BẢn tin phục vụ LÃnh đẠO (Ngày 13 tháng 12 năm 2016)



tải về 263.62 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích263.62 Kb.
#38080




BẢN TIN PHỤC VỤ LÃNH ĐẠO

(Ngày 13 tháng 12 năm 2016)


TIÊU ĐIỂM 2

  1. TIÊU ĐIỂM 2

  2. Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ rà soát lại việc bổ nhiệm 2 Vụ phó nhanh bất thường 2

  3. Bí thư Thăng phê bình Giám đốc vắng họp để bình xét thi đua 3

CHÍNH SÁCH MỚI 4

  1. CHÍNH SÁCH MỚI 4

  2. Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô sẽ là ngành kinh doanh có điều kiện từ 1/7/2017 4

  3. Chứng thực hợp đồng, giao dịch nộp phí 50.000 đồng 4

  4. Miễn thuế xuất nhập khẩu hàng hóa phục vụ khoa học và công nghệ 5

CHỈ THỊ MỚI 5

  1. CHỈ THỊ MỚI 5

  2. Thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp 1 năm/1 lần, không chồng chéo 5

  3. Chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước về SCIC 5

TIN QUỐC HỘI 6

  1. TIN QUỐC HỘI 6

  2. Thủ tướng Chính phủ phân công chuẩn bị cho phiên họp thứ 5 của UBTVQH 6

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY 7

  1. TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY 7

  2. TPHCM: Đề xuất cho dân chụp ảnh vi phạm gửi đường dây nóng 7

  3. Phú Thọ: Thí điểm đề án "Bác sĩ cho từng người dân" 7

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ - HỘI NHẬP 7

  1. MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ - HỘI NHẬP 7

  2. Gia Lai nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư 7

  3. Sức hút đầu tư ở Vĩnh Phúc 8

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN 9

  1. PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN 9

  2. Cân đối nguồn lực 9

QUẢN LÝ 10

  1. QUẢN LÝ 10

  2. Không điều chỉnh chính sách an sinh sẽ gặp cú sốc lớn 10

  3. Đà Nẵng: Cấm nói chuyện "xin biên chế" khi làm việc với lãnh đạo 11

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH 12

  1. CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH 12

  2. 2,9 triệu người nhận lương hưu và các chế độ BHXH qua hệ thống bưu điện 12

  3. Hải Phòng tạo đột phá trong cải cách hành chính 13

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH 13

  1. QUẢN LÝ NGÂN SÁCH 13

  2. Quảng Bình: 4 tháng, Trung tâm Y tế huyện nghèo tiếp khách hết 300 triệu đồng 13

THẾ GIỚI 14

  1. THẾ GIỚI 14

  2. Hy Lạp thông qua ngân sách “thắt lưng buộc bụng” 14



TIÊU ĐIỂM

Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ rà soát lại việc bổ nhiệm 2 Vụ phó nhanh bất thường


Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ quy trình tuyển dụng đề bạt những cán bộ đã được báo chí thông tin vừa qua để có hướng đề xuất xử lý.
Trong lúc Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ thành lập tổ kiểm tra quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng, 26 tuổi, công tác trong khoảng 15 tháng (từ tháng 8/2014 đến tháng 1/2016) được đề bạt vụ Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ thì mới đây dư luận thêm bất ngờ trước thông tin ông Nguyễn Tiến Khoa, cách nay 3 năm là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng 8 Thăng Long - Tổng Công ty Thăng Long, có trụ sở tại Hà Nội về Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ được đề bạt trở thành Vụ phó của vụ này trong thời gian 20 tháng kể từ khi được tuyển dụng.
Ông Nguyễn Tiến Khoa, tự giới thiệu là kỹ sư xây dựng, thạc sĩ quản trị kinh doanh, làm đơn xin về công tác tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ từ tháng 10/2013, được bố trí làm chuyên viên phòng Nghiên cứu - Tổng hợp. Hơn năm sau, từ ngày 1/12/2014 đến ngày 26/1/2015, ông Khoa được quyết định bổ nhiệm lần lượt giữ chức Phó trưởng phòng Nghiên cứu - Tổng hợp rồi kiêm nhiệm chức Phó giám đốc và Giám đốc Nhà khách Tây Nam Bộ.
Đến ngày 5/6/2015, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ ký quyết định bổ nhiệm ông Khoa giữ chức Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế. Ông Khoa giữ chức Vụ phó đúng một năm và làm đơn xin chuyển công tác tại Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vào tháng 6/2016.
Trao đổi với phóng viên, ông Sơn Minh Thắng – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết, sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ quy trình tuyển dụng đề bạt những cán bộ đã được báo chí thông tin vừa qua để có hướng đề xuất xử lý (nếu có dấu hiệu sai phạm). (VOV.vn 12/12) Về đầu trang

Bí thư Thăng phê bình Giám đốc vắng họp để bình xét thi đua


Sáng 12/12, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng làm việc với Quận uỷ quận Tân Bình. Tuy nhiên, khi Bí thư Thăng yêu cầu đơn vị có trách nhiệm trả lời về những nội dung cải tạo các công trình cấp thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất, lãnh đạo Trung tâm điều hành chống ngập nước TP.HCM lại vắng họp.
Người được cử đi họp thay là Phó trưởng phòng Cấp thoát nước của trung tâm. Vị này giải thích lý do vắng họp của lãnh đạo là bận họp “đánh giá cuối năm và bình xét thi đua” và việc vắng họp đã được báo cáo lên.
Không chấp nhận lời giải thích này, Bí thư Đinh La Thăng bày tỏ “riêng việc này thì cả lãnh đạo trung tâm không đủ tư cách để ngồi bình xét với nhau”.
“Bây giờ Bí thư cùng các sở ngành làm việc với quận, cả năm trời mới có một buổi. Các anh lại ngồi họp bình xét với nhau, xét ở đây là xét về công việc. Việc cử một Phó phòng đi họp thay là không nghiêm túc”, Bí thư Thành uỷ nghiêm khắc.
Bí thư Đinh La Thăng cũng đề nghị Văn phòng Thành uỷ phải có văn bản phê bình Đảng uỷ và Giám đốc Trung tâm chống ngập. “Không thể để cách làm việc như thế được. Công việc không làm lại ngồi bình xét thi đua và bình xét danh hiệu”, ông Thăng nói.
Khoảng một tuần trước ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, đã có văn bản tự nhận kỷ luật ở mức cảnh cáo sau khi một người dân ngã xuống cống tử vong tại quận Bình Tân. Công trình này nằm trên đường Kinh Dương Vương do Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM đang thi công nhưng không có rào chắn lẫn cảnh báo.
Ngay sau vụ việc, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình đã có văn bản chỉ đạo UBND TP.HCM làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan đến vụ việc. TP.HCM cũng chủ động rà soát, xem xét trách nhiệm của các bên liên quan từ chủ đầu tư, giám sát, tư vấn, nhà thầu.
Phó Thủ tướng giao UBND TP.HCM yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét, nếu đủ căn cứ pháp luật khởi tố vụ án hình sự để điều tra, làm rõ trách nhiệm cá nhân, xử lý nghiêm minh nhằm chấn chỉnh tình trạng vi phạm quy định an toàn xây dựng tràn lan hiện nay. (News.zing.vn 12/12) Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô sẽ là ngành kinh doanh có điều kiện từ 1/7/2017


Từ ngày 1/7/2017, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô chính thức là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Đó là thông tin được khẳng định trong buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố "Luật Sửa đổi bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư" diễn ra sáng 12/12.
Nhấn mạnh việc đưa sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị rất kỹ lưỡng trong một thời gian dài, vượt qua 3 vòng thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội trước khi được trình ra Quốc hội và cuối cùng được Quốc hội thông qua với sự đồng thuận cao, hơn 80% tại Kỳ họp thứ hai vừa qua.
Tại buổi họp báo, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Đề xuất đưa ngành nghề này vào danh mục kinh doanh có điều kiện được đưa ra dựa trên lượng hóa những mặt tích cực và không tích cực tác động trong cả ba nhóm lợi ích là người tiêu dùng, người tham gia kinh doanh và Nhà nước. (VTV.vn 12/12) Về đầu trang

Chứng thực hợp đồng, giao dịch nộp phí 50.000 đồng


Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 226/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng thực.
Theo đó, phí chứng thực hợp đồng, giao dịch sẽ tăng thêm từ 15.000 đến 20.000 đồng. Cụ thể, phí chứng thực hợp đồng, giao dịch là 50.000 đồng/hợp đồng, giao dịch (tăng 20.000 đồng so với quy định cũ).
Phí chứng thực việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch cũng được tăng từ 20.000 đồng lên 30.000 đồng/hợp đồng, giao dịch; phí sửa lỗi sai sót trong hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực là 25.000 đồng/hợp đồng, giao dịch (mức phí cũ là 10.000 đồng).
Riêng phí chứng thực bản sao từ bản chính và phí chứng thực chữ ký vẫn được giữ nguyên là 2.000 đồng/trang với chứng thực bản sao từ bản chính, từ trang thứ ba trở lên thu 1.000 đồng/trang, mức thu tối đa là 200.000 đồng/bản và 10.000 đồng/trường hợp đối với chứng thực chữ ký.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017. (Báo Chính Phủ Điện Tử 12/12) Về đầu trang

Miễn thuế xuất nhập khẩu hàng hóa phục vụ khoa học và công nghệ


Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định ban hành Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định về việc miễn thuế và những biện pháp thi hành miễn thuế hàng hóa nhập khẩu phục vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.
Theo đó, đối tượng được miễn thuế gồm hàng hóa nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ được miễn thuế nhập khẩu theo quy định.
Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm xây dựng tiêu chí xác định phương tiện vận tải chuyên dùng cần thiết cho hoạt động dầu khí; phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất của dự án đầu tư; phương tiện vận tải trong dây chuyền công nghệ phục vụ trực tiếp cho hoạt động đóng tàu… (Đại Biểu Nhân Dân 13/12) Về đầu trang

CHỈ THỊ MỚI

Thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp 1 năm/1 lần, không chồng chéo


Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu các Bộ, cơ quan khi xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phải đảm bảo việc tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về tài chính, thuế đối với doanh nghiệp (DN) 1 năm/1 lần, không trùng lắp, chồng chéo.
Để tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của DN, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan khi xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phải chủ động phối hợp, cùng thống nhất để đảm bảo việc tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về tài chính, thuế đối với DN 1 năm/1 lần, không trùng lắp, chồng chéo và phải công khai trước cho DN biết (trừ trường hợp đặc biệt phát hiện DN vi phạm phải thực hiện theo quy định của pháp luật).
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không thanh tra, kiểm tra khi không có căn cứ theo quy định của pháp luật. Khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán không được thanh tra, kiểm tra, kiểm toán lại những vấn đề, nội dung mà các cơ quan có thẩm quyền đã kết luận, xử lý trước đó và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của mình.
Thanh tra Chính phủ sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan theo dõi, giám sát việc thực hiện. (Thanh Tra 12/12) Về đầu trang

Chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước về SCIC


Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan và người đại diện phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp đã thống nhất chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước về SCIC phối hợp với SCIC khẩn trương hoàn thiện hồ sơ và thực hiện chuyển giao theo đúng quy định của pháp luật trong năm 2016 và quý I/2017.
Đồng thời thực hiện nghiêm túc việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước về SCIC theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 655 ngày 11/5/2015, Công văn số 10382 ngày 11/12/2015 và quy định của pháp luật.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề xuất hướng xử lý đối với các doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao về SCIC nhưng SCIC và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa thống nhất được, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. (Thanh Tra 12/12) Về đầu trang

TIN QUỐC HỘI

Thủ tướng Chính phủ phân công chuẩn bị cho phiên họp thứ 5 của UBTVQH


Chuẩn bị cho Phiên họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) (từ ngày 19 – 22/12), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phân công các thành viên Chính phủ chuẩn bị một số tờ trình, báo cáo.
Cụ thể, Thủ tướng phân công Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chuẩn bị Tờ trình về việc kéo dài thời gian thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trụ sở cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Bộ trưởng Bộ Tài chính chuẩn bị Tờ trình về dự án Pháp lệnh phí, lệ phí tòa án; Tờ trình về việc ban hành Nghị định quy định về một số cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho thành phố Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Tài chính phối hợp chuẩn bị Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về Quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Công Thương chuẩn bị Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 1052/NQ-UBTVQH ngày 24/10/2015 của UBTVQH về một số định hướng, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp chuẩn bị Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý về một số vấn đề lớn của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chuẩn bị Tờ trình về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. (Đại Biểu Nhân Dân 13/12) Về đầu trang

TƯ DUY MỚI - CÁCH LÀM HAY

TPHCM: Đề xuất cho dân chụp ảnh vi phạm gửi đường dây nóng


Người dân TP.HCM có thể chụp ảnh các vi phạm trên địa bàn và gửi về đơn vị chức năng để xử phạt.
Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM vừa có đề xuất xây dựng và triển khai phần mềm ứng dụng trên thiết bị di động có chức năng chụp ảnh người vi phạm giao thông và xả rác không đúng quy định để gửi về đường dây nóng.
Theo đó, người dân có thể chụp ảnh các vi phạm về giao thông, môi trường (dừng đỗ xe không đúng quy định, xe đi vào đường cấm, taxi và xe khách đón, trả khách không đúng vị trí quy định, xả rác…) và gửi về đơn vị chức năng để xử phạt. Đồng thời, người dân có thể phản ánh sự cố, các bất cập về hạ tầng cho đơn vị chức năng để xử lý kịp thời. (VTV.vn 12/12) Về đầu trang

Phú Thọ: Thí điểm đề án "Bác sĩ cho từng người dân"


1,3 triệu người dân tỉnh Phú Thọ sẽ được chăm sóc sức khỏe như có bác sĩ riêng là mục tiêu của đề án "Bác sĩ cho từng người dân" được Phú Thọ triển khai.
Ngay khi tỉnh Phú Thọ hoàn tất đề án, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có thể cấp vốn ngay trong năm 2017 để tỉnh triển khai lập "Sổ theo dõi sức khỏe" cho toàn bộ người dân, từ đó, hình thành hệ thống chăm sóc y tế hoàn chỉnh từ khâu chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng đến điều trị.
Phần vốn này cũng đảm bảo để trả lương cho cán bộ y tế cơ sở, đây sẽ là các "bác sĩ gia đình" quản lý sức khỏe, tư vấn dinh dưỡng, chuyển tuyến khi cần thiết... Nếu đề án thực hiện ở Phú Thọ hiệu quả sẽ mở rộng ra nhiều địa phương khác. (VTV.vn 12/12) Về đầu trang

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ - HỘI NHẬP

Gia Lai nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư


Gia Lai đang cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư khi thực hiện các dự án tại đây.
Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Gia Lai - tỉnh lớn nhất vùng Tây Nguyên sẽ diễn ra trong ít ngày nữa. Để phấn đấu trở thành vùng kinh tế động lực của Tây Nguyên cũng như khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, Gia Lai đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư, trước mắt là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư khi thực hiện các dự án tại đây.
Hầu hết các thủ tục với doanh nghiệp phải giải quyết nhanh gọn trong ngày là phương châm của mô hình dịch vụ công ở tỉnh Gia Lai. Mô hình này bắt đầu ra đời từ tháng 5/2016. Thời gian hoàn thành hồ sơ thành lập mới doanh nghiệp là 2 ngày và đối với hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh là 1 ngày. Với sự cải tiến mạnh mẽ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh giúp doanh nghiệp rút ngắn được thời gian và tiết kiệm chi phí khi thực hiện các thủ tục hành chính, Gia Lai đã và đang tạo được lòng tin đối với các nhà đầu tư.
Cải cách hành chính được xác định là khâu đột phá và năm 2016 được Gia Lai chọn là năm cải cách hành chính. Kết quả chỉ số cải cách hành chính gần đây của Gia Lai xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố, tăng 38 bậc so với năm 2015. Kết quả này cho thấy sự quyết tâm rất lớn của Gia Lai về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. (Kênh VTV1 – Bản tin Thời sự lúc 19h23 ngày 12/12) Về đầu trang

Sức hút đầu tư ở Vĩnh Phúc


Từ một tỉnh phải dựa vào ngân sách Trung ương, đến nay Vĩnh Phúc đã trở thành 1 trong 13 tỉnh, thành có điều tiết về ngân sách Trung ương với tổng thu đạt gần 29.000 tỷ VND.
Kết quả này chủ yếu dựa vào thu hút đầu tư nhờ phát huy lợi thế, cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là coi trọng các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc như là công dân của tỉnh.
Sự hấp dẫn trong thu hút đầu tư khiến Vĩnh Phúc là địa chỉ tìm đến của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Từ 1 khu công nghiệp quy mô 50 ha, 20 năm sau tái lập, quy mô công nghiệp của Vĩnh Phúc giờ đã gấp tới cả trăm lần. Hơn 850 dự án, trong đó có hơn 220 dự án FDI với vốn đăng ký hơn 3,4 tỷ USD đã chọn Vĩnh Phúc là điểm đến và hiện nay đa số đã đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, thành công của Vĩnh Phúc không chỉ dựa vào vị trí địa lý thuận lợi mà còn ở việc thay đổi cách thức tiếp cận, chào mời doanh nghiệp đầu tư. (Kênh VTV1 – Bản tin Thời sự lúc 19h21 ngày 12/12) Về đầu trang

PHÂN TÍCH -BÌNH LUẬN

Cân đối nguồn lực


Một trong những nội dung quan trọng tại kỳ họp cuối năm của HĐND các tỉnh, thành phố đã, đang và sẽ diễn ra trong tháng 12 này là việc cân đối và phân bổ nguồn lực đầu tư, phát triển năm 2017 và những năm tiếp theo.
Đây là nhiệm vụ tưởng đơn giản như việc chia một chiếc bánh. Cứ đề án, dự án đưa ra phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, giải quyết được đòi hỏi từ thực tiễn và có tính khả thi cao… UBND có tờ trình thì HĐND sẽ xem xét quyết định. Thế nhưng, đằng sau sự “tưởng như đơn giản” đó kéo theo không ít hệ quả và hệ lụy. Nhãn tiền là tại hầu hết các địa phương hiện nay có không ít công trình bị chậm tiến độ, nhiều dự án, đề án dở dang - trở thành những dự án “treo”, đề án “treo”. Đó là chưa nói đến việc nhiều công trình “đắp chiếu”, phơi nắng, phơi mưa; gây lãng phí ngân sách, lãng phí tiền thuế của dân.
Thiếu vốn được coi một trong những nguyên nhân chính. Hiện nay, ở không ít địa phương, mỗi kỳ họp, số lượng đề án, dự án được HĐND ban hành nghị quyết thông qua khá nhiều nhưng không tính toán đến việc cân đối các nguồn vốn để bảo đảm cho việc triển khai thực hiện. Khổ nỗi, cuộc sống lại đòi hỏi quá nhiều trong khi khả năng đáp ứng của ngân sách lại có hạn. Mâu thuẫn này luôn luôn tồn tại nhưng không phải là không giải quyết được.
Nhiệm vụ của chính quyền là đặt những đòi hỏi của cuộc sống lên bàn cân để xem điều gì cần giải quyết trước, điều gì để giải quyết sau (trên cơ sở nguồn lực tối đa mà ngân sách có thể đáp ứng). Theo đó, để dự án “treo” vì không có kinh phí để thực hiện, hoặc thiếu kinh phí nên thực hiện nửa vời…, lỗi đầu tiên phải thuộc về UBND, cơ quan đầu mối soạn thảo, trình các đề án, dự án và cũng là cơ quan đầu mối triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, cơ quan duyệt chính sách, phân bổ nguồn lực; về nguyên tắc, người quyết định là người phải chịu trách nhiệm chính. Nói một cách đơn giản, anh không thể chia gạo mà không biết trong hũ có bao nhiêu gạo, vì không biết có bao nhiêu gạo trong hũ thì sẽ không có cơ sở để chia, nếu không biết mà vẫn cứ chia là chia bừa. Vì vậy, vai trò của Thường trực HĐND trong phối hợp với UBND đối với việc dự kiến chương trình xây dựng đề án - nghị quyết, cũng như công tác thẩm tra của các ban của HĐND là không thể thoái thác.
Nhìn ở một góc độ khác, khó mà chê trách được các sở, ngành, đơn vị khi họ muốn “tạo sức ép”, tranh thủ UBND và HĐND để các đề án, chương trình của sở, ngành mình được thông qua trước. Thực tế có một lý do chi phối không nhỏ, đó là các sở, ban, ngành vừa thực hiện sự chỉ đạo chuyên môn theo chiều dọc từ Trung ương, lại vừa chịu sự chỉ đạo của UBND theo chiều ngang. Khi xây dựng một đề án nào đó, các sở, ngành thường “tính cua trong lỗ”, nghĩa là dự toán xin một phần ngân sách địa phương, phần còn lại “xin kinh phí” từ bộ nọ, ngành kia qua các chương trình, đề án quốc gia... Rốt cuộc nhiều khi là ngân sách địa phương thì không bố trí đủ, mà kinh phí của bộ, ngành cũng không xin được. Kết quả là chương trình, dự án chỉ triển khai được nửa chừng, vừa lãng phí, vừa làm mất lòng tin của nhân dân.
Cân đối và phân bổ nguồn lực đầu tư, phát triển là một vấn đề vô cùng quan trọng, đòi hỏi HĐND phải cân nhắc kỹ lưỡng. Xin được nhắc lại rằng, người ta chỉ có thể chia gạo khi biết gạo có trong hũ và cách chia công bằng là chia theo thứ bậc ưu tiên, chứ không phải là chia đều. Để làm được điều này, cần kiên quyết loại bỏ những dự án chưa thật cần thiết, những đề án mang tính “cầu may” - cần khẳng định HĐND không phải là “con dấu” hợp pháp hóa đề xuất của UBND... (Đại Biểu Nhân Dân 12/12) Về đầu trang

QUẢN LÝ

Không điều chỉnh chính sách an sinh sẽ gặp cú sốc lớn


Đó là nhận định của Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, tại khóa tập huấn khu vực về lương hưu cho người cao tuổi trong ASEAN do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức, ngày 12/12.
Cũng theo ông Lợi, hiện nay ở Việt Nam số người hưởng lương hưu chỉ có 2,2 triệu người và hơn hai triệu người cao tuổi đang hưởng chính sách bảo trợ chỉ 270.000 đồng/tháng, trong khi cả nước có hơn 16 triệu người trên 60 tuổi. Dù tỉ lệ người cao tuổi đang hưởng lương hưu và trợ cấp còn thấp nhưng việc mở rộng đối tượng người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để về già có lương hưu cũng đang là vấn đề khó khăn.
“Ngay trong hệ thống BHXH của chúng ta theo quy định trong Bộ luật Lao động, Luật BHXH vẫn còn có tới sáu triệu người phải tham gia BHXH nhưng không tham gia. Điều đáng buồn là cứ mỗi năm có hơn một triệu người lao động mới tham gia vào hệ thống BHXH thì cũng có 500.000 người ra khỏi hệ thống bằng chính sách BHXH một lần...” - ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Ông Lợi cũng cho biết thêm, hiện trụ cột của hệ thống an sinh xã hội là hệ thống BHXH nhưng chưa bao phủ được hết người lao động thì già hóa dân số lại diễn ra rất nhanh ở Việt Nam. Sự sụt giảm của tỉ lệ sinh, tỉ lệ tử và tuổi thọ ngày càng tăng đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tỉ lệ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
Dự ước đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm 18,3% dân số và đến năm 2050, khi tổng dân số là 110 triệu người, Việt Nam trở thành quốc gia “siêu già” với hơn 32 triệu người cao tuổi (31% tổng dân số), điều này đồng nghĩa với việc cứ ba nhân lực trong độ tuổi lao động sẽ có một người cao tuổi: "Nếu chúng ta không điều chỉnh chính sách an sinh xã hội kịp thời, Việt Nam sẽ gặp những cú sốc lớn trong tương lai” - ông Lợi nhận định. (Pháp Luật TPHCM 12/12) Về đầu trang

Đà Nẵng: Cấm nói chuyện "xin biên chế" khi làm việc với lãnh đạo


Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, UBND các quận, huyện không đặt vấn đề bổ sung biên chế, xin không thực hiện chính sách tinh giản biên chế trong quá trình chỉ đạo, điều hành hay làm việc với lãnh đạo thành phố.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, công tác quản lý, sử dụng biên chế, số lượng người làm việc, đặc biệt là việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế tại một số đơn vị, đia phương trên địa bàn thành phố vẫn còn hạn chế, có biểu hiện chần chừ, chưa quyết liệt đề ra biện pháp cụ thể để thực hiện chính sách tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu, đối với biên chế công chức trong các cơ quan hành chính, việc xây dựng Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2015 – 2021 phải xác định số lượng tinh giản từng năm và tỉ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 đạt tối thiểu 10% so với biên chế được giao năm 2014. Các đơn vị không được phê duyệt và không đảm bảo tỉ lệ tinh giản biên chế tối thiểu thì không được tuyển dụng mới hoặc tiếp nhận công chức từ các cơ quan khác.
Trên cơ sở tinh giản biên chế và rà soát, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, chú ý ưu tiên tuyển dụng vào chỉ tiêu biên chế đối với các đối tượng hợp đồng theo chính sách thu hút và Đề án 922 có triển vọng phát triển.
UBND thành phố Đà Nẵng chỉ xem xét, bổ sung chỉ tiêu cho các đơn vị sự nghiệp hoạt động ở địa bàn, lĩnh vực khó khăn; các đơn vị hoạt động, cung ứng dịch vụ sự nghiệp có tính chất phúc lợi xã hội, phục vụ công cộng nhưng không có nguồn thu hoặc thu khó, không thể huy động được nguồn lực xã hội; các đơn vị được giao nhiệm vụ phục vụ công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, công việc bức xúc, nổi cộm.
Chủ tịch thành phố Đà Nẵng yêu cầu Giám đốc Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ rà soát, phân loại các đơn vị sự nghiệp công lập theo mức độ tự chủ, mức độ được sử dụng ngân sách nhà nước, sớm đề xuất lộ trình tính giá dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập, định mức kinh tế kỹ thuật trọng cung ứng dịch vụ công, đẩy mạnh cơ chế đặt hàng, đấu thầu thay thế dần hình thức giao kinh phí theo biên chế, báo cáo UBND thành phố để làm cơ sở xem xét, chỉ đạo việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế giai đoạn 2017- 2021.
Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng được yêu cầu căn cứ tỉ lệ tự chủ của các đơn vị, báo cáo đề xuất UBND TP chuyển đối ít nhất 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp có nguồn thu từ Kế hoạch biên chế năm 2017 và tăng dần vào các năm sau.
Đáng chú ý, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, UBND các quận, huyện không đặt vấn đề bổ sung biên chế, xin không thực hiện chính sách tinh giản biên chế trong quá trình chỉ đạo, điều hành hay làm việc với lãnh đạo thành phố.
Trường hợp phải thành lập tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới thì các cơ quan, tổ chức, đơn vị tự cân đối, điều chỉnh trong tổng số biên chế hiện có. Đồng thời chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về kết quả thực hiện tinh giản biên chế của cơ quan, đơn vị mình. Trường hợp quản lý, sử dụng không đúng thì bị xử lý trách nhiệm theo quy định. (Infonet.vn 12/12) Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

2,9 triệu người nhận lương hưu và các chế độ BHXH qua hệ thống bưu điện


Sau hơn 3 năm thực hiện, đã có 2,9 triệu người nhận lương hưu và các chế độ Bảo hiểm xã hội với số tiền chi trả 8.000 tỉ đồng/tháng qua hệ thống bưu điện.
Việc chi trả thông qua hệ thống bưu điện này hoàn toàn thuận lợi, thông suốt, không hề xảy ra sự cố. Vấn đề đặt ra là cần "tích hợp" thống nhất một số hoạt động chi trả khác cho người được hưởng nhiều chế độ tại một đơn vị chi trả nhằm đem lại nhiều lợi ích hơn nữa cho người nhận.
Cả nước hiện có 1,3 triệu người có công, trong đó, nhiều người được hưởng đồng thời cả lương hưu và chính sách cho người có công. Việc lĩnh tiền ở 2 địa điểm và thời gian khác nhau rất mất thời gian và công sức cho người nhận.
Tại Quảng Nam, sau 1 năm thí điểm chi trả cả lương hưu và trợ cấp cho người có công tại các bưu cục đã cho thấy đây là hướng đi đúng đắn, phù hợp.
Với hơn 14.400 điểm trải khắp toàn quốc, việc tích hợp chi trả cho người hưởng cùng lúc nhiều chế độ qua các điểm phục vụ bưu chính công ích là cần thiết, nhằm giảm thiểu tối đa những phiền hà trong việc chờ đợi, đi lại của người dân, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa. (Kênh VTV1 – Bản tin Thời sự lúc 19h ngày 12/12) Về đầu trang

Hải Phòng tạo đột phá trong cải cách hành chính


Thời gian qua, thành phố Hải Phòng có nhiều giải pháp đột phá, sáng tạo; khắc phục kịp thời những hạn chế trong thực hiện chương trình cải cách hành chính (CCHC). Thành phố đã ba năm liên tiếp giữ vị trí thứ hai cả nước về chỉ số CCHC.
Hiện, toàn bộ các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn tại Hải Phòng thực hiện cơ chế "một cửa" và "một cửa liên thông", "một cửa điện tử". Đáng chú ý, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại, Du lịch Hải Phòng vừa thành lập, là mô hình "một cửa về đầu tư" góp phần tích cực cải thiện môi trường, thu hút đầu tư của Hải Phòng.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC được đẩy mạnh: tỷ lệ văn bản được số hóa đạt 70%; 100% dịch vụ hành chính công được cung cấp trên cổng thông tin điện tử ở mức độ 2 trở lên, trong đó 170 dịch vụ công mức độ 3, 4.
Năm 2016, công tác CCHC của thành phố tập trung phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố cũng coi trọng tổng kết, đánh giá bài học kinh nghiệm trong thực hiện mô hình CCHC; triển khai xây dựng cổng thông tin điện tử kết nối giữa thành phố với các quận, huyện; tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Hải Phòng đang tập trung cho mục tiêu nhân rộng mô hình "chính quyền điện tử"; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung cho toàn quốc. (Nhân Dân 13/12) Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Quảng Bình: 4 tháng, Trung tâm Y tế huyện nghèo tiếp khách hết 300 triệu đồng


Sự việc này xảy ra tại Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), khiến các cán bộ, nhân viên tại cơ quan và dư luận hoài nghi về sự minh bạch ở nhiều khoản chi.
Trao đổi về vấn đề này, ông Cao Sỹ Phượng – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tuyên Hóa cho biết, ông được điều động đến công tác tại đây từ tháng 5. Khi ông tiếp nhận công việc, cân đối lại ngân sách thì thấy chỉ 4 tháng đầu năm mà cơ quan đã chi hết hơn 1,7 tỷ đồng. Trong khi đó, kinh phí hoạt động cả năm của toàn cơ quan chỉ gần 3,5 tỷ đồng.
Trong 8 tháng còn lại, nếu tính hết lương bổng, bảo hiểm xã hội, công tác phí… cho toàn bộ cán bộ, nhân viên thì trung tâm chỉ còn lại hơn 50 triệu đồng để hoạt động.
Được biết, hậu quả việc chi tiêu “khủng” tại Trung tâm này do ông Lê Đình Thi - Nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tuyên Hóa điều hành. Hiện ông này đã được luân chuyển công tác sang Trung tâm Y tế Dự phòng huyện Minh Hóa.
Theo phản ánh của nhiều cán bộ, nhân viên trung tâm, dưới thời ông Thi điều hành, vì sự “vung tay qua trán” trong chi tiêu mà cả năm 2015, khoản tiền phụ cấp cho những cán bộ, nhân viên trẻ có mức lương dưới 2.34 không được trả. (Giáo Dục Việt Nam 11/12) Về đầu trang

THẾ GIỚI

Hy Lạp thông qua ngân sách “thắt lưng buộc bụng”


Theo CNBC, Quốc hội Hy Lạp vừa thông qua ngân sách "thắt lưng buộc bụng" vốn là yếu tố mà các chủ nợ của nước này đòi hỏi. Dù vậy, họ vẫn dự báo tăng trưởng mạnh cho năm 2017 là 2,7%.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cho biết, ngân sách này đánh “dấu thoát cuối cùng” của Hy Lạp trong cuộc khủng hoảng tài chính dài gần một thập niên.
Ngân sách quốc gia châu Âu thêm vào 1 tỉ EUR từ tiền thuế mới, chủ yếu có được từ các loại thuế gián tiếp áp trên các mặt hàng từ điện thoại đến thức uống có cồn. Nước này cũng hạ chi tiêu 1 tỉ EUR. Ngân sách được toàn bộ đảng cầm quyền ủng hộ song bị tất cả các đảng khác phản đối. Nó được thông qua với kết quả bỏ phiếu 152 - 146 hôm 11/12.
Dù vẫn “thắt lưng buộc bụng”, ông Tsipras dự báo 2017 sẽ là “năm bước ngoặc” với kinh tế đi lên 2,7%. Ông cho hay chính phủ của ông vừa có thặng dư tài chính cao hơn dự báo trong năm nay. (Thanh Niên 12/12)Về đầu trang./.
SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG





tải về 263.62 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương