BỘ TÀi chính


Điều 62. Thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải xuất khẩu, nhập khẩu



tải về 1.61 Mb.
trang11/20
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích1.61 Mb.
#482
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   20
Điều 62. Thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải xuất khẩu, nhập khẩu.

Thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện như quy định đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thương mại. Ngoài ra do tính đặc thù của loại hình này, một số nội dung được hướng dẫn thêm như sau:

1. Phương tiện vận tải đường thủy, đường hàng không, đường sắt phải làm xong thủ tục hải quan xuất khẩu trước khi làm thủ tục xuất cảnh và làm thủ tục nhập cảnh trước khi làm thủ tục hải quan nhập khẩu.

Trường hợp phương tiện vận tải đã làm thủ tục xuất cảnh, nếu chủ phương tiện ký hợp đồng bán cho đối tác nước ngoài (hợp đồng có quy định cảng giao nhận là cảng ở nước ngoài) thì có văn bản đề nghị làm thủ tục hải quan xuất khẩu, gửi kèm các chứng từ chứng minh phương tiện vận tải đã làm thủ tục xuất cảnh, nếu được Cục trưởng hải quan nơi đã làm thủ tục xuất cảnh chấp nhận thì được miễn kiểm tra thực tế khi làm thủ tục hải quan xuất khẩu. Thủ tục hải quan được thực hiện tại Chi cục hải quan nơi đã làm thủ tục xuất cảnh.

2. Phương tiện vận tải đường bộ hoặc phương tiện khác được các phương tiện khác vận chuyển qua cửa khẩu thì chỉ làm thủ tục hải quan xuất khẩu, nhập khẩu, không phải làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh.

3. Điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu đối với từng loại phương tiện vận tải thực hiện theo các quy định của pháp luật có liên quan.

Chương III

THỦ TỤC THÀNH LẬP, DI CHUYỂN, MỞ RỘNG, THU HẸP ĐỊA ĐIỂM LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN NGOÀI CỬA KHẨU VÀ ĐỊA ĐIỂM KIỂM TRA HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU Ở NỘI ĐỊA; KHO NGOẠI QUAN, KHO BẢO THUẾ

Điều 63. Điều kiện thành lập

1. Đối với địa điểm làm thủ tục hải quan cảng nội địa

a) Đã được quy hoạch trong hệ thống cảng nội địa do Thủ tướng Chính phủ công bố;

b) Phải có diện tích từ 10 ha trở lên;

c) Đảm bảo điều kiện làm việc cho cơ quan hải quan như trụ sở làm việc, nơi kiểm tra hàng hoá, nơi lắp đặt trang thiết bị (cân điện tử, máy soi…), kho chứa tang vật vi phạm;

d) Kho, bãi phải có hàng rào ngăn cách với khu vực xung quanh, được trang bị hệ thống camera, cân điện tử, các thiết bị khác để thông quan hàng hoá nhanh chóng. Hàng hoá ra vào kho, bãi phải được quản lý bằng hệ thống máy tính và được kết nối với hệ thống giám sát của cơ quan hải quan.

2. Đối với địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu:

a) Nằm trong quy hoạch của Bộ Tài chính về hệ thống các địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu;

b) Thuộc địa bàn có các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu phi thuế quan, khu kinh tế đặc biệt khác hoặc địa bàn tập trung nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thường xuyên ổn định;

c) Ở nơi giao thông thuận tiện, phù hợp với việc vận chuyển hàng hoá bằng container;

d) Có diện tích từ 01 ha trở lên;

e) Các điều kiện khác như quy định tại điểm c, điểm d khoản 1 Điều này.

3. Đối với địa điểm kiểm tra tập trung do cơ quan hải quan đầu tư xây dựng hoặc do doanh nghiệp kinh doanh kho bãi đầu tư xây dựng:

a) Vị trí: gắn liền với trụ sở Chi cục hải quan (nếu là địa điểm kiểm tra của 01 Chi cục hải quan) hoặc ở địa bàn có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thường xuyên, giao thông thuận tiện, phù hợp với việc vận chuyển hàng hoá bằng container; cách Chi cục hải quan quản lý không quá 20 km (nếu là địa điểm dùng chung cho nhiều Chi cục hải quan);

b) Về diện tích: Địa điểm kiểm tra của một Chi cục hải quan phải có diện tích tối thiểu là 5.000 m2; địa điểm kiểm tra dùng chung cho nhiều Chi cục hải quan phải có diện tích tối thiểu là 10.000 m2;

c) Về cơ sở vật chất, trang thiết bị:

c.1) Đảm bảo điều kiện làm việc cho cơ quan hải quan như trụ sở làm việc, nơi kiểm tra hàng hoá, nơi lắp đặt trang thiết bị (cân điện tử, máy soi…), kho chứa tang vật vi phạm;

c.2) Kho, bãi phải có hàng rào ngăn cách với khu vực xung quanh, được trang bị hệ thống camera giám sát;

c.3) Hàng hoá ra vào kho, bãi phải được quản lý bằng hệ thống máy tính và được kết nối với cơ quan hải quan.

d) Trường hợp địa điểm do doanh nghiệp đầu tư xây dựng thì doanh nghiệp phải có đăng ký kinh doanh ngành nghề giao nhận vận tải, kinh doanh kho bãi.

4. Đối với địa điểm tập kết, kiểm tra hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu ở biên giới:

a) Trường hợp nằm trong khu kinh tế cửa khẩu

a.1) Doanh nghiệp phải có đăng ký kinh doanh ngành nghề giao nhận vận tải, kinh doanh kho bãi;

a.2) Về diện tích: Phải có diện tích tối thiểu 5.000m2.

a.3) Đảm bảo điều kiện làm việc cho cơ quan hải quan như trụ sở làm việc, nơi kiểm tra hàng hoá, nơi lắp đặt trang thiết bị (cân điện tử, máy soi…), kho chứa tang vật vi phạm;

a.4) Kho, bãi phải có hàng rào ngăn cách với khu vực xung quanh, được trang bị hệ thống camera giám sát;

a.5) Hàng hoá ra vào kho, bãi phải được quản lý bằng hệ thống máy tính và được kết nối với cơ quan hải quan.

b) Trường hợp không nằm trong khu kinh tế cửa khẩu:

Điều kiện thành lập như đối với địa điểm tập kết, kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nằm trong khu kinh tế cửa khẩu. Ngoài ra, địa điểm tập kết, kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nằm ngoài khu kinh tế cửa khẩu phải đáp ứng điều kiện sau:

b.1) Phải gắn liền với khu vực cửa khẩu;

b.2) Được UBND tỉnh, thành phố cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

5. Đối với địa điểm thu gom hàng lẻ ở nội địa (CFS):

a) Doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh ngành nghề giao nhận, vận tải hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh kho bãi;

b) Ở địa bàn có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thường xuyên, giao thông thuận tiện, phù hợp với việc vận chuyển hàng hoá bằng container; cách Chi cục hải quan quản lý không quá 20 km;

c) Đảm bảo điều kiện làm việc cho cơ quan hải quan như trụ sở làm việc, nơi kiểm tra hàng hoá, nơi lắp đặt trang thiết bị kiểm tra hải quan, kho chứa tang vật vi phạm;

d) Kho, bãi phải có diện tích tối thiểu 1.000m2, có hàng rào ngăn cách với khu vực xung quanh, được trang bị hệ thống camera giám sát;

e) Hàng hoá ra vào kho, bãi phải được quản lý bằng hệ thống máy tính và được kết nối với hệ thống giám sát của cơ quan hải quan.

6. Đối với kho ngoại quan

Điều kiện thành lập kho ngoại quan thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Nghị định 154/2005/NĐ-CP, trong đó phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Vị trí thành lập kho ngoại quan

Kho ngoại quan phải được thành lập trong các khu vực theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định 154/2005/NĐ-CP.

b) Diện tích

b.1) Kho ngoại quan phải có diện tích tối thiểu 5.000 m2 (bao gồm nhà kho, bãi và các công trình phụ trợ), trong đó khu vực kho chứa hàng phải có diện tích từ 1.000m2 trở lên.

b.2) Đối với kho chuyên dùng (như: kho lưu giữ vàng, bạc, đá quý; kho chuyên lưu giữ hàng hoá phải bảo quản theo chế độ đặc biệt) diện tích kho ngoại quan có thể nhỏ hơn 5.000 m2 và diện tích kho chứa hàng có thể dưới 1.000m2.

b.3) Đối với bãi ngoại quan chuyên dùng (như: bãi chứa gỗ nguyên liệu, sắt thép,...) phải đạt diện tích tối thiểu 10.000 m2, không yêu cầu diện tích kho.

c) Tường rào ngăn cách với khu vực xung quanh

c.1) Đối với kho ngoại quan nằm trong khu vực cửa khẩu, cảng đã có tường rào ngăn cách biệt lập với khu vực xung quanh và trong phạm vi địa bàn kiểm soát, kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan thì không yêu cầu phải có tường rào.

c.2) Đối với kho ngoại quan nằm ngoài khu vực trên thì bắt buộc phải có tường rào ngăn cách biệt lập với khu vực xung quanh để đảm bảo yêu cầu kiểm soát, kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan.

d) Phần mềm quản lý và camera giám sát:

d.1) Chủ kho ngoại quan phải có hệ thống sổ sách kế toán và máy tính được cài đặt phần mềm theo dõi, quản lý hàng hoá nhập, xuất, lưu giữ, tồn trong kho theo quy định của cơ quan hải quan và được nối mạng với hải quan quản lý kho ngoại quan.

d.2) Kho ngoại quan phải được lắp đặt hệ thống camera giám sát hàng hoá ra, vào và hệ thống có khả năng lưu giữ hình ảnh camera giám sát trong thời hạn 06 tháng để đảm bảo yêu cầu theo dõi, giám sát và truy xuất dữ liệu khi cần thiết của cơ quan hải quan.

7. Kho bảo thuế

Doanh nghiệp đề nghị thành lập kho bảo thuế phải đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm a, b, c khoản 2 Điều 27 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP. Ngoài ra, để đảm bảo yêu cầu giám sát, quản lý hải quan, tại Thông tư này hướng dẫn cụ thể điểm d khoản 2 Điều 27 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP như sau:

a) Doanh nghiệp phải đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 20 Thông tư này.

b) Doanh nghiệp phải có hệ thống sổ kế toán và phần mềm theo dõi, quản lý hàng hoá nhập, xuất, lưu giữ, tồn trong kho.

c) Kho bảo thuế phải nằm trong khu vực cơ sở sản xuất của doanh nghiệp, được lắp đặt hệ thống camera giám sát hàng hoá ra, vào và hệ thống này có khả năng lưu giữ hình ảnh camera giám sát trong thời hạn 06 tháng để đảm bảo yêu cầu theo dõi, giám sát và truy xuất dữ liệu khi cần thiết của cơ quan hải quan.

8. Đối với địa điểm kiểm tra hàng hoá tại chân công trình hoặc kho của công trình, nơi sản xuất

a) Chân công trình hoặc kho của công trình phải là nơi tập kết thiết bị, máy móc, vật tư nhập khẩu để xây dựng nhà máy, công trình, thực hiện dự án đầu tư.

b) Nhà máy, xí nghiệp sản xuất của doanh nghiệp là nơi tập kết hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu riêng về bảo quản, đóng gói, vệ sinh, công nghệ, an toàn, hàng hóa không thể kiểm tra thực tế tại cửa khẩu hoặc địa điểm kiểm tra tập trung.

c) Doanh nghiệp chịu trách nhiệm bố trí mặt bằng, phương tiện phục vụ việc kiểm tra tại chân công trình, nơi sản xuất và chỉ được đưa hàng hóa vào sản xuất, thi công, lắp đặt sau khi đã được cơ quan hải quan xác nhận thông quan.

Điều 64. Hồ sơ thành lập

1. Hồ sơ thành lập địa điểm làm thủ tục hải quan cảng nội địa gồm:

a) Văn bản đề nghị thành lập: 01 bản chính;

b) Văn bản chấp thuận thành lập ICD của Bộ Giao thông vận tải (trừ trường hợp ICD đã được Bộ Giao thông vận tải công bố trong quy hoạch): 01 bản chính;

c) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có ngành nghề giao nhận, vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu và (hoặc) kinh doanh kho bãi: 01 bản chụp;

d) Luận chứng kinh tế, kỹ thuật xây dựng: 01 bản chụp;

đ) Quy chế hoạt động: 01 bản chính.

2. Hồ sơ thành lập địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu gồm:

a) Văn bản đề nghị thành lập: 01 bản chính;

b) Văn bản chấp thuận của Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố nơi đặt địa điểm làm thủ tục hải quan: 01 bản chính;

c) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có ngành nghề giao nhận, vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu và (hoặc) kinh doanh kho bãi: 01 bản chụp;

d) Luận chứng kinh tế, kỹ thuật xây dựng: 01 bản chụp;

đ) Quy chế hoạt động: 01 bản chính.

3. Hồ sơ thành lập địa điểm kiểm tra tập trung:

a) Trường hợp địa điểm kiểm tra tập trung do cơ quan hải quan làm chủ đầu tư:

a.1) Văn bản đề nghị thành lập của Cục Hải quan tỉnh, thành phố: 01 bản chính;

a.2) Sơ đồ quy hoạch mạng lưới giao thông, các khu công nghiệp, kinh tế có liên quan trên địa bàn: 01 bản chụp;

a.3) Luận chứng kinh tế, kỹ thuật xây dựng: nộp 01 bản chụp;

a.4) Quy chế hoạt động: 01 bản chính;

a.5) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp.

b) Trường hợp địa điểm kiểm tra tập trung do doanh nghiệp kinh doanh làm làm chủ đầu tư:

b.1) Văn bản đề nghị thành lập của doanh nghiệp: 01 bản chính;

b.2) Luận chứng kinh tế, kỹ thuật xây dựng: nộp 01 bản chụp;

b.3) Quy chế hoạt động: 01 bản chính;

b.4) Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp: 01 bản chụp;

b.5) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có ngành nghề giao nhận, vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu và (hoặc) kinh doanh kho bãi: nộp 01 bản chụp;

4. Hồ sơ thành lập địa điểm kiểm tra hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu ở biên giới

a) Văn bản đề nghị thành lập của doanh nghiệp: 01 bản chính;

b) Luận chứng kinh tế, kỹ thuật xây dựng: nộp 01 bản chụp;

c) Quy chế hoạt động: 01 bản chính;

d) Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp: 01 bản chụp;

đ) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có ngành nghề giao nhận, vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu và (hoặc) kinh doanh kho bãi: nộp 01 bản chụp;

e) Đối với địa điểm kiểm tra hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu ở biên giới không nằm trong khu kinh tế cửa khẩu, doanh nghiệp phải nộp Giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh, thành phố cấp: 01 bản chụp;

5. Hồ sơ thành lập địa điểm thu gom hàng lẻ (CFS)

a) Văn bản đề nghị thành lập của doanh nghiệp: 01 bản chính;

b) Luận chứng kinh tế, kỹ thuật xây dựng: nộp 01 bản chụp;

c) Quy chế hoạt động: 01 bản chính;

d) Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp: 01 bản chụp;

đ) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có ngành nghề giao nhận, vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu và (hoặc) kinh doanh kho bãi: nộp 01 bản chụp;

6. Hồ sơ thành lập kho ngoại quan

a) Đơn xin thành lập kho ngoại quan (mẫu số 49/TL-KNQ/2013 phụ lục III ban hành kèm Thông tư này);

b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có chức năng kinh doanh kho bãi: 01 bản chụp;

c) Sơ đồ thiết kế khu vực kho, bãi thể hiện rõ đường ranh giới ngăn cách với bên ngoài, vị trí các kho hàng, hệ thống đường vận chuyển nội bộ, hệ thống phòng chống cháy, nổ, bảo vệ, văn phòng kho và nơi làm việc của hải quan (khi cơ quan hải quan có nhu cầu);

d) Chứng từ hợp pháp về quyền sử dụng kho, bãi, kỹ thuật, hạ tầng, phần mềm quản lý, camera giám sát,... kèm sơ đồ thiết kế khu vực kho, bãi ngoại quan nằm trong tổng thể khu vực cửa khẩu, khu công nghiệp.

7. Hồ sơ thành lập kho bảo thuế

a) Đơn xin thành lập kho bảo thuế (mẫu số 50/TL-KBT/2013 phụ lục III ban hành kèm Thông tư này);

b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 01 bản chụp;

c) Sơ đồ thiết kế khu vực kho thể hiện rõ đường ranh giới ngăn cách với bên ngoài, vị trí các kho hàng, hệ thống đường vận chuyển nội bộ, hệ thống phòng chống cháy, nổ, bảo vệ, văn phòng kho;

d) Chứng từ hợp pháp về quyền sử dụng kho, kỹ thuật, hạ tầng, phần mềm quản lý, camera giám sát,...

8. Đối với địa điểm kiểm tra hàng hoá tại chân công trình hoặc kho của công trình, nơi sản xuất: Doanh nghiệp gửi Cục Hải quan tỉnh, thành phố văn bản đề nghị công nhận: 01 bản chính.

Điều 65. Trình tự thành lập

1. Đối với địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng nội địa, địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu (sau đây gọi chung là địa điểm làm thủ tục hải quan):

a. Doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị thành lập đến Cục Hải quan tỉnh/thành phố nơi đặt địa điểm làm thủ tục hải quan.

b. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Hải quan thực hiện:

b.1) Kiểm tra hồ sơ;

b.2) Khảo sát thực tế kho, bãi;

b.3) Đánh giá việc đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định 154/2005/NĐ-CP và hướng dẫn tại khoản 1, khoản 2 Điều 63 Thông tư này; đề xuất ý kiến, báo cáo kèm hồ sơ gửi Tổng cục Hải quan.

c. Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo kèm hồ sơ, Tổng cục Hải quan hoàn thành việc thẩm định, báo cáo kết quả và trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thành lập địa điểm làm thủ tục hải quan theo qui định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 154/2005/NĐ-CP. Trường hợp không đủ điều kiện thành lập thì Bộ Tài chính có văn bản trả lời doanh nghiệp.

2. Đối với địa điểm kiểm tra tập trung; địa điểm tập kết, kiểm tra hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu ở biên giới; địa điểm thu gom hàng lẻ (CFS); kho ngoại quan (sau đây gọi chung là địa điểm):

a) Xin chủ trương thành lập địa điểm

a.1) Doanh nghiệp có nhu cầu thành lập địa điểm có văn bản đề nghị Tổng cục Hải quan (qua Cục Hải quan tỉnh, thành phố), trong đó xác định rõ những nội dung dự kiến gồm: sự cần thiết phải thành lập, vị trí địa điểm dự kiến thành lập, diện tích, các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng,...

a.2) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của doanh nghiệp, Cục Hải quan tỉnh, thành phố kiểm tra hồ sơ, căn cứ tình hình hoạt động của các địa điểm đã được thành lập trên địa bàn, đánh giá sự cần thiết và phù hợp với yêu cầu quản lý, riêng kho ngoại quan nếu đáp ứng yêu cầu giám sát của công chức hải quan thì báo cáo, đề xuất Tổng cục Hải quan.

a.3) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo đề xuất của Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Tổng cục Hải quan có văn bản trả lời và hướng dẫn cụ thể các nội dung cần thực hiện, nếu không đồng ý thì có văn bản trả lời rõ lý do.

b) Ra quyết định thành lập địa điểm

b.1) Sau khi thống nhất chủ trương với Tổng cục Hải quan, doanh nghiệp tiến hành đầu tư xây dựng kho, bãi đáp ứng đủ điều kiện thì lập hồ sơ theo quy định tại Thông tư này gửi Tổng cục Hải quan (qua Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi thành lập địa điểm).

b.2) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của doanh nghiệp, Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện: Kiểm tra hồ sơ; khảo sát, kiểm tra thực tế kho, bãi; đánh giá việc đáp ứng các điều kiện thành lập địa điểm, gửi báo cáo và đề nghị về Tổng cục Hải quan (nếu đáp ứng điều kiện thành lập).

b.3) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Cục Hải quan tỉnh, thành phố kèm hồ sơ thành lập địa điểm kiểm tra, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ra quyết định thành lập địa điểm hoặc có văn bản trả lời nếu doanh nghiệp chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.

3. Đối với địa điểm kiểm tra là chân công trình hoặc kho của công trình, nơi sản xuất; kho bảo thuế

Doanh nghiệp gửi văn bản, kèm hồ sơ đề nghị thành lập đến Cục Hải quan tỉnh, thành phố. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của doanh nghiệp, Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện: kiểm tra hồ sơ, khảo sát thực tế kho, bãi và ra quyết định thành lập, nếu không phù hợp thì có văn bản trả lời doanh nghiệp và nêu rõ lý do.

Điều 66. Chấm dứt, tạm dừng hoạt động

1. Các trường hợp chấm dứt hoạt động

a) Cục Hải quan tỉnh, thành phố có văn bản đề nghị chấm dứt hoạt động của địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng nội địa; địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu; địa điểm kiểm tra tập trung; địa điểm tập kết, kiểm tra hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu ở biên giới; địa điểm thu gom hàng lẻ; kho ngoại quan, kho bảo thuế nếu không đáp ứng các điều kiện về kiểm tra, giám sát hải quan và các điều kiện khác theo quy định tại Điều 63 Thông tư này.

b) Doanh nghiệp có văn bản đề nghị chấm dứt hoạt động;

c) Quá thời hạn 06 tháng kể từ khi có quyết định thành lập nhưng doanh nghiệp không đưa vào hoạt động mà không có lý do chính đáng;

d) Trong 01 năm doanh nghiệp 03 lần vi phạm hành chính về hải quan, bị xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền với mức phạt cho mỗi lần vượt thẩm quyền xử phạt của Chi cục trưởng hải quan.

đ) Đối với kho ngoại quan, kho bảo thuế đã được thành lập trước đây, nhưng đến ngày 31/12/2014 mà không mở rộng diện tích để đáp ứng quy định nêu tại khoản 6, khoản 7 Điều 64 Thông tư này.

2. Thẩm quyền ra quyết định chấm dứt

a) Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố:

a.1) Ra quyết định chấm dứt hoạt động của địa điểm kiểm tra là chân công trình hoặc kho của công trình, nơi sản xuất; kho bảo thuế.

a.2) Kiểm tra, báo cáo, đề xuất Tổng cục Hải quan xem xét chấm dứt hoạt động đối với địa điểm làm thủ tục hải quan cảng nội địa; kho ngoại quan; địa điểm kiểm tra tập trung; địa điểm thu gom hàng lẻ; địa điểm tập kết, kiểm tra hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu ở biên giới.

b) Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan:

b.1. Ra quyết định chấm dứt hoạt động của kho ngoại quan; địa điểm kiểm tra tập trung; địa điểm thu gom hàng lẻ; địa điểm tập kết, kiểm tra hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu ở biên giới.

b.2. Kiểm tra, báo cáo, đề xuất Bộ Tài chính chấm dứt hoạt động đối với địa điểm làm thủ tục hải quan cảng nội địa.

c) Bộ trưởng Bộ Tài chính ra quyết định chấm dứt hoạt động của địa điểm làm thủ tục hải quan cảng nội địa.

3. Tạm dừng hoạt động của các địa điểm:

a) Trường hợp địa điểm không còn hoạt động do không có hàng hóa và doanh nghiệp có văn bản đề nghị thì Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố ra thông báo tạm dừng hoạt động của địa điểm kiểm tra tập trung; địa điểm tập kết, kiểm tra hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu ở biên giới; địa điểm thu gom hàng lẻ; kho ngoại quan; báo cáo, đề xuất Tổng cục Hải quan ra thông báo tạm dừng hoạt động của địa điểm làm thủ tục hải quan cảng nội địa.

b) Thời gian tạm dừng hoạt động không quá 06 tháng kể từ ngày doanh nghiệp có văn bản đề nghị.

c) Trong thời gian tạm dừng hoạt động, các địa điểm trên không chịu sự giám sát của cơ quan hải quan.

d) Sau thời hạn trên, nếu doanh nghiệp có văn bản đề nghị cho phép tiếp tục hoạt động thì Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố kiểm tra điều kiện thành lập và hoạt động của các địa điểm, nếu đáp ứng điều kiện thì có văn bản chấp nhận cho phép hoạt động hoặc báo cáo Tổng cục Hải quan cho phép hoạt động đối với địa điểm làm thủ tục hải quan cảng nội địa. Trường hợp không đáp ứng điều kiện hoặc doanh nghiệp không có văn bản đề nghị thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét việc chấm dứt hoạt động theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 67. Thủ tục di chuyển, mở rộng, thu hẹp địa điểm

1. Doanh nghiệp có nhu cầu thu hẹp hoặc mở rộng diện tích địa điểm đã được Tổng cục Hải quan quyết định thành lập hoặc có nhu cầu di chuyển từ địa điểm đã được Tổng cục Hải quan quyết định thành lập đến địa điểm mới đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 63 Thông tư này thì lập hồ sơ gửi Cục Hải quan tỉnh, thành phố, hồ sơ gồm:

a) Đơn xin di chuyển, mở rộng, thu hẹp;

b) Sơ đồ kho, bãi khu vực di chuyển, mở rộng, thu hẹp;

c) Chứng từ hợp pháp về quyền sử dụng kho, bãi di chuyển, mở rộng.

2. Cục Hải quan tỉnh, thành phố sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp, tiến hành:

a) Kiểm tra hồ sơ;

b) Khảo sát thực tế kho bãi;

c) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố quyết định mở rộng, thu hẹp hoặc di chuyển đối với trường hợp di chuyển đến địa điểm mới cùng nằm trong khu vực đã thành lập hoặc có văn bản trả lời doanh nghiệp đối với trường hợp không đủ điều kiện để di chuyển, mở rộng, thu hẹp.

d) Trường hợp di chuyển địa điểm đã được thành lập đến địa điểm mới nằm ngoài khu vực đã thành lập thì doanh nghiệp có văn bản đề nghị gửi Cục Hải quan tỉnh, thành phố xem xét, báo cáo Tổng cục Hải quan để quyết định di chuyển địa điểm.

3. Riêng các địa điểm theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 63 Thông tư này phải nằm trong quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải hoặc Bộ Tài chính thì việc di chuyển địa điểm phải được Bộ Giao thông vận tải hoặc Bộ Tài chính có văn bản chấp nhận.

Điều 68. Chuyển đổi quyền sở hữu hoặc đổi tên chủ sở hữu

1. Thủ tục chuyển đổi quyền sở hữu địa điểm thực hiện như sau:

a) Chủ địa điểm có công văn đề nghị chuyển đổi chủ sở hữu địa điểm;

b) Chủ mới làm thủ tục chuyển đổi chủ sở hữu địa điểm. Hồ sơ chuyển đổi theo quy định tại Điều 64 Thông tư này;

c) Cục Hải quan tỉnh, thành phố tiếp nhận hồ sơ xin chuyển đổi chủ sở hữu, báo cáo, đề xuất Tổng cục Hải quan quyết định, không phải khảo sát lại thực tế kho, bãi nếu không có sự thay đổi so với thực trạng kho, bãi hiện hành. Trường hợp địa điểm thuộc thẩm quyền thành lập của Bộ trưởng Bộ Tài chính thì Tổng cục Hải quan báo cáo, đề xuất Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét quyết định.

2. Thủ tục đổi tên chủ sở hữu:

a) Chủ sở hữu có công văn đề nghị đổi tên, gửi kèm chứng từ chứng nhận việc thay đổi tên doanh nghiệp đã được cơ quan cấp phép thành lập doanh nghiệp xác nhận.

b) Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận đủ bộ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Hải quan có văn bản công nhận việc thay đổi tên chủ sở hữu trên Quyết định thành lập địa điểm. Trường hợp địa điểm thuộc thẩm quyền thành lập của Bộ trưởng Bộ Tài chính thì Tổng cục Hải quan báo cáo, đề xuất Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét quyết định.



tải về 1.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   20




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương