BỘ VĂn hoá, thể thao và du lịch cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc



tải về 37.46 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích37.46 Kb.
#8881

BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH




CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM


Độc lập – Tự do – Hạnh phúc




Số: 1544 /BVH TT DL – QTG

V/v: thực hiện nghĩa vụ xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu QTG, chủ sở hữu QLQ.


Hà Nội, ngày 28 tháng 4 năm 2008


Kính gửi: - Các nhà hát, các đoàn nghệ thuật, các đơn vị biểu diễn nghệ thuật trên toàn quốc;



  • Các Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình;

  • Các Tổ chức phát sóng.

Luật Sở hữu trí tuệ đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2006, Nghị định số100/2006/NĐ-CP ngày 21.9.2006 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan đã có hiệu lực thi hành từ ngày 17.10.2006 (NĐ 100).

Để thực hiện các qui định pháp luật về quyền tác giả (QTG), quyền liên quan (QLQ) trong các lĩnh vực nói chung, và trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn sân khấu nói riêng, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể QTG,QLQ, thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết quốc tế về QTG, QLQ sau khi Việt Nam gia nhập WTO, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch lưu ý các nhà hát, các đoàn nghệ thuật, các đơn vị biểu diễn nghệ thuật trên toàn quốc trong việc thực thi các qui định pháp luật QTG, QLQ như sau:

1. Về quyền của các nhà hát, đoàn nghệ thuật, đơn vị biểu diễn, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng

1.1. Quyền tác giả đối với tác phẩm sân khấu ( Điều 21 Luật Sở hữu trí tuệ)

Người làm công việc đạo diễn, biên kịch, biên đạo múa, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật sân khấu, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo và các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm sân khấu được hưởng các quyền quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ và các quyền khác theo thoả thuận tại hợp đồng.

Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật để dàn dựng tác phẩm sân khấu là chủ sở hữu các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 và Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ. Các tổ chức, cá nhân này có nghĩa vụ trả tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác theo thoả thuận tại hợp đồng với những người đã góp phần sáng tạo nên tác phẩm sân khấu nêu trên.

Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất để dàn dựng tác phẩm sân khấu có thể thoả thuận về việc thực hiện các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 và Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ và các nghĩa vụ quy định tại Khoản 3 Điều 21 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Công bố cuộc biểu diễn đã định hình hoặc bản ghi âm, ghi hình là việc đưa các bản sao của cuộc biểu diễn đã được định hình hoặc bản ghi âm, ghi hình tới công chúng với sự đồng ý của chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định tại Điều 4 NĐ 100.

Các đồng tác giả góp phần sáng tạo ra tác phẩm sân khấu, nếu có phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập mà không làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác thì có các quyền quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật Sở hũu trí tuệ đối với phần riêng biệt đó trừ trường hợp có thoả thuận tại hợp đồng với nhà đầu tư tài chính.

1.2. Quyền của người biểu diễn:

Trong trường hợp người biểu diễn đồng thời là chủ đầu tư cho cuộc biểu diễn thì người biểu diễn có các quyền nhân thân và các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn đó; trường hợp người biểu diễn không đồng thời là chủ đầu tư cho cuộc biểu diễn thì người biểu diễn đó có các quyền nhân thân và chủ đầu tư có các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn theo quy định tại Điều 29 Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 31 NĐ 100.

Cuộc biểu diễn được bảo hộ theo qui định tại khoản 1 Điều 17 Luật Sở hữu trí tuệ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Cuộc biểu diễn do công dân Việt Nam thực hiện tại Việt Nam hoặc nước ngoài; Cuộc biểu diễn do người nước ngoài thực hiện tại Việt Nam; Cuộc biểu diễn được định hình trên bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ theo quy định tại Điều 30 của Luật Sở hữu trí tuệ; Cuộc biểu diễn chưa được định hình trên bản ghi âm, ghi hình mà đã phát sóng được bảo hộ theo quy định tại Điều 31 của Luật Sở hữu trí tuệ; Cuộc biểu diễn được bảo hộ theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

1.3. Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình:

Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện quyền sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình của mình; Phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao bản ghi âm, ghi hình của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được; Được hưởng quyền lợi vật chất khi bản ghi âm, ghi hình của mình được phân phối đến công chúng theo quy định tại Điều 30 Luật Sở hữu trí tuệ.

Bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ theo quy định tại khoản 2 điều 17 Luật Sở hữu trí tuệ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Bản ghi âm, ghi hình của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có quốc tịch Việt Nam; Bản ghi âm, ghi hình của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Các nhà hát, đoàn nghệ thuật và người biểu diễn thực hiện các hoạt động sản xuất bản ghi âm, ghi hình các chương trình biểu diễn do mình đầu tư được hưởng các quyền nêu trên của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình.

1.4. Quyền của tổ chức phát sóng:

Tổ chức phát sóng có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền: phát sóng, tái phát sóng, phân phối đến công chúng, định hình, sao chép bản định hình chương trình phát sóng của mình; được hưởng quyền lợi vật chất khi chương trình phát sóng của mình được ghi âm, ghi hình, phân phối đến công chúng theo quy định tại Điều 31 Luật Sở hữu trí tuệ.

Chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá được bảo hộ theo quy định tại khoản 3 điều 17 Luật Sở hữu trí tuệ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá của tổ chức phát sóng có quốc tịch Việt Nam; Chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá của tổ chức phát sóng được bảo hộ theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố, sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố nhằm mục đích thương mại để thực hiện chương trình phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của Chính phủ được quy định tại điều 26 và 33 Luật Sở hữu trí tuệ nay thay bằng quy định tại Nghị quyết số 71/2006/QH11 của Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định Thành lập tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của nước Công hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ( NQ71): “Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố để thực hiện chương trình phát sóng không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan”.

Việc sử dụng nêu trên không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và không gây phương hại đến quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.

1.5. Cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá chỉ được bảo hộ theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 Luật Sở hữu trí tuệ với điều kiện không gây ph­ương hại đến quyền tác giả.

Các nhà hát, đoàn nghệ thuật, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có các quyền như đã đề cập tại mục 1.1, 1.2, 1.3 văn bản này có quyền cho phép hoặc không cho phép các tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình để phát sóng, trừ các quy định tại Điều 26, 33 Luật Sở hữu trí tuệ.

2. Nghĩa vụ của các nhà hát, các đoàn nghệ thuật, các đơn vị biểu diễn nghệ thuật, người biểu diễn khi sử dụng tác phẩm thuộc quyền tác giả, bản ghi âm, ghi hình thuộc quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình

2.1. Các nhà hát, đoàn nghệ thuật, đơn vị biểu diễn nghệ thuật, người biểu diễn khi sử dụng tác phẩm thuộc quyền tác giả, các bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng thuộc các quyền liên quan để xây dựng tác phẩm sân khấu phải thực hiện nghĩa vụ xin phép và trả nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, Điều 23 NĐ 100. Mức trả được áp dụng theo Nghị định số 61/2002/NĐ-CP ngày 11.6.2002 của Chính phủ về Chế độ nhuận bút (NĐ 61), và Thông tư Liên tịch số 21/2003/TTLT-BVHTT-BTC ngày 01.7.2003 hướng dẫn việc chi trả chế độ nhuận bút, trích lập và sử dụng quỹ nhuận bút đối với một số loại hình tác phẩm qui định tại Nghị định số 61/2002/ND-CP (TTLT21).

Những trường hợp chưa được quy định cụ thể tại các văn bản nêu trên thì các bên thực hiện theo nguyên tắc thoả thuận được quy định tại Khoản 11 Điều 7 NĐ 61.

2.2. Trường hợp sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao chỉ được thực hiện trong các trường hợp quy định tại Điều 25, 32 Luật Sở hữu trí tuệ, Điều 32 ,33 và 35 NĐ 100.

2.3. Việc sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng thông qua hợp đồng giữa chủ thể quyền và bên sử dụng. Chủ thể quyền ở đây là các tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình và tổ chức phát sóng. Trường hợp các chủ thể quyền đã uỷ thác quyền cho tổ chức đại diện tập thể thì bên sử dụng phải được tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan cho phép thông qua hợp đồng giữa hai bên. [Hiện nay ở Việt Nam có 3 tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan gồm: Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam(VCPMC), Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC), Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam(RIAV)].

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các Nhà hát, đoàn nghệ thuật, các đơn vị biểu diễn nghệ thuật trên toàn quốc thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan mà Việt Nam là thành viên.


Nơi nhận:

- Như trên;



- Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh (để báo cáo);

- Thứ trưởng Lê Tiến Thọ (để báo cáo);

- Cục Nghệ thuật biểu diễn (để phối hợp);

- Sở VHTT các tỉnh, thành phố (để chỉ đạo);

- Các tổ chức đại diện tập thể QTG,QLQ, các hội văn học, nghệ thuật ở Trung ương và địa phương (để biết) ;

- Lưu VT(1); BQTG(2); PKO (350)




KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG


(đã ký)

Trần Chiến Thắng







tải về 37.46 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương