BẢn tin phục vụ LÃnh đẠO (Ngày 5 tháng 9 năm 2016)



tải về 138.02 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu15.01.2018
Kích138.02 Kb.
#36027




BẢN TIN PHỤC VỤ LÃNH ĐẠO

(Ngày 5 tháng 9 năm 2016)


CHÍNH SÁCH MỚI 2

  1. CHÍNH SÁCH MỚI 2

  2. Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9 2

  3. Lệ phí cấp mới thẻ Căn cước công dân là 70.000 đồng/thẻ 3

CHỈ THỊ MỚI 4

  1. CHỈ THỊ MỚI 4

  2. Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng nổi bật tuần 29/8 - 1/9 4

  3. 1 Sở có 8 Phó Giám đốc ở Thanh Hóa: Thủ tướng yêu cầu kiểm tra 5

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP 6

  1. MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP 6

  2. Thoái vốn Nhà nước tại Sabeco và Habeco: Nỗi lo mất thương hiệu bia Việt 6

  3. Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia: Nhiều yếu tố thuận lợi để giảm lãi suất 6

  4. EIU nhận định Việt Nam quyết tâm thúc đẩy ngành du lịch 7

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN 8

  1. PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN 8

  2. Phải chấm dứt kiểu làm “chính sách bàn giấy” 8

  3. Cây đã chết khô, các bộ vẫn còn… bàn 9

QUẢN LÝ 10

  1. QUẢN LÝ 10

  2. Đến 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1-1,5%/năm 10

  3. 3 ngày nghỉ lễ: Cả nước xảy ra 71 vụ tai nạn, 33 người tử vong 11

  4. Dừng bảo lãnh vay nợ, “ông lớn” Nhà nước nào sẽ lo ngay ngáy? 11

  5. “Tất cả tiền thuế được xoá đều là doanh nghiệp Nhà nước đã giải thể” 12

  6. TP.HCM: Nghiêm cấm cán bộ công chức chơi Pokemon Go trong công sở 13

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH 14

  1. CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH 14

  2. Giảm nhiều thời gian, thủ tục cấp phép xây dựng 14

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH 14

  1. QUẢN LÝ NGÂN SÁCH 14

  2. “Túi tiền” quốc gia đang thâm hụt vì đâu? 14

THẾ GIỚI 15

  1. THẾ GIỚI 15

  2. Nhiều bất ngờ khó chịu trong chuyến đi của ông Obama tới Trung Quốc 15

  3. Ông Obama nói gì về vụ quan chức Trung Quốc quát tháo cố vấn an ninh Mỹ? 16



CHÍNH SÁCH MỚI

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9


Hỗ trợ học sinh, trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; xếp lương giảng viên cao cấp được bổ nhiệm chức danh giáo sư; miễn, giảm thuế xuất khẩu các sản phẩm thân thiện môi trường;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9.
Vi phạm về sử dụng hóa chất diệt côn trùng phạt đến 3 triệu đồng: Theo Nghị định 115/2016/NĐ-CP ngày 8/7/2016có hiệu lực từ 15/9, sử dụng hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế không đúng nội dung hướng dẫn ghi trên bao gói gây nguy hiểm cho người, động vật và làm ô nhiễm môi trường sẽ bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng.
Hỗ trợ học sinh, trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn: Theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18/07/2016 quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn có hiệu lực từ 01/9, học sinh tiểu học và trung học cơ sở được hưởng chính sách hỗ trợ được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở và gạo.
Xếp lương giảng viên cao cấp được bổ nhiệm chức danh giáo sư: Nghị định 117/2016/NĐ-CP ngày 21/07/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có hiệu lực từ 15/9.
Điều kiện cấp Giấy phép hoạt động ngân hàng mô: Có hiệu lực từ ngày 15/9, Nghị định 118/2016/NĐ-CP ngày 22/7/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 56/2008/NĐ-CP ngày 29/4/2008 của Chính phủ quy định về tổ chức hoạt động của ngân hàng mô và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, trong đó bổ sung điều kiện hoạt động và cấp Giấy phép hoạt động ngân hàng mô.
Chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc: Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 8/8/2016 của Thủ tướng ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình có hiệu lực từ 22/9.
Hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng: Thông tư số 23/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng theo Nghị định số 55/2016/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 1/9.
Miễn, giảm thuế xuất khẩu các sản phẩm thân thiện môi trường: Thông tư 128/2016/TT-BTC quy định miễn, giảm thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 23/9. (Website Chính Phủ 3/9) Về đầu trang

Lệ phí cấp mới thẻ Căn cước công dân là 70.000 đồng/thẻ


Bộ Tài chính đang đề xuất mức thu lệ phí khi cấp mới, cấp lại thẻ căn cước công dân là 70.000 đồng/thẻ. Trường hợp cấp đổi thẻ Căn cước công dân, mức lệ phí được Bộ này đề xuất là 50.000 đồng/thẻ.
Dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý lệ phí cấp căn cước công dân vừa được Bộ Tài chính đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ này để lấy ý kiến góp ý của người dân, doanh nghiệp.
Theo dự thảo, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục cấp lần đầu, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân phải nộp lệ phí cấp căn cước công dân theo quy định tại Thông tư này. Trường hợp đổi thẻ căn cước công dân khi có sai sót về thông tin trên thẻ căn cước công dân do lỗi của cơ quan quản lý căn cước công dân thì không phải nộp lệ phí.
Dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính cũng nêu rõ những trường hợp được miễn lệ phí, bao gồm: Công dân đã được cấp Chứng minh nhân dân 9 số và Chứng minh nhân dân 12 số nay chuyển sang cấp căn cước công dân theo Luật căn cước công dân; Đổi căn cước công dân khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính; Đổi, cấp lại căn cước công dân cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sỹ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thuộc các xã, thị trấn vùng cao theo quy định của Ủy ban Dân tộc; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật; Đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.
Về mức thu lệ phí, dự thảo Thông tư đề xuất mức thu lệ phí cấp mới, cấp lại thẻ căn cước công dân là 70.000 đồng/thẻ; và mức thu lệ phí là 50.000 đồng/thẻ Căn cước công dân đối với trường hợp cấp đổi. Công dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi; các xã biên giới; các huyện đảo nộp lệ phí thẻ căn cước công dân bằng 50% mức thu quy định trên. (Viettimes.vn 5/9) Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng nổi bật tuần 29/8 - 1/9


Đầu tư 21 Chương trình mục tiêu; tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất; phòng, chống oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự; cải cách toàn diện kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng nổi bật tuần từ 29/8 - 1/9.
Đầu tư 21 Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020: Chính phủ vừa ra Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư 21 Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020.
9 đơn vị của Vinafood2 được tiếp tục xuất khẩu gạo đến hết tháng 6/2017: Chính phủ ra Nghị quyết đồng ý 9 đơn vị hạch toán phụ thuộc của Tổng công ty Lương thực miền Nam được tiếp tục xuất khẩu gạo đến hết tháng 6/2017.
Điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao: Nghị định 106/2016/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao đã được Chính phủ ban hành; trong đó quy định rõ điều kiện của cơ sở kinh doanh hoạt động thể thao; điều kiện về nhân viên chuyên môn của cơ sở kinh doanh hoạt động thể thao; điều kiện kinh doanh đối với một số hoạt động thể thao cụ thể; bảo đảm điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao.
Tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất: Thủ tướng đã phê duyệt “Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn đến 2020”. Đề án được triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước từ tháng 1/2016 đến tháng 12/2020.
Từ 1/3/2017, tổ chức Tổng điều tra kinh tế: Thủ tướng đã ký Quyết định 1672/QĐ-TTg tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2017.
Phòng, chống oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự: Thủ tướng ban hành Chương trình thực hiện Nghị quyết số 96/2015/QH13 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự.
Thủ tướng đi công tác địa phương, các tỉnh tham gia không quá 3 xe ô tô: Theo chỉ đạo của Thủ tướng, lãnh đạo các tỉnh, thành phố không tổ chức đón đoàn trên đường đi, chỉ tổ chức đón tại địa điểm đến công tác, trừ lực lượng công an dẫn đường. Thành phần tham gia đoàn của tỉnh, thành phố đi không quá 03 xe ô tô, bao gồm xe chung của đồng chí Bí thư, Chủ tịch và xe chung của các Sở, cơ quan, thành phần khác theo yêu cầu.
Làm rõ phản ánh "gần 5.000 người có nguy cơ bị phá nhà": Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, làm rõ nội dung báo Lao động phản ánh qua bài viết "Gần 5.000 người có nguy cơ bị phá nhà".
Triển khai bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung: Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại cuộc họp về tiến độ triển khai công tác xác định, bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra.
Cổ phần hóa phải kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp: Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước có mức vốn chủ sở hữu trên 5.000 tỷ đồng thực hiện cổ phần hóa nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa phải được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi định giá doanh nghiệp.
Khẩn trương kiểm tra việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khẩn trương thực hiện rà soát, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Cải cách toàn diện kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa yêu cầu các bộ quản lý hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải cách toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng.
Đề xuất giải pháp đăng ký số xe điện 4 bánh: Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ GTVT thống nhất với Bộ Công an, Bộ Tài chính đề xuất giải pháp đăng ký số xe điện 4 bánh đang lưu hành tại các địa phương được phép thí điểm, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/9.
Kiểm tra việc xả thải tại Cụm Công nghiệp Hoàng Gia (Long An): Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND tỉnh Long An kiểm tra, làm rõ phản ánh của báo Tuổi trẻ về việc xả thải trực tiếp ra môi trường không qua xử lý của Công ty TNHH Hoàng Gia. (Website Chính Phủ 2/9) Về đầu trang

1 Sở có 8 Phó Giám đốc ở Thanh Hóa: Thủ tướng yêu cầu kiểm tra


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ Nội vụ kiểm tra việc bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, báo cáo Thủ tướng.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa rút kinh nghiệm và sắp xếp, bố trí nhân sự Phó Giám đốc Sở NN&PTNT bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa rà soát, có giải pháp để bảo đảm thực hiện nghiêm quy định về số lượng cấp phó các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, các cơ quan hành chính khác và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý.
Thủ tướng giao Bộ Nội vụ rà soát, báo cáo tổng hợp số lượng cấp phó của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện trên cả nước, kiến nghị giải pháp bảo đảm chấp hành các quy định về số lượng cấp phó. (TTXVN 2/9) Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

Thoái vốn Nhà nước tại Sabeco và Habeco: Nỗi lo mất thương hiệu bia Việt


Việc thoái vốn hóa Nhà nước tại hai doanh nghiệp Sabeco và Habeco làm nảy sinh ý kiến lo ngại có thể mất thương hiệu bia Việt như bia Sài Gòn, bia Hà Nội.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh - chuyên gia tài chính nhận định: "Tôi cho rằng đây là một lo ngại hợp lý. Đây là hai thương hiệu có các sản phẩm mang tính quốc gia nên chúng ta cần có rào cản về hành lang pháp lý để bảo vệ các thương hiệu như thế này. Bản thân Habeco, Sabeco cũng là các thương hiệu có giá trị, giá trị đó được đưa vào trong quá trình cổ phần hóa. Vì thế, cả về mặt vĩ mô và vi mô, chúng ta cần có hàng loạt biện pháp để bảo vệ được các thương hiệu này".
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Ánh cũng nhấn mạnh: "Trước thông tin thoái vốn Nhà nước tại Sabeco và Habeco, phản ứng của thị trường thực ra đón nhận rất tích cực. Đặc biệt, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán kỳ vọng đây sẽ là bước đột phá quan trọng, giúp kích thích, phát triển thị trường chứng khoán của Việt Nam".
"Cá nhân tôi cũng thấy đây là bước đi khai thông bế tắc trong quá trình cổ phần hóa mà chúng ta đã tiến hành trong thời gian qua, nhất là liên quan tới các doanh nghiệp lớn, hàng đầu. Trong thời gian qua, chúng ta có thể thấy việc niêm yết trước rồi Nhà nước thoái vốn không chỉ đem lại lợi ích cho Nhà nước mà còn đảm bảo lợi ích nhà đầu tư, cũng như lợi ích của doanh nghiệp sau khi đã cổ phần hóa". (VTV.vn 2/9) Về đầu trang

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia: Nhiều yếu tố thuận lợi để giảm lãi suất


Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vừa công bố Báo cáo tình hình kinh tế tháng 8 và 8 tháng đầu năm. Theo báo cáo này, hệ thống tài chính trong 8 tháng đầu năm nhìn chung đã đảm bảo tốt khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế do thanh khoản của khu vực ngân hàng khá dồi dào.
Tính đến 31/7, tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế đạt 7 triệu 489 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với cuối năm 2015. Trong đó, vốn cung ứng của khu vực ngân hàng chiếm 74,9%, tăng 9,1% so với đầu năm, còn lại thị trường vốn (gồm cổ phiếu và trái phiếu) đóng góp xấp xỉ 25,1% tổng cung ứng vốn, tăng 24,3% so với đầu năm.
Tính đến cuối tháng 8, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 10,5% so với đầu năm 2015. Vốn huy động từ hệ thống các tổ chức tín dụng tăng khoảng 11% so với đầu năm, song tín dụng chỉ tăng ở mức tương đương so với cùng kỳ năm trước (9,2%) và chưa có dấu hiệu bứt phá bước trong quý III. Trong đó, tín dụng các khu vực ưu tiên tăng trưởng thấp hơn mức chung của toàn hệ thống cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao.
Thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng trong tháng 8 tiếp tục dồi dào. Biểu hiện ở mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm khoảng 0,3-0,5 điểm % ở tất cả các kỳ hạn so với tháng trước và duy trì ở mức thấp , trong khi khối lượng giao dịch bình quân giảm 24% so với tháng trước.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua USD trên thị trường và đồng thời mở rộng phát hành tín phiếu kỳ hạn ngắn (14 ngày). Trong tháng 8, các tổ chức tín dụng đã hấp thụ hết lượng tín phiếu kỳ ngắn hạn do Ngân hàng Nhà nước phát hành với mức lãi suất rất thấp trong khoảng từ 0,7% đến 1,2%/năm, thấp hơn lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 2 tuần (1,28%/năm) càng cho thấy thanh khoản ngân hàng khá dư thừa.
Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng chỉ ra việc giảm lãi suất cho vay còn gặp một số thách thức do tiến trình xử lý nợ xấu diễn ra còn chậm. Nợ xấu tính đến tháng 6/2016 toàn hệ thống là 2,78%, tăng 0,23 điểm % so với cuối năm 2015. Số nợ xấu được xử lý trong 6 tháng đầu năm là 59,7 nghìn tỷ đồng (giảm 14,55% so cùng kỳ năm trước), chủ yếu là nhờ khách hàng trả nợ gần 31 nghìn tỷ đồng, số nợ xấu bán cho VAMC đạt 8,88 nghìn tỷ đồng. (Trí Thức Trẻ 4/9) Về đầu trang

EIU nhận định Việt Nam quyết tâm thúc đẩy ngành du lịch


Theo nhận định hôm 3/9 của Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) trực thuộc tập đoàn The Economist (Anh), Việt Nam đang triển khai những giải pháp mạnh mẽ nhất từ trước tới nay nhằm thúc đẩy du lịch, đưa ngành này trở thành một trụ cột ngày càng quan trọng của nền kinh tế.
Tuy vậy, EIU cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề nếu muốn nổi lên như một đối thủ cạnh tranh thực sự với nước láng giềng Thái Lan trong lĩnh vực du lịch.
Ở một số tỉnh thành, hệ thống cơ sở hạ tầng hiện chưa thể đáp ứng được số lượng du khách nước ngoài ngày càng tăng. Các dự án phát triển cơ sở hạ tầng chưa tính toán sát những nhu cầu của ngành du lịch trong tương lai. Hệ thống giao thông và phương tiện đi lại thường tạo ra cảm giác không mấy tốt đẹp cho du khách nước ngoài, đặc biệt là những người đến Việt Nam lần đầu tiên.
Theo ước tính của Hiệp hội Du lịch châu Á-Thái Bình Dương, có khoảng 6% du khách nước ngoài không quay lại Việt Nam sau chuyến đi đầu tiên. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các địa phương vẫn còn nhiều bất cập, khiến nỗ lực quảng bá du lịch vấp phải khó khăn. Thực tế này giải thích tại sao những điểm đến hấp dẫn như cố đô Huế lại chỉ thu hút rất ít du khách ghé thăm.
Theo EIU, doanh thu của ngành du lịch sẽ tăng mạnh nếu du khách quốc tế quay lại Việt Nam nhiều lần và chi tiêu nhiều hơn. (Vietnamplus.vn 4/9) Về đầu trang

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

Phải chấm dứt kiểu làm “chính sách bàn giấy”


Phát biểu tại hội nghị Chính phủ thường kỳ tháng 8 mới đây, Thủ tướng yêu cầu “đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, bảo đảm khả thi, hợp lý (…), phải đánh giá kỹ tác động của chính sách, tiếp thu ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Các quy định, chính sách phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng”.
Thủ tướng cũng yêu cầu khi xây dựng chính sách pháp luật cần bám sát thực tiễn và rằng “nếu chỉ ngồi bàn giấy mà không có thực tiễn thì khó có mô hình mới, chính sách sát thực tiễn”.
Chắc không nhắc thì ai cũng nhớ hàng loạt quy định (dự thảo lẫn chính thức ban hành) đã tạo nên đàm tiếu xã hội và làm cho người trong cuộc dở khóc dở cười: Nào là cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam Anh hùng đi thi Đại học, nữ ngực lép không được lái mô tô, cấm bán bia cho phụ nữ cho con bú, cấm bán thịt sau 8 giờ, phạt nông dân sử dụng phân bón giả… Gần đây là Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương (về nhập khẩu ô tô) đã gây điêu đứng cho hàng loạt doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nhỏ và vừa.
Tổng kết 10 năm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (BHVBQPPL) của HĐND và UBND năm 2004 và sáu năm Luật BHVBQPPL năm 2008, Bộ Tư pháp cho biết qua quá trình rà soát đã phát hiện 4.824 VBQPPL có dấu hiệu vi phạm, chiếm khoảng 17,8%. Riêng các cấp, các ngành rà soát và phát hiện khoảng 47.600 văn bản có dấu hiệu vi phạm, chiếm khoảng trên dưới 17%. Như vậy có nghĩa bình quân cứ sáu văn bản ban hành có một văn bản “có vấn đề”. Luật BHVBQPPL mới đã được ban hành vào tháng 6/2015 và đã có nhiều quy định mới hơn, rõ hơn, cụ thể hơn so với Luật BHVBQPPL năm 2004 trước đây.
Một chính sách pháp luật được ban hành đương nhiên phải hội đủ các điều như hợp hiến, hợp pháp… nhưng trên hết là chính sách pháp luật phải đáp ứng lợi ích và nguyện vọng chính đáng của người dân. Những quy định pháp luật kiểu trời ơi không chỉ gây ra hậu quả nặng nề cho đối tượng tác động trực tiếp mà còn ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của cơ quan soạn thảo, ban hành; gây tốn kém cho xã hội. Đó là chưa nói đến hiện tượng tham nhũng bằng chính sách. Các cơ quan có trách nhiệm được giao chủ trì dự thảo chính sách pháp luật đã bằng cách này hay cách khác lồng vào đó những nội dung nhằm bảo vệ lợi ích của ngành mình, bỏ mặc các tổn hại của người dân và xã hội.
Để chỉ đạo của Thủ tướng được hiện thực hóa, mọi cấp, mọi ngành liên quan đều phải chuyển động một cách thực sự từ nhận thức đến hành động. Kèm đó phải có những cơ chế xử lý trách nhiệm, chế tài tương xứng đối với những cá nhân, cơ quan ban hành chính sách “bàn giấy”. Bởi xét cho cùng tất cả đều bắt đầu từ con người, từ chính đội ngũ công chức nhà nước.
Muốn kỷ cương phép nước nghiêm minh, chính sách pháp luật phải rõ ràng, nghiêm minh. Vì vậy, ban hành chính sách pháp luật rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng, phù hợp thực tiễn như chỉ đạo của Thủ tướng là việc làm cấp bách hiện nay. (Pháp Luật TPHCM 2/9) Về đầu trang

Cây đã chết khô, các bộ vẫn còn… bàn


Đã bước sang tháng 9, tức là một chu kỳ hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh Tây Nguyên, ĐBSCL… đã kết thúc. Chu kỳ hạn hán, xâm nhập mặn mới sắp bắt đầu.
Từ hồi tháng 5, một khoản ngân sách 2.000 tỉ đồng đã được dự trù để hỗ trợ các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Tuy vậy, đến cuối tháng 8, khoản hỗ trợ này vẫn chưa được giải ngân một đồng nào, tức tiền vẫn chưa đến tay người dân chịu thiệt hại nặng bởi hạn hán.
Chính vì thế Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trong buổi làm việc với tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ mới đây đã phải lên tiếng về điều này. Bởi lẽ 10.000 tỉ đồng được Quốc hội khóa XIII cho phép dành để bù đắp bội chi năm 2015 đã không cần phải dùng đến. Khoản này sau đó đã được quyết định dùng chi cho đầu tư, phát triển. Khi tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra, Bộ KH&ĐT đã đề xuất dùng 2.000 tỉ đồng trong số này cấp cứu các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai, giải quyết ngay những việc bức thiết như nạo vét hồ chứa nước, khơi kênh rạch dẫn nước về đồng.
Chủ trương này rất đúng và kịp thời. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân lại không được như mong muốn. Mỗi tỉnh, thành, theo tính toán của Bộ trưởng Dũng được tối đa 80 tỉ đồng. Song phương án hỗ trợ khả thi đã không được thiết lập và gặp rào cản từ một số bộ, ngành khác. Thế nên đến nay con số 2.000 tỉ đồng ấy vẫn chưa được triển khai đến bất kỳ địa phương nào khiến Bộ trưởng Dũng rất sốt ruột.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí sau đó đã giải thích rằng số 2.000 tỉ đồng đó chưa có, vì còn chờ bán được cổ phần nhà nước rồi mới hỗ trợ. Nhưng Bộ trưởng Dũng cho rằng: Hỗ trợ các địa phương bị hạn, mặn và thiên tai là nhiệm vụ cấp bách. Dù số tiền 2.000 tỉ đồng chưa có nhưng ngân sách trung ương hoàn toàn có thể ứng ra trước để hỗ trợ. Sau khi tiền từ bán cổ phần hóa thu được sẽ bù đắp lại sau.
Đây có thể là một giải pháp đúng đắn vì như Bộ trưởng Dũng nói, nếu chờ đến lúc có 2.000 tỉ đồng mới đi hỗ trợ thì cây cà phê, cao su, hồ tiêu… của người dân đã chết hết rồi.Rõ ràng 2.000 tỉ đồng ấy nếu được hỗ trợ kịp thời có lẽ người dân ở các vùng hạn, mặn sẽ bớt nhiều khó khăn, truân chuyên và không cảm thấy bị cô đơn trong cuộc chiến chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt.
Mỗi bộ, ngành đều được Chính phủ và Thủ tướng giao những nhiệm vụ cụ thể, trong đó có cả những nhiệm vụ cấp bách, tức thời mà mục đích cuối cùng là để ổn định đời sống nhân dân. Tuy nhiên, qua vụ việc 2.000 tỉ đồng có lẽ sự vênh nhau giữa định hướng, chính sách của từng bộ, ngành đang là nút thắt cho những vấn đề cấp bách. Đây là điều không thể chấp nhận được. “Cứu hạn như cứu lửa”, dân không có nước dùng; cà phê, hồ tiêu, lúa bị hạn chết khát đã lâu trong khi các bộ, ngành vẫn còn bàn chưa xong. Ở một góc độ nào đó, câu nói dân gian “dân cần nhưng quan chưa vội” không sai chút nào! (Pháp Luật TPHCM 5/9) Về đầu trang

QUẢN LÝ

Đến 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1-1,5%/năm


Thủ tướng vừa phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.
Chương trình đặt mục tiêu cụ thể góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân từ 1 - 1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; dân tộc thiểu số giảm 3 - 4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều.
Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm ngoái (riêng hộ nghèo ở vùng sau vùng xa tăng gấp 2 lần).
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn này là 48.397 tỷ đồng. Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước. (VTV.vn 4/9) Về đầu trang

3 ngày nghỉ lễ: Cả nước xảy ra 71 vụ tai nạn, 33 người tử vong


Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, đến chiều tối 4/9, cả nước xảy ra 30 vụ tai nạn, làm chết 13 người và 20 người bị thương. Tất cả vụ tai nạn trên đều xảy ra trên tuyến đường bộ. Như vậy, trong ba ngày nghỉ lễ (từ ngày 2 đến 4-9), cả nước đã xảy ra 71 vụ tai nạn, làm chết 33 người.
Cũng trong ba ngày lễ, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc xử lý 23.614 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, kho bạc nhà nước thu 9,392 tỉ đồng, tạm giữ 163 ô tô, 2.417 xe máy, tước 509 giấy phép lái xe.
Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho biết trong ba ngày nghỉ lễ Quốc khánh đường dây nóng của đơn vị đã tiếp nhận 231 cuộc gọi và tin nhắn phản ánh của người dân. Nội dung phản ánh chủ yếu về tình trạng vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ô tô của một số doanh nghiệp và tình trạng ùn ứ giao thông tại khu vực cửa ngõ trên địa bàn TP Hà Nội, TP.HCM và một số tuyến quốc lộ do mật độ phương tiện giao thông tăng cao hoặc do sự cố, tai nạn giao thông. Những phản ánh của người dân được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định.
Ông Thái cũng cho rằng lễ Quốc khánh năm nay vận tải hành khách đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tình hình an ninh, trật tự tại các bến xe, nhà ga, cảng hàng không, trên các phương tiện vận tải hành khách được duy trì ổn định, thông suốt, không xảy ra ùn tắc nghiêm trọng.
Lực lượng thanh tra giao thông tăng cường biện pháp kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ô tô, kiểm tra chặt chẽ phương tiện và người lái về các điều kiện an toàn trước khi xuất bến. Không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng. Ngoài ra, không xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng và không xảy ra ùn tắc tại các trạm thu phí đường bộ.
“Tuy nhiên còn xảy ra tình trạng đua xe máy trái phép trên quốc lộ 51 sáng sớm 2/9. Đặc biệt, vẫn còn xảy ra ùn ứ giao thông trên một số tuyến cửa ngõ ra vào TP Hà Nội, TP.HCM chiều tối 1/9 và 4/9 do mật độ phương tiện tăng cao. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ vẫn diễn biến phức tạp trên một số tuyến đường bộ như tình trạng xe khách chở quá số người, thu tiền quá giá vé quy định diễn ra trong ngày đầu và ngày cuối kỳ nghỉ...” - ông Thái cho biết. (Pháp Luật TPHCM 4/9) Về đầu trang

Dừng bảo lãnh vay nợ, “ông lớn” Nhà nước nào sẽ lo ngay ngáy?


Chỉ đạo của Thủ tướng từ năm 2017 sẽ tạm dừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh Chính phủ đi vay nợ cho các dự án mới sẽ khiến nhiều doanh nghiệp Nhà nước phải lo lắng bởi một số ngành, lĩnh vực có những dự án cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Báo cáo của Bộ Tài chính trước đó cho thấy tính đến 31/12/2015 tổng số cam kết bảo lãnh Chính phủ là gần 26 tỷ USD, trong đó bảo lãnh nước ngoài hơn 21,8 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 84%. Tính đến hết 2015, tổng số nợ thực tế được Chính phủ bảo lãnh là khoảng 21 tỷ USD (bao gồm cả nợ được bảo lãnh để tái cơ cấu Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam - SBIC). Con số bảo lãnh này chiếm khoảng 17,6% tổng dư nợ công và bằng 11,1% GDP.
Theo Bộ Tài chính, việc cấp bảo lãnh Chính phủ trong năm 2015 tập trung vào các chương trình đầu tư đang được thực hiện như chương trình phát triển đội tàu bay của Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), các dự án thuộc Sơ đồ điện VII và dự án đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết của Quốc hội.
Cũng tính đến thời điểm này, Bộ Tài chính cho biết, vốn bảo lãnh Chính phủ đang được “đổ” vào các dự án của ngành điện, hàng không, xi măng và 2 ngân hàng chính sách.
Cụ thể như, liên quan đến bảo lãnh lĩnh vực xi măng, Bộ Tài chính đánh giá, xi măng đang là lĩnh vực có nhiều dự án gặp khó khăn nhất đang phải tái cơ cấu dự án, tái cơ cấu khoản nợ vay như tại 3 dự án: Xi măng Sông Thao (CTCP Xi măng Sông Thao là chủ đầu tư, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị HUD là cổ đông chi phối), Xi măng Thái Nguyên (chủ đầu tư Tổng CTCP Xây dựng công nghiệp Việt Nam Vinaincon) và Xi măng Hạ Long do Tổng công ty Sông Đà làm chủ đầu tư sau đó chuyển giao sang Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam VICEM.
Đối với ngành hàng không, Bộ Tài chính cho biết, năm 2015, chương trình phát triển đội máy bay cụ thể máy bay tầm trung A321 và đường dài Boeing 787-9 của Vietnam Airlines tiếp tục được thực hiện theo kế hoạch và vốn vay được Chính phủ bảo lãnh.
Theo đại diện Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, việc cấp bảo lãnh của Chính phủ cho các doanh nghiệp vay vốn được thực hiện từ trước đến nay vì các doanh nghiệp Việt Nam mới trong giai đoạn đầu phát triển, còn thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã có tiềm lực phải tự chủ, tự tích luỹ để đầu tư, tái đầu tư. (Bizlive.vn 4/9) Về đầu trang

“Tất cả tiền thuế được xoá đều là doanh nghiệp Nhà nước đã giải thể”


Theo báo cáo của Cục Hải quan TP.HCM: Trong 3 năm kể từ năm 2014, đã có 34 quyết định xoá nợ thuế được ban hành, theo đó xoá hơn 66 tỷ đồng nợ thuế cho các doanh nghiệp Nhà nước đã giải thể. Số tiền thuế được xoá sau 3 năm đều là doanh nghiệp Nhà nước đã giải thể.
ục Hải quan TP.HCM gửi công văn đến UBND các tỉnh, thành phố nhờ sao gửi quyết định giải thể của doanh nghiệp Nhà nước, có trường hợp đã giải thể quá lâu nên không còn lưu quyết định giải thể, có trường hợp UBND, Sở KH&ĐT không biết doanh nghiệp này hoạt động trên địa bàn địa phương.
Cũng theo Cục Hải quan TP.HCM, tính đến 15/8 vừa qua, tình hình nợ thuế có khả năng thu hồi phát sinh tại các Chi cục Hải quan và Chi cục Kiểm tra sau thông quan trực thuộc Cục hơn 1.587 tỷ đồng.
Cục Hải quan TP.HCM cũng cho biết, từ ngày 1/4/2015 đến nay, khi áp dụng Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015, nợ thuế thường rơi vào đối tượng doanh nghiệp mới thành lập, nhập khẩu ồ ạt nhiều lô hàng với giá khai báo rất thấp sau đó xin giải thể trước khi cơ quan hải quan ra quyết định kiểm tra sau khi thông quan, khi ban hành quyết định ấn định thuế thì không thu hồi được. (Bizlive.vn 3/9) Về đầu trang

TP.HCM: Nghiêm cấm cán bộ công chức chơi Pokemon Go trong công sở


UBND TP.HCM vừa ban hành công văn nghiêm cấm cán bộ, công chức viên chức, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang…chơi trò chơi điện tử Pokemon Go tại cơ quan, đơn vị trong giờ làm việc.
Sở TT&TT TP.HCM được UBND TP.HCM giao theo dõi, tổng hợp, cập nhật các nội dung liên quan đến việc quản lý trò chơi này. Các cơ quan báo đài, các sở ban ngành, UBND các quận huyện, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn TP.HCM cũng được giao nhiệm vụ đẩy mạnh tuyên truyền đến người chơi về những khuyến cáo của Bộ TT&TT về trò chơi này.
Theo khuyến cáo của Bộ TT&TT Pokemon Go là trò chơi chưa được các cơ quan chức năng cấp phép phát hành tại Việt Nam. Vì vậy, khi có tranh chấp phát sinh, ảnh hưởng đến quyền lợi của người chơi thì sẽ không được bảo vệ theo quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý trò chơi điện tử trên mạng.
Người chơi cũng cần lưu ý bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân, tránh lưu trữ thông tin quan trọng, nhạy cảm trên điện thoại chơi Pokemon Go và phải kiểm tra cẩn thận trước khi cài đặt Pokemon Go, tránh cài đặt phải những ứng dụng giả và lừa đảo.
Đồng thời, không chơi khi đang tham gia giao thông, không chơi ở các khu vực nguy hiểm như đường sắt, đường cao tốc, sân bay, sông hồ, đồi núi… Đặc biệt, người dân không chơi gần hoặc trong khu vực các cơ quan của Đảng và Nhà nước, các khu vực quân sự, an ninh quốc phòng và các khu vực cấm. (Hải Quan 2/9) Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Giảm nhiều thời gian, thủ tục cấp phép xây dựng


Theo Báo cáo năm 2015 của Ngân hàng Thế giới, chỉ số về thủ tục cấp giấy phép xây dựng của Việt Nam đã lên vị trí xếp hạng 22/189 quốc gia, xếp trên Malaysia (26), Lào (107), Philippines (124), Indonesia (153), Trung Quốc (179), đứng sau Thái Lan (6).
Tại Báo cáo năm 2016, vị trí xếp hạng này đã tăng thêm 10 bậc, đứng thứ 12/189 quốc gia, trong đó được xếp trên Malaysia (15), Thái Lan (39), Lào (42), Philippines (99), Indonesia (107), Trung Quốc (176).
Chỉ số về thủ tục cấp giấy phép xây dựng của Việt Nam trong năm 2015 và 2016 được ghi nhận là một trong những chỉ tiêu xếp hạng tốt trong đánh giá chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Thời gian vừa qua, công tác cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng cũng đã được quan tâm, đẩy mạnh. Năm 2015, số công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng đã giảm đáng kể, còn khoảng 3,7% so với công trình được xây dựng, giảm khoảng 4,3% so với năm 2014; số công trình xây dựng sai với giấy phép được cấp cũng giảm đáng kể, còn khoảng 1,11% giảm 1% so với năm 2014.
Các địa phương đã cơ bản chấp hành các quy định về thời gian và trình tự thủ tục hành chính trong cấp giấy phép xây dựng. (Website Chính Phủ 2/9) Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

“Túi tiền” quốc gia đang thâm hụt vì đâu?


8 tháng đầu năm 2016, ngân sách Nhà nước bội chi 111,5 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, hoạt động thu ngân sách gặp nhiều khó khăn vì biến động giá cả thế giới, thời tiết bất thường...
Nhìn vào cơ cấu chi ngân sách 8 tháng đầu năm có thể thấy, khoản chi thường xuyên (trong đó một phần là chi cho bộ máy, quản lý hành chính) hiện còn quá cao.
Như vậy để thấy, thâm hụt ngân sách trong những tháng đầu năm 2016 không chỉ do việc thu gặp khó khăn mà chủ yếu do chúng ta chi tiêu quá nhiều. Chi cho đầu tư phát triển còn chiếm tỷ lệ thấp.
Đề cập đến vấn đề sử dụng tài sản công mới đây tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: “Nhiều người dân nói chúng ta sử dụng còn lãng phí. Vậy giải pháp nào để quản lý tài sản công tốt nhất?”.
Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới phải có những giải pháp mạnh mẽ mang tính cách mạng để người dân thấy rằng Chính phủ sử dụng tài sản công hiệu quả nhất vì đây là mồ hôi, công sức, tiền thuế của người dân. Chính phủ khẳng định, tới đây sẽ có những chỉ thị, văn bản quy định siết chặt việc dùng tài sản công.
Đứng trước những khó khăn về tình hình thâm hụt ngân sách, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục quyết liệt thực hiện tất cả giải pháp để hoàn thành dự toán thu năm 2016, trọng tâm là đôn đốc, thu nợ thuế, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát kê khai thuế, tăng cường chống thất thu, chuyển giá...
Bộ Tài chính cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương thực hiện chính sách tài khoá chủ động, chặt chẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra. Đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình và nghĩa vụ trả nợ công của Chính phủ, tình hình giải ngân nguồn vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2016 để có phương án điều chỉnh kế hoạch phát hành phù hợp. (Bizlive.vn 3/9) Về đầu trang

THẾ GIỚI

Nhiều bất ngờ khó chịu trong chuyến đi của ông Obama tới Trung Quốc


Chiếc Air Force One chở Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có màn hạ cánh không êm ái xuống Hàng Châu trong ngày 3/9, khi ông tới thăm chính thức Trung Quốc. Nhưng điều đó chẳng thấm vào đâu so với những chuyện xảy ra sau khi máy bay dừng lăn bánh.
Phóng viên tờ New York Times cho biết, khi các nhà báo tham dự Hội nghị G20 cùng ông Obama xuống máy bay và đi từ phía dưới cánh lên đầu để ghi lại chuyến thăm, họ đã bị an ninh dùng băng xanh chặn lại.
Vị phóng viên này nói rằng "trong 6 năm đưa tin về Nhà Trắng," ông chưa từng thấy một Quốc gia chủ nhà mời Mỹ tới thăm lại ngăn báo chí theo dõi màn rời khỏi máy bay của ông Obama.
Khi một thành viên của Nhà Trắng phản đối điều trên với một quan chức an ninh Trung Quốc, rằng chuyện diễn ra không đúng quy trình thông thường, vị này liền hét tướng lên: "Đây là đất nước của chúng tôi."
Trong một sự kiện khác cũng không theo quy trình thông thường, hoàn toàn không có xe chở thảm đỏ tới đón để ông Obama đi xuống trước các camera ghi hình của báo giới đã chờ sẵn. Thay vì thế, ông xuất hiện từ một cánh cửa nằm ở bụng chiếc máy bay, điều chỉ diễn ra trong các chuyến đi an ninh cao, như tới Afghanistan.
Chứng kiến cảnh đó, Cố vấn an ninh quốc gia Susan E. Rice trông đầy kinh ngạc và có vẻ không hài lòng. Cùng viên phó Benjamin J. Rhodes, bà đã phải chui xuống dưới dải băng xanh an ninh để tới gần ông Obama. Nhưng cả hai người lập tức bị chặn lại bởi cùng quan chức an ninh Trung Quốc kể trên.
Lúc được hỏi rằng chuyện gì đã xảy ra, bà Rice trả lời rất ngoại giao: "Họ đã làm một số điều mà chúng tôi không tính toán trước được."
Nhưng bất ngờ chưa dừng lại ở đó, trong cuộc gặp của ông Obama với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại tòa nhà của chính quyền ở Tây Hồ, Hàng Châu, các trợ lý của Nhà Trắng, quan chức phụ trách nghi thức ngoại giao và Mật vụ đã có một loạt cuộc cãi nhau to tiếng với phía Trung Quốc về việc có bao nhiêu người Mỹ được vào tòa nhà, trước khi ông Obama tới. Thậm chí người ta đã lo sợ cuộc tranh cãi có thể trở thành ẩu đả.
Khi ông Tập đưa ông Obama đi dạo sau bữa ăn tối vào hôm 3/9, an ninh Trung Quốc cắt giảm số lượng nhà báo Mỹ được chứng kiến sự kiện từ 6 người xuống còn 3 người và cuối cùng là 1 người. "Sự sắp xếp của chúng tôi là như thế," một quan chức Trung Quốc giải thích với người đồng cấp Mỹ. "Sắp xếp của các vị thay đổi liên xoành xoạch," quan chức Mỹ trả lời. (Vietnamplus.vn 4/9) Về đầu trang

Ông Obama nói gì về vụ quan chức Trung Quốc quát tháo cố vấn an ninh Mỹ?


Tại cuộc họp báo ngày 4.9 ở thành phố Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nêu quan điểm của mình về sự cố ngày 3.9 khi ông cùng phái đoàn của mình tới sân bay thành phố Hàng Châu.
Ông Obama cho rằng không nên thổi phồng vụ lùm xùm tranh cãi giữa quan chức Trung Quốc và quan chức Mỹ tại sân bay. Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định: "Tôi sẽ không làm chuyện bé xé ra to".
Không chỉ vậy, Tổng thống Obama còn nói rằng ông đã có cuộc nói chuyện "vô cùng hiệu quả" với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong đêm 3/9. Hai nhà lãnh đạo đã bàn về nhiều nội dung trong đó nhấn mạnh đến vấn đề Biển Đông.
Trước đó, khi chuyên cơ Air Force One chở Tổng thống Obama hạ cánh xuống sân bay thành phố Hàng Châu vào ngày 3/9, một sự cố đã xảy ra. Theo Reuters, một quan chức an ninh Trung Quốc đã chặn đường Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice cùng cấp phó Ben Rhodes khi họ đi về phía đoàn xe của Tổng thống Mỹ.
Các phóng viên có mặt tường thuật lại rằng quan chức Trung Quốc đã tỏ thái độ giận dữ với bà Rice, khiến một đặc vụ Mỹ phải đến can thiệp. Sau đó, AFP dẫn lời cố vấn Rice phát biểu với giới phóng viên: “Họ làm những điều khó lường”.
Giữa hai bên đã có cuộc đấu khẩu. "Đây là đất nước của chúng tôi. Đây là sân bay của chúng tôi", quan chức an ninh Trung Quốc giận dữ nói bằng tiếng Anh. Trong khi đó, một nữ nhân viên Nhà Trắng phản ứng lại khi nói đây là máy bay Mỹ và Tổng thống Mỹ, theo AFP. (Thanh Niên 4/9)Về đầu trang./.
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG






tải về 138.02 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương