại khôn ngoan thì sự dữ không thắng thế được. Khôn ngoan mãnh liệt vươn từ chân trời đến góc biển, và thiết định tất cả moị sự lớp lang” (Bk III, 12; PL 63, col. 780). Bởi thế, cái được gọi là thịnh vượng của thành phần gian ác trở thành những gì sai lầm (Bk IV), và bản chất quan phòng của số phận ngược lại adversa fortuna được đề cao. Những khó khăn của cuộc sống chẳng những cho thấy đời sống nhất thời và ngắn ngủi là dường nào, nhưng thậm chí lại giúp vào việc nhận thức và bảo trì những mối liên hệ chân thực nơi nhân loại. Adversa fortuna thực sự giúp cho có thể thấy được các thứ hữu nghị giả dối và làm cho người ta nhận thấy rằng không gì quí hóa đối với con người hơn là tình bạn chân thành. Việc chấp nhận số mệnh về một tình trạng khổ đau, như người tín hữu Boethius nói thêm, không phải là thiếu hiểm nguy, vì “nó loại trừ đi tận gốc rễ của nó chính khả năng nguyện cầu và niềm hy vọng thần học là những gì làm nên nền tảng cho mối liên hệ của con người với Thiên Chúa” (Bk V, 3: Pl 63, col. 842).
Phần cuối cùng của cuốn De Consolatione Philosophiae có thể được coi như là một tổng hợp toàn bộ giáo huấn được Boethius nói với chính mình cũng như với tất cả những ai rơi vào cùng hoàn cảnh với ngài. Bởi vậy ông đã viết ở trong tù rằng: “Vậy hãy chiến đấu với các tính xấu, dấn thân sống đời đức hạnh được soi dẫn bởi niềm hy vọng, một niềm hy vọng nâng tâm hồn lên cao cho đến khi nó đạt tới Trời bằng những lời nguyện cầu trong khiêm cung. Nếu các người phải từ khước gian dối, thì cái áp đặt các người phải chịu có thể biến thành cái lợi lớn lao khi luôn thấy trước mắt vị Thẩm Phán tối cao. Đấng thấy và biết những sự vật thật sự ra sao” (Bk V, 6; PL 63, col. 862). Hết mọi tù nhân, bất kể lý do tại sao họ bị ngục tù, đều cảm thấy nặng nề ra sao đối với tình trạng đặc biệt này của con người, nhất là khi nó bị đối xử bạo ngược, như đã xẩy ra cho Boethius – vị được thành phố Pavia nhìn nhận và cử hành theo phụng vụ như là một vị tử đạo vì đức tin – những tù nhân đã bị tra tấn đến chết chỉ vì những lý tưởng và niềm xác tín về chính trị và đạo giáo của mình. Boethius, tiêu biểu cho một số rất đông con người bị tù ngục bất công ở mọi thời đại và ở hết mọi nơi, thật sự là một lối vào chuẩn mức giúp cho việc chiêm ngắm Đấng Tử Giá mầu nhiệm trên Golgotha.
(lần sau về Marcus Aurelius Cassiodorus)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/audiences/2008/documents/hf_ben-xvi_aud_20080312_en.html


tải về 25.53 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương