BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Quảng Nam ngày 15 tháng 8 năm 2012)



tải về 60.65 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích60.65 Kb.
#30396




BÁO CÁO TỔNG QUAN BÁO CHÍ

(Tin Quảng Nam ngày 15 tháng 8 năm 2012)


QUẢN LÝ 2

  1. Tỷ lệ nữ là cán bộ, công chức còn khá thấp 2

  2. Thành lập tổ quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới 2

PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI 2

  1. Thủy điện A Vương thử nghiệm hệ thống báo ngập qua tin nhắn 2

CÔNG THƯƠNG 3

  1. Bán đấu giá công khai hơn 3.000 tấn quặng titan thô 3

KIỂM LÂM 4

  1. Rừng phòng hộ đầu nguồn ở Thăng Bình bị phá: Sẽ xử lý đúng luật 4

  2. Bảo vệ rừng giống có loài gỗ quý 5

GIAO THÔNG 5

  1. Núi ThànhTrâu bò vẫn ra vào đường băng sân bay Chu Lai 5

  2. Đình chỉ cơ sở dạy lái xe nếu bỏ qua môn đạo đức 6

NÔNG NGHIỆP 6

  1. Thuỷ điện A Vương bổ sung nước tưới nông nghiệp 6

MÔI TRƯỜNG 7

  1. Pepsi Quảng Nam đầu độc môi trường: Thiệt hại kinh tế của dân 7

GIAO THÔNG 8

  1. Xây dựng văn hóa giao thông với bình yên sông nước 8

PHÁP LUẬT 8

  1. Phú Ninh: Bị phạt 140 triệu đồng vì khai thác khoáng sản trái phép 8

GIÁO DỤC 9

  1. Cao đẳng Y tế Quảng Nam vừa công bố điểm chuẩn trúng tuyển 9

XÃ HỘI 10

  1. Sôi nổi thi kể chuyện về biên giới, biển đảo Việt Nam 10

TIN VẮN 10

ĐIỂM TIN ĐÃ ĐƯA 11



QUẢN LÝ

Tỷ lệ nữ là cán bộ, công chức còn khá thấp


Tỷ lệ nữ trong đội ngũ cán bộ, công chức tham gia lãnh đạo, quản lý các cấp, ngành ở Quảng Nam hiện còn khá thấp. Theo đó, tỷ lệ này ở cấp UBND huyện chỉ chiếm 5,75%; tỷ lệ nữ được bầu làm Chủ tịch, phó Chủ tịch cấp xã là 6,26%.
Được biết, chỉ có 7,02% tỷ lệ nữ là Giám đốc, Phó Giám đốc ở các cơ sở, bàn, ngành và đoàn thể. (Phụ Nữ Việt Nam 15/8, tr2) Về đầu trang

Thành lập tổ quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới


UBND tỉnh vừa thành lập tổ quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới nhằm phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai việc tập huấn, hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện, thành phố, UBND các xã và các đơn vị tư vấn tổ chức thực hiện công tác quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới. (Thanh Niên 15/8, tr2) Về đầu trang

PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI

Thủy điện A Vương thử nghiệm hệ thống báo ngập qua tin nhắn


Trước mùa lũ 2012, Công ty Thủy điện A Vương đã dựng được 72 cột mốc báo ngập lụt cho 12 xã vùng hạ lưu trên hệ thống thủy điện bậc thang Vu Gia - Thu Bồn để cảnh báo và phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai.
Đồng thời công ty cũng sẽ lắp đặt thử nghiệm hệ thống tự động báo mức ngập qua tin nhắn (tại một số vị trí đặc biệt), tiến tới xây dựng bản đồ ngập lụt và kiểm soát mức ngập trực tuyến khi có lũ lụt.
Công ty thủy điện A Vương cũng đã phối hợp với Huyện ủy, UBND huyện Đại Lộc thực hiện 20 đợt truyền thông cộng đồng cho 600 cán bộ cấp huyện và 18 xã; đồng thời cử quan sát viên cộng đồng tham gia trực ngay tại đập, hồ trong mùa mưa bão. Hiện tại, Công ty thủy điện A Vương đã trang bị 194 radio, 122 loa cầm tay và 1.000 áo phao cho các thôn, xóm thuộc khu vực hạ lưu.
Trước khi xả lũ, thủy điện A Vương sẽ gửi thông báo bằng văn bản, fax, điện thoại, còi báo hiệu về mức xả, thời gian xả, thông tin về thủy văn hồ chứa và dự báo về mức xả trong thời gian sớm nhất, nhằm cảnh báo kịp thời đến các dân cư sinh sống hai bên bờ sông khu vực hạ du hồ chứa.
Thủy điện A Vương có 2 tổ máy với tổng công suất 210 MW, nằm ở khu vực sông suối ngắn, lòng sông hẹp, độ dốc lớn nên khi có mưa to là lũ về hồ rất nhanh làm mực nước hồ tăng rất cao trong một thời gian ngắn.
Do vậy, công ty luôn chủ động trong công tác phòng chống lũ và cùng với các nhà máy thủy điện khác trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn ký cam kết thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ chứa, truyền thông cộng đồng rộng rãi tới chính quyền và người dân vùng hạ du nhằm giảm thiểu thiệt hại cho vùng hạ du nếu phải xả lũ.
Sau 4 năm đi vào vận hành ( 2008), Thủy điện A Vương đã cung cấp cho lưới điện quốc gia gần 4 tỷ kWh. (Theo Website Chinhphu.vn 14/8) Về đầu trang

CÔNG THƯƠNG

Bán đấu giá công khai hơn 3.000 tấn quặng titan thô


Hơn 3.000 tấn quặng titan thô do Vùng Cảnh sát biển 2 (đóng tại Núi Thành) thu giữ đã được UBND tỉnh phê duyệt mức giá khởi điểm ngày 14/8, để đưa ra bán đấu giá công khai, sung công quỹ.
Mức giá khởi điểm để đấu giá là 1,6 triệu đồng/tấn dành cho lô hàng 3.061 tấn quặng titan thô, tuy nhiên đơn vị tham gia đấu giá bị ràng buộc điều kiện “phải có chức năng hoạt động khai thác và chế biến titan”. Vùng Cảnh sát biển 2 không nêu đích danh nguồn quặng titan trái phép này, nhưng cho hay biên bản xử phạt vi phạm hành chính vừa được đơn vị xử lý hôm 5/8. (Thanh Niên 15/8, tr3) Về đầu trang

KIỂM LÂM

Rừng phòng hộ đầu nguồn ở Thăng Bình bị phá: Sẽ xử lý đúng luật


Liên quan đến vụ hàng chục ha rừng phòng hộ đầu nguồn hồ chứa nước Đồng Tiễn ở xã Bình Trị bị chặt phá, ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh cho biết, đã thành lập đoàn kiểm tra để tiến hành đo đạc hiện trường, xác định mức độ sai phạm để xử lý theo đúng pháp luật.
Năm 2010 hồ chứa nước Đông Tiễn, nằm trên địa phận 3 xã Bình Định Bắc, Bình Định Nam và Bình Trị đưa vào sử dụng đã mang lại niềm vui cho người dân, bởi công trình đã giúp hơn 700ha đất trồng trọt của người dân trong vùng giải hạn. Những cánh rừng đầu nguồn sẽ giữ và tạo ra nguồn nước dồi dào cho lòng hồ.
Vậy nhưng, thời gian vừa qua một số người dân đã phá rừng để lấy đất trồng rừng làm cho vành đai xanh khu vực đầu nguồn hồ chứa nước Đông Tiễn bị trơ trụi. Rừng phòng hộ đầu nguồn là vùng cấm, nhưng người dân địa phương cho biết ở đó đều có chủ hết. Luật bất thành văn ở đây, người dân nào khai phá, đốt phát thực bì, tự bỏ công, vốn trồng cây xem như đó là đất của riêng mình. Do vậy, nhà nhà, người người đi phá rừng mở rộng diện tích trồng keo. Ngày 4/8 vừa qua, chính quyền xã Bình Trị đã triệu tập 16 hộ dân thôn Vinh Nam, Nam Tiễn để ký vào biên bản phá rừng phòng hộ. Tuy nhiên, chỉ có 4 hộ dân thừa nhận đã phát dọn rừng trái phép với tổng diện tích hơn 10ha.
Ông Nguyễn Văn Diên - Chủ tịch xã Bình Trị thừa nhận, tình trạng xâm hại rừng đầu nguồn hồ chứa nước Đông Tiễn vô cùng phức tạp, vượt ngoài sự kiểm soát của chính quyền. Thống kê ban đầu có ít nhất 30ha rừng tự nhiên bị người dân phá. Theo ông Diên, thẩm quyền xử lý của địa phương có hạn, nên chỉ đề nghị lên cấp trên giải quyết.
Ông Diên cũng cho rằng, sở dĩ người dân ồ ạt chặt phá, đốt rừng để trồng rừng nhằm chờ đền bù. Khi nghe tin huyện Thăng Bình có chủ trương trồng cây cao su đại điền ở vùng tây của huyện, trong đó có địa bàn xã Bình Trị, người dân đã đón đầu bằng cách trồng cây. Do vậy, ngày 28/7/2012, Chủ tịch UBND xã ra chỉ thị nghiêm cấm khai phá rừng để làm trang trại và trồng rừng trái phép.
Đối với diện tích rừng thuộc vành đai hồ Đông Tiễn và khu vực rừng phòng hộ, huyện Thăng Bình đã đưa vào thiết kế trồng cao su tiểu điền. Nếu cá nhân, tổ chức nào xâm hại sẽ bị xử lý và khi triển khai trồng cao su không áp giá đền bù. Mặc dù vậy, người dân vẫn ngang nhiên chặt phá và đốt rừng phòng hộ đầu nguồn. (TTXVN 14/8; Công Lý 15/8; Nông Thôn Ngày Nay 15/8; Nhân Dân 15/8, tr5) Về đầu trang

Bảo vệ rừng giống có loài gỗ quý


Kênh VTV1 đưa tin: Suốt 20 năm ròng rã với quyết tâm giữ cho bằng được khu rừng giống có các loại gỗ quý, những ngày đầu tháng 8 này, Ban Quản lý rừng phòng hộ A Vương chính thức công bố, họ đã khôi phục, bảo vệ thành công cánh rừng rộng trên 400ha.
Những giống gỗ quý như lim, kiền kiền… tưởng chừng như đã bị tuyệt chủng, nay đã được sinh sôi nảy nở. Cánh rừng đáng giá ngàn vàng này là cả một sự đánh đổi bằng máu và nước mắt của những người yêu rừng.
Sau khi Ban quản lý rừng phòng hộ A Vương công bố họ đã khôi phục, bảo vệ thành công rừng giống với các loại gỗ quỹ, Quỹ Bảo vệ thiên nhiên thế giới đã vào cuộc và lên kế hoạch sẽ đưa cánh rừng này vào danh sách cần được bảo vệ nghiêm ngặt, thế nhưng tất cả vẫn đang còn trên giấy. (Kênh VTV1- Bản tin thời sự 14H ngày 14/8) Về đầu trang

GIAO THÔNG

Núi ThànhTrâu bò vẫn ra vào đường băng sân bay Chu Lai


Ngày 14/8, ông Đinh Tấn Phước - Giám đốc Cảng hàng không Chu Lai cho biết: Sân bay Chu Lai vẫn chưa có hàng rào, nên hàng ngày người dân vẫn thả trâu bò vào khu vực sân bay.
Vì vậy, khoảng 30 phút trước khi máy bay hạ, cất cánh, lực lượng bảo vệ sân bay phải đi kiểm tra lại đường băng, dù đơn vị đã phối hợp với địa phương thông báo giờ bay để người dân biết.
Cách đây hai năm, trước tình trạng trâu bò chạy lung tung gây khó khăn cho máy bay hoạt động, cơ quan chức năng đã họp, bàn kế hoạch làm hàng rào, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa làm được vì không có kinh phí. Một hàng rào ngắn phía Đông được xây sơ sài, cũng đã bị dân địa phương và trâu bò phá hư.
Được biết, mới đây, sau khi xảy ra vụ bò tót làm náo loạn sân bay Phú Bài (Thừa Thiên – Huế), cơ quan cấp trên đã có văn bản nhắc nhở khẩn trương xây dựng hàng rào để đảm bảo an toàn bay, tuy nhiên, sân bay này quá lớn (được xem là đứng thứ ba cả nước) nên kinh phí xây dựng không hề nhỏ. Được biết, hiện sân bay Chu Lai có 14 chuyến bay/tuần, lượng hành khách đạt 70% ghế, chủ yếu là khách Quảng Ngãi đi TP.HCM. (Tiền Phong 15/8, tr10; Phụ Nữ Online 14/8) Về đầu trang

Đình chỉ cơ sở dạy lái xe nếu bỏ qua môn đạo đức


Ngày 14/8, Giám đốc Sở GTVT Trương Văn Cận chỉ đạo tất cả trung tâm, cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn thực hiện nghiêm việc giảng dạy bộ môn đạo đức cho lái xe.
Giáo viên giảng dạy phải soạn đầy đủ giáo án dạy thực hành, lý thuyết và thi kiểm tra đối với bộ môn đạo đức người lái xe. Cơ quan chức năng sẽ kiểm tra đột xuất, nếu phát hiện sai phạm sẽ có chế tài xử lý, hình thức phạt mức cao là đình chỉ có thời hạn cơ sở đào tạo lái xe. (Tuổi Trẻ 15/8, tr2) Về đầu trang

NÔNG NGHIỆP

Thuỷ điện A Vương bổ sung nước tưới nông nghiệp


Ông Nguyễn Trâm - Tổng Giám đốc Công ty Thuỷ điện A Vương cho biết, mùa khô năm nay, ngoài nhiệm vụ chính là sản xuất điện, Nhà máy thuỷ điện A Vương còn bổ sung nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp cho hạ du sông Vu Gia và một phần cho hạ du sông Thu Bồn.
Hiện nay, Quảng Nam đang khô hạn do ảnh hưởng của gió Tây Nam kéo dài, nền nhiệt độ vào khoảng 37-38 độ C, nhiều địa phương ở khu vực đồng bằng hầu như không có mưa nên gây thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nước trên hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn. Nước mặn xâm nhập sâu vào cửa sông Thu Bồn với nồng độ cao nhất kể từ đầu năm đến nay.
Trong khi trên khu vực hạ du sông Vu Gia-Thu Bồn đã có trên 2.000 ha lúa Hè Thu thuộc khu tưới các trạm bơm đang trong thời kỳ trỗ bông bị thiếu nước nghiêm trọng; trong đó có khoảng 430 ha lúa Hè Thu thuộc khu tưới của trạm bơm Tứ Câu, Cẩm Sa bị hạn rất nặng. Nhiều diện tích lúa đã bị khô héo do nguồn nước bị nhiễm mặn không thể bơm nước tưới được.
Trước tình hình này, nhà máy đã bổ sung nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp cho hạ du sông Vu Gia và một phần cho hạ du sông Thu Bồn (qua sông Quảng Huế). Mỗi ngày, nhà máy phải xả nước qua máy với lưu lượng dòng chảy về hạ du bình quân 40m3/s trong khi lưu lượng nước tự nhiên chảy về hồ trung bình từ 13-15m3/s.
Như vậy kể từ khi chính thức phát điện (cuối năm 2008) đến nay, Nhà máy Thuỷ điện A Vương có hai tổ máy (tổng công suất 210 MW) đã phát lên lưới điện quốc gia 3,148 tỷ kWh. Riêng tính từ đầu năm đến ngày 12/8, nhà máy đã sản xuất 462,3 triệu kWh, tăng 20% so với sản lượng cùng kỳ năm trước.
Có được con số khả quan này theo Tổng Giám đốc Nguyễn Trâm là do năm nay nước về hồ A Vương tốt hơn mọi năm nên công tác vận hành thuận lợi. Hiện nay, mực nước về hồ đạt mức 350 m, cao hơn 4 m so với cùng kỳ năm 2011. Lượng mưa trung bình 7 tháng qua đo tại đập A Vương vào khoảng trên 1.000 mm, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ ở mức 420 mm. (TTXVN 14/8; Vietnamplus.vn 14/8; Hà Nội Mới 15/8, tr4) Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG

Pepsi Quảng Nam đầu độc môi trường: Thiệt hại kinh tế của dân


Nhà máy Pepsi Quảng Nam (Điện Bàn) đã có đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế chung của tỉnh và một bộ phận người dân. Thế nhưng nhiều người dân địa phương lại khẳng định, “không biết Nhà máy đem đến cái lợi về kinh tế cho địa phương như thế nào, nhưng thiệt hại về kinh tế, con người của chúng tôi thì không thể nào tính hết”.
Những hệ lụy từ việc Nhà máy Pepsi Quảng Nam xả thải trực tiếp ra môi trường (Vĩ An đã điểm tin) là nước mắt và cả mạng sống của người dân, họ sống trong hoang mang lo sợ khi theo thời gian thêm những người mới mang nhiều căn bệnh quái ác do môi trường sống gây nên.
Trước đây, người dân ở Điện Thắng Bắc đều có những nghề phụ nhưng giờ đều phải bỏ nghề vì làm ở nhà, đa số không thể chịu nổi mùi hôi thối từ phía con kênh xộc lên. Đời sống nhân dân vốn dĩ đã gặp khó khăn chồng chất nay càng khó khăn hơn với hàng loạt hệ lụy từ môi trường gây nên.
Việc Nhà máy Pepsi Quảng Nam xả nước thải xuống lênh thủy lợi KN7 là hoàn toàn có thật; việc bà con nhân dân của các thôn ở xã Điện Thắng Bắc đang hàng ngày phải chịu cảnh nhớp nhúa, hôi thối từ kênh KN7 là có thật; và việc gần 60 người chết vì bệnh ung thư ở đây trong hơn 10 năm qua cũng là có thật… Những sự thật này và lời kêu cứu của bà con đang cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương. (Lao Động Xã Hội 14/8, tr10) Về đầu trang

GIAO THÔNG

Xây dựng văn hóa giao thông với bình yên sông nước


Ban An toàn giao thông tỉnh vừa triển khai đến các cơ quan thành viên và Ban an toàn giao thông các huyện, thành phố cuộc vận động xây dựng phong trào “văn hóa giao thông với bình yên sông nước”.
Ban An toàn giao thông đã thành lập Ban chỉ đạo phong trào, do ông Trương Văn Cận – Phó Giám đốc Sở GTVT, Phó Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh làm trưởng ban.
Theo kế hoạch, từ năm 2012-2014, địa phương sẽ xây dựng thí điểm các mô hình “văn hóa giao thông đường thủy” và tập trung nâng cao hiệu quả và chất lượng thực hiện cuộc vận động. (Bạn Đường 14/8, tr4) Về đầu trang

PHÁP LUẬT

Phú Ninh: Bị phạt 140 triệu đồng vì khai thác khoáng sản trái phép


13/8, Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Ngọc Quang ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực khoáng sản đối với ông Đỗ Hà (SN1974, trú tại thôn Đại An, xã Tam Đại) và ông Võ Ngọc Hoàng (SN 1965, trú tại thôn Khánh Thịnh, xã Tam Thái) số tiền 140 triệu đồng.
Các đối tượng trên đã có hành vi vi phạm hành chính là khai thác khoáng sản quý hiếm (vàng) tại thôn 1, xã Trà Giáp và thôn 4, xã Trà Ka, huyện Bắc Trà My, mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định.
Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu các đối tượng khôi phục lại hiện trạng ban đầu và nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt. (Thanh Tra 14/8, tr2) Về đầu trang

GIÁO DỤC

Cao đẳng Y tế Quảng Nam vừa công bố điểm chuẩn trúng tuyển


Hội đồng tuyển sinh Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam vừa công bố điểm chuẩn trúng tuyển các ngành học hệ cao đẳng chính quy năm 2012.
Nhà trường sẽ nhận tuyển nguyện vọng 2 đối với Ngành Điều dưỡng. Thí sinh không trúng tuyển (đã dự thi tại Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam hoặc ở các trường Đại học, cao đẳng khác, khối B) nhưng đạt điểm sàn cao đẳng khối B (11 điểm sau khi đã cộng điểm ưu tiên đối tượng và khu vực) trở lên, nộp phiếu đăng ký nguyện vọng (đã được trường dự thi cấp) về trường, hạn cuối là chiều ngày 06/09.
Riêng với thí sinh đã dự thi tại trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam không trúng tuyển nhưng đạt điểm sàn trở lên chỉ cần đến Phòng Đào tạo, 03 Nguyễn Du, Tam Kỳ để đăng ký mà không cần đợi giấy báo điểm, hạn cuối như trên.
Nhà trường sẽ gửi giấy báo trúng tuyển, giấy báo điểm về nơi thí sinh đã nộp hồ sơ từ ngày 15 tháng 08. Ngày nhập học dự kiến: 4-5-6/9. (Giaoduc.net.vn 14/8) Về đầu trang

XÃ HỘI

Sôi nổi thi kể chuyện về biên giới, biển đảo Việt Nam


Từ 13 - 14/8, Sở VH-TT&DL phối hợp với Thư viện Quảng Nam tổ chức hội thi “Thiếu nhi kể chuyện, tuyên truyền sách hè năm 2012” với chủ đề “Biên giới và biển đảo Việt Nam” tại thành phố Tam Kỳ.
Tham gia hội thi có 40 em học sinh ở bậc tiểu học và trung học cơ sở đã được tuyển chọn qua các cuộc thi kể chuyện theo sách do 10 huyện, thành phố tổ chức.
Những câu chuyện trong các trang sách, tạp chí thông qua cách kể chuyện vui tươi, hấp dẫn, mang đậm tính hồn nhiên của lứa tuổi thiếu nhi, đã mang đến hội thi những câu chuyện cảm động, ấn tượng và sâu sắc về người lính ngày đêm chắc tay súng bảo vệ vùng trời biển đảo của Tổ quốc, những chiến sỹ âm thầm mang con chữ lên vùng cao biên giới với các trẻ em nghèo, hay những người dân bình thường dành dụm, tiết kiệm từng đồng tiền lương nhỏ bé của mình để tham gia chương trình góp đá xây Trường Sa… Tất cả những hình ảnh đó đối với các em là những hình ảnh lớn lao, phi thường và mang vẻ đẹp của Tổ quốc thiêng liêng.
Theo Ban Tổ chức, ngoài mục đích tuyên truyền về chủ đề biển đảo, biên giới, hội thi lần này cũng nhằm xây dựng “văn hóa đọc sách” trong các em thiếu niên, nhi đồng.
Kết thúc hội thi, giải nhất toàn đoàn được trao cho đội tuyển thành phố Tam Kỳ; đội huyện Núi Thành đạt giải nhì và giải ba được trao cho hai đội đến từ Tiên Phước và thành phố Hội An.
Về cá nhân, giải nhất khối tiểu học và khối trung học cơ sở được trao cho em Nguyễn Phương Vũ (Núi Thành) và Đoàn Nguyễn Gia Ân (Tiên Phước). Với câu chuyện về sự tích Nàng Yến, Phan Huỳnh Bảo Nguyên (Hội An) đạt giải câu chuyện kể có nội dung hay nhất. (TTXVN 14/8) Về đầu trang

TIN VẮN

10 tỉ đồng là số tiền Bảo hiểm xã hội Quảng Nam hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người nghèo và học sinh, sinh viên. Theo đó, người thuộc hộ gia đình cận nghèo là 6,4 tỉ đồng và học sinh, sinh viên là 3,6 tỉ đồng. (Thanh Niên 15/8, tr2) Về đầu trang


ĐIỂM TIN ĐÃ ĐƯA



Đất Việt 14/8, tr5 đưa lại tin: Sau hơn 60 năm tồn tại, Trường THPT Trần Quý Cáp (Hội An) đang có nguy cơ xóa sổ khi gần đây UBND tỉnh ra quyết định lập Trường THPT chuyên Bắc Quảng Nam đặt trụ sở tại trường THPT Trần Quý Cáp. Về đầu trang./.

BTV Dương Chiều







tải về 60.65 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương