BẢn tin phục vụ LÃnh đẠO (Ngày 17 tháng 02 năm 2016)



tải về 130.51 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu15.09.2017
Kích130.51 Kb.
#33252




BẢN TIN PHỤC VỤ LÃNH ĐẠO

(Ngày 17 tháng 02 năm 2016)


TIÊU ĐIỂM 2

  1. TIÊU ĐIỂM 2

  2. Ngày đầu làm việc sau kỳ nghỉ: Dân đến tìm, cán bộ vẫn mải chúc Tết 2

  3. Hà Nội: Nơi nghiêm túc, nơi... chưa hết Tết 3

  4. Công sở đầu năm ở TPHCM: Không khí làm việc nghiêm túc 4

CHÍNH SÁCH MỚI 5

  1. CHÍNH SÁCH MỚI 5

  2. Cảnh sát giao thông phải nói lời “cám ơn” 5

  3. Nhà khoa học phải đền 100% tiền nếu không ra sản phẩm 5

  4. Dừng thu phí, lệ phí ngoài danh mục từ 1/1/2017 6

CHỈ THỊ MỚI 6

  1. CHỈ THỊ MỚI 6

  2. Thủ tướng đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau Tết 6

TIN QUỐC HỘI 7

  1. Xem xét báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Thủ tướng 7

  2. Cơ cấu đại biểu Quốc hội ở Trung ương ra sao? 7

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ - HỘI NHẬP 8

  1. MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ - HỘI NHẬP 8

  2. Việt Nam đứng thứ 82 về cạnh tranh tài năng toàn cầu 8

  3. Tăng trưởng của Việt Nam năm 2016 sẽ không cải thiện nhiều như 2015 9

  4. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Phát triển hay tụt hậu chủ yếu do chất lượng thể chế 10

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN 11

  1. PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN 11

  2. Chẳng ích lợi gì cho dân 11

QUẢN LÝ 12

  1. QUẢN LÝ 12

  2. Việt Nam kêu gọi chấm dứt hành động làm phức tạp tình hình Biển Đông 12

  3. Ban hành văn bản kém chất lượng: Quy trách nhiệm cá nhân, tổ chức 13

  4. Ông Nguyễn Xuân Anh: Công trình kém chất lượng thì đừng nhìn mặt lãnh đạo 15

  5. Ðà Nẵng không có người chết vì tai nạn giao thông dịp Tết 15

  6. Cần Thơ: Cảnh sát đẩy ô tô giúp dân được khen ngợi 16

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH 17

  1. CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH 17

  2. Ðược nộp phạt giao thông qua bưu điện 17

THẾ GIỚI 18

  1. THẾ GIỚI 18

  2. Đức thí điểm phát lương cơ bản toàn dân 18



TIÊU ĐIỂM

Ngày đầu làm việc sau kỳ nghỉ: Dân đến tìm, cán bộ vẫn mải chúc Tết


Ngày 15/2 (tức mùng 8 Tết), sau kỳ nghỉ Tết kéo dài 9 ngày, người dân trên cả nước bắt đầu cho ngày làm việc đầu tiên của năm mới Bính Thân. Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều cơ quan công sở vẫn còn chậm bắt nhịp sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, các cơ quan công sở tiếp dân vẫn vắng cán bộ…
Tại một số cơ quan công quyền, công sở trên địa bàn Hà Nội, không khí làm việc trong ngày đầu rất vắng vẻ. Nhiều cơ quan công quyền trong buổi sáng vẫn đóng cửa. Có nơi bật đèn sáng nhưng không thấy cán bộ trực.
Tại một số cơ quan trên địa bàn thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế), cán bộ tự ý rời khỏi trụ sở khi chưa hết giờ làm việc. Cá biệt có phường tổ chức gặp mặt ngày đầu năm, nhậu và cán bộ về nhà, trụ sở vắng như chùa Bà Đanh. Chỉ mới 15h, nhưng trụ sở phường An Tây cổng đã khép hờ chỉ đủ chỗ chiếc xe máy lách qua, bên trong vắng vẻ. Bộ phận một cửa không một bóng người, đèn tắt, các cửa phòng làm việc đã đóng kín mít.
Ghi nhận của phóng viên vào sáng 15/2, tại Trung tâm hành chính Đà Nẵng, cán bộ công nhân viên các sở, ngành đã bắt đầu làm việc trở lại nhưng chưa đồng đều. Tất bật nhất phải kể đến là cửa tiếp dân của Sở GTVT. Chỉ trong vòng hơn 1 giờ đồng hồ, hàng chục hồ sơ người dân xin chuyển đổi, cấp lại giấy phép lái xe... đã được các cán sự tiếp nhận, xử lý. Tuy vậy, ô cửa tiếp dân của các Sở VH-TT&DL, Sở NN&PTNT, Sở GD&ĐT... vẫn chưa “bắt nhịp” công việc. Các ô cửa tiếp dân của sở này tính đến 9h ngày15/2 vẫn vắng chuyên viên tiếp dân.
Sáng 15/2, tại Sở GTVT Khánh Hòa, hàng chục người chen kín phòng đợi để chờ được gọi tên làm thủ tục nhưng chỉ ô số 1 và 2 có người tiếp nhận hồ sơ, các ô còn lại không có nhân viên nào. Ông Nguyễn Văn Dân - Phó Giám đốc Sở GTVT Khánh Hòa cho rằng bộ phận một cửa có thể xử lý 300 hồ sơ mỗi ngày. Vì mới Tết xong, lượng người dân đến làm việc chưa nhiều nên sở… chỉ mở ít ô cửa.
Tại Đắk Lắk, trong ngày làm việc đầu năm, nhiều cán bộ Sở Công Thương, Sở Tài chính vẫn đi chúc Tết, trụ sở vắng tanh. Ông Từ Thái Giang, Giám đốc Sở Tài chính, phân trần: “Anh em còn tham gia mấy ngày Tết chưa tới kịp. Mới sáng nay gặp mặt đầu năm, trưa về đi chúc Tết hết rồi”...
Tại thành phố Hải Phòng, đến 16 giờ, trụ sở UBND phường Đổng Quốc Bình, quận Ngô Quyền vẫn đóng cửa, tấm biển “Tạm dừng tiếp nhận hồ sơ” được ngang nhiên đặt trước cổng. Cũng vào thời điểm này, bộ phận một cửa của UBND phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền không có nhân viên tiếp nhận hồ sơ. Thế nhưng, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Tùng, Chánh Văn phòng UBND quận Ngô Quyền, vẫn khẳng định không có chuyện bộ phận tiếp nhận hồ sơ của các phường nghỉ làm để đi lễ đầu năm mà “tất cả các UBND phường thuộc quận đều làm việc và tiếp nhận hồ sơ bình thường” (?).
Còn tại UBND Phường 7, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, bên trong chỉ có một vài cán bộ nhưng trước khuôn viên trụ sở có một bàn tiệc với 6 người đang rôm rả chúc Tết. Không thua kém, trước trụ sở Phòng GD&ĐT thành phố Mỹ Tho cũng bày bàn tiệc và mọi người cụng ly chúc mừng nhau.
Trái ngược với không khí làm việc “chậm rãi” ở các cơ quan, đơn vị do người Việt đảm trách, tại các doanh nghiệp FDI, công việc đầu năm tất bật hơn bao giờ hết. Họ như quên đi việc tụ họp, gặp mặt đầu năm để lao vào công việc. (Vĩ An tổng hợp từ báo Lao Động, Người Lao Động ngày 16/2)Về đầu trang

Hà Nội: Nơi nghiêm túc, nơi... chưa hết Tết


Sau kỳ nghỉ Tết kéo dài 9 ngày, ngày 15/2, nhiều cơ quan, đơn vị đã trở lại làm việc. Trong ngày đầu tiên, hầu hết đơn vị bắt nhịp công việc với thái độ nghiêm túc, trách nhiệm. Tuy nhiên, cán bộ tại một số phường vẫn "bị ảnh hưởng" của không khí Tết…
8h20 phút sáng 15/2, phóng viên có mặt tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính UBND phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình). Phòng làm việc vẫn cửa khóa then cài, tìm khắp tầng 1 không thấy một bóng người. Gần một giờ sau quay lại, phóng viên vẫn chứng kiến tình trạng trên. Bảo vệ trực thông báo, cán bộ đã đến cơ quan từ lâu nhưng đang bận chúc Tết và hẹn "nửa giờ đến một giờ nữa", nhưng không chắc có thể gặp cán bộ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hay chưa.
Tại Trạm Y tế phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy), khá đông bệnh nhân đến khám bệnh liên quan đến tai mũi họng nhưng khám xong, chờ mãi vẫn chưa có thuốc. Quá sốt ruột, có bệnh nhân đã mạnh dạn chạy lên tầng trên - nơi cán bộ đang liên hoan, chúc Tết, lúc này mới được đáp ứng yêu cầu.
Tương tự, ở UBND phường Chương Dương (Hoàn Kiếm), không khí làm việc cũng vắng lặng. Một loạt biển tên đã được xếp ở góc bàn nhưng không thấy người. Một số người dân cần xử lý giấy tờ nhưng không có người tiếp đón phải ra về với thái độ không thoải mái.
Khác với vẻ vắng lặng ở phường Ngọc Khánh và phường Chương Dương, không khí làm việc tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ hành chính quận Hoàn Kiếm khá sôi động. "Hôm nay, cán bộ, công chức, viên chức đều đã có mặt đầy đủ và làm việc bình thường. Anh em các phòng khác tranh thủ tới chúc Tết nhau nhưng bộ phận trực vẫn trực đông đủ, đúng giờ quy định" - cán bộ tiếp nhận hồ sơ Ngô Văn An cho biết.
Tại thời điểm phóng viên khảo sát - 9h58 - có 6/6 nhân viên thường trực để giải quyết thủ tục cho người dân. Các nhân viên hướng dẫn người đến làm thủ tục nhiệt tình, tạo không khí cởi mở, thoải mái. Với công việc sao y giấy tờ, thời gian trả kết quả vẫn đúng hẹn là một ngày, ghi rõ giờ nhận trong phiếu hẹn.
Tại bộ phận một cửa Sở Tư pháp, điểm tiếp nhận và trả kết quả của Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội tại số 215, phố Trung Kính, phường Yên Hòa, Cầu Giấy cũng không có hiện tượng "nghỉ nướng". Tuy những ngày đầu năm mới này, người dân đến giao dịch rất ít nhưng việc giao dịch được thực hiện theo đúng chuẩn ISO với hệ thống bấm số tự động, ai đến trước nhận số thứ tự và được giải quyết trước. Đây chính là thành quả của công tác thí điểm đổi mới cải cách hành chính của UBND thành phố Hà Nội mà người dân là những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất.
Đáng chú ý, ở phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng), trong chiều ngày làm việc đầu tiên của năm mới, tiến độ giải quyết hồ sơ còn nhanh hơn quy định. (Hà Nội Mới 16/2)Về đầu trang

Công sở đầu năm ở TPHCM: Không khí làm việc nghiêm túc


Sáng 15/2, mặc dù không khí Xuân vẫn còn tràn ngập nhưng tại UBND Quận 1, TP HCM, tất cả các phòng - ban đều có chuyên viên làm việc, trực tiếp dân và cũng đã có đông người đến nộp hồ sơ.
Theo ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch Quận 1, tất cả cán bộ, công chức trên địa bàn quận đều đi làm ngày 15/2, riêng bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cho người dân làm từ sáng 13/2 (tức mùng 6 Tết). “Người dân đâu có quan tâm cán bộ, công chức đi làm lại ngày nào, họ chỉ biết hết Tết là đi làm giấy tờ” - ông Thuận nói. Chỉ trong buổi sáng 15/2, UBND Quận 1 đã giải quyết hồ sơ cho cả trăm người dân trên địa bàn.
Tại một số trụ sở UBND phường ở TP HCM như phường 22, phường 25 (quận Bình Thạnh), phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức), các phường 1, 2, 4 (quận 5)..., cán bộ, nhân viên bắt đầu vào vị trí làm việc rất đúng giờ. Có nơi lượng người ồ ạt tìm đến làm thủ tục, cũng có nơi lác đác vài người nhưng không khí làm việc vẫn nghiêm túc.
Ngay từ sáng sớm, tại Phòng Cảnh sát Quản lý hành chánh về trật tự xã hội (PC64) Công an TP HCM, lượng người kéo đến để cấp, đổi chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân tăng đột biến. Theo ghi nhận lúc 10 giờ sáng, hàng chục người vẫn ngồi đợi ở Đội Đổi, cấp - quản lý chứng minh nhân dân và giấy tờ đi lại khác chờ làm thủ tục cấp thẻ căn cước. Trung tá Trần Đình Long, Đội trưởng Đội 3 (PC64), cho biết do trước Tết bận rộn nên sau kỳ nghỉ, người dân ồ ạt đi làm giấy tờ. (Người Lao Động 16/2)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Cảnh sát giao thông phải nói lời “cám ơn”


Đó là một trong những điểm mới được quy định tại Thông tư 01/2016/TT-BCA (quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông) chính thức có hiệu lực và thay thế cho Thông tư 65/2012 của Bộ này.
Theo đó, ngoài việc được dừng, kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện, Cảnh sát giao thông (CSGT) được quyền kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện. Đặc biệt, CSGT còn được quyền kiểm soát cả giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát. Nói cách khác, CSGT có quyền kiểm soát giấy tờ tùy thân của người ngồi sau mô tô, xe máy và bất kỳ người nào trên ô tô đang bị CSGT chặn lại để kiểm tra.
Ngoài ra, Thông tư 01 cũng tăng quyền hạn cho CSGT. Cụ thể, ngoài thẩm quyền xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh, trật tự và an toàn xã hội thì CSGT được bổ sung quyền “xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác theo quy định của pháp luật” (khoản 2 Điều 5 Thông tư 01/2016). (Pháp Luật TPHCM 16/2)Về đầu trang

Nhà khoa học phải đền 100% tiền nếu không ra sản phẩm


Bắt đầu từ ngày 15/2, Thông tư liên tịch của liên Bộ Tài chính và Khoa học và Công nghệ quy định khoán chi, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước sẽ chính thức có hiệu lực.
Theo đó, các nhà khoa học sẽ được trao quyền chủ động hoàn toàn trong suốt quá trình nghiên cứu khoa học. Nhà nước chỉ đặt hàng ban đầu và tập trung nghiệm thu chất lượng kết quả cuối cùng.
Một số điểm đổi mới nổi bật trong cơ chế tài chính này là về phương thức khoán chi. Theo đó, nhà khoa học có thể lựa chọn một trong 2 phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng hoặc khoán chi từng phần.
Khoán chi tới sản phẩm cuối cùng áp dụng đối với các nhiệm vụ được xác định rõ tên sản phẩm cụ thể; chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của sản phẩm, đơn vị đo, mức chất lượng hoặc yêu cầu khoa học cần đạt được; số lượng quy mô sản phẩm tạo ra; địa chỉ ứng dụng; có tổng dự toán các khoản chi sửa chữa, mua sắm tài sản, đoàn ra không quá 1 tỷ đồng.
Còn khoán chi từng phần được áp dụng đối với các nhiệm vụ không đủ điều kiện khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Trong khoán chi từng phần, cơ bản các nội dung kinh phí được thực hiện khoán chi (tiền công, hội thảo, công tác trong nước…); chỉ không khoán chi đối với các nội dung mua nguyên nhiên, vật liệu, phụ tùng chưa được ban hành định mức kinh tế kỹ thuật; sửa chữa, mua sắm tài sản cố định, đoàn ra. (VTV.vn 16/2)Về đầu trang

Dừng thu phí, lệ phí ngoài danh mục từ 1/1/2017


Bộ Tài chính vừa ban hành văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật quy định về phí, lệ phí còn hiệu lực thi hành do bộ, ngành, địa phương mình đang thu, quản lý và sử dụng, để phân loại xử lý làm cơ sở để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, ban hành mới, bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật Phí và lệ phí.
Cụ thể tại văn bản này, Bộ Tài chính đề nghị, việc rà soát các Nghị định, thông tư hướng dẫn khoản phí, lệ phí đang thu theo Danh mục kèm theo Pháp lệnh Phí và lệ phí để xử lý. Theo đó, trường hợp khoản phí, lệ phí nào có tên trong Danh mục kèm theo Pháp lệnh Phí và lệ phí, nay không có tên trong Danh mục phí kèm theo Luật Phí và lệ phí thì kể từ ngày 1/1/2017 sẽ dừng thu.
Trường hợp khoản phí, lệ phí nào có tên trong Danh mục kèm theo Luật Phí và lệ phí, đề nghị các bộ, ngành chủ động chỉ đạo xây dựng Đề án thu phí và dự thảo các thông tư thu phí cần ban hành gửi Bộ Tài chính trước ngày 31/7/2016 (đối với các khoản phí thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính); UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân (HĐND) cùng cấp ban hành văn bản thu phí (đối với phí thuộc thẩm quyền HĐND), đảm bảo hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.
Trường hợp khoản phí nào có tên trong Danh mục kèm theo Pháp lệnh Phí và lệ phí, nay thuộc Danh mục các sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá thì sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật về giá. (Thời Báo Tài Chính Việt Nam 15/2)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Thủ tướng đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau Tết


Thủ tướng vừa có công điện đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Bính Thân 2016.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT tập trung chỉ đạo tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; Bộ Công Thương chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành lãi suất, tỉ giá phù hợp với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, ngoại hối; Bộ Công an chỉ đạo đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn mọi hoạt động chống phá, bảo đảm ổn định an ninh chính trị, tiếp tục thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm.
Công điện cũng yêu cầu Bộ VH-TT&DL và các địa phương đẩy mạnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội, bảo đảm tiết kiệm, văn minh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; Bộ Y tế bảo đảm nhân lực, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị, phương tiện khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân.
Ngoài ra các bộ, cơ quan, địa phương quán triệt cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp và nhu cầu giao dịch của nhân dân. (Pháp Luật TPHCM 16/2) Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Xem xét báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Thủ tướng


Tin từ Văn phòng Quốc hội ngày 15/2 cho biết, Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra từ ngày 17- 24/2.
Một trong những nội dung quan trọng của phiên họp lần này là cho ý kiến về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Ngoài ra, phiên họp còn cho ý kiến vào Dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá 13 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước.
Theo quy trình, sau khi tiếp thu ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các bản báo cáo nhiệm kỳ sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá XIII, dự kiến diễn ra vào tháng 3/2016.
Bên cạnh nội dung trên, Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về đề nghị điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016. Điều đặc biệt ở phần này là ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh sẽ trình một dự án luật, là sáng kiến lập pháp của cá nhân bà. Ngoài ra, phiên họp cũng sẽ cho ý kiến vào các dự án luật như Luật Báo chí (sửa đổi), Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), Luật Dược (sửa đổi) và cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khoá XIII. (Giao Thông 16/2)Về đầu trang

Cơ cấu đại biểu Quốc hội ở Trung ương ra sao?


Sáng 16/2, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị.
Bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, cơ cấu đại biểu Quốc hội ở trung ương dự kiến có 198 đại biểu, được phân bổ như sau: Các ban Đảng 11 đại biểu; Cơ quan của Chủ tịch nước: 3 đại biểu; Quốc hội và đại biểu chuyên trách 114; Chính phủ: 18 đại biểu.
Bộ Quốc phòng, bao gồm bộ trưởng và đại diện các quân khu: 15 đại biểu; Bộ Công an, bao gồm cả bộ trưởng: ba đại biểu; TAND Tối cao: một đại biểu; VKSND Tối cao: một đại biểu; Kiểm toán nhà nước: một đại biểu, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên: 31 đại biểu.
Trong đó, phấn đấu có 20% đại biểu là phụ nữ và đại biểu dân tộc thiểu số. Đặc biệt, số lượng đại biểu Quốc hội thuộc MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên có đại biểu phụ nữ và dân tộc thiểu số, đạ biểu trẻ dưới 40 tuổi, đại biểu tôn giáo, đại biểu ngoài đảng, đại biểu tái cử, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân.
Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Duy Thường cho rằng cần phải có số dư đối với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội. Ngay cả tỉ lệ 30% đại biểu nữ và 18% đại biểu dân tộc thiểu số cũng cần có số dư. “Dân quyết định chứ chúng ta không quyết định được” - ông Thường nói.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị thảo luận thẳng thắn nhằm đi đến thống nhất cao trong công tác bầu cử. (Pháp Luật TPHCM 16/2)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ - HỘI NHẬP

Việt Nam đứng thứ 82 về cạnh tranh tài năng toàn cầu


Theo một báo cáo được công bố tại Davos (Thụy Sỹ), Việt Nam xếp hạng 82 Thế giới, thứ 5 khu vực Đông Nam Á và thứ 9 trong nhóm các nước có mức thu nhập trung bình thấp (lower middle income countries) về chỉ số cạnh tranh tài năng toàn cầu (GTCI – Global Talent Competittiveness Index) năm 2015.
So với kết quả năm 2014, thứ hạng GTCI của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á và giữa các nước có mức thu nhập trung bình thấp không thay đổi, nhưng trên bảng xếp hạng chung toàn thế giới, Việt Nam bị tụt 7 bậc.
GTCI là báo cáo thường niên được các nhà nghiên cứu đến từ Viện Quản trị Kinh doanh Châu Âu (Institut européen d'administration des affaires - INSEAD), Viện Lãnh đạo Vốn nhân lực (Human Capital Leadership Institute, Thuỵ Sỹ) và Tập đoàn Adecco (tập đoàn Thuỵ Sỹ chuyên hoạt động trong lĩnh vực cung cấp nguồn nhân lực) phối hợp thực hiện, bắt đầu triển khai từ năm 2013.
61 chỉ số thành phần lại được ghép thành 6 nhóm chỉ số chính bao gồm: 4 chỉ số đầu vào (Input): Điều kiện (enbale), Thu hút (attract), Phát triển (grow), Duy trì (retain) và 2 chỉ số đầu ra (output): Lao động và Kỹ năng nghề (labour and vocational skills) và kỹ năng tri thức toàn cầu (Global Knowledge Skills). Điểm GTCI cuối cùng là điểm trung bình của 6 nhóm chỉ số này.
Kết quả chỉ số cạnh tranh tài năng toàn cầu 2015 vẫn có các nước đứng đầu bảng xếp hạng là Thụy Sỹ, Singapore, Luxembourg, Hoa Kỳ, Đan Mạch - đều thuộc nhóm có mức GDP đầu người cao nhất thế giới.
Ở chiều ngược lại, những nước xếp cuối bảng xếp hạng như Mali, Tazania, Ethiopia, Burkina Faso hay Madagascar đều thuộc nhóm có mức GDP đầu người thấp nhất thế giới. Chỉ có một vài trường hợp ngoại lệ như Algeria, Kuwait, Qatar có vẻ điểm GTCI không tương quan với GDP đầu người.
Việt Nam đứng thứ 82 thế giới với GTCI 37,73 điểm, nhỉnh hơn mức trung bình của các nước có mức thu nhập trung bình thấp (lower middle income countries) một chút.
Xét từng điểm thành phần, Việt Nam đạt 53,03 điểm Điều kiện (enable), xếp thứ 63 thế giới; 43,50 điểm Thu hút (Attract), xếp thứ 82 thế giới; 34,73 điểm Phát triển (Grow), xếp thứ 87 thế giới; 37,45 điểm Duy trì (retain), xếp thứ 89 thế giới; 26,79 điểm Lao động và Kỹ năng ghề (Labour and Vocational Skills), xếp thứ 89 thế giới; 30,87 điểm Kỹ năng tri thức toàn cầu (Global Knowledge Skills), đứng thứ 52 thế giới. (Báo Chính Phủ Điện Tử 15/2)Về đầu trang

Tăng trưởng của Việt Nam năm 2016 sẽ không cải thiện nhiều như 2015


Kinh tế Việt Nam năm 2016 sẽ gặp một số thuận lợi từ việc hội nhập, đầu tư khu vực tư nhân và FDI cùng với môi trường kinh doanh cải thiện, nhưng sẽ đối mặt với những thách thức từ môi trường kinh tế thế giới và khó khăn của một số khu vực kinh tế trong nước.
Đó là đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTC) trong báo cáo giám sát mới nhất của mình công bố ngày 14/2, trong đó nêu bật khả năng mức cải thiện về tăng trưởng của Việt Nam năm nay sẽ không cao như năm 2015.
Năm ngoái, kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 6,68%, cao hơn nhiều so với mức kế hoạch đầu năm là 6,2%. Theo UBGSTC, tăng trưởng kinh tế năm 2015 tăng khá nhờ khu vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo.
Tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2015 ước đạt 9,64%, cao hơn nhiều so với mức 7,14% của năm 2014 và là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua. Trong khi đó, tăng trưởng của khu vực dịch vụ hầu như không thay đổi và của khu vực nông lâm ngư nghiệp giảm so với 2014 (giảm từ 3,44% xuống 2,41%).
Trong công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chuyển biến rất tích cực. Chỉ số IIP của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,6%, cao hơn so với mức 8,7% của năm 2014, cũng là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2011.
Chỉ số PMI bình quân năm 2015 xấp xỉ 52 điểm, tương đương với mức của năm 2014 và cao hơn mức bình quân của năm 2013 là 49,7 điểm. Tiêu dùng tăng tốc cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) tăng 8,4%, cao hơn so với mức 8,1% của năm 2014 và là mức cao nhất trong 5 năm qua.
Tâm lý người tiêu dùng cũng cải thiện. Chỉ số niềm tin tiêu dùng (CCI) do ANZ tổng hợp tăng lên mức 144,8 điểm vào cuối năm 2015, cao nhất kể từ đầu năm 2014. Tăng trưởng phục hồi còn có sự đóng góp của cải thiện về năng suất của nền kinh tế, thể hiện trước hết ở hệ số ICOR giảm chỉ còn 4,62, thấp hơn so với mức lần lượt là 5,2 và 5,6 của năm 2014 và 2013, và mức 6,4 của thời kỳ 2008 - 2012. Các yếu tố sản xuất khác như vốn và lao động cũng cải thiện, giúp nâng cao mức tăng trưởng dài hạn.
Tuy nhiên, UBGSTC cho biết, tăng trưởng ngắn hạn - thành phần tăng trưởng do yếu tố chu kỳ - đã bắt đầu có dấu hiệu chậm lại từ quý 4/2015. Do đó, UBGSTC dự báo mức cải thiện về tăng trưởng trong năm 2016 sẽ không cao như năm 2015.
Ủy ban cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2016 có một số thuận lợi như các hiệp định thương mại được ký kết, đầu tư khu vực tư nhân và nước ngoài khả quan hơn, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện nhờ triển khai các luật mới ban hành và sửa đổi.
Tuy nhiên, những thách thức đối với tăng trưởng là không nhỏ, như xu hướng tăng chậm lại của khu vực nông-thủy sản và xuất khẩu nông sản; khu vực doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước còn hạn chế; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm. (NDH.vn 16/2)Về đầu trang

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Phát triển hay tụt hậu chủ yếu do chất lượng thể chế


Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa ký kết ngày 4/2, gồm 12 nước với quy mô kinh tế chiếm 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu. Dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài viết phân tích về những cơ hội, thách thức và các giải pháp thực thi hiệp định.
Theo Thủ tướng: Việc nước ta ký Hiệp định TPP không chỉ là kết quả của quá trình năm năm kiên trì đàm phán với tinh thần vừa hợp tác vừa đấu tranh, lấy lợi ích quốc gia dân tộc làm mục tiêu cao nhất. Sâu xa hơn, đây là thành quả của tiến trình 30 năm đổi mới, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là một nội dung quan trọng, khẳng định mạnh mẽ và kiến giải sâu sắc qua các nghị quyết của Đảng. Hội nhập kinh tế quốc tế còn là một nội hàm quan trọng trong thể chế kinh tế thị trường hiện đại định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng.
Phát triển nhanh và bền vững hay trì trệ, tụt hậu chủ yếu là do chất lượng thể chế. Thể chế tốt, bảo đảm nhà nước pháp quyền, quyền dân chủ của người dân và phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại sẽ khơi dậy được cao nhất sức mạnh tổng hợp và các nguồn lực cho sự phát triển. Và như vậy, thể chế có vai trò quyết định đến hiệu quả và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Chúng ta đang sống trong một thời đại vận động và phát triển rất nhanh, thế giới đang bước vào làn sóng công nghiệp lần thứ tư, tiến trình công nghiệp hóa ngày càng được rút ngắn. Nếu có quyết tâm cao và ý chí vươn lên mạnh mẽ, tinh thần sáng tạo và chiến lược tăng trưởng đúng đắn, nước đi sau có thể đuổi kịp và vượt quốc gia đã có trình độ phát triển cao hơn và những doanh nghiệp mới, quy mô nhỏ có thể nhanh chóng trở thành những doanh nghiệp lớn.
Tham gia các hiệp định này, Việt Nam còn có thêm cơ hội nâng cao hiệu quả kinh tế nhờ tăng quy mô, tạo điều kiện hình thành những doanh nghiệp lớn đồng thời với xu thế cá thể hóa doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để nuôi dưỡng tinh thần đổi mới, sáng tạo, khuyến khích phong trào khởi nghiệp của mọi người dân và nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế. (Tuổi Trẻ 16/2)Về đầu trang

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

Chẳng ích lợi gì cho dân


Rất nhiều người dân bức xúc khi phải “chôn chân” trên đường trong những ngày Tết, nhất là ở các trạm thu phí. Và họ càng bức xúc hơn khi biết rằng đã có giải pháp để xử lý nhưng vẫn xảy ra ùn tắc.
Một thực trạng cũ, giải pháp cũng chẳng có gì ghê gớm nhưng chỉ đạo và thực hiện lại rối rắm, không hiệu quả.
Chiều 14/2, tình trạng ùn tắc giao thông đoạn qua trạm thu phí Sông Phan (Hàm Minh, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) kéo dài gần 1km. Cả ba làn thu phí (hướng đi TP.HCM) lúc nào cũng có xe chờ lấy vé qua trạm. Làn đường hằng ngày dành cho xe quá khổ và xe máy cũng được tận dụng để bán vé cho ôtô qua trạm nhưng vẫn không đủ giải tỏa được do lượng xe quá đông.
Ở phía Bắc, người dân cũng phản ảnh từ những ngày giáp Tết Nguyên đán Bính Thân đến mùng 7 tết, tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra rất trầm trọng tại trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ. Có hôm ùn tắc kéo dài nhiều giờ liền, phải mất 30-45 phút, một ôtô mới thoát khỏi đoạn đường dài chưa đầy 1km trước trạm thu phí.
Vâng, ùn tắc vẫn xảy ra dù đã có giải pháp xử lý. Ngày 12/2 (mùng 5 tết), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường có văn bản về “tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong các ngày cao điểm còn lại của Tết Nguyên đán Bính Thân và mùa lễ hội xuân 2016”. Theo đó, trong tình huống bị ùn tắc, trạm thu phí phải mở tất cả các cửa và không thu phí để giải tỏa ách tắc.
Có chỉ đạo rồi thì sao? Ùn tắc giao thông vẫn xảy ra ở đầu các trạm thu phí do “không thu thì tiếc” mặc dù chủ đầu tư biết thu sẽ tắc đường. Tại sao phải đến mùng 5 tết mới có chỉ đạo “xả trạm”? Chỉ đạo này quá muộn, lẽ ra nó phải có từ trước tết để còn có thể bàn bạc, triển khai, thậm chí cần thiết tập dượt, để khi “có biến” là áp dụng ngay.
Không chỉ thế, nó còn phải cụ thể, rõ ràng, từng tình huống để không ai có thể tranh cãi là đã đủ điều kiện hay chưa đủ điều kiện để xả trạm. Thậm chí Bộ GTVT cùng các cơ quan liên quan phải xây dựng một “quy trình xử lý ùn tắc trước các trạm thu phí”, khi có chuyện là nhấn nút thực hiện chứ không chờ đến lễ, tết có nguy cơ xảy ra ùn ứ.
Đó mới thể hiện được vai trò của quản lý nhà nước, là phải đón đầu, dự báo được tình hình để có những chỉ đạo kịp thời chứ không phải chạy theo thực tế.
Cần chấm dứt thể hiện trách nhiệm quản lý nhưng chẳng đến đâu, có chỉ đạo rồi tình hình vẫn không biến chuyển vì đó chỉ là sự đối phó của cơ quan quản lý nhà nước, hay cũng có thể xem đó là giải pháp hình thức, chẳng ích lợi gì cho dân. Làm được thế, chắc là hàng vạn người dân không phải bực mình ngồi chờ trên quốc lộ. (Tuổi Trẻ 16/2)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Việt Nam kêu gọi chấm dứt hành động làm phức tạp tình hình Biển Đông


Ngày 15/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức phiên thảo luận mở về chủ đề: “Tôn trọng các tôn chỉ, mục đích của Hiến chương Liên hợp quốc - yếu tố then chốt nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, khẳng định ý nghĩa quan trọng của Hiến chương Liên hợp quốc trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy phát triển và bảo vệ quyền con người; nhấn mạnh giá trị của các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương trước những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống hiện nay; kêu gọi Liên hợp quốc, đặc biệt là các cơ quan chính là Đại Hội đồng, Hội đồng Bảo an, Hội đồng Kinh tế xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), cần đi đầu thúc đẩy các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương trên cơ sở tôn trọng giá trị, bản sắc riêng của mỗi nước về lịch sử, văn hóa, chính trị, kinh tế-xã hội.
Đại sứ cũng cho rằng Liên hợp quốc cần phát huy vai trò hỗ trợ giải quyết hòa bình tranh chấp và ngăn ngừa xung đột; Hội đồng Bảo an cần ưu tiên sử dụng các biện pháp hòa bình theo Điều 33 của Hiến chương, tăng cường quan hệ với các tổ chức khu vực và tiểu khu vực, thực hiện tốt vai trò trung gian h​òa giải, huy động nguồn lực và nâng cao năng lực cho các hoạt động gìn giữ hòa bình.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh vai trò đoàn kết của ASEAN trong việc bảo đảm cấu trúc an ninh và ổn định tại khu vực, đặc biệt trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông với những hành động đơn phương xây dựng, mở rộng đảo, đá bất hợp pháp làm ảnh hưởng đến môi trường và gây phương hại nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Đại sứ đề nghị các bên liên quan chấm dứt những hành động làm thay đổi hiện trạng, quân sự hóa hoặc làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông; kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở khu vực, cam kết thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về các ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). (TTXVN 16/2)Về đầu trang

Ban hành văn bản kém chất lượng: Quy trách nhiệm cá nhân, tổ chức


Các đại biểu Quốc hội đánh giá Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 là luật cơ bản, luật nền phục vụ hiệu quả cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Có nhiều điểm mới của Luật được kỳ vọng sẽ đảm bảo tính thống nhất trong công tác xây dựng luật.
Con số hơn 12.000 văn bản có vấn đề, với các lỗi như hết hiệu lực, trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội mà Bộ Tư pháp đưa ra tại hội nghị tổng kết năm 2015 vừa qua làm dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Những văn bản không đảm bảo chất lượng này là do các cơ quan tham gia xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa làm hết trách nhiệm của mình. Trong đó, có một phần nguyên nhân là năng lực kém của cán bộ làm văn bản.
Theo ông Nguyễn Tiến Sinh, đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, một điểm mới của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 là đã quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ chế xử lý rõ ràng đối với những cá nhân, tổ chức, cơ quan xây dựng, ban hành văn bản kém chất lượng.
“Về trách nhiệm trong ban hành, luật quy định khá chặt chẽ, cơ quan soạn thảo, thẩm tra, thẩm định, thậm chí quy định cá nhân, tổ chức… phù hợp với công ước quốc tế. Nếu chất lượng không cao thì xử lý, điều này để ràng buộc các cơ quan…đến khi văn bản được tổ chức thực hiện”, ông Nguyễn Tiến Sinh nói.
Theo bà Trịnh Thị Thanh Bình, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, một điểm mới của Luật nữa cũng rất được người dân quan tâm, đó là mở rộng dân chủ, tăng cường tính công khai, minh bạch trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, Luật đã bổ sung nhiều quy định hợp lý, cụ thể hơn về việc lấy ý kiến để tạo điều kiện cho Nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật một cách thực chất, hiệu quả hơn, trong đó, việc lấy ý kiến người dân được coi là thủ tục bắt buộc trong cả giai đoạn đề nghị xây dựng chính sách và giai đoạn soạn thảo.
“Đây là đạo luật cực kỳ quan trọng vì quy định về công tác xây dựng pháp luật. Trong nội dung quy định mới, tôi rất quan tâm và đánh giá cao đó là xác định rõ nguyên tắc, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên quan điểm công khai minh bạch”, bà Trịnh Thị Thanh Bình nêu ý kiến.
Để tránh xảy ra việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, không hiệu quả, Luật đã quy định thẩm quyền ban hành, nội dung văn bản quy phạm pháp luật của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đồng thời, bổ sung quy trình hoạch định, phân tích chính sách trước khi soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tách bạch với quy trình soạn thảo văn bản.
Theo ông Y Khút Niê, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắc Lắc, để luật được triển khai một cách có hiệu quả, các cơ quan ban ngành có liên quan phải nhanh chóng ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành luật, tránh tình trạng luật có rồi nhưng vẫn chưa văn bản hướng dẫn.
Cùng với đó các cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải rà soát lại các văn bản xem còn phù hợp hay không để có hướng xử lý khi luật có hiệu lực. Đồng thời chuẩn bị lực lượng cán bộ pháp chế có chuyên môn sâu và khả năng lập pháp tốt để tham mưu giúp đỡ các cơ quan ban hành văn bản có hiệu quả. Các cấp các ngành, đặc biệt là ngành tư pháp cần hướng dẫn để thực hiện đúng, cấp huyện, xã cũng phải nghiên cứu kĩ để tránh chồng chéo.
Từ nay đến ngày 1/7, để luật được triển khai và nhanh chóng đi vào cuộc sống, rất cần sự chung tay, góp sức của các cơ quan ban ngành liên quan từ Trung ương tới địa phương. (VOV.vn 16/2)Về đầu trang

Ông Nguyễn Xuân Anh: Công trình kém chất lượng thì đừng nhìn mặt lãnh đạo


Ngày 16/2, ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã đi động viên cán bộ công nhân viên tại các công trường, nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn thành phố ra quân đầu năm mới 2016.
Tại công trình Cung văn hóa thiếu nhi Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã yêu cầu Ban quản lý dự án và đơn vị thi công là liên danh Công ty 319 Miền Trung (Bộ Quốc phòng), Công ty Đại Trung, Công ty Licogi 18 phải đảm bảo tiến độ công trình do thành phố đề ra là hoàn thành đúng vào tháng 7/2016.
Đặc biệt, ông Xuân Anh yêu cầu đơn vị thi công và ban quản lý dự án phải cố gắng đẩy nhanh tiến độ kịp thời phục vụ thanh thiếu nhi trên địa bàn. “Tiến độ thì phải đảm bảo nhưng quan trọng nhất là phải đảm bảo chất lượng. Thành phố không chấp nhận một công trình có chất lượng kém, không thể chấp nhận một công trình được đầu tư từ tiền ngân sách mà nứt nẻ sau vài năm sử dụng. Tôi yêu cầu chất lượng phải là số một. Nếu có sự cố gì xảy ra thì các ông không còn mặt mũi nào mà gặp lãnh đạo thành phố nữa” - ông Anh nhấn mạnh.
Tại Nhà máy bia Việt Nam trụ sở Đà Nẵng với nhãn hiệu kia Larue và Tiger. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho hay bia Larue là đơn vị có đóng góp thuế rất lớn cho nguồn thu ngân sách của thành phố trong thời gian qua. Bên cạnh đó đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân thành phố, vì vậy cần khuyến khích người dân lựa chọn loại bia này để sử dụng thay cho các loại bia khác.
Đồng thời, ông cũng đề nghị Nhà máy bia Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng với TP trong các sự kiện, lễ hội cũng như trong các hoạt động anh sinh xã hội, từ thiện vì người nghèo. (Pháp Luật TPHCM 16/2)Về đầu trang

Ðà Nẵng không có người chết vì tai nạn giao thông dịp Tết


Sáng 15/2, trong buổi triển khai công tác đầu năm đối với lãnh đạo các sở, ngành, ông Trần Đình Quỳnh - Chánh Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng cho hay, trong dịp Tết, thành phố chỉ xảy ra một vụ cố ý gây thương tích, một vụ cướp giật tài sản, bốn vụ trộm cắp tài sản…
Đặc biệt, trong dịp Tết, thành phố Đà Nẵng chỉ xảy ra một vụ tai nạn giao thông làm một người bị thương. Các bệnh viện trên địa bàn ghi nhận có chín trường hợp tử vong do tai nạn giao thông nhưng đây là các nạn nhân được chuyển đến từ Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng nhấn mạnh trong dịp Tết, thành phố đón trên 222.000 lượt khách du lịch tới tham quan. Dấu ấn đặc biệt trong dịp tết năm nay chính là trong khi cả nước xảy ra 334 vụ tai nạn giao thông làm chết 210 người, bị thương 331 người thì tại thành phố Đà Nẵng chỉ có một người bị thương và không có người chết vì tai nạn giao thông. (Pháp Luật TPHCM 16/2)Về đầu trang

Cần Thơ: Cảnh sát đẩy ô tô giúp dân được khen ngợi


Chiều 15/2, Đại tá Nguyễn Văn Tám - Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an thành phố Cần Thơ xác nhận trong lúc trực Tết nguyên đán Bính Thân 2016, ba chiến sĩ Cảnh sát giao thông Công an quận Ninh Kiều đã đẩy xe chết máy giúp dân.
Trước đó, trên mạng xã hội, chị Tuyền Thanh đưa hình ảnh ba chiến sĩ cảnh sát giao thông đang đẩy ô tô giữa nắng với lời chia sẻ: “... Chuyện có thật 100% vừa xảy ra lúc trưa. Hôm nay gia đình mình có dẫn người khách từ Hà Nội vào Cần Thơ du lịch, trên đường đi Mỹ Khánh về hotel (khách sạn), xe đang chạy dừng đèn giao thông thì không nổ máy nữa, một anh police (ý nói cảnh sát giao thông) đứng bên đường chạy qua hỏi xe làm sao thế, bảo là xe không hịn được nên tịt rồi. Anh police gọi các đồng đội qua đẩy xe hộ, thế là cuối cũng chạy được về đến hotel. Hành động các anh đẩy xe dưới trời nắng thật sự không biết dùng từ gì để diễn tả. Chốt lại thì có thể là quê mình”.
Thông tin này lập tức được các trang mạng chia sẻ và tán dương những ngày qua.
Theo Đại tá Tám, thực hiện chỉ đạo của giám đốc Công an thành phố Cần Thơ, lãnh đạo Phòng cảnh sát giao thông đường bộ luôn chỉ đạo, nhắc nhở các cán bộ chiến sĩ trong tác phong và trong công việc chuyên môn luôn phải ân cần, gần gũi và tạo thuận lợi nhất cho người dân. Trong các trường hợp như ngập nước, kẹt xe hay xe chết máy như vậy thì sẵn sàng giúp đỡ, tạo thuận tiện cho dân đi lại.
“Thời gian qua lực lượng cảnh sát giao thông các quận, huyện thực hiện rất tốt, tạo được cảm tình đối với không chỉ người dân địa phương mà còn đối với du khách khắp nơi đến đây. Chúng tôi sẽ tiếp tục nhắc nhở lực lượng trong ngành tiếp tục phát huy những hình ảnh đẹp như vậy”, đại tá Tám nói.
Theo Công an quận Ninh Kiều, sự việc trên diễn ra vào ngày mùng 4 Tết Nguyên đán 2016 (nhằm ngày 11/2) tại giao lộ Ba Tháng Hai - Trần Hưng Đạo - Mậu Thân (quận Ninh Kiều). Tổ cảnh sát giao thông giúp dân đẩy xe chết máy gồm Thượng úy Nguyễn Hải Sơn, Thượng úy Dương Huy Tuấn, Trung úy Trần Nguyễn Thái Duy và Thượng sĩ Nguyễn Thanh Toàn thuộc Đội cảnh sát giao thông Công an quận Ninh Kiều. (Tuổi Trẻ 16/2)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Ðược nộp phạt giao thông qua bưu điện


“Bưu điện TP.HCM đã có các buổi làm việc với thanh tra giao thông (Thanh tra giao thông, thuộc Sở GTVT TPHCM) bàn về quy trình thực hiện dịch vụ nộp phạt và trả kết quả hồ sơ vi phạm giao thông đối với các lỗi do Thanh tra giao thông lập biên bản vi phạm”. Bà Nguyễn Thị Thu Vân, Phó Giám đốc Bưu điện TP.HCM cho biết như trên.
Ông Nguyễn Ngọc Kim - Trưởng phòng Kinh doanh Bưu điện TPHCM cho biết thêm, đơn vị đã đề nghị quy trình để người vi phạm giao thông (do TTGT lập biên bản vi phạm) đóng phạt qua bưu điện. Nhân viên các điểm giao dịch bưu điện cũng đã được hướng dẫn về thủ tục, quy trình thực hiện việc tiếp nhận, đóng phạt thay người vi phạm và nhận giấy tờ liên quan để trả tận tay người dân.
Theo ông Kim, đây là một trong các hoạt động dịch vụ hành chính công nhằm góp phần giảm bớt thời gian đi lại cho người dân. “Chúng tôi đã đề nghị bưu điện sẽ nộp phạt vi phạm giao thông thay ở các lỗi do Thanh tra giao thông lập như chở hàng quá tải; dừng, đậu không đúng nơi quy định…” - ông Kim nói.
Theo Bưu điện thành phố, khi người vi phạm giao thông có nhu cầu cung cấp dịch vụ nói trên, dựa vào nội dung ghi trên biên bản vi phạm, Bưu điện thành phố sẽ liên hệ với Thanh tra giao thông để lấy thông tin liên quan đến các khâu xử lý vi phạm sau đó. Khi có quyết định xử phạt ban hành, bưu điện sẽ nộp biên bản vi phạm để nhận bản chính quyết định xử phạt và liên hệ với Kho bạc Nhà nước được chỉ định để đóng phạt.
Sau đó bưu điện sẽ nộp biên lai đóng phạt cho Thanh tra giao thông để nhận các giấy tờ của người vi phạm đã bị tạm giữ rồi chuyển phát toàn bộ các loại giấy tờ trên cùng bản chính quyết định xử phạt, biên lai đóng phạt đến tận tay người dân.
Ông Vũ Việt Hà, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT cũng xác nhận đã có các buổi làm việc với phía bưu điện về việc cho phép người vi phạm giao thông nộp phạt qua bưu điện. “Chúng tôi ủng hộ thực hiện dịch vụ này nhằm tạo thuận lợi cho người dân nhưng phải chờ hướng dẫn cụ thể để thực hiện” - ông Hà nói thêm. (Pháp Luật TPHCM 16/2)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Đức thí điểm phát lương cơ bản toàn dân


Hiện Đức đang tiến hành thí điểm mô hình phát lương cơ bản vô điều kiện cho toàn dân cư của quốc gia này.
Chị Judith Menzl, chủ một quán cà phê ở thành phố Rostock (Đức), là 1 trong 29 người vừa được chọn từ khoảng 66.000 người đăng ký thử nghiệm chương trình trả lương cơ bản. Theo đó, chị Judith được trả lương vô điều kiện 1.000 Euro/tháng và kéo dài trong suốt 12 tháng.
Tổ chức Mein Grundeinkommen là đơn vị thực hiện dự án thí điểm này. Tổ chức này cho biết, mọi công dân hợp pháp ở Đức đều có quyền đăng ký tham gia và ban tổ chức lựa chọn theo phương pháp ngẫu nhiên. Mục đích của dự án là xem cuộc sống của người dân có gì khác biệt nếu được trả lương cơ bản hàng tháng.
Hơn 34.000 người Đức đã đóng góp để tạo kinh phí thực hiện dự án này. Tuy nhiên, dự án này vẫn chưa nhận được sự ủng hộ tích cực của các chính trị gia Đức. (Kênh VTV1 – Bản tin Thời sự lúc 18h ngày 15/2)Về đầu trang./.
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG





tải về 130.51 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương