BẢn tin phục vụ LÃnh đẠO (Ngày 21 tháng 4 năm 2014)



tải về 114.82 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích114.82 Kb.
#29310



BẢN TIN PHỤC VỤ LÃNH ĐẠO

(Ngày 21 tháng 4 năm 2014)


CHỈ THỊ MỚI 2

  1. CHỈ THỊ MỚI 2

  2. Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn giao thông dịp lễ và các kỳ thi 2

  3. Chính phủ yêu cầu kiểm tra vụ nắn đường Trường Chinh – Hà Nội 2

  4. Các Sở Y tế báo cáo hằng ngày tình hình bệnh sởi 3

  5. Tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không 3

TƯ DUY – CÁCH LÀM MỚI 4

  1. TƯ DUY – CÁCH LÀM MỚI 4

  2. Lào Cai: Thư viện lưu động đưa văn hóa đọc tới giới trẻ vùng cao 4

  3. Quảng Nam: Sáng tạo từ mô hình “2+1” 4

TIN QUỐC HỘI 5

  1. TIN QUỐC HỘI 5

  2. 34/34 địa phương đầu mối chi sai chế độ 5

  3. Đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu 5

  4. Quốc Hội giám sát oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự 7

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN 7

  1. PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN 7

  2. Nhân dân cảm ơn Thủ tướng 7

QUẢN LÝ 9

  1. QUẢN LÝ 9

  2. Công chức sẽ được vay tiền xây nhà 9

  3. Thu hồi tài sản tham nhũng như thế nào? 9

  4. Đề xuất tiếp công dân trực tuyến 11

  5. Chứng minh nghịch lý càng tinh giản, biên chế càng tăng 11

  6. Bà Rịa - Vũng Tàu: Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường chưa được trang bị máy vi tính 12

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH 13

  1. CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH 13

  2. Chính thức hoàn thiện nâng cấp hệ thống chứng thực chữ ký số quốc gia 13

PHÁP LUẬT 13

  1. PHÁP LUẬT 13

  2. Lâm Đồng: Kỷ luật hiệu trưởng “ăn tiền” của học sinh 13

  3. Hiệu trưởng Cao đẳng Sóc Trăng bị thanh tra 14

THẾ GIỚI 14

  1. THẾ GIỚI 14

  2. Pháp cắt giảm nhiều khoản trợ cấp và phúc lợi xã hội 14



CHỈ THỊ MỚI

Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn giao thông dịp lễ và các kỳ thi


Ngày 17 /4, Thủ tướng đã ký Công điện số 482/TTg về việc phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5; lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học, tuyển sinh đại học, cao đẳng và kỳ nghỉ Hè năm 2014.
Thủ tướng yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Công an, GTVT, Bộ GD&ĐT, Bộ TT&TT, Bộ VHTT&DL, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chỉ đạo và thực hiện tốt các nội dung.
Về công tác chỉ đạo, điều hành, các đơn vị thành lập bộ phận chuyên trách, thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, phối hợp giữa các lực lượng vận tải, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, bến tàu, nhà ga, bến xe, quản lý người điều khiển phương tiện, duy trì hoạt động của điện thoại đường dây nóng... nhằm kịp thời giải quyết hoặc tham mưu để xử lý các tình huống phát sinh liên quan đến việc phục vụ nhu cầu đi lại và bảo đảm trật tự an toàn giao thông... (TTXVN 18/4) Về đầu trang

Chính phủ yêu cầu kiểm tra vụ nắn đường Trường Chinh – Hà Nội


Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ đã yêu cầu TP.Hà Nội và Bộ Quốc phòng kiểm tra báo cáo về thông tin nắn đường Trường Chinh mà dư luận nêu thời gian qua.
“Việc nắn hay không nắn, dựa trên cơ sở nào sẽ được các cơ quan chức năng kiểm tra báo cáo rõ để người dân biết”, Phó thủ tướng nói. Tại cuộc làm việc với UBND TP.Hà Nội vào đầu tháng 4, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết các khiếu nại của người dân Hà Nội liên quan đến dự án mở rộng đường Trường Chinh đã vượt cấp đến nhiều cơ quan Trung ương, trở thành vấn đề rất “nóng” cần phải được quan tâm giải quyết.
Trả lời báo chí gần đây, lãnh đạo TP.Hà Nội thừa nhận có việc “nắn cong” đường Trường Chinh dựa trên cơ sở ý kiến của Bộ Quốc phòng. Việc nắn đường này “không có dấu hiệu tiêu cực mà là công khai minh bạch, đúng thủ tục”, Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị đã nói như vậy.
Trong ngày 18/4, ông Nguyễn Thịnh Thành - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND TP.Hà Nội cho biết, ngày 10/4, Bộ Quốc phòng đã có văn bản trả lời thành phố nêu quan điểm “bảo lưu” ý kiến đã nêu năm 2007. UBND TP.Hà Nội cũng xác định nếu để đường Trường Chinh đi thẳng thì thu hồi đất giải phóng mặt bằng sẽ tăng thêm khoảng 193 tỉ đồng so với đi cong như trong quy hoạch. (Thanh Niên 19/4) Về đầu trang

Các Sở Y tế báo cáo hằng ngày tình hình bệnh sởi


Bộ Y tế vừa có công văn hỏa tốc gửi Chủ tịch UBND 14 tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo Sở Y tế thực hiện báo cáo hằng ngày tình hình bệnh sởi về Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế).
Đó là các tỉnh, thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Bình Dương, Thái Bình, An Giang, Vĩnh Long.
Theo công văn, mặc dù phải hoàn thành trong tháng 4 này chiến dịch tiêm vét vaccine sởi cho toàn bộ trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi (riêng tại TPHCM là từ 9 tháng đến 3 tuổi) chưa tiêm vaccine sởi, nhưng đến thời điểm này, vẫn còn nhiều tỉnh chưa chỉ đạo quyết liệt nên tỷ lệ đạt rất thấp (dưới 50% kế hoạch) và một số địa phương có số mắc sởi cao, chưa được khống chế, do đó dịch có thể tiếp tục lây lan.
Để quyết liệt, chủ động kiểm soát bệnh sởi trong thời gian sớm nhất, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh trên tập trung chỉ đạo Sở Y tế tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình bệnh sởi tại cộng đồng và các cơ sở y tế, phát hiện sớm, tổ chức cách ly các trường hợp mắc bệnh, xác định các khu vực có nguy cơ lây nhiễm sởi, đối tượng có nguy cơ cao để thực hiện khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch.
Đồng thời, chỉ đạo Sở Y tế thực hiện báo cáo hằng ngày tình hình bệnh sởi về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức phân tuyến điều trị tại các bệnh viện, tập trung các nguồn lực phục vụ thu dung, điều trị bệnh nhân, không để tình trạng chuyển tuyến các bệnh nhân trong khả năng điều trị để tránh lây nhiễm sởi và các bệnh hô hấp khác. (Chinhphu.vn 18/4) Về đầu trang

Tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ GTVT rà soát, bổ sung các quy định về công tác kiểm tra, giám sát an ninh đối với hành khách và giấy tờ của hành khách khi sử dụng tàu bay nhằm tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không.
Đồng thời Bộ GTTV chỉ đạo các hãng hàng không hoàn thiện, công khai các quy định về việc bán và hoàn trả vé theo hướng tạo thuận lợi cho hành khách khi sử dụng tàu bay.
Trước đó, báo PetroTimes ra ngày 27/1/2014 có bài phản ánh việc vi phạm quy định về an ninh hàng không tại các sân bay. Cũng theo bài báo, không cần chứng minh nhân dân, chỉ cần bỏ ra một khoản tiền, hành khách sẽ được “bảo lãnh” lên máy bay, bất chấp những quy định ngặt nghèo về an ninh tại sân bay Tân Sơn Nhất. (Chinhphu.vn 18/4) Về đầu trang

TƯ DUY – CÁCH LÀM MỚI

Lào Cai: Thư viện lưu động đưa văn hóa đọc tới giới trẻ vùng cao


Sau hơn một năm triển khai thí điểm mô hình "Thư viện lưu động," bước đầu, tỉnh Lào Cai đã thu hút được một lượng lớn độc giả trẻ tuổi đến với các kệ sách thư viện, từ đó dần hình thành văn hóa đọc trong giới trẻ vùng cao Tây Bắc.
"Kể từ khi triển khai thí điểm mô hình "Thư viện lưu động," lượng độc giả thanh thiếu niên đến làm thẻ tại thư viện trung tâm đã tăng hơn 40%, số lượng sách luân chuyển tăng gấp đôi. Đây là thành công ngoài sức tưởng tượng của đội ngũ những người làm công tác thư viện chúng tôi," ông Phạm Văn Hạnh - Giám đốc thư viện tỉnh Lào Cai hào hứng cho biết.
Thư viện lưu động được thiết kế trên một xe tải chuyên dụng, nhờ đó có thể đi vào những nơi chật hẹp, vùng xa xôi hẻo lánh mà người dân ít có điều kiện tiếp cận đầy đủ các loại hình sách báo.
Mỗi chuyến xe lăn bánh lại mở ra nguồn tri thức mới cho nhiều học sinh, nhất là ở các xã miền núi, khó khăn. Bởi vậy, thư viện lưu động luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đội ngũ giáo viên và học sinh.
Từ đầu năm 2013 đến nay, thư viện tỉnh Lào Cai đã tổ chức được 10 chuyến đi tới các xã vùng sâu, vùng xây dựng nông thôn mới của thành phố Lào Cai và một số trường tiểu học trung tâm thành phố, phục vụ bình quân 250-300 lượt học sinh/buổi.
Đến nay, mô hình này đã đem lại cơ hội khám phá tri thức cho hơn 3.000 học sinh các cấp. Bên trong thư viện lưu động có từ 300 đến 500 đầu sách báo/lần, xếp theo chủ đề: văn học, nghệ thuật, thiếu nhi, lịch sử, danh nhân, nông nghiệp, truyện tranh, báo Mực Tím-Hoa học trò-Nhi đồng…
Ngoài việc đọc sách các em còn được tham gia các hoạt động bổ trợ khác như giao lưu với các diễn giả trong các buổi nói chuyện chuyên đề, được hướng dẫn đọc sách theo chuyên đề và lứa tuổi, kể chuyện, hướng dẫn vẽ tranh, tham gia các trò chơi giáo dục.
Theo đánh giá của nhiều giáo viên, mô hình đã bước đầu xây dựng văn hóa đọc sách cho học sinh và giúp các em hình thành phương pháp tìm kiếm thông tin, tra cứu tài liệu phục vụ học tập. (VietnamPlus 19/4) Về đầu trang

Quảng Nam: Sáng tạo từ mô hình “2+1”


Cứ một thanh niên hư hỏng sẽ được hai đoàn viên đứng ra kèm cặp giúp tiến bộ. Đó là mô hình “2+1” do Xã đoàn Điện Ngọc (huyện Điện Bàn) thực hiện.
Nhiều năm trước, Điện Ngọc là một trong những xã mất trật tự an ninh nhất của huyện Điện Bàn. Lượng thanh thiếu niên bỏ học, lêu lổng và thất nghiệp luôn ở mức cao. Tuy nhiên kể từ năm 2008, khi mô hình “2+1” do xã đoàn xây dựng và đi vào hoạt động, tình trạng trên đã dần dần được chấn chỉnh. Anh Nguyễn Minh Thành, bí thư Xã đoàn Điện Ngọc, cho biết: “Mô hình “2+1” là ý tưởng do một số bạn đoàn viên trong chi đoàn đề xuất sau cuộc họp bàn về giải pháp ngăn ngừa tình trạng thanh thiếu niên lêu lổng”.
Sau sáu năm hoạt động, mô hình trên của xã đoàn đã mang lại những kết quả tích cực. Không ít học sinh vì mê game, tụ tập rồi bỏ học giữa chừng đã được các bạn đoàn viên khuyên nhủ, thoát khỏi thói hư và trở lại lớp học. Có trường hợp nghiện ngập cũng đã được “2+1” tiếp cận và giúp đỡ cắt cơn như trường hợp của N.P.N. (trú thôn Viêm Minh) là một ví dụ. N. từ là con nghiện nặng giờ đã dần ngộ ra và quyết tâm cai nghiện. “Số bạn trẻ mới lớn đua đòi, sử dụng ma túy như N. trên địa bàn xã rất nhiều. Nhưng được sự dìu dắt của các thành viên trong tổ chức “2+1” đã thay đổi và sống có ích. Những bạn sau khi dứt nghiện hay mới ra tù, Đoàn cũng tạo điều kiện, giới thiệu công việc làm” - anh Thành, thủ lĩnh tổ chức “2+1”, chia sẻ.
Anh Nguyễn Ngọc Tuấn, bí thư Huyện đoàn Điện Bàn, cho biết: “Mô hình “2+1” ở Điện Ngọc quả thật rất hiệu quả. Tình trạng thanh thiếu niên quậy phá gây mất an ninh cũng giảm theo từng năm. Huyện đoàn đã giới thiệu và khuyến khích áp dụng mô hình này đối với các địa phương khác trong huyện”. (Tuổi Trẻ 19/4) Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

34/34 địa phương đầu mối chi sai chế độ


Báo cáo thẩm tra về quyết toán ngân sách nhà nước trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp ngày 17/4 đã nêu thực trạng đáng báo động về tình trạng chi sai chế độ, khi kiểm toán nhà nướcphát hiện chi sai tại cả 34/34 địa phương đầu mối, kiến nghị thu hồi ngân sách Nhà nước 648 tỉ đồng, tăng 452 tỉ đồng so với năm 2011.
Trình bày báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, quyết toán số bội chi năm 2012 là 154.126 tỉ đồng, so dự toán vượt 13.926 tỉ đồng, bằng 4,75% GDP thực tế, nằm trong tỉ lệ bội chi Quốc hội cho phép. Tuy nhiên, thẩm tra sơ bộ, có ý kiến tại Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, số bội chi như báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh hết tình hình. (Lao Động 18/4) Về đầu trang

Đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu


Trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi ngày 18/4, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đề nghị nâng tuổi nghỉ hưu (nam 62, nữ 60) để tránh nguy cơ vỡ Quỹ bảo hiểm xã hội trong tương lai không xa.

“Với các chính sách hiện hành, quỹ hưu trí và tử tuất đến năm 2021 thu trong năm không đủ chi trong năm. Để bảo đảm khả năng chi trả, phải lấy từ nguồn kết dư của quỹ. Đến năm 2034, phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu” - bà Chuyền cho hay. Lý do lớn nhất là mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) ở Việt Nam thấp, thời gian đóng lại ngắn, số lượng người đóng/người hưởng cũng thấp.


“Số người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu ngày càng giảm, nếu như năm 1996 có 217 người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu, con số này giảm xuống còn 34 người vào năm 2000, 19 người vào năm 2004, 14 người vào năm 2007, 11 người vào năm 2009, 9,9 người vào năm 2011 và đến năm 2012 chỉ có 9,3 người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu” - bà Chuyền nói thêm.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Các vấn đề xã hội cũng nêu rõ: “Qua bảy năm thi hành Luật BHXH cho thấy bên cạnh nhiều kết quả đạt được, còn có những tồn tại, đó là: diện bao phủ của BHXH còn thấp (chiếm khoảng 20% lực lượng lao động); công thức tính lương hưu chưa hợp lý; thời gian đóng BHXH thấp; số người nhận trợ cấp một lần tăng; mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH thấp so với thu nhập thực tế của người lao động; tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH chưa giảm; chậm ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa quản lý BHXH...”.
Theo đề xuất của Chính phủ, “từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm bốn tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của các nhóm đối tượng còn lại cứ mỗi năm tăng thêm bốn tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam”. Theo phương án này, đến năm 2031 (sau 15 năm) thì tuổi nghỉ hưu của nữ mới đạt 60 tuổi và đến năm 2022 (sau sáu năm) thì tuổi nghỉ hưu của nam đạt 62 tuổi.
Đồng tình với việc kéo dài tuổi hưu, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị tính toán lộ trình để khỏi xảy ra tình trạng lệch thời gian quá dài giữa nam và nữ như phương án trên đây. “Chúng ta đang bước vào thời kỳ rất đáng quan ngại: đất nước chưa giàu mà dân số đã bắt đầu già hóa nhanh, nhiều ý kiến cảnh báo Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình, nếu không đảm bảo mạng lưới an sinh xã hội thì xã hội sẽ bất ổn. Việc kéo dài tuổi hưu là không thể tránh khỏi” - ông Hiển bày tỏ.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính quan ngại về giới hạn tuổi và sức khỏe của người lao động. “Quan trọng là lao động có đủ sức khỏe để làm được việc không? Đối với khu vực doanh nghiệp như may mặc, da giày, cao su... không thể làm việc đến 60 tuổi, thậm chí hàng chục nghìn công nhân cao su họ chỉ đủ sức đến năm 45 tuổi, giáo viên cũng chỉ có thể đứng lớp đến năm 55 tuổi. Vì vậy chúng tôi đề nghị tuổi hưu 60 chỉ áp dụng với lao động nữ làm việc trong khối sự nghiệp hành chính” - ông Chính nói.
Ở khía cạnh khác, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mong muốn sửa luật thế nào để độ phủ lớn hơn, nhiều người lao động khi già được hưởng lương hưu hơn. “Bảo hiểm là cho người lao động, nhưng nông dân chúng ta mấy chục triệu người chưa có bảo hiểm” - ông Hùng nêu vấn đề.
Dự luật này sẽ trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 5 tới. (Tuổi Trẻ 19/4)Về đầu trang

Quốc Hội giám sát oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự


Ngày 18/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lựa chọn nội dung “Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát tình hình oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của QH, UBTVQH năm 2015. Theo tờ trình, Văn phòng QH đề nghị UBTVQH xem xét, lựa chọn 4/6 nội dung sau để thực hiện giám sát.
Thứ nhất là hiệu quả sử dụng vốn ODA cho đầu tư phát triển trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Thứ hai là việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2013.
Thứ ba là tình hình oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Thứ tư là việc thực hiện chính sách, pháp luật về chương trình xây dựng nông thôn mới và hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giai đoạn 2011-2014.
Thứ năm là việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo trợ xã hội. Thứ sáu là việc thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược.
Sau khi lấy ý kiến, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng và Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đều thống nhất đề nghị tiến hành giám sát tình hình oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự. Bởi cho rằng đây đang là vấn đề nóng và trên thực tế đã có rất nhiều vụ bị kết án oan sai xảy ra trên nhiều địa phương, tỉnh thành. (Tamnhin.net 19/4) Về đầu trang

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

Nhân dân cảm ơn Thủ tướng


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa quyết định “Giao Bộ VHTT&DL chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và UBND TP.Hà Nội khẩn trương làm việc với Hội đồng Olympic châu Á (OCA) và các đối tác liên quan để có phương án phù hợp rút đăng cai, không tổ chức ASIAD 18 tại Hà Nội. Việt Nam sẽ xin đăng cai tổ chức ASIAD vào thời điểm thích hợp”.
Đó là quyết định hợp lòng dân và phù hợp nhất với tình hình kinh tế, thể thao đất nước trong giai đoạn hiện nay, dù tầm nhìn là tới 2018. Không có bất cứ “sĩ diện” vu vơ và hoang tưởng nào ở đây cả.
ASIAD là một sự kiện thể thao lớn nhất châu Á, nó quy tụ toàn bộ tinh hoa của thể thao châu Á, trong đó có Việt Nam. Nó không chỉ định hình, định danh, mà còn định tầm phát triển của thể thao châu lục, trong đó đặc biệt chú trọng tới sự phát triển của thể thao các nước đang phát triển ở châu Á.
Việt Nam chưa phải là cường quốc thể thao châu Á. Điều đó đã rõ. Việt Nam đang phấn đấu để có thành tích trong một số môn thi thể thao ASIAD. Điều ấy càng rõ. Nhưng phấn đấu để có thành tích ở một số môn thi đấu không đồng nghĩa với Việt Nam cố phấn đấu trở thành một cường quốc thể thao châu Á trong tương lai gần. Ở đời, khó nhất khi biết mình là ai, mình ở đâu, mình muốn gì, và mình có thể làm được những gì.
Một số phát biểu của những người có trách nhiệm vận động tổ chức ASIAD 18 tại Việt Nam đã cho thấy “cái khó” ấy. Không chỉ khó về thành tích thể thao, về sự định hướng chưa rõ ràng khi đăng cai tổ chức ASIAD 18, sự vội vàng khi chưa tham khảo kỹ càng những nước có nền thể thao và kinh tế phát triển hơn mình trong việc họ xử sự và quyết định việc nước họ sẽ đăng cai ASIAD vào thời điểm thích hợp nào. Chúng ta còn quá hời hợt khi không thể tính được chi phí cuối cùng của việc tổ chức ASIAD này là bao nhiêu; con số 150 triệu đô la, dù là ‘con số khủng” với nền kinh tế còn rất nhiều khó khăn của Việt Nam hiện nay, chứ không phải nói như ông Hoàng Vĩnh Giang là “chuyện nhỏ với chính phủ”, nhưng con số ấy đâu phải là “chốt” cuối cùng, một khi Việt Nam chính thức đăng cai ASIAD 18.
Cho đến nay, Đề án tổ chức ASIAD 18 vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận về mục đích ý nghĩa và còn khác nhau rất lớn về tổng mức đầu tư cũng như các nguồn kinh phí cụ thể (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, nguồn xã hội hóa, nguồn thu từ ASIAD)…
Nhưng cái chưa đồng thuận lớn nhất lại thuộc về nhân dân. Nhân dân Việt Nam dù rất hâm mộ thể thao, dù không tiếc bất cứ thứ gì chứ không chỉ tiền bạc để mong đưa thể thao Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu, nhưng nhân dân Việt Nam cũng rất tỉnh táo khi biết trình độ thể thao thực sự của đất nước mình đang ở mức nào, và nhất là “hầu bao” của đất nước mình ra sao khi còn biết bao việc cần phải làm, bao khó khăn về kinh tế và đời sống cần tháo gỡ.
Chưa bao giờ là muộn với khát vọng tổ chức một kỳ ASIAD tại Việt Nam. Khi đất nước ta không chỉ phát triển về kinh tế, mà còn phát triển về văn hóa, thể thao, du lịch, thì một kỳ đại hội ASIAD tổ chức tại Việt Nam sẽ là cú hích tích cực để Việt Nam phát triển một cách toàn diện không chỉ vể thể thao. Sẽ tới thời điểm ấy. Nhưng bây giờ thì chưa.
Nhân dân cảm ơn Thủ tướng vì quyết định dừng đăng cai tổ chức ASIAD 18 đúng lúc và hợp lý này. Đó là một quyết định vì danh dự quốc gia. (Thanh Niên 19/4) Về đầu trang

QUẢN LÝ

Công chức sẽ được vay tiền xây nhà


Ngày 18/4, Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) đã họp phiên đầu tiên của năm 2014. Nhiều cơ chế, chính sách mới để hỗ trợ thị trường BĐS đã được các bộ, ngành đề xuất tại phiên họp.
Thông tin về tình hình triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn của chương trình, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân, cơ quan này đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét nới một số điều kiện để được vay tiền. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước thống nhất với Bộ Xây dựng đề xuất, cho phép kéo dài thời gian hỗ trợ từ 10 năm lên 15 năm để phù hợp với khả năng trả nợ của đối tượng thu nhập thấp; cho phép vay đối với các đối tượng khách hàng cá nhân mua nhà ở thương mại có tổng giá trị hợp đồng mua bán nhà tối đa 1,05 tỷ đồng (không khống chế về diện tích và đơn giá) để phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương; đồng thời, kiến nghị bổ sung thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần có nhu cầu được tham gia chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở để đẩy mạnh việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở.
Cũng tại cuộc họp sáng 18/4, Ngân hàng Nhà nước còn đề xuất bổ sung đối tượng là các hộ dân ở đô thị; cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tại các đô thị ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, có khó khăn về nhà ở (chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng xuống cấp hư hỏng) được vay để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở, nhưng tổng số vốn vay không quá 300 triệu đồng cũng như cho phép các đối tượng ký hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở trước ngày 7/1/2013 (ngày Nghị quyết 02/CP có hiệu lực) được vay trong gói hỗ trợ này. (An Ninh Thủ Đô 19/4) Về đầu trang

Thu hồi tài sản tham nhũng như thế nào?


Mặc dù thời gian gần đây, việc kê khai tài sản, công khai tài sản của những người làm công tác quản lý, lãnh đạo đã được thực hiện, nhưng dường như dư luận vẫn không thể hết nghi vấn, đặt nhiều câu hỏi trước thực tế tài sản quan chức thì kếch xù nhưng tài sản thu hồi được từ các vụ án tham nhũng lại chiếm tỷ lệ quá nhỏ, chưa đến 10%.
Lý giải cho câu chuyện này, nhiều ý kiến cho rằng, một khi quy định của pháp luật chưa rõ ràng, thống nhất; một khi việc kê khai, công khai tài sản của những người có chức, có quyền, có “nguy cơ” tham nhũng còn mập mờ thì tài sản do tham nhũng vẫn không thể thu hồi.
Từ trước đến nay, có sự khẳng định rằng, nếu tính giá trị thực thì chỉ thu được từ 2% đến 3% tài sản tham nhũng, và 10% vẫn là một con số đầy lạc quan. Dư luận không “sốc” trước thông tin này. Bởi đây là một thực tế mà dường như ai cũng biết trong nhiều năm qua. Nhưng họ không thể hiểu và bức xúc đặt nhiều câu hỏi “tại sao”?
Tại sao khi điều tra, truy tố, xét xử các cơ quan pháp luật đã xác định được thiệt hại do hành vi tham nhũng gây nên, đã xác định được khối tài sản của các tội phạm do tham nhũng mà có nhưng không thu hồi được? Tại sao không kiểm soát ngay khi có hiện tượng làm giàu bất chính của quan chức? Tại sao còn để tình trạng chịu trách nhiệm tập thể thay vì trách nhiệm cá nhân? Tại sao chỉ xác định tài sản của những người phạm tội tham nhũng mà không truy cứu trách nhiệm liên quan người thân của họ?
Rất nhiều câu hỏi “tại sao” đã và đang được dư luận quan tâm, đòi hỏi các cơ quan chức năng, các cơ quan pháp luật cần có câu trả lời thỏa đáng. Bởi chính những câu hỏi đó đã cho thấy kẽ hở, khoảng trống của cơ chế, quy định pháp luật, đội ngũ những người thực thi để những kẻ tham nhũng lợi dụng, bòn rút tiền của của Nhà nước, của nhân dân, nhét đầy túi tham.
Việc thu hồi, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản tham nhũng để trả lại cho chủ sở hữu, quản lý hợp pháp hoặc sung công quỹ Nhà nước cũng đã được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng, trong Luật Hình sự hiện hành. Nhưng xác định đâu là tài sản và tiền có nguồn gốc hợp pháp, đâu là tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng mà có lại là vấn đề không đơn giản. Bởi trước khi hành vi tham nhũng bị phát hiện thì tài sản có được do tham nhũng đã chuyển hóa thành nhiều dạng, nhiều nơi khác nhau. Và lúc đó, dù cơ quan pháp luật xác định được thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra, dù ra quyết định buộc tội phạm tham nhũng có trách nhiệm phải thi hành, nhưng trách nhiệm dân sự ấy ít khi được thi hành, hoặc có cũng không đầy đủ.
Một trong những biện pháp được coi là hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng là thực hiện nghiêm túc việc kê khai, công khai tài sản của quan chức, đặc biệt là của những người quản lý, lãnh đạo trong các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao. Nghị quyết của Đảng, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Cán bộ công chức và Chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản. Thế nhưng, tiếc rằng cho đến nay, các cơ quan chức năng hầu như vẫn chưa phát hiện được người nào có hành vi tham nhũng thông qua việc kê khai, công khai tài sản. Thậm chí, khi việc kê khai, công khai tài sản được tiến hành, người dân thắc mắc vì sao quan chức này, quan chức kia lắm tiền, nhiều tài sản thế, lại nhận được câu trả lời rằng, tài sản đã công khai nghĩa là không có điều gì khuất tất, còn nguồn gốc tài sản do nhiều người trong gia đình cùng làm ra. Và cần phải tôn trọng quyền riêng tư của các cá nhân đã được pháp luật bảo vệ?
Thực tế đó nói lên điều gì? Điều đó cho thấy vẫn còn những quan niệm rất khác nhau về chế định minh bạch, công khai tài sản. Nó cho thấy dường như pháp luật còn nương nhẹ đối với loại tội phạm này. Nó cho thấy, không công khai tài sản, khi phát hiện hành vi tham nhũng, mặc dù biết nhưng không thể có căn cứ để thu hồi. Vậy nên mới có con số chỉ khoảng 2% đến 3% tài sản tham nhũng thu hồi được.
Mỗi một đồng thiệt hại do tham nhũng gây ra là biết bao mồ hôi, công sức của người dân. Vì thế, hoàn thiện quy định của pháp luật; tăng cường sự giám sát của đoàn thể, của người dân; thực hiện nghiêm túc việc kê khai, công khai tài sản của quan chức là những việc cần làm ngay để trả lại tài sản hợp pháp cho người dân, cho Nhà nước; để ngăn chặn và kiên quyết xử lý những hành vi coi thường kỷ cương phép nước, coi thường tài sản và sức lao động chân chính của nhân dân. (Vovnews 18/4) Về đầu trang

Đề xuất tiếp công dân trực tuyến


Đó là đề xuất của ông Nguyễn Hồng Điệp- Phụ trách Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương và Nhà nước khi báo cáo với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sáng 18/4, tại Hà Nội.
Cụ thể, ông Điệp kiến nghị xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giải quyết khiếu nại, tố cáo, từng bước tiến tới thực hiện tiếp công dân và xử lý đơn thư chung một đầu mối, tiếp dân trực tuyến trên phạm vi toàn quốc.
Theo ông Điệp, mô hình tiếp dân trực tuyến hiện đã được Quảng Ninh triển khai, cho hiệu quả rất tốt. Cả cơ quan tiếp công dân và nhân dân đều đỡ vất vả hơn khi thực hiện theo mô hình này. Mô hình này cũng giúp giảm áp lực cho Trụ sở Tiếp công dân.
Theo kết quả tổng kết của Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước, 3 tháng đầu năm nay, cơ quan này đã tiếp 5.180 lượt người (tại Hà Nội là 4.304 lượt, TPHCM là 876 lượt). Trong số đó có 774 việc khiếu nại, 269 việc tố cáo, 40 lượt kiến nghị, 19 lượt phản ánh và 117 việc khác. Cũng trong 3 tháng đầu năm, Trụ sở này tiếp 132 lượt đoàn đông người, tại Hà Nội tiếp 107 lượt, tại TPHCM tiếp 25 lượt. (Cadn.com.vn 19/4) Về đầu trang

Chứng minh nghịch lý càng tinh giản, biên chế càng tăng


Theo số liệu của Bộ Nội vụ, qua 5 năm thực hiện Nghị định 132 của Chính phủ về tinh giản biên chế, đến cuối năm 2012, tổng số biên chế cán bộ, công chức (CBCC) từ Trung ương đến cấp huyện tăng thêm 388 – 480 người và CBCC cấp xã tăng hơn 14.000 biên chế).
Tổng biên chế cả nước năm 2013 cũng tăng hơn năm 2012. Riêng Hà Nội, tổng biên chế năm 2013, so với trước khi có chủ trương tinh giản biên chế tăng 4.704 người. Nhiều tỉnh có số biên chế rất cao, như Nghệ An 18.000 người, Thanh Hóa 17.300 người, nhiều hơn cả CBCC ở TP. Hồ Chí Minh - nơi có số dân đông nhất và nhiều cơ quan hành chính công.
Điều đáng nói, trong khi các nỗ lực cắt giảm biên chế đang thực hiện thì nhiều bộ, ngành, địa phương tiếp tục có văn bản đề nghị xin thêm biên chế.
Theo Nghị định 36 của Chính phủ, số Thứ trưởng ở mỗi bộ không vượt quá 4 người, nhưng thực tế đại đa số các bộ hiện nay đều có số Thứ trưởng nhiều hơn nghị định, trong đó có 1 bộ có đến 9 Thứ trưởng, 4 bộ có 7 Thứ trưởng, 9 bộ có 6 Thứ trưởng, 7 bộ có 5 Thứ trưởng. Tại Văn phòng Quốc hội, có đến 836 cán bộ, đông hơn cả văn phòng Chính phủ, trong số này có 214 người không có kỹ năng chuyên môn về công tác văn phòng.
Riêng Bộ Công thương và Giao thông-Vận tải thì số biên chế hiện nay đã tăng gấp đôi so với trước khi tinh giản biên chế.
Đến nỗi, Vụ trưởng Vụ Tổ chức- Biên chế (Bộ Nội vụ) Thái Quang Toản phải than rằng: “Hầu như bộ, ngành, địa phương nào cũng xin thêm biên chế gây áp lực rất lớn lên Bộ Nội vụ”, ông Thái Quang Toản nói.
Các ngành, lĩnh vực xin tăng biên chế như: Thanh tra Xây dựng, Thanh tra Giao thông, Quản lý thị trường, Kiểm lâm... Tuy nhiên, các đề xuất này đều bị từ chối do chủ trương chung là từ nay đến 2016 không tăng thêm biên chế.
Ngay cả Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cũng từng cho biết lâu nay việc thực hiện tinh giản biên chế có lúc đặt ra mục tiêu giảm 15%, có lúc là 20%, nhưng đều không thực hiện được.
Chính vì vậy, mới đây Bộ Nội vụ tiếp tục xây dựng Dự thảo Nghị định trình Chính phủ về tinh giản 100.000 biên chế từ nay đến năm 2020 với kinh phí hỗ trợ người thuộc diện tinh giản ước tính khoảng 8.000 tỷ đồng.
Thứ trưởng Tuấn còn khẳng định: “Mục tiêu của đợt tinh giản biên chế lần này là nhằm vào những người “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” - người không làm được việc hoặc không làm việc - để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức”.
Thế nhưng, nghịch lý "càng giảm lại càng tăng" khiến Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi nghi ngại.
Cùng quan điểm, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia cũng chỉ ra: "nghịch lý sau 4 lần sắp xếp tổ chức, tinh giảm biên chế nhưng sau 2-3 năm lại thấy bộ máy tăng gấp đôi". (Đất Việt Online 18/4) Về đầu trang

Bà Rịa - Vũng Tàu: Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường chưa được trang bị máy vi tính


Đoàn kiểm tra công tác cải cách hành chính (CCHC) tỉnh vừa kiểm tra tại UBND phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa.
Qua kiểm tra cho thấy, tại phường Phước Nguyên, kết quả giải quyết hồ sơ hành chính đều đúng hẹn; đã trang bị 25 máy tính và các thiết bị mạng, tuy nhiên Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch phường vẫn chưa được trang bị máy vi tính. Những tháng đầu năm 2014 đã tiếp nhận 560 văn bản đến, các văn bản nhận được từ TP. Bà Rịa và các đơn vị khác đều được scan và lưu trữ trên hệ thống phần mềm, tuy nhiên, văn bản đi chưa được thực hiện; các hồ sơ lưu của từng cán bộ công chức chưa cập nhật kịp thời những thay đổi khi cán bộ công chức (CBCC) có sự điều chuyển chức danh, công việc; các hồ sơ lưu chưa tập trung, chưa thật sự khoa học trong công tác sắp xếp hồ sơ CBCC.
Đoàn kiểm tra kiến nghị phường Phước Nguyên trang bị máy tính cho lãnh đạo để việc vận hành các phần mềm ứng dụng đã triển khai tại phường hiệu quả hơn, hỗ trợ công tác quản lý điều hành và phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn; ứng dụng các văn bản đến và văn bản đi theo đúng quy trình xử lý văn bản, lưu trữ hồ sơ khoa học để việc nghiên cứu dễ dàng, thực hiện liên thông văn bản qua mạng tin học; công tác sắp xếp, lưu trữ hồ sơ CBCC cần phải điều chỉnh, bổ sung kịp thời khi có sự thay đổi. (Baobariavungtau.com.vn 18/4) Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Chính thức hoàn thiện nâng cấp hệ thống chứng thực chữ ký số quốc gia


Việc nâng cấp và đưa vào sử dụng hệ thống chứng thực chữ ký số gốc quốc gia (Root CA) sẽ tạo nền móng quan trọng góp phần xây dựng nền hành chính công minh bạch, từng bước xây dựng Chính phủ Điện tử, nâng cao tính cạnh tranh của Việt Nam….
Tại lễ tạo khóa và đưa vào sử dụng Hệ thống chứng thực chữ ký số gốc quốc gia do Bộ TT&TT tổ chức ngày 16/4, ông Phạm Quang Tú - Giám đốc Ban Quản lý các dự án Phát triển CNTT và Truyền thông tại Việt Nam cho hay, gói thầu nâng cấp hệ thống chứng thực chữ ký số gốc quốc gia thuộc hợp phần của Bộ TT&TT do Ngân hàng Thế giới tài trợ.

Sau một thời gian triển khai (từ tháng 12/2013), đến nay toàn bộ công việc theo yêu cầu đã được nhà thầu cùng các bên liên quan hoàn thành bao gồm lắp đặt thiết bị phần cứng và cài đặt phần mềm, nâng cấp tính năng, chuẩn an toàn thông tin, toàn bộ quy trình, vận hành hệ thống đều đáp ứng yêu cầu đặt ra…


Cán bộ kỹ thuật khai thác quản lý của Cục Tin học hóa và một số cán bộ thuộc những đơn vị liên quan đã được tham gia khóa đào tạo của Tập đoàn RSA tại Mỹ, Singapore và đào tạo chuyển giao công nghệ vận hành. (Theo ICTnews 17/4) Về đầu trang

PHÁP LUẬT

Lâm Đồng: Kỷ luật hiệu trưởng “ăn tiền” của học sinh


Ngày 18/4, Chánh Văn phòng TP.Đà Lạt cho biết, lãnh đạo thành phố vừa ra quyết định kỷ luật hình thức hạ 1 bậc lương đối với bà Phạm Thị Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Mê Linh (TP.Đà Lạt) vì sai phạm về quản lý, sử dụng tài chính.
Theo kết luận của Thanh tra TP.Đà Lạt, bà Hương không theo dõi báo cáo tài chính và báo cáo thu, chi hoạt động sự nghiệp các khoản thu từ năm 2011 đến tháng 11.2013 với tổng số tiền gần 537 triệu đồng; tổ chức dạy thêm và thu tiền sai quy định hơn 246 triệu đồng; chi thu nhập tăng thêm sai quy định 37 triệu đồng.
Bà Hương cùng với bà Nguyễn Thị Ngọc Ly (kế toán nhà trường) lập 2 hệ thống sổ sách, tự nâng giá thực phẩm, tự ý hợp thức hóa các bảng định lượng thực phẩm của học sinh bán trú để hưởng chênh lệch số tiền gần 22 triệu đồng; chia nhau hơn 40 triệu đồng phần trăm hoa hồng; dùng tiền bán trú của học sinh mua bánh, sữa cho các giáo viên gần 21 triệu đồng; chi sai tiền nước hơn 11 triệu đồng... (Thanh Niên 18/4) Về đầu trang

Hiệu trưởng Cao đẳng Sóc Trăng bị thanh tra


Ngày 17/4, Thanh tra Sở GD&ĐT Sóc Trăng cho biết, đang thanh tra nội dung tố cáo đối với ông Huỳnh Hữu Nhị, Hiệu trường và một số cán bộ của Trường CĐSP Sóc Trăng.
Một số cán bộ, giáo viên trường CĐSP Sóc Trăng tố cáo ông Huỳnh Hữu Nhị cấu kết với ông Lê Vĩ Đại, Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính Trường CĐSP Sóc Trăng vun vén cá nhân, trục lợi từ thuê căng tin, làm sân bóng cỏ nhân tạo trong khuôn viên, tuyển dụng người không đúng trình độ... Trong khi đó, một số giáo viên phản ánh bị trả thiếu tiền giờ giảng dạy. (Tiền Phong 18/4) Về đầu trang

THẾ GIỚI

Pháp cắt giảm nhiều khoản trợ cấp và phúc lợi xã hội


Tân Thủ tướng Pháp Manuel Valls ngày 16/4 tuyên bố cắt giảm nhiều khoản trợ cấp và phúc lợi xã hội, như một phần trong kế hoạch cắt giảm 50 tỷ euro (gần 70 tỷ USD) chi tiêu công đến năm 2017.

Ông Valls cho biết đến tháng 10/2015, một loạt các phúc lợi xã hội, kể cả các khoản trợ cấp thất nghiệp dài hạn cho thanh niên, phần lớn các khoản trợ cấp gia đình... sẽ bị cắt giảm; việc ngừng tăng lương trong khu vực hành chính nhà nước, áp dụng từ năm 2010, vẫn được duy trì.


Chính phủ do đảng Xã hội đứng đầu cam kết thực hiện tiết kiệm trong giai đoạn 3 năm (2015-2017) để hỗ trợ tài chính cho gói cắt giảm biên chế và thuế thu nhập đối với các doanh nghiệp và người lao động. Việc cắt giảm các chi phí hứa hẹn sẽ thúc đẩy nhu cầu thị trường, giúp các doanh nghiệp Pháp cạnh tranh tốt hơn và thu hút đầu tư nước ngoài.
Thời gian qua, nền kinh tế yếu ớt của Pháp tiếp tục suy giảm. Ngày 8/4, tân Thủ tướng Pháp tuyên bố sẽ mở ra một chương mới cho nước này, đồng thời cam kết khôi phục lòng tin của người dân đối với chính phủ thông qua các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng, tăng sức mua và kiến tạo việc làm. (Tin Tức Online 18/4) Về đầu trang./.


BTV Lê Huyền





Каталог: QTIUpload -> BanTin
QTIUpload -> TỈnh ủy quảng nam đẢng cộng sản việt nam
BanTin -> Sáng cắp ô đi, tối cắp ô về
BanTin -> BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Quảng Nam ngày 20 tháng 02 năm 2014)
BanTin -> BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Quảng Nam ngày 14 tháng 11 năm 2013)
BanTin -> BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Quảng Nam ngày 28 tháng 10 năm 2013)
BanTin -> BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Quảng Nam ngày 21 tháng 02 năm 2014)
BanTin -> BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Quảng Nam ngày 22 tháng 04 năm 2014)
BanTin -> BẢn tin phục vụ LÃnh đẠO (Ngày 23 tháng 12 năm 2013)
BanTin -> BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Quảng Nam ngày 8 tháng 4 năm 2014)
BanTin -> BẢn tin phục vụ LÃnh đẠO (Ngày 02 tháng 01 năm 2014)

tải về 114.82 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương