BẢn tin hằng tuần số 28/2013 (Chúa Nhật 14/7/2013)



tải về 472.21 Kb.
trang1/4
Chuyển đổi dữ liệu11.09.2017
Kích472.21 Kb.
#33084
  1   2   3   4

GIÁO XỨ TÂN TRANG

NHÀ THỜ THÁNH GIUSE

--------------



BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 28/2013

(Chúa Nhật 14/7/2013)

  


I- SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN NĂM C :

Lời Chúa : Vậy ông nghĩ, trong ba người đó, aiđã tỏ ra là ngươi thân cận với người đã rơi vào tay kẻ cướp ?” Người thông luật trả lời : “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giêsu bảo ông ta : “Ông hãy đi và cũng hãy làm như vậy.” (Lc 10,36-37)

Suy niệm : Người thông luật đặt câu hỏi về điều răn quan trọng nhất. Thầy Giêsu lại trả lời bằng một câu chuyện minh hoạ sống động về lòng thương xót của một người xứ Samari : Anh ta gặp kẻ bị lâm nạn giữa đường, anh hành động rất thuần thục, rất chính xác và nhanh nhẹn cho người bị tai nạn, như thể anh vẫn làm chuyện này một cách bình thường trong đời sống thường ngày của anh. Anh chẳng cần lý luận : “Ai là anh em của tôi ?” Tâm hồn nhạy cảm thúc đẩy xăn tay áo lên và hành động ngay một cách chính xác. Tình yêu không phân tích lý thuyết suông, nhưng luôn đi bước trước và thể hiện bằng việc làm cụ thể. Đó cũng là câu trả lời của Chúa : “Ông hãy đi và cũng hãy làm như vậy.”

Mời Bạn : Người tông đồ của Chúa hôm nay cũng có thể đôi khi hành động cho “người thân”, người “đồng đạo” mà vô tình quên đi những mảnh đời bên cạnh. Chúng ta tưởng mình hiểu cặn kẽ về tình yêu nhưng vẫn dửng dưng trước nhu cầu của anh em. Hãy dám làm chứ đừng dám nói.

Sống Lời Chúa : Trong cuộc sống thường ngày, ta không mong có người gặp tai nạn để giúp đỡ, nhưng những lời hỏi thăm thân tình, những quan tâm tế nhị đúng lúc sẽ là những bông hoa của tình yêu nhân hậu như Thầy Giêsu dạy.

Cầu nguyện : Lạy Thầy Giêsu, giữa bộn bề của cuộc sống, con mải lo cho những bận tâm của mình nên dễ quên mất người anh em bên cạnh con đang cần được quan tâm chia sẻ. Xin cho con biết “nhín” một ít thời gian, một ít của cải, hay là chỉ là những quan tâm nho nhỏ để con học từ Thầy bài học : Hãy dám làm chứ đừng chỉ dám nói.

(Trích từ : www.5phutloichua.net)

II- NĂM ĐỨC TIN :

+ Chủ đề của tháng 7/2013 :

GIÁO HỘI, CỘNG ĐOÀN THỜ PHỤNG – BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH

Anh em là hàng tư tế, dân thánh, dân riêng của Chúa.” (1 Pl 2,9)


+ Học Giáo Lý :

(Trích từ : Bản Toát Yếu Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo. Bản Dịch của Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin thuộc HĐGMVN.) (tiếp theo…)

BÍ TÍCH THÁNH THỂ

271. Bí tích Thánh Thể là gì ?

Bí tích Thánh Thể là chính hy tế Mình và Máu của Chúa Giêsu, mà Người đã thiết lập để lưu tồn hy tế thập giá của Người qua bao thế kỷ cho đến khi Người lại đến. Như thế, Người ủy thác cho Hội thánh việc tưởng nhớ cái Chết và cuộc Phục sinh của Người. Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ hợp nhất, dây bác ái, bữa tiệc vượt qua, nơi chúng ta lãnh nhận Đức Kitô, linh hồn được tràn đầy ân sủng và được bảo đảm cho đời sống vĩnh cửu.   



272. Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh thể khi nào ?

Người đã thiết lập Bí tích Thánh Thể vào ngày Thứ Năm tuần thánh, “trong đêm bị trao nộp” (1 Cr 11, 23), khi Người ăn bữa tiệc cuối cùng với các Tông đồ của Người. 



273. Người đã thiết lập Bí tích Thánh Thể như thế nào ?

Sau khi qui tụ các Tông đồ trong nhà Tiệc ly, Chúa Giêsu cầm lấy bánh trong tay, bẻ ra và trao cho các ông mà nói : “Anh em hãy nhận lấy mà ăn : này là Mình Thầy bị nộp vì anh em”. Rồi Người cầm trong tay chén đầy ruợu và nói với họ : “Anh em hãy nhận lấy mà uống: này là chén Máu Thầy, Máu Giao ước mới và vĩnh cửu, đổ ra cho anh em và nhiều người được tha tội. Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. 



274. Bí tích Thánh Thể có ý nghĩa gì  trong đời sống của Hội thánh ?

Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của toàn bộ đời sống Kitô giáo. Thánh Thể là tột đỉnh hoạt động thánh hóa của Thiên Chúa đối với chúng ta và là tột đỉnh của hoạt động phượng tự chúng ta dâng lên Ngài. Bí tích Thánh Thể chứa đựng tất cả của cải thiêng liêng của Hội thánh, đó chính là Đức Kitô, Đấng là Chiên Vượt qua của chúng ta. Việc hiệp thông vào sự sống của Thiên Chúa và sự hợp nhất của dân Thiên Chúa được diễn tả và thực hiện nhờ Bí tích Thánh Thể. Qua việc cử hành Thánh lễ, chúng ta được kết hợp với Phụng vụ trên trời và tham dự trước vào đời sống vĩnh cửu. 



275. Bí tích này còn được gọi bằng những tên gọi nào ?

Nguồn phong phú vô tận của Bí tích này được diễn tả qua nhiều tên gọi khác nhau, gợi lên những khía cạnh đặc biệt. Những tên gọi thông dụng nhất là: Thánh Thể, Thánh lễ, Bữa tiệc của Chúa, lễ Bẻ Bánh, Cử hành Thánh Thể, Tưởng nhớ cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa, Hy lễ thánh, Phụng vụ thánh và Thần linh, Mầu nhiệm thánh, Bí tích thánh nơi bàn thờ, Hiệp lễ. 



276. Đâu là vị trí của Bí tích Thánh Thể trong Nhiệm cục cứu độ ?

Trong Giao ước cũ, Bí tích Thánh Thể đặc biệt được tượng trưng bằng bữa ăn Vượt qua, được Người Hi-pri cử hành hàng năm với bánh không men, để ghi nhớ ngày ra đi vội vã và giải phóng khỏi đất Ai Cập. Chúa Giêsu đã báo trước về Bí tích này trong giáo huấn của Người, và Người đã thiết lập Bí tích này khi cử hành bữa tiệc ly với các Tông đồ, trong khung cảnh bữa tiệc Vượt qua. Trung thành với lệnh truyền của Chúa : “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1 Cr 11, 24), Hội thánh luôn cử hành Bí tích Thánh Thể, nhất là vào ngày chúa nhật, ngày Phục sinh của Chúa Giêsu.  



277. Bí tích Thánh Thể được cử hành thế nào ?

Bí tích Thánh Thể được cử hành gồm hai phần chính, hợp thành một hành vi phụng tự duy nhất : Phụng vụ Lời Chúa gồm việc công bố và lắng nghe Lời Chúa, và Phụng vụ Thánh Thể gồm việc tiến dâng bánh rượu, kinh nguyện thánh thể (hay anaphore) và hiệp lễ. 



278. Ai là thừa tác viên của Bí tích Thánh Thể ?

Thừa tác viên Bí tích Thánh Thể là vị tư tế (Giám mục hay linh mục) đã được truyền chức thành sự; vị này cử hành trong cương vị (in Persona) Đức Kitô – Thủ lãnh và nhân danh Hội thánh.



279. Các chất liệu chính yếu và cần thiết của Bí tích Thánh Thể là gì ?

Các chất liệu đó là bánh mì và rượu nho. 



280. Tại sao nói Bí tích Thánh Thể là việc tưởng niệm hy tế của Đức Kitô ?

Bí tích Thánh Thể là việc tưởng niệm theo nghĩa làm cho hiện diện và hiện tại hoá hy tế thập giá mà Đức Kitô đã dâng lên Chúa Cha, một lần thay cho tất cả, vì nhân loại. Đặc tính hy tế của Bí tích Thánh Thể được biểu lộ trong chính những lời thiết lập : “Đây là Mình Thầy, bị nộp vì anh em” và “Chén này là Giao ước mới trong Máu Thầy, sẽ đổ ra vì anh em” (Lc 22,19-20). Hy tế thập giá và hy tế Thánh Thể là một hy tế duy nhất. Hiến vật và người dâng là một, chỉ khác biệt về cách tiến dâng : cách đổ máu trên thập giá, cách không đổ máu trong Bí tích Thánh Thể. 



281. Hội thánh tham dự vào hy tế Thánh Thể theo cách nào ?

Trong Bí tích Thánh Thể, hy tế của Đức Kitô cũng trở thành hy tế của các chi thể trong Thân Thể Người. Đời sống của các tín hữu, lời ca ngợi, hoạt động, cầu nguyện, lao động của họ được kết hợp với Đức Kitô. Vì là hy tế, Bí tích Thánh Thể cũng được dâng lên thay cho tất cả các tín hữu, người còn sống cũng như kẻ đã qua đời, như của lễ đền tội cho tất cả mọi người, để đón nhận được từ Thiên Chúa những ích lợi thiêng liêng và trần thế. Hơn nữa, Hội thánh trên trời cũng hiện diện trong lễ dâng của Đức Kitô. 



282. Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể như thế nào ?

Đức Giêsu Kitô hiện diện trong Bí tích Thánh Thể một cách độc nhất vô nhị và không thể so sánh được. Thật vậy, Người hiện diện cách đích thực, thực sự và theo bản thể : với Mình và Máu Người, với linh hồn và thần tính của Người. Trong Bí tích Thánh Thể, Đức Kitô trọn vẹn, vừa là Thiên Chúa vừa là con người, hiện diện theo cách Bí tích, nghĩa là dưới hình bánh và hình rượu. 



283. Biến đổi bản thể nghĩa là gì ?

Biến đổi bản thể nghĩa là sự biến đổi trọn vẹn bản thể bánh thành bản thể Mình Thánh Đức Kitô, và biến đổi trọn vẹn bản thể rượu thành bản thể Máu Thánh Người. Sự biến đổi này được thực hiện trong Kinh Nguyện Thánh Thể, nhờ tính hữu hiệu của lời Đức Kitô và tác động của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, những đặc tính khả giác bên ngoài của bánh và rượu, nghĩa là các “hình bánh rượu,” vẫn không thay đổi. 

284. Việc bẻ bánh có phân chia Đức Kitô không ?

Việc bẻ bánh không phân chia Đức Kitô. Người hiện diện trọn vẹn và toàn phần trong mỗi hình dạng Thánh Thể, và trong mỗi phần nhỏ của cả hai hình dạng đó. 



285. Sự hiện diện của Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể kéo dài bao lâu ?

Sự hiện diện của Đức Kitô kéo dài bao lâu hình bánh ruợu đã truyền phép còn tồn tại.  



286.  Phải tôn thờ Bí tích Thánh Thể cách nào ?

Đó là sự tôn thờ “latria”, nghĩa là sự tôn thờ chỉ dành riêng cho một mình Thiên Chúa, dù trong Thánh lễ, dù ngoài Thánh lễ. Hội thánh bảo quản bánh rượu đã truyền phép một cách cẩn thận tối đa; Hội thánh mang Thánh Thể cho các bệnh nhân, cho những người không có khả năng tham dự Thánh lễ. Hội thánh trưng Thánh Thể cho các tín hữu tôn thờ cách long trọng ; mang Thánh Thể đi rước kiệu và mời gọi mọi người thường xuyên kính viếng và thờ lạy Bí tích cực thánh này, được gìn giữ trong Nhà tạm. 



287.  Tại sao Bí tích Thánh Thể là tiệc Vượt qua ?

Bí tích Thánh Thể là tiệc Vượt qua vì khi làm cho cuộc Vượt qua của Người hiện diện một cách Bí tích, Đức Kitô ban cho chúng ta Mình và Máu Người làm của ăn thức uống. Người kết hợp chúng ta với Người và với nhau trong hy tế của Người. 



288.  Bàn thờ có ý nghĩa gì ?

Bàn thờ là biểu tượng của chính Đức Kitô, Đấng đang hiện diện như của lễ hiến tế (bàn thờ - hy tế thập giá) và như lương thực thần thiêng được ban tặng cho chúng ta (bàn thờ – bàn tiệc Thánh Thể). 

289. Hội thánh đòi buộc chúng ta phải tham dự Thánh lễ khi nào ?

Hội thánh đòi buộc các tín hữu phải tham dự Thánh lễ vào các ngày Chúa nhật và các lễ buộc. Hội thánh cũng khuyên chúng ta tham dự Thánh lễ vào các ngày khác nữa. 



290. Khi nào chúng ta phải rước lễ ?

Hội thánh khuyên các tín hữu, nếu có đủ điều kiện cần thiết, nên rước lễ mỗi khi tham dự Thánh lễ. Hội thánh buộc chúng ta rước lễ một năm ít là một lần trong mùa Phục sinh.



291. Phải có những điều kiện nào để rước lễ ?

Để rước lễ, chúng ta phải hoàn toàn thuộc về Hội thánh Công giáo và sống trong tình trạng ân sủng, nghĩa là phải ý thức mình không có tội trọng. Ai ý thức mình đã phạm một tội trọng, phải lãnh nhận Bí tích Thống hối trước khi rước lễ. Cũng cần phải có sự tịnh tâm và cầu nguyện, giữ sự chay tịnh do Hội thánh qui định và có những thái độ bên ngoài xứng đáng (cử chỉ, cách ăn mặc) biểu lộ lòng tôn kính đối với Đức Kitô. 



292. Việc rước lễ đem lại những hiệu quả gì ?

Việc rước lễ làm tăng triển sự hiệp thông của chúng ta với Đức Kitô và với Hội thánh Người, bảo toàn và canh tân đời sống ân sủng đã nhận được khi lãnh Bí tích Rửa tội và Bí tích Thêm sức, giúp tăng triển tình yêu đối với tha nhân. Việc rước lễ làm chúng ta nên mạnh mẽ trong đức ái, xoá bỏ các tội nhẹ và gìn giữ chúng ta, trong tương lai, khỏi các tội trọng. 



293. Khi nào có thể trao ban Bí tích Thánh Thể cho các người Kitô hữu không công giáo?

Các thừa tác viên công giáo chỉ được phép trao ban Bí tích Thánh Thể cho những người thuộc các Giáo hội Đông Phương, dù không hiệp thông trọn vẹn với Hội thánh Công giáo, nếu như chính họ tự ý xin và có đủ các điều kiện cần thiết. Còn đối với những người thuộc các cộng đoàn giáo hội khác, các thừa tác viên công giáo được phép trao ban Bí tích Thánh Thể cho họ, khi có lý do quan trọng, và do chính họ tự ý xin và có đủ các diều kiện cần thiết, và họ cũng phải biểu lộ đức tin công giáo đối với Bí tích Thánh Thể.  



294. Tại sao Thánh Thể là “bảo chứng cho vinh quang mai sau” ?

Vì Bí tích Thánh Thể đổ tràn trong chúng ta tất cả mọi ân sủng và sự chúc lành của trời cao, nên Bí tích này củng cố chúng ta nên mạnh mẽ trên đường lữ hành trần gian, và làm cho chúng ta thêm lòng khao khát đời sống vĩnh cửu, khi đã liên kết chúng ta với Đức Kitô, Đấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa Cha, với Hội thánh thiên quốc, với Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc và với tất cả các thánh. 



Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta bẻ cùng một tấm bánh là phương dược trường sinh bất tử và của ăn đem lại sự sống muôn đời trong Đức Kitô” (Thánh Ignatio Antiokia).

III- PHỤNG VỤ :

Tháng 7/2013

- Ý Chỉ Chung : Cầu cho ngày Quốc tế Giới trẻ tại Brasil : Xin cho ngày Quốc tế Giới trẻ diễn ra tại Brasil khuyến khích mọi người trẻ Kitô hữu trở nên môn đệ và người rao giảng Tin Mừng.

- Ý Chỉ Truyền Giáo : Cầu cho các sứ giả Tin Mừng tại Á Châu : Xin cho các cửa đều mở ra cho các sứ giả Tin Mừng trên toàn thể lục địa Á Châu.

- Lịch Công Giáo trong tuần :

GIÁO HUẤN SỐ 33

HẬU QUẢ CỦA TỘI AĐAM TRÊN NHÂN LOẠI (tiếp theo)

Tội tổ tông, mặc dầu truyền đến mỗi người (x. Công đồng Triđentinô), nhưng không hề mang tính cách một tội của bản thân nơi bất kỳ ai trong con cháu ông Ađam. Không còn sự thánh thiện và sự công chính nguyên thủy, nhưng bản tính nhân loại không hoàn toàn bị hủy hoại : bản tính nhân loại bị thương tật trong các sức lực tự nhiên riêng của mình, u mê dốt nát, phải chịu đau khổ, bị sự chết thống trị và hướng chiều về tội lỗi (sự hướng chiều về điều xấu được gọi là dục vọng). Bí tích Thánh Tẩy, khi ban cho con người đời sống ân sủng của Chúa Kitô, xóa bỏ tội tổ tông và đưa con người trở về cùng Thiên Chúa, nhưng những hậu quả của tội tổ tông trên bản tính, đã bị suy yếu và hướng chiều về điều xấu, vẫn tồn tại nơi con người và kêu gọi con người vào cuộc chiến đấu thiêng liêng.



(Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 405)

DƯƠNG LỊCH

ÂM LỊCH

ÁO LỄ

CÁC BÀI ĐỌC

Chúa Nhật

14/7/2013



07

Xanh

CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN NĂM C. Thánh vịnh tuần III. Đnl 30,10-14 ; Cl 1,15-20 ; Lc 10,25-37. (Không cử hành Lễ Thánh Camillô Lelllis, Linh mục).

Thứ hai

15/7/2013



08

Trắng

Lễ Nhớ Thánh Bônaventura, Giám Mục, Tiến Sĩ Hội Thánh. Xh 1,8-14.22; Mt 10,34 – 11,1.

Thứ ba

16/7/2013



09

Xanh

Đức Mẹ núi Carmêlô. Xh 2,1-15a ; Mt 11,20-24 (hay Lễ về Đức Mẹ : Dcr 2,14-17 ; Mt 12,46-50).

Thứ tư

17/7/2013



10

Xanh

Xh 3,1-6.9-12 ; Mt 11,25-27

Thứ năm

18/7/2013



11

Xanh

Xh 3,13-20 ; Mt 11,28-30

Thứ sáu

19/7/2013



12

Xanh

Xh 11,10 – 12,14 ; Mt 12,1-8

Thứ bảy

20/7/2013



13

Xanh

Thánh Apôllinarê, Giám Mục, Tử Đạo. Xh 12,37-42 ; Mt 12,14-21.

- Thứ hai 15/7/2013 : Lễ Nhớ Thánh Bônaventura (1221-1274), Giám Mục, Tiến Sĩ Hội Thánh :

Thánh Bonaventura sinh tại Bagnorea miền Toscane năm 1221. Ngài trải qua thời niên thiếu tại dòng thánh Phanxicô Khó Khăn thành Assise (1243). Dưới sự hướng dẫn của Alexandre de Hales, ngài theo học văn chương và cũng thâu lượm nhiều kiến thức khoa học. Bảy năm sau, ngài cho xuất bản cuốn sách nổi tiếng "Commentaire sur les 4 livres des sentences" và nhiều sách có giá trị khác.

Ngài có lòng dịu hiền tột bậc, lòng khiêm nhường sâu xa và lòng mộ mến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Năm 35 tuổi, ngài được bầu làm Bề Trên của dòng Phanxicô (1257). Với trọng trách nặng nề này, ngài được mọi người biết đến, không những vì học thuyết và sự thánh thiện nhưng còn vì sự thông minh và khôn khéo của ngài nữa. Chính vì vậy, năm 1273, Ðức Giáo Hoàng Grêgoriô X đặt ngài làm Hồng Y coi địa phận Albanô. Ngài đã viết nhiều tác phẩm thần học rất có giá trị và sau cùng ngài chết tại Lyon (1274), hưởng thọ 53 tuổi.

Ðức Giáo Hoàng Sixtô IV nâng ngài lên bậc Hiển Thánh năm 1482 và Ðức Giáo Hoàng Sixtô V đặt ngài làm Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1588, vì ngài là cột trụ chống đỡ Giáo Hội, lưu tâm đến vấn đề hiệp nhất Hy Lạp và La Mã, đồng thời duy trì và củng cố dòng Phanxicô được lớn mạnh, vững vàng.



- Thứ hai 15/7/2013 : Kính Thánh Tử Đạo Việt Nam : Thánh Phêrô Nguyễn Bá Tuần, Linh Mục (1766-1838) :

Thánh Phêrô Nguyễn Bá Tuần sinh năm 1766, đời Lê Hiến Tông, tại Ngọc Ðồng, tỉnh Hưng Yên, nay thuộc địa phận Thái Bình. Từ nhỏ, ngài đã dâng mình cho Chúa, và được gửi về Chủng Viện học tập. Ðến sau, vua Cảnh Thịnh (Tây Sơn) cấm đạo gắt gao, nhà trường giải tán, và mãi tới triều vua Gia Long, ngài mới trở lại tiếp tục tu luyện. Năm 1807, ngài thụ phong linh mục.

Năm 1838, thời vua Minh Mạng cấm đạo, ngài từ xứ Lác Môn đến họ Quần Liêu trấn an giáo hữu về việc cố chính Fernandez Hiền trú ẩn tại đây, và ngài cũng ở lại săn sóc giúp đỡ. Thấy tình thế bất an, hai ngài lại trốn sang Kim Sơn. Sau đó, ngày 18/6/1838, các ngài bị một người ham lợi lộc dùng mưu bắt nộp cho các quan. Cả hai bị điệu lên Ninh Bình, rồi bốn ngày sau lại bị điệu tới Nam Ðịnh.

Mặc dầu luật nhà nước không cho phép tra tấn và xử tử người già 60 tuổi trở lên, cha Phêrô Tuần với 72 tuổi thọ, vẫn phải chịu nhiều cực hình và bị kết án tử hình. Vua Minh Mạng châu phê, nhưng trước khi bản án về tới Nam Ðịnh, ngài đã chết rũ tù vào ngày 15/7/1838.

Ðức Thánh Cha Lêô XIII đã tôn phong ngài lên bậc Chân Phước vào ngày 27/5/1900.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.



- Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông (Năm Thông) (+ 1855) :

Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông, quen gọi là Năm Thông, sinh vào cuối thời Tây Sơn, khoảng năm 1790, tại Gò Thị (Bình Ðịnh). Ðời sống đạo hạnh, rất kính mến Ðức Mẹ, và có học thức, nên ngài được bầu làm trùm họ, sau lại được cử làm trùm cả Bình Ðịnh. Ngài là một phụ tá đắc lực cho hàng giáo sĩ trong việc truyền bá Phúc Âm.

Dưới cơn bách đạo của vua Tự Ðức, vì sự tố giác của một đứa cháu nội hoang đàng, ngài bị bắt và bị tống giam. Các quan đã hết lời dụ dỗ ngài quá khóa, nhưng thất bại trước đức tin sắt đá, nên sau ba tháng giam giữ, ngài bị phát lưu vào Mỹ Tho.

Vì đường xá xa xôi, lại thêm tuổi già sức yếu và bị mang gông xiềng nặng nề, ngài từ trần khi vừa tới Mỹ Tho ngày 15/7/1855, thọ 65 tuổi.

Ðức Thánh Cha Piô X đã tôn phong ngài lên bậc Chân Phước ngày 02/5/1909.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.



- Thứ ba 16/7/2013 : Lễ Nhớ (không buộc) Đức Mẹ núi Carmêlô :

Thánh Kinh đã ca tụng vẻ đẹp của Carmêlô như là một ngọn núi thánh. Vào thế kỷ IX trước Chúa Kitô, tiên tri Elia đã lên núi đó để giữ lòng trung thành với Thiên Chúa. Ngọn lửa nhiệt thành ấy vẫn cháy sáng qua muôn thế hệ. Dưới thời thập tự quân, những hang động Carmêlô đã tiếp đón các vị ẩn tu, nhưng từ thế kỷ XIII, tất cả đã liên kết thành một nhà dòng và Ðức Thượng Phụ Albert thành Giêrusalem đã ban hành những quy luật được Ðức Thánh Cha Honorius III (1226) chuẩn y. Núi Carmêlô đứng sừng sững trên đồng bằng Galilêa, gần Nazareth, nơi Ðức Mẹ đã sống và lưu giữ trong lòng những kỷ niệm về Chúa Giêsu. Bởi đó dòng Carmêlô đã được đặt dưới quyền điều khiển của Ðức Mẹ.

Ngày 16/7/1251, Ðức Mẹ đã hiện ra với thánh Simon Cột, bấy giờ đang giữ chức Bề Trên của dòng, và người hứa sẽ bảo trợ đặc biệt không những các thầy trong dòng mà còn tất cả những người mang áo của dòng này (mà chúng ta quen gọi là áo Ðức Bà núi Carmêlô). Người phán: "Hỡi các con, hãy nhận lấy áo của dòng, đó là dấu hiệu của đặc ân mà Ta dành cho các con. Người nào chết khi mang áo này sẽ tránh được ngọn lửa thiêu đốt đời đời".

Năm 1726, Ðức Giáo Hoàng Benoit XIII đã phổ biến lễ này trong toàn Giáo Hội để kính nhớ lần hiện ra đó của Ðức Mẹ và lời hứa can thiệp đặc biệt của Người cho những ai mang áo ấy.



- Thứ năm 18/7/2013 : Thánh Tử Đạo Việt Nam : (+ 1839)

+ Thánh Augustinô Phan Viết Huy, Binh Sĩ; 

+ Nicôlao Bùi Ðức Thể, Binh Sĩ; 

+ Và Ða Minh Ðạt, Binh Sĩ 

Ba thánh Augustinô Phan Viết Huy, người làng Hạ Ninh, Nocôlao Bùi Ðức Thể quê tại Kiên Trung và Ða Minh Ðạt sinh quán Phú Nhai đều là binh sĩ thuộc phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Ðịnh. Ðời sống của ba đấng thật bình thường, nhưng nhờ ơn Chúa, các ngài đã được phúc tử đạo.

Ðầu năm 1838, quan tổng đốc Nam Ðịnh Trịnh Quang Khanh mở tiệc khoản đãi khoảng 500 binh sĩ Công Giáo trong các cơ đội thuộc quyền, với ý đồ xúi giục bỏ đạo. Vì sợ bị kìm kẹp, gông xiềng tù ngục và tra tấn, hầu hết đã quá khóa, cuối cùng chỉ còn có ba người là quyết giữ vững đức tin nơi Thiên Chúa. Liền đó, các ngài phải mang gông xiềng nặng nề, chịu đánh đập, phơi nắng mưa và chịu sỉ nhục nhiều tháng. Có lần bị lính ào tới lôi các ngài qua Thánh Giá, thánh Augustinô Huy đã phân phô : "Các ông cưỡng bách được thân xác tôi, khiến chân tôi chạm Thánh Giá, nhưng các ông tưởng cũng lay chuyển được ý chí của tôi sao? Bao lâu ý tôi không đồng tình thì việc các ông bắt ép tôi không có hiệu quả gì hết". Ðến tháng 20/1838, trước đức tin sắt đá của các ngài, các quan đã phải lên án tử hình và gửi vào kinh xin châu phê, nhưng vua Minh Mạng không nghe, bắt tìm mọi cách để buộc các ngài bỏ đạo.

Tổng đốc Trịnh Quang Khanh liền ra lệnh đem cha, mẹ, vợ, con, họ hàng và chức sắc các làng thuộc quê quán các ngài tới công đường, rồi dọa sẽ ra cực hình nếu nếu họ không dụ được các vị này bỏ đạo. Dù đây là một đòn tâm lý ác độc, nhưng các ngài luôn khích lệ nhau trung thành với Chúa cho đến chết. Âm mưu sau cùng là tách mỗi vị một nơi để cho mọi người dễ dàng xúi giục bỏ đạo.

Một tháng sau, ngài lại phải ra trước công đường, nhưng không hề bị lay chuyển. Quan tòa liền truyền đánh đòn một kỳ hào thuộc làng của Chân Phước Nicôlao Thể. Do đó vì tình ruột thịt làng nước và để tránh cho mọi người khỏi bị tàn sát, ba đấng đều phải lần lượt quá khóa. Quan tổng đốc liền trả tự do và ban cho mỗi vị 10 quan tiền.

Nhưng sau khi được trả tự do, bị lương tâm cắn rứt còn khổ hơn những hình phạt thân xác phải chịu, nên các ngài đã ăn năn thống hối, đi xưng tội và trở lại Nam Ðịnh tìm gặp quan tổng đốc. Các ngài ném trả tiền cho quan thượng, cùng tuyên xưng đức tin Công Giáo và sẵn sàng chết vì Chúa. Tổng đốc Trịnh Quang Khanh giận dữ nhưng vẫn cố tình làm ngơ đuổi các ngài về và trao cho hương chức coi chừng.

Các ngài bàn với nhau phải vào tận kinh đô xưng đức tin để chuộc lại tội cũ và cất đi gương xấu đã làm. Tháng 5/1839, hai thánh Augustinô Huy và Nicôlao Thể vào tới kinh đô, còn thánh Ða Minh Ðạt vì mắc công vụ phải ở nhà nhưng luôn đồng một lòng với hai bạn.

Ðã hai lần dâng sớ biện minh đức tin không được chấp nhận, hai thánh Augustinô Huy và Nicôlao Thể lợi dụng dịp vua Minh Mạng ngự giá ngoài thành hóng mát và quan sát dân tình, để bày tỏ nỗi lòng, vua truyền thu tờ sớ ký tên ba đấng, và khi biết nội dung, ngài liền nổi giận ra lệnh tống giam hai đấng tại kinh. Trong tù, dù chịu tra tấn đòn vọt, được khuyên dụ ngon ngọt với bả vinh hoa, hai đấng vẫn một lòng kiên trung giữ đạo thánh. Cuối cùng vua Minh mạng phải ra án tử cho hai ngài và truyền bỏ xác xuống biển. Ngày 12/6/1839, thánh Augustinô Huy và ngày hôm sau thánh Nicôlao Thể, cả hai cùng chịu lăng trì, xác bị quăng xuống biển tại cửa Húc Tuần (Thừa Thiên).

Thánh Ða Minh Ðạt rất vui mừng khi được tin hai bạn đã can đảm đổ máu vì Chúa và mình cũng sẽ được chung số phận. Ngài bị bắt giải về Nam Ðịnh và chịu xử giảo ngày 18/7/1839.

Ðức Thánh Cha Lêô XIII đã phong các ngài lên hàng Chân Phước tử đạo ngày 27/5/1900.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.

- Thứ bảy 20/7/2013 : Thánh Tử Đạo Việt Nam : Thánh Giuse An (Diaz Sanjurjo) Giám Mục (+ 1857) :

Ðức Cha Giuse An (Diaz Sanjurjo) là vị tử đạo đầu tiên của địa phận Trung (Trung Bộ Bắc Kỳ), nay là địa phận Bùi Chu.

Ngài sinh năm 1818, gần Lugo, Tây Ban Nha. Sau khi mãn Tiểu Chủng Viện và tốt nghiệp ở đại học Compostello, ngài nhập dòng Anh Em Thuyết Giáo với ước vọng trở thành một nhà truyền giáo. Giuse An mặc áo dòng tại Ocana ngày 23/9/1842 và thụ phong linh mục ngày 23/3/1844. Ngài cùng với năm tu sĩ khác vâng lệnh Bề Trên, vượt biển tới Phi Luật Tân. Tại thủ đô Manila, ngài giữ chức vụ giáo sư văn chương ở đại học mãi tới đầu năm 1845. Sau đó, ngài nhận lệnh qua Việt Nam, và đến Bắc Kỳ vào ngày lễ Phục Sinh năm 1845.

Ngài được giao nhiệm vụ giám đốc Chủng Viện ở Lục Thủy, và năm 1849 được chỉ định làm trợ tá cho Ðức Cha Marti, Giám Mục địa phận Trung. Ba năm sau (1852), ngài lên kế vị Ðức Cha Marti, và đặt tòa Giám Mục tại Bùi Chu. Trong khoảng thời gian này, vì thiên tai, đói khổ và dịch tễ, vua Tự Ðức phải ngưng việc cấm đạo ở miền Bắc. Ðến tháng 9/1855, sóng gió lại nổi lên và cuộc bách đạo ngày càng thêm dữ dội. Vào năm 1857, vì muốn được nhà vua thưởng công, một vị quan, mới được bổ nhiệm về Bùi Chu, đã cho quân lính bao vây bắt Ðức Giám Mục, tước đoạt Thánh Giá cùng nhẫn đeo của ngài, rồi tống ngục. Ðức Cha Giuse An bị xử trảm ngày 20/7/1857.

Ngày 29/4/1951, Ðức Thánh Cha Piô XII đã tôn ngài lên bậc Chân Phước cùng với 24 bạn tử đạo cũng thuộc địa phận Trung.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.



IV- THÔNG TIN GIÁO HỘI KHẮP NƠI :

(Trích từ : www.hdgmvietnam.org)

- Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI tham dự lễ làm phép tượng Thánh Micae tại Vườn Vatican :

Hòa cùng niềm vui của các công nhân làm việc tại Thành quốc Vatican, sáng thứ Sáu 05/7/2013, Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI đã đến tham dự buổi lễ làm phép bức tượng Tổng lãnh thiên thần Micae tại khu Vườn Vatican do Đức giáo hoàng Phanxicô chủ sự. Trong dịp này Thành Vatican cũng được dâng hiến cho Thánh Micae.

Sau buổi lễ ngắn gọn, Đức giáo hoàng Phanxicô đã ban huấn từ cho những người tham dự.

“Trong Vườn Vatican có nhiều công trình nghệ thuật. Nhưng bây giờ lại có thêm bức tượng Thánh Micae. Tượng này đặc biệt quan trọng, về vị trí cũng như về ý nghĩa. Thực tế, đây không chỉ là dịp vui mừng nhưng còn là lời mời gọi suy tư và cầu nguyện, rất phù hợp trong Năm Đức Tin này. Micae - có nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa?” - là người bênh vực phẩm tính tối cao, siêu việt và quyền năng của Thiên Chúa. Micae chiến đấu để khôi phục nền công bình của Thiên Chúa và bảo vệ dân Chúa khỏi tay mọi kẻ thù, nhất là ma quỷ. Và Thánh Micae đã chiến thắng bởi vì có Thiên Chúa hành động trong ngài. Tác phẩm điêu khắc này nhắc nhở chúng ta rằng sự dữ đã bị khuất phục, kẻ tố cáo đã bị lột mặt nạ, đầu bị nghiền nát, bởi vì ơn cứu độ đã được thực hiện một lần và mãi mãi trong Máu thánh Chúa Kitô. Dù cho ma quỷ có ra sức làm xấu đi khuôn mặt của Tổng lãnh thiên thần và bộ mặt của nhân loại, Thiên Chúa vẫn mạnh hơn, chiến thắng của Ngài và sự cứu rỗi của Ngài được ban cho mọi người. Chúng ta không lẻ loi trong cuộc hành trình hay trong những thử thách của cuộc sống; có các Thiên thần của Thiên Chúa đồng hành và nâng đỡ chúng ta. Có thể nói các Thiên thần cho chúng ta đôi cánh của các ngài để giúp chúng ta vượt qua nhiều nỗi hiểm nguy, để bay thoát lên cao khỏi những thực tại luôn đè nặng cuộc sống chúng ta hoặc kéo ghì chúng ta xuống. Khi dâng hiến Thành quốc Vatican cho Thánh Tổng lãnh thiên thần Micae, chúng ta xin ngài xua đuổi ác thần và bảo vệ chúng ta khỏi sự dữ”.

“Chúng ta cũng dâng hiến Thành quốc Vatican trong tay Thánh Giuse, Đấng gìn giữ Chúa Giêsu và Thánh Gia. Xin cho sự hiện diện của Ngài làm cho chúng ta thêm mạnh mẽ và can đảm dành chỗ cho Thiên Chúa trong cuộc sống của mình để luôn lấy điều lành đánh bại sự dữ. Chúng ta xin Ngài bảo vệ, chăm sóc chúng ta, để đời sống ân sủng được lớn lên trong từng người chúng ta mỗi ngày một hơn”.



- Ánh Sáng Đức Tin chiếu soi muôn dân :

Sưu tập những đoạn trích từ Thông điệp mới “Lumen fidei” (Ánh sáng đức tin) của Đức giáo hoàng Phanxicô

Chúng tôi không thể tóm lược, hay tổng hợp hoặc giản lược tư tưởng sâu sắc của Thông điệp đầu tiên này của Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong bản thảo, có dấu ấn đậm nét của Đức Ratzinger, những suy tư thần học, linh đạo và Thánh kinh xuất hiện đồng thời với tinh thần của đức cậy trông và xót thương vốn là đặc trưng của những bước đầu của triều Giáo hoàng Bergoglio.

Sau đây là một số đoạn có ý nghĩa do chúng tôi chọn trích ra, chúng khơi dẫn ta đến tìm đọc toàn bộ bản văn của Thông điệp. Tựa đề Ánh sáng đức tin muốn nói truyền thống của Hội thánh cho thấy hồng ân lớn lao do Chúa Giêsu mang đến, được trình bày trong Tin mừng thánh Gioan : “Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi thì không ở lại trong bóng tối” (Ga 12, 46). Cả thánh Phaolô cũng diễn tả tương tự như sau: “Xưa Thiên Chúa đã phán: ‘Ánh sáng hãy bừng lên từ nơi tối tăm’, Ngài cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi” (2Cr 4, 6).

Năm Đức Tin và Công đồng Vatican II

Năm Đức Tin đã bắt đầu nhằm để kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vatican II. Sự kiện này cho chúng ta thấy Công đồng Vatican II vốn là một Công đồng về đức tin (6), vì đã mời gọi ta đặt Thiên Chúa tối cao trong Đức Kitô Giêsu ở vị trí trung tâm điểm của đời sống của Hội thánh cũng như cá nhân.

Phải chăng là một ánh sáng ảo ? Thử lặp lại lời tra vấn của triết gia trẻ Nietzsche khi phê bình Kitô giáo

“Tuy nhiên, khi nói đến ánh sáng đức tin, chúng ta có thể nghe thấy nhiều tiếng phản bác của thời đại chúng ta ngày nay. Thời hiện đại cho rằng ánh sáng đó có thể đủ cho xã hội thời cổ đại, nhưng không còn có ích gì trong thời đại mới hôm nay cho con người vốn đã trưởng thành, kiêu hãnh nhờ lý trí của mình, khát khao thám hiểm tương lai một cách mới mẻ. Theo nghĩa đó, xem ra đức tin như là một thứ ánh sáng ảo ngăn cản con người vun đắp cho tri thức can trường”.

“Trong tiến trình này, đức tin sau cùng rồi cũng bị gán ghép với bóng tối. Người ta cũng đã nghĩ có thể gìn giữ đức tin và tìm ra cho đức tin một không gian để chung sống với ánh sáng của lý trí. Không gian cho đức tin mở ra ở nơi nào lý trí không thể chiếu tỏ được, nơi nào con người không còn có thể nắm bắt được sự xác thực”.

Thế nhưng, “thực ra ánh sáng đức tin có một đặc tính khác thường, vì có thể soi sáng toàn thể hiện hữu của nhân sinh. Bởi có một năng lực như thế, nguồn cội của ánh sáng đức tin không thể phát xuất từ chính chúng ta, mà phải đến từ một Nguồn nguyên thủy nhất, xét cho cùng, là đến từ chính Thiên Chúa. Đức tin nảy sinh trong cuộc gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống, Đấng kêu gọi chúng ta và mạc khải Tình yêu của Ngài cho chúng ta, một tình yêu đi bước trước chúng ta và làm nền tảng cho ta đứng vững và xây dựng cuộc sống mình”.



Đức tin của Israel

“Ánh sáng của Thiên Chúa chiếu tỏa trên dân Israel nhờ tưởng niệm những công trình của Đức Chúa, được ghi nhớ và tuyên xưng trong phụng tự, được thông truyền từ cha mẹ cho con cái. Chúng ta học biết rằng ánh sáng do đức tin mang lại được nối kết với việc tường thuật lại cuộc sống cụ thể, với ký ức đầy tâm tình tạ ơn về những phúc lành Chúa ban và những gì Ngài đã thực hiện dần dà những lời đã hứa”.



Đức tin viên mãn

“Đó là vì các tác giả Phúc âm đã đặt giờ Chúa chịu treo trên Thánh Giá như là chóp đỉnh của cái nhìn đức tin, vì trong giờ ấy chiếu tỏa rực rỡ chiều cao và chiều rộng của Tình yêu Thiên Chúa. Thánh Gioan đưa ra lời chứng long trọng của ngài khi ngài cùng với Đức Mẹ, Mẹ của Đức Giêsu chiêm ngắm Đấng Bị Đâm Thâu (x. Ga 19, 37): “Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin” (Ga 19, 35). F.M. Dostoevskij trong tác phẩm Idiot phát biểu nhờ miệng của nhân vật chính, hoàng thân Myskin, khi chàng nhìn bức họa Đức Kitô chết được chôn trong Mồ, danh tác của họa sĩ Hans Holbein Trẻ (k. 1497-1543): “Bức tranh này có thể làm ai đó mất đức tin” (14). Người họa sĩ quả thực đã phác những hình nét rất thô thiển, vẽ thân xác Đức Kitô đã chết với những dấu tích hủy diệt kinh khủng. Thế nhưng, chính khi chiêm ngắm Đức Giêsu chịu chết mà đức tin của ta được củng cố và có được một ánh sáng chói lọi, chính khi nó mạc khải cho ta như một niềm tin vào Tình yêu không lay chuyển của Người dành cho chúng ta, một tình yêu có thể đi vào cái chết để cứu độ chúng ta. Tình yêu này, vốn không tự miễn chước sự chết để bộc lộ Người yêu thương ta dường nào, là một tình yêu có thể tin được. Tình yêu ấy bộc lộ ra trong toàn thể thắng vượt mọi nghi ngờ và cho phép ta đặt hoàn toàn tin cậy vào Đức Kitô.



Được cứu độ nhờ đức tin

“Khởi đầu của ơn cứu độ là cửa ngỏ mở ra với một cái gì đó hiện hữu tiên thiên, với một hồng ân nguyên thủy xác định sự sống và duy trì hiện hữu. Chỉ khi nhìn nhận và mở ra với nguồn cội nguyên thủy này thì con người mới có thể được biến đổi, và đồng thời để cho ơn cứu độ hoạt động trong ta và làm cho cuộc sống của ta nên phong nhiêu, sinh nhiều hoa quả tốt lành”. ... “Lôgich mới của niềm tin tập chú vào Đức Kitô”.



Chiều kích Giáo hội học của đức tin

Giáo hội – theo cách nói của Romano Guardini – vốn “là hiện thể lịch sử của cái nhìn viên mãn của Đức Kitô về thế giới”, nếu đức tin mà mất đi cái “thước đo” hay chiều kích Giáo hội của nó, thì sẽ không còn thế thăng bằng nữa, không còn không gian thiết yếu để tồn tại. Đức tin có một mô thức Giáo hội thiết yếu, được tuyên xưng từ bên trong Nhiệm thể Đức Kitô, xét như là sự hiệp thông cụ thể của các tín hữu.



Tình yêu thì vượt xa hơn nhiều một cảm tình

 “Quả thật, tình yêu không thể được giản lược chỉ như là một thứ cảm tình đến rồi đi. Vâng, tình yêu chạm đến tình cảm của ta, nhưng lại mở nó ra trước một ngôi vị yêu dấu và bắt đầu từ đó một hành trình thoát ra khỏi bản ngã vị kỷ khép kín để bước tới với tha nhân của ta, kiến tạo một tương quan lâu bền. Tình yêu thì hướng tới kết hiệp với người mình yêu”.



Sự thật và tình yêu

“Nếu như tình yêu cần đến sự thật, thì sự thật cũng cần đến tình yêu. Tình yêu và sự thật không thể tách biệt nhau. Không có tình yêu, sự thật trở thành lạnh lùng, phi ngã vị, áp bức trên đời sống cụ thể của con người. Sự thật mà chúng ta tìm kiếm, sự thật đem lại ý nghĩa cho những bước đường ta đi, sự thật ấy sẽ soi chiếu chúng ta khi ta được tình yêu chạm đến. Ai yêu thương sẽ hiểu rằng tình yêu là kinh nghiệm sự thật, rằng chính tình yêu mở mắt chúng ta ra để nhìn thấy toàn thể thực tại một cách mới mẻ, trong khi kết hiệp với người mình yêu”.



Đối thoại giữa đức tin và lí trí

“Đức Chân phước Gioan Phaolô II, trong thông điệp Fides et Ratio, đã cho thấy đức tin và lí trí củng cố cho nhau như thế nào (27). Khi ta có ánh sáng viên mãn của tình yêu của Đức Giêsu, chúng ta khám phá ra rằng trong mỗi tình yêu của ta đã có mặt một tia của ánh sáng ấy rồi và chúng ta hiểu đâu là cùng đích của nó”.



Đức tin và sự tìm kiếm Thiên Chúa

“Ánh sáng của đức tin vào Chúa Giêsu cũng soi sáng hành trình của tất cả những ai tìm kiếm Thiên Chúa, và góp phần mình cho Kitô giáo trong cuộc đối thoại với các tín đồ của các tôn giáo khác”.



Đức tin và thần học

“Vì đức tin hình thành như một con đường, nó cũng liên hệ đến đời sống của những con người, dẫu không tin, vẫn khát khao được tin và không ngừng tìm kiếm. Chừng nào người ta còn chân thành mở lòng ra với tình yêu và tiến bước trên đường với ánh sáng mà họ có thể bắt gặp được, thì người ta đã sống, dẫu không biết, cuộc lữ hành tìm đến với đức tin”.



Giáo hội, Mẹ của đức tin của chúng ta

“Sự thông truyền đức tin, vốn chiếu sáng trên tất cả mọi người ở mọi nơi, cũng đi ngang qua trục thời gian, từ thế hệ này đến thế hệ kia. Vì đức tin sinh ra từ một cuộc gặp gỡ xảy ra trong lịch sử và chiếu soi cuộc lữ hành của chúng ta trong thời gian, nó phải được thông chuyển dọc theo các thời đại. Chính qua một chuỗi liên tục các chứng tá mà dung mạo của Đức Giêsu đến được với chúng ta”.

“Người ta không thể tin tự mình. Đức tin không chỉ là một chọn lựa cá nhân xảy ra trong nội tâm người tín hữu, mà không có liên hệ gì giữa “cái tôi” của người tín hữu và “Ngài”, giữa một chủ thể độc lập và Thiên Chúa.”

Đức tin là một tương quan

Nếu con người là một cá thể đơn độc, nếu chúng ta muốn chỉ khởi đi từ “cái tôi” cá biệt, vốn muốn tìm được nơi bản thân mình sự an ninh do tri thức mang lại, thì không thể có được sự chắc chắn này. Tôi không thể tự mình thấy được những gì đã xảy ra trong một thời đại cách xa tôi như thế. Tuy nhiên đây không phải là cách thức duy nhất con người nhận biết. Người ta luôn sống trong tương quan.



Các bí tích

“Khi cử hành các bí tích, Hội thánh chuyển thông ký ức của mình và nhất là tuyên xưng đức tin. Khi tuyên xưng đức tin điều quan trọng không phải chỉ là nói lên sự công nhận một tập hợp các chân lý trừu tượng. Mà ngược lại, khi tuyên xưng đức tin toàn thể đời sống của ta dấn thân trên hành trình hướng tới sự hiệp thông viên mãn với Thiên Chúa hằng sống”.



Đức tin và cầu nguyện

Có hai yếu tố cốt yếu trong khi chuyển thông cách trung thành ký ức của Hội thánh. Thứ nhất là kinh nguyện của Chúa, Kinh Lạy Cha. Và điều thứ hai cũng quan trọng không kém, đó là sự gắn liền giữa đức tin và Mười Điều Răn.



Đức tin và đau khổ

“Người Kitô hữu biết rằng đau khổ không thể bị tiêu hủy được, nhưng nó có thể có một ý nghĩa, có thể trở thành một hành động của tình yêu, phó thác vào bàn tay Thiên Chúa, Đấng không hề bỏ rơi chúng ta, và như thế, đó là một bước tăng trưởng của đức tin và tình yêu”.



Đức Maria và đức tin

“Chúng ta có thể nói rằng những gì tôi đã nhấn mạnh trên đây đều ứng nghiệm nơi Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc, tức là người tin thì hoàn toàn dấn thân sống đức tin mình tuyên xưng. Đức Maria nhờ kết hợp với Chúa Giêsu, sống sát với những gì mà chúng ta tin”.



- Đức giáo hoàng ban ân xá cho các tín hữu tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới :

Theo một sắc lệnh vừa công bố ngày hôm nay 09/7/2013 với chữ ký của Đức hồng y Manuel Monteiro de Castro - Chánh án Tòa ân giải tối cao và Đức giám mục Krzysztof Nykiel - chánh lục sự, Đức giáo hoàng Phanxicô sẽ ban ân xá cho các tín hữu tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 28, tổ chức tại Rio de Janeiro, Brazil từ ngày 22 đến 29/7 với chủ đề “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”.

Các bạn trẻ và các tín hữu chuẩn bị một cách xứng hợp sẽ được lĩnh ơn toàn xá, mỗi ngày một lần và theo các điều kiện thông thường (xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức giáo hoàng); cũng có thể chỉ cho các linh hồn các tín hữu đã qua đời.

Các tín hữu bị ngăn trở chính đáng không thể tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới cũng có thể được hưởng ơn toàn xá theo các điều kiện thiêng liêng thường lệ, lãnh nhận bí tích và cầu nguyện, với lòng tuân phục con thảo đối với Đức giáo hoàng, bằng cách tham dự các cử hành thánh vào những ngày được chỉ định khi theo dõi trực tiếp những cử hành ấy và các việc đạo đức qua truyền hình hoặc truyền thanh, hoặc qua các phương tiện mới của truyền thông xã hội một cách sốt sắng.

Ơn tiểu xá được ban cho tất cả các tín hữu, dù ở bất cứ nơi nào trong những ngày Giới trẻ Thế giới nói trên, với tâm tình thống hối dâng lời cầu nguyện sốt sắng lên Thiên Chúa, kết thúc bằng kinh nguyện chính thức của Ngày Giới trẻ Thế giới và kêu cầu Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương nước Brazil, với tước hiệu “Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội Aparecida”, cũng như kêu cầu các vị thánh bổn mạng của Ngày Giới trẻ Thế giới, xin các ngài khích lệ giới trẻ củng cố đức tin và sống đời thánh thiện.

- Đức Thánh Cha Phanxicô : “Niềm vui là vẻ đẹp của đời dâng hiến” :

Trong chương trình cử hành Năm Đức Tin, chiều thứ Bảy vừa qua, 06 tháng Bảy, khoảng 6.000 chủng sinh, tập sinh các dòng tu và các bạn trẻ đang phân định ơn gọi tu trì đã quy tụ tại Hội trường Phaolô VI để chào đón Đức Thánh Cha và lắng nghe huấn đức của ngài.

Sau những tràng pháo tay và tiếng reo hò chào đón của mọi người, Đức Thánh Cha đã dí dỏm mở đầu rằng: Bây giờ các con vỗ tay reo hò tưng bừng giống như đang trong ‘tuần trăng mật’ vậy, nhưng khi kết thúc ‘tuần trăng mật’ thì chuyện gì sẽ đến? Đức Thánh Cha chỉ ra một vấn nạn: Cha đã nghe một chủng sinh, một chủng sinh tốt, nói rằng thầy muốn phục vụ Đức Kitô nhưng chỉ trong vòng 10 năm thôi, rồi có lẽ thầy sẽ bắt đầu một bậc sống khác… Điều này thật đáng sợ! Tất cả chúng ta, kể cả người cao niên nhất giữa chúng ta, thấy mình đang bị một sức ép từ một ‘nền văn hóa nhất thời’, vì chúng ta không dám dấn thân luôn mãi. Ngài đưa ra một ví dụ từ ‘nền văn hóa nhất thời’ : Tôi có thể giữ bậc sống hôn nhân bao lâu tôi còn tình yêu, tôi sẽ trở thành nữ tu một vài năm để xem sẽ như thế nào, tôi sẽ trở thành chủng sinh để làm linh mục nhưng tôi không chắc kết quả sẽ ra sao. “Đây không phải là điều Chúa Giêsu mong muốn!” Đức Thánh Cha nhấn mạnh : Ngày nay, ra một quyết định dứt khoát thật là khó khăn. Thời của cha thì dễ dàng hơn bởi đó là thời đại của sự chọn lựa dứt khoát, dù ở bậc sống gia đình, tu trì hay linh mục. “Nhưng thời đại này, lựa chọn dứt khoát không phải là điều dễ dàng. Tất cả chúng ta đều là nạn nhân của ‘nền văn hóa nhất thời’.”

Để trả lời cho câu hỏi : Làm sao tôi có thể được tự do đối với ‘nền văn hóa nhất thời’ này, Đức Thánh Cha đề nghị : “Chúng ta phải biết đóng cánh cửa nội tâm của mình ; nhưng cửa đã đóng mà vẫn để một chiếc chìa khóa dự phòng ở bên ngoài thì chưa đủ… Phải dứt khoát, và chỉ trong Chúa Giêsu chúng ta mới dám dứt khoát vì không có ai dám dứt khoát nếu không có Chúa Giêsu”.

Đức Thánh Cha khẳng định rằng bất cứ nơi nào có cuộc sống dâng hiến thì ở đó có niềm vui. “Nhưng niềm vui này từ đâu đến ?... Những thứ chúng ta sở hữu có mang lại niềm vui không ?” Đức Thánh Cha nhắc nhở : “Ví dụ khi chúng ta cần mua một thứ gì, một chiếc điện thoại, một chiếc xe máy, hay một chiếc ô-tô chẳng hạn, phải nên lưu ý cân nhắc đến lựa chọn khiêm nhu hơn và nhớ rằng còn có rất nhiều trẻ thơ đang chết đói”. “Niềm vui đích thực không hệ tại ở vật chất” mà “ươm mầm nơi những cuộc gặp gỡ và trong tương quan với người khác, trong cảm giác được đón nhận, được thấu hiểu, và được yêu mến” vì “niềm vui đích thực thì có sức lan tỏa và nâng đỡ”. “Nếu chúng ta gặp một chủng sinh hay một tập sinh quá nghiêm, quá buồn thì có điều gì đó không ổn ! Họ không chia sẻ được niềm vui của Thiên Chúa. Buồn rầu không phải là thánh thiện. Như thánh Têrêsa đã nói ‘một nữ tu buồn là một nữ tu xấu’… Xin các linh mục và nữ tu đừng để nét buồn trên khuôn mặt mình nữa nhé !” Nói về nỗi buồn trong đời dâng hiến, Đức Thánh Cha giải thích : Nguồn gốc của những nỗi buồn trong đời sống mục vụ là do kinh nghiệm nghèo nàn về cảm giác của tình mẫu tử hay phụ tử mà lẽ ra đời sống dâng hiến phải được trổ sinh hoa trái. “Chúng ta không thể cưu mang những linh mục hay nữ tu không thể mang lại hoa trái: đó không phải là Giáo hội Công giáo! Niềm vui là vẻ đẹp của đời dâng hiến”.

“Để trở thành chứng nhân tươi vui của Tin Mừng các con cần phải sống gắn bó và trung thực” vì “Đức Giêsu đã chống lại kẻ đạo đức giả là những người ‘hai mặt’… Đây là trách nhiệm của những nhà đào tạo. Tôi đề nghị anh chị em đang làm công việc đào tạo cần nêu gương về đặc tính này. Chúng ta có muốn những người trẻ biết sống gắn bó không ? Chính chúng ta phải là những người như thế !” Đức Thánh Cha khuyến khích các bạn trẻ “hãy trung thực trong tòa giải tội và can đảm nói ra sự thật, vì sự trong sáng giúp chúng ta trở nên khiêm tốn”. “Hãy nói thật chứ đừng che đậy điều gì, đừng mập mờ, vì các con nói với Chúa Giêsu qua cha giải tội, và Chúa Giêsu biết sự thật. Chúa Giêsu luôn luôn tha thứ !”

Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh : Ơn gọi tu trì dựa trên bốn trụ cột: đời sống thiêng liêng, đời sống trí thức, đời sống tông đồ và đời sống cộng đoàn. Và Đức Thánh Cha cũng chỉ ra một thói xấu trong đời sống cộng đoàn, đó là thói nhiều chuyện : “Thói xấu này che đậy sự ghen tị, đố kỵ, tham vọng” và vì thế nếu chúng ta không nhiều chuyện, không nói xấu người khác thì “đó là con đường tốt để nên thánh !”

Đức Thánh Cha còn khuyên cần phải vun trồng tình bạn, để tránh cả tình trạng cô lập lẫn sự buông thả trong các mối tương quan, vì “một linh mục hay tu sĩ không bao giờ được là một hòn đảo, mà phải luôn sẵn sàng gặp gỡ người khác”.

Kết luận, Đức Thánh Cha nhấn mạnh Giáo hội phải là một Giáo hội truyền giáo, chứ không phải một Giáo hội thụ động; ngài thúc giục các bạn trẻ đừng để mình trở thành con mồi cho cơn cám dỗ tham gia vào “môn thể thao phàn nàn”. Thay vì thế, phải “tích cực, nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng và đồng thời ra đi gặp gỡ mọi người, nhất là những người bị khinh miệt và thiệt thòi nhất. Đừng sợ bơi ngược dòng. Hãy sống chiêm niệm và truyền giáo. Hãy luôn giữ Đức Trinh Nữ Maria bên mình và đừng quên đọc kinh Mân Côi ! Hãy giữ Đức Mẹ trong nhà của các con, như Thánh tông đồ Gioan đã làm. Xin Mẹ luôn đồng hành và che chở các con. Các con cũng hãy cầu nguyện cho cha, vì cha cũng cần những lời cầu nguyện của các con, cha cũng là một tội nhân đáng thương. Nhưng dù thế, chúng ta cứ tiếp tục tiến bước”.

- Ngày Giới trẻ Thế giới Rio: hơn 250 buổi dạy giáo lý :

Tòa Thánh Vatican đã xác nhận sẽ có hơn 267 địa điểm dạy giáo lý về đức tin trong Ngày Giới trẻ Thế giới diễn ra vào cuối tháng này tại Rio de Janeiro, Brazil.

Những bài giáo lý về đức tin sẽ do các giám mục và hồng y hướng dẫn trong ba ngày 24, 25 và 26 tháng Bảy, trong đó có 133 bài bằng tiếng Bồ Đào Nha, 50 bài bằng tiếng Tây Ban Nha và 25 bài bằng tiếng Anh. Tiếng Ý và tiếng Pháp có 15 bài, tiếng Đức 8 bài và tiếng Ba Lan có 5 bài. Ngoài ra, các bài giáo lý cũng được giảng bằng tiếng Ả Rập, Nga, Croat, Hy Lạp, Séc, Sloven và Đan Mạch.

Mỗi ngày có một chủ đề khác nhau: ngày 24, “Khao khát hy vọng, khao khát Thiên Chúa”; ngày 25, “Để trở thành môn đệ Chúa Kitô” và ngày 26, “Để trở thành nhà truyền giáo: hãy lên đường !”

Các bài giáo lý được trình bày bằng 20 ngôn ngữ khác nhau, gồm cả một bài khai triển chuyên sâu câu Kinh Thánh chủ đề đã được Đức giáo hoàng chọn cho Ngày Giới trẻ Thế giới : “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19).

Một trong hai địa điểm dạy giáo lý lớn nhất là Nhà thờ chính tòa Thánh Sebastianô ở trung tâm thành phố Rio. Tại đây 5.000 người sẽ tham dự buổi dạy giáo lý bằng tiếng Bồ Đào Nha. Một địa điểm lớn khác là và Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Riocentro trong khu vực Jacarepaguá; nơi đây cũng có thể chứa được 5.000 người.

Một trong những địa điểm chính của những buổi giáo lý bằng tiếng Anh là Trung tâm hành hương Vivo Rio. Tại đây sẽ có một sân khấu dành cho các nghệ sĩ như Steve Angrisano, Jesse Manibusan, Ban nhạc Jacob và Matthew, và Danielle Rose trình diễn suốt tuần.

Trước mỗi buổi giáo lý bắt đầu lúc 9 giờ, một nhóm tình nguyện viên được Hội đồng Tòa Thánh về Giáo dân tuyển chọn, sẽ phụ trách hướng dẫn hát thánh ca. Mỗi ngày sẽ có một vị giám mục hay hồng y khác nhau giảng bài giáo lý trong vòng 30 phút, sau đó là phần giải đáp thắc mắc. Nhiều vị dạy giáo lý sẽ sử dụng tài liệu của Đại hội đồng các giám mục châu Mỹ La tinh và vùng Caribê lần thứ năm, tổ chức tại Aparecida, Brazil hồi năm 2007. Chủ đề của Đại hội này là Hãy trở nên môn đệ và nhà truyền giáo của Chúa Giêsu Kitô, để các dân tộc của chúng ta được sống trong Ngài”. Văn bản kết thúc Đại hội này có phần đóng góp lớn của Đức hồng y Jorge Mario Bergoglio.

Tòa Thánh khuyến khích các giám mục và hồng y cũng nêu lên chứng tá cá nhân của mình và nói về các tấm gương tích cực là các vị thánh, chân phước hoặc những người trẻ gương mẫu.

Chương trình mỗi ngày kết thúc với Thánh Lễ do các giám mục hay hồng y đã dạy giáo lý chủ tế, cùng với các linh mục hiện diện. Vào buổi sáng nhiều linh mục cũng sẵn sàng ngồi tòa giải tội.



- “Theo bước chân Chúa” : Triển lãm tại Đại hội Giới trẻ thế giới :

Theo bước chân Chúa” là chủ đề cuộc triển lãm diễn ra trong dịp Đại hội Giới trẻ Thế giới lần thứ 28 tại Rio de Janeiro, Brazil. Triển lãm do Tổ chức Các bạn trẻ Gioan Phaolô II thuộc Hội đồng Tòa thánh về Giáo dân tổ chức, mở cửa từ 9/7 đến 12/10/2013 tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia ở Rio.

Triển lãm “Theo bước chân Chúa” trưng bày một loạt các công trình, tác phẩm nghệ thuật và các bản thảo được phân loại theo bốn chủ đề: “Đức Kitô, con đường cứu rỗi”, “Ơn gọi và sứ vụ của các tông đồ”, “Đức Maria, đường dẫn đến Chúa Kitô”, và “Các thánh : mẫu gương để noi theo” , tất cả đều lấy cảm hứng từ chủ đề chung của Ngày Giới trẻ Thế giới “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”.

“Đức Kitô, con đường cứu rỗi” gồm các tác phẩm về cuộc đời Chúa Giêsu, cuộc khổ nạn và phục sinh, sự kiện Tôma không tin, và các dụ ngôn người phụ nữ ngoại tình và người Samaritanô nhân lành ; phần lớn là hình ảnh Chúa Kitô.

Triển lãm mở màn với bức họa Mandylion Edessa nổi tiếng, được tôn kính như một acheiropoieton (icôn không phải do tay con người thực hiện); bức họa này được xem là hình ảnh thực sự của Đấng Cứu Thế. Triển lãm bao gồm các họa phẩm có uy tín của nhiều danh họa, trong đó có Beato Angelico, Melozzo da Forli, Leonardo da Vinci, Bernini, Correggio, Guercino và Lorenzo Lotto. Bức “Chúa Kitô và người phụ nữ ngoại tình” của Lorenzo Lotto vừa được Viện Bảo tàng Vatican phục chế. Hình Chúa Kitô trên tấm Khăn liệm Turin cũng được trưng bày dưới dạng hình chụp do Secondo Pia thực hiện năm 1898.

Các tác phẩm thuộc chủ đề thứ hai có liên quan đến ơn gọi của các Tông đồ, như bộ tranh hai tấm Thánh Phêrô và Thánh Phaolô có niên đại từ thế kỷ thứ ba và thứ tư, mượn từ Viện Bảo tàng Vatican, và các họa phẩm của Pomarancio và de Ribera.

Chủ đề thứ ba “Đức Maria, đường dẫn đến Chúa Kitô” giới thiệu các công trình của cả hai truyền thống Đông phương và Tây phương: các bức icôn Byzantine được trưng bày cùng với bức “Đức Mẹ bên bệ cửa sổ” nổi tiếng của Pinturicchio và các tác phẩm của Michelangelo, Sassoferrato và Perugino.

Cuối cùng, chủ đề thứ tư bao gồm những họa phẩm về các vị thánh nổi danh nhất.



- Các giáo hạt tòng nhân và sứ vụ Tân Phúc âm hóa :

Ngày 31/5/2013 vừa qua, Đức giáo hoàng Phanxicô đã phê chuẩn một sửa đổi quan trọng trong Bản Quy luật bổ sung áp dụng cho các giáo hạt tòng nhân được thành lập theo Tông hiến Anglicanorum Coetibus. Sửa đổi này nhằm nêu rõ sự đóng góp của các giáo hạt tòng nhân trong công cuộc Tân Phúc âm hóa.

Cụ thể, Khoản 5 trong Bản Quy luật bổ sung về “Các tín hữu của giáo hạt tòng nhân” có thêm triệt 2 như sau: “Một người đã được rửa tội trong Giáo hội Công giáo nhưng chưa lãnh nhận đầy đủ các Bí tích khai tâm, và sau đó người này trở về với đức tin và thực hành của Giáo hội nhờ được giáo hạt tòng nhân Phúc âm hóa, thì họ có thể trở thành thành viên của giáo hạt tòng nhân lãnh nhận bí tích Thêm Sức và bí tích Thánh Thể hoặc cả hai.

Điều này khẳng định chỗ đứng của các giáo hạt tòng nhân trong sứ mệnh của Giáo hội Công giáo phổ quát: các giáo hạt tòng nhân không chỉ có thẩm quyền đối với những người thuộc truyền thống Anh giáo, nhưng còn đóng góp cho công cuộc Tân Phúc âm hóa mang tính cấp bách.

Bộ Giáo lý Đức tin cũng lưu ý rằng : tiêu chuẩn để được nhận vào một giáo hạt tòng nhân là chưa lãnh nhận đầy đủ các bí tích khai tâm Kitô giáo (tức là còn thiếu bí tích Rửa tội, bí tích Thánh Thể, hoặc bí tích Thêm sức); điều này có nghĩa là người Công giáo không được xin gia nhập một giáo hạt tòng nhân hoàn toàn chỉ “vì các động cơ chủ quan hoặc vì sở thích cá nhân”.

V- THÔNG TIN GIÁO HỘI VIỆT NAM :

- Giáo phận Đà Nẵng : Đức Cha Phanxicô Xaviê NGUYỄN QUANG SÁCH Nguyên Giám mục Giáo phận Đà Nẵng đã về Nhà Cha






--Giáo phận Đà Nẵng : Thánh lễ an táng Đức cha Phanxicô Xaviê, nguyên Giám mục giáo phận ngày 11/7/2013 :

Thánh Lễ an táng Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách đã được cử hành vào sáng sớm thứ Năm ngày 11/7/2013 tại tiền đường Nhà thờ chính tòa Đà Nẵng trong bầu khí trang nghiêm sốt sắng.

Đoàn rước gồm 15 giám mục, 120 linh mục đồng tế, cùng với đại diện tang quyến, tu sĩ và giáo dân, đã đưa linh cữu của Đức cha từ cung thánh Nhà thờ chính tòa tiến ra lễ đài, rẽ qua giữa hàng ngàn tín hữu đang thổn thức như mục tử đi vào giữa đàn chiên của mình. Lễ đài lộ thiên trong không khí mát dịu buổi sáng sớm của thành phố biển Đà Nẵng đang lung linh ánh điện làm cho bầu khí cử hành thêm lắng đọng tâm tình.

Khi mọi người đã an vị, cha Phaolô Đoàn Quang Dân, Hạt trưởng Trà Kiệu, đọc tiểu sử của Đức cố Giám mục với những điểm nhấn quan trọng trong cuộc đời mục tử của ngài. Cha Bonaventura Mai Thái, Hạt trưởng Hội An tuyên đọc những điện văn quan trọng từ Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Bộ Truyền giáo và Hội đồng Giám mục Việt Nam. Thánh lễ do Đức Tổng giám mục Léopoldo Girelli, Đại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam chủ sự; đứng cạnh ngài là Đức Tổng giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng giám mục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam và Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám mục giáo phận Đà Nẵng.

Trong bài giảng lễ, Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Ban Mê Thuột, đã giúp cộng đoàn hiểu hơn về hành trình ơn gọi và nhất là sứ mạng mục tử đặc biệt của Đức cố giám mục, một trong những giám mục bắt đầu sứ vụ của mình vào thời điểm lịch sử đất nước sang trang với những khó khăn tinh tế. “Lòng các con đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”: Đức cha Phanxicô đã tin và sống như thế, đã quy tụ và hướng dẫn đoàn chiên của mình vững tiến trên hành trình đức tin và đời sống mục vụ, trong sự hiệp thông và gắn kết tình bạn với các chủ chăn, trong sự ân cần hiếu khách và quan tâm đến nhu cầu của mọi người, nhất là với tinh thần cầu nguyện bền bỉ và sốt sắng.

Đức cha Phêrô, Tổng giám mục Hà Nội, chủ sự nghi thức tiễn biệt, như thay mặt Hội đồng Giám mục Việt Nam và cả dân Chúa Việt Nam nói lời chia tay trong đức tin với người anh em giám mục. Tiếp đó, Đức cha Giuse, Giám mục giáo phận, tiến ra trước linh cữu và di ảnh của Đức cố giám mục Phanxicô Xaviê, thay mặt cho gia đình giáo phận, nghẹn ngào bày tỏ lòng yêu mến, biết ơn đối với người cha thiêng liêng của giáo phận. Ngài đã “đến để phục vụ” như khẩu hiệu giám mục đã chọn, thì hôm nay ngài “đi để chuyển cầu” cho mọi thành phần dân Chúa đang ở lại được trung kiên tiếp bước ngài. Sau đó, cha Phaolô Maria Trần Quốc Việt, Tổng đại diện giáo phận, đã thay mặt giáo phận nói lời cám ơn với Tòa Thánh, quý Đức cha và giáo phận, quý cấp chính quyền trung ương và địa phương, các tôn giáo bạn, các y bác sĩ, những người đã chăm sóc cho Đức cha trong những ngày ngã bệnh và tham gia tổ chức tang lễ cho ngài.

Đoàn rước linh cữu Đức cha tiến về hang đá Đức Mẹ Lộ Đức ở góc cuối sau nhà thờ Chính Tòa, nơi Ngài sẽ an nghỉ. Người mục tử một lần sau hết tiến vào giữa lòng dân Chúa giáo phận. Ngài không còn dùng đôi tay giám mục để ban phép lành, nhưng là lời chuyển cầu đắc lực để chính Thiên Chúa ban ân phúc cho đoàn chiên Ngài để lại. Linh cữu dừng lại khá lâu trước cổng Tòa giám mục như lời tạ từ nơi ngài đã lưu trú để thi hành nhiệm vụ và 13 năm hưu dưỡng.

Tại hang đá Đức Mẹ Lộ Đức, Đức cha Phanxicô Lê Văn Hồng, Tổng giám mục Huế đã cử hành nghi thức sau hết, làm phép phần mộ cho người anh em giám mục thuộc giáo tỉnh của ngài. Đức Tổng giám mục Léopoldo Girelli Đại diện Tòa Thánh ngỏ lời với cộng đoàn trước linh cữu của Đức cha Phanxicô Xaviê và chia sẻ tâm tình với các Đức giám mục Việt Nam, cách riêng Đức cha Giuse và gia đình giáo phận Đà Nẵng. Nhìn những tia nắng đầu tiên bắt đầu một ngày mới, Đức Tổng giám mục đã mời gọi cộng đoàn xác tín vào mầu nhiệm Phục Sinh như ánh bình minh xoá tan bóng đêm của sự chết. Sau cùng, ngài ban phép lành Tòa Thánh cho cộng đoàn hiện diện.

Linh cữu Đức cha Phanxicô Xaviê được đưa vào trong lòng hang đá Đức Mẹ Lộ Đức, nhắc nhớ cuộc mai táng Chúa Giêsu vào huyệt đá mới. Thi thể ngài được đặt sâu trong lòng đất. Tiếng kèn đưa tiễn dội vang bài ca Magnificat của Đức Mẹ, và cũng là tâm tình của những ai sống đức tin như Mẹ, với Mẹ và nhờ Mẹ.

Từng giám mục hiện diện, rồi từng linh mục tu sĩ chủng sinh, đại diện cộng đoàn dân Chúa, gia quyến của Đức cha, rồi đến cộng đoàn tín hữu, lần lượt tiến đến huyệt mộ của Đức cha Phanxicô Xaviê, mỗi người một tâm tình lấp đầy cuộc đời của Đức cha bằng những yêu thương, và một nắm đất trắng tinh lấp đầy huyệt mộ của Ngài như dấu chỉ chung sức chung lòng xây dựng Hội Thánh.

Đà Nẵng đã đánh dấu những mốc lịch sử quan trọng của giáo phận mình bằng những cuộc ra đi. Đức giám mục tiên khởi Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi đã về với Chúa ngày 21/01/1988, năm mừng Ngân khánh giáo phận, được an táng tại Trà Kiệu nơi ngài an dưỡng. Rồi hôm nay, Đức cha kế nhiệm Phanxicô Xaviê được gọi về trong Năm Thánh mừng Kim khánh giáo phận. Sự vui mừng và niềm hy vọng phục sinh rạng rỡ đã loé lên giữa nỗi buồn phân ly, mời gọi và khích lệ mọi người hướng về Quê hương Thiên Quốc, nơi mọi người sẽ gặp gỡ Chúa Chiên tối cao của mình là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã từ cõi chết sống lại và đang ngự bên hữu Thiên Chúa.

Cùng với Đức cha Phanxicô Xaviê, giáo phận Đà Nẵng xin tạ ơn Thiên Chúa, tri ân Mẹ Hội Thánh và cám ơn mọi người.



- Phái đoàn Việt Nam tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới :

Trong tình hiệp thông với Đức Thánh Cha và các bạn trẻ đến từ bốn phương, đại diện giới trẻ Việt Nam sẽ có mặt trong Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 28, được tổ chức tại thành phố Rio de Janeiro, Braxin, từ ngày 23 đến 28/7/2013. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến gặp gỡ các bạn trẻ trong dịp này. Ngài sẽ chủ sự giờ canh thức cầu nguyện đêm thứ bảy 27/7 và thánh lễ sáng 28/7.

Với chủ đề “Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ !” (Mt 28,19), các bạn trẻ được mời gọi học hỏi và suy tư về sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội, đồng thời cũng là sứ mạng của người trẻ trong xã hội hôm nay.

Rio là thành phố lớn thứ hai của Braxin, đã chuẩn bị sẵn sàng để tiếp đón các tham dự viên đến từ khắp nơi trên thế giới. 

Phái đoàn Việt Nam gồm 3 giám mục (Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp và Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên) và 24 thành viên, trong đó có 14 linh mục và 10 giáo dân. Hiện nay phái đoàn đang hoàn tất những thủ tục để xin visa nhập cảnh và sẽ lên đường vào ngày Chúa nhật 21/7/2013. 

Chúng ta cầu nguyện cho sự thành công của Ngày Giới trẻ Thế giới và cho phái đoàn Việt Nam thực sự mang đến cuộc gặp gỡ này những nét văn hóa rất riêng của người công giáo là con cháu Lạc Hồng. 



V- THÔNG TIN GIÁO PHẬN :

- ĐGH Phanxicô chúc mừng Bổn mạng ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn :

Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã nhận được từ Đức Giáo Hoàng Phanxicô và từ Quốc vụ khanh Tòa Thánh lời chúc mừng lễ Quan thầy Gioan Baotixita như sau :

 Quốc vụ khanh Tòa Thánh
kính gửi ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn
Tổng Giám mục TGP Thành phố Hồ Chí Minh
Tòa Tổng Giám mục
180 Nguyễn Đình Chiểu
Q.3, Thành phố Hồ Chí Minh

Vatican, ngày 24/6/2013


Kính thưa Đức Hồng y,

Xin hân hạnh chuyển đến ngài những sứ điệp sau đây :

(1) Tôi gửi lời chào thân thiết nồng ấm và hứa cầu nguyện cho hiền huynh khi hiền huynh cử hành Lễ Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả. Nhờ lời cầu bầu của Thánh nhân, xin Chúa Giêsu Kitô ban cho hiền huynh tràn đầy ánh sáng và bình an của Chúa. Thân ái gửi đến hiền huynh Phép lành Tòa Thánh như là bằng chứng của sự hiệp thông trong Chúa.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô

(2) Trong ngày lễ Sinh nhật Thánh Quan thầy Gioan Tẩy Giả của ngài, tôi chắc chắn sẽ cầu nguyện cho ngài và xin gửi đến ngài những lời cầu chúc chân thành.



Hồng y Tarcisio Bertone
Quốc vụ khanh Tòa Thánh

Tôi cũng xin được kính gửi đến ngài những lời cầu chúc tốt đẹp trong dịp lễ hồng phúc này.



Trân trọng luôn mãi trong Chúa Kitô,
(Đã ký)
Angelo Becciu
Phụ tá Quốc vụ khanh


OREMUS PRO DEFUNCTIS

Trong niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh, Toà Tổng Giám Mục Thành phố Hồ Chí Minh kính báo :



Linh mục Đôminicô VÕ VĂN TÂN

sinh ngày 27 tháng 11 năm 1927,


tại Lái Thiêu.
chịu chức linh mục năm 1955 tại Sài Gòn.
đã trở về Nhà Cha lúc 5g00,
ngày thứ Sáu 12 tháng 07 năm 2013,
tại Giáo xứ Tân Định.
hưởng thọ 86 tuổi, sau 58 năm linh mục.

Nghi thức tẩn liệm lúc 16g00 ngày thứ Sáu 12 tháng 07 năm 2013 tại Giáo xứ Tân Định, 289 Hai Bà Trưng, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Thánh lễ An táng sẽ cử hành tại Giáo xứ Tân Định vào lúc 08g30 ngày thứ Hai 15.07.2013, sau đó an táng tại nghĩa trang giáo xứ Lái Thiêu.

Xin quý Cha trong giáo phận dâng một Thánh lễ cầu cho linh hồn linh mục Đôminicô.

Toà Tổng Giám Mục, ngày 12.07.2013
Linh mục Inhaxiô HỒ VĂN XUÂN
Chánh Văn Phòng
(đã ký.)

Mục vụ :


1955 - 1957 : Giáo xứ Chánh Tòa Đức Bà Saigon
1957 - 1961 : Mỹ Tho
1961 - 1966 : Biên Hòa
1966 - 1992 : Giáo xứ Thị Nghè
1992 - 2005 : Giáo xứ Hạnh Thông Tây
2005 - nay   : Nghỉ hưu tại giáo xứ Tân Định

Каталог: sites -> default -> files -> Files -> 2013
2013 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 2 MÙa vọng năm a : Lời Chúa
2013 -> GIÁo xứ TÂn trang nhà thờ thánh giuse
2013 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhật chúa ba ngôi năm c
2013 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 34 thưỜng niên năm c : LỄ chúa giêsu kitô vua vũ trụ Lời Chúa
2013 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 31 thưỜng niên năm c : CỨu những gì ĐÃ HƯ MẤT
2013 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 4 MÙa vọng năm a : Lời Chúa
2013 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 5 phục sinh năm c
2013 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 17 thưỜng niên năm c
2013 -> I- suy niệm tin mừng chúa nhậT 6 phục sinh năm c
2013 -> BẢn tin hằng tuần số 22/2013 (Chúa Nhật 02/6/2013)

tải về 472.21 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương