Báo cáo tổng kết đề tài Hậu Giang



tải về 6.89 Mb.
trang1/13
Chuyển đổi dữ liệu12.12.2017
Kích6.89 Mb.
#35048
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13

Báo cáo tổng kết đề tài Hậu Giang

MỞ ĐẦU


Sử dụng hóa chất trừ sâu là biện pháp phòng trừ chính trong chiến lược quản lý dịch hại do thuốc hóa học rất hữu hiệu và liên quan trực tiếp tới những trận dịch hại trên cây trồng, làm tăng năng suất đáng kể đối với những cây trồng bị sâu phá hại nghiêm trọng. Thế nhưng, việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học gây ra nhiều nguy cơ như tạo ra tính kháng thuốc ở côn trùng, sự bộc phát dịch hại, gây hại cho thiên địch, phá hủy sự cân bằng sinh thái, tồn dư độc chất trong nông sản và ô nhiễm môi trường… Để duy trì một nền nông nghiệp bền vững thì việc xây dựng và áp dụng một quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) dựa trên sự hiểu biết sáng suốt về sinh thái học là một hướng đi đúng đắn để bảo vệ cây trồng. Trong các biện pháp phòng trừ của IPM thì biện pháp sinh học đóng một vai trò cực kỳ quan trọng và tỏ ra có nhiều ưu điểm nhất. Cũng giống như các loại động vật khác, côn trùng cũng bị bệnh, vì vậy, sử dụng các loài vi sinh vật gây bệnh cho côn trùng để quản lý chúng là một trong những biện pháp sinh học lý tưởng. Rõ ràng rằng, các tác nhân vi sinh vật gây bệnh cho côn trùng có thể đưa vào chương trình IPM một mặt giúp bảo tồn thiên địch đồng thời cung cấp một công cụ cho nông dân để quản lý những côn trùng có hại.

Các tác nhân sinh học có thể là vi rút, vi khuẩn, nấm và tuyến trùng gây bệnh cho côn trùng, và để ứng dụng trong IPM chúng phải có các đặc điểm như chuyên tính ký chủ, độc tính cao, an toàn với thiên địch và môi trường.

Tới năm 1989 thì các Nhà khoa học đã xác định được hơn 700 loài nấm trong khoảng 90 chi thuộc lớp nấm bất toàn Deuteromycetes và Entomophorales là tác nhân gây bệnh trên côn trùng (Charnley, 1989). Một vài loài nấm có mức độ chuyên tính cao như nấm Aschersonia aleyrodis (Mont.) Webber chỉ xâm nhiễm trên rầy và rệp dính trong khi các loài khác có phổ ký chủ rộng tuy là tính chọn lọc ký chủ của từng dòng là khác nhau (Samson và ctv, 1988).

Nấm ký sinh côn trùng xâm nhiễm ký chủ qua lớp biểu bì. Quá trình xâm nhiễm bắt đầu bằng sự bám dính của bào tử trên cơ thể ký chủ, bào tử nảy mầm và xuyên qua lớp vỏ cơ thể nhờ các men phân giải, hình thành sợi nấm phát triển trong cơ thể côn trùng và giết chết côn trùng bằng cách tiết ra độc tố và hấp thu dinh dưỡng từ dịch cơ thể côn trùng. Dưới điều kiện thích hợp (ẩm độ cao) các bào tử ký sinh hình thành trên bề mặt cơ thể ký chủ, phát tán tiếp tục chu kỳ gây bệnh mới và gây dịch bệnh côn trùng. Không giống như vi khuẩn và vi rút, nấm ký sinh tấn công trực tiếp không cần hấp thu theo đường tiêu hóa vì thế các côn trùng chích hút cũng là mục tiêu tấn công qua tiếp xúc của nấm ký sinh.

Hai loài nấm ký sinh côn trùng (Metarhizium anisopliaeBeauveria bassiana) là đối tượng nghiên cứu trong chương trình quản lý dịch hại trên các loại cây trồng khác nhau ở nhiều nước trên thế giới (Rombach và ctv, 1986a; 1986b; 1988; Aguda và Rombach, 1987; Aguda và ctv, 1984, 1988; Fuxa, 1987; Studdert và Kaya, 1990; Vestergaard và ctv, 1995; Milner và Staples, 1996).

Tại Việt Nam, nấm M. anisopliaeB. bassiana cũng đã được nghiên cứu và ứng dụng thành công trong phòng trừ rầy nâu hại lúa, bọ xít hôi hại lúa, bọ cánh cứng hại dừa, sâu tơ hại rau cải, chấu chấu và mối hại cây trồng…(Nguyễn Thị Lộc, 1995; 1997a, 1997b; Nguyễn Thị Lộc và ctv, 1999, 2001, 2002, 2004, 2005, 2007; Huỳnh Văn Nghiệp và ctv, 1999; Phạm Thị Thùy, 1996, 1999; Phạm Thị Thùy và ctv, 2001a, 2001b; Tạ Kim Chỉnh và Lý Kim Bảng, 1995; Tạ Kim Chỉnh và Nguyễn Đức Khảm, 1996; Tạ Kim Chỉnh và ctv, 2001).

Chúng tôi đã phân lập và tuyển chọn thành công nhiều dòng nấm khác nhau của 2 loài nấm ký sinh M. anisopliaeB. bassiana trên côn trùng hại lúa. Đã nghiên cứu và sản xuất thành công 2 loại chế phẩm sinh học Ometar và Biovip từ 2 dòng phân lập từ côn trùng hại lúa. Hai loại chế phẩm này được đưa vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT ký ngày 27/5/2003 được phép sử dụng phòng trừ sâu hại lúa và bọ cánh cứng hại dừa.

Tiểu khí hậu trong vườn cây ăn trái rất phù hợp với phát sinh phát triển nấm gây bệnh trên côn trùng, bào tử nấm phát triển trên cơ thể sâu hại phát tán ra và xâm nhiễm trên sâu hại khác tạo nên dịch bệnh trong quần thể sâu hại giúp kiểm soát mật số côn trùng gây hại trong vườn. Hơn nữa với cơ chế xâm nhiễm chủ động khác với vi rút và vi khuẩn, nấm ký sinh có nhiều lợi thế trong tiếp cận, xâm nhiễm và tấn công sâu hại, đặc biệt là đối với nhóm côn trùng chích hút.

Từ năm 2002 tới 2005, bộ môn chúng tôi đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu sản xuất và ứng dụng chế phẩm trừ sâu sinh học trên các mô hình cây ăn trái tại tỉnh Tiền Giang”. Kết quả đã tuyển chọn được 1 dòng nấm nấm trắng, B.b (TG7-R) và 1 dòng nấm xanh: M.a (TG4-RMCQ) có hiệu lực cao đối với sâu rầy hại cây ăn trái. Đặc biệt, chế phẩm vi nấm được sản xuất từ dòng nấm xanh, M.a (TG4-RMCQ) phân lập từ con rầy mềm hại cam quýt bị bệnh nấm tự nhiên trên vườn cam tại Trung An thì có hiệu lực rất cao đối với rầy mềm và rầy chổng cánh hại cây có múi ở tất cả các lần khảo nghiệm. Kết quả từ các thí nghiệm diện rộng và các mô hình trình diễn tại Tiền Giang cho thấy là chế phẩm nấm xanh, M.a (TG4-RMCQ)/Ometar và chế phẩm nấm trắng, B.b (TG7-R) có hiệu lực cao khi dùng để trừ rầy mềm, rầy chổng cánh, bọ xít hại cây có múi và rầy bông hại xoài. Các chế phẩm vi nấm này không gây ảnh hưởng xấu tới các loài thiên địch của sâu hại, vì vậy sau khi sử dụng 2 loài nấm ký sinh này để trừ sâu hại trên các mô hình cây ăn trái từ 3 tháng trở đi thì mật số thiên địch của sâu hại tăng lên đáng kể; đặc biệt là mật số nhện và kiến vàng trong vườn mô hình tăng rất cao, vì thế đã khống chế được quần thể sâu hại, kể cả sâu vẽ bùa. Vì 2 loài nấm này có tác dụng diệt sâu hại khá bền lâu, nên số lần phun giảm rất nhiều so với dùng thuốc hóa học. Do vậy đã tiết kiệm được tiền thuốc và tiền công phun thuốc trừ sâu và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Tỉnh Hậu Giang có diện tích vườn cây ăn trái rất lớn khoảng 19.590 ha, riêng diện tích khóm là 1.450 ha. Vấn đề thâm canh cây có múi, cây khóm ngày càng được nông dân mở rộng thực hiện, dẫn đến có nhiều loài dịch hại trên cây có múi, cây khóm. Để phòng trừ các loài dịch hại này nông dân sử dụng rất nhiều loại thuốc hóa học và phun rất nhiều lần trong một năm. Vì vậy đã và sẽ gây ra nạn ô nhiễm môi trường đất, nước trầm trọng, làm ảnh hưởng tới sức khỏe con người, ảnh hưởng tới hệ sinh thái, ảnh hưởng tới việc nuôi trồng thủy sản, ảnh hưởng tới việc xuất khẩu trái cây do dư lượng thuốc hóa học vượt trên ngưỡng cho phép... Từ những tác hại đó làm ảnh hưởng trầm trọng và lâu dài tới đời sống, xã hội và sự phát triển kinh tế của tỉnh Hậu Giang. Cho nên việc nghiên cứu phổ biến cho bà con nông dân làm quen và sử dụng các chế phẩm sinh học sản xuất từ 2 loài nấm Metarhizium anisopliae (M.a)Beauveria bassiana (B.b) để từng bước thay thế dần các loại thuốc hóa học bảo vệ thực vật là rất cần thiết.



Kế thừa những kết quả nghiên cứu của nước ngoài và các kết quả đã đạt được của Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong những năm qua về nghiên cứu, sản xuất chế phẩm sinh học đa chức năng M.a B.b trong phòng trừ dịch hại cây trồng và căn cứ vào tình hình sâu hại cây ăn trái tại tỉnh Hậu Giang, đề tài “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm trừ sâu sinh học trong quản lý sâu, rầy hại cây có múi, cây xoài và nghiên cứu hiệu quả của chế phẩm sinh học đối với rệp sáp trên cây khóm và cây có múi” đã được thực hiện với mục tiêu là hạn chế việc sử dụng thuốc hóa học trong hệ thống bảo vệ thực vật trên cây ăn trái để tăng thu nhập cho người nông dân, giảm ô nhiễm môi trường nhằm góp phần tăng cường năng lực phát triển nông nghiệp, đồng thời duy trì một nền nông nghiệp bền vững ở tỉnh Hậu Giang.

  • NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Điều tra nhanh về hiện trạng canh tác cây ăn trái, thành phần, mức độ gây hại của một số sâu hại chính trên cam, quýt, bưởi, xoài và tình hình sử dụng thuốc trừ sâu trên các cây trồng này tại những điểm chuẩn bị xây dựng mô hình tại Hậu Giang.

2. Sản xuất 1.203 kg chế phẩm B.b M.a từ những chủng nấm có hoạt lực cao đối với sâu hại cây ăn trái, phục vụ cho các thí nghiệm diện hẹp và các mô hình ứng dụng chế phẩm trừ sâu sinh học trong quản lý sâu hại cây có múi và cây khóm tại Hậu Giang.

3. Đánh giá hiệu lực sinh học của các mẻ chế phẩm B.b M.a đã sản xuất ra đối với rầy mềm và rầy chổng cánh hại cây có múi tại nhà lưới của bộ môn.

4. Thực hiện các thí nghiệm trong phòng và nhà lưới để đánh giá hiệu lực của chế phẩm M.aB.b đối với rệp sáp hại khóm và cam, quýt.

5. Thực hiện các thí nghiệm diện hẹp tại vườn để khảo sát hiệu lực của 2 chế phẩm sinh học M.aB.b đối với rệp sáp hại khóm, cam và quýt tại Hậu Giang.

6. Chọn điểm để xây dựng mô hình.

7. Tập huấn cho cán bộ kỹ thuật cơ sở và nông dân về các biện pháp trong quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây có múi và cây xoài, đặc biệt chú trọng về quy trình kỹ thuật ứng dụng 2 chế phẩm sinh học B.b M.a trong phòng trừ sâu hại cây có múi và cây xoài để xây dựng mô hình ứng dụng 2 chế phẩm trừ sâu sinh học này trong quản lý sâu hại trên cây có múi và cây xoài tại Hậu Giang.

8. Xây dựng mô hình trình diễn về ứng dụng chế phẩm trừ sâu sinh học M.aB.b để quản lý các loài sâu, rầy, bọ xít trên cây có múi và cây xoài tại Hậu Giang.

9. Tổ chức các cuộc hội thảo đầu bờ cho nông dân tại các điểm mô hình để phổ biến và nhân rộng các mô hình trên.

10. Cùng với các đơn vị hợp tác kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện và hiệu quả triển khai

11. Tổng kết nghiệm thu


CHƯƠNG I.

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC
1.1 Đặc điểm của một số loài rầy và rệp sáp gây hại trên cây có múi, cây xoài và cây khóm

1.1.1. Đặc điểm của rầy chổng cánh hại cam quýt, Diaphorina citri Kuwayama

Họ: Psyllidae - Bộ: Hemiptera



a) Phân bố và ký chủ

Phân bố: Rầy chổng cánh xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới như: Afghanistan, Bangladesh, Brazil, Nhật Bản, Ma cao, Myanmar, Singapor, Sri Lanka, Cambodia, Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, Nepal, Pakistan, Philippines, Saudi Arabia, Việt Nam, Mauritius, Reunion, Brazil, Honduras, Paraguay, Uruguay (Nguyễn Thị Thu Cúc và Phạm Hoàng Oanh, 2002).

Ký chủ: D. citri gây hại chủ yếu trên chanh, cam, quýt, nguyệt qưới, cần thăng, kim quýt.

b) Đặc điểm hình thái

Trứng có màu vàng, hình trái lê, dài khoảng 0,3 mm, phía trên nhọn tạo thành một cuống nhỏ rất đặc biệt, thường được đẻ thành từng chùm ở trong nách lá hoặc trên lá, các chồi lá non (Nguyễn Thị Thu Cúc và Phạm Hoàng Oanh, 2002).

Ấu trùng rất nhỏ, hình bầu dục dẹp, mới nở thường có màu vàng tươi, nhưng qua tuổi 2 và tuổi 3 thì ấu trùng thường có màu xanh lục, tuổi 4 và tuổi 5 có màu nâu vàng. Cơ thể mang 2 mầm cánh nhỏ, di chuyển chậm chạp, sống thành từng đám trên đọt non. Ấu trùng tuổi 1 thường tiết một sợi sáp màu trắng, dài, dính ở phần đuôi cơ thể. ấu trùng tuổi 5 dài khoảng 1,5 mm với 2 mắt màu đỏ, các đốt cuối của rầu đầu màu đen (Nguyễn Thị Thu Cúc và Phạm Hoàng Oanh, 2002).

Thành trùng có kích thước nhỏ, thân dài từ 2,5 – 3,0 mm, nâu xám, cánh có màu nâu vàng, chân có màu xám nâu. Phần giữa cánh trong suốt, kéo dài thành một dãy trắng từ gốc cánh đến cuối cánh, đầu nhọn, màu nâu nhạt. Mắt có màu đỏ. Râu đầu ngắn có 5 đốt, đốt cuối râu đầu có màu đen. Bụng của con cái sắp đẻ và đang đẻ có màu hồng, ống đẻ trứng nhọn, màu đen, hiện diện rất rõ ở phần cuối bụng. Bụng của con đực thon nhọn, có màu xanh nhạt. Khi đậu, phần bụng của thành trùng chổng cao một góc 300 so với bề mặt nơi đậu nên được gọi là rầy chổng cánh (Nguyễn Thị Thu Cúc và Phạm Hoàng Oanh, 2002).



c) Một số đặc điểm sinh học

Rầy chổng cánh có khả năng sinh trưởng và phát triển trong nhiều điều kiện nhiệt độ khác nhau, thành trùng có thể tồn tại được ở nhiệt độ lạnh – 4oC và cả vùng khí hậu nóng và khô của sa mạc Rajasthan và Ả Rập Saudi. Tại Việt Nam, rầy chổng cánh được ghi nhận hiện diện trên nhiều vùng trồng cam, quýt, bưởi, chanh ở cả miền Bắc lẫn miền Nam và tại ĐBSCL rầy được ghi nhận hiện diện suốt năm (Nguyễn Thị Thu Cúc và Phạm Hoàng Oanh, 2002).

Trong điều kiện tự nhiên, khoảng 4-5 ngày sau khi vũ hóa, thành trùng bắt cặp, thường ngay sau khi bắt cặp, con cái đẻ trứng. Trứng thuờng được đẻ vào ban ngày, thành từng khối hay từng nhóm 2-3 hàng trong các nách lá hoặc trên các đọt lá non, đặc biệt là trong các lá non còn xếp lại. Thành trùng thường chích hút ở mặt dưới của lá, dọc theo gân chính. Con cái có thể đẻ 200 – 800 trứng, liên tiếp trong 2 tháng. Thời gian ủ trứng kéo dài từ 2 – 11 ngày (tùy mùa) (Nguyễn Thị Thu Cúc và Phạm Hoàng Oanh, 2002).

Ấu trùng mới nở thường nằm cố định tại chỗ để chích hút trong 1 đến 2 ngày, sau đó di chuyển sang chỗ khác để chích hút. Sang tuổi 5 ấu trùng thường di chuyển xuống phần dưới của lá để lột xác thành con thành trùng. Thành trùng rất hoạt động, có thể nhảy rất nhanh khi bị động. Ấu trùng rất ít di động, thường sống tập trung thành từng nhóm trên chồi non, ấu trùng chỉ di chuyển khi bị khuấy động. Tại ĐBSCL, chu kỳ sinh trưởng của rầy chổng cách kéo dài khoảng 20 ngày, với 12 - 14 thế hệ/năm (Nguyễn Thị Thu Cúc và Phạm Hoàng Oanh, 2002).



d) Cách gây hại

Khi mật số cao, sự chích hút của rầy (thành trùng và ấu trùng) làm cho chồi bị khô, rụng lá, gây hiện tượng khô cành, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây và sự ra trái. Mật ngọt do rầy chổng cánh tiết ra có thể tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển, ảnh hưởng đến quá trình quang hợp của cây.

Sự gây hại quan trọng nhất của rầy chổng cánh hiện nay tại ĐBSCL là truyền vi khuẩn Liberobacter asiaticum gây bệnh Greening (bệnh vàng lá gân xanh) cho các vườn cam, quýt, chanh, bưởi. Chính do khả năng này mà rầy chổng cánh trở thành một đối tượng dịch hại nguy hiểm nhất hiện này cho nhiều vùng trồng cây có múi trên thế giới và cả Việt Nam. Bằng cách chích hút trên những cây bị nhiễm bệnh và sau đó khi tiếp tục tấn công trên những cây không nhiễm bệnh, rầy chổng cánh sẽ truyền bệnh cho cây này qua kim chích hút và qua nước bọt do vi khuẩn Liberobacter asiaticum có thể lưu tồn và nhân mật số trong tuyến nước bọt của rầy chổng cánh (Nguyễn Thị Thu Cúc và Phạm Hoàng Oanh, 2002).

e) Biện pháp phòng trị

Mặc dù trong điều kiện tự nhiên, thiên địch có thể khống chế một cách đáng kể mật số của rầy chổng cánh nhưng do nhóm này có khả năng truyền bệnh Greening nên việc phát huy vai trò thiên dịch nhằm bảo đảm cho khả năng không bị nhiễm bệnh là điều không đơn giản vì với một mật số rất thấp, rầy chổng cánh vẫn có khả năng truyền bệnh. Từ những thực tế đó, biện pháp phòng trị rầy chổng cánh phải là một biện pháp đồng bộ (Nguyễn Thị Thu Cúc và Phạm Hoàng Oanh, 2002).



- Một số biện pháp tổng hợp để phòng trị rầy chổng cánh:

+ Loại bỏ nguồn bệnh ra khỏi vườn bằng cách đốn bỏ những cây nhiễm bệnh.

+ Trồng giống cây sạch bệnh.

+ Tỉa cành và bón phân thích hợp.

+ Nuôi kiến vàng trong vườn.

+ Trồng cây chắn gió xung quanh vườn, không trồng những cây kiểng như cần thăng, nguyệt qưới, kim quýt trong vườn.

+ Sử dụng bẩy màu vàng để phát hiện sự hiện diện của thành trùng nhằm kịp thời đối phó với rầy chổng cánh.

+ Khi phát hiện thành trùng, có thể sử dụng các loại thuốc hóa học hoặc dầu khoáng ở nồng độ 0,5% để phòng trị.

+ Hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu nhằm phát huy thiên địch trong điều kiện tự nhiên của các vườn cam, quýt, chanh, bưởi (Nguyễn Thị Thu Cúc và Phạm Hoàng Oanh, 2002).

1.1.2. Đặc điểm của rầy mềm hại cam quýt, Toxoptera aurantii Boyer de Fonscolombe và Toxopera citricidus (Kirk.)

Họ: Aphididae - Bộ: Homoptera



a) Ký chủ

Toxoptera aurantii được ghi nhận trên 120 loại thực vật, chủ yếu trong các họ như Anacardiaceae, Anonaceae, aralinaceae, Euphorbiaceae, Lauraceae, Moraceae, Rubiaceae, Rutaceae, Sterculiaceae và Theaceae. Ký chủ chính bao gồm cam, quýt, chanh, cà phê, trà, ca cao, xoài (Nguyễn Thị Thu Cúc và Phạm Hoàng Oanh, 2002).

b) Một số đặc điểm hình thái của T. aurantii T. citricidus

Rầy mềm gây hại trên nhóm cây có múi cam, quýt, chanh, bưởi gồm chủ yếu 2 loại Toxoptera aurantii Toxopera citricidus. Cũng giống như những loại rầy mềm khác nói chung, rầy mềm trên nhóm cam, quýt, chanh, bưởi có kích thước rất nhỏ, thường rất mềm, nên được gọi là rầy mềm. Trên phần lưng của phía đuôi của rầy mềm có mang một đôi ống bụng. Râu đầu hình sợi chỉ, dài. Chân phát triển, dài, mỏng manh. Trong điều kiện của ĐBSCL, thường chỉ ghi nhận chủ yếu con cái, ít ghi nhận có sự hiện diện của con đực. Con đực luôn luôn có cánh (2 cặp cánh). Con cái có 2 dạng: dạng có cánh dài, phát triển và dạng hoàn toàn không cánh, tuy nhiên, trong tự nhiên hầu như chỉ ghi nhận thành trùng cái không cánh, đẻ con. Thành trùng cái có cánh chỉ xuất hiện khi mật số quần thể của rầy mềm cao hoặc lá đã già hoặc bị nhiễm bệnh (Nguyễn Thị Thu Cúc và Phạm Hoàng Oanh, 2002).

Cả 2 loại đều có hình trái lê, màu đen, nâu đen hoặc nâu đỏ, bóng. Kích thước của thành trùng cái (không cánh - dạng phổ biến) dài khoảng 1,7 – 2,1 mm. Thành trùng cái có cánh dài 1,7 – 1,8 mm. Phần đuôi của T. aurantii có 8 – 19 lông nhỏ, T. citricidus có đến 25 – 40 lông nhỏ, râu đầu của T. aurantii có nhiều dải nối giữa các đốt, trái lại T. citricidus chỉ có duy nhất một dải nối lồi giữa chiều dài của đốt râu (Nguyễn Thị Thu Cúc và Phạm Hoàng Oanh, 2002).

c) Một số đặc điểm sinh thái và cách gây hại

Tại vùng nhiệt đới nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng, rầy mềm chủ yếu sinh sản đơn tính, đẻ con. Trên cam, quýt, chanh , bưởi, rầy mềm gây hại bằng cách chích hút chồi non, tập trung chủ yếu ở mặt dưới lá, làm chồi biến dạng, lá cong queo còi cọc, không phát triển, ngoài ra rầy mềm còn tiết mật ngọt làm nấm bồ hóng phát triển, ảnh hưởng đến sự quang hợp của cây. Loại bệnh đã gây chết nhiều vườn cam quýt trên thế giới. Rầy mềm thường gây hại trên các vườn cam, quýt còn tơ. T. aurantii T. citricidus còn là tác nhân truyền bệnh “Tristeza”. Tại một số nước T. aurantii còn là tác nhân truyền bệnh “lá nhỏ Spiroplasma citri” trên cam quýt và bệnh đốm vòng trên Cà phê cũng như bệnh đốm vòng trên đu đủ và bệnh khảm trên dưa leo (Nguyễn Thị Thu Cúc và Phạm Hoàng Oanh, 2002).

Chu kỳ sinh trưởng của rầy mềm rất ngắn. Trên chanh, chu kỳ sinh trưởng của T. aurantii kéo dài 7 – 9 ngày, mỗi con cái có khả năng đẻ trung bình 41,4 con.

d) Thiên địch

Trong điều kiện tự nhiên, thành phần thiên địch của rầy mềm rất phong phú, bao gồm rất nhiều loại ăn mồi như bọ rùa, ruồi (Syrphidae), các loại rầy sư tử (Chrysops) và các loại ong ký sinh khác nhau. Các loại này có thể khống chế đến 95% mật số rầy mềm trong điều kiện tự nhiên (Nguyễn Thị Thu Cúc và Phạm Hoàng Oanh, 2002).



e) Biện pháp phòng trị

+ Tại nhiều nước trên thế giới, biện pháp sinh học đã được sử dụng và rất có hiệu quả.

+ Trong điều kiện tự nhiên, thành phần thiên địch của rầy mềm rất phong phú, có thể khống chế sự bộc phát của rầy mềm, vì vậy phải hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc hóa học.

+ Khi dùng thuốc hóa học chỉ phun trên cây bị nhiễm rầy mềm và chủ yếu trên các chồi bị nhiễm. Có thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu phổ biến hiện nay như Trebon, Decis, Bassa, Cypermethrin, Fenvalerate… để phòng trị (Nguyễn Thị Thu Cúc và Phạm Hoàng Oanh, 2002).



1.1.3. Đặc điểm của rệp sáp giả (rầy bông) hại cây có múi, Planococcus citri (Risso).

Họ rệp phấn: Pseudococcidae - Bộ cánh đều: Homoptera.

Thành trùng hình thon, dài khoảng 3 mm, màu vàng nhạt đến vàng cam với 18 đôi tua sáp hai bên hông và 1 đôi phía sau đuôi. Chất sáp chỉ bao phủ phần lưng của cơ thể. Một rệp cái đẻ từ 300 – 500 trứng.

Trứng màu vàng nằm trong 1 túi do rệp cái tiết ra. trứng được đẻ trên trái, lá hay chỗ nứt của vỏ. thời gian ủ trứng từ 3-6 ngày.

Rệp gây hại bằng cách chích hút phần non của cây. Phân của rệp thu hút nấm đen tới bám quanh nơi rệp định cư làm ảnh hưởng tới quang hợp.

Rệp sáp giả tấn công trên cuống trái sẽ gây ra bướu hoặc ghẻ.



1.1.4. Đặc điểm của rầy bông hại xoài, Idiocerus niveosparsus Lethierry

Họ rầy xanh: Cicadellidae - Bộ cánh đều: Homoptera.

Trên xoài thường có nhiều loài rầy gây hại bông. Ở Việt nam chủ yếu gặp loài Idiocerus niveosparsus Lethierry.

a) Phân bố và ký chủ

Rầy xuất hiện nhiều ở ấn Độ, Malaysia, Philippines, Formose. Loài này chỉ gây hại duy nhất trên cây xoài.



b) Đặc điểm hình thái và sinh học

Thành trùng của loài Idiocerus niveosparsus Lethierry có thân dài khoảng 4 mm, cánh màu nâu, trên cánh phần giáp với ngực có một băng trắng chạy ngang.

Trứng màu trắng trong khi mới đẻ, sắp nở chuyển sang màu vàng. Thời gian ủ trứng từ 4-7 ngày.

Ấu trùng khi mới nở có màu trắng sữa, có 5 tuổi với thời gian phát triển từ 8-10 ngày.



c) Tập quán sinh sống và cách gây hại

Thành trùng mới vũ hóa rất linh động và liền sau đó di chuyển tới chồi, lá non, bắt đầu đẻ trừng, ngay cả trên chồi non còn cuốn lại, hoặc trên gân chính của lá, chúng còn đẻ trứng trên từng hoa nhỏ hay trên cành nhỏ. Cả thành trùng và ấu trùng đều sống trong lá xoài và nhảy xào xạc khi bị động. Khi xoài trổ bông thì rầy tập trung chích hút trên bông, chồi non. Rầy cái dùng bộ phận đẻ trứng nhọn ở cuối bụng đẻ trứng rải rác vào bên trong cuống của chồi non. Rầy đẻ trứng và chích hút nhiều gây ra hai hiện tượng như sau:

- Số lượng trứng đẻ nhiều trên các bộ phận trên cành non, bông gây vết thương làm cho các phần trên bị khô, héo và có thể rụng.

- Sự tập trung chích hút của thành trùng và ấu trùng làm cây bị suy yếu. Rầy còn tiết ra chất đường thu hút nấm đen tới đóng quanh nơi rầy bám hoặc các tầng lá phía dưới làm cản trở quang hợp của cây.

Nếu mật độ rầy cao thì xoài sẽ không đậu trái và rụng bông.

d) Biện pháp phòng trị

- Sử dụng các loại thuốc đặc trị rầy, tốt nhất là nên ngừa sớm khi xoài vừa có nụ hoa nếu quan sát thấy có nhiều rầy trú trong lá. Khi mật số khoảng 5 con/phát hoa có thể làm hoa rụng. Khi xoài đang ra hoa nếu áp dụng thuốc thì nên thận trọng vì có thể ảnh hưởng đến các côn trùng thụ phấn hoa. Sau đó nên áp dụng lại nếu mật số rầy còn cao vào giai đoạn tượng trái.

- Dùng bẫy đèn thu hút thành trùng

- Sau khi thu hoạch trái nên tỉa bớt cành cây để giảm nơi trú ẩn của rầy.



1.1.5. Đặc điểm của rệp sáp giả (rệp phấn) hại cây khóm, Dysmicoccus brevipes (Cockerell), còn có tên là Pseudococcus brevipes .

Họ rệp phấn: Pseudococcidae - Bộ cánh đều: Homoptera.



a) Phân bố

Loài này xuất hiện ở hầu hết các Quốc gia trồng khóm trên thế giới như Brazil, trung Mỹ, đông, tây và Nam Phi Châu, Ai Cập, Israel, Mauritanie, Ấn Độ, sri-Lanka, Java, Philippines, Malaysia, Formosa và các đảo ở Thái Bình Dương.




tải về 6.89 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương