BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Thừa Thiên – Huế ngày 07 tháng 11 năm 2015)



tải về 99.39 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu08.07.2016
Kích99.39 Kb.
#1574


BÁO CÁO TỔNG QUAN BÁO CHÍ

(Tin Thừa Thiên – Huế ngày 07 tháng 11 năm 2015)


KỲ HỌP THỨ 10, QUỐC HỘI KHÓA XIII 1

  1. Điều tra án tham nhũng: Được ghi âm, ghi hình, nghe lén điện thoại 1

QUẢN LÝ 2

  1. Hương Trà: Dân kêu khổ vì sổ đỏ bị "cấp khống" cách đây 15 năm 2

GIAO THÔNG 3

  1. Gần 20 tỷ đồng đầu tư ba tuyến đường liên xã 3

PHÁP LUẬT 4

  1. Hương Thủy: Triệu tập người thông tin vỡ đập Tả Trạch 4

  2. TP Huế: Khởi tố 4 đối tượng đâm người trọng thương ở quán nhậu 5

  3. TP Huế: Tài xế xe ôm giả danh lương y hành nghề chữa bệnh 5

  4. TP Huế: “Cán bộ quân y” đi bán quân trang 5

GIÁO DỤC 6

  1. Bị cáo buộc vi phạm luật cạnh tranh, đại học Ngoại ngữ Huế nói gì? 6

VĂN HÓA 7

  1. Di tích lịch sử Quốc gia bị xâm hại nghiêm trọng 7

  2. Lộ diện dàn “Người đẹp du lịch” xứ Huế hầu hết là sinh viên 7

  3. Ra mắt cuốn sách "Lịch sử phong trào đấu tranh đô thị Huế 1954-1975" 7

  4. Hoàn thành vòng sơ khảo cuộc thi Nữ sinh duyên dáng Việt Nam năm 2015 8

DU LỊCH 8

  1. Thưởng lãm nhà vườn Kim Long – Huế 8

XÃ HỘI 8

  1. Cụm thi đua số 5 tổng kết phong trào “Vì an ninh Tổ quốc” năm 2015 8

  2. Phú Lộc: Nhà huyện này nhưng hộ khẩu huyện khác, chuyện bi hài ở Huế 9

  3. Triển khai công tác tuyên truyền về BHXH, BHYT 10

  4. Thành lập Quỹ sáng tạo Lê Bá Đảng 10

ĐIỂM TIN ĐÃ ĐƯA 11



KỲ HỌP THỨ 10, QUỐC HỘI KHÓA XIII

Điều tra án tham nhũng: Được ghi âm, ghi hình, nghe lén điện thoại


Ngày 6/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), trong đó, nội dung liên quan đến ghi âm, hi hình trong quá trình hỏi cung bị can được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận.
Liên quan đến biện pháp điều tra đặc biệt, rất nhiều đại biểu tán thành việc áp dụng phương pháp điều tra này dưới 3 hình thức là ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử.
Theo đại biểu Trần Đình Nhã (Thừa Thiên - Huế), về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, đây là một chương trình mới và lần đầu tiên xuất hiện trong Luật Tố tụng hình sự của Việt Nam. “Chúng ta cho phép áp dụng biện pháp kỹ thuật ghi âm, ghi hình, nghe điện thoại bí mật, thu thập bí mật, dữ liệu điện tử và vấn đề quan trọng ở đây là cho phép sử dụng những kết quả áp dụng biện pháp kỹ thuật này làm chứng cứ chứng minh trong vụ án, không chỉ là chứng minh trong quá trình điều tra, trong quá trình truy tố, mà còn chứng minh trong quá trình xét xử. Nó sẽ làm thay đổi quan niệm của chúng ta hiện nay” - đại biểu Nhã nói. (Lao Động 7/11, tr8) Về đầu trang

QUẢN LÝ

Hương Trà: Dân kêu khổ vì sổ đỏ bị "cấp khống" cách đây 15 năm


Mặc dù không có nhu cầu làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), nhưng diện tích đất của ông Thôn lại được chính quyền xã tự ý kê khai để cấp cho con trai ông. Chính tình tiết này khiến vụ việc phát sinh nhiều hệ lụy, trở nên phức tạp.
Trước năm 1960, ông Nguyễn Thôn (phường An Hòa) cùng vợ là bà Lê Thị Ngò mua lại 8 sào đất của ông Hà Xuân Châu với diện tích 4000m, tọa lạc tại làng La Chữ, xã Hương Chữ, huyện Hương Trà, nay là phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà). Đến năm 1978 – 1979, vợ chồng ông Thôn đổ đất làm nhà trên thửa đất trên thì chính quyền xã Hương Chữ lúc bấy giờ ngăn cản và đổi cho ông sang thửa đất khác tại xã Hương An, huyện Hương Trà (nay là phường Hương An, thị xã Hương Trà).
Sau khi nhận thửa đất bị đổi nói trên, gia đình ông Thôn trồng lúa và trồng keo để làm kinh tế. Đến năm 1999, không hiểu vì lý do gì xã Hương An lại đem cấp sổ đỏ thửa đất này cho anh Nguyễn Siêu (con trai ông Thôn), trong khi ông không hề ủy quyền cho Siêu và cũng không đề xuất cấp sổ đỏ với thửa đất của mình. Theo đó, diện tích đất thực tế là 4000m2 nhưng trong sổ đỏ chỉ kê khai là 3800m2.
Khi thấy đất của mình bị xã đem cấp cho con trai, ông Thôn lên xã hỏi thì được trả lời rằng, đất được cấp theo Nghị định 64/NĐ-CP của Chính phủ (?). Theo Điều 6 của Nghị định trên thì: “Đối đượng giao đất nông nghiệp để sử dụng ổn định lâu dài là nhân khẩu thường trú tại địa phương, kể cả những người đang làm nghĩa vụ quân sự”. Có nghĩa là những trường hợp được cấp đất theo Nghị định trên phải là người có hộ khẩu tại địa phương. Thế nhưng, anh Nguyễn Siêu lại không phải là người có hộ khẩu ở đây. Theo tìm hiểu, anh Siêu có tên thật là Nguyễn Văn Ngưỡng (tên Siêu chỉ gọi ở nhà), nhưng không hiểu lý do gì mà chính quyền địa phương vẫn sử dụng tên không có trong giấy tờ để cấp đất?
Liên quan đến vấn đề này, anh Siêu - chủ nhân sổ đỏ “bị cấp” cho biết: “Thời điểm làm sổ đỏ, tôi không kê khai cũng không đăng ký. Sổ đỏ đứng tên tôi là do cán bộ tại Hương An kê khai chứ tôi không hay biết”. Đáng nói, việc chính quyền xã Hương An tự ý cấp sổ đỏ cho anh Siêu thuộc thửa đất của ông Thôn không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của ông mà còn gây thêm nhiều phiền toái.
Cụ thể, tháng 8/2014, UBND thị xã Hương Trà ra quyết định thu hồi 3.146,4m2 đất của anh Ngưỡng để xây dựng khu định cư tại Hương An. Tuy nhiên, gia đình ông Thôn đã không đồng ý bồi thường, bởi thực chất phần đất trên thuộc sở hữu của ông Thôn chứ không phải của anh Ngưỡng.
Sau nhiều năm đi gõ cửa các cơ quan chức năng, tháng 11/2013 ông Thôn ủy quyền thửa đất nói trên cho con trai của mình là anh Nguyễn Văn Tường để làm việc với các cơ quan chức năng. Sau khi được ủy quyền, anh Tường đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng để đòi lại quyền sở hữu đất chính chủ cho bố mình nhưng đến nay, sổ đỏ vẫn còn tên anh Siêu.

Nói về vấn đề này, ông Phan Phước Thìn – Chủ tịch xã Hương An cho biết: Thửa đất của ông Thôn có diện tích là 4000m2, nhưng trong quá trình sản xuất nông nghiệp tại thửa đất bị đổi thì ông chỉ làm trên diện tích là 3800m2 nên chỉ cấp sổ đỏ theo đúng diện tích canh tác (?).


Trả lời câu hỏi vì sao lại cấp sổ đỏ cho anh Siêu – người không có tên trong hộ khẩu, ông Thìn cho biết: Tại thời điểm đó người dân địa phương nghe gọi anh Ngưỡng là Siêu nên cấp sổ đỏ mang tên của ông Siêu (?!). “Đội sản xuất thời điểm đó kê khai đất cho anh Siêu vì lúc đó anh Siêu canh tác trên thửa đất đó, hay chở vật liệu lên để làm việc nên cấp cho người tên Siêu?”, ông Thìn cho biết. Khi được hỏi trường hợp của ông Thôn có được cấp lại sổ đỏ theo đúng với diện tích band dầu và mang tên ông Thôn hay không thì ông Thìn lảng tránh: “Điều này vượt quá thẩm quyền của xã”.
Ông Trịnh Công Tuân – Trưởng ban Tiếp dân thị xã Hương Trà cho biết, trường hợp của ông thôn không phải là đất của tư nhân mà là đất của Nhà nước giao. “Không có khái niệm đất tư nhân, đất của ông Siêu được Nhà nước giao lại theo Nghị định 64”, ông Tuân khẳng định.
Trái ngược quan điểm này, anh Tường – người đại diện cho ông Thôn bức xúc: “Từ trước năm 1960 cha tôi đã tự tạo lập thửa đất riêng của mình bằng cách mua lại của người kahcs, sau đó bị chính quyền xã lúc bấy giờ đổi lại thửa đất này, có xác nhận của chính quyền, thể hiện rõ đất đổi đất, tại sao lại nói thửa đất này được cấp theo Nghị định 64”. Trả lời vấn đề liên quan đến “tên chính chủ” ở thừa đất, theo ông Tuân thì “Nguyễn Siêu tức là Nguyễn Văn Ngưỡng, tên Siêu là tên thường gọi” nên mới cấp cho ông Siêu? Khi được hỏi trường hợp của anh Siêu liệu có được đổi lại sổ đỏ bằng tên ông Thôn hay không thì vị Trưởng ban Tiếp dân cho rằng đất đã bị thu hồi nên không thể điều chỉnh lại được?
Điều mà gia đình ông Thôn mong muốn là phần đất hợp pháp được mang chính tên ông chứ không phải tên người con trai. Bởi nếu tiếp tục như vậy gia đình ông Thôn có đông nhân khẩu, con cái nên sẽ dễ xảy ra tranh chấp. Theo nguyện vọng của gia đình, khi diện tích đất trên bị thu hồi là phải bố trí lại đất cho gia đình ông để ông phân chia cho các con vì nguồn gốc thửa đất ban đầu chính quyền xã đổi là đất thuộc sở hữu của ông Thôn.
Qua sự việc này Pháp Luật Việt Nam đề nghị UBND thị xã Hương Trà cần điều chỉnh tên từ anh Siêu sang ông Thôn và bảo đảm lợi ích cho gia đình ông khi thu hồi đất. (Pháp Luật Việt Nam 8/11, tr13) Về đầu trang

GIAO THÔNG

Gần 20 tỷ đồng đầu tư ba tuyến đường liên xã


Gần 20 tỷ đồng đầu tư ba tuyến đường liên xã thuộc các huyện Phú Vang, Nam Đông.
Công trình xây dựng tuyến đường thôn An Lưu, xã Phú Mỹ (Phú Vang) có tổng mức đầu tư 5 tỷ đồng. Dự án đường thôn Hải Trình, xã Phú Thanh (Phú Vang) được đầu tư 3,5 tỷ đồng. Dự án nâng cấp đường liên xã từ ngã tư nhà bia xã Hương Hữu đến thôn 3 xã Hương Giang (Nam Đông) có tổng mức đầu tư 11,5 tỷ đồng. (Xây Dựng 5/11, tr2) Về đầu trang

PHÁP LUẬT

Hương Thủy: Triệu tập người thông tin vỡ đập Tả Trạch


Sáng 6/11, Công an xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy đã làm việc với nam thanh niên tung tin vỡ đập lên Facebook. Tại đây, người này đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình.
Như Vĩ An đã thông tinm đêm 4/11, nhiều hộ dân tại thôn Hộ (xã Dương Hòa) và các thôn Võ Xá, Tân Ba, An Ninh, Bằng Lãng, thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn chạy lên núi dựng lán trại trú ẩn vì nghe thông tin đập chứa nước hồ Tả Trạch sắp bị vỡ. Sau đó, thông tin chính thức từ cơ quan chức năng xác nhận không có việc vỡ đập hồ chứa nước Tả Trạch, nước sông vẫn bình thường, các hồ đập đều an toàn. Đó chỉ là tin đồn thất thiệt.
Công an xã Dương Hòa đã xác minh được đối tượng tung tin đồn thất thiệt trên. Theo đó, người tung tin đồn là Lê Thanh Pôn (27 tuổi), trú ở xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy.
Sáng ngày 6/11, phóng viên đã có buổi trao đổi với Lê Thanh Pôn để hiểu rõ hơn động cơ của nam thanh niên này. Lê Thanh Pôn xác nhận là có việc tung tin lên mạng xã hội với nội dung “hồ chứa nước Tả Trạch có sự cố”. Pôn kể , khoảng 19h, ngày 4/11, Pôn nghe anh rể là anh Phan Thanh Hữu đến nhà chơi và nói với Pôn rằng đập Tả Trạch có sự cố. Pôn hỏi anh Hữu lấy thông tin từ đâu thì Hữu trả lời lấy từ một người khác. Sau đó, Pôn đã đăng tải thông tin này lên mạng xã hội Facebook. Đến 20h cùng ngày thì Pôn tháo xuống vì thấy đập không thấy vấn đề gì.
Lê Thanh Pôn cho biết, thời điểm anh đăng thông tin lên đã thấy nhiều người dân đang di chuyển đồ đạc lên cao và Pôn không nghĩ việc làm này lại ảnh hưởng đến nhiều người như vậy.
Ông Lê Văn Tuấn -Trưởng Công an xã Dương Hòa cho biết, hiện xã vẫn đang làm việc với Pôn để xác minh có người nào đứng đằng sau việc Pôn tung tin đồn hay không. Đồng thời, phía công an cũng đang tìm hiểu thời điểm Pôn đưa ra tin đồn là trước hay sau thời điểm người dân chạy trốn vì nghi vỡ hồ chứa.
Liên quan sự việc này, sáng 5/11, Lãnh đạo Văn phòng BCH PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên- Huế đã đi kiểm tra công tác vận hành hồ chứa Tả Trạch, làm việc với UBND xã Dương Hòa, TX Hương Thủy về công tác phối hợp thông tin, cảnh báo cho nhân dân khi hồ Tả Trạch điều tiết xả lũ.
Hiện hồ Tả Trạch: +38m, qua tràn +1m (cao trình ngưỡng tràn là +37m); lưu lượng đến hồ 999 m3/s; lưu lượng đi 217 m3/s và toàn bộ các công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đều an toàn. (Nguoiduatin.vn 6/11; Trithuccongluan.com.vn 6/11; Đời Sống & Pháp Luật Online 6/11; Infonet.vn 6/11; VietQ.vn; Nguoiduatin.vn 6/11; Thanh Niên Online 6/11; Zing.vn 6/11; Công An Đà Nẵng Online 6/11; VnExpress.net 6/11; Dân Trí 6/11; Văn Hóa 6/11, tr5; Infonet.vn 6/11; Pháp Luật Việt Nam Online 6/11) Về đầu trang

TP Huế: Khởi tố 4 đối tượng đâm người trọng thương ở quán nhậu


Ngày 6/11, Công an thành phố khởi tố vụ án, bắt tạm giam 4 đối tượng: Trần Quang Phước, Hồ Quang Ngọc, Ngô Văn Vĩnh và Đào Viết Tùng, cùng trú xã Sơn Thủy, huyện An Lưới về hành vi cố ý gây thương tích.

Tối 2/11, anh Hồ Xuân G (trú huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) cùng nhóm bạn đến nhậu tại quán 246 Phan Chu Trinh (thành phố Huế) thì xảy ra cãi vã. Lúc này, nhóm của Phước ngồi bên cạnh đứng dậy lớn tiếng rồi xảy ra xô xát. Sau đó, các đối tượng rteen đã đuổi đánh anh G. dùng mảnh vỡ chai bia đâm khiến nạn nhân trọng thương. (Công An Nhân Dân 7/11, tr5) Về đầu trang


TP Huế: Tài xế xe ôm giả danh lương y hành nghề chữa bệnh


Chiều 6/11, Công an tỉnh cho biết đang phối hợp với Sở Y tế tỉnh điều tra làm rõ hành vi giả danh lương y bán thuốc chữa bệnh của ông Nguyễn Đình Hạp (trú số 95 Ông Ích Khiêm, phường Thuận Hòa) để xử lý đúng theo quy định pháp luật.
Sau một thời gian theo dõi, Thanh tra Sở Y tế cùng lực lượng Công an bất ngờ kiểm tra hành chính nhà ông Hạp thì phát hiện có nhiều loại thuốc Bắc khác nhau được cất giấu tại nhà.
Tại thời điểm kiểm tra, ông Hạp không cung cấp được bất kỳ một giấy phép, bằng cấp nào liên quan đến chứng chỉ khám, chữa bệnh hoặc giấy phép hành nghề Y.
Được biết, Hạp vốn làm nghề lái xe ôm nhưng sau đó chuyển sang “nghề” khám và bốc thuốc cho người bệnh để thu lợi bất chính. (Công An Nhân Dân Online 6/11) Về đầu trang

TP Huế: “Cán bộ quân y” đi bán quân trang


Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh TT-Huế xuất hiện một người đàn ông khoảng 50 tuổi xưng tên là Dũng, giới thiệu là cán bộ công tác tại Bệnh viện (BV) Quân y 268 (thuộc Quân khu 4, nằm trên đường Mang Cá Lớn, TP Huế) đi bán quân trang của đơn vị, chủ yếu là áo mưa.
Theo “cán bộ quân y” Dũng cho biết thì do trang phục cấp cho Bệnh viện bị thừa nên cơ quan giao cho Dũng đi bán để “tăng thu nhập” cho đơn vị.
Khi Dũng giới thiệu, nhiều người ở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP Huế tưởng người đàn ông này là cán bộ quân y đi bán áo mưa quân đội thật nên đã mua vì nghĩ rằng mặt hàng này sẽ rất bền. Giá áo mưa được Dũng bán khoảng 250-300 ngàn đồng/cái.
Sau khi được một người nghi vấn, chụp ảnh người tên Dũng đang bán quân trang, khi xem bức hình này, Đại tá Nguyễn Đức Dũng - Giám đốc BV Quân y 268 cho biết, trong đơn vị không có ai như hình ảnh người tự xưng tên Dũng đến các cơ quan bán quân trang. Đại tá Dũng khẳng định, đây cũng không phải là cựu quân nhân của BV, cũng không phải là bà con của các quân nhân làm việc ở Bệnh viện. Đại tá Dũng cho biết thêm, thời gian qua, nhiều con em các quân nhân làm việc tại Bệnh viện nói có gặp và nghe thông tin có người đàn ông đến các Công ty, xí nghiệp mà họ đang làm bán đồ quân trang (chủ yếu là áo mưa). Ở các bến xe, nhà ga tại Huế cũng nghe có thông tin ông này xuất hiện chào bán áo mưa.
Cũng theo Đại tá Dũng, qua kiểm tra, đối chiếu, tại kho quân nhu của BV Quân y 268 không có tư trang bị mất. Bệnh viện cũng không có quân tư trang thừa. Đặc biệt, áo mưa quân đội cung cấp cho các chiến sĩ 3 năm/lần có mẫu mã, màu sắc khác hẳn loại áo mưa đối tượng Dũng đem đi bán. Được biết, áo mưa quân đội hiện nay chỉ có màu xanh lục chứ không phải loại áo màu vàng như đối tượng Dũng rao bán. Trong cổ áo mưa có khâu logo, tên Tổng cục Hậu cần và Công ty Cổ phần 26 (đơn vị may áo mưa)... Lãnh đạo Bệnh viện Quân y 268 cho rằng, việc làm của đối tượng giả danh cán bộ của BV Quân y 268 đi bán áo mưa đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng hình ảnh của Bệnh viện và người bộ đội Cụ Hồ. Hiện Bệnh viện đã gửi đơn đến Công an thành phố Huế đề nghị điều tra làm rõ chân dung đối tượng giả danh cán bộ của Bệnh viện đi bán quân trang.
Thượng tá Võ Văn Sáu - Phó trưởng Công an thành phố Huế cho biết, ngay sau khi nhận được công văn của BV Quân y 268, Công an thành phố đã gửi thông báo đến 27 phường và các TS cùng phối hợp truy bắt đối tượng giả danh cán bộ Bệnh viện Quân y 268 đi bán áo mưa. Từ các phường sẽ thông báo rộng rãi trong quần chúng nhân dân từng địa phương để cảnh giác, nâng cao ý thức phòng chống các đối tượng giả danh đi bán đồ quân trang. Nếu người dân phát hiện thì nhanh chóng thông báo cho Công an nơi gần nhất để bắt giữ các đối tượng này. Trong khi CA đang truy tìm đối tượng thì gần đây, một ngư dân cho biết, họ cũng mua phải áo mưa được “quảng bá” là đồ quân trang. Đề nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương ở các vùng nông thôn cần tuyên truyền để người dân cảnh giác. (Công An Đà Nẵng Online 6/11) Về đầu trang

GIÁO DỤC

Bị cáo buộc vi phạm luật cạnh tranh, đại học Ngoại ngữ Huế nói gì?


Ngày 26/10, lãnh đạo trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế đã khiến dư luận bất ngờ và sinh viên bức xúc khi ban hành văn bản, yêu cầu gần 4.000 sinh viên của trường mua thêm sim Vinaphone để nhận thông báo liên quan đến học tập.
Tuy nhiên, để dùng sim, nhà trường cũng yêu cầu mỗi sinh viên phải nộp 20.000 đồng tiền kích hoạt.
Qui định này ngay lập tức vấp phải sự phản ứng dữ dội của sinh viên. Dư luận xã hội cũng cho rằng nhà trường không thể dùng mệnh lệnh hành chính để “ép” sinh viên phải sử dụng dịch vụ của bất kỳ nhà mạng nào.
Trao đổi với Người Đưa Tin chiều 5/11, ông Trần Quyết Chiến - Phó phòng Công tác sinh viên, cho biết do cách chuyển tải nội dung chưa rõ ràng nên đã có sự “hiểu nhầm”. “Thông báo ngày 26/10 vừa qua đến các sinh viên chưa được mạch lạc, cụ thể nên một số sinh viên đã hiểu sai là nhà trường ép buộc các em phải đóng tiền 20 ngàn đồng/em để dùng sim tài khoản học vụ trên,” - ông Chiến nói.
Để khắc phục, ông Chiến cho biết, ngày 30/10, lãnh đạo trường đã ra thông báo chi tiết về quản lý, sử dụng tài khoản học vụ. “Nhà trường khuyến khích sinh viên toàn trường đăng ký sử dụng tài khoản chứ không phải bắt buộc”. “Em nào không dùng thì phải có trách nhiệm truy cập thường xuyên vào website của trường và báo số điện thoại cá nhân để trường liên hệ trong trường hợp cần thiết,” ông Chiến nói thêm.
Trước câu hỏi việc “khuyến khích” này có thể khiến sinh viên phải thay đổi sim cũ hoặc mua thêm máy mới sẽ phát sinh chi phí, hoặc những sinh viên không có điều kiện mua máy mới, không sử dụng sim Vinaphone có thể bị thiệt thòi về tiếp cận thông tin, ông Phạm Anh Huy – Trưởng phòng Công tác sinh viên cho hay nhà trường đã tính đến khả năng này và có phương án giải quyết.

“Những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đang hưởng các chính sách của nhà nước, có mong muốn sử dụng sim Vinaphone nhưng chỉ có một máy điện thoại đang dùng sim mạng khác, thì có thể làm đơn. Nhà trường sẽ phối hợp với VNPT xét duyệt tặng máy điện thoại cho sinh viên.” - ông Huy nói.


Trước thông tin cho rằng nhà trường yêu cầu sinh viên dùng sim Vinaphone đã vi phạm luật cạnh trạnh giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ, ông Chiến “bác” quan điểm này vì cho rằng đây là sim tài trợ chứ không mua bán.
“Vinaphone đã tài trợ sim cho sinh viên chứ không hề có sự mua bán. Đơn vị nào tài trợ thì chúng tôi đều tiếp nhận để phục vụ cho SV của trường được thuận lợi mà thôi,” ông Chiến khẳng định.
Liên quan đến sự việc trên, ông Nguyễn Xuân Thủy - Giám đốc Trung tâm kinh doanh VNPT (Thừa Thiên – Huế) cho biết hơn 4000 sim trên là do Vinaphone tặng miễn phí. “Số tiền 20.000 đồng mà sinh viên bỏ ra là để nạp thẻ và duy trì sử dụng. Nhà trường hoàn toàn không nhận bất kỳ một khoản nào từ VNPT,” ông Thủy nói. (Nguoiduatin.vn 6/11) Về đầu trang

VĂN HÓA

Di tích lịch sử Quốc gia bị xâm hại nghiêm trọng


Nằm trên địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế, Di tích lịch sử Quốc gia chùa Thánh Duyên hiện đang bị xâm hại nghiêm trọng.
Theo chính quyền địa phương, từ năm 2014 đến nay, nhiều cây cổ thụ bị đốn hạ bởi các hoạt động xây dựng trái phép đang diễn ra tại đây. Chỉ tính riêng trong tháng 10 năm nay, các đối tượng đã chặt 2 cây cổ thụ từ thời vua Minh Mạng có niên đại khoảng 200 - 300 năm tuổi. Không những vậy, hoạt động xây dựng trái phép còn đe dọa nghiêm trọng đến hoạt động trùng tu, bảo tồn của chùa Thánh Duyên, làm thay đổi hiện trạng vốn có của di tích lịch sử này.
Trong thời gian tới, đơn vị quản lý sẽ tiến hành giám sát chặt chẽ hơn nhằm bảo vệ thực trạng của di tích. Trong khuôn viên chùa Thánh Duyên, hiện vẫn còn lưu giữ gần 100 cây cổ thụ có niên đại 100 - 300 năm tuổi. (VTVNews 7/11) Về đầu trang

Lộ diện dàn “Người đẹp du lịch” xứ Huế hầu hết là sinh viên


Tối 6/11, tại thành phố Huế kết thúc cuộc thi Người đẹp du lịch Thừa Thiên - Huế lần thứ I năm 2015. Cuộc thi do Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thừa Thiên - Huế và VTV Huế phối hợp với Công ty cổ phần tổ chức sự kiện và du lịch Gala Việt tổ chức.
Cuộc thi Người đẹp du lịch Huế năm 2015 thu hút 110 thí sinh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế và các địa phương trong cả nước, như: Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Đà Nẵng... tham gia. Cuộc thi Người đẹp du lịch Thừa Thiên - Huế trải qua các phần thi, như: Áo tắm, thuyết trình về Huế, ảnh, tham gia hoạt động xã hội... để chọn ra gương mặt hoa hậu đại diện cho du lịch Huế.
Người đẹp du lịch Thừa Thiên - Huế đã lựa chọn 50 thí sinh vào bán kết, 24 thí sinh lọt vào vòng chung kết. Kết quả, Hoa khôi Người đẹp du lịch Huế thuộc về thí sinh Lê Trần Ngọc Trân, sinh viên Đại học Khoa học Huế; Á hậu 1 được trao cho thí sinh Dương Thị Ngọc Chi, sinh viên Đại học Khoa Du lịch Huế; Á hậu 2 trao cho thí sinh Nguyễn Hà Thục Anh, sinh viên Đại học Kinh tế Huế. (Thể Thao & Văn Hóa Online 7/11) Về đầu trang

Ra mắt cuốn sách "Lịch sử phong trào đấu tranh đô thị Huế 1954-1975"


Ngày 6/11, tại Huế, Ban Thường vụ Thành uỷ Huế đã tổ chức giới thiệu và ra mắt cuốn sách "Lịch sử phong trào đấu tranh đô thị Huế 1954-1975".
Sách in lần đầu, phản ánh bức tranh toàn cảnh về hoạt động đấu tranh của sinh viên, học sinh và nhân dân trong lòng đô thị Huế thời chống Mỹ, được phát hành rộng rãi trong cả nước.
Với gần 500 trang, cuốn sách gồm 5 chương: Giai đoạn 1954-1963 với các chính sách của chính quyền Ngô Đình Diệm ở Thừa Thiên và Huế; 1964-1968 gồm diễn biến các phong trào chống Nguyễn Khánh, chống Trần Văn Hương, chống Mỹ-Thiệu-Kỳ; 1969-1972 đô thị Huế với những phong trào đạt đến đỉnh điểm và những tổn thất nặng nề; Thành ủy Huế giai đoạn 1973-1975, khái quát tình hình đô thị Huế sau Hiệp định Pa-ri và các hoạt động đấu tranh; nhìn lại phong trào đô thị Huế 1954-1975.
Ông Huỳnh Cư - Bí thư Thành uỷ Huế cho biết: Cuốn sách "Lịch sử phong trào đô thị Huế 1954-1975" tuy nói về phong trào đô thị Huế nhưng đồng thời cũng thể hiện phong trào đô thị của cả nước, nhất là đô thị miền Nam. Nội dung cuốn sách tiếp tục khẳng định, phong trào đấu tranh chống giặc ngoại xâm của học sinh, sinh viên, Phật giáo ở Huế đã góp phần làm nên trang sử vàng chói lọi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc... (Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản Việt Nam 6/11; Sài Gòn Giải Phóng 7/11, tr6) Về đầu trang

Hoàn thành vòng sơ khảo cuộc thi Nữ sinh duyên dáng Việt Nam năm 2015


Vòng sơ khảo cuộc thi Nữ sinh duyên dáng Việt Nam năm 2015 vừa diễn ra tại 6 điểm: Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Hà Nội và TPHCM.
Kết thúc vòng thi, ban giám khảo đã lựa chọn được 90 thí sinh xuất sắc nhất. Cùng với 3 thí sinh đủ tiên chuẩn được đặc cách theo thể lệ cuộc thi, 93 nữ sinh này sẽ tiếp tục bước vào vòng bán kết sắp diễn ra tại 3 điểm: Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. (Tuổi Trẻ Thủ Đô 6/11, tr6) Về đầu trang

DU LỊCH

Thưởng lãm nhà vườn Kim Long – Huế


Ngay từ đầu triều Nguyễn, Kim Long đã được xem là vùng đất hứa cho việc an cư sinh lập phủ đệ, tư thất của các hoàng tử, công chúa, công thần, khanh tướng.
Những ngôi nhà vườn ở Kim Long thể hiện sự kết hợp giữa kiến trúc (ngôi nhà) và cảnh quan (khu vườn) một cách dụng ý tạo thành một không gian sống theo tính cách Huế với những yếu tố tuân theo quy luật “phong thủy”, bao gồm: Cổng ngõ, hàng rào, bình phong, hòn non bộ, bể cạn, sân, nhà chính, nhà phụ và vườn. Có thể nói, kiến trúc nhà vườn Kim Long giống như một Kinh thành Huế thu nhỏ, với bình phong thay núi Ngự, bể nước thế dòng sông Hương, hòn non bộ, hang động, thác nước, các loại cây cảnh, hoa và cây ăn quả… mang nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc.

Từ những giá trị độc đáo về mặt kiến trúc nghệ thuật, lịch sử văn hóa của hệ thống nhà vườn Kim Long, chính quyền địa phương đã và đang thiết kế những mô hình khai thác sản phẩm du lịch nhà vườn một cách có hiệu quả, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái cộng đồng, hứa hẹn sẽ là những điểm đến lý tưởng với du khách trong nước và quốc tế.


Ngoài việc chuẩn bị chỗ ăn, ngủ chu đáo, du khách sẽ ở chung và sinh hoạt chung với người dân địa phương như thành viên trong gia đình, thông qua những hoạt động cộng đồng đó để trải nghiệm các giá trị sống và văn hóa làng cổ Kim Long. Chủ nhân nhà vườn chính là những hướng dẫn viên sống động giới thiệu đến du khách những nét giá trị lịch sử đặc sắc trong ngôi nhà của mình.
Ngày nay, cho dù diện mạo nhà vườn Kim Long đã có những thay đổi trong quá trình đô thị hóa, vẫn còn đó những ngôi nhà vườn danh tiếng hàm chứa biết bao điều kỳ bí cần phải khám phá, để du khách được cảm nhận một cách trọn vẹn thần thái, lối sống của người Huế. (Dulichvn.org.vn 6/11) Về đầu trang


XÃ HỘI

Cụm thi đua số 5 tổng kết phong trào “Vì an ninh Tổ quốc” năm 2015


Ngày 6/11 tại Nghệ An, Cụm thi đua số 5 Bộ Công an (trong đó có Thừa Thiên - Huế) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Phong trào thi đua Vì ANTQ năm 2015.
Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Cục Công tác Chính trị, Tổng cục Chính trị CAND; ông Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh.
Năm 2015, bám sát sự chỉ đạo của Bộ công an và căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Công an các tỉnh đã điều tra, khám phá trên 4.600 vụ phạm pháp hình sự, xác lập, đấu tranh, triệt phá hàng nghìn chuyên án, ổ nhóm tội phạm hình sự; phát hiện và bắt giữ trên 1.600 vụ buôn bán ma túy với trên 3.800 đối tượng. TTATXH có chuyển biến tích cực, tội phạm được kiềm chế, không để hình thành các băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”; tỷ lệ điều tra khám phá án cao...
Phát biểu tại hội nghị, Đại diện Lãnh đạo Cục Công tác Chính trị Bộ Công an và ông Nguyễn Xuân Đường – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị có nhiều hình thức sáng tạo, tập trung vào giải quyết các mặt còn tồn tại; xây dựng lực lượng trong sạch vững mạnh, tạo hình ảnh đẹp trong lòng nhân dân.
Các đại biểu trong Cụm thi đua số 5 đã suy tôn đề nghị tặng Cờ Thi đua xuất sắc của Chính phủ cho Công an tỉnh Nghệ An và 2 đơn vị được tặng cờ thi đua của Bộ Công an là Công an tỉnh Quảng Bình và Công an tỉnh Quảng Trị. (Công An Nhân Dân Online 6/11) Về đầu trang

Phú Lộc: Nhà huyện này nhưng hộ khẩu huyện khác, chuyện bi hài ở Huế


Hàng chục hộ dân ở Thừa Thiên - Huế đang có nhà ở trên đất huyện này nhưng hộ khẩu lại thuộc của huyện khác. Hệ lụy kéo theo khiến cuộc sống của họ gặp không ít khó khăn.
Chuyện tưởng đùa mà thật đang xảy ra đối với hơn 30 hộ dân thuộc thôn 1, xã Vinh Mỹ đang có đất và sinh sống trên đất thuộc thôn An Mỹ, xã Vinh An, huyện Phú Vang.
Theo phản ánh của 33 hộ dân thuộc thôn 1, xã Vinh Mỹ, họ đã sống trên mảnh đất thuộc xã Vinh An qua nhiều thời kỳ, thế hệ. Họ xem đó là nguồn cội, gốc rễ và là nơi can cư lạc nghiệp từ bao đời nay.
Ông Mai Minh Đức (SN 1957), có hộ khẩu trú ở thôn 1, xã Vinh Mỹ cho biết: “Chúng tôi canh tác và sản xuất trên mảnh đất này từ đời ông nội cho đến nay cũng gần 100 năm. Trải qua nhiều thế hệ, chúng tôi vẫn đóng các khoản thu liên quan đến đất ở cho đình làng. Nhưng từ năm 2000, khi nhà nước có chủ trương làm sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ) thì chúng tôi gặp không ít khó khăn, kéo theo rất nhiều hệ lụy”.
Ông Mai Minh Đức chia sẻ thêm: “Cuộc sống của chúng tôi vốn đã khó khăn nay muốn vay vốn ngân hàng để làm ăn nhưng không được. Tất cả cũng chỉ vì không có sổ đỏ để thế chấp. Mà giờ muốn làm sổ đỏ thì cũng gặp rất nhiều khó khăn vì đất ở thuộc huyện Phú Vang nhưng hộ khẩu của chúng tôi lại thuộc huyện Phú Lộc”.
“Không chỉ có vậy, vì sống trên đất Vinh An nên xã Vinh Mỹ cũng không cấp đất sản xuất cho chúng tôi”, ông Đức cho hay.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên đã liên lạc với ông Tô Thanh Liêm - Chủ tịch xã Vinh Mỹ. Ông Liêm cho biết: “Trước năm 1975, một số hộ dân sống ở vùng giáp ranh giữa xã Vinh An và Vinh Mỹ, thấy đất ở xã Vinh An bỏ hoang nên họ lên ở đó. Trải qua nhiều năm, họ đã sinh sống ở đây. Cũng không biết nguyên nhân do quản lý hành chính trước đây như thế nào mà giờ đất ở họ thuộc xã Vinh An nhưng hộ khẩu của người lại thuộc xã Vinh Mỹ.”
Về việc cấp sổ đỏ, ông Liêm chia sẻ: “Chúng tôi cũng đã đề nghị với huyện Phú Lộc, huyện cũng đã có ý kiến với tỉnh. Tỉnh cũng đã làm việc với huyện Phú Vang nhưng đến nay vẫn chưa thấy cấp cho những hộ này. Về nguyên tắc, huyện Phú Vang mới có quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ. Việc cấp cũng không mấy khó khăn nếu người dân có thủ tục yêu cầu”.
Ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch xã Vinh An, huyện Phú Vang: “Trước đây chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những hộ này là do vướng chuyện muốn giao đất là phải có hộ khẩu. Nhưng khi chúng tôi yêu cầu những hộ dân trên nhập hộ khẩu lên Vinh An thì họ không nhập. Chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện để họ chuyển khẩu lên đây… Còn bây giờ, thực hiện kiểm kê đất đai của năm 2014, chúng tôi cũng đã đề xuất với tỉnh và cấp trên cũng có chỉ đạo để làm thủ tục giao đất cho họ”.
Về nguyên nhân của sự chậm trễ, ông Thành cho hay, do địa chính xã đang có sự thay đổi về nhân sự nên chưa làm được. Chờ người mới rồi chỉ đạo làm luôn.
Tuy nhiên, nguyện vọng của 33 hộ dân thôn 1, xã Vinh Mỹ là họ nhất trí sẽ chuyển hộ khẩu lên xã Vinh An một cách “đại trà”, đồng loạt tất cả 33 hộ. Họ không muốn lẻ tẻ từng người phải tự đi chuyển khẩu vì việc này rất phức tạp, bởi liên quan đến việc thay đổi hàng loạt giấy tờ của rất nhiều con người. Họ mong muốn chính quyền làm đồng loạt, hướng dẫn cụ thể để họ có thể dễ dàng hơn trong sự thay đổi này. (Nguoiduatin.vn 6/11) Về đầu trang

Triển khai công tác tuyên truyền về BHXH, BHYT


Ngày 6/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác tuyên truyền thực hiện chính sách pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các phường, xã, thị trấn thuộc thị xã Hương Trà, Hương Thủy và thành phố Huế.
Tại hội nghị ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thừa Thiên Huế đã giới thiệu về Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015 và Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016 nhằm giúp đội ngũ cán bộ Mặt trận ở cơ sở nắm vững nội dung và góp phần tuyên truyền để toàn dân tham gia Bảo hiểm y tế và người lao động, chủ sử dụng lao động thực hiện tốt Luật bảo hiểm xã hội nhằm góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho toàn dân và người lao động. (Đại Đoàn Kết Online 6/11) Về đầu trang

Thành lập Quỹ sáng tạo Lê Bá Đảng


UBND tỉnh vừa có văn bản đồng ý cho phép thành lập và hoạt động của Quỹ sáng tạo Lê Bá Đảng. Quỹ hoạt động theo nguyên tắc không vì lợi nhuận; tự nguyện, tự tạo vốn và tự trang trải kinh phí và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Sau khi cố danh họa Lê Bá Đảng qua đời tại Pháp, nhiều nhà hoạt động nghệ thuật và xã hội trong nước đã cùng thảo luận để thành lập Quỹ sáng tạo mang tên ông, có trụ sở chính đóng tại TP Huế. Quỹ này nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tài năng nghệ thuật có hoàn cảnh khó khăn trong hoạt động; góp phần phát triển các loại hình nghệ thuật của Thừa Thiên- Huế.
Nguồn vốn của quỹ được hình thành từnguồn đóng góp ban đầu của các sáng lập viên; và quỹ sẽ tự tạo vốn trên cơ sở tự vận động, quyên góp, tài trợ của các cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước; trong đó có nguồn hỗtrợ từviệc trích kinh phí bán các tác phẩm của cố họa sĩ Lê Bá Đảng. (Văn Hóa 6/11, tr2) Về đầu trang

ĐIỂM TIN ĐÃ ĐƯA

Sáng 5/11, các hộ dân xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy đã trở về nhà sau một đêm bỏ chạy lên núi vì nghe tin đồn hồ chứa nước Tả Trạch ở thượng nguồn sông Hương (xã Dương Hòa) sẽ vỡ. (An Ninh Thủ Đô 6/11, tr2) Về đầu trang



Thừa Thiên-Huế tập trung đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng để xây dựng Huế thành đô thị xanh của Việt Nam - điểm đến du lịch mang tầm quốc tế. (Nông Thôn Ngày Nay 7/11, tr8) Về đầu trang
Đêm nhạc Sol Vàng, chủ đề "Y Moan – Huyền thoại cao nguyên" sẽ diễn ra vào lúc 20h ngày 14/11 tại Nhà hát Hòa Bình (TPHCM) và truyền hình trực tiếp trên VTV9, tiếp sóng trên VTV Huế. (Lao Động & Xã Hội 8/11, tr8) Về đầu trang./.




tải về 99.39 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương