Bộ trưởng Hà Hùng Cường đối thoại trực tiếp với hơn 000 Giám đốc doanh nghiệp



tải về 71.74 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu26.11.2017
Kích71.74 Kb.
#34560

BỘ TƯ PHÁP

VĂN PHÒNG

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


Hà Nội, ngày 25 tháng 9 năm 2015



ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 24/9 ĐẾN SÁNG NGÀY 25/9/2015

Trong ngày 24/9 đến đầu giờ sáng ngày 25/9/2015, một số báo đã có bài phản ánh những thông tin liên quan đến công tác tư pháp như sau:



I- THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP

1. Báo Pháp luật Việt Nam có bài: Bộ trưởng Hà Hùng Cường đối thoại trực tiếp với hơn 1.000 Giám đốc doanh nghiệp. Bài báo đưa tin: Tại Chương trình Vietnam CEO Forum 2015 với chủ đề: “CEO 3.0 - Khởi đầu sứ mệnh - Tư duy 90 hay 600?” do Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM phối hợp với các Câu lạc bộ doanh nghiệp tổ chức, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cùng hơn 20 diễn giả và hơn 1.000 CEO trong và ngoài nước tham dự đã cùng thảo luận các chủ đề “nóng” về việc Việt Nam chính thức gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm nay và sẽ tham gia TPP trong tương lai gần. 

Trong bài phát biểu dẫn đề tại Chương trình VIETNAM CEO FORUM 2015, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh: Quá trình hội nhập buộc chúng ta phải chấp nhận những luật lệ mới và những thách thức mới. Thực tiễn thời gian qua đã chứng minh: hội nhập quốc tế giúp chúng ta đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia. Điều này đã được cả thế giới, đặc biệt là Liên Hợp quốc, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thừa nhận. 

Theo Bộ trưởng, giải pháp quan trọng nhất để đảm bảo thành công trong hội nhập là tăng cường, nâng cao năng lực cạnh tranh, bao gồm cả 3 nhóm: (i) năng lực cạnh tranh của quốc gia; (ii) năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của sản phẩm; và (iii) năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực. 

Việc tăng cường, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ thúc đẩy, hỗ trợ tích cực cho việc tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực và ngược lại. Để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì cần phải hoàn thiện thể chế, cải cách pháp luật, cải cách tư pháp và tổ chức tốt việc thi hành pháp luật phù hợp với nhu cầu nội tại của đất nước cũng như các cam kết quốc tế. Điều này cần được thực hiện dựa trên 3 trụ cột: (i) kinh tế thị trường, (ii) Nhà nước pháp quyền, và (iii) phát huy dân chủ xã hội.

2. Báo Người Tiêu dùng có bài: Quyết định thi hành án bị hủy, hợp đồng mua bán tài sản vẫn có hiệu lực?. Bài báo phản ánh: Liên quan đến loạt bài vụ “ém nhẹm” bản án, ngày 15/9/2014, báo Dân trí có bài viết “Tòa đẩy người dân vào nguy cơ “màn trời chiếu đất”, đề cập đến việc Tòa án nhân dân (TAND) huyện Đức Phổ xét xử vụ án thương mại giữa gia đình ông Nguyễn Văn Út (thôn Tập An Nam, xã Phổ Văn, huyện Đức Phổ) với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Được TAND huyện Đức Phổ tuyên xử bản án sơ thẩm ngày 26/3/2013 và “quên” tống đạt bản án cho gia đình ông Nguyễn Văn Út; đến ngày 30/5/2014, Chấp hành viên thuộc Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đức Phổ ra thông báo số 375/TB-CCTHA về kết quả bán đấu giá tài sản quyền sử dụng đất 502m2 (diện tích đất nằm giáp mặt đường Quốc lộ 1A tại trung tâm huyện Đức Phổ), với giá hơn 1,1 tỷ đồng. Vào ngày 30/7/2014, Chi cục thi hành án dân sự huyện Đức Phổ tổ chức cưỡng chế nhưng bất thành.

Sau loạt bài trên báo Dân trí, mãi đến ngày 15/12/2014, TAND huyện Đức Phổ mới tống đạt bản án chính thức và có hiệu lực pháp luật, sau đó ông Nguyễn Văn Út làm đơn kháng cáo. Đến ngày 15/4/2015, TAND tỉnh Quảng Ngãi xét xử phiên phúc thẩm và tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND huyện Đức Phổ. Với cơ sở này, bản án sơ thẩm của TAND huyện Đức Phổ chưa có hiệu lực pháp luật để thi hành án.

Khoảng 1 tuần sau đó (23/4/2015), Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đức Phổ ban hành 6 Quyết định thu hồi về thi hành án (số 08, 09, 10, 11,12 và 13). Trong đó, có Quyết định số 12 về thu hồi toàn bộ Quyết định giao tài sản cho người mua tài sản bán đấu giá (Hợp đồng số 21-2014/HĐMB-QN ngày 13/5/2014).

Tại công văn số 573/CCTHA ngày 24/8/2015, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đức Phổ gửi Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá số 21-2014/HĐMB-QN vẫn có hiệu lực pháp luật và tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của ông Trần Văn Hải (nhưng chưa giao được tài sản bán đấu giá thành).

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Quang Nam – Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Đây là vụ việc rất phức tạp, với những tình tiết có sự sai sót của đơn vị TAND huyện Đức Phổ khi đóng dấu bản án có hiệu lực. Sau thời điểm đơn vị thi hành án can thiệp, rồi tiến hành tổ chức cưỡng chế nhưng bất thành. Khi xác định sai phạm, TAND huyện Đức Phổ mới tống đạt bản án và chính thức có hiệu lực sau hơn 20 tháng xét xử. Qua tham mưu ý kiến của cấp trên, Tổng cục Thi hành án dân sự xác nhận Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá còn có hiệu lực đến nay. Mặc dù vậy nhưng chúng tôi không thể giao tài sản cho người mua, vì đã hủy Quyết định giao tài sản thi hành án... ”. Đồng thời, Tổng cục Thi hành án dân sự đề nghị Tòa án có thẩm quyền khẩn trương đưa vụ việc ra xét xử và đưa người mua trúng đấu giá tài sản tham gia tố tụng với vai trò là người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan khi xét xử vụ việc theo trình tự luật định.

Về vấn đề này, Văn phòng Bộ đề xuất Tổng cục Thi hành án dân sự theo dõi, kiểm tra thông tin, chỉ đạo xử lý đúng pháp luật.

3. Báo Pháp luật Việt Nam có bài: Triển khai thực hiện Điều lệ Liên đoàn Luật sư: Nhiều quy định vẫn “vướng”. Bài báo phản ánh: Tại Hội thảo triển khai thực hiện Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức sáng qua (24/9) tại Hà Nội, bên cạnh những thắc mắc liên quan đến các mức phí, nhiều đại biểu cũng bày tỏ lo lắng khi Điều lệ Liên đoàn luật sư đã có hiệu lực mà Nội quy hoạt động của các Đoàn luật sư vẫn chưa được ban hành.

Cho rằng quy định về khung phí tập sự hành nghề luật sư 1 triệu đồng/người là bất hợp lý, luật sư Phùng Khắc Lợi (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hải Phòng) lý giải: “Thời gian tập sự hành nghề luật sư là 12 tháng, nếu chỉ thu 1 triệu đồng thì e rằng quá thấp. Số tiền này sẽ không đủ chi phí cho giấy, bút, điện, nước”. 

Đồng tình với quan điểm trên, một số ý kiến đề nghị nên tăng mức phí tập sự hành nghề luật sư, nhưng cũng có đại biểu thì cho rằng phí tập sự nên tùy thuộc vào tình hình cụ thể của từng Đoàn, bởi hiện nay có rất nhiều Đoàn luật sư không thu phí tập sự. 

Đối với phí thành viên (gồm phí thành viên Liên đoàn và phí thành viên Đoàn luật sư), khá nhiều luật sư đề nghị chỉ nên quy định phần “cứng” trích nộp về Liên đoàn (quy định hiện nay là 60.000 đồng/người/tháng), còn phí thành viên Đoàn luật sư thì các Đoàn căn cứ vào mức thu nhập chung của luật sư trong Đoàn để ấn định chứ không nên quy định một con số cụ thể. 

Nội quy của Đoàn Luật sư có hiệu lực trong 5 năm (theo nhiệm kỳ của Đại hội luật sư).Tuy nhiên, từ ngày 28/8/2015, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt và chính thức có hiệu lực, cũng từ thời gian đó đến nay, các Đoàn Luật sư chưa có Nội quy để hoạt động (do chưa tổ chức được Đại hội luật sư để thông qua Nội quy Đoàn luật sư). 

Như vậy có nghĩa là trong thời gian qua chúng ta đang vi phạm pháp luật? Từ nay đến khi có bản Nội quy mới thì các Đoàn luật sư hoạt động bằng cái gì? Phải chăng vì Điều lệ cũ đã hết hiệu lực nên chúng ta vẫn phải áp dụng bản Nội quy cũ? Nếu chưa có Nội quy thì căn cứ vào đâu để thu các khoản tiền, trong khi hầu hết các đơn khiếu nại đều phát sinh từ tiền?”- Luật sư Trần Văn An - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang thắc mắc. Bên cạnh việc đồng tình với Luật sư An, Luật sư Lê Cao Long (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh) còn đề xuất Liên đoàn Luật sư nên thành lập một Tiểu ban xây dựng bản Nội quy mẫu để định hướng cho các Đoàn  luật sư ban hành Nội quy thống nhất.

Về vấn đề này, Văn phòng Bộ đề xuất Cục Bổ trợ tư pháp theo dõi.

4. Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh có bài: Sửa luật để ‘xử’ tham nhũng hiệu quả. Bài báo phản ánh: Quy định biện pháp điều tra đặc biệt, quyền miễn trừ cho thẩm phán… là đề xuất trong hội thảo bàn về việc hoàn thiện BLTTHS nhằm phát hiện, xử lý hiệu quả tội phạm tham nhũng do Ban Nội chính Trung ương phối hợp cùng Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc tổ chức.

Kiến nghị đáng chú ý đầu tiên được nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ nêu ra là cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc phát hiện, báo tin về tội phạm tham nhũng cho cơ quan chức năng. Muốn làm được như vậy, ngoài “trách nhiệm chính trị” thì phải quy định chế tài hình sự, hành chính, kỷ luật đối với người có trách nhiệm trong cơ quan, tổ chức.

Một kiến nghị đáng chú ý khác của ông Trần Văn Độ là quy định các biện pháp điều tra đặc biệt như ghi âm, ghi hình bí mật, kiểm soát tài khoản thư điện tử… để áp dụng trong phát hiện, điều tra tội phạm tham nhũng, xâm phạm an ninh quốc gia và một số tội phạm khác.

Đồng tình nhưng Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ Nguyễn Tuấn Anh góp ý: Không nên quy định đương nhiên áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt khi thuộc một trong các trường hợp mà dự thảo BLTTHS (sửa đổi) đã đề xuất. Thay vào đó nên căn cứ vào tính chất, mức độ sai phạm, tình tiết thực tế... của vụ việc.

Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết hiện vẫn đang diễn ra tranh luận là có nên luật hóa các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt hay không. Nếu luật hóa thì đến cỡ nào, thẩm quyền áp dụng ra sao để tránh lạm dụng tràn lan, vi phạm quyền công dân, nhất là vi phạm bí mật đời tư. Dự thảo BLTTHS (sửa đổi) mới nhất đã đưa ra ba biện pháp là ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật và thu thập bí mật dữ liệu điện tử; đề xuất về giai đoạn thực hiện biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt từ khi khởi tố vụ án.

Cũng liên quan đến đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm tăng cường phát hiện và xử lý hiệu quả tội phạm tham nhũng, ông Nguyễn Tuấn Anh kiến nghị quy định quyền miễn trừ (đặc quyền tư pháp) đối với một số chức danh tư pháp. Theo đó, các chức danh tư pháp này sẽ được miễn trừ trách nhiệm với quan điểm, quyết định đưa ra khi giải quyết án, trừ trường hợp cố ý vi phạm. Việc này sẽ bảo đảm tính khách quan, độc lập trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án.

Theo ông Tuấn Anh, trước mắt có thể quy định quyền miễn trừ của thẩm phán, chủ tọa phiên tòa và cụ thể hóa vào các quy định về quyền hạn của họ trong hoạt động xét xử. “Tuy nhiên, cũng cần quy định rõ và cụ thể các trường hợp không áp dụng quyền miễn trừ, kèm theo những ràng buộc về thẩm quyền, trình tự, thủ tục một cách chặt chẽ, công khai, minh bạch” - ông Tuấn Anh lưu ý.

Về vấn đề này, Văn phòng đề xuất Vụ Pháp luật hình sự - hành chính theo dõi.

II- PHẢN HỒI CHÍNH SÁCH

1. Báo Tuổi trẻ Online có bài: Hàng chục ngàn tiểu thương “lên ruột” vì cách tính thuế mới. Bài báo phản ánh: Hàng chục ngàn hộ kinh doanh đang ngồi trên lửa sau khi được các chi cục thuế phổ biến cách tính thuế mới áp dụng từ ngày 1-1-2016. Theo đó, ngoài số thuế khoán hằng tháng như hiện nay, họ sẽ phải nộp thêm thuế với tỉ lệ 1,5% trên doanh thu nếu xuất hóa đơn. Đây là một điều khoản trong thông tư 92 được Bộ Tài chính ban hành. Chính sách thuế mới này sẽ ảnh hưởng đến khoảng 54.000 hộ khoán có sử dụng hóa đơn trên địa bàn TP.HCM.

“Theo tôi, nếu hộ kinh doanh không thể lên doanh nghiệp được, phải xem xét lại mức khoán cho phù hợp với cách tính mới chứ nếu lấy mức khoán năm nay mà phiên ngang sang năm sau thì e rằng không phù hợp. Chúng tôi đã có ý kiến lên Cục Thuế TP.HCM để nơi này có kiến nghị lên cấp trên” - lãnh đạo một chi cục thuế nói.

Theo vị lãnh đạo này, các hộ kinh doanh người Hoa rất ngại lên doanh nghiệp vì không rành chữ nghĩa, pháp luật. Hơn nữa họ kinh doanh trong những lĩnh vực ít sử dụng hóa đơn vì thường là bán cho người tiêu dùng cuối cùng. Chưa kể họ muốn thuế giống như một khoản chi phí, mỗi tháng chỉ đóng gọn một khoản còn lại là lợi nhuận, pháp lý được giảm thiểu vì tất cả đã khoán.

Về vấn đề này, Văn phòng đề xuất Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế theo dõi.

2. Báo Đất Việt có bài: Cấm phá thai trên 12 tuần: Nên tôn trọng phụ nữ. Bài báo phản ánh: Vừa qua, Dự thảo Luật Dân số của Tổng Cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình đề xuất “cấm phá thai trên 12 tuần tuổi, trừ các trường hợp đặc biệt như: Có thai do bị hiếp dâm, loạn luân, người chưa thành niên, chưa kết hôn, có bằng chứng về dị tật thai nhi. Có ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật Dân số lần này có xu hướng “siết chặt điều kiện nạo phá thai” nhưng cũng có ý kiến đồng tình bởi phá thai sau 12 tuần rất nguy hiểm cho thai phụ.

Nên quy định các điều kiện được phép phá thai trên cơ sở tôn trọng nhu cầu của phụ nữ, không nên đưa ra các quy định cứng.

Về vấn đề này, Văn phòng đề xuất Vụ Pháp luật hình sự - hành chính theo dõi.

3. Báo Thanh niên Online có bài: Học phí đại học sẽ tăng mạnh. Bài báo phản ánh: Bộ GD-ĐT vừa trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo về mức trần học phí mới các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn từ 2015 - 2016 đến 2020 - 2021.

Theo dự thảo này, mức trần học phí trình độ đào tạo ĐH tại trường công lập đại trà (không tự chủ tài chính) vẫn tính theo 3 nhóm ngành nghề đào tạo như quy định trước đây gồm: khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông, lâm, thủy sản; khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch; y dược.

Mức tăng học phí giai đoạn mới của tất cả các nhóm ngành nghề đều ở mức 10%/năm tính từ mức trần học phí năm học 2014 - 2015. Theo đại diện Bộ GD-ĐT, trước đây học phí các năm và theo từng nhóm ngành nghề có mức tăng khác nhau, trung bình khoảng 20%. Với nguyên tắc tăng học phí này, nếu Chính phủ thông qua, học phí trình độ ĐH tại trường công lập năm học 2015 - 2016 sẽ dao động từ 605.000 - 880.000 đồng/tháng tùy nhóm ngành nghề. Với mỗi năm học kéo dài 10 tháng, mỗi sinh viên sẽ đóng từ trên 6 - 8,8 triệu đồng/năm. Trong đó, riêng nhóm ngành y dược, chỉ sau 2 năm nữa sinh viên theo học trình độ ĐH sẽ phải đóng học phí trên 10 triệu đồng/năm. Đến năm học 2020 - 2021, học phí ĐH công lập có thể tăng tới mức trên 9,7 đến trên 14 triệu đồng/năm học.

Tuy nhiên, theo đại diện Bộ, mức tăng này mới chỉ là đề xuất dự thảo Bộ trình lên Chính phủ chờ phê duyệt. Trong khi chờ nghị định mới ban hành, các trường vẫn sẽ thu học phí học kỳ 1 năm học 2015 - 2016 theo mức trần năm học 2014 - 2015 với khoảng 550.000 - 800.000 đồng/tháng (tùy nhóm ngành nghề đào tạo).

III- THÔNG TIN KHÁC

1. Báo Nhân dân điện tử đưa tin: Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Bảo đảm quyền lập Hội theo quy định của pháp luật. Tiếp tục Phiên họp thứ 41, ngày 24-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến về dự án Luật về hội.

Thay mặt Chính phủ trình dự luật, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình khẳng định, quyền lập hội là một trong các quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận. Nhà nước đã tạo điều kiện cho hội hoạt động, phát triển và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp đối với các hội thực hiện nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao. Để thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, Luật về hội được xây dựng nhằm bảo đảm thực hiện quyền lập hội của công dân, phát huy vai trò của hội và tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với hội là cần thiết.

Theo dự thảo Luật, quyền lập hội của công dân, pháp nhân Việt Nam, gồm: Quyền tham gia ban vận động thành lập hội; quyền tham gia thành lập hội; quyền gia nhập hội, quyền tham gia hoạt động của hội, quyền tham gia điều hành hoạt động của hội và quyền ra khỏi hội theo quy định của điều lệ hội. Công dân, pháp nhân Việt Nam thực hiện quyền lập hội theo quy định của luật này và quy định của pháp luật có liên quan. Công dân, pháp nhân Việt Nam thực hiện quyền lập hội không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc; quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Dự thảo Luật cũng quy định công dân, pháp nhân Việt Nam bị hạn chế quyền lập hội trong các trường hợp sau: Vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; cá nhân bị mất quyền công dân hoặc bị hạn chế quyền công dân theo quy định của pháp luật; mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình; đang bị truy cứu trách nhiệm hoặc đang chấp hành các hình phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự; bị kết án nhưng chưa được xóa án tích. Pháp nhân Việt Nam đang trong quá trình xem xét phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, tạm đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật cũng bị hạn chế quyền thành lập hội.

Thảo luận về các nội dung của dự thảo luật, các ý kiến phát biểu nhất trí với những quan điểm, yêu cầu xây dựng dự án luật được nêu trong tờ trình của Chính phủ và cho rằng, những nội dung quy định trong luật, một mặt phải bảo đảm cho công dân thực hiện quyền lập hội của mình, phát huy tính tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm của các hội, nhất là tự chủ về tài chính, hạn chế tối đa sự bao cấp, trông chờ vào sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tránh xu hướng “hành chính hóa” tổ chức và hoạt động của hội, đồng thời bảo đảm sự quản lý của Nhà nước.

2. Báo Đời sống và Pháp luật có bài: Cảnh báo người nước ngoài núp bóng người Việt mua đất ven biển. Bài báo phản ánh: Tại Đà Nẵng, tình trạng người nước ngoài giấu mặt mua đất ven biển đã được nêu ra và cảnh báo tại Hội nghị thành ủy Đà Nẵng lần thứ 24 tổ chức sáng nay 24/9.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài - Nguyên môi trường TP Đà Nẵng cho biết, hiện có tình trạng đáng lưu ý, đó là hoạt động mua bán, chuyển dịch đất đai cho người nước ngoài nổi cộm lên ở các quận ven biển Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà. Việc mua bán do người Việt đứng tên nhưng sau lưng là người nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Bá Sơn, Chánh Thanh tra Đà Nẵng, chuyện này không phải đến bây giờ mới có mà đã xuất hiện từ cách đây 2 - 3 năm. Khi đó, với tư cách Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng, ông đã báo cáo với lãnh đạo thành phố; đồng thời yêu cầu các Phòng Công chứng hạn chế tình trạng này bằng cách “tra vấn” gia cảnh người đứng tên mua như thế thì tiền đâu mà mua miếng đất hàng mấy tỉ bạc. Tuy nhiên cách làm này cũng chỉ được thời gian đầu và hiện nay, việc người nước ngoài giấu mặt mua đất ven biển Đà Nẵng vẫn tiếp tục diễn ra.

3. Báo Điện tử Chính phủ đưa tin: Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 lại tiếp tục giảm 0,21% so với tháng trước. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp CPI giảm.

Nếu so với tháng 12 năm trước, CPI tháng 9 chỉ tăng 0,4%. Tính bình quân 9 tháng năm nay, CPI cũng chỉ tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức tăng thấp nhất của CPI tháng 9 trong 10 năm gần đây. Nguyên nhân giá tiêu dùng vẫn giảm tiếp chủ yếu là do 4/11 nhóm hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn có chỉ số giá giảm mạnh, đó là hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhà ở và vật liệu xây dựng; giao thông; bưu chính viễn thông.

4. Trang Bizlive.vn đưa tin: “Sau 8 năm vào WTO, Việt Nam vẫn chưa được công nhận kinh tế thị trường”. Bài báo phản ánh: Báo cáo giám sát của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhận định sau 8 năm gia nhập WTO, Việt Nam vẫn chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường trong các cuộcđiều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp.

5. Báo VietnamPlus có bài: Mỹ kêu gọi tiến hành vòng đàm phán mới về TPP vào tuần tới. Bài báo phản ánh: Ngày 24/9, giới chức Mỹ thông báo nước này đã kêu gọi tiến hành vòng đàm phán tiếp theo về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào giữa tuần tới nhằm sớm hoàn tất thỏa thuận quan trọng này.

Trong một thông báo, Đại diện Thương mại Mỹ cho biết cuộc đàm phán tiếp theo giữa bộ trưởng thương mại của 12 nước tham gia TPP có thể sẽ diễn ra tại thành phố Atlanta (Mỹ) từ ngày 30/9-1/10 tới.

6. Báo Vietnamnet đưa tin:

- Các nhà chức trách Ảrập Xêút cho biết, ít nhất 717 người tham gia lễ hành hương Hajj đã thiệt mạng trong một vụ giẫm đạp gần thánh địa Hồi giáo Mecca. BBC cho hay, thảm kịch ở Mina còn làm hơn 860 người khác bị thương. Hơn 2 triệu người hành hương đã đổ về đây để ném đá vào các cột đại diện cho quỷ dữ. Đây là thảm kịch đẫm máu nhất xảy ra trong kỳ lễ Haji trong 25 năm qua.

- Trước thông tin Mỹ đem bom B61-12 đến Đức, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moscow "quan ngại sâu sắc". Ngày 24/9, hãng tin Interfax dẫn một nguồn tin giấu tên từ "giới quân sự và ngoại giao" Nga cho biết Moscow đang nghiên cứu chi tiết kế hoạch của Mỹ và có thể đưa tên lửa chiến thuật mang đầu đạn hạt nhân Iskander-M đến tỉnh Kaliningrad - phần lãnh thổ của Nga nằm trên eo biển Baltic, giáp với Litva và Ba Lan là hai nước thành viên của NATO, để đối phó với hành động của Mỹ.

- Chính phủ Hungary đã đặt thông cáo trên hầu hết các trang báo ở Lebanon và Jordan, cảnh báo việc những người di cư có thể sẽ bị bỏ tù nếu nhập cảnh bất hợp pháp.

- Phát biểu tại Berlin hôm 24/9, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết nước bà đón nhận người tị nạn nhưng yêu cầu họ phải hòa nhập vào xã hội Đức, tôn trọng chính phủ và các giá trị của đất nước này, cũng như chịu học tiếng Đức.

- Hải quan Argentina vừa phát hiện 30kg ma túy tẩm vào gạo dưới mác hàng cứu trợ nhân đạo của Liên Hợp Quốc gửi tới châu Phi. 12 nghi phạm người Argentina và Colombia đã bị bắt trong "Chiến dịch Gạo trắng" ở thành phố Rosario, phía bắc thủ đô Buenos Aires.

- Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo giải pháp cho cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu còn rất xa và cách thức giải quyết khủng hoảng sẽ định hình châu Âu trong thời gian dài.

- Reuters đưa tin ngày 24/9, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết nước này sẽ tính tới việc thường xuyên tổ chức các cuộc duyệt binh sau khi tổ chức thành công cuộc duyệt binh hôm 3/9 kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II.

Trên đây là thông tin báo chí trong ngày 24/9 và đầu giờ sáng ngày 25/9/2015, Văn phòng Bộ xin báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, chỉ đạo./.


Nơi nhận:

- Bộ trưởng (để báo cáo);

- Các Thứ trưởng (để báo cáo);

- Lưu: LTQHCC.



VĂN PHÒNG BỘ





Каталог: cacchuyenmuc -> ttdh -> Lists -> DiemTinBaoChi -> Attachments
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 71.74 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương