Biểu tượng của khí phách kiên cường và sức mạnh sáng tạo



tải về 277.74 Kb.
trang1/4
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích277.74 Kb.
#13300
  1   2   3   4




Biểu tượng của khí phách kiên cường và sức mạnh sáng tạo

Thứ Ba, 29/01/2013



QĐND - Hòa chung khí thế thi đua sôi nổi, hào hứng lập thành tích kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đón chào năm mới Quý Tỵ 2013, hôm nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phấn khởi, tự hào kỷ niệm 45 năm mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Nhìn lại cuộc Tổng tiến công và nổi dậy 45 năm trước chúng ta càng thấy rõ ý nghĩa và tầm vóc to lớn của nó trong lịch sử dân tộc.

Sau những thắng lợi lớn trong hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và mùa khô 1966-1967, quân và dân ta đã đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ trên cả hai miền Nam – Bắc. Mỹ và tay sai đã thất bại trong mục tiêu “tìm diệt" và "bình định”, quân và dân ta đã có những chuyển biến vượt bậc, mở ra nhiều khả năng tiến công trên nhiều mặt trận. Đặc biệt ta đang ở thế chủ động cho phép có thể chuyển cuộc chiến tranh cách mạng sang một thời kỳ mới, giành những thắng lợi quyết định. 

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 nổ ra và giành thắng lợi là sự kiện có ý nghĩa và tầm vóc to lớn, là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Thời gian càng lùi xa, thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ngày càng được khẳng định, trở thành biểu tượng của ý chí quyết chiến quyết thắng, khí phách kiên cường và sức mạnh sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Có nhiều yếu tố tạo nên chiến thắng, nhưng không thể không nói tới một mẫu mực tuyệt vời về nghệ thuật chỉ đạo tác chiến chiến lược, chiến dịch của Đảng ta. Không chỉ tạo ra sự bất ngờ về thời gian tiến hành cuộc tổng tiến công, ta còn tạo ra sự bất ngờ lớn đối với quân địch khi đưa cuộc kháng chiến vào đô thị - sào huyệt cuối cùng, làm cho chúng trở tay không kịp. Quân và dân ta cũng thành công trong nghệ thuật nghi binh, lừa địch. Bằng việc mở chiến dịch Khe Sanh vào ngày 20-1-1968, chúng ta đã thành công trong chiến thuật “điệu hổ ly sơn” khi thu hút hơn 90% lực lượng tinh nhuệ nhất của Mỹ lên vùng rừng núi, rồi sau đó tập trung binh hỏa lực đánh vào những nơi chúng không ngờ tới... Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là chiến thắng tiêu biểu của nghệ thuật vận dụng linh hoạt, sáng tạo quan điểm, đường lối quân sự của Đảng. Với đòn tiến công chiến lược ấy, chúng ta đã giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của Mỹ, làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của chúng. Tác động sâu rộng, mãnh liệt của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã buộc Tổng thống Mỹ Giôn-xơn phải đơn phương tuyên bố chấm dứt vai trò trực tiếp của quân Mỹ trên chiến trường miền Nam, ngừng mọi hoạt động trên không, trên biển chống phá nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, chấm dứt ném bom miền Bắc từ Vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam. Có thể nói thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã tạo ra một bước ngoặt chiến lược, có ý nghĩa quyết định tới toàn bộ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý báu. Đặc biệt là bài học vận dụng linh hoạt, sáng tạo đường lối quân sự của Đảng trong chỉ đạo tác chiến chiến lược, chiến dịch.  Trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay, công tác chỉ đạo chiến lược, chiến dịch phải quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối của Đảng, nhất là đường lối quân sự trong giai đoạn mới, đó là xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân... Để vận dụng linh hoạt, sáng tạo, có hiệu quả các quan điểm đó trong từng nhiệm vụ chúng ta phải chủ động nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn để đề ra các chủ trương, giải pháp phù hợp. Trong khi chú trọng phát triển kinh tế, xã hội chúng ta không được chủ quan, lơi lỏng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, phải luôn luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng đánh thắng mọi loại hình chiến tranh xâm lược của kẻ thù. Cùng với đó phải đánh giá đúng đối tượng chiến lược của cách mạng Việt Nam và đối tượng tác chiến chiến lược của các lực lượng vũ trang nhân dân ta, để từ đó, tích cực chuẩn bị các tiềm lực: Chính trị, tinh thần; kinh tế; quân sự, quốc phòng và an ninh; chuẩn bị hậu phương và căn cứ của cả nước; hậu phương, căn cứ trên từng chiến trường, từng khu vực phòng thủ trên từng hướng chiến lược; củng cố và chấn chỉnh lực lượng vũ trang... Với vai trò nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân, đòi hỏi Quân đội nhân dân Việt Nam phải được xây dựng vững mạnh cả về chất lượng chính trị và trình độ và khả năng SSCĐ, đặc biệt là khả năng làm chủ các loại vũ khí trang bị kỹ thuật mới, hiện đại. Mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội phải nhận thức rõ trọng trách của mình để không ngừng rèn luyện, phấn đấu nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật. Đi đôi với xây dựng bộ đội thường trực, chúng ta cần quan tâm đúng mức đến xây dựng, huấn luyện lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ... Các lực lượng vũ trang phải luôn đoàn kết xứng đáng là lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. 

Phía trước dẫu còn nhiều chông gai, thử thách nhưng chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 mãi mãi xứng đáng với tầm vóc lịch sử của dân tộc.

http://www.qdnd.vn/

Theo Báo Quân đội nhân dân Online




Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 qua đánh giá của nước ngoài

16/1/2013



Cách đây vừa tròn 45 năm, vào Tết Mậu Thân năm 1968, quân và dân Việt Nam đã mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt vào 4/6 thành phố, 37/46 thị xã và hàng trăm thị trấn trên toàn miền Nam. Đây là một cuộc tiến công đồng loạt, đều khắp và rộng lớn, có tác động to lớn đối với toàn bộ cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của nhân dân ta.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 với hiệu lực chiến đấu “cộng hưởng” lớn lao chưa từng có, đã làm rung chuyển cả Nhà Trắng và Lầu Năm góc, gây chấn động dữ dội trong dư luận không chỉ ở nước Mỹ mà trên toàn thế giới. Sự chấn động ấy được thể hiện qua một số sách báo xuất bản lúc đó và cả sau này.

Nhà sử học Mỹ Ga-bri-en Côn-cô (Gabriel Kolko) trong tác phẩm Giải phẫu một cuộc chiến tranh, xuất bản tại Niu Oóc (New York) năm 1985, đánh giá: “Cuộc tiến công Tết là sự kiện quan trọng nhất và phức tạp nhất của chiến tranh Việt Nam”. Theo nhà sử học này, với Mậu Thân 1968, “Việt Nam đã trở thành cuộc chiến tranh nước ngoài đầu tiên của Mỹ kể từ năm 1882 đã gây ra cuộc khủng hoảng xã hội, nội bộ sâu sắc và một sự phân hóa về chính trị”.

Còn tướng Mắc-xoen Tay-lơ (Maxwell D. Taylor) - cựu Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, sau khi từ chức (tháng 6-1965) về làm cố vấn đặc biệt của Tổng thống Lin-đơn Giôn-xơn (Lyndon B.Johnson), trong hồi ký Thanh gươm và lưỡi cày - xuất bản tại Niu Oóc năm 1972, đã thừa nhận: “Ngày 31-1-1968, quân địch (tức quân giải phóng - người viết) tiến công và chỉ trong vòng 2 ngày, họ đã tiến vào 5 đô thị lớn, 39 tỉnh lỵ và nhiều thành phố. Những trận tiến công của họ đã được báo chí Mỹ tường thuật dưới dạng những hàng tít lớn được chiếu trên màn ảnh vô tuyến truyền hình và đã làm cho phần lớn dân chúng Mỹ và một số quan chức kinh hoàng. Phải rất lâu họ mới hoàn hồn và trong một số trường hợp, sự hoàn hồn đó mãi mãi không bao giờ được khôi phục lại hoàn toàn”.

M.Tay-lơ còn nói: “Những điều bất ngờ thực sự mà cuộc tiến công Tết 1968 đã gây cho tôi không phải là việc đối phương đã mở được một cuộc tiến công lớn mà chính là việc họ đã mở cùng một lúc nhiều trận tiến công mãnh liệt đến như thế”.

Tướng W.C. Oét-mo-len (W.C.Westmoreland) - nguyên Tư lệnh Bộ Chỉ huy quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam viết trong Một quân nhân tường trình, xuất bản ở Niu Oóc năm 1976: “Việt Cộng đã đưa chiến tranh đến các thành phố, các đô thị, đã gây thương vong thiệt hại và nền kinh tế bị phá hoại… các trung tâm huấn luyện bị đóng cửa… Nói theo quan điểm thực tế thì chúng ta (Mỹ) phải công nhận, đối phương đã giáng cho Chính phủ Nam Việt Nam một cú đấm nặng nề”. W.C. Oét-mo-len còn nhận xét một cách bi quan rằng: “Chiến tranh đã trở thành một vấn đề chính trị với triển vọng địch (tức quân giải phóng - người viết) có thể thắng ở Oa-sinh-tơn như họ đã thắng ở Giơ-ne-vơ năm 1954. Ý chí của các chính khách Mỹ đang suy giảm”.

Ngày 27-3-1968, chưa đầy 2 tháng sau khi ta mở cuộc tiến công, cựu Tổng thống Mỹ D. Ai-xen-hao (D. Eisenhower), đã phải than thở: “… Chưa bao giờ gặp phải tình trạng đáng buồn như tình cảnh hiện nay của nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc về chiến tranh”.

Ngay đương kim Tổng thống L. Giôn-xơn lúc bấy giờ cũng tỏ ra chán nản, dao động. Trong hai ngày 25 và 26-3-1968, ông ta đã triệu tập một cuộc họp “những nhân vật am hiểu tình hình nhất”. Phiên họp kéo dài với những thành viên hội nghị gồm những người nắm những địa vị then chốt nhất trong Chính phủ Mỹ, L. Giôn-xơn đã hỏi quan điểm từng người một. Và, “Tổng thống đã nhận được những câu trả lời vô cùng bi quan của những người từ trước đến nay vẫn được xem là loại cứng rắn… Cuối cùng, Tổng thống quyết định rời khỏi sân khấu chính trị với hy vọng thống nhất lại một quốc gia đang bị chia rẽ ngay trong những người thân cận nhất của Tổng thống”. Sau đó, ngày 8-6-1969, R. Ních-xơn (Richard M.Nixon) gặp Nguyễn Văn Thiệu tại đảo Mít-uây (Midway) để bàn về việc Mỹ sẽ rút quân khỏi Việt Nam. Hen-ry Kít-xinh-giơ (H.Kissinger), cựu Ngoại trưởng Mỹ nhận xét: “Việc Tổng thống chúng ta chỉ có thể gặp người lãnh đạo một nước mà hơn 30.000 người Mỹ đã chết vì nó trên một hòn đảo hiu quạnh trong một khung cảnh đẹp trời của Thái Bình Dương chứng minh tình hình rối như tơ vò mà chiến tranh Việt Nam đã dìm xã hội chúng ta vào”.

Đó là lời của các nhân vật chóp bu trong giới cầm quyền Mỹ. Còn báo chí Mỹ thì sao?

Tờ Tin tức Oa-sinh-tơn ngày 31-1-1968 đã viết: “Các cuộc tiến công ồ ạt, táo bạo của cộng sản ngày 31-1 vào Sài Gòn, 8 tỉnh lỵ và 30 thị trấn nhỏ hơn là một điều đáng kinh ngạc. Cảnh sát quân sự Mỹ đã phải đổ bộ bằng máy bay lên thẳng xuống nóc nhà sứ quán Mỹ ở Sài Gòn trong khói đạn để giành lại ngôi nhà được coi là “chống du kích” nhưng lại bị cộng sản chiếm trong 6 giờ liền. Chỉ riêng cảnh tượng đó cũng đủ để buộc Chính phủ Giôn-xơn dẹp đi, coi là không có giá trị những nhận định lạc quan của mình”.

Thời báo Niu Oóc, tờ báo lớn nhất của Mỹ số ra ngày 1-2-1968 bình luận: “Cuộc tiến công của đối phương đột nhập cả đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn cho thấy thêm những bằng chứng đau xót về sức mạnh có hạn của Mỹ ở châu Á. Bằng chứng cuộc tiến công táo bạo vào những thành phố chính ở miền Nam Việt Nam và bằng sự tập trung quân ở Khe Sanh, cộng sản đã làm tiêu tan niềm lạc quan bao trùm lên Oa-sinh-tơn và Sài Gòn trong mấy tháng qua. Đây rõ ràng không phải là hành động của một đối thủ đang yếu dần như các nhà quân sự Mỹ đã khẳng định hồi tháng 11 năm 1967”.

Cũng tờ báo này, trong số ra ngày hôm sau 2-1-1968 có đoạn: “Chiến thắng của Việt Cộng chứng minh sự suy yếu của cơ cấu chính trị mà Mỹ dùng làm chỗ dựa trong cố gắng chiến tranh và đe dọa thủ tiêu hoàn toàn các cơ cấu chính trị đang suy yếu”. Tác giả bài báo tỏ ý lo ngại rằng: “Hậu quả chính trị do thắng lợi đáng kinh ngạc của Việt Cộng gây ra lần này mới là nguy hại nhất”.

Không chỉ báo chí Mỹ, các báo phương Tây và các nước trên thế giới đều đưa tin và bình luận về sự kiện lịch sử này.

Hãng thông tấn Roi-tơ (Anh) ngày 3-2-1968 nói: “Quy mô và tính chất ác liệt của các trận tấn công phối hợp ở Sài Gòn và ở các trung tâm chủ chốt khác tại Nam Việt Nam làm cho Mỹ và các nước đồng minh rất đỗi ngạc nhiên”. Kế đó, ngày 5-2-1968 hãng này thống kê: “Mỹ có đến nửa triệu quân ở Nam Việt Nam, đã mất 13 năm và đã tiêu mỗi ngày 60 triệu đô-la mà vẫn không bảo vệ được một tấc đất vuông nào ở miền Nam Việt Nam cả”. Trong khi đó, báo Người quan sát (Anh) tỏ ra ngạc nhiên khi than rằng: “Người ta không thể tin là một tình hình như thế lại có thể xảy ra”.

Báo Thế giới (Pháp) ngày 1-2-1968 mỉa mai: “Người Mỹ đã từng khẳng định dân chúng Nam Việt Nam chịu đựng hơn là ủng hộ Mặt trận Dân tộc giải phóng, giờ đây liệu họ còn có thể nêu lên những lý lẽ như thế nữa không sau khi đã xảy ra một cuộc biểu dương đáng khâm phục về sức mạnh và lòng dũng cảm của Việt Cộng như vậy”. Báo Chiến đấu ngày 1-2-1968 khẳng định: “Điều hiển nhiên là người Mỹ đã thua đứt về mặt chính trị trong cuộc chiến tranh này rồi. Những gì xảy ra ở Sài Gòn cũng đủ cho thấy Mặt trận Dân tộc giải phóng đã nắm được các tầng lớp dân chúng ở miền Nam Việt Nam trong mức độ lớn biết nhường nào”.

Tờ Le Figaro (Pháp) ngày 2-2-1968 ca ngợi: “Cuộc tiến công lừng danh của Việt Cộng cho ta thấy trước hết cái tài tình của những người chỉ huy trong việc hướng dẫn cuộc chiến tranh vừa quân sự, vừa chính trị này. Về mặt đối nội - họ vừa thu được một thắng lợi lớn; họ chứng tỏ cho nhân dân Việt Nam thấy rằng họ có thể đánh nơi nào và lúc nào cũng được hết. Họ làm cho chính phủ Sài Gòn và quân đội của chính phủ này trở thành một trò cười. Họ tăng cường sự kiểm soát của họ, và do đó, làm giảm bớt sự kiểm soát của chế độ Sài Gòn đối với dân thường, những người dân thường này thì đầy lòng kính nể và khâm phục đối với Mặt trận Dân tộc giải phóng”.

Nhiều báo của các tổ chức đảng cộng sản và công nhân ở các nước tư bản đều tỏ thái độ khâm phục đối với cuộc chiến đấu chống Mỹ của nhân dân ta qua sự kiện Tết. Báo Nhân đạo - cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Pháp ngày 1-2-1968 đã ca ngợi: “Đây là cuộc tiến công lớn nhất của các lực lượng vũ trang giải phóng. Những người yêu nước miền Nam Việt Nam đã chứng tỏ rằng ở khắp nơi, quyền chủ động đang thuộc về họ, họ có thể quyết định địa điểm, thời gian của các cuộc tiến công làm cho bộ chỉ huy Mỹ luôn luôn bở hơi tai”.

Các nước trong phe xã hội chủ nghĩa lúc đó thì vui mừng. Hầu như báo của nước nào trong ngày 31-1-1968 và ngày 1-2-1968 cũng đăng bài biểu lộ niềm hân hoan trước thắng lợi của nhân dân ta. Tiêu biểu là tờ Diễn đàn nhân dân Ba Lan, có đoạn: “Các trận đánh táo bạo được chuẩn bị tốt của những người yêu nước miền Nam Việt Nam là sự phát triển của các cuộc tiến công trên một quy mô rộng lớn mà Quân giải phóng đã mở đầu trong tháng Giêng năm nay vào những lúc, ở những nơi và với hình thức mà họ lựa chọn. Quân giải phóng trên thực tế đã trói chân, khóa tay tất cả các lực lượng chiến đấu của quân thù trong khắp các tỉnh”.

Qua một số sách báo Mỹ và nước ngoài nói về sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968 có thể nhận thấy, dù ở góc độ nào, dưới con mắt của các nhà khoa học quân sự, nhà chính trị, nhà sử học hay nhà báo, từ người dân bình thường đến các tướng lĩnh cao cấp, thậm chí cả Tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ lúc bấy giờ đều phải thừa nhận tác động to lớn của sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968 đối với toàn bộ cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Điều này chứng tỏ tầm vóc và ý nghĩa sâu sắc của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968 của quân và dân ta ở miền Nam. Nó đập tan những luận điểm sai trái và xua đi những nghi ngờ về thắng lợi của ta trong lịch sử Tết Mậu Thân năm 1968./.

Trần Nam ChuânĐại tá, PGS, TS, Viện Chiến lược quốc phòng, Bộ Quốc phòng



http://www.tapchicongsan.org.vn

Theo Tạp chí Cộng sản



Nhất tề xông lên trừng trị quân xâm lược

và tay sai bán nước

Thứ Tư, 23/01/2013

QĐND Online – Đó là lời kêu gọi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đứng lên tiêu diệt quân Mỹ, ngụy trong cái Tết của 45 năm trước, được thể hiện trong Mệnh lệnh Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.





Mệnh lệnh Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Mệnh lệnh quan trọng ấy được đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, thay mặt Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, ký ngày 30-1-1968, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (28A, Điện Biên Phủ, Hà Nội).

Với nội dung được đề cập trong Mệnh lệnh, khách tham quan tại bảo tàng có thể hiểu được bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, khi cuộc đấu tranh cứu nước của nhân dân miền Nam thu được nhiều thắng lợi liên tiếp; quân Mỹ đang bị động, thất bại, sa lầy nghiêm trọng và ngụy quân đang trên đã rệu rã.

Tết Nguyên đán Mậu Thân 1968, thể theo nguyện vọng của toàn thể đồng bào, theo phong tục cổ truyền của dân tộc, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra lệnh cho các lực lượng của ta ngừng tiến công quân sự trong 7 ngày để mọi người được yên ổn, vui vẻ ăn Tết.

“Để che lấp dã tâm đen tối của bọn chúng, bọn Mỹ và Thiệu, Kỳ cũng phải nói đến ngừng bắn và chúng chỉ nói ngừng bắn trong 48 giờ. Nhưng rồi chúng lại tráo trở rút xuống còn 36 giờ… Cuối cùng, hồi 14 giờ ngày 30-1, chúng đã thủ tiêu hoàn toàn lệnh ngừng bắn gian trá của chúng”, Mệnh lệnh ghi rõ.

Tiếp đó, địch đã sử dụng máy bay, pháo binh bắn phá các nơi dân cư đông đúc; cấm trại 100% nhân viên và binh sĩ ngụy. Và như vậy, địch đã không để cho đồng bào ta và ngay cả ngụy quân, ngụy quyền yên ổn vui Tết.

Mệnh lệnh nêu rõ: “Trước tình hình như vậy, Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận hạ lệnh cho tất cả các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng, các lực lượng đấu tranh chính trị, toàn thể hội viên các hội giải phóng hãy sát cánh cùng các lực lượng yêu nước khác và toàn thể đồng bào nhất tề xông lên quyết trừng trị đích đáng quân Mỹ xâm lược và bọn Thiệu, Kỳ tay sai bán nước”.

Với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chúng ta đã giáng cho quân Mỹ, ngụy những đòn bất ngờ và choáng váng, góp phần làm thay đổi tương quan lực lượng và cục diện trên chiến trường. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đã góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nhất Tổ quốc của dân tộc ta.

Bài, ảnh: PHẠM HOÀNG HÀ

http://www.qdnd.vn/

Theo Quân đội nhân dân Onlnie





Nhớ Mậu Thân 45 năm về trước

Thứ bảy, 26/01/2013



Chúng tôi dọn dẹp xong căn cứ sau cuộc càn Gian xôn Citi của 45.000 quân Mỹ thì có lệnh ba lô bút mực đến Đại hội Anh hùng quân giải phóng lần thứ hai vào tháng 5-1967. Đại hội tổ chức trong khu rừng dưới chân núi Bà Rá (Phước Long) để bảo đảm bí mật. Đây là khu rừng khắc nghiệt về khí hậu, về muỗi rừng... Hầu hết các đại biểu đến đại hội đều bị bệnh sốt rét hành hạ. Đoàn nhà văn, nhà báo đến đại hội gồm Nguyễn Thi, Anh Đức, Giang Nam, Võ Trần Nhã, Viễn Phương, Hoài Vũ, Đinh Phong, Nguyên Hồ... đều bị sốt rét nặng. Đặc phái viên Thép Mới cũng run lập cập và chống gậy...

Sau Đại hội Anh hùng, chúng tôi vội vã hành quân về căn cứ và “nghe xì xầm” về một cuộc chiến đấu mới. Đến cơ quan, chưa kịp viết truyện Anh hùng được phân công, chúng tôi đã được triệu tập đi học tập “lớp chính trị đặc biệt”. Tại đây chúng tôi đã nhận ra Trung ương đang chuẩn bị cho một cuộc “xuống đường” vĩ đại. Với chúng tôi hai chữ “xuống đường” có nghĩa là vô Sài Gòn. Vì vậy không khí các cơ quan rất rộn ràng, háo hức. Hầu hết đều lựa chọn lại đồ dùng, quần áo cho gọn nhẹ. Một vài anh “tếu” tuyên bố: Lần này ra đi không trở lại nên xé bỏ nhiều đồ đạc, đập phá xoong nồi, xô đổ cả nhà ở để ra ngủ rừng. Các nhà văn, nhà báo chia nhau theo các đơn vị bộ đội, theo các mặt trận. Anh Thép Mới, đặc phái viên của Trung ương Cục được đưa bằng đường “hợp pháp” vào nội đô trước giờ nổ súng. Các em nhỏ được điều tham gia công tác giao liên tuyên truyền vũ trang. Và như thế cuối năm 1967 các khu rừng miền Đông Nam bộ đã trống vắng, các đơn vị đã áp sát Sài Gòn. Vào thời điểm này, mặt trận Sài Gòn gồm sáu phân khu với năm phân khu vòng ngoài (1, 2, 3, 4, 5) và Phân khu 6 nội đô (mà quen gọi là thành phố). Các phân khu đều có lực lượng bộ đội chủ lực địa phương và tự vệ vũ trang.

Lực lượng tấn công địch của ta vào Sài Gòn gồm các đồng chí biệt động nội đô, các đơn vị bộ đội chủ lực từ ngoại ô đánh vào như Tiểu đoàn 6 Bình Tân. Đặc biệt Bộ chỉ huy mặt trận đã điều động Sư đoàn 9 “quả đấm thép” của quân giải phóng gồm các Trung đoàn Bình Giã, Đồng Xoài, Lộc Ninh đánh thọc vào nội đô. Ngoài các lực lượng võ trang tập trung còn có lực lượng võ trang của các đoàn thể như Thành đoàn học sinh sinh viên, Thành hội Phụ nữ, Công đoàn, Hoa vận..., lực lượng võ trang tự vệ của các quận. Riêng ngành tuyên huấn có đội võ trang tuyên truyền do đồng chí Bảy Kỉnh, Giám đốc Đài phát thanh giải phóng phụ trách... Các nhà văn, nhà báo, quay phim, nhiếp ảnh... đều được phân công bám theo các đơn vị vào nội đô. Phạm Khắc đi theo mặt trận Phân khu 1 rồi sau đó vào nội đô cùng Tiểu đoàn 6 Bình Tân. Tiểu đoàn 6 Bình Tân là mũi nhọn nên có nhiều người được đi cùng, trong đó có Nguyễn Thi, Lâm Tấn Tài...

Ngoài lực lượng biệt động sống và chiến đấu trong nội đô, lần đầu tiên quân giải phóng đưa các đơn vị chủ lực cấp tiểu đoàn, trung đoàn đánh vào giữa sào huyệt địch. Tiểu đoàn 6 Bình Tân đã đánh nhiều trận ở quận 5, quận 10, Tân Bình và thọc sâu vào tận Vườn Lài, quận 3 cùng với Trung đoàn Bình Giã, Sư đoàn 9 phát động quần chúng nổi dậy... Trung đoàn Đồng Xoài đánh vào nội đô bắn chết đại tá ngụy Lưu Kim Cương, Trung đoàn Lộc Ninh tiêu diệt cụm xe tăng ngay ở cầu Tre...

Từ Tết Mậu Thân cho đến giữa năm 1968, súng luôn nổ vang giữa Sài Gòn buộc chính quyền ngụy phải sơ tán ra Vũng Tàu. Quân ta và đồng bào ta treo cờ và làm chủ các khu dân cư trong nhiều ngày - trong đó có ngã bảy Vườn Lài, ngã tư Bảy Hiền...

Cuộc chiến đấu không cân sức giữa ta và địch nên thương vong rất lớn. Ngoài số hy sinh, khá đông anh em bị thương rồi bị bắt... Xương máu của các chiến sĩ và nhân dân trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968 đã buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn nhìn ra một sự thật: chúng không thể dùng vũ lực để đánh bại cách mạng miền Nam dù đã đưa quân đội, vũ khí trực tiếp đánh nhau suốt hai năm trong “chiến tranh đặc biệt”, trái lại lực lượng cách mạng có thể đánh mạnh ở khắp nơi từ đồng bằng, rừng núi đến cả nội đô Sài Gòn và các đô thị miền Nam ngay cả Đại sứ quán Mỹ, dinh Độc Lập. Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968 đã giáng một đòn bất ngờ cho phía Mỹ, buộc đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải hạn chế ném bom trên miền Bắc, phải ngồi vào bàn Hội nghị Paris và suốt hơn bốn năm cuộc đấu tranh trên chiến trường và trên bàn hội nghị đã kết thúc tại Paris ngày 27-1-1973.

Ngày nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968 - trong đó có cả những ý kiến chê trách. Song rõ ràng là, không có cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968, không có xương máu của bao nhiêu chiến sĩ và đồng bào ta năm đó và cuộc chiến tranh giải phóng thì không có Hội nghị Paris để đi đến các chiến thắng liên tiếp sau này cho đến thắng lợi sau cùng.

Tại cuộc họp rút kinh nghiệm về công tác tư tưởng của chiến dịch Mậu Thân vào năm 1968 tại ven đô Sài Gòn do đồng chí Trần Trọng Tân phụ trách tuyên huấn chủ trì đã có nhiều ý kiến đánh giá bước đầu về cuộc Tổng tấn công và nổi dậy 1968. Hầu hết những người dự cuộc họp đều thống nhất rằng: Các trận đánh về quân sự đã đạt hiệu quả cao và do lực lượng của ta còn chênh lệch quá xa nên thắng lợi còn hạn chế song cuộc nổi dậy của nhân dân chưa đáp ứng được yêu cầu của chiến dịch. Cũng vì lẽ đó mà cuộc Tổng tấn công và nổi dậy 1968 chưa trọn vẹn phải kéo dài thêm nhiều năm nữa mới đến thắng lợi hoàn toàn.

Đã 45 năm đi qua, hôm nay sống trong hòa bình, độc lập, tự do trong cuộc sống đã khá hơn tuy vẫn còn vất vả, xin hãy dành một nén nhang tưởng nhớ công ơn của các chiến sĩ và nhân dân đã tiến hành cuộc tập kích to lớn vào giữa dinh lũy Sài Gòn và các đô thị để đặt một bước chân lịch sử cho nhân dân ta giành thắng lợi cuối cùng.

Trên con đường đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta trong thế kỷ 20 phải nhắc đến những mốc son chói lọi như Cách mạng Tháng Tám, chiến thắng Điện Biên Phủ, Tổng công kích và nổi dậy Mậu Thân 1968, Điện Biên Phủ trên không, Tổng tấn công mùa xuân 1975.

Tinh thần của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968 cách đây 45 năm sẽ sống mãi trong lòng dân tộc ta.

ĐINH PHONG

http://www.congan.com.vn

Báo Công an Tp. HCM






Каталог: upload -> download
download -> Hà Nội Điện Biên Phủ trên không
download -> Nq-qh11 Tiêu đề: nghị quyết số 45/2005/nq-qh11 CỦa quốc hội về việc thi hành bộ luật dân sự
download -> CÔng ty cổ phầN ĐẦu tư dna cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
download -> Ngoại giao Việt Nam 67 năm: Vươn tới những tầm cao mới
download -> Chuẩn nén hình ảnh là gì?
download -> TÀi liệu hưỚng dẫn sử DỤng và CÀI ĐẶt lập trình tổng đÀI ĐIỆn thoại ike ike 308 ac ike 416 hc ike 832 vc ike 816 bc
download -> Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa, nâng lên tầm cao mới tư tưởng độc lập tự chủ, hòa bình và hội nhập thế giới một truyền thống lâu đời của chính trị Việt Nam
download -> Bảng Giá Bán Lẻ Dây & Cáp Điện Số: 01/09. 09. 2014/lkh-r

tải về 277.74 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương