BẢn tin giáo xứ jeanne d’arc



tải về 0.57 Mb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu02.06.2018
Kích0.57 Mb.
#39339
1   2   3
116A Hùng Vương, Phường 9, Quận 5.

: 38557616.

Giờ Thánh Lễ:

- Chúa Nhật : 5g00; 7g00; 9g00; 16g00

Chầu Thánh Thể : 15g15

- Ngày thường : 5g00; 17g00

* Thứ Bảy đầu tháng :

Chầu Thánh Thể : 11g00

Giờ Giải Tội: Sau Thánh lễ, ai muốn xưng tội, xin trình Linh mục được rõ.



Số 79 (Năm thứ 7) Tháng 11, 2015

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh lễ khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình 2015

“Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên trọn hảo” (1 Ga 4,12).
Các bài đọc Kinh Thánh của Chúa nhật này dường như được lựa chọn cách đặc biệt cho thời điểm ân sủng mà Giáo hội đang sống, đó là Thượng Hội đồng Giám mục Khoá thường lệ về gia đình, được khai mạc với cử hành Thánh Thể này.

Các bài đọc này tập trung vào ba chủ đề: bi kịch của sự cô đơn, tình yêu giữa người nam và người nữ, và gia đình.

Sự cô đơn

Ađam, như chúng ta đã nghe đọc trong bài đọc một, sống trong Vườn Địa Đàng; ông đặt tên cho các thụ tạo khác, thực thi quyền thống trị để chứng tỏ mình có quyền trên chúng - một quyền rõ ràng và không thể sánh được; nhưng dù vậy, ông vẫn cảm thấy cô đơn vì “ông chẳng tìm được cho mình một người trợ tá” (St 2,20), vì thế ông đã cảm nghiệm nỗi cô đơn.

Cô đơn, thảm trạng vẫn tồn tại cả trong thời nay, đã gây sầu khổ cho biết bao người nam và nữ. Tôi nghĩ đến những người già, bị chính những người thân và con cái mình bỏ rơi; những người goá bụa; tôi nghĩ đến biết bao người bị chồng hay vợ mình ruồng bỏ; biết bao người cảm thấy cô đơn, bị hiểu lầm và không được lắng nghe; những người di dân và tị nạn trốn chạy khỏi chiến tranh và bách hại; và đến những người trẻ là nạn nhân của nền văn hóa tiêu thụ, văn hoá lãng phí, và nền văn hóa vứt bỏ.

Ngày nay người ta chứng kiến ​​cái nghịch lý của một thế giới toàn cầu hoá, nơi có nhiều ngôi nhà sang trọng và toà nhà chọc trời, nhưng lại ít đi hơi ấm của mái gia đình; nơi có nhiều dự án đầy tham vọng, nhưng lại có ít thời gian để hưởng những thành quả đạt được; nơi có nhiều phương tiện giải trí tinh xảo, nhưng lại càng thêm sự trống rỗng trong tâm hồn; nhiều thú vui, nhưng ít tình yêu; nhiều quyền tự do nhưng lại ít làm chủ được mình... Càng ngày càng có nhiều người cảm thấy cô đơn, cũng như nhiều người giam mình trong thói ích kỷ, trong u sầu, trong bạo lực hủy diệt và nô lệ cho thú vui và tiền bạc.

Theo một nghĩa nào đó, ngày nay chúng ta cũng đang sống kinh nghiệm như của Ađam: vừa có nhiều quyền lực, lại vừa rất cô đơn và dễ bị tổn thương; và đó là hình ảnh của gia đình. Người ta ngày càng ít nghiêm túc hơn khi xây dựng một mối tương quan tình yêu bền vững và sinh hoa trái: khi mạnh khoẻ cũng như lúc đau yếu, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan. Tình yêu lâu dài, trung tín, chu đáo, vững vàng, sinh hoa trái ngày càng bị chế giễu và xem như thể một món đồ cổ. Dường như người ta cho rằng xã hội tiên tiến nhất chính là những xã hội có tỉ lệ sinh thấp nhất và tỉ lệ phá thai, ly dị, tự tử và ô nhiễm môi trường và xã hội cao nhất.

Tình yêu giữa người nam và người nữ

Trong bài đọc một, chúng ta còn được nghe rằng trái tim Thiên Chúa đau xót khi thấy Ađam cô đơn, và Ngài bảo: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St 2,18). Những lời này cho thấy rằng không có gì làm cho trái tim con người hạnh phúc bằng một trái tim giống như của mình, tương hợp với mình, yêu thương mình và làm cho mình không còn thấy cô đơn trơ trọi nữa. Những lời ấy cũng cho thấy rằng Thiên Chúa đã không tạo ra con người để họ sống trong buồn tẻ hay để họ ở một mình, nhưng để hưởng hạnh phúc, để chia sẻ hành trình của mình với một người khác bổ túc cho mình, để sống kinh nghiệm tình yêu diệu kỳ, là yêu và được yêu, và để nhìn thấy tình yêu của mình sinh hoa trái nơi con cái, như Thánh vịnh đáp ca ngày hôm nay đã nói (x. Tv 128).

Đây là ước mơ của Thiên Chúa về thụ tạo yêu quý của Ngài: thấy nó thành tựu trong sự kết hợp tình yêu giữa người nam và người nữ; được hạnh phúc trên con đường cùng đi với nhau, sinh hoa trái khi trao ban lẫn cho nhau. Đó cũng là kế hoạch mà Chúa Giêsu tóm lại trong những lời này của bài Tin Mừng hôm nay: “Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mc 10,6-8); (x. St 1,27; 2,24).

Chúa Giêsu đang đứng trước câu hỏi hoa mỹ có lẽ được giăng ra như một cái bẫy, để làm cho đám đông dân chúng quay ngoắt lại thù ghét Ngài; đám đông đang đi theo Ngài và vẫn thực hành luật ly dị như bắt nguồn từ thực tế và bất khả xâm phạm. Chúa Giêsu đã bất ngờ đưa ra câu trả lời thẳng thắn: Ngài đặt tất cả mọi thứ trở về thuở ban đầu của sáng tạo, mà dạy chúng ta rằng Thiên Chúa chúc phúc cho tình yêu con người, chính Ngài liên kết trái tim của một người nam và một người nữ yêu thương nhau và kết hợp họ trong sự hiệp nhất và bất khả phân ly. Điều này có nghĩa là mục đích của cuộc sống hôn nhân không chỉ là sống với nhau mãi mãi, mà là yêu thương nhau trọn đời! Như thế, Chúa Giêsu tái lập trật tự đã có từ ban đầu và là điểm khởi đầu.

Gia đình

Vì vậy, điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,9). Đây là một lời khích lệ các tín hữu vượt qua mọi hình thức của chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa duy luật pháp, vốn ẩn  chứa một thói ích kỷ ti tiện và nỗi lo sợ phải chấp nhận ý nghĩa đích thực của cuộc sống vợ chồng và của tính dục con người theo kế hoạch của Thiên Chúa.



Thật vậy, chỉ trong ánh sáng của sự điên rồ của tình yêu nhưng không của Chúa Giêsu phục sinh, chúng ta mới hiểu được sự điên rồ của tình yêu vợ chồng, một tình yêu duy nhất và nhưng không đến trọn đời.

Đối với Thiên Chúa, hôn nhân không phải là một điều không tưởng của tuổi trẻ, nhưng là một giấc mơ mà nếu không có giấc mơ ấy thì thụ tạo Ngài dựng nên sẽ buộc phải sống cô đơn! Thật vậy, nỗi sợ hãi phải chấp nhận kế hoạch này làm cho trái tim con người bị tê liệt.

Cũng thật là nghịch lý, khi con người ngày nay –vốn thường giễu cợt kế hoạch này– lại vẫn bị cuốn  hút và say mê bởi mọi tình yêu đích thực, mọi tình yêu bền vững, mọi tình yêu sinh hoa trái, mọi tình yêu trung tín và vĩnh cửu. Chúng ta thấy con người chạy theo những tình yêu tạm bợ, nhưng lại mơ một tình yêu đích thực; chạy theo những thú vui xác thịt, nhưng lại ao ước trao ban trọn vẹn.

Quả vậy, “bây giờ khi đã hưởng nếm no đầy những lời hứa về thứ tự do không giới hạn, chúng ta lại một lần nữa hiểu được kiểu nói ‘sự buồn tẻ của thế giới này’. Các thú vui bị cấm đoán sẽ chẳng còn hấp dẫn nữa khi chúng không còn bị cấm. Ngay cả khi chúng được đẩy đến tận cùng và được làm mới lại mãi, chúng vẫn vô vị, vì chúng chỉ là những thứ hữu hạn, trong khi chúng ta khao khát cái vô hạn” (Joseph Ratzinger, Auf Christus schauen. Einübung in Glaube, Hoffnung, Liebe, Freiburg 1989, tr. 73).

Trong bối cảnh rất khó khăn này về mặt xã hội và hôn nhân, Giáo hội được mời gọi sống sứ mạng của mình trong sự trung tín, trong chân lý và trong bác ái. Sống sứ mạng của mình trong sự trung tín với Thầy mình như một tiếng kêu giữa sa mạc, để bảo vệ tình yêu trung thành, và khích lệ nhiều gia đình sống đời hôn nhân của mình như một nơi biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa; để bảo vệ tính thánh thiêng của sự sống, của mọi sự sống; để bảo vệ tính duy nhất và bất khả phân ly của mối dây liên kết hôn nhân như dấu chỉ ân sủng của Thiên Chúa và khả năng yêu thương nghiêm túc của con người.

Giáo hội được mời gọi sống sứ mạng của mình trong chân lý không thay đổi theo những mốt nhất thời và những quan điểm đang thống trị. Chân lý ấy bảo vệ con người và nhân loại khỏi những cám dỗ của tính tự quy và biến tình yêu phong nhiêu thành thói ích kỷ cằn cỗi, sự hoà hợp tín trung thành những liên kết chóng qua. “Nếu không có chân lý, tình yêu sẽ bị hạ thấp thành cảm tính. Tình yêu trở thành cái vỏ trống rỗng, sẽ được lấp đầy một cách tuỳ tiện. Đó là nguy cơ trầm trọng mà tình yêu phải đối mặt trong một nền văn hóa không có chân lý” (Bênêđictô XVI, Thông điệp Bác ái trong Chân  lý, 3).

Và Giáo hội được mời gọi sống sứ mạng của mình trong tình bác ái không chỉ tay phán xét, nhưng –trung tín với bản chất là mẹ– cảm thấy mình có nghĩa vụ đi tìm và lấy dầu niềm nở và thương xót mà chăm sóc các đôi vợ chồng đang chịu thương tích; trở thành “bệnh viện dã chiến” mở rộng cửa để đón nhận bất cứ người nào đến gõ cửa xin nâng đỡ trợ giúp; hơn nữa, ra khỏi tường rào của mình để đến với người khác bằng tình yêu chân thực, để cùng đi với nhân loại bị thương, để ôm lấy và dẫn đưa đến nguồn ơn cứu độ.

Một Giáo hội giảng dạy và bảo vệ các giá trị nền tảng, mà không quên rằng “Ngày sabát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát” (Mc 2, 27); và Chúa Giêsu cũng nói: “Không phải những người khỏe mạnh cần đến thầy thuốc, mà là người đau yếu. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi kẻ tội lỗi” (Mc 2, 17). Một Giáo hội dạy dỗ theo tình yêu đích thực, có khả năng giải thoát khỏi cảnh cô đơn, mà không quên sứ mạng của người Samaria chăm sóc cho nhân loại đang mang thương tích.

Tôi nhớ Thánh Gioan Phaolô II đã nói: “Lỗi lầm và sự dữ lúc nào cũng phải bị lên án và phải chống lại nó; nhưng con người sa ngã hoặc phạm sai lầm phải được thông cảm và yêu thương [...] Chúng ta phải yêu thương thời đại chúng ta và giúp đỡ con người của thời đại chúng ta (Bài Huấn từ cho Phong trào Công giáo Tiến hành Italia, 30/12/1978: Insegnamenti I [1978] 450). Và Giáo hội phải tìm kiếm, đón nhận và đồng hành, bởi vì một Giáo hội cửa đóng then cài là một Giáo hội phản bội chính mình và sứ mạng của mình, và thay vì là một cây cầu lại trở thành rào cản: “Đấng thánh hoá, và những ai được thánh hoá đều do một nguồn gốc; vì thế, Đức Giêsu đã không hổ thẹn gọi họ là anh em của Người” (Dt 2,11).

Với tâm tình này, chúng ta xin Chúa đồng hành với chúng ta trong Thượng Hội đồng và hướng dẫn Giáo hội của Ngài, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh nữ Maria và của Thánh Giuse, bạn trăm năm cực thanh cực tịnh của Mẹ.

Giáo Hoàng Phanxicô

Lá Thư Mục Tử

Nhân Tháng Các Linh Hồn: Hãy nghĩ về Cái Chết. Tây Phương có câu: “Mọi con đường đều dẫn mình đến Rôma”. Tous les chemins mènent à Rome. Người Việt Nam cũng nhận định như thế: “Mọi con đường đều dẫn mình đến nghĩa địa. Tous les chemins mènent au cimetière. Người thành phố có thể nói: “Mọi nẻo đường đều dẫn mình đến lò thiêu Bình Hưng Hòa hoặc Đa Phước.

Anh chị em tín hữu thân mến!

Những suy nghĩ trên đây giúp người Công giáo nghĩ gì về Tháng Các Đẳng và về cái chết của con người.

a) Về Tháng Các Đẳng: Hằng năm, cứ vào đầu tháng mười một, các đất thánh Công giáo được dọn dẹp sạch sẽ. Ngày 02/11, các linh mục dâng lễ tại nghĩa trang. Nhiều giáo dân dự lễ cùng với việc cắm hoa, đốt nến, cầu nguyện cho các đẳng cho người thân, ông bà tổ tiên, cha mẹ và mọi Kitô hữu đã qua đời. Trong tháng 11 này, sẽ có nhiều ý lễ cầu cho các đẳng. Hầu như suốt tháng này, không ai, không gia đình Công giáo nào mà không xin lễ cầu cho các Kitô hữu đã qua đời, đặc biệt là tổ tiên, ông bà nội ngoại, cha mẹ, người thân hai bên nội ngoại… Việc làm này quá tốt, quá bác ái yêu thương, sống triệt để tín điều các thánh thông công; vả lại, giữ trọn vẹn giới răn thứ tư: Thảo kính cha mẹ.

b) Về cái chết: “Trông người mà nghĩ đến ta” Hodie mihi, cras tibi. Nay tôi, mai anh. Vì thế, đây cũng là tháng để chúng ta nghĩ tới cái chết của chính mình. Đấy cũng là lẽ tự nhiên. Không phải cứ bi quan, yếm thế, người ta mới nghĩ đến cái chết và tự tử. Bởi vì có sống có chết. Sống chết là hai đầu mối của đời người. Ta vào đầu này, ta ra cửa kia. Ông bà ta đã nói: sinh ký, tử qui. Sống là gởi, là tạm, chết là về. Về đâu? Về Trời, về nhà Cha, về Thiên đàng, về với Chúa. Trong bài giảng Cánh Chung, Đức Giêsu ân cần nhắc nhở chúng ta: “Hãy tỉnh thức và sẵn sàng, vì lúc chúng con không ngờ thì Con Người sẽ đến.” Dụ ngôn 10 cô trinh nữ chuẩn bị đón chàng rễ vào tiệc cưới có đánh thức những ai lơ là, khô đạo, mất niềm tin vào phần thưởng lớn lao của Nước Trời không?

- Đừng bắt chước năm cô trinh nữ dại khờ.

- Đừng bắt chước người giàu có tích trữ của cải nhiều để ăn chơi nhiều năm mà không nghĩ đến và nhận ra tối nay tôi chết.

- Đừng bắt chước người phú hộ ích kỷ, ngày ngày yến tiệc linh đình mà thiếu đức bác ái, sau khi chết chịu cực hình đời đời, không có thời gian thoát khỏi nơi khóc lóc nghiến răng.

Bốn điều sau cùng của cuộc đời, người Kitô hữu đạo đức hằng ghi nhớ và suy niệm hằng ngày:

a) Chết : Không ai tránh khỏi, không ai chạy thoát, cái chết không miễn trừ ai cả. Mọi người đều phải chết: linh mục, tu sĩ, giáo dân, tất cả loài người.

b) Chúa phán xét: Sau hơi thở cuối cùng.

+ Cái xác cứng đơ, đổi sắc, hết đẹp, hết duyên và có mùi hôi thối, sình ra, tan rã.

+ Hồn, vong linh, hương hồn: đứng trước tòa tòa phán xét, tức là trả lẽ tất cả việc làm, lời nói, tư tưởng tốt xấu và những điều thiếu sót đã làm trong thời gian còn sống ở thế gian này.

c) Thiên đàng: Sau cuộc phán xét chớp nhoáng, người lành được thưởng vào chốn hạnh phúc đời đời.

d) Hỏa ngục: Ngược lại:

+ Kẻ chưa đền bù tội lỗi, phải đền tội cho đến khi trả nợ xong

+ Nặng nhất, kẻ phải xa lìa Tình Yêu và Thánh Nhan Chúa muôn đời

Trước khi kết thúc Lá thư Mục tử, tôi gửi đến anh chị em tín hữu 2 điều: Suy tư cuộc sống và Bức gương tu đức.

a) Suy tư cuộc sống:

Đời sống con người ngắn ngủi thay

Đốt tay đếm thử bao nhiêu ngày

Dại chi lạc thú không vui hưởng

Sống chết mai ngày, có ai hay

Tôi muốn, chẳng bao giờ thực hiện

Tôi muốn, ôi khốn nạn biết bao

Tôi chẳng làm điều thiện tôi yêu

Điều ác tôi ghét, làm kỳ được

b) Bức gương tu đức: Hãy năng đọc những điều sau đây:

Ba điều dĩ vãng : - Tội đã phạm

- Việc lành đã bỏ

- Thời gian lãng phí

Ba điều hiện tại : - Đời sống ngắn ngủi

- Rỗi linh hồn là khó

- Ít kẻ được cứu độ

Bốn điều tương lai : - Chết là chắc chắn

- Phán xét nghiêm ngặt

- Hỏa ngục kinh khủng

- Thiên đàng hạnh phúc



Linh mục chánh xứ

Antôn Lương Thủ Hơn

TIN TC

GIÁO XỨ :

  • Chúa nhật Truyền giáo, cha xứ dâng thánh lễ hiệp ý cầu nguyện cho công tác truyền giáo của Giáo hội, Giáo phận, Giáo xứ.

Quyên góp tiền Truyền giáo : 5.000.000 đ

TỔNG GIÁO PHẬN :

  • Sáng ngày 5.10.2015, Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn đã đến tham dự Đại lễ kỷ niệm Khai Đạo tại Nam Thành Thánh Thất, số 124-126 Nguyễn Cư Trinh, quận I, theo Thư mời của Đạo huynh Chí Đạt, Chánh Hội Trưởng Thánh thất. Hiện diện trong buổi lễ, ngoài 6 thành viên của Ban, còn có các học viên khóa Kitô giáo và các tôn giáo khác - nhằm tìm hiểu nghi lễ của Đạo Cao Đài tại thực địa, trước khi thuyết trình cho lớp. Về phía các tôn giáo bạn, có HT. Thích Huệ Minh - Ban Trị Sự TƯ Phật giáo VN, ông Diệp Đình Hữu, Cộng đồng TG Baha'i, Tổng lý Tường Định - Minh Lý Thánh Hội, ông Huỳnh Trọng Hai - Phật giáo Hòa Hảo v.v…

  • Vào lúc 16g00 thứ Bảy, ngày 10.10.2015, trong niềm vui tạ ơn Thiên Chúa, anh chị em Liên đoàn Gia đình Hiệp Hội Thánh Mẫu gồm 10 xứ đoàn (Bắc Hà, Củ Chi, Châu Bình, Lạc Quang, Hà Nội, Mẫu Tâm, Sao Mai, Matthêu, Lộ Đức, Hồng Ân) đã tề tựu tại nhà thờ Thánh Mẫu Trung Ương, số 3-5 đường Chữ Đồng Tử, phường 7, quận Tân Bình để mừng lễ Đức Mẹ Mai Khôi: Bổn mạng Liên đoàn Gia đình Hiệp Hội Thánh Mẫu. Thánh lễ do cha Đaminh Đinh Văn Vãng (Bút hiệu LM Đan Vinh HHTM), Tổng Giám huấn Hiệp Hội Thánh Mẫu, chủ tế. Đồng tế với ngài có cha Phanxicô Xaviê Phạm Đình Triều ở Phú Yên, Giáo phận Quy Nhơn (vào gây quỹ xây nhà thờ). Tham dự Thánh lễ gồm có: quý tu sĩ nam nữ, quý khách mời, hội viên Liên đoàn gia đình HHTM, và cộng đoàn dân Chúa.

  • Thánh lễ Bế mạc Năm Thánh mừng 500 năm sinh nhật Thánh nữ Têrêsa Avila, được cử hành thật long trọng vào lúc 07g, ngày 15.10. Đức cha chủ tế Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Giáo phận Kontum. Đồng tế với ngài có 8 linh mục đến từ Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn, các dòng và các giáo xứ trong TGP SG. Tham dự Thánh lễ có quý nam nữ tu sĩ cùng bà con giáo dân từ nhiều nơi.

  • Vào lúc 7g30 ngày 17/10/2015, Cha tuyên úy sa mạc Gioan Baotixita Lê Quốc Kiệt, cùng các anh chị Huấn luyện viên Liên đoàn Anrê Phú Yên TGP Sài Gòn đã khai mạc sa mạc Lên Đường 18, đợt 2, tại giáo xứ Thánh Cẩm. Sa mạc được diễn ra trong 2 ngày 17-18/10/2015, quy tụ 61 sa mạc sinh (SMS) đến từ ba Giáo phận: Sài Gòn, Vĩnh Long và Xuân Lộc.

  •  Thánh lễ mừng kính Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, bổn mạng Caritas TGP TPHCM đã diễn ra tại nhà thờ Phú Trung, vào sáng thứ Năm ngày 22.10.2015.

GIÁO HỘI :

VIỆT NAM :

  • Tuần tin Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) các số 46, 47, 48, 49/2015 (tonggiaophansaigon.com/baiviet-tintuc).

  • Vào lúc 17g00 hôm thứ Tư 07-10-2015 (tức 12g00 giờ Roma), Phòng Báo chí Toà Thánh đã công bố thông tin về việc miễn nhiệm và bổ nhiệm giám mục cho Giáo hội tại Việt Nam như sau:

1/ Đức Thánh Cha đã chấp thuận đơn từ nhiệm giám mục giáo phận Kontum (Việt Nam) của Đức giám mục Micae Hoàng Đức Oanh, theo điều 401, §1 của Bộ Giáo luật*.

2/ Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm linh mục Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, hiện là chính xứ giáo xứ Phương Nghĩa - giáo phận Kontum, làm Giám mục chính toà giáo phận Kontum, Việt Nam.

3/ Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm linh mục Phêrô Huỳnh Văn Hai, hiện là Phó Giám đốc và giáo sư triết học tại Đại chủng viện Cần Thơ, làm Giám mục chính toà giáo phận Vĩnh Long, Việt Nam.

  • Ngày 5/10 vừa qua, Tòa Giám mục Kontum đã ra thư chất vấn “không có tự do tôn giáo” tại tỉnh Kontum vì bị bách hại đạo Công giáo của Giáo phận cùng với việc tỉnh ngăn cản không cho một cha của Dòng Chúa Cứu Thế giảng tĩnh tâm Linh mục của Giáo phận.

  • Sáng ngày 22.10.2015, nhà cầm quyền quận 2 huy động rất đông lực lượng công quyền khoảng hơn 50 người đến đập phá cơ sở trường học của các sơ Dòng Mến Thánh Gía Thủ Thiêm, đã bị buộc ‘hiến tặng’ cho nhà cầm quyền với mục đích giáo dục, nhưng không hiến đất. Đây là 1 việc làm hết sức đau buồn đối với Nhà Dòng.

  • Ủy ban Mục vụ Di dân (UBMVDD) trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam vừa gửi đến các Giáo phận nội dung văn thư số Prot. N. 8306/2015/M của Hội đồng Toà Thánh về Mục vụ cho người di dân và lưu động (PCMI) do Đức hồng y Chủ tịch Antonio Maria Vegliò và Đức cha Tổng thư ký Joseph Kalathiparambil của PCMI ký, gửi ngày 27 tháng 08 năm 2015. Văn thư này thông báo chủ đề của Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn năm 2016 sẽ được tổ chức vào Chúa nhật, 17 tháng 01: Người di dân và tị nạn chất vấn chúng ta. Lời giải đáp của Tin Mừng Lòng Thương Xót.

HOÀN CẦU :

  • Những người dùng internet với lòng hảo tâm, đã quyên tặng để giúp đỡ cậu bé khuyết tật bị liệt não Michael Keating, sau khi thấy cậu được Đức Giáo hoàng Phanxicô chúc lành trong chuyến công du Hoa Kỳ vừa qua. Đến nay đã quyên góp được 100.000 USD. Số tiền quyên góp sẽ dùng mua xe lăn cho cậu bé.

  • “Truyền thông và Lòng thương xót: một cuộc gặp gỡ sinh nhiều hoa trái” là chủ đề của Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 50 (năm 2016). Và sẽ được công bố vào ngày 24 tháng Giêng, lễ kính Thánh Phanxicô Salêsiô, bổn mạng các nhà văn và các nhà báo.

  • Các Giám mục Á châu đã thông qua và ký tên vào Thư thỉnh nguyện do Phong trào Công giáo về Khí hậu Toàn cầu đề xướng; Phong trào này là mạng lưới nối kết nhiều tổ chức nhằm gây ảnh hưởng đến Hội nghị Thế giới tại Paris về Khí hậu, sẽ được tổ chức vào tháng Mười Hai 2015.

  • Ngày 3/10 vừa qua, một ngày trước khi khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình, đã xãy ra một vụ scandal ở Vatican: Đức ông Krzysztof Charamsa, linh mục người Ba Lan, 43 tuổi, làm việc tại Bộ Giáo lý Đức tin, đã thú nhận mình là người đồng tính và hiện đang sống với một người tình. Ngay sau đó, Tòa Thánh Vatican đã sa thải Đức ông này và giao thẩm quyền cho Tòa Giám mục Pelplin, Ba Lan, xử lý.

  • Sáng Chúa nhật 04-10, Thượng Hội đồng Giám mục đã khai mạc Khoá Thường lệ thứ 14 về Gia đình với Thánh lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ tế lúc 10g tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô.

  • Sau Thánh lễ khai mạc ngày 04/10, Thượng Hội đồng Giám mục Khoá Thường lệ thứ 14 về Gia đình đã họp phiên toàn thể đầu tiên vào sáng thứ Hai 05/10 dưới sự chủ toạ của Đức Thánh Cha Phanxicô. Thượng Hội đồng Giám mục sẽ kết thúc vào ngày 25/10.

  • Bảo vệ và thúc đẩy quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo như một quyền con người phổ quát, bất khả xâm phạm và tuyệt đối cho tất cả mọi người, mọi cá nhân và cộng đồng của ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) vừa nhóm họp gần đây ở Bangkok.

  • Sáng thứ Sáu 09-10, tại phiên họp toàn thể thứ tư trong khuôn khổ Thượng Hội đồng Giám mục Khoá Thường lệ thứ 14 về Gia đình, các Nhóm nhỏ theo ngôn ngữ –tổng cộng có 13 nhóm trong 5 ngôn ngữ: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Ý– đã trình bày bản tổng hợp các ý kiến thảo luận trong nhóm theo phần thứ nhất của Tài liệu làm việc (Instrumentum Laboris) về sứ vụ của gia đình trong Giáo hội và trong thế giới ngày nay.

  • “Chúng tôi rất vui mừng vì đó là một sự công nhận và khuyến khích nền dân chủ Tunisia”: linh mục Jawad Alamat, Giám đốc toàn quốc các Hội Giáo hoàng Truyền giáo Tunisia, đã phát biểu như trên với Agenzia Fides ​​về giải Nobel Hoà bình 2015 vừa được trao cho “Bộ tứ Đối thoại Quốc gia Tunisia”.

  • Khoảng 350 linh mục đã có mặt tại Trung tâm mua sắm Gran Estación Mall ở Bogota, Colombia, để ban bí tích Hoà giải trong một chương trình mang tên “Confess-a-thon” (Tạm dịch: Giải tội đường trường) tổ chức trong hai ngày 06 và 07 tháng Mười 2015.

  • Tòa Thánh đã hoàn thành tiến trình điều tra án tuyên thánh cho Mẹ Chân Phước Têrêsa Calcutta, và việc tuyên thánh cho Mẹ có thể sẽ diễn ra vào năm tới. Các tài liệu liên quan đến tiến trình điều tra án tuyên thánh đã được trình lên Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài có thể sẽ triệu tập một công nghị các Hồng Y vào tháng Hai, 2016 để thông báo ngày giờ và địa điểm tổ chức lễ tuyên thánh cho Mẹ.

  • Ủy ban Toà Thánh Bảo vệ Trẻ vị thành niên đã kết thúc Khóa họp toàn thể lần thứ hai, bàn về việc đào tạo các ứng viên lên chức linh mục và đời sống tu trì, việc sử dụng các đánh giá về pháp y đối với những người bị cáo buộc phạm tội lạm dụng tình dục và sử dụng các tài liệu trợ giúp về phụng vụ cho việc chăm sóc mục vụ những người còn sống. Khóa họp diễn ra ở Rôma từ ngày 09 đến 11 tháng Mười, với Thánh Lễ khai mạc do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự tại Nhà nguyện của Nhà khách Santa Marta.

  • Linh mục Jacques Mourad, người bị lực lượng Daech (tức tổ chức tự xưng là Nhà Nước Hồi giáo) bắt giữ tại Syria ngày 21 tháng Năm 2015, đã trốn thoát vào hôm thứ Bảy 10 tháng Mười vừa qua. Trong một cuộc trao đổi phát trên Đài Truyền hình Công giáo Italia TV2000, cha Mourad thuộc Giáo hội Công giáo Syria, kể lại: “Tôi đã giả dạng làm một tín đồ Hồi giáo và nhờ sự giúp đỡ của một người bạn Hồi giáo, tôi dùng xe môtô trốn khỏi nơi giam giữ và chạy tới tận Zeydal, gần Homs”.

  • Sau buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật 11-10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi cầu nguyện cho Thổ Nhĩ Kỳ, nơi vừa hứng chịu vụ đánh bom kép đẫm máu ở Ankara vào ngày hôm trước, thứ Bảy 10-10.

  • Tuần báo Paris-Match số phát hành hôm thứ Năm 15-10-2015 vừa qua đã đăng bài trao đổi với Đức giáo hoàng Phanxicô. Đây là cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên của Đức giáo hoàng Phanxicô với truyền thông bằng Pháp ngữ từ khi ngài được bầu làm giáo hoàng, trong đó Đức giáo hoàng gợi lên dung mạo của đôi vợ chồng Martin đã được phong thánh vào ngày Chúa nhật 18 tháng Mười vừa qua.

  • Tại Ba Lan, một thánh tích của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II – là một giọt máu của ngài đựng trong một chiếc ống nhỏ – , đã được chính thức đặt tại nhà nguyện của Quốc hội Ba Lan vào ngày thứ Sáu 16-10-2015. Điều này đã được Thượng nghị sĩ Ba Lan Kazimierz Jaworski công bố, ngay khi khởi đầu dự án này. Đây là một sự kiện thuần túy tôn giáo. Ông Jaworski hứa rằng “chúng tôi sẽ không sử dụng việc này vào mục đích chính trị”, ông cũng nhấn mạnh rằng các thượng nghị sĩ thuộc phe đa số và phe đối lập đều tham gia vào việc quyên góp để có được thánh tích này.

  • Sáng Chúa nhật 18-10-2015, tại quảng trường Thánh Phêrô (Vatican), Đức Thánh Cha Phanxicô đồng tế với các Nghị phụ đang tham dự Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình và chủ sự nghi lễ tuyên thánh cho bốn chân phước:

. Thánh Vincenzo Grossi (1845-1917), linh mục người Italia, sáng lập Dòng Nữ tử Oratorio;

. Thánh Maria de la Purisima de la Cruz (1926-1998), nữ tu người Tây Ban Nha, bề trên tổng quyền Dòng Nữ Đoàn Thánh Giá;



. Vợ chồng Thánh Louis Martin (1823-1894), giáo dân người Pháp và Thánh Zélie Martin (1831-1877), giáo dân người Pháp. Ba mẹ của Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu.

  • Trong một tuyên bố bằng bốn thứ tiếng đưa ra vào ngày thứ Tư 21-10, cha Federico Lombardi, người phát ngôn của Toà Thánh, nói rằng thông tin cho rằng Đức Thánh Cha Phanxicô bị một khối u trong não là “hoàn toàn vô căn cứ, hết sức vô trách nhiệm và không đáng quan tâm”. Cha nói tiếp: “Đức Thánh Cha đang thực hiện chương trình làm việc dày đặc của ngài một cách hoàn toàn bình thường”. Quốc tế đã bắt đầu chú ý đến sức khỏe của Đức Thánh Cha Phanxicô, vì ngài sẽ tròn 79 tuổi vào ngày 17 tháng Mười Hai tới.

  • Hôm thứ Tư 21/10, Đức Hồng Y Reinhard Marx, Tổng Giám Mục Munich-Freising, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức phàn nàn với các ký giả rằng nhận xét gần đây của Đức Hồng Y George Pell coi đề nghị của Đức Hồng Y Walter Kasper về khả thể cho người ly dị và tái hôn được rước lễ như một trận chiến giữa những người ủng hộ Đức Hồng Y Kasper và các ủng hộ viên của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđíctô thứ 16 là vô bổ và “mâu thuẫn với tinh thần hợp tác.” Và dù muốn hay không – và không dính gì với báo chí – vấn đề được dự phần vào các phép bí tích của những người ly dị và tái hôn về mặt dân sự vẫn còn là đề tài tranh luận sôi nổi của Thượng Hội Đồng Gia đình.

  • Bạn yêu Đức Phanxicô? Vậy bạn chờ để gặp các vị tiền nhiệm của ngài… Quyển sách của Đức hồng y Timothy Dolan về ba Giáo hoàng gần đây đã được đưa lên mạng và được tải miễn phí trên trang Our Sunday Visitor: https://www.osv.com/Shop/Ebooks/dolanebook.aspx

  • Một nhóm tám tên du đảng đã phải ra tòa tại thành phố Cologne miền tây nước Đức. Những kẻ này bị cáo buộc đột nhập vào các nhà thờ và trường học để ăn trộm kiếm tiền tài trợ cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS ở Syria và Iraq. Chúng đã trộm cắp trong một khoảng thời gian bốn năm qua trước khi bị bắt.

  • Đức Phanxicô và 279 nghị phụ đã rất xúc động khi nghe câu chuyện của một giám mục kể khi cha cử hành thánh lễ rước lễ lần đầu trong một giáo xứ, một em bé lên bàn thờ nhận bánh thánh, sau đó em đã bẻ bánh làm hai và đưa cho cha mình một nửa, người cha đi theo em nhưng ông ly dị và tái hôn nên không được rước lễ. Một câu chuyện nhỏ nói lên nỗi đau của người công giáo ở trong những hoàn cảnh bất bình thường và xa cách với các bí tích. Nhất là các trẻ em của các gia đình này.

  • Đầu phiên họp khoáng đại thứ 15, lúc 4 giờ rưỡi chiều ngày 22-10-2015, Đức Thánh Cha nói: ”Tôi đã quyết định thành lập một cơ quan mới của Tòa Thánh với thẩm quyền về giáo dân, gia đình và sự sống, thay thế cho Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân và Hội đồng Tòa Thánh về gia đình. Hàn lâm viện Tòa Thánh bảo vệ sự sống sẽ gắn liền với cơ quan mới này”.

  • Để đánh dấu kỷ niệm năm mươi năm công bố Tuyên ngôn Nostra Aetate của Công đồng Vatican II về quan hệ của Giáo hội Công giáo với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn, Uỷ ban liên lạc với Do Thái giáo và Đại học Giáo hoàng Grêgôriô tổ chức một hội nghị quốc tế từ ngày 26 đến 28 tháng Mười 2015.

  • Từ ngày 25 đến ngày 30/11 tới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ có chuyến tông du ba nước châu Phi là Kenya, Uganda và Cộng hòa Trung Phi.

(Xem thêm tin tức trên các website: tonggiaophansaigon.com, hdgmvietnam.org, vi.radiovaticana.va, conggiao.info, cgvdt.vn, baoconggiao.com; ngoài ra mọi người có thể xem thêm các video clip về Đức Giáo Hoàng trên trang youtube chính thức của toà thánh Vaitcan: youtube.com/user/vatican)

GƯƠNG THÁNH NHÂN

THÁNH GIUSE NGUYỄN ĐÌNH NGHI,

Linh mục (1793 - 1840)

THÁNH PHAOLÔ NGUYỄN NGÂN

Linh mục (1790 - 1840)

THÁNH MARTINÔ TẠ ĐỨC THỊNH

Linh mục (1760 - 1840)

THÁNH GIOAN BAOTIXITA CỎN (BỐN)

Giáo dân (1805 - 1840)

THÁNH MARTINÔ THỌ (NHO)

Giáo dân (1787 - 1840)

Ngày kính 8 - 11

Thánh Martinô Thọ (Nho) (1787 - 1840). Thánh Gioan Baotixita Cỏn (Bốn) (1805 - 1840)

Tiểu sử Thánh Martinô Thọ được ghi nhớ cách đặc biệt qua những lời trăn trối với các con vào thăm trong tù. Di ngôn của ông đáng trở thành bản mẫu cho những người cha Kitô hữu trong giờ phút cuối của cuộc đời: Vừa thực tế, vừa dạt dào tình cảm, mà cũng đầy tin tưởng:

"Các con thân mến, cha không còn làm gì giúp các chúng con ở thế gian này được nữa, cha chỉ còn lo chuẩn bị tâm hồn đón nhận những thử thách cuối cùng. Ý Chúa đã muốn cha xa lìa các con mãi mãi, nhưng các con còn có mẹ, hãy cố vâng lời mẹ. Các con lớn hãy nhớ quan tâm em mình. Các con nhỏ phải biết kính trọng và vâng lời anh chị. Hãy yêu thương nhau, siêng năng làm việc đỡ đần mẹ. Nhớ đọc kinh tối sáng và lần chuỗi Mân Côi hàng ngày. Chúa trao cho mỗi người một Thánh Giá riêng, hãy vui vẻ vác theo chân Chúa và kiên trung giữ đạo".

Martinô Thọ sinh khoảng năm 1787 tại làng Kẻ Báng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông tên thật là Nho, còn Thọ là tên người con thứ chín. Tuy gia đình đông con, nhưng ông đã khéo léo giáo dục chúng bằng đời sống gương mẫu của chính mình.

Dân trong làng biết ông ngay thẳng, nên cử ông phụ trách việc thu thuế đinh. Ông sống rất thanh liêm, không nhận hối lộ, không ăn chận của ai, cũng không qùy lụy cấp trên, cứ theo lẽ công mà làm nên rất có uy tín. Ngoài ra, ông Thọ còn thức khuya dậy sớm lao động như mọi người, vừa làm ruộng, vừa ươm tơ nuôi tằm.

Ông thường khuyên các con: "Sống công bằng thôi chưa đủ, phải có bác ái nữa, mà muốn thực thi bác ái phải có điều kiện". Dành dụm được chút nào, ông giúp đỡ người nghèo, hoặc góp phần vào việc chung, trong làng, trong giáo xứ. Nhà ông luôn mở rộng cửa tiếp đón các linh mục đến giáo xứ làm việc. Ông không sợ chết, lại còn tỏ ra muốn được chết vì đạo nữa.

Năm 1838, khi nghe tin hai ông Trùm Đích và ông Lý Mỹ bị xử trảm tại pháp trường Bẩy Mẫu, ông thu xếp công việc đến viếng xác, và về nhà dặn dò con cái : "Các con yêu dấu, nếu Chúa cho cha theo chân hai đấng ấy, các con hãy vui lòng. Phần các con, nếu bị bắt, hãy can đảm giữ vững đức tin".

Còn đối với ông Gioan Cỏn, việc tử đạo là biến cố ông hân hoan hằng mong đợi. Trên đường ra pháp trường, ông vẫn tười cười chào giã biệt mọi người dù quen hay không. Khi thấy một người đang khóc thương mình, ông dừng lại nói : "Sao anh lại khóc, lẽ ra phải mừng cho tôi chứ ?" Có lẽ ông đã thấy cửa Thiên Đàng đang rộng mở đón tiếp mình.

Gioan Cỏn sinh năm 1805 tại làng Kẻ Báng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định và có họ hàng với ông Martinô Thọ. Ông sống bằng nghề nông, cầy sâu cuốc bẫm, chân lấm tay bùn, gia đình tuy nghèo nhưng luôn thuận hòa ấm êm, là một tín hữu sáng suốt và nhiệt thành, ông Cỏn ý thức phải đem Tin Mừng thánh hóa mội trường mình đang sống. Ông đã thành công trong vụ kiện một người Lý trưởng cậy thế chiếm đoạt tiền của dân chúng.

Từ sau vụ kiện đó, uy tín ông càng ngày càng gia tăng cho đến khi ông được dân tín nhiệm đề cử làm Lý trưởng. trong chức vụ ấy, ông hết lòng tận tụy với việc chung. Tuy nhiên do bạn bè lôi kéo, ông thường bê trễ trong các sinh hoạt tôn giáo. Bù vào đó, ông rất sẵn lòng phục vụ anh em vì đạo. Có lần ngay giữa đêm khuya, ông lặn lội mưa gió mời linh mục đến giúp một bệnh nhân hấp hối.

Khi vua Minh Mạng ra lệnh truy nã các thừa sai và linh mục, ông Cỏn bố trí xếp đặt cho các vị đến ẩn trong làng. Ông bị bắt vì tội chứa chấp các đạo trưởng : Cha già Thịnh ở Kẻ Trình bị bệnh nặng và không có chỗ chữa trị, ông Cỏn đón về để cha ở trong nhà cháu mình, để dễ dàng chăm sóc thuốc thang.

Ngày 30.5.1840, nghe báo tin ở làng Kẻ Báng có linh mục, quan Tổng đốc Trịnh Quang Khanh đưa hàng ngàn lính về bao vây làng. Ông chia lính thành những tốp 10 người đi sục sạo hết các xó xỉnh, các bụi rậm. Sau hai ngày lục soát họ bắt được ba linh mục: cha Nghi, cha Ngân và cha Thịnh. Ông Thọ và ông Cỏn cũng bị bắt vì tội chứa chấp đạo trưởng. quan lệnh đóng gông và giải tất cả về tỉnh Nam Định.

Một tháng đầu quan bỏ lơ không nói gì đến. Sau đó, cho gọi ra bắt bước qua Thập Giá, các ông không chịu, quan truyền đánh mỗi người 50 roi, rồi bắt phơi nắng cho đến tối không được ăn uống gì cả. Lần khác, quan lại gọi ra và dụ dỗ : "Cứ đạp đi rồi xưng tội là khỏi tội thôi mà". Hai ông vẫn từ chối. Trịnh Quang Khanh liền cho lính nắm gông khiêng các ngài qua ảnh chuộc tội. Hai ông co chân lên và khẳng khái tuyên bố : "Đạo tại tâm. Quan lớn cưỡng bách mà lòng chúng tôi không thuận thì chẳng mắc tội gì".

Thế là quan nổi giận, nảy ra một sáng kiến kinh dị : Khi ba vị linh mục cùng bị bắt vừa chịu tra tấn, máu me loang lổ khắp mình, quan bắt hai ông hoặc liếm máu nơi các vết thương ấy, hoặc bỏ đạo. Hai ông liền quỳ xuống thực hiện điều quan yêu cầu một cách cung kính. Trịnh Quang Khanh vừa rùng mình, vừa kinh ngạc nói với các quan: "Xem kìa ! Bọn chúng kính trọng các đạo trưởng biết bao ! Chẳng lẽ chúng bị bỏ bùa mê sao.” Rồi ông truyền đem trói hai ông lại, bắt quỳ trên cát giữa trời nắng gắt suốt ngày.

Một lần quan tra hỏi về các thừa sai, ông Thọ trả lời : "Thưa quan, tôi có biết Đức cha Giacôbê, nhưng ngài đã qua đời, còn các thừa sai khác vua bắt hết rồi, còn đâu ? Hơn nữa chúng tôi ở trong tù làm sao biết các vị ấy ở đâu được ?". Tức giận, quan cho lính hôm đó tự do đánh đập tùy thích. Ông Cỏn chịu được 61 roi thì kiệt sức, máu miệng trào ra, được quân lính khiêng về trại. Còn ông Thọ bị đánh đúng 150 roi. Về sau ông nói với con cái rằng : "50 roi đầu đau đớn khôn tả, còn 100 roi sau, nhờ ơn Chúa, cha thấy nhẹ nhàng như gió thoảng qua vậy".

Quan thấy hình khổ không làm cho các ông xiêu lòng, nên cho lệnh bắt vợ con để áp lực, buộc các ông bỏ đạo. May mắn hai ông biết trước, vội nhắn tin cho gia đình lẩn tránh nơi khác. Tuy thế, quan vẫn nói với các ông: "Nếu ta đưa vợ con các ngươi đến đây để giết thì các ngươi có chịu bỏ đạo không?".

Ông Cỏn đáp: "Thưa quan, cửa nhà vợ con đều do Chúa ban, chúng tôi chẳng có gì tiếc xót cả. Nếu vợ con tử đạo, chúng tôi càng mong ước về Thiên Đàng". Ông Thọ nói thêm: "Gông cùm và roi vọt của quan là hai cánh đưa chúng tôi bay về Thiên Quốc".

Nghe thế, quan càng giận dữ hành hạ ác liệt hơn nữa : Ban ngày phơi nắng, ban đêm bắt nằm ngoài cống rãnh nước thải của trại tù, và bớt phần ăn suốt tuần lễ. Đến ngày thứ bảy, cô Thuyên con gái ông Thọ tìm cách vào thăm cha. Thấy cha nằm dài bất tỉnh, cô lấy nước rót vào miệng, nhưng phải khá lâu ông mới hồi tỉnh nhận ra con mình. Lần khác, khi gặp lại con cái, ông nói với các con những lời dặn dò sau hết.

Bản án trảm quyết gởi vào kinh đô và được vua Minh Mạng ký duyệt. Ngày 06.11, các ông biết tin, tìm cách gặp các cha cũng bị bắt để xưng tội và chuẩn bị tâm hồn. Ngày 08.11.1840, cùng với ba vị linh mục, hai ông bị điệu ra pháp trường Bẩy Mẫu. Dọc đường hai vị vẫn tươi cười chào hỏi mọi người. Đến nơi, hai ông quỳ cầu nguyện một lát, rồi đưa tay cho quân lính trói vào cọc.

Theo lệnh quan, lý hình vung gươm, đưa các ngài về Quê Hương mong ước. Một vị 35 tuổi, một vị 53 tuổi, từ nay mãi mãi bên nhau trong vinh quang bất diệt. Thi hài hai đấng tử đạo được đưa về an táng ở xứ Kẻ Báng.



Thánh Phaolô Nguyễn Ngân - Linh mục (1790 – 1840)

Điều bận tâm nhất trong đời linh mục của Thánh Phaolô Ngân là theo gương Đức Giêsu, vị mục tử nhân hiền. Trong thời bách hại, cha thường than với mọi người rằng: "chủ chăn khó đi tìm chiên lạc, khó biết tin từng con một quá…". Cha thường tỏ ra tiếc vì hoàn cảnh không săn sóc kỹ lưỡng từng tín hữu của mình được. Phaolô Nguyễn Ngân sinh năm 1790 tại họ Cự Khanh, tỉnh Thanh Hóa. Cậu đi tu từ nhỏ, đến khi vào chủng viện thì học cùng lớp với cha Nghi. Sau khi thụ phong linh mục, cha về giúp xứ Phúc Nhạc, phụ trách luôn họ Duyên Mậu và các họ lẻ chung quanh. Được ít lâu cha bị sốt rét nên phải nghỉ và dạy học ở chủng viện Vĩnh Trị được bẩy năm. Khi khỏi bệnh, cha phụ trách xứ Trình Xuyên ba năm nữa. Cuối cùng về làm phó xứ Kẻ Báng giúp cha Nghi mới được khoảng một năm thì bị bắt.



Thánh Giuse Nguyễn Đình Nghi - Linh mục (1793 - 1840)

Đọc lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu theo Thánh Gioan, ta thấy : khi thuộc hạ các thượng tế đến bắt Đức chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu, ngài nói với họ : "Tôi đã bảo với các anh là chính tôi đây. Vậy nếu các anh tìm bắt tôi thì hãy để cho những người này đi".

Thế là ứng nghiệm lời Ngài đã nói : "Những người cha đã trao phó cho con, con không để thất lạc một ai"(Ga. 18, 8-9). Đó là điều cha Giuse Nguyễn Đình Nghi hằng suy niệm trong thời bách hại. Lúc nào trong người cha cũng mang sẵn một vài nén bạc, để nếu bị bắt ở nhà người khác thì có tiền chuộc chủ nhà. Cha sẵn sàng hy sinh tử đạo nhưng không muốn liên lụy đến ai.

Giuse Nguyễn Đình Nghi sinh năm 1793 tại xứ Kẻ Vồi, huyện Thượng Phúc, nay thuộc Hà Nội, trong một gia đình trung lưu. Ngay từ nhỏ, cậu Nghi đã dâng mình cho Chúa, sống với cha Liêm ở xứ Kẻ Vồi. Học xong trường thày giảng, thày lại trở về giúp xứ nhà. Các cha thấy thày thông minh hiền hậu, nên cho theo thần học, và năm 30 tuổi, thày Nghi thụ phong linh mục. Đức cha Havard Du bổ nhiệm cha làm phó xứ Sơn Miêng một năm, phó xứ Kẻ Vạc bốn năm, rồi phụ giúp cha Khoan ở xứ Phúc Nhạc. Do khả năng quản trị, ngài được về làm cha sở xứ Đa Phạn khoảng mười năm. Cuối cùng đang làm cha xứ Kẻ Báng thì bị bắt.

Cha Nghi có nếp sống rất đạo hạnh, chuyên chăm việc giảng dạy và siêng năng ngồi tòa giải tội. Cha có biệt tài giúp tội nhân thống hối, hoán cải. Cha ăn chay nhiều ngày cách nghiêm ngặt, cha thày giảng lo cho sức khỏe, phải can gián cha nhiều lần. Tính tình cha hòa nhã vui vẻ, nhanh nhẹn hoạt bát, nhất là thông thạo luật đạo đời, nên trong giao tế, cha được mọi người kính trọng mến yêu. Lương dân chung quanh thường đồn đãi với nhau là: Nếu ông này không đi tu chắc làm quan lớn lắm…

Trong những năm vua Minh Mạng cấm đạo, cha biểu lộ niềm mong ước tử đạo, nhưng ngài nói: "Tôi mong sẽ bị bắt ở đồng vắng, để không hại đến anh chị em tín hữu". Khi đi làm mục vụ, cha cẩn thận mang theo ít tiền để chuộc chủ nhà, nếu không may bị bắt.



Thánh Martinô Tạ Đức Thịnh - Linh mục (1760 - 1840)

Sau 80 năm phụng sự Chúa, tóc đã bạc, chân mỏi, sức hầu cạn, cộng với cơn bệnh đang dằn vặt trong mình, cha Martinô Thịnh vẫn cảm thấy phải dâng hiến cho Chúa phần còn lại là chính mạng sống để làm chứng cho Người. Tuy có thể thoát thân trong cuộc truy lùng, cha đã trả lời cho người lính hỏi: "Ông có phải là đạo trưởng không", bằng lời xác nhận "Phải tôi đây". Lời xác nhận đó đưa cha đến chỗ chết, nhưng cũng đưa cha lên đài vinh quang cho muôn đời noi gương.

Martinô Tạ Đức Thịnh sinh năm 1760 tại làng Kẻ Sét, huyện Thanh Trì, nay thuộc khu vực Hà Nội, trong một gia đình nề nếp. Năm 18 tuổi, gia đình định cho anh kết duyên với một thiếu nữ thùy mỵ, duyên dáng và đạo hạnh, nhưng anh xin hoãn lại để suy nghĩ, và cuối cùng quyết định xin đi tu dâng mình cho Chúa.

Thày Thịnh thụ phong linh mục trong thời Cảnh Thịnh cấm đạo. Cha làm bí thư cho Đức cha Giacôbê Longer Gia một thời gian, đã tháp tùng Đức cha đến yết kiến vua Gia Long về đăng quang tại Thăng Long năm 1803.

Theo sự bổ nhiệm của Đức Giám mục, cha phục vụ tại nhiều giáo xứ: trước tiên là Cửa Bạng rồi Đồng Chuối, sau về xứ Nam Sang phục vụ hai mươi năm liền. Cuối cùng, làm cha sở xứ Kẻ Trình khi đó cha đã 80 tuổi. Ngài là một người cha già, đạo đức, hiền lành, được tất cả các tín hữu kính nể và yêu mến.

Một hôm cha bị nhọt ở má, rồi lở miệng, nửa hàm răng bị mưng mủ và đau nhức khôn tả. Ông Cỏn lên thăm, thấy tình cảnh cha như vậy liền rước cha về nhà cháu ở xứ Kẻ Báng để chăm sóc chữa trị. Được độ tám tháng, cha bị bắt cùng hai cha Nghi và Ngân.



Каталог: sites -> default -> files -> Documents -> 201510
Documents -> Ban biên tập báo mẹ hiềN
Documents -> TỔng giáo phận thành phố HỐ chí minh bản tin họ ĐẠo jeanne d’arc (NGÃ SÁu chợ LỚN) : 116a hùng Vương, Phường 9, Quận 5
Documents -> TỔng giáo phận thành phố HỐ chí minh bản tin họ ĐẠo jeanne d’arc
Documents -> TỔng giáo phận thành phố HỐ chí minh bản tin họ ĐẠo jeanne d’arc
Documents -> TẬp san hiệp sống tin mừng tháng 12. 2015 TƯ liệu học tập của hiệp hội thánh mẫu lưu hành nội bộ NỘi dung
Documents -> KÕt cÊu bª t ng Vµ bª t ng cèt thÐp L¾p ghÐp
Documents -> TỔng giáo phận thành phố HỐ chí minh bản tin họ ĐẠo jeanne d’arc
Documents -> Ban biên tập báo mẹ hiềN
201510 -> PHÚt suy niệm tháng 11 tháng cầu cho các tín hữU ĐÃ qua đỜI. Ý cầu nguyện : Ý chung
201510 -> Hạnh Các Thánh – Tháng 11 1/11 – Lễ các Thánh

tải về 0.57 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương