Ban thưỜng vụ TỈnh hội thanh hoá CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam



tải về 88.98 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu17.08.2016
Kích88.98 Kb.
#21610

HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM

BAN THƯỜNG VỤ TỈNH HỘI THANH HOÁ

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc




Số: 338 / BC- CTĐTH

Thanh Hoá, ngày 04 tháng 12 năm 2013



BÁO CÁO


Kết quả hoạt động năm 2013,

phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2014.



I. KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG NĂM 2013

Thực hiện nhiệm vụ hoạt động năm 2013 trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước, trong tỉnh còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Trong điều kiện đó, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, Chính quyền và Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các cấp Hội trong tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động xã hội - nhân đạo; cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ và các tầng lớp nhân dân đã tích cực tham gia các phong trào do Hội phát động. Thông qua hoạt động đã giúp đỡ cho hàng chục ngàn lượt người nghèo, người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam, nạn nhân thiên tai...v.v góp phần giúp các đối tượng giảm bớt khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống. Kết quả cụ thể như sau :



1. Về tổ chức Hội

Toàn tỉnh có 27 huyện, thị, thành Hội và 02 Hội cơ sở trực thuộc Tỉnh hội. Tổng số Hội cơ sở là : 819 ; trong đó: Hội Chữ thập đỏ xã, phường, thị trấn là : 637, Hội Chữ thập đỏ các trường THPT và Trung tâm Giáo dục thường xuyên &Dạy nghề là : 123, Hội Chữ thập đỏ khối cơ quan, doanh nghiệp là : 59. Tổng số cán bộ Hội chuyên trách 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) là : 655 người; phụ cấp cho cán bộ Hội cơ sở xã, phường, thị trấn là 0.7 mức lương tối thiểu-tương đương 805.000đồng/tháng . Tính đến ngày 30/11/2013, toàn tỉnh có 200.250 hội viên, 1.017 tình nguyện viên1; 210.300 Thanh thiếu niên Chữ thập đỏ.

Tiếp nhận và tổ chức thực hiện hoàn thành các hoạt động dự án “Nâng cao năng lực, phát triển Tỉnh hội” năm 2013 do Hội Chữ thập đỏ Nauy tài trợ với tổng giá trị 2.269 triệu đồng, giúp đỡ cho 7.000 người hưởng lợi trực tiếp.

2. Công tác xã hội nhân đạo

Công tác xã hội nhân đạo nổi bật trong năm là phong trào “Tết vì người nghèo, người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam” Xuân Quý Tỵ 2013, gắn với tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”. Tổng trị giá hoạt động của phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam năm 2013” toàn tỉnh đạt: 13.402 triệu đồng giúp đỡ cho 36.822 đối tượng nghèo và 4.995 đối tượng nạn nhân chất độc da cam (vượt chỉ tiêu TW Hội giao là 11.717 xuất quà và xếp thứ 3 toàn quốc) .

- Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” tuy kết quả còn hạn chế, nhưng một số địa phương, cơ quan, doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động hỗ trợ đối tượng đạt hiệu quả cao theo địa chỉ giới thiệu của các cấp Hội. Kết quả đánh giá tổng kết 5 thực hiện cuộc vận động (2008-2013), toàn tỉnh đã khảo sát và lập hồ sơ cần giúp đỡ cho 35.585 đối tượng, đã vận động các tổ chức, cá nhân giúp đỡ được 30.318 đối tượng, đạt 85% số hồ sơ khảo sát, với tổng giá trị trợ giúp là 62.952 triệu đồng. Trong đó: Hỗ trợ làm nhà, công trình vệ sinh, nước sạch là: 2.079 công trình; tặng sổ tiết kiệm (từ 3 triệu đồng trở lên) là: 601 sổ, hỗ trợ thường xuyên bằng gạo, tiền là: 4.585 đối tượng, cấp xe lăn, xe lắc và dụng cụ chỉnh hình: 754 đối tượng, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí: 13.260 đối tượng; hỗ trợ vốn sản xuất, chăn nuôi: 2.286 đối tượng; hỗ trợ khác là 6.765 đối tượng.

- Về dự án “Ngân hàng bò”: Chỉ đạo 04 huyện 2 thực hiện dự án đánh giá kết quả thực hiện từ năm 2010 đến 2013; đến nay số bò sinh sản lứa đầu đã chuyển cho các hộ mới là 58 con/58 hộ. Năm 2013 tiếp tục tiếp nhận dự án do Trung ương Hội hỗ trợ và vốn đối ứng của tỉnh; tổ chức bàn giao đợt một 50 con bò cho các hộ nghèo tại huyện Quan Hóa và 09 con bò tại huyện Cẩm Thuỷ 3, với tổng số tiền 623.800.000 đồng.

- Nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày Quốc tế Chữ thập đỏ-Trăng lưỡi liềm đỏ Tỉnh hội đã tổ chức ra mắt mô hình "Bếp ăn tình thương" cho Bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, Bệnh viện Hợp Lực và Bệnh viện Đa khoa Hoằng Hóa; trung bình mỗi tháng các Bếp ăn đã cung cấp miễn phí 1000 xuất ăn với mức 20.000đ/ xuất cho bệnh nhân nghèo (Hoạt động có sự tài trợ và phối hợp với Ban trị sự Phật giáo tỉnh Thanh Hóa và các Chùa).Từ tháng 5 đến nay, đã cung cấp gần 9.000 xuất ăn miễn phí, trị giá: 210 triệu đồng.

-Hưởng ứng phong trào “Chung tay xây dựng Nông thôn mới”, các cấp Hội trong tỉnh đã vận động nguồn lực tham gia hỗ trợ sửa chữa và làm mới 62 nhà cho các hộ nghèo và nạn nhân da cam, hỗ trợ các hộ nghèo xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh4, làm đường giao thông… với tổng giá trị 320 triệu đồng.

- Nhân các ngày lễ, ngày kỷ niệm trong năm, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các tổ chức, Doanh nghiệp5 thăm hỏi, tặng quà cho 3.200 đối tượng nghèo, nạn nhân chiến tranh, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, trị giá 326 triệu đồng. Hỗ trợ lắp chân giả, tay giả thông minh và cấp xe lăn cho 189 đối tượng người khuyết tật nghèo, với tổng giá trị 217 triệu đồng.

Thông qua Sở Ngoại vụ tỉnh, Tỉnh hội tiếp nhận 100 thùng quần áo do Hàn Quốc hỗ trợ và tổ chức cấp phát cho gần 6.000 đối tượng học sinh nghèo và đồng bào nghèo các huyện miền núi trị giá gần 2.500 triệu đồng.

-Về hỗ trợ đột xuất và trợ giúp nhân đạo tại các huyện, thị, thành hội và Hội cơ sở: Các cấp Hội từ huyện đến cơ sở đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể các xã, phường, thị trấn tổ chức thăm hỏi động viên 7.300 lượt đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trị giá: 1.900 triệu đồng.

-Triển khai có hiệu quả “Tháng hành động vì nạn nhân chất độc màu da cam” năm 2013 ; kết quả toàn tỉnh đã hỗ trợ, thăm hỏi 7.200 lượt nạn nhân với tổng giá trị 3.100 triệu đồng.

Tổng giá trị công tác xã hội nhân đạo năm 2013 đạt: 23.230 triệu, giúp đỡ cho 84.600 lượt đối tượng, đạt 143 % kế hoạch.

3. Công tác phòng ngừa và ứng phó thảm hoạ/thiên tai

Các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch phòng ngừa thảm hoạ và chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực ứng phó với thiên tai năm 2013 đảm bảo kịp thời và hiệu quả.

-Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai : Phối hợp với Tổng Công ty Viễn thông Quân đội tiến hành bàn giao 15 Nhà Chữ thập đỏ cho các gia đình đặc biệt khó khăn và các hộ bị thiệt hại do thiên tai gây ra với tổng giá trị gần 1.100 triệu đồng, trong đó Tổng Công ty Viễn thông Quân đội hỗ trợ làm nhà 552 triệu đồng; hỗ trợ 12 gia đình có người chết do mưa lũ 48 triệu đồng. Phối hợp với Công Ty Tuấn Thành tổ chức chuyển giao kỹ thuật sử dụng và hỗ trợ phân sinh học công nghệ cao cho nhân dân huyện Thọ Xuân bị thiệt hại do mưa lũ năm 2012 với số tiền 62.484.000 đồng (Nguồn hỗ trợ của Đại sứ quán Trung Quốc cho nhân dân vùng lũ). Hội Chữ thập đỏ các cấp đã phối hợp với các ban, ngành đoàn thể hỗ trợ ngày công, vật liệu, tu sửa nhà cửa, vệ sinh môi trường với tổng giá trị 760 triệu đồng.

- Khi có thiên tai xảy ra trên địa bàn, các cấp Hội đã tổ chức thăm hỏi, cứu trợ khẩn cấp kịp thời. Năm 2013, Thường trực Tỉnh hội cùng với lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành cấp tỉnh, các huyện, thị, thành Hội và Hội cơ sở tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời cho 232 gia đình có người chết, người bị thương, gia đình bị sập nhà do giông sét, lốc xoáy, lũ quét và các đối tượng bị tai nạn rủi ro, hoạn nạn đột xuất, với tổng giá trị 465 triệu đồng.

Tiếp nhận tiền và hàng của TW Hội, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước6 hỗ trợ cho 2.300 hộ bị thiệt hại nặng do bão số 9 và số 10 tại huyện Tĩnh Gia, Nông Cống và huyện Hương Sơn, tĩnh Hà Tĩnh trị giá 1.723 triệu đồng; huy động Tình nguyện viên Chữ thập đỏ các cấp giúp nhân dân ứng phó với bão, lũ với 900 ngày công trị giá 90 triệu đồng.

-Bằng nguồn lực tại chỗ và sự hỗ trợ của các chương trình dự án, các cấp Hội đã tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức và hỗ trợ cộng đồng chủ động trong phòng ngừa và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Năm 2013, Tỉnh hội tiếp tục triển khai có hiệu quả dự án Rừng ngập mặn & Giảm thiểu rủi ro thảm họa do Hội Chữ thập Nhật Bản tài trợ với các hoạt động chính là: Chăm sóc và bảo vệ rừng ngập mặn, tuyên truyền tập huấn kiến thức phòng ngừa thảm họa cho cộng đồng, đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và khả năng (VCA), hướng dẫn các xã lập kế hoạch phòng ngừa thảm họa, tổ chức diễn tập sơ tán dân và cứu hộ cứu nạn, hỗ trợ nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm, hệ thống truyền thanh và làm đường dân sinh ...tổng kinh phí thực hiện là 474 triệu đồng/15.500 người hưởng lợi.

Thông qua dự án Diphecho 8 do Hội Chữ thập đỏ Hà Lan và Hội Chữ thập đỏ Tây Ban Nha tài trợ, đã hỗ các phương tiện cảnh báo (loa cầm tay), bồn đựng nước sạch cho nhân dân 2 xã Bình Sơn và Thọ Sơn huyện Triệu Sơn; hỗ áo phao và phao cứu sinh cho đội ứng phó nhanh tại 2 xã Quảng Vinh và Quảng Thạch, huyện Quảng Xương; trang bị các dụng cụ, phương tiện hoạt động thiết yếu cho Đội ứng phó nhanh của Tỉnh hội với tổng giá trị 375 triệu đồng.

Ngoài ra, Tỉnh hội đã phối hợp vơí Dự án Catrend của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam, Tổ chức Care, đào tạo 27 tập huấn viên cho các Huyện hội về nước sạch, vệ sinh môi trường trong và sau thiên tai, 20 hướng dẫn viên đánh giá VCA cấp huyện, tập huấn lập kế hoạch giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho trên 500 lượt cán bộ và người dân tại huyện Nông Cống.

Tổng giá trị hoạt động phòng ngừa và ứng phó thảm hoạ trong năm đạt : 5.200 triệu đồng, với 17.500 người hưởng lợi trực tiếp, đạt 151% kế hoạch.



4. Công tác chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng.

Các cấp Hội đã làm tốt công tác phối hợp cùng ngành Y tế tuyên truyền công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh nhân dịp tết Quý Tỵ 2013 và dịch bệnh Xuân- Hè 2013 cho gần 8.000 lượt người.

Năm 2013, bằng nguồn lực tại chỗ và sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các Công ty dược/nhà thuốc, các đội Bác sỹ tình nguyện trong tỉnh và Câu lạc bộ “Vòng tay nhân ái”, Hội Chữ thập đỏ các cấp đã tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 7.800 đối tượng người nghèo, người khuyết tật và nạn nhân da cam nhân dịp Tết và ngày lễ trong năm với tổng giá trị 2.800 triệu đồng; tổ chức hoạt động sơ cấp cứu ban đầu tại cơ sở, trường học và chuyển viện miễn phí cho 4.200 đối tượng trị giá 820 triệu đồng.

- Trong khuôn khổ dự án “Chăm sóc sức khỏe và sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng - CBHFA” do Liên minh Châu Âu tài trợ, thực hiện tại 05 xã thuộc huyện Bá Thước từ năm 2013-2015; trong năm, Tỉnh hội đã thực hiện tốt các hoạt động theo kế hoạch như : Điều tra thái độ, hành vi của cộng đồng về dinh dưỡng, đào tạo tập huấn viên TOT về sơ cấp cứu và chăm sóc sức khỏe cấp tỉnh, tập huấn cho đội ngũ tình nguyện viên về CSSK ban đầu, trang cấp các trang thiết bị hoạt động sơ cấp cứu cho tình nguyện cấp xã, thôn…với tổng kinh phí đã thực hiện là 972 triệu đồng với 1.320 người hưởng lợi.

- Phối hợp với Hội từ thiện Minh Đức và huyện Nông Cống tổ chức đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, cấp dụng cụ cho người khuyết tật và tặng quà cho học sinh nghèo tại huyện Nông Cống và huyện Hà Trung trị giá 6.300 triệu đồng, giúp đỡ cho 6.210 đối tượng.

-Thông qua các hoạt động của dự án Catrend của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới, dự án OD4 do Hội Chữ thập đỏ Nauy tài trợ, Tỉnh hội và các huyện Hội đã tổ chức tập huấn về sơ cấp cứu và cứu hộ cứu nạn cho 110 lượt cán bộ Hội và Tình nguyện viên Chữ thập đỏ với số tiền 132 triệu đồng.

Tổng giá trị chăm sóc sức khoẻ dựa vào cộng đồng trong năm đạt 11.147 triệu đồng, giúp đỡ cho 26.800 đối tượng, đạt 167% kế hoạch.

5. Công tác vận động hiến máu tình nguyện (VĐHMTN)

Với nhiệm vụ là cơ quan Thường trực của Ban vận động HMTN tỉnh Thanh Hóa, Tỉnh hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông và Ban chỉ đạo VĐHMTN các đơn vị, tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân nhân về hiến máu tình nguyện, vận động cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên và nhân dân tham gia hiến máu tình nguyện theo kế hoạch và các sự kiện lớn.

Năm 2013, Tỉnh hội đã chủ động tham mưu cho Ban chỉ đạo tỉnh tổ chức các sự kiện như : “Lễ phát động Chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện”, “Lễ hội Xuân Hồng 2013” tại Trường Cao đẳng y và Chùa Thanh Hà, “Chiến dịch giọt máu hồng blu trắng” trong ngành y tế; Lễ phát động hưởng ứng ngày “Toàn dân hiến máu tình nguyện’’ 7/4/2013 tại huyện Quảng Xương; phát động chiến dịch “Giọt máu hồng hè 2013” và tôn vinh người hiến máu tình nguyện tại Trường Dự bị Đại học dân tộc Sầm Sơn. Đặc biệt là Chương trình “Hành trình đỏ-Kết nối dòng máu Việt” và ngày Hội “Giọt hồng xứ Thanh” đã tuyên truyền và thu hút được nhiều người tham gia đăng ký hiến máu.

Thông qua việc tổ chức các sự kiện và 43 đợt hiến máu tại các đơn vị, các huyện trong tỉnh; tính đến ngày 30/11/2013 toàn tỉnh đã tiếp nhận được 12.949 đơn vị máu (250ml). Tổng giá trị công tác vận động hiến máu tình nguyện đạt giá trị 1.950 triệu đồng7, đạt 92,5% kế hoạch.



6. Hoạt động tuyên truyền huấn luyện và các hoạt động khác.

- Phối hợp với dự án Brick- Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam tổ chức bàn giao trang thiết bị hỗ trợ truyền thông, tập huấn (máy tính cá nhân và máy ảnh) cho 17 huyện Hội với tổng giá trị gần 300 triệu đồng;

- Các cấp Hội Chữ thập đỏ đã làm tốt công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cấp huyện và cơ sở, Đài Phát thanh &Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa, Báo Nhân đạo&Đời sống, Tạp chí nhân đạo, trang thông tin điện tử của TW Hội và Tỉnh hội về các hoạt động xã hội nhân đạo, các phong trào lớn của các cấp Hội với gần 700 tin, bài; 720 băng zôn với tổng giá trị 540 triệu đồng. Với sự hỗ trợ của dự án OD4 do Hội CTĐ Nauy tài trợ, Tỉnh hội đã xây dựng trang thông tin điện tử :www.chuthapdothanhhoa.org.vn và in 1000 Bản tin Chữ thập đỏ Thanh Hóa (phát hành hàng quý).

- Bằng nguồn lực tại chỗ và sự hỗ trợ của các chương trình dự án, các huyện, thị, thành Hội đã tổ chức 84 lớp tập huấn cho 2.120 lượt cán bộ Hội cơ sở về phong trào Chữ thập đỏ, sơ cấp cứu ban đầu, kiến thức truyền thông và quản lý rủi ro thiên tai.

- Được sự hỗ trợ của Công Ty DNV thông qua Hội CTĐ Nauy, Tỉnh hội đã triển khai có hiệu quả các hoạt động dự án “ Phát triển cộng đồng” tại Bản Mý, xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa gồm làm đường dân sinh, công trình nước tự chảy và vệ sinh môi trường với tổng giá trị đã thực hiện 765 triệu/898 triệu đồng với gần 900 người hưởng lợi.

Tổng giá trị các hoạt động tuyên truyền, huấn luyện, phát triển tổ chức đạt 2.300 triệu đồng, bằng 176% kế hoạch.



7. Hoạt động xây dựng nguồn lực và quỹ hội

Năm 2013, Tỉnh hội được sự hỗ trợ của Trung ương Hội thông qua các chương trình cứu trợ khẩn cấp sau thiên tai và hỗ trợ thực hiện dự án “Ngân hàng bò ” đợt 1 tại huyện Quan Hóa với tổng số tiền là: 1.125 triệu đồng. Các Hội quốc gia hỗ trợ thông qua các chương trình dự án: “Nâng cao năng lực, phát triển Tỉnh hội ” do Hội Chữ thập đỏ Nauy tài trợ; dự án “Rừng ngập mặn >RRTH ” do Hội CTĐ Nhật Bản tài trợ; dự án Diphecho 8 do Hội Chữ thập đỏ Hà Lan và Hội Chữ thập đỏ Tây Ban Nha tài trợ; dự án “Chăm sóc sức khỏe và sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng” do phái đoàn Châu Âu tài trợ với tổng giá trị là 4.111 triệu đồng.

Công tác thu hội phí trong năm toàn tỉnh đạt: 850 triệu đồng8.

Công tác vận động xây dựng quỹ nhân đạo, quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc màu da cam, quỹ cứu trợ khẩn cấp còn chưa đồng đều ở các huyện và Hội cơ sở; tổng nguồn quỹ ở 3 cấp Hội trong năm ước đạt gần: 8.000 triệu; vận động các tổ chức và nhà hảo tâm trong và ngoài nước hỗ trợ thực hiện các hoạt động đạt : 40.356 triệu đồng

Trong năm, ngân sách Nhà nước cấp cho hoạt động hành chính của 3 cấp Hội (phụ cấp, lương và nghiệp vụ theo lương) với số tiền gần 4.430 triệu đồng.

8. Đánh giá kết quả đạt được và những hạn chế

8.1. Đánh giá chung kết quả đạt được

Năm 2013, các cấp Hội trong tỉnh đã không ngừng nâng cao chất lượng trong công tác nhân đạo, triển khai kịp thời các hoạt động hỗ trợ đối tượng khó khăn. Hoạt động của Hội đã đảm bảo tính chủ động, kịp thời mang lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương và nhu cầu của các đối tượng; một số hoạt động đã và đang chuyển dần sang mục tiêu nhân đạo phát triển mang tính bền vững; 5/6 chỉ tiêu cơ bản đều vượt trên 40% kế hoạch đề ra9. Thông qua các chương trình và phong trào hoạt động cụ thể, các cấp Hội đã giúp đỡ người nghèo, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai ... với tổng trị giá các hoạt động xã hội nhân đạo, tuyên truyền huấn luyện, phòng ngừa thảm hoạ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân và hiến máu tình nguyện đạt là 46.096 triệu đồng, giúp cho 141.849 lượt đối tượng và bằng 175% so với năm 2012. Hiệu quả hoạt động đạt 10,4 lần so với tổng kinh phí Nhà nước cấp cho 3 cấp Hội hoạt động trong năm.



8.2. Những hạn chế và nguyên nhân

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các cấp Hội trong tỉnh vẫn còn có những tồn tại cần khắc phục đó là :

- Các Phong trào hoạt động Chữ thập đỏ chưa thực sự có chiều sâu, chưa có sự đồng đều giữa các vùng, miền trong tỉnh. Phong trào ‘‘Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” và Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đã thu được kết quả đáng trân trọng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của đối tượng trên địa bàn; nhiều đơn vị cơ sở triển khai còn mang tính hình thức.

- Hoạt động hiến máu tình nguyện ở một số đơn vị chưa thực hiện đúng kế hoạch về thời gian và chỉ tiêu giao.

- Công tác xây dựng nguồn lực, thu hội phí và xây dựng quỹ cứu trợ khẩn cấp ở các cấp Hội, nhất là các huyện miền núi và Hội cơ sở còn hạn chế, vì thế chưa thực sự chủ động trong việc ứng phó kịp thời khi có thiên tai, thảm họa xảy ra.

- Việc tổng kết, biểu dương và nhân rộng các mô hình, điển hình hoạt động nhân đạo chưa được quan tâm đúng mức nên chưa khích lệ, động viên kịp thời các tổ chức, cá nhân tham gia làm công tác nhân đạo.

- Chế độ thông tin báo cáo hoạt động ở một số đơn vị còn chưa kịp thời.



Nguyên nhân tồn tại:

- Đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác Hội nhất là cấp huyện còn thiếu; trình độ năng lực chưa đồng đều nên chưa đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Công tác quản lý và rà soát thực chất về số lượng, chất lượng hội viên hoạt động còn chưa triệt để.

- Cơ chế chính sách về tổ chức bộ máy và cán bộ Hội ở 3 cấp còn nhiều bất cập chưa được tháo gỡ; phụ cấp cho cán bộ Hội cơ sở thấp, nhiều cán bộ phải kiêm nhiệm thêm một số việc khác để đảm bảo thu nhập.

- Một số nội dung hoạt động chưa có sự hướng dẫn thống nhất theo hệ thống nên hoạt động còn nhiều trở ngại, chồng chéo, mỗi địa phương làm theo một kiểu nên hiệu quả công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện còn thấp.

- Một số huyện miền núi, do địa hình phức tạp, lại quá xa trung tâm nên hoạt động công tác Hội ở một số lĩnh vực hết sức khó khăn, đặc biệt có hoạt động không thể tổ chức được như công tác vận động hiến máu tình nguyện.

II. PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2014

Năm 2014, các cấp Hội trong tỉnh tiếp tục củng cố tổ chức, tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua, hướng về hoạt động ở cơ sở và các vùng khó khăn trong tỉnh, phát huy vai trò cầu nối và điều phối các hoạt động nhân đạo; vì vậy nhiệm vụ công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ cần tập trung vào các nội dung trọng tâm sau đây :



1. Các chỉ tiêu cụ thể trong năm 2014:

1.1- Phát triển lực lượng tình nguyện viên Chữ thập đỏ tăng 20% trở lên so với năm 2013.

1.3- 100% Hội cơ sở (các huyện miền núi là 75%) đều có quỹ hoạt động, với số tiền quỹ đạt trung bình 5 triệu đồng/ đơn vị trở lên.

1.4- Giá trị hoạt động xã hội, trợ giúp nhân đạo và phòng ngừa thảm hoạ đạt 25 tỷ đồng trở lên.

1.5- Vận động hiến máu tình nguyện đạt 13.500 đơn vị máu trở lên. Giá trị công tác chăm sóc sức khoẻ và hiến máu tình nguyện đạt 10 tỷ đồng trở lên.

1.6- Công tác tuyên truyền, huấn luyện đạt 1,5 tỷ đồng trở lên.



2. Nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp

2.1. Công tác tổ chức

- Tập trung rà soát củng cố tổ chức, nắm chắc thực chất về số lượng Hội viên và tình nguyện viên Chữ thập đỏ các cấp; chú trọng phát triển Tình nguyện viên và các mô hình hoạt động.

- Tổ chức hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện Luật hoạt động Chữ thập đỏ và triển khai Chỉ thị 43 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X.

- Thống nhất mẫu sổ hoạt động chữ thập đỏ chung cho 3 cấp về quản lý hội viên, TNV, theo dõi hoạt đông Hội.

- Tập trung chỉ đạo hoạt động của các cụm thi đua thuộc tổ chức Hội trong tỉnh, duy trì chế độ giao ban cụm; rà soát công tác phát thẻ Hội viên, thẻ Tình nguyện viên để hoàn thành việc cấp thẻ mới cho Hội viên và TNV.

2.2. Công tác Tuyên truyền-Huấn luyện

- Tăng cường tuyên truyền hoạt động nhân đạo trên các phương tiện thông tin đại chúng, duy trì hoạt động của trang web Tỉnh hội và bản tin nhân đạo phát hành hàng quý. Tạo cơ chế hỗ trợ để tất các đơn vị cơ sở hàng quý đều bản tin nhân đạo của Tỉnh hội.

- Phối hợp với các huyện, thị, thành Hội và Hội cơ sở, các chương trình dự án, tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác Hội cho cán bộ Hội cơ sở.

- Xây dựng các mô hình hoạt động có hiệu quả, nêu gương các điển hình tiên tiến, thường xuyên cập nhật thông tin về các đối tượng cần sự giúp đỡ. Chỉ đạo các đơn vị rà soát việc thực hiện các chỉ tiêu đăng ký phát động thi đua năm 2014, đặc biệt là các tiêu chí gắn với phong trào xây dựng Nông thôn mới.

- Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị viết tin bài để cập nhật và đưa tin trên trang web của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, trang tin của Tỉnh hội Thanh Hoá và các bào địa phương.

2.3. Công tác xã hội nhân đạo và phòng ngừa thảm hoạ

- Đẩy mạnh phong trào tương thân tương ái giúp đỡ tại chỗ; tiếp tục chỉ đạo các hoạt động hỗ trợ người nghèo, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam và các đối tượng chính sách xã hội; triển khai có hiệu quả phong trào ‘‘Tết vì người nghèo và nạn nhân da cam’’ nhân dịp Tết Cổ truyền dân tộc. 

- Phối hợp với các tổ chức, cá nhân để chủ động hỗ trợ các hộ nghèo, các đối tượng khó khăn xây dựng Nhà Chữ thập đỏ gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới.

- Tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm triển khai sâu rộng cuộc vận động ‘‘Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo’’

- Phối hợp với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hiệp Hội Chữ thập đỏ-Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế xây dựng và triển khai các hoạt động dự án Rừng ngập mặn- Giảm thiểu rủi ro năm 2014; dự án OD4 do Hội Chữ thập đỏ Nauy tài trợ.

- Xây dựng cơ chế chính sách và nguồn lực quỹ cứu trợ khẩn cấp ở 3 cấp để chủ động hỗ trợ kịp thời các đối tượng trong tình huống khẩn cấp.

-Tổ chức triển khai dự án Ngân hàng Bò tại các huyện nghèo miền núi theo kế hoạch của Trung ương Hội; các huyện đồng bằng vận động nguồn lực để hỗ trợ bò sinh sản cho các hộ nghèo tại địa phương.

- Phối hợp với tổ chức Phi chính phủ tham gia triển khai các hoạt động của dự án phòng ngừa ứng phó thảm họa và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Thanh Hoá.



2.4. Công tác chăm sóc sức khoẻ dựa vào cộng đồng và hiến máu tỉnh nguyện

- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền về y học thường thức, vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh mùa hè.

- Chỉ đạo các đơn vị phối hợp với ngành y tế, các nhà tài trợ tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, người có công với cách mạng nhân các ngày lễ lớn trong năm.

- Triển khai dự án chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại huyện Bá Thước đảm bảo kế hoạch và tiến độ trong năm 2014.

- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền về công tác phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng.

- Chỉ đạo các đơn vị tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện tại các cơ quan, đơn vị và tổ chức các đợt hiến máu tỉnh nguyện theo kế hoạch tỉnh giao năm 2014.



2.5. Xây dựng quỹ và các nguồn lực

- Vận động cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ và nhân dân tham gia ủng hộ quỹ Nhân đạo, quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam, quỹ cứu trợ khẩn cấp.

- Xây dựng các dự án và kêu gọi sự giúp đỡ của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hiệp Hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế, các Hội Chữ thập đỏ các quốc gia và các tổ chức quốc tế để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Hội.

2.6. Công tác kiểm tra

Căn cứ chương trình, kế hoạch nội dung công tác, Ban kiểm tra phối hợp với các phòng, ban chuyên môn và Cụm trưởng các cụm thi đua tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện để các hoạt động đạt kết quả cao nhất.



2.7. Các hoạt động phối hợp khác.

- Phối hợp với Liên ngành cấp tỉnh tổ chức tốt các hoạt động Đoàn- Đội- Hội Chữ thập đỏ trường học năm học 2013-2014.

- Phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Y tế, Hội Khuyến học, Hội Người cao tuổi tổ chức thực hiện tốt các hoạt động phối hợp trong năm 2014 và giai đoạn 2012-2017.
Trên đây là kết quả hoạt động năm 2013 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2014. Ban Thường vụ tỉnh Hội đề nghị các cấp Hội trong tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương tổ chức triển khai cụ thể các hoạt động đạt kết quả cao; đồng thời kính mong nhận được sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Cấp uỷ, Chính quyền các cấp, các Ban ngành, đoàn thể để các cấp Hội trong tỉnh tổ chức tốt các hoạt động, hoàn thành nhiệm vụ được giao.



Nơi nhận :

- TW Hội Chữ thập đỏ Việt Nam(để B/c);

- Thường trực Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh (để B/c);

- Đ/c Trịnh Văn Chiến- Chủ tịch UBND tỉnh- Chủ tịch Danh dự Hội Chữ thập đỏ tỉnh ;

- Cụm thi đua số 5 Hội CTĐ Việt Nam (để b/c);

- Ban Dân vận Tỉnh uỷ (để B/c);

- Văn phòng Tỉnh uỷ, VP UBND tỉnh (để B/c);

- UB MTTQ tỉnh (để B/c);

- Sở Nội vụ (để B/c);

- Thành viên Ban chấp hành Tỉnh hội;

- Các huyện, thị, thành Hội và Hội trực thuộc(để t/h);

- Thường trực và các Ban của Tỉnh hội;



- Lưu: VT.

TM. BAN THƯỜNG VỤ

CHỦ TỊCH

Trịnh Thị Tiếp




1 Tăng 200 Tình nguyện viên = 124,5% so với năm 2012.

2 Lang Chánh, Mường Lát, Quan Sơn và Như Xuân; Tổng số trâu, bò tiếp nhận là 400 con, số trâu bò đã chết do rét đậm, rét hại và bị bệnh (2010-2011) là 61 con; tổng số trâu, bò hiện nay là: 381 con (trâu 37 con, bò 344 con).

3 Chương trình “Lục lạc vàng” và TW Hội phối hợp hỗ trợ 63 triệu đồng tiền giống và 10,8 triệu hỗ trợ làm chuồng, các gia đình đối ứng thêm từ 3triệu đến 4 triệu đồng/con.

4 Huyện Hội Hà Trung hỗ trợ 100 hộ làm nhà tiêu hợp vệ sinh với mức 500.000đ/hộ; tổng giá trị 50 triệu đồng

5 Tiêu biểu như : Siêu thị Big C Thanh Hóa trao tặng 50 suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Hà Trung trị giá 10 triệu đồng; Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential chi nhánh Thanh Hóa trao 20 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi của huyện Yên Định, trị giá 10 triệu đồng ; Câu lạc bộ Vòng tay nhân ái và Chùa Khánh Long tổ chức trao 10 xuất học bổng và trên 1000 cặp bánh Trung thu tại Nông Cống trị giá 70 triệu đồng..


6 Trong đó có sự hỗ trợ của Hội đồng hương Thanh Hóa tại Anh và Cộng hòa liên bang Đức

7 Giá trị trên số đơn vị máu hiến tặng là 1.635 triệu đồng; giá trị tuyên truyền hiến máu tình nguyện là 315 triệu đồng.

8 Khối trường học là 800 triệu, khối cơ quan, xã là 50 triệu

9 Chỉ tiêu hiến máu tình nguyện chỉ đạt trên 92%; lý do là cơ sở tiếp nhận máu trong tỉnh có nhiều thời điểm đã dư nên phải dừng tổ chức hiến máu ở một số đơn vị theo kế hoạch năm 2013.





tải về 88.98 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương