BÁo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo trong giáo dục đại học



tải về 1.38 Mb.
trang1/11
Chuyển đổi dữ liệu19.07.2016
Kích1.38 Mb.
#2037
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11


CHÍNH PHỦ

_______

Số: 51/BC-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc



___________________________________

Hà Nội, ngày 08 tháng 5 năm 2010


BÁO CÁO

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư
và đảm bảo chất lượng đào tạo trong giáo dục đại học


_________
Kính gửi: Các vị đại biểu Quốc hội
Phần I

TÌNH HÌNH BAN HÀNH HỆ THỐNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

VỀ THÀNH LẬP TRƯỜNG, ĐẦU TƯ VÀ ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO

TRONG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
Từ năm 1998 đến năm 2009, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành 55 văn bản quy phạm pháp luật có các quy định liên quan trực tiếp đến việc thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo trong giáo dục đại học. Trong đó: Quốc hội: 04 văn bản (Luật), Chính phủ: 10 văn bản (01 Nghị quyết, 9 Nghị định), Thủ tướng Chính phủ: 09 văn bản (Quyết định), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: 28 văn bản (Quyết định và Thông tư), Bộ Tài chính: 02 văn bản và Thông tư liên tịch: 02 văn bản.

I. Tình hình ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thành lập trường cao đẳng, đại học giai đoạn từ năm 1998 đến năm 2009

Từ năm 1998 đến năm 2009, nhất là từ khi Luật giáo dục 2005 có hiệu lực thi hành (01/01/2006), các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành 17 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có các điều khoản liên quan đến việc thành lập trường và đã tạo cơ sở pháp lý cho việc tiến hành các thủ tục: quyết định thành lập, cho phép thành lập trường, tuyển sinh, mở ngành đào tạo, tổ chức và hoạt động của trường, nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần thực hiện xã hội hóa giáo dục (Phụ lục I).

1. Giai đoạn từ năm 1998 đến 2005 (sau khi có Luật giáo dục 1998 và trước khi Luật giáo dục 2005 có hiệu lực thi hành)

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành có liên quan đã xây dựng và ban hành theo thẩm quyền 11 văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn cụ thể về thành lập trường và mở ngành đào tạo. Hệ thống văn bản cơ bản đầy đủ về số lượng và điều chỉnh được các loại hình trường theo quy định của Luật Giáo dục, tuy nhiên, hệ thống các văn bản này còn có một số hạn chế sau:

- Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật còn chậm, nhiều quy định chưa cụ thể, chưa có văn bản nào quy định riêng về quy trình, thủ tục, hồ sơ thành lập trường.

- Các văn bản về thành lập trường chưa quy định cụ thể về sở hữu tài sản, về vị trí của các nhà đầu tư, về vai trò, trách nhiệm của cơ quan bảo trợ, vai trò, trách nhiệm của Hội đồng quản trị trong việc quản lý trường.

- Các quy định về mở ngành đào tạo được quy định tại Điều lệ nhà trường chưa cụ thể, không quy định bắt buộc kiểm tra thực tế các điều kiện để mở ngành, đặc biệt đối với các trường mới thành lập.

2. Giai đoạn từ năm 2006 đến 2009 (sau khi Luật giáo dục 2005 có hiệu lực thi hành và trước khi có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục):

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành có liên quan đã xây dựng và ban hành theo thẩm quyền 6 văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn cụ thể về thành lập trường và mở ngành đào tạo. So với Luật giáo dục 1998, Luật giáo dục 2005 đã quy định cụ thể hơn về các điều kiện thành lập, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thành lập trường cao đẳng, đại học. Đặc biệt trong giai đoạn này, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 14/2005/QĐ-TTg ngày 17 tháng 01 năm 2005 về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục, Quyết định số 07/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2009 về Điều kiện, thủ tục thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể và đình chỉ hoạt động trường đại học; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 2368/QĐ- BGD ĐT ngày 9/5/2007 về triển khai thí điểm cơ chế một cửa tại cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có quy trình, thủ tục thành lập trường, mở ngành đào tạo. Trong các văn bản này đã quy định cụ thể về điều kiện, thủ tục, trình tự thành lập trường đại học, tổ chức nhân sự, chế độ tài chính và quyền sở hữu tài sản khi thành lập trường tư thục.

Hạn chế cơ bản của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn này là:

- Các văn bản quy định về tổ chức, hoạt động của trường cao đẳng, đại học công lập và tư thục, về chuyển đổi các loại hình trường còn chậm được ban hành, nên việc triển khai chuyển đổi loại hình trường gặp khó khăn.

- Chế tài xử lý đối với các trường không thực hiện đúng cam kết theo đề án khả thi thành lập trường về các điều kiện mở ngành và tuyển sinh chưa đủ mạnh.



II. Tình hình ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư cho giáo dục đại học

Từ năm 1998 đến năm 2009, có 16 văn bản quy định trực tiếp về đầu tư cho giáo dục được ban hành. Trong đó, có 9 văn bản quy định trực tiếp về xã hội hoá giáo dục, 7 văn bản quy định trực tiếp về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục (Phụ lục II, III).

1. Đối với hoạt động xã hội hóa giáo dục

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao, Nghị định số 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt Đề án “Quy hoạch phát triển xã hội hóa giáo dục giai đoạn 2005 - 2010”, với mục tiêu phát triển xã hội hóa ở các cấp học, trình độ và loại hình giáo dục; các giải pháp và cơ chế chính sách đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tạo cơ sở pháp lý cho các ngành, các cấp, các nhà đầu tư có cơ sở thực hiện và làm công cụ trong việc quản lý nhà nước đối với các cơ sở ngoài công lập.

Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục, dự báo phát triển và nhu cầu huy động nguồn lực đầu tư thực hiện quy hoạch để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước được công bố công khai rộng rãi. Thủ tục hành chính trong việc thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập được cải cách theo hướng rõ ràng, minh bạch.

Tuy nhiên, hệ thống văn bản này chưa tạo đủ và đồng bộ hành lang pháp lý để triển khai thực hiện hoạt động xã hội hóa giáo dục. Các chính sách chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực giáo dục; còn thiếu các quy định cụ thể về giao đất, cho thuê đất, xử lý tài sản khi chuyển đổi hình thức hoạt động, chính sách miễn, giảm thuế thu nhập; thiếu cơ chế huy động vốn để đầu tư phát triển cơ sở vật chất đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập; chưa có các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục chuyển đổi loại hình trường....Việc thiếu và chậm sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định pháp luật làm cơ sở để triển khai thực hiện xã hội hoá giáo dục dẫn đến việc huy động nguồn lực của các ngành, các cấp, các tổ chức kinh tế - xã hội và cá nhân để phát triển giáo dục - đào tạo gặp nhiều khó khăn; chưa phát huy được tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân để đầu tư phát triển giáo dục đại học.

2. Về đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục

Trong thời gian qua, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành một số văn bản quy định về liên kết đào tạo, thành lập trường, văn phòng đại diện, về hợp tác đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Hệ thống các văn bản đã tạo được cơ sở pháp lý để các cơ quan quản lý, nhà trường thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế trong hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, các quy định này còn chưa theo kịp sự phát triển của xã hội và hội nhập quốc tế; chưa quy định cụ thể các hình thức hợp tác, đầu tư; các quy định còn chung chung bao gồm nhiều lĩnh vực... Các quy định của Luật giáo dục và Luật đầu tư về đầu tư, hợp tác về giáo dục chưa thống nhất, các văn bản hướng dẫn thi hành hai Luật này về hợp tác đầu tư về giáo dục vừa chậm ban hành, vừa không đồng bộ, khả thi nên có nhiều bất cập trong quá trình triển khai thực hiện. Đây là nguyên nhân chính làm cho việc triển khai đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục (trong đó có giáo dục đại học) thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn.



III. Tình hình ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đảm bảo chất lượng đào tạo

Từ năm 1998 đến năm 2009 mà thực tế chỉ từ 2004 đến 2009, để thực hiện việc đảm bảo chất lượng đào tạo và kiểm định chất lượng đối với giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo theo thẩm quyền đã ban hành 22 văn bản (Phụ lục IV).

Hệ thống văn bản này đã tạo được cơ sở pháp lý để các cơ quan quản lý giáo dục và nhà trường tiến hành các hoạt động tuyển sinh, tổ chức đào tạo, quản lý đào tạo đảm bảo các chuẩn chất lượng, đặc biệt trong điều kiện chưa có hoạt động của cơ quan kiểm định chất lượng (trước năm 2005). Sau khi Luật Giáo dục sửa đổi năm 2005 được ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá chất lượng của Giáo dục đại học, quy định về việc tự đánh giá của các trường và thí điểm việc đánh giá ngoài của các tổ chức kiểm định độc lập, từng bước xây dựng văn hóa chất lượng trong mỗi cơ sở giáo dục đại học.

Tuy nhiên, hệ thống văn bản này vẫn chưa đầy đủ, hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục là vấn đề mới tại Việt Nam, các quy định liên quan đến đảm bảo chất lượng đào tạo chưa cụ thể như: Quy định về xây dựng chuẩn đầu ra của các ngành đào tạo, Quy định về chuẩn giảng viên đại học (tỷ lệ trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học), Quy định về quy chế biên soạn giáo trình và sử dụng giáo trình, Quy định về thư viện của trường đại học, Quy định về đánh giá hoạt động giảng dạy của giảng viên,...



IV. Các văn bản quy phạm pháp luật sẽ ban hành trong thời gian từ 2010 - 2012

Thực hiện các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục được Quốc hội khoá XII thông qua tại kỳ họp thứ 6, Nghị quyết số 35/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành có liên quan sẽ soạn thảo ban hành 12 văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời tiến hành rà soát để ban hành, sửa đổi các văn bản đã lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật hiện hành. Bộ Giáo dục và Đào đã có kế hoạch năm 2010 về xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, theo đó sẽ chủ trì soạn thảo trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền 118 văn bản quy phạm pháp luật (bao gồm: 9 Nghị định của Chính phủ, 13 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 96 Thông tư của Bộ và liên Bộ), (Phụ lục XVI).



Phần II

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

VỀ THÀNH LẬP TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG
I. Đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập các trường đại học, cao đẳng từ năm 1998 - 2009

1. Về quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 47/2001/QĐ-TTg ngày 4 tháng 4 năm 2001 về việc Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2001-2010 và Quyết định số 121/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2007 về việc Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020. Quy hoạch mạng lưới này đã bám sát chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của từng vùng miền trong từng thời kỳ, bám sát và thể hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục đại học; hướng tới sự cải thiện chất lượng đào tạo và mở rộng quy mô, tăng cường hiệu quả của cả hệ thống giáo dục đại học.

Quy hoạch mạng lưới đã định hướng sự phân tầng hệ thống trường đại học, cao đẳng gồm: các đại học quốc gia, các đại học khu vực, các trường đại học trọng điểm, các học viện, các trường đại học, trường cao đẳng, các trường đại học mở và các trường cao đẳng cộng đồng; định hướng các ngành nghề đào tạo, các trường đại học cần ưu tiên đầu tư phát triển trong mỗi thời kỳ. Quy hoạch mạng lưới cũng định hướng sự phát triển và mở rộng mạng lưới với các loại hình trường công lập và ngoài công lập, trường được đầu tư 100% vốn nước ngoài; phân bố trường theo vùng miền, nhằm đào tạo nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của từng vùng kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đều có cơ hội tiếp thu giáo dục sau trung học, đồng thời định hướng xây dựng và phát triển các trường đại học, cao đẳng tại từng vùng; Quy hoạch cũng đã chỉ ra cơ cấu ngành nghề đào tạo, cơ cấu trình độ đào tạo.

2. Các quy định về thành lập trường đại học, cao đẳng

2.1. Quy định về tiêu chí, điều kiện và quy trình thành lập trường

a) Về các tiêu chí, điều kiện thành lập trường

Trong thời gian từ năm 1998 đến năm 2005, việc thành lập trường đại học, cao đẳng được tiến hành theo các tiêu chí và điều kiện quy định tại: Quy chế tổ chức và hoạt động trường đại học dân lập (năm 2000); Quy chế tổ chức và hoạt động của các tr­ường ngoài công lập (năm 2001); Quyết định số 47/2001/QĐ-TTg (năm 2001) về phê duyệt quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2001 - 2010; Điều lệ trường đại học (năm 2003); Điều lệ tr­ường cao đẳng (năm 2003).

Theo quy định tại các văn bản trên, các trường đại học, cao đẳng được thành lập phải phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; mục tiêu, nội dung, chương trình, ngành nghề đào tạo, quy mô phát triển nhà trường phải phù hợp với nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học, cao đẳng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng miền nói riêng và cả nước nói chung. Trường đại học, trường cao đẳng xin thành lập phải có đủ giảng viên để giảng dạy các ngành đào tạo dự kiến; đủ diện tích dành cho khu học tập, thí nghiệm; vốn ban đầu không ít hơn 15 tỷ đồng Việt Nam, vốn điều lệ và các nguồn vốn hợp pháp khác tại thời điểm thành lập trường phải bảo đảm điều kiện cho trường đi vào hoạt động.

Từ năm 2005, các tiêu chí trên đã có những điều chỉnh, bổ sung và được cụ thể thêm theo các quy định tại Quy chế tổ chức và hoạt động trường đại học t­ư thục, ban hành theo Quyết định số 14/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (năm 2005), Quyết định số 121/2007/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ (năm 2007) và Quyết định số 07/2009/QĐ-TTg về điều kiện và thủ tục thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường đại học của Thủ tướng Chính phủ (năm 2009).

Kết quả giám sát về thành lập trường tại một số trường thành lập hoặc nâng cấp từ năm 1998 trở lại đây cho thấy, các quy định về điều kiện thành lập trường là phù hợp, đáp ứng các yêu cầu đảm bảo chất lượng, tuy nhiên việc giải phóng mặt bằng để có đất xây dựng hiện nay ở đa số các địa phương đều khó khăn. Sau khi có quyết định thành lập, mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng các trường đều rất cố gắng trong việc thực hiện cam kết theo đề án xin thành lập trường. Sau 2-3 năm thành lập, một số trường, như Trường Đại học Thành Đô, trường Đại học Tây Đô, Trường Đại học Đại Nam, Trường Đại học Thành Tây,... đã được các địa phương cấp đất và đang tích cực xây dựng cở vật chất, đầu tư trang thiết bị, đặc biệt là đối với các trường thành lập mới, có trường đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp, mua trang thiết bị thí nghiệm.

Nhìn chung, các nhà đầu tư cũng như Hội đồng quản trị các trường ngoài công lập và Ban giám hiệu các trường công lập, đều có những lộ trình rất cụ thể đối với công tác xây dựng đội ngũ, cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị.

Một số trường ngoài công lập chưa được cấp đất, chưa xây dựng được cơ sở vật chất đang phải đi thuê mướn địa điểm, cơ sở vật chất, khuôn viên rất chật hẹp, môi trường sư phạm không đảm bảo, không có sân chơi, ký túc xá cho sinh viên, như Trường Đại học Dân lập Đông Đô, Trường Đại học Dân lập Hùng Vương, Trường Đại học dân lập Văn Hiến. Đây là các trường được thành lập trước năm 1998, khi đó chưa có yêu cầu bắt buộc trong điều kiện thành lập trường là phải có đất xây dựng trường.

b) Về quy trình thành lập trường

Quy trình thành lập trường được quy định qua 2 bước.

Bước 1: căn cứ quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng, chủ đề án xây dựng đề án tiền khả thi thành lập trường. Căn cứ kết quả trình bày đề án tiền khả thi, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn đồng ý về chủ trương thành lập trường (đối với trường cao đẳng) hoặc có công văn trình để Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương thành lập trường (đối với trường đại học).

Bước 2: sau khi được cấp có thẩm quyền đồng ý về nguyên tắc thành lập trường, chủ đề án có nhiệm vụ triển khai đầu t­ư xây dựng cơ sở vật chất, chuẩn bị trang thiết bị, các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, tuyển dụng đội ngũ giảng viên; lập Hồ sơ đề án khả thi thành lập trường và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định.

Kết quả của bước 2 là Quyết định thành lập trường của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (đối với trường cao đẳng), hoặc Quyết định thành lập trường của Thủ tướng Chính phủ (đối với trường đại học).

Việc thành lập các trường đại học, cao đẳng trong thời gian qua đã tuân thủ theo đúng quy định. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung các trường sau khi được thành lập đều hoạt động đúng mục tiêu, đúng sứ mạng, tôn chỉ mục đích; không có tình trạng xin đất sau đó chuyển đổi mục đích, không có việc đào tạo không đúng mục tiêu hoặc đào tạo không đúng chương trình, không được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

c) Chất lượng công tác thẩm định thành lập trường

Khi xem xét các đề án thành lập trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như­­ các Bộ hữu quan tham gia Hội đồng thẩm định (Bộ Kế hoạch Đầu t­­ư, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính) luôn chú trọng đến tiêu chí, điều kiện thành lập trường, như­­: cơ sở vật chất (diện tích đất được quy hoạch để xây dựng trường, phòng học, phòng làm việc, phòng thí nghiệm, phòng thực hành, th­­ư viện và các trang thiết bị), đội ngũ giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng, cán bộ quản lý, ngành nghề, quy mô đào tạo, kế hoạch xây dựng và phát triển trường, khả năng tài chính xây dựng trường,...

2.2. Về phương thức thành lập trường

Việc thành lập trường hiện nay thực hiện theo nhiều phương thức khác nhau: nâng cấp (nâng cấp từ trường trung cấp lên trường cao đẳng hoặc từ trường cao đẳng lên trường đại học); thành lập các trường đại học từ các khoa trực thuộc của các đại học và thành lập mới hoàn toàn (Phụ lục V).

Từ năm 1998 - 2009 số trường đại học và cao đẳng thành lập mới và nâng cấp là 292 trường, trong đó, 32 trường đại học thành lập mới, chiếm 11,0%; 62 trường cao đẳng, khoa trực thuộc các đại học được nâng cấp lên đại học, chiếm 21,2%; 25 trường cao đẳng thành lập mới, chiếm 8,6%; 173 trường trung cấp được nâng cấp lên cao đẳng, chiếm 59,2% (Phụ lục VII, VIII).

Như vậy, số trường đại học, cao đẳng được thành lập mới hoàn toàn là 57 trường, chiếm 19,5%; số trường nâng cấp từ các trường cao đẳng, các khoa và trường trung cấp là 235 trường, chiếm 80,5%.

Hai khó khăn lớn khi thành lập trường đại học mới trong thời gian qua là đất đai, cơ sở vật chất và giảng viên. Vì vậy, việc nâng cấp các trường đã có sẵn sẽ ít khó khăn hơn. Đây là một lý do quan trọng cho thực tế là hơn 80% các trường đại học, cao đẳng thành lập mới trong thời gian qua là nâng cấp từ các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp có sẵn.

Trong giai đoạn từ 2006 đến nay, số trường đại học, cao đẳng tư thục được thành lập là 50 trường nhiều hơn hẳn số được thành lập giai đoạn 1998 - 2005 là 13 trường vì đã có Luật Giáo dục 2005 và Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục (Quyết định số 14/2005/QĐ-TTg ngày 17 tháng 01 năm 2005), trong đó quy định cụ thể về điều kiện, thủ tục thành lập trường đại học tư thục, làm rõ việc tổ chức và nhân sự, chế độ tài chính và quyền sở hữu tài sản trong việc thành lập trường đại học tư thục và đã giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong việc thụ lý giải quyết các hồ sơ thành lập trường đã tồn đọng từ những năm 2000 (Phụ lục VII, VIII).

2.3. Việc thực hiện chủ trương chuyển đổi loại hình trường

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 122/2006/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2006 về việc chuyển 19 trường đại học dân lập sang loại hình trường đại học tư thục.

Thực hiện Quyết định nói trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo việc xây dựng quy định chuyển đổi. Theo quy định tại Quy chế tổ chức và hoạt động trường đại học dân lập ban hành kèm theo Quyết định số 86/2000/QĐ-TTg ngày 18 tháng 7 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ, tài sản tích lũy trong quá trình hoạt động của trường dân lập sau khi trừ các chi phí là tài sản không chia. Tuy vậy, tại phần lớn các trường đại học, cao đẳng và dân lập các cá nhân sáng lập và nhà đầu tư đều yêu cầu phải chia tài sản trước khi chuyển sang trường tư thục. Đối với 02 đại học dân lập, 02 cao đẳng dân lập và 01 cao đẳng bán công không yêu cầu chia tài sản khi chuyển sang tư thục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn và 5 trường này đã hoàn thành việc chuyển đổi.

Việc chậm ban hành quy định chuyển đổi và thực hiện việc chuyển đổi các trường dân lập còn lại sang tư thục đã dẫn đến khó khăn cho các trường hiện nay trong việc xây dựng cơ cấu tổ chức, ban hành các quy định về tổ chức và hoạt động, xây dựng chiến phát triển nhà trường. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ liên quan, làm việc với các trường để tìm ra giải pháp cho mâu thuẫn này.

3. Đánh giá về tình hình thành lập các trường đại học, cao đẳng

3.1. Kết quả đạt được

- Việc thành lập trường đại học và cao đẳng đã bám sát chủ tr­ương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục đại học, phù hợp với yêu cầu quy hoạch chung của cả nước và của các địa phương, đáp ứng nhu cầu nhân lực của các Bộ, ngành và các địa phương trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

- Việc thành lập trường đã tuân thủ quy trình theo quy định hiện hành, các điều kiện thành lập trường khi thẩm định đáp ứng yều cầu theo quy định do trong những năm đầu đề án chỉ đề nghị đào tạo một số ngành với quy mô hạn chế.

- Quá trình nâng cấp, thành lập các trường đã chú ý đến cơ cấu vùng miền, nhu cầu về đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao của địa phương, nhu cầu học tập của các đối tư­ợng khó khăn; Mạng lưới trường đã có bước điều chỉnh lớn về cơ cấu vùng, miền; Số lượng trường đại học, cao đẳng ở các vùng khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ đã được tăng lên, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân ở các vùng khó khăn có cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học; Số con em diện chính sách, miền núi, dân tộc, vùng sâu, vùng xa được thu hút ngày càng đông vào các trường đại học và cao đẳng, góp phần vào việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng.

- Qua 12 năm đã có 94 trường đại học mới được thành lập, bình quân là 1,5 trường đại học/tỉnh; có 198 trường cao đẳng mới được thành lập, bình quân là 3,1 trường cao đẳng/tỉnh. Hiện nay cả nước có 175 trường đại học, 232 trường cao đẳng và 5 đại học: 2 đại học Quốc gia và 3 đại học Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng. Các trường đại học, cao đẳng thành viên của các đại học này đã được tính trong số 175 trường đại học và 232 trường cao đẳng cả nước.

- Hệ thống các cơ sở giáo dục đại học được phát triển đúng theo định hướng quy hoạch, phân bố trên phạm vi cả nước. Đến nay, đã có 41/63 tỉnh, thành phố có trường đại học (đạt tỷ lệ 65%); có 60/63 tỉnh, thành có trường cao đẳng (đạt tỷ lệ 95%) và có 62/63 tỉnh, thành có ít nhất 1 trường cao đẳng, hoặc đại học, đạt tỷ lệ 98% (trừ tỉnh Đăknông chưa có trường đại học, cao đẳng nào). Riêng 2 thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh có 156 trường đại học, cao đẳng chiếm 38,3% của cả nước. Nếu kể cả Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ thì 5 thành phố có 193 trường đại học và cao đẳng, chiếm 47,4% cả nước.

- Quá trình nâng cấp, thành lập các trường đã chú ý đến cơ cấu ngành nghề đào tạo: Ưu tiên thành lập các trường kỹ thuật - công nghệ phục vụ công nghiệp hoá, các trường đào tạo nhân lực cho lĩnh vực y tế, văn hoá thể dục, thể thao nhằm phục vụ đời sống nhân dân.

- Công tác xã hội hoá giáo dục được đẩy mạnh, nguồn lực trong xã hội đầu tư cho giáo dục huy động ngày càng nhiều (các trường đại học và cao đẳng thành lập mới chủ yếu là các trường ngoài công lập: 50/57 trường, chiếm tỷ lệ 87,7%).

- Các trường đại học, cao đẳng công lập đã giữ được vai trò nòng cốt trong đào tạo nguồn nhân lực. Tổng quy mô đào tạo đại học, cao đẳng năm học 2008 - 2009 là 1.719.499 sinh viên. Tổng số các trường đại học, cao đẳng công lập là 329/407 trường (chiếm xấp xỉ 81%), quy mô các trường công lập là 1.501.310 sinh viên (chiếm tỷ lệ 87,3%).

- Cơ sở vật chất của các trường đại học, cao đẳng đã có một số cải thiện. Nhiều địa phương (trong đó có Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) đã quy hoạch đất đai cho việc xây dựng mới và mở rộng khuôn viên trường đại học, cao đẳng. Sau khi được thành lập, các trường (đặc biệt là đối với các trường ngoài công lập) đã có điều kiện thuân lợi về pháp nhân để đầu tư xây dựng và phát triển. Các trường mới thành lập đã có những cố gắng, nỗ lực trong việc xây dựng và phát triển nhà trường về đất đai, cơ sở vật chất, trang thiết bị và tuyển dụng, đào tạo đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, tên tuổi của một số trường và của không ít ngành đào tạo trong các trường vừa được nâng cấp, thành lập ngày càng được xã hội tín nhiệm.

3.2. Hạn chế

Trong công tác thành lập và nâng cấp trường thực hiện quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng cũng còn bộc lộ một số hạn chế là:

- Sự hỗ trợ và quan tâm chỉ đạo của các địa phương đối với việc xây dựng và phát triển các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn địa phương chưa nhiều, chưa thường xuyên. Các nhà đầu tư xây dựng trường thường gặp rất nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và thủ tục xây dựng trường.

- Trong việc quản lý nhà nước về giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành đầy đủ và kịp thời các văn bản quy định về việc kiểm tra, xử lý các vi phạm trong thành lập trường, chưa có chế tài xử lý đối với các trường không thực hiện đúng cam kết.

- Việc tuyển dụng, đào tạo và phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý của các trường mới thành lập cũng có nhiều khó khăn, đặc biệt là các trường tư thục. Hạn chế lớn nhất đối với các trường thành lập mới (chủ yếu là các trường tư thục và trường đóng tại các địa phương) là đội ngũ giảng viên cơ hữu còn thiếu; đội ngũ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và trình độ tiến sĩ chủ yếu là cán bộ đã về hưu.

- Tuy đa số các trường thành lập mới đều quyết liệt thực hiện đúng các cam kết trong Đề án khả thi thành lập trường, chủ yếu trong các công việc như xây dựng cơ sở vật chất mới, đầu tư trang thiết bị, tuyển dụng đội ngũ giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, nhưng vẫn còn 11 trường trong tổng số 50 trường đại học, cao đẳng ngoài công lập thành lập mới (khoảng 20%) chưa thực hiện việc xây dựng trường tại địa điểm đăng ký thành lập trường, chưa thực hiện đầy đủ các cam kết như trong Đề án khả thi thành lập trường, còn phải đi thuê mướn cơ sở để thực hiện việc tổ chức hoạt động và đào tạo.

- Việc triển khai xây dựng trường thường chưa thực hiện đồng bộ 4 yếu tố về: đất đai xây dựng trường, đội ngũ giảng viên, vốn đầu tư và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác như thư viện, giáo trình, trang thiết bị thí nghiệm, ký túc xá và các khu hoạt động thể thao,....


Каталог: UserControls -> ckfinder -> userfiles -> files
files -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
files -> UỶ ban thưỜng vụ quốc hội ban dân nguyện kỳ HỌp thứ SÁU quốc hội khoá XII
files -> Phụ lục số 1 danh mục các văn bản hưỚng dẫn thi hành pháp luật về giao thôNG
files -> PHỤ LỤC 1 KẾt quả XỬ LÝ ĐƠN, thư CỦa uỷ ban tư pháp từ sau kỳ HỌp thứ SÁU ĐẾn truớc kỳ HỌp thứ BẢy quốc hội khóa XII
files -> Phần I các bộ, ngàNH, CƠ quan thuộc chính phủ trả LỜi cáC Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri
files -> II. Các kiến nghị về chính sách đối với giáo viên
files -> ĐỀ ÁN ĐỔi mới cơ chế TÀi chính giáo dục giai đOẠN 2009-2014

tải về 1.38 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương