“Bắt tay cùng tiến



tải về 31.98 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu28.11.2017
Kích31.98 Kb.
#34656
NỖI LO KHÁC CỦA MỸ LA TINH

Một khu vực chỉ nổi tiếng với vỡ nợ, phá sản, phải phá giá tiền tệ và dựa vào trợ giúp của các nước giàu để cứu vớt nền kinh tế, bỗng Mỹ Latinh khiến các nước ở Bắc Bán cầu Tây phải ghen tị với tốc độ tăng trưởng trên 4,5%. Tuy nhiên, Mỹ Latinh đang có những mối lo khác.

“Bắt tay" cùng tiến

Tờ New York Times cuối tuần qua cho biết, trong khi Mỹ và châu Âu vẫn chìm trong thâm hụt khổng lồ, thì kinh tế Mỹ Latinh đã bùng dậy, với sức mạnh đáng kinh ngạc. Nhu cầu quặng sắt, nhôm và vàng của châu Á tăng mạnh, cùng chính sách kiểm soát thâm hụt và kiềm chế lạm pháp ở mức thấp của một số quốc gia Mỹ Latinh, đã khuyến khích hoạt động đầu tư và tạo động lực tăng trưởng cho khu vực này.

Ngân hàng Thế giới (WB) và Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh & Caribe của Liên hợp quốc (CEPAL) đều đã nâng mức dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ Latinh lên tới 4,5% trong năm nay, gấp hai lần mức dự báo cho kinh tế Mỹ và 4 lần so với khu vực đồng euro, tăng 0,4% so với con số đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái. Thâm hụt ngân sách của Mỹ Latinh năm nay dự đoán ở mức 2,3% GDP, so với 6,8% của Eurozone và 10,6% của Mỹ; trong khi tổng nợ công của khu vực cũng chỉ bằng một nửa so với châu Âu và Mỹ

Mặc dù buôn bán ma tuý, di dân vẫn là những vấn đề làm mất uy tín của Mỹ Latinh, nhưng trong 20 năm qua khu vực này đã có sự chuyển mình một cách toàn diện và sự thay đổi vai trò kinh tế của Mỹ Latinh không phải là điều ngẫu nhiên. Brazil là một minh chứng rõ ràng khi nước này nổi lên là một cường quốc công nghiệp và nông nghiệp, giúp khoảng 30 triệu dân thoát nghèo. Brazil cũng đang trên đà đạt tốc độ tăng trưởng 7% trong năm nay. Tuy nhiên, không riêng Brazil, đa số các nước Mỹ Latinh như Uruguay, Chile và Panama, Argentina, Bolivia, Peru cũng đạt được thành tích này ở những mức độ khác nhau. Họ có những cơ sở nền tảng cho sự phát triển bền vững, đặc biệt là khía cạnh ổn định chính trị và cải cách tài chính, đối phó tốt với khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Kinh tế Venezuela giảm 5,8% trong quý I/2010 và Ecuador láng giềng có mức giảm thấp hơn chút ít là những ngoại lệ trong xu hướng chung ở Mỹ Latinh hiện nay.

Tăng trưởng của Mỹ Latinh đang thể hiện sự gắn kết với kinh tế châu Á, nơi Trung Quốc và các nền kinh tế khác đang tăng trưởng nhanh. Năm 2009, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Brazil và là bạn hàng lớn thứ hai của Venezuela và Colombia.

Thập niên Mỹ Latinh?

Một số nhà nghiên cứu về lịch sử thăng trầm kinh tế Mỹ Latinh cho rằng, tốc độ phục hồi nhanh chóng này có thể không bền vững, do một loạt nhân tố.

Trong giáo dục, Mỹ Latinh có thể tự hào với thành tích về phổ cập tiểu học, xóa mù chữ, tỷ lệ tốt nghiệp cấp ba và đỗ đại học ngày càng tăng. Tuy nhiên, khu vực này vẫn đứng gần cuối bảng trong các cuộc kiểm tra theo tiêu chuẩn quốc tế.

Gần như tất cả các nước Mỹ Latinh và Caribê đang trên con đường thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trong cải thiện việc tiếp cận nguồn nước sạch, nhưng hàng triệu người vẫn đang phải chịu cảnh chỉ được dùng nước sạch vài tiếng mỗi ngày và trên 80% nước thải vẫn được xả trực tiếp ra sông hồ không qua xử lý.

Mức độ phổ cập điện thoại di động tại khu vực này cũng đã đạt trên 90%, truy cập internet cũng thuộc diện cao nhất thế giới các nước đang phát triển. Nhiều thành phố lớn đã có hệ thống giao thông xe buýt nhanh. Tuy nhiên, hệ thống cảng, đường sắt và đường cao tốc vẫn hạn chế, làm tăng chi phí và cản trở việc xuất khẩu hàng hoá.

Hệ thống năng lượng của Mỹ Latinh là một trong những hệ thống sạch nhất thế giới. Thủy điện chiếm hơn 60% sản lượng điện của Mỹ Latinh và đây cũng là khu vực sản xuất nhiên liệu sinh học hàng đầu. Trong những năm gần đây, hạn hán nghiêm trọng đã làm nhiều hồ chứa cạn nước, trong khí đó việc sản xuất nhiên liệu hoá thạch dậm chân tại chỗ, thậm chí còn giảm, ở Mexico và Venezuela.

Xu hướng lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu nguyên liệu và rủi ro của việc tăng quá nhanh thương mại với Trung Quốc và châu Á là một lo ngại đáng kể. Thậm chí, có chuyên gia còn nói rằng, tác động của giá nguyên liệu vào các nền kinh tế Mỹ Latinh còn sâu sắc hơn là hậu quả của việc kinh tế châu Âu phát triển chậm, euro mất giá, nhu cầu của Trung Quốc giảm và sức mua của thị trường Mỹ hay châu Âu không tăng. Tất cả những yếu tố đó đều là những yếu tố rủi ro có thể diễn ra bất cứ thời điểm nào trong khu vực Mỹ Latinh. Chẳng hạn, thu nhập từ xuất khẩu đồng của Chile tăng do giá nguyên liệu tăng, đã làm kinh tế nước này tăng trưởng tới 8,2% trong tháng 4/2010. Hay khai khoáng ở Peru chỉ chiếm 8% hoạt động kinh tế, nhưng lại đóng góp tới một nửa tổng thu thuế.

Tờ Financial Times nhận xét rằng, nếu các nước Mỹ Latinh giải quyết được các vấn đề trên, thì sắp tới có thể sẽ là thập niên của khu vực này. 

KHỦNG HOẢNG NỢ CÔNG Ở MỸ TÁC ĐỘNG ĐẾN MỸ LATINH

Ngày 27/7, Ủy ban kinh tế Liên hợp quốc về Mỹ Latinh và Caribe (ECLAC) cảnh báo cuộc khủng hoảng nợ công tại Mỹ sẽ tác động mạnh đến Mỹ Latinh - khu vực hiện đang có dự trữ ngoại tệ bằng đồng USD lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.

ECLAC, trước đó một ngày vẫn dự báo kinh tế của khu vực hơn 600 triệu dân này tiếp tục tăng trưởng ít nhất cho đến năm 2012, nhận định khủng hoảng sẽ ảnh hưởng đến giá trị cổ phiếu, tỷ giá trao đổi ngoại tệ và sự tăng trưởng kinh tế của Mỹ Latinh.

Mỹ hiện là đối tác số một và có vai trò kinh tế quan trọng tại khu vực, nhất là đối với Mexico cũng như các nước Trung Mỹ và Caribe. Các nguồn tài chính về đầu tư và kiều hối hàng năm của Mỹ đối với khu vực này lên đến 200 tỷ USD.

Theo thống kê, trong tổng dự trữ 700 tỷ USD tại khu vực Mỹ Latinh, Brazil chiếm 335 tỷ USD, tiếp theo là Mexico (131 tỷ USD), Argentina (51 tỷ USD), Peru (47 tỷ USD), Chile (34 tỷ USD) và Venezuela (28 tỷ USD).

Tổng Thư ký điều hành ECLAC, Alicia Bárcena đánh giá mặc dù Mỹ Latinh và Caribe có sự chuẩn bị sẵn sàng để đối phó trước những tác động tiêu cực, nhưng vẫn có nhiều rủi ro ảnh hưởng tới sự phục hồi và tăng trưởng của khu vực.

Hiện tại, thâm hụt tài chính của khu vực Mỹ Latinh, sau nhiều năm mở rộng chính sách tài khóa, đã tăng gấp hai lần từ năm 2008, một phần do các khoản nợ của Brazil, Chile và Mexico. 

Bên cạnh đó, nhiều nước đã nâng mức nợ công của mình, hiện chiếm gần 1/3 tổng sản phẩm quốc nội của khu vực. Nợ công tại các nước như Argentina, Colombia, Nicaragua, Panama, Brazil và Uruguay đã tăng hơn 40%. 

Mặt khác, nợ quốc tế của các nước khu vực Mỹ Latinh trong năm 2010 đã tăng thêm 137 tỷ USD, nâng tổng số nợ lên 944 tỷ USD, trong đó một nửa là của Brazil và Mexico./.

(TTXVN/Vietnam+)

Mỹ Latin thành lập khối hợp tác mới

(TBKTSG Online) - Tại hội nghị thượng đỉnh của các nước Mỹ Latin và Caribê ngày 3-12 ở Caracas (Venezuela), các nhà lãnh đạo đã ký Tuyên bố Caracas, chính thức thành lập Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribê (CELAC) gồm 33 nước , không có Mỹ và Canada.

CELAC có dân số gần 600 triệu người và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 6.000 tỉ đô la Mỹ. Các thành viên CELAC cam kết thúc đẩy thành lập mặt trận chung để đương đầu với những thách thức toàn cầu từ biến đổi khí hậu đến buôn lậu ma túy. Chile sẽ đảm nhiệm chức chủ tịch CELAC trong năm 2012 và tiếp đó là Cuba vào năm 2013.

Tổng thống nước chủ nhà Hugo Chavez nói việc thành lập CELAC nhằm thực hiện giấc mơ của nhà cách mạng Simon Bolivar và những anh hùng giải phóng khác ở Nam Mỹ cũng như nhằm tìm cách củng cố thương mại và hội nhập khu vực. Ông Hugo Chavez khẳng định CELAC là diễn đàn, nơi các nước Mỹ Latin và Caribê có thể tổ chức các cuộc họp độc lập với các diễn đàn quốc tế khác, và duy trì sự tự chủ của khu vực trước sức ép của các cường quốc như Mỹ. CELAC cũng có thể thành lập một quỹ dự trữ quốc tế để bảo vệ các nước thành viên đối phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Tại hội nghị, lãnh đạo các nước Cuba, Nicaragua và Venezuela chỉ trích chính sách ngoại giao của Mỹ. Họ hy vọng CELAC sẽ thay thế cho Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) có trụ sở tại Washington (Mỹ). Trong khi đó, lãnh đạo của Mexico và Chile, Costa Rica, Colombia muốn CELAC hoạt động song song với các tổ chức hiện hành. 

Tổng thống Chile Sebastian Pinera nói CELAC cần thúc đẩy giáo dục, sáng tạo và đầu tư. Ông tin rằng thế kỷ 21 thuộc về Mỹ Latin và Caribê. Tổng thống Mexiico Felipe Calderón nhấn mạnh CELAC phải giải quyết vấn đề đói nghèo, bạo lực và tội phạm có tổ chức. Chủ tịch Cuba Raul Castro nói CELAC phải xây dựng Mỹ Latin thành khu vực hòa bình và loại bỏ tất cả sự hiện diện quân sự của nước ngoài – ám chỉ đến sự hiện diện quân đội Mỹ ở vịnh Guantánamo của Cuba.

Nhân dịp này, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã gửi thư cho ông Chavez chúc mừng việc thành lập khối CELAC và bày tỏ mong muốn tăng cường đối thoại, trao đổi và hợp tác với các nước trong khu vực. Trong khi đó, phía chính phủ Mỹ không đưa ra phản ứng nào.



(Theo Bloomberg, Miami Herald)

Khu vực Mỹ Latinh đối mặt với giá lương thực kỷ lục




Báo cáo của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) cho biết Mỹ Latinh hiện đang phải đối mặt với mức giá lương thực cao nhất trong vòng 30 năm qua, và điều này có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực chống đói nghèo của khu vực với gần 600 triệu dân này.

Trao đổi với báo giới về Tổng quan An ninh lương thực và dinh dưỡng của khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribe năm 2011, Phó đại diện của FAO tại Mỹ Latinh Alan Bojanic nhận định, thực tế trên sẽ ảnh hưởng đến những chương trình trợ cấp xã hội cho người nghèo của các nước trong khu vực.

Theo các số liệu thống kê chính thức, trong năm qua, tại Mỹ Latinh có 52,5 triệu người không được đáp ứng đầy đủ về lương thực, tuy có giảm 600.000 người so với năm 2009, nhưng tổng số người nghèo đói vẫn giữ ở mức 9% và điều này đang phá vỡ chu trình giảm liên tiếp của chỉ số trên trong những năm gần đây.

Mặc dù các chỉ số về suy dinh dưỡng và đói nghèo vẫn ở mức cao, nhưng khu vực Mỹ Latinh đã đạt được những thành tựu trong việc cải thiện dĩnh dưỡng đối với người dân, nổi bật là các nước Chile, Costa Rica hay Brazil.

Bên cạnh đó, giá lương thực tăng 40% trong 4 năm qua cũng đem lại cơ hội cho các hộ nông nghiệp gia đình ở khu vực này và sự năng động trong thương mại liên khu vực về lương thực.

Ông Bojanic khuyến cáo các chính phủ trong khu vực Mỹ Latinh cần phải tăng cường hơn nữa cơ chế quản trị toàn cầu nhằm giải quyết mối đe dọa về tăng giá lương thực ảnh hưởng đến những đối tượng dễ bị tổn thương.



Đại diện của FAO khẳng định, việc đầu cơ lương thực chưa phải là nguyên nhân dẫn đến việc tăng giá mặc dù nó có nhiều tác động đến sự biến đổi của giá cả, mà chính sự thiếu minh bạch của thị trường mới là nguyên nhân trực tiếp./.

(TTXVN/Vietnam+)

tải về 31.98 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương