BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Thừa Thiên – Huế ngày 28 tháng 06 năm 2014)



tải về 81.98 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích81.98 Kb.
#13607




BÁO CÁO TỔNG QUAN BÁO CHÍ

(Tin Thừa Thiên – Huế ngày 28 tháng 06 năm 2014)



THỜI SỰ – CHÍNH TRỊ 1

  1. Phong Điền: Trích tiền trợ tang để ủng hộ biển đảo 1

  2. Khoa luật Đại học Huế cùng chung sức 2

  3. Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số huyện A Lưới lần thứ hai thành công tốt đẹp 2

QUẢN LÝ 2

  1. Thừa Thiên - Huế lên kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh 2

CÔNG THƯƠNG 3

  1. Hơn 20 năm truyền tải Thừa Thiên-Huế 3

NÔNG NGHIỆP 3

  1. Thương lái Trung Quốc không thu mua ớt: Doanh nghiệp bỏ rơi nông dân? 3

GIAO THÔNG 4

  1. Tăng cường đảm bảo an toàn giao thông cho mùa thi 4

AN NINH – TRẬT TỰ 4

  1. Quần chúng nhân dân cung cấp cho công an nhiều nguồn tin giá trị về an ninh trật tự 4

DU LỊCH 5

  1. Huế được du khách đánh giá là điểm đến thân thiện 5

Y TẾ 5

  1. Phú Vang: Một người chết, 6 người nhập viện vì ăn cá nóc 5

MÔI TRƯỜNG 6

  1. Quảng Điền: Méo mặt” vì giã cào 6

VĂN HOÁ 7

  1. Cần thêm 10.000 euro để đưa “báu vật hoàng cung” về nước 7

XÃ HỘI 7

  1. Đẩy mạnh giao lưu giữa các sinh viên trẻ yêu khoa học 7

  2. Hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 8

THỂ THAO 8

  1. FFAV lên đường tham dự World Cup 2014 tại Brazil 8

ĐIỂM TIN ĐÃ ĐƯA 9


THỜI SỰ – CHÍNH TRỊ

Phong Điền: Trích tiền trợ tang để ủng hộ biển đảo


Ngày 26/6 ông Trần Văn Nghệ (61 tuổi, trú làng Trạch Phổ, xã Phong Hòa) gửi tặng 3 triệu đồng trích từ tiền chế độ trợ tang của mẹ ông ủng hộ quỹ “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” do báo Tuổi Trẻ phát động.
Số tiền còn lại (7 triệu đồng trong số 10 triệu đồng do Nhà nước hỗ trợ cho đám tang vợ liệt sĩ) gia đình ông Nghệ đã ủng hộ cho quỹ khuyến học trường THCS Phong Hòa và quỹ xây dựng đời sống văn hóa của làng Trạch Phổ.
Ông Nghệ cho biết, đây là tâm nguyện trước lúc lâm chung của mẹ ông (cố mẫu Nguyễn Như Thị Lệt) và cũng là tấm lòng của gia đình gửi đến các chiến sĩ cảnh sát biển và kiểm ngư đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ở vùng biển Hoàng Sa và nhờ báo Tuổi Trẻ gửi lời nhắn: “Chiến sĩ của mình cứ yên tâm, vì đằng sau lả cả dân tộc Việt Nam và bạn bè thế giới ủng hộ”. (Tuổi Trẻ Online 27/6)Về đầu trang

Khoa luật Đại học Huế cùng chung sức


Sáng 27/6, đại diện Khoa luật Đại học Huế đã đến văn phòng thường trú báo Tuổi Trẻ tại Huế để chuyển số tiền 16 triệu đồng ủng hộ chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” do báo Tuổi Trẻ phát động.
Anh Nguyễn Thanh Tùng - Bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của Khoa luật Đại học Huế nói: “Chúng tôi xin gửi số tiền này đến các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển Hoàng Sa cùng với lời cảm ơn sâu sắc nhất”.
Anh Tùng cho biết, các cán bộ, giảng viên của khoa cũng đã có các nghiên cứu về vấn đề pháp luật liên quan đến chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông, với trách nhiệm của công dân với đất nước. (Tuổi Trẻ Online 27/6)Về đầu trang

Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số huyện A Lưới lần thứ hai thành công tốt đẹp


Huyện A Lưới vừa tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện lần thứ II. Dự Đại hội có 151 đại biểu ưu tú được chọn từ cơ sở.
Báo cáo trình bày tại Đại hội đã ôn lại những truyền thống tốt đẹp và các thành tựu qua các thời kỳ cách mạng, đặc biệt trong công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước, của quê hương A Lưới.
Tại Đại hội, 26 tập thể và 22 cá nhân tiêu biểu được UBND huyện, Ban Dân tộc tỉnh khen thưởng. (Văn Hoá 27/6, tr9)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Thừa Thiên - Huế lên kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh


Thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, các địa phương trong cả nước đã khẩn trương ban hành kế hoạch hành động và các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Với mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế có môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp ở nhóm dẫn đầu, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo kế hoạch, tỉnh phấn đấu đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp xuống còn tối đa là 6 ngày; cải thiện các khâu liên quan khác nhằm rút ngắn thời gian từ đăng ký đến bắt đầu kinh doanh của doanh nghiệp; cải cách quy trình, hồ sơ, thủ tục nộp thuế và rút ngắn thời gian các doanh nghiệp phải tiêu tốn để hoàn thành thủ tục nộp thuế đạt mức bình quân 171 giờ/năm.
Bên cạnh đó, rút thời gian tiếp cận điện năng đối với các doanh nghiệp, dự án đầu tư xuống còn tối đa là 70 ngày; Bảo đảm quyền sở hữu và bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông thiểu số theo chuẩn mực quốc tế; Tạo thuận lợi, bảo đảm bình đẳng, công khai, minh bạch trong tiếp cận tín dụng theo cơ chế thị trường giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế… (Báo Điện Tử Chính Phủ 27/6)Về đầu trang

CÔNG THƯƠNG

Hơn 20 năm truyền tải Thừa Thiên-Huế


Thành lập tháng 5/1990, đội Truyền tải điện Huế là một trong những đơn vị tiền thân của Sở Truyền tải điện 1, nay là Công ty Truyền tải điện 2 đã trải qua trên 24 năm hoạt động và trưởng thành.
Những ngày đầu thành lập, đơn vị tiếp nhận và cải tạo đường dây 110 kV Huế-Đồng Hới (trước vận hành cấp điện áp 35 kV) để đưa vào vận hành, lưới điện truyền tải miền Trung phụ thuộc vào đường dây 110 kV này Trong khi đó, phương tiện dụng cụ, cơ sở vật chất chưa đầy đủ, công nhân viên ít kinh nghiệm nên công tác quản lý vận hành thời gian đầu vô cùng vất vả, khó khăn.
Trước tình hình trên Chính phủ quyết định xây dựng đường hệ thống tải điện 500 kV Bắc-Nam, đây là một bước ngoặt. một quyết định táo bạo đối với ngành điện lúc đó. Ngày 5/4/1992 công trình đường dây 500 kV Bắc - Nam chính thức được khởi công. Các Sở Truyền tải điện lại nhận thêm một nhiệm vụ mới, vô cùng mới mẽ và đầy thách thức. Đội Truyền tải điện Huế lúc đó nói riêng và Sở Truyền tải điện 1 nói chung đều gặp phải những khó khăn trong việc tiếp nhận nhiệm vụ mới. Lực lượng mỏng, tham gia giám sát, nghiệm thu công trình đường dây 500 kV Bắc-Nam, vừa quản lý lưới điện 110 kV đảm bảo cung cấp điện cho khu vực, khó khăn chồng chất khó khăn.
Đội Truyền tải điện Huế quản lý các cung đoạn đường dây 220 kV, 500 kV đi qua 5 huyện, thị, 26 xã phường, phần lớn đi qua một số nơi có địa hình phức tạp, đèo dốc, qua nhiều sông suối. Đường vào tuyến, thời gian đầu còn tận dụng đường thi công nhưng qua nhiều năm đã bị mưa lũ, thiên tai bào mòn, thậm chí nhiều đoạn sụt lở nghiêm trọng không thể đi được.
Công tác quản lý vận hành đường dây 500 kV qua 20 năm với nhiều biến động, trong điều kiện thời tiết khu vực miền Trung quá khắc nghiệt, để đảm bảo tình phát triển lưới điện cán bộ nhân viên Truyền tải điện Huế đã không ngừng cố gắng. Hiện tại đơn vị đang quản lý vận hành 76 km đường dây 220 kV, 72,5 km đường dây 500 kV mạch 1 và 72,8 km đường dây 500 kV mạch 2. (Thanh Niên Online 27/6)Về đầu trang

NÔNG NGHIỆP

Thương lái Trung Quốc không thu mua ớt: Doanh nghiệp bỏ rơi nông dân?


Khoảng giữa năm 2013, hàng ngàn hộ nông dân ở huyện Phong Điền đột ngột chuyển diện tích đất trồng sắn, lạc, rau màu sang trồng ớt theo vận động của chính quyền địa phương khi có doanh nghiệp đến đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm đầu ra để bán cho thương lái Trung Quốc. Thế nhưng, khi ớt chín rợp vườn thì doanh nghiệp lại quay lưng, bởi thương lái Trung Quốc không thu mua.
Xã Phong Hiền là một trong những xã chuyển đổi diện tích trồng mía, lạc, sắn, rau màu sang trồng ớt lớn nhất của huyện với hơn 100 hộ dân tham gia. Trong đó, hộ nhiều trồng khoảng 3 sào, hộ ít khoảng 1 sào. Ông Trần Đức Thiện - Phó Chủ tịch xã Phong Hiền cho biết, chương trình trồng ớt cao sản xuất khẩu được triển khai vào tháng 1/2014, do Công ty Tân Phú Quang có địa chỉ tại Quảng Nam giao cho Hợp tác xã nông nghiệp Lam Dương (Quảng Nam) trực tiếp về vận động người dân trồng, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá 6.200 đồng/kg.
Ngoài ra, Công ty còn hỗ trợ bà con phân bón và đặc biệt loại giống của cây ớt cao sản loại chỉ địa ngoài bao bì in nhãn hiệu của Trung Quốc. Trước đây, năm 2013, Công ty này cũng đã về vận động người dân trồng giống ớt cao sản nhưng loại chỉ thiên và sau đó nhập hàng đi cho thương lái Hàn Quốc. Sau đợt đó, bà con nông dân thấy hiệu quả nên tiếp tục trồng nhưng không ngờ lần này doanh nghiệp cho rằng, Trung Quốc không ăn hàng nên doanh nghiệp không thu mua.
Trước thực trạng, nông dân trồng ớt nhưng không được Công ty thu mua theo cam kết với giá 6.200 đồng/kg khiến cho đời sống người nông dân gặp nhiều khó khăn, lãnh đạo huyện Phong Điền đã nhiều lần yêu cầu đại diện Công ty Tân Phú Quang trực tiếp làm việc. Sau nhiều lần được “mời”, vừa qua, đại diện Công ty Tân Phú Quang đã có buổi làm việc với UBND huyện Phong Điền về việc thu mua ớt cao sản cho người dân. Ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng phòng NN&PTNT cho hay, tại buổi làm việc, đại diện Công ty đưa ra lý do không thu mua ớt do thương lái Trung Quốc không thu mua ớt cao sản nữa, khiến công ty gặp khó khăn; nhiều địa phương khác trồng ớt nhiều nên mặt hàng nông sản này bị ứ đọng.
Công ty đưa ra 2 phương án, một là thu mua ớt mức giá mới chỉ 4 nghìn đồng/kg; hoặc sẽ hỗ trợ cho người dân 500 ngàn đồng/sào ớt (trong khi đó, nếu theo hợp đồng, đến kỳ thu hoạch, nông dân sẽ thu mua gần 2,5 triệu đồng/sào). Trước nghịch cảnh này, nhiều nông dân đành ngậm ngùi chấp nhận phương án hỗ trợ 500 ngàn đồng/sào.

Phó Chủ tịch xã Phong Hiền cho biết, mặc dù dịp này, ớt đến kỳ thu hoạch nhưng Công ty Tân Phú Quang không mua theo cam kết hợp đồng. Vậy mà, Công ty này lại yêu cầu xã, vụ tới, tiếp tục vận động người dân trồng ớt và hứa chắc chắn sẽ thu mua. Tuy nhiên, ông Thiện rất e ngại, không biết lời hứa của Công ty có chính xác hay không. Ông Thiện nói, việc vận động để bà con nông dân tiếp tục tham gia trồng ớt cao sản xuất khẩu bán cho Công ty Tân Phú Quang trong thời gian tới là rất khó thực hiện. (Công An Thành Phố Đà Nẵng Online 27/6; Công An Nhân Dân 28/6, tr4)Về đầu trang


GIAO THÔNG

Tăng cường đảm bảo an toàn giao thông cho mùa thi


Dự kiến có hơn 58.600 thí sinh đến Huế dự thi đại học cao đẳng trong tháng 7 tới. Cộng với phụ huynh đi kèm, mật độ lưu thông trên địa bàn sẽ tăng lên đáng kể. Vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn, tiện lợi cho thí sinh đi thi và người nhà thí sinh là rất đáng quan tâm.
Ông Phạm Xuân Sơn - Phó Giám đốc Công ty TNHHNN MTV Quản lý Bến xe Thừa Thiên-Huế cho biết: Công tác chuẩn bị phục phụ đảm bảo an toàn, tiện lợi cho thí sinh và người nhà thí sinh được triển khai từ rất sớm. Kết hợp với việc phục vụ kỳ nghỉ lễ dài ngày dịp 30/4 và 01/5 vừa rồi, công ty có một bước chuẩn bị. Đó là việc chỉnh trang, vệ sinh, lắp đặt hệ thống ánh sáng và xây dựng kế hoạch phục vụ trong các bến xe. Hiện nay, công tác này vẫn được duy trì, bổ sung cho phù hợp với đặc điểm, tình hình mùa tuyển sinh. Đặc biệt, chú trọng đến công tác tuyên truyền, thông tin về lịch trình chạy xe, giá cước; bố trí đủ cán bộ, nhân viên phục vụ tại bến cũng như quán triệt tinh thần, thái độ phục vụ tận tình với hành khách nói chung, thí sinh và người nhà thí sinh nói riêng.
Bên cạnh bến xe, nhà ga, còn có lực lượng tiếp sức mùa thi, sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ thí sinh và người nhà thí sinh đến nơi lưu trú, địa điểm thi. Đối với những trường hợp thí sinh và người nhà đi xe Bắc Nam đổ xuống ở 2 đầu đường tránh Huế, sẽ có xe buýt trung chuyển vào Huế theo tần suất quy định. Ở 2 điểm này, cũng có lực lượng tiếp sức mùa thi hướng dẫn tận tình cho thí sinh và người nhà thí sinh. Thanh tra Sở GTVT còn phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự trên địa bàn tăng cường công tác tuần tra kiểm soát ngăn chặn các hành vi chở quá tải và các hành vi sang bán khách dọc đường hoặc thu thêm tiền của khách; đảm bảo hành lang an toàn đường bộ, chỉ dẫn luồng giao thông, giảm thiểu tối đa sự ùn tắc giao thông...
Một trong những băn khoăn đối với trường hợp thí sinh và người nhà thí sinh khi đỗ xuống địa điểm phía Bắc đường tránh Huế thường rất đông nhưng trên mỗi chuyến xe buýt tuyến Phong Điền - Huế ngang qua đây luôn trong tình trạng chật kín khách, khó có thể chở thêm thí sinh và người nhà? Ông Sơn cho biết thêm: “Tùy theo tình hình thực tế. Nếu cần thiết sẽ xin ý kiến Sở GTVT để điều động thêm phương tiện để trung chuyển...”. (Bản tin thời sự VTV1 lúc 18h ngày 25/6)Về đầu trang

AN NINH – TRẬT TỰ

Quần chúng nhân dân cung cấp cho công an nhiều nguồn tin giá trị về an ninh trật tự


Sáng 27/6, Công an tỉnh phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch giữa Bộ công an và Hội Cựu chiến binh Việt Nam về việc phối hợp vận động toàn dân xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc (giai đoạn 1999-2014).
Thời gian qua, các cấp Hội cựu chiến binh và lực lượng Công an tỉnh đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, giáo dục nhân dân nâng cao cảnh giác đấu tranh làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình” và các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị. Tổ chức trên 1.124 đợt tuyên truyên truyền với trên 85.670 lượt đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia.
Toàn tỉnh hiện có trên 15 mô hình có cách làm hay, sáng tạo như mô hình “Khu dân cư tự quản về an ninh trật tự”, “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự”,… (Công An Nhân Dân 28/6, tr3)Về đầu trang

DU LỊCH

Huế được du khách đánh giá là điểm đến thân thiện


Nhằm hỗ trợ công tác quản lý điểm đến theo nguyên tắc Du lịch có trách nhiệm, trong tháng 3 và tháng 4 năm 2014, Chương trình phát triển năng lực Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án ESRT) do EU tài trợ đã huy động nhóm chuyên gia tiến hành điều tra khách du lịch Giai đoạn 1 tại năm điểm đến thí điểm, bao gồm Huế, Đà Nẵng, Hội An, Hạ Long và Sa Pa.
Với mục đích tóm tắt kết quả thực hiện của Giai đoạn 1, đồng thời tham vấn ý kiến các đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch, ngày 27/6, Ban quản lý Dự án ổ chức Hội thảo kỹ thuật báo cáo “Kết quả Điều tra khách du lịch giai đoạn 1 thí điểm tại một số điểm đến”.
Cuộc điều tra trong Giai đoạn 1 đã tiếp cận và lấy ý kiến của 1.543 khách du lịch, trong đó có 786 khách quốc tế và 757 khách nội địa. Kết quả của cuộc khảo sát đã nêu bật được nhu cầu và đòi hỏi của du khách tại các điểm đến. Trong số những khách lưu trú qua đêm, khách du lịch quốc tế dành phần lớn nhất trong tổng số chi phí cho chỗ ở, sau đó là cho các dịch vụ ăn uống. Ngược lại chi phí của khách trong nước phần nhiều dành cho ăn uống, sau đó là phương tiện đi lại và chỗ ở.
Tại năm điểm đến, những điều khiến du khách hài lòng và thích nhất là cảnh quan thiên nhiên và sự thân thiện của người dân địa phương. Nhìn chung, cả nhóm khách quốc tế và nội địa đều nhận xét các điểm đến được khảo sát rất thân thiện với môi trường và du khách đến đây đều tôn trọng văn hóa và môi trường tại địa phương. (Quân Đội Nhân Dân Online 27/6)Về đầu trang

Y TẾ

Phú Vang: Một người chết, 6 người nhập viện vì ăn cá nóc


7 thành viên trong hai gia đình tại thôn Quy Lai, xã Phú Thanh vừa bị ngộ độc nặng sau khi ăn cá nóc. Một trẻ 9 tuổi tử vong, 6 người nhập viện cấp cứu.
Ngày 27/6, tại Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhân Nguyễn Thị Dung (39 tuổi) và Hoàng Văn Lưỡng (40 tuổi, cùng trú thôn Quy Lai, xã Phú Thanh) vẫn đang được các bác sĩ chăm sóc, điều trị tích cực vì bị ngộ độc cá nóc. Trong khi đó, 3 đứa con của bà Dung gồm Nguyễn Thị Thanh Trang (5 tuổi), Nguyễn Thị Bảo Ngọc (3 tuổi), Nguyễn Văn Tiến (4 tuổi) cùng con của ông Lưỡng là Hoàng Trần Hữu Chiến (4 tuổi) vẫn đang điều trị giải độc tại Trung tâm Nhi khoa thuộc Bệnh viện Trung ương Huế cũng vì nguyên nhân tương tự.
Tại Khoa Hồi sức cấp cứu, ông Lưỡng cho biết, vào trưa ngày 26/6, ông được chồng bà Dung là Nguyễn Văn Thiện mời sang nhà ăn cơm sau khi ông Thiện vừa đi biển vào. Theo ông Lưỡng, bữa cơm có 8 người là cha con ông và gia đình ông Thiện gồm 4 người con nhỏ và vợ chồng ông Thiện. Bữa ăn có món dưa um lệch và cá nóc do ông Thiện đi biển mang về.
Trong khi bà Dung cùng 5 trẻ nhỏ ngồi ăn cơm thì ông Lưỡng và ông Thiện vừa nhâm nhi mồi dưa um vừa uống rượu. Đến 14 giờ cùng ngày, sau bữa cơm thì cha con ông Thiện về nhà ngủ nhưng khoảng 2 giờ sau thì cả hai có triệu chứng nhức đầu, buồn nôn. Trong khi đó, sau bữa cơm thì cả 5 mẹ con bà Dung dần rơi vào tình trạng nôn mửa dữ dội, hôn mê. Bà Huỳnh Thị Hoa (người thân bà Dung) cho biết, chỉ chưa đầy 30 phút sau khi có các triệu chứng đó, bé Nguyễn Thị Oanh (9 tuổi, con chị Dung) đã tử vong.
Bác sĩ Bùi Mạnh Hùng - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu cho biết, bà Dung và ông Lưỡng nhập viện vào lúc 18 giờ ngày 26/7 với triệu chứng nôn mửa, nhức đầu, tê môi lưỡi, đau bụng, tăng tiết nước bọt và được chẩn đoán là nhiễm độc cá nóc ở mức độ vừa. Trong khi đó, 4 đứa con của bà Dung và ông Lưỡng cũng được đưa vào Trung tâm Nhi khoa cấp cứu cũng trong tình trạng tương tự. Đặc biệt, 3 em nhỏ gồm Ngọc, Tiến và Chiến đã trong tình trạng hôn mê, suy giảm ý thức, rối loạn nhịp thở. (Thanh Niên 28/6, tr2; Nông Nghiệp Việt Nam Online 27/6; Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh Online 28/6; Tuổi Trẻ Online 27/6; VOVNews 27/6; Giáo Dục&Thời Đại Online 27/6; Giao Thông Online 27/6; News.zing.vn 27/6; Công An Thành Phố Hồ Chí Minh 28/6, tr2; Nhân Dân 28/6, tr7; Tiền Phong 28/6, tr10; Quân Đội Nhân Dân 28/6, tr8; Lao Động 28/6, tr4; Đại Đoàn Kết 28/6, tr2; Công An Nhân Dân 28/6, tr2; An Ninh Thủ Đô 28/6, tr2; Danviet.vn 28/6; Dân Trí 28/6; Vfa.gov.vn 28/6; Giaoduc.edu.vn 27/6; Mothegioi.vn 27/6; Kinh Tế Nông Thôn Online 27/6; Khampha.vn 27/6)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG

Quảng Điền: Méo mặt” vì giã cào


Gần đây, nghề giã cào hoạt động mạnh trên vùng biển 2 xã Quảng Ngạn, Quảng Công gây ảnh hưởng đến hoạt động khai thác biển của bà con ngư dân trong vùng.
Nghề giã cào là nghề khai thác các loại hải sản sống tầng đáy và các loại nhuyễn thể sống ở nền đáy. Nghề này, nếu khai thác hợp lý, chọn đúng ngư trường, đúng tuyến khai thác sẽ cho năng suất, sản lượng cao. Tuy nhiên thời gian qua, ngư dân các tỉnh lân cận cho tàu giã cào đánh bắt ở vùng biển huyện Quảng Điền cách bờ chỉ từ 14 đến 20 hải lý, gây ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt gần bờ của ngư dân và tác động xấu đến môi trường sống của các loài hải sản.
Hai xã Quảng Ngạn, Quảng Công có chiều dài bờ biển 12km, do việc đầu tư đánh bắt xa bờ cần nguồn vốn lớn, trong khi đời sống người dân còn khó khăn nên họ chủ yếu đánh bắt biển trong giới hạn khoảng 14 hải lý. Tại thôn Tân Thành, xã Quảng Công có trên 150 hộ sống bằng nghề đánh bắt biển. Những năm trước vào thời điểm này, các ngư dân bắt đầu chuẩn bị cho những chuyến đánh bắt biển bằng mành ánh sáng nhưng năm nay nguồn lợi thuỷ sản có phần khan hiếm nên đến thời điểm này mành ánh sáng vẫn treo. Nguyên nhân được các hộ dân nơi đây đưa ra là các tàu giã cào hoạt động mạnh tận diệt nguồn lợi thuỷ sản ven bờ gây khó khăn cho hoạt động đánh bắt.
Theo nhiều ngư dân địa phương, tàu giã cào này chủ yếu của các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định thời điểm hoạt động chính là chập choạng tối, khi tiến hành đánh bắt họ thường không mở đèn nên rất khó nhận biết. Bộ lưới của giã cào rộng, phía dưới đáy gắn những dây xích lớn đủ sức kéo giàn dưới quét sát xuống đáy biển, có thể lủi xuống tận lớp bùn, cào từ con ốc, con ghẹ đến những loài cá sinh sống ở tầng mặt, tầng giữa, kể cả các loại rong biển cũng bị tàn phá nặng nề. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến môi trường biển và các loại thủy sinh.
Ông Nguyễn Quang Vinh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản tỉnh cho biết: Những tháng đầu năm 2014, Chi cục phối hợp với lực lượng Bộ đội biên phòng, ngư dân phát hiện và xử lý 8 tàu giã cào, trong đó có 6 tàu của Quảng Ngãi và 2 tàu của Bình Định. Tuy nhiên, hoạt động tuần tra, xử lý của đơn vị gặp không ít khó khăn. Chi cục rất cần hỗ trợ thêm về nguồn nhân lực, vật lực, kinh phí cho lực lượng kiểm ngư. Đồng thời cũng cần sự chung tay của cộng đồng ngư dân trong hoạt động quản lý nghề cá nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động đánh bắt, tuần tra, xử lý các đối tượng khai thác trái phép trên biển. (Thuysanvietnam.com.vn 27/6)Về đầu trang

VĂN HOÁ

Cần thêm 10.000 euro để đưa “báu vật hoàng cung” về nước


Ngày 27/6, ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết đang tiếp tục vận động cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước góp đủ tiền đưa chiếc xe kéo của vua Thành Thái tặng mẹ về nước.
Theo đó, số tiền hiện có để mua hiện vật này khoảng 46.000 euro (bao gồm 33.000 euro do UBND tỉnh duyệt mua đấu giá, 10.000 euro do các Việt kiều tại Pháp đóng góp và 3.000 euro do ông Hải vận động được tại Huế). Trong khi giá trúng đấu giá lên đến 55.800 euro, cộng với khoản tiền vận chuyển từ thành phố Tours (Pháp) về Huế. Như vậy, trung tâm này còn thiếu ít nhất 10.000 euro nữa mới đủ tiền đưa hiện vật về Việt Nam.
Ông Hải cho biết sau thời gian thương lượng với Bảo tàng Nghệ thuật châu Á Guimet (Paris, Pháp), bảo tàng này đã đồng ý không dùng “quyền ưu tiên mua” do Pháp ban hành để tranh mua chiếc xe kéo có giá trị đặc biệt này. Chiếc xe kéo khi đưa về Huế dự kiến được trưng bày tại nhà Tả Trà thuộc cung Diên Thọ trong hoàng cung Huế, nơi các hoàng thái hậu triều Nguyễn từng ăn ở, sinh hoạt, góp thêm phần sinh động và phong phú cho sưu tập cổ vật tại đây.
Trước đó, sau khi có thông tin về cuộc đấu giá, có ý kiến cho rằng giá thành chiếc xe kéo này (gần 2 tỉ đồng) là quá đắt. Song, theo ông Nguyễn Hữu Hoàng - thành viên Câu lạc bộ di sản Thuận Hóa, với một cổ vật có giá trị văn hóa, lịch sử lớn (nguyên gốc, độc bản, có gốc gác rõ ràng từ hoàng gia triều Nguyễn...) như vậy thì cái giá đó là quá rẻ so với thị trường cổ vật trong nước hiện nay. (Tuổi Trẻ 28/6, tr15)Về đầu trang

XÃ HỘI

Đẩy mạnh giao lưu giữa các sinh viên trẻ yêu khoa học


Đoàn đại biểu, thanh niên ưu tú trong hoạt động nghiên cứu khoa học của Việt Nam đến giao lưu tại Nhật Bản từ ngày 23/6 đến 1/7/2014. Hoạt động này nhằm tiếp nối Chương trình phối hợp giữa Bộ KH&CN và Chương trình JICE (Nhật Bản) thiết kế riêng cho lĩnh vực KH&CN. Chương trình do Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ KH&CN) ngày 23/6 tại Hà Nội
Theo Ban tổ chức, Đoàn đại biểu lần này gồm 55 thành viên đến từ 5 trường đại học (Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Huế, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Thái Nguyên) và 2 viện nghiên cứu (Viện Ứng dụng Công nghệ, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam).
Đoàn sẽ có chương trình tham quan tại một số cơ sở nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin; bảo tàng khoa học,… đặc biệt là việc giao lưu với các bạn sinh viên, nhà nghiên cứu trẻ đến từ các viện, trường đại học công nghệ của Nhật Bản.
Ngoài ra, sự tham gia tích cực vào các hoạt động văn hóa tại những nơi Đoàn đến thăm và làm việc là một trong những nội dung chính của Đoàn. Hoạt động này không chỉ là cơ hội để các đại biểu trải nghiệm về những nét văn hóa của Nhật Bản mà còn là dịp giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam tới các bạn Nhật Bản. (Đại Biểu Nhân Dân 28/6, tr5)Về đầu trang

Hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6


Ngày 27/6, nhân Ngày Gia đình Việt Nam, Sở VH-TT&DL phối hợp với Chi cục Dân số - kế hoạch hoá gia đình và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức Hội thi "Gia đình hạnh phúc" lần thứ ba năm 2014.
Chín gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc được lựa chọn từ các cuộc thi "Gia đình hạnh phúc" ở cơ sở, đại diện cho hàng nghìn gia đình văn hóa đến từ chín huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tham gia thi tài ở ba phần thi: chào hỏi, thi kiến thức và năng khiếu với "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương".
Qua ba năm tổ chức, hội thi "Gia đình hạnh phúc" đã trở thành một hoạt động tuyên truyền quan trọng, nhằm đề cao các giá trị văn hóa gia đình, nâng cao nhận thức trong nhân dân về xây dựng một gia đình gắn kết, đầm ấm yêu thương và không có bạo lực. (Nhân Dân 28/6, tr1)Về đầu trang

THỂ THAO

FFAV lên đường tham dự World Cup 2014 tại Brazil


Sáng 26/06, tại Sở GD&ĐT diễn ra buổi họp báo và lễ xuất quân của Đoàn Bóng đá FHH tham gia Lễ hội Bóng đá hi vọng tại Brazil 2014 (FHH).
Lễ hội Bóng đá Hi Vọng Brazil 2014 là một sự kiện chính thức trong FIFA World Cup 2014 diễn ra tại Brazil nhằm đề cao sức mạnh của bóng đá trong việc tạo ra những chuyển biến tích cực trong xã hội và cho công tác phát triển của cộng đồng. Đây là lần thứ 2 Lễ hội Bóng đá Hi Vọng được tổ chức đồng hành cùng World Cup và là lần đầu tiên “Bóng đá Cộng đồng tại Việt Nam” (FFAV) đại diện cho Việt Nam tham dự Lễ hội Bóng đá Hi Vọng. Vinh dự đó là một sự ghi nhận của FIFA dành cho những nỗ lực không ngừng của FFAV trong suốt hơn 10 năm xây dựng và phát triển hoạt động bóng đá phong trào tại Việt Nam.
Theo chương trình sẽ có 32 đoàn bóng đá đến từ khắp nơi trên thế giới vinh dự được tham gia vào lễ hội bóng đá hi vọng năm nay, đại diện cho các tổ chức cộng đồng, các tổ chức phát triển xã hội, những tổ chức sử dụng Bóng đá như là một công cụ phát triển. Tại đây, 32 đội bóng trẻ đến từ mọi nơi trên thế giới sẽ gặp gỡ, giao lưu trong 10 ngày và được trải nghiệm các hoạt động giao lưu văn hóa và bóng đá.
Theo kế hoạch, Đoàn Bóng đá FFAV sẽ khởi hành trong hai đợt vào ngày 28/06 dành cho lãnh đạo trẻ và ngày 01/07 dành cho các thành viên còn lại của Đoàn Bóng đá FFH.(Bongdaplus.vn 27/6)Về đầu trang

ĐIỂM TIN ĐÃ ĐƯA



Đại Đoàn Kết 28/6, tr5 đưa lại tin: Ngày 26/6, ông Nguyễn Quang Vinh Bình – Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh cho biết, đã có công văn gửi UBND các xã, thị trấn đầm phá ven biển yêu cầu không cho phép và ngăn cấm triệt để những người ngoại tỉnh cũng như người dân địa phương khai thác địa sâm (dân địa phương gọi là giun biển) cho đến khi có trả lời chính thức từ Bộ NN&PTNT. Về đầu trang./.












tải về 81.98 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương