BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam



tải về 116.85 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích116.85 Kb.
#8063


BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG



CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc



Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2013

BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ

Tình hình thực hiện Chỉ thị số 1474/CT-TTg ngày 24/8/2011

của Thủ tướng Chính phủ


Thực hiện Chỉ thị số 1474/CT-TTg ngày 24/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để chấn chỉnh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo tình hình một năm thực hiện Chỉ thị này như sau:



I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHỈ THỊ 1474/CT-TTg

1. Thực hiện của các Bộ, ngành Trung ương

1.1. Bộ Tài nguyên và Môi trường

Trong năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao với các công việc sau:

a) Về tổ chức chỉ đạo thực hiện Chỉ thị:

- Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 1474/CT-TTg; Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn số 3987/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 28/10/2011 hướng dẫn thực hiện Chỉ thị; Công văn số 1543/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 21/5/2012 và Công văn số 3841/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 11/10/2012 để đôn đốc thực hiện Chỉ thị và hướng dẫn báo cáo định kỳ tình hình thực hiện.

- Đã tổ chức 3 hội nghị với Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố để quán triệt, chỉ đạo thực hiện và đánh giá tình hình, bàn giải pháp thực hiện Chỉ thị 1474/CT-TTg, Nghị quyết số 30/2012/QH13 của Quốc hội khóa XII, ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện nhiều giải pháp cấp bách như: rà soát thống kê các trường hợp chưa cấp Giấy chứng nhận để giao chỉ tiêu thực hiện cho từng huyện, xã và Văn phòng đăng ký các cấp phải thực hiện gắn với việc bố trí đủ kinh phí từ ngân sách cho cấp Giấy chứng nhận; trong 2 năm 2012 và 2013 phải hạn chế đo vẽ bản đồ địa chính để cấp đổi Giấy chứng nhận để ưu tiên dành kinh phí cho thực hiện cấp Giấy chứng nhận lần đầu tại các xã, huyện chưa hoàn thành; sử dụng triệt để các loại bản đồ, sơ đồ hiện có và trích đo địa chính để cấp Giấy chứng nhận mà không chờ đo vẽ bản đồ địa chính; chủ động tổ chức cho người sử dụng đất thực hiện đồng loạt việc kê khai đăng ký, cấp giấy chứng nhận; phối hợp chặt chẽ giữa các cấp xuyện và xã trong việc xét duyệt cấp Giấy chứng nhận để rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận.

- Tổ chức nhiều đoàn công tác tới nhiều tỉnh, thành phố trọng điểm (như Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Thuận, Đăk Lăk, Gia Lai, Hậu Giang, Bạc Liêu và 9 tỉnh thực hiện dự án VLAP) để kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chỉ thị và hướng dẫn giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chỉ thị tại các địa phương.

b) Phối hợp với Bộ Xây dựng thực hiện kiểm tra tình hình cấp Giấy chứng nhận tại 19 dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn giải quyết vướng mắc trong việc cấp Giấy chứng nhận tại các dự án phát triển nhà ở tại 2 thành phố (Công văn số 2470/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 17 tháng 7 năm 2012). Đồng thời, tổ chức thanh tra việc cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà ở tại một số dự án thuộc 2 thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

c) Đã triển khai việc lập Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo mô hình tập trung, thống nhất từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện nhằm xây dựng mô hình quản lý đất đai hiện đại, đáp ứng yêu cầu thông tin đất đai của các ngành, các lĩnh vực và các giao dịch của người sử dụng đất. Dự án đã được Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông góp ý, thẩm định và đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng mô hình cơ sở dữ liệu đất đai cho một huyện làm mẫu tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm cơ sở triển khai trên diện rộng trong những năm tới.

d) Chỉ đạo các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát, điều chỉnh dự án tổng thể về đo đạc cấp Giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; xây dựng kế hoạch thực hiện cho giai đoạn 2012 - 2015; trên cơ sở đó đề xuất phương án hỗ trợ kinh phí thực hiện trong năm 2012 cho các địa phương có khó khăn, đã gửi Bộ Tài chính thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó số tỉnh đề nghị hỗ trợ là 43 tỉnh; tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 1.000 tỷ.

đ) Đã tổ chức 96 lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn về đăng ký đất đai và công nghệ thông tin cho 3.199 cán bộ các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các cấp và cán bộ địa chính cấp xã để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay; trong đó lớp tại thành phố Hà Nội với 140 học viên, các lớp tại tỉnh Phú Thọ và Bình Định có 170 học viên; lớp tại thành phố Cần Thơ 220 học viên và 2 lớp tập huấn về cơ sở dữ liệu địa chính có 120 học viên; ngoài ra còn tổ chức 90 lớp tập huấn cho cán bộ thuộc 9 tỉnh thực hiện dự án VLAP với tổng số 2.379 học viên.

e) Rà soát và đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính (tại Công văn số 587/BTNMT ngày 07/3/2012) sửa đổi 3 loại phí gồm phí đo đạc, lập bản đồ địa chính; phí thẩm định cấp quyền sử dụng đất; phí khai thác sử dụng tài liệu đất đai.

1.2. Bộ Xây dựng

a) Đang rà soát sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2010/TT-BXD hướng dẫn thực hiện Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Nhà ở để hướng dẫn một số nội dung liên quan liên quan đến cấp Giấy chứng nhận đối với căn hộ chung cư.

b) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, hướng dẫn việc cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà ở tại các dự án phát triển nhà ở thuộc thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

1.3. Bộ Tài chính

a) Đã thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mức hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh khó khăn để thực hiện cấp Giấy chứng nhận năm 2012.

b) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát quy định về phí, lệ phí liên quan đến cấp Giấy chứng nhận; hướng dẫn giải quyết vướng mắc trong việc cấp Giấy chứng nhận tại các dự án phát triển nhà ở tại 2 thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

2. Tình hình thực hiện của các địa phương

Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được báo cáo của 62 tỉnh, thành phố về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 1474/CT-TTg, tình hình thực hiện ở các địa phương như sau:



2.1. Tổ chức triển khai thực hiện Chị thị

- Phần lớn các tỉnh, thành phố (53 tỉnh báo cáo) đã có văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện Chỉ thị 1474/CT-TTg ở địa phương; trong đó, có 21 tỉnh, thành phố ban hành chỉ thị của Ủy ban nhân dân để chỉ đạo thực hiện; các địa phương còn lại chỉ có công văn chỉ đạo thực hiện. Có 30 tỉnh có văn bản chỉ đạo thực hiện ngay trong năm 2011, 22 tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện chậm (năm 2012 mới có văn bản), trong đó có 9 tỉnh sau tháng 6/2012 mới có văn bản chỉ đạo gồm Phú Thọ và Điện Biên (tháng 10/2012), các tỉnh Lai Châu, Long An và Sóc Trăng (tháng 9/2012), Tuyên Quang, Cao Bằng, Kiên Giang và Đăk Nông (tháng 7/2012); còn 10 tỉnh chưa có văn bản chỉ đạo thực hiện gồm Hà Giang, Sơn La, Hải Phòng, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kon Tum, Đồng Nai, Vĩnh Long, An Giang.

- Trong quá trình triển khai, có nhiều tỉnh, thành phố đã nhận thức rõ trách nhiệm và tầm quan trọng của việc thực hiện Chỉ thị số 1474/CT-TTg, tính cấp bách phải hoàn thành cấp Giấy chứng nhận ở địa phương nên đã quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện, bằng nhiều giải pháp có hiệu quả như thành lập Ban chỉ đạo (hoặc tổ công tác liên ngành) ở các cấp tỉnh, huyện để chỉ đạo cấp Giấy chứng nhận; tổ chức hội nghị với các ngành, các cấp để quán triệt và chỉ đạo triển khai; ban hành kế hoạch thực hiện cụ thể; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện; họp giao ban định kỳ giữa các cấp tỉnh, huyện và xã để chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, tạo sự quyết tâm cao trong việc cấp Giấy chứng nhận ở địa phương; điển hình như tại các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Quảng Ngãi, Vĩnh Long, Tiền Giang, Quảng Ninh.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương chưa, tập trung chỉ đạo nên việc triển khai còn chậm, chưa tạo sự chuyển biến rõ rệt trong tổ chức thực hiện ở địa phương, nhất là các tỉnh Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Cạn, Hải Dương, Nam Định, Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Đăk Nông.



2.2. Tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Chỉ thị 1474/CT-TTg

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 1474/CT-TTg, UBND các tỉnh, thành phố phải thực hiện 7 nhiệm vụ và giải pháp cấp bách để đẩy mạnh cấp Giấy chứng nhận gồm: rà soát, thống kê các trường hợp tồn đọng chưa cấp Giấy chứng nhận; ban hành quy định giải quyết những vướng mắc, vi phạm pháp luật ở địa phương; giao chỉ tiêu cấp Giấy chứng nhận cho các cấp huyện, xã phải hoàn thành; rà soát, sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính; kiểm tra, xử phạt các trường hợp sử dụng đất không đăng ký; kiện toàn Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các cấp; bố trí kinh phí để thực hiện cấp Giấy chứng nhận. Tình hình thực hiện từng nhiệm vụ, giải pháp ở các địa phương như sau:



a) Về việc rà soát, thống kê các trường hợp tồn đọng chưa cấp Giấy chứng nhận

Có 45 tỉnh, thành phố báo cáo hoàn thành việc rà soát kết quả và tình hình tồn đọng cấp Giấy chứng nhận. Kết quả rà soát cho thấy số lượng tồn đọng chưa cấp Giấy chứng nhận còn khá lớn, khoảng 5.389.000 thửa đất với tổng diện tích cần cấp Giấy chứng nhận khoảng 2.301.000 ha; trong đó nhiều nhất là Hà Nội (168.000 thửa đất và khoảng 500 nghìn căn hộ); Nghệ An 335.000 thửa, TP. Hồ Chí Minh (311.000 thửa đất và căn hộ), Gia Lai (218.000 thửa), Khánh Hòa (141.000 thửa), Bình Phước (128.000 thửa), Đăk Nông (119.000 thửa), Hải Phòng (104.000 thửa), Bắc Ninh (103.000 thửa), Ninh Bình (101.000 thửa), Quảng Bình (85.000 thửa), Cần Thơ (81.300 thửa).

Kết quả rà soát cũng cho thấy số lượng các trường hợp tồn đọng có nguồn gốc sử dụng đất phức tạp do vi phạm pháp luật đất đai (dưới các hình thức chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng nhà trái phép, lấn chiếm, giao đất trái thẩm quyền) ở nhiều địa phương có khối lượng rất lớn, chiếm tỷ lệ cao, điển hình tại Hà Nội (khoảng 112.000 thửa và phần lớn các dự án nhà ở); các tỉnh phía Bắc và Duyên hải Miền Trung (có khoảng 10.000 đến 20.000 trường hợp mỗi tỉnh).

Đặc biệt, sau khi rà soát lại, số liệu kết quả cấp Giấy chứng nhận của nhiều địa phương thấp hơn số đã báo cáo trước đây do tổng hợp trùng lặp hoặc tổng hợp cả kết quả cấp đổi Giấy chứng nhận, như là các tỉnh Tuyên Quang, Hòa Bình, Bắc Cạn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đăk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Bến Tre.



b) Về việc ban hành các quy định để giải quyết những vướng mắc, vi phạm pháp luật trong sử dụng đất ở địa phương

Để tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp Giấy chứng nhận ở địa phương, trong năm qua, có nhiều tỉnh, thành phố như Hòa Bình, Quảng Ninh, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Bình, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh, Sóc Trăng đã xây dựng và ban hành văn bản quy định giải quyết những trường hợp tồn tại, vi phạm pháp luật đất đai mang tính phổ biến ở địa phương: giao đất trái thẩm quyền, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, lấn chiếm đất công. Một số tỉnh đã ban hành quy định để giải quyết cho từng trường hợp cụ thể. Văn bản ban hành kịp thời phù hợp với thực tế địa phương nên đã có tác động tích cực, điển hình như tỉnh Hà Tĩnh (lần 1 ban hành quy định lần giải quyết đối với 10.000 trường hợp giao đất trái thẩm quyền, lần 2 ban hành quy định lần giải quyết đối với các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất trái phép).

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tỉnh, thành phố việc ban hành văn bản giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong cấp Giấy chứng nhận ở địa phương còn chậm; nhất là các tỉnh, thành phố đang có số lượng rất lớn các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai cần phải giải quyết.

c) Về việc giao chỉ tiêu cấp Giấy chứng nhận cho các cấp huyện, xã phải hoàn thành

Sau khi hoàn thành việc rà soát, thống kê số lượng tồn đọng cấp cấp Giấy chứng nhận, phần lớn các tỉnh, thành phố (37/43 tỉnh) đã thực hiện việc giao chỉ tiêu cấp Giấy chứng nhận cho từng huyện, xã phải thực hiện trong 2 năm 2012-2013; nhiều tỉnh sau khi giao chỉ tiêu thực hiện, đã thường xuyên kiểm tra đôn đốc, báo cáo tình hình thực hiện hàng tháng, quý, điển hình như các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, nhiều tỉnh việc giao chỉ tiêu cấp Giấy chứng nhận chưa cụ thể theo từng năm, từng quý; có tỉnh sau khi giao chỉ tiêu cấp Giấy chứng nhận đã không kiểm tra, đôn đốc, đánh giá tình hình thực hiện, đặc biệt nhiều tỉnh giao chỉ tiêu cấp Giấy chứng nhận không gắn với việc bố trí kinh phí để thực hiện nên kết quả không cao.

d) Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính

Đã có 27 tỉnh, thành phố báo cáo kết quả rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục hành chính; trong đó có nhiều địa phương đã hoàn thành rà soát sửa đổi nhiều nội dung quy định về hồ sơ, trình tự thủ tục, thời gian thực hiện, thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc thực hiện từng loại thủ tục cấp giấy chứng nhận lần đầu và thủ tục đăng ký biến động đất đai, điển hình như các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Trà Vinh và Hậu Giang. Ngoài ra, nhiều tỉnh đã rà soát sửa đổi, bổ sung bộ thủ tục hành chính liên quan đến cấp Giấy chứng nhận của địa phương đã công bố như Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Hòa Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Gia Lai, Tây Ninh, Bình Phước, Cà Mau, v.v...

Tuy nhiên, nhiều tỉnh đã thực hiện rà soát sửa đổi quy định về thủ tục cấp giấy chứng nhận, nhưng việc ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung còn chậm như Lai Châu, Thái Bình, Bình Thuận (quy định cơ chế phối hợp các cơ quan, diện tích tối thiểu được tách thửa), Bạc Liêu (quy định bộ danh mục hồ sơ thủ tục cấp giấy chứng nhận).

đ) Về việc kiện toàn Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các cấp

Có 25 tỉnh, thành phố báo cáo kết quả kiện toàn Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất; trong đó, có 13 tỉnh đã thành lập thêm 45 Văn phòng đăng ký cấp huyện (nâng tổng số huyện cả nước có Văn phòng đăng ký lên 668 huyện, chiếm 96%); có 8 tỉnh báo cáo tuyển dụng thêm 64 cán bộ cho Văn phòng đăng ký cấp tỉnh (nâng số lượng cán bộ bình quân một Văn phòng đăng ký lên 30,6 người, tăng 1 người so năm 2011); có 14 tỉnh báo cáo tuyển dụng thêm 750 cán bộ cho Văn phòng đăng ký cấp huyện (nâng số lượng cán bộ bình quân 1 Văn phòng đăng ký cấp huyện lên 11,2 người, tăng 0,4 người so với năm 2011). Ngoài ra có 4 tỉnh, thành phố đã kiện toàn Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất theo mô hình 1 cấp trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường gồm các tỉnh Hà Nam, Đồng Nai và các thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng.

Tuy nhiên, vẫn còn 19 huyện (chưa kể 4 huyện đảo) chưa thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc 7 tỉnh, gồm Thanh Hóa (7 huyện), Cao Bằng (6 huyện), Hà Nội (3 huyện) và các tỉnh Phú Thọ, Quảng Nam, Kon Tum (1 huyện). Nhiều tỉnh mặc dù khối lượng cấp Giấy chứng nhận, xây dựng hồ sơ địa chính phải thực hiện còn rất lớn, nhưng số lượng cán bộ bình quân một Văn phòng đăng ký hiện có rất thấp so với bình quân chung cả cả nước (bình quân chung của cả nước là 11 cán bộ/Văn phòng) mà không được quan tâm tăng cường, nhất là các tỉnh: Thanh Hóa (2 người), Lào Cai (5 người), Kon Tum (3 người), Lai Châu (3 người), Hà Giang (4 người), Vĩnh Phúc (4 người), Hưng yên (4 người), Bắc Kạn (5 người), Sơn La và Ninh Thuận (5 người), Sóc Trăng (6 người), Quảng Nam (6 người). Điều kiện trụ sở làm việc, kho lưu trữ hồ sơ địa chính và máy móc, thiết bị kỹ thuật phục vụ yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính của các Văn phòng đăng ký, nhất là ở cấp huyện đang rất khó khăn nhưng trong năm qua vẫn chưa được đầu tư, tăng cường.

e) Về việc bố trí kinh phí để thực hiện cấp Giấy chứng nhận

Trong năm 2011, có 42 tỉnh khó khăn được Trung ương hỗ trợ kinh phí 1.200 tỷ đồng để thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính và cấp Giấy chứng nhận. Kinh phí của địa phương phải trích tiền thu từ đất theo quy định là 1.433 tỷ đồng, nhưng thực tế các tỉnh chỉ bố trí được 396 tỷ đồng (bình quân 9,4 tỷ đồng/tỉnh), bằng 16,96% so yêu cầu và bằng 2,2% tổng số tiền sử dụng đất mà các địa phương này thu được; trong đó chỉ có 6 tỉnh bố trí trên 10% tiền sử dụng đất theo đúng Chỉ thị 1474/CT-TTg gồm Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tây Ninh, Cà Mau; các tỉnh còn lại bố trí kinh phí rất thấp so với quy định, trong đó có 6 tỉnh chỉ bố trí dưới 3 tỷ (gồm Lào Cai, Yên Bái, Bắc Cạn, Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum); có 5 tỉnh không bố trí kinh phí (gồm Sơn La, Điện Biên, Quảng Nam, Trà Vinh, Sóc Trăng).

Trong năm 2012, các tỉnh, thành phố chưa báo cáo tình hình đầu tư kinh phí cho công tác cấp giấy chứng nhận. Qua kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại một số địa phương cho thấy, ngoài 9 tỉnh thực hiện dự án VLAP đã bố trí đủ vốn (gồm 70,15 triệu USD vốn vay Ngân hàng Thế giới và 24,5 triệu USD vốn đối ứng của tỉnh); nhiều địa phương khác đã có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân dành 10% tiền sử dụng đất cho công tác cấp Giấy chứng nhận, nhưng thực tế chỉ có một số ít tỉnh tăng đầu tư kinh phí so với năm 2011 (như Bắc Giang 32 tỷ, Hà Giang 23 tỷ, Hà Tĩnh 20 tỷ); nhiều tỉnh, thành phố mặc dù khối lượng tồn đọng cần cấp Giấy chứng nhận còn nhiều, nhưng việc đầu tư kinh phí trong năm 2012 vẫn còn rất hạn chế, điển hình như Điện Biên (1 tỷ), Lai Châu (2 tỷ), Quảng Bình (3,5 tỷ), Sơn La (4,8 tỷ); đặc biệt các thành phố lớn như Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội và Trà Vinh trong nhiều năm qua đã không bố trí kinh phí cho thực hiện cấp Giấy chứng nhận, nên việc đăng ký đồng loạt cho các trường hợp còn tồn đọng ở từng thôn, xã chưa triển khai được mà chủ yếu thực hiện riêng lẻ cho từng trường hợp có nhu cầu.

g) Về việc kiểm tra, xử phạt các trường hợp sử dụng đất không đăng ký

Báo cáo của các tỉnh, thành phố cho thấy, trong năm qua, việc kiểm tra xử phạt đối với các trường hợp sử dụng đất không đăng ký theo quy định tại Nghị định số 105/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đã được nhiều địa phương tổ chức thực hiện, nhất là việc kiểm tra xử phạt đối với các tổ chức sử dụng đất như các tỉnh Hà Tĩnh, Phú Thọ, Kon Tum; các tỉnh Hải Dương, Bình Thuận và TP Hồ Chí Minh tập trung kiểm tra việc cấp giấy chứng nhận tại các dự án phát triển nhà ở; riêng tỉnh Thừa Thiên Huế còn chỉ đạo kiểm tra, xử phạt đối với cả các hộ gia đình, cá nhân không đăng ký. Kết quả kiểm tra xử phạt hành chính các trường hợp không đăng ký đất đai ở các địa phương tuy chưa nhiều, song đã có hiệu quả tích cực, góp phần gia tăng mạnh việc kê khai đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận ở các địa phương.



2.3. Kết quả cấp Giấy chứng nhận

a) Kết quả cấp Giấy chứng nhận trong năm 2012

- Trong năm 2012, cả nước đã cấp giấy chứng nhận lần đầu được 1.782.000 giấy, tăng 1.054.000 giấy (tăng 2,4 lần) so với kết quả của 2 năm 2010-2011; nâng kết quả cấp Giấy chứng nhận lần đầu chung của cả nước lên 33.861.900 giấy, với tổng diện tích 19.255.000 ha. Ngoài ra, trong năm 2012 các địa phương còn cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận được 2.535.000 giấy, tăng 1.592.000 giấy so với kết quả 2 năm 2010-2011.

Các tỉnh cấp được nhiều giấy chứng nhận trong năm 2012 (kể cả cấp đổi giấy), điển hình là: Thừa Thiên Huế 353.000 giấy, Bình Định 331.000 giấy, Bình Dương 275.000 giấy, Long An 233.000 giấy, Lạng Sơn 193.000 giấy, Đồng Nai 179.000 giấy, Quảng Ngãi 163.000 giấy, Hòa Bình 154.000 giấy, Hưng Yên 150.000 giấy, Hà Giang 141.000 giấy, Thái Nguyên 114.000 giấy, Vĩnh Long 107.000 giấy.

Tuy nhiên, còn nhiều địa phương kết quả cấp Giấy chứng nhận trong năm 2012 đạt được còn thấp, nhất là các tỉnh, thành phố (cấp dưới 10.000 giấy) như: Lai Châu, Hải Dương, Thanh Hóa, Cà Mau, Tây Ninh, Hải Phòng, Nam Định; Bắc Cạn, Quảng trị, Điện Biên, Bình Thuận và Kon Tum.



b) Về mức độ hoàn thành cấp Giấy chứng nhận của các địa phương

Cả nước chỉ có 6 tỉnh cơ bản hoàn thành cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho các loại đất chính (đạt từ 85-100 % diện tích) gồm: Bình Dương, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Bạc Liêu; ngoài ra còn nhiều tỉnh đã cơ bản hoàn thành ở hầu hết các loại đất chính như: Lạng Sơn, Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên, Quảng Bình, Đà Nẵng, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang.

Song cũng còn nhiều tỉnh, thành phố có kết quả cấp Giấy chứng nhận ở nhiều loại đất chính còn đạt thấp (dưới 70% diện tích cần cấp), đặc biệt là tỉnh Điện Biên (thấp ở cả 5 loại đất chính); các tỉnh Lai Châu, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Yên Bái, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Đăk Nông (có 4/5 loại đất đạt thấp); các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi (có 3/5 loại đất đạt thấp).

Mức độ hoàn thành một số loại đất chính như sau:

- Về đất ở đô thị: còn 40 tỉnh đạt dưới 85%; trong đó có 17 tỉnh đạt từ 70- 85% và 23 tỉnh đạt thấp dưới 70%; điển hình là các tỉnh: Lai Châu 3,9%, Ninh Thuận 13,6%, Bắc Ninh 40,1%, Khánh Hòa 48,7%, Tuyên Quang 49,4%. Các thành phố lớn mặc dù đạt trên 70% diện tích cần cấp nhưng số lượng tồn đọng chưa cấp Giấy chứng nhận còn nhiều: Hà Nội (112.000 thửa đất và khoảng 500 nghìn căn hộ), thành phố Hồ Chí Minh (311.000 thửa đất và căn hộ chung cư), Hải Phòng (104.000 thửa), Cần Thơ (81.300 thửa).

- Về đất ở nông thôn: còn 37 tỉnh đạt dưới 85%; trong đó có 21 tỉnh đạt từ 70- 85% và 11 tỉnh đạt thấp dưới 70%; điển hình là các tỉnh: Lai Châu 11,8%, Điện Biên 16,5%, Ninh thuận 19,0%.

- Về đất chuyên dùng: còn 50 tỉnh đạt dưới 85%; trong đó có 9 tỉnh đạt từ 70- 85% và 40 tỉnh đạt thấp dưới 70%, điển hình là TP Đà Nẵng 8,7% và các tỉnh Gia Lai 9,7%, Khánh Hòa 15,2%, Kon Tum 16,6%, Bắc Cạn 16,9%, Nam Định 17,3 %, Cao Bằng 17,4%, Tuyên Quang 17,6%, Nghệ An 22,7%, Phú Yên 24%, Hà Nội 25,2%, Hà Giang 30,9%, Tiền Giang 34,3%, Thừa Thiên Huế 35%.

- Về đất sản xuất nông nghiệp: còn 30 tỉnh đạt dưới 85%; trong đó có 15 tỉnh đạt từ 70 đến 85% và 15 tỉnh đạt dưới 70%, điển hình là các tỉnh Lai Châu 22,7%, Yên Bái 33,8%, Quảng Ninh 49,3%, Bắc Cạn 50,4%, Tuyên Quang 54,8%

- Về đất lâm nghiệp: còn 43 tỉnh cấp đạt dưới 85%; trong đó có 13 tỉnh đạt từ 70 đến 85% và 30 tỉnh đạt dưới 70%, điển hình là các tỉnh: Thừa Thiên Huế 9,0%, Quảng Nam 27,4%, Nghệ An 28,9%, Tây Ninh 30,7%, Quảng Ngãi 46,4%, Bắc Cạn 53,0%, Yên Bái 59,4%.

2.4. Về tình hình xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai ở các địa phương

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, trong năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo các địa phương thực hiện việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; ưu tiên tập trung các nguồn lực để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho mỗi tỉnh một huyện để làm mẫu nhằm rút kinh nghiệm trước khi triển khai ra diện rộng.

Đến nay, việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính hiện nay đã được triển khai tại 49 tỉnh, thành phố với tổng số khoảng 90 quận, huyện; trong đó một số tỉnh, huyện đã cơ bản hoàn thành và đã đưa vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả tích cực cho quản lý đất đai, điển hình là tỉnh Đồng Nai (phạm vi toàn tỉnh), An Giang (phạm vi toàn tỉnh), TP. Hồ Chí Minh (8 quận đã cơ bản hoàn thành và 14 quận huyện khác đang triển khai), Vĩnh Long (xong 5 huyện và đã kết nối, vận hành thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã), Long An (3 huyện) và một số địa phương khác như tỉnh Nam Định (thành phố), Hải Phòng (quận Ngô Quyền); tỉnh Thừa Thiên Huế (thành phố), tỉnh Bình Thuận (thành phố); ngoài ra còn có 42 tỉnh khác đã lập xong thiết kế kỹ thuật cho huyện mẫu, trong đó nhiều tỉnh và đang triển khai thực hiện đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính và đăng ký cấp Giấy chứng nhận.

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Mặt được

- Chỉ thị 1474/CT-TTg đã được tổ chức triển khai ở tất cả các địa phương trong cả nước; các giải pháp chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là đúng đắn và kịp thời, phù hợp với điều kiện hiện nay và đã tác động tích cực, tạo sự chuyển biến trong việc cấp Giấy chứng nhận hiện nay ở nhiều địa phương.

- Phần lớn các địa phương đã chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường trong năm 2012 ưu tiên tập trung các nguồn lực, sử dụng mọi tài liệu đo đạc hiện có, nhất là những nơi đã có bản đồ địa chính để thực hiện cấp Giấy chứng nhận lần đầu, gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính.

- Kết quả cấp Giấy chứng nhận của cả nước đạt được trong năm qua đã tăng mạnh, gấp hơn 2 lần so với kết quả thực hiện của cả hai năm 2010 và 2011, Nhiều địa phương đã bước đầu xây dựng được mô hình cơ sở dữ liệu đất đai ở phạm vi cấp huyện được quản lý vận hành sử dụng có hiệu quả trong quản lý đất đai, điển hình là các tỉnh Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long và TP. Hồ Chí Minh.



2. Tồn tại, hạn chế

- Việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 1474/CT-TTg ở nhiều địa phương còn chậm, chưa quyết liệt; các nhiệm vụ và giải pháp của Chỉ thị 1474/CT-TTg chưa được triển khai thực hiện đầy đủ, đồng bộ; nhất là việc xây dựng và ban hành các quy định giải quyết vướng mắc, tồn tại trong cấp Giấy chứng nhận ở nhiều địa phương còn chậm;

- Số lượng tồn đọng cần cấp giấy chứng nhận một số loại đất vẫn còn nhiều, nhất là đất chuyên dùng (còn 37,5%), đất ở đô thị (còn 28,2%); số lượng tỉnh đạt tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận thấp (dưới 70%) ở các loại đất vẫn còn nhiều: đất chuyên dùng còn 41 tỉnh, đất ở đô thị và đất lâm nghiệp (còn 23 tỉnh), đất nông nghiệp (còn 13 tỉnh) và đất ở nông thôn (còn 12 tỉnh); trong đó, tồn đọng nhiều nhất là các tỉnh Tuyên Quang, Điện Biên, Yên Bái, Ninh Thuận, Gia Lai.

- Tình trạng tồn đọng Giấy chứng nhận đã ký nhưng chưa trao cho người sử dụng đất vẫn còn nhiều ở một số địa phương như Bình Định (167.000 giấy), Vĩnh Long (79.000 giấy), Thái Bình (45.000 giấy), Khánh Hòa (44.600 giấy), Hà Nội (22.900 giấy).

- Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất từ Trung ương đến địa phương do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng chưa được phê duyệt để thực hiện. Việc triển khai xây dựng mô hình huyện mẫu về cơ sở dữ liệu đất đai ở nhiều địa phương còn chậm; một số tỉnh đã triển khai và hoàn thành cho nhiều xã nhưng do chưa được đầu tư đồng bộ trang thiết bị công nghệ nên chưa được khai thác sử dụng hiệu quả.

- Thủ tục cấp Giấy chứng nhận ở một số địa phương còn phức tạp, chưa thực hiện đúng quy định; thời gian thực hiện thủ tục ở nhiều nơi, nhiều trường hợp còn kéo dài; tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu trong cấp Giấy chứng nhận vẫn còn tiếp diễn ở một số nơi, gây nhiều bức xúc trong dư luận.



3. Nguyên nhân tồn tại, hạn chế

- Ủy ban nhân dân các cấp ở nhiều địa phương chưa nhận thức đúng tầm quan trọng và sự cần thiết của việc thực hiện Chỉ thị 1474/CT-TTg; thiếu quyết tâm và chưa thật sự vào cuộc để chỉ đạo thực hiện Chỉ thị; một số địa phương chưa có văn bản chỉ đạo thực hiện hoặc chỉ có công văn giao cho cơ quan quản lý đất đai thực hiện mà không giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các cấp thực hiện; không kiểm tra, giám sát, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở địa phương; đây là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng chậm cấp Giấy chứng nhận hiện nay ở các địa phương.

- Sự phối hợp của các ngành, các cấp ở địa phương trong việc xử lý, giải quyết các tồn tại, vi phạm pháp luật đất đai, pháp luật xây dựng còn chưa chặt chẽ, nhất là đối với các vi phạm tại các dự án phát triển nhà ở thuộc các thành phố lớn; các trường hợp giao đất trái thẩm quyền, chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép, chuyển quyền sử dụng đất không làm thủ tục theo quy định.

- Việc đầu tư kinh phí cho thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở địa chính ở các địa phương vẫn còn rất hạn chế so với yêu cầu (trong 4 năm 2008-2011 các tỉnh chỉ bố trí bằng khoảng 2,2% so với tổng số tiền sử dụng đất thu được); năm 2012 vẫn còn nhiều tỉnh không bố trí kinh phí để thực hiện.

- Hệ thống Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, nhất là các Văn phòng đăng ký cấp huyện đang còn rất thiếu cán bộ, trang thiết bị kỹ thuật và các điều kiện làm việc để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

- Nhận thức về pháp luật đất đai và các quy định cấp giấy chứng nhận của cán bộ chuyên môn, cán bộ Lãnh đạo, quản lý ở các cấp ở nhiều địa phương còn hạn chế, dẫn đến thực hiện còn lúng túng, giải quyết không đúng quy định hoặc không dám giải quyết, kéo dài thời gian thực hiện thủ tục, gây phiền hà cho người dân.

- Do khó khăn kinh phí, nhiều địa phương chưa huy động nhân lực ở các cấp để tập trung, chủ động tổ chức thực hiện kê khai đăng ký, cấp Giấy chứng nhận đồng loạt theo từng xã, phường, thị trấn mà vẫn bị động chờ người dân có nhu cầu đến nộp hồ sơ đăng ký, cấp giấy chứng nhận như trước đây.

- Nhiều trường hợp người dân phải thực hiện nghĩa vụ tài chính khi cấp Giấy chứng nhận không thuộc đối tượng được miễn giảm nhưng còn khó khăn chưa có đủ khả năng nộp tiền theo quy định, nhất là các hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn.

- Việc cấp đổi giấy chứng nhận ở nhiều địa phương còn khó khăn, nhất là tại các tỉnh thực hiện Dự án VLAP, do phần lớn các giấy chứng nhận cũ đã cấp đang thế chấp tại các ngân hàng mà chưa đến thời hạn thanh toán nợ; trong đó nhiều trường hợp đã chuyển quyền, chuyển mục đích sử dụng đất (như tại Vĩnh Long có gần 50% tổng số giấy chứng nhận đã cấp có biến động) nhưng chưa làm thủ tục biến động theo quy định, gây rất nhiều khó khăn trong việc xử lý các trường hợp này.

- Nhiều địa phương triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới cùng với việc quy hoặc lại đồng ruộng và thực hiện dồn điền đổi thửa nên phải tạm dừng cấp giấy chứng nhận, song việc dồn điền đổi thửa, quy hoạch lại đồng ruộng ở các địa phương thực hiện còn rất chậm, ảnh hưởng nhiều đến tiến độ cấp Giấy chứng nhận đất nông nghiệp.

- Một số quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến cấp giấy chứng nhận lần đầu chưa hợp lý, chưa khuyến khích người sử dụng đất làm thủ tục đăng ký theo quy định (như quy định thu lệ phí trước bạ 0,5% giá trị; thu 40% tiền sử dụng đất đất ở đối với trường hợp được tổ chức giao đất trái thẩm quyền từ trước ngày 15/10/1993; công nhận diện tích đất vườn, ao trong khu dân cư chỉ được sử dụng có thời hạn 20 năm hoặc 50 năm). Quy định thu tiền sử dụng đất theo giá thực tế trên thị trường đối với đất ở vượt hạn mức (tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị định 120/2010/NĐ-CP) làm cho việc thực hiện thủ tục bị kéo dài và gây nên tình trạng nhũng nhiễu khi xác định nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất. Hơn nữa Nghị định số 45/2011/NĐ-CP quy định cho phép ghi nợ lệ phí trước bạ còn chưa rõ về đối tượng áp dụng (vì dẫn chiếu về Nghị định 120/2010/NĐ-CP chỉ quy định đối với trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất) dẫn đến nhiều địa phương hiểu không khống nhất, còn lúng túng chưa thực hiện, làm giảm hiệu quả của quy định này trong thực tiễn.

Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 83/2007/TT-BTC ngày 16 tháng 7 năm 2007 của Bộ Tài chính quy định các tổ chức, doanh nghiệp nhà nước phải lập phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất gửi Bộ Tài chính hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định trước khi đăng ký quyền sử dụng đất; tuy nhiên, việc sắp xếp lại các cơ sở này thực hiện rất chậm nên các đối tượng này chưa làm thủ tục đăng ký, cấp được Giấy chứng nhận được.

- Một số địa phương (như Hà Nội, Hưng Yên) mặc dù chỉ có một cơ quan công chứng ở mỗi huyện, không thuận tiện và chưa đáp ứng được nhu cầu chứng thực hợp đồng giao dịch về đất đai của người dân ở nông thôn nhưng đã quyết định chuyển giao việc chứng thực hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất mà Ủy ban nhân dân các cấp huyện, xã đang thực hiện sang cơ quan công chứng, dẫn đến người dân không thực hiện công chứng, mua bán trao tay (chiếm trên 90% số trường hợp chuyển quyền) gây khó khăn cho việc cấp Giấy chứng nhận.

- Tình trạng dân di cư tự khai phá đất công để sản xuất nông nghiệp rất phổ biến ở các tỉnh Tây nguyên trong nhiều năm qua chưa được xử lý dứt điểm và chưa điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất nên không có cơ sở cấp giấy chứng nhận.

- Việc sắp xếp, đổi mới các lâm trường quốc doanh thực hiện còn chậm, việc rà soát, xử lý vi phạm pháp luật, giải quyết tranh chấp đất đai của các lâm trường quốc doanh còn nhiều khó khăn, phức tạp, chậm được giải quyết; việc quy hoạch sử dụng đất và giao đất cho các nông, lâm trường quốc doanh chưa được quan tâm, thực hiện đúng quy định.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nhiệm vụ trong năm 2013

Căn cứ Nghị quyết số 30/2012/QH13 của Quốc hội và Chỉ thị 1474/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định nhiệm vụ về cấp Giấy chứng nhận trong năm 2013:

- Tập trung thực hiện việc cấp giấy chứng nhận lần đầu để hoàn thành cơ bản (đạt trên 85% diện tích các loại đất cần cấp giấy chứng nhận) ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước; trong đó trọng tâm là đất chuyên dùng và đất ở.

- Đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo mô hình tập trung, thống nhất từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện để thực hiện mục tiêu hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai; tập trung thực hiện để cơ bản hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho mỗi tỉnh tối thiểu một quận hoặc huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh làm mẫu nhằm rút kinh nghiệm để triển hai diện rộng trong những năm tới.

2. Một số giải pháp

Để hoàn thành nhiệm vụ trên, cần phải thực hiện các giải pháp chủ yếu sau:

2.1. Ủy ban nhân dân các cấp phải xác định việc hoàn thành cấp giấy chứng nhận là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương trong năm 2013, tập trung chỉ đạo để hoàn thành các nhiệm vụ nêu trên.

2.2. Tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 1474/CT-TTg và của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại các Công văn số 3987/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 28/10/2011 và Công văn số 2419/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 13/7/2012; trong đó cần đặc biệt chú trọng:

- Rà soát, thống kê đầy đủ số lượng tồn đọng cấp cấp giấy chứng nhận; giao chỉ tiêu cấp giấy chứng nhận trong năm 2013 cho từng huyện, xã.

- Khẩn trương ban hành quy định giải quyết các vướng mắc, tồn tại trong cấp giấy chứng nhận ở địa phương; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp giấy chứng nhận.

- Trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố xem xét điều chỉnh kinh phí năm 2013 để bố trí đủ kinh phí cho từng huyện, xã; bổ sung nhân lực, tăng cường trang thiết bị, kinh phí cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các cấp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

- Tổ chức cho người dân và các tổ chức sử dụng đất kê khai đăng ký đồng loạt; gắn đo đạc lập bản đồ địa chính với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu.

- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện, phát hiện và xử lý nhanh chóng, kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện không để việc cấp giấy chứng nhận bị ách tắc kéo dài. Tăng cường công tác thanh tra công vụ, phát hiện, xử lý nghiêm minh những tiêu cực của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

c) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người sử dụng đất thực hiện nghiêm các quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong đó có trách nhiệm đăng ký quyền sử dụng đất đối với cơ quan nhà nước.



III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:

1. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp phối hợp chặt chẽ, thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp trên đây, đặc biệt là phải rà soát, điều chỉnh bổ sung đầy đủ kinh phí để phấn đấu cơ bản hoàn thành cấp giấy chứng nhận lần đầu ở địa phương trong năm 2013 theo Nghị quyết số 30/2012/QH13 của Quốc hội; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cơ quan, đơn vị chậm triển khai hoặc triển khai thực hiện không đầy đủ Chỉ thị 1474/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

2. Xem xét phê duyệt Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo mô hình tập trung, thống nhất từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện để triển khai thực hiện; đồng thời bổ sung kinh phí hỗ trợ cho các tỉnh khó khăn để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về cấp giấy chứng nhận trong năm 2013.



3. Chỉ đạo các bộ, ngành

3.1. Bộ Tài chính

- Trình Chính phủ xem xét việc quyết định miễn thu lệ phí trước bạ về đất khi cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở khu vực nông thôn trong 2 năm 2013-2014 để khuyến khích người dân thực hiện đăng ký đất đai.

- Rà soát, đề xuất sửa đổi quy định thu tiền sử dụng đất khi cấp Giấy chứng nhận; hướng dẫn việc xử lý các trường hợp chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở đã xây dựng và bán nhà ở cho người mua nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai để có thể cấp ngay Giấy chứng nhận cho những người mua nhà đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với chủ đầu tư.

- Sửa đổi, bổ sung các quy định về phí, lệ phí; sửa đổi cơ chế tài chính của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để đáp ứng yêu cầu cập nhật thường xuyên các biến động về đất đai và tăng cường cơ sở vật chất của Văn phòng.

3.2. Bộ Xây dựng

Hướng dẫn việc xác định diện tích căn hộ chung cư khi ký hợp đồng mua bán nhà; xử lý các trường hợp xây dựng nhà ở trái phép hoặc xây dựng không đúng giấy phép và trường hợp nhà chung cư mi ni xây dựng không bảo đảm tiêu chuẩn quy định của pháp luật nhà ở hiện hành để tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận đối với các trường hợp này.

3.3. Bộ Tư pháp

Hướng dẫn các địa phương lộ trình chuyển việc chứng thực các hợp đồng giao dịch về đất đai do Ủy ban nhân dân cấp xã đang thực hiện sang cơ quan công chứng thực phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.



3.4. Ngân hàng nhà nước và các tổ chức tín dụng phối hợp và tạo điều kiện cho các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trong việc cấp đổi giấy chứng nhận đối với các trường hợp đang thế chấp tại ngân hàng, nhất là tại 9 tỉnh đang triển khai thực hiện dự án VLAP nhằm hoàn thành Dự án theo cam kết với Ngân hàng Thế giới./.
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG



Каталог: PortalFolders -> ImageUploads -> TNMT
ImageUploads -> Mẫu số 10 Ban hành kèm theo Thông tư số 38/2010/tt-blđtbxh ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội CƠ quan có thẩm quyền công ty
ImageUploads -> CỤc thống kê tp hải phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
ImageUploads -> CỤc thống kê tp hải phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
ImageUploads -> Nghị định của Chính phủ số 107/2004/NĐ-cp ngày 01 tháng 4 năm 2004 quy định số lượng Phó Chủ tịch và cơ cấu thành viên Uỷ ban nhân dân các cấp
ImageUploads -> BỘ XÂy dựng
ImageUploads -> Nghị ĐỊnh của chính phủ SỐ 75/2006/NĐ-cp ngàY 02 tháng 8 NĂM 2006 quy đỊnh chi tiết và HƯỚng dẫn thi hành một số ĐIỀu của luật giáo dụC
ImageUploads -> HỘI ĐỒng nhân dân quận kiến an số: 25 /2006/nq – HĐND­3
TNMT -> TÌnh hìNH, KẾt quả giải quyết tthc tại cơ quan, ĐƠn vị trực tiếP giải quyết tthc
TNMT -> UỶ ban nhân dân thành phố HẢi phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
TNMT -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng số: 08/2008/QĐ-btnmt cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 116.85 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương