BẢn tin phục vụ LÃnh đẠO (Ngày 17 ngày 07 năm 2012)



tải về 112.62 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích112.62 Kb.
#30840




BẢN TIN PHỤC VỤ LÃNH ĐẠO

(Ngày 17 ngày 07 năm 2012)


CHÍNH SÁCH MỚI 2

  1. Không chi hoa hồng quá 20% doanh thu phí bảo hiểm nông nghiệp 2

  2. Hỗ trợ 2,4% lãi suất cho vay tín dụng đầu tư, xuất khẩu của Nhà nước 2

CHỈ THỊ MỚI 3

  1. Thủ tướng yêu cầu EVN từ năm 2012 phải có lãi 3

  2. Báo cáo về dự án Saigon Atlantis Hotel 3

  3. Huy động thủy điện nhỏ tham gia thị trường 4

  4. Đôn đốc triển khai dự án Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Bình Thuận 5

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN 5

  1. Quản lý vốn doanh nghiệp nhìn từ cơ chế giám sát 5

TƯ DUY - CÁCH LÀM MỚI 7

  1. Hải Phòng: Hiệu quả trong hoạt động của Cảnh sát đặc biệt 119 7

  2. Bình Thuận: Công khai danh tính cán bộ vi phạm giao thông 8

QUẢN LÝ 8

  1. Nhân rộng mô hình công chức xin lỗi dân ở TP Đà Nẵng ra cả nước 8

  2. Trì trệ trong giải phóng mặt bằng làm nản lòng nhà đầu tư 10

  3. Luật phòng chống tham nhũng sẽ được sửa đổi 12

  4. Những bất cập trong chi trả bảo hiểm thất nghiệp 13

  5. Đầu tư công chèn ép đầu tư tư nhân 15

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH 16

  1. Rà soát, cắt giảm 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính hải quan 16

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH 17

  1. Kinh tế khó khăn, thu thuế vẫn tăng so với 2011 17

PHÁP LUẬT 18

  1. Hải Phòng: Cách chức Bí thư, Chủ tịch xã sai phạm về đất đai 18

  2. Điện Biên: Kiến nghị kỷ luật Phó Chánh án TAND TP Điện Biên Phủ 18

TIN THẾ GIỚI 19

  1. Trung Quốc giảm thuế cho doanh nghiệp nước ngoài 19

CHÍNH SÁCH MỚI

Không chi hoa hồng quá 20% doanh thu phí bảo hiểm nông nghiệp


Doanh nghiệp bảo hiểm được phép chi hoa hồng bảo hiểm, chi hỗ trợ, chi thù lao đối với hoạt động triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp không quá 20% doanh thu phí bảo hiểm nông nghiệp.
Đây là quy định tại Thông tư số 101/2012/BTC quy định một số vấn đề về tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.
Đối với chi bán hàng, chi quản lý, chi hoa hồng bảo hiểm, chi hỗ trợ, chi thù lao để triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, doanh nghiệp bảo hiểm được phép sử dụng không quá 35% doanh thu phí bảo hiểm nông nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm được phép chi hoa hồng bảo hiểm, chi hỗ trợ, chi thù lao đối với hoạt động triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp không quá 20% doanh thu phí bảo hiểm nông nghiệp.
Về chi bán hàng, chi quản lý đối với hoạt động triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm được chi, hạch toán phân bổ vào chi phí quản lý của hoạt động triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp và được quyết toán đảm bảo không vượt quá tỷ lệ 15% doanh thu phí bảo hiểm nông nghiệp.
Doanh nghiệp tái bảo hiểm được chi quản lý, chi bán hàng và hạch toán phân bổ vào chi phí không vượt quá 3,5% doanh thu phí nhận tái bảo hiểm nông nghiệp thí điểm. (Baodientuchinhphu.vn 14/7) Về đầu trang

Hỗ trợ 2,4% lãi suất cho vay tín dụng đầu tư, xuất khẩu của Nhà nước


Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 104/2012/BTC quy định lãi suất cho vay tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và mức chênh lệch lãi suất được tính hỗ trợ sau đầu tư.
Thông tư quy định cụ thể về lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước bằng đồng Việt Nam là 12%/năm. Lãi suất cho vay tín dụng xuất khẩu của Nhà nước bằng đồng Việt Nam là 11,4%/năm. Mức chênh lệch lãi suất được tính hỗ trợ sau đầu tư đối với dự án vay vốn bằng đồng Việt Nam là 2,4%/năm.
Mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và mức chênh lệch lãi suất được tính hỗ trợ sau đầu tư được áp dụng đối với các khoản giải ngân vốn vay tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước kể từ ngày thông tư này có hiệu lực thi hành. Thông tư có hiệu lực từ ngày 25/6. (Hà Nội Mới 14/7)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Thủ tướng yêu cầu EVN từ năm 2012 phải có lãi


Thủ tướng vừa phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm năm 2011-2015 của Tập đoàn Điện lực VN (EVN).
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu EVN từ năm nay trở đi phải kinh doanh có lãi. Thực hiện phân bổ các khoản lỗ do sản xuất, kinh doanh điện chưa tính hết vào giá điện từ trước năm 2011 cho các năm 2012 và 2013; phân bổ các khoản chênh lệch tỉ giá trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2015. Đến năm 2015 hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu nhỏ hơn ba lần; tỉ lệ tự đầu tư lớn hơn 30%; hệ số thanh toán nợ lớn hơn 1,5 lần. Tổng số vốn điều lệ sau đánh giá lại tài sản là 143.404 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, EVN phải tăng năng suất lao động hằng năm, đảm bảo tốc độ tăng năng suất lao động cao hơn tốc độ tăng tiền lương. Giảm điện năng dùng cho sản xuất, truyền tải và phân phối điện, đảm bảo điện dùng cho truyền tải và phân phối điện năm 2015 không cao hơn 8%. Từng bước nâng dần giá bán điện, đến năm 2013 giá bán điện bình quân theo giá thị trường. (Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh 14/7)Về đầu trang

Báo cáo về dự án Saigon Atlantis Hotel


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bà Rịa - Vũng Tàu báo cáo các vấn đề liên quan đến tình hình triển khai, thực hiện dự án Khu du lịch giải trí đa năng Saigon Atlantis Hotel, nêu hướng xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc.
Ngày 28/6 vừa qua, Chủ tịch Tập đoàn Winvest LLC (Hoa Kỳ) cùng Ban lãnh đạo Công ty Winvest Investment Việt Nam Ltd. đã báo cáo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải một số tình hình khó khăn, vướng mắc kéo dài trong việc thực hiện các thủ tục để triển khai Dự án nêu trên.
Công ty TNHH Winvest Investment Việt Nam (thuộc tập đoàn Winvest LLC, Hoa Kỳ) làm chủ đầu tư Dự án Khu du lịch giải trí đa năng Saigon Atlantis Hotel. Đây là một trong những dự án du lịch lớn nhất Việt Nam đã được cấp phép đầu tư. Tuy vậy, việc triển khai dự án đang gặp khó khăn, trong đó có nguyên nhân chưa có “đất sạch”.
Được biết, dự án Khu du lịch giải trí đa năng Sài Gòn Atlantis Hotel tại khu Chí Linh-Cửa Lấp, thành phố Vũng Tàu có 100% vốn đầu tư nước ngoài, được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào tháng 11/2007 với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD trên diện tích 300ha. Tháng 1/2009, dự án được sửa đổi tăng vốn lên 4,1 tỷ USD trên diện tích 307ha phần đất liền và 610ha lấn biển.
Theo kế hoạch trước đó của Công ty Winvest Investment, tiến độ sử dụng đất phần trên bờ của dự án sẽ chia làm 3 giai đoạn, bắt đầu từ quý II đến hết quý IV năm 2009; phần lấn biển sẽ nhận trong năm 2010.
Khi đi vào hoạt động, dự án Khu du lịch giải trí đa năng Sài Gòn Atlantis Hotel sẽ có 332 biệt thự; 11.960 phòng khách sạn 5 sao và 16.127 căn hộ cao cấp, thu hút khoảng 15.000 lao động. (CafeLand 16/7)Về đầu trang

Huy động thủy điện nhỏ tham gia thị trường


Bộ Công Thương vừa chỉ đạo EVN và các công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ, Hương Sơn, Vĩnh Sơn- Sông Hinh, miền Nam, Hương Điền về việc chuyển đổi hợp đồng và huy động các nhà máy thủy điện có hồ chứa nhỏ.
Theo đó, đối với các nhà máy thủy điện có hồ điều tiết nhỏ, khả năng điều tiết dưới 1 tuần như thủy điện Sông Ba Hạ, Đa Dâng 2, Hương Sơn sẽ gửi bản chào giá cho Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) trước 10h ngày D-1 (ngày trước ngày giao dịch hiện tại 1 ngày).
Giới hạn giá chào của các nhà máy này từ 0 đồng/kWh đến giá trần thị trường. Sau ngày vận hành, 95% sản lượng hàng giờ đã phát điện thực tế của nhà máy sẽ được thanh toán theo giá hợp đồng hiện tại và 5% còn lại sẽ được thanh toán theo giá thị trường.
Khi có thay đổi phương thức kết dây và thường xuyên đấu nối vào hệ thống điện quốc gia thì các nhà máy này sẽ tham gia thị trường theo quy định. (Đại Biểu Nhân Dân 16/7)Về đầu trang

Đôn đốc triển khai dự án Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Bình Thuận


Ngày 14/7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Đoàn công tác Chính phủ đã kiểm tra công trường Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận, đôn đốc công tác thi công, xây dựng các nhà máy điện có ý nghĩa quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu điện phía Nam.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo các bên liên quan sớm triển khai kế hoạch Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 3, 4 để sớm khởi công các dự án này, nhằm góp phần quan trọng vào sự phát triển vùng kinh tế trọng điểm của đất nước...
Được biết, Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, thuộc Quy hoạch phát triển điện quốc gia (giai đoạn 2006-2015), có xét đến năm 2025 (Tổng sơ đồ VI) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là trung tâm nhiệt điện lớn nhất với tổng công suất 4.400 MW. (Công An Nhân Dân 15/7)Về đầu trang

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

Quản lý vốn doanh nghiệp nhìn từ cơ chế giám sát


Theo các chuyên gia kinh tế, trên cơ sở theo thể chế kinh tế thị trường, Chính phủ cần làm rõ vai trò và nhiệm vụ của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, cần có thể chế rõ ràng và cơ chế giám sát cụ thể để có thể điều hành doanh nghiệp và sử dụng nguồn vốn hiệu quả nhất.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, để tăng cường cơ chế giám sát hoạt động chung của các doanh nghiệp, thì công tác giám sát về mặt tài chính là quan trọng nhất. Về vấn đề này, Chính phủ đã nhận thức rõ và đang quyết liệt thực hiện việc minh bạch, tách rõ vấn đề kinh doanh với thực hiện nhiệm vụ công ích.
Tuy vậy, trên thực tế, các quy định hiện hành về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước còn bất cập, chưa thực sự tạo cơ chế hiệu quả để kịp thời phát hiện và cảnh báo cho chủ sở hữu doanh nghiệp về những nguy cơ, dấu hiệu rủi ro về tài chính.
Theo Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn, không nên sử dụng doanh nghiệp Nhà nước là công cụ điều tiết vĩ mô nhưng có thể điều hành doanh nghiệp Nhà nước thực hiện các mục tiêu phi kinh tế. Vì vậy, cơ chế giám sát còn được đánh giá dựa trên vai trò, nhiệm vụ cụ thể của doanh nghiệp Nhà nước. Bởi đã là doanh nghiệp Nhà nước, thì đương nhiên nhà nước phải sử dụng để thực hiện một số nhiệm vụ nhất định.
Trước đây, nhiều khi được điều hành để thực hiện mục tiêu chính trị, hay xã hội mà chưa đặt vào mối quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp. Và một vấn đề quan trọng khác, muốn giám sát tốt việc sử dụng nguồn vốn nhà nước, thì cơ chế người đại diện cần phải được xem xét công khai, và vai trò của người đại diện cần được nâng cao. Muốn vậy, công tác kiểm soát nội bộ cần phải được xem xét, sửa đổi cho phù hợp.
Công tác giám sát các nguồn vốn không chỉ gián tiếp bằng các báo cáo tài chính, thống kê, báo cáo kết quả giám sát doanh nghiệp của chủ sở hữu, mà còn thực hiện theo phương thức giám sát trực tiếp. Đồng thời, việc kiểm tra, thanh tra được thực hiện theo định kỳ hoặc đột xuất theo quy định của pháp luật, tránh những mệnh lệnh hành chính hoặc sự can thiệp quá sâu từ Ủy ban nhân dân các địa phương.
Một giải pháp để tự kiểm soát phần vốn tại doanh nghiệp, theo Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường, vấn đề không chỉ có một bộ phận kiểm soát chung. Mà cần chọn khâu đột phá, đa dạng sở hữu, thành phần trong doanh nghiệp, tạo môi trường, tự tạo động lực để họ tự kiểm soát phần vốn của họ và sẽ cải thiện hoạt động của doanh nghiệp và sử dụng nguồn vốn.
Vấn đề giám sát nội bộ của doanh nghiệp cần được nhìn nhận một cách thỏa đáng. Giám sát doanh nghiệp cần tiến tới mục tiêu tập trung ở dưới góc độ cải thiện, đổi mới trong hoạt động của các doanh nghiệp - điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Rõ ràng, nếu không có tiêu chí đánh giá, có cơ quan chịu trách nhiệm giám sát thì sẽ không có hệ thống khuyến khích các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả và tính cạnh tranh cao. (Đại Biểu Nhân Dân 16/7)Về đầu trang

TƯ DUY - CÁCH LÀM MỚI

Hải Phòng: Hiệu quả trong hoạt động của Cảnh sát đặc biệt 119


Thông qua hoạt động của các tổ “Cảnh sát đặc biệt 119” của Công an TP Hải Phòng đã bắt giữ 119 trường hợp lạng lách đánh võng, 12 đối tượng phạm pháp hình sự nguy hiểm, thu 1 mìn nhân tạo, 1 súng colt, 1 bình xịt hơi cay, nhiều dao, xe máy gian, heroin, ma túy “đá”.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và Kế hoạch 119 của Giám đốc Công an TP Hải Phòng, từ tháng 5/2012, Cảnh sát giao thông Hải Phòng đã phối hợp với cảnh sát cơ động (CSCĐ) và lực lượng CSĐT tội phạm hình sự thành lập các tổ công tác đặc biệt, gọi tắt là “Cảnh sát đặc biệt 119” vừa làm nhiệm vụ công khai, vừa bí mật để phát hiện, xử lý các vi phạm Luật Giao thông đường bộ và các vi phạm khác.
Trong đó, Công an thành phố thành lập 3 tổ gồm 43 cán bộ, chiến sĩ; Công an các quận, huyện Hải An, Kiến An, An Dương, Thuỷ Nguyên có 4 tổ, cơ cấu gồm gần 100 cán bộ, chiến sĩ hoạt động theo phương thức: nhóm thường phục làm nhiệm vụ trinh sát phát hiện những sai phạm về giao thông, hình sự, nhóm mặc cảnh phục bám sát để kịp thời tiếp cận kiểm tra, xử lý.
Qua 2 tháng hoạt động, các tổ đã thực hiện hàng nghìn lượt tuần tra, kiểm tra 7.870 trường hợp vi phạm, phạt tiền 3.460.040.000 đồng. Điều đáng nói, hoạt động của các tổ “Cảnh sát đặc biệt 119” đã bắt giữ 119 trường hợp lạng lách đánh võng, 12 đối tượng phạm pháp hình sự nguy hiểm, thu 1 mìn nhân tạo, 1 súng colt, 1 bình xịt hơi cay, nhiều dao, xe máy gian, heroin, ma túy “đá” cùng các dụng cụ mua bán, sử dụng ma tuý như cân tiểu ly, bình “đập đá”.
Theo Thượng tá Trần Bá Thắng - Phó trưởng Công an huyện Thủy Nguyên: “Nếu không có lực lượng 119, không thể bắt, xử lý được những trường hợp vi phạm nghiêm trọng Luật Giao hông đường bộ”. So với 2 tháng trước khi thành lập các đơn vị đặc biệt nêu trên, tai nạn giao thông giảm gần 50%. (Công An Nhân Dân 16/7)Về đầu trang

Bình Thuận: Công khai danh tính cán bộ vi phạm giao thông


Chủ tịch tỉnh vừa ban hành chỉ thị về tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Theo đó, chủ tịch tỉnh yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh phải gương mẫu chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ.
Công an tỉnh khi tuần tra, kiểm soát về trật tự an toàn giao thông nếu phát hiện cán bộ, công chức, viên chức vi phạm, ngoài việc xử phạt hành chính theo quy định thì phải có văn bản thông báo định kỳ mỗi tháng một lần về Sở Nội vụ, nơi công tác và nơi cư trú của người vi phạm biết để theo dõi và có biện pháp xử lý.
Ban An toàn giao thông tỉnh chủ động phối hợp với Công an tỉnh và Đài Phát thanh-Truyền hình Bình Thuận, báo Bình Thuận đưa tin công khai các trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông của cán bộ, công chức, viên chức. (Pháp Luật TPHCM Online 16/7) Về đầu trang

QUẢN LÝ

Nhân rộng mô hình công chức xin lỗi dân ở TP Đà Nẵng ra cả nước


Mô hình công chức xin lỗi dân ở TP Đà Nẵng chứng tỏ lãnh đạo Đà Nẵng không lơ là trong việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Sẽ rất ý nghĩa nếu mô hình này được Ban tổ chức chương trình Đối thoại phòng chống tham nhũng lần thứ 11 xem xét, đề xuất nhân rộng cả nước.
Được biết, Thanh tra Chính phủ đang chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để tổ chức Đối thoại phòng chống tham nhũng lần thứ 11, dự kiến vào cuối tháng 10 năm nay. Chủ đề lần này là "Công tác phòng chống tham nhũng ở địa phương, thực trạng và giải pháp" nhằm tiếp nhận các sáng kiến xóa bỏ tình trạng "chạy chức, chạy quyền", nhiều tỉnh, thành phố không phát hiện được tham nhũng.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhìn nhận, số vụ án tham nhũng được lực lượng chức năng các tỉnh, thành phố điều tra, truy tố, xét xử những năm qua có xu hướng giảm dần, tham nhũng đã thâm nhập sâu vào bộ máy hành chính, có sự bao che của các cấp.
Qua kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai minh bạch tại 23.522 cơ quan, đơn vị, đã phát hiện tới 1.704 tổ chức vi phạm quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động. Hầu hết các địa phương đều không tự phát hiện được tham nhũng. Số người đứng đầu bị xử lý còn ít so với số vụ việc. Không ít vụ nghiêm trọng, phức tạp thường bị điều tra kéo dài, giảm dần số đối tượng bị truy tố và lượng tài sản thiệt hại do tội phạm gây ra. Đặc biệt, có trường hợp còn thay đổi tội danh theo hướng ít nghiêm trọng hơn hoặc chuyển biện pháp ngăn chặn nhẹ nhàng hơn...
Những hạn chế, yếu kém trong phát hiện, xử lý tham nhũng đã gây tâm lý hoài nghi đối với các cơ quan tư pháp về tính nghiêm minh của pháp luật và hiệu quả cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Dư luận đang đặt câu hỏi: phải chăng các địa phương yếu kém trong quản lý, chạy theo thành tích nên "chẳng ai lấy búa đập chân mình", số vụ án có quy mô lớn được phát hiện, xử lý còn ít? Vì lý do này, chủ đề phòng chống tham nhũng năm nay được cho là có tính thời sự cao nhằm tìm các sáng kiến xóa bỏ tình trạng "chạy chức, chạy quyền", nhiều địa phương không phát hiện được tham nhũng.
Theo luật sư Nguyễn Thành Vinh - Đoàn Luật sư Hà Nội, trong cuộc Đối thoại phòng chống tham nhũng lần thứ 11 sắp tới, Thanh tra Chính phủ cần tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia, đặc biệt là địa phương và người dân, các chuyên gia pháp luật để có thêm nhiều kênh thông tin quan trọng. Hiện cơ quan hành pháp là nơi tập trung quyền lực điều hành, quản lý địa phương, lại có quyền ban hành các chính sách, chế độ, mà quyền lực lại dễ tạo ra tham nhũng.
Với cơ chế hiện nay, mặc dù tòa án hành chính đã được thành lập và thẩm quyền xét xử của tòa án đối với các khiếu kiện hành chính ngày càng được mở rộng, nhưng tòa vẫn chưa thực sự thoát được sự phụ thuộc nhất định vào chính quyền địa phương. Không ít vụ việc xét xử kiểu "đầu voi đuôi chuột" vì tư tưởng vị nể, vì tình "đồng chí" giữa các cán bộ trong bộ máy công quyền.
Theo kinh nghiệm của Đà Nẵng, thành phố này quy định rõ: Cán bộ công chức trễ hẹn xử lý hồ sơ cho dân thì phải xin lỗi dân bằng văn bản, trễ hai lần trở lên sẽ bị xem xét xử lý hoặc thay đổi vị trí công tác. Đây là một mũi tên trúng hai mục đích: đẩy lùi tiêu cực và hạn chế tham nhũng. Vì nếu quá trình giải quyết thủ tục liên quan trực tiếp đến đời sống người dân như tiếp cận vốn, đất đai, cấp phép xây dựng kéo dài, không minh bạch sẽ tạo "khoảng trống" để các tổ chức và công dân có nhu cầu bị lỗi hẹn, cực chẳng đã phải chi những khoản "lót tay".
Sau hơn một tháng thực hiện Quyết định 4503 nói trên, mức độ hài lòng của người dân Đà Nẵng khi đến các cơ quan công quyền tăng lên rõ rệt. Trên thực tế ai cũng có lòng tự trọng, lo ảnh hưởng trách nhiệm, nên từ cán bộ tiếp nhận hồ sơ đến phó chủ tịch UBND phụ trách phê duyệt, thẩm định rất ngại nói lời xin lỗi với dân bởi một lần xin lỗi khác gì tự nhận mình yếu kém về năng lực và sa sút về phẩm chất, lại có nguy cơ bị kỷ luật.
Rõ ràng, việc ban hành "cây gậy" 4503 chứng tỏ lãnh đạo Đà Nẵng không lơ là trong việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Sẽ rất ý nghĩa nếu mô hình công chức xin lỗi dân được Ban tổ chức chương trình Đối thoại phòng chống tham nhũng lần thứ 11 xem xét, đề xuất nhân rộng cả nước. (Hà Nội Mới 14/7) Về đầu trang

Trì trệ trong giải phóng mặt bằng làm nản lòng nhà đầu tư


Phát biểu tại hội thảo được tổ chức ngày 13/7 tại TPHCM, ông Nguyễn Mạnh Hiển- Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết: Việc thi hành Luật Đất đai 2003 đạt được nhiều tiến bộ, chuyển biến mới trong quản lý và sử dụng đất đai.
Tuy nhiên, bên cạnh đó những chính sách, pháp luật đất đai vẫn còn nhiều bất cập. Đặc biệt, những trì trệ trong giải phóng mặt bằng đang làm nản lòng nhà đầu tư
Ông Hiển phân tích, hiện nay tại một số dự án, việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư chưa thỏa đáng đang là nguyên nhân kéo dài thời hạn giải phóng mặt bằng, làm chậm tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, trong đó có các dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Ngoài ra, tình hình khiếu kiện đất đai vẫn còn diễn biến phức tạp chủ yếu liên quan đến thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ và tái định cư, đặc biệt là việc định giá khiếu kiện đất để bồi thường.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng: Công tác bồi thường đất đai cần sát thực tế, phải đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Tránh tình trạng khiếu nại, kéo dài dây dưa gây ách tắc, trì trệ cho dân cư thiệt thòi cho doanh nghiệp. Ông Châu cho biết nhiều dự án 5-10 năm chưa bồi thường xong đất...
Đề xuất hướng giải quyết, ông Châu kiến nghị với những dự án đã thỏa thuận bồi thường xong tới 80% nhưng còn 20% không thỏa thuận được thì có thể xác định mức giá trung bình của số diện tích đã đền bù để làm mức giá bồi thường cho số diện tích còn lại. Ông Châu bức xúc: Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản còn gặp nhiều khó khăn khác như: thủ tục hành chính nhiêu khê (trung bình phải mất 3 năm để hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư trong khi ở các nước chỉ mất một tháng); Hệ thống quy phạm pháp luật về đầu tư xây dựng không đồng bộ, chồng chéo nhau...
Việc mất quá nhiều thời gian để giải phóng mặt bằng, trình dự án đầu tư và các quy hoạch chi tiết, cấp phép xây dựng đã làm nản lòng nhà đầu tư. Điều đó khiến các doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh và phát sinh tăng thêm chi phí quản lý và lãi vay ngân hàng... Trong khi đó, thị trường bất động sản đang sụt giảm mạnh, các chung cư còn tồn kho rất lớn.
Tại hội thảo, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, về cơ chế thu hồi đất chúng ta nên tiếp tục duy trì cơ chế Nhà nước thu hồi đất và nhà đầu tư tự thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất như quy định hiện hành.
Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng: Chính phủ nên có khung giá đất cho các tỉnh thành, dựa vào đây các tỉnh thành sẽ ban hành bảng giá đất cụ thể và có giá trị ổn định ít nhất là 5 năm vì nếu cứ căn cứ theo quy định hiện nay thì rất khó khăn vì giá đất thay đổi hàng năm. “Việc xem xét bồi thường cần có một cơ quan trung gian, thẩm định giá bồi thường để làm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cả người dân trong quá trình thu hồi, bồi thường đất đai”, bà Hòa cho biết.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến liên quan tới các vấn đề như quy định về thế chấp quyền sử dụng đất tại các ngân hàng nước ngoài, việc thu tiền sử dụng đất theo Nghị định 69/2009/CP đang là gánh nặng cho doanh nghiệp, việc phát triển quỹ đất sạch, xử lý khiếu nại về thu hồi đất, lo tái định cư cho người dân bị thu hồi đất...
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản, hàng năm có trên 10.000 vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai, chiếm trên 65% tổng số vụ khiếu kiện của người dân gửi đến các cơ quan Nhà nước. Riêng Thanh tra Nhà nước tiếp nhận khoảng 5.000-7.000 đơn khiếu kiện vượt cấp liên quan đến vấn đề này. Điển hình là vụ Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên) và gần đây nhất là Trà Nóc (Cần Thơ). (Giao Thông Vận Tải 16/7)Về đầu trang

Luật phòng chống tham nhũng sẽ được sửa đổi


Dự kiến Luật phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi sẽ được báo cáo vào tháng 11/2012, trên tinh thần kế thừa những quy định còn phù hợp của Luật Phòng chống tham nhũng, tập trung khắc phục những mặt hạn chế, bất cập để sửa đổi.
Ông Nguyễn Văn Kim - Vụ trưởng Vụ pháp chế Thanh tra Chính phủ, cho biết để đáp ứng yêu cầu công tác PCTN hiện nay, nhằm thực hiện công ước quốc tế về vấn đề này, Thanh tra Chính phủ phối hợp với các cơ quan hữu quan sơ kết 5 năm Luật PCTN, tập trung xây dựng Luật PCTN sửa đổi.
Theo đó, dự án Luật PCTN sửa đổi vẫn kế thừa những quy định còn phù hợp, tập trung sửa quy định bất cập đồng thời mở rộng công khai minh bạch của các tổ chức hoạt động. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức trong công tác PCTN. Hoàn thiện quy định kê khai tài sản, thu nhập, mở rộng đối tượng kê khai. Xử lý trách nhiệm của những người kê khai không đúng, tài sản tăng lên mà không giải trình được một cách hợp lý.

Trong dự án Luật PCTN sửa đổi bổ sung một số quy định về quản lý nhà nước, vai trò của các cơ quan, đặc biệt là Thanh tra Chính phủ và một số cơ quan hữu quan. Luật mới cũng sẽ quy định rõ hơn vai trò của các cơ quan báo chí thông tin vụ việc, người có hành vi tham nhũng bị đưa lên báo…



Trong Nghị quyết Trung ương 5, Thanh tra Chính phủ được chỉ đạo tập trung xây dựng Luật PCTN sửa đổi này. Theo kế hoạch, trong kỳ họp vào tháng 5/2013, Chính phủ mới báo cáo về dự luật này, nhưng theo nghị quyết mới của Quốc hội, vào tháng 11/2012, Chính phủ sẽ báo cáo về các nội dung sửa đổi. (Vietq.vn 16/7)Về đầu trang

Những bất cập trong chi trả bảo hiểm thất nghiệp


Thời gian qua, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã phát huy rõ ràng tác dụng, đặc biệt, trong tình hình kinh tế khủng hoảng như hiện nay.
Tuy nhiên, khi thực hiện BHTN đã xảy ra nhiều vấn đề bất cập, làm tăng nguy cơ bội chi BHTN, nếu không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, kịp thời sẽ dẫn đến vỡ Quỹ BHTN.
Thứ nhất, việc quản lý Quỹ BHTN còn bất hợp lý. Hiện nay, việc thu BHTN do ngành Bảo hiểm xã hội thực hiện nhưng việc thụ lý hồ sơ, ra quyết định chi trả BHTN là do ngành lao động, thương binh - xã hội thực hiện, từ đó gây ra chồng chéo, chưa thống nhất, sự kết nối còn lỏng lẻo dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm hoặc không thực hiện trách nhiệm theo quy định pháp luật trong thực hiện chế độ BHTN cho người lao động hoặc làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng do chưa kiểm soát chặt chẽ hoạt động thu chi, chế độ chi trả, điều kiện chi trả...
Thứ hai, do việc quản lý còn chưa chặt chẽ nên dẫn đến tình trạng tiêu cực, gian dối trong lập thủ tục, hồ sơ chi trả BHTN. Cơ quan chức năng đã phát hiện rất nhiều trường hợp doanh nghiệp cố tình tạo hồ sơ giả cho công nhân nghỉ việc một thời gian để tránh không phải trả lương cho người lao động hoặc người lao động đã tìm được việc làm nhưng vẫn nhận trợ cấp thất nghiệp do cơ quan quản lý lao động chưa nắm được thông tin về người lao độngmột cách chặt chẽ, khoa học. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp không tuyển được lao động, nhưng rất nhiều người lao độngvẫn cứ được hưởng chế độ trợ cấp BHTN vì... không có việc làm.
Tiếp đến là trường hợp nhiều người lao độngcố tình tạo hồ sơ giả để được hưởng BHTN như chạy chọt, đút lót để doanh nghiệp ký hợp đồng khống, đến khi đủ thời gian tiến hành làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp.
Thứ ba, một số quy định về điều kiện để được BHTN chưa hợp lý như quy định về thời gian nghỉ việc không có việc làm là như thế nào? Điều kiện để được nhận BHTN có nhất thiết phải đến 2 lần hay không, hay chỉ cần 1 lần từ chối thì không được hưởng BHTN...? Ngoài ra, do tình trạng thiếu hụt nhân sự ở các điểm đăng ký thất nghiệp dẫn đến việc tiếp nhận giải quyết cho người lao độngmất việc được hỗ trợ học nghề, đào tạo nghề vẫn chưa triển khai được.
Nguyên nhân là chưa có sự đầu tư đúng mức, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của cơ quan quản lý lao động và cơ quan chi trả BHTN. Ở các nước, khi người lao động mất việc làm phải nộp đơn cho cơ quan quản lý lao động để cơ quan này thực hiện việc tìm việc và giới thiệu việc làm phù hợp với nghề nghiệp, khả năng đối với người lao độngđó. Trong một khoảng thời gian nhất định, nếu cơ quan quản lý lao động cũng như người lao độngkhông tìm được việc làm thì khi đó cơ quan chức năng mới thực hiện việc chi trả BHTN cho người lao động.
Trong khi đó, ở nước ta hiện nay, việc quản lý lao động, giới thiệu việc làm, tìm việc... thực hiện chưa tốt. Do đó, cơ sở để thực hiện chi trả BHTN còn thiếu chặt chẽ, thậm chí là quá dễ dàng, đơn giản, cứ sau 15 ngày đăng ký thất nghiệp mà không tìm được việc làm là được hưởng BHTN. Quy định này vô tình đã tạo kẽ hở cho một số cá nhân, tổ chức lợi dụng để trục lợi, bòn rút tiền của người lao động đóng góp. Các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, nghiên cứu bổ sung quy định phù hợp, chặt chẽ hơn nhằm tránh nguy cơ vỡ Quỹ BHTN đang hiện hữu. (Sức Khỏe và Đời Sống 157)Về đầu trang

Đầu tư công chèn ép đầu tư tư nhân


Tại kỳ họp Quốc hội tháng 6 vừa qua, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) gây chú ý với dư luận khi ông dẫn lại một loạt vụ tham nhũng, lãng phí lớn gần đây, từ PMU18 đến Vinashin, Vinalines và nhắc nhở Chính phủ: “Nếu không sớm giải quyết thì Việt Nam không phải là nước chậm phát triển mà là nước khó phát triển”.
Phát biểu của ông gợi nhớ đến câu nói của Thiếu tướng Lê Văn Cương được lưu truyền từ trước đó: “Việt Nam không phải nước đang phát triển, đã phát triển hay chậm phát triển, mà là khó phát triển”.
Nhận xét trên tuy mang tính hài hước nhưng không phải không có khía cạnh đúng đắn, khi mà khu vực kinh tế quốc doanh vẫn được xác định là giữ vai trò chủ đạo và đầu tư nhà nước nhờ thế vẫn được nhìn nhận như động lực thúc đẩy tăng trưởng. Trong khi trên thực tế, đầu tư công trong hoàn cảnh Việt Nam lại có những trở ngại khiến cho nó rất khó đạt hiệu quả cao.
Đầu tư công về bản chất là chi tiêu của Chính phủ cho mục đích kinh doanh hoặc công ích như lương hưu, trợ cấp xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng,… Trên thế giới, có định nghĩa cho rằng đầu tư công chỉ bao gồm chi tiêu công cho các dự án phục vụ lợi ích chung, phi kinh doanh. Song ở Việt Nam, đầu tư công cũng được hiểu là đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước, nghĩa là có cả mục đích kinh doanh.
Với nghĩa đó, nó chiếm khoảng 38,9% tổng vốn đầu tư trong toàn xã hội năm 2011, tương đương với 27,43% GDP, cao nhất trong cơ cấu đầu tư của xã hội. Đầu tư của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước chiếm 35,2% tổng vốn. Còn tỉ lệ này ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 25,9% (số liệu của Tổng cục Thống kê).
Chiếm phần cao nhất, song chất lượng đến đâu thì còn phải bàn. Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2012 “Đối diện thách thức tái cơ cấu kinh tế” của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố một thống kê xác nhận sự nghi ngờ lâu nay của nhiều người: Từ năm 2005 đến 2010, đầu tư của Nhà nước vào lĩnh vực nông nghiệp giảm từ 7,14% xuống còn 5,86%.
Xu hướng tương tự cũng xảy ra trong khoa học, giáo dục-đào tạo: 6,75% xuống còn 5,55%; và y tế, trợ giúp xã hội: 3,37% xuống còn 2,7%. Tuy nhiên, đầu tư nhà nước vào các lĩnh vực quản lý nhà nước, an ninh, quốc phòng và đoàn thể lại tăng từ mức 8,29% năm 2005 lên 9,67% năm 2010.
Tuy vậy, cái đáng nói nhất có lẽ là nguy cơ đầu tư công “chèn ép” đầu tư tư nhân. Theo Tiến sĩ kinh tế Tô Trung Thành - một trong các tác giả của bản báo cáo “Đối diện thách thức tái cơ cấu kinh tế” thì đầu tư công thúc đẩy đầu tư tư nhân nếu nó có tính bổ trợ cho đầu tư tư nhân. Nói cách khác, chừng nào doanh nghiệp tư nhân thu được lợi nhuận cao nhờ có đầu tư công và họ tăng cường đầu tư tư nhân, thì chừng đó đầu tư công là có hiệu quả, có ích cho phát triển kinh tế bền vững.
Cụ thể, việc cạnh tranh có thể diễn ra trong lĩnh vực tín dụng, khi Chính phủ phát hành trái phiếu để vay vốn nhằm mục đích mở rộng đầu tư công. Khi ấy, nguồn tín dụng thương mại dành cho tư nhân sẽ bị tác động giảm. Cạnh tranh còn là khi doanh nghiệp nhà nước lấn át doanh nghiệp tư nhân trên thị trường hàng hóa-dịch vụ. Sự chèn ép sẽ đặc biệt xấu khi doanh nghiệp Nhà nước làm ăn yếu kém, thua lỗ, gây thiệt hại cho ngân sách chính phủ.
“Nền kinh tế sẽ bị rơi vào trạng thái bất ổn, trì trệ; lạm phát sẽ gia tăng và thậm chí khủng khoảng kinh tế có thể xảy ra. Trong trường hợp này, doanh nghiệp tư nhân không những ngừng mở rộng mà thậm chí sẽ còn phải thu hẹp sản xuất để tránh nguy cơ bị phá sản” – Tiến sĩ Thành lý giải. (Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh 15/7)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Rà soát, cắt giảm 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính hải quan


Tổng cục Hải quan vừa tiến hành đợt rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính tập trung nhằm hướng tới mục tiêu cắt giảm 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực hải quan.
Trong quá trình cải cách, hiện đại hóa ngành hải quan, việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về hải quan theo hướng đơn giản hóa, minh bạch, thống nhất thủ tục trên phạm vi toàn quốc, đồng thời từng bước xóa bỏ hàng rào phi thuế quan, tạo thuận lợi cho thương mại xuất nhập khẩu có tầm quan trọng đặc biệt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2012 là rà soát toàn bộ thủ tục hành chính tại các đơn vị trực thuộc Tổng cục Hải quan, tổ chức đánh giá tác động của việc cắt giảm thủ tục hành chính, từ đó rút kinh nghiệm để thực hiện trong các giai đoạn tiếp theo. (Hà Nội Mới 16/7) Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Kinh tế khó khăn, thu thuế vẫn tăng so với 2011


Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể, song các khoản thu ngân sách do ngành thuế quản lý nửa đầu năm nay vẫn tăng 2,4% so với cùng kỳ.
Số liệu công bố tại hội nghị ngành thuế diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh cuối tuần trước cho thấy số thu 6 tháng đầu năm do ngành Thuế quản lý ước đạt 279.875 tỷ đồng, bằng 48,1% kế hoạch cả năm và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó thu từ dầu thô ước đạt 58.930 tỷ đồng, tăng 7,8%. Nếu loại trừ dầu, số thu nội địa ước đạt 220.945 tỷ đồng, tăng 1,1% cùng kỳ năm trước. Số thu không kể tiền sử dụng đất ước đạt 205.880 tỷ đồng, tăng 6,7%.
Ngành thuế tự nhìn nhận đây là kết quả tốt trong bối cảnh kinh tế khó khăn, rất nhiều thử thách tác động trực tiếp tới nguồn thu ngân sách. 6 tháng đầu năm, có 37.662 doanh nghiệp mới thành lập, nhưng có tới 21.678 doanh nghiệp tạm nghỉ kinh doanh và 22.230 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Tổng số nợ thuế của toàn ngành thuế tính đến hết tháng 5 là 51.024 tỷ đồng, tăng 45% so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm 2011, nợ khó thu giảm 2%.
"Điều này thể hiện sự cố gắng của toàn ngành trong việc tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ phận, hạn chế và khắc phục tình trạng “nợ ảo”, giảm nợ chờ xử lý, giảm nợ khó thu", ngành thuế nhận định tại Hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng nhiệm vụ của ngành thuế 6 tháng cuối năm còn rất nặng nề, trong điều kiện kinh tế, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu còn nhiều khó khăn tác động trực tiếp đến nhiệm vụ thu của ngành thuế. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đánh giá, bên cạnh những khó khăn chung cũng có những yếu tố thuận lợi có thể tác động tăng được nguồn thu cho ngân sách như giải ngân các nguồn vốn trong những tháng cuối năm tăng; việc tăng cầu do chủ trương tháo gỡ về mua sắm, chi tiêu công... (VnEpress.net 16/7)Về đầu trang

PHÁP LUẬT

Hải Phòng: Cách chức Bí thư, Chủ tịch xã sai phạm về đất đai


13/7, ông Nguyễn Trần Lanh - Chủ tịch huyện Thủy Nguyên cho biết, huyện vừa ra quyết định kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền đối với các lãnh đạo chủ chốt xã Mỹ Đồng do có sai phạm trong quản lý đất đai.
Theo đó, cách chức Bí thư Đảng ủy xã đối với ông Nguyễn Hữu Huy, cách chức Chủ tịch UBND xã đối với ông Nguyễn Đăng Tâm; bãi nhiệm chức vụ chủ tịch HĐND xã đối với ông Nguyễn Văn Vạn; cách chức thường trực Đảng ủy xã đối với bà Mạc Thị Hạnh.
Liên quan đến sai phạm về đất đai, trước đó huyện Thủy Nguyên cũng đã khai trừ ra khỏi Đảng, buộc thôi việc đối với ông Nguyễn Xuân Hồng - cán bộ địa chính xã Mỹ Đồng.
Từ năm 2004 sau khi được giao 12.000 m2 đất làm khu trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề, lãnh đạo xã Mỹ Đồng đã phân lô bán nền cho 63 hộ dân làm nhà ở. (Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh 16/7)Về đầu trang

Điện Biên: Kiến nghị kỷ luật Phó Chánh án TAND TP Điện Biên Phủ


Cơ quan điều tra, Viện KSND tối cao vừa có văn bản gửi đến chánh án TAND tỉnh Điện Biên kiến nghị xem xét, xử lý kỷ luật đối với bà Dương Mai Hồng - Phó Chánh án TAND TP Điện Biên Phủ do đã ra quyết định trái pháp luật.
Theo cơ quan điều tra, bà Lưu Thị Hương (TP Điện Biên Phủ) đang phải thi hành án trả nợ cho bốn người với số tiền gần 2 tỉ đồng. Do không xác định được tài sản của bà Hương trong khối tài sản chung của hai vợ chồng, nên Chi cục Thi hành án dân sự đã hướng dẫn vợ chồng bà Hương yêu cầu tòa án phân chia tài sản theo quy định. Tuy nhiên, vợ chồng bà Hương không làm theo hướng dẫn mà làm đơn thuận tình ly hôn, giao toàn bộ tài sản chung của hai vợ chồng cho chồng quản lý nhằm tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án.
Bà Dương Mai Hồng biết sự việc nhưng vẫn ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự. Hành vi của bà Hồng có dấu hiệu của tội “ra quyết định trái pháp luật”. Tuy nhiên, do chánh án TAND tỉnh Điện Biên đã kháng nghị giám đốc thẩm, hủy bỏ quyết định này nên hậu quả được khắc phục, vì vậy cơ quan điều tra không xử lý hình sự đối với bà Hồng. (Tuổi Trẻ 14/7)Về đầu trang

TIN THẾ GIỚI

Trung Quốc giảm thuế cho doanh nghiệp nước ngoài


Để khuyến khích đầu tư nước ngoài, Trung Quốc sẽ giảm tới 50% thuế đánh vào lợi nhuận của các doanh ngiệp nước ngoài hoạt động tại nước này.
Quy định mới cũng sẽ được áp dụng đối với phần cổ tức chi trả cho cổ đông nước ngoài của các doanh nghiệp niêm yết Trung Quốc thông qua “Cơ chế nhà đầu tư nước ngoài đủ tiêu chuẩn”.
Ở cả hai trường hợp nêu trên, việc giảm thuế chỉ áp dụng với các công ty và cổ đông đến từ các nước như Anh – nước có 2 thỏa thuận về thuế với Trung Quốc.
Những điều chỉnh này có thể giúp các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc tiết kiệm được hàng tỷ USD thuế và do đó cũng được khuyến khích đầu tư nhiều hơn, chuyên gia kinh tế thuộc KPMG nhận định. Tuy nhiên, các công ty của Mỹ lại không được hưởng lợi từ chính sách mới này bởi họ tuân thủ quy định đánh thuế trên cơ sở toàn cầu.
Động thái giảm thuế của Trung Quốc đưa ra khoảng 1 năm sau quá trình than vấn giữa các giới chức, chuyên gia thuế Trung Quốc và các công ty. (Gafin.vn 16/7)Về đầu trang./.




Biên tập viên: Lê Huyền







Каталог: images -> stories
stories -> BÀi thuyết trình cách xáC ĐỊnh và chế ĐỘ pháp lý CỦa các vùng biển theo công ưỚc của liên hiệp quốc về luật biển năM 19821
stories -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạo trưỜng đẠi học luật tp. HỒ chí minh dưƠng kim thế nguyên thủ TỤc phá SẢn các tổ chức tín dụng theo pháp luật việt nam
stories -> -
stories -> TỜ khai thông tin của ngưỜi khuyết tật phần I cá nhân ngưỜi khuyết tậT
stories -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạO
stories -> CỘng hoà XÃ HỘi chủ ngh ĩa việt nam ban an toàn giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
stories -> BỘ CÔng thưƠng số: 1057/QĐ-bct cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
stories -> BỘ khoa học và CÔng nghệ
stories -> Đôi lời Ân tình
stories -> SỐ 02 tháng 10/2008 (Lưu hành nội bộ)

tải về 112.62 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương