BỘ VĂn hoá, thể thao và du lịch số: 27/bc-bvhttdl



tải về 76.49 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích76.49 Kb.
#31596


BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
_______

Số: 27/BC-BVHTTDL

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
________________________

Hà Nội, ngày 09 tháng 3 năm 2009


BÁO CÁO

Hai năm thi hành Luật Điện ảnh

__________


Kính gửi: Quốc hội
Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2006, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 đã tạo cơ sở pháp lý để xây dựng và phát triển nền điện ảnh dân tộc Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Luật Điện ảnh ra đời bước đầu đã có những tác động tích cực trong đời sống điện ảnh cả nước. Tuy vậy thực tiễn gần 2 năm nay cho thấy Luật Điện ảnh đã bộc lộ một số hạn chế, trong đó có những khác biệt so với pháp luật quốc tế mà Việt Nam đã cam kết sửa đổi khi trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Để có căn cứ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, báo cáo này đánh giá toàn diện về hoạt động điện ảnh trong hai năm qua để thấy rõ những tác động tích cực và những hạn chế của Luật Điện ảnh trong thực tế.

I. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH THI HÀNH LUẬT ĐIỆN ẢNH

  1. Về quản lý nhà nước

a. Việc soạn thảo, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành

Ngay sau khi Luật Điện ảnh được Quốc hội ban hành, Chính phủ phủ đã ban hành Nghị định số 96/2007/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện ảnh để có đủ căn cứ trong việc thực hiện Luật.

Năm 2008, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành 2 quy chế:

+ Quy chÕ về Tổ chức và hoạt động của Hội đồng Trung ương thẩm định và tuyển chọn kịch bản;

+ Quy chế của Hội đồng Trung ương thẩm định phim.

Đây là những văn bản pháp lý tạo sự đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật về điện ảnh.

Từ năm 2007, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Thông tư hướng dẫn quy định việc sản xuất phim đặt hàng từ ngân sách nhà nước nhưng do quy định về đấu thầu sản xuất phim tại Luật Điện ảnh chưa thật phù hợp với thực tiễn nên đến nay hai Bộ vẫn chưa ban hành được thông tư này.

Ngoài ra, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đang triển khai xây dựng Quy hoạch ngành Điện ảnh đến năm 2020, chuẩn bị thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh theo quy định tại Luật Điện ảnh, nghiên cứu để ban hành Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật rạp chiếu phim tại Việt Nam… (các dự án này đã chuẩn bị xong đề cương chi tiết, đã gửi đến các cơ quan chức năng xin ý kiến).

Việc ban hành kịp thời văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hoá Luật, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh trong cả nước, có căn cứ để hoạt động và quản lý trong hai năm qua.

b. Hoạt động phổ biến Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức 4 cuộc hội thảo, hội nghị trên phạm vi cả nước để phổ biến Luật Điện ảnh và các văn bản hướng dẫn thi hành cho các cơ quan quản lý, các đài truyền hình, các cơ sở điện ảnh và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh.

Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Điện ảnh còn được thực hiện thông qua các hoạt động xuất bản tài liệu, sách báo, tạp chí. Các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình đã đóng vai trò quan trọng cho công tác này.

c. Kết quả bước đầu về quản lý nhà nước sau 2 năm thi hành Luật Điện ảnh

Từ khi có Luật Điện ảnh nhận thức về vị trí, vai trò của hoạt động điện ảnh trong các cấp lãnh đạo và trong công chúng đã được nâng cao một bước, ý thức chấp hành Luật của các cơ quan chức năng và đơn vị liên quan đã thực hiện nghiêm túc hơn. Nhiều đơn vị hoạt động điện ảnh sau khi được củng cố đã chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, nhiều đơn vị đã đảm bảo cân đối nguồn tài chính thu chi có đơn vị đã có lãi, hoàn thành nghĩa vụ ngân sách với nhà nước, đảm bảo tốt đời sống của người lao động. Cũng từ khi có Luật, việc thực hiện chương trình củng cố và phát triển điện ảnh bằng nguồn ngân sách nhà nước tiếp tục thực hiện. Ngành điện ảnh đã được đầu tư cho sáng tác, tạo nguồn kịch bản, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại cho khâu tiền kỳ và hậu kỳ trong lĩnh vực sản xuất phim.

Đến nay, Nhà nước vẫn tiếp tục đầu tư và hiện đại hoá trang thiết bị kỹ thuật cho lĩnh vực lưu trữ phim, thiết bị kỹ thuật cho Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia.

Sự đầu tư cho sản xuất phim và phổ biến phim đã tạo diện mạo mới cho ngành điện ảnh, tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất nâng cao năng lực sản xuất, đảm bảo cho phim Việt Nam có đủ điều kiện kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng nghệ thuật khi phim Việt Nam giao lưu và hội nhập quốc tế.

Việc đầu tư hiện đại hoá khâu phổ biến phim đã nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ điện ảnh ngày càng cao của khán giả. Nhiều rạp chiếu phim ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh và thành phố đã trở thành địa chỉ quen thuộc với khán giả. Việc đầu tư thiết bị video 100 inches và máy chiếu phim nhựa 35mm cho các đội chiếu bóng lưu động đã tạo điều kiện để các Trung tâm và Công ty Điện ảnh các tỉnh có điều kiện tăng số đội chiếu bóng lưu động và nâng cao chất lượng, hiệu quả cả về số lượng và nội dung buổi chiếu phục vụ đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, những nơi kinh tế còn khó khăn chưa có điều kiện mua sắm tivi cũng như những vùng chưa phủ sóng truyền hình, chưa có điện lưới quốc gia.

Cùng với việc đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cho khâu sản xuất phim, phổ biến phim, hàng năm nhà nước còn cấp 100% kinh phí đối với phim đặt hàng và 80% kinh phí đối với phim trợ giá. Cấp kinh phí để sản xuất băng video, sản xuất phim truyện video phục vụ đồng bào các dân tộc thiểu số.

Đối với các đội chiếu bóng lưu động, nhà nước cấp 100% chi phí phục vụ cho một buổi chiếu ở vùng núi, 50 – 80 % chi phí buổi chiếu cho vùng nông thôn nên đã tạo điều kiện cho các đội máy chiếu lưu động duy trì hoạt động thường xuyên trong những năm qua.

Đầu tư của nhà nước cho khâu sản xuất phim và phổ biến phim đã tạo cho hoạt động điện ảnh có sự chuyển biến tích cực, đúng định hướng. Hàng năm với những phim đặt hàng và tài trợ đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu tổ chức các tuần phim, đợt phim phục vụ nhiệm vụ chính trị và các dịp kỷ niệm lễ lớn của dân tộc. Bên cạnh đó, nhiều rạp được nâng cấp, cải tạo với trang thiết bị hiện đại với mô hình cụm rạp đa chức năng cùng với nâng cao phong cách, chất lượng phục vụ đã dần thu hút khán giả đến rạp xem phim nhựa ngày một đông và thường xuyên hơn. Đó cũng là điều kiện để các đơn vị nhập khẩu phim nhập được nhiều phim hay, phim tốt và tăng dần số bản cung cấp trên mạng lưới chiếu bóng cả nước.

Cũng từ khi có Luật Điện ảnh chủ trương xã hội hoá hoạt động điện ảnh của Đảng và nhà nước ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu, nhiều hãng phim tư nhân được thành lập, số lượng phim do các hãng phim tư nhân sản xuất ngày càng nhiều, chất lượng phim của các hãng ngày càng được nâng cao đã góp phần đáp ứng được nhu cầu của khán giả, thu hút người xem đến rạp, tạo không khí sôi động của điện ảnh, góp phần giải quyết được những khó khăn về tài chính của các rạp. Sự ra đời của và hoạt động của các hãng phim tư nhân trong hai năm qua cũng tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động sản xuất phim, thúc đẩy quá trình nâng chất lượng và giảm giá thành sản xuất. Cùng với việc đầu tư làm phim một số hãng nước ngoài đã bỏ vốn liên doanh, liên kết đầu tư cải tạo nâng cấp rạp tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và một số tỉnh thành khác.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại đã làm hạn chế kết quả thực hiện Luật Điện ảnh.

Đến nay, vì nhiều lý do chủ quan và khách quan khác nhau một số đơn vị điện ảnh địa phương vẫn chưa xác định được mô hình tổ chức cho phù hợp với chức năng nhiệm vụ của mình. Do đó, thiếu chủ động, hoạt động kém hiệu quả cùng với sự thiếu quan tâm của các cơ quan có thẩm quyền nên một số cơ sở điện ảnh chưa đủ điều kiện, khả năng chủ động trong sản xuất kinh doanh. Nhiều đơn vị có nguy cơ giải thể hoặc sáp nhập với các đơn vị có chức năng khác. Một số đơn vị quản lý nhà nước chưa thực sự được nâng cao về năng lực để tổ chức thực hiện có hiệu quả, chức năng quản lý nhà nước ở địa phương chưa kiểm soát được tình hình hoạt động điện ảnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình (tình hình băng đĩa lậu, nội dung xấu hiện nay vẫn là nỗi bức xúc trong xã hội).

Một số đơn vị điện ảnh chỉ mới tập trung, coi trọng việc hoạt động sự nghiệp chưa chú ý đến hoạt động sản xuất kinh doanh và ngược lại có đơn vị chỉ mới tập trung vào sản xuất kinh doanh nên không thực hiện tốt chức năng phục vụ các nhiệm vụ chính trị (cần khắc phục tốt cả hai hiện tượng trên).

Luật Điện ảnh quy định trong quy hoạch đô thị, nhà nước dành quỹ đất để xây dựng rạp chiếu phim phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan nên hầu hết quy hoạch của các địa phương chưa dành quỹ đất cho việc xây dựng rạp chiếu phim.

Hiện nay một số kênh truyền hình như HBO, CINEMAX, MOVE STAR phát sóng phim truyện nước ngoài thời lượng nhiều, có những cảnh trong phim không hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Có bộ phim Hội đồng duyệt của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch yêu cầu cắt trước khi được phép chiếu tại rạp thì những cảnh này trong phim vẫn được phát trên sóng truyền hình hoặc có phim Hội đồng của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch không cho phép phổ biến trên rạp nhưng vẫn được chiếu trên sóng truyền hình.

Bộ Văn hoá - Thông tin trước đây là cơ quan quản lý nhà nước cả điện ảnh và truyền hình. Đến nay đã có Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan quản lý nhà nước về truyền hình. Việc phát sóng trên truyền hình thực hiện theo Luật Báo chí, do người đứng đầu cơ quan báo chí đó chịu trách nhiệm về nội dung. Vì vậy, vấn đề quản lý nhà nước về phim truyền hình cũng gặp khó khăn. Để quản lý có hiệu quả hơn việc phát sóng phim trên đài truyền hình đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quản lý tốt hơn nội dung phim được phát sóng, đặc biệt đối với các phim phát trên truyền hình cáp.

Kinh phí cấp cho sản xuất phim đặt hàng, tài trợ từ ngân sách nhà nước hiện nay không còn phù hợp với cơ chế thị trường (phim tư nhân giá thành sản xuất cao gấp 2 đến 3 lần so với phim được nhà nước tài trợ, đặt hàng). Vì vậy, phim nhà nước chưa thu hút được nhiều văn nghệ sỹ tham gia đầu tư tài năng, tâm huyết và sức lực để thực hiện, thậm chí có nghệ sỹ từ chối làm thể loại phim này. Ví dụ: Một đạo diễn có uy tín nghệ nghiệp làm phim truyện truyền hình thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm và sức ép dư luận không lớn, nhưng nếu làm 01 phim truyện nhựa phải mất thời gian 1 đến 2 năm, thu nhập khoảng 50 triệu đồng và chịu sức ép về báo chí, dư luận xã hội phức tạp hơn nhiều.



2. Hoạt động thực tiễn

  1. Về hoạt động sản xuất phim

Luật Điện ảnh được ban hành đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia hoạt động điện ảnh, đẩy mạnh hoạt động sản xuất phim trong nước. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 đến nay, đã có gần 20 cơ sở sản xuất phim tư nhân được thành lập, trong đó 01 hãng phim đã có dự án tham gia sản xuất phim đặt hàng từ ngân sách nhà nước, Công ty FPT Media, Công ty sản xuất phim BHD, Hãng phim Thiên Ngân.v.v. đã và đang có nhiều dự án sản xuất phim điện ảnh và truyền hình. Một số Việt kiều cũng đầu tư kinh phí và tham gia sản xuất phim tại Việt Nam.

Hai năm 2007, 2008 các hãng phim thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã sản xuất 8 phim truyện nhựa, 15 phim truyện video, 16 phim hoạt hình, 17 phim tài liệu nhựa và hàng ngàn mét phim tư liệu. Các hãng phim tư nhân đã sản xuất 11 phim truyện nhựa với kinh phí đầu tư gần 50 tỷ đồng. Trên 1000 tập phim truyện truyền hình do các hãng phim và các đài truyền hình trong cả nước sản xuất. Số lượng phim sản xuất từ ngân sách hàng năm chưa nhiều, nhưng 2 năm gần đây do chưa có văn bản hướng dẫn về quy trình, thủ tục đấu thầu phim nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ, số lượng các phim được đưa vào sản xuất hàng năm.



b. Về hoạt động phát hành, phổ biến phim

Hiện nay trên cả nước có 3 đơn vị nhập khẩu và phát hành phim liên doanh với nước ngoài, đó là: Công ty liên doanh Cinema 1 Việt Nam, Công ty TNHH Truyền thông Megastar, Công ty liên doanh rạp Lotte cinema Việt Nam. Trong 2 năm 2007, 2008, tỷ lệ phim nhập của các công ty này chiếm khoảng gần 40% thị phần nhập phim trong cả nước. Hầu hết phim do các công ty nhập khẩu đều được chiếu phát hành đồng thời với các thị trường điện ảnh lớn của thế giới là Mỹ và Châu Âu như: “Đại chiến xích bích”, “Điệp viên 007”, “High school musical 3”, “Harry Potter”…

Theo quy định của Luật Điện ảnh và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, các rạp chiếu phim tuân thủ nghiêm các quy định về thời gian chiếu phim Việt Nam tại rạp, chiếu phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại. Đặc biệt vào các dịp hè, hầu hết các rạp đều có chương trình chiếu phim giảm giá, chiếu phim chuyên đề cho thiếu niên, nhi đồng, học sinh và sinh viên. Phương thức này vừa tạo điều kiện cho các thành phần khán giả được tiếp cận với các tác phẩm điện ảnh vừa khai thác được số lượng phim đã sản xuất, nhập khẩu. Đơn vị làm tốt hoạt động này là Trung tâm Chiếu phim Quốc gia. Năm 2008, cụm rạp tư nhân Megastar đã tổ chức Tuần phim Việt Nam với chương trình phong phú được tổ chức tại 2 thành phố lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong quá trình thi hành Luật Điện ảnh, các đơn vị hoạt động điện ảnh đã bước đầu tạo cho khán giả có thói quen tới xem phim tại rạp. Những năm gần đây, đặc biệt Tết năm 2007, 2008 tại hầu hết các rạp ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, phim Việt Nam đã chiếm lĩnh thị trường so với phim ngoại nhập. Các rạp luôn trong tình trạng tăng buổi chiếu và hết vé xem phim Việt Nam. Tuy vậy “mùa phim nội” mỗi năm chỉ có một lần vào dịp Tết. Trong những năm tới, ngành điện ảnh sẽ phải tìm các phương án thích hợp để kích thích có nhiều “mùa phim Việt” hơn nữa, đặc biệt cân đối giữa tỷ lệ phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội và phim thương mại, giải trí.

Các quy định tại Luật Điện ảnh về bảo đảm tỷ lệ thời lượng phát sóng phim Việt Nam trên truyền hình ngày càng được nâng lên. Các đài truyền hình đã có “giờ vàng” cho phim Việt Nam. Năm 2007, 2008 các đài truyền hình trên toàn quốc đã phát sóng thời lượng phim Việt Nam đạt xấp xỉ 30% tổng thời lượng phát sóng phim truyện. Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh năm 2007 đạt: 29%, 2008: 34%, Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng: 2007: 28%, 2008: 49%, Đài Truyền hình Cần Thơ: 33%, Đài Phát thanh Truyền hình Huế: 33%; Đài Phát thanh Truyền hình Tây Ninh: 36%, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng: 50%. Với khoảng thời gian thi hành Luật chưa lâu, có thể nói đây là một trong những thành công trong việc thi hành Luật Điện ảnh, trong việc quản lý phổ biến phim truyện Việt Nam trên truyền hình.

Một số phim truyền hình Việt Nam được sản xuất, phát sóng và có dư luận tốt như: Chạy án, Ma làng, Gió làng Kình, Cô gái xấu xí, Những người độc thân vui vẻ, Bỗng dưng muốn khóc… Những bộ phim này đã thu hút hàng triệu khán giả xem phim, củng cố niềm tin và tình yêu điện ảnh Việt Nam cho công chúng.

Dù chất lượng phim chưa hẳn đồng đều, vẫn cần tiếp tục nâng cao, nhưng bước đầu, dưới góc độ quản lý nhà nước về ngành điện ảnh, có thể thấy đó là thành công khi thực hiện Luật Điện ảnh về tỷ lệ chiếu phim và thời lượng phát sóng phim nội.

Hai Hội đồng Trung ương thẩm định kịch bản và thẩm định phim nhiệm kỳ 2007- 2009 đã hoạt động theo Luật Điện ảnh. Thành phần chủ yếu của Hội đồng gồm đại diện cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh, các nghệ sỹ, chuyên gia có kinh nghiệm, uy tín trong lĩnh vực điện ảnh, không có thành viên là cán bộ quản lý của các cơ sở điện ảnh như trước đây.

Hoạt động chiếu phim lưu động từ khi có Luật Điện ảnh cũng chuyển biến tích cực và đạt hiệu quả tốt hơn. Các đơn vị chiếu bóng lưu động được trang bị 50 máy chiếu lưu động phim nhựa 35 mm. Đặc biệt, từ năm 2008, Chính phủ đã có quyết định cấp xe ô tô chuyên dụng bằng nguồn vốn đối ứng theo chương trình mục tiêu quốc gia, tạo điều kiện cho các đơn vị chiếu bóng về trang thiết bị, phương tiện vận chuyển. Chiếu bóng lưu động phục vụ bà con vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số trong thời gian qua đã làm tốt vai trò của mình, thu hút đông đảo nhân dân ở các địa phương đến với phim. Thông qua các bộ phim, hoạt động điện ảnh đã nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân; tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống của con người, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Từ khi Luật Điện ảnh ra đời, các đơn vị chiếu bóng tiếp tục phát huy vai trò phục vụ nhân dân, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của khán giả yêu thích ngành điện ảnh.

c. Hoạt động hợp tác quốc tế

Hoạt động hợp tác quốc tế về điện ảnh ngày càng phát triển sâu rộng. Ưu điểm nổi bật của Luật Điện ảnh trong lĩnh vực hợp tác quốc tế là đã cụ thể hoá toàn bộ những quy định liên quan đến hợp đồng, hợp tác, liên doanh, dịch vụ sản xuất phim với nước ngoài mà không cần văn bản hướng dẫn thi hành. Trong 2 năm đã có 22 bộ phim truyện, 20 bộ phim tài liệu, khoa học và hoạt hình được cấp phép để các cơ sở sản xuất phim của Việt Nam hợp tác hoặc tổ chức làm dịch vụ sản xuất phim cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài. Đã tổ chức được trên 40 chương trình phim nước ngoài tại Việt Nam với khoảng 200 lượt đầu phim, gửi phim Việt Nam tham dự 20 Liên hoan phim quốc tế với trên 100 lượt đầu phim. Đây là cơ hội, là điều kiện thuận lợi để điện ảnh dân tộc không chỉ tiếp nhận có chọn lọc những tiến bộ của công nghệ sản xuất phim trong khu vực và thế giới, mà còn gợi mở hướng phát triển nguồn nhân lực điện ảnh nước nhà, mở rộng giao lưu văn hóa giữa nước ta với các nước.

Việc hợp tác, dịch vụ sản xuất phim, phát hành phim cũng tạo điều kiện giải quyết lao động việc làm, tăng thu nhập, tiếp cận với các nền điện ảnh chuyên nghiệp của thế giới để nâng cao trình độ cho những người làm công tác điện ảnh. Đó cũng là mục tiêu mà Điện ảnh Việt Nam đang hướng tới.

d. Hoạt động lưu chiểu, lưu trữ phim

Trong hai năm thi hành Luật Điện ảnh, công tác lưu chiểu phim, lưu trữ phim được thực hiện tương đối tốt. Các cơ sở nộp lưu chiểu, lưu trữ đúng theo quy định, được bảo quản theo đúng tiêu chuẩn chất lượng. Tuy nhiên, một số cơ sở sản xuất phim đề nghị nên chuyển việc lưu chiểu phim nhựa sang chất liệu khác nhằm giảm bớt kinh phí trong sản xuất.



3. Đánh giá chung

Sau hai năm thi hành Luật Điện ảnh, nhận thức của các cơ quan quản lý các cấp, các tổ chức, cá nhân sản xuất phim, phát hành phim, phổ biến phim và nhận thức xã hội về vai trò của điện ảnh đã được nâng lên thông qua các hoạt động tuyên truyền - phổ biến pháp luật và thực thi Luật.

Về cơ bản, Luật Điện ảnh và các văn bản hướng dẫn đã đáp ứng được nhu cầu của các chủ thể tham gia hoạt động điện ảnh. Mọi lĩnh vực của hoạt động điện ảnh đã được điều chỉnh bằng pháp luật. Các điều luật đều theo hướng khuyến khích lao động sáng tạo của những người hoạt động điện ảnh trong cả nước; tiếp tục đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa, khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất cho mọi thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh. Các điều của Luật Điện ảnh thể hiện sự tôn trọng quyền tự do sáng tạo và tự do hoạt động điện ảnh của các tổ chức, cá nhân, đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế phù hợp với thông lệ quốc tế.

Luật Điện ảnh cũng đẩy mạnh việc sản xuất phim, phát hành phim Việt Nam, cho phép nhập khẩu phim có chất lượng tốt về tư tưởng và nghệ thuật của nước ngoài để phổ biến ở hệ thống chiếu bóng và phát trên truyền hình, liên kết với nước ngoài sản xuất phim.



II. NHỮNG HẠN CHẾ CỦA LUẬT ĐIỆN ẢNH

1. Do Luật Điện ảnh được ban hành trước thời điểm Việt Nam trở thành thành viên của tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) (Luật Điện ảnh ban hành tháng 6/2006, Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO vào ngày 11 tháng 01 năm 2007), nên trong Luật có một số điều chưa tương thích với hiệp định mà Việt Nam cam kết sẽ sửa đổi khi tham gia tổ chức này.

Nghị quyết số 71/2006/QH11 của Quốc hội khóa 10 phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thương mại thế giới (WTO) của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cam kết bãi bỏ hạn chế số lượng phim được nhập khẩu quy định tại Điều 30 Luật Điện ảnh hiện hành.

Nghị quyết số 71/2006/QH11 cũng phê chuẩn cam kết cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài được phép tham gia thành lập doanh nghiệp sản xuất phim, phát hành phim và chiếu phim tại Việt Nam với tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài không quá 51% vốn pháp định. Điều 13 Luật Điện ảnh hiện hành chưa cho phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia thành lập và quản lý doanh nghiệp sản xuất phim, chỉ cho phép được tham gia thành lập doanh nghiệp phát hành phim và doanh nghiệp chiếu phim không hạn chế hình thức đầu tư và tỷ lệ vốn góp. Việc không hạn chế tỷ lệ góp vốn trong doanh nghiệp phát hành phim và doanh nghiệp chiếu phim dẫn đến hệ quả phim nhập tràn lan sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển của điện ảnh dân tộc. Điều 14, 15 Luật Điện ảnh quy định điều kiện thành lập doanh nghiệp, tiêu chuẩn giám đốc doanh nghiệp theo đó cũng cần thay đổi cho phù hợp với Nghị quyết số 71/2006/QH11.

Như vậy, các điều 13, 14, 15, 30 cần sửa đổi, bổ sung.



2. Khoản 3 Điều 24 Luật Điện ảnh quy định việc sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước phải thông qua đấu thầu doanh nghiệp sản xuất phim trên cơ sở kịch bản văn học đã được tuyển chọn. Trong một thời gian dài, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Bộ Tài chính đã phối hợp soạn thảo Thông tư hướng dẫn việc đấu thầu sản xuất phim từ ngân sách nhà nước nhưng gặp nhiều vướng mắc do hoạt động điện ảnh là một ngành nghệ thuật có nhiều đặc thù rất khó áp dụng theo Luật Đấu thầu. Theo tinh thần Luật Điện ảnh thì các hãng phim nhà nước và tư nhân đều bình đẳng trong các hoạt động điện ảnh. Nhưng đầu năm 2008, một hãng phim tư nhân trình kịch bản đề nghị được sản xuất phim từ ngân sách nước, Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch đã thí điểm thực hiện các thủ tục đề nghị Bộ Tài chính cho phép. Tuy nhiên do vướng mắc về thủ tục nên việc duyệt kinh phí sản xuất phim không thể thực hiện được. Sau một thời gian, Bộ Tài chính đồng ý duyệt kinh phí sản xuất nhưng lại gặp những khó khăn chủ quan và khách quan khác nên hãng phim này đã từ chối.

Theo quy định tại Luật Điện ảnh, việc đấu thầu sản xuất phim căn cứ trên cơ sở kịch bản đã được tuyển chọn. Đó là đấu thầu nhà sản xuất. Thực tế trên thế giới hiện nay việc đấu thầu sản xuất phim là đấu thầu dự án sản xuất phim, bao gồm kịch bản, phương án tổ chức sản xuất (trong đó có thành phần tác giả chính, trang thiết bị kỹ thuật) và dự toán ngân sách thực hiện. Mặt khác thực tế hiện nay ở Việt Nam do hoạt động điện ảnh đã xã hội hoá ở tất cả các khâu từ sáng tác đến tổ chức sản xuất và phát hành, vì vậy các chủ thể tham gia sản xuất phim bằng ngân sách nhà nước cũng có các hình thức phổ biến sau đây:

Một là, hình thức đấu thầu chọn nhà sản xuất hội đủ điều kiện ưu việt nhất hoàn thành bộ phim có chất lượng trên cơ sở kịch bản đã được lựa chọn thông qua tư vấn của Hội đồng thẩm định theo các tiêu chí cơ bản về chất lượng nội dung, chất lượng nghệ thuật của kịch bản. Tuy nhiên, điều bất lợi là có trường hợp tác giả kịch bản và nhà sản xuất (bên trúng thầu) không tìm được tiếng nói chung, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng phim và tiến độ làm phim.

Hai là, đấu thầu dự án sản xuất phim, hình thức này có ưu điểm là cùng một lúc căn cứ vào kịch bản văn học, phương án tổ chức sản xuất có thể dự báo được chất lượng của bộ phim và tiến độ thực hiện bộ phim đó. Tuy nhiên, hình thức này đôi khi bất lợi là dự án có kịch bản hay nhưng những điều kiện để sản xuất thành phim lại thiếu. Và cũng như hình thức đấu thầu kịch bản, đơn vị trúng thầu có giá sản xuất thấp hơn chưa chắc đã cho ra sản phẩm là một bộ phim hay.

Vì vậy, khoản 3 Điều 24 cũng cần sửa đổi cho phù hợp yêu cầu của thực tế thì mới thực hiện được và nâng cao tính khả thi của các dự án làm phim bằng ngân sách nhà nước.

3. Điều 48 quy định về thanh tra điện ảnh có lỗi về kỹ thuật văn bản khi trình Quốc hội thông qua.

4. Các điều 25, 28, 29, 30, 33, 35, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 46, 50, 51, 52 quy định về truyền hình

Luật Điện ảnh quy định việc phát sóng phim trên sóng truyền hình do Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, giám đốc đài phát thanh và truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định theo quy định của Luật Báo chí và Luật Điện ảnh. Tại thời điểm Quốc hội ban hành Luật Điện ảnh (năm 2006) thì Luật Báo chí quy định Đài Truyền hình Việt Nam và đài phát thanh và truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là cơ quan báo chí, được quyền phát sóng phim trên sóng của mình. Còn lại các đài truyền hình khác (như Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, truyền hình thử nghiệm VOV của Đài Tiếng nói Việt Nam, các đài phát thanh truyền hình của các thành phố thuộc tỉnh) không được quyền sản xuất, nhập khẩu và phát sóng phim trên truyền hình. Năm 2007 Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC đã được cấp giấy phép hoạt động báo chí, truyền hình thử nghiệm VOV của Đài Tiếng nói Việt Nam được phép phát hành thử nghiệm trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Điện ảnh, quy định các đài truyền hình là cơ quan báo chí được quyền sản xuất, nhập khẩu và phát sóng phim là cần thiết.

Do những phát sinh nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh để thực hiện cam kết của Việt Nam khi đã gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới, đáp ứng được nhu cầu thực tế khách quan tạo cơ sở pháp lý thích hợp để xây dựng, phát triển nền điện ảnh dân tộc là rất cần thiết.

Trên đây là những nội dung chủ yếu đánh giá hai năm thi hành Luật Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin báo cáo Quốc hội./





Nơi nhận:

- Như trên;

- Thủ tướng CP, các Phó TTg CP;

- Các Bộ (thành viên BST);



- Lưu: VT, ĐA, Hh (850).

BỘ TRƯỞNG

(đã ký)

Hoàng Tuấn Anh



Каталог: UserControls -> ckfinder -> userfiles -> files
files -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
files -> UỶ ban thưỜng vụ quốc hội ban dân nguyện kỳ HỌp thứ SÁU quốc hội khoá XII
files -> Phụ lục số 1 danh mục các văn bản hưỚng dẫn thi hành pháp luật về giao thôNG
files -> PHỤ LỤC 1 KẾt quả XỬ LÝ ĐƠN, thư CỦa uỷ ban tư pháp từ sau kỳ HỌp thứ SÁU ĐẾn truớc kỳ HỌp thứ BẢy quốc hội khóa XII
files -> Phần I các bộ, ngàNH, CƠ quan thuộc chính phủ trả LỜi cáC Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri
files -> II. Các kiến nghị về chính sách đối với giáo viên
files -> BÁo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo trong giáo dục đại học

tải về 76.49 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương