BÁo cáO sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 24-ct/TW, ngày 04/7/2008



tải về 100.97 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích100.97 Kb.
#15982


TỈNH ỦY QUẢNG NAM ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

*

Số 233-BC/TU Tam Kỳ, ngày 02 tháng 10 năm 2013


BÁO CÁO


sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 04/7/2008

của Ban Bí thư­ Trung ư­ơng Đảng (khoá X) “về phát triển nền

Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”

_____
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư và Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) “về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”, Tỉnh ủy Quảng Nam đánh giá việc triển khai thực hiện Chỉ thị này trên địa bàn tỉnh như sau:



Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 24-CT/TW

I- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư.

1- Công tác tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW:

Trên cơ sở Hướng dẫn số 48-HD/BTGTW, ngày 12/08/2008 của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với Hội Đông y tỉnh tham mưu Thường trực Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng để quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 4/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh và cấp huyện, thành phố; đồng thời, tham mưu xây dựng Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị. Hội Đông y tỉnh cũng đã tham mưu UBND tỉnh nhiều văn bản về xây dựng và củng cố tổ chức bộ máy Hội từ tỉnh đến cơ sở.

Ngày 29/12/2008, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 24-CTr/TU thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư “về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”. Ngày 24/10/2011, Tỉnh ủy đã tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư và Chương trình hành động số 24-CTr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị và lồng ghép triển khai Kế hoạch số 4602/KH-UBND của UBND tỉnh về phát triển y - dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020. Sau khi sơ kết 3 năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 22-KL/TU, ngày 10/01/2012 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) “về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới” và Chương trình hành động 24-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW.

UBND tỉnh ra Quyết định số 1834/QĐ-UBND, ngày 04/01/2010 về việc cấp trụ sở cho Hội Đông y tỉnh làm việc. Trên cơ sở đó, Hội Đông y và Hội Người cao tuổi tỉnh đã ký cam kết chương trình hoạt động phối hợp về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi giai đoạn 2010 - 2015.

Ở cấp huyện, thành phố, sau khi có Chương trình hành động của Tỉnh ủy và Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo huyện, thành ủy đã tham mưu cấp ủy xây dựng kế hoạch, chương trình hành động và tổ chức triển khai quán triệt Chỉ thị số 24-CT/TW và Chương trình hành động của Tỉnh ủy đến các tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị liên quan; đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các cấp Hội xây dựng kế hoạch thực hiện. Đến nay, có 12/18 huyện, thành phố, 62/244 xã, phường, thị trấn có chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị và Chương trình hành động.

Nhìn chung, việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW của Ban Bí thư trên địa bàn tỉnh khá nghiêm túc, đã tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân về phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới. Nội dung Chỉ thị số 24-CT/TW và Chương trình hành động số 24-CTr/TU đã từng bước đi vào cuộc sống.



2- Công tác kiểm tra, giám sát và đôn đốc thực hiện Chỉ thị:

Ngoài Kế hoạch theo dõi, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW, năm 2011, để có cơ sở đánh giá 3 năm thực hiện Chỉ thị và Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Hội Đông y tỉnh và các ngành liên quan của tỉnh tổ chức kiểm tra tại các đơn vị Tam Kỳ, Quế Sơn, Nam Trà My. Đầu tháng 7 năm 2013, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục phối hợp khảo sát, kiểm tra tại các huyện: Hiệp Đức, Núi Thành và Đại Lộc. Qua kiểm tra cho thấy đa số các địa phương này đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện khá tốt Chỉ thị số 24-CT/TW và Chương trình hành động số 24-CTr/TU.



II- Kết quả thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW.

1- Xây dựng, phát triển nền đông y và Hội Đông y.

1.1- Tại tuyến tỉnh:

Hiện nay, Hội Đông y tỉnh đã được giao chỉ tiêu gồm 04 biên chế, trong đó Chủ tịch Hội là dược sỹ chuyên khoa I, Phó Chủ tịch thường trực là bác sĩ chuyên khoa I, Phó Chủ tịch kiêm nhiệm là lương y; Văn phòng có 02 cán bộ. Tỉnh Hội hoạt động có hiệu quả, thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thành hội làm tốt công tác tuyên truyền vận động phát triển hội viên, nâng cao nhận thức trong nhân dân về chữa bệnh bằng phương pháp đông y; tập trung bảo tồn phát triển cây thuốc, các bài thuốc, đầu tư nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Bệnh viện Y học Dân tộc tỉnh đang được đầu tư để nâng cấp từ hạng 3 lên hạng 2; 3/3 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam đều có khoa Y học cổ truyền, các Trung tâm Y tế huyện, thành phố có khoa Y học cổ truyền hoặc lồng ghép Y học cổ truyền vào khoa nội. Cấp tỉnh có 185 y, bác sĩ, lương y dược1.

1.2- Tuyến huyện, thành phố và cơ sở:

Kế thừa những kết quả thực hiện Chỉ thị số 118-CT/TW, ngày 30/9/1981 của Ban Bí thư "Về việc củng cố tổ chức và tăng cường công tác của Hội Y học cổ truyền dân tộc Việt Nam trong giai đoạn mới", trong 2 năm qua, các cấp huyện, thành hội trên địa bàn tỉnh đã hoạt động có hiệu quả; tổ chức hoạt động, sinh hoạt đúng quy định của Điều lệ Trung ương Hội; đến nay, toàn tỉnh có 13 huyện, thành hội; 02 chi hội trực thuộc (tại cơ quan Hội Đông y và Bệnh viện Y học Dân tộc tỉnh); 12 chi hội ở khoa, bộ phận y học cổ truyền của 14 trung tâm y tế huyện, thành phố và 118 chi hội xã, phường, thị trấn với tổng số 602 hội viên. Một số huyện hội đã củng cố và hoạt động có hiệu quả như: Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Hội An, Tam Kỳ, Phú Ninh, Hiệp Đức, Núi Thành...; 05 Hội Đông y huyện, thành được công nhận Hội đặc thù (Tam Kỳ, Nông Sơn, Điện Bàn, Đại Lộc và Nam Giang); nhiều hội viên là tấm gương sáng về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng hội được Trung ương Hội tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Đông y”.

Các huyện, thành hội, chi hội xã, phường, thị trấn luôn tranh thủ được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội khác trong quá trình hoạt động, nhất là việc tập trung tuyên truyền, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh về đông y và thực hiện chủ trương “xã hội hóa” trong hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Cấp huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn có 56 y, bác sĩ, lương y, lương dược2. Toàn tỉnh có 258 cơ sở khám chữa bệnh, kinh doanh thuốc đông y3. Các cơ sở này ngày càng được mở rộng và đầu tư trang thiết bị, kết hợp chặt chẽ giữa đông và tây y đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh có 45/244 trạm y tế xã đạt đơn vị tiên tiến về Y học cổ truyền.



2- Công tác lãnh đạo, quản lý, kiện toàn hệ thống, nâng cao năng lực khám chữa bệnh đông y từ tỉnh đến cơ sở.

Thông qua Sở Y tế, UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với Hội Đông y tỉnh. Hàng năm, UBND tỉnh giao kế hoạch kinh phí cho Hội Đông y trên cơ sở số lượng cán bộ và chức năng, nhiệm vụ của Hội Đông y. Trong quá trình hoạt động, Hội Đông y phối hợp Sở Y tế và đội kiểm tra liên ngành các địa phương để tổ chức các đợt thanh tra xử lý các hoạt động hành nghề đông y tư nhân trái pháp luật (3-4 đợt/năm); đồng thời, Sở Y tế và Hội Đông y tỉnh kết hợp khá chặt chẽ trong việc xét cấp Chứng chỉ và Giấy phép hoạt động cho các lương y đủ tiêu chuẩn hoạt động; chấn chỉnh kịp thời, không để xảy ra các trường hợp mê tín dị đoan, lừa đảo bằng y học cổ truyền; triển khai thực hiện Nghị định 222-NĐ/CP của Thủ tướng Chính phủ về việc phân cấp khám và điều trị bệnh ở 4 cấp hội.

Thời gian qua, các cấp chính quyền đã quan tâm bố trí nhà làm việc, hỗ trợ trang thiết bị, kinh phí tạo điều kiện để các cấp hội hoạt động4. Từ thực tế tổ chức và hoạt động của Trung tâm kế thừa, ứng dụng y học cổ truyền, Hội Đông y tỉnh sẽ đúc kết kinh nghiệm chỉ đạo tổ chức Hội ứng dụng các tiến bộ khoa học vào đông y kết hợp “đông tây y” trong hoạt động khám, chữa bệnh tại địa phương.

3- Hoạt động nghiên cứu, kế thừa, bảo tồn và phát triển đông y dược; kết hợp đông tây y trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

3.1- Hoạt động nghiên cứu, kế thừa, bảo tồn và phát triển đông y dược:

Hoạt động nghiên cứu khoa học lĩnh vực Y dược học cổ truyền đạt được kết quả bước đầu: Có 02 đề tài cấp Bộ (Đề tài Bảo tồn và phát triển nguồn gen Sâm Ngọc Linh; Đề tài Điều tra và đánh giá trữ lượng, tiềm năng nguồn dược liệu trên địa bàn tỉnh), 02 đề tài cấp tỉnh (Di thực sâm Ngọc Linh; Phát triển trồng và sử dụng cây ba kích) và nhiều đề tài cấp cơ sở nhằm tổng kết kinh nghiệm thực tiễn điều trị đã được nghiệm thu và triển khai thực hiện.

Hội Đông y tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng và thực hiện các đề án về bảo tồn, phát triển dược liệu quý tại Hội Đông y tỉnh, Hội Đông y huyện Duy Xuyên, Hội Đông y huyện Điện Bàn5. Xây dựng phương án sản xuất, chế biến thuốc từ dược liệu có sẵn tại địa phương với hình thức nhỏ lẻ, tại chỗ. Trong thời gian qua, nhiều huyện, thành hội đã làm tốt công tác xã hội hóa về trồng, phát triển và sử dụng đồng thời cung ứng nguồn thuốc theo hướng hàng hóa như Hội Đông y huyện Điện Bàn, Hội Đông y huyện Đại Lộc… Hội Đông y huyện Nam Giang đã nghiên cứu, ứng dụng bài thuốc điều trị sỏi thận, sỏi mật từ cây bồm bộp; …

Cùng với những hoạt động khám, chữa bệnh theo Y học cổ truyền, Hội Đông y đã tổ chức đa dạng loại hình: Hội thảo, tọa đàm, đàm đạo... trong nội bộ Hội nhân các ngày lễ kỷ niệm như: Ngày thành lập Hội, ngày Thầy thuốc Việt Nam... Trong 5 năm qua, toàn hội đã vận động lương y viết và đăng trên Trang Thông tin sức khỏe - Sở Y tế Quảng Nam trên 130 bài thuốc quý được kế thừa ứng dụng6. Ngoài ra, Hội Đông y còn sưu tầm, nghiên cứu thực hành theo các y văn, tài liệu quý về Đông y7. Nhờ vậy, đã đưa được các bài thuốc cổ truyền dân gian, cổ phương gia giảm vào thực hành theo xu hướng “biện chứng luận trị” đã góp phần nâng cao y thuật trong hoạt động khám, chữa bệnh.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn và truyền nghề, nhất là đối với cán bộ trẻ được quan tâm thực hiện. Tỉnh Hội đã mở nhiều lớp bồi dưỡng lương y trẻ cho trên hàng trăm học viên. Các huyện, thành hội và các lương y cao niên phối hợp bồi dưỡng về thuốc nam, châm cứu, tổ chức sinh hoạt, đàm đạo, chia sẻ ứng dụng, truyền bá, phổ biến, tìm hiểu các bài thuốc hay, cây thuốc quý cho hàng trăm học viên. Đặc biệt, Huyện hội Đông y Núi Thành tổ chức 03 lần hội thảo giao lưu với Hội Đông y huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm hay, những phương thuốc quý, mô hình tổ chức hoạt động của mỗi huyện để chọn lọc, áp dụng hiệu quả cho từng địa phương. Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam đã phối hợp Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh tổ chức thực hiện chương trình đào tạo từ 100 đến 150 y sỹ định hướng y học cổ truyền để phục vụ cho nhu cầu của xã hội. Ngoài ra, tỉnh và huyện Hội đã tổ chức triển khai các đợt bồi dưỡng, quán triệt Luật Bảo vệ sức khỏe và các nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Pháp lệnh hành nghề Y học cổ truyền tư nhân có liên quan cho toàn thể hội viên; đại diện một số tổ chức hội đông y ở tuyến tỉnh còn tham dự lớp bồi dưỡng chính trị hàng năm do Ban Tuyên giáo tổ chức.

3.2- Kết hợp “đông tây y” trong bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân:

Hội Đông y đã phối hợp với ngành Y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sử dụng phương pháp Đông y để chữa các bệnh thông thường, bệnh theo mùa, bệnh mãn tính; phối hợp khắc phục thảm họa thiên tai tại cộng đồng. Thời gian qua, trên toàn địa bàn tỉnh đã xây dựng được một số mô hình hoạt động có kết quả như: Mô hình kết hợp Hội Đông y với Hội Người cao tuổi để chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (Huyện hội Điện Bàn); Mô hình về khám, chữa bệnh từ thiện vào các dịp kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7), Ngày Đại đoàn kết toàn dân (18/11) (Huyện hội Phú Ninh, Núi Thành, Tam Kỳ, Điện Bàn); Mô hình điều tra phát triển cây thuốc theo vùng sinh thái (Huyện hội Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên…).

Các phòng, tổ chẩn trị từ huyện đến xã, phường đã hỗ trợ đắc lực cho ngành y tế địa phương trong phong trào trồng, sử dụng thuốc nam; chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám chữa bệnh cho nhân dân, góp phần xây dựng trạm y tế xã đạt chuẩn Quốc gia. Một số huyện, thành hội thực hiện tốt công tác vận động hàng ngàn hộ nhân dân trồng cây thuốc nam ngay tại vườn nhà dùng để chữa trị một số bệnh thông thường khi cần.

Các huyện, thành hội và đông y cơ sở đã chủ động sưu tầm, thu hái dược liệu sản xuất các loại thuốc bột, thuốc thang, thuốc hoàn phục vụ chữa trị các bệnh thời khí theo mùa, sốt xuất huyết và một số bệnh cảnh khác; đồng thời, phối hợp cùng ngành y tế để tuyên truyền phòng bệnh, ứng dụng phương pháp Y học cổ truyền khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.

Trong 5 năm qua, ngành Đông y toàn tỉnh đã thực hiện khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền cho trên 2 triệu lượt bệnh nhân; tỉ lệ bệnh nhân khám và điều trị bằng y học cổ truyền so với tổng số bệnh nhân năm 2008 là 16%, tăng lên 21,7% vào năm 2012; đã bốc trên 3 triệu thang thuốc; chế biến và cung ứng hàng tấn thuốc hoàn, thuốc cao, thuốc nước; đồng thời, thực hiện trên 1,5 triệu lượt các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc như: Châm cứu, xoa bóp, dây bấm huyệt...

Thời gian qua, Hội Đông y các cấp đã phát huy được quá trình trải nghiệm và học thuật của các lương y trong việc bồi dưỡng, tự bồi dưỡng, tìm kiếm, học hỏi. Tích cực thúc đẩy thực hiện chủ trương “xã hội hóa” trong công tác đông y, góp phần giảm tải tại các bệnh viện công lập, giảm chi tiêu ngân sách cho nhà nước.



4- Đánh giá chung.

Trong 5 năm qua, được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và điều hành cùng với sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội và tâm huyết hưởng ứng của các hội viên các cấp nên hoạt động Y học cổ truyền và Hội Đông y trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ. Tổ chức Hội Đông y các cấp từ tỉnh đến cơ sở xã, phường được củng cố, kiện toàn. Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh ngày càng được củng cố, phát triển, cơ sở vật chất được đầu tư, nâng cấp, phát huy vai trò trong chữa trị các bệnh mãn tính, phục hồi chức năng… Công tác khám, chữa bệnh bằng Y học cổ truyền ngày càng được nhân dân tín nhiệm nhiều hơn, chất lượng từng bước nâng lên. Hội Đông y các cấp đã kế thừa, phát huy, phát triển y học cổ truyền và gìn giữ một bộ phận bản sắc văn hóa dân tộc; ngành y, dược học cổ truyền đã tích cực cùng với ngành y tế thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.



III- Những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.

1- Những tồn tại, hạn chế:

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, phối hợp, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện Chỉ thị còn hạn chế. Một số cấp ủy địa phương chưa quan tâm đúng mức việc triển khai quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW đến các tổ chức đảng cơ sở; còn nhiều cấp ủy, chính quyền chưa xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị; công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về xây dựng, phát triển y học cổ truyền trong cán bộ, nhân dân chưa thật sâu rộng; còn không ít cán bộ, đảng viên, nhân dân chưa có nhận thức đầy đủ, đúng mức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của y - dược học cổ truyền và việc kết hợp đông - tây y trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Hệ thống tổ chức bộ máy công tác y học cổ truyền chưa được thiết lập đầy đủ. Còn đến 05 huyện chưa thành lập được Hội Đông y8; 126 xã chưa có tổ chức đông y; số lượng hội viên các cấp hội còn ít. Sở Y tế chưa có Phòng quản lý y dược cổ truyền. 18/18 Phòng Y tế huyện, thành phố đều chưa có cán bộ chuyên trách Y học cổ truyền. Đến nay, vẫn còn 6/15 trung tâm y tế huyện chưa có khoa Y học cổ truyền, các bệnh viện đa khoa huyện đã có khoa Y học cổ truyền nhưng hệ thống tổ chức chưa được ổn định. Đối với Trạm y tế xã, còn 150/244 trạm chưa có bộ phận khám chữa bệnh bằng Y học cổ truyền; còn 182/244 trạm chưa có vườn thuốc nam; các vườn thuốc nam đã có chưa được tập trung đúng mức trong quy hoạch, đầu tư, còn thiếu cây thuốc, chưa phát huy được tác dụng, hiệu quả công tác tuyên truyền chữa bệnh trong nhân dân. Chất lượng xây dựng xã tiên tiến Y học cổ truyền còn thấp và thiếu bền vững.

Hoạt động của Ban Chăm sóc sức khỏe các cấp, vai trò tham mưu, hướng dẫn của Hội Đông y, công tác phối hợp giữa Hội Đông y và ngành Y tế nhiều nơi còn hạn chế. Tổ chức Hội chưa thu hút đầy đủ các lương y vào hoạt động; một số lương y có tay nghề cao chưa tham gia vào Hội; chưa phát huy được tinh thần đoàn kết, chia sẻ và nâng cao học thuật, tay nghề của tổ chức hội, của các hội viên. Việc xây dựng và phát triển Hội Đông y cũng như nội dung, chất lượng hoạt động của nhiều đơn vị còn một số mặt hạn chế; chưa phát huy được tinh thần năng động, sáng tạo của tổ chức hội trước yêu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân hiện nay. Hội Đông y và ngành Y tế chưa thực hiện tốt công tác phối hợp để tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với nhân dân về khám chữa bệnh bằng đông y; việc tuyên truyền khám chữa bệnh đông y chưa thường xuyên, hiệu quả, tác dụng chưa cao; nhiều cơ sở, nhiều thầy thuốc, nhiều trường hợp chưa kết hợp tốt đông - tây y trong chữa bệnh.

Bệnh viện y học dân tộc tỉnh chậm được đầu tư nâng cấp theo kế hoạch; bác sỹ, cơ sở vật chất và trang thiết bị còn thiếu, chưa đáp ứng so với yêu cầu khám, chữa bệnh. Các cơ sở khám, chữa bệnh bằng đông y còn ít, phân bố chưa đồng đều, hầu hết các phòng chẩn trị Y học cổ truyền tư nhân trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ, phạm vi chuyên môn kỹ thuật hẹp, chất lượng hoạt động nhiều nơi còn hạn chế. Cán bộ y sĩ định hướng y học cổ truyền tại các cơ sở y tế còn nhiều lúng túng trong hoạt động chuyên môn. Kiến thức, kỹ năng về thuốc nam, châm cứu, day ấn huyệt ở đa số cán bộ y tế xã còn hạn chế nên gặp khó khăn trong việc triển khai khám, chữa bệnh bằng Y học cổ truyền. Hoạt động khoa dược của các bệnh viện còn yếu chưa tạo ra được thuốc thành phẩm Y học cổ truyền để sử dụng vào điều trị tại bệnh viện. Nhiều phòng chẩn trị đông y chưa thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế về khâu tổ chức hoạt động. Công tác quản lý về chất lượng thuốc và chuyên môn nghiệp vụ đối với người hành nghề y học cổ truyền tư nhân còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Còn nhiều lương y có tay nghề cao, hoạt động nhiều năm nhưng chưa được xét cấp giấy chứng nhận hành nghề. Cơ chế, tiêu chuẩn xét cấp chứng chỉ hành nghề Y học cổ truyền tư nhân chưa rõ, chậm đổi mới làm ảnh hưởng đến việc củng cố, xây dựng và phát triển mạng lưới tổ chức hội đông y các cấp, nhất là cấp xã, phường, thị trấn.

Công tác khảo sát, đánh giá, quy hoạch nguồn dược liệu nhiều địa phương chưa được triển khai thực hiện tốt. Chưa thu hút được các nhà doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, tạo sản phẩm hàng hóa về dược liệu đông y. Số lượng đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Y học cổ truyền còn quá ít, các lĩnh vực nghiên cứu kế thừa, nghiên cứu kết hợp y học hiện đại - y học cổ truyền chưa được chú trọng. Công tác bảo tồn cây, con làm thuốc, sưu tầm bài thuốc quý, vận động các lương y cống hiến kinh nghiệm, truyền nghề, bồi dưỡng nghiệp vụ tuy có thực hiện nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Nhiều bài thuốc hay, vị thuốc quý trong nhân dân và các lão y chưa được sưu tầm để bảo tồn và kế thừa, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số. Cuộc vận động cống hiến các bài thuốc tâm đắc kết quả còn khiêm tốn.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho khám, chữa bệnh, làm việc của Hội Đông y các cấp còn thiếu thốn; công tác tài chính và các nguồn lực nhằm tác động, thúc đẩy giúp xây dựng, phát triển Hội nhất là đối với Hội cơ sở xã, phường còn gặp nhiều khó khăn, chưa được chính quyền cơ sở quan tâm.

2- Nguyên nhân:

- Nhiều cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của Hội Đông y và công tác đông y cũng như việc kết hợp đông - tây y trong chăm sóc sức khỏe nhân dân nên chưa có sự lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư đúng mức cho công tác này.

- Tổ chức Hội Đông y và bộ máy quản lý hoạt động y dược cổ truyền chưa đầy đủ, hoàn chỉnh. Thiếu cán bộ Y học cổ truyền có chuyên môn ở các cấp. Ngạch, bậc chuyên môn trong lương y dược chưa được quy định rõ ràng. Chưa có chính sách phù hợp để hình thành và phát triển ngành dược liệu trên địa bàn tỉnh. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, quản lý nhà nước, công tác xã hội hóa về hoạt động y dược học cổ truyền còn nhiều hạn chế, bất cập.

- Điều kiện hoạt động như trụ sở làm việc, trang thiết bị, kinh phí, việc tập hợp đội ngũ lương y của Hội Đông y các cấp còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhiều đơn vị phương thức và nội dung hoạt động còn lúng túng, còn trông chờ vào kinh phí hỗ trợ của nhà nước.



3- Bài học kinh nghiệm:

Thứ nhất, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện tại cơ sở. Chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong tổ chức Đảng và toàn xã hội về phát triển nền đông y và Hội Đông y trong tình hình mới.

Thứ hai, phát huy vai trò tham mưu, tính tự chủ, năng động, sáng tạo, đẩy mạnh hoạt động các phòng, tổ chẩn trị Y học cổ truyền; thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tay nghề cho các hội viên, lương y; kết hợp đông - tây y trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tranh thủ sự hỗ trợ giúp đỡ về tài chính và các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để nâng cao chất lượng hoạt động của nền đông y và Hội Đông y địa phương.

Phần thứ hai

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 24-CT/TW ĐẾN NĂM 2020
Thời gian tới, công tác y học cổ truyền trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 24-CTr/TU ngày 29/12/2008 của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư về “phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới” và Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Quyết định số 2166/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020 với những nội dung trọng tâm sau:

I- Mục tiêu.

1- Mục tiêu tổng quát:

Tập trung xây dựng, phát triển và mở rộng mạng lưới tổ chức Hội Đông y từ tỉnh đến cơ sở; chú trọng y dược học cổ truyền tại các cơ sở y tế công lập; đẩy mạnh các loại hình bảo tồn và phát triển, cung ứng nguồn dược liệu; nâng cao y đức, chất lượng chuyên môn, học thuật; phối hợp với ngành tây y thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.



2- Mục tiêu cụ thể:

Kiện toàn, phát triển mạng lưới hoạt động công tác Hội ở 3 cấp: tỉnh, huyện, xã và các chi hội trực thuộc. Củng cố, xây dựng và phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh.

Đến năm 2015, xây dựng và kiện toàn Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đạt mức bệnh viện đa khoa hạng 2; đến năm 2020, 100% bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có Khoa y, dược cổ truyền; 100% phòng khám đa khoa và trạm y tế xã, phường, thị trấn có tổ y, dược cổ truyền do thầy thuốc y, dược cổ truyền của trạm y tế phụ trách.

Chỉ tiêu khám, chữa bệnh bằng y học, cổ truyền: Đến 2015, tuyến tỉnh đạt 15%, tuyến huyện đạt 20% và tuyến xã đạt 30%. Đến năm 2020, tuyến tỉnh đạt 20%; tuyến huyện đạt 25% và tuyến xã đạt 40%. Đẩy mạnh hoạt động kế thừa, ứng dụng; bồi dưỡng chuyên môn và nghiên cứu khoa học. Hoàn thành biên tập, phát hành Kỷ yếu về lịch sử Đông y tỉnh trước năm 2016.

Phát triển cây thuốc và cung ứng dược liệu làm thuốc. Đẩy mạnh nuôi trồng, phát huy tác dụng, hiệu quả các vườn thuốc nam tại trạm y tế, cơ quan, đơn vị, trường học. Thúc đẩy nuôi trồng và thu mua nguồn dược liệu phục vụ sản xuất thuốc thành phẩm nhằm cung ứng cho hoạt động chẩn trị trong và ngoài tỉnh theo hướng hàng hóa.

Đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhân lực y, dược cổ truyền ở trình độ trung học vào năm 2015 và trình độ đại học vào năm 2020. Chuẩn hoá trình độ chuyên môn đội ngũ lương y, lương dược, tăng cường vai trò của Hội Đông y tỉnh trong bồi dưỡng chuyên môn, kế thừa, bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền trên địa bàn tỉnh.



II- Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.

1- Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nhân dân về công tác đông y và Hội Đông y:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của y, dược học cổ truyền trong khám, chữa bệnh và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tiếp tục quán triệt đến các cấp hội và hội viên thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, phát triển nền Đông y và Hội Đông y địa phương. Các cấp hội và hội viên nâng cao hơn nữa tinh thần, trách nhiệm của người thầy thuốc, học tập rèn luyện nâng cao y đức, tay nghề gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) “về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” để cùng ngành y tế địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc nâng cao sức khỏe cho nhân dân góp phần vào xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, tích cực góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Hội Đông y các cấp tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trong xây dựng, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân.

Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền qua hệ thống thông tin đại chúng, bản tin của Hội, của ngành Y tế và các loại hình tuyên truyền khác nhằm tạo nhận thức và hành động trong cộng đồng về phát triển nền Y học cổ truyền. Qua đó, nâng cao nhận thức về quan điểm, vai trò, vị trí của ngành đông y và Hội đông y trong tình hình mới.

2- Tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý xây dựng, phát triển nền đông y và Hội Đông y:

Gắn việc thực hiện chương trình kế hoạch hành động đã xây dựng với chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Quyết định số 2166/QĐ-TTg, ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020; Thông báo kết luận số 126-TB/TW, ngày 01/4/2013 của Ban Bí thư về sơ kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW (Khóa IX) về “củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở”; Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh, Quyết định của UBND tỉnh về Quy hoạch phát triển sự nghiệp y tế tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025.

Các cấp ủy, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, rà soát việc triển khai thực hiện chỉ thị, chương trình hành động, kế hoạch, sơ kết, tổng kết đánh giá việc triển khai thực hiện, làm rõ những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, có giải pháp tiếp tục xây dựng kế hoạch cụ thể, thiết thực để triển khai thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW. Đồng thời, nghiên cứu thực hiện Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg về Hội có tính chất đặc thù để giúp Hội Đông y hoạt động và phát triển. Mặt khác, tổ chức Hội chủ động thực hiện tốt công tác tham mưu các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận lồng ghép các nội dung, chỉ tiêu hoạt động của Hội vào các chương trình kinh tế - xã hội địa phương.

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết liên tịch giữa Hội Đông y tỉnh với Sở Y tế, Hội Người cao tuổi, giữa Hội Đông y các huyện, thành với các Trung tâm y tế huyện, thành phố về công tác đông y. Các khoa Y học cổ truyền tại các Trung tâm, bệnh viện huyện, thành phố tăng cường hơn nữa công tác vận động thành lập Hội và kết nạp các thầy thuốc đang công tác tại cơ sở y tế (từ tuyến tỉnh đến các trạm y tế xã, phường, thị trấn) vào tổ chức Hội.

Hội Đông y các cấp gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào do Mặt trận và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đề ra. Động viên hội viên tham gia đầy đủ các hoạt động, phấn đấu gia đình hội viên đạt danh hiệu gia đình văn hóa ở khu dân cư. Tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh và thực hiện các quy chế phối hợp hoạt động giữa ngành y tế và hội đông y, giữa hội đông y với hội người cao tuổi; thường xuyên kiểm tra việc chấp hành Điều lệ hội và các mặt hoạt động của cấp mình; phối hợp kiểm tra việc hành nghề y dược cổ truyền tư nhân theo quy định. Thực hiện tốt công tác thống kê báo cáo nhằm phục vụ tốt công tác quy hoạch phát triển ngành đông y và hội Đông y trên địa bàn tỉnh.

Sở Y tế có giải pháp kiện toàn bộ máy, bổ sung cán bộ có chuyên môn để đảm bảo công tác quản lý, theo dõi hoạt động đông y dược trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức tốt việc khám, chữa bệnh bằng đông y ở tuyến cơ sở cho đối tượng bảo hiểm y tế; xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, xã tiên tiến về Y học cổ truyền.



3- Xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức Hội Đông y từ tỉnh đến cơ sở:

Tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức huyện, thành hội, tập trung vận động thành lập hội đông y tại 5 huyện chưa có hội để có điều kiện phát triển hội tại các xã, thị trấn; tổ chức thành lập chi hội đông y tại các khoa Y học cổ truyền thuộc Trung tâm y tế huyện, thành phố, vận động và kết nạp các thầy thuốc đang công tác tại cơ sở y tế bao gồm (y tế nhà nước và bệnh viện tư nhân) từ tuyến tỉnh đến các trạm y tế xã, phường, thị trấn vào tổ chức hội. Tổ chức sinh hoạt định kỳ; đổi mới nội dung và nâng cao chất lượng hoạt động công tác hội, tạo môi trường trao đổi học tập kinh nghiệm giữa các tổ chức hội, giữa các hội viên. Phối hợp thực hiện tốt công tác tư vấn, phản biện giám định xã hội; thực hiện tư vấn, giải đáp phòng và chữa bệnh cho nhân dân.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; định kỳ sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW nhằm kịp thời chấn chỉnh những sai phạm, khắc phục tồn tại, khuyết điểm, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt.

Trường Cao đẳng Y tế tiếp tục phối hợp với Bệnh viện y học Dân tộc tỉnh thực hiện và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo định hướng đông y đối với học viên của trường. Hội Đông y tỉnh tiếp tục phối hợp mở các lớp bồi dưỡng, tập trung các biện pháp nâng cao trình độ chuyên môn theo điều lệ của Trung ương Hội. Tạo điều kiện cho các con em lương y học các lớp nâng cao, các lớp đại học, cao đẳng thuộc hệ Nhà nước. Tuyên truyền, vận động y, bác sĩ, lương y viết bài phổ biến kinh nghiệm khám chữa bệnh đông y. Phát huy gương người tốt việc tốt, khen thưởng các cấp Hội có thành tích cao trong phong trào xây dựng Hội hằng năm.



4- Tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của ngành Đông y:

- Công tác khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân:

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW, ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị về "bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới"; Hội Đông y tỉnh phối hợp Sở Y tế thực hiện tốt chủ trương kết hợp đông - tây y trong phòng bệnh, khám chữa bệnh. Tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh đông y, nhất là tại Bệnh viện y học dân tộc tỉnh, các khoa, tổ đông y tại các bệnh viện tuyến huyện, thành phố, các cơ sở đông y tư nhân. Khuyến khích hình thành và nhân rộng các mô hình hoạt động, mô hình kết hợp đông - tây y trong khám, chữa bệnh. Đầu tư trang thiết bị, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong chế biến dược liệu; tạo ra nguồn thuốc Y học cổ truyền để cung ứng cho nhu cầu chữa bệnh tại tỉnh và trong nước. Phối hợp các cơ sở đông y, các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành để mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về đông y; coi trọng kỹ năng thực hành chữa trị đông y. Vận động phòng chẩn trị tập thể và tư nhân tích cực khám, chữa bệnh miễn phí cho các bệnh nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn, gia đình chính sách với tấm lòng nhân ái.



- Tiếp tục nghiên cứu, kế thừa, bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền địa phương:

Tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân trồng cây thuốc theo hướng “cây vừa làm cảnh, làm rau đồng thời để làm thuốc” tại vườn nhà; nâng cao chất lượng, hiệu quả của vườn thuốc nam tại trạm y tế xã theo quy định của Bộ Y tế để dùng chữa trị một số bệnh và chứng thông thường. Nghiên cứu và tiến hành trồng một số cây thuốc quý được di thực để phục vụ trong điều trị một số bệnh cảnh khó. Phối hợp xây dựng và thực hiện nhiều chương trình, đề án nuôi trồng cây, con làm thuốc theo vùng sinh thái, góp phần thực hiện đề án về mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015 hướng đến 2020 của UBND tỉnh. Vận động các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước liên kết thực hiện các đề án về phát triển, cung ứng cây dược liệu, hỗ trợ kinh phí để Hội tổ chức hoạt động khám, chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo, bệnh nhân là cán bộ hưu trí, gia đình chính sách.



Phần thứ ba

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ
- Đề nghị Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Trung ương Hội Đông y có văn bản thống nhất quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, biên chế của Phòng quản lý Y học cổ truyền thuộc Sở Y tế và hướng dẫn để cấp tỉnh thành lập tổ chức này nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về y, dược học cổ truyền. Xây dựng mã ngạch cho cán bộ hoạt động trong hệ thống y học cổ truyền. Có văn bản hướng dẫn cấp tỉnh tổ chức bồi dưỡng và sát hạch trình độ lương y, lương dược, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý hành nghề đông y dược.

- Đề nghị Bộ Y tế, Trung ương Hội Đông y tiếp tục đẩy mạnh việc chỉ đạo phối hợp thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW của Ban Bí thư khóa X, xây dựng y tế xã đạt chuẩn y tế giai đoạn 2011 - 2020, thực hiện có chất lượng, hiệu quả những nội dung cụ thể trong việc kết hợp đông - tây y trong khám, chữa bệnh cho nhân dân; đẩy mạnh thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học, các đề án bảo tồn, phát triển dược liệu, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành dược liệu tại các địa phương nói chung, tỉnh Quảng Nam nói riêng.

- Đề nghị Bộ Y tế, Trung ương Hội Đông y, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tăng cường chỉ đạo nâng cao số lượng, tỉ lệ người tham gia bảo hiểm y tế theo Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI; đảm bảo quyền lợi và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng đông y cho đối tượng hưởng bảo hiểm y tế, nhất là tuyến xã, phường, thị trấn.

- Đề nghị Trung ương Hội Đông y tiếp tục chỉ đạo nội dung tuyên truyền cụ thể về phát triển nền đông y và Hội Đông y trong tình hình mới; phát huy vai trò tự chủ, sáng tạo của ngành đông y; chỉ đạo đầu tư nâng cao chất lượng công tác tham mưu của Hội Đông y các cấp trong việc thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư.

- Đề nghị Bộ Y tế ban hành chỉ số thống kê bắt buộc về Y học cổ truyền và đưa vào hệ thống thống kê thường quy để thu nhập và cập nhật số liệu hoạt động Y học cổ truyền các tuyến.

- Về phân cấp quản lý công tác y tế: Hiện nay, trạm y tế cấp xã trực thuộc Trung tâm Y tế cấp huyện và Trung tâm Y tế cấp huyện trực thuộc Sở Y tế. Thực tế, do quy mô quá lớn, Sở Y tế gặp nhiều khó khăn trong quản lý, chỉ đạo xử lý công tác y tế tại cơ sở, nhất là trước yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, xây dựng y tế xã đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011 - 2020. Đề nghị Trung ương tính toán lại việc phân cấp y tế, dân số cấp huyện, xã theo hướng trực thuộc UBND cấp huyện để UBND cấp huyện kịp thời lãnh đạo, điều hành và đầu tư nguồn lực xây dựng và phát triển sự nghiệp y tế cơ sở.

Trên đây là báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới” trên địa bàn tỉnh Quảng Nam..

Nơi nhận:

T/M BAN THƯỜNG VỤ

- Ban Bí thư Trung ương Đảng (b/c),

PHÓ BÍ THƯ

- Ban Tuyên giáo Trung ương (HN, ĐN) (b/c),




- Văn phòng Trung ương Đảng (HN, ĐN) (b/c),




- Hội Đông y Việt Nam (b/c),




- HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh,

(đã ký)

- Các BCS đảng, đảng đoàn,

- Các ban đảng Tỉnh ủy,






- Các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc,




- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh,

Nguyễn Văn Sỹ

- Các đồng chí TUV,




- Lưu Văn phòng Tỉnh ủy.







1 Trong đó có 9 thạc sỹ, bác sĩ chuyên khoa I, 10 bác sỹ, 49 y sỹ y học cổ truyền, 03 lương y, 02 dược sỹ đại học, 16 dược sỹ trung học và 16 lương dược.


2  Trong đó có 01 thạc sỹ, bác sĩ chuyên khoa I, 04 bác sỹ, 31 y sỹ y học cổ truyền, 02 lương y, 01 dược sỹ trung học.


3  Trong đó phòng chẩn trị tập thể 26, tư nhân 232.

4  07 đơn vị đã được bố trí nơi làm việc (Tam Kỳ, Nông Sơn, Điện Bàn, Đại Lộc, Nam Giang, Hiệp Đức, Quế Sơn); Huyện hội Đại Lộc được hỗ trợ 01 định xuất cán bộ; Hội Đông y tỉnh bình quân 200 - 240 triệu năm, có 05/13 huyện, thành hội được hỗ trợ từ 08 - 15 triệu đồng/năm; Hội Đông y tỉnh được Chi hội tâm năng dưỡng sinh thuộc Hội Đông y thành phố Tam Kỳ xây dựng hiến tặng nhà chế biến thuốc có diện tích 35m2 tại Văn phòng Hội Đông y tỉnh với kinh phí 28 triệu đồng và vận động hội viên hỗ trợ các nguồn lực, máy móc phương tiện hoạt động có giá trị đến 37,4 triệu đồng.
Toàn tỉnh có 04 máy chụp cắt lớp, 13 máy siêu âm, 07 máy nội soi, 13 máy X-quang, 252 máy điện châm laze, 20 máy sắc thuốc, 02 tủ sấy dược liệu, 01 máy thái dược liệu.



5  Đề án điều tra, khoanh vùng và phát triển dược liệu (Huyện Hội Duy Xuyên); Đề án nuôi trồng dược liệu theo sinh thái vùng (Huyện Hội Điện Bàn); Đề án về sử dụng thuốc tại chỗ và thuốc thay thế (Hội Đông Y tỉnh).

6 Gồm 35 bài chữa bệnh về đường tiêu hóa; 33 bài điều trị bệnh cảm mạo, thời khí; 65 bài điều trị bệnh cơ xương khớp và những bài ứng dụng điều trị các bệnh cảnh mãn tính, ngoài da và bệnh chuyển hóa...


7  Như: Hải thượng y tôn tâm lĩnh (Lê Hữu Trác); Nam dược thần hiệu (Tuệ Tĩnh) cùng các giáo trình bài giảng về Y học cổ truyền do nhà xuất bản Y học ấn hành. Các lương y còn sưu tầm, dịch thuật và nghiên cứu các sách thuốc: Bạt lục Hoa y, Trung Quốc y học đại từ điển, tính dược chỉ nam... là cơ sở lý luận, học thuật trong quá trình hành nghề.

8  Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Tây Giang, Đông Giang


tải về 100.97 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương