Bài 1 giới thiệu tông huấn familiaris consortio



tải về 342.63 Kb.
trang1/4
Chuyển đổi dữ liệu12.09.2017
Kích342.63 Kb.
#33119
  1   2   3   4
NĂM PHÚC ÂM HÓA GIA ĐÌNH






Bài 1

GIỚI THIỆU

TÔNG HUẤN FAMILIARIS CONSORTIO
Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam sau Hội Nghị thường niên năm 2013 đã viết: “Trong năm 2014 sắp tới, chúng ta hãy cùng nhau Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình và thúc đẩy gia đình tham gia tích cực vào sứ vụ loan báo Tin Mừng. Hội Thánh được gọi là gia đình của Thiên Chúa và mỗi gia đình Kitô hữu được gọi là Hội Thánh tại gia. Việc canh tân Hội Thánh phải được bắt đầu từ mỗi gia đình, do đó, Hội Thánh đặc biệt quan tâm đến các gia đình. Cách cụ thể, mới đây Đức Thánh Cha Phanxicô đã loan báo triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa ngoại lệ vào tháng 10 năm 2014 về “Những thách đố mục vụ đối với gia đình trong bối cảnh Phúc-Âm-hoá”.

Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 cũng nhấn mạnh: “Trước cuộc khủng hoảng gia đình hiện nay, Hội Thánh nhận thấy cần phải tăng cường và canh tân mục vụ gia đình, phải xem mục vụ gia đình là hoạt động quan trọng, nối kết những kế hoạch và chương trình mục vụ của giáo xứ cũng như giáo phận”.

Và các ngài viết tiếp: “Để thực hiện những mục tiêu trên, xin anh chị em hãy xây dựng gia đình mình thành một cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sống và hăng say loan báo Tin Mừng” (số 6).

Những ý tưởng này tìm thấy trong Tông Huấn Familiaris Consortio về những bổn phận của gia đình Kitô hữu trong thế giới ngày nay, đặc biệt trong phần nhấn mạnh đến bổn phận của gia đình tham dự vào đời sống và sứ mạng của Giáo Hội. Thật vậy, gia đình luôn liên kết một cách mật thiết với Giáo Hội, vì gia đình được xây dựng như một Giáo Hội thu nhỏ, hay theo lối diễn tả của Công Đồng Vaticanô II, như: “Giáo Hội tại gia” (x. LG 11; AA 11). Điều đó có nghĩa là gia đình Kitô hữu cho dù bất xứng nhưng tự mình có thể bày tỏ và diễn tả được mầu nhiệm về Giáo Hội trong sứ mạng cứu rỗi của mình. Một đàng gia đình được kết hiệp một cách mật thiết vào trong mầu nhiệm Giáo Hội, và đàng khác cũng góp phần vào sự tăng trưởng của Giáo Hội.

Giáo Hội trong tư cách là Mẹ sinh ra, giáo dục và xây dựng gia đình Kitô hữu nhờ công trình cứu rỗi đã lãnh nhận từ Đức Kitô. Căn cứ trên Lời Chúa, Giáo hội dạy cho gia đình biết căn tính đích thực của mình, nghĩa là bản chất nguyên thủy của gia đình, và mời gọi gia đình phải sống bản chất nguyên thủy đó đúng theo kế hoạch của Thiên Chúa.

Bằng ân sủng của Đức Kitô qua việc cử hành các bí tích, Giáo Hội làm cho gia đình Kitô hữu trở nên phong phú và kiên cường hơn; bằng việc công bố và cổ võ luật bác ái, Giáo Hội thúc đẩy và hướng dẫn gia đình biết phục vụ cho tình yêu.

Nhờ vậy, gia đình được kết hiệp vào trong mầu nhiệm Giáo Hội và tham dự vào sứ mạng của Giáo Hội.

Như thế, gia đình Kitô hữu có bổn phận riêng biệt và nguyên thủy ngay trong lòng Giáo Hội, là sẵn sàng phục vụ cộng đoàn giáo hội không phải theo mỗi cá thể, nhưng theo tính cách cộng đoàn: vợ chồng cùng nhau phục vụ trong tư cách là đôi bạn, cha mẹ và con cái như là gia đình. Bằng cách thế riêng biệt ấy gia đình tham dự vào hoạt động cứu rỗi của Giáo Hội, xây dựng Nước Chúa trong lịch sử. Nhờ tình yêu như là nguyên lý, gia đình biểu lộ và thực hiện việc tham dự của mình vào sứ mạng tiên tri, tư tế và vương đế của Đức Kitô (x. FC 50).

Sứ mạng tiên tri của gia đình Kitô hữu là tiếp nhận và rao truyền Lời Chúa, trở nên cộng đoàn tin và loan báo Tin Mừng. Gia đình bước theo một hành trình đức tin bắt đầu bằng việc chuẩn bị hôn nhân, đi đến giai đoạn quan trọng bằng cử hành bí tích và tiếp tục trong cả cuộc sống. Trong cách thế ấy, vợ chồng “khám phá và thán phục phẩm giá của hôn nhân và gia đình mà Thiên Chúa đã nâng cao, bằng cách lấy đó làm dấu chỉ và môi trường của giao ước yêu thương giữa Thiên Chúa và con người, giữa Đức Kitô và Giáo Hội là Hiền Thê của Ngài” (FC 51).

Hơn nữa, bằng việc lắng nghe Lời Chúa, vợ chồng khám phá ra những đòi hỏi cụ thể về việc tham dự vào tình yêu của Đức Kitô đối với Giáo Hội, trong từng hoàn cảnh mà họ đang sống. Gia đình vừa là cộng đoàn đức tin vừa là cộng đoàn loan báo Tin Mừng. Theo mức độ đón nhận Tin Mừng và trưởng thành trong đức tin, họ trở nên người loan báo Tin Mừng ngay trong nội bộ của mình và cho các gia đình khác. Sứ mạng ấy đã được trao ban cùng bí tích Rửa Tội. Nhưng trong bí tích Hôn Phối, gia đình lãnh nhận một ơn sủng đặc biệt và một sức mạnh mới mà Tông Huấn Familiaris Consortio nhắc nhở: Ngày nay, gia đình đặc biệt được mời gọi làm chứng cho giao ước phục sinh của Đức Kitô nhờ việc luôn tỏa sáng niềm vui chan hòa tình yêu và niềm trông cậy vững bền” (FC 52).

Ngay trong nội bộ của mình, gia đình sống sứ vụ loan báo Tin Mừng trong việc giáo dục Kitô giáo cho con cái. Bằng cách thế đơn sơ và cụ thể, cha mẹ hãy trở nên nhân chứng đầu tiên cho con cái, giúp mỗi người con chu toàn sứ mạng của mình theo ơn gọi đã lãnh nhận từ Thiên Chúa. Cha mẹ phải theo sát con cái trong suốt đời của chúng, kể cả trong tuổi thanh niên là tuổi mà con cái hay lơ là trong việc giữ đạo (x. FC 53).

Đối với bên ngoài, gia đình hãy sống bổn phận loan truyền Tin Mừng và trở nên thừa sai thực sự, vì gia đình được mời gọi “trở nên một dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của Đức Kitô cũng như của tình yêu mà Ngài dành cho những kẻ ở xa, cho gia đình chưa tin và cả cho những gia đình Kitô hữu không còn sống phù hợp với đức tin đã lãnh nhận” (FC 54).

Nhờ đâm rễ sâu và được nuôi dưỡng bằng bí tích Hôn Phối, gia đình Kitô hữu luôn được Đức Kitô đánh động và mời gọi đối thoại với Ngài qua đời sống bí tích và việc cầu nguyện: đó chính là sứ mạng tư tế của gia đình (x. FC 55).

Nguồn mạch đặc biệt và phương thế độc đáo cho việc thánh hóa vợ chồng và gia đình Kitô hữu chính là bí tích Hôn Phối. Bí tích này kết hợp tình yêu nhân loại vào trong mầu nhiệm chết và sống lại của Đức Kitô và thánh hóa tình yêu ấy. Trong cách thế ấy, ơn sủng của Đức Kitô không chấm dứt với việc cử hành bí tích, nhưng vẫn luôn tiếp tục đồng hành với đôi vợ chồng suốt cả cuộc sống. Ơn sủng bí tích thánh hóa vợ chồng để họ chu toàn những bổn phận và sống đúng với phẩm giá bậc sống của họ. Trong khi chu toàn bổn phận hôn nhân và gia đình nhờ sức mạnh của bí tích, họ đạt được chính sự thánh hóa của họ. “Chính trong cuộc sống ấy mà ơn sủng được phát sinh và đòi hỏi phải có một linh đạo hôn nhân và gia đình đích thực và sâu xa” (FC 56). Linh đạo này được gợi hứng từ những biến cố quan trọng trong lịch sử cứu độ: trong công cuộc Tạo Dựng, vợ chồng tìm thấy lại ý định nguyên thủy của Thiên Chúa về hôn nhân đã bị tội lỗi làm lu mờ; trong Giao Ước cũ của Thiên Chúa với dân Ngài, họ nhận ra tình yêu trung thành; trong Thập giá họ chiêm ngắm tình yêu hiến thân của Đức Kitô cho Giáo Hội (x. FC 56).

Và rồi đời sống bí tích của gia đình được sáng tỏ hơn trong bí tích Thánh Thể và Hòa Giải: “Phép Thánh Thể chính là nguồn mạch của hôn nhân Kitô giáo. Quả thế, hy lễ Thánh Thể diễn lại giao ước tình yêu giữa Đức Kitô và Giáo Hội, vì giao ước ấy đã được ký kết bằng máu của Ngài trên thập giá” (FC 57). Trong Hy tế Thánh Thể vợ chồng tìm thấy động lực và sức mạnh để sống giao ước hôn nhân của mình. Phép Thánh Thể là nguyên do và nguồn mạch của đức ái vợ chồng, dấu chỉ của một tấm bánh duy nhất thực hiện sự hiệp thông thực sự giữa các phần tử của cộng đoàn gia đình và truyền cho họ phải ở lại trong sự hiệp thông ấy.

Một bước quan trọng khác trong tiến trình nên thánh của vợ chồng là sự hoán cải và cử hành Bí tích Thống Hối. Sự hối cải và tha thứ cho nhau ngay trong gia đình tìm thấy ý nghĩa trong bí tích Hòa Giải. Ân sủng của bí tích này cho phép tất cả mọi phần tử của gia đình gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng giàu lòng nhân từ, và thông ban cho giao ước hôn nhân và sự hiệp thông gia đình được hoàn hảo hơn (x. FC 58).

Chức vụ tư tế của gia đình không chỉ dừng lại trong việc cử hành các bí tích, nhưng hằng tiếp tục trong đời sống cầu nguyện gia đình bằng những đặc điểm riêng của mình: cầu nguyện chung giữa vợ chồng với nhau, hoặc cha mẹ cùng con cái. Lời cầu nguyện ấy có một nội dung đặc biệt, bởi vì liên quan đến chính đời sống gia đình. Những hoàn cảnh khác nhau, hạnh phúc hay đau khổ, hy vọng hay buồn chán, sinh nhật hay những ngày kỷ niệm khác trong gia đình đều có thể là cơ hội để cùng nhau cảm tạ tri ân, để xin ơn trợ giúp, tha thứ hay ca tụng Chúa (x. FC 59).

Chính cha mẹ có bổn phận và sứ mạng giáo dục con cái trong việc cầu nguyện, dẫn dắt chúng biết thân thưa với Chúa với những lời đơn sơ và chân thành của chúng (x. FC 60). Việc cầu nguyện gia đình có thể có nhiều hình thức khác nhau: có thể theo chu kỳ phụng vụ của Giáo Hội; có thể theo cách thế riêng phù hợp với truyền thống khác nhau: đọc Lời Chúa, tôn kính Đức Mẹ, lần chuỗi mân côi, đọc kinh trước và sau các bữa ăn (x. FC 61).

Cầu nguyện là phần quan trọng làm cho đời sống Kitô hữu trở nên mạnh mẽ hơn để lãnh nhận và chu toàn những trách nhiệm riêng biệt của mình. Việc trung thành và sốt sắng trong đời sống cầu nguyện phát sinh lòng mong ước tham dự vào đời sống và sứ mạng của Giáo Hội trong thế giới: “Sự phong nhiêu của gia đình Kitô hữu trong thừa tác vụ đặc biệt nhằm phát triển nhân bản, và qua đó, hẳn đã góp phần vào việc biến đổi thế giới" (FC 62).

Sau hết, gia đình có một sứ vụ vương đế: sống giới luật mới về tình yêu trong hoàn cảnh cụ thể của cuộc đời. Gia đình Kitô hữu được Thần Trí của Đức Kitô hướng dẫn để đề nghị luật Tin Mừng về tình yêu trong tâm hồn của mỗi người. Gia đình cũng được ân huệ của Chúa Thánh Thần thúc đẩy và được mời gọi sống phục vụ tình yêu đối với Thiên Chúa và anh chị em (x. FC 63). Hình thức đầu tiên về đức ái mà gia đình sống trong cộng đoàn Giáo Hội và xã hội là sự đón tiếp, lòng kính trọng, phục vụ mỗi người, được nhìn nhận trong nhân phẩm của nó và của con cái Thiên Chúa. Khi phục vụ cho đức ái, gia đình thi hành được sự thăng tiến thực sự về nhân bản (x. FC 64).

“Tương lai của nhân loại sẽ đến ngang qua gia đình!” (FC 86). Với những lời lẽ đơn sơ nhưng đầy xác tín này trong đoạn kết của Tông Huấn, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bày tỏ ý thức sâu xa của Giáo Hội về tầm quan trọng của Gia Đình đối với tương lai của thế giới. Đây cũng là một ý thức mà trong suốt dòng lịch sử, Giáo Hội không bao giờ quên. Tuy nhiên, ngày nay ý thức ấy càng trở nên rõ ràng và mãnh liệt hơn, bởi vì định chế gia đình ngày càng gặp nhiều nguy hiểm và chịu tổn thương nặng nề trong tiến trình biến đổi của xã hội và văn hóa; nhưng đồng thời những biến đổi này cũng hối thúc gia đình khám phá ra những giá trị, những đòi hỏi và những trách nhiệm của mình. Đó cũng là lý do mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam quyết định đặt việc Phúc Âm Hóa Gia Đình là việc làm đầu tiên trong chương trình ba năm Tân Phúc Âm Hóa.

Và để thực hiện mục tiêu của Năm Phúc Âm Hóa Gia Đình, chúng ta được mời gọi xây dựng gia đình theo bốn chủ điểm cầu nguyện, yêu thương chung thủy, bảo vệ sự sống và truyền giáo.


*****

CHỦ ĐỀ 1


GIA ĐÌNH CẦU NGUYỆN
Bài 2

GIA ĐÌNH LÀ HỘI THÁNH TẠI GIA
1. Lời Chúa
Anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa, để rao giảng quyền năng của Đấng đã gọi anh em ra khỏi tối tăm mà vào ánh sáng kỳ diệu của Người” (1 Pr 2,9).
2. Giải thích
Gia đình là Hội Thánh tại gia:

Nhờ bí tích Rửa Tội, gia đình tín hữu là những ngọn đuốc đức tin sống động và chiếu sáng: Cha mẹ là những người đầu tiên dùng gương lành và lời nói thông truyền đức tin cho con cái; cha mẹ là những giáo lý viên đầu tiên của con cái.

Nhờ bí tích Rửa Tội, gia đình là nơi thể hiện đặc biệt chức tư tế cộng đồng: Gia đình là trường học đầu tiên của đời sống Kitô giáo và là trường phát triển nhân cách làm người và làm Kitô hữu.

Gia đình tham dự vào cuộc sống của Hội Thánh:

Bí tích Rửa Tội giúp gia đình Kitô hữu sống mầu nhiệm hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi, đó là sống tình yêu thương hiệp nhất trong gia đình. Cha mẹ và con cái là kết quả của tình yêu của cha mẹ hợp thành cộng đoàn yêu thương phản chiếu mầu nhiệm hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Khi loan báo Lời Chúa, Hội Thánh cho biết gia đình là gì và phải trở nên thế nào theo ý định của Thiên Chúa. Khi cử hành bí tích, Hội Thánh làm phong phú và củng cố gia đình Kitô hữu với ơn của Chúa Kitô để thánh hoá gia đình mà tôn vinh Chúa Cha. Khi mời gọi gia đình sống đức ái, Hội Thánh giúp gia đình phục vụ tình yêu để bắt chước và sống tình yêu hiến mình và hy sinh mà Chúa Giêsu đã dành cho toàn thể nhân loại.

Đến lượt mình, gia đình Kitô hữu cũng hoà nhập vào trong mầu nhiệm Hội Thánh để sống Lời Chúa hầu nhận ra bản tính đích thực của gia đình Kitô hữu, để được thánh hoá nhờ siêng năng lãnh nhận các bí tích và sống tình yêu của Đức Kitô trong đời sống gia đình. Như thế, không những gia đình Kitô hữu trở thành một cộng đoàn cứu rỗi, mà còn được mời gọi truyền đạt cho anh chị em khác chính tình yêu của Đức Kitô.



Gia đình tham dự vào sứ mạng của Hội Thánh:

Sứ mạng ngôn sứ: Qua bí tích Rửa Tội, mỗi Kitô hữu và mỗi gia đình Kitô hữu được tham dự vào sứ mạng ngôn sứ của Chúa Kitô. Qua sứ mạng này, gia đình Kitô hữu siêng năng đọc, đón nhận và suy đi ngẫm lại Lời Chúa như Đức Maria để nhận ra cái mới mẻ kỳ diệu trong đời sống hôn nhân và gia đình mà Thiên Chúa muốn thông truyền cho họ. Tuy nhiên, để làm được điều nầy, gia đình Kitô hữu phải có đức tin mới có thể khám phá và thán phục phẩm giá của hôn nhân và gia đình mà Thiên Chúa đã nâng lên hàng bí tích. Hành trình đức tin nầy phải được thể hiện ngay từ lúc lãnh nhận bí tích Rửa Tội, nhưng đặc biệt trong việc chuẩn bị hôn nhân cũng như trong suốt cuộc đời hôn nhân và gia đình. Tùy mức độ đón nhận Tin Mừng và trưởng thành trong đức tin, gia đình Kitô hữu trở nên cộng đoàn loan báo Tin Mừng. Sứ mạng này bắt nguồn từ bí tích Rửa Tội và nhận được nơi bí tích Hôn Phối một sức đẩy mới để có thể truyền đạt đức tin, thánh hoá và biến đổi gia đình mình và xã hội theo ý định của Thiên Chúa.

Sứ mạng tư tế: Qua bí tích Rửa Tội, mỗi Kitô hữu và mỗi gia đình Kitô hữu được tham dự vào chức năng tư tế của Chúa Kitô. Nhờ chức tư tế cộng đồng nầy, mỗi Kitô hữu và mỗi gia đình Kitô hữu có quyền và bổn phận thi hành việc phụng thờ Kitô giáo. Đó là thi hành giới răn thứ nhất. Vì thế, gia đình Kitô hữu cố gắng chu toàn ơn gọi và vai trò tư tế của mình không những bằng việc tham dự vào các cử hành Thánh Thể và các bí tích hoặc bằng việc hiến dâng chính mình cho vinh quang Thiên Chúa, nhưng còn bằng đời sống cầu nguyện, tức là đối thoại bằng kinh nguyện với Chúa Cha nhờ Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Kinh nguyện chính là sức đẩy thúc giục các gia đình Kitô hữu phượng thờ và làm chứng cho Thiên Chúa trong cuộc sống xã hội. Qua kinh nguyện thường ngày, gia đình Kitô hữu dâng lên Thiên Chúa là Cha mọi biến cố vui buồn, thành công thất bại như là một hy tế đầy tình phó thác vào Thiên Chúa là Đấng luôn chăm sóc và yêu thương con người.

Sứ mạng vương đế: Qua bí tích Rửa Tội, mỗi Kitô hữu và mỗi gia đình Kitô hữu được tham dự vào sứ mạng vương đế của Chúa Kitô, “Đấng đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Yêu thương và phục vụ là những điểm son của Hội Thánh theo gương Chúa Kitô. Vì vậy, gia đình Kitô hữu sống sứ mạng vương đế bằng việc sống yêu thương và phục vụ giữa các thành viên trong gia đình bằng lối sống hòa nhã, tôn trọng, nhường nhịn, chấp nhận và đón nhận nhau, loại trừ tinh thần thế tục đang ảnh hưởng ngày càng nhiều đến mọi sinh hoạt của gia đình Kitô hữu. Khi các gia đình ý thức và sống chức năng vương đế như thế, gia đình Kitô hữu không khép kín nữa, nhưng mở ra cho các gia đình chung quanh qua việc sống yêu thương và phục vụ trong tương quan với họ. Với nỗ lực sống sứ mạng vương đế nầy, gia đình Kitô hữu sẽ là men, là muối, là ánh sáng cho trần gian hầu mang lại niềm hy vọng cho con người ngày nay.
3. Ghi nhớ
Nhờ bí tích Rửa Tội, mỗi Kitô hữu và mỗi gia đình Kitô hữu được trở nên con Chúa và thành phần của Hội Thánh. Nhờ đó, gia đình xác tín và sống hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi và trở thành Hội Thánh tại gia. Vì là Hội Thánh tại gia, gia đình Kitô hữu tham dự vào cuộc sống của Hội Thánh qua việc đón nhận và thông truyền ơn cứu rỗi cũng như tham dự vào sứ mạng của Hội Thánh qua sứ mạng ngôn sư, tư tế và vương đế.
4. Quyết tâm
Xây dựng gia đình, Hội thánh tại gia, qua ba sứ mạng ngôn sứ, tư tế và vương đế, chính là xây dựng Hội Thánh.
Bài 3

LINH ĐẠO HÔN NHÂN GIA ĐÌNH
1. Lời Chúa
Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh” (1 Tx 4,3).
2. Giải thích
Nhờ ân sủng của bí tích Hôn Phối, gia đình được mời gọi sống ơn gọi hôn nhân và gia đình để xây dựng một gia đình hạnh phúc và nên thánh trong cuộc sống.

Mọi kitô hữu được mời gọi nên thánh:

Nhờ bí tích Rửa Tội, người Kitô hữu đã chết đối với tội lỗi để sống một cuộc sống mới: đó là cuộc sống làm con cái Chúa Cha trong Chúa Giêsu, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Bởi vậy, mọi Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh: “Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em, và có lời Kinh Thánh chép: hãy sống thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh” (1 Pr 1,15-16). Công Đồng Vatican II nhắc nhở: “Tất cả các Kitô hữu, bất kể thuộc bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và sự trọn lành của Đức Ái” (GH 40).



Linh đạo Hôn nhân và Gia đình:

Linh đạo là con đường nên thánh dành cho mỗi bậc sống. Vậy ơn gọi nên thánh của đời sống gia đình “được nêu rõ bởi việc cử hành bí tích Hôn Phối và được phô diễn cách cụ thể riêng của cuộc sống hôn nhân và gia đình (x. GH 41). Chính trong cuộc sống ấy mà ân sủng được phát sinh và nhận ra những đòi hỏi phải có một linh đạo hôn nhân và gia đình thật đích thực và sâu xa; linh đạo nầy được gợi hứng từ các chủ đề: sáng tạo, giao ước, thập giá, phục sinh và dấu chỉ bí tích” (Familiaris Consortio, 56c).

Tình yêu sáng tạo: Qua bí tích Hôn Phối, đôi bạn được mời gọi cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa bằng việc sẵn sàng đón nhận con cái và giáo dục chúng nên người và nên người Kitô hữu. Mỗi lần trao cho nhau những hành vi âu yếm, mở ngỏ cho sự sống, đôi bạn ý thức mình đang cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa và nên thánh trong chính nếp sống đó. Trong việc giáo dục, cha mẹ ý thức mình là những người cộng tác của Thiên Chúa, nhờ đó không ngã lòng buông xuôi trước những đứa con bướng bỉnh, ngược lại, biết cậy trông vào ơn Chúa để luôn nhẫn nại, kiên trì và yêu thương.

Tình yêu Giao ước: Cụm từ “Giao Ước” trong Kinh Thánh nói lên sáng kiến tình yêu Thiên Chúa muốn kết giao với con người; và trong giao ước nầy, Thiên Chúa luôn mãi trung thành dù con người bội phản, bất trung. Cũng thế, khi cử hành bí tích Hôn Phối, đôi bạn ký kết giao ước với nhau qua lời thề hứa sẽ yêu thương và chung thuỷ với nhau suốt đời. Như thế, ân sủng bí tích Hôn Phối giúp đôi vợ chồng nên thánh trong việc sống lời cam kết ấy mỗi ngày một trọn vẹn hơn. Khi nỗ lực sống giao ước nầy, vợ chồng phản ánh tình yêu của Thiên Chúa đối với con người và tình yêu của Đức Kitô với Hội Thánh.

Tình yêu Thập giá: Chúa Giêsu đã dùng cái chết trên thập giá để minh chứng Tình Yêu của Thiên Chúa và mang lại hạnh phúc cho nhân loại mà Ngài yêu mến. Trong đời sống hôn nhân và gia đình, đôi bạn được mời gọi nhìn lên thập giá Đức Kitô để học yêu thương, hy sinh, đón nhận nhau và tha thứ cho nhau, vì trong đời sống hôn nhân có rất nhiều thập giá: những khuyết điểm và tính xấu của nhau, những va chạm xung khắc, những thất bại rủi ro. “Đời sống kitô hữu mà không qua thập giá thì không thể đạt tới sự phục sinh. Như thế phải hiểu rằng không thể loại bỏ sự hy sinh trong đời sống gia đình, nhưng trái lại phải sẵn sàng đón nhận nó để tình yêu vợ chồng thêm sâu lắng và trở thành nguồn vui thân mật” (Familiaris Consortio, 34e). Đó là con đường nên thánh của đôi bạn trong đời sống hôn nhân và gia đình.

Tình yêu Phục sinh: Trong đời sống hôn nhân và gia đình, mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh mời gọi đôi bạn luôn canh tân tình yêu của mình, không để những ích kỷ, ghen tương len lỏi vào tình yêu ấy. Phương thế để canh tân tình yêu: siêng năng đọc Lời Chúa, cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích, học biết những kiến thức mới trong sách vở, báo chí để nuôi dưỡng tình yêu ấy.

Tình yêu Bí tích: “Cũng như tất cả mọi bí tích đều có mục đích thánh hoá con người, xây dựng Thân Thể Đức Kitô và thờ phượng Thiên Chúa, bí tích Hôn phối tự nó cũng là một hành vi phụng vụ để tôn vinh Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô và trong Hội Thánh. Khi cử hành bí tích ấy, đôi bạn Kitô hữu bày tỏ lòng biết ơn của họ đối với Thiên Chúa vì ân huệ cao cả Ngài đã ban cho, để trong cuộc sống hôn nhân và gia đình, họ có thể sống lại chính tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người và tình yêu của Đức Kitô đối với Hội Thánh là hiền thê của Ngài. Do bí tích Hôn phối, đôi bạn nhận được sự thánh thiện và hằng ngày có nghĩa vụ phải sống sự thánh thiện đã nhận được. Cũng do bí tích ấy, họ nhận được ơn và có nghĩa vụ luân lý phải biến đổi toàn thể đời sống mình thành một hy lễ thiêng liêng dâng lên Thiên Chúa. Như thế, giáo dân cung hiến cho Thiên Chúa chính thế giới này, nhờ biết phụng thờ Ngài khắp nơi bằng đời sống thánh thiện của mình” (Familiaris Consortio, 56 d-e).

Noi gương Thánh Gia:

Con đường nên thánh trong yêu thương và chu toàn bổn phận gia đình chính là con đường nên thánh mà Thánh Gia đã trải qua. Khi nhìn gương Thánh Gia, gia đình Kitô hữu được mời gọi phát triển lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria: “Khi được diễn tả bằng các tương quan chân thành với Đức Trinh Nữ và bằng việc noi theo đời sống thiêng liêng của Mẹ, lòng tôn sùng Đức Maria đích thực là một phương thế đặc biệt để nuôi dưỡng sự hiệp thông tình yêu trong gia đình và để phát triển linh đạo hôn nhân và gia đình. Mẹ của Đức Kitô và Hội Thánh, một cách đặc biệt cũng là Mẹ của các gia đình Kitô hữu là những Hội Thánh tại gia” (Familiaris Consortio, 61c).


3. Ghi nhớ
Gia đình Kitô hữu là môi trường nên thánh của mọi thành viên trong gia đình. Nơi đây, bậc làm cha mẹ nên thánh nhờ xây dựng đời mình trên tình yêu mà họ đã thề hứa yêu thương nhau trọn đời qua bí tích Hôn phối. Tình yêu được thể hiện qua Sáng tạo, Giao ước, Thập giá, Phục sinh và dấu hiệu Bí tích. Đó là linh đạo hôn nhân và gia đình của mọi gia đình Kitô hữu.
4. Quyết tâm
Gia đình Kitô hữu quyết tâm sống trọn vẹn Bí Tích Hôn Phối, được diễn tả qua tình yêu Sáng tạo, Giao ước, Thập giá, Phục sinh và dấu hiệu Bí tích.
Bài 4

CẦU NGUYỆN TRONG GIA ĐÌNH
1. Lời Chúa
Thầy bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhan danh Thầy, thì có thầy ở đó, giữa họ” (Mt 18,19-20).
2. Giải thích
Kinh nguyện gia đình:

Đối với đôi bạn và gia đình, chức tư tế do bí tích Rửa Tội đem lại cho các tín hữu và được họ sống trong hôn-nhân-bí-tích trở thành một ơn gọi và một sứ mạng tư tế, nhờ đó cuộc sống hằng ngày của họ trở thành hy lễ thuộc linh đẹp lòng Thiên Chúa qua sự trung gian của Đức Kitô (x. 1 Pr 2,5): đó là điều phát xuất không những do việc tham dự cử hành Thánh Thể và các bí tích khác, do việc hiến dâng chính mình cho vinh quang Thiên Chúa, nhưng còn do đời sống cầu nguyện, tức là đối thoại bằng kinh nguyện với Chúa Cha nhờ Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần.

Kinh nguyện gia đình có đặc tính của nó: vợ chồng cùng nhau cầu nguyện, cha mẹ và con cái cùng nhau cầu nguyện. Sự hiệp thông trong cầu nguyện vừa là hoa quả, vừa là đòi hỏi của sự hiệp thông mà các bí tích Rửa Tội và Hôn Phối đem lại.

Kinh nguyện gia đình có nội dung độc đáo liên hệ đến chính cuộc sống gia đình: vui mừng và cực nhọc, hy vọng và u buồn, những chọn lựa quan trọng và quyết liệt, tất cả đều là những dấu hiệu và sự hiện diện ưu ái của Thiên Chúa trong lịch sử gia đình; và những biến cố ấy cũng phải trở thành những lúc thuận tiện cho lời tạ ơn, khẩn nguyện, cho sự tin tưởng phó thác của gia đình vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa là Cha chúng ta ở trên trời.



Những nhà giáo dục đức tin:

Trên căn bản phẩm giá và sứ mạng của họ, cha mẹ Kitô hữu có bổn phận đặc biệt phải giáo dục con cái biết cầu nguyện, phải đưa chúng tới những khám phá đầu tiên về mầu nhiệm Thiên Chúa và đối thoại cá nhân với Ngài.

Chứng tích sống động của cha mẹ là yếu tố căn bản và không thể thay thế được trong việc giáo dục cầu nguyện: chỉ khi nào cha mẹ cùng cầu nguyện với con cái, chu toàn chức vụ tư tế vương giả của họ, họ mới vào sâu được trong lòng con cái và để lại những dấu vết mà các biến cố đời sống sẽ không thể xóa nhòa được.

Kinh nguyện phụng vụ và kinh nguyện riêng:

Kinh nguyện trong Hội Thánh tại gia đóng vai trò như một bước dẫn nhập tự nhiên cho con cái bước vào kinh nguyện phụng vụ của toàn thể Hội Thánh, vừa chuẩn bị cho chúng đi vào kinh nguyện phụng vụ, lại vừa mở rộng vòng kinh nguyện này đến các lãnh vực của đời sống cá nhân, gia đình và xã hội. Vì thế, mọi thành viên trong gia đình Kitô hữu đều tham dự vào bí tích Thánh Thể, nhất là ngày Chúa Nhật và các ngày lễ trọng, cũng như tham dự vào các bí tích khai tâm Kitô giáo cho trẻ em.

Để việc phụng tự cử hành tại nhà thờ được chuẩn bị và kéo dài ngay tại nhà mình, gia đình Kitô hữu cần đến việc cầu nguyện riêng. Việc cầu nguyện này mang nhiều hình thức khác nhau, nói lên sự phong phú phi thường của kinh nguyện. Ngoài kinh nguyện ban sáng và ban tối, các gia đình cũng được kêu mời tha thiết nên đọc và suy niệm Lời Chúa, tôn sùng và tận hiến cho Trái Tim Chúa Giêsu, sùng kính Đức Trinh Nữ Maria với những hình thức khác nhau, cầu nguyện trước và sau khi ăn và thực hành các việc đạo đức bình dân.

Việc lần chuỗi Mân Côi là một trong những thực hành đạo đức: Chuỗi hạt kính Đức Trinh Nữ Maria phải được coi như một trong những “kinh nguyện chung” tuyệt hảo và hữu hiệu nhất mà Hội Thánh mời gọi mọi người trong gia đình Kitô hữu đọc với nhau. Nếu buổi sum họp trong gia đình trở thành một buổi cầu nguyện, thì gia đình sẽ năng lần chuỗi Mân Côi như một hình thức được quý chuộng diễn tả việc cầu nguyện ấy. Nhờ đó, lòng tôn sùng Đức Maria đích thực chính là một phương thế đặc biệt để nuôi dưỡng sự hiệp thông tình yêu thương trong gia đình và để phát triển linh đạo hôn nhân và gia đình.



Kinh nguyện và đời sống:

Kinh nguyện là một phần thiết yếu làm nên đời sống Kitô hữu. Khi được vun xới một cách toàn diện và như một thực tại trung tâm, có thể nói rằng kinh nguyện nằm trong “nhân tính” của mỗi Kitô hữu.

Kinh nguyện không là một sự trốn chạy trách nhiệm thường ngày, nhưng là sức đẩy đang đẩy thật mạnh gia đình Kitô hữu đến chỗ nhận các trách nhiệm làm tế bào đầu tiên và căn bản của xã hội nhân loại và chu toàn đầy đủ các trách nhiệm ấy. Như thế, việc tham dự vào đời sống và sứ mạng của Hội Thánh trong thế giới sẽ biến chuyển theo tỷ lệ của sự cầu nguyện trung thành và sâu đậm mà nhờ đó gia đình Kitô hữu được kết hợp với Đức Kitô.

Bằng sự kết hợp đích thực với Đức Kitô, một sự kết hợp được nuôi dưỡng bằng phụng vụ, bằng việc dâng hiến chính mình và bằng kinh nguyện, gia đình Kitô hữu hăng say phục vụ sự thăng tiến nhân bản và qua đó góp phần vào việc biến đổi thế giới.


3. Ghi nhớ
Việc cầu nguyện chung trong gia đình chuẩn bị và kéo dài việc cầu nguyện trong Phụng Vụ. Cha mẹ phải ý thức và trở thành những nhà giáo dục đầu tiên về đức tin cho con cái, bằng việc cùng con cái đọc kinh chung trong gia đình. Nhờ việc siêng năng đọc kinh trong gia đình, các gia đình Kitô hữu sẽ sớm nhận ra rằng kinh nguyện là một phần thiết yếu làm nên đời sống Kitô hữu và giúp biển đổi thế giới này.
4. Quyết tâm
Gia đình Kitô hữu quyết tâm đọc kinh tối sáng như là một hành vi đức tin, cộng tác vào sứ mạng của Hội Thánh để biến đổi thế giới.

Bài 5

GIA ĐÌNH VÀ THÁNH LỄ
1. Lời Chúa
“Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ” (Cv 2,42.46).
2. Giải thích
Thánh lễ thiết lập và củng cố sự hiệp thông:

Thánh lễ thiết lập, củng cố và đổi mới sự hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa và với mọi người mọi vật, đồng thời cử hành thánh lễ bày tỏ sự hiệp thông đó cách công khai và cụ thể như là một hành vi thờ phượng cao cả nhất của Hội Thánh nhằm tôn vinh Thiên Chúa và mưu cầu ơn thánh hóa cho con người.



Thánh lễ là nơi chốn của sự hiệp thông và là trường dạy yêu mến tha nhân:

Khi chúng ta đến tham dự thánh lễ cùng với cộng đoàn, chúng ta có cơ hội thấy mình không cô độc, vì chính nơi Thánh Thể, chúng ta được hiệp thông với Chúa Kitô và trong Ngài chúng ta hiệp thông với nhau. Vì thế, cử hành thánh lễ trở nên một nguồn mạch thúc đẩy tình huynh đệ và bác ái tràn ngập tất cả mọi lãnh vực của đời sống cá nhân, gia đình và xã hội.



Thánh lễ hiện thực tinh thần hiệp thông cộng đoàn:

Hiệu quả bên trong của việc cùng nhau cử hành thánh lễ chính là thánh lễ đặt chúng ta vào trong mầu nhiệm tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu Kitô. Và vì thế, thánh lễ vừa là dấu chỉ của sự hiệp thông vừa kêu gọi chúng ta trở thành dấu chỉ của sự hòa giải và hiệp thông trong một thế giới ly tán. Thánh lễ chiếu sáng mọi khía cạnh của cuộc sống, tiêu hủy những đối nghịch và khơi dậy niềm tin tưởng và lòng yêu mến. Tất cả những điều đó xây dựng trên nền tảng của việc cùng nhau chia sẻ và tham dự vào Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, như lời thánh Phaolô dạy: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10,16-17).



Thánh lễ diễn tả tình thương tha thứ của Chúa và thách đố chúng ta bày tỏ sự tha thứ đó cho người khác:

Sự hiệp thông được xây dựng và phát triển trên tinh thần tha thứ và hòa giải. Trong khi tình trạng không nhà không cửa, không cơm no áo ấm chưa chắc đã là vấn đề tồi tệ nhất, thì những bất đồng, những căng thẳng trong tương quan giữa người với người, những hiểu lầm oan trái có thể làm con người phải than khóc, thậm chí làm gia đình ly tán, bạn bè chia tay. Con người luôn luôn có nhu cầu tha thứ và hoà giải. Thế nhưng, không dễ dàng để thực hiện bước thứ nhất trong tiến trình hòa giải và tha thứ, đó là khiêm nhường chấp nhận yếu đuối và lầm lỗi của mình, để có thể thực hiện bước thứ hai là xin người khác tha thứ. Tha thứ và hòa giải là vấn đề tuyệt đối cần thiết cho việc xây dựng một gia đình hạnh phúc, một cộng đồng bình an và vững mạnh. Cử hành thánh lễ là cơ hội đặc biệt để chúng ta tiếp nhận được sự tha thứ của Chúa. Và với sự nâng đỡ của ân sủng mà chúng ta đón nhận được trong thánh lễ, chúng ta sẽ có sức mạnh để thực thi con đường tha thứ và làm hoà với nhau.



Thánh lễ mời gọi và thách đố một đời sống yêu thương và phục vụ theo gương Chúa Kitô:

Thánh lễ bày tỏ một cách tinh ròng nhất hành động tự hiến của Chúa Giêsu vì ơn cứu độ của chúng ta. Khi cử hành mầu nhiệm tình yêu tự hiến này trong mỗi thánh lễ, chúng ta được mời gọi làm cho mầu nhiệm tình yêu ấy sinh hoa kết trái trong đời sống của chúng ta, nghĩa là việc tham dự thánh lễ phải khơi dậy trong chúng ta tình yêu và lòng can đảm dấn thân, khả năng phục vụ và tự hiến cho nhau, trước hết trong tương quan gia đình, và mở rộng ra trong tương quan cộng đồng.


3. Ghi nhớ
Thánh lễ là nguồn sức sống nuôi dưỡng và củng cố tình yêu trong đời sống hôn nhân và gia đình, vì thánh lễ mời gọi vợ chồng nói riêng, và mọi thành viên trong gia đình nói chung, sống tinh thần hiệp nhất và chia sẻ cho nhau tất cả. Năng đến với bí tích Thánh Thể, mọi thành viên gia đình sẽ được Chúa Giêsu biến đổi để trở nên tấm bánh tình yêu bẻ ra trao tặng cho nhau: tấm bánh của sự sống, của niềm vui, của tha thứ và của tâm đầu ý hợp.
4. Quyết tâm
Ý thức giá trị cao cả của thánh lễ, mọi thành viên các gia đình công giáo quyết tâm thường xuyên tham dự thánh lễ một cách tích cực và dọn mình rước lễ mỗi khi tham dự thánh lễ.

Bài 6

GIA ĐÌNH VÀ CÁC NGÀY LỄ CỦA GIA ĐÌNH
1. Lời Chúa
“Dù ăn, dù uống, dù làm bất cứ việc gì, anh chị em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10,31).
2. Giải thích
Bảy bí tích bảo đảm cho chúng ta sự đồng hành của Chúa trong mọi vui buồn của cuộc sống:

Các bí tích của Luật Mới được thiết lập bởi Đức Kitô; có bảy bí tích: Rửa Tội, Thêm Sức, Thánh Thể, Thống Hối, Xức Dầu Bệnh Nhân, Truyền Chức Thánh và Hôn Phối. Bảy bí tích này liên quan đến tất cả các giai đoạn và thời điểm quan trọng trong đời sống Kitô hữu: chúng làm cho đời sống đức tin của các Kitô hữu được sinh ra và lớn lên, được chữa lành và được trao sứ vụ. Về điều này, có một sự tương tự nào đó giữa những giai đoạn của đời sống tự nhiên và những giai đoạn của đời sống thiêng liêng” (GLGHCG 1210). Như vậy, các bí tích trở thành yếu tố quan trọng hiện diện và chi phối mọi sinh hoạt của gia đình công giáo, đánh dấu những biến cố vui buồn của gia đình, góp phần xác lập những ngày lễ riêng của mỗi gia đình. Bấy nhiêu điều đó là bảo chứng cho chúng ta về sự hiện diện chúc lành của Thiên Chúa trong đời sống của chúng ta và chiếu sáng cuộc hành trình mỗi ngày của chúng ta.



Những ngày lễ của gia đình là dịp để vun đắp tình yêu thương:

Những ngày lễ riêng của gia đình - ví dụ: ngày lễ bổn mạng của một thành viên trong gia đình; kỷ niệm ngày thành hôn; kỷ niệm chịu chức, khấn dòng; những ngày lễ giỗ, v.v. là dịp đặc biệt để mọi người trong gia đình quây quần bên nhau trong tình yêu thương hiệp nhất, vun xới thêm tình gia đình. Vào những dịp lễ như thế, sự quy tụ của gia đình Công giáo không chỉ là để tổ chức tiệc tùng ăn mừng, bày tỏ lòng quý mến qua lời chúc mừng, nhưng cần phải trở nên những dịp ưu tiên cho thực hành sống linh đạo gia đình cầu nguyện và hiệp thông. Nhiều gia đình Công giáo giữ được truyền thống tốt đẹp là cùng nhau tham dự thánh lễ hay cùng nhau đọc kinh cầu nguyện trong các ngày lễ mừng đặc biệt của gia đình. Những truyền thống tốt đẹp như thế nêu bật được trọng tâm của các cuộc lễ mừng: đó là chính Thiên Chúa, nguồn mạch của mọi phúc lành và niềm vui của gia đình. Chính trong ý nghĩa ấy mà chúng ta thấy bật lên lời thánh Phaolô nhắc nhở các gia đình công giáo hướng tất cả mọi tổ chức các ngày lễ trong gia đình về tâm tình cảm tạ và tôn vinh Thiên Chúa: “Dù ăn, dù uống, dù làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10,31).



Các sinh hoạt chung của gia đình trong các ngày lễ riêng của gia đình góp phần làm cho đời sống gia đình trở thành một trường học vĩ đại của tình yêu:

Khi gia đình cùng quy tụ để tổ chức các ngày lễ mừng của gia đình, đó là lúc mỗi thành viên gia đình không còn chỉ tập trung vào mình, vào những dự án và nhu cầu của riêng mình, nhưng học biết quan tâm đến nhau, biết sắp xếp lại những ưu tiên của mình để đáp ứng nhu cầu của vợ, chồng, cha mẹ, con cái. Các bữa ăn chung trong những ngày lễ có thể tạo cơ hội thảo luận về các sự kiện của gia đình. Những điều tốt đẹp được trao đổi và chia sẻ tại bữa ăn chung. Và điều đó được xem như một biểu hiện cụ thể về những điều tốt đẹp mà gia đình đang hướng đến.


3. Ghi nhớ
Đối với gia đình Công giáo, ánh sáng của tinh thần cầu nguyện phải chiếu sáng tất cả mọi biến cố vui buồn của gia đình. Nhờ đó, đời sống gia đình sẽ trở thành trường học của tình yêu. Những ngày lễ của gia đình là dịp để mọi người quây quần bên nhau trong tình yêu thương hiệp nhất, vun xới thêm tình nghĩa và duy trì những nét đẹp truyền thống của gia đình mình. Vì thế, vào những dịp lễ của gia đình, nên tổ chức những bữa ăn để tạo thêm bầu khí yêu thương, nhưng trên hết hãy bày tỏ tâm tình cảm tạ và tôn vinh Thiên Chúa, như lời thánh Phaolô dạy: “Dù ăn, dù uống, dù làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10,31).
4. Quyết tâm
Vào các dịp lễ của gia đình hay của một thành viên của gia đình, gia đình cùng nhau tham dự thánh lễ tạ ơn và giờ kinh chung trong gia đình, để dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn và cầu xin phúc lành; đồng thời tổ chức bữa ăn chung trong gia đình, dù là rất đơn sơ, để toàn thể gia đình cùng hiệp thông với nhau trong niềm vui.
*****

CHỦ ĐỀ 2


GIA ĐÌNH YÊU THƯƠNG CHUNG THỦY
Bài 7

GIÁO LUẬT VỀ BÍ TÍCH HÔN PHỐI
1. Lời Chúa
Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,9).
2. Giải thích
Hôn nhân là một Bí tích cao trọng Thiên Chúa thiết lập để thánh hoá đời sống gia đình (x. GL, 1055 §2). Tuy nhiên, Thiên Chúa đặt các Bí tích dưới quyền cử hành và trao ban của Hội Thánh, nên Hội Thánh có quyền đặt định các lề luật để bảo vệ hạnh phúc và duy trì sự thánh thiện của đời sống hôn nhân và gia đình.


tải về 342.63 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương