BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Quảng Nam ngày 28 tháng 10 năm 2013)



tải về 115.84 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu08.09.2017
Kích115.84 Kb.
#32988




BÁO CÁO TỔNG QUAN BÁO CHÍ

(Tin Quảng Nam ngày 28 tháng 10 năm 2013)


TIN QUỐC HỘI 2

  1. Đại biểu Quảng Nam góp ‎ý về ngân sách và trái phiếu Chính phủ 2

  2. Các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn manh mún, dàn trải 3

QUẢN LÝ 3

  1. Thông qua kết quả đàm phán Dự án phát triển các thành phố loại 2 3

  2. Quảng Nam thi tuyển Giám đốc Sở 4

CÔNG THƯƠNG 4

  1. Buộc giảm 30% diện tích thăm dò khai thác vàng 4

  2. Gần 6 tỷ đồng hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo Quý IV 5

  3. Đông Giang: Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ 5

XÂY DỰNG 6

  1. Điện Bàn: Thu hồi dự án Khu biệt thự cao cấp ven sông Cổ Cò 6

  2. 261 tỷ đồng giải phóng mặt bằng đường Đà Nẵng - Quảng Ngãi 6

  3. Quế Sơn: Agribank tài trợ 4 tỷ đồng xây nhà tránh lũ và trường học 7

NÔNG NGHIỆP 7

  1. Tây Giang: Công bố hết dịch lở mồm long móng tại xã A Vương 7

  2. Phát triển chăn nuôi an toàn vùng Duyên hải miền Trung 8

PHÁP LUẬT 8

  1. Bắt đối tượng giết người vì tranh chấp đất rừng 8

  2. Luật sư ngái ngủ tại tòa 9

GIÁO DỤC 10

  1. Thí điểm thi tuyển hiệu trưởng 3 trường Đại học, Cao đẳng 10

Y TẾ 11

  1. Bệnh sốt xuất huyết bùng phát sau bão, lũ 11

DU LỊCH 12

  1. Hội An đoạt giải thưởng Thành phố cảnh quan 12

  2. Vì sao khách Mỹ mê Hội An? 12

  3. Mở lớp học chụp ảnh cho người dân Cơtu 14

VĂN HÓA 14

  1. Gần 3 tỷ đồng trùng tu nhà cổ Hội An 14

TIN VỀ ỦNG HỘ SAU BÃO SỐ 11 14

  1. Quảng Nam tiếp nhận gần 11 tỷ đồng tiền cứu trợ 14

  2. Trao tiền hỗ trợ người dân vùng lũ 14

  3. Thăng Bình: Quà cứu trợ đến với miền quê nghèo 15

  4. Báo Điện Tử Motthegioi.vn sẽ trao quà cho người dân vùng lũ 15

XÃ HỘI 16

  1. Điện Bàn: Thiếu nữ nhảy cầu tự tử 16

  2. Tiên Phước: Cháu bé gặp bệnh hiếm mong được phẫu thuật 16

  3. Đại Lộc: Bão về, vợ mất chồng, ba con thơ mồ côi bố 17

THỂ THAO 17

  1. HLV Vũ Quang Bảo: “QNK.Quảng Nam vẫn còn non lắm” 17

  2. Phước Tứ chưa thể về Quảng Nam vì XMXT. Sài Gòn 18

ĐIỂM TIN ĐÃ ĐƯA 19


TIN QUỐC HỘI

Đại biểu Quảng Nam góp ‎ý về ngân sách và trái phiếu Chính phủ

Sáng 25/10, tại buổi thảo luận tại tổ, các đại biểu (trong đó có đại biểu Quảng Nam) nêu nhiều ý kiến về ngân sách và trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016.
Nhiều đại biểu ủng hộ việc phát hành trái phiếu Chính phủ, nhưng sử dụng vào đâu, đầu tư cho lĩnh vực nào cho hiệu quả đã được các đại biểu quan tâm. Các đại biểu cho rằng cần thiết và cấp bách hiện nay là lĩnh vực giao thông. Có đại biểu phân tích, từ người già đến người trẻ đều phải tham gia giao thông. Cấp bách nhất hiện nay là Quốc lộ 1A thường xuyên gây ách tắc.
“Đường huyết mạch chạy dọc đất nước mà bây giờ nhỏ như con phố (vì 2 bên đường dân ở san sát để buôn bán). Tai nạn giao thông nhiều là do đường nhỏ, xe nhiều, ý thức kém… thì không tai nạn giao thông mới là chuyện lạ”, đại biểu Lê Phước Thanh (Quảng Nam) lo ngại về tình hình giao thông.
Ngoài ra, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đồng tình quan điểm thu gọn mục tiêu, rà soát các công trình trọng điểm, phải lồng ghép chương trình đầu tư. Việc đầu tư cho các công trình dự án dở dang phải được làm rõ vì sao lại dở dang, đó là vấn đề hết sức cần thiết. Phải chăng công tác dự báo chưa tốt?
Vấn đề vay để trả nợ cũng cần cân nhắc. Khoản 170 ngàn tỉ đồng cần cân nhắc kỹ để đảm bảo an toàn. “Không nhất thiết phải huy động trái phiếu Chính phủ cao thế”, ông Minh băn khoăn.
Ông cho rằng, nguồn là từ cổ phần hóa doanh nghiệp, cổ tức, số tiền mấy chục ngàn tỉ đồng gửi trong Vinamilk, gửi ngân hàng lấy lãi… Chính sách không “vàng hóa” tài chính mà lại không huy động vàng trong dân, cũng cần phải nghiên cứu. (Sài Gòn Giải Phóng 26/10, tr3; Bảo Vệ Pháp Luật 29/10, tr2) (về đầu trang)

Các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn manh mún, dàn trải


Sáng 25/10, thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu Quốc hội (trong đó có đại biểu Quốc hội Quảng Nam) có ý kiến về tình hình hụt thu ngân sách và tính dàn trải trong đầu tư của các Chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – đại diện cho Đoàn đại biểu của Quảng Nam cho rằng: “Để bảo đảm nhu cầu phát triển chúng ta vẫn phải vay vốn ODA nhằm đầu tư cho các công trình. Tuy nhiên, cần cân đối, xem xét các dự án đầu tư sao cho thật hiệu quả để con cháu chúng ta còn trả nợ sau này. Trong việc phân bổ ngân sách cũng cần dẹp bỏ tình trạng cục bộ”.
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam Lê Phước Thanh bày tỏ: “Tình hình hụt thu khá lớn trong điều hành ngân sách năm nay, ảnh hưởng không nhỏ đến cân đối chi cho đầu tư phát triển, nhất là đối với các địa phương nghèo, chi đầu tư phát triển chỉ 7-8% thì khó mà vực dậy kinh tế của các tỉnh nghèo được”.
Với 16 Chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay, ông Thanh đề nghị cần giảm bớt để tập trung vào những mục tiêu lớn chứ không dàn trải; tập trung vào chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, ứng phó với biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. (Giáo Dục & Thời Đại Online 25/10) (về đầu trang)

QUẢN LÝ


Thông qua kết quả đàm phán Dự án phát triển các thành phố loại 2


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa ký Quyết định thông qua kết quả đàm phán và ký Hiệp định Vay với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho Dự án “Phát triển các thành phố loại 2 tại Quảng Nam, Hà Tĩnh và Đắk Lắk”.
Theo đó, Thủ tướng ủy quyền cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình ký Hiệp định Vay với đại diện có thẩm quyền của ADB.
UBND các tỉnh: Quảng Nam, Hà Tĩnh, Đắk Lắk rà soát và cập nhật Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án cho phù hợp với các nội dung đã thỏa thuận, thống nhất với ADB trong quá trình đàm phán.
Trước đó, Thủ tướng đã phê duyệt danh mục dự án "Phát triển các thành phố loại 2 tại Quảng Nam, Hà Tĩnh và Đắk Lắk" trị giá 121,71 triệu USD.
Dự án sẽ tập trung hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị và xử lý môi trường. Riêng tại thành phố Tam Kỳ, dự án sẽ hỗ trợ xây dựng các công trình cầu, đường đô thị và hệ thống thoát nước. (Báo Điện Tử Chính Phủ 25/10; Thời Báo Kinh Tế Việt Nam 28/10, tr2) (về đầu trang)

Quảng Nam thi tuyển Giám đốc Sở

Chủ tịch tỉnh vừa ký ban hành đề án thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Theo đó, tỉnh sẽ thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý các đơn vị sự nghiệp ngay trong Quý IV, sau đó sẽ tiến hành thi tuyển chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc Sở.
Đối tượng dự thi tuyển chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc Sở và tương đương phải đảm bảo các điều kiện: Trình độ Đại học chính quy trở lên, lý luận chính trị (cử nhân, cao cấp), ngoại ngữ (chứng chỉ trình độ C trở lên), còn trong độ tuổi bổ nhiệm cán bộ (ít nhất phải đủ 5 năm), bảo đảm về tiêu chuẩn lịch sử chính trị.
Trong các cơ quan hành chính, phạm vi thi tuyển còn có trưởng, phó chi cục và tương đương; trưởng, phó phòng và tương đương tại các sở, ban, ngành và UBND huyện, thành phố.
Đối với đơn vị sự nghiệp, tỉnh thi tuyển để chọn cấp Trưởng, Phó các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh và thuộc các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố; Hiệu trưởng, Hiệu phó các trường từ bậc mầm non đến THPT. (Lao Động 28/10, tr3; Vietnamnet 27/10) (về đầu trang)

CÔNG THƯƠNG

Buộc giảm 30% diện tích thăm dò khai thác vàng

Trước phản ứng về việc Công ty TNHH vàng Phước Sơn được giao đất thăm dò khoáng sản vàng quá lớn (4.200 ha, ở huyện Phước Sơn), ngày 27/10 UBND tỉnh cho biết, trên thực tế các ngành chức năng đã sớm yêu cầu công ty giảm diện tích còn khoảng 3.000 ha.


Cụ thể, Sở TN&MT, Sở NN&PTNT và UBND huyện Phước Sơn sau phiên họp bàn thu hồi bớt diện tích thăm dò tại mỏ vàng Đăk Sa (ở hai xã Phước Xuân, Phước Đức) đưa ra đề nghị giảm ít nhất 30% (trong tổng số 4.200 ha). Sau đó, trong tờ trình mới, Công ty TNHH vàng Phước Sơn cũng chỉ xin tiếp tục thăm dò gần 2.900 ha.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 10, cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa giải quyết nhu cầu về diện tích thăm dò khoáng sản này của Công ty TNHH vàng Phước Sơn, vì theo UBND tỉnh, hiện còn thiếu ý kiến (bằng văn bản) của UBND huyện Phước Sơn liên quan đến diện tích cấp phép mới. (Thanh Niên 28/10, tr2) (về đầu trang)

Gần 6 tỷ đồng hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo Quý IV


UBND tỉnh vừa quyết định cấp 5,9 tỷ đồng cho 18 huyện, thành phố của tỉnh để thực hiện hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo Quý IV.
Được biết, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thực hiện chi hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và các quy định liên quan.
Đồng thời quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích và thực hiện thanh, quyết toán theo quy định; báo cáo kết quả thực hiện hỗ trợ kinh phí tiền điện cho hộ nghèo năm 2013 và nhu cầu năm 2014 về Sở Tài chính trước ngày 31/1/2014.
Trước đó, trong Quý III, UBND tỉnh cũng cấp 6,2 tỷ đồng cho UBND các huyện, thành phố từ nguồn Trung ương bổ sung để thực hiện hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo. (Điện Tử Chính Phủ 26/10) (về đầu trang)

Đông Giang: Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ

Vừa qua, Sở VH-TT&DL phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Tổ chức Lao động quốc tế ILO mở hội thảo tham vấn xây dựng cơ chế quản lý thương hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ của tỉnh.
Trên cơ sở sử dụng logo của tỉnh, gợi ý của các bên liên quan, kết hợp xác định tinh hoa văn hoá và xác thực với đặc trưng văn hoá của Quảng Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã đề xuất hình ảnh thương hiệu với tên gọi “Trái tim Việt Nam”, đồng thời đưa ra 3 đề xuất hình ảnh cho logo.
Ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định: Việc xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm sản xuất trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết để hỗ trợ những người sản xuất sản phẩm thủ công tại địa phương khi họ phải cạnh tranh với các sản phẩm sản xuất hàng loạt khác. ILO và UNESCO đã cùng tiến hành nghiên cứu vấn đề này nhằm hỗ trợ tỉnh phát triển một cơ chế quản lý thương hiệu thích hợp..
Theo ông Randy Durband - cố vấn kỹ thuật của dự án ILO, việc xây dựng một cơ chế quản lý thương hiệu cho sản phẩm thủ công sẽ mang lại lợi ích thiết thực.
Tuy nhiên, theo ông Randy Durband, việc hình thành, duy trì một cơ chế quản lý thương hiệu sẽ gặp những thách thức trong việc quản lý, chi phí, hiệu quả quảng cáo. Ông đề xuất nên quản lý bởi một hiệp hội phi lợi nhuận và có “một con dấu” gắn vào sản phẩm được chứng nhận.
Dự kiến từ tháng 11/2013 sẽ thành lập Ban chỉ đạo hỗ trợ xây dựng cơ chế và tiến hành các bước như gửi hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, thực hiện quy trình chứng nhận sản phẩm được gắn nhãn hiệu chung.
Từ tháng 6/2014, bắt đầu đính nhãn hiệu vào sản phẩm đạt tiêu chuẩn sử dụng và khởi động chiến dịch quảng bá; nâng cao nhận thức cho các nhà sản xuất về việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. (Văn Hoá 25/10, tr6) (về đầu trang)

XÂY DỰNG

Điện Bàn: Thu hồi dự án Khu biệt thự cao cấp ven sông Cổ Cò

Dự án Khu biệt thự cao cấp ven sông Cổ Cò (xã Điện Dương - Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc) do Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Phúc Thịnh làm chủ đầu tư vừa bị UBND tỉnh quyết định thu hồi do không triển khai thực hiện theo đúng tiến độ cam kết.


UBND tỉnh giao Ban quản lý Phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan thông báo chủ trương chấm dứt thực hiện Dự án để chủ đầu tư biết, kết thúc các hoạt động liên quan đến đầu tư Dự án.
Đồng thời tổ chức lựa chọn nhà đầu tư mới đảm bảo năng lực để thực hiện Dự án và giải quyết các vấn đề có liên quan đến tài chính (nếu có) theo đúng quy định hiện hành. (Công An Thành Phố Đà Nẵng Online 25/10) (về đầu trang)

261 tỷ đồng giải phóng mặt bằng đường Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Ngày 25/10, Phó Chủ tịch tỉnh Đinh Văn Thu ký quyết định phân bổ 261 tỷ đồng cho các huyện, thành phố trong tỉnh để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn đi qua địa bàn tỉnh.
Theo đó, huyện Núi Thành được phân bổ với số tiền nhiều nhất là 90 tỷ đồng, kế theo huyện Duy Xuyên: 41 tỷ đồng, thành phố Tam Kỳ: 35 tỷ đồng; các huyện: Quế Sơn, Thăng Bình mỗi địa phương 31 tỷ đồng, huyện Phú Ninh: 19,5 tỷ đồng và huyện Điện Bàn: 13,5 tỷ đồng.
Đây là nguồn vốn ứng trước vốn đối ứng kế hoạch năm 2014 của Bộ GTVT phân bổ cho tỉnh.
Được biết, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương được phân bổ chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn vốn được phân bổ đúng mục đích; tập trung chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo các phương án được duyệt trong năm 2013, giải ngân hết nguồn vốn này trước ngày 30/6/2014 và quyết toán theo quy định hiện hành của Nhà nước. (Nhân Dân 28/10, tr2) (về đầu trang)

Quế Sơn: Agribank tài trợ 4 tỷ đồng xây nhà tránh lũ và trường học

Ngày 25/10, tại xã Quế Phú, Agribank chi nhánh Quảng Nam tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà cộng đồng kết hợp tránh lũ cho người dân địa phương và 10 nhà ở cho 10 hộ nghèo với tổng kinh phí tài trợ xây dựng là 4 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 24/10, tại thôn Thanh Quýt 3, xã Điện Thắng Trung (huyện Điện Bàn), Agribank chi nhánh Quảng Nam cũng đã tổ chức lễ khánh thành và bàn giao Trường Trung học Lê Tự Nhất Thống. Trường được xây dựng 2 tầng, gồm 9 phòng học, với diện tích 840m2, tổng kinh phí tài trợ là 3,6 tỷ đồng. (Nông Thôn Ngày Nay 26/10, tr2; Thanh Niên 28/10, tr2) (về đầu trang)

NÔNG NGHIỆP


Tây Giang: Công bố hết dịch lở mồm long móng tại xã A Vương


UBND tỉnh vừa công bố hết dịch lở mồm long móng gia súc trên địa bàn xã A Vương.
Đồng thời bãi bỏ các vùng khống chế gồm các xã Dang, A Tiêng, Bha Lee (huyện Tây Giang), xã Tà Lu, A Rooi và thị trấn P'rao (huyện Đông Giang); vùng đệm, gồm các xã: A Nông, Leng (huyện Tây Giang), xã Zuoich (huyện Nam Giang), xã MaCooih, ZaHung, Zơ Ngây, Sông Kôn (huyện Đông Giang).
UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành tiếp tục thực hiện công tác giám sát, phòng bệnh, bảo vệ đàn gia súc của địa phương theo quy định hiện hành của nhà nước; kịp thời có biện pháp phòng, chống không để dịch bệnh tái phát.
Trước đó, dịch lở mồm long móng đã xuất hiện ở xã A Vương. Sau khi phát hiện dịch, tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương, ngành chuyên môn triển khai thực hiện các biện pháp chống dịch khẩn cấp; nhanh chóng bao vây dập tắt ổ dịch lở mồm long móng.
UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai công tác tiêm phòng và các biện pháp phòng, chống dịch nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trên địa bàn quản lý. (Điện Tử Chính Phủ 25/10; Thanh Niên Online 26/9; Nông Nghiệp Việt Nam 28/10, tr2; Nông Thôn Ngày Nay 28/10, tr10) (về đầu trang)

Phát triển chăn nuôi an toàn vùng Duyên hải miền Trung

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa phối hợp với Sở NN&PTNT Quảng Nam tổ chức Diễn đàn Khuyến nông@Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển chăn nuôi an toàn dịch bệnh vùng Duyên hải miền Trung”.
Diễn đàn nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi an toàn theo định hướng tái cơ cấu ngành NN&PTNT
Tại Diễn đàn đã có trên 60 câu hỏi được đại biểu đặt ra, xoay quanh các vấn đề như chất lượng con giống, tiến bộ kỹ thuật mới, thú y, thị trường tiêu thụ, chính sách hỗ trợ, vay vốn… (Tuổi Trẻ Online 26/9) (về đầu trang)

PHÁP LUẬT

Bắt đối tượng giết người vì tranh chấp đất rừng

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an tỉnh vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Huỳnh Huy Hội (24 tuổi, trú xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành) để điều tra về hành vi giết người.

Trước đó, khoảng sáng 13/10, tại khu vực chân núi Bà Thi (xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành) xảy ra vụ hỗn chiến giữa gia đình ông Võ Huỳnh Trưởng (40 tuổi, thôn Thạch Kiều, xã Tam Xuân 2) và gia đình ông Huỳnh Huy Cường (trú cùng thôn). Nguyên nhân xảy ra vụ hỗn chiến bằng hung khí là do hai gia đình mâu thuẫn trong việc tranh chấp 50m2 đất rừng tại chân núi Bà Thi.
Trong lúc xô xát, Hội dùng hung khí đâm chết ông Trưởng. Ngoài ra, vụ xô xát cũng làm 7 người khác bị thương gồm ông Nguyễn Văn Tổng (46 tuổi), Nguyễn Văn Văn (24 tuổi) và Võ Ngọc Hòa (bên gia đình ông Trưởng) và bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Huỳnh Huy Quốc, Huỳnh Huy Hội, Huỳnh Huy Việt (là vợ và các con ông Cường).
Theo hồ sơ điều tra, vào năm 2006 gia đình ông Cường có phát cỏ, dọn vệ sinh khu đất rừng hơn một sào tại chân núi Bà Thi để trồng keo, mỗi năm thu hoạch một lần. Sau đó, gia đình ông Trưởng cũng lên phát cỏ khu đất bên cạnh trồng cây keo và xảy ra việc tranh chấp diện tích đất trồng keo của gia đình ông Cường, dẫn đến mâu thuẫn và án mạng nghiêm trọng trên. (Tuổi Trẻ Online 25/10; Khampha.vn 25/10; Pháp Luật & Xã Hội 26/10, tr11) (về đầu trang)

Luật sư ngái ngủ tại tòa

Vừa qua, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đưa vụ án Phạm Minh Khoa giết người ra xử phúc thẩm. Hôm đó, luật sư ĐĐT (Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam) được gia đình bị cáo Khoa mời tham gia bào chữa cho bị cáo. Tuy nhiên, tại phiên tòa, Luật sư T như người ngái ngủ, không theo dõi diễn biến phiên xử, đọc bài bào chữa chiếu lệ,…
Trong phần thủ tục, chủ tọa phiên tòa hỏi luật sư T.: “Luật sư T. có ý kiến gì về phần thủ tục phiên tòa và có đề nghị thay đổi ai trong số những người tiến hành tố tụng tại tòa không?”. Không có tiếng trả lời.
Chủ tọa hỏi lần thứ nhất, lần thứ hai rồi lần thứ ba nhưng vẫn không thấy có sự đáp trả nào từ phía luật sư. Nghe chủ tọa hỏi đến lần thứ tư, người ngồi cạnh luật sư T. lấy tay thúc nhẹ vào Luật sư. Đến lúc này, luật sư T. mới biết là chủ tọa đang gọi mình. Luật sư T. đứng lên nhưng phải chờ chủ tọa nhắc lại câu hỏi lần nữa thì mới… nắm bắt vấn đề. Nghe xong, Luật sư T. trả lời: “Tôi không có ý kiến gì”.
Cứ như thế, tình trạng trên kéo dài suốt phiên xử.
Kết thúc phiên tòa, do thành khẩn khai báo, từng phục vụ trong quân ngũ và gia đình đã bồi thường 140 triệu đồng cho người bị hại nên bị cáo Khoa được tòa giảm án, từ 20 năm xuống còn 18 năm tù.
Sau phiên xử, phóng viên hỏi luật sư T.: “Có phải ông không nghe rõ những gì Hội đồng xét xử nói nên mới vậy không?”. Luật sư T. thú nhận: “Do tối qua tôi nhậu xỉn. Sáng dậy mệt, lại bị ù tai nên mới không nghe rõ. Hơn nữa, do ngày hôm qua mệt nên tôi không chuẩn bị tinh thần và những gì bào chữa trước nên… có hơi run”. (Pháp Luật Việt Nam 26/9, tr9) (về đầu trang)

GIÁO DỤC


Thí điểm thi tuyển hiệu trưởng 3 trường Đại học, Cao đẳng


Ngày 25/10, UBND tỉnh cho biết, chức danh hiệu trưởng của 3 trường Đại học, Cao đẳng được chọn triển khai thí điểm để thi tuyển, bao gồm Đại học Quảng Nam và 2 trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật, Cao đẳng nghề.
Nội dung thi tuyển chức danh lãnh đạo này thuộc đề án Thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của UBND tỉnh, áp dụng cho cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp.
Theo công bố của Sở Nội vụ, dự kiến đợt thi tuyển và bổ nhiệm từ sau tháng 12; ngoài 3 trường Đại học, Cao đẳng còn có thêm Bệnh viện đa khoa Quảng Nam (thi tuyển chức danh Phó Giám đốc).
Sở Nội vụ và Ban tổ chức Tỉnh ủy là đầu mối tiếp nhận, thẩm định hồ sơ ứng viên. (Thanh Niên 26/10, tr3) (về đầu trang)

Y TẾ

Bệnh sốt xuất huyết bùng phát sau bão, lũ

Theo ông Huỳnh Công Quang - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm vaccin sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cơn bão số 11 kèm lũ lớn làm nhiều nơi trên địa bàn tỉnh ngập sâu trong nước. Đến nay, nhiều điểm vẫn còn ứ đọng nước, muỗi xuất hiện nhiều và bệnh sốt xuất huyết bắt đầu bùng phát ở địa phương.


“Hiện có 60 bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết. Trong đó huyện Điện Bàn có 3 ca, Hội An 14 ca, Duy Xuyên 10 ca, Đại Lộc 10 ca, Quế Sơn 4 ca, Thăng Bình 5 ca, Núi Thành 7 ca, thành phố Tam Kỳ 5 ca… Điều đáng nói là đã gia tăng số bệnh nhân sốt xuất huyết dengue thể nặng, tiểu cầu giảm rất thấp, huyết áp thấp, xuất huyết niêm mạc…”, ông Quang cho biết thêm.
Ngoài bệnh sốt xuất huyết, hàng loạt bệnh khác đang có nguy cơ thành dịch. Như bệnh đỏ mắt với 767 người mắc bệnh; tiêu chảy có 224 người; nấm chân 384 người.
Ngay sau lũ rút, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang kiểm tra tình hình tại huyện Đại Lộc. Cán bộ, nhân viên của Bộ Y tế cũng đã khảo sát và kiểm tra tại 3 huyện Đại Lộc, Điện Bàn và Duy Xuyên về công tác phòng chống dịch bệnh sau bão, lũ. Trong đó đặc biệt là dịch sốt xuất huyết.
Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Ban Phòng chống lụt bão huyện Đại Lộc cho biết: “Ngay sau lũ rút đi, rác thải, xác động vật, sinh vật chết làm ảnh hưởng lớn đến môi trường sống của người dân. Các vũng ao tù nước đọng còn rất nhiều nên muỗi sinh sôi nảy nở nhanh. Trung tâm Y tế huyện Đại Lộc đã cấp hóa chất, thuốc men cho người dân nhằm xử lý nguồn nước giếng uống và phun khử trùng diệt muỗi…”.
Để đối phó với khả năng bùng phát dịch sốt xuất huyết, ông Quang chia sẻ: “Chúng tôi đã thành lập 2 đội chống dịch lưu động và thiết lập đường dây nóng. Chúng tôi tăng cường vận động người dân ra quân dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải...”.
Hiện, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã xuất kho thêm 8 lít hóa chất để phun khử trùng, diệt muỗi thường xuyên. Đồng thời, cán bộ phòng dịch đã trực tiếp đến tận các khu dân cư và nhiều ngôi chợ, điểm buôn bán cấp phát tờ rơi hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Các trạm y tế xã túc trực liên tục theo dõi tình hình sức khỏe người dân vùng lũ. (Nông Thôn Ngày Nay 26/10, tr5) (về đầu trang)

DU LỊCH

Hội An đoạt giải thưởng Thành phố cảnh quan

Tổ chức Định cư con người Liên Hiệp Quốc tại châu Á (UN Habitat) vừa quyết định bình chọn thành phố Hội An là thành phố cảnh quan 2013.


Theo đó, các tiêu chí đô thị được đưa ra xem xét để bình chọn bao gồm: Sự phát triển đô thị bền vững gắn liền với cuộc sống của con người với cây xanh, không khí trong lành không bị ô nhiễm và đảm bảo tốt nhất sự an cư cho người dân… Giải thưởng sẽ được Tổ chức Định cư Liên Hiệp quốc tại châu Á trao vào ngày 20/11 tới đây tại Nhật Bản.
Trước đó, cuối tháng 9, Tổ chức định cư con người Liên Hợp Quốc đã có chuyến thăm và làm việc với UBND tỉnh. Chuyên thăm được thực hiện nhằm hỗ trợ các thành phố, các Chính phủ và cộng đồng giải, quyết các thách thức của đô thị hóa bền vững và thực hiện mục tiêu có nơi cư trú thích hợp cho tất cả mọi người. (VTVNews 27/9; Đại Đoàn Kết 28/10, tr4) (về đầu trang)

Vì sao khách Mỹ mê Hội An?

“Hội An được độc giả yêu mến bởi những ngôi nhà đầy màu sắc và những dinh thự cổ kính, chúng tạo cho họ cảm giác như đang đi trong phim”, tạp chí Condé Nast Traveller (Mỹ) cho biết.
Trước đó, theo khảo sát thường niên của tạp chí Condé Nast Traveller), Hội An được độc giả của tạp chí này bình chọn trở thành thành phố du lịch được yêu thích thứ hai ở châu Á, chỉ xếp sau Kyoto (Nhật Bản). Khoong những thế, tạp chí Huffington Post (Mỹ) đã chọn Hội An là một trong bảy điểm đến đặc sắc và thu hút khách du lịch nhất khi tới Việt Nam.
Ông Ngô Thiên Phong - hướng dẫn viên Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist cho biết, nhiều năm đưa khách nước ngoài đến Hội An, lần nào ông cũng cảm nhận được sự thích thú của du khách sau khi chuyến đi kết thúc.
“Nhiều khách nói với tôi dường như họ đang đi trong khung cảnh yên tĩnh, nhẹ nhàng của thế kỷ 17 mà họ từng đọc trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Du khách kháo nhau về nét quyến rũ của Hội An nhiều lắm nên mỗi khi nghe tôi thông báo không thể vào tham quan Hội An vì ảnh hưởng mưa bão, lụt lội, đoàn nào cũng đều tiếc ngẩn ngơ”, ông Phong kể lại.
Với người có 18 năm gắn liền với Hội An như ông Louk Lennaerts - Giám đốc chiến lược của Công ty tư vấn Serenity Holding, nơi sáng tạo ra hàng loạt dự án cao cấp du lịch tại đây, thì “Hội An như một người đẹp vẫn còn đang say ngủ”. Ông Louk Lennaerts cho rằng thành phố vẫn thay đổi nhưng với tốc độ chậm, điều này làm cho du khách như cảm thấy cuộc sống đang chậm lại khi lang thang trên các con phố cổ, “cuộc sống náo nhiệt, ồn ào chỉ cách họ có vài con phố ngoài kia mà thôi!”.
Ông Huỳnh Văn Minh - Giám đốc khu vực miền Trung Công ty du lịch Asian Trails cho rằng, trong khu vực châu Á, những thành phố nhỏ đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới như Hội An không nhiều. Đến đây nghỉ dưỡng, du khách có nhiều lựa chọn từ các khu nghỉ dưỡng cực kỳ cao cấp đến bình dân, Hội An cũng có nhiều sản phẩm du lịch như tắm biển, du lịch trên sông, làng nghề, du khách có cơ hội cùng sinh hoạt với người dân địa phương.
“Tôi chỉ sợ Hội An đang mất đi những nét đẹp của riêng mình khi có quá nhiều du khách đến đây, những ngôi nhà đặc trưng dần dần biến thành nhà hàng, quán cà phê, quán bar, điều này sẽ phá vỡ môi trường, cảnh quan đặc trưng của nơi này. Tất nhiên phải có chỗ để khách giải trí, mua sắm khi đến đây nhưng dứt khoát phải kiểm soát về số lượng nhà hàng, quán bar, cửa hàng ở đây”, ông Louk Lennaerts lo lắng. (Tuổi Trẻ 27/10, tr10) (về đầu trang)

Mở lớp học chụp ảnh cho người dân Cơtu

Dự án “Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền tỉnh Quảng Nam” (dự án SIT/ILO) vừa hỗ trợ cho một nhóm người dân là đồng bào Cơtu tham gia lớp tập huấn chụp ảnh theo phương pháp Photo Voice.
Được biết, khoảng 10 người dân ở làng du lịch cộng đồng Đhrôồng (xã TàLu, huyện Đông Giang) và Bhơ Hôồng (xã Sông Kol, huyện Đông Giang) tham gia lớp học.
Hoạt động này nhằm tạo cơ hội để người dân có thể tự chụp ảnh, kể chuyện về một số phong tục tập quán và cuộc sống với những nét đặc sắc của dân tộc Cơ Tu. (Văn Hoá 25/10, tr8) (về đầu trang)

VĂN HÓA

Gần 3 tỷ đồng trùng tu nhà cổ Hội An

UBND tỉnh vừa cấp 716 triệu đồng hỗ trợ trùng tu di tích thuộc sở hữu tư nhân, tập thể tại 2 nhà cổ trong khu phố cổ Hội An là ngôi nhà số 5 và số 16 Nguyễn Thái Học hiện đang xuống cấp trầm trọng.


Ngoài ra, UBND tỉnh cũng tạm ứng cho nhà cổ số 5 đường Nguyễn Thái Học vay 582 triệu đồng; nhà số 16 đường Nguyễn Thái Học vay 1 tỷ 607 triệu đồng. Thời hạn tạm ứng đến hết ngày 31/10/2016. (Sài Gòn Giải Phóng Online 26/10; Tiền Phong 28/10, tr15) (về đầu trang)

TIN VỀ ỦNG HỘ SAU BÃO SỐ 11

Quảng Nam tiếp nhận gần 11 tỷ đồng tiền cứu trợ

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh vừa cho biết, đến nay, có hơn 40 đoàn cứu trợ của các tỉnh, thành phố trong cả nước đến thăm và tặng gần 11 tỷ đồng giúp nhân dân trong tỉnh khắc phục thiệt hại do bão số 11 gây ra.


UBND tỉnh và Ban Cứu trợ tỉnh thống nhất giao khoản tiền này cho Ủy ban Mặt trận tỉnh, phối hợp cùng với chính quyền địa phương làm lại nguyên trạng những căn nhà bị hư hỏng và tốc mái cho những trường hợp là hộ nghèo và đối tượng chính sách. Ủy ban Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam cũng đã hỗ trợ kịp thời cho những trường hợp bị chết và bị thương trong bão với số tiền 5 triệu đồng/ người chết, 3 triệu đồng cho người bị thương.
Ông Vũ Khắc Trọng - Chánh Văn phòng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Nam cho biết: "Sau bão, Mặt trận đã chủ động, tiến hành cùng với địa phương khảo sát lại những trường hợp bị thiệt hại. Chính nhờ nắm tình hình nhanh nên việc giải quyết cứu trợ diễn ra thuận lợi, dễ đến với bà con". (VOVNews 26/9; Nhân Dân 28/10, tr7) (về đầu trang)

Trao tiền hỗ trợ người dân vùng lũ

Chiều 27/10, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Văn Ngàng cùng Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Đặng Văn Chương đến thăm hỏi, trao tiền hỗ trợ các đối tượng bị thiệt hại do bão lũ trên địa bàn tỉnh.
Ông Ngàng trao 100 triệu đồng của Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động - Chương trình Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa - Trường Sa hỗ trợ cho ngư dân Bùi Lên (ở xã Tam Giang, huyện Núi Thành) để đóng tàu mới vươn khơi. Ngư dân Bùi Lên là chủ tàu cá xa bờ bị cháy hoàn toàn trong bão số 8 vừa qua, thiệt hại gần 3 tỉ đồng.
Ngoài ra, Đoàn công tác đã đến thăm hỏi gia đình bà Nguyễn Thị Nhạn (giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng, huyện Phú Ninh), có nhà bị tốc mái, hư hỏng nặng do bão số 11 và trao 5 triệu đồng do Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động hỗ trợ.
Dịp này, ông Ngàng cũng trao 20 suất quà (mỗi suất 500.000 đồng) do Quỹ Bảo trợ trẻ em Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hỗ trợ 20 trường hợp trẻ em có thành tích vượt khó học tập ở huyện Phú Ninh. (Lao Động 28/10, tr4) (về đầu trang)

Thăng Bình: Quà cứu trợ đến với miền quê nghèo


Chiều 25/10, đoàn cứu trợ của báo Thanh Niên, Công ty TNHH Liên doanh Topcake và Công ty BAT đưa quà đến với người dân 2 xã Bình Giang và Bình Định Bắc.
Đoàn trao 200 suất quà (trị giá 250.000 đồng/suất) của Công ty TNHH Liên doanh Topcake cho các hộ nghèo, gia đình chính sách và người già neo đơn bị thiệt hại sau bão số 11.
Dịp này, Công ty BAT cũng gửi đến người dân 2 xã 200 suất tiền mặt (200.000 đồng/suất).
Sau trận bão số 11 vừa qua, huyện Thăng Bình thiệt hại hơn 103 tỉ đồng, trong đó có 1 người chết, 14 người bị thương, 32 nhà sập, hơn 1.600 nhà tốc mái, trong đó xã Bình Giang và Bình Định Bắc là các địa phương chịu mất mát nặng nề. (Thanh Niên 26/10, tr13) (về đầu trang)

Báo Điện Tử Motthegioi.vn sẽ trao quà cho người dân vùng lũ

Theo kế hoạch, trong 2 ngày 2- 3/11, báo điện tử Motthegioi.vn cùng nhóm “Những người bạn đồng ngôn” sẽ tổ chức trao quà cho đồng bào bị lũ lụt tại hai xã Đại Hưng (Đại Lộc) và Bình Nam (Thăng Bình).
Theo đó, tại mỗi xã sẽ trao 70 phần quà, mỗi phần quà trị giá 500.000 đồng, riêng những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chúng tôi sẽ trao thêm phần quà 1 triệu đồng.
Nhân dịp này, ông Nguyễn Hữu Thọ - một bạn đọc của báo Điện tử Motthegioi.vn cũng ủng hộ 20 triệu đồng để chuyển đến những hộ dân chịu thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua. (Motthegioi.vn 25/10) (về đầu trang)

XÃ HỘI


Điện Bàn: Thiếu nữ nhảy cầu tự tử


Ngày 25/10, trên cầu Câu Lâu, chị H.T.T.A. (SN 1995, ngụ thôn Cẩm Phụ 2, xã Điện Phong) gieo mình xuống dòng sông tự tử.
Theo những người chứng kiến vụ việc cho biết, vào thời điểm trên, một thanh niên đi xe máy chở theo A. dừng lại giữa cầu.
Bất ngờ, A. lao qua thành cầu nhảy xuống sông. Người thanh niên túm lấy áo và cánh tay cô gái nhưng bị trượt mất, cô gái rơi xuống dòng nước sâu và chìm dần.
Tại hiện trường còn lại 1 lá thư tuyệt mệnh của A. Khoảng 30 phút sau, mẹ của A. có mặt tại hiện trường, khóc ngất.
Cơ quan Công an huyện Điện Bàn đã có mặt tại hiện trường phân luồng giao thông, đồng thời cử lực lượng tìm kiếm thi thể của nạn nhân. (Người Lao Động Online 25/10; An Ninh Thủ Đô 28/10, tr2) (về đầu trang)

Tiên Phước: Cháu bé gặp bệnh hiếm mong được phẫu thuật

Cháu Nguyễn Công Danh, con vợ chồng anh Nguyễn Công Minh và chị Nguyễn Thị Kim Anh (trú tổ 15, thôn Bình Yên, thị trấn Tiên Kỳ) vừa sinh ra bốn tháng đã bị hội chứng Apert. Tuy nhiên việc phẫu thuật tốn nhiều kinh phí, khiến vợ chồng anh Minh không dám đưa con tới bệnh viện.
Gia cảnh gia đình anh Minh hết sức khó khăn, vì thế rất mong nhận được sự chia sẻ của những tâms lòng hảo tâm.
Được biết, vợ chồng anh đang nuôi mẹ già ngoài 80 tuổi, con gái đầu được 2 tuổi thường hay đau ốm, và Danh thì mắc bệnh hiểm nghèo. (Công An Thành Phố Hồ Chí Minh 26/10, tr7) (về đầu trang)

Đại Lộc: Bão về, vợ mất chồng, ba con thơ mồ côi bố

Mặc trời mưa bão, anh Nguyễn Văn Sỹ (xã Đại Cường) vẫn chèo thuyền đi cắt cỏ dự trữ cho bò. Nhưng rồi không may, gió bão quật thuyền anh lật ngã, anh ra đi để lại vợ cùng 3 đứa con thơ.
Chị Xuyến (tên thật là Nguyễn Thị Toán, vợ anh Sỹ) kể lại: “Hôm đó trời mưa to lắm, nước lớn. Trước khi đi anh nói má mấy đứa nhỏ ở nhà, tôi đi một lát rồi về nhưng không ngờ anh đi luôn không về”.
Anh Sỹ cùng một người dân trong làng chèo thuyền đi cắt cỏ cho bò nhưng không may bị gió bão quật ngã, người đi cùng được người dân cứu giúp kịp thời còn anh thì bị nước lũ cuốn trôi. Phải 13 ngày sau đó, người dân thôn Thanh Vân mới tìm kiếm thấy thi thể của anh tại thành phố Đà Nẵng.
Hoàn cảnh éo le, anh Sỹ và chị Xuyến vừa dành dụm tiền mua được con bò để làm vốn liếng cho con ăn học sau này nhưng chẳng ngờ, dự định chưa kịp hoàn thành anh đã ra đi, bỏ lại vợ và 3 đưa con thơ đang tuổi ăn, tuổi học. Cháu lớn tên Nguyễn Thị Thanh Tâm năm nay học lớp 7, cháu thứ hai Nguyễn Thị Minh Thử học lớp 5 còn cậu con trai út Nguyễn Đăng Khôi mới 22 tháng tuổi, do bị chứng chậm phát triển nên đi chưa vững, phát âm khó khăn.
Nói về hoàn cảnh của chị Xuyến, chú Nguyễn Văn Hai - trưởng thôn Thanh Vân xúc động: “Thấy hoàn cảnh gia đình như vậy, ở đây ai cũng thương. Tôi ở đây nhiều năm, quá trình quan sát cũng hiểu rõ gia đình nghèo khó lắm, được cái hai vợ chồng cô ấy rất chăm chỉ, chịu khó nên dần cũng xây được nhà, mua được con bò. Giờ chồng mất cũng như mất cánh tay phải, nuôi 3 đứa con ăn học không phải là chuyện dễ”.(Tiin.vn 27/10) (về đầu trang)

THỂ THAO

HLV Vũ Quang Bảo: “QNK.Quảng Nam vẫn còn non lắm”

Trong cuộc trao đổi với Thể Thao &Văn Hóa, Huấn luyện viên Vũ Quang Bảo khẳng định, Ban huấn luyện và lãnh đạo đội bóng vẫn trong quá trình theo dõi những động thái trên thị trường chuyển nhượng và tự biết lượng sức mình chứ chưa có bất kỳ toan tính nào theo kiểu chơi nổi.


Nói về việc có thông tin cho biết, để chuẩn bị cho mùa giải mới, QNK.Quảng Nam đang tăng tốc trên thị trường chuyển nhượng để làm “đại gia”, ông Bảo cho biết: “Mọi việc mới chỉ bắt đầu, QNK.Quảng Nam vẫn đang “án binh bất động”. Tôi cũng xác nhận, lúc này QNK.Quảng Nam đang tiếp nhận 3 cầu thủ đến tập cùng đội bóng là Lê Hải Anh, Phan Thanh Vân, Nguyễn Trung Sơn, nhưng mọi thứ vẫn chỉ dừng lại ở mức độ “thử việc” mà thôi.
“Riêng số cầu thủ cũ vẫn đang tích cực tập luyện đều đặn tại Tam Kỳ, chưa có thông tin ai sẽ bị thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, thời gian tới chúng tôi sẽ cân nhắc giữ lại số cầu thủ đảm bảo chuyên môn, thể hiện được khát vọng thi đấu cho mùa giải này”, ông Bảo cho biết thêm. (Thể Thao &Văn Hóa Online 26/9) (về đầu trang)

Phước Tứ chưa thể về Quảng Nam vì XMXT. Sài Gòn

Lãnh đạo QNK. Quảng Nam và Phước Tứ vừa thỏa thuận xong về bản hợp đồng mới nhưng đôi bên chưa thể ký kết. Nguyên nhân là do XMXT. Sài Gòn, đội bóng chủ quản của Phước Tứ, vẫn chưa ký giấy thanh lý.
Sau khi XMXT.Sài Gòn giải tán, các cầu thủ được phép tự tìm bến đỗ mới. Rất nhiều ngôi sao của đội bóng này đã về tập luyện cùng đội bóng mới như Tài Em (Đồng Tâm Long An), Đình Luật, Tấn Trường (B.Bình Dương) và những cầu thủ còn lại cũng đang đi thử việc. Tuy nhiên, tất cả các cầu thủ này chưa thể ký hợp đồng mới do thiếu giấy thanh lý và Phước Tứ cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.
Mặc dù liên lạc rất nhiều nhưng các cầu thủ này không thể gặp được lãnh đạo đội XMXT.Sài Gòn . Cựu Giám đốc điều hành Trần Tiến Đại giải thích rằng lãnh đạo quá bận và tiếp tục đợi. Tuy nhiên, tất cả các cầu thủ đều chỉ nhận được lời đồng ý bằng miệng từ XMXT.Sài Gòn về việc tìm bến đỗ mới nhưng khâu quan trọng nhất là ký hợp đồng thì đều bị đình lại.
Phước Tứ cũng đang phải chờ đợi để ký hợp đồng mới trước khi tập luyện với đội bóng Quảng Nam.
Theo thông tin ban đầu, thứ 3 tuần tới, nhiều khả năng, hợp đồng sẽ được ký kết. Đội bóng xứ Quảng trả cho cựu trung vệ XMXT.Sài Gòn 1 tỷ đồng/mùa, lương 40 triệu đồng/tháng. (BongdaPlus.vn 25/10) (về đầu trang)

ĐIỂM TIN ĐÃ ĐƯA


Đại Biểu Nhân Dân 28/10, tr2 thông tin lại: Ngày 24/10, Bộ NN&PTNT yêu cầu Cục Trồng trọt, Vụ Kế hoạch và các đơn vị dự trữ giống theo nhiệm vụ được phân công thực hiện xuất cấp 70% lượng hạt giống ngô, rau cho 14 địa phương bị thiệt hại do bão, lũ, trong đó có Quảng Nam. (về đầu trang) ./.

Biên tập viên: Hồng Mây






Каталог: QTIUpload -> BanTin
QTIUpload -> TỈnh ủy quảng nam đẢng cộng sản việt nam
BanTin -> Sáng cắp ô đi, tối cắp ô về
BanTin -> BẢn tin phục vụ LÃnh đẠO (Ngày 21 tháng 4 năm 2014)
BanTin -> BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Quảng Nam ngày 20 tháng 02 năm 2014)
BanTin -> BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Quảng Nam ngày 14 tháng 11 năm 2013)
BanTin -> BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Quảng Nam ngày 21 tháng 02 năm 2014)
BanTin -> BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Quảng Nam ngày 22 tháng 04 năm 2014)
BanTin -> BẢn tin phục vụ LÃnh đẠO (Ngày 23 tháng 12 năm 2013)
BanTin -> BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Quảng Nam ngày 8 tháng 4 năm 2014)
BanTin -> BẢn tin phục vụ LÃnh đẠO (Ngày 02 tháng 01 năm 2014)

tải về 115.84 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương