BÁo cáo tổng quan thực trạng và triển vọng thị trưỜng du lịch của myanmar phần thứ nhất thực trạng thị trưỜng du lịch của myanmar



tải về 121.51 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu19.04.2018
Kích121.51 Kb.
#36956
BÁO CÁO TỔNG QUAN THỰC TRẠNG VÀ TRIỂN VỌNG THỊ TRƯỜNG DU LỊCH CỦA MYANMAR
Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG THỊ TRƯỜNG DU LỊCH CỦA MYANMAR
Myanmar có diện tích 676.577 km2. Dân số 57,5 triệu người (năm 2008); mật độ dân số 85 người/km2; tốc độ tăng dân số 2,02%/năm. Tuổi thọ trung bình của dân cư: nông thôn 60,4 tuổi đối với nam và 62,8 tuổi đối với nữ; thành thị 61,1 tuổi đối với nam và 65,1 tuổi đối với nữ. Tỷ lệ người biết chữ 91%. Hiện nay có 135 dân tộc khác nhau đang sinh sống ở Myanmar. Đồng tiền là đồng Kyats (K). Năm 2006, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 4.622,8 tỷ Kyats; GDP bình quân đầu người đạt 219.552 Kyats (khoảng hơn 200 USD).

Một lĩnh vực triển vọng đang phát triển bùng nổ là Du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch biển và du lịch dọc theo tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây (Việt Nam – Lào – Thái Lan – Myanmar).

Myanmar là điểm đến của du khách với các di sản văn hóa phong phú có môi trường thiên nhiên trong lành như: chùa, các công trình kiến trúc cổ kính, các khu rừng nguyên sinh, các vườn quốc gia, các khu rừng mới trồng, các núi có tuyết bao phủ, hồ xanh - sạch - đẹp, các dòng sông uốn lượn trong rừng nhiệt đới,... Hầu hết các công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Myanmar đều xây dựng ở trên các ngọn đồi, ở các vùng miền núi.

Năm 2007 có hơn 0,4 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Myanmar, chủ yếu là khách Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hongkong, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, EU, Ấn Độ,…



I. CÁC TIỀM NĂNG PHỤC VỤ NGÀNH DU LỊCH

1. Vài nét về lịch sử đất nước

Xã hội công dân của Myanmar đã xuất hiện từ đầu thế kỷ thứ nhất với những bằng chứng khảo cổ học của đất nước Pyu của Thayekkhitaya (Sri Ksetra), Beihano (Vishnu) và Hanlin.

Hoàng đế Myanmar đầu tiên lên ngôi từ đầu thế kỷ thứ nhất là vua Anawrahta, là người có công thống nhất đất nước thông qua sự lãnh đạo mạnh mẽ và trí tuệ sáng suốt của ông. Hoàng đế đóng đô ở Bagan trong vòng hơn 20 năm trước khi bị đế quốc Anh xâm chiếm vào năm 1066. Hoàng đế Myanmar thứ hai là vua Bayinnaung đóng đô ở Bago (Pegu) lên ngôi vào giữa thế kỷ 16. Hoàng đế thứ ba là vua Alaungpaya - vị hoàng đế cuối cùng ở Myanmar - lên ngôi vào năm 1752.

Trong thế kỷ XIX, trong thời kỳ chủ nghĩa thực dân, Myanmar đã trải qua 3 cuộc chiến tranh Anh – Miến vào các năm 1825, 1852 và năm 1885. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Myanmar bị Nhật Bản xâm chiếm gần 3 năm cho đến khi lực lượng quân đồng minh giải phóng vào năm 1945. Myanmar trở thành quốc gia độc lập có chủ quyền vào ngày 4 tháng giêng năm 1948.



2. Con người

Myanmar là một nước liên bang với 135 dân tộc có truyền thống và hình thái ngôn ngữ riêng của họ. Các dân tộc chính là Bamar, Chin, Kachin, Shan, Kayah, Mon và Rakhine. Đất nước Myanmar bao gồm tất cả các dân tộc. Dân số 57,5 triệu người (năm 2008); trong đó dân tộc chính là Bamar, chiếm 70%.



3. Tôn giáo

Các tôn giáo chính là: Đạo Phật chiếm 89,3% dân số; Đạo Thiên chúa giáo chiếm 5,6%; Đạo Hindu chiếm 0,5%; Đạo Hồi và các đạo khác chiếm 4,6% dân số Myanmar.

Với hơn 3.000 ngôi chùa được xây dựng khắp cả nước, Myanmar được xem là đất nước có nhiều chùa chiền nhất thế giới. Trong đó, có ngôi chùa lớn nhất thế giới, có ngôi chùa cổ kính nhất thế giới và có ngôi chùa độc đáo nhất thế giới.

4. Văn hóa

Myanmar nằm giữa hai nền văn minh lớn là Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng có sự phát triển nền văn hóa đặc biệt riêng có của mình. Đạo Phật có ảnh hưởng lớn trong đời sống hàng ngày của nhân dân Myanmar. Nhân dân giữ gìn truyền thống gia đình gắn bó chặt chẽ, kính trọng người già và mặc trang phục đơn giản. Lòng khoan dung và tự mãn nguyện với những gì mình đang có là đặc trưng của người dân, lòng hiếu khách là tính cách của người Myanmar.



5. Ngôn ngữ

Ngôn ngữ chính thức là tiếng Myanmar. Tiếng Anh được sử dụng rộng rãi ở Myanmar.



6. Hộ chiếu và visa

Hộ chiếu với visa nhập cảnh là yêu cầu bắt buộc với tất cả các du khách. Một visa du lịch có giá trị ở tại Myanmar trong vòng 28 ngày và được gia hạn 14 ngày. Visa kinh doanh được phép ở 28 ngày, có thể gia hạn đến 12 tháng cho từng trường hợp. Visa đến được cấp bởi cả hai cơ quan FITs và cơ quan quản lý du lịch với sự hỗ trợ của Bộ Khách sạn và Du lịch.

Việc đi lại qua biên giới do cơ quan du lịch của Thái Lan cấp với “thẻ qua biên giới” cho khách du lịch của nước thứ ba tại các cửa khẩu Tachileik, Three Pagoda Pass, Myawaddy và Kawthaung dọc biên giới Miến Điện – Thái Lan; khách du lịch Trung Quốc với “thẻ qua biên giới” và khách du lịch của nước thứ ba bằng visa tại các cửa khẩu Lweje, Nam Kham, Muse, Kyukoke, Kwanlong, Mong Lar dọc biên giới Myanmar – Trung Quốc.

7. Hải quan

Trang sức quý, đồ điện và máy ảnh cần phải khai báo tại hải quan. Đồ cổ và báu vật quốc gia có giá trị không được phép đưa ra khỏi đất nước Myanmar.

Hàng miễn thuế bao gồm: hai chai rượu, hai tút thuốc lá, 100 điếu xì gà, khoảng 0,7 kg lá thuốc lá, 1 lọ nước hoa.

8. Tiền tệ

Tiền tệ của Myanmar là đồng Kyat (K). Tiền giấy có những loại sau: 5.000 K, 1.000 K, 500 K, 200 K, 100 K, 50 K, 20 K, 15 K, 10 K, 5 K và 1 K. Du khách không được phép chuyển đồng Kyat ra khỏi đất nước Myanmar.



9. Chăm sóc sức khỏe

Myanmar không yêu cầu du khách phải có giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin nếu không đến từ vùng có dịch bệnh.



10. Đổi ngoại tệ

Du khách có thể mang bất cứ ngoại tệ nào vào đất nước Myanmar nhưng cần phải khai báo với hải quan nếu nó vượt quá 2.000 USD.

FECs (Foreign Exchange Certificates) là đồng tiền giấy được phát hành các loại 20 FECs, 10 FECs, 5 FECs và 1 FECs và được xem là tương đương với đồng đô la Mỹ. Đô la Mỹ, bảng Anh và FECs được sử dụng thanh toán tại khách sạn, hãng hàng không, công ty du lịch và thanh toán các lệ phí dịch vụ ở viện bảo tàng, chùa.

11. Mua hàng

Hàng thủ công mỹ nghệ, hầu hết làm bằng tay là những món hàng lưu niệm tốt nhất với giá cả hợp lý. Đồ sơn mài, đồ gỗ, sản phẩm làm từ ngà voi, sản phẩm làm bằng bạc, đay, cói, lụa, sợi bông, áo truyền thống, túi khoác,… là những vật dụng ưa thích của khách du lịch. Du khách có thể mua sản phẩm đá quý như ngọc bích, hồng ngọc, ngọc trai, đá quý khác tại Trung tâm đá quý Myanmar và tại các cửa hàng trang sức được cấp phép khác.

Trong các cửa hàng bách hóa, siêu thị và siêu thị nhỏ ở Yangon, có nhiều sự lựa chọn hàng ngoại và hàng nội với giá cả khác nhau, thực sự hấp dẫn và lôi cuốn nhất du khách là chợ Bogyoke Aung San (Scott Market) nơi mà người bán hàng vui vẻ, mến khách và dễ dàng, được phép mặc cả giá hàng. Chợ Bogyoke Aung San là chợ lớn nhất ở Yangon và nó cũng là địa điểm tốt nhất để mua hàng lưu niệm. Đây là trung tâm mua sắm của Yangon, với 2.000 cửa hàng lớn nhỏ với nguồn hàng phong phú có giá trị của địa phương như: đồ trang sức bằng vàng và đá quý, bạc; tranh ảnh nghệ thuật; hàng thủ công mỹ nghệ, sơn mài, tranh nghệ thuật, búp bê truyền thống làm bằng gỗ, tơ tằm Mandalay, túi khoác phong cách bang Shan và bang Kachin; thực phẩm chế biến; mỹ phẩm; quần áo;... Tại đây khách hàng có thể dễ dàng lựa chọn những món hàng mà mình ưa thích. Các cửa hàng ở chợ Bogyoke Aung San mở cửa suốt ngày từ 9 giờ 30 phút buổi sáng tới 7 giờ tối, trừ các ngày lễ do Chính phủ quy định.

12. Thực vật và động vật

Nhờ đa dạng về địa lý nên rừng Myanmar rất đa dạng và phong phú, bao gồm rừng núi cao ở Miền Bắc, rừng lá nhọn ở Miền Trung, rừng ẩm nhiệt đới ở Miền Nam và rừng đước ở Vùng đồng bằng.

Rừng Myanmar có 300 loài động vật có vú, 300 loài bò sát, 1.000 loài chim, bướm, côn trùng, thực vật và cây cối.

13. Thực phẩm Myanmar

Thực phẩm chính của Myanmar là cơm và cari. Mohinga - món miến gạo với nước sốt cá; Ohn No Khaukswe - món miến gạo với dừa và cari gà, là những món ăn phổ biến vào buổi sáng và bữa ăn nhẹ.

Món tráng miệng rất phong phú như: San Nwin Makin (bánh ngọt của Myanmar) và Kyaukkyaw (thạch rong biển), đường thốt nốt và laphet (nước chè lá).

Myanmar cũng là một nước có nhiều hải sản. Cua, tôm hùm, tôm càng, nhuyễn thể khác là những món ăn phổ biến được ưa thích trong các quán ăn Myanmar và quán ăn Trung Hoa ở Yangon và các vùng khác của đất nước.



14. Rau quả

Myanmar rất phong phú về rau quả, cả rau quả nhiệt đới và quả có múi, suốt quanh năm hoặc theo mùa vụ. Các loại quả phổ biến nhất là lê tàu, chuối, sầu riêng, mít, bưởi, nho, xoài, măng cụt, cam, đu đủ, bưởi chùm, dứa và dưa hấu.



15. Thực trạng môi trường kinh doanh

Hiện nay Nhà nước Myanmar vẫn còn thực hiện cơ chế quản lý hành chính tập trung, quan liêu, bao cấp; quản lý kinh tế bằng mệnh lệnh hành chính là chủ yếu.

Nhà nước Myanmar vẫn còn bao cấp qua giá cho công chức và quân nhân đối với một số hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như: nhà ở, gạo, dầu ăn, điện, điện thoại, nước sinh hoạt, giá xăng dầu,...

Cơ chế quản lý xuất - nhập khẩu hàng hóa của Myanmar vẫn còn nhiều thủ tục hành chính như: giấy phép kinh doanh xuất - nhập khẩu hàng hóa, giấy phép xuất - nhập khẩu từng chuyến hàng.



II. CÁC DANH THẮNG DU LỊCH NỔI TIẾNG

THÀNH PHỐ YANGON

Yangon, là thủ đô cũ của Myanmar (trước năm 2005), là thành phố lớn nhất, buôn bán sầm uất nhất, là cửa ngõ chính đến Myanmar bằng đường hàng không, đường biển, đường sông và đường bộ. Màu xanh rợp bóng, mát mẻ với những hàng cây nhiệt đới hai ven đường, nhiều công viên xanh tươi và hồ xinh đẹp, Yangon được mệnh danh là thành phố vườn của Phương Đông. Yangon do vua Alaungpaya thành lập tại một làng nhỏ tên là Dagon khi ông ta đi chinh phục vùng đồng bằng Miền Nam Myanmar vào năm 1755. Tên gọi Yangon nghĩa là “kết thúc cuộc chiến tranh” do thực dân Anh đã tiến hành ở Yangon. Ngày nay thành phố Yangon bao gồm 350 km2 và có dân số khoảng 6 triệu người (năm 2008).

Yangon là nơi kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại, giữa một bên là nền văn hoá Miến Điện thực thụ, bên kia là những di sản thời thuộc địa sót lại, vẫn còn tồn tại hàng thập kỷ sau khi Anh quốc rút lui.

Nhịp đập của thành phố hòa nhịp cùng những con đường rộn rã của nó đã tạo nên nét rất riêng của đất nước và con người Myanmar.

Du khách tới đây sẽ hứng khởi khi chứng kiến những cuộc diễu hành rất nghiêm trang của các nhà sư trong bộ áo choàng màu vàng nghệ và tím, những ni cô đang tìm của bố thí, và những phụ nữ Myanmar sang trọng điểm xuyết cho mình những món trang sức giả kim vàng óng.

Kẻ trẻ, người già thích kéo dài cuộc tán gẫu trong những phòng trà, trên môi là điếu xì gà truyền thống thơm ngát, trong những bộ trang phục truyền thống theo kiểu longyi và htamein đã có từ hàng thế kỷ qua.



Chùa Shwe Dagon (Chùa Vàng)

Phật Giáo có một lịch sử lâu đời từ hơn 2.500 năm nay, tức là kể từ ngày Đức Thích Ca thành đạo, và cũng kề từ đó nền văn minh Phật Giáo ảnh hưởng rất lớn tại nhiều nước trên thế giới và ngày càng được phát triển với tính chất bình đẳng, tự giác của nó. Sự phát triển đó không ồn ào náo động mà trầm lặng nhưng sâu sắc và thâm thúy.

Từ ảnh hưởng của đạo lý Từ Bi Bình Đẳng và Tự Giác, quốc gia Myanmar là một trong những đất nước có một nền Văn Minh Phật Giáo sâu sắc, chẳng những trong tiềm thức của cả dân tộc Myanmar mà cả trong các lĩnh vực kiến trúc, văn hóa, xã hội,... Và điển hình nhất, giá trị nhất kể cả trong phương diện vật chất và tinh thần của nền Văn Minh Phật Giáo tại Myanmar phải kể đến đó là chùa Shwe Dagon (Chùa Vàng).

Trước khi tới Yangon, những người nước ngoài đều có khái niệm sơ bộ về kỳ quan này qua sách báo, phim ảnh hoặc lời kể. Điều đáng nói là khoảng cách giữa khái niệm và thực tế rất lớn, điều này tạo ra niềm hứng thú và cảm phục cho mọi người như khi chính ta đang đứng trước Angkor vĩ đại. Quần thể kiến trúc to lớn này tọa lạc trên đỉnh một khu đồi lớn với nhiều bậc thang trải dài xuống tận chân đồi và một hệ thống thang máy hiện đại.

Ngôi chùa cao trên 100 mét, tọa lạc trên đồi cây xanh ở Yangon, chùa Shwe Dagon là một điểm nhấn có thể nhìn thấy từ xa cách hàng dặm. Nó là một trong những kiệt tác của thế giới, nó được xem là đã xây dựng cách đây hơn 2.500 năm, nơi mà 4 vị đại sư đã tu hành đắc đạo. Các vị vua kế tiếp nhau đã xây dựng chùa trong thế kỷ 15 và hoàng hậu Shin Saw Pu đã nâng cấp chiều cao như hiện nay.

Theo truyền thuyết dân gian Myanmar thì Chùa Vàng (tiếng Myanmar là Shwe Dagon) được xây dựng cách đây 2.500 năm. Tuy vậy nếu nói xác định thời gian thì chúng ta cần phải có những tài liệu khảo cổ chi tiết chính xác mới khẳng định được. Những cứ liệu có thể căn cứ nói về chùa Shwe Dagon chỉ có ở niên đại thế kỷ 14.

Theo sử liệu Myanmar, vào năm 1.372 nhà Vua Pờ-Gu là Bi-Nia U dựng tháp chùa Shwe Dagon gần làng chài Dagon, và từ đó dân chúng Myanmar gọi là chùa Shwe Dagon. Chữ Shwe trong tiếng Myanmar có nghĩa là vàng mà cũng có nghĩa là tuyệt mỹ.

Ngôi tháp mà sử liệu nói tới ban đầu chỉ cao 20 mét. Từ thời điểm đó, tài liệu về chùa Shwe Dagon cứ nhiều dần. Các sử liệu Myanmar nói nhiều đến những lần tu sửa chùa Shwe Dagon. Chiều cao hiện nay của tháp là chiều cao được dựng vào thời Kụn Ba Un. Năm 1.774, Vua Ava đã nâng ngôi tháp lớn cao 99 mét so với mặt nền. Không chỉ có tháp chính, nền của cả khu Chùa cũng được nâng cao. Nhìn chung, tổng thể của chùa Shwe Dagon đã ổn định vào cuối thế kỷ thứ 16, nhưng từng chi tiết vẫn luôn luôn được thay đổi và bổ sung cho đến ngày nay.

Toàn bộ khuôn viên Chùa Vàng hiện nay có kích thước hình chữ nhật, 214 mét x 275 mét, cao hơn mặt bằng thành phố 20 mét. Từ 4 hướng chính có 4 dãy cầu thang mái ngói che phủ. Dãy cầu thang dài nhất có 175 bậc, dãy ngắn nhất 104 bậc. Hai bên các dãy bậc thềm là hàng loạt các nhà nghỉ cho khách hành hương.

Cổng phía Nam có một đôi tượng sư tử khổng lồ, cao 9 mét, hướng về trung tâm thành phố. Tháp chính cao 99 mét, thuộc trường phái kiến trúc tháp “Hạ Miến”, có hình thù vươn cao và tinh tế hơn kiến trúc tháp “Thượng Miến”. Tháp Hạ Miến thường được bao quanh bằng 2 hoặc 3 hàng tháp nhỏ. Tháp Thượng Miến được bao quanh bằng 4 toà tháp khổ lớn ở 4 góc.

Quanh nền tháp chính của chùa Shwe Dagon được bao bọc bởi một vành đai 72 điện thờ nhỏ có tượng Đức Phật. Trên bốn điểm trụ ở ngay chân nền tháp là bốn “te da un”, có nghĩa là nhà thờ tự với nhiều lớp mái nhấp nhô uyển chuyển.

Tầng nền thứ nhất của tháp cũng được bao quanh bằng 64 ngôi tháp nhỏ cao chừng 3 – 4 mét. Ở bốn điểm trụ của tầng nền, người ta dựng bốn ngôi tháp to hơn so với 64 tháp nêu trên.

Đỉnh của những kiến trúc phụ lô nhô, lấp lánh quanh những tháp khổng lồ ở giữa. Tất cả vừa tạo cho kiến trúc một dáng vẽ trang nghiêm uy nghi, vừa tạo nên cảm giác hướng về, quy về dưới ánh đạo vàng rực rỡ của Phật Pháp.

Nói đến chùa Shwe Dagon không thể không nói tới đỉnh của ngọn tháp chính. Cả bộ phận nầy làm theo mô hình cũ vào năm 1871.

Hiện tại đỉnh chùa Shwe Dagon cao 10 mét, gồm bảy vòng đai bằng vàng ròng. Có thể nói trên thế giới không có một công trình kiến trúc nào lại sử dụng số lượng vàng và kim cương nhiều như chùa Shwe Dagon. Ngoài phần thân được phủ kín bằng 9.300 lá vàng. Mỗi lá hình vuông, có kích thước mỗi cạnh 30 cm (khoảng 1 foot - đơn vị đo lường của Mỹ) với trọng lượng 500 kg vàng ròng. Phần trụ của chùa Shwe Dagon cũng giá trị không kém, hoàn toàn làm bằng bạc tinh. Đỉnh chóp là quả cầu vàng đường kính 25 cm. Cái cờ gió cũng bằng vàng. Ba phần này được khảm 5.448 viên kim cương to nhỏ khác nhau và gồm 1.065 chuông vàng, 421 chuông bạc.

Với bao nhiêu vàng bạc châu báu để xây dựng biểu tượng cho niềm tín ngưỡng tuyệt đối của dân tộc Myanmar nên Chùa đó được dân gian gọi nôm na là Chùa Vàng.

Một kiến trúc thể hiện lòng tôn kính, sùng đạo của các Vua Chúa Myanmar thời xưa, cũng như niềm tin tưởng mãnh liệt vào Phật Pháp của dân tộc Myanmar từ hàng ngàn năm trước cho đến ngày nay. Qua bao thăng trầm của Myanmar, nhưng những di tích Phật Giáo vẫn được nhân dân Myanmar trân trọng và bảo tồn. Chùa Vàng vẫn được nhắc đến như một niềm kiêu hãnh của mỗi người dân Myanmar.

Chùa Kaba Aye và hang Maha Pasana Guha

Kaba Aye, có nghĩa là hòa bình thế giới để kỷ niệm Đại hội phật giáo thế giới lần thứ sáu tổ chức vào năm 1954, cùng với hang Maha Pasana Guha - cũng là nơi tổ chức đại hội này.



Viện bảo tàng nghệ thuật phật giáo

Viện bảo tàng nghệ thuật phật giáo chùa Kaba Aye có bộ sưu tập lớn về các đồ dùng tôn giáo và đạo Phật.



Chùa Chauk Htat Gyi

Chùa được xây dựng năm 1907, cao 72 mét, bị phá hủy năm 1957 và được xây dựng lại như ngày nay vào năm 1966.



Viện bảo tàng quốc gia

Nằm ở đường Pyay, Viện bảo tàng quốc gia có 5 tầng trưng bày. Ở đây trưng bày các ngai vàng của vua, báu vật của hoàng gia, các tác phẩm viết bằng tay, tranh quý,…

Các địa điểm hấp dẫn khác ở Yangon là chùa Sule, chùa Mailamu, chùa Botataung, chùa Tooth Relic, công viên Bogyoke Aung San, quảng trường Nhân dân và công viên Nhân dân, vườn bách thú Yangon và công viên chim muông Hlawga.

THÀNH PHỐ BAGO (PEGU)

Nằm cách Yangon chỉ 80 km, Bago là thủ đô cũ của Vương quốc Mon trong thế kỷ XV. Ở đây có Tượng đức Phật nằm Shwe Tha Lyaung (dài 55 mét), chùa Kyalkpun cao 28 mét, cung điện của vua Bayinmaung và nhiều cảnh đẹp khác.



Thanlyin (Byriam)

Là một thương cảng do người Bồ Đào Nha thành lập từ đầu thế kỷ XVII, Thalyin và phong cảnh xung quanh hấp dẫn nhiều du khách. Những toà nhà cổ kính là những bằng chứng còn sót lại chứng minh sự có mặt của người Bồ Đào Nha. Cây cầu dài 1.822 mét vắt qua sông Bago, giúp ta đi từ Yangon đến Bago bằng ôtô chỉ mất có 45 phút. Chùa Kyalk Khauk và chùa Kyauktan trong thung lũng cũng rất thu hút du khách.



Twante

Là một thị trấn nhỏ nằm trên kênh đào Twante cách Yangon khoảng 2 giờ đi bằng thuyền. Đi du lịch bằng thuyền là rất thú vị và là cơ hội để ngắm cảnh cuộc sống nông thôn dọc con kênh với nghề gốm nổi tiếng ở Twante.



Tượng đài quân đồng minh

Nằm ở Htaukkyant, cách Yangon 32 km trên đường đến Bago, tượng đài là nơi yên nghỉ của 27.000 quân đồng minh trong chiến tranh thế giới thứ hai. Tượng đài là biểu tượng hòa bình và cũng là một cảnh đẹp thu hút du khách.



THÀNH PHỐ MANDALAY - TRUNG TÂM VĂN HÓA CỦA MYANMAR

Mandalay, thủ đô cuối cùng của Vương quốc Myanmar, nằm ở miền Trung Myanmar, cách Yangon 668 km về phía Bắc. Nổi tiếng và được mệnh danh là thành phố của đá quý (Ratanabon – Napyidaw), nó được vua Mindon xây dựng năm 1857. Ngày nay, nó là thành phố lớn thứ hai với các di sản văn hóa giàu bản sắc. Mandalay cũng là trung tâm thương mại với hệ thống đường sắt, đường bộ, đường sông và đường hàng không nối liền với các vùng miền của đất nước.



Đồi Mandalay

Đồi Mandalay cao 230 mét, là nơi thuận lợi để ngắm toàn cảnh thành phố và ngoại thành. Theo truyền thuyết, trong chuyến thăm của đức Phật, Ngài đã dự báo rằng một thành phố lớn sẽ được hình thành dưới chân đồi này.



Hoàng cung Mandalay

Toàn bộ cung điện đã bị ngọn lửa thiêu rụi trong chiến tranh. Một số bức tường của cung điện, bốn cửa và hào bao xung quanh thành vẫn còn dấu tích cho đến ngày nay là bằng chứng còn lại của một thành trì nguy nga, lộng lẫy năm xưa. Một số tòa nhà của cung điện đã được xây dựng lại theo giả thuyết.



Tu viện Shwenandaw

Ban đầu tu viện xinh đẹp này được xây dựng bên trong Hoàng cung. Năm 1879, vua Thibaw đã cho chuyển tu viện về phía đông của Hoàng cung sau khi vua cha qua đời.



Chùa Mahamuni

Vua Bodawpaya đã xây dựng chùa này vào năm 1784 để thờ đức Phật chuyển từ bang Rakhine đến. Là chùa được tôn sùng nhất ở Mandalay, từ sáng sớm đến chiều có hàng ngàn người sùng kính đến đây để rửa mặt cho đức Phật.



Chùa Kuthodaw

Vua Mindon đã xây dựng chùa này năm 1868, bao quanh nó là 729 tảng đá hoa cương với những dòng chữ như cuốn sách viết trên đá. Nó thường được gọi là quyển sách lớn nhất thế giới.



Tu viện Atumashi

Cách không xa chùa Kuthodaw là tu viện Atumashi (nghĩa là tu viện độc nhất vô nhị) do vua Mindon xây dựng vào năm 1878. Nó đã bị cháy một phần vào năm 1890 và đã được xây dựng lại vào năm 1996.



Chùa Kyauktawgyi

Chùa Kyauktawgyi (có nghĩa là chùa của những tượng đá hoa cương vĩ đại) cũng do vua Mindon xây dựng, đứng ở dưới chân đồi Mandalay. Xây dựng vào năm 1865, chùa cũng được gọi là ngôi nhà lớn của các đức Phật vì được điêu khắc từ một tảng đá hoa cương đẹp Sagyin.

Những phong cảnh đẹp, hấp dẫn khác là chùa Sandamuni, chùa Eindawya, tu viện Shwe In Bin, bảo tàng và thư viện Mandalay, chợ Zegyo và làng dệt tơ tằm thủ công.

THÀNH PHỐ BAGAN

Bagan là điểm du lịch chính ở Myanmar. Là một trong những điểm khảo cổ học ở Châu Á, Bagan ở bờ tây của sông Ayeyarwaddy. Đây cũng là thủ đô của đế chế Myanmar đầu tiên. Bagan có diện tích 42 km2 với hơn 2.000 ngôi chùa và đền đài xây dựng từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII còn lưu giữ cho đến ngày nay.



Chùa Shwezigon

Chùa vàng này là công trình đầu tiên được xây dựng theo kiến trúc Myanmar, là hình mẫu cho các ngôi chùa xây dựng sau này. Nó do vua Anawrahta xây dựng lần đầu tiên và do vua Kyansittha hoàn thành vào năm 1.087.



Thánh đường Ananda

Thánh đường Ananda được xây dựng sau chùa Shwezigon vào năm 1.090 là kiệt tác kiến trúc về đền đài sớm nhất. Có 4 bức tượng đức Phật ở tư thế đứng và 80 hoạt động mô tả đời sống của đức Phật từ khi Người sinh ra tới thời kỳ kỷ nguyên ánh sáng.



Thánh đường Thatbyinnyu

Thánh đường Thatbyinnyu là một tòa nhà được trát vữa trắng, là ngôi chùa cao nhất ở Bagan. Nó do vua Alaungsithu xây dựng vào giữa thế kỷ XII. Từ sân thượng của chùa có thể xem phong cảnh hùng vĩ xung quanh cả lúc bình minh và hoàng hôn.



Thánh đường Gawdawpalin

Thánh đường thế kỷ XIII này là giống như thánh đường Thatbyinnyu, cao khoảng 60 mét và từ đây có thể quan sát toàn bộ thành phố Bagan.



Thánh đường Dhammayangyi

Đây là thánh đường to nhất Bagan. Thánh đường Dhammayangyi do vua Narathu xây dựng vào năm 1167. Thánh đường này chưa hoàn thành nhưng nó được trang hoàng bằng những viên gạch đẹp nhất.



Thánh đường Gubyaukgyi

Thánh đường đầu thế kỷ XIII này thể hiện sự ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Ấn Độ. Trên những bức tường ở trong thánh đường vẽ 28 vị đức Phật ngồi ở những tư thế khác nhau.



Chùa Shwesandaw

Chùa này do vua Anawrahta xây dựng vào đầu thế kỷ XI, nó chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của người dân tộc Mon với những bậc thang nguy nga, tráng lệ ở những tầng phía trên cao.



Thánh đường Sulamani

Thánh đường do vua Narapatisithu xây dựng vào năm 1181, nổi tiếng với những bức tranh vẽ ở trên tường từ thế kỷ XI đến thế kỷ XII.

Những địa điểm hấp dẫn khác ở Bagan là chùa Mingala Zedi, thánh đường Manuha, thánh đường Lawkananda, chùa Bupaya và viện bảo tàng Bagan.

HỒ INLAY

Đây là hồ rộng và đẹp, cao 900 mét so với mực nước biển, là một trong những điểm du lịch hấp dẫn chính ở Myanmar. Hồ dài 22 km và rộng 10 km, có dân số khoảng 150.000 người, nhiều người trong số họ sinh sống trên các đảo nổi ở trong hồ, có trồng nhiều cây cối. Bất cứ du khách nào đi qua nơi đây cũng phải dừng chân ngắm nghía hồ Inlay – một hồ gần gũi với thiên nhiên và trong lành, không bị ô nhiễm môi trường, nổi tiếng về phong cảnh đẹp tuyệt vời và những dân chài chèo thuyền bằng chân điêu luyện.



Ywama

Đây là làng lớn nhất trên hồ Inlay, đường dẫn vào làng là mạng lưới chằng chịt các con kênh. Có một số nhà làm bằng gỗ Teak rất đẹp được xây dựng trên những cột gỗ lớn đóng vào đáy hồ. Hoạt động chủ yếu và hấp dẫn là chợ nổi trên hồ.



Chùa Phaung Daw U

Một trong những nơi linh thiêng nổi tiếng ở Myanmar, chùa này thờ tượng 5 đức Phật. Hàng năm cuối tháng chín đến đầu tháng mười, có một lễ hội chùa rước 4 đức Phật bằng thuyền rồng màu sắc sặc sỡ đi xung quanh hồ.



Chợ Mine Thauk

Là một chợ lớn và tấp nập, nơi đây có thể tìm thấy không khí đích thực của địa phương với các sản phẩm phong phú thu hoạch từ lòng hồ. Những địa điểm ưa thích của du khách trong lòng hồ là chùa Paya Pauk, làng Zakah, tu viện Nga Phe.



NHỮNG DANH THẮNG DU LỊCH NỔI TIẾNG KHÁC

Kiệt tác chùa Núi Vàng (chùa Kyaikhtiyo)

Bàn tay sáng tạo của con người kết hợp với tuyệt tác thiên nhiên đã tạo nên điều kỳ diệu. Chùa Núi Vàng (Kyaikhtiyo) cho tới nay vẫn là điểm đến đầu tiên của hầu hết những ai ghé thăm Myanmar.

Tĩnh lặng đến mức từng giọt nước rơi rất nhẹ cũng được nghe thấy, tâm hồn con người trở nên thanh thoát hơn khi đến chùa Kyaikhtiyo.

Đến Myanmar là bước vào một thế giới khác với hương vị, cảnh quan, và cảm giác hết sức quyến rũ với bầu không khí thật sự khác thường.

Chùa Kyaikhtiyo là một trong những ngôi chùa cổ nhất và nổi tiếng nhất trong tất cả các ngôi chùa ở Myanmar. Chùa Kyaikhtiyo tọa lạc gần thị trấn Kyaikhto, quận Thaton, và nhiều người tin rằng nó được xây dựng trong thời gian Đức Phật còn sống, trên 2.500 năm trước.

Theo truyền thống của đạo Phật, tên ngôi chùa này được bắt nguồn từ "Kyaik" có nghĩa là "chùa", còn "yo" nghĩa là ngự trên đầu của nhà ẩn dật; còn trong tiếng Pali thì "hti" nghĩa là một nhà ẩn dật và vì thế Kyaikhtiyo hàm ý ngôi chùa mang đầu của nhà ẩn dật. Theo truyền thuyết kể lại, sau khi một người tu hành xuống tóc vì Đức Phật thì không còn quyến luyến gì trần đời và toàn tâm đi tìm miền cực lạc.

Nơi đây có một tảng đá thiêng, được bao bọc bởi những lá bằng vàng dát mỏng, nằm cheo leo trên bờ một vách đá. Truyền thuyết kể rằng, sở dĩ tảng đá giữ vững được vị trí của nó là nhờ có một sợi tóc của Phật Tổ được đặt ở vị trí chính xác trong một cái tháp thờ cao đến 7,3 mét nằm trên khối đá này.

Ngôi chùa được xây dựng trên một tảng đá tròn, hình quả trứng rất to lớn trên độ cao 1.100 mét so với mặt biển. Đây là một công trình kiến trúc tôn giáo nổi tiếng thế giới, di sản văn hoá khổng lồ của nhân loại.

Từ dưới chân núi, du khách chỉ nhìn thấy duy nhất chỏm đá nhô ra phía ngoài; nhưng khi lên đến đỉnh, cảnh quan diễn ra trước mắt là một quần thể kiến trúc thống nhất.

Ngôi chùa Kyaikhtiyo cao gần đến 30 mét với vô vàn tượng Phật được đặt khắp ngóc ngách, đặc biệt có một số tượng Phật được trang điểm bằng hàng nghìn viên đá quý, vài trăm viên kim cương với hàng trăm chiếc chuông vàng.

Toàn bộ khuôn viên chùa vàng có kích thước hình chữ nhật, cao hơn mặt bằng thành phố 20 mét. Từ 4 hướng chính là 4 dãy cầu thang có mái ngói che phủ. Dãy cầu thang dài nhất 175 bậc, dãy ngắn nhất 104 bậc. Hai bên các dãy bậc thềm là hàng loạt các nhà nghỉ cho khách hành hương.

Để leo lên đến được đỉnh núi dài 12 km tính từ vùng Kimmunsakhan, du khách phải leo bộ qua 20 trạm nghỉ khác nhau với các quán cóc nhỏ phục vụ đầy đủ các loại nước giải khát và trái cây.

Tuy nhiên, điểm hấp dẫn mọi người nhất là trong suốt quãng đường dài như thế, không một tia nắng nào có thể ảnh hưởng đến vì các tán lá cây rộng lớn có thể che mát mọi người.

Thị trấn Pyay (Prome)

Thị trấn Pyay nằm cách Yangon khoảng 285 km về phía Bắc, trên bờ phía Đông của Ayeyarwaddy. Với thời gian 5 giờ đồng hồ, du khách có thể dễ dàng đi đến đó bằng đường bộ hoặc đường sắt. Cách thị trấn vài km về phía đông bắc là Thayeikhittaya (Sri Ksetra), một địa điểm khảo cổ, thủ đô Pyu (từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ thứ IX). Chùa Shwesandaw, chùa Hsehtakyi, viện bảo tàng Shwe Phone Pwint, chùa Bawbawgyi, chùa Bebegyi, tháp Payagyi và tháp Payama là những địa điểm hấp dẫn xung quanh thị trấn Pyay. Có nhiều khách sạn và tiện nghi hiện đại dành cho khách nước ngoài.



Mrauk U

Đây là thành phố cổ thế kỷ XV của vương quốc Rakhine, nổi tiếng với những thánh đường cổ vẽ tranh trên tường mang nét ảnh hưởng của nền văn hóa Ấn Độ. Một chiếc tàu chở khách định kỳ nhiều giờ đi từ Sittwe (Skyab) đến Mrauk U.

Một chiếc tàu cao tốc đặc biệt khoảng 20 chỗ ngồi chỉ đi mất 2 giờ 30 phút. Hành khách cũng có thể đi bằng đường bộ từ Sittwe qua Ponnakyun và Kyauktaw. Chùa Mahamuni, một trong những chùa linh thiêng nổi tiếng ở Myanmar, nằm cách Mrauk U khoảng 30 km. Ở đây có một khách sạn bằng gỗ 1 tầng với 24 phòng dành cho khách du lịch. Những chuyến bay định kỳ từ Yangon đến Sittwe chỉ mất khoảng 1 giờ 30 phút. Chùa Shitthaung, chùa Dukkanthein và lăng Andawthein là một trong những điểm tham quan hấp dẫn ở Mrauk U.

Mawlamyine (Mouliwein)

Mawlamyine, một thành phố xinh đẹp, là thủ phủ của bang Mon, nằm ở cửa sông Thanlwin (Salween River). Từ Yangon có thể dễ dàng đến đây bằng ôtô hoặc tàu hỏa. Những danh thắng có thể tham quan ở Mawlamyine là chùa Kyauithanlan, chùa Uzena, các động Kawgoon và Payon. Nổi tiếng nhất là vô số các tượng Phật bằng thạch nhũ trong các hang đá.

Điểm thu hút đông nhất du khách là chùa Kyaikhami, xây trên con đường bằng những tảng đá nối liền giữa biển và đất liền.

Cách Mawlamyine khoảng 34 km là Thanbyuzayat, một tượng đài tưởng nhớ quân đồng minh bị cầm tù trong chiến tranh và hy sinh tại đây – trong một tòa nhà cạnh đường sắt vượt qua sông Kwai.



Myeik Archipelago

Myeik (Mergui) Archipelago, là điểm cực nam của Myanmar, bao gồm 500 hòn đảo nhỏ. Những ngư dân ở đây, sống lênh đênh trên thuyền vào mùa khô và sống trên đất liền vào mùa mưa. Cuộc sống và phong tục của họ rất đặc trưng và độc đáo là lễ hội truyền thống của ngư dân, đã thu hút khách du lịch quốc tế cũng như đẩy mạnh du lịch bằng đường biển xung quanh các hòn đảo của Myeik Archipelago. Một chuyến thăm ngôi làng của họ để tận mắt chứng kiến nền văn hóa cộng đồng cũng rất thú vị. Lễ hội truyền thống của ngư dân được tổ chức tại làng Ma Kyone Galet trên đảo Bocho, cạnh đảo Lampi.



NHỮNG BÃI BIỂN NỔI TIẾNG

Bãi biển Ngapali

Những bãi biển của Myanmar có lẽ là nơi độc nhất vô nhị trên trái đất này chưa bị ngành du lịch khai phá, điển hình nhất là bãi biển mang tên Ngapali.

Tại đây, khách du lịch có thể thư giãn dưới bóng râm của hàng cọ, thả bộ trên dải cát bàng bạc, ngắm nhìn ngư dân đánh cá buổi sớm tinh sương, hay chỉ đơn thuần là để cho những cơn gió từ vịnh Bengal thổi vào làm cho trí não được tuệ minh.

Nằm trên bờ biển Rakhine, cạnh Thandwe (Sandoway), Ngapali là một trong những bãi biển đẹp ở Myanmar. Từ Yangon tới bãi biển này bằng đường hàng không chỉ mất 35 phút. Nếu đi bằng đường bộ trên những con đường chật hẹp quanh co vượt qua dãy núi Rakhine Yoma thì mất khoảng 14 giờ sau khi vượt qua sông Ayeyanwaddy tại Pyay (Prome). Có một sân gôn 18 lỗ cách bãi biển 15 phút nếu đi bằng ôtô. Tại đây có nhiều khách sạn sang trọng hạng nhất để lựa chọn như: Bay View Hotel, Sandoway Beach Resort và Amata Beach Resort cũng như những khách sạn tiêu chuẩn như: Ngapali Beach và Silver Beach.



Bãi biển Chaung Tha

Chaung Tha Beach nằm cách Pathein (Bassein) 40 km ở Khu hành chính Ayeyanwaddy. Từ Yangon có thể dễ dàng đi bằng ô tô đi qua Pathein đến đây chỉ mất có 5 giờ. Có nhiều khách sạn bằng gỗ 1 tầng dọc bờ biển với những tiện nghi hiện đại.



Bãi biển Ngwe Saung

Đây là một bãi biển mới mở cách Pathein khoảng 48 km. Bãi biển hoang sơ này trải dài 15 km với những bãi cát trắng xóa và nước biển xanh rờn. Có nhiều khách sạn bằng gỗ 1 tầng mới xây dựng với phong cách kiến trúc địa phương nhưng tiện nghi hiện đại. Tất cả các khách sạn đều ngoảnh mặt ra bờ biển và viền diềm quanh khách sạn là những cây cọ xanh tươi.



Bãi biển Kan Thaya

Nằm cách Yangon 290 km cạnh Gwa trên bờ biển Rakhine, từ Yangon đi tới bãi biển Kan Thaya bằng ô tô chỉ mất khoảng 8 giờ, sau khi vượt qua những chặng đường núi có nhiều rừng cây dọc đường đi.



NHỮNG DANH THẮNG DU LỊCH NỔI TIẾNG Ở VÙNG BIÊN GIỚI

Muse

Muse là một thị trấn nhỏ ở trên bờ sông Shweli, là cửa khẩu chính giữa Myanmar và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Cách Lashio 150 km, nó là trung tâm thương mại nhộn nhịp. Khách sạn Muse có thiết bị hiện đại. Du khách cũng có thể tham quan Namkham và Kyukoke, là những thị trấn cạnh biên giới


Tachileik

Tachileik ở vùng tam giác vàng, là cửa khẩu biên giới, đối diện với Mae Sai ở Thái Lan. Từ Yangon đi bằng máy bay tới đây thì mất 2 giờ. Khu nghỉ dưỡng tam giác vàng Paradise nằm trên bờ sông Mekong đối diện với Lào và Thái Lan.



Kyaing Tong

Kyaing Tong là thủ phủ của vùng tam giác vàng. Nó chỉ cách Tachileik 170 km và đi mất 3 giờ bằng xe ôtô. Có nhiều điểm hấp dẫn thu hút du khách của các bộ tộc ít người với quần áo màu sắc sặc sỡ. Có những chuyến bay định kỳ từ Yangon tới Kyaing Tong. Các khách sạn ở Kyaing Tong với tiện nghi hiện đại và giá cả hợp lý sẽ làm hài lòng du khách. Khách du lịch với thẻ căn cước “qua biên giới” cũng được phép vào tham quan thị trấn biên giới này.



Myitkyina

Myitkyina là thị trấn lớn nhất ở bang Kachin. Từ Myitkyina, du khách có thể đi tham quan ngã ba của Maikha và Malikha, nơi bắt nguồn của dòng sông Ayeyarwaddy. Có nhiều chuyến chuyến bay định kỳ từ Yangon và Mandalay tới Myitkyina.



Puta O

Puta O là một thị trấn khác của bang Kachin được bao quanh bởi những núi tuyết. Ở đây khí hậu mát mẻ quanh năm và có nhiều vườn quả có múi. Đây là thị trấn gần nhất để cắm trại chuẩn bị leo núi Khakhaborazi (cao 5.889 mét), là ngọn núi cao nhất Myanmar và Đông Nam Á.



Kawthaung

Trước đây gọi là mũi Victoria, Kawthaung là thị trấn cực nam của Myanmar. Từ Ranong, một thị trấn biên giới của Thái Lan, du khách có thể đi thuyền chỉ 20 phút là tới Kawthaung để tham quan và mua hàng hóa. Câu lạc bộ Andaman ở đảo Thahtaykyun nằm ở phía tây Kawthaung. Có nhiều chuyến bay định kỳ từ Yangon tới Kawthaung và tàu biển chở khách hạng sang 5 sao từ Thanlwin tới Kawthaung.



Một số điểm du lịch dân dã hấp dẫn khác

Một số điểm du lịch dân dã nổi tiếng nhất là công viên quốc gia Alaungdaw Kathapa, công viên vùng núi Popa, vườn thú hoang dã Hlawga, khu bảo tồn thú hoang dã Shwesettaw, khu bảo tồn chim Inlay, đầm Moyingyi và vườn rừng cắm trại Sein Ye.


Phần thứ hai

TRIỂN VỌNG THỊ TRƯỜNG DU LỊCH CỦA MYANMAR
Bộ Khách sạn và Du lịch Myanmar đang đề ra các chính sách, biện pháp cần thiết để phát triển nhanh Ngành Du lịch theo định hướng nền kinh tế thị trường như: khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp liên doanh hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được ưu đãi trong các lĩnh vực sau đây:

  • Sử dụng tài nguyên đất đai.

  • Kinh doanh du lịch và khách sạn.

  • Phát triển công nghiệp phục vụ Ngành Du lịch.

  • Phát triển các ngành dịch vụ phục vụ Ngành Du lịch.

Một số chính sách chủ yếu của Myanmar đối với Ngành Du lịch như sau:

- Xúc tiến, hỗ trợ phát triển Ngành Du lịch.

- Khuyến khích nhân dân phát triển du lịch cộng đồng.

- Khuyến khích nhân dân thành lập doanh nghiệp, phát triển du lịch và các ngành dịch vụ hỗ trợ du lịch.

- Phát triển du lịch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân.

Các giải pháp có tính chiến lược để phát triển thị trường Du lịch của Myanmar là đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao năng suất lao động trong Ngành Du lịch, tăng nhanh doanh thu, ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ phục vụ Ngành Du lịch như công nghệ quản lý khách sạn, vận tải hàng không, vận tải đường biển, vận tải đường sông, vận tải đường bộ, vận tải đường sắt, sản xuất hàng lưu niệm (sản phẩm làm bằng đá quý, ngọc trai, ngà voi, vàng bạc, hàng thủ công mỹ nghệ, quần áo, tranh ảnh,...).

Myanmar đang triển khai thực hiện Hiệp định ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung của ASEAN (CEPT/AFTA) với lộ trình năm 2010 sẽ thực hiện theo biểu thuế nhập khẩu hàng hóa từ 0 - 5%.

Myanmar cũng đang nghiên cứu học tập các mô hình đổi mới, cải cách, mở cửa nền kinh tế của một số nước, trong đó có Việt Nam.

Nếu Myanmar thực hiện được quá trình hòa giải dân tộc, dân chủ hóa đời sống kinh tế - xã hội, giữ được sự ổn định về chính trị - xã hội, thực hiện cải cách, mở cửa nền kinh tế, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế - thương mại thế giới thì nền kinh tế nói chung và du lịch nói riêng sẽ có sự phát triển nhanh trong thời gian tới.


Phần thứ ba

GIẢI PHÁP ĐỂ PHÁT TRIỂN QUAN HỆ KINH TẾ GIỮA

NGÀNH DU LỊCH HAI NƯỚC VIỆT NAM VÀ MYANMAR
1. Những hình thức có thể hợp tác, liên doanh trong Ngành Du lịch của hai nước Việt Nam và Myanmar trong thời gian tới

Hợp tác giữa Ngành Du lịch hai nước và doanh nghiệp du lịch hai nước Việt Nam và Myanmar để liên doanh, liên kết xây dựng các tua (tour) du lịch theo chuyên đề như:

- Du lịch tâm linh (thăm chùa, đền thờ, lăng mộ,…).

- Du lịch kết hợp nghiên cứu kinh phật, học thiền, nghiên cứu dự báo tiên tri,…

- Du lịch sinh thái (thăm vườn quốc gia, vườn thú, vườn chim, cắm trại, tham quan các khu rừng, hồ, đầm,...).

- Du lịch mạo hiểm (chèo thuyền, leo núi, trượt tuyết, vượt thác ghềnh,…).

- Du lịch biển.

- Xây dựng các tuyến du lịch dọc theo hành lang kinh tế Đông – Tây (Việt Nam – Lào – Thái Lan – Myanmar).

Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam nên liên doanh, liên kết với các đối tác Myanmar tổ chức các tuyến du lịch tới Myanmar bằng cách nối dài các tua (tour) du lịch Hà Nội - Bangkok - Yangon, Thành phố Hồ Chí Minh - Bangkok - Yangon và ngược lại.

- Xuất khẩu chuyên gia du lịch theo hình thức hợp tác 3 bên (Việt Nam, Myanmar và một tổ chức tài trợ quốc tế).



2. Những hàng hóa phục vụ Ngành Du lịch có nhiều khả năng xuất khẩu tới thị trường Myanmar trong thời gian tới

- Thiết bị điện, chiếu sáng, trang trí, quảng cáo.

- Hàng điện tử và máy tính.

- Công nghệ, máy móc, thiết bị phục vụ khách sạn và khu du lịch.

- Hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch (gia công chế tác sản phẩm từ đá quý, ngọc trai, vàng bạc, hàng thủ công mỹ nghệ, quần áo, tranh ảnh,...).

3. Hợp tác, liên doanh trong các Ngành Công nghiệp phục vụ Du lịch giữa hai nước Việt Nam và Myanmar trong thời gian tới

- Công nghiệp sản xuất thiết bị điện, chiếu sáng, trang trí, quảng cáo.

- Công nghiệp điện tử.

- Công nghiệp cơ khí phục vụ Ngành Du lịch.

- Công nghiệp cơ khí đóng tàu vận tải, tàu chở khách du lịch.

- Dịch vụ sữa chữa, thay thế phụ tùng, máy móc, thiết bị phục vụ Ngành Du lịch.



4. Hợp tác, liên doanh trong các Ngành Dịch vụ liên quan tới Du lịch giữa hai nước Việt Nam và Myanmar trong thời gian tới

- Giao thông vận tải.

- Bưu chính – Viễn thông.

- Văn hóa, thể thao, giải trí.

- Thiết kế và xây dựng các khu du lịch, khu dịch vụ, vui chơi, giải trí.

- Nghiên cứu tài nguyên và môi trường phục vụ du lịch.

- Nghiên cứu và ứng dụng khoa học – công nghệ trong Ngành Du lịch.

- Nghiên cứu và ứng dụng giáo dục và đào tạo trong Ngành Du lịch.



5. Những vấn đề cần l­ưu ý khi doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu t­ư sản xuất kinh doanh ở thị trư­ờng Myanmar

- Trong lịch sử của Myanmar có hơn 6.000 ngôi chùa; tuy nhiên một nửa trong số đó bị chiến tranh tàn phá, bị ảnh hưởng của khí hậu và thời gian nên đã trở thành phế tích. Tuy nhiên, hiện nay Myanmar vẫn còn lưu giữ được hơn 3.000 ngôi chùa, trong đó có ngôi chùa to nhất thế giới, có ngôi chùa cổ kính nhất thế giới và có ngôi chùa độc đáo nhất thế giới, nên du lịch tâm linh rất phát triển.

- Ở Myanmar có rất nhiều lớp nghiên cứu kinh phật, nghiên cứu và thực hành các trường phái thiền; nhiều nhà tiên tri đánh giá quá khứ, hiện tại và dự báo tương lai cho số phận của từng con người tương đối chính xác (độ chính xác khoảng 70 – 80%). Bởi vậy, có thể tổ chức các tua (tour) du lịch kết hợp nghiên cứu kinh phật, học thiền, nghiên cứu dự báo của các nhà tiên tri,…

- Ngư­ời dân Myanmar chủ yếu theo đạo Phật, hiền lành, thật thà, chất phác.

- Do vẫn còn áp dụng visa nên khách du lịch và thương nhân nước ngoài thường phải mất công chờ đợi, làm thủ tục.

- Doanh nhân Myanmar th­ường có thói quen là phải gặp gỡ nhau, trực tiếp trao đổi, tiếp xúc, bàn bạc thảo luận trư­ớc khi ký kết hợp đồng kinh tế; thông thư­ờng nếu chỉ liên hệ qua điện thoại, fax và internet thì rất khó thành công. Quá trình th­ương thảo hợp đồng kinh tế, chờ đợi xin giấy phép xuất – nhập khẩu diễn ra rất lâu, có những lúc kéo dài đến mấy tháng.

- Doanh nhân Myanmar cũng có thói quen là thăm trụ sở nơi làm việc của nhau, thăm nhà máy sản xuất chế biến sản phẩm, xem xét quy trình công nghệ, đội ngũ công nhân viên chức; sau đó thì họ sẽ có đàm phán, thương thảo, quyết định ký kết hợp đồng kinh tế.

- Doanh nhân Myanmar th­ường yêu cầu đối tác nhập khẩu có khoản tiền “đặt cọc” bằng tiền mặt khoảng 10% trong tổng số tiền của hợp đồng kinh tế.

- Nền kinh tế Myanmar vẫn còn là nền kinh tế đóng cửa, khép kín, tự cung tự cấp là chính, mức độ hội nhập kinh tế quốc tế còn ở trình độ thấp, sức mua của ng­ười dân trong n­ước còn thấp,…; bởi vậy, giá cả trên thị trường trong n­ước và giá hàng hóa xuất khẩu của Myanmar thư­ờng thấp hơn nhiều so với giá của thị tr­ường thế giới.

- Ngư­ời dân và doanh nhân Myanmar th­ường rất thích đư­ợc tặng quà dù chỉ là món quà nhỏ. Bởi vậy, doanh nhân Việt Nam nên tặng quà các đối tác Myanmar khi gặp gỡ nhau lần đầu, khi ký kết đư­ợc hợp đồng kinh tế, khi công việc thành công,…



- Hiện nay Chính phủ Myanmar vẫn thực hiện cơ chế quản lý hành chính tập trung, quan liêu trong hoạt động xuất – nhập khẩu như­: giấy phép kinh doanh xuất – nhập khẩu, giấy phép xuất – nhập khẩu từng chuyến hàng. Bởi vậy, sau khi ký kết hợp đồng kinh tế thì các đối tác vẫn phải tiếp tục chờ đợi các loại giấy phép và thủ tục hành chính./.





Каталог: uploads -> news -> file
file -> ĐẢng cộng sản việt nam
file -> BỘ CÔng thưƠng vụ thị trưỜng châu phi – TÂY Á – nam á
file -> Danh sách doanh nghiệp xnk sản phẩm Giày dép, da, phụ kiện ở Braxin Mã số thuế (cnpj)
file -> Danh sách một số doanh nghiệp xnk dược phẩm – y tế Braxin (07/07/009)
file -> Giới thiệu thị trường algeria vụ châu phi – TÂY Á – nam á BỘ CÔng thưƠng mục lụC
file -> Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á TÀi liệu cơ BẢn cộng hoà djibouti
file -> TÀi liệu tóm tắt cộng hòa djibouti
file -> VỤ thị trưỜng châu phi – TÂY Á – nam á TÀi liệu cơ BẢn nưỚc cộng hòa hồi giáo ap-gha-ni-xtan
file -> Danh sách một số doanh nghiệp xnk săm lốp ôtô, xe, máy Braxin ( 02/06/2009)

tải về 121.51 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương