Ban chấp hành đẢng bộ huyện krông pa tỉnh gia lai lịch sử ĐẢng bỘ



tải về 1.87 Mb.
trang1/14
Chuyển đổi dữ liệu13.06.2018
Kích1.87 Mb.
#39932
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14
BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ HUYỆN KRÔNG PA

TỈNH GIA LAI

LỊCH SỬ

ĐẢng bỘ

HuyỆn KRÔNG PA

(1945 - 2007)

NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA
Hà Nội - 2009


BAN CHỈ ĐẠO VÀ BAN BIÊN SOẠN

Lịch sử Đảng bộ huyện Krông Pa, tập I (1945-1975),
Nxb. Chính trị Quốc gia, 1999


Chỉ đạo nội dung

BAN THƯỜNG VỤ HUYỆN ỦY KRÔNG PA



Ban biên soạn:

TRẦN DUY CA (Chủ biên)

NGUYỄN MINH ĐẨU

PHẠM NGỌC XUÂN

PTS. PHẠM SANG

BAN CHỈ ĐẠO BIÊN SOẠN

Lịch sử Đảng bộ huyện Krông Pa (1945-2007)

Chỉ đạo nội dung

BAN THƯỜNG VỤ HUYỆN ỦY KRÔNG PA

 Ban biên soạn:

PHẠM NGỌC XUÂN (Trưởng ban)

LÊ PHAN LƯƠNG (Chủ biên)

VŨ THỊ VIỆT HÀ

TỐNG THỚI MỐC

NGUYỄN QUANG CƯỜNG

PHẠM THỊ THUẬN

TRẦN QUANG LỰC



Với sự cộng tác của các đồng chí:

Ksor Ní (Ama H’Nhan), Nguyễn Khuê (Ama H’Lơ), Nguyễn Tiển (Ama Đam), Nguyễn Môn (Ama Cao), Ngô Đức Đề (Ama Đing), Siu Pui (Ama Thương), Tô Tấn Tài (Ama H’Oanh), Trương Phụng Tiến (Ama Kim), Đỗ Hữu Bá (Ama Giao), Ksor Djứ (Ama Liêm), Võ Ngọc Châu (Ama Yú) Nay Pum (Ama H’Lam), Hồ Chí Kiên, Võ Tịch (Hoàng Lâm), Nông Ngọc Xuân, Nguyễn Duy Khanh, Phan Minh Tường, Trần Ngọc Bửu, Ksor Tam, Trịnh Cừu, Rơchơm Bơm, Hoàng Công Lự, Huỳnh Thành, Trần Văn Lạc, TS. Nguyễn Văn Chiến, TS. Nguyễn Thị Kim Vân, Amí Lưu, Ama Kao (Rahlan Te), Rơ Ô Cheo, ...



LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, là vùng đất tiếp giáp giữa ba tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk và Phú Yên, nối liền Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung. Vốn có truyền thống yêu nước, cách mạng, hơn 60 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp là Đảng bộ huyện Krông Pa, nhân dân các dân tộc Krông Pa đã anh dũng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, ác liệt, cùng với nhân dân cả nước liên tiếp đứng lên đấu tranh, giành chính quyền thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám, đánh bại các kẻ thù xâm lược để giữ vững nền độc lập, tự do và ngày nay đang đoàn kết, phấn đấu thực hiện thành công đường lối đổi mới của Đảng, xây dựng Krông Pa ngày càng giàu đẹp và phồn vinh.

Nhằm ghi nhận và tôn vinh những cống hiến to lớn của Đảng bộ, quân và dân Krông Pa trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn 1945 - 2007; góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang cho các thế hệ tiếp theo, đồng thời thiết thực chào mừng 34 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2009), 30 năm ngày thành lập huyện Krông Pa (23-4-1979 – 23-4-2009), Ban chấp hành Đảng bộ huyện Krông Pa phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia tổ chức biên soạn và xuất bản cuốn sách Lịch sử Đảng bộ huyện Krông Pa (1945 – 2007).

Mặc dù đã có nhiều cố gắng, công phu trong việc biên soạn, song cuốn sách khó tránh khỏi thiếu sót. Chúng tôi rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của bạn đọc.

Xin giới thiệu cuốn sách với bạn đọc.

Tháng 4 năm 2009


Nhà xuất bản chính trị quốc gia

LỜI GIỚI THIỆU

Huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai được thành lập theo Quyết định số 178-CP ngày 23-4-1979 của Hội đồng Chính phủ. Với tổng diện tích tự nhiên là 1.628,143 km2, bao gồm các xã Phú Cần, Ia Rmok, Krông Năng, Ia Hdreh, Chư Drăng, Uar, Chư Ngọc, Ia Rsiơm, Chư Rcăm, Ia Rsai, Chư Gu, Ia Mlah, Đất Bằng và thị trấn Phú Túc; dân số toàn huyện là 68.486 người, trong đó dân tộc Jrai chiếm 68%. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, huyện Krông Pa là khu căn cứ địa cách mạng của tỉnh Đăk Lăk, thường được biết đến với tên gọi là Đông Cheo Reo hoặc huyện H2. Nằm ở địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ phía đông nam của tỉnh Gia Lai; tiếp giáp với hai tỉnh Đăk Lăk và Phú Yên, có đường Đông Trường Sơn nối các tỉnh Nam Tây Nguyên; có Quốc lộ 25 - con đường huyết mạch nối Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung. Trong kháng chiến, địa bàn Krông Pa là nơi tranh chấp ác liệt giữa ta và địch; các thế lực thực dân, đế quốc luôn tìm mọi cách xâm chiếm để làm đầu cầu xâm nhập Tây Nguyên.

Nhân dân các dân tộc Krông Pa vốn có truyền thống văn hóa lâu đời, truyền thống yêu nước sâu sắc, sớm được Đảng giác ngộ, đoàn kết một lòng, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh, quyết tâm đi theo Đảng và Bác Hồ đấu tranh cách mạng đến cùng, đã lập được nhiều thành tích to lớn, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Krông Pa đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Krông Pa tiếp tục vượt qua bao khó khăn trong cuộc chiến chống đói nghèo và lạc hậu, dũng cảm, tự tin bước vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng an ninh vững chắc trên vùng đất giàu tiềm năng, giàu truyền thống cách mạng, phấn đấu xây dựng huyện giàu mạnh, tạo nền tảng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.

Nhằm ghi lại những chặng đường lịch sử đầy gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng anh dũng, vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân trong huyện, ghi nhớ và tôn vinh công lao to lớn của các thế hệ cán bộ, quân và dân các dân tộc huyện Krông Pa, từ đó giáo dục tinh thần đoàn kết, ý thức tự hào, yêu mến quê hương, trân trọng giữ gìn và phát huy truyền thống anh hùng cho cán bộ, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Krông Pa tổ chức nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ huyện Krông Pa giai đoạn 1945 - 2007 trên cơ sở tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung nội dung cuốn sách Lịch sử Đảng bộ huyện Krông Pa, tập I (1945 - 1975) đã được xuất bản năm 1999 và sưu tầm tư liệu, viết tiếp giai đoạn 1975-2007, gộp chung thành cuốn sách Lịch sử Đảng bộ huyện Krông Pa (1945 - 2007).

Ban chỉ đạo, Ban biên soạn đã có nhiều cố gắng nỗ lực, trong thời gian tương đối dài - từ năm 1993 đến nay, đã tổ chức nhiều đợt sưu tầm, xác minh tư liệu trong và ngoài tỉnh, bằng nhiều hình thức như gặp trực tiếp, gửi thư, tọa đàm, hội thảo…Ban biên soạn đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu của các nhân chứng lịch sử, trong đó có các đồng chí nguyên là lãnh đạo chủ chốt của huyện, của hai tỉnh Đăk Lăk và Gia Lai qua các thời kỳ, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của các ngành chuyên môn, với hy vọng đạt được tính chính xác và khoa học của lịch sử. Tuy nhiên do hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, kéo dài, tư liệu thành văn thiếu thốn, nhiều nhân chứng lịch sử đã qua đời, địa giới hành chính của huyện nhiều lần thay đổi, nên chắc chắn cuốn sách khó tránh khỏi những hạn chế và thiếu sót. Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc để cuốn sách được hoàn thiện hơn vào lần xuất bản sau.

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đăk Lăk, Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai, các cơ quan ban ngành tỉnh Gia Lai, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào đã giúp chúng tôi hoàn thành và cho ra mắt bạn đọc cuốn sách này nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập huyện Krông Pa 23-4-1979–23-4-2009.

T.M BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ


HUYỆN KRÔNG PA

Bí thư


Phạm Ngọc Xuân

Phần mở đầu
HUYỆN KRÔNG PA

I-VỊ TRÍ ĐỊA LÝ VÀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN



1. Vị trí địa lý và sự biến đổi địa giới hành chính

Krông Pa là huyện nằm ở phía đông nam tỉnh Gia Lai, diện tích tự nhiên của huyện là 1.628,14 km2. Huyện lỵ là thị trấn Phú Túc cách thị xã Pleiku 150 km về phía đông, có tọa độ địa lý từ 12o58’12'’ đến 13o33’12'’ vĩ độ bắc và từ 108o25’48'’ đến 108o48’33'’ kinh độ đông.

Ở phía bắc, Krông Pa tiếp giáp với huyện Ia Pa; phía tây tiếp giáp với thị xã Ayun Pa; phía đông bắc, đông và đông nam tiếp giáp với tỉnh Phú Yên (tại các huyện: Đồng Xuân, Sơn Hòa và Sông Hinh); phía tây nam, phía nam và một phần phía tây giáp tỉnh Đăk Lăk (tại các huyện: Ea Kar, Krông Năng và Ea H’Leo).

Ở độ cao trung bình 140 m so với mặt nước biển, Krông Pa là bậc thềm quan trọng, án ngữ trên quốc lộ 25 - một trong những cửa ngõ nối đồng bằng ven biển miền Trung (ở phía đông) với cao nguyên Pleiku (ở phía tây). Quốc lộ 25 hôm nay vốn là con đường nổi tiếng trong lịch sử chiến tranh giải phóng của dân tộc với cái tên Chiến thắng Đường 7 – Sông Bờ. Trung tâm của huyện là thị trấn Phú Túc nằm bên bờ sông Mlah thơ mộng. Từ đây, có thể xuôi quốc lộ 25 khoảng 83 km về phía đông để đến thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) hoặc ngược lên phía tây, vượt đèo Tô Na để đến thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) và tiến sâu vào miền cao nguyên đất đỏ.

Để trở thành một huyện trù phú với 14 xã, thị trấn như hôm nay, Krông Pa đã trải qua một quá trình tách, nhập khá phức tạp.

- Trước năm 1945:

Trong những năm đầu của thiên niên kỷ thứ hai sau Công nguyên, vùng trũng Krông Pa với những người Jrai là chủ nhân của nó đã từng thuộc vương quốc Champa, dấu vết hiện còn lại là phế tích của tháp Chăm mà người dân địa phương gọi là Bang Keng ở Krông Năng.

Sau cuộc chinh phục vương quốc Champa năm 1471, Lê Thánh Tông gọi cả vùng đất phía tây Nam Trung Bộ là Nam Bàn, nhưng trên thực tế, cả vùng đất Tây Nguyên nói chung, Krông Pa hiện nay nói riêng vẫn là nơi cư trú của các dân tộc có tổ chức xã hội phổ biến là các làng độc lập, trước thế kỷ XX đã có một tổ chức xã hội cao hơn làng, chi phối một vùng tương đối rộng lớn gọi là tơring (tring).

Đầu thế kỷ XX, Krông Pa nói riêng, Tây Nguyên nói chung thuộc quyền bảo hộ của thực dân Pháp. Từ năm 1904-1907, phần đất Cheo Reo (trong đó có Krông Pa) thuộc tỉnh Phú Yên. Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 4-7-1905, tách toàn bộ vùng núi phía tây tỉnh Bình Định, Phú Yên trong đó có Krông Pa để lập thành tỉnh Pleiku Đer.

Gần hai năm sau đó, Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 25-4-1907 bãi bỏ tỉnh Pleiku Đer. Vùng đất của tỉnh Pleiku Đer từ đây được chia làm hai: một phần thuộc đại lý hành chính Kon Tum (bao gồm cả Pleiku) và sáp nhập trở lại tỉnh Bình Định, đặt dưới sự cai trị của Công sứ Bình Định. Phần còn lại, lập đại lý hành chính Cheo Reo, sáp nhập vào tỉnh Phú Yên, đặt dưới quyền cai trị của Công sứ Phú Yên. Địa bàn huyện Krông Pa ngày nay thuộc đại lý hành chính Cheo Reo.

Ngày 9-2-1913, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định số 215 thành lập tỉnh Công Tum (Kon Tum). Địa giới của tỉnh Kon Tum bao gồm: đại lý hành chính Cheo Reo tách ra khỏi tỉnh Phú Yên, đại lý Kon Tum tách ra khỏi tỉnh Bình Định (tức là toàn bộ tỉnh Pleiku Đer cũ) và đại lý Đăk Lăk (nguyên là tỉnh Đăk Lăk nhưng đến nghị định này lại đổi thành đại lý). Ngày 2-7-1923, thực dân Pháp lại tách đại lý Đăk Lăk ra khỏi tỉnh Kon Tum để thành lập tỉnh Đăk Lăk.

Ngày 24-5-1925, đại lý hành chính Pleiku được thành lập dưới sự cai quản của Công sứ Kon Tum.

Ngày 24-5-1932, Nghị định của Toàn quyền Đông Dương tách một phần đất phía nam tỉnh Kon Tum, bao gồm đại lý Pleiku và đại lý Cheo Reo để lập tỉnh Pleiku. Như vậy, cho đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Cheo Reo là một trong 5 huyện, thị của tỉnh Pleiku. Khu vực Krông Pa thuộc vùng đất phía đông của huyện Cheo Reo, có tên gọi là Mlah.



- Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954)

Ngày 25-6-1946, thực dân Pháp chiếm lại Gia Lai và vẫn giữ nguyên tên tỉnh là Pleiku.



Về phía chính quyền cách mạng: Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, chính quyền cách mạng đổi tên tỉnh là Gia Lai. Huyện Cheo Reo trực thuộc Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh này. Từ tháng 3-1946, Cheo Reo thuộc sự chỉ đạo trực tiếp của Ban vận động Quốc dân thiểu số Tây Nam Trung Bộ.

Ngày 6-11-1947, theo Quyết định số 51/TB-NĐ của Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ, Cheo Reo được tách ra khỏi Gia Lai và giao cho Phân ban liên lạc hành chính Tây Nguyên, trực thuộc Khu 15.

Đến tháng 8-1948, Đại diện Chính phủ ta tại miền Nam Trung Bộ ra Quyết định số 203- ĐD/CP, đặt Cheo Reo dưới sự chỉ đạo củay ban kháng chiến hành chính tỉnh Đăk Lăk.

Ngày 30-5-1953,y ban kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ ra Nghị định số 477-MN/TOC, chia huyện Cheo Reo thành hai huyện thuộc tỉnh Đăk Lăk là Đông Cheo Reo gồm các xã phía đông và phía bắc sông Ba và Tây Cheo Reo gồm các xã phía tây sông Ba.

- Trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)

Về phía chính quyền Sài Gòn:

Theo Nghị định 549 ngày 3-10-1958, quận Cheo Reo gồm 10 tổng, 2 xã và là một trong 4 quận của tỉnh Pleiku.

Đến ngày 22-12-1959 theo Nghị định 1746 của chính quyền Sài Gòn, quận Cheo Reo gồm 6 tổng, 19 xã.

Ngày 1-9-1962, Sắc lệnh số 186 của chính quyền Sài Gòn tách một phần đất phía nam của tỉnh Pleiku (thuộc Cheo Reo), cùng với một phần phía bắc tỉnh Đăk Lăk (huyện Thuần Mẫn) thành lập tỉnh Phú Bổn. Tỉnh này gồm các quận: Phú Túc (còn gọi là quận Mlah), nay là địa bàn huyện Krông Pa; Phú Thiện (nay thuộc thị xã Ayun Pa, huyện Phú Thiện và huyện Ia Pa), huyện Thuần Mẫn (nay thuộc huyện Ea H’Leo tỉnh Đăk Lăk) và thị xã Hậu Bổn (thị trấn Cheo Reo cũ). Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Hậu Bổn. Tỉnh Phú Bổn về địa giới không thay đổi cho đến tháng 3-1975.

Như vậy là từ năm 1962 cho đến ngày giải phóng (3-1975), huyện Krông Pa hiện nay mang tên quận Phú Túc, thuộc tỉnh Phú Bổn. Quận Phú Túc được chia làm hai tổng: Tổng Phú Mỹ và tổng Đức Bình gồm 13 xã, vùng đất này trước thuộc tỉnh Phú Yên.

Về phía chính quyền cách mạng:

Cả vùng Cheo Reo trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (gồm cả khu vực các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa ngày nay) vẫn thuộc tỉnh Đăk Lăk. Toàn bộ vùng này gồm 2 huyện: huyện Đông Cheo Reo được gọi là H2 và huyện Tây Cheo Reo gọi là H3. Đầu năm 1960, theo quyết định của Liên khu ủy V, tỉnh Đăk Lăk được chia thành bốn đơn vị riêng là B3, B4, B5 và B6 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Liên tỉnh IV và Liên khu ủy V. Huyện H2 thuộc B3 (bắc tỉnh Đăk Lăk), có ranh giới từ đèo Tô Na trở xuống, dọc theo đường số 7 giáp đến huyện MĐrak, bao cả vùng Plei Pa, buôn Broăi, xã Ia Tul, nay thuộc huyện Ia Pa tỉnh Gia Lai.

Tháng 8-1960, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đăk Lăk lần thứ nhất hợp nhất hai huyện H2 và huyện MĐrak (A1) thành liên huyện A10. Đến cuối năm 1961 lại tách ra như cũ.

Năm 1962, để tăng cường sự chỉ đạo sát với phong trào, tỉnh Đăk Lăk tách thị xã Hậu Bổn và một số xã vùng ven thành lập huyện 7 (H7).

Tháng 11-1971, tỉnh Gia Lai cắt một phần phía nam Khu 7 giáp phía bắc sông Ayun và vùng giáp huyện H2 và H3 của tỉnh Đăk Lăk lập Khu 11.

Năm 1973, huyện H7 được sáp nhập với H3 thành H37 thuộc tỉnh Đăk Lăk. Tháng 12-1973, H2 được đổi tên thành huyện Sông Ba, theo tên của con sông chảy dọc địa phận của huyện.

- Từ 1975 đến nay:

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng tháng


4-1975, tỉnh Đăk Lăk tổ chức lại các huyện. Tháng 7-1975, huyện Sông Ba được sáp nhập với huyện 37 (thị xã Hậu Bổn và vùng Tây Cheo Reo) thành huyện Cheo Reo, thuộc tỉnh Đăk Lăk. Huyện Krông Pa lúc đó là một phần của huyện Cheo Reo.

Tháng 1-1976, theo Quyết định của Chính phủ, huyện Cheo Reo thuộc tỉnh Đăk Lăk được chuyển giao về tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Ngày 15-1-1976, Hội nghị Tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum ra Nghị quyết về kiện toàn, xây dựng huyện mạnh, thống nhất địa giới hành chính và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Huyện Cheo Reo được sáp nhập với Khu 11 thành huyện mới có tên là Ayun Pa.

Ngày 23-4-1979, theo Quyết định số 178-CP của Hội đồng Chính phủ, huyện Ayun Pa được chia tách thành hai huyện Ayun Pa và Krông Pa.

Huyện Krông Pa được thành lập trên cơ sở tách từ phần đất phía đông của huyện Ayun Pa. Sau khi thành lập, địa giới hành chính của huyện Krông Pa từ đèo Tô Na xuống phía đông, đến bắc cầu Kà Lúi và tây sông Krông Năng, gồm 6 xã: Ia Rsai, Chư Drăng, Ia Rmok, Đất Bằng, Ia Dreh và Krông Năng.

Ngày 17-8-1981, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 30/HĐBT về việc điều chỉnh địa giới một số xã và thị trấn thuộc tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Huyện Krông Pa có sự thay đổi địa giới một số xã, xã Ia Rmok chia thành xã Ia Rmok và Phú Cần, xã Đất Bằng chia thành xã Đất Bằng và Ia Mlah, xã Chư Drăng chia thành xã Chư Drăng và Chư Gu, xã Ia Rsai chia thành xã Ia Rsai và Ia Rsiơm.

Ngày 13-01-1989, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 03/HĐBT về việc phân vạch địa giới hành chính một số xã, thị trấn của các huyện Kbang và Krông Pa, tỉnh Gia Lai - Kon Tum, theo đó xã Phú Cần được chia thành xã Phú Cần và thành lập thị trấn Phú Túc. Thị trấn Phú Túc là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện.

Qua quá trình chia tách, đến tháng 12 năm 2007, toàn huyện Krông Pa có 14 xã, thị trấn: thị trấn Phú Túc và các xã Ia Rsai, Chư Rcăm, Ia Mlah, Đất Bằng, Chư Ngọc, Chư Gu, Phú Cần, Ia Rsiơm, Chư Drăng, Ia Rmok, Krông Năng, Ia HDreh, Uar. Huyện lỵ đóng tại thị trấn Phú Túc; gồm có 128 thôn buôn (trong đó có 86 buôn đồng bào dân tộc thiểu số). Dân số toàn huyện là 68.468 người (12.946 hộ), trong đó dân tộc Jrai là 46.507 người (chiếm 67,91%); dân tộc Kinh là 21.315 người (chiếm 31,12%) với 4.901 hộ; và 664 người (chiếm 0.97%) thuộc các dân tộc khác (chủ yếu là Tày, Nùng). Mật độ dân số trung bình của huyện là 41,6 người/km2.

Krông Pa - tên của huyện được gắn với con sông (krông) Pa lớn nhất vùng, chảy giữa huyện theo hướng tây bắc - đông nam.

2. Điều kiện tự nhiên

Theo kết quả nghiên cứu địa chất, địa bàn huyện Krông Pa ngày nay thuộc vùng trũng Cheo Reo - Phú Túc, có cấu tạo địa chất khá phức tạp, bao gồm hai nhóm đất chính là bồi tích phù sa và trầm tích hỗn hợp, là kiểu địa hình đồng bằng tích tụ - bóc mòn, với các dạng địa hình bậc thềm và bãi bồi chiếm diện tích chủ yếu, nhưng quá trình tích tụ ở đây hạn chế hơn so với khu vực Cheo Reo. Do còn thuộc địa hình thung lũng giữa núi, nên trong vùng còn có dạng địa hình đồi núi sót chiếm diện tích nhỏ, xen lẫn vùng đất bằng. Thung lũng Krông Pa phân bố dọc theo các sông suối, khá bằng phẳng, ít bị chia cắt, được bao phủ bởi lớp phù sa cũ và mới.

Ngoài địa hình trũng, rìa phía đông nam Krông Pa có hai dãy núi cao là Chư Jú Dlêiya và Chư Dlêiya. Địa hình Krông Pa có dạng đồi hoặc núi thấp nhưng lượn sóng mạnh và chia cắt sâu.

Khí hậu Krông Pa mang tính chất nhiệt đới hơi khô. Do có địa hình núi án ngữ, che chắn hướng gió từ đông và tây nam, nên đặc điểm khí hậu của huyện Krông Pa có phần khác với các vùng khác ở Gia Lai và Tây Nguyên. Krông Pa có hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10. Mùa khô chủ yếu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Trong mùa khô, Krông Pa thường có 4 tháng khô hạn. Krông Pa có lượng mưa trung bình 1.200mm/năm, độ ẩm trung bình là 83%. Tháng 9 là tháng có lượng mưa cao nhất. Các tháng cuối mùa khô thường nắng nóng, lượng nước bốc hơi cao, trung bình 96 mm/năm, do vậy mùa khô thường gây hạn hán, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 26,4oC. Tháng nắng nóng nhất là tháng 4-5, có nhiệt độ cao là 29,7oC. Tháng 2 có nhiệt độ 22,5oC.

Thời tiết của Krông Pa mang những nét đặc trưng riêng. Mùa đông khô hanh, ít lạnh; mùa hè mưa ẩm, mát mẻ. Tuy không có bão, nhưng trong vùng thường chịu ảnh hưởng những đợt áp thấp nhiệt đới vùng biển Đông, gây ra những trận mưa dông lớn, những cơn gió kéo dài và xuất hiện lốc xoáy.

Tài nguyên nước: Mật độ sông suối của Krông Pa không lớn. Huyện bị chia cắt thành hai vùng bởi dòng sông Ba chảy từ tây xuống đông. Đây là hệ thống sông lớn ở phía đông Trường Sơn, nó bắt nguồn từ núi Kông Ka King chảy qua địa phận các huyện Kbang, An Khê, Kông Chro, Ayun Pa và Krông Pa về tỉnh Phú Yên, rồi đổ ra biển Đông với hệ thống chi lưu, phụ lưu đa dạng. Các nhánh chính của sông Ba là Ayun, hợp lưu với sông Ba tại thị xã Ayun Pa, sông Krông Năng chảy vào sông Ba ở phần phía đông nam huyện Krông Pa và sông Hinh tỉnh Phú Yên, rồi đổ về phía đông. Phía bắc huyện còn có hệ thống các sông Ia Rsai, Ia Mlah, Ia Kà Lúi. Về phía nam có Krông Năng, Ia Uar. Hệ thống sông suối tạo ra cho vùng xoi nà và vùng bãi bồi ven sông có đất đai màu mỡ dọc từ Ơi Nu đến buôn Tờ Khế, Ia Rsai xuống vùng Ma Rôk, vùng Quang Hiển xã Đất Bằng... thuận lợi cho việc trồng trọt, sản xuất nông nghiệp.

Trên địa bàn huyện Krông Pa, nhiều công trình thủy lợi đang được đầu tư xây dựng phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Đáng kể nhất là công trình thủy lợi Ia Mlah, với tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ tháng 5-2005, dự kiến hoàn thành vào năm 2011, có sức tưới cho trên 6.500 ha và cung cấp nước sinh hoạt cho 36.000 hộ dân thuộc 5 xã và thị trấn Phú Túc (phía đông nam huyện). Tiếp đến là công trình thủy lợi Ia Hdreh, với tổng vốn đầu tư gần 40 tỷ đồng, được khởi công năm 2004, đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2007, có sức tưới cho 650 ha của 2 xã Ia HDreh và Ia Rmok.



Đất đai: Krông Pa nằm trong vùng địa hình thấp, xen giữa vùng núi và cao nguyên, có sông lớn chảy qua, nên phần đá trầm tích chỉ chiếm diện tích nhỏ hẹp, còn lại đa số là đất bồi tụ của hệ thống các sông.

Đất đai vùng Krông Pa gồm nhiều loại trên nền đá bazơ, đất phù sa có màu nâu xám, tầng mặt có độ dày khoảng 20-25cm. Các tầng tiếp theo có màu vàng xen màu gỉ sắt. Các tầng đất có độ dày mỏng khác nhau, với các nhóm đất chính: đất đen phù sa cổ, đất đen, đất nâu sẫm trên đá bazan, chủ yếu là đất phù sa bồi tụ của các sông suối. Ngoài ra còn có loại đất vàng xám trên đá hỗn hợp, phân bố rải rác ở phía tây bắc, hai rìa sườn bắc và nam của vùng. Do mối quan hệ chặt chẽ của đất với các sản phẩm bồi tụ của sông khi chảy qua các vùng có đá giàu nguyên tố bazơ, nên đất có phản ứng trung tính, độ PH cao. Đất vùng Krông Pa có đặc điểm và tính chất khác so với vùng Ayun Pa bởi ảnh hưởng kéo dài của vùng dọc sông Ba, tầng đất dày hơn, thành phần cơ giới của đất nặng hơn và ít kết vón. Đất đai Krông Pa thuộc nhóm đất bị xói mòn nhiều.

Với đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng trên, Krông Pa thích hợp với việc phát triển kinh tế nông nghiệp. Những loại cây trồng như điều, thuốc lá, bông vải, đậu đỗ, bắp... rất phát triển trên vùng đất này.

Tính đến năm 2007, tổng diện tích đất toàn huyện là 162.814,3 ha, trong đó đất nông nghiệp là 41.895 ha, đất lâm nghiệp 91.939 ha, đất chưa sử dụng (chủ yếu là đất đồi núi trọc) là 20.195 ha. Đảng bộ huyện xác định đất đai là nguồn tài nguyên quý giá, do vậy cần khai thác sử dụng tiết kiệm, hợp lý và có hiệu quả cho các mục đích kinh tế, dân sinh. Nằm trong định hướng chung của tỉnh về sử dụng đất đai đến năm 2010, huyện Krông Pa cũng như các huyện vùng đông Trường Sơn đã đặt mạnh việc khai thác và phát triển các loại cây như điều, mì, thuốc lá, ngô lai, lương thực và chăn nuôi đại gia súc. Tỉnh và huyện có hướng hàng năm sẽ tăng diện tích đất trồng lúa dọc sông Ba.

Đối với đất trồng cây lâu năm, cây điều được tỉnh và huyện tập trung đẩy mạnh phát triển và hướng mở rộng diện tích khoảng 20.000 ha để đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu cho nhà máy liên doanh chế biến hạt điều xuất khẩu với công suất 3.000 tấn/năm. Đẩy mạnh đầu tư, cải tạo và mở rộng diện tích đồng cỏ, phục vụ cho việc phát triển chăn nuôi đại gia súc.

Huyện có diện tích đất lâm nghiệp là 91.939 ha. Rừng tự nhiên của Krông Pa chủ yếu là gỗ, tre nứa..., thuộc loại rừng nghèo, trữ lượng gỗ không lớn. Krông Pa hiện còn có khu rừng nguyên sinh ở Uar, với hàng trăm loài thực, động vật quý hiếm và đang được đề nghị quy hoạch xây dựng thành khu bảo tồn thiên nhiên.

Cảnh quan thiên nhiên ở Krông Pa đã tạo nên đặc trưng riêng của huyện. Rừng Uar có môi trường sinh thái tốt. Sông suối trên địa bàn huyện tạo nên nhiều gềnh thác có khả năng khai thác du lịch sinh thái.

Tình hình giao thông đi lại của Krông Pa trong những năm đầu sau ngày giải phóng còn gặp rất nhiều khó khăn do đường sá bị hư hỏng nặng. Đường quốc lộ 25 (đường số 7 cũ) bắt đầu từ quốc lộ 1, đoạn qua thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) chạy ngang qua địa bàn huyện Krông Pa, thị xã Ayun Pa, huyện Phú Thiện nối quốc lộ 14 tại ngã ba Mỹ Thạch (huyện Chư Sê). Quốc lộ 25 nối liền cao nguyên Gia Lai với vùng đồng bằng tỉnh Phú Yên có chiều dài khoảng 190 km. Đây là con đường chiến lược, có vị trí quan trọng về quân sự, kinh tế. Trong hai cuộc kháng chiến, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã cho xây dựng các cứ điểm Ơi Nu, Mlah, Kà Lúi để ngăn chặn hoạt động của ta và kiểm soát sự qua lại của nhân dân giữa các vùng Krông Pa với tỉnh Phú Yên và các huyện lân cận.

Do có dòng sông Ba chảy qua, chia cắt địa bàn huyện thành hai vùng, nên từ thời kỳ Pháp thuộc, phương tiện chủ yếu qua sông Ba của người dân là dùng phà, đò, thuyền. Từ năm 1954 – 1975, Mỹ - ngụy đã cho xây dựng cầu cống, sửa chữa những đoạn đường hư hỏng để việc cơ động quân giữa quận Phú Túc và thị xã Hậu Bổn được thuận lợi, phục vụ cho mục đích chiến tranh của chúng. Trong chiến dịch Tây Nguyên năm 1975, trước sự tấn công, truy kích quyết liệt của lực lượng ta, Mỹ- nguỵ đã ném bom phá hủy nhiều cây cầu trước khi tháo chạy. Sau ngày giải phóng, để kịp thời phục vụ cho giao thông đi lại của nhân dân, Đảng, Nhà nước đã đầu tư sửa chữa hệ thống cầu cống trên tuyến đường này. Năm 1997, cầu Lệ Bắc được khởi công xây dựng mới với kinh phí đầu tư gần 25 tỷ đồng và chính thức được đưa vào sử dụng từ tháng 9-1998. Cầu Lệ Bắc dài 403 m bắc qua sông Ba, thuận tiện cho việc thông thương qua lại giữa hai vùng dân cư phía nam - bắc sông. Cầu Bung nối thị trấn Phú Túc với 4 xã phía nam huyện là Krông Năng, Ia Hdreh, Ia Rmok và Chư Drăng với hơn 20.000 dân, được xây dựng tháng 10-1999 và đưa vào sử dụng từ tháng 8-2001. Đến tháng 10-2006, cầu Bung được nâng cấp thành cây cầu vĩnh cửu với tải trọng 30 tấn, số vốn 6 tỷ đồng. Ngoài ra, Krông Pa còn có hệ thống đường giao thông liên huyện, nối liền thị trấn Phú Túc với trung tâm các xã.

Trước năm 1975, Mỹ- ngụy đã xây dựng tại Krông Pa sân bay dã chiến Mlah, nhằm phục vụ mục đích quân sự, vận chuyển hàng hóa, vũ khí trang bị và cơ động lực lượng để ngăn chặn những trận đánh lớn của quân ta, thực hiện âm mưu xâm lược lâu dài. Vị trí của sân bay này nằm tại trung tâm thị trấn Phú Túc. Hiện nay, sân bay dã chiến Mlah thuộc khu quân sự do Ban chỉ huy quân sự huyện quản lý.

Nằm trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, vùng đất nay là Krông Pa thuộc tỉnh Đăk Lăk. Từ sau giải phóng (1975) đến nay, Krông Pa trở thành một phần của tỉnh Gia Lai. Với đặc điểm về địa lý, tự nhiên, Krông Pa ngày càng chứng tỏ là một huyện có vị trí quan trọng về các mặt chính trị, kinh tế, an ninh- quốc phòng án ngữ cửa ngõ phía đông nam tỉnh.

II- DÂN CƯ VÀ ĐẶC ĐIỂM KINH TẾ - XÃ HỘI

Huyện Krông Pa có 2 dân tộc chiếm số lượng dân cư đông nhất là người Jrai và người Kinh. Ngoài ra, trên vùng đất Krông Pa hiện còn có một bộ phận nhỏ dân cư thuộc các dân tộc thiểu số khác như Tày, Nùng...

Kết quả khảo cổ học đã chứng minh, Gia Lai là vùng đất sớm được con người chọn làm địa bàn cư trú. Trên vùng đất nay là Krông Pa, tuy chưa được điều tra cơ bản về khảo cổ học, nhưng một số phát hiện mới nhất cho thấy có những dấu vết cư trú của con người trên vùng đất này từ hậu kỳ đá mới, sơ kỳ kim khí.

Hiện nay, bộ phận dân cư sinh sống lâu đời nhất trên vùng đất Krông Pa là người Jrai thuộc nhóm Mthur, chiếm 68% dân số. Đây là một trong năm nhóm Jrai địa phương của tỉnh Gia Lai, thuộc ngữ hệ Nam Đảo (Malayo - Polinesien).

Người Jrai Mthur gồm hai bộ phận, một bộ phận là những cư dân thuộc các làng đã sinh sống ở vùng này từ lâu đời và bộ phận dân cư thứ hai di chuyển từ phía đông lên muộn hơn. Điển hình của bộ phận dân cư đến sau này là Nhóm dân ở buôn Ơi Nu (xã Ia Rsiơm).



Tổ chức, cơ cấu xã hội truyền thống của đồng bào Jrai Mthur cũng như các nhóm dân tộc Jrai trên địa bàn tỉnh là làng. Ở khu vực Krông Pa, người Jrai gọi làng của mình là buôn hoặc bon.

Buôn làng của người Jrai ở Krông Pa là kết cấu xã hội điển hình và bền vững, một cộng đồng cư trú của cư dân. Người Jrai Mthur thường chọn những vùng đất ở gần nguồn nước, thuận tiện cho việc sinh hoạt và sản xuất để lập làng. Quy mô làng lớn hay nhỏ, số các gia đình trong mỗi buôn nhiều hay ít phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, đất canh tác và môi trường sống. Mỗi buôn làng bao gồm nhiều gia đình lớn mẫu hệ hoặc gia đình nhỏ mới được chia tách. Người Jrai ở Krông Pa cư trú trong những ngôi nhà sàn dài. Trước kia, cửa chính của những ngôi nhà dài thường mở ở đầu hồi phía bắc. Tên làng thường được đặt theo nguồn nước, tên núi hoặc tên người lập làng. Khác với nhóm Jrai khác, nhóm Jrai Mthur ở khu vực Cheo Reo và Krông Pa không có nhà rông nên sinh hoạt cộng đồng chủ yếu được tiến hành tại gian khách trong ngôi nhà dài của già làng. Trong từng gia đình, theo truyền thống mẫu hệ, vai trò và quyền lực của người phụ nữ rất được coi trọng.

Quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng ở vùng đồng bào Jrai huyện Krông Pa dựa trên những mối liên kết về nơi cư trú, về sở hữu đất đai, về đời sống vật chất và tinh thần. Đứng đầu mỗi buôn là già làng (khoa bôn, buôn). Trong xã hội Jrai cổ truyền, luật tục có vai trò lớn trong quản lý cộng đồng, quan hệ xã hội và giữ gìn phong tục tập quán. Ngày nay, luật tục vẫn giữ một vai trò quan trọng trong xã hội Jrai vùng Krông Pa.

Ở các buôn Jrai cổ truyền, bên cạnh khu vực đất cư trú, đất canh tác, đất rừng chung của cộng đồng, nhất thiết phải có khu đất dành cho nhà mả (nghĩa địa). Đó là nơi người dân tiến hành nhiều giá trị văn hóa cổ truyền đặc sắc với các lễ hội và trang trí nhà mồ, tượng mồ độc đáo.

Trước khi thực dân Pháp đặt chân xâm lược lên cao nguyên, cũng như một số khu vực dân cư khác của người Kinh, người Jrai Mthur ở khu vực Krông Pa đã có một tổ chức xã hội vượt ra khỏi phạm vi từng làng độc lập để hình thành những cộng đồng lớn hơn, thu hút nhiều làng. Tổ chức này là những liên minh làng được gọi là tring (tơring). Ở nửa đầu thế kỷ XX, trong nhóm người Jrai Mthur vùng phía đông đèo Tô Na có tring Lon Sa Gâm, có nghĩa là đất của Sa Gâm, vị tù trưởng có uy tín trong vùng. Trong nhiều năm, vị tù trưởng này đã cùng với những người dưới quyền khống chế con đường huyết mạch từ Phú Yên lên thung lũng sông Ba và vùng cao phía tây của Nam Trung Bộ, khống chế con đường buôn muối từ đồng bằng lên cao nguyên đi qua vùng đất này, đồng thời tăng cường liên minh với các vị thủ lĩnh ở phía đông, mở rộng quan hệ hôn nhân giữa các dòng họ.

Trước khi thực dân Pháp đặt ách cai trị lên Tây Nguyên, người Jrai ở Krông Pa đang ở vào giai đoạn cuối của xã hội nguyên thủy, chuyển sang giai đoạn xã hội có giai cấp. Tuy chưa có sự phân hóa giai cấp, nhưng trong làng buôn đã có sự phân hóa giàu nghèo, thể hiện qua việc sở hữu nhiều chiêng ché quý, nhiều trâu, bò…

Thời kỳ chống Mỹ, làng buôn Jrai Krông Pa có sự xáo trộn, biến động do chính sách dồn dân, lập ấp chiến lược của Mỹ - ngụy, nhưng với truyền thống yêu quê hương, đất nước, đồng bào Krông Pa đã không ngừng đấu tranh chống lại âm mưu dồn dân của địch, bảo vệ buôn làng.

Năm 1975, khi nước nhà thống nhất, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện chính sách định canh định cư của Đảng và Nhà nước, đồng bào các dân tộc huyện Krông Pa đã ổn định cuộc sống định cư, tập trung xây dựng buôn làng, phát triển kinh tế - xã hội, từng bước xoá đói giảm nghèo. Các buôn làng vẫn là một tổ chức xã hội dưới sự quản lý của Nhà nước, các hộ đồng bào được sử dụng đất rừng để trồng trọt, sản xuất, chăm sóc và khai thác, đời sống người dân Krông Pa từng bước được nâng lên.



Kinh tế truyền thống của người Jrai Mthur chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, canh tác nương rẫy theo phương thức phát, đốt, chọc, trỉa, mang tính tự cung tự cấp vẫn phổ biến trong khu vực người Jrai ở Krông Pa sau ngày giải phóng. Kinh tế nương rẫy được thực hiện theo chu kỳ khép kín. Để canh tác rẫy, người dân phát rừng thành từng đám nhỏ, trồng trọt thu hoạch khoảng từ 2 đến 3 vụ rồi chuyển sang đám rẫy mới. Sau vài năm mới trở lại canh tác tiếp trên rẫy cũ. Hình thức du canh không đảm bảo đời sống kinh tế của người dân. Mặt khác, do kỹ thuật canh tác thấp, công cụ lao động giản đơn với những chiếc rìu, rựa thô sơ… nên năng suất không cao. Đến mùa thu hoạch, vẫn phổ biến phương thức suốt lúa thủ công bằng tay. Nền kinh tế nương rẫy với phương thức canh tác cổ truyền ở trình độ thấp, cộng với cuộc sống du canh, du cư, nên đời sống của đồng bào Jrai trước đây thường thiếu thốn, bấp bênh.

Cùng với làm nương rẫy, đồng bào Jrai còn khai thác những vùng đất bằng để sản xuất. Trong những năm chống Mỹ, tuy chưa phổ biến nhưng đồng bào đã biết canh tác ruộng nước ở những vùng ven sông, suối,. Ngay trong những năm chiến tranh, huyện H2 đã có chủ trương xây dựng đập thủy lợi Ơi Đi  tại đầu nguồn sông Mlah để lấy nước tưới cho cánh đồng lúa nước ở vùng căn cứ Đất Bằng. Ngày nay, với sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, một số công trình thủy lợi được xây dựng, đồng bào dân tộc Krông Pa đã tập trung phát triển lúa nước, cho nguồn lợi kinh tế cao hơn.

Cùng với trồng trọt, chăn nuôi gia súc cũng được coi là ngành kinh tế chính của mỗi gia đình. Phát huy ưu thế có nhiều đồng cỏ, đồng bào nuôi nhiều loại gia súc như trâu, bò, dê, lợn, ngựa... Việc nuôi trâu chủ yếu để phục vụ lễ nghi tôn giáo, làm vật hiến sinh. Đồng bào nuôi bò chủ yếu để lấy thịt và sử dụng sức kéo. Trước kia, một số nơi tiếp giáp với dân tộc Ê Đê như buôn Ma Rôk (xã Chư Gu), một số chủ làng, tầng lớp trên giàu có còn mua voi ở Buôn Đôn (Đăk Lăk) về nuôi. Bên cạnh đó, nhiều người dân còn đi săn bắn, đánh bắt cá, hái lượm các sản phẩm của núi rừng để phục vụ cuộc sống hàng ngày. Dụng cụ săn bắn thô sơ, chủ yếu là cung ná, lao, bẫy sập, đơm, đó, câu... Việc hái lượm chủ yếu là công việc của phụ nữ và trẻ em.

Trong vùng đồng bào hiện vẫn lưu giữ một số nghề thủ công truyền thống như đan lát, dệt vải, rèn nhưng ở tình trạng sơ khai.

Ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX, vùng Krông Pa đã hình thành sự giao lưu kinh tế, văn hóa với các vùng, đặc biệt là những nhóm thương lái người Kinh từ đồng bằng Phú Yên lên trao đổi buôn bán muối, vải, cá khô, nông cụ sản xuất theo phương thức vật đổi vật để lấy nông lâm thổ sản.

Từ sau năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, đời sống kinh tế của nhân dân các dân tộc trong huyện từng bước phát triển. Các buôn làng của đồng bào được định canh, định cư ổn định. Nhân dân tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp lúa nước và cây công nghiệp ngắn ngày. Các loại cây như: mì, thuốc lá sợi vàng, điều là cây hàng hóa chủ đạo của huyện. Ngoài ra, các loại cây ngắn ngày như: đậu đỗ, mè, bắp...cũng phát triển. Hình thức canh tác phát, đốt, chọc, trỉa trên nương rẫy vẫn còn duy trì ở những vùng cao đất dốc. Năm 1989, huyện đã đầu tư xây dựng đập tự chảy tại cánh đồng căn cứ phục vụ cho sản xuất của buôn Ơi Đak và buôn Ơi HYik (xã Ia Mlah). Sau đó, tập trung đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất của các xã Phú Cần, Ia Rmok, Chư Gu, Uar...

Từ năm 1997, huyện đã có dự án khảo sát và xây dựng công trình thủy lợi lớn Ia Mlah, đảm bảo tưới tiêu cho các cánh đồng lúa nước thuộc các xã phía đông nam của huyện. Ngày nay, các cánh đồng lúa nước trong vùng đồng bào dân tộc Jrai đã phát triển. Các vùng đất trũng ven triền sông, suối, đã trở thành những cánh đồng lúa nước cho năng suất cao.

Từ những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tại khu vực nay là thị trấn Phú Túc đã có một bộ phận người Kinh ở đồng bằng ven biển miền Trung lên quan hệ giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hóa với cư dân bản địa và chọn nơi này làm quê hương thứ hai của mình. Làng Quang Hiển (xã Đất Bằng), thôn Thắng Lợi (xã Phú Cần)... là làng Việt được lập trên đất Krông Pa sớm nhất. Tại thôn Thắng Lợi, xã Phú Cần, dân làng đã lập đền thờ Tiền Hiền của làng là ông Phan Hữu Phàn1, người có công đưa những người Kinh đầu tiên từ Phú Yên lên lập làng trên vùng đất vào năm 1925.

III- TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA

Do cư trú trong khu vực tiếp giáp với người Jrai Chor, người Ê Đê (ở Đăk Lăk) và người Chăm Hroi (ở Phú Yên) nên đặc điểm văn hóa của người Jrai ở Krông Pa ít nhiều có sự khác biệt so với các nhóm Jrai khác cùng trong tỉnh.

Nằm trên vùng văn hóa cổ của Tây Nguyên, văn hóa các dân tộc Krông Pa mang đậm bản sắc dân gian truyền thống, phong phú và độc đáo. Do địa bàn tiếp giáp với tỉnh Đăk Lăk và Phú Yên, nền văn hóa Krông Pa ít nhiều ảnh hưởng văn hóa của các dân tộc Ê Đê và Chăm.

Qua quá trình nghiên cứu lịch sử và khảo cổ học cho thấy, vùng núi và cao nguyên phía tây nam Trung Bộ từ Thiên niên kỷ I sau Công nguyên đã chịu ảnh hưởng của những cuộc chiến tranh giữa các quốc gia phong kiến lớn, trong đó có Chiêm Thành (Champa) đóng đô ở Indrapura (Quảng Nam). Đến thế kỷ XII, vùng đất cao nguyên thuộc tỉnh Gia Lai ngày nay đều bị nhà nước Champa đô hộ, dấu vết hiện còn lưu giữ lại qua các phế tích đền tháp của người Chăm được phát hiện trên một dải rộng từ Krông Pa đến thị xã Ayun Pa và thành phố Pleiku.

Trên địa bàn huyện Krông Pa còn lưu lại dấu tích văn hóa Champa cổ. Tại xã Đất Bằng, trong thập kỷ 80 của thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một bức phù điêu Chăm... và trên địa bàn buôn Jú, xã Krông Năng cũng đã phát hiện một dấu tích tháp chàm có tên gọi Băng Keng. Phế tích của tháp Băng Keng nằm trên bờ bắc sông Krông Năng, khuất lấp trong một lùm cây rậm rạp có dây leo bao phủ. Người dân buôn Jú và vùng phụ cận với tín ngưỡng đa thần, đều cho rằng Băng Keng là sang yang ia (nhà của thần nước). Những dấu tích văn hóa Champa trên vùng Krông Pa là cơ sở để khẳng định rằng từ xa xưa người Chăm đã từng hiện diện như một bộ phận dân cư trên vùng đất này.

Trên địa bàn huyện vẫn lưu giữ kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian phong phú.

Văn hóa vật thể được thể hiện qua cấu trúc đơn vị buôn làng, nhà cửa, nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ... Nhóm người Jrai Mthur cũng như Jrai Chor khu vực Cheo Reo - Krông Pa đều không có nhà Rông - ngôi nhà chung của buôn làng, mọi sinh hoạt trong cộng đồng được tổ chức tại một gian gọi là gian khách (amang) của ngôi nhà dài của chủ làng (khoa bôn, buôn). Nhà dài là kiến trúc độc đáo của người Jrai Mthur, là nơi sinh sống của nhiều thế hệ trong đại gia đình, đó cũng còn là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, uống rượu cần và tiến hành các công việc của cộng đồng theo luật tục... Kiến trúc nhà dài với nghệ thuật điêu khắc trang trí mang những sắc thái riêng của dân tộc Jrai Mthur - Krông Pa.

Văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Krông Pa còn là nền mỹ thuật mang đậm tính đặc thù nguyên bản trong trang trí tượng nhà mồ, tượng nam nữ, mẹ bồng con, tượng động vật... tái hiện lại những sinh hoạt của con người bên cạnh thế giới của người đã khuất. Các tượng gỗ được tạc tuy đường nét thô phác nhưng sống động, thể hiện lòng khát khao tự do, tình yêu nam nữ, tình yêu cuộc sống. Những mô típ trang trí trên cây nêu trong lễ hội đâm trâu, hoa văn trên vách nhà, hình khắc trên cột nhà, cầu thang và hoa văn trang trí trên đồ đan lát, gùi... đều thể hiện sự quan sát tinh tế và phản ánh tình cảm của nghệ nhân.

Hoa văn trang trí trên trang phục như: tấm choàng, khố, các loại áo chui đầu, váy quấn cũng mang nét văn hóa đặc trưng của đồng bào vùng Krông Pa. Người Jrai Krông Pa cũng đặc biệt ưa thích các loại đồ trang sức như vòng cổ, vòng chân, tay... bằng đồng, bạc, hạt cườm các loại.

Văn hóa nghệ thuật dân gian của người Jrai Mthur Krông Pa thể hiện đời sống văn hóa tinh thần phong phú, với nhiều loại hình như sử thi, truyện cổ, múa, hát dân ca... Sử thi là di sản văn học dân gian tiêu biểu của cư dân Jrai, người Jrai gọi sử thi là là Hơri hay akhan. Loại hình văn học dân gian này là đặc trưng văn hóa của vùng Tây Nguyên và mang bản sắc riêng của từng dân tộc. khu vực người Jrai Krông Pa, sử thi vẫn được truyền tụng và diễn xướng trong sinh hoạt của cộng đồng. Ngoài sử thi, trong kho tàng văn học dân gian của đồng bào vùng Krông Pa còn lưu truyền nhiều truyện cổ, truyện thơ, câu đố, nói vần, ca dao...

Cũng như các dân tộc khác, người Jrai Mthur - Krông Pa yêu thích âm nhạc, được thể hiện trong những dịp lễ hội cộng đồng hoặc dòng họ. Các nhạc cụ như cồng chiêng, k’ni, kơ tlía, tơrưng,... là những nhạc cụ tiêu biểu. Âm nhạc và nhạc cụ gắn liền với sinh hoạt nghi lễ, tín ngưỡng. Cồng chiêng ngoài chức năng là nhạc cụ, còn được coi là tài sản quý, vật linh thiêng của cộng đồng, xuất hiện hầu hết trong các nghi lễ, gắn bó với cuộc sống của mỗi con người, là một phần không thể vắng mặt trong cuộc sống sinh hoạt của đồng bào.

Ngày 25-11-2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai đã được UNESCO (Tổ chức khoa học, giáo dục và văn hóa Liên hợp quốc) công nhận là di sản văn hóa truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Người Jrai Krông Pa tự hào rằng văn hóa cồng chiêng của họ cũng là một bộ phận quan trọng làm nên một Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Chiêng được coi là tài sản quý và thường được lấy để so sánh sự giàu có của từng gia đình trong buôn làng. Trước kia, theo quan niệm của đồng bào, những tù trưởng giàu có trong cộng đồng là những người có nhiều chiêng, nhiều ché. Sau ngày đất nước giải phóng, trong các buôn làng đều còn lưu giữ ít nhất vài ba bộ chiêng. Ngày nay, trong khu vực người Jrai ở Krông Pa vẫn lưu giữ được hơn 500 bộ cồng chiêng; Krông Pa cũng tự hào bởi có những nghệ nhân chỉnh chiêng nổi tiếng, còn lưu giữ được nhiều bài chiêng cổ trong khu vực tam giác các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Phú Yên như ông Nay Phai...

Lễ hội cổ truyền là sinh hoạt tín ngưỡng - văn hóa làm nên bản sắc riêng trong văn hóa Krông Pa. Trong cộng đồng người Jrai ở huyện có hai hệ thống lễ hội chính: Lễ hội vòng đời người như thổi tai, lễ trưởng thành, cầu sức khoẻ và lễ cúng tang, bỏ mả (Hoă lui) sau khi chết. Lễ hội trong một chu kỳ canh tác nương rẫy thường được tiến hành theo chu kỳ của một mùa vụ tính từ khi phát rẫy, trỉa hạt, đến khi thu hoạch, như lễ trỉa lúa, cầu mưa, mừng lúa mới... Lễ hội gắn với sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt đời sống của cộng đồng, trong đó lễ hội đâm trâu là lễ hội đặc trưng lớn nhất được duy trì và phát triển, thường được tổ chức trong các lễ mừng chiến thắng, khánh thành nhà mới... Lễ hội thể hiện bản sắc văn hóa vật thể và phi vật thể của từng cộng đồng dân tộc. Tinh thần thượng võ, tình cảm chân thật của đồng bào dân tộc thể hiện qua những tiếng chiêng ngân, điệu soang, qua trang phục và lời khấn cúng của già làng và cả trong men rượu cần nồng say. Lễ hội mang đậm tính tự nhiên và quan hệ con người, thể hiện sự gắn bó gần gũi giữa con người với tự nhiên và sự hòa đồng giữa con người với con người trong cộng đồng gắn kết bền vững.

Nhìn chung, văn hóa truyền thống của đồng bào Jrai ở Krông Pa phong phú về thể loại, gần gũi với cuộc sống của người dân trong cộng đồng cần được lưu giữ, bảo tồn và phát huy.

Sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng gắn liền với đời sống cộng đồng buôn làng. Về tín ngưỡng dân gian, buôn làng chính là cộng đồng mang tính tâm linh. Đồng bào Jrai Mthur - Krông Pa luôn mang một ý niệm về một lực lượng siêu nhiên thần bí tồn tại (Yang) bảo vệ con người trước những rủi ro trong đời sống hàng ngày. Trong tiềm thức của đồng bào, có một lực lượng vô hình trong thế giới tự nhiên luôn tác động đến mọi mặt hoạt động của con người. Do vậy, nghi lễ thờ cúng đều liên quan đến các vị thần, nhằm cầu mong điều tốt lành đến với mọi người như các thần ruộng rẫy (yang hma), thần bến nước (yang pin ia), thần núi (yang chư), thần làng (yang bôn), thần nhà (yang sang)... đó là những vị thần được coi trọng hơn cả trong cuộc sống của người dân. Quan niệm tín ngưỡng của đồng bào vùng Krông Pa tuy có những hạn chế, nhưng nó góp phần tạo nên những nét riêng của nền văn hóa, văn học Tây Nguyên.

Trong công cuộc đổi mới, với sự phát triển của xã hội, đời sống văn hóa của đồng bào các buôn làng Krông Pa từng bước phát triển. Nhiều phong tục tập quán lạc hậu trước đây như nghi ma lai, thuốc độc, lặn nước, đổ chì... dần được xoá bỏ. Đồng bào tích cực tham gia vào các hoạt động văn hóa, xã hội theo đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, thực hiện cuộc vận động xây dựng buôn làng văn hóa, tạo nên một cộng đồng văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vừa lưu giữ văn hóa truyền thống, vừa từng bước giao lưu hòa nhập và phát triển văn hóa hiện đại.

Về tôn giáo, huyện Krông Pa từ cuối những năm 50 của thế kỷ XX về trước hầu như không có đạo giáo lưu truyền; hiện có 3 tôn giáo chính hoạt động có tư cách pháp nhân, đó là Tin Lành thuộc Hội thánh Tin Lành Việt Nam (MN), Công giáo và Phật giáo. Dưới sự quan tâm lãnh đạo của các cấp chính quyền địa phương, hầu hết đồng bào theo các tôn giáo đều chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, với phương châm sống “tốt đời đẹp đạo”, đoàn kết cùng nhau xây dựng quê hương, buôn làng ngày càng phát triển.

Cũng như vùng Cheo Reo, đồng bào Krông Pa đã sớm có chữ viết. Cụ Nay Der, buôn Ơi Nu - nhà giáo đầu tiên của đồng bào Jrai vùng Cheo Reo đã sớm nghiên cứu, phiên âm chữ viết cho người Jrai trên cơ sở mẫu tự Latinh do người Pháp khi đặt chân xâm lược lên Tây Nguyên đặt ra. Tuy chữ viết Jrai phổ biến chưa rộng, nhưng đồng bào Jrai đã có chữ viết riêng của mình để tập đọc, tập viết trong thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Sau năm 1975, vùng đất Tây Nguyên cũng như huyện Krông Pa cùng cả nước bước vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Thực hiện chính sách xây dựng vùng kinh tế mới của Đảng và Nhà nước, đồng bào Kinh từ các vùng miền các tỉnh đồng bằng miền Trung và miền Bắc đến Tây Nguyên, trong đó có Krông Pa sinh sống. Cùng với xu thế chung đó, văn hóa của đồng bào các dân tộc Krông Pa đã có sự giao lưu và ảnh hưởng sâu sắc, có sự đan xen, hòa trộn giữa các nền văn hóa đa dạng mang bản sắc riêng của từng dân tộc.

Trong mối quan hệ giao lưu, ảnh hưởng văn hóa giữa các dân tộc trong huyện đã thúc đẩy quá trình biến đổi văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa- Jrai. Đồng bào tại chỗ được tiếp thu những yếu tố văn hóa mới, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào ngày càng thay đổi. Từ sự giao lưu đó đã góp phần thúc đẩy phát triển và quan hệ văn hóa gắn bó, đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc của huyện. Giao lưu, hòa quyện nhưng văn hóa của đồng bào Jrai huyện Krông Pa vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, những giá trị văn hóa độc đáo riêng biệt vẫn được lưu giữ, bảo tồn, cùng phát triển trong sự thống nhất, đa dạng của nền văn hóa chung của dân tộc Việt Nam.

IV- TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC CHỐNG ÁP BỨC

Trong quá trình hình thành và phát triển, đồng bào dân tộc Jrai - Krông Pa luôn phải đoàn kết chống các thế lực bên ngoài xâm chiếm. Nửa cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp thực hiện âm mưu thôn tính Tây Nguyên. Năm 1842, các giáo sĩ hội thừa sai Pari đã tìm đường lên vùng đất Cheo Reo và tiếp đến những năm sau đó, các đoàn thám hiểm đã lên Tây Nguyên nhằm thực hiện âm mưu xâm chiếm vùng đất cao nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt và giàu tài nguyên. Linh mục người Pháp H.Uytinel là người đầu tiên đặt chân lên Cheo Reo, tổ chức việc lập nhà và truyền đạo cho đồng bào trong vùng.

Theo chân các giáo sĩ, thực dân Pháp tiến hành từng bước chinh phục và đặt ách đô hộ lên Tây Nguyên. Năm 1898, Pháp chính thức thiết lập chế độ trực trị trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Để củng cố địa vị thống trị, thực dân Pháp lập bộ máy thống trị từ tỉnh xuống tận làng xã. Trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chúng lập các chủ làng để nắm quyền quản lý chung trong buôn làng, đồng thời tìm mọi biện pháp, thủ đoạn để kìm hãm sự liên minh nổi dậy của đồng bào các bộ tộc, các buôn làng chống lại chính sách cai trị của chúng.

Trong vùng Cheo Reo - Krông Pa, thực dân Pháp thực hiện các chính sách quân sự, kinh tế, văn hóa rất hà khắc và tàn bạo để cai trị nhân dân, tăng cường quản lý kiểm soát đồng bào trong vùng, ngăn chặn sự giao lưu giữa các vùng đồng bào Kinh với đồng bào dân tộc thiểu số, độc quyền buôn bán muối... Chính sách khai hóa văn minh, thực chất là chính sách ngu dân của thực dân Pháp đã đẩy cuộc sống người dân Tây Nguyên nói chung và đồng bào dân tộc Krông Pa nói riêng ngày càng lạc hậu, cùng cực. Có áp bức, có đấu tranh, dưới ách cai trị thực dân, trong vùng Krông Pa đã nổ ra một số cuộc đấu tranh của đồng bào các dân tộc, gây cho địch những trở ngại trong công cuộc đặt ách cai trị thực dân.

Các cuộc nổi dậy của nhân dân trong vùng Krông Pa chịu ảnh hưởng lớn của phong trào Pơtao APui (Vua Lửa), Oi HMai, Oi HPhai (1901-1909), Săm Brăm (1935-1939) và các phong trào khác của nhân dân quanh vùng. Phong trào trong huyện phát triển sôi động nhất ở vùng MĐrak, Mlah. Tuy còn mang tính tự phát, nhưng phong trào chống Pháp của đồng bào Jrai - Krông Pa đã thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ quê hương, buôn làng.

Khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (1930), ảnh hưởng của Đảng đã lan đến vùng Cheo Reo - Krông Pa, thông qua một bộ phận nhân sĩ, trí thức, những thanh niên yêu nước tiến bộ người Jrai ở địa phương, những hạt nhân lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong huyện đứng lên làm cuộc cách mạng giành thắng lợi trong cao trào Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945.

Cuối năm 1945, thực dân Pháp bắt đầu thực hiện âm mưu trở lại xâm chiếm nước ta. Cuối năm 1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra trong toàn quốc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước nhất tề đứng lên kháng chiến kiến quốc, bảo vệ chính quyền và thành quả cách mạng. Ở Krông Pa, sau khi chi bộ Đảng đầu tiên ra đời (10-8-1947), đã lãnh đạo nhân dân đoàn kết một lòng, tham gia, ủng hộ và phục vụ kháng chiến. Trải qua chín năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ, phát huy truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng, nhân dân Krông Pa vượt mọi khó khăn, gian khổ, góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên thắng lợi to lớn, đánh bại kẻ thù của dân tộc là thực dân Pháp, kết thúc cuộc kháng chiến gian khổ, nhưng đầy hào hùng và vẻ vang.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng (1954), đất nước hòa bình, nhưng tạm chia cắt thành hai miền. Đế quốc Mỹ thay chân Pháp nhảy vào xâm chiếm miền Nam. Một lần nữa, đồng bào Krông Pa cùng với nhân dân cả nước lại đứng trước một thử thách cam go, trước cuộc đấu tranh với kẻ thù xâm lược mới. Nhân dân Krông Pa một lần nữa lại chứng tỏ tinh thần anh dũng, bất khuất, không cam chịu làm nô lệ và đã trở thành cái nôi cách mạng của tỉnh Đăk Lăk trong suốt hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Với vị trí chiến lược quan trọng, Krông Pa trở thành cầu nối giữa tỉnh Đăk Lăk với tỉnh Gia Lai, xuống vùng đồng bằng Phú Yên, một đầu mối quan trọng trên tuyến hành lang bắc - nam của ta. Trong cuộc chiến tranh cách mạng, nhân dân các dân tộc huyện Krông Pa dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ đã từng bước đánh bại mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, lập nên nhiều chiến công, cùng đồng bào trong tỉnh và cả nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bước vào công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Sau hơn 30 năm giải phóng, tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, cần cù trong lao động sản xuất, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và nhân dân huyện Krông Pa từng bước khắc phục mọi khó khăn, hàn gắn vết thương chiến tranh, từng bước vươn lên xây dựng quê hương. Trong công cuộc đổi mới đất nước, nhân dân và Đảng bộ Krông Pa lại vững bước đi lên, phát huy thế mạnh, khơi dậy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, quyết tâm bảo vệ và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phấn đấu thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.



Каталог: Files
Files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
Files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
Files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
Files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
Files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
Files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
Files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
Files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 1.87 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương