BÀi tập môn họC: ĐẠi cưƠng khoa học du lịch gvgd: Th. S nguyễn văn thanh nhóm sinh viên thực hiệN



tải về 48.87 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích48.87 Kb.
#29740
ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

KHOA ĐỊA LÝ



BÀI TẬP

MÔN HỌC:

ĐẠI CƯƠNG KHOA HỌC DU LỊCH

GVGD: Th.S NGUYỄN VĂN THANH

NHÓM SINH VIÊN THỰC HIỆN:

1. Nguyễn Thị Mỹ Châu MSSV: 0956080011

2. Bùi Đức Chuyên MSSV: 0956080016

3. Nguyễn Trường Giang MSSV: 0956080034

4. Nguyễn Trần Hoàng Phương MSSV: 0956080128

5. Nguyễn Hải Thảo MSSV: 0956080156

6. Nguyễn Thị Hoàng Uyên MSSV: 0956080208

TP.Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 10 năm 2011

CÂU HỎI:

Nêu khái niệm, đặc trưng, nguyên tắc tổ chức và bài học kinh nghiệm trong hoạt động du lịch lễ hội, hành hương.

BÀI LÀM:

PHẦN MỘT: DU LỊCH HÀNH HƯƠNG

Ai cũng có một niềm tin. Tin để sống tốt hơn hay niềm tin cũng như một nhu cầu tinh thần thiết yếu của mỗi người. Danh ngôn phương Tây có câu: “Thà tin vào quỉ sứ còn hơn là không tin vào bất cứ cái gì”. Như vậy đủ để cho ta thấy niềm tin nói chung và niềm tin vào tôn giáo hay tín ngưỡng nói riêng có một vị trí không thể thay thế được trong tâm thức mỗi người, nhất là trong cuộc sống của xã hội ngày nay, khi con người ta không chỉ có nhu cầu về một cuộc sống sung túc mà nhu cầu về tinh thần cũng chiếm một vị trí đáng kể. Trong đó có nhu cầu được tìm tòi, được khám phá, được hướng về cội nguồn… và cả nhu cầu về tâm linh.

Đáp ứng cho những đòi hỏi đó, khái niệm “du lịch hành hương” ra đời, cũng là một loại hình du lịch nhưng có sự kết hợp đặc biệt giữa du lịch và tâm linh nhằm làm thỏa mãn nhu cầu của nhiều du khách.

I. Khái niệm

Du lịch hành hương là một hình thức du lịch văn hóa mà điểm đến chính của chuyến đi là những nơi thờ tự hoặc những di tích liên quan đến một sự kiện quan trọng của một tôn giáo hay tín ngưỡng, có ý nghĩa tâm linh sâu sắc đối với du khách; ở đó, du khách thực hiện các hoạt động chiêm bái, cầu nguyện, trải nghiệm và tìm hiểu thông tin về tôn giáo, tín ngưỡng đó; trong chuyến đi còn kết hợp các hoạt động tham quan, ngắm cảnh, vui chơi, nghỉ dưỡng mang tính phụ trợ.



II. Đặc trưng

Nhìn chung, du lịch hành hương có các đặc trưng sau:

1. Gồm 3 yếu tố cơ bản hợp thành: địa điểm, con người và tâm linh

Nói cách khác, 3 yếu tố cơ bản hợp thành tour du lịch hành hương là địa điểm hành hương, người đi hành hương và động lực hành hương.

Địa điểm hành hương là yếu tố quan trọng nhất đối với du lịch hành hương. Mặc dù chương trình tour có thể đi đến nhiều điểm khác nhau, và không phải điểm nào cũng liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng, nhưng điểm đến chính yếu thể hiện ý nghĩa “hành hương” của chuyến đi là điều bắt buộc phải đạt được.

Ví dụ: Tour hành hương về “Thánh địa La Vang” (của Thiên Chúa giáo) có thể còn ghé tham quan một số điểm khác trong chương trình. Giả sử có một lý do nào đó mà người tổ chức tour buộc phải “bỏ qua” một số điểm, song “Thánh địa La Vang” thì buộc phải tới, nếu không chuyến du lịch sẽ mất hết ý nghĩa của nó.

Người đi du lịch hành hương chủ yếu là những người có tôn giáo hoặc có niềm tin vào một tín ngưỡng nào đó. Niềm tin tâm linh thúc đẩy họ thực hiện chuyến hành hương để thể hiện sự sùng bái, để cầu nguyện những điều tốt đẹp, hay để được biết rõ về tôn giáo của mình… Đó chính là động lực hành hương của họ.

Tuy nhiên, trong các tour du lịch hành hương vẫn có các thành phần du khách không có động lực hành hương thật sự. Họ là những người thân hay bạn bè của một người hành hương. Họ tham gia tour hành hương với mục đích du lịch là chủ yếu, hoặc chỉ “đi cho biết”, hay có thể là những người có nhu cầu nghiên cứu, học tập về tôn giáo, đi theo đoàn hành hương để tìm hiểu là chính… Dù với mục đích gì thì họ vẫn là các thành phần cá biệt và không làm thay đổi đặc trưng tâm linh của du lịch hành hương.

2. Thỏa mãn 2 nhu cầu cơ bản: du lịch và tâm linh

Để thỏa mãn nhu cầu tâm linh của du khách hành hương, chương trình du lịch và những người tổ chức phải đảm bảo đến được các điểm hành hương và đảm bảo các điều kiện cần thiết để du khách thực hiện các hoạt động chiêm bái, cầu nguyện, tìm hiểu, trải nghiệm không gian tín ngưỡng, tôn giáo.

Bên cạnh đó, du khách cũng cần được thỏa mãn nhu cầu du lịch của mình, như các vấn đề ăn uống, lưu trú, đi lại, nghỉ ngơi, tham quan, vui chơi giải trí…

3. Gắn bó chặt chẽ với các tôn giáo, tín ngưỡng

Một điều hiển nhiên là không có tôn giáo, tín ngưỡng thì không có hành hương và không thể có du lịch hành hương. Hoạt động của du lịch hành hương phải phù hợp với nội quy, phong tục, thời vụ riêng của từng tôn giáo, tín ngưỡng, phù hợp với các điều kiện tự nhiên và xã hội nơi du khách đến hành hương.

4. Tính mùa vụ cao

Mỗi tôn giáo, tín ngưỡng thường có một thời gian hành hương định kỳ và ngắn hạn. Ví dụ: khách hành hương Phật giáo thường hành hương vào các dịp Phật Đản (rằm tháng tư âm lịch), Tết nguyên đán…, còn khách hành hương Thiên chúa giáo lại thường đi vào dịp Giáng sinh…

Dù vậy, du lịch hành hương lại có nguồn khách dồi dào và khá ổn định (hnh hương là một điều gần như bắt buộc ở một số tôn giáo, với một số tôn giáo khác thì hành hương đã trở thành một thói quen được chủ động duy trì).
III. Nguyên tắc tổ chức

Người tổ chức du lịch hành hương phải nắm rõ các đặc trưng của du lịch hành hương để tổ chức thực hiện một cách đúng đắn và hiệu quả.

Trước tiên, từ 3 yếu tố cơ bản cấu thành du lịch hành hương, người tổ chức phải xác định được nguồn khách hàng tiềm năng, xây dựng các chương trình tour phù hợp cho từng nhóm đối tượng khách và thể hiện được tối đa nét đẹp tâm linh của chuyến du lịch.
Phối hợp hài hòa hai nhu cầu du lịch và tâm linh: Không thể phân chia rạch ròi trong chuyến đi là phần nào dành cho tâm linh và phần nào dành cho du lịch, mà người tổ chức phải biết phối hợp hai yếu tố đó trong mỗi phần của chuyến đi. Ví dụ: Trong khâu hướng dẫn du lịch, người hướng dẫn viên phải chọn lọc các thông tin phù hợp để thuyết minh cho khách, dùng ngôn ngữ gần gũi với tôn giáo, tín ngưỡng của du khách để tạo ra không khí tâm linh cần thiết, không kể các câu chuyện mang tính nhạy cảm để tránh làm mất không khí linh thiêng…
IV. Bài học kinh nghiệm trong tổ chức

Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị lữ hành với các vị chức sắc am hiểu, có uy tín trong tôn giáo, tín ngưỡng để tạo ra sự chuyên nghiệp trên cả hai mặt du lịch và tâm linh.

Nghiên cứu lịch sử, giáo lý, đặc điểm, phong tục… của tôn giáo, tín ngưỡng; nghiên cứu điều kiện tự nhiên của điểm đến vào thời gian diễn ra hành hương.

Cần chú ý xây dựng khả năng kết nối con người vời con người, lấy niềm tin tâm linh làm điểm chung để tạo sự giao lưu, thân thiện, đồng cảm giữa những người cùng đi hành hương. Điều này sẽ đem lại hiệu quả thiết thực cho chuyến đi, xét về cả hai mặt du lịch và hành hương, làm cho chuyến đi tăng chiều sâu tâm linh và ấn tượng du lịch.

Cần thêm vào chương trình các hoạt động mới mẻ, hấp dẫn để phục vụ nhiều nhu cầu hơn cho du khách, thay vì chỉ đến nơi và chiêm bái, cầu nguyện như hình thức hành hương truyền thống. Điều này giúp làm tăng sự đa dạng và hấp dẫn cho chương trình tour, phát huy được sự sáng tạo của người làm du lịch từ những lợi thế vốn có của từng điểm đến cụ thể.

PHẦN HAI: DU LỊCH LỄ HỘI

Du lịch lễ hội cũng là một loại hình phổ biến trong du lịch văn hóa. Xét về một khía cạnh nào đó, du lịch văn hóa cũng có mối quan hệ rất gần với du lịch hành hương, bởi đa số các chuyến hành hương diễn ra trong thời gian của một lễ hội mang tính tôn giáo, tín ngưỡng. Tuy nhiên, đây là hai hình thức du lịch khác nhau. Phần trên chúng ta đã phân tích về du lịch hành hương, phần sau đây sẽ trình bày một cách tổng quát về du lịch lễ hội.



I. Khái niệm :

Sinh hoạt lễ hội là hình thức văn hóa rất đặc trưng, là sự kiện văn hóa được tổ chức mang tính cộng đồng. Lễ hội gồm phần lễ và phần hội. Lễ là hệ thống những hành vi, động tác nhằm biểu hiện sự tôn kính của con người đối với thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà bản thân họ chưa có khả năng đạt được. Hội là sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật của cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu trong cuộc sống.

Du lịch lễ hội là một loại hình của du lịch văn hóa, kết hợp giữa tham quan, du lịch và việc tham gia một lễ hội, sự kiện nào đó.

II. Đặc trưng:

Thành phần trọng tâm, cốt lõi, cái quyết định bản chất của du lịch lễ hội chính là lễ hội. Vì thế, để phân tích các đặc trưng của hình thức du lịch này, cần bám sát vào các đặc trưng của lễ hội.



Khi đánh giá lễ hội phục vụ mục đích du lịch, cần chú ý những đặc trưng sau đây.

  • Thời điểm diễn ra lễ hội: Các lễ hội không phải diễn ra quanh năm, mà chỉ tập trung trong thời gian ngắn, thường diễn ra vào mùa xuân, thời tiết đẹp. Người Việt Nam có câu : “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” là để chỉ thời gian lễ hội vào đầu năm. Ở một số quốc gia khác, lễ hội đầu năm cũng được coi trọng như Maxlenisa ở Nga, Carnaval ở Brazil, Bunpimay ở Lào, Chôn Chơ Nam Thơ Mây ở Campuchia,… Như vậy, du lịch lễ hội mang tính mùa vụ cao.

  • Thời gian tổ chức lễ hội cũng không giống nhau, có lẽ hội kéo dài hàng tháng, có lễ hội chỉ vài ngày. Trong thời gian diễn ra lễ hội, khách hành hương tới rất đông với nhiều mục đích khác nhau, bao gồm cả mục đích du lịch, tìm hiểu. Do đó, du lịch lễ hội thường xuyên đối mặt với sự quá tải và dễ rơi vào lộn xộn.

  • Quy mô của lễ hội: Các lễ hội có quy mô không giống nhau. Có lễ hội diễn ra trên địa bàn rộng, thậm chí mang tầm quốc tế. Nhưng cũng có những lễ hội chỉ gói gọn trong phạm vi một thôn làng nhỏ hẹp. Điều này rõ ràng ảnh hưởng tới hoạt động du lịch và nhất là khả năng thu hút khách.

  • Địa điểm diễn ra lễ hội: Các lễ hội thường được tổ chức tại những di tích lịch sử - văn hóa. Điều đó cho phép khai thác tốt hơn cả lễ hội và di tích vào mục đích di lịch. Di tích và lễ hội là hai loại tài nguyên nhân văn luôn song song và xen kẽ nhau. Hoạt động du lịch gắn với di tích và không tách rời di tích. Có thể nói, di tích là tinh hoa truyền thống được kết tinh lại ở dạng vật thể, còn lễ hội là cái hồn chuyển tải tinh hoa đó đến với đời thường.

  • Ý nghĩa của lễ hội: Các lễ hội đều có nguồn gốc, sự tích và gắn với một ý nghĩa khác nhau. Có lễ hội để tưởng nhớ một anh hung lịch sử, có lễ hội để cảm tạ thần thánh và cầu mưa thuận gió hòa, có lễ hội gắn với một sự kiện lịch sử lớn mang tính giáo dục, hay có những lễ hội chỉ đơn giản là cách mà người dân ăn mừng một mùa bội thu; bên cạnh các lễ hội truyền thống còn có các lễ hội mới ra đời gần đây do sự tiếp thu văn hóa nước ngoài… Khi khai thác các lễ hội này vào hoạt động du lịch, chúng ta phải hiểu được ý nghĩa của nó để triển khai các hoạt động du lịch cho phù hợp.

III. Nguyên tắc và bài học kinh nghiệm trong tổ chức du lịch văn hóa:

  • Tiếp thị một cách chuyên nghiệp

Không chỉ hấp dẫn du khách bằng cảnh sắc thiên nhiên, những điểm khám phá kỳ thú hay món ăn ngon, nhiều nước trên thế giới còn “hút” khách nhờ vào việc tổ chức các lễ hội đặc sắc và chuyên nghiệp. Thậm chí, có những lễ hội đã được quốc tế hóa, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch và đưa hình ảnh quốc gia đó đi khắp nơi, như: lễ hội té nước trong dịp lễ Tết cổ truyền Songkran (Thái Lan) hay Chol Chnam Thmay (Campuchia); lễ hội hoa anh đào (Nhật Bản); lễ hội Bia (Oktoberfest) của người Đức... Tuy sở hữu hàng nghìn lễ hội trải dài khắp Bắc - Trung - Nam nhưng Việt Nam chưa xây dựng được sản phẩm du lịch lễ hội nào gây tiếng vang đối với du khách quốc tế.

Rất nhiều sản phẩm du lịch như văn hóa, biển, mạo hiểm, khám phá,… được giới thiệu tới du khách nhưng hiếm có một đơn vị lữ hành nào đủ mạnh dạn để xây dựng một tour du lịch lễ hội chuyên đề để chào bán với du khách quốc tế. Trong những trường hợp rất hiếm hoi, đơn vị lữ hành chỉ tổ chức một số tour tìm hiểu, khám phá phong tục tập quán, các nét văn hóa đặc trưng thông qua lễ hội các vùng miền khi có khách đăng kí. Mặt khác, ở một số địa phương, lễ hội diễn ra hoành tráng nhưng lại bị gián đoạn ở năm tiếp theo do thiếu kinh phí. Chính sự dang dở đó đã khiến các đơn vị lữ hành không dám mạo hiểm. Đặc trưng của lễ hội dân gian Việt Nam là mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng, gắn bó với những tập quán, nghi lễ, văn hóa ứng xử, văn hóa ẩm thực... từng làng xã, địa danh, vùng đất. Nhiều du khách quốc tế đã thực sự bị lôi cuốn khi trực tiếp chứng kiến những nét độc đáo trong lễ hội ở Việt Nam. Nhưng đáng buồn là chúng ta có thừa lễ hội, nhưng lại thiếu một chiến lược phát triển và quảng bá, làm cho sản phẩm du lịch lễ hội của chúng ta trở nên yếu thế, và dễ dàng bị gạt ra trong cuộc cạnh tranh với Thái Lan, Malaysia, Singapore,…

  • Xây dựng những sản phẩm hoàn chỉnh

Trong thời gian gần đây, nhiều địa phương đã tổ chức những lễ hội, một mặt lưu giữ những truyền thống tốt đẹp của cha ông, mặt khác tạo ra lực hút đối với du khách. Tuy nhiên, do công tác tổ chức và quản lí yếu kém, nên lại rơi vào cảnh tiền mất tật mang. Một ví dụ tiêu biểu là lễ hội chùa Hương. Cách đây vài năm, lễ hội chùa Hương là một trong những lễ hội nhận được sự ủng hộ của du khách quốc tế. Họ đến đây, ngoài việc tìm hiểu về văn hóa dân tộc Việt Nam, họ còn cầu mong những điều may mắn, hạnh phúc, vừa thưởng ngoạn vẻ đẹp của thiên nhiên để tìm thấy những giây phút thanh thản trong tâm hồn. Nhưng cho đến hôm nay, lễ hội dài nhất Việt Nam đã không còn thu hút nữa. Du khách nước ngoài đã quá chán ngán với cảnh chen chúc nhau của dòng người, cảnh chặt chém du khách của người dân địa phương, sự lộn xộn trong việc tổ chức và sự ô nhiễm của môi trường. Không chỉ vậy, nhiều lễ hội dân gian còn lạm dụng tín ngưỡng, nảy sinh tình trạng “buôn thần, bán thánh”, thậm chí có hiện tượng pha tạp, vay mượn hoặc cải biên làm biến dạng nghi lễ truyền thống khiến du khách “một đi không trở lại”.

Bên cạnh đó, chúng ta dường như đã bỏ quên một lượng du khách đầy tiềm năng - Việt kiều về quê ăn Tết mỗi năm đang ngày một tăng, chưa kể hàng trăm ngàn người nước ngoài hiện đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam cũng rất quan tâm, mong muốn có được những trải nghiệm thú vị tại các lễ hội của nước bản địa.

Như vậy, nguồn tài nguyên để phát triển du lịch văn hóa hiện nay rất dồi dào và đa dạng. Song, ngành du lịch Việt Nam hiện vẫn đang còn thiếu kinh nghiệm và trình độ tổ chức khai thác nên vẫn chưa thể có những hoạt động tương xứng với tiềm năng. Trong thời gian tới, ngành Du lịch sẽ còn nhiều vấn đề để nghiên cứu và học hỏi mới có thể phát triển được loại hình du lịch đang rất thịnh hành trên thế giới này.

tải về 48.87 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương