BẢn tin phục vụ LÃnh đẠO (Ngày 14 tháng 9 năm 2015)



tải về 117.84 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích117.84 Kb.
#30997





BẢN TIN PHỤC VỤ LÃNH ĐẠO

(Ngày 14 tháng 9 năm 2015)


CHÍNH SÁCH MỚI 2

  1. CHÍNH SÁCH MỚI 2

  2. Tăng mức phạt mô tô vào cao tốc 2

  3. Điều kiện dự án được bố trí vốn đầu tư công 2

  4. Miễn lệ phí trước bạ cho xe buýt sử dụng năng lượng sạch 3

CHỈ THỊ MỚI 3

  1. CHỈ THỊ MỚI 3

  2. Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng nổi bật tuần 7-11/9 3

TIN QUỐC HỘI 5

  1. Tham nhũng vẫn là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội 5

  2. Hà Nội không đồng ý bỏ tử hình với tội tham ô 7

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY 7

  1. TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY 7

  2. Yên Bái: Hiệu quả từ mô hình du lịch cộng đồng 7

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ 8

  1. MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ 8

  2. Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới 8

  3. WB cảnh báo Việt Nam về việc giảm năng suất lao động, mức sinh 9

  4. Việt Nam cần cải cách kinh tế hơn nữa 9

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN 10

  1. PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN 10

  2. “Nghẹt thở” vì phí, lệ phí 10

QUẢN LÝ 11

  1. QUẢN LÝ 11

  2. 22 người nộp lại quà biếu với số tiền 89 triệu đồng 11

  3. Cần có chương riêng về tố tụng lao động 12

  4. Thu phí xe máy ở TPHCM: Trong giờ hành chính không ổn, ngoài giờ không xong 13

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH 13

  1. CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH 13

  2. TP.HCM áp dụng hệ thống đánh giá sự hài lòng vào tháng 10 13

  3. Hải quan Hà Giang - Hiện đại hóa trong cải cách hành chính 14

  4. Tỉ lệ doanh nghiệp khai thuế điện tử đạt trên 98% 14

PHÁP LUẬT 15

  1. PHÁP LUẬT 15

  2. Bình quân mỗi năm Đà Nẵng có 107 đảng viên bị kỷ luật Đảng 15

  3. Long An: Đề nghị khai trừ Đảng đối với ông Huỳnh Văn Hữu 15

THẾ GIỚI 16

  1. THẾ GIỚI 16

  2. Ấn Độ "hút" giới đầu tư Mỹ nhờ cải cách kinh tế 16



CHÍNH SÁCH MỚI

Tăng mức phạt mô tô vào cao tốc


Đây là một trong những nội dung quan trọng được Bộ GTVT xem xét, đề xuất trong việc sửa đổi quy định xử phạt vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt.
Theo Bộ GTVT, Nghị định 171/2013 có điều khoản xử phạt người lái mô tô, xe máy đi vào đường cao tốc. Sắp tới khi số lượng, số km đường cao tốc mới đưa vào sử dụng nhiều hơn thì các vi phạm này có thể “bùng phát” sẽ rất nguy hiểm và tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông.
Tuy vậy, mức xử phạt hiện nay (200.000-400.000 đồng) không đủ sức răn đe nên sẽ được xem xét tăng. Bộ GTVT cũng đề xuất bổ sung quy định xử phạt đối với việc thu phí đường bộ gây ùn tắc tại khu vực thu phí. (Pháp Luật TP.HCM 11/9)Về đầu trang

Điều kiện dự án được bố trí vốn đầu tư công


Nghị định về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vừa được Chính phủ ban hành. Nghị định này quy định chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt, giao kế hoạch, tổ chức thực hiện và theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của quốc gia, Bộ, ngành trung ương và địa phương.
Trong đó, Nghị định quy định cụ thể điều kiện chương trình, dự án được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm. Cụ thể, chương trình, dự án được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm phải đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 56 của Luật Đầu tư công gồm: Chương trình, dự án phải có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn, trừ dự án khẩn cấp; chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định; có điều ước quốc tế về vốn ODA và vốn vay ưu đãi được ký kết đối với chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; dự án khởi công mới chỉ được bố trí vốn sau khi đã hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định của Chính phủ.
Đối với dự án khởi công mới, ngoài các điều kiện quy định nêu trên, cần có thêm các điều kiện: Được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư đến ngày 31/10 của năm trước năm kế hoạch; xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối các nguồn vốn; bảo đảm bố trí đủ vốn theo tiến độ hoàn thành quy định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; bố trí đủ vốn theo tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong năm đầu thực hiện dự án.
Dự án khẩn cấp và dự án cần thiết mới phát sinh bổ sung vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn được bố trí vốn từ nguồn dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, đến ngày 31/10 của năm trước năm kế hoạch phải được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư. (Báo Chính Phủ Điện Tử 12/9)Về đầu trang

Miễn lệ phí trước bạ cho xe buýt sử dụng năng lượng sạch


Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 140/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 124/2011/TT-BTC ngày 31/8/2011 hướng dẫn về lệ phí trước bạ.
Theo đó, thực hiện miễn lệ phí trước bạ đối với phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng sạch. Xe buýt sử dụng năng lượng sạch thuộc đối tượng được miễn lệ phí trước bạ là xe buýt sử dụng khí hóa lỏng, khí thiên nhiên, điện thay thế xăng, dầu đáp ứng được các tiêu chí kỹ thuật của Bộ GTVT quy định.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2015. (Báo Chính Phủ Điện Tử 11/9)Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng nổi bật tuần 7-11/9


Ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất; hạn chế thấp nhất tử vong do sốt xuất huyết; thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 2 thành phố lớn; kiểm tra thông tin "9000 ha rừng đầu nguồn tan hoang, "ăn đất” ở Hải Dương;....là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng nổi bật tuần từ 7-11/9.

Ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất: Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành các công cụ chính sách tiền tệ linh hoạt, hợp lý để ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất; tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy mở rộng tín dụng, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nợ xấu, thực hiện các biện pháp để đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới mức 3% theo mục tiêu đề ra...
Hạn chế thấp nhất tử vong do sốt xuất huyết: Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp chính quyền và các sở, ban, ngành đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân triển khai quyết liệt các biện pháp phòng tránh. Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các địa phương về giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp dự phòng và phác đồ điều trị bệnh sốt xuất huyết, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.
Điều kiện kinh doanh bất động sản: Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản, trong đó về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật về hợp tác xã (doanh nghiệp) và phải có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng, trừ các trường hợp: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên; tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ bất động sản quy định tại Chương IV Luật Kinh doanh bất động sản.
Bảo vệ rừng gắn với giảm nghèo đồng bào dân tộc thiểu số: Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ, nâng cao thu nhập gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020.
Ban hành Nghị định về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm: Nghị định về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm được Chính phủ ban hành quy định chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt, giao kế hoạch, tổ chức thực hiện và theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của quốc gia, Bộ, ngành trung ương và địa phương.
Thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 2 thành phố lớn: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn của TP Hà Nội và TPHCM. Thời gian thực hiện thí điểm là 1 năm. Chủ tịch TP Hà Nội, TPHCM lựa chọn tại mỗi thành phố 5 đơn vị hành chính cấp quận; 10 đơn vị hành chính cấp phường thuộc các đơn vị hành chính cấp quận được lựa chọn để triển khai thí điểm.
Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số 3-4%/năm: Đó là một trong những chỉ tiêu cụ thể thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Kiểm định tất cả chương trình đào tạo từ xa cấp văn bằng: Theo Đề án “Phát triển đào tạo từ xa giai đoạn 2015-2020” đã được Thủ tướng phê duyệt, sẽ triển khai kiểm định đối với tất cả các chương trình đào tạo từ xa cấp văn bằng đã được cấp phép. Khuyến khích các cơ sở giáo dục cung cấp các chương trình đào tạo từ xa được kiểm định bởi tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín được cơ quan có thẩm quyền công nhận.
Hành khách được mua hàng miễn thuế trên chuyến bay đến Việt Nam: Theo đó, hành khách trên tàu bay đang thực hiện các chuyến bay quốc tế của hãng hàng không được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam ngoài được mua hàng miễn thuế trên tàu bay khi xuất cảnh, theo quy định mới còn được mua hàng miễn thuế trên tàu bay đang thực hiện chuyến bay quốc tế đến Việt Nam.
Điều kiện lập Quỹ phát triển KH&CN của Bộ, ngành, địa phương: Quyết định 37/2015/QĐ-TTg quy định điều kiện thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về: Nhân lực; cơ sở vật chất kỹ thuật; vốn, nguồn vốn và cơ cấu nguồn vốn.
Miễn lệ phí trước bạ đến 30/6/2016 đối với xe máy điện chưa đăng ký: Thủ tướng đồng ý miễn lệ phí trước bạ đến hết ngày 30/6/2016 đối với xe máy điện đang lưu hành chưa thực hiện thủ tục đăng ký khi chủ phương tiện đến cơ quan Công an làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng.
Kiểm tra thông tin "9000 ha rừng đầu nguồn tan hoang, ăn đất” ở Hải Dương: Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông và các cơ quan chức năng kiểm tra xác minh, làm rõ vấn đề phản ánh trên báo Lao động qua bài viết "9.000 ha rừng đầu nguồn tan hoang vì doanh nghiệp tắc trách". Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch tỉnh Hải Dương chỉ đạo kiểm tra các nội dung phản ánh của Báo Kinh doanh và Pháp luật về một số cán bộ, công chức tỉnh Hải Dương có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng đất đai.
Gia hạn thời gian cho vay mua tạm trữ thóc gạo vụ Đông Xuân 2014-2015: Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý gia hạn thời gian cho vay mua tạm trữ thóc, gạo vụ Đông Xuân 2014-2015 theo Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/2/2015 của Thủ tướng đến hết ngày 31/10/2015. (Báo Chính Phủ Điện Tử 12/9)Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Tham nhũng vẫn là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội


Ngày 11/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015.
Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng: Thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện và chuyển biến tích cực. Tuy nhiên tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp. Tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn phổ biến, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền. Đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực.
“Tham nhũng vẫn là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay, vẫn là một nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội. Dự báo trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố tiêu cực, nguy cơ phát sinh tham nhũng”, ông Lượng nói.
Dẫn báo cáo của nhóm nghiên cứu Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đình Quyền đánh giá: Công tác phòng chống tham nhũng trong năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng chưa tương xứng với thực tế. Mặc dù Chính phủ đánh giá tình hình tham nhũng vẫn phức tạp, nghiêm trọng, nhưng số lượng các vụ án tham nhũng, kể cả các vụ án tham nhũng lớn được phát hiện, điều tra, xử lý lại giảm. Việc phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu đã kéo dài nhiều năm. Nguyên nhân do đâu?.
Vấn đề này cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các thành viên Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, Ủy viên Ủy ban Thường trực Uỷ ban Tư pháp Đỗ Văn Đương đặt vấn đề: Việc phát hiện, xử lý tham nhũng trong năm 2015 của Thanh tra Chính phủ tăng, nhưng các cơ quan chuyên trách tham nhũng lại giảm, đặc biệt năm nay giảm sâu về số vụ (gần 30%). Phải chăng các biện pháp tuyên truyền phòng ngừa, phổ biến giáo dục pháp luật thời gian qua đã phát huy hiệu quả hay chúng ta gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng chống tham nhũng hoặc có sự chi phối trong điều tra, phát hiện, xử lý?. “Cần làm rõ nguyên nhân tại sao lại giảm?”, ông Đương đề nghị.
Đồng thời, ông Đương cũng tỏ ra băn khoăn: Tại sao cơ quan điều tra chống tham nhũng chuyên trách ở cấp tỉnh, huyện lại phát hiện rất ít các vụ án tham nhũng, có vướng mắc gì, dư luận nghi ngờ có hay không việc chính quyền địa phương “xin” chỉ xử lý vi phạm hành chính, dẫn đến bỏ lọt tội phạm?.
Trong trường hợp, các cơ quan chức năng kiến nghị thu hồi tài sản nhưng không thực hiện được, ông Đỗ Văn Đương đặt vấn đề phải xem xét trách nhiệm người đứng đầu như thế nào? Trong năm qua, mới xử lý hình sự 3 người đứng đầu, theo ông Đương là chưa phản ánh đúng tình hình, theo kiểu “đánh bùn sang ao”.
Tuy nhiên, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hải Phong khẳng định: Việc phát hiện, xử lý tham nhũng giảm trong năm qua là do sự chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, nhất là các cơ quan bảo vệ pháp luật. Cụ thể, công tác chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra quyết liệt hơn, kiểm tra được nhiều đơn vị hơn; kết quả giải quyết tin tố giác tội phạm tham nhũng cao…
Báo cáo Chính phủ phản ánh tình trạng hối lộ, tham nhũng vặt, kể cả chạy án là có, song Phó Viện trưởng Nguyễn Hải Phong lưu ý, báo cáo cho rằng đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực, thì phải làm rõ “nhóm” nào?.
Thừa nhận tham nhũng đã bắt đầu bước vào cơ quan tư pháp (Viện Kiểm sát đã giải quyết 34/54 tin tố giác tội phạm tham nhũng (63%), cho dù mức độ nhỏ nhưng Phó Viện trưởng Nguyễn Hải Phong cho rằng, điều này đã ảnh hưởng đến cán cân công lý. Đặc biệt, những đối tượng này lại là người hiểu biết pháp luật, có kinh nghiệm tố tụng, việc điều tra không hề đơn giản. (Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản Việt Nam 11/9)Về đầu trang

Hà Nội không đồng ý bỏ tử hình với tội tham ô


Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội vừa có báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp vào dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) sau khi tiến hành lấy ý nhiều cơ quan, tầng lớp trong xã hội.
Theo đó, đa phần ý kiến không đồng ý với quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ. Lý do là dù hai tội trên là những tội trong nhóm tội phạm về chức vụ và tham nhũng cho nên cần phải thi hành án tử hình để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Đồng thời việc giữ nguyên hình thức thi hành án tử hình đối với loại tội phạm này cũng loại bỏ được cách hiểu của người dân là dùng tiền để thoát án tử hình.
Các ý kiến cũng đồng tình việc không thi hành án tử hình đối với người cao tuổi để thể hiện tính nhân đạo, tuy nhiên cần quy định độ tuổi từ 80 tuổi trở lên (thay vì 75 tuổi trở lên như dự thảo luật). (Pháp Luật TP.HCM 11/9) Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

Yên Bái: Hiệu quả từ mô hình du lịch cộng đồng


Những năm qua, phát triển du lịch đã được thị xã Nghĩa Lộ xác định là một trong những động lực để phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới xây dựng thị xã văn hóa - du lịch vào năm 2020. Đặc biệt, mô hình phát triển du lịch cộng đồng đã được quan tâm đầu tư, bước đầu đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Bà Hoàng Thị Vân - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã cho biết: "Nghĩa Lộ có 17 dân tộc, trong đó người Thái chiếm gần 50%. Thời gian qua, thị xã đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng như: Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số, hỗ trợ kinh phí mở lớp dạy tiếng và chữ Thái cổ, khôi phục, bảo tồn lễ hội truyền thống, mở lớp dạy nấu các món ăn truyền thống, truyền dạy các làn điệu dân ca dân vũ, nhạc cụ dân tộc, hỗ trợ hoạt động câu lạc bộ văn hóa dân gian và đội văn nghệ cơ sở.
Cụ thể, thị xã hỗ trợ cho hộ gia đình làm du lịch cộng đồng 10 - 15 triệu đồng/hộ, mở lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, tổ chức khôi phục và truyền dạy 6 điệu xòe dân tộc Thái, các làn điệu dân ca, các loại nhạc cụ truyền thống. Đến nay, thị xã đã có gần 20 hộ làm du lịch cộng đồng, 50 đội văn nghệ, trong đó có 13 đội văn nghệ nòng cốt, trên 30 câu lạc bộ thể thao…".
Cùng với khu du lịch cộng đồng tại xã Nghĩa An, năm 2014, Nghĩa Lộ đã xây dựng mới 1 khu du lịch cộng đồng tại bản Xà Rèn, xã Nghĩa Lợi với quy mô 13 hộ gia đình, tổng nguồn vốn đầu tư hơn 4 tỷ đồng. Trong đó, vốn của nhân dân 3,9 tỷ đồng, Nhà nước hỗ trợ theo cơ chế Đề án 260 triệu đồng. Dự án đã đi vào hoạt động, hoàn thiện các điều kiện, bảo đảm đón, phục vụ khách du lịch đến thăm quan. Đến tháng 8, trung bình mỗi hộ gia đình đón từ 500 đến 800 khách du lịch, có những hộ gia đình có lượng khách du lịch đến thăm quan thường xuyên ở mức một nghìn khách/hộ/năm. (Báo Yên Bái 11/9)Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ

Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới


Việt Nam đã là một trung tâm gia công, sản xuất và chỉ đứng sau Singapore tính trên tổng mức vốn đầu tư của Trung Quốc. Đây là một trong những nội dung trong báo cáo hằng quý “Tiêu điểm kinh tế: Khu vực Đông Nam Á” của CEBR thực hiện theo yêu cầu của Viện kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW).
Để tăng cường tiếp cận nguồn vốn đầu tư, trở thành trung tâm sản xuất, gia công toàn cầu và nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị, về lâu dài Việt Nam cần tích cực sàng lọc danh mục các dự án FDI theo chiến lược, định hướng phát triển của chính phủ.
Theo ông Mark Billington, Giám đốc ICAEW khu vực Đông Nam Á, Việt Nam tuy có lợi thế cạnh tranh về chi phí lao động thấp nhưng chưa bền vững. Vì thế, Việt Nam cần đầu tư vào giáo dục, đào tạo để xây dựng đội ngũ lao động có kỹ năng. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tập trung nhiều hơn vào đầu tư xây dựng hạ tầng môi trường, đặc biệt là giao thông, dịch vụ.
Trung Quốc có năng lực sản xuất công nghiệp dư thừa nên dẫn tới việc nước này đang xuất khẩu khối lượng lớn và ngày càng tăng hàng tiêu dùng sang các nước ASEAN. Người tiêu dùng Trung Quốc không còn chiếm tỉ trọng lớn trong việc tiêu thụ sản lượng sản xuất khổng lồ của nước này và ASEAN đang là điểm đến chủ yếu cho sản phẩm của Đại lục. Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của khu vực Đông Nam Á và là một trong những nhà đầu tư lớn nhất trong khu vực. (Thanh Niên 12/9)Về đầu trang

WB cảnh báo Việt Nam về việc giảm năng suất lao động, mức sinh


Chiều 11/9, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân có buổi làm việc với bà Victoria Kwa Kwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam và các thành viên trong đoàn về Báo cáo dân số tầm nhìn đến năm 2035.
Theo bà Victoria Kwa Kwa, trong khoảng 30 năm nay, Việt Nam đã có bước cải cách và đạt được sự phát triển kinh tế tốt. Vấn đề cần quan tâm là làm sao để Việt Nam có thể tiếp nối thành công này để phát triển trong vòng 20 năm tới.
Theo bà Kwa Kwa, trong vòng 15 năm qua năng suất lao động của Việt Nam đã giảm, nếu không bảo đảm năng suất lao động sẽ khó bảo đảm được mức tăng trưởng trong tương lai. Hiện nay, khi kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển nhất định, đời sống người dân được nâng cao hơn thì người dân càng muốn đẻ ít con hơn.
“Nếu mức sinh giảm trong nhiều năm liên tục sẽ đe dọa đến chất lượng dân số trong tương lai. Chính phủ Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phụ nữ sinh con nhiều hơn”, bà Victoria Kwa Kwa khuyến cáo. (Sài Gòn Giải Phóng 12/9)Về đầu trang

Việt Nam cần cải cách kinh tế hơn nữa


Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Fukada Hiroshi vừa gửi đến Tuổi Trẻ bài viết nhân chuyến thăm Nhật Bản của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tuần tới. Bài viết như sau:
“Trong thời điểm quan hệ hai nước đang được tăng cường một cách thực chất, chuyến thăm Nhật Bản lần này của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ mang ý nghĩa tổng hợp của một chuỗi các hoạt động đối ngoại cấp cao giữa hai nước, đồng thời tôi hi vọng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ trao đổi ý kiến thẳng thắn và đạt được kết quả to lớn nhằm phát triển quan hệ hai nước Nhật Bản - Việt Nam “hướng tới tương lai”.
Trong những năm gần đây, hai nước đã cùng hợp tác và phát huy vai trò của mình một cách tích cực vì hòa bình, an ninh và phồn vinh của khu vực châu Á và thế giới. Có thể nói điều này là biểu hiện của việc cụ thể hóa quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng” giữa hai nước.
Về mặt kinh tế, những năm vừa qua trong bối cảnh thực hiện quá trình toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại thông qua cộng đồng kinh tế ASEAN hay Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)..., tôi hi vọng Việt Nam xúc tiến hơn nữa cải cách kinh tế bao gồm hoàn thiện môi trường đô thị và cải cách doanh nghiệp nhà nước, đồng thời phát triển hơn nữa kinh tế và công nghiệp thông qua các ngành công nghiệp hỗ trợ, nông ngư nghiệp và công nghệ thông tin, hướng tới phát triển kinh tế một cách bền vững và tự chủ.
Tôi hi vọng Việt Nam sẽ sử dụng một cách hiệu quả những khuôn khổ hợp tác giữa hai chính phủ thông qua viện trợ ODA của Nhật Bản, đồng thời cải thiện các môi trường nhằm xúc tiến đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam, để đảm bảo tăng trưởng kinh tế một cách bền vững”. (Tuổi Trẻ 12/9)Về đầu trang

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

“Nghẹt thở” vì phí, lệ phí


Trong việc đánh giá “sức khỏe” của các doanh nghiệp, nhất là môi trường kinh doanh, chúng ta không chỉ dừng lại ở mức tự mình so với mình và cho rằng có nhiều chuyển biến, thành tích. Chúng ta cần phải thường xuyên nhìn sang các nước xung quanh để xem nước ta đạt được đến đâu, đang đứng ở đâu trên nấc thang cạnh tranh, hội nhập.
Có như vậy mới thấy được doanh nghiệp Việt Nam đang thua kém các nước ở chỗ nào, từ đó tìm ra những giải pháp đột phá, tháo gỡ, tránh nguy cơ ngày càng tụt hậu. Nên bớt đi những mỹ từ, cam kết, hứa hẹn để đi vào các giải pháp căn cơ hơn, quyết liệt hơn.
Đây là ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, điều hành kinh tế đúc kết tại diễn đàn “Kinh tế Việt Nam 2016-2020: Một số đột phá phát triển”.
Thể chất, năng lực của doanh nghiệp Việt Nam đã được “cân đo” sau 30 năm đổi mới, góp phần đạt mức tăng trưởng GDP bình quân 7%, đưa đất nước vượt lên xếp hàng đầu thế giới về sản xuất gạo, cà phê, cao su. Tuy vậy, năng lực của nền kinh tế, năng lực của doanh nghiệp vẫn bị ngăn trở, kìm hãm không chỉ bởi nội lực, khả năng quản lý, nguồn vốn đầu tư, mà một phần không nhỏ do di sản quản lý từ thời quan liêu bao cấp.
Đó là cơ chế xin cho, đặc biệt là gánh nặng thủ tục hành chính rườm rà, phiền hà cộng thêm sức nặng của hàng trăm loại phí, lệ phí bất hợp lý, vô lý đè nặng trên vai doanh nghiệp. Trong khi đó, đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam có tới gần 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhỏ từ năng lực tài chính, càng nhỏ hơn khi tiếp cận vốn, đất đai. Đã nhỏ, doanh nghiệp còn bị “đè nén” dưới sức nặng phí, lệ phí dù đã giảm bớt phần nào trong thời gian gần đây.
Song, đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp đã từng kêu rằng, “doanh nghiệp không thể lớn lên được”. Câu chuyện một con gà “cõng” tới 20 loại phí, lệ phí là dẫn chứng hùng hồn về tình trạng phí chồng phí mà các doanh nghiệp nội địa đang phải gồng mình, nai lưng ra gánh.

Mặc dù gánh nặng thủ tục hành chính trong việc nộp thuế, thông quan đã giảm bớt từ năm 2014 đến nay, nhưng chưa thể khẳng định những rào cản đối với các doanh nghiệp đã được dỡ bỏ hoàn toàn, môi trường sản xuất kinh doanh đã được thông thoáng.


Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cũng như giới chuyên gia đều khẳng định rằng, chúng ta không có con đường lùi, phải tiếp tục cải cách thể chế, nhanh chóng dỡ bỏ gánh nặng bất hợp lý trên vai doanh nghiệp. Tụt hậu là một thực tế gay gắt đặt ra cho nền kinh tế, nhất là giới doanh nghiệp trước ngưỡng gia nhập 8 hiệp định thương mại tự do.
Việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, khuyến khích sản xuất trong nước, tăng năng lực cạnh tranh ngay trên sân nhà trước làn sóng hàng ngoại đang ồ ạt đổ vào nước ta, đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Đương nhiên mỗi doanh nghiệp phải tự thân vươn lên, tự đổi mới công nghệ mới đủ sức đối mặt trước sóng gió hội nhập.
Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải “cõng” trên mình những “tảng đá” phí, lệ phí vô lý đến mức “nghẹt thở” thì vùng vẫy sao nổi, nói gì tới chuyện cạnh tranh với các đối thủ xuyên quốc gia mạnh về tài chính, sành sỏi trên thương trường. (An Ninh Thủ Đô 11/9) Về đầu trang

QUẢN LÝ

22 người nộp lại quà biếu với số tiền 89 triệu đồng


Đó là một trong những con số của báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2015 được phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng trình bày trước Ủy ban Tư pháp sáng 11/9.
Trong khi Chính phủ nhận định tình trạng tham nhũng còn nghiêm trọng, các biểu hiện chạy chọt, lót tay, nhũng nhiễu vẫn phổ biến trong khu vực công thì 11/19 bộ, ngành, địa phương báo cáo là tham nhũng ít hoặc không nghiêm trọng. Gần 100 đầu mối khác không có báo cáo. Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga ngạc nhiên và băn khoăn trước kết quả này.
Ông Lượng cho biết, qua các cuộc thanh tra, ngành Thanh tra đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 52.253 tỷ đồng và 1.788 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý 14.447 tỷ đồng, 824 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm 1.945 tập thể, 14.339 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 65 vụ, 50 đối tượng.
Có 1.225 người thuộc diện kê khai tài sản phải xác minh tài sản, thu nhập (năm 2014 chỉ có 5 người), trong đó phát hiện 5 người kê khai không trung thực (đã xử lý kỷ luật 2 người, còn 2 trường hợp tại tỉnh Cà Mau và một trường hợp tại tỉnh Bình Thuận đang xem xét). Đã có 22 người nộp lại quà biếu với số tiền 89 triệu đồng.
Qua 181 báo cáo kiểm toán đã được ban hành, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 23.024 tỷ đồng. Kiến nghị xử lý các tập thể liên quan và 30 cá nhân, chuyển một vụ có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra.
Qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành Thanh tra đã phát hiện 100 vụ, 172 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng. Lực lượng cảnh sát điều tra các cấp đã thụ lý điều tra 354 vụ án, 821 bị can phạm tội về tham nhũng. (Tuổi Trẻ 12/9)Về đầu trang

Cần có chương riêng về tố tụng lao động


Ngày 10/9, tại TP.HCM, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức hội thảo khu vực phía nam “Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp lao động và tham vấn về tố tụng lao động trong dự án bộ luật Tố tụng dân sự(sửa đổi)” với sự tham gia của gần 30 đại biểu.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, tranh chấp lao động có xu hướng tăng nhưng các thiết chế về thương lượng, hòa giải, trọng tài hoạt động còn hạn chế nên việc xây dựng pháp luật tố tụng lao động là cần thiết.
Ông Alan J.Boulton, Phó chủ tịch Hội đồng việc làm công bằng của Úc, cũng chia sẻ các giai đoạn trước tố tụng có ý nghĩa rất quan trọng để phòng ngừa tranh chấp xảy ra và tố tụng chỉ là công đoạn cuối cùng trong hệ thống giải quyết tranh chấp về lao động khi việc giải quyết các giai đoạn trước không có hiệu quả. Và để giải quyết tốt tranh chấp tại tòa thì ở Úc cũng như một số quốc gia khác sẽ có một luật riêng về tố tụng lao động.
Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đề nghị trong dự thảo bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) cần có một chương riêng về tố tụng lao động để tiến tới xây dựng một luật riêng, độc lập về tố tụng lao động, đồng thời sẽ đáp ứng những yêu cầu cấp thiết của thực tiễn hiện nay.
Cùng ngày, tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo bộ luật Hình sự (sửa đổi), Phó cục trưởng Cục Quản lý bảo hiểm (BH) Doãn Thanh Tuấn cho biết trục lợi BH ngày càng tinh vi, phức tạp, có sự cấu kết, thông đồng giữa khách hàng, nhân viên của doanh nghiệp BH, đại lý BH, bên thứ ba có liên quan như nhân viên giám định, bác sĩ, cơ sở khám chữa bệnh, sửa chữa xe...
Hiện chưa có quy định riêng về xử lý hình sự đối với hành vi trục lợi BH và đang vận dụng các quy định về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức... để xử lý. Vì vậy, trong dự thảo bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ Tài chính đã đề xuất hình sự hóa hành vi trục lợi BH, nếu trục lợi từ 20 triệu đồng bị phạt tiền gấp từ 2 - 3 lần số tiền đã chiếm đoạt hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm; phạt tù từ 5 - 10 năm nếu trục lợi số tiền có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên.
Theo thống kê sơ bộ trong giai đoạn 2007 - 2014, tổng số vụ trục lợi BH mà doanh nghiệp BH từ chối chi trả là gần 64.000 vụ, tăng trung bình 31%/năm. Tổng số tiền trục lợi khoảng 850 tỉ đồng, trung bình gần 110 tỉ đồng/năm. (Thanh Niên 11/9) Về đầu trang

Thu phí xe máy ở TPHCM: Trong giờ hành chính không ổn, ngoài giờ không xong


“Tính đến ngày 31/8, UBND 11 phường thuộc Quận 2 đã phát hơn 23.000 tờ khai phí sử dụng đường bộ để người dân kê khai và chỉ thu lại được hơn 2.000 tờ. Việc kê khai hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự giác của người dân nên hiệu quả chưa cao”.
UBND quận 2 cho biết trong báo cáo gửi UBND TP.HCM về tình hình triển khai công tác thu phí xe máy trên địa bàn quận.
Theo UBND quận 2, việc thu phí chưa nhận được sự đồng thuận của người dân. Quá trình kê khai phát sinh thêm một số vướng mắc như các hộ dân thuộc diện di dời, giải tỏa không hợp tác; các trường hợp tạm trú, ở trọ thì cán bộ địa phương, tổ dân phố rất khó tiếp xúc… Ngoài ra, khi triển khai thu phí, mỗi phường, cơ quan, đơn vị đều phải phân công ít nhất 2-3 cán bộ kiêm nhiệm làm công tác này.
“Thu trong giờ hành chính thì không hiệu quả, ngoài giờ hành chính thì công tác cất giữ tiền thu được khá phức tạp” - báo cáo nêu. (Pháp Luật TP.HCM 11/9) Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

TP.HCM áp dụng hệ thống đánh giá sự hài lòng vào tháng 10


UBND TP.HCM vừa chấp thuận đề xuất của Sở TT&TT về kế hoạch triển khai hệ thống đánh giá sự hài lòng của tổ chức và người dân.
Theo đó, hệ thống sẽ được vận hành vào tháng 10 tới đây tại các cơ quan hành chính, sở ngành, quận huyện. Mỗi đơn vị được trang bị 2-3 màn hình cảm ứng 32 inch hoặc máy tính bảng. Thành phố cho phép ghi vốn triển khai hệ thống trong nguồn kinh phí công nghệ thông tin được giao cho Sở TT&TT năm 2015.
Hệ thống vận hành chính thức đến tháng 1/2016, báo cáo kết quả thực hiện cho UBND thành phố trước 30/5/2016. (Thanh Niên 12/9)Về đầu trang

Hải quan Hà Giang - Hiện đại hóa trong cải cách hành chính


Hải quan Hà Giang phấn đấu đến năm 2020 trở thành một trong những cơ quan đi đầu thực hiện cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa, các thủ tục và chế độ quản lý hải quan đơn giản, hiệu quả, hài hòa và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế qua đó góp phần tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.
Đến nay, đã có 100% các Chi cục Hải quan thực hiện thủ tục Hải quan điện tử với trên 90% Doanh nghiệp tham gia. Việc khai báo, tiếp nhận, xử lý thông tin, ra quyết định thông quan được thực hiện với mức độ tự động hóa rất cao, đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho Doang nghiệp. Ở lĩnh vực thanh toán thuế, việc thu nộp thuế Xuất nhập khẩu được thực hiện tự động hóa thông qua trao đổi thông tin về các khoản thu ngân sách giữa Hải quan và các Ngân hàng thương mại.
Hiện tại, 100% Chi cục Hải quan thực hiện thanh toán điện tử, giúp doanh nghiệp thanh toán tiền thuế mọi lúc, mọi nơi, thời gian nộp thuế từ 1 - 2 ngày, có trường hợp mất 5 ngày, nay chỉ còn 3 phút; hạn chế tình trạng cưỡng chế, xét ân hạn nhầm, ảnh hưởng đến quyền lợi Doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ngành Hải quan đã đưa vào áp dụng các hệ thống Công nghệ thông tin phục vụ công tác kiểm tra sau thông quan và điều tra, chống buôn lậu, xử lý vi phạm. (Đài PTTH Hà Giang)Về đầu trang

Tỉ lệ doanh nghiệp khai thuế điện tử đạt trên 98%


Theo tin từ Tổng cục Thuế, đến hết tháng 8/2015, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai cho 63 tỉnh, thành phố với trên 510.000 doanh nghiệp, đạt tỉ lệ trên 98% so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động thực hiện khai thuế qua mạng.
Trong đó, một số Cục Thuế đạt tỉ lệ cao như Cục Thuế thành phố Đà Nẵng (100%), Cục Thuế thành phố Hà Nội (99%), Cục Thuế TPHCM (99%)…
Cũng theo Tổng cục Thuế, đến nay đã có 422.004 doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử qua hệ thống của Tổng cục Thuế, đạt trên 81% DN đang hoạt động. Một số Cục Thuế đã đạt kế hoạch 90% số doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ như: Quảng Trị, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Nghệ An, Bắc Ninh...
Hiện, Tổng cục Thuế đã ký kết thỏa thuận triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử với 42 ngân hàng (trong đó có 13 ngân hàng nước ngoài), trong đó đã có 22 ngân hàng chính thức cung cấp dịch vụ; các ngân hàng còn lại đang trong quá trình xây dựng ứng dụng. (Báo Chính Phủ Điện Tử 12/9)Về đầu trang

PHÁP LUẬT

Bình quân mỗi năm Đà Nẵng có 107 đảng viên bị kỷ luật Đảng


Đó là thông tin được bà Lương Nguyệt Thu, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng cho hay tại hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng nhiệm kỳ 2010 – 2015 do Thành ủy Đà Nẵng tổ chức sáng 10/9.
Theo bà Thu, trong nhiệm kỳ 2010 – 2015, toàn Đảng bộ TP Đà Nẵng đã thi hành kỷ luật 536 trường hợp đảng viên (giảm 4,62% so với nhiệm kỳ trước) và 04 tổ chức Đảng vi phạm (giảm 55,5% so với nhiệm kỳ trước). Trong số 04 tổ chức Đảng vi phạm, có 3 trường hợp bị khiển trách và 01 trường hợp cảnh cáo.
Trong 536 đảng viên bị kỷ luật có 191 đảng viên vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình (chiếm 35,63%); 147 đảng viên vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm (27,42%); 89 đảng viên vi phạm do thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý (16,6%); 61 đảng viên vi phạm về phẩm chất, đạo đức (11,3%); 28 đảng viên sai phạm về quản lý đất đai (5,22%); 20 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái quy định Nhà nước (3,73%).
Bà Thu cho hay, trong số 536 đảng viên bị kỷ luật Đảng này có 462 trường hợp do cấp ủy và chi bộ thi hành kỷ luật; 74 trường hợp do Ủy ban Kiểm tra thi hành kỷ luật. Trong đó có 384 trường bị khiển trách, 106 trường hợp bị cảnh cáo, 07 trường hợp bị cách chức, 39 trường hợp bị khai trừ Đảng. (Infonet 10/9) Về đầu trang

Long An: Đề nghị khai trừ Đảng đối với ông Huỳnh Văn Hữu


Đảng ủy Sở Công thương tỉnh Long An (Sở Công thương) vừa họp biểu quyết hình thức kỷ luật đối với ông Huỳnh Văn Hữu - nguyên Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 7 (thuộc Chi cục Quản lý thị trường, Sở Công thương), Chi ủy viên Chi bộ 3 (thuộc Đảng ủy Sở Công thương).
Với 9/13 phiếu tán thành, Đảng ủy Sở Công thương đã đề nghị Đảng ủy cấp trên thi hành kỷ luật đảng viên Huỳnh Văn Hữu với hình thức “khai trừ ra khỏi Đảng”.
Trước đó, ông Hữu đã bị lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường Long An thu hồi thẻ kiểm sát viên và đình chỉ nhiệm vụ đội trưởng quản lý thị trường.
Cuối tháng 12/2014, Đội Quản lý thị trường số 7 do ông Hữu phụ trách đã kiểm tra và phát hiện một cửa hàng bán phân bón kém chất lượng. Nhưng sau đó, kết quả kiểm nghiệm lô phân này đã bị sửa trở thành đạt chất lượng, nhờ đó mà 5 tấn phân kém chất lượng đang bị niêm phong đã được “giải cứu”. (Lao Động 10/9)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Ấn Độ "hút" giới đầu tư Mỹ nhờ cải cách kinh tế


Mạng tin India Writes ngày 10/9 cho rằng các biện pháp cải cách của Chính phủ Ấn Độ có thể ảnh hưởng tích cực tới tình cảm của giới đầu tư Mỹ trước chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi tới New York và San Francisco từ ngày 24 - 28/9.
Một số sáng kiến cải cách gần đây của Chính phủ Ấn Độ, như cải cách lĩnh vực ngân hàng, tăng trần đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực bảo hiểm và quốc phòng lên 49% so với 26% trước đây, đã hấp dẫn giới đầu tư nước ngoài.
Một phái đoàn quan chức các công ty hàng đầu do Liên đoàn các ngành công nghiệp Ấn Độ (CII) dẫn đầu đã tới thăm thành phố San Francisco để quảng bá về tình hình phát triển của Ấn Độ và tìm cách thu hút đầu tư từ Mỹ.
Phát biểu tại một sự kiện do CII và các doanh nghiệp Ấn Độ tổ chức tại San Francisco, Tổng Giám đốc CII Chandrajit Banerjee nói rằng Chính phủ của Thủ tướng Modi đã giải quyết những thách thức lớn do luật lệ và cơ chế tại Ấn Độ tạo ra, trong đó có lĩnh vực khai thác than, đất đai, và mọi việc đang tiến triển.
Theo nhận định của India Writes, trọng tâm chuyến thăm Mỹ sắp tới của Thủ tướng Modi là thu hút thêm đầu tư và công nghệ của Mỹ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước, đồng thời kích thích văn hóa sáng tạo và văn hóa doanh nghiệp.
Ông Modi dự kiến sẽ gặp các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu và các công ty công nghệ lớn tại New York và trung tâm công nghệ Silicon ở California trong chuyến thăm Mỹ.
Đây là chuyến thăm Mỹ lần thứ hai của ông Modi trên cương vị Thủ tướng, nhưng là chuyến đi đầu tiên của ông tới vùng duyên hải miền Tây nước Mỹ trong hơn ba thập niên qua. Về đầu trang./.
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG




tải về 117.84 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương