Bán nguyệt san – Số 230 – Chúa nhật 31. 08. 2014



tải về 0.55 Mb.
trang1/6
Chuyển đổi dữ liệu13.08.2016
Kích0.55 Mb.
#18194
  1   2   3   4   5   6


Bán nguyệt san – Số 230 – Chúa nhật 31.08.2014


Giáo sĩ: ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI VÀ CHO LOÀI NGƯỜI (x. Dt, 5.1)

www.conggiaovietnam.net giaosivietnam@gmail.com




MỤC LỤC

Sắc Lệnh Về Hiệp Nhất Unitatis Redintegratio …………………………………………… Vatican 2

ĐỨC GIÊSU TIÊN BÁO KHỔ NẠN LẦN THỨ NHẤT ………………… Lm FX Vũ Phan Long, ofm

THEO CHÚA THÌ PHẢI VÁC THÁNH GIÁ ………………………. Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD.

QUÁ KHỨ VÀ TƯƠNG LAI CỦA MỘT VỊ THÁNH …………………... Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển

TẠI SAO PHẢI THỰC SỰ KHÓ NGHEO VÀ CÔNG BẰNG ĐỂ RAO GIẢNG CHÚA KITÔ CÁCH HỮU HIỆU CHO NGƯỜI KHÁC ? ………………………………………… Lm. PX. Ngô Tôn Huấn

TẠI SAO LẠI GỌI LÀ DÒNG TÊN? ………………………………………… Lm. Ng Ngọc Thế, SJ.

Giới thiệu sách Lời Kinh và Ý Nghĩa (Giải thích các từ cổ trong sách kinh) ………………………………………………………. Nữ tu Marie Thérèse Bùi Thị Minh Thùy, OP.

GA 19,35; 21,24. LỜI CHỨNG CỦA MÔN ĐỆ ĐỨC GIÊ-SU YÊU MẾN TRONG TIN MỪNG GIO-AN ………………………………………………………………… Lm. Jos. Lê Minh Thông, OP.

CUỘC CHIẾN THIÊNG LIÊNG THEO THÁNH KINH, TRONG HỘI THÁNH & NƠI CÁC THÁNH - ONWARD CATHOLIC SOLDIER …………………………………….. Lm. Minh Anh chuyển ngữ

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN TÌNH CẢM VÀ TÍNH DỤC CỦA LINH MỤC - Thường Huấn Linh Mục Trẻ Huế (Ngày 3/6/2014) ……………………… Lm. Micae Phaolo Trần Minh Huy, pss.

CAO NIÊN MÀ PHONG ĐỘ ……………………………………………. Bác sĩ Nguyễn Ý Đức, MD.

CHỒNG LƯỜI ……………………………………………………… CHUYỆN PHIẾM CỦA GÃ SIÊU

Sắc Lệnh Về Hiệp Nhất Unitatis Redintegratio

 Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Sắc Lệnh Về Hiệp Nhất

Unitatis Redintegratio

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia



 

Lời Giới Thiệu

 

Sắc Lệnh này ghi dấu một thời điểm quan trọng trong lịch sử Kitô giáo. Khi Ðức Gioan XXIII loan báo triệu tập một công đồng chung, ngài đã nhắm đến nguyên nhân của việc hiệp nhất. Ðể đạt mục tiêu đó, ngài thiếp lập Văn Phòng Hiệp Nhất các Kitô hữu (ngày 5 tháng 6 năm 1960). Người ta có thể nhận ra rằng chiều theo ý định của Ðức Giáo Hoàng, nhiều lược đồ tiền công đồng đã đề cập thẳng đến vấn đề hiệp nhất các Kitô hữu. Lược đồ về Giáo Hội có chương XI nói về hiệp nhất. Ủy ban về các Giáo Hội Ðông Phương khởi thảo một lược đồ nhằm việc nối kết các Giáo Hội Ðông Phương ly khai với Giáo Hội Công Giáo. Văn Phòng Hiệp Nhất các Kitô hữu cũng đã soạn sẵn một lược đồ nghiêng về mục vụ. Trong kỳ họp I, Công Ðồng quyết định chỉ soạn thảo một sắc lệnh về Hiệp Nhất dưới sự giám sát của Văn Phòng Hiệp Nhất. Chính lúc ấy, chương XI chỉ đề cập đến các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương.



Lược đồ nhất thống về Hiệp Nhất đã được đệ trình trong kỳ họp II của Công Ðồng. Lược đồ gồm 5 chương:

I. Các nguyên tắc Công Giáo về Hiệp Nhất.

II. Cách tham dự phong trào Hiệp Nhất.

III. Các Kitô hữu ly khai với Giáo Hội Công Giáo.

IV. Những tương giao giữa người Công Giáo với người ngoài Kitô giáo, đặc biệt với người Do Thái.

V. Tự do tôn giáo.

Lúc ấy hai chương cuối cùng do hai tiểu ban của Văn Phòng Hiệp Nhất đảm trách. Nhưng chẳng bao lâu các Nghị Phụ đã đi đến kết luận là phải bàn luận hai vấn đề này trong những văn kiện riêng biệt. Như thế, lược đồ mới chỉ gồm ba chương đầu cộng thêm lời mở. Sự phân chia này đã được duy trì trong bản văn cuối cùng.

Lược đồ này được tranh luận từ 5 đến 7-10-1964. Theo thỉnh nguyện của các Nghị Phụ, nhiều đề nghị tu chỉnh đã được thêm vào lược đồ bản văn hiệu chính. Ðáng lẽ lược đồ được biểu quyết ngày 20-11-1964. Nhưng trước ngày ấy, vị Tổng Thư Ký của Công Ðồng, Ðức Cha P. Felici, loan báo rằng có 19 điểm đổi thay đã được hoàn thành vào giờ chót theo yêu cầu của một thẩm quyền cao cấp. Vì thế vấn đề biểu quyết lược đồ được hoãn lại. Quả thực, Ðức Giáo Hoàng đã đề nghị một loạt các tu chính án; trong số đó, hội đồng thu hẹp của Văn Phòng Hiệp Nhất đã giữ lại 19 điểm. Do đó, các Nghị Phụ đã biểu quyết sắc lệnh ngày 21-11-1964 với 2,137 phiếu thuận,11 phiếu chống. Cũng chính hôm ấy, Ðức Phaolô VI đã phê chuẩn và công bố sắc lệnh này.

Sắc Lệnh mang tựa đề "Về Hiệp Nhất". Hiệp Nhất là gì? Chúa Giêsu Kitô đã chỉ sáng lập một Giáo Hội và Người đã muốn tất cả các môn đệ kết hiệp với nhau trong Giáo Hội duy nhất ấy. Trước ngày tử nạn, Người đã khẩn thiết nguyện cầu cho việc hiệp nhất này: "Xin cho tất cả nên một" (Gio 17,21). Nhưng qua bao thế kỷ, đã xảy ra nhiều cuộc phân rẽ đau thương. Một số lớn các Giáo Hội Ðông Phương đã tách lìa khỏi Roma. Vào thế kỷ XVI, nhiều miền đã biến thành Tin Lành. Ở thế kỷ hiện tại của chúng ta, người ta mới ý thức hơn về những phân rẽ này. Nhiều người đã suy tưởng lại lời nguyện của Chúa Giêsu cũng như nghĩ đến việc cứu vãn mối bất hòa ly tán giữa các Kitô hữu. Vậy người ta đã gọi "Hiệp Nhất" là tất cả mọi nỗ lực trong những giáo phái Kitô giáo khác nhau, nhằm mục đích kết hiệp cộng đoàn Kitô hữu đang bị phân rẽ. Danh từ Hiệp Nhất phát sinh từ tiếng Hy Lạp "Oikoumene"; thời xưa, chữ này biểu thị một Giáo Hội phổ quát lan rộng khắp hoàn cầu. Như thế, Hiệp Nhất có nghĩa là ước muốn và nỗ lực đạt đến việc liên kết mọi Kitô hữu nên một trong Giáo Hội phổ quát của Chúa Kitô. Công cuộc hiệp nhất này đặt nền tảng trên khát vọng sâu xa của tất cả Kitô hữu thiện chí nhằm thể hiện sự hiệp nhất toàn vẹn mà Chúa Giêsu Kitô đã mong muốn. Phong trào hướng về hiệp nhất đã khởi sinh trước tiên giữa lòng các giáo phái Tin Lành. Phong trào nầy đã mặc một hình thức rất cụ thể khi "Hội Ðồng hiệp nhất các Giáo Hội" được thành lập năm 1948 tại Amsterdam. Người Công Giáo đã tham dự vào phong trào bằng tuần Bát Nhật cầu nguyện cho hiệp nhất các Kitô hữu (từ ngày 18 đến 25 tháng giêng mỗi năm). Ngoài sự tham gia đó, người ta đã không thể nói đến một phong trào hiệp nhất trong Giáo Hội Công Giáo, mặc dù các Ðức Giáo Hoàng đã nhiều lần mời gọi những cộng đoàn ngoài Kitô giáo hãy đến với Giáo Hội phổ quát. Chắc hẳn có nhiều người Công Giáo, với tư cách cá nhân, đã hoạt động cho việc hiệp nhất các Kitô hữu, như cha Paul Couturier (+1953) và cha Lambert Beaudoin dòng Benedictô (+1960). Dầu vậy, phong trào hiệp nhất nơi những người Công Giáo trước tiên đã nhờ vào hoạt động của Văn Phong Hiệp Nhất các Kitô hữu rất nhiều. Hơn nữa, công cuộc chuẩn bị Sắc Lệnh về Hiệp Nhất và chính sự tán dương của Công Ðồng Vaticanô II đã góp phần dồi dào vào việc đào luyện tâm thức hiệp nhất cho toàn thể các Giám Mục Công Giáo. Sắc Lệnh được Công Ðồng phê chuẩn, sự kiện nầy là một biểu hiện sáng chói của tâm thức ấy.

Từ đó, chúng ta có thể thẩm định tầm quan trọng của Sắc Lệnh về Hiệp Nhất. Quả thực, theo ngôn từ của Ðức Hồng Y Bea, Sắc Lệnh đã biểu lộ lập trường chính thức của quyền tối cao trong Giáo Hội Công Giáo trước vấn đề hiệp nhất các Kitô hữu nói chung và trước phong trào hiệp nhất nói riêng. Sắc Lệnh không chỉ trình bày một giáo thuyết, nó còn là một hành động: qua Sắc Lệnh đó, Công Ðồng đã ủy thác cho Giáo Hội Công Giáo nhiệm vụ hiệp nhất. Sắc Lệnh đã tạo nên một bầu khí Kitô giáo đầy tình huynh đệ giữa những phần tử của Giáo Hội Công Giáo và các anh em ngoài Công Giáo. Nó còn là khởi điểm cho nỗ lực hiệp nhất của Giáo Hội Công Giáo sau Công Ðồng.

Sắc Lệnh nhấn mạnh một số điểm quan trọng đối với phong trào hiệp nhất. Tất cả những ai đã được rửa tội đều kết hiệp với Chúa Kitô và thật sự là anh em với nhau trong Người. Qua phép Rửa Tội, họ cũng hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo một cách nào đó, cho dù mối thông hiệp này chưa toàn hảo. Những Kitô hữu ngoài Công Giáo cũng thừa hưởng các sản nghiệp phong phú đích thực về chân lý và ân sủng. Chúa Thánh Thần sử dụng các cộng đồng Kitô giáo khác nhau như những khí cụ ân sủng. Cho nên, những hành vi thánh mà họ thực hiện có thể làm nẩy sinh và tăng triển đời sống ân sủng của họ. Vậy nên Sắc Lệnh công nhận rằng: tín đồ của những cộng đồng ly khai này có khả năng đạt được ơn cứu rỗi. Tuy nhiên, Sắc Lệnh không che dấu những gì tách biệt chúng ta khỏi các anh em Kitô hữu không Công Giáo. Họ không thừa hưởng sự hiệp nhất trọn vẹn mà Chúa Giêsu Kitô đã muốn ban phát cho tất cả những ai Người đã sinh thành và bồi dưỡng trong chính một thân thể. Vì thế, họ không hưởng thụ hết tất cả những kho tàng thiêng liêng Chúa Kitô đã ký thác trong Giáo Hội Người. Sau hết, Sắc Lệnh vạch ra một chương trình hành động hiệp nhất bao la. Kế hoạch này mở nhiều viễn ảnh rộng lớn và cống hiến một sự chọn lựa đề mục thật phong phú để đối thoại với những anh em ly khai của chúng ta. Một nhận xét về cách dụng ngữ của Sắc Lệnh có thể thật hữu ích. Thông thường, danh từ "Hiệp Thông" chỉ định những cộng đồng Kitô ngoài Công Giáo, không phân biệt Ðông Phương ly khai, Anh Giáo hay Tin Lành và không thẩm định giá trị tín lý của những cộng đoàn khác nhau này. Danh từ "Giáo Hội" thỉnh thoảng được áp dụng cho những cộng đoàn đông phương ly khai, những cộng đoàn quả thực có cơ cấu của một Giáo Hội. Lúc đề cập đến anh em Tin Lành, Sắc Lệnh nói đến những Giáo Hội và những "cộng đoàn" giáo hội. Những kiểu danh xưng ấy lúc đó hiểu theo một nghĩa rộng. Bởi lẽ, theo nghĩa hẹp, danh từ Giáo Hội dường như dòi buộc một cơ cấu bí tích và phẩm trật; cơ cấu nầy, nói cho đúng, không thấy có nơi những anh em Tin Lành. Hơn nữa, có vài nhóm Tin Lành từ khước danh hiệu "Giáo Hội" ấy. Vì thế "Cộng Ðoàn Giáo Hội" muốn diễn tả những cộng đoàn tín hữu có vẻ tương tự với một Giáo Hội: đó là một từ ngữ khá mơ hồ.

VỀ MỤC LỤC

ĐỨC GIÊSU TIÊN BÁO KHỔ NẠN LẦN THỨ NHẤT

Nguồn http://kinhthanhvn.org/viewItem.jhtml?itemId=9036

Ngày 31-8-2014: (Mátthêu 16,21-27 – CN XXII TN - A)

Khi phải đối đầu với đau khổ, Phêrô suy nghĩ như “loài người”, tức là duy lý, ích kỷ, đi từ một tình yêu loài người. Đức Giêsu trả lời bằng một kiểu đối lập sắc bén.


Lm FX Vũ Phan Long, ofm


 

1.- Ngữ cảnh
Lời tiên báo đầu tiên về Thương Khó được trực tiếp nối kết với “cuộc thẩm vấn” Xêdarê Philipphê (cc.13-16.20), nhất là với câu trả lời của các môn đệ. Tâm trí của các ông hình như đang hướng về một lý tưởng thiên sai trần thế và có tính quốc gia. Lúc đầu Đức Giêsu đã yêu cầu các ông phải giữ kín (c. 20), còn bây giờ Người bắt đầu vén mở cho các ông thấy số phận bi đát đang chờ đợi Người. Cứ cho đi là cuối cùng cũng đi đến mục tiêu mà họ đang hết sức khao khát (x. 17,4; 20,20-28), nhưng con đường đưa tới đó lại hoàn toàn đi ngược lại mọi cách nhìn và mọi sự chờ đợi của các ông. Công thức “Từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu …” được tác giả dùng hai lần để đánh dấu hai phần lớn của tác phẩm (4,17; 16,21): ở đây, công thức ấy cho thấy một khúc quanh trong cuộc đời hoặc trong sinh hoạt của Đức Giêsu.

Trong phép rửa của Đức Giêsu, Chúa Cha đã cho thấy Người là tôi tớ (3,17 dựa theo Is 42,2). Trong các cám dỗ, Đức Giêsu đã chứng tỏ Người đi theo hướng làm Mêsia khiêm nhường (4,1-11). Khi giảng Bài Giảng trên núi, Người đã chúc phúc cho những người nghèo (5,2). Khi trả lời cho các sứ giả của Gioan Tẩy Giả, Người đã ám chỉ Người là Đấng Mêsia của người nghèo (11,5), của những người đau khổ phiền sầu (11,28-30). Thất bại của sứ vụ Galilê không tiên báo một tương lai màu hồng. Nhưng các tông đồ không để ý đến các hoàn cảnh đó, cũng như không quan tâm đến những ám chỉ hoặc những tuyên bố rõ ràng của Đức Giêsu. Các ông chờ đợi mọi sự, trừ những gì phải xảy ra thật sự. Các câu trả lời ở Xêdarê Philípphê cho thấy tâm trí các ông vẫn còn đang hướng về các lý tưởng vinh quang và uy hùng trần thế.



2.- Bố cục
Bản văn này có thể chia làm ba phần:

1) Đức Giêsu tiên báo cuộc Thương Khó (16,21):

            a) Khúc quanh quan trọng (c. 21a),

            b) Mô tả chi tiết tương lai đang chờ Người tại Giêrusalem (c. 21b);

2) Phêrô ngăn cản Đức Giêsu đi vào Khổ Nạn (16,22-23):

a) Phêrô ngăn cản Đức Giêsu (c. 22),

b) Đức Giêsu xác định vị trí của Phêrô (c. 23).

3) Đức Giêsu giáo huấn về đời môn đệ (16,24-27):

            a) Quy luật tổng quát của đời môn đệ (c. 24),

            b) Nghịch lý “cứu – mất” (c. 25),

            c) Một suy tư mục vụ: nên khôn ngoan cân nhắc mà chọn lựa (c. 26),

d) Một biến cố tương lai, “Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang”: nên khôn ngoan cân nhắc mà chọn lựa (c. 27).



3.- Vài điểm chú giải
- Từ lúc đó (21): Công thức này đánh dấu hai phần lớn của Tin Mừng Mt: phần một là 4,17–16,20 được dành để nói về Nước Trời; phần hai là 16,21–28,20 được dành cho Con Người trên đường đi tới Thương Khó và Phục Sinh. Công thức “Từ lúc đó, Người bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết” cho thấy tất cả mức hệ trọng của quyết định Đức Giêsu đã lấy và mối nguy hiểm mà Người đang đi vào.

- tỏ cho biết (21): Tác giả không dùng động từ “giảng dạy” (didaskô; x. Mc 8,31), vì ngài coi động từ này ưu tiên diễn tả giáo huấn luân lý.

- Người phải đi (21): Động từ “phải” (Hy Lạp dei = cần thiết) có ý nói đây là một điểm thuộc ý muốn, hoặc chương trình của Chúa Cha.

- đi Giêrusalem, chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại (21): Đức Giêsu mô tả chi tiết chương trình Người đang đi vào. Điều này cho thấy Người biết trước và Người làm chủ tình hình. Bị giết chết (apoktanthênai, aor. inf. pass. apokteinô) và … sống lại (egerthênai, aor. inf. pass. egeirô): Đây là những động từ ở thái bị động cho thấy Đức Giêsu không chủ động, nhưng là các thủ lãnh Do Thái, hoặc nói cho cùng, là chính Thiên Chúa.

- ngày thứ ba (21): có nghĩa là một thời gian ngắn. 

- Phêrô liền kéo riêng … bắt đầu trách … (22): Phản ứng của Phêrô cũng là phản ứng của sự khôn ngoan loài người khi đứng trước sứ điệp về thập giá. Vị tông đồ muốn có sự thoả hiệp, sự thích nghi, chấp nhận buông xuôi theo những áp lực của tính ích kỷ hoặc của quyền lực. Mới đây còn là gương mẫu của người tin (16,17), nay ông thành người tiếp tay cho Satan, bởi vì ông đã đề nghị cho Đức Giêsu một con đường như Tên Cám Dỗ đã đề nghị (4,1-11).

- Anh cản lối Thầy (23): dịch sát “Anh đang trở thành tảng đá làm cho Thầy vấp”. Mới đây là “tảng đá trên đó Thầy sẽ xây Hội Thánh”, bây giờ Phêrô thành tảng đá “cản lối Thầy [làm cho Thầy vấp]”. Thật ra, tảng đá xây Hội Thánh không phải là bản thân bác thuyền chài Simôn, mà là niềm tin của ông đặt nơi Đức Giêsu. Thiếu niềm tin này, tất cả công việc của ông đều sụp đổ.  

- từ bỏ chính mình (24): có nghĩa là bỏ đi cả những khát vọng, những đòi hỏi chính đáng của mình mà nhận lấy khát vọng và đòi hỏi của kẻ khác. Tức là không phải chỉ chiến thắng các cám dỗ, mà còn bỏ ra sau những quyền lợi chính đáng của riêng mình.

- đi (bước) theo (24): đồng nghĩa với “học với; làm môn đệ” (x. 11,29). Động từ này không có nghĩa là “đồng hành”, “tháp tùng” để làm vinh dự cho thầy, nhưng là bắt chước các phong thái của thầy, lặp lại những chọn lựa của thầy, tức là nối tiếp công trình mà thầy đã bắt đầu với biết bao hy sinh đau khổ.



- việc họ làm (27): Praxis có nghĩa là “lối sống, lối cư xử”, hàm ý là có các kinh nghiệm nữa. Tác giả Mt chọn từ này rất có thể bởi vì ngữ cảnh không ưu tiên nói về các “hành vi” (erga) hiện tại của người môn đệ, nhưng nói về sự đau khổ tích cực của họ.

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Đức Giêsu tiên báo cuộc Thương Khó-Phục Sinh (21)

Sau lệnh im lặng ở c. 20, làm cho các môn đệ trở thành những người ở bên trong, có sự hiểu biết đặc biệt mà dân chúng không có, Đức Giêsu loan báo cho họ những dau khổ và sự phục sinh của Người. Bây giờ Người đào sâu sự hiểu biết đặc biệt của các môn đệ. 

Với công thức “Từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu”, chúng ta hiểu rằng lời tiên báo Thương Khó-Phục Sinh này không  phải là một lời sấm biệt lập, nhưng là một chương mới mà Đấng Cứu thế đang mở ra trước mắt các môn đệ, chứ không riêng Phêrô. Các ông vẫn đang mơ những hào nhoáng thế gian, một cung cách cứu thế vinh quang trần tục, nên không dễ gì mà đưa các ông đến chỗ quan niệm ngược lại. Tuy nhiên, Đức Giêsu cương quyết đi vào đề tài mới. Người trình bày chi tiết: (“tỏ cho biết”, deiknyein) nơi sẽ xảy ra biến cố, bản án tử hình phải chịu, những người sẽ xét xử, và cuộc Phục Sinh ngay sau đó. Đây là điều nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa Cha. Các động từ ở thái bị động (apoktanthênaiegerthênai) cho thấy Đức Giêsu không chủ động, nhưng là các thủ lãnh Do Thái, hoặc nói cho cùng, là chính Thiên Chúa. Tuy nhiên, bài tường thuật cuộc Thương Khó sẽ cho thấy Đức Giêsu cũng chủ động. Người đi theo con đường được chỉ định trong tư cách là Con vâng phục của Thiên Chúa.

Qua phản ứng của các môn đệ mà đại diện là Phêrô, tác giả cho thấy sự vấp phạm của cọng đoàn tín hữu sơ khai khi đứng trước chướng kỳ thập giá (x. 1 Cr 1,17-25; Rm 1,16).

* Phêrô ngăn cản Đức Giêsu đi vào Khổ Nạn (22-23)

Phản ứng của Phêrô giúp hiểu sự kháng cự của trí khôn loài người khi đứng trước sứ điệp về thập giá. Mới trước đó, với lời tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Kitô (= Đấng Mêsia)”, được Thầy khen là đã phát biểu dưới ánh sáng mạc khải của Chúa Cha, Phêrô nghĩ rằng lời nói này hẳn cũng có giá trị như thế! Ông không ngờ bây giờ ông đã trở thành hiện thân của Satan đang tìm cách cản bước Đức Giêsu đi theo kế hoạch của Chúa Cha. Tảng đá xây dựng Hội Thánh thật mong manh nếu không tin tưởng cạy dựa vào Đức Giêsu.

Ở đây, còn có thể hiểu thêm một tầng ý nghĩa nữa: Phêrôi là người phát ngôn thay cho nhóm môn đệ, giống như ông đã tuyên xưng đức tin ở c. 16 với những lời lẽ của các môn đệ và lời tuyên xưng của Giáo Hội. Vậy hẳn là Phêrô không chỉ phản đối nhằm phi bác đau khổ của Đức Giêsu, mà còn phi bác đau khổ của người môn đệ và của Giáo Hội. Trong tư cách là môn đệ, ông sống tình trạng nhị giá giữa tin tưởng và hoài nghi, giữa tuyên xưng và sợ hãi hậu quả của lời tuyên xưng ấy, giữa phản bội và hối hận (x. 26,69-75). Phêrô chẳng xấu hơn các môn đệ vì ông đã phản bội Thầy chẳng hạn, cũng như ông không tốt hơn các bạn vì ông đã tuyên xưng Thầy ở 16,16-19.

Đức Giêsu đã phản ứng rất mạnh lại với lời can gián của Phêrô: “Xatan, lui lại đàng sau Thầy (HypageSatana)” (c. 23). Lời này nhắc lại chước cám dỗ cuối cùng ở 4,10, khi Đức Giêsu loại bỏ việc thống trị thế giới theo đề nghị của quỷ. “Anh cản lối Thầy”, anh là tảng đá vấp (skandalon) cho Thầy. Skandalon là một từ mạnh để diễn tả dịp tội. Hình ảnh này đối lập lại với “tảng đá” là chính Phêrô ở 16,18. Các câu 17-18 và c. 23 cho thấy rõ sự đối lập căn bản giữa Thiên Chúa và loài người: do ân huệ Thiên Chúa ban, Phêrô là một “tảng đá (xây dựng Hội Thánh)”; do chính suy nghĩ của ông, ông là một “tảng đá vấp”. “Lui lại đàng sau Thầy” (opisô mou) nhắc lại 4,19 và chuẩn bị cho 16,24, xác định vị trí duy nhất được dành cho Phêrô.

* Đức Giêsu giáo huấn về đời môn đệ (24-27)

Quy luật sống của người môn đệ được tổng hợp trong ba điểm: từ bỏ chính mình, vác thập giá mình và bước theo. “Từ bỏ chính mình” là bỏ đi cả những khát vọng, những đòi hỏi chính đáng của mình mà nhận lấy khát vọng và đòi hỏi của kẻ khác; tức là không phải chỉ chiến thắng các cám dỗ, mà còn bỏ ra sau những quyền lợi chính đáng của riêng mình. “Vác thập giá mình” là chấp nhận bản án thập giá; tức là từ bỏ những tiện nghi thoải mái và cả mạng sống mình vì muốn trung thành với Đức Giêsu và với sứ mạng của Người. “Bước theo” không có nghĩa là “đồng hành”, “tháp tùng” để làm vinh dự cho thầy, nhưng là bắt chước các phong thái của thầy, lặp lại những chọn lựa của thầy, tức là nối tiếp công trình mà thầy đã bắt đầu với biết bao hy sinh đau khổ. Đau khổ của Đức Giêsu và đời môn đệ với các đau khổ thuộc về nhau. Ta chỉ có thể thực sự hiểu Đức Giêsu bằng cách bước theo Người trong đau khổ. Hẳn là Phêrô đã hiểu Đức Giêsu là ai, nhưng ông không sẵn sàng sống sự hiểu biết ấy.

Chương trình trên đây không dễ; nó đòi hỏi rất nhiều ý chí và can đảm. Người môn đệ sẽ bị cám dỗ trốn chạy để cứu lấy mạng sống mình khỏi những đau khổ và một cái chết tàn bạo, nhưng đó là một ảo tưởng. Rõ ràng là đau khổ không phải chỉ là chấp nhận thụ động, nhưng là một hình thái sống tích cực: “Nếu ai muốn… (ei tis thelei…)”. Qua nghịch lý “cứu – mất”, tác giả giúp hiểu rằng nếu kiên trì trong đời môn đệ, người tín hữu có thể phải chết sớm nhưng sau đó sẽ được sống muôn đời; trái lại, nếu người ấy chối từ Đức Giêsu, cuộc sống trần thế của người ấy có thể được kéo dài thêm một thời gian nữa, nhưng sau đó sẽ kết thúc bằng một cái chết thật sự.    

Một suy tư mục vụ (c. 26) bổ túc câu nói về “mất” và “cứu” mạng sống. Viễn tượng được mở rộng ra nữa: Người ta có thể đạt được tối đa thành tích trần thế trong cuộc đời này, tới mức chinh phục được cả thế giới, nhưng nếu phải mất tình nghĩa, sự hiệp thông với Thiên Chúa, là nguồn sự sống chân thật, thì tất cả những lợi lộc có đó sẽ vô ích, bởi vì với các của cải trần thế đã tích lũy lại đó, người ta vẫn không thể vớt lại được những gì đã mất và không thể chinh phục những gì họ không có.

Thế rồi, Đức Giêsu quay về Con Người, Đấng sẽ đến với các thiên thần để xét xử thế gian. Đây là việc xét xử về lối sống (praxis) của loài người mà tác giả sẽ mô tả chi tiết ở 25,31-46. Lời nói về cuộc quang lâm của Đức Giêsu “Con Người” cũng nhắc nhở người ta biết chọn lựa đúng đắn. Tuy nhiên, Đức Giêsu, là “Con người” và là “Thẩm phán thế gian”, cũng là Đấng đang ở cùng các môn đệ, để dạy dỗ họ, đi trước họ vào trong đau khổ và phục sinh, gọi họ là “có phúc”, vẫn kêu gọi họ “bước theo Người” khi họ sa sút, và ở cùng họ như là Đấng được tôn vinh “cho đến tận thế” (28,20). Sự phán xét mất tính cách đáng kinh hãi, bởi vì Con Người đang được chờ đợi không là ai khác ngoài Đức Giêsu, Đấng mà Hội Thánh biết và Đấng xuyên qua dòng lịch sử đã đi trên nẻo đường họ sẽ đi. Ngoài ra vị Thiên Chúa mà Người Con sẽ cho thấy vinh quang lại không là ai khác ngoài Cha của Đức Giêsu “Con Người”, Đấng nghe các lời cầu nguyện của Hội Thánh.

+ Kết luận

Lời phản đối của Phêrô được dùng như một điển hình. Khi phải đối đầu với đau khổ, ông suy nghĩ như “loài người”, tức là duy lý, ích kỷ, đi từ một tình yêu loài người. Đức Giêsu trả lời bằng một kiểu đối lập sắc bén. Các tiêu chuẩn này của loài người không có giá trị gì trước nhan Thiên Chúa. Các môn đệ phải chấp nhận công việc của Đức Giêsu và phản ánh lối sống và sự đau khổ của Người. Vậy, sống và chịu đau khổ như Đức Kitô chính là nét tiêu biểu của đời môn đệ, của Hội Thánh.

Về phương diện Kitô học, tác giả đã diễn tả mầu nhiệm Đức Kitô bằng cách đóng khung lời tuyên xưng của Phêrô về “Con Thiên Chúa” bằng một phân đoạn nói về “Con Người”. Hẳn là Phêrô đã hiểu Đức Giêsu là ai, nhưng ông không sẵn sàng sống sự hiểu biết ấy. Nếu với lời tuyên xưng của Phêrô về “Con Thiên Chúa” nhắm giới thiệu tính duy nhất của Đức Giêsu, mà chỉ Chúa Cha mới có thể mạc khải cho biết, thì với lời tuyên xưng về “Con Người”, mục đích là giới thiệu con đường mà vị Thầm phán thế gian với các môn đệ phải đi xuyên qua sự khiêm nhường, sự thù nghịch, đau khổ, và sự sống lại; các môn đệ thông phần vào tất cả các tình trạng này. Đối với tác giả Mt, điều đã rõ là không một văn phòng huấn quyền nào hay một phân khoa thần học nào có thể là thẩm phán xét đoán tính đúng đắn trong lời tuyên xưng về Con Thiên Chúa, nhưng chỉ có Con Người mới có thể xét đoán praxis của các môn đệ đang tuyên xưng người.

5.- Gợi ý suy niệm
1. Làm tín hữu là “bước theo Đức Giêsu”. Vừa chào đời, mạng sống của Người đã bị đe dọa; sau đó Người đã làm nghề thợ mộc ở Nadarét trong một thời gian dài. Khi bắt đầu cuộc đời trần thế, Người đã bắt đầu đi dưới bóng cái chết: cái chết càng lúc càng tỏ hiện rõ ràng hơn. Các môn đệ của Đức Giêsu cần ý thức rằng họ đang đi theo một vị Thầy đã chấp nhận một cuộc sống hiểm nghèo, thì mới đưa lại hạnh phúc cho người khác.

2. Cuộc Khổ Nạn nằm trong chương trình cứu độ: đây là điều “cần thiết”, tức thuộc về kế hoạch của Thiên Chúa nhằm cứu độ loài người. Đây là phần thâm sâu nhất, mầu nhiệm nhất, “mới mẻ” nhất của tâm hồn Đức Giêsu và của sứ mạng Người. Nhưng đây cũng là lý do từ bao đời vẫn gây nên cớ vấp phạm: mầu nhiệm này vừa là cớ vấp phạm đối với thế giới Do Thái, và cũng là đề tài gây thắc mắc cho Giáo Hội tiên khởi cũng như cho Giáo Hội ngày hôm nay và ngày mai nữa. Đấy đã là vấn đề của sách Gióp: sau thời Lưu đày, Israel đã tự hỏi về ý nghĩa của “đức công chính” của Thiên Chúa. Nói cách khác, làm dân được tuyển chọn, dân của Thiên Chúa, làm đối tượng của tình yêu Người, nghĩa là gì? Nhờ mạc khải của Đức Giêsu, chúng ta thấy điều mà sách Gióp còn coi như một ngoại lệ (= đau khổ của người công chính), đã trở thành tiêu chuẩn: tình yêu của Thiên Chúa đi qua Thập giá.

3. Kinh nghiệm của Phêrô rất quý cho chúng ta. Chúng ta rất mong manh, hay thay đổi, mà lại dễ ảo tưởng là mình “trước sau như một”. Một tư tưởng thánh thiện có trước, phù hợp với tư tưởng của Thiên Chúa, không bảo đảm là tư tưởng tiếp theo cũng thánh thiện, nếu chúng ta không quan tâm tìm biết ý muốn của Thiên Chúa. Do đó, phải biết ngờ vực chính mình, đồng thời không thất vọng về những mâu thuẫn nhận ra nơi bản thân.

4. Nên đề phòng một cách hiểu méo mó về thần học thập giá: đau khổ trở thành mục tiêu, một giá trị tự nó thay vì chỉ là một phương tiện, một con đường đưa tới giải thoát. Người ta hiểu Tin Mừng chỉ nói về hy sinh, từ bỏ, hãm mình, chứ không nói đến niềm vui sướng hân hoan, sự vui thỏa (coi đây là những điều xấu!). Thật ra, đau khổ không bao giờ được nâng lên hàng “sự thiẹn Kitô giáo” cả. Bổn phận của người Kitô hữu không phải là dạy chịu đau khổ, nhưng là dạy sống; không phải là dạy tích lũy các thiếu thốn, từ bỏ, hy sinh, nhưng là loại trừ chính những nguyên nhân gây ra những điều đó. Mục tiêu của con người là hạnh phúc, ơn gọi của con người là thực hiện một thiên đàng trên trái đất trước khi đạt tới thiên đàng trên trời. Đau khổ, hy sinh, đau đớn là cái giá phải trả để có niềm vui mà người Kitô hữu được mời gọi chinh phục cho được. Điểm nhắm của ngươi Kitô hữu thì ở trên cao, nhưng để đến được đó, phải chấp nhận vượt qua một con đường dốc gian khổ. Phải hy sinh một cái gì đó để không đánh mất điều chính yếu. Thiên Chúa không muốn con cái Ngài phải đau khổ, nhưng Ngài có thể yêu cầu họ chấp nhận đau khổ, nếu đó là nguồn làm phát sinh niềm vui cho kẻ khác.


VỀ MỤC LỤC


THEO CHÚA THÌ PHẢI VÁC THÁNH GIÁ



THEO CHÚA THÌ PHẢI VÁC THÁNH GIÁ

 

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN A



(Gr 20:7-9; Rm 12:1-2; Mt 16:21-27)

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, M.D.



Qua bài Phúc Âm hôm nay (Mt 16:21-27), Mathieu cho chúng ta biết Đức Giesu bào trước cuộc khổ nạn của người lần thứ nhất. Cùng mang tư tưởng đó, Marco (Mc 8:31-33) có ý đính chính ý nghĩa chức thiên sai của đức Giesu mà có người hiểu lầm là một chức vụ vinh quang, quyền quí trần thế. Sự tiên đoán về cuộc khổ nạn trong Mathieu là nói về những đau buồn phiền muộn của “Con Người”. Mathieu viết theo Tân Ước bản Hy Lạp nên giống như một đoạn tuyên cáo của Phaolo trong thư gửi tín hữu 1Corinto 15:4 và Hosea 6:2 mà nhiều người cho là có ảnh hưởng của Cựu Ước vì tuyên bố Đức Giesu sống lại vào ngày thứ ba. 

Mấy chữ “từ lúc đó” (Mt 16:21) là Mathieu có ý nhấn mạnh rằng việc đức Giesu mạc khải về nỗi đau khổ và cái chết sắp xẩy ra của người là dấu chỉ một giai đoạn mới của Tin Mừng Phúc Âm. Tiếp theo ngay sau lời tuyên xưng của Phero về đức Giesu tại Caesarea Philippi, đức Giesu “bắt đầu tỏ lộ cho các môn đệ là người phải lên Jerusalem và chịu đau khổ trong tay những kỳ mục, các thượng tế và kinh sư, rồi bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16:21). Nhưng khi nghe vậy thì Phero kéo đức Giesu ra một chỗ vắng và nói nhỏ: “Thưa Thầy, Thiên Chúa không muốn vậy. xin Người đừng để điều đó xẩy ra cho Thầy” (Mt 16:22). Nhưng đức Giesu quay lại và nói với Phero: “Satan, lui lại sau ta. Anh đang cản lối ta đi, vì tư tưởng của anh không phải do Thiên Chúa mà do loài người”(16:23). 

PHERO TỪ CHỐI CUỘC KHỔ NẠN VÀ CÁI CHẾT CỦA CHÚA 

Phero từ chối không chấp nhận cuộc khổ nạn và cái chết của đức Giesu bị coi như Satan không nhận chương trình Thiên Chúa đã định cho đức Giesu, và để cho các môn đệ nhớ lại  hình ảnh Chúa đuổi quỉ khi hắn mưu toan cám dỗ Người (Mt 4:10: “Hỡi Satan! Hãy xéo đi”. Danh xưng Satan của Mathieu còn được thêm vào trong Marco và nhấn mạnh bằng câu “mi là đá tảng cản lối ta.”  Sẵn sàng theo chúa Giesu là phải hy sinh mạng sống mình vì Người và là điều kiện cần để trở thành môn đệ đích thực. Thiên Chúa sẽ trả công bội hậu vào giờ phán xét sau cùng (Mt 16:24-28). 

Khi không chấp nhận cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa, Phero có hậu ý gì? Phero lên tiếng để gây bối rối hoảng sợ cho các môn đệ khác khi đức Giesu tuyên bố cuộc khổ nạn sắp tới của Người. “Thưa Thầy, điều này không thể xẩy ra được! Thầy không nên nói vậy. Không công bằng và không đúng”. Phản ứng như vậy chứng tỏ Phero chẳng hiểu gì về màu nhiệm  Thiên Chúa nơi việc làm của đức Giesu và trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Phero và các môn đệ phải đối đầu với một thực tế đầy khó khăn nguy nan trước kế hoạch của Thiên Chúa mà theo lý luận loài người thì hoàn toàn không thể chấp nhận được. Để có thể chịu đựng những đớn đau kinh khủng bởi tay những cường quyền tôn giáo lúc đó là phải vác thánh giá và chịu chết. Đó có phải là tất cả gánh nặng mà đức Giesu phải gánh? Đó không phải là những khuyến khích và lợi ích? Phải chăng tốt hơn cả là đừng xóa bỏ thánh giá và đau khổ khỏi toàn thể chương trình? Điều đó có thực sự cần thiết không? Phải chăng vì đức Giesu quá buồn phiền nản chí nên mới thốt ra những lời như vậy? 

Ngoài ra, có người nghĩ rằng vì Phero quá yêu mến đức Giesu nên không muốn Chúa phải đau khổ và chịu chết, nên mới thốt ra lời để rồi bị Chúa quở trách. Chúng ta ngày nay, đôi khi vì dị đoan nên cho là lời Chúa nói trước về cuộc khổ nạn là “nói gở”. Chúng ta có nên thông cảm cho Phero không? 



TỪ “ĐÁ TẢNG” ĐẾN “ĐÁ CẢN”  

Mới tuần trước tại thành Caesarea Philippi, Phero được gọi là “ĐÁ TẢNG”. Bây giờ thì là “Đá Cản! Gây Gương Mù Gương Xấu!” Đức Giesu muốn nhắc Phero là anh ta chẳng hiểu gì cả về thực tế màu nhiệm của kế hoạch Thiên Chúa đã vạch ra cho anh ta,  mỗi người chúng ta và toàn thể nhân loại. 

Đức Giesu nói với các môn đệ là nếu họ muôn theo Người thì họ phải tự từ bỏ mình, vác thập giá và đi theo Người (Mt 16:24). Điều đó có ý nghĩa gì? Phải chăng là “tự từ bỏ mình”? Từ bỏ một người là không chấp nhận người đó nữa; từ bỏ mình là không công nhận mình la trung tâm của sự hiện hữu của mình nữa. Hãy nhớ lại, có một lúc Phero đã từ chối bạn và là Thầy là Chúa của ông: “Tôi không biết người đó là ai!”(Mt.26:74) Đối với cá nhân mỗi người chúng ta cũng vậy thôi. Một khi tự tôi từ chối tôi thì có nghĩa là tôi không còn coi mạng sống tôi là của tôi nữa, tôi không còn nghĩ về tôi nữa –tôi không còn là trung tâm điểm vũ trụ của tôi nữa. Tuy nhiên, hành động đó không ngừng tại đấy: Toàn thể sức mạnh còn lại nối tiếp tôi với đức Giesu là lời mời gọi của Người Hãy Theo Ta.”  Tất cả mọi sự nói trước đây và sau này là những đòi hỏi cần thiết khả dĩ có thể yêu mến đức Giesu, ở lại với người và tiếp tục ở lại với người mãi mãi. 

THEO ĐỨC GIESU 

Giáo huấn của đức Giesu cho nhóm nhỏ 12 môn đệ được tóm gọn như sau: “Bất cứ ai chấp nhận nghe theo tiếng gọi riêng cho mình là Hãy theo Ta, thì phải chấp nhận Ta như chính con người của ta vậy.” Theo Chúa Giesu có nghĩa là phải chấp nhận đau khổ và thập giá! Dấu chỉ của đấng thiẻn sai cũng phải trở thành dấu chỉ của các môn đệ của người. Họ đứng đàng sau Người, rồi bước theo Người và đi lên Jerusalem. Điều đó nói lên đầy dủ ý nghĩa của thập giá phải vác theo chúa Giesu, không phải trong hành trình đau khổ đơn côi, phân vân tuyệt vọng hay nổi loạn, mà đúng ra là trong một hành trình chấp nhận chịu đựng, được nuôi dưỡng bới sự hiện diện của Thiên Chúa. Đức Giesu yêu cầu chúng ta can đảm chọn lựa cuộc sống giống như cuộc sống của chinh người. Tất cả những ai theo chúa Giesu thì không thể thoát khỏi đau khổ. Con đường của Thiên Chúa không phải là con đường của chúng ta –ngày nay chúng ta được khuyến khích thi hành con đường của chúng ta sao cho giống như con đường của Thiên Chúa. 



PHÂN BIỆT ƯỚC MUỐN CỦA THIÊN CHÚA 

Vì Đức Kito ra dấu chỉ chấm dứt luật Maisen là luật sơ khởi để hướng dẫn dân Chúa, nên thánh Phaolo tỏng đồ, trong thư gửi tín hữu Roma (12:1-2) đã cắt nghĩa cho người Kito hữu cách thưc thi hành nhiệm vụ đối với nhau và với nhà nước -dưới ánh sáng ân sủng công chính hóa bởi đức tin. Luật Maisen gồm cách chỉ dẫn hy lễ hy sinh và những nghi lễ phụng tự khác. Phúc Âm, trái lại, mời gọi các tín hữu hiến dâng thân xác mình như là một lễ vật sống động (12:1). Thay vì giới hạn trong những tôn chỉ pháp luật đặc biệt, người Kito hữu được tự do dùng phán đoán chính xác của mình trước nhiều quyết dịnh khác nhau đòi hỏi trong cuộc sống hàng ngày.  Phaolo mời gọi người Kito hữu “tự cải biến cuộc sống mình bằng cách canh tân tư tưởng ý nghĩ của mình làm sao để có thể phân biệt đước ước muốn của Thiên Chúa là gì, cũng như ước muốn nào tốt, hoàn hảo và đẹp lòng Chúa” (12:2). 



NẮM BẮT MÀU NHIỆM ĐỨC KITO 

Trong bài giảng Thánh Lễ kết thúc Ngảy Giới trẻ Thế Giới tại Căn cứ Không Quân Cuatro Vientos ở Madrid, Y Pha Nho hôm Chúa Nhật 21-8-2011, Biển Đức XVI nói, đây thuộc phạm vi Niềm Tin vào đức Giesu Kito. 

Niềm Tin thì hơn cả những dữ kiện thực nghiệm hay lịch sử. Nó là khả năng nắm bắt màu nhiệm về con người đức Kito ở những chiều sâu của nó. Tuy nhiên Niềm Tin không phải là kết quả cố gắng của con người và lý luận của họ, nhưng là một tặng phẩm do Thiên Chúa ban cho: “Phúc cho ngươi, Simon con Jonah! Vì không phải máu thịt loài người mạc khải cho anh điều đó, mà là Cha ta ở trên trời.” Niềm Tin khởi đầu từ Thiên Chúa, Người mở lòng chúng ta và mời gọi chúng ta chia sẻ với cuộc đời của chính Thiên Chúa. Niềm Tin không đơn thuần cung cấp tin tức cho biết ai là đức Kito, mà thực ra nó xâm nhập vào tình liên đới cá nhân chúng ta với đức Kito, chinh phục toàn thể con người chúng ta cùng với tât cả mọi hiểu biết, ước vọng và cảm nghĩ của chúng ta bởi Thiên Chúa tự mặc khải cho ta biết. Vậy vấn nại đặt ra về đức Giesu:“…Nhưng các anh gọi thầy là ai?” sau cùng là một thách đố cho mỗi một môn đệ phải tự quyêt định. Niềm Tin vào đức Kito và tình môn đệ là những gì liên kết chặt chẽ và thắm thiết với nhau. 

Vì Niềm Tin liẻn quan đền hành động “bước theo Thầy”, nên nó phải liẻn tuc trở thành mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn và trưởng thành hơn, đến độ có thể dẫn đưa tới tình môn đệ với đức Giesu gẩn hơn và mãnh liệt hơn. Phero và các môn đệ khác cũng phải lớn lên theo đường hướng đó, cho đến khi cuộc trùng phùng của họ với Thiên Chúa Phục Sinh mở mắt họ để họ tin tưởng hoàn toàn. 

Các bạn trẻ thân mến,  

Hôm nay, đức Kito cũng hỏi các bạn cùng một câu hỏi mà Người đã hỏi các tông đồ khi xưa: “Các anh gọi Thầy là ai?” Hãy trả lời Người với lòng quảng đại và can đảm cho xứng hợp với những tâm hồn trẻ trung như các bạn. Hãy nói nới Người: “Thưa đức Giesu, con biết Chúa là Con Thiên Chúa đã hy sinh mạng sống vì con. Con đặt tin tưởng của con trong tay Chúa và con đặt tất cả mạng sống của con trong tay Chúa. Con muốn Chúa là nguồn sức mạnh và mọi niềm vui của con và không bao giờ rời bỏ con.” 



SỨ MỆNH CĂN BẢN CỦA GIÁO HỘI 

Trở lại Lineamenta trong Thượng Hội Đồng các Giám Mục về Tân Phúc Âm Hóa vào tháng 10 năm 2012, chúng ta thấy có một nối kết đặc biệt giữa bài Phúc âm hôm nay và đoạn #10 với nhan đề “Việc đơn độc làm mục vụ Phúc Âm Hóa hồi sơ khai và viêc Tân Phúc Âm Hóa”: 

Tân Phúc Âm Hóa là tên đặt cho kế hoạch của Giáo Hội một lần nữa đem ra thi hành sứ mệnh căn bản, căn tính và lý do hiện hữu của mình. Do đó, nó không chỉ giới hạn trong những vùng đã định sẵn, mà là cách cắt nghĩa và đem ra thực hành các di tặng của các tông đồ trong và vì thời đại của chúng ta hiện nay. Với kế hoạch tân phúc âm hoa, Giáo Hội ước mong đem trình bày sứ điệp duy nhất của mình vào thế giơi ngày nay và những bàn luận hiện nay, tức tuyên xưng vương quốc Nước trời, được khởi đầu từ đức Giesu Kito. Không có phần nào của Giáo Hội bị loại trừ ra khỏi kế hoạch này. Các Giáo Hội Kito giáo có nguồn gốc cổ phải đương đầu với nạn có nhiều giáo hữu bỏ không thực hành niềm tin; các giáo hội trẻ trung, qua tiến trình chưa được khai hóa phải được liên tục thăm dò hầu cho phép họ mang Tin Mừng Phúc Âm vào cuộc sống hàng ngày, một tiến trình không phải chỉ để thanh tẩy và nâng cao văn hóa lên, mà –trên hết mọi sự- phải khai mở nền văn hóa mới của Tin Mừng Phúc Âm. Nói một cách tổng quát, mỗi cộng đồng Kito giáo cần phải tự tái tham gia vào chương trình chăm lo mục vụ xem ra có vẻ ngày càng trở nên khó khăn hơn và có nguy cơ trở thành  thông lệ nhàm chán. Do đó ít có khả năng thông truyền mục đích căn gốc của nó. 

Tân Phúc Âm Hóa đồng nghĩa với sứ mệnh, đòi hỏi khả năng làm mới lại, vượt qua biên giới và mở rộng chân trời. Tân phúc âm hóa thì đối nghịch với tự mãn, co rút về với chính mình, tình trạng tâm lý và tư tưởng như xưa khiến chương trình mục vụ đơn thuần vẫn như cũ không có gì thay đổi. Ngày nay, thái độ “mọi việc như thường lệ” không còn là một đặc biệt nữa. Một số Giáo Hội địa phương đã tham gia chương trình làm mới lại, đã xác nhận một sự kiện  là Giáo Hội nên kêu gọi tất cả mọi cộng đồng Kito giáo đánh giá việc thực hành mục vụ của mình dựa trên căn bản của chương trình truyền giáo và những hoạt động của .nó 



SUY NIỆM TRONG TUẦN 

1- Ở thế giới ngày nay, khi nêu vấn nại về Thiên Chúa thì có những trở ngại chính nào và những cố gắng nào có nhiều thách đố nhất? Khi đặt câu hỏi như vậy thì kết quả sẽ ra sao? 

2- Tôi có bao giờ “than trách” Thiên Chúa vì những điều tôi không được cũng như những tình trạng tôi không muốn? Cuối cùng, tôi đã học hỏi được gì qua những cảm nghiệm ấy? Tôi có trưởng thành hơn do những trải nghiệm ấy không? 

3- Có phải những mong mỏi của tôi về Đức Giesu là ai và Người muốn gì nơi tôi đã làm cho tôi khép kín và chống lại bất cứ cái gì vượt quá những biên giới ấy? Tôi đã có ý tưởng về đức Kito và ước mong của người thê nào?  Chúng bám rễ vào cái gì?  -Sự thật được lan truyền bởi niềm tin công giáo hay cái gì khác? 

4- Khi nào thì tôi hy sinh vì niềm tin của tôi, gia đinh tôi hay cái gì khác? Chúng được thi hành một cách miễn cưỡng hay với một thái độ vui vẻ? 

Fleming Island, Florida

August 27, 2014

Fxavvy@aol.com

NTC


VỀ MỤC LỤC


tải về 0.55 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương