BẢn tin phục vụ LÃnh đẠO (Ngày 24 tháng 11 năm 2015)



tải về 279.31 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích279.31 Kb.
#38079




BẢN TIN PHỤC VỤ LÃNH ĐẠO

(Ngày 24 tháng 11 năm 2015)


TIÊU ĐIỂM 2

  1. TIÊU ĐIỂM 2

  2. Nói xấu Chủ tịch tỉnh trên Facebook: Bình thường và bất bình thường 2

  3. Bị phạt vì chê Chủ tịch tỉnh- đại biểu Quốc hội nói An Giang đi ngược lòng dân? 3

  4. Vụ bị xử phạt vì chê Chủ tịch tỉnh An Giang: Lợi bất cập hại 4

CHÍNH SÁCH MỚI 5

  1. CHÍNH SÁCH MỚI 5

  2. Quy định mới về tuổi nghỉ hưu và lương hưu 5

  3. Cấm kinh doanh vũ trường trong chung cư 6

CHỈ THỊ MỚI 6

  1. CHỈ THỊ MỚI 6

  2. Thủ tướng yêu cầu tạm dừng xây dựng các trung tâm hành chính 6

  3. Tăng cường sửa chữa mặt đường bảo đảm an toàn giao thông cuối năm 6

TIN QUỐC HỘI 7

  1. Sửa đổi Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em: Các luật liên quan cần đồng nhất 7

  2. Phân công soạn thảo 2 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 7

  3. Quốc hội thông qua Luật Thống kê 8

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY 9

  1. TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY 9

  2. Sơn La: Bình yên từ cam kết “4 không” 9

  3. Hải Phòng: Thành công nhờ tự quản để bảo vệ môi trường 10

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP 11

  1. MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP 11

  2. 25% doanh nghiệp Nhật Bản rời Trung Quốc đã chọn Việt Nam 11

  3. Nợ khó đòi của các "ông lớn" nhà nước tăng gần 19% 12

QUẢN LÝ 13

  1. QUẢN LÝ 13

  2. Thủ tướng phê duyệt biên chế công chức năm 2016 13

  3. Sao phải tuyển lao động Trung Quốc? 13

  4. Lùi thời gian tăng viện phí 14

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH 15

  1. QUẢN LÝ NGÂN SÁCH 15

  2. Không cấp ngân sách cho địa phương xây trụ sở 15

PHÁP LUẬT 15

  1. PHÁP LUẬT 15

  2. Quảng Trị: Xử lý đội trưởng Cảnh sát giao thông “xin đá” của doanh nghiệp 15

TIN THẾ GIỚI 16

  1. Thủ tướng Hy Lạp kêu gọi đối thoại quốc gia về cải cách hưu trí 16



TIÊU ĐIỂM

Nói xấu Chủ tịch tỉnh trên Facebook: Bình thường và bất bình thường


Việc một người bình luận, nêu ý kiến về một vị lãnh đạo là bình thường. Nhưng việc xử phạt hành chính những người này liệu có bình thường?
Câu chuyện xử phạt hành chính 3 người dân ở An Giang vì bị cho là nói xấu Chủ tịch tỉnh này những ngày qua thực sự thu hút sự quan tâm của dư luận. Câu chuyện này đã vượt qua phạm vi một tỉnh, trở thành mối quan tâm của dư luận xã hội. Có thể, hàng ngày sống trong môi trường, quan hệ xã hội, người ta có phần nào hiểu được vì sao những người bị xử phạt hành chính trong vụ việc này lại "im lặng" chấp thuận. Tuy nhiên, rõ ràng ai cũng tỏ ra bất bình vì cơ quan công quyền lại ra quyết định xử phạt hành chính một việc rất không đâu. Trong vụ việc này, có thể thấy rõ những điều rất bình thường và những điều vô cùng không bình thường.
Về nội tình vụ việc này, trả lời báo chí, ông Chủ tịch tỉnh An Giang nói rằng ông không biết các đơn vị chức năng xử phạt hành chính những người đã bị cho là “nói xấu Chủ tịch trên Facebook”. Nếu báo chí không đi tìm hiểu “ngóc ngách, ngọn nguồn” của sự việc thì dư luận có thể tạm tin rằng, cấp dưới đã làm việc “nóng vội” và ông Chủ tịch này là người rất chí công, vô tư.
Nhưng khi sự thật được tìm hiểu thì chuyện ông Chủ tịch nói rằng “không biết, không quan tâm”, ai cũng thấy nực cười. Bởi thực tế, giữa gia đình ông Chủ tịch và những người bị xử phạt đã có những “ân oán cá nhân”. Và ở đây, điều bất bình thường là ở chỗ, một người có vị trí chính quyền cao nhất ở địa phương lại “không biết” gì về việc thuộc cấp của mình xử phạt những “đối thủ” là hàng xóm của mình?!
Trách nhiệm của ông Chủ tịch tỉnh là phải lo cho con dân ở địa phương mình. Vậy tại sao ông lại để cơ quan thừa hành ra một quyết định xử phạt “chưa từng có tiền lệ”? Phải chăng đây là dịp để ông “trút giận” vào những người mà lâu nay gây cho ông sự khó chịu, để rồi "làm ngơ" theo kiểu "không biết, không quan tâm"?
Qua đây, cũng cần xem lại hệ thống giúp việc của ông Chủ tịch này. Họ làm những việc như vậy với mục đích răn đe hay “bợ đỡ” ông Chủ tịch? Bởi trong một địa bàn nhỏ hẹp thì các mối quan hệ, mâu thuẫn… hay bất cứ chuyện gì “bé bằng con kiến” thì cả tỉnh đều biết, huống chi những mâu thuẫn âm ỉ đã xảy ra cả chục năm giữa gia đình ông Chủ tịch và những người bị xử phạt thì có thể “cả tỉnh An Giang” đều đã thuộc lòng. Ngoài ra, với cách thực thi công lý của những cán bộ thanh tra chuyên ngành Sở TT&TT, thì củng cố thêm bằng chứng về những lo ngại đối với chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức mà thôi.
Ai cũng có thể thấy đây là “trận đấu” không cân sức giữa một bên là ông Chủ tịch cùng với (có thể) một hệ thống các sở, ngành ở địa phương nơi ông này quản lý và một bên là những viên chức “ngồi bệt” chỉ làm công ăn lương bình thường. Trong cuộc chơi này, để công bằng, ông Chủ tịch tỉnh hoàn toàn có thể phản biện lại, kiện lại những người đã cố ý bêu xấu mình nếu thấy rằng những gì họ “like”, “comment” không đúng. Nhưng để công bằng và không tai tiếng, lùm xùm thì ông Chủ tịch tỉnh phải bước ra khỏi vai trò quan chức để kiện ra tòa án dân sự với tư cách công dân – công dân.
Sự việc đang bị đẩy lên cao khi những người ra văn bản xử phạt một mực khẳng định mình làm đúng. Nhưng các luật sư, những người đứng ngoài cuộc đã phân tích vụ việc và thấy nhiều điểm phi lý. Nhiều người “xui” những người bị phạt hành chính kiện lại quyết định của cơ quan thanh tra chuyên ngành. Nhưng số khác lại cho rằng không nên kiện vì “con kiến mà kiện củ khoai”. Số khác lại kêu gọi ông Chủ tịch tỉnh hãy rút lại cái quyết định này trước khi quá muộn và có thể đưa ra một lời xin lỗi.
Chính vì cách làm việc nóng vội, cẩu thả, chen quá nhiều tình cảm, mục đích cá nhân nên quyết định xử phạt của đoàn thanh tra chuyên ngành Sở TT&TT An Giang vấp phải sự phản đối của dư luận. Một số luật sư lên tiếng sẵn sàng trợ giúp pháp lý cho những người bị xử phạt trong vụ việc này đòi lại công lý. Nếu như quyết định xử phạt hành chính của thanh tra chuyên ngành TT&TT An Giang đúng pháp luật thì chắc chắn đã không xảy ra nhiều tranh cãi trong những ngày vừa qua! (VOV.vn 23/11) Về đầu trang

Bị phạt vì chê Chủ tịch tỉnh- đại biểu Quốc hội nói An Giang đi ngược lòng dân?


Những ngày qua, tin tức về việc “bị phạt vì nói xấu lãnh đạo trên facebook” ở tỉnh An Giang khiến dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đã có những chia sẻ thẳng thắn về sự việc hi hữu này.
Đại biểu Quốc nói: “Hiện tượng ở An Giang, tôi cho rằng các cơ quan có trách nhiệm phải vào cuộc. Nếu không, nó sẽ rất nguy hiểm. Một người dân bình luận mà xử lý như vậy là không được. Các cụ có câu “bia đá, bia miệng”. Đó là những yếu tố góp phần tác động tích cực điều chỉnh nhận thức cũng như trách nhiệm xã hội của mỗi người.
Tôi nhớ rằng, Bác Hồ từng nói định nghĩa một câu rất dân dã về dân chủ là gì? Dân chủ là làm sao cho dân mở miệng, đừng để dân sợ không dám mở miệng, nhưng còn nguy hại hơn là khi người dân không thiết mở miệng nữa. Khi người dân đã không cộng tác thì chúng ta đánh mất đi nguồn lực rất căn bản của thể chế”.
Vị đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đưa quan điểm: “Tôi cho rằng, chuyện ở An Giang, cơ quan chức năng nên vào cuộc một cách nghiêm túc để xử lý một cách công bằng. Quan trọng nhất là nó để lại một quy định hoặc thành văn hoặc không thành văn về quan hệ giữa người lãnh đạo và người dân.
Đã thực thi thì đương nhiên là phải theo luật. Tôi nhớ không nhầm thì những câu bình luận của người dân về lãnh đạo không hề có sự vu khống nào cả mà nó chỉ là cảm nhận của cá nhân một người với một người. Chê xấu hay khen tốt, cái mũi to hay cái mắt đẹp là quyền của mỗi người chứ tại làm sao mà quy vào chuyện này chuyện nọ được.
Không nên dùng quyền lực trấn áp mà trấn áp như thế ở đây tôi nghĩ là không đúng luật. Đơn giản là chúng ta phải gắn mọi chuyện với hiến pháp và pháp luật. Mọi người đều sẽ bình đẳng trước pháp luật. Đấy là tôi chưa nói đến yếu tố cán bộ là đầy tớ của nhân dân nữa là…”. (Nguoiduatin.vn 22/11) Về đầu trang

Vụ bị xử phạt vì chê Chủ tịch tỉnh An Giang: Lợi bất cập hại


Nếu không có việc xử lý kỷ luật và xử phạt ì xèo, thì chắc chắn đã không có quá nhiều người biết về việc ông Chủ tịch tỉnh An Giang bị chê là “nhìn cái mặt kênh kiệu” và “xa dân”.
Tệ hại hơn, vụ “nhìn cái mặt kênh kiệu” lại đang gây ra những tranh cãi ngày càng sôi nổi về cơ sở pháp lý cho việc xử phạt những người dân. Mà như vậy thì cái chuyện Chủ tịch tỉnh bị dân chê chỉ ngày càng được quan tâm hơn và ngày càng có nhiều người biết đến hơn.
Mặc dù, hiện nay vấn đề đang được quan tâm tranh luận chủ yếu là từ góc nhìn pháp lý. Thế nhưng, chúng ta không thể không quan tâm đến một góc nhìn khác. Đó là góc nhìn chính trị. Xét từ góc nhìn chính trị, việc xử phạt những người dân chẳng có lợi cho ông chủ tịch, mà cũng chẳng có lợi cho chính quyền.
Trước hết, nhận xét như trên của người dân mang tính phê bình nhiều hơn là tính phỉ báng. Trong lúc đó, phê bình và tự phê bình lại đang là phong trào được Đảng ta thúc đẩy trong suốt nhiệm kỳ này. Làm sao người dân có thể tin rằng chuyện phê bình và tự phê bình là thực tâm nếu như vừa mới mở miệng ra chê chủ tịch, thì họ đã bị xử phạt?!
Thứ hai, việc một người nói xấu một người khác (cho dù người khác này là chủ tịch tỉnh) thì đó trước hết chỉ là chuyện của hai người. Tại sao vị chủ tịch chưa có ý kiến gì mà bộ máy công quyền của tỉnh đã vào cuộc xử lý người dân một cách rốt ráo như vậy? Có phải như vậy là cách hành xử đặc trưng cho Nhà nước của dân, do dân và vì dân không? Hay đáng ra các cơ quan công quyền phải tìm cách bảo vệ người dân trước đã? Chúng ta không bao giờ chấp nhận một Nhà nước của quan, do quan và vì quan trên đất nước của mình cả. Và chúng ta cũng tin tưởng sâu sắc rằng chính quyền ở An Giang hoàn toàn không phải là của quan, do quan và vì quan. Tuy nhiên, cách hành xử của các cơ quan công quyền của tỉnh đã không thể không làm tổn hại đến lòng tin của chúng ta.
Thứ ba, chúng ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới hiện đại. Trong thế giới này, các quan chức cao cấp bị người dân phê phán là chuyện rất bình thường. Ở nhiều nước, chê quan dễ hơn chê hàng xóm. Việc làm này không chỉ được chấp nhận, mà còn được hoan nghênh. Người ta coi đó là sự giám sát của nhân dân, là điều kiện quan trọng để các quan chức hoàn thiện mình, để chính quyền ngày càng trong sạch. Chúng ta không nhất thiết phải tiếp nhận tất cả mọi thứ của thiên hạ. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phấn đấu để không quá khác biệt với họ đến mức vừa nói xấu lãnh đạo đã bị xử phạt tức thì. (Đại Biểu Nhân Dân 23/11) Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Quy định mới về tuổi nghỉ hưu và lương hưu


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Nghị định số 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về BHXH bắt buộc, có quy định cụ thể mức lương hưu hằng tháng của người lao động.
Theo nghị định, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 của Luật BHXH được tính như sau: Người lao động nghỉ hưu từ ngày 1/1/2016 đến trước ngày 1/1/2018, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
Lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%. Lao động nam nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%. (Quân Đội Nhân Dân 22/11)Về đầu trang

Cấm kinh doanh vũ trường trong chung cư


Chính phủ vừa ban hành Nghị định 99/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở (có hiệu lực từ 10/12/2015) các hành vi nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Theo đó, trong phần diện tích dùng để kinh doanh của nhà chung cư, nhiều ngành nghề, hàng hóa cũng nằm trong danh sách bị cấm kinh doanh, như: Vật liệu gây cháy nổ và các ngành nghề gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người sử dụng nhà chung cư theo quy định của pháp luật phòng cháy, chữa cháy; Kinh doanh vũ trường; Sửa chữa xe có động cơ; Giết mổ gia súc; Các hoạt động kinh doanh dịch vụ gây ô nhiễm khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, trường hợp kinh doanh dịch vụ nhà hàng, karaoke, quán bar, phải bảo đảm cách âm, tuân thủ yêu cầu về phòng, chống cháy nổ, có nơi thoát hiểm và chấp hành các điều kiện kinh doanh khác theo quy định của pháp luật. (Tiền Phong 23/11)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Thủ tướng yêu cầu tạm dừng xây dựng các trung tâm hành chính


Thủ tướng vừa yêu cầu các địa phương tạm dừng triển khai thực hiện việc đầu tư xây dựng các Trung tâm hành chính tập trung.
Thời gian qua, Thủ tướng đã đồng ý cho một số địa phương lập quy hoạch và chuẩn bị đầu tư xây dựng trung tâm hành chính theo hướng đảm bảo đáp ứng nhu cầu xây dựng hệ thống hành chính tập trung, hiệu quả, sử dụng nguồn vốn đầu tư từ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất các cơ sở nhà, đất hành chính cũ và ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, để có điều kiện đánh giá kỹ hơn và rút kinh nghiệm việc đầu tư xây dựng trung tâm hành chính tập trung, Thủ tướng yêu cầu các địa phương tạm dừng triển khai thực hiện việc đầu tư xây dựng trung tâm hành chính tập trung.
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện việc đầu tư xây dựng trung tâm hành chính tập trung tại các địa phương trong thời gian qua, đề xuất giải pháp phù hợp, báo cáo Thủ tướng. (VTV.vn 23/11)Về đầu trang

Tăng cường sửa chữa mặt đường bảo đảm an toàn giao thông cuối năm


Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có công điện yêu cầu các Cục quản lý Đường bộ, các Sở GTVT nhận ủy thác quản lý quốc lộ tăng cường tuần tra, phát hiện sửa chữa hư hỏng mặt đường, đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và trật tự an toàn giao thông dịp cuối năm 2015, đầu năm 2016.
Các Cục quản lý Đường bộ và các Sở GTVT tăng cường kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu quản lý bảo dưỡng quốc lộ thực hiện tốt công tác bảo dưỡng thường xuyên như: Vệ sinh mặt đường, san gạt lề đường, khơi rãnh thoát nước...
Đối với các đoạn hằn lún quá 2,5cm, các đoạn có hư hỏng mặt đường ảnh hưởng đến an toàn giao thông nằm ngoài phạm vi dự án BOT, hoặc dự án sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất, các đơn vị chủ động thống kê cụ thể mức độ hư hỏng và dự kiến kinh phí để đề xuất phương án sửa chữa trước ngày 25/11. (VTV.vn 23/11)Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Sửa đổi Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em: Các luật liên quan cần đồng nhất


Thảo luận dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) sáng 23/11, các đại biểu Quốc hội đề nghị tên luật chỉ cần viết ngắn gọn là Luật trẻ em, bởi trong đó đã bao hàm cả những nội dung về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Một trong những nội dung quan trọng được các đại biểu đề cập là việc mở rộng về cả phạm vi và độ tuổi của trẻ em. Cụ thể, luật hiện nay quy định dưới 16 tuổi là trẻ em, một số đại biểu đề nghị nên quy định dưới 18 tuổi mới là trẻ em.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị cần cân nhắc hơn, vì nếu quy định tuổi trẻ em từ 18 trở xuống sẽ phát sinh một số hạn chế như: gia tăng nạn trẻ em lấy vợ, lấy chồng; gia tăng tình trạng tội phạm trẻ em. Do đó, trước khi nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18, các luật khác cũng phải được điều chỉnh đồng nhất nhằm hạn chế tình trạng trên. (Kênh VTV1 –Bản tin Thời sự lúc 12h ngày 23/11) Về đầu trang

Phân công soạn thảo 2 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội


Thủ tướng vừa phân công cơ quan chủ trì soạn thảo 2 dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Cụ thể, Thủ tướng phân công Bộ Nội vụ chủ trì, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan phối hợp soạn thảo Nghị quyết của UBTVQH hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, trình Chính phủ, UBTVQH trong tháng 12 tới.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan soạn thảo Nghị quyết của UBTVQH quy định về chế độ và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân, trình Chính phủ, UBTVQH trong tháng 12 tới.
Thủ tướng yêu cầu cơ quan được giao chủ trì soạn thảo phải tập trung thời gian, nguồn lực để bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự thảo Nghị quyết trình Chính phủ xem xét, thông qua để trình UBTVQH.
Các cơ quan được giao phối hợp trong việc soạn thảo dự thảo Nghị quyết phải phối hợp chặt chẽ, nghiêm túc với cơ quan chủ trì soạn thảo.
Bộ Tư pháp ưu tiên thẩm định các dự thảo Nghị quyết ngay sau khi nhận được đề nghị của cơ quan chủ trì soạn thảo.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội phân bổ đầy đủ, kịp thời kinh phí bảo đảm cho việc xây dựng các dự thảo Nghị quyết. (Website Đảng Cộng Sản Việt Nam 23/11)Về đầu trang

Quốc hội thông qua Luật Thống kê


Sáng 23/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thống kê với 84,21% đại biểu tán thành. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
Luật gồm 9 Chương, 72 Điều quy định về hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê nhà nước; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê nhà nước; tổ chức thống kê nhà nước và hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê ngoài thống kê nhà nước.
Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, thực hiện hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê.
Luật quy định nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê và sử dụng dữ liệu thông tin thống kê; quy định nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê nhà nước. Theo đó, bảo đảm nguyên tắc trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời; độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê; thống nhất về nghiệp vụ, không trùng lặp, không chồng chéo; minh bạch, công khai; có tính so sánh.
Luật quy định nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê ngoài thống kê nhà nước. Theo đó, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, tự chịu trách nhiệm; không xâm phạm lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Về thẩm định hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành, Luật quy định: Hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành phải được cơ quan thống kê trung ương thẩm định về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê trước khi ban hành. Thời hạn thẩm định là 20 ngày, kể từ ngày cơ quan thẩm định nhận đủ hồ sơ gửi thẩm định.
Chỉ tiêu thống kê bộ, ngành được điều chỉnh, bổ sung phải được cơ quan thống kê trung ương thẩm định về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê trước khi ban hành.
Về trách nhiệm của bộ, ngành đối với các chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, Luật quy định rõ: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm về số liệu thống kê mà bộ, ngành mình được phân công thu thập, tổng hợp trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Đáng chú ý, Luật quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê nhà nước và ngoài nhà nước. Trong đó, cấm khai man, làm sai lệch dữ liệu thông tin thống kê; can thiệp, ép buộc, áp đặt, mua chuộc, đe dọa, dụ dỗ người khác khai man, làm sai lệch dữ liệu, thông tin thống kê và sử dụng thông tin thống kê; báo cáo, công bố, phổ biến thông tin thống kê không chính xác; tiết lộ thông tin thống kê thuộc bí mật nhà nước; tiết lộ dữ liệu, thông tin thống kê chưa được công bố của cơ quan, tổ chức; sử dụng dữ liệu, thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài mục đích thống kê khi chưa được sự đồng ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó; thu thập, phổ biến thông tin thống kê thuộc bí mật nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…
Theo đó, người nào có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về thống kê thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. (Website Đảng Cộng Sản Việt Nam 23/11)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

Sơn La: Bình yên từ cam kết “4 không”


Từ một điểm “nóng” về tệ nạn buôn bán ma túy, giờ đây bản Tông, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La trở thành điểm sáng về sự bình yên cũng như thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là Chi hội Phụ nữ với cam kết “4 không”.
Ông Lò Văn Mừng - Trưởng bản Tông kể, cách đây 5 năm, bản có vài chục “con nghiện”. Họ đã khiến cuộc sống của người dân trong bản bị đảo lộn, trộm cắp hoành hành, đói nghèo triền miên… Trước thực trạng này, Trưởng bản đã phải họp các đoàn thể lại để cùng nhau tìm biện pháp tháo gỡ, động viên thanh niên lầm đường lạc lối đi cai nghiện.
Sau rất nhiều thời gian tìm hướng để đi, Chi hội Phụ nữ đã “hiến kế”, muốn thực hiện tốt việc này, chính các hội viên phải vận động con em trong gia đình mình từ bỏ ma túy trước. Các mẹ, các chị đã nhẹ nhàng, khuyên nhủ, bảo ban con em mình thực hiện tốt cam kết “4 không” về ma túy”- ông Mừng nhớ lại.
Cũng theo ông Mừng, các đoàn thể khác như Hội Cựu chiến binh, Người cao tuổi, Đoàn Thanh niên luôn phối hợp chặt chẽ với Chi hội Phụ nữ để cùng nhau vận động con, em mình từ bỏ ma túy. 200 hội viên phụ nữ đồng lòng ký cam kết “4 không”: Không thử dùng, không sử dụng, không kiếm tiền bằng việc buôn bán ma túy, không làm ngơ trước biểu hiện ma túy.
Chi hội cũng phối hợp với các đoàn thể trong bản đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực đấu tranh, tố giác, phát giác tội phạm và tệ nạn ma túy; tăng cường giám sát, quản lý, hỗ trợ về kinh tế, ngày công lao động với những người sau cai nghiện để họ ổn định cuộc sống, không tái nghiện.
Theo chị Lò Thị Inh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Tông, việc thành lập các tổ liên gia tự quản cũng góp phần không nhỏ đẩy lùi tệ nạn ma túy. Các gia đình tự vận động con cái mình đi cai nghiện. Khi họ cai được nghiện trở về địa phương, Chi hội thường xuyên hỏi thăm và vận động họ không tái nghiện. Họ được quan tâm, tạo điều kiện cho vay vốn để phát triển kinh tế. (Đại Đoàn Kết 22/11)Về đầu trang

Hải Phòng: Thành công nhờ tự quản để bảo vệ môi trường


Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố Hải Phòng đã triển khai xây dựng mô hình điểm “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” tại thôn Đốc Hậu, xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng và khu dân cư số 2 phường Lãm Hà, quận Kiến An.
Những năm trước đây tình trạng ô nhiễm môi trường là vấn đề nan giải của xã Toàn Thắng. Các hộ gia đình thường thu gom vào góc vườn rồi đốt hoặc tự chôn lấp, một số hộ đổ rác ra bờ kênh, ven đường. Nhiều hộ chăn nuôi, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, song lại chưa quan tâm đến môi trường nên xả chất thải, nước thải ra đường, hệ thống thoát nước của thôn, khu dân cư hay xả ra ngoài cánh đồng gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước.
Theo Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Đốc Hậu Phạm Quý Vóc, năm 2008 Ủy ban MTTQ thành phố Hải Phòng và huyện Tiên Lãng quyết định chọn thôn Đốc Hậu để thực hiện điểm mô hình “Tự quản bảo vệ môi trường”.
Để triển khai thực hiện chi bộ thôn Đốc Hậu (Toàn Thắng) đã ra nghị quyết chuyên đề về bảo vệ môi trường chủ động triển khai xây dựng mô hình. Ban Ban công tác Mặt trận thôn, các tổ chức đoàn thể vào cuộc vận động nhân dân đồng lòng thực hiện chủ trương thực hiện bê tông hóa đường làng ngõ xóm, xây dựng hệ thống tiêu thoát nước với phương châm “lấy sức dân lo cho dân”.
Cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, thôn thực hiện tốt công tác vận động xã hội hóa, nhất là sự đóng góp của con em xa quê cùng toàn thể nhân dân trong thôn. Ban Ban công tác Mặt trận thôn đã tổ chức cho các chi hội đoàn thể ký kết giao ước thi đua thực hiện 10 nội dung trong vận động đoàn viên, hội viên tích cực hưởng ứng phong trào tự quản bảo vệ môi trường.
Đến nay, 100% các hộ gia đình trong thôn đều tự nguyện ký cam kết bảo vệ môi trường. Tại mỗi hộ gia đình đều có vật dụng chứa rác thải, chất thải bảo đảm không gây ô nhiễm trước khi đưa đến nơi xử lý. Các hộ gia đình cũng thống nhất cam kết không vứt rác bừa bãi ra đường, giữ vệ sinh khu vực công cộng, không phóng uế, vứt xác động vật bừa bãi, thả rông súc vật…
Việc thực hiện mô hình điểm “Tự quản bảo vệ môi trường” tại thôn Đốc Hậu đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân trong khu dân cư. Với hiệu quả rõ rệt đó từ năm 2010 mô hình “Tự quản bảo vệ môi trường” được củng cố và nhân rộng toàn xã. Năm 2014, xã Toàn Thắng là địa phương đầu tiên của huyện Tiên Lãng về đích hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và là xã đi đầu hoàn thành tiêu chí về môi trường, một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. (Đại Đoàn Kết 23/11)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

25% doanh nghiệp Nhật Bản rời Trung Quốc đã chọn Việt Nam


Theo Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) có đến 25% số doanh nghiệp Nhật Bản rời Trung Quốc đã chọn Việt Nam để đầu tư.
Ngoài giá nhân công rẻ, doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam đã được cải thiện, nhiều cầu đường được xây dựng rút ngắn thời gian di chuyển nên doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Tuy nhiên, qua khảo sát doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề như thông tin chưa rõ ràng, giá nhân công bắt đầu tăng lên... Đặc biệt, công nghiệp phụ trợ Việt Nam vẫn còn yếu kém, doanh nghiệp cần 100% nguyên liệu thì chỉ 33% mua được ở Việt Nam nên cần sự hỗ trợ về thuế và ưu đãi khác để doanh nghiệp phụ trợ phát triển. (Thời Báo Kinh Doanh 23/11)Về đầu trang

Nợ khó đòi của các "ông lớn" nhà nước tăng gần 19%


Theo báo cáo, tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2014, các tập đoàn, tổng công ty có tổng nợ phải thu là 293.617 tỷ đồng, tăng 11%. Tỷ lệ nợ phải thu/tổng tài sản năm 2014 là 11%. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 13.570 tỷ đồng, tăng 18,6%, chiếm 4,6% tổng số nợ phải thu.
Dẫn đầu về nợ khó đòi là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) với 3.113 tỷ đồng. Lần lượt theo sau có Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam 1.807 tỷ đồng; Tập đoàn Viễn thông quân đội 616 tỷ đồng, Tổng công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam 613 tỷ đồng.
Cũng lên đến 608 tỷ đồng là Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam, 544 tỷ là nợ khó đòi của Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc ít hơn một chút với 504 tỷ đồng, Tổng công ty Hàng không Việt Nam 391 tỷ đồng...
Báo cáo của công ty mẹ cho thấy, tổng nợ phải thu là 293.617 tỷ đồng tăng 2%. Trong đó nợ phải thu khó đòi là 9.569 tỷ đồng, tăng 19,4%, chiếm 4,3% tổng số nợ phải thu. Các tập đoàn, tổng công ty đã trích lập 12.032 tỷ đồng dự phòng nợ phải thu khó đòi để xử lý các khoản nợ phải thu khó đòi theo quy định, Chính phủ cho biết.
Cụ thể hơn về nợ, báo cáo nêu nhiều con số cho thấy một số công ty mẹ có tỷ lệ nợ phải thu/tổng tài sản cao đến trên 50%. Như công ty mẹ - Tổng công ty Đông Bắc nợ phải thu 4.714,191 tỷ đồng, bằng 72%, số tương tự ở công ty mẹ - Tổng công ty xây dựng Trường Sơn là 1.985,740 tỷ đồng, bằng 69%.
Cũng chiếm đến 69% là công ty mẹ - Tổng công ty Xây dựng Nông nghiệp với 374,834 tỷ đồng,... nhiều công ty mẹ khác cũng có số nợ phải thu trên 50%.
Báo cáo còn nêu một số công ty mẹ, nợ phải thu khó đòi có giá trị tuyệt đối không lớn nhưng tỷ lệ nợ phải thu khó đòi/tổng nợ phải thu cao. Đó là: công ty mẹ - Tổng công ty Vật tư nông nghiệp nợ phải thu khó đòi 79 tỷ đồng, chiếm 33,8%, của công ty mẹ - Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam là 54,223 tỷ đồng, chiếm 33,2% .
Chính phủ cho biết, nợ phải thu khó đòi và tỷ lệ nợ phải thu /tổng tài sản năm 2014 tăng hơn năm 2013, tập trung chủ yếu ở ngành xây dựng, nông nghiệp cho thấy sự phục hồi của thị trường bất động sản chưa rõ nét, khả năng tiêu thụ bất động sản còn chậm. Còn đối với sản phẩm nông nghiệp khả năng cạnh tranh thấp, sản xuất mang tính thời vụ.
Các yếu tố trên là nguyên nhân dẫn tới thời gian thanh toán khi tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp phải kéo dài, làm tăng nợ phải thu và rủi ro nợ khó đòi, Chính phủ phân tích.
Nợ khó đòi tăng, và nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty cũng tăng đến 8% với 1.567.063 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2014 là 1,41 lần, trong đó có 28 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. (Vneconomy.vn 22/11)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Thủ tướng phê duyệt biên chế công chức năm 2016


Thủ tướng vừa phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước của các cơ quan hành chính Nhà nước và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2016.
Theo đó, tổng biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước của các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài là gần 273.000 biên chế. Tổng biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2016 là gần 700 biên chế.
Như vậy, so với năm 2015, năm 2016 sẽ giảm hơn 4.100 biên chế của các Bộ, ngành và địa phương. (VTV.vn 23/11)Về đầu trang

Sao phải tuyển lao động Trung Quốc?


Đó là nhan đề và cũng là câu hỏi của báo Người Lao Động phản ánh: Hàng loạt công trình, dự án ở Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Đắk Nông… sử dụng hàng ngàn “công nhân kỹ thuật” Trung Quốc, trong đó nhiều người làm những công việc mà lao động phổ thông địa phương dư sức đảm nhận.
Về việc Đà Nẵng cho phép Sichuan Hua Shi đưa 300 lao động từ Tứ Xuyên qua, ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy thành phố Đà Nẵng, đặt vấn đề tại sao phải tuyển lao động Trung Quốc. Phải chăng, vì Đà Nẵng thiếu lao động nên chính quyền thành phố mới đồng ý để Công ty Sichuan Hua Shi đưa người từ Trung Quốc sang tham gia xây khách sạn JW Marriott?
Theo ông Tiếng, thợ xây dựng Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng được đánh giá là có tay nghề cao, từng thi công hàng trăm công trình hoành tráng khắp cả nước. Vì thế, nếu cho rằng không tuyển được lao động tại chỗ do không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật để đưa hàng trăm người từ Trung Quốc sang thì rất không thuyết phục.
Trước đó, năm 2014, dư luận cũng hết sức lo ngại khi nhà thầu dự án Formosa xin phép chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho tuyển dụng hàng ngàn lao động Trung Quốc. Khi ấy, nhiều người không khỏi băn khoăn những vị trí công việc ở dự án Formosa, lao động Việt Nam có đáp ứng được không và nhà thầu đã thông báo tuyển dụng rộng rãi trong nước theo Nghị định 102/2013 chưa mà đã cho phép tuyển dụng lao động nước ngoài?
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo Cục Việc làm - Bộ LĐ-TB-XH cho biết trước khi tuyển lao động nước ngoài vào làm việc xây lắp ngắn hạn tại dự án Formosa, nhà thầu cũng đã có văn bản đề nghị tuyển lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến. “Dù tỉnh Hà Tĩnh đã thông báo rộng rãi nhưng chỉ tuyển được 5%-10% lao động trong nước. Nguyên nhân chủ yếu là do người lao động trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu” - đại diện Cục Việc làm giải thích. (Người Lao Động 23/11)Về đầu trang

Lùi thời gian tăng viện phí


Trao đổi với báo chí ngày 22/11, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế Nguyễn Nam Liên cho biết như vậy.
Viện phí sẽ tăng trước ở nhóm bệnh nhân bảo hiểm y tế, cùng lúc tại bệnh viện sẽ có 2 mức viện phí cho người có bảo hiểm và người trả viện phí trực tiếp, đồng thời cần thời gian tập huấn cho cán bộ tại các bệnh viện về viện phí mới…
Trước đó, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thống nhất biểu giá mới với 1800 dịch vụ y tế, trong đó đưa thêm phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật và một phần tiền lương vào viện phí, do đó giá dịch vụ y tế tăng hơn hẳn so với hiện hành, nhiều dịch vụ tăng 2-5 lần.
Theo ông Liên, hiện còn khoảng 10 địa phương có số người tham gia bảo hiểm y tế dưới 60% số dân, trên toàn quốc tỷ lệ dân số có bảo hiểm y tế mới đạt mức 73%, người chưa có bảo hiểm sẽ gặp khó khăn khi áp dụng viện phí mới với nhóm trả viện phí trực tiếp.
Ông Liên cũng cho biết năm 2016 ngân sách đã bố trí đủ để hỗ trợ người nghèo, cận nghèo, người làm nghề nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình tham gia bảo hiểm y tế, nhưng các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ lập danh sách người được nhận hỗ trợ này (hỗ trợ cho người làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình đã có hiệu lực từ 1-1-2015, nhưng đến nay mới có 1 địa phương có danh sách đối tượng được nhận hỗ trợ). (Tuổi Trẻ 23/11)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Không cấp ngân sách cho địa phương xây trụ sở


Bộ Tài chính cho biết, giai đoạn 2016-2020 việc đầu tư dự án phải thực hiện theo Luật Đầu tư công; Nghị quyết số 1023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 40 (2015) của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, ngân sách trung ương không hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương để thực hiện dự án xây dựng trụ sở làm việc của tỉnh mà chỉ tập trung hỗ trợ kết cấu hạ tầng giao thông đầu mối, dự án kết nối liên tỉnh, liên vùng của địa phương; đường giao thông kết nối với đường cao tốc, quốc lộ, khu kinh tế (bao gồm cả khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cửa khẩu biên giới quan trọng, cảng biển, cảng hàng không); các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng của các tỉnh, huyện mới chia tách. (Tiền Phong 23/11)Về đầu trang

PHÁP LUẬT

Quảng Trị: Xử lý đội trưởng Cảnh sát giao thông “xin đá” của doanh nghiệp


Liên quan đến vụ thiếu tá Hồ Văn Sinh, Đội trưởng đội Cảnh sát giao thông - Trật tự - Cơ động Công an huyện Đakrông ra văn bản xin đá của Công ty Funix- Max để giúp Thủ trưởng (ông Hồ Sỹ Nhung, Trưởng Công an huyện Đakrông) làm nhà, ngày 22/11, Công an huyện Đakrông đã chính thức lên tiếng bằng văn bản.
Theo đó, một văn bản do Thượng tá Nguyễn Văn Dương -, Phó Trưởng Công an huyện Đakrông ký đã được gửi đến Công ty Funix- Max với nội dung: “Qua kiểm tra trên mạng xã hội, Công an huyện Đakrông phát hiện đồng chí Hồ Văn Sinh, Đội trưởng đội Cảnh sát giao thông - Trật tự - Cơ động thuộc Công an huyện Đakrông đã viết một tờ trình ngày 16/11, gửi Công ty Funix - Max xin hỗ trợ đá xây dựng nhà ở.
Qua nghiên cứu nội dung, thể thức văn bản, Công an huyện Đakrông xét thấy đây là văn bản trái quy định, không đóng dấu cơ quan, không có chủ trương của Công an huyện Đakrông và Trưởng Công an huyện. Công an huyện Đakrông thông báo đến Công ty Funix - Max, việc làm trên là do ông Sinh tự ý liên hệ, không có ý kiến chỉ đạo của ông Hồ Sỹ Nhung, Trưởng Công an huyện và Ban Chỉ huy Công an huyện. Việc xin đá 1x2 để xây nhà cho ông Nhung là không đúng vì nhà ông Nhung đã đổ xong sàn trần nên không có nhu cầu”.
Cũng theo văn bản này, thì đối với việc sai phạm của Thiếu tá Sinh, Ban chỉ huy Công an huyện sẽ tiến hành xử lý theo thẩm quyền.
Công an huyện Đakrông cũng đề nghị Công ty Funix - Max trong quá trình trao đổi với các phương tiện thông tin đại chúng cần phối hợp với Ban chỉ huy Công an huyện Đakrông để tiến hành làm rõ vụ việc một cách khách quan, chính xác. (Thanh Niên 23/11)Về đầu trang

TIN THẾ GIỚI

Thủ tướng Hy Lạp kêu gọi đối thoại quốc gia về cải cách hưu trí


Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras vừa kêu gọi đối thoại với các đảng phái chính trị hàng đầu của đất nước về kế hoạch cải cách hưu trí. Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi có 2 nghị sỹ của đảng cánh tả cầm quyền Syriza bị khai trừ khỏi đảng này vì phản đối những cải cách mới của chính phủ.
Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Tsipras cho biết chính phủ sẽ tiến hành các cải cách toàn diện nhằm tạo ra chính sách hưu trí linh hoạt và bền vững hơn.
Ông Tsipras khẳng định chính phủ có kế hoạch riêng và kêu gọi các đảng phái chính trị cùng các nhà hoạt động xã hội cùng tham gia "đối thoại quốc gia", bởi theo ông, sự đồng thuận là vô cùng cần thiết để triển khai các kế hoạch cải cách theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế.
Người đứng đầu chính phủ Hy Lạp cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải cải cách hệ thống giáo dục và hiến pháp, vốn là những vấn đề quan trọng tiếp theo trong chương trình nghị sự của chính phủ. (TTXVN 23/11)Về đầu trang./.

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG





tải về 279.31 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương